QUÁN NIỆM
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Thiện Phước

TÔNG THÔNG VÀ THUYẾT THÔNG

(Hay còn gọi là Thiền và Giáo)

Sau khi Phật nhập Niết Bàn, dần dần hình thành xu thế: Người thông kinh thuyết pháp gọi là Pháp Sư, trì luật giảng luật gọi là Luật Sư, đọc kinh kệ với âm giọng ngân nga gọi là Kinh Sư, nghiên cứu A Tỳ Đạt Ma gọi là Luận Sư, tập định học thiền gọi là Thiền Sư, tu trì quán hạnh gọi là Du Già Sư. Nếu lấy hình thái Phật Giáo Trung Quốc thời cổ đại  để nói thì tôi không phải là Thiền Sư, còn lấy hình thái Nhật Bổn ngày nay để xem thì tôi cũng không phải là Thiền Sư. Vấn đề nầy đã được nói rõ trong lời tựa của 2 bộ sách: “Thiền Môn Nghệ Ngữ” và “Thể Nghiệm Về Thiền. Khai Thị Về Thiền”. Tuy nhiên, tôi cũng chủ trì thiền thất, dạy người ngồi tham thiền, nhưng tôi thường bảo các đệ tử, người có duyên thân cận, và người theo tôi học thiền thất rằng: Tôi không phải là Thiền Sư, tôi chỉ hướng dẫn phương pháp để các vị tu hành. Vì có rất ít người đem phương pháp chuẩn xác để dạy người tu hành. Cho nên tôi đành lạm xen vào thôi, cống hiến những cái hiểu biết tầm thường của mình. Chúng tôi đã thông qua kinh nghiệm của tự thân, đem những lời dạy trong kinh giáo của đức Thích Ca đã dạy để làm phương pháp rèn luyện thân tâm, rồi tuần tự đem những phương pháp hợp lý hướng dẫn người có tâm tu học.

THIỀN GIÁO KHÔNG PHÂN CHIA

Trong Thiên Thai Tông vị Tổ thứ 3 là Nam Nhạc Huệ Tư, Tổ thứ 4 là Trí Giả Đại Sư. Tông Hoa Nghiêm Tổ thứ 4 là Thanh Lương Trừng Quán, Tổ thứ 5 là Khuê Phong Tông Mật và cuối đời Minh có các ngài Vân Thê Châu Hoằng… đều được gọi là Thiền sư, quí ngài không chỉ có tu chứng mà lại còn thông kinh giáo. Các vị Thiền sư cuối đời Nhà Minh có sáng tác những bộ ngữ lục và chú thích, tổng cộng có 34 người. Không chỉ là Thiền tông ngữ lục mà lại còn trước tác kinh luật nữa. Các vị thiền sư trước cuối đời nhà Minh ngoài những bộ ngữ lục ra thì ít ai trước tác thứ khác, nhưng đến đầu đời Tống Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ thuộc Tông Pháp Nhãn thì ngoại lệ, ngài trước tác bộ Tông Kính Lục, người học Thiền tông xem tự nhiên có ý vị Thiền tông trong tâm thức, người học Pháp tướng tông xem có ý vị Pháp tướng tông trong tâm thức, người học Thiên Thai, Hoa Nghiêm cũng thấy ý vị Thiên Thai, Hoa Nghiêm ở trong tâm thức. Bốn Đại Sư như: Liên Trì, Tử Bá, Hám Sơn, Ngẫu Ích, thuộc cuối đời nhà Minh đều hành trì và rất chú trọng đến Thiền Giáo Luật, nhân vì Thiền là Phật tâm, Giáo là Phật ngữ, Luật là Phật hạnh. Cả ba nghiệp đều thực hành thì mới được hoàn bị. Từ cuối đời Minh đến nay có rất nhiều vị Thiền sư nổi tiếng, đều chú trọng kinh giáo, xem trọng phương pháp tu hành thiền. Ở trong bộ “Thiền Môn Tu Chứng Chỉ Yếu”, chúng tôi đã chép thêm vào “Thiền Môn Đoạn Luyện Thuyết” do Thiền sư Giới Hiển cuối đời Minh viết. Nhằm để rèn luyện phương pháp tu hành cho thiền giả, khiến cho mọi người có cái nhìn rõ ràng sáng suốt, qua đó cho ta thấy Ngài là một vị thông đạt và rất giỏi Tông Thuyết.

THIỀN GIÁO HỖ TƯƠNG NHAU

Bài tụng Vô Tướng trong Lục Tổ Đàn Kinh chép:

“Thuyết Thông và Tâm Thông.

