QUÁN NIỆM
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Thiện Phước

THIỀN – GÁNH NƯỚC BỬA CỦI

Thiền là thuộc về thế giới nội tâm, rất khó biểu đạt, kinh nghiệm chủ quan, chỉ có người thể nghiệm được mới hiểu rõ, đối với người không có thể nghiệm, mà muốn gượng gạo thông qua ngữ ngôn văn tự suy xét, để thuyết minh giải thích, thì lại giống như người mù rờ voi, như vịt nghe sấm vậy.

Đúng như người ta thường nói : “Như người uống nước, nóng lạnh tự biết”. Chúng tôi giới thiệu qua nội dung về thiền, cũng chỉ là phương thức tô điểm thêm, để làm nổi bật sự việc, mượn mây mù để giới thiệu trăng sáng, không có cách trực tiếp chỉ ra trăng sáng đẹp như thế nào. Hôm nay dùng 8 chữ đầu đề “Bận có liên can, không phiền mới tốt” để giới thiệu về hiện tượng và nội dung thiền cho các vị, cũng chính là chủ đề mà cư sĩ Trương Hồng Dương yêu cầu : “Gánh nước bửa củi đều là thiền”, và chúng tôi cũng vì các vị ấy đã giảng gần 2 tiếng đồng hồ.

THIỀN LÀ SỰ TỒN TẠI PHỔ THÔNG

Thiền đã là do thể nghiệm nội tại, không có cách gì để thuyết minh hình dung. Không phải giống như một thật chất hoặc hiện tượng hữu hình, nhưng cũng có thể chính là điều bạn tiếp xúc phát hiện, hoặc cảm thọ hiện tượng. Chính là nói: Nếu như không có thể nghiệm đến thiền, thì nói gì cũng không đúng, nếu như đã thể nghiệm được thiền thì chính là nơi nơi đều thực tại.

Cho nên nói: Phổ biến tồn tại, vũ trụ vạn tượng mỗi cá thể đều tồn tại độc lập. Ví như nói: Bạn không phải là tôi, người không phải là vật, nước không phải là lửa, Đông không phải là Tây, trên không phải là dưới. Hơn nữa, đối với mỗi cá thể nếu như phân tích kỹ lưỡng thì cũng có rất nhiều sự độc lập tồn tại, danh từ trong Phật pháp gọi là vạn pháp hay chư pháp, mỗi một pháp đều có giới hạn, định nghĩa, đặc tính của nó. Đối với một người có kinh nghiệm thiền ngộ, khi đối diện với hiện tượng của các pháp thì hiểu rất rõ ràng, minh sát sáng suốt, nhìn qua là rõ biết, thứ lớp tề chỉnh, đó cũng chính là thực địa phản ánh, vấn đề nầy có thể căn cứ theo ngữ lục của chư vị Tổ sư mà chứng minh.

1/ Thiền Sư Khuê Phong Tông Mật (780 – 841) nói : “Gương sáng thì ảnh tượng muôn ngàn sai biệt, tâm tịnh thì thần thông vạn ứng, ảnh tượng để trang nghiêm cõi Phật, thần thông thì để giáo hóa chúng sanh.”

Ý của đoạn thiền ngữ nầy nói : Người sau khi ngộ rồi, trong tâm rất bình tĩnh, như mặt nước phẳng lặng, như gương sáng sạch, thì có thể hiện rõ tất cả cảnh vật mà không mãi mai nào sai biệt. Cho nên, có sự đáp ứng như thật, cũng chính là vì trong tâm vô sự cũng vô vật, rỗng rang, sáng suốt, tĩnh lặng, tuyệt đối khách quan. Vì thế, có thể đối với tất cả sự vật đều khế hợp sự lý, hiển hiện muôn ngàn hiện tượng trong tâm ngài, cho dù là đẹp xấu, thiện ác, sáng tối, tròn khuyết, tất cả đều là y chánh trang nghiêm ở cõi Phật. Tùy duyên giáo hóa vô lượng chúng sanh, mà trong tâm vẫn không bị ngăn ngại, nhân vì tự tại cho nên gọi là thần thông diệu dụng.

2/ Lý Cao hỏi Dược Sơn Duy Nghiễm (745 – 828) : “Thế nào là đạo?”. Sư đáp : “Mây trên trời, nước trong bình”.

Đoạn đối thoại nầy nói, có một hôm học trò của Hàn Dũ là Lý Cao cũng là một nhà học vấn, đến tham phỏng Thiền sư Duy Nghiễm: Thế nào là đạo? Nhân vì đạo tại Trung Quốc có: Nho Gia, Đạo Gia, Bách Gia Chư Tử, mỗi đạo đều có cách định nghĩa riêng. Lão Tử nói: “Đạo mà diễn tả được thì chẳng phải là đạo trường cửu bất biến”, đều là nói rõ đạo chẳng phải là sự vật cụ thể, mà là sự quan niệm trừu tượng, thậm chí là một loại tồn tại không thể sờ mó. Đương nhiên Lý Cao cũng biết điều đó, con đường mà Phật giáo muốn nói đến đó là sự giác ngộ, là phương pháp và lý niệm của sự tu hành, cũng chính là kinh nghiệm tu chứng, thử xem các vị cao Tăng ngộ đạo giải đáp hàm nghĩa của chữ “Đạo” nầy. Thiền sư đáp rất đơn giản: “Ở trên trời thì có mây, ở trong bình thì có nước”. Cùng là một vật nhưng có hiện tượng bất đồng, thật rõ ràng không có gì lầm lạc. Nước có thể biến thành mây, mây cũng có thể biến thành nước. Thế nhưng ở trong bình là nước, ở trên trời là mây. Hiện tượng nầy giống như một con người, ở trường hợp bất đồng thì có thân phận bất đồng, thật rất rõ ràng. Đây chính là nói, không cần phải đem hàm nghĩa của đạo suy lường cao thâm thế nào, huyền mà lại không huyền. Đây là lập trường của Thiền sư nhìn thấy được lập trường thế giới.

