PHẬT THUYẾT KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT SỚ
QUYỂN 02
Sa-môn Thiện Đạo, đời Đường tập ký.
NGHĨA PHẦN TỰA
Từ đây trở xuống là văn phân biệt, được chia làm năm phần để nói về ý nghĩa.
- Từ tôi nghe như vầy v.v… trở xuống cho đến bị năm thứ khổ ép ngặt làm sao thấy được thế giới Cực lạc là lời tựa.
- Từ câu đầu của pháp quán mặt trời tức là Đức Phật bảo Vy-đềhy: Phu nhân và chúng sinh v.v… trở xuống cho đến Hạ phẩm hạ sinh là phần Chánh tông.
- Từ khi nói lời ấy v.v… trở xuống, cho đến các vị trời phát tâm là nói về được lợi ích.
- Từ A-nan bạch Phật v.v… trở xuống cho đến Vy-đề-hy… vui mừng là nói về phần lưu thông. Bốn nghĩa này Đức Phật nói ở cung vua.
- Từ A-nan truyền nói lại cho đại chúng ở núi Kỳ-xà-quật nghe, cũng là một hội, hội này cũng chia ra thành ba phần:
- Từ lúc bấy giờ Đức Thế tôn bước lên hư không trở về núi Kỳ-xàquật là phần Tựa.
- Từ A-nan nói rộng cho đại chúng nghe việc như trên là phần Chánh tông.
- Từ tất cả đại chúng vui mừng vâng hành là phần Lưu thông.
Đức Phật giáo hóa có lý do, cho nên trước có lời tựa, do tựa đã có, nên chỉ trình bày điều muốn nói. Vì vậy kế là phần Chánh tông, vì nói pháp đã đầy đủ, muốn những điều đã nói được truyền giữ cho đời mạt pháp, nên khen ngợi tốt đẹp và khuyến khích tu học nên cuối cùng là phần Lưu thông. Trên đây có năm nghĩa khác nhau, đến đây đã nói sơ về phần Tựa, phần Chánh tông và phần Lưu thông đã xong.
Lại trong phần tựa trên cũng chia thành hai phần:
- Từ câu “Tôi nghe như vầy” là tựa chứng tín.
- Từ “Một thuở nọ” v.v… trở xuống cho đến “Làm sao thấy được thế giới Cực lạc”, là phần phát khởi.
Tôi nghe như vầy, trước là giải về phần chứng tín, phần này có hai nghĩa:
- Hai chữ như thị, là nêu chung đấng Giáo chủ, là người năng thuyết.
- Hai chữ tôi nghe, là chỉ cho ngài A-nan, tức là người được nghe.
Do đó mà gọi là tôi nghe như vầy, đó là giải thích bao gồm cả hai ý. Lại “Như thị” tức là chỉ cho hai môn định và tán. Thị là định từ, cơ hành tất có ích, đây là nói rõ về sự nói pháp của Đức Như lai, sự nói pháp của Đức Phật không bao giờ có sai lầm, do đó mà gọi là như thị. Lại, nói như tức là như ý của chúng sinh, tùy tâm ưa thích của chúng sinh mà Đức Phật hóa độ, căn cơ và giáo pháp phải tương ưng, lại gọi là thị, do đó mà gọi là Như thị.
Lại, nói như thị là muốn nói về sự nói pháp của Đức Như lai, Ngài nói tiệm thì đúng như tiệm, nói đốn thì đúng như đốn, nói tướng thì đúng như tướng, nói không thì đúng như không, nói người pháp thì đúng như người pháp, nói về thiên pháp thì đúng như thiên pháp, nói tiểu thì đúng như tiểu, nói đại thì đúng như đại, nói phàm thì đúng như phàm, nói thánh thì đúng như thánh, nói nhân thì đúng như nhân, nói quả thì đúng như quả, nói khổ thì đúng như khổ, nói vui thì đúng như vui, nói xa thì đúng như xa, nói gần thì đúng như gần, nói đồng thì đúng như đồng, nói khác thì đúng như khác, nói tịnh thì đúng như tịnh, nói uế thì đúng như uế, nói về sự nghìn sai muôn khác của các pháp, Đức Như lai quán thấy và biết được rõ ràng không sai sót, tùy tâm để khởi hạnh, mỗi việc làm đều mang lại lợi ích không giống nhau, giáo pháp nói về nghiệp quả rất rõ ràng không thể sai sót, do đó là gọi là Như thị.
Nói “Tôi nghe” là muốn nói ngài A-nan là thị giả của Đức Phật, thường theo sát sau Phật, Ngài là người học rộng bậc nhất, mỗi lần nghe Đức Phật nói pháp, thì có khả năng nghe và ghi nhớ không sai sót chút nào, đó là nói lên sự truyền trao giáo pháp không có sự sai sót, do đó gọi là “Tôi nghe”.
Lại nói về chứng tín, muốn nói ngài A-nan bẩm thọ lời dạy của Đức Phật và truyền trao lại cho đời mạt pháp sau này, là đối với chúng sinh.
Pháp quán này tôi nghe Đức Phật nói, đây là chứng cứ đáng tin cậy đó gọi là tựa chứng tín, đây là phần giải thích của A-nan.
I. Phần tựa phát khởi:
Chia thành bảy đoạn:
- Từ một thuở nọ Đức Phật ngự tại v.v… trở xuống cho đến Pháp Vương tử là bậc Thượng thủ là bài tựa nói về trước khi giáo hóa.
- Từ đại thành Vương xá v.v… trở xuống cho đến vẻ mặt hòa vui là nói về tựa phát khởi, nhân duyên giam cha vào ngục.
- Từ bấy giờ, A-xà-thế v.v… trở xuống cho đến không cho ra ngoài là nói về nhân duyên giam mẹ vào ngục.
- Từ cúi mong nói rộng cho con nghe v.v… trở xuống cho đến dạy con chánh thọ là nói về nhân duyên ưa thích cõi tịnh.
- Từ bấy giờ Đức Thế tôn liền mỉm cười v.v… trở xuống đến chánh nhân của tịnh nghiệp là nói về tán thiện để làm sáng tỏ hạnh duyên.
- Từ Phật bảo A-nan v.v… lắng nghe v.v… trở xuống cho đến làm sao thấy được cõi nước Cực lạc là nói về định thiện hiển bày quán duyên.
- Trên đây có bảy đoạn khác nhau, nói rộng tựa phát khởi.
1. Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại thành Vương xá, trong núi Kỳxà-quật cùng một ngàn hai trăm năm mươi vị Đại Tỳ-kheo, ba mươi hai ngàn vị Bồ-tát, Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi là bậc Thượng thủ.
Đầu tiên là phần giải thích bài tựa hóa tiền. Trong bài tựa này, có chia làm bốn phần:
Trước tiên nói về “Một thuở nọ” là nói về lúc Đức Thế tôn bắt đầu hóa độ, lúc Đức Phật sắp nói pháp, điều trước tiên là phải nương vào thời và xứ, mục đích là để cho chúng sinh khai ngộ, cũng phải nhờ vào nhân duyên, Đức Phật giáo hóa, cũng phải đợi đến lúc thích hợp.
Lại nói một thuở nọ, hoặc chia một ngày một đêm thành mười hai thời, hoặc một năm có bốn thời… ở đây nói về chữ một thuở nọ tức là chỉ cho sự ứng cơ thuyết giáo của Đức Như lai.
Nói “Xứ” tức là chỉ cho nơi chốn nào đó, tùy theo sự thích hợp, Đức Như lai nói pháp có lúc ở trong núi rừng, có lúc ở cung vua, xóm làng, có lúc ở chỗ hoang vắng, chỗ đất trống v.v… hoặc chỗ có ít nhiều trời, người ở, có lúc ở chỗ Thanh văn, Bồ-tát, có lúc ở chỗ có tám bộ, trời, người, vua…, có lúc ở chỗ thuần là Phàm phu một, hai, nhiều người, có lúc ở chỗ thuần là Thánh một, hai, nhiều vị. Tùy thời tùy xứ, Đức Như lai quán biết không thêm không bớt, tùy duyên trao truyền chánh pháp, mỗi người đều mang lại cho họ lợi ích, cũng như tiếng vang của đại hồng chung tuy lớn, nhưng phải đợi có người đánh mới phát ra tiếng, cũng vậy, bậc đại Thánh tuy thương xót chúng sinh nhưng cũng đợi đến lúc có người thỉnh cầu mới nói, do đó mà gọi là một thuở nọ.
Lại, một thuở nọ, lúc mà vua A-xà-thế khởi nghịch, thì Đức Phật ở đâu? Vào lúc đó, Đức Như lai một mình cùng người Nhị thừa lập tức có mặt tại núi Kỳ-xà-quật, đây là để nghe về nguyên nhân vua A-xàthế khởi phát sự nghịch ác, đây tức là thượng hình hạ ý do đó mà gọi là một thuở nọ.