Như mặt trời ở hư không.”

Bài Chứng Đạo Ca của Thiền sư Vĩnh Minh cũng chép: “Tông cũng thông, Thuyết cũng thông”. Tông là thiền, Thuyết là giáo, như vậy đã thông thiền thì cũng thông giáo. Từ xưa đến nay: “Từ thiền mà hiển xuất giáo, đây là Thuyết Thông; còn mượn giáo để ngộ Tông đây là Tông Thông”. Từ một nhận thức nầy mà suy, như trong quyển 3 kinh Lăng Già chép: “Tất cả Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, có 2 loại thông tướng, nghĩa là Tông Thông và Thuyết Thông”. Nếu như lìa bỏ thiền để tu chứng thì tất cả kinh giáo chỉ là học vấn phổ thông. Ở trong thư viện mà chỉ lo nghiên cứu học vấn thì đó là phổ thông học giả, không phải là người tu hành Phật pháp. Phật pháp cố nhiên là từ cửa ngõ hiểu biết nghĩa lý mà ngộ nhập. Thế nhưng, điều trọng yếu nhất là từ nơi kinh nghiệm tu hành chứng ngộ, giống như Hồ Thích, Lương Thấu Minh, Hùng Thập Lực,… các vị nầy cũng nghiên cứu Phật giáo, viết sách lập thuyết, nhưng họ chưa tu thiền, mà mình lại tiếp nhận lập trường hạn chế của họ, cho nên không có cách nào nhận chân được Phật pháp. Thế thì, vấn đề nầy quá rõ ràng rồi, liễu đạt được Tông Thông, thì nói ra lời chi nhất định sẽ tương ứng với giáo lý, không trái với chân lý của Phật. Giống như Đại Sư Lục Tổ Huệ Năng, ngài không biết chữ, nghe câu kinh Kim Cang mà ngộ, đây là nương vào Giáo mà ngộ Tông. Sau khi ngộ được Tông thì tự nhiên tương ưng nhất trí với kinh giáo. Nếu như những lời ngài nói trái với Phật pháp thì ngài không thể nào trở thành vị Tổ thứ 6 của Thiền Tông Trung Quốc. Sau khi ngài khai ngộ Ấn Tông Pháp Sư giảng kinh Niết Bàn, lúc đáp luận Ấn Tông Pháp Sư than rằng: “Tôi đây giảng kinh giống như ngói gạch, còn nhơn giả luận nghĩa như vàng ròng”. Nếu không thông Tông thì cũng giống như người có tri thức học vấn giảng kinh Phật. Trường hợp nầy Đức Phật thường dạy: “Như đếm bảo vật giùm người, chỉ nói ăn thì không thể no”. Cho nên trong “Tham Đồng Khế” của ngài Thạch Đầu Hi Thiên cũng đề cập đến “Gốc ngọn đều về Tông; Tôn ti dùng lời ấy”. Ngài lại nói: “Nương nhờ cần hiểu Tông, chớ tự lập qui cũ”

MƯỢN GIÁO ĐỂ NGỘ TÔNG

Giáo là Phật ngữ, kinh Lăng Già chép: “Phật ngữ tâm làm Tông”. Tâm ở đây là chỉ cho Phật tâm, tức là biển giác tròn đầy; Ngữ là ngôn giáo; Tâm là biển trí bổn giác. Cho nên nói lấy tâm làm Tông. Thiền tông tự xưng là “Giáo ngoại biệt truyền, lấy tâm ấn tâm, không lập văn tự”. Ý nói chơn tâm là căn bản, ngôn giáo là phương tiện, nếu được tâm pháp căn bản thì bỏ đi phương tiện ngôn giáo. Nhân đây mà sơ Tổ Đạt Ma đem 4 bộ kinh Lăng Già truyền cho Đạo Dục, Huệ Khả và truyền đến ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, đều là lấy kinh Lăng Già làm tâm yếu, lấy kinh Lăng Già để ấn tâm, như tứ Tổ Đạo Tín trong quyển “Nhập Đạo An Tâm Yếu Phương Tiện Môn” cũng chép: “Vì người có căn duyên thuần thục, nói pháp yếu nầy của ta, thì phải y vào kinh Lăng Già, chư Phật tâm là đệ nhất”. Lục Tổ nghe kinh Kim Cang khai ngộ, cũng khuyên người trì tụng kinh Kim Cang, nói rằng: “Nếu muốn vào trong pháp giới thậm thâm và tam muội Bát Nhã thì phải tu Bát Nhã hạnh, trì tụng kinh Kim Cang Bát Nhã thì liền được kiến tánh”. Rất nhiều Thiền sư chủ trương: “Lìa kinh một chữ liền đồng với ma nói”. Có thể thấy Thiền Tông Trung Quốc chủ trương không lập văn tự. Tất cả là vì để dẹp trừ những phân biệt hư vọng, những kiến giải dài dòng, đây tức là nói không nương vào văn tự để làm nền tảng, nhưng cũng dùng văn tự để làm phương tiện. Cho nên hành giả Thiền tông tuy không lập văn tự nhưng lại không lìa bỏ kinh giáo, chủ trương “Mượn giáo để ngộ tông”. Sau khi ngộ rồi thì lại dùng kinh điển để ấn tâm, thiền và giáo cần phải tương ưng, nếu không tương ưng thì liền có vấn đề chính là ma nói mà chẳng  phải là Phật pháp.