3/ Hoằng Trí Chánh Giác (1091 – 1157) nói : “Rõ ràng không mê muội, chỗ chỗ đều hiện thành”.

Hai câu nầy ý nói Tâm Cảnh sau khi ngộ rồi, thì dù đối với bất kỳ sự vật nào có sai khác, đối với tất cả các hiện tượng, đều có cái nhìn rõ ràng chính xác về chúng, một không phải hai, ba không phải một, thế nhưng cũng không do sự phức tạp của hiện tượng mà khiến cho mình mất đi phương hướng. Cho nên nói: Chỗ chỗ đều hiện thành. Gọi nó là đạo cũng được, gọi là Phật cũng được, gọi nó là gì đều được cả, đó chính là cảnh giới ngộ thiền.

THIỀN LÀ THỐNG NHẤT TRONG NGOÀI

Nói thống nhất trong ngoài ở đây chính là toàn thể đều hài hòa, trường hợp nầy có 3 bước:

1/ Ngay trong lúc bạn ấn nguyệt xoa bóp, hay trong lúc ngồi thiền, Đạo giáo gọi là “Đạo dẫn”, trong Thuật Du Già Ấn Độ thể vị vận động đều có thể khiến cho huyết mạch trong cơ thể con người lưu thông, mà dẫn đến sự bình an nhẹ nhàng, thân tâm họp nhất.

2/ Do ngồi thiền hoặc mặc tưởng, kỳ nguyện… có thể khiến cho chúng ta kinh nghiệm đến hoàn cảnh ngoại tại và tâm linh nội tại, họp thành một mối, đây chính là nói cảnh giới thiên nhơn họp nhất hiện tiền.

3/ Do công phu thiền định, chuyên chú vào tiêu điểm để làm phương pháp tu hành, dần dần khiến cho niệm trước niệm sau kéo dài liên tục không biến đổi, không có tạp niệm nào xuất hiện, đó chính là cảnh giới thiền định, là yên định ở một cảnh hoặc một niệm, cũng chính là biến thành một nội tại thống nhất.

Nếu như một vị thiền sư trong khi tiếp xúc ngoại cảnh và sự sinh hoạt thường nhật, thứ tự mà vị ấy biểu hiện phải thống nhất trong và ngoài. Đây cũng là nói các nhà Tông giáo, triết học cần phải thể nghiệm đối với đạo, không luận là Tây phương hoặc Đông phương. Tuy có sự giải thích bất đồng nhưng mà nội dung thể nghiệm, nguyên nhân phải tương đồng. Thật ra thì đứng trên lập trường của thiền mà nhìn nó có thứ lớp cạn sâu, đó chính là nhân, vì sự thống nhất của tâm niệm, cho đến tiếp tục thống nhất đều phải vượt qua tầng lớp, không thể dùng ngôn ngữ để biểu đạt, cũng không cần phải tranh luận.

Sau đây xin nêu ra 3 ví dụ :

1/ Có người hỏi Thiền sư Thạch Đầu Hi Thiên (700 – 790) “Thế nào là Tây Lai Ý?”

Thạch Đầu đáp: “Nên đến hỏi cây cột đi.”

Gọi Tây Lai Ý là chỉ sơ Tổ Thiền tông Đạt Ma Tổ Sư, từ Ấn Độ sang Đông Độ, truyền thọ thiền pháp, thế thì rốt ráo truyền cái gì? Cái gì gọi là thiền pháp? Có thể nói rõ được không? Có thể khiến cho chúng ta nhìn thấy không?

Với sự nhận thức thông thường thì biết thiền pháp chính là tâm pháp, cốt yếu là dùng tâm để ấn tâm, dùng ngữ ngôn và những hiện tượng gì khác thì đều là không có cách để biểu đạt rõ ràng. Thế nhưng, Thiền sư Thạch Đầu bảo vị ấy đi hỏi cây cột gỗ, hay là cây cột đá đứng chơi vơi ngoài trời, mà cột gỗ, cột đá ở ngoài trời đều là vật vô tri, không thể trả lời câu hỏi. Thế nhưng, đối với một vị Thiền sư đem cái nhìn sau khi ngộ thiền rồi, thì sự thể nghiệm của nội tâm chính là hoàn cảnh ngoại tại, ngay cả cây cột gỗ cột đá vô tình. Tâm ở nội tại, Phật ở tự tánh, đức Đạt Ma từ Ấn Độ sang, dù bây giờ bạn ở trước Thiền sư Thạch Đầu, đều là bình đẳng không hai, một thể không khác, cho nên ngươi hỏi Thạch Đầu ta thì không bằng đi hỏi cột gỗ cột đá thì hay hơn.

2/ Có vị Tăng hỏi Thiền sư Ngưu Đầu Huệ Trang (682 – 769) : Cái nào là Phật tâm. Sư đáp: Là ngói gạch vách tường. Tăng lại hỏi: Vô tình đã có tâm tánh, vậy nó biết thuyết pháp không? Sư đáp: Nó vẫn thường xuyên thuyết pháp không có lúc nào ngơi nghỉ.

Ý của đoạn thiền ngữ nầy cho rằng Phật tâm nhất định đối với loài hữu tình chúng sanh mới có. Hơn nữa, nó chính là tự tâm không nhiễm, không tạp loạn, thường hằng thanh tịnh, đó chính là đại trí tuệ tâm, và đại từ bi tâm. Thế nhưng đứng trên lập trường người ngộ thiền, để nhận thức Phật tâm, là không từ lý luận mà giải thích, mà phải từ quan điểm thống nhất giữa ngoại cảnh và nội tâm để nói rõ, cho nên nói đó là bức tường, chính là ngói gạch.

Thế mà vị Tăng ấy không hiểu, tiếp tục hỏi: Những sự vật vô sanh nầy cũng đều có chơn tâm Phật tánh hoặc tự tánh thanh tịnh, thì có khác gì Phật đâu. Vậy chúng có biết thuyết pháp độ sanh không? Thiền sư đáp khẳng định: Những vật vô sanh nầy, không chỉ biết thuyết pháp mà còn rất hoạt bát, nhiệt tình tích cực thuyết pháp, luôn luôn thuyết pháp, không từng ngơi nghỉ. Vấn đề nầy so với quan điểm Phật giáo thường thức lại càng thêm cởi mở tự tại.

Nhân vì ngay lúc Phật thành đạo phát hiện rằng tất cả chúng sanh đều đầy đủ phước đức trí huệ của Phật. Thế nhưng theo cái nhìn của Thiền sư, không chỉ có hữu tình chúng sanh như thế, đến như động thực vật, khoáng vật, tất cả các hiện tượng đều cùng một thể tánh với Phật. Đây là sự thể nghiệm nội ngoại thống nhất, chỉ cần trong tâm có Phật, các pháp ngoài tâm đều chính là Phật.

3/ Có vị Tăng hỏi Đỗng Sơn Lương Giới (807 – 869) : Thế nào là Phật? Sư đáp : 3 cân mè. Người khác lại hỏi: Thế nào là Phật. Sư đáp : Đồ gạt phân.

Hai công án thiền nầy rất nổi tiếng, người có căn cơ bất đồng thì có sự giải thích bất đồng.

Phật giáo đồ sơ cơ thường không hiểu về những thực vật vô tình sẽ thành Phật, lại càng  không thể chấp nhận dùng đồ gạt phân để hình dung về Phật, thế nhưng thông qua nội ngoại thống nhất, phàm thánh bình đẳng, quan điểm của các pháp đều là như thế, để xem vạn tượng thế gian, thì liền có thể lý giải được cái chỗ thấy về Phật của Thiền sư Đỗng Sơn mới là chơn chánh, cũng chính là nói pháp pháp là Phật, chỗ nào cũng là Phật, đến như Phật rốt ráo ở ngay nơi một thân, lại cũng là vô lượng thân thể. Thật ra có vô lượng thân thì cũng giống như mọi chỗ đều là Phật, thống nhất chính là không có sai biệt, không có vấn đề Phật và phi Phật.

THIỀN LÀ TỰ TẠI Ở NỘI TÂM

Trước đã nói qua sự thể nghiệm thiền ngộ là thuộc về chủ quan, còn cảm thọ giải thoát là thuộc về nội tâm. Nếu như tâm bị câu nệ, tâm có chỗ chấp trước, tâm bị ràng buộc, thì liền bị ngoại cảnh xoay chuyển, ngược lại là được giải thoát. Cho nên Thiền tông chú trọng rèn luyện tâm, luyện tâm còn gọi là luyện ma – tức hàng phục ma chướng. Mà mục đích luyện ma là để chọn Phật. Công phu tu thiền định gọi là an tâm. Chỉ cần tâm bị trói buộc thì trở nên bất an, cho nên cần phải vô tâm, tâm được an thì chính là chơn giải thoát. Người giải thoát dù thân có bị cùm kẹp buộc ràng, búa bén có kề cổ đi nữa nhưng vẫn vui vẻ điềm nhiên, đây chính là nội tâm tự tại, thuộc về tinh thần, chẳng phải là việc bên ngoài.

Xin nêu ra vài câu thiền ngữ để chứng minh :

1/ Tam Tổ Tăng Xán ( ? – 606) trong bài “Tín Tâm Minh” chép : “Chỉ cần không thương ghét, bỗng dưng tự rõ ràng”.

Thường thì con người ta gặp cảnh thuận duyên thì thích, gặp cảnh nghịch duyên thì sân hận, thuận thì gọi là thiện, nghịch thì gọi là ác. Tiểu nhơn dáng vẻ hỉ nộ yêu giận hiện ở ngoài hình sắc, bậc quân tử có giáo dưỡng tuy sân ái nhưng không hiện ra ngoài hình sắc. Nhưng không có cách gì làm tâm không lay động, cho nên tâm không được tự tại.

Lục Tổ Đàn Kinh dạy chúng ta rằng : “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, thì liền thấy được bản lai diện mục của chúng ta với chư Phật cùng một cội nguồn. Đó cũng chính là chuyển phiền não thành trí huệ.”  Cho nên Tổ thứ 3 bảo là: “Bỗng dưng sáng rỡ.” Cũng là nói tâm không quái ngại ở trong Tâm Kinh vậy. Rõ ràng cái gì? Chính là phát hiện chỉ cần tâm được giải thoát, đó chính là muôn sự như ý.

2/ Ngưu Đầu Pháp Dung (594 – 657) trong bài “Tâm Minh” của ngài chép: “Tất cả chẳng tạo tác, sáng lặng tự nhiên hiện”.

Thánh giả La Hán tiểu thừa, nhân vì đã đoạn sạch hết phiền não, cho nên gọi là “chỗ làm đã xong”. Trong tâm tự mình không có việc cần phải làm, cũng không có việc không cần làm. Chính là thể hiện được sự quang minh của nội tâm, là từ nơi bất động mà sanh, đã sáng suốt mà lại thường lặng lẽ, liền sẽ thấy được tự tánh Phật hiện tiền.

3/ Trong bài “Đáp Hoàng Thái Tử Vấn Tâm Yếu” của ngài Thanh Lương Trừng Quán (738 – 839) chép: “Tâm tâm làm được Phật, nên không một tâm nào mà chẳng phải Phật tâm; xứ xứ đều thành đạo, nên  không một trần nào mà chẳng phải  Phật quốc.”

Bốn câu nầy có nghĩa là trong mỗi tâm niệm chúng ta đều là Phật tâm, lấy Phật tâm để nhìn mỗi một không gian vi trần, thì đều là Tịnh độ cõi Phật, nếu như tâm được tự tại thì tâm ấy tức là Phật tâm, đem cái tự tại tâm để mà nhìn thế giới thì thế giới nầy tức là cõi Phật, không luận là hoàn cảnh tốt xấu, thuận nghịch đều giống nhau. Đây là cảnh giới giải thoát thuần túy chủ quan. Thế nhưng không nên hiểu lầm, chủ quan giải thoát không thể sánh với sự mê mờ tự ngã, cũng không sánh với lừa dối tự ngã. Nhân vì, đó là sự thể nghiệm chơn thật, giống như người khát nước thì cần uống nước, người đói bụng thì cần ăn cơm, chơn thật như nhau.

4/ Đại Huệ Tông Cảo (1089 – 1163) trong phần Ngữ Lục ngài nói : “Muốn trống không muôn pháp, trước thanh tịnh tâm mình, tâm mình thanh tịnh, bặt dứt hết các duyên.”

Nếu như tâm bị ràng buộc bởi một Pháp, đó chính là chẳng trống không, thì liền có phiền não, thì làm thế nào để tâm không bị ràng buộc bởi các Pháp, tâm không theo cảnh chuyển. Thiền sư Tông Cảo bảo chúng ta “Trước hết nên thanh tịnh tâm mình là tốt nhất”. Phương pháp tịnh tâm có rất nhiều, trong phần Ngữ Lục ngài thường dạy người tham thoại đầu chữ “vô”, ngay trong lúc tham khám phá được thoại đầu, thì đó chính là minh tâm kiến tánh, liền phát hiện tự tánh xưa nay thanh tịnh, đến lúc ấy các pháp ngoài tâm không luận là tịnh hay nhiễm, tốt xấu, thiện ác đối với ngài không có gì là ngăn ngại. Cho nên 8 ngọn gió thổi mà không lay động liền sẽ hình dung được loại tâm đắc tự tại nầy.

THIỀN LÀ TRÍ HUỆ VÔ NGÃ

Thiền tông nói vô ngã, vô tướng, vô tâm, đều là chỉ trí huệ mà nói. Chữ “vô” ở đây nghĩa là không có một thứ gì hết, là để chỉ cho tâm không có chỗ trụ, giải thoát được tự ngã. Không có chấp trước vào tự ngã, có công năng của trí tuệ, công năng ấy được biểu hiện chủ quan là giải thoát; còn theo biểu hiện khách quan là từ bi. Nếu như chỉ lìa bỏ sự chấp trước tự ngã, mà không có phát sanh công năng từ bi, thế thì không phải là sự giải thoát chơn thật. Giải thoát là trí huệ, từ bi là bồ đề tâm, hai mối quan hệ nầy như chim có hai cánh, như xe có hai bánh, cần phát triển cả hai, thiếu một không được, hiện tại nêu ra 2 ví dụ :

1/ Trong pháp “Nhị nhập tứ hành” của Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma chép : “Kinh dạy : Pháp không có chúng sanh, vì lìa chúng sanh cấu; Pháp không có ngã, vì lìa ngã cấu. Lại nói: Pháp thể không có keo kiệt, ở nơi thân mạng tài, thực hành xả thí, tâm không có xẻn tiếc. Lại nói: Hóa độ chúng sanh mà không chấp trước. Đây là tự hành, lại hay thực hành lợi tha, cũng hay trang nghiêm đạo bồ đề, việc thí xả như thế, ba thứ còn lại cũng vậy.”

Ý đoạn nầy nói : Người được đạo giải thoát thì giống như kinh Kim Cang chép: “Vô nhơn tướng, vô ngã tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”. Đó là nói không hiểu nguyên nhân của tự ngã, chúng sanh… mà sanh ra phiền não, gọi là “lìa ngã cấu” và “lìa chúng sanh cấu”. Thế nhưng, không phải nhân vì chỉ lo giải thoát tự ngã, mà không độ chúng sanh, trái lại còn hay tích cực thí xả tất cả, mới hay chơn chánh biểu hiện vô ngã, không có xan tham, đầy đủ từ bi và trí tuệ. Cho nên người trước khi ngộ cần phải khổ luyện tu hành, người sau khi ngộ rồi lại phải tu hành. Phát bồ đề tâm là nói: Người trước khi tỏ ngộ phải chuẩn bị phát nguyện rộng độ khắp tất cả chúng sanh, tu hành lục độ ba la mật là chánh hạnh của Bồ tát.

2/ Ngưỡng Sơn Tuệ Tịch (807 – 883) hỏi ngài Qui Sơn Linh Hựu (771 – 853): “Trăm ngàn vạn cảnh một lúc đến, thì phải làm thế nào?”.

Qui Sơn đáp: “Xanh không phải là vàng, dài không phải là ngắn, các pháp đều ở vị trí của nó, chẳng liên can gì việc của ta”.

Kinh chép : “Pháp trụ ở ngôi pháp, pháp ấy như thế”.

Ý nói: Tất cả các pháp, muôn sự muôn vật, đều có phạm vi và hiện tượng của chúng, mãi mai không hỗn loạn. Nó vốn hài hòa thống nhất không có chút hiện tượng gì sai khác. Nếu đem con mắt trí huệ để nhìn hình tướng ở thế gian, thì ở mỗi một tướng đều có vị trí riêng của chúng. Cho nên nói: Xanh không phải là vàng, dài không phải là ngắn. Cho dù muôn ngàn cảnh giới đi nữa, xuất hiện cùng một lúc trước mặt bạn, bạn không thể đổi trắng thay đen, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Thế nhưng, bạn cũng không vì chỗ động ấy mà bị mê mờ, phải xử lý đúng tình huống, binh đến tướng ra ngăn, nước rịn lấy đất nhém, thì tình huống sẽ tốt đi.

THIỀN LÀ KHÔNG CHẤP  SINH MẠNG

Hiện tượng của sinh mạng có thể liên tục phân làm một đời, nhiều đời. Sanh mạng của hàng phàm phu là do bị nghiệp lực lưu chuyển, sanh tử không thôi. Còn sanh mạng của bậc thánh Bồ tát, là do sức bi nguyện mà qua lại tự tại trong biển sanh tử vô tận, để rộng độ vô lượng chúng sanh. Cùng một sự kiện có sanh có tử, nhưng phàm phu thì mê mờ không biết làm sao, còn Bồ tát thì tự tại như nhiên. Hàng phàm phu thì chịu khổ nạn, còn Bồ tát thì cứu khổ cứu nạn, then chốt thật bất đồng, chính là ở chỗ tâm chấp trước và không chấp trước.

Thiền giả sau khi ngộ thiền, thì đã trải qua sự vô trước, đã không ở nơi sanh tử và cũng không ở chỗ bất sanh bất tử. Nhân vì đã chứng được vô ngã, hễ cái ngã không tồn tại thì cuối cùng ai là người lưu chuyển trong sanh tử. Nhân vì trước đã chứng được vô tướng, thế thì không có tướng sanh tử, cũng không có tướng Niết Bàn. Nói một cách khác là ngã không, pháp cũng không. Cho nên không trụ trong sanh tử, cũng không trụ trong Niết Bàn đó là đại giải thoát, đại Niết Bàn.

Hiện tại nêu ra 2 ví dụ sau:

1/ Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác (665 – 713) khi tham kiến Lục Tổ Huệ Năng (638 – 713) nói : “Sanh tử sự đại, vô thường mau chóng”.

Lục Tổ Huệ Năng đáp : “Sao không chọn lấy vô sanh, thông suốt cái không mau chóng?”.

Trong bài Chứng Đạo Ca Thiền sư Vĩnh Gia nói : “Trong mộng rõ ràng có 6 nẽo. Sau khi thức trống rỗng không có đại thiên.” . Lại nói: “Mấy hồi sanh mấy hồi tử, sanh tử mênh mang không dừng nghỉ, từ khi đốn ngộ rõ vô sanh, đối với các vinh nhục nào vui buồn.”

Đoạn thiền ngữ nầy bảo chúng ta, Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác khi chưa được nghe Lục Tổ Huệ Năng khai thị, ngài còn chấp trước vào trong vấn đề sanh tử, nếu như không rõ sanh tử, một mai vô thường đến, cuối cùng sẽ  đi về đâu? Vấn đề nầy rất là quan trọng, thật là đáng sợ. Ngay lúc Lục Tổ Huệ Năng bảo ngài không nên sợ sanh tử, cũng không cần phải nặng lòng lo về sanh mạng vô thường, chỉ cần thể hội được sanh chính là vô sanh, mau chóng tức không mau chóng, đó chính là hết sanh tử rồi, vô thường cũng không còn tồn tại nữa. Thiền sư Vĩnh Gia sau khi được nghe lời khai thị như thế, thì liền rõ suốt được vấn đề đại sự sanh tử. Cho nên nói: “Lúc mê thì như trong mộng, khi ngộ thì giống như thức”. Vô sanh nghĩa là không chấp trước, không khởi phiền não, chính là không sanh vọng tâm phân biệt. Sợ sanh tử cầu Niết Bàn, chán khổ thích vui đều là chấp trước. Tâm không chấp  nệ thì sẽ  không sợ gì về vấn đề sanh tử nữa. Đây là thái độ của người ngộ thiền đối với sanh mạng.

2/ Đại Châu Huệ Hải là đệ tử của Mã Tổ Đạo Nhất nói : “Cầu đại Niết Bàn là nghiệp sanh tử, bỏ dơ lấy sạch là nghiệp sanh tử.”. Lại nói : “Nếu đã không tự ràng buộc, thì không cần phải cầu giải thoát, trực dụng trực hành, là vô đẳng đẳng.”

Ý nghĩa của đoạn nầy rất rõ ràng. Xưa nay Niết Bàn và sanh tử, dơ và sạch, buộc và mở đều là tương đối. Chỉ vì, do có sanh tử mới biết rõ có Niết Bàn, có dơ mới biết có sạch, có ràng buộc mới có cởi mở. Nhân thế mà việc mong cầu Niết Bàn chính là nhất định ở trong sanh tử. Truy cầu giải thoát nhất định là ở trong cảnh ràng buộc. Chỉ có tâm không còn chấp trước, thì chẳng những không sợ sanh tử mà cũng không mong cầu Niết Bàn, không chán dơ uế mà cũng không có tâm thích thanh tịnh, không có cảm giác ràng buộc mà cũng không cần phải cởi mở, thế mới là cuộc sống sinh động, không bị lôi dắt dính mắc, thiền giả sẽ đạt được hiện tượng tự do tự tại.

THIỀN TRONG CUỘC SỐNG SINH HOẠT

Bản thân của thiền không phải là tông giáo, cũng không phải là triết học, mà là một loại lý niệm phương thức nội hàm trong sinh hoạt, thật bất đồng với cuộc sống sinh hoạt của người thường. Mục đích sinh hoạt của thiền giả không phải mong cầu cái gì đó, biểu hiện cái gì đó, đeo đuổi cái gì đó cho tự kỷ, cũng không nhất định vì hoàn cảnh tốt xấu mà sanh ra sự vui vẻ hay khổ não. Chỉ cần trong cuộc sống thường nhật của con người, làm điều đáng làm, không làm điều không đáng làm, làm được thì làm, không làm được thì không làm. Nỗ lực, đã không vì mình cũng không vì người khác, chỉ làm hết trách nhiệm trong cuộc sống. Cho nên, nguyên tắc là tâm không chạy theo ngoại cảnh, đồng thời tâm cũng không lìa ngoại cảnh, không biến đổi theo ngoại cảnh, đó là công phu thiền định. Không lìa cảnh là sự tác dụng của trí tuệ, cũng chính là tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch, hay lặng lẽ cho nên lìa tướng vô tướng, hay chiếu soi cho nên mới hoạt dụng trong đời thường. Hoạt dụng mà không bị cuốn theo dòng đời, cũng không có phiền não, đó chính là công năng của trí tuệ.

Bây giờ xin nêu 2 công án để ví dụ :

1/ Lục Tổ Đàn Kinh chép: “Không phải là gió động, không phải là phan động mà là tâm hai nhơn giả động.”

Câu chuyện nầy có rất nhiều người thuộc rành, là nhân vì Lục Tổ Huệ Năng đại sư lúc ở chùa Pháp Tánh đất Quảng Châu, thấy 2 vị Tăng luận bàn về gió và phan, một người bảo là gió động, một người nói là phan động, hai người tranh cải không thôi. Đại Sư Huệ Năng bảo họ rằng. Hiện tượng động ấy không phải là gió cũng không phải là phan mà là tâm của 2 vị động, tâm dao động theo ngoại cảnh. Cho nên nhận biết cảnh vật đang dao động, đây là thường thức, vốn không có sai lầm. Nếu như khảo sát sâu xa hơn, lúc nhận biết cảnh vật đang động, đó là tâm người cũng không sai. Nếu kiên trì cho rằng phan động hoặc gió động thì trở thành nguyên nhân phát khởi phiền não. Thế nhưng, tâm động của hàng phàm phu thì phân biệt chấp trước, nhân vì có chủ kiến, chính là tâm có chỗ trụ, liền mất đi tinh thần tự do hoạt bát. Còn tâm của người ngộ thiền, vẫn hoạt động như thường, nhưng chẳng qua là tâm không có chỗ trụ, không có chấp trước, đó là do tác dụng sáng suốt của trí tuệ. Nhân vì tâm không có ngăn ngại, cho nên hoạt bát tự tại.

2/ Bài Tụng Vô Tướng trong Lục Tổ Đàn Kinh chép : “Phật Pháp tại thế gian, không lìa thế gian mà giác ngộ”. Lại nói : “Phiền não trong nhà tối, thường phải sanh mặt trời trí tuệ.”

Cách lý niệm như vậy, trong điển tịch thiền tông thấy rất nhiều, rất nhiều người hiểu lầm thiền tông, rồi cho Phật giáo là tiêu cực, trốn tránh, chán đời, cũng có nhiều người học Thiền hiện ra tâm trạng như thế. Thật ra thì thiền tông là sự tích cực tuyệt đối, nhập thế hóa độ cuộc đời, không chỉ là lý luận, cũng không chỉ là tín ngưỡng, mà là một cuộc sống hoạt bát, tự tại, thực tế. Chỉ cần hành giả luyện tập và thể nghiệm thì đạt đến, không nhân vì hoàn cảnh thuận nghịch mà phát sanh yêu ghét sân hận, mà luôn thể hiện  bình thản vô sự, tự do tự tại. Nếu tách rời sự sinh hoạt bình thường mà truy cầu Phật pháp, thì chẳng khác nào tìm lông rùa sừng thỏ, chắc chắn là điều không thể tìm được. Nhân vì thiền giả trước khi ngộ thiền, chỉ cần biết họ chưa ngộ, thì liền gần với cảnh ngộ, một mai phát hiện sự thật xưa nay vốn dĩ  như thế, bèn bỏ hết tất cả sự chấp trước giận ghét ham thích, đó chính là cảnh ngộ hiện tiền, có thể thấy mê cùng với ngộ vốn là kề cận nhau, thậm chí giống như  là một vật mà 2 tên gọi. Trí huệ sanh ra từ phiền não, mà cũng ứng dụng ở phiền não. Còn chuyện lôi thôi dài dòng, nhìn trước ngó sau, dụ dự không quyết đoán, yêu đây giận kia. Chỉ cần biết nó là phiền não thì  không kháng cự không đón tiếp, ngay nơi đó là trí huệ và  đó cũng chính là sự tự tại giải thoát vậy.

THIỀN LÀ BỬA CỦI GÁNH NƯỚC

Công việc mà người hiện đại gọi là bửa củi, vì nó có điển cố chỉ cho người đọc sách và quan sứ thời cổ đại, họ sống đời đạm bạc thanh liêm, rất tiết kiệm trong sinh hoạt, triều đình chu cấp chỉ đủ để mua củi nấu nước, không đủ để chi dùng hai bữa ăn chính và bữa ăn phụ, cho nên gọi là thiền củi nước.

Cuộc sống người tu thiền thời cổ đại, nếu so với nếp sinh hoạt của người đọc sách thì đơn giản hơn nhiều. Ngay cả củi và nước cũng không có người cung cấp, cần phải tự túc. Cho nên mọi người bắt buộc phải lao động, trong thời khóa hằng ngày nhất định phải có việc gánh nước bửa củi. Vì vậy, trong thiền ngữ cư sĩ Bàng Uẩn nói: “Thần thông và diệu dụng, gánh nước cùng bửa củi”. Đây chính là miêu tả nếp sinh hoạt của một thiền giả. Và cũng chính là nói: Trong sinh hoạt hằng ngày, mọi chỗ đều là thiền cơ, đãi người tiếp vật, mọi việc đều có thiền ý.

Sinh hoạt chính là thiền, trong xã hội ngày nay, ngoài hoàn cảnh công việc gia đình ra, còn có hoàn cảnh xã hội. Trong hoàn cảnh công việc lại có công nhân, thương nghiệp, nông nghiệp, giáo dục… không giản đơn giống như nếp sinh hoạt thiền giả ngày xưa. Từ sáng đến chiều chỉ có làm việc nghỉ ngơi ở tự viện, cho nên ăn cơm, ngủ nghỉ, đi dạo, nhẫn đến công tác bếp núc vườn tược. Trong Ngữ Lục Thiền Tông, luôn thấy những hiện tượng nầy của các thiền sư, nhằm để biểu đạt sự vận dụng trí tuệ trong sinh hoạt. Ví như :

1/ Luật Sư Hữu Nguyên hỏi Đại Châu Huệ Hải – là người đệ tử của Mã Tổ Đạo Nhất: “Hòa thượng tu hành, còn dụng công không?”.

Sư đáp : “Dụng công”

Hỏi : “Như thế nào là dụng công?”.

Sư đáp : “Đói ăn cơm buồn ngủ thì đi ngủ.”

2/ Có một vị Tăng hỏi Qui Sơn Linh Hựu: “Đạo pháp của Sư là gì?”.

Sư đáp : “Bửa cơm bửa cháo.”

3/ Có Tăng hỏi Triệu Châu Tùng Thẩm (778 – 897) : “Người học mê muội, xin Sư chỉ bày”.

Sư hỏi : “Ăn cháo chưa?”.

Tăng đáp : “Ăn cháo rồi”.

Sư bảo : “Ăn rồi thì lo rửa bát đi.”

4/ Hoàng Bá Hy Vận từng nói : “Ăn cơm hằng ngày nhưng miệng chưa từng nhai một hạt gạo, đi đứng hằng ngày nhưng chân chưa từng đạp đất!”

Bốn ví dụ trên đều đề cập đến việc ăn cơm, trong ấy có nêu ra một ví dụ đi ngủ, một ví dụ đi đường. Trên thực tế những hành vi đi đứng ngồi nằm mặc áo ăn cơm là những đại biểu trong cuộc sống thường ngày. Người còn mê chấp cho đạo rất là huyền ảo, rất xa vời.

Khổng Tử nói : “Nhìn thì ở trước, bỗng dưng ở sau”. Lại nói : “Càng nhìn càng cao, càng dùi càng cứng”.

Thế nhưng sự thể nghiệm của thiền giả, Đạo không có gì là thần bí cả, chỉ cần trong tâm lìa sân, lìa ái nhiễm, lìa đi tự ngã, được vậy thì đó chính là đạo ngộ, là giải thoát, là trí tuệ. Nói tóm lại: Thiền không lìa sự sinh hoạt hiện thực.

Hai năm trước có vị cư sĩ cúng tôi một chùm nho, sau khi tôi đem cúng Phật xong, vị ấy nhất định yêu cầu tôi ăn cho vị ấy xem. Tôi vừa nếm thử thì cảm thấy rất ngon, độ ngọt vừa phải, lại còn có mùi thơm nữa. Cho nên tôi liền khen rằng rất ngon. Có vị đệ tử khác bên cạnh, nói: “Nhìn thấy Sư phụ cũng thích ăn”. Thế là vị  cư sĩ cúng nho ấy càng vui hơn.  Đến ngày thứ ba, vị đệ tử đem hết số nho còn lại để tôi ăn, ngoài ra lại còn mua hai chùm nho giống như thế nữa. Tôi nói: “Thầy đâu có định mở tiệm bán rượu nho, làm gì mà cho Thầy nhiều như thế.”

Hai người, một vị là Tăng một vị là tục, liền nói : “Sao hôm trước Sư phụ thích ăn, hôm nay thì không thích ăn?”

Tôi vừa cười vừa nói rằng : “Ăn thì rất ngon, nhưng trên sự thật việc thích ăn thì không phải thế!”.

Sau đó tôi bảo: “Đối với người tu hành mà nói, thì cần phải có đầy đủ giá trị phán đoán thái độ bình thường, nhận thức bình thường, lý lẽ bình thường của một con người bình thường, nhưng nếu như đối với ngon thì tham, đối với dỡ thì sân, ấy chính là rời xa đạo tâm rồi.

THIỀN KHÔNG PHÂN CHIA NAM BẮC ĐÔNG TÂY

Phần mở đầu bổn văn chép : Thiền cảnh không thể câu thông ngữ ngôn văn tự, không thể suy xét để thuyết minh giải thích. Cho nên gọi là không lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, tâm pháp nầy truyền ngoài giáo điển. Phàm thời gian quá khứ hiện tại vị lai, không gian trên dưới, phải trái trước sau đều là tiêu chí phù hiệu không có ý nghĩa nhất định, không có vật để đại biểu thật chất. Thế nhưng, sự tồn tại của vũ trụ, cách ly ngoài những yếu tố nầy, cũng trở thành quan niệm hư vô, nhưng quan trọng là chúng ta thể nghiệm như thế nào. Phải thì mọi chỗ đều phải, quấy thì mọi hình thái đều quấy, trong công án thiền tông, cũng có thể thấy nhiều ví dụ nầy. Cảnh giới thiền chính là không lìa khỏi phương hướng vị trí, không dính mắc vào phương hướng vị trí, không lìa thời gian không gian, không dính mắc vào thời gian không gian.

1/ Lục Tổ Đàn Kinh chép: “Lục Tổ đến chỗ Ngũ Tổ, nói rằng mình từ phương Nam đến”.

Ngũ Tổ hỏi : “Muốn cầu vật gì?”.

Đáp : “Cầu làm Phật”.

Ngũ Tổ nói : “Ngươi là người Lãnh Nam, lại là dân mọi Cát Lão, thì sao làm Phật được”.

Lục Tổ đáp : “Người tuy có ở Nam Bắc nhưng Phật tánh vốn không có Nam Bắc”.

2/ Triệu Châu Tùng Thẩm giáo hóa ở Bắc phương, có vị Tăng mới đến, liền hỏi : “Từ nơi nào đến?”.

Tăng đáp : “Từ phương Nam đến”.

Sư nói : “Tất cả Phật pháp đều ở phương Nam ngươi đến đây để làm gì?”.

Tăng đáp : “Phật pháp há có phân Bắc Nam ư?”.

Sư than rằng : “Ngươi chỉ là gã đàn ông lưng mang bảng cây (chỉ kiến giải còn  thiên chấp).”

Hai tắc công án trên, thấy dường như bất đồng thứ lớp.

Tắc thứ nhất, Lục Tổ Huệ Năng cho rằng : Người có phân Nam Bắc, Phật tánh thì phải bình đẳng Nam Bắc, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn chưa biểu thị khẳng định, cũng chưa biểu thị phủ định.

Tắc thứ hai, Tăng nhơn cho rằng: Phật pháp không có phân biệt Nam Bắc, liền bị Thiền sư Triệu Châu cho là kẽ ngốc, là gã đàn ông lưng mang bảng cây.

Thật ra, người ngộ thiền vì khảo nghiệm học nhơn nên nói Nam nói Bắc, mục đích là dương Đông kích Tây, nhằm để cho học nhơn phá tan được ngã chấp chướng ngại, nên không nói với họ Đông Tây Nam Bắc, nếu ngay lúc đó hội nhập được thì liền ngộ được thiền cơ.

3/ Mã Tổ Đạo Nhất có đệ tử tên là Tây Đường Trí Tạng (735-814) đến tham kiến với Huệ Trung Quốc Sư.

Sư Huệ Trung nói : Mã đại sư nói Pháp gì?

Trí Tạng liền từ phía Đông sang phía Tây đứng.

Huệ Trung Quốc Sư nói : “Chỉ có cái nầy thôi, có cái khác không?”.

Trí Tạng liền trở về phía Đông đứng.

Trung Quốc Sư nói : “Cái nầy là của Mã đại sư. Còn nhơn giả thế nào?”.

Trí Tạng Thiền Sư nói : “Con sớm đã trình giống hòa thượng rồi mà.”

Tắc công án nầy là một chủ một khách, cùng nhau hỏi đáp, có sắc có thanh, hoạt bát tự tại, có nói bằng như không nói, không nói tức là có nói. Pháp của Mã đại sư chỉ có thể dùng tâm lãnh thọ thần thể hội, không thể dùng miệng nói, tay biểu đạt. Nhân vì trong bốn oai nghi đi đứng ngồi nằm, cho đến bất kỳ mọi thời khắc, phải thì hoàn toàn phải, quấy thì cũng hoàn toàn quấy. Cho nên, từ Đông đến Tây đúng, từ Tây đến Đông cũng đúng, đó chính là biểu hiện phong cách tùy duyên tự tại. Nếu như trong tâm niệm chấp trước, thì liền trở thành mọi chỗ chướng ngại, mọi chỗ không thông, mọi thứ đều không đúng. Không luận là bạn có học Phật tin Phật không, loại tâm niệm nầy người học thiền không thể không biết, không thể không học. Nếu hiểu được như thế thì sự sinh hoạt hằng ngày càng phong phú an vui, càng thật tiển tự tại.

(Tuyển chọn từ “Thiền và Ngộ”)

Pages: 1 2 3 4 5 6