LỊCH ĐẠI PHÁP BẢO KÝ
Thích Thiện Phước dịch
Gs. Lý Việt Dũng hiệu đính

 

LỜI NGƯỜI DỊCH

Tháng giêng  năm 1999 chùa Viên Giác mở khóa học luyện dịch Hán tạng, bài trắc nghiệm đầu tiên là lời tựa bộ Lịch Đại Pháp Bảo Ký này, nhân cơ duyên đó mà chúng tôi chuyển ngữ tập sách.

Xin thành kính tri ân thầy viện chủ chùa Định Thành, Tổ đình Hội Phước, thầy trụ trì chùa Viên Giác và chư Tăng, Lý giáo sư. Đồng thời cũng gởi bản dịch nầy đến tập thể lớp Hán văn Phật Học, quí Phật tử trong đạo tràng, những người Phật tử thân thương chân tình, các vị đã tạo cho tôi có nhiều kỷ niệm đẹp, điều đó khắc sâu vào cõi lòng tôi, dù cho ở tận chân trời xa xăm nào đi nữa chúng tôi không thể nào quên. . .

Đêm nay, vùng sông nước mênh mông, lắng nghe tiếng máy nổ  ì ì của những con tàu đang xuôi ngược trên dòng Cửu Long giang. Một dòng sông mang nhiều phù sa, khơi nguồn từ vùng cao nguyên Tây Tạng huyền bí, và kết thúc tại đồng bằng miền tây Nam bộ, rồi chảy ra đại dương mênh mông.

Ngoài kia, bên song cửa những đóa hoa ngâu đang bừng nở toả hương thơm ngát, nhìn trên vòm trời đầy sao, nghe tiếng gió vi vu thơm mùi cỏ dại, những tiếng côn trùng nỉ non hoà quyện như một bản nhạc thiên nhiên vô tận. Ngồi gẫm lại cuộc đời du phương hành đạo của nhiều đời tổ sư, bèn đem bản dịch ra đọc lại chỉnh sửa  lưu hành.

Bản dịch chắc chắn có những chỗ còn kém khuyết, rất mong các bậc cao minh góp ý chỉ bảo, xin chân thành tri ân. Hồi hướng công đức nầy về bốn ân ba cõi, và chúng sanh trong pháp giới, đều trọn thành Phật đạo.

Hội Phước tổ đình
Mùa Vu Lan năm Kỷ Sửu
Thích Thiện Phước 

 

LỜI TỰA
KHI SỬA CHỮA KHẮC IN LẠI
SÁCH “LỊCH ĐẠI PHÁP BẢO KÝ”

Sách “Lịch đại pháp bảo ký”, một quyển thuộc bản viết từ đời Đường, được tìm thấy ở sa mạc Đôn Hoàng. Có hai quyển : Một hiện được cất giữ ở Bác vật quán tại Luân Đôn nước Anh (British Museum) và một được cất giữ ở Quốc dân Đồ thư quán tại Ba Lê nước Pháp (Bibliothèque Nationale). Cả hai loại bản đều được đưa vào quyển 51 Đại chính Tân tu Đại tạng kinh. Nguyên văn sách này có phần thuộc loại bút ký và tạp lục, nhưng nội dung thì cùng với “Lăng già Sư tư ký”, có thể xem như hai viên ngọc bích trong sử liệu ở thời kỳ đầu của Thiền tông vậy!.

Trong sách không thấy ghi chú ai là người trước tác, nhưng căn cứ theo văn nghĩa mà suy đoán thì hình như do đệ tử của hòa thượng Vô Trụ, chùa Đại Lịch bảo đường ở phủ Thành Đô, đạo Kiếm Nam, so với người trước tác “Lăng già Sư tư ký” là Tịnh Giác thì hãy còn sau một hai thứ lớp. Trong sách liệt kê 28 vị tổ từ Đạt Ma trở về trước ở Tây Trúc, bài bác thuyết lý của Tịnh Giác và xem Cầu Na Bạt Đà La là  sơ tổ Thiền tông Trung Hoa như sau :

“… Có vị sa môn là sư Tịnh Giác ở Đông Đô, đệ tử của thiền sư Thần Tú ở Ngọc Tuyền sơn, soạn  quyển “Lăng già sư tư huyết mạch ký” một quyển, trưng dẫn quàng xiên Cầu Na Bạt Đà La Tam Tạng thời Nam triều Lưu Tống là Tổ thứ nhất Thiền tông Trung Hoa, không biết căn do nên mê hoặc dối lừa kẻ hậu học khi cho rằng Cầu Na là sư phụ của Bồ Đề Đạt Ma. Cầu Na Bạt Đà La chỉ là Tam Tạng Tiểu Thừa học nhân dịch kinh, chứ không phải là bậc thiền sư, vì ngài  đã dịch ra bốn quyển kinh Lăng Già. Ông ta cũng không phải là người khai thụ kinh Lăng Già cho Đạt Ma tổ sư. Đạt Ma là tổ đầu đuôi truyền nhau đời thứ 28 các tổ Tây thiên sau khi kế thừa Tăng Già La Xoa…1.

Trong sách “Lăng già Sư tư ký”, sư Tịnh Giác tự xưng mình là đệ tử của Huyền Di, nhưng sách “Lịch đại pháp bảo” lại bảo sư là đệ tử của ngài Thần Tú. Tên sách “Lăng già sư tư ký” cũng được thêm vào hai chữ “Huyết mạch”, không biết đằng nào đúng và đằng nào sai, thật hết sức khó đoán định, nhưng việc sách “Sư tư ký” đương thời được lưu truyền rộng rãi thì có thể chứng minh được.

Sách “Lịch đại pháp bảo”, phần ký thuật từ ngũ tổ Hoằng Nhẫn trở về trước đều căn cứ theo “Sư tư ký”, nhưng văn phong chuộng giản lược. Phần ghi chép về Lục tổ Huệ Năng thì so ra khá tỉ mỉ và rành rọt. Vậy phải chăng là biệt phái của Lục tổ? Lại nữa, về chuyện lưu truyền áo cà sa làm tín vật và việc liên  hệ của Tổ với Hoàng hậu Võ Tắc Thiên thì được chép nhặt rất rõ. Ngoài ra, lại còn có phần ghi chép về các ngài Trí Sân, Xử Tịch, Vô Tướng và Thần Hội nữa. Cả sự tích của hòa thượng Vô Trụ cùng giáo lý của ngài cũng được chú thuật thật tỉ mỉ và chiếm hết nửa phần quyển sách thì ta có thể đoán là sách được môn nhân của hòa thượng trước tác.

Nay về Kim Cửu kinh, tôi xin đem sách phân ra làm ba phần: Từ Lục tổ trở về trước là quyển thượng, lấy phần nói về hòa thượng Vô Trụ làm quyển hạ và lấy đoạn nói về các ngài Trí Sân – Xử Tịch làm quyển trung; lại đem hai dị bổn hiệu đính lẫn nhau, thêm thiếu – xén thừa, phân chia đoạn lạc, câu cú chấm phết và khắc in vào Khương Viên tùng thư, cùng với quyển “Lăng già Sư tư ký” đã in trước đây, được lưu hành trong đời một lượt. Tuy nhiên, bản viết từ đời Đường thì tôi chưa từng được xem qua lần nào mà chỉ căn cứ theo Tân Tạng, đồng thời tự mình thêm việc sửa đổi, cho nên chắc không tránh khỏi những chỗ sai sót. Tôi mong các bậc học rộng ban cho những chỉ giáo để kiểu chính.

Tháng Giêng, năm Ất Hợi
Kê Lâm Kim Cửu kinh cẩn chí tại Thẩm Dương vô sở đắc cư