NHỮNG KINH NGHIỆM THẦN BÍ KHÔNG PHẢI LÀ THIỀN

Phàm người tu hành rất có thể ở phương diện thân tâm, cũng chính là phương diện tâm lý và sinh lý, hoặc nhiều hoặc ít đều có sự phản ứng. Loại phản ứng nầy vượt hơn thường tình, tương tự như hiện tượng thần kỳ thần bí. Trong viện chuyên tu của cơ đốc giáo ở Tây Phương thời cổ đại, cũng từng xuất hiện giáo phái thần bí. Các học giả hiện đại nghiên cứu kinh nghiệm của họ, phát hiện thấy rằng kinh nghiệm tu Thiền của tông giáo Đông phương có chỗ tương thông.

Hiện tại có một vài người hướng dẫn tu hành, chỉ dùng cái tri kiến và tín niệm riêng mình để giải thích Phật pháp, như thế thì rất có vấn đề. Nhân vì trong quá trình tu hành, cho dù bất kỳ phương pháp nào, đều có thể đạt được một vài kinh nghiệm dị thường, những kinh nghiệm ấy khiến họ tự tin, rồi tiến thêm một bước nữa là đem kinh nghiệm của họ để giải thích Phật pháp. Sáng tạo ra rất nhiều danh từ quái dị. Chúng tôi thường gọi hạng người nầy là “Ngoại đạo gá nương Phật Pháp”.

Ngoài ra có một số người, sau khi nghiên cứu trộm lấy vài tắc Thiền Tông Ngữ Lục, không phải thực nghiệm từ sự gian khổ tu tập thiền định của mình, cũng lười nghiên cứu kinh điển, liền huênh hoang nói rằng: “Trì giới là chấp trước, thuyết ba đời nhân quả quá lan man, tham thiền đốn ngộ thành Phật, học mật chú liền thành Phật ngay tự thân, ngay nơi thân liền có thể thành Phật. Thế thì giảng Tông Thông và Thuyết Thông làm gì cho nhọc”. Hạng người nầy là ngoại đạo đoạn mất chánh kiến không tin nhân quả.

       

KHÔNG MÊ MỜ NHÂN QUẢ

Giềng mối chánh của Phật pháp là ba học: Giới, định, huệ, khuyết một không thể được. Phật pháp rất chú trọng hai nguyên tắc đó là: Tin nhân quả, rõ nhân duyên. Nhân quả thế gian, không tạo ác nghiệp, không đọa ba đường, hành trì ngũ giới thập thiện, được phước báu trời người. Còn nhân quả xuất thế gian là tu vô lậu giới định huệ, đắc quả A La Hán. A La Hán từ nơi tiểu thừa mà hướng đến đại thừa, tiểu thừa là nhân pháp của đại thừa. Nhân pháp của Tam thừa cộng pháp là đại thừa bất cộng pháp; nhân hạnh của Bồ tát hạnh chính là Phật, Phật là quả vị của Bồ tát, ở trong sanh tử hay ra khỏi ba cõi đều không ra ngoài nhân quả. Nếu như học thiền mà cho rằng vượt ra ngoài vòng nhân quả thì không phải là Phật pháp. Đó là ma nói, tự đoạn mất căn lành và còn đoạn căn lành của người khác. Phàm phu tạo nghiệp thọ báo, ở trong nhân quả; người xuất thế lấy việc tu hành làm nhân, lấy chứng ngộ làm quả, là cũng ở trong vòng nhân qua. Nếu như, chủ trương không rơi vào nhân quả thì đó chính là chồn rừng, tà thiền.

Trong lúc nhập thiền thất, tôi cũng giảng: Buông xả tất cả, không có khai ngộ, không có Phật, nhân vì Tổ Sư Lâm Tế từng nói: “Cầu Phật, cầu pháp tức là tạo nghiệp địa ngục”. Cho nên gặp Phật liền sát, đây là người đang dụng công, dùng phương pháp để phá trừ sự chấp trước, dẹp sạch tình kiến hư vọng ở trong ngoài thân tâm, cho nên giảng không có Phật có thể thành, không có pháp có thể học, không có ngộ có thể khai.

Tâm kinh giảng: “Tâm không ngăn ngại”. Lại nói: “Không có trí cũng không đắc”. Nếu tâm địa hoàn toàn không ngăn ngại, đã không có gì thì cũng không có chỗ chứng đắc, thì làm gì có nhân duyên, nhân quả sanh tử Niết Bàn. Bồ tát Văn Thù Sư Lợi nương vào tuệ kiếm để bức ngặt Phật, ngài muốn sát Phật, ngài cầm thanh kiếm trí huệ như thế “Phật đến chém Phật, ma đến chém ma”, nhưng chém là do chúng sanh chấp trước.

Trong thiền thất chúng tôi giảng cố tình nói ngược, đó là lời nói hoang cuồng, không phải là kinh luận bình thường, những lời nói ấy là thuốc, thuốc ấy là để trị những tình huống cho người tu hành đương thời. Không từng sanh bệnh thì không nên dùng thuốc nầy, người chưa từng tu hành thì không thể nghe lời nói nầy. Nếu không thì uống thuốc nầy vào, không chỉ không trị được bệnh mà trái lại tăng thêm tà kiến. Cho nên, nghe qua những lời nói cuồng vọng của tôi, nếu như không đắc lực, đó chính là thuốc không thích hợp cho bạn uống, đối với bạn đó là đồ độc không thể tiện dụng. Thiền thất kết thúc, tôi cũng một lần răn bảo với những người nhập thất phải tu ba học giới định tuệ, phải niệm Phật, lạy Phật, phải học Pháp, cúng dường chúng Tăng, phải đem những lời độc thoại đã nói trong thiền thất mà trả lại hết cho tôi, không cần phải mang về nhà.

         

THẦY MỜ TỐI VÀ THẦY SÁNG SUỐT

Thiền tông bảo rằng : “Lìa tứ cú, dứt bách phi”. Đây là lìa tướng văn tự, tướng nói năng, chẳng phải lý luận, chẳng phải biện minh, nhưng không phải là phủ định tất cả. Thiền là chỉ có chứng ngộ mới biết được cảnh giới tuyệt đối. Trước khi khai ngộ phải có minh sư dẫn dắt tu hành, sau khi ngộ càng phải cầu được minh sư ấn chứng sở ngộ cạn sâu chơn ngụy. Thiền tông giảng về truyền thừa, cho nên vị Thầy phải là người có kinh nghiệm tu chứng. Vì thế mới có năng lực ấn chứng cảnh giới ngộ nhập của đệ tử, chứng minh đệ tử có thấy rõ chánh đạo hay không. Nếu như do tự mình xem kinh điển, lấy tự kỷ để liễu giải sự tu hành, sau khi đạt được bao nhiêu sự phản ứng của thân tâm, lại đem sở đắc của mình trong khi xem kinh điển, thì liền hay ở trong sự bất tri bất giác dùng kinh nghiệm tự mình để giải thích kinh Phật. Văn tự là vật chất, nếu đem kinh nghiệm chủ quan cá nhân để giải thích, thì có thể nhân vì thế mà biến khác. Nhất định phải thông qua Phật pháp để giải thích Phật pháp. Lấy Phật kinh để giải thích Phật kinh, lấy Phật kinh để làm tiêu chuẩn ấn chứng. Như thế mới là kinh giáo. Dùng kinh giáo và thiền ấn chứng nhau. Cho nên, cần phải là người có cái nhìn sáng suốt về Tông và Thuyết, cả hai đều thông thì việc chọn lựa ấy liền được, đây là chú trọng nguyên nhân thầy trò truyền nhau. Nếu như gặp bậc Thầy thiếu sáng suốt để ấn chứng cho bạn thì cũng được, nhưng bị gọi là mập mờ ấn khả, hư ngụy chứng ngộ, không có ích đối với bạn, từ xưa đến nay Đại Sư Huệ Năng là tấm gương, Huệ Năng không biết chữ, nghe kinh Kim Cang mà khai ngộ. Sau khi ngộ, liền đến Huỳnh Mai để nghe ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang. Thiền Sư Vĩnh Gia sau khi ngộ, còn đến tham kiến với lục Tổ cầu ấn chứng.

     

    THIỀN GIÁO LUẬT MẬT TỊNH

Nếu dùng hai chữ Tông giáo để họp thành một từ, thông thường là chỉ một hình thức tín ngưỡng quỉ thần, cho đến Phật Bồ tát. Hai chữ Tông giáo trong Phật pháp thì rất có ý nghĩa. Tông là thiền, là Phật tâm. Giáo là lý, là Phật ngữ. Trên thực tế, từ khi Đức Phật Thích Ca mới khai sáng, thì thiền giáo nhất trí. Phật pháp lấy tâm để làm Tông, nhưng Phật giảng 3 Tạng giáo pháp đại thừa, tiểu thừa. Tại Trung Quốc đặc biệt là các nhà sư cuối nhà Minh đều chủ trương thiền giáo họp nhất, thiền không ly khai giáo. Nhưng vào cuối đời Đường, Khuê Phong Tông Mật xưng là ngũ Tổ Hoa Nghiêm Tông. Thật ra ngài đọc kinh Viên Giác mà khai ngộ, lại thân cận Thiền sư Thần Hội, mà Thần Hội là đệ tử của lục Tổ, ngài Khuê Phong chính là vị dung hội cả thiền và giáo, chủ trương giáo có ba giáo, tông có ba tông. Phật pháp là một vị, không phân chia riêng biệt, các tông các phái có Thiền, Giáo, Luật, Mật, Tịnh, bao gồm các thành phần: Giới luật là nền tảng của tất cả các thiện pháp. Người tu hành đều có các tịnh độ để quay về. Vào thời cận đại hai thời khóa tụng sớm chiều của các chùa chiền, có rất nhiều mật chú. Từ đời Tống về sau tại Trung Quốc thì Thiền Tịnh song tu. Từ đời Nguyên trở về sau thì “Hiển mật viên thông”, thuyết nầy cũng rất phổ biến. Vấn đề nầy dù ít nhiều gì cũng có khuynh hướng nhất trí tương quan giữa Thiền và Giáo. Tuy nhiên nhân đây mà biến thành một Phật giáo có nhiều khuynh hướng tu hành. Nếu biết nắm giữ giới định huệ, dùng ba môn học nầy để làm nguyên tắc căn bản thì vẫn không ra ngoài cục diện Thiền Giáo Luật đồng một thể.

         LƯNG ĐEO 10 MUÔN TIỀN, CỠI HẠC XUỐNG DƯƠNG CHÂU

Chúng ta không thể ly khai kinh giáo mà tìm phương pháp tu hành, pháp môn tu hành phải có kinh điển làm chỗ y cứ thì mới an toàn, phương pháp sử dụng không những có chỗ để nương tựa làm theo. Lại cần phải có minh sư thể nghiệm, do vì người có kinh nghiệm qua mà dẫn dắt thì mới thành.

Thường có người hỏi tôi rằng: Ông ngộ rồi hay chưa? Tôi trả lời rằng: Điều nầy không quan trọng, quan trọng là tôi có thể dạy cho người phương pháp tu hành không và có mục đích an toàn để người tu hành bắt chước theo không?

Đương nhiên, sau khi bạn phát sanh kinh nghiệm hoặc đem lúc đã khai ngộ rồi đến để bảo tôi, xem tôi lúc ấy phải xử trí như thế nào. Phải bù, phải bỏ, y thiền, y giáo, cuộc sống không câu chấp, việc tôi cùng bạn không có liên can. Ngoài ra những điều tôi khuyên các vị, đó cũng là những điều mà tôi thường nói với các đệ tử: “Xuất gia là việc của một đời, tu hành là việc của nhiều kiếp”. Các vị học Phật cũng vậy, học Phật rồi sẽ được thành Phật, đó là việc của nhiều đời nhiều kiếp, mà trong đời nầy chúng tôi phải đem việc học Phật làm trọn kiếp, không nên qua loa, một ngày nóng chín ngày lạnh, nếu không thì chỉ gieo trồng chút ít thiện căn mà thôi.

Trong một ngày, một tháng, một năm phải sắp đặt thời gian tu hành, tích tụ tư lương. Có câu nói: “Lưng đeo 10 muôn tiền, cởi hạc xuống Dương Châu”. Bạn không tiền, không đến được Dương Châu, giống như thành Phật cũng phải có tư lương, cần phải hạ thủ công phu nỗ lực rất nhiều, siêng năng tu học Phật pháp thì có ngày mới được thành tựu./.

Pages: 1 2 3 4 5 6