2. Nói “Phật” là chỉ cho vị hóa chủ, để phân biệt với các Đức Phật khác, cũng còn có ý chỉ cho Đức Thích-ca.
3. Từ tại thành Vương xá v.v… trở xuống tức là phần nói về nơi chốn Đức Như lai đến hóa độ, đoạn này cũng có hai.
4. Đức Phật đến thành Vương xá và xóm làng mục đích là để giáo hóa người thế tục.
5. Đức Phật đến núi Kỳ-xà-quật v.v… là để giáo hóa người xuất gia.
Lại, người tại gia tham cầu năm dục, nối nhau không dứt, dầu họ có phát tâm bền chắc thanh tịnh, thì cũng như vẽ chữ trên mặt nước, nhưng Đức Phật cũng tùy duyên làm lợi ích cùng khắp, không bỏ tấm lòng đại Từ đại Bi, đạo và tục hình dáng khác nhau, không thể ở chung, ở đây gọi là cảnh giới trụ.
Lại, người xuất gia quên thân bỏ mạng, bỏ dục về chân, tâm như kim cương, đồng với viên cảnh, mong cầu quả Phật, làm lợi ích cho mình và người, nếu không dứt lìa duyên trần, thì công đức này không thể chứng được, đây gọi là y chỉ trụ.
6. Từ và chúng đại Tỳ-kheo v.v… trở xuống, cho đến là bậc Thượng thủ là nói về đồ chúng của Đức Phật, trong phần đồ chúng này chia làm hai phần:
- Chúng Thanh văn.
- Chúng Bồ-tát.
Trong phần chúng Thanh văn, được chia thành chín phần:
- “Và” tức là Đức Phật cùng đại chúng nên gọi là và.
- Tổng đại.
- Tướng đại.
- Chúng đại.
- Kỳ niên đại.
- Số đại.
- Tôn túc đại.
- Nội hữu thật đức đại.
- Quả chứng đại.
Hỏi: Ở đầu tất cả các kinh đều có các bậc Thanh văn này để làm lệ chung, đó là lý do gì?
Đáp: Đây cũng có ý riêng, sao gọi là ý riêng? Các vị Thanh văn này phần nhiều đều là người ngoại đạo. Như trong kinh Hiền Ngu chép: Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp thống lãnh năm trăm đệ tử, tu theo tà pháp; Già-da Ca-diếp thống lãnh hai trăm năm mươi đệ tử, tu theo tà pháp, Na-đề Ca-diếp cũng thống lãnh hai trăm năm mươi đệ tử, tu theo tà pháp, tổng cộng là một ngàn vị đều được Đức Phật giáo hóa, đều chứng quả A-la-hán. Đệ tử ngài Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên có đến hai trăm năm mươi vị, cũng đều ở một chỗ và tu tập tà pháp, sau cũng được Đức Phật giáo hóa, đều chứng được đạo quả, cả bốn chúng này hợp lại một chỗ, do đó mà có đến một ngàn hai trăm năm mươi vị.
Hỏi: Trong chúng này cũng có người không phải ngoại đạo, sao lại nêu chung như vậy?
Đáp: Như trong kinh nói thì các ngoại đạo này, thường theo hầu Đức Thế tôn, không bao giờ xa lìa. Nhưng các nhà kiếp tập chỉ đơn giản chọn lấy các vị thuộc ngoại đạo, cho nên có tên khác, người ngoại đạo thì nhiều, không phải ngoại đạo thì ít.
Lại hỏi: Không biết các ngoại đạo này thường theo hầu Đức Phật, thì có ý gì?
Đáp: Giải thích cũng có hai nghĩa:
- Y theo Đức Phật mà giải thích.
- Y theo ngoại đạo mà giải thích.
Y theo Đức Phật mà giải thích là các ngoại đạo này bị ngọn gió tà quạt mát đã lâu (ý nói do sống theo tà đạo quá lâu đời) chẳng phải chỉ trong một đời, do đó hôm nay tuy đã nhập vào chánh đạo nhưng tập khí của họ vẫn còn, đây là điều mà Như lai đã biết trước, Đức Như lai không sai các vị này đi giáo hóa. Vì sợ họ làm tổn hại chánh tín của chúng sinh, nghiệp ác thêm lớn, giúp cho đời này và đời sau, không thể tu tập và chứng quả. Vì nhân duyên này nên Đức Thế tôn khiến họ luôn gần gũi Ngài, không cho pháp làm lợi ích bên ngoài, đây là y cứ vào Đức Phật để giải thích.
Kế là y theo ngoại đạo giải thích thì ý của ngài Ca-diếp… tự cho rằng đã nhiều kiếp chìm đắm trong sinh tử lên xuống trong sáu đường, khổ không thể nói hết. Ngu si ác kiến, không gặp minh sư, mãi trôi lăn trong biển khổ, nhưng cũng nhờ duyên lành đời trước nên nay được gặp Đức Từ Tôn, pháp trạch vô tư, chúng con gội nhuần ân đức của Đức Thế tôn, dầu thân tâm con có tan nát, cũng thề được gần gũi và học hỏi, không do đâu tạm rời, đây là y theo ngoại đạo mà giải thích đã xong.
Lại hỏi: Đối với các bậc Tôn túc này vì sao nói là mọi người đều biết?
Đáp: Đức cao gọi là Tôn, lâu năm gọi là Túc, tất cả các phàm thánh đều biết các vị ấy nội đức hơn người, biết các vị ấy hình tướng bên ngoài khác thường, nên gọi là mọi người đều biết.
Kế là giải thích chúng Bồ-tát, trong chúng Bồ-tát có chia thành bảy phần:
- Nêu tướng.
- Nêu số.
- Nêu vị.
- Nêu quả.
- Nêu đức.
- Nói riêng địa vị đức độ cao sâu của ngài Văn-thù.
- Tổng kết.
Lại, các vị Bồ-tát này có vô lượng hạnh nguyện, an trụ vào tất cả pháp công đức, đi khắp mười phương, thực hành quyền phương tiện giúp cho chúng sinh nhập vào kho Phật pháp, rốt ráo đến bờ kia. Ở trong vô lượng thế giới giáo hóa, mà thành Đẳng chánh giác, ánh sáng chiếu soi đến khắp mười phương, khiến vô lượng cõi Phật rung chuyển sáu cách, tùy duyên khai thị, tức xoay bánh xe pháp, đánh trống pháp, hư kiếm pháp, nổi sấm pháp, tuôn mưa pháp, giảng pháp thí, thường dùng pháp âm để giác ngộ các thế gian, phá dẹp lưới tà, tiêu diệt các tà kiến, phá bỏ trần lao, lấp các hố dục, nói lên sự trong sáng rạng ngời của Phật pháp, tuyên truyền chánh pháp để giáo hóa.
Lại thương xót chúng sinh, không hề mệt mỏi, được pháp bình đẳng, đầy đủ vô lượng trăm ngàn tam-muội, chỉ trong một niệm, chẳng chỗ nào là không đến khắp, dắt dẫn chúng sinh, thương như con một, tất cả các gốc lành đều đến bờ kia, đều được vô lượng công đức của Chư Phật, trí tuệ khai sáng, không gìn sánh bằng.
II. Phần nhân duyên giam nhà vua vào ngục Chia làm bảy phần:
1. Từ “Bấy giờ, đại thành Vương xá” v.v… trở xuống là nói chung về nơi phát khởi giáo hóa. Ở đây nói thuở xưa nhân dân làm nhà cửa ở trong thành này, nhưng vì bị lửa trời thiêu đốt, nếu là nhà cửa vua chúa thì chắc chắn không có lửa đến gần. Sau đó, một thời gian, người ta cùng nhau đến tâu với vua: “Các thần làm nhà rất nhiều nhưng bị lửa trời thiêu đốt, chỉ có cung điện nhà vua thì không có lửa đến gần, chẳng biết có lý do gì không?” Nhà vua đáp lời các quan: Từ nay về sau, lúc các khanh xây nhà chỉ nói rằng, nay ta vì nhà vua mà xây dựng nhà cửa. Các chúng thần đều vâng sắc vua, trở về xây dựng nhà cửa, không còn bị lửa trời đốt cháy, do đó mà tương truyền gọi là Vương xá. Còn nói Đại Thành tức là thành này rất lớn, dân cứ đông đúc, có đến chín ức người, do đó mà thành Vương xá rất rộng lớn.
Nói về nơi chốn khởi phát sự hóa độ của Đức Phật, có hai mục:
a) Vua A-xà-thế khởi duyên ác nên có việc giam cha mẹ vào ngục, vì bị giam cầm nhàm chán cõi Ta-bà này, muốn sinh về thế giới Vô ưu.
b) Tức Đức Như lai đáp lời thỉnh cầu, ánh sáng biến thành đài, ảnh hiện linh nghi. Phu nhân liền cầu vãng sinh về cõi An lạc, lại hết lòng then hỏi phương pháp tu hành, Đức Phật khai mở nhân tu ba thứ phước, chánh quán tức là định môn, lại nêu lợi ích của chín chương. Vì nhân duyên này, nên gọi là khởi hóa xứ.
2. Từ có mặt vị Thái tử trở xuống cho đến lời xúi giục của bạn xấu nói về vua A-xà-thế bị hoảng hốt, tin nhận sự sai lầm của người ác.
Nói Thái tử là nêu địa vị.
Nói A-xà-thế là nêu tên. Lại, A-xà-thế là tiếng Tây vực, Hán dịch là Vị Sinh Oán, cũng dịch là Chiết Chỉ.
Hỏi: Vì sao gọi là Vị sinh oán, Chiết chỉ?
Đáp: Đó đều là nói lên nhân duyên ngày xưa, cũng từ đó mà có tên gọi như thế.
Nói nhân duyên, tức là xưa kia nhà vua vốn không có con nối dõi tông đường, phải đi khắp nơi để cầu khẩn các vị thần linh, nhưng cũng không có, chợt gặp một vị thầy xem tướng nói với vua rằng:
Thần biết trong núi có một vị tiên, không bao lâu nữa sẽ chết, sau khi qua đời chắc chắn sẽ sinh làm con của nhà vua.
Vua nghe xong rất vui mừng hỏi: Người này lúc nào mới qua đời?
Vị thầy đáp rằng: Phải ba năm nữa mới qua đời.
Nhà vua chép: Nay tôi đã già yếu, đất nước lại không có người kế thừa, đợi đến ba năm, không biết có đợi được chăng?
Vua liền sai người vào núi, đến chỗ vị tiên nói rằng:
Nay đại vương không có con, không người thừa kế, đi khắp nơi cầu nguyện thần linh rất khổ cực nhưng vẫn không được, may gặp được một vị thầy xem tướng, bói thấy rằng đại tiên không bao lâu nữa sẽ xả thân, mà sinh làm con của nhà vua, nay đến để xin đại tiên dủ lòng thương xót, sớm đến làm con của nhà vua. Mọi người nghe xong bèn vào núi đến chỗ vị tiên ở, nói lại lời thỉnh cầu của nhà vua với vị tiên đó. Vị tiên bảo sứ giả rằng: “Tôi còn ba năm nữa mới qua đời, nay nhà vua muốn như vậy, việc này không thể được.” Sứ giả vâng lời vị tiên dạy, trở về báo lại với đức vua, nói rõ ý của vị tiên.
Đức vua chép: Ta là người đứng đầu một đất nước, tất cả người vật đều thuộc về ta, nay cố dùng lễ thỉnh, mà không vâng theo ý ta. Đức vua lại bảo sứ giả:
Các khanh hãy đến thỉnh một lần nữa, nếu thỉnh không được thì phải giết chết ông ta ngay, ông ta chết rồi chẳng lẽ không làm con của ta hay sao?
Sứ giả vâng lệnh vua, đến chỗ vị tiên, thưa lại đầy đủ ý muốn của nhà vua. Vị tiên nghe sứ giả nói như vậy nhưng cũng không chấp nhận.
Sứ giả lập tức vâng lệnh vua, muốn giết vị tiên.
Vị tiên nói rằng:
Các vị nên trở về tâu với nhà vua rằng, số mạng của ta nay chưa hết, mà nhà vua lại bảo các vị đến giết tôi, nếu sau này ta có làm con của nhà vua, thì ta sẽ sai người giết lại nhà vua. Vị tiên nói lời đó xong, liền chịu chết.
Sau khi chết vị tiên thác sinh làm Thái tử của đức vua, trải qua mấy ngày đêm, phu nhân của vua cảm thấy mình có thai. Vua nghe nói rất vui mừng, liền cho mời thầy bói đến, xem thử thai nhi là nam hay nữ? Thầy tướng xem xong, tâu với đức vua rằng: “Đó là một bé trai,
nhưng đứa bé này sẽ mang lại sự tổn thất cho nhà vua.” Vua hỏi rằng:
Toàn cả đất nước của ta đều trao truyền lại cho nó, dầu có tổn hại điều gì ta cũng không sợ. Nhưng sau khi nghe nói như thế vua cũng ôm lòng buồn lo.
Vua bảo phu nhân rằng:
Ta và phu nhân, bàn riêng với nhau, thầy tướng đoán đứa bé này sẽ mang lại sự tổn hại cho trẫm, phu nhân đợi ngày sinh nở bèn lên trên lầu cao, sinh Thái tử ngay trên thiên tỉnh, đừng để người nâng đỡ, bị rớt xuống đất, chẳng lẽ không chết hay sao? Ta không buồn lo, tiếng cũng không lộ ra. Phu nhân liền vâng theo kế của nhà vua, đến lúc sinh nở, đều làm theo như cách đã định. Khi sinh ra rơi xuống đất nhưng Thái tử vẫn không chết, chỉ bị gãy ngón tay út, do đó người ngoài đều gọi là Thái tử Chiết chỉ.
Nói Vị Sinh Oán là vì Đề-bà-đạt-đa khởi tâm ganh ghét, khởi dậy duyên ác của ngày xưa cho Thái tử biết, thế nào là ganh ghét mà khởi dậy duyên ác? Đề-bà có tánh xấu, là người hung ác, tuy xuất gia nhưng thường ganh ghét với Đức Phật về tiếng tăm lợi dưỡng. Nhưng vua Tầnbà-sa-la lại là đàn-việt của Phật. Vào một lúc nọ, ông mang nhiều vật cúng dường đến dâng lên Đức Như lai, như vàng bạc bảy báu, danh y, thượng phục. Cả một trăm loại thức ăn, trái cây v.v… Mỗi thứ đều năm trăm xe, hương hoa kỹ nhạc. Dân chúng cả trăm ngàn muôn người, khen ngợi vây quanh, chở đến Phật hội, cúng dường Phật và chúng Tăng.
Lúc đó, Đề-bà thấy vậy càng thêm ganh ghét, lập tức đến chỗ ngài Xá-lợi-phất để cầu học thần thông.
Tôn giả Xá-lợi-phất bảo rằng:
Ông nên học bốn Niệm xứ, không nên học thần thông.
Xin học không được như ý, liền đến chỗ Tôn giả khác để cầu học, cứ như thế đến chỗ năm trăm đệ tử của Đức Như lai để cầu học, nhưng cuối cùng không có ai chịu dạy , các Tôn giả đều bảo nên học pháp bốn Niệm xứ. Sau khi cầu học không được, lại đến học với ngài A-nan, Đềbà nói với Tôn giả A-nan rằng:
Ông là em của ta, ta muốn học thần thông, em hãy lần lượt dạy ta.
A-nan tuy đã được Sơ quả, nhưng chưa chứng được Tha tâm thông, do đó nên không biết anh mình lén học thần thông là muốn hại Phật.
A-nan liền bảo đến chỗ yên tĩnh, rồi lần lượt dạy cho ngồi kiết già ngay thẳng, trước tiên là dùng tâm nhấc thân lên dường như dao động, tưởng cất lên khỏi mặt đất một phân một tấc, tưởng một thước, một trượng, tưởng đến lúc nhà là không, vô ngại, tưởng thẳng qua đất, trong hư không, tưởng nhiếp tâm lại, v.v… trở xuống đến chỗ ngồi cũ. Kế là dùng thân cử tâm, lúc đầu cách mặt đất một phân, một tấc… cũng như pháp trước, dùng thân cử tâm, rồi dùng tâm cử thân, cứ như thế đến khi thân tâm cử lên hư không rồi, lại nhiếp thân v.v… trở xuống, đến chỗ ngồi cũ, kế là quán tưởng thân tâm hòa hợp cùng cử, lại cũng đồng như pháp trước, cử lên một phân, một tấc v.v… đến cuối thì trở lại đầu. Kế là quán tưởng thân tâm nhập vào trong tất cả các sắc cảnh chất ngại, rồi quán tưởng không chất ngại. Kế là quán tưởng tất cả núi sông đất đai, cảnh giới đều nhập vào trong tự thân, vô ngại như hư không, chẳng thấy có sắc tướng. Kế là quán tưởng tự thân của mình hoặc to lớn, trùm khắp cả hư không, ngồi nằm tự tại, hoặc ngồi hoặc nằm, đưa tay động đến cả mặt trời, mặt trăng, hoặc hiện thân nhỏ lại, nhập vào hạt bụi, quán tất cả đều làm được, không hề chướng ngại.
Ngài A-nan lần lượt dạy như thế rồi, trong bảy ngày bảy đêm chuyên tâm chú ý luyện tập đắc được thần thông tất cả tự tại, đều được thành tựu.
Sau khi được thần thông rồi, Đề-bà liền đến trước cung điện Thái tử, giữa hư không hiện bày các thần thông, như trên thân phát ra lửa, dưới thân ra nước, hoặc một bên ra nước một bên ra lửa, hoặc hóa hiện thân thành to lớn, hoặc thâu nhỏ lại tự tại. Thái tử thấy vậy, bèn hỏi những người hầu cận đó là ai?
Những người hầu cận đáp: Đó là Tôn giả Đề-bà.
Thái tử nghe vậy, trong tâm rất vui mừng, liền đưa tay vẫy, gọi rằng:
Tôn giả! Sao không hạ xuống đây?
Đề-bà nghe Thái tử gọi, liền hóa thành một đứa bé, đi thẳng đến ngồi lên vế Thái tử, Thái tử liền ôm lấy, dùng miệng nút, lại nhổ nước bọt vào miệng, đứa trẻ bèn nuốt, trong khoảnh khắc thì trở lại thân cũ.
Thái tử thấy được nhiều cách thần biến của Đề-bà thì càng tăng thêm phần kính trọng. Biết Thái tử sinh tâm kính trọng, Đề-bà liền nói với Thái tử việc nhà vua cúng dường, gồm năm trăm cỗ xe chở đến chỗ Phật, để dâng cúng Đức Phật và Tăng chúng. Thái tử nghe xong, liền nói với Tôn giả:
Đệ tử cũng có khả năng sắm đủ năm trăm cỗ xe và các vật dụng để cúng dường Tôn giả và tăng chúng, chẳng lẽ không bằng nhà vua hay sao!
Đề-bà chép: Ý Thái tử như thế là rất tốt.
Từ đó về sau khi được cúng dường lớn, thì tâm Đề-bà càng kiêu ngạo. Ví như dùng gậy mà đánh vào mũi con chó dữ, thì càng làm tăng thêm tâm ác cho con chó, ở đây cũng vậy. Nay Thái tử lại dùng cây gậy lợi dưỡng mà đánh vào tâm tham của Đề-bà, thì sẽ tăng thêm phần tâm ác ganh ghét. Do đó mà Đề-bà tìm cách phá Tăng, sửa lại giới pháp của Đức Phật, giáo giới bất đồng, đợi lúc nào Đức Phật nói pháp cho đại chúng Phàm thánh nghe, thì liền vào trong đại chúng, theo Đức Phật mà sách động đồ chúng, nói tất cả các pháp tạng đều đã phó chúc cho ta hết rồi, Đức Thế tôn tuổi đã già yếu, nên phải an nghỉ, để tĩnh dưỡng tuổi già. Tất cả đại chúng nghe Đề-bà nói như thế, đều ngạc nhiên liền đến hỏi thăm Đức Thế tôn, ai nấy đều sinh tâm khiếp sợ.
Lúc bấy giờ, Đức Thế tôn đối trước đại chúng nói với Đề-bà rằng:
Xá-lợi-phất, Mục-liên… là các vị đại pháp tướng, mà Như lai còn không phó chúc giáo pháp cho, huống chi ông là người ngu si chỉ có ăn và ngủ thôi ư! Lúc đó, Đề-bà nghe Đức Phật đối trước đại chúng dùng lời hủy nhục mình, không khác gì mũi tên độc bắn vào tim, tâm liền sinh si cuồng, do nhân duyên đó, liền đến chỗ Thái tử bàn về ác kế.
Thái tử nhìn thấy Đề-bà liền cung kính thưa hỏi:
Sao hôm nay sắc mặt Tôn giả quá ốm o gầy mòn, khác với lúc trước như thế?
Đề-bà đáp: Hôm nay ta ốm o gầy mòn là vì Thái tử.
Thái tử cung kính hỏi: Tôn giả nói vì tôi là thế nào?
Đề-bà đáp:
Thái tử biết không? Đức Thế tôn tuổi đã già không còn làm được việc gì nữa, nên phải loại bỏ đi, tôi sẽ tự làm Phật. Nhà Vua tuổi cũng đã già, cũng nên loại bỏ đi, Thái tử tự lên ngôi vị, khi đó Vua mới, mà Phật cũng mới, cai trị và giáo hóa, há không phải là vui sướng hay sao!
Thái tử nghe điều đó hết sức tức giận, chép:
Tôn giả đừng nói như vậy.
Đề-bà chép:
Xin Thái tử chớ tức giận, nhà vua đối với Thái tử hoàn toàn không có ân đức gì, lúc sắp sinh Thái tử, nhà vua đưa phu nhân lên lầu cao một trăm trượng, muốn sinh Thái tử vào trong giếng trời, để rơi xuống đất sẽ chết, nhưng Thái tử đúng là người có phước lực, nên mạng căn không bị thương tổn, chỉ bị gãy ngón tay út. Nếu Thái tử không tin, tự xem lại ngón tay của mình thì sẽ đủ để chứng minh điều đó.
Thái tử nghe nói vậy, lại suy nghĩ và nói rằng:
Có thật như thế không?
Đề-bà đáp:
Nếu điều này không thật, chẳng lẽ tôi cố đến để nói dối Thái tử hay sao?
Thái tử nghe nói liền tin theo kế độc của Đề-bà, cho nên nghe theo lời xúi giục của bạn xấu Đề-bà.
3. Từ bắt giam nhà vua v.v… trở xuống, cho đến không một ai được lui tới là nói nhà vua bị con nhốt trong ngục tối, tức là vua A-xàthế bị ác kế của Đề-bà cắt đức ân tình của cha con Thái tử. Thái tử chẳng những đánh mất ân đức cao dầy mà còn bị đồn đại là nghịch tử. Ngăn che thân vua gọi là thu, đã được mà không xả gọi là chấp, do đó mà gọi là thu chấp. Nói cha, là chỉ riêng cho người rất thân.
Vương, là nói lên địa vị. Tần-bà, là nói về tên.
Nói giam trong ngục tói có bảy lớp tường là việc làm đã nặng mà sự cũng chẳng phải nhẹ, nên không thể như ngục giam bình thường ở nhân gian, hoàn toàn không có người canh giữ, nhưng cũng mang danh là ở trong cung của nhà Vua, lại hoàn toàn cấm ngặt không cho một người nào ở ngoài vào thăm, chỉ có các quan quen thuộc vào để chăm sóc. Nếu không nghiêm khắc quản chế, thì e sợ có tình thông, cũng vì lý do đó mà không bao giờ được giao thiệp qua lại trong và ngoài, tức là nhà vua thường ngày phải bị nhốt trong bảy lớp từơng kín.
4. Từ quốc đại phu nhân v.v… trở xuống, cho đến lén dâng lên vua là đoạn nói về phu nhân bí mật mang thức ăn cho nhà vua.
Nói Quốc đại phu nhân, ở đây nói là lớn nhất. Nói “Phu nhân” là nêu địa vị. Nói Vy-đề-hy, tức là tên, nói cung kính đại vương là nói khi phu nhân nhìn thấy thân vua bị giam cầm, cửa ngõ ra vào rất khó khăn, tin tức không thông, chỉ sợ đức vua sống không nổi. Phu nhân liền dùng nước thơm tắm gội, giúp cho thân thể sạch sẽ, rồi bôi bị mật lên thân thể. Sau đó dùng bột khô, phủ lên mật tô, rồi mặc áo sạch sẽ bên ngoài, trên áo quần đeo thêm chuỗi anh lạc, như pháp phục bình thường, khiến mọi người không có sự nghi ngờ, lại xỏ lỗ những hạt chuỗi anh lạc, một đầu đổ mật ong vào, một đầu đựng nước nho, đựng đầy rồi bít lỗ lại, tất cả các hạt chuỗi anh lạc đều làm như thế, chuẩn bị xong bèn đi bộ đi vào cung, đến gặp nhà vua.
Hỏi: Các quan vâng lệnh Thái tử không cho bất kỳ ai được gặp vua, chẳng hay phu nhân gia môn không cấm chế, cho tự do ra vào, như thế là có ý gì?
Đáp: Các quan là khác thân, lại là người ngoài, sợ có tình thông cho nên cấm chế càng nghiêm khắc hơn.
Lại, phu nhân là thân người nữ tâm không có mưu kế gì khác, vả lại phu nhân là người có túc duyên nghiệp trọng với vua, lâu nay khắng khít vợ chồng, tuy thân là hai mà tâm là một, do đó các người ngoài cũng không cần suy nghĩ, đó là lý do mà các quan cho phu nhân được vào gặp nhà vua.
5. Từ bấy giờ, nhà vua dùng bột mì v.v… trở xuống, cho đến truyền tám giới của ta, tức đoạn này nói đức vua đang bị giam cầm mà tâm lại muốn cầu pháp, đoạn này cũng nói về việc phu nhân đã gặp được nhà vua, phu nhân liền cạo bột mì và bơ trên thân, vo lại thành viên trao cho vua. Vua có được thức ăn liền ăn. Khi ăn xong, phu nhân đang ở trong cung cần có nước sạch để súc miệng, vua súc miệng sạch rồi, tâm tư không còn ghi nhớ điều gì, lúc đó khởi tâm cung kính chắp tay, hướng mặt về núi Kỳ-xà-quật cung kính Như lai, cầu xin che chở. Đây là nói về thân nghiệp cung kính, cũng chung cho cả ý nghiệp. Mà bạch như vầy v.v… trở xuống là nói về sự thỉnh cầu của khẩu nghiệp, cũng chung cho cả ý nghiệp.
Nói Đại Mục-liên là bạn thân của con, cũng có hai ý, tức là khi Mục-liên còn ở thế tục là người thân thích của vua, nay đã xuất gia, tức là sứ môn, đi lại trong cung cấm, đều không chướng ngại. Nhưng khi ở nhà là thân, còn đã xuất gia thì chỉ là bạn, do đó mà gọi là bạn thân.
Nói xin khởi tâm Từ bi trao cho con tám giới, tức đoạn này nói về tâm kính pháp của nhà vua, trọng người hơn mình, nếu không bị giam giữ thì việc thỉnh Phật và chúng Tăng chẳng ó gì là khó, nay đã bị giam cầm, nhưng không phải vì thế mà chịu khuất phục, đành phải thỉnh Mục-liên đến để xin thọ tám giới.
Hỏi: Nhà vua tuy ở cung sâu mà vẫn có lòng thành kính, muốn đảnh lễ Đức Thế tôn và muốn mời Tôn giả Mục-liên để thọ giới, là có ý gì?
Đáp: Người được tôn quý nhất trong các Phàm, Thánh, thì không ai hơn Phật, nay muốn hồi tâm phát nguyện thì điều trước nhất là phải đảnh lễ bậc Đại sư. Giới là duyên nhỏ, nhưng nhà vua cũng phải mời Mục-liên đến trao truyền. Ý chỉ của nhà vua muốn được đắc giới mới là điều đáng quý, khi đắc giới với Mục-liên rồi, là đã đầy đủ ý nghĩa, thì cần gì phải đảnh lễ Đức Thế tôn?
Hỏi: Giới pháp của Đức Như lai có đến vô lượng, nay nhà vua chỉ thọ tám giới, mà không thọ các thứ khác?
Đáp: Các giới khác vì quá rộng lớn, thời gian thọ thì quá dài, chỉ sợ khi thọ xong rồi trong cuộc sống lắm lúc bị lỡ bị phạm giới, thì cũng phải bị trôi lăn trong sinh tử luân hồi.
Còn tám giới, như trong các kinh chép: “Người tại gia giữ giới người xuất gia, giữ giới này thì tâm phải thường hết sức coi trọng, là ý như thế nào? Vì thời gian quá gấp rút, chỉ hạn chế trong một ngày một đêm, thì hết hiệu lực, thì làm sao biết được giới này mà dụng tâm tu hành cẩn thận?”
Như trong văn giới có chép: “Này các Phật tử! Từ sáng hôm nay đến sáng hôm sau một ngày một đêm, phải sống như Chư Phật, là không sát sinh, có giữ được không?”
Các Phật tử đáp: Dạ giữ được.
Lại hỏi: Này các Phật tử! Từ sáng hôm nay đến sáng ngày mai một ngày một đêm, phải sống như Chư Phật là không được trộm cắp, không được hành dâm, không được nói dối, không được uống rượu, không được trang điểm son phấn lên thân thể, không được ca hát và cố ý đi xem nghe, không được nằm ngồi trên giường cao rộng lớn, buông lung thân tâm. Tám giới trên là giới chẳng phải trai, còn không được ăn quá ngọ, đây là trai mà chẳng phải giới.
Các giới này, đều phải thỉnh Chư Phật đến chứng minh. Vì sao? Vì chỉ có Phật và Phật mới là những người tu trì đầy đủ, còn các vị khác vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ, vì tập khí xấu ác vẫn còn, vì cho nên không thỉnh các vị ấy chứng minh. Phải biết công dụng của giới này là như thế để khởi tâm lập hạnh, đây là điều rất cẩn thận và cần thiết. Lại giới này Đức Phật nói có tám thứ thắng pháp. Trong kinh nói nếu người nào trong một ngày một đêm thọ trì mà không phạm thì sẽ được công đức vượt hơn cả cảnh giới trời, người, Nhị thừa, vì có lợi ích như cho nên dạy cho nhà vua ngày nào cũng thọ trì.
6. Từ bấy giờ đại Mục-liên v.v… trở xuống, cho đến nói pháp cho vua nghe là đoạn nói về nguyên nhân nhà vua cầu thỉnh để mong được thánh pháp, đoạn này cũng nói về Mục-liên đã được Tha tâm trí mới biết được ý nguyện cầu thỉnh của nhà vua, liền phát khởi thần thông, chỉ trong thời gian búng ngón tay, đã đến ngay chỗ của nhà vua. Lại sợ người không biết tướng thần thông, do đó phải dẫn một đàn chim nhạn để ví dụ. Nhưng năng lực thần thông của Mục-liên, chỉ trong một niệm đã đi khắp trăm ngàn vòng cả bốn châu thiên hạ, thì làm sao sánh với loài chim ư? So sánh như thế, thì thật là nhiều, không thể nói hết được, như kinh Hiền Ngu có nói, nói cứ mỗi ngày trao cho vua tám giới như thế, phần này nói về mạng sống lâu dài của nhà vua, do đó mà phải nhiều lần mời Mục-liên đến để thọ giới.
Hỏi: Tám giới đã gọi là thù thắng rồi thì một lần thọ là đã đủ, cần gì phải ngày nào cũng thọ?
Đáp: Núi không sợ cao, biển không ngại sâu, dao không sợ bén, mặt trời không sợ sáng, người không nhàm chán điều lành, tội không sợ trừ, hiền không sợ đức, Phật không sợ Thánh. Nhưng ý của vua la nay đã bị tù cấm, lại không được tới lui, do đó trong mỗi niệm, chỉ sợ người ra lệnh giết chết, vì thế mà ngày đêm thường hướng tâm vào tám giới, mong muốn tu tập phước lành thêm nhiều, để làm tư lương cho đời kiếp sau.
Nói Đức Thế tôn cũng sai Phú-lâu-na đến nói pháp cho vua nghe, đoạn này là nói Đức Thế tôn tâm Từ bi sâu nặng thương xót thân vua, bỗng nhiên phải bị giam cầm, sợ vua sinh buồn rầu.
Ngài Phú-lâu-na là người có khả năng nói pháp bậc nhất trong các đệ tử của Đức Phật và ngài cũng có nhiều phương tiện khéo léo để khai phát tâm người, vì nhân duyên đó mà Đức Như lai sai Phú-lâu-na đến nói pháp cho vua nghe, để phá tan sự lo cho vua.
7. Từ trong thời gian như thế v.v… trở xuống, cho đến vẻ mặt vui tươi tức là nhân có được thức ăn và được nghe pháp, nên sống được nhiều ngày mà không chết, đoạn này cũng nói việc phu nhân đã nhiều ngày mang thức ăn đến cho vua không bị đói khát. Hai vị Thánh lại đến để trao truyền giới pháp cho tu tập, khai mở pháp lành cho vua. Thức ăn là để kéo dài mạng sống, giới pháp là để nuôi dưỡng tinh thần, nhờ đó mà hết khổ quên buồn. Vẻ mặt vua được vui tươi, thoải mái.
Trên đây có bảy câu khác nhau, nói rộng về nguyên nhân vì sao nhà vua bị giam cầm.
III. Phần nói về giết hại mẹ
1. Từ bấy giờ A-xà-thế v.v… trở xuống, cho đến vẫn còn sống ư? Là phần nói về Thái tử hỏi về tin tức của nhà vua. Đoạn này cũng nói vua A-xà-thế giam nhốt cha cũng quá nhiều ngày, không cho mọi người giao tiếp, cơm nước cũng không dâng hầu, đã trải qua đã hơn hai tuần lễ. Lẽ ra nhà vua đã chết. Nghĩ đoạn, Thái tử vội đến cửa cấm cung hỏi người giữ cửa, nhà vua hôm nay còn sống hay không?
Hỏi: Nếu người ăn một bữa cơm thì trong một tuần sẽ chết, nay nhà vua đã trải qua ba tuần lễ, nếu đúng theo kế hoạch thì mạng sống của nhà vua đã chấm dứt không còn nghi ngờ gì, vậy thì vì sao A-xàthế không hỏi thẳng với người giữ cửa là nhà vua nay đã chết rồi phải không? Vì sao nay vẫn còn nghi ngờ mà hỏi là vua còn sống hay không? Hỏi như thế là ý gì?
Đáp: Đó là câu hỏi mật ý của vua A-xà-thế, chỉ vì người làm chủ muôn dân, mọi hành động không thể tùy tiện, bởi dầu sao nhà vua cũng là thiên tánh tình thâm, không thể hỏi đã chết chưa, hỏi như thế thì sợ đánh mất ý đồ, sẽ bị người chê cười tội lỗi, tuy ngoài miệng thì hỏi vậy, chứ thực ra trong tâm biết là đã chết rồi, mục đích là cũng để là ngăn ngừa những lời hiềm khích cho mình là nghịch tử vô đạo.
2. Từ bấy giờ, người giữ cửa tâu rằng v.v… trở xuống, cho đến không thể cấm ngăn là nói về người giữ cửa trả lời đầy đủ mọi việc, ở đây nói vua A-xà-thế trước hỏi vua còn sống hay không và nay là nói về người giữ cửa trả lời.
Tâu đại vương! Quốc đại phu nhân v.v… trở xuống là nói phu nhân bí mật mang thức ăn đến để dâng cho nhà vua, vua được thức ăn, thì mạng sống vẫn được kéo dài, tuy trải qua nhiều ngày, mà tuổi thọ nhà vua vẫn còn, đây là do ý của phu nhân, chứ không phải lời của người giữ cửa.
Hỏi: Phu nhân mang thức ăn cho vua bằng cách bôi lên thân thể, rồi mặc y phục bên ngoài, đi lại tự nhiên không ai thấy được, vậy thì vì sao người giữ cửa lại biết rõ việc phu nhân mang thức ăn đến dâng cho vua?
Đáp: Các việc dầu có bí mật đến đâu mà làm lâu ngày, thì việc đó tự nhiên cũng bại lộ. Nhà vua đã bị giam cầm trong cung, mà phu nhân ngày nào cũng ra vào. Nếu không bí mật mang thức ăn đến dâng, thì mạng sống của nhà vua không thể còn được. Nay nói bí mật, là do người giữ cửa nói lại ý của phu nhân. Phu nhân thì cho là mật, người ngoài không biết, nhưng không có việc gì người giữ cửa không biết. Nay việc đã đến cùng, không thể nào che giấu được, do đó mà mọi việc đều kể lại cho A-xà-thế biết.
Từ Sa-môn Mục-liên v.v… trở xuống là nói về hai vị Thánh tăng đi từ hư không mà xuống trong cung, chứ không phải đi bằng cửa ngõ thông thường, hằng ngày đến nói pháp cho nhà vua nghe. Đại vương nên biết, phu nhân mang thức ăn đến, trước không vâng lệnh của Đại vương, cho nên không dám ngăn cản, hai Tôn giả thì đi bằng đường hư không, do đó cũng không thể dùng cửa ngõ để ngăn cấm.
3. Từ bấy giờ A-xà-thế nghe nói thế v.v… trở xuống, cho đến muốn hại mẹ mình là nói về sự tức giận của vua A-xà-thế. Sau khi đã được người giữ cửa kể lại sự việc như vậy rồi, liền khởi tâm ác độc phu nhân, miệng nói những lời ác độc, lại khởi ba nghiệp trái nghịch, ba nghiệp độc ác, mắng cha mẹ là giặc, gọi là khẩu nghiệp nghịch, mắng Sa-môn gọi là khẩu nghiệp ác, cầm kiếm để giết mẹ, gọi là thân nghiệp nghịch, hành động của thân miệng là do tâm làm chủ. Đó gọi là ý nghiệp nghịch. Lại, tiền phương tiện là ác, chánh hạnh sau này là nghịch.
Nói mẹ ta là giặc v.v… trở xuống, tức là miệng nói ra lời ác. Vì sao lại mắng mẹ là giặc, vì làm bạn với giặc. Nhưng tâm tư của vua A-xàthế là oán hận nhà vua, hận là vì sao cha không chết sớm, mẹ là người lén lút mang thức ăn đến cho nhà vua khiến ông chưa chết, do đó mà bị mắng rằng: “Mẹ của ta là giặc, là bạn của giặc.” Chép: “Sa-môn là người ác v.v… trở xuống tức là nói vua A-xà-thế tức giận mẹ vì đã mang thức ăn đến dâng cho vua, lại nghe có Sa-môn thường xuyên lui tới với nhà vua, do đó mà lại sinh tâm tức giận, do đó chép:
Có chú thuật gì mà làm cho ông vua độc ác nhiều ngày không chết?
Liền cầm kiếm bén v.v… trở xuống là nói về sự tức giận dữ dội của A-xà-thế đối nghịch với mẹ mình, có gì đau xót hơn ư! Tay Thái tử liền rút chuôi kiếm nhọn ra, thì mạng sống của mẹ chỉ còn trong khoảnh khắc. Lúc đó, thân mẫu chắp tay cúi đầu xin tha mạng, ôm vào cánh tay của đứa con. Bấy giờ, mồ hôi nóng của phu nhân đã toát ra toàn thân, tinh thần đã tuyệt vọng. Than ôi! Thật là đau thương! Trong cơn hốt hoảng gặp khổ nạn.
4. Từ bấy giờ có một vị đại thần tên là Nguyệt Quang v.v… trở xuống, cho đến lui lại bỏ đi, đây là đoạn nói về hai vị đại thần can ngăn mà Thái tử không nghe lời, đây là hai vị minh thần và cũng là hai phụ tướng của đất nước, là hai vị lập ra giềng mối phép nước cho quốc gia, là những người ngày đêm mong cầu thanh danh cho đất nước. Mọi người ai cũng biết, bỗng nhiên nhìn thấy vua A-xà-thế khởi tâm phản nghịch, cầm kiếm muốn giết mẹ, cả hai đều không nỡ nhìn cảnh nghịch tử như vậy, liền cùng với Kỳ-bà, Phạm Nhan can ngăn.
Nói bấy giờ là chỉ cho lúc vua A-xà-thế muốn giết mẹ; nói có một vị đại thần là vị quan lớn của triều đình; còn Nguyệt Quang là tên riêng của một người; nói “Thông minh trí tuệ” là nói người có đức; nói cùng với Kỳ-bà: Kỳ-bà cũng là con của vua, là con gái út, chợt thấy anh mình khởi tâm nghịch tử với mẹ, liền cùng Nguyệt Quang đến can ngăn.
Nói vì vua mà làm lễ tức là hễ muốn can ngăn các đại nhân thì phải bái lạy để biểu hiện sự cung kính. Nay hai vị đại thần cũng vậy, trước hết pphải tỏ ra cung kính, họ nghĩ là sẽ làm động lòng Thái tử, chấp tay cung kính, mục đích cũng nói lên ý này.
Lại tâu:
Thưa Đại vương! tức đoạn này nói Nguyệt Quang muốn dùng lời lẽ để trình bày mong được vua A-xà-thế khai tâm mà nghe lời, cũng vì nhân duyên đó nên phải tâu trước.
Nói thần nghe Tỳ-đà luận kinh chép: “Ở đây là dẫn rộng sử ký xưa của các đế vương thời đại xưa nay.” Người xưa chép: “Lời nói không liên đến sách vở thì người quân tử hổ thẹn nay vì can ngăn một sự việc không phải nhỏ, há có thể là dùng lời suông nói dối hay sao?”
Nói từ kiếp sơ đến nay tức là nói về thời gian. Nói có các vị vua, đoạn này nói chung về con người bạo nghịch không có lễ nghĩa.
Nói vì tham ngôi vua, ở đây nói chẳng phải ý tham đoạt ngôi vị của cha, nói giết hại cha mình là nói Thái tử khởi tâm ác đối với cha mình. Không thể giữ lâu được, cho nên phải giết cha.
Nói một muôn tám ngàn, tức nay là Thái tử giết cha đồng loại với những người ấy.
Nói chưa hề nghe có ai vô đạo hại mẹ, đoạn này nói từ xưa đến nay người hại cha để chiếm đoạt ngôi vị, thì trong sách sử có ghi chép nhiều, còn người vì tham quốc gia mà giết hại mẹ thì hoàn toàn không có ghi. Nếu nói từ kiếp sơ đến nay, những vị vua độc ác tham quốc thì có, nhưng chỉ giết cha mà thôi, chứ chưa ai giết mẹ, hôm nay có đại vương tham quốc mà giết cha, vì cha có địa vị, do đó mà sinh tham, điều này thì cũng có thể giống như các vị tham quốc xưa kia, nay người mẹ là người không có địa vị để mong cầu chiếm đoạt, mà lại ngang trái mang tâm nghịch hại, đây là người đời nay khác với đời xưa.
Nói nay vua vì tham quốc mà giết hại mẹ, làm ô uế dòng Sát-lợi. Sát-lợi, là giai cấp vương giả, một trong bốn giai cấp của nước Ấn-độ, là một giai cấp Vua chúa đã nhiều đời kế thừa ngôi vua, há đồng với phàm tình hay sao?
Nói Thần không nỡ nghe: Là nói các quan thấy vua làm điều ác, sợ hủy nhục tông môn, tiếng ác lưu truyền, nay tôi quá thất vọng, vì quá nhục nhã không thể nói hết.
Nói là Chiên-đà-la, đây là giai cấp thấp kém nhất trong bốn giai cấp. Người Giai cấp này tính tình họ hung ác, không bao giờ nghĩ điều nhân nghĩa, tuy họ làm thân người nhưng hành vi đồng với loài cầm thú.
Vua là một tộc tánh thượng lưu, là đấng chúa tể cả muôn dân, nay vì làm những điều hung ác hại đến cả mẹ, thì có khác gì giai cấp thấp kém kia?
Nói không nên ở đây có hai nghĩa:
- Nay vua đã gây ra điều ác, không còn lễ nghĩa gia phong, kinh thành xã tắc há để cho bọn Chiên-đà-la làm chủ? Đây có ý nghĩa muốn đuổi vua ra khỏi cung.
- Thái tử tuy là vua một nước, nhưng đã làm tổn thất thanh danh của tông thân, không bằng đuổi đi xứ khác, đi đến một chỗ nào mà không bao giờ nghe thấy, do đó gọi là không nên ở đây.
Nói bấy giờ hai vị đại thần nói lời ấy rồi v.v… trở xuống tức đoạn này nói về hai vị đại thần đích thân đến can ngăn, lời nói rất thô thiển, đã dẫn chứng các việc xưa nay với Thái tử, mong tâm Thái tử khai ngộ.
Nói dùng tay đè kiếm tức là các Đại thần tự đè thanh kiếm trong tay.
Hỏi: Can ngăn Thái tử mà dùng lời nói thô thiển, vậy không sợ phạm thượng hay sao? Như thế thì đã trái với nghĩa với vua tôi, sao không đích thân mang phu nhân đi chỗ khác, để Thái tử khỏi giết?
Đáp: Nói lời thô ác tuy là nghịch với Thái tử, nhưng cũng chỉ mong Thái tử chấm dứt ác hại, sợ Thái tử rút kiếm hại đến thân mình. Muốn nắm giữ kiếm của Thái tử cũng là để phòng thân, lùi lại bỏ đi.
5. Từ bấy giờ A-xà-thế kinh hãi v.v… trở xuống, cho đến các khanh không vì ta sao? Phần này nói Thái tử đã bắt đầu sợ hãi, A-xà-thế nghe hai vị thần can ngăn bằng những lời thô thiển, lại thấy đè kiếm mà bỏ đi, Thái tử sợ các đại thần chống lại, lúc ấy liền đến chỗ nhà vua, lại lập mưu kế khác. Đoạn này nói về sự bất an của Thái tử, do đó mà gọi là run sợ.
Các Đại thần đã bỏ ta, không biết vì ai? Tâm nghi ngờ không quyết định, nên miệng liền hỏi, cho nên nói Kỳ-bà người không vì ta sao?
Nói Kỳ-bà là em vua. Người xưa có chép: “Nhà có suy họa, chẳng phải người thân thì không ai cứu. Ngươi là em ta, há lại như Nguyệt Quang ư?”
6. Từ Kỳ-bà tâu rằng v.v… trở xuống, cho đến cẩn thận chớ hại mẹ tức là hai vị đại thần hết lời can ngăn, đoạn này là Kỳ-bà đúng như thật mà trả lời Đại vương:
Nếu Đại vương muốn chúng tôi giúp đỡ, thì Đại vương đừng hại mẹ, đây là những lời can ngăn thẳng.
7. Từ vua nghe nói vậy v.v… trở xuống, cho đến không hại mẹ nữa là vua A-xà-thế nghe lời can ngăn nên tha chết cho mẹ. Ở đây A-xà-thế được Kỳ-bà can ngăn, tâm ông rất hối hận, hổ thẹn việc làm trước đây của mình, liền hướng về hai vị đại thần để xin thứ lỗi. Do đó mà mẹ được thoát nạn chết, cây kiếm trong tay đã trở vào vỏ kiếm.
8. Từ bảo vị nội quan v.v… trở xuống, cho đến không cho ra ngoài là vua A-xà-thế vẫn còn tức giận mẹ. Ở đây nói A-xà-thế tuy đã nghe lời can ngăn của các đại thần mà tha cho mẹ, nhưng vẫn còn tức, không cho mẹ ra ngoài. Thái tử ra lệnh cho các nội quan, giam mẹ vào cung sâu, không cho ra ngoài và cũng không cho đến thăm nhà vua.
IV. Phần nói về chán ghét duyên khổ Phần này cũng có bốn đoạn.
1. Từ bấy giờ Vy-đề-hy v.v… trở xuống cho đến ốm o gầy mòn, đoạn này nói phu nhân bị con giam cầm trong ngục tối, phu nhân tuy được khỏi nạn chết, nhưng vẫn còn bị nhốt trong cung sâu, bị giữ trong lao ngục, chứ chưa được ra ngoài, chỉ có niệm niệm buồn lo, tự nhiên ốm o gầy mòn, bèn than rằng:
Thật là tai họa! Hôm nay lại gặp vua A-xà-thế gọi, oán kết trong dao bén, lại giam vào cung sâu.
Phu nhân đã được khỏi chết, được ở trong cung, lẽ ra phải giả bộ vui vẻ, vì sao lại lo buồn?
Ở đây cũng có ba nghĩa khác nhau:
a) Phu nhân đã bị nhốt, lại không có người mang thức ăn cho nhà vua, mà nhà vua nghe ta bị nạn lại thêm lo buồn. Nay đã không có thức ăn lại thêm lo buồn, e mạng sống của nhà vua không thể kéo dài.
b) Phu nhân đã bị giam cầm thì biết khi nào gặp được các đệ tử của Đức Như lai?
c) Phu nhân vâng lệnh vua, bị giam cầm trong cung sâu, lại có các nội quan canh giữ, nước uống cũng không cho đem vào, e rằng chỉ trong một đêm, do buồn mà chết. Do đây mà ép ngặt thân tâm đến chỗ tiều tụy.
2. Từ xa hướng về núi Kỳ-xà-quật v.v… trở xuống cho đến khoảng thời gian chưa ngẩng đầu lên là ý nói phu nhân tuy bị giam cầm trong ngục nhưng tâm tư vẫn hướng về Đức Phật. Tức là phu nhân nay thân đã bị giam cầm không thể đến chỗ Đức Thế tôn để đảnh lễ, mà chỉ dùng tâm tư hướng về núi Kỳ-xà-quật để đảnh lễ Thế tôn, xin Đức Phật Từ bi thấu hiểu nỗi lòng của đệ tử.
Nói Như lai lúc xưa v.v… trở xuống, đoạn này có hai nghĩa.
a) Nói về thời gian khi nhà vua chưa bị giam cầm, có lúc thì nhà vua cùng phu nhân và các quan cận thần, thân thuộc đều đến một bên Đức Như lai, hoặc Đức Như lai và các đệ tử đích thân thọ nhận sự cung thỉnh của nhà vua, nhưng nay phu nhân cũng như nhà vua đều bị giam cầm, nhân duyên đã dứt, tình cảm kia đây trái nhau.
b) Nói khi nhà vua bị giam cầm, đã mấy lần mong Đức Thế tôn sai ngài A-nan đến an ủi, thăm hỏi con. Sao gọi là an ủi, thăm hỏi? Vì thấy nhà vua bị tù cấm, Đức Phật sợ phu nhân lo buồn, vì thế mà Đức Phật bảo đến thăm hỏi.
Nói Đức Thế tôn uy đức trọng vọng không thể nào được thấy, đoạn này nói phu nhân bị giam rồi tự hạ mình, quy hướng về các đệ tử của Đức Phật, chán ghét thân nữ uế trược, phước đức lại kém cỏi, ân đức của Đức Phật thì quá cao sâu. Không thể xem thường, rất mong Đức Thế tôn bảo ngài Mục-liên và các đệ tử đến cho con được gặp.
Hỏi: Như lai tức là Hóa chủ, lẽ ra không đánh mất thời nghi, vì sao
phu nhân phải hết lòng cầu thỉnh đến ba lần, Phật mới sai Mục-liên… là có ý nghĩa gì?
Đáp: Đức Phật là đấng tôn nghiêm, những việc nhỏ nhặt thì không dám thưa hỏi. Phu nhân chỉ muốn gặp ngài A-nan nên chuyển lời đến bạch lên Đức Thế tôn. Đức Phật biết được ý của phu nhân, liền sai Tôn giả A-nan chuyển lời nói của Đức Phật, đến nói lại cho phu nhân nghe, vì lý do đó mà phu nhân muốn được gặp ngài A-nan.
Nói nói lời ấy xong là nói chung ý trước đã xong.
Nói buồn khóc rơi lệ tức là phu nhân tự biết mình có tội nặng nên xin Phật thương xót, hết lòng chí kính mà khóc, nước mắt dâng trào đầy mắt, nhưng bày tỏ sự khát khao ngưỡng vọng, chỉ từ xa làm lễ, cúi đầu trong khoảng giây lát chưa ngẩng dậy.
3. Từ lúc bấy giờ, Đức Thế tôn v.v… trở xuống cho đến rải hoa trời cúng dường, đây là đoạn nói Đức Như lai đích thân đến chỗ phu nhân cầu thỉnh, đoạn này cũng có ý nói, Đức Thế tôn tuy ở Kỳ-xà-quật, nhưng cũng biết được tâm niệm của phu nhân.
Nói sai Đại Mục-liên… từ hư không mà đến là Đức Phật đáp ứng lời thỉnh cầu của phu nhân.
Nói Phật biến mất ở núi Kỳ-xà-quật là phu nhân bị giam cầm trong cung rất khó gặp Phật, nhưng Đức Phật cũng hiện thân đến được, không bị vua A-xà-thế nghe thấy mà sinh chuyện rắc rối, vì thế mà Đức Thế tôn phải ẩn mình tại Kỳ-xà-quật và hiện ra ngay trong cung cấm.
Nói bấy giờ Vy-đề-hy đảnh lễ rồi, ngẩng đầu là phu nhân tỏ vẻ cung kính Đức Phật.
Nói thấy Phật Thế tôn, tức là nói Đức Thế tôn đã xuất hiện trong cung sâu, lúc bấy giờ phu nhân vừa ngẩng đầu thì liền nhìn thấy Đức Thế tôn.
Nói Phật Thích-ca Mâu-ni, là nói một cách đơn giản như các Đức Phật khác, nhưng thông thường tên gọi các Đức Phật là thân và tướng không khác, nay chỉ xưng là Đức Phật Thích-ca thì cũng không nghi ngờ gì.
Nói thân màu vàng tím là chỉ cho một tướng tốt của Đức Phật.
Nói ngồi trên hoa sen trăm báu là để phân biệt với các tòa khác.
Nói Mục-liên hầu bên trái là nói không có ai khác, chỉ có hai Tôn giả.
Nói Thích, Phạm, Hộ Thế là nói về các chúng Thiên Vương, thấy Đức Thế tôn hiện trong cung vua, sẽ nói pháp kỳ lạ, ít có. Chúng tôi là trời, người nhờ Vy-đề-hy mà được nghe pháp lợi ích xưa nay chưa hề được nghe. Mỗi vị đều nương bản niệm, trụ khắp trong hư không, nhờ có thiên nhĩ mà nghe được rất xa, do đó mà rải các thứ hoa trời như mưa để cúng dường.
Lại nói Thích: Tức là Thiên Đế.
Phạm: tức là các vua trời phạm thiên thuộc cõi Sắc.
Hộ Thế: Tức là bốn vị Thiên vương.
Nói các vị trời tức là các vị trời ở cõi Dục và cõi Sắc. Đã thấy các Thiên vương đến hướng về một bên Đức Phật, các vị trời đó cũng theo vua đến, nghe pháp cúng dường.
4. Từ bấy giờ Vy-đề-hy thấy Đức Thế tôn v.v… trở xuống, cho đến làm quyến thuộc với Đề-bà-đạt-đa tức là phu nhân ngẩng đầu lên nhìn thấy Đức Phật, liền nói lời thương than, oán kiết tình sâu.
Nói tự bứt chuỗi anh lạc là thân phu nhân có trang sức chuỗi anh lạc là tâm ái chưa trừ bỏ, bỗng nhiên nhìn thấy Đức Như lai, thì hổ thẹn và tự bứt bỏ.
Hỏi: Vì sao phải dứt bỏ?
Đáp: Phu nhân là người cao quý trong những người cao quý, người đáng tôn trọng trong những người đáng tôn trọng, bốn oai nghi của phu nhân, nhiều người phải cung phụng, y phục phu nhân mặc đều do người hầu mặc cho. Nay hổ thẹn tình sâu, không thể nào đeo được nữa, nên tự tay giât vất đi, do đó mà gọi là tự bứt.
Nói toàn thân gieo xuống đất là nói phu nhân trong tâm đã ôm ấp đau thương, oán khổ khó chịu nổi, cho nên từ chỗ ngồi liền đứng, rồi lại gieo mình xuống đất, đây là nói lên oán hận đã quá chồng chất, không còn uy nghi lễ bái.
Nói than khóc hướng về Phật, tức là phu nhân lảo đảo trước Phật, buồn than khóc.
Nói bạch Phật v.v… trở xuống, đoạn này nói phu nhân lảo đảo khóc trước Phật, hồi lâu mới tỉnh, lúc đó mới sửa sang oai nghi thân thể, chắp tay bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế tôn! Từ khi con sinh ra cho tới nay, chưa bao giờ con gây ra tội lỗi gì, con cũng không biết kiếp trước con có tạo tội ác gì không, mà kiếp này kết làm mẹ con với đứa con này, đó là nói phu nhân đã do nghiệp chướng quá sâu, mà không thấy được nguyên nhân của kiếp trước, nay bị con hại, lại cho là hoạn nạn đến, nguyện xin Đức Phật Từ bi chỉ rõ cho thấy được.
Nói Thế tôn vì sao v.v… trở xuống là nói phu nhân hướng về Đức Phật mà tỏ bày, con là phàm phu tội lỗi chưa hết, nay lại có thêm ác báo là việc phải cam tâm. Đức Thế tôn đã nhiều kiếp tu hành, đã dứt hết các thứ tập khí trí tuệ sáng suốt, quả chứng viên mãn gọi là Phật, chẳng hay vì sao lại làm quyến quyến thuộc với Đề-bà? Ý này cũng có hai:
a) Phu nhân có oán hận đối với con nên chợt khởi tâm nghịch ác đối với cha mẹ.
b) Lại oán hận Đề-bà xúi giục Thái tử A-xà-thế con mình gây ra ác kế. Nếu không có Đề-bà thì Thái tử hoàn toàn không có ý xấu này. Vì nhân duyên đó, mà phu nhân thưa hỏi Đức Phật.
Lại, phu nhân hỏi Đức Phật vì sao là quyến thuộc với Đề-bà. Đoạn này cũng có hai ý:
- Quyến thuộc tại gia.
- Quyến thuộc xuất gia.
Nói quyến thuộc tại gia, Đề-bà là em chú bác với Phật, gần có bốn người: Đức Phật là con cả vua Tịnh Phạn , Kim-tỳ là con cả vua Bạch Phạn, Đề-bà là con cả vua Hộc Phạn, Thích-ma-nam là con cả vua Cam Lộ Phạn. Đó gọi là ngoại quyến thuộc tại gia.
Còn nói về quyến thuộc xuất gia, đều làm đệ tử Phật, do đó mà gọi là nội quyến thuộc.
V. Gặp được duyên May mắn thanh tịnh:
Phần này có tám đoạn.
1. Từ cúi mong Đức Thế tôn nói rộng cho con nghe v.v… trở xuống, cho đến đời vẩn đục là phu nhân thỉnh chung về sở cầu, nêu riêng cảnh giới đau khổ. Ở đây nói phu nhân tự thân bị khổ, giác biết cuộc đời là vô thường. Sáu đường đều như thế, không có chỗ an tâm, nay được nghe Phật nói Tịnh độ vô sinh, liền nguyện xả thân ô uế này, mà chứng được sự an vui vô vi của Tịnh độ.
2. Từ cõi vẩn đục này v.v… trở xuống, cho đến không thấy người ác là phu nhân muốn ra khỏi cảnh giới đáng nhàm chán này, đây là nói điều ác chung của cõi Diêm-phù-đề, không có một điều gì đáng tham cầu, chỉ vì ngu si tham đắm theo huyền hoặc, mà phải chịu chìm đắm trong biển khổ trần gian. Nói cõi vẩn đục này tức là nói đây là cảnh giới đau khổ.
Lại nói khí thế gian cũng là chỗ y báo của chúng sinh, cũng gọi là chỗ quả báo của chúng sinh.
Nói địa ngục đẳng v.v… trở xuống là nói quả ác quan trọng nhất của ba phẩm.
Nói đầy khắp là chỗ nhóm họp của ba khổ, chẳng phải chỉ riêng cho cõi Diêm-phù-đề ở Ta-bà mà ở đâucũng đều có, do đó mà gọi là đầy khắp.
Nói nhiều nhóm bất thiện là chỉ cho ba cõi sáu đường khác nhau, chủng loại nhiều như cát sông Hằng, tùy tâm mà khác nhau. Kinh chép: “Nghiệp có công năng trang nghiêm cho thức, đời nào, ở đâu, các đường tùy duyên mà chịu quả báo, dầu có đối diện cũng không biết nhau.”
Nói con nguyện đời vị lai v.v… trở xuống là chân tâm của phu nhân đã thành thục, đã chán ghét sự khổ của Ta-bà, ưa thích vô vi, mãi mãi trở về với thường lạc, nhưng cảnh giới vô vi không dễ xem thường mà đến được, cũng như khổ não của Ta-bà nếu không có dụng công thì e khó mà rời khỏi, tự mình nếu không phát chí kim cương, để cắt đứt gốc sinh tử, nếu không gần gũi Đức Từ Tôn, thì làm sao vượt khỏi đau khổ kia?
Nhưng nguyện con đời vị lai không nghe nói tiếng ác và thấy người ác: tức là như không nghe đến vua A-xà-thế, Điều-đạt, là kẻ giết cha, phá Tăng và có những lời hung ác… nguyện cũng không nghe không thấy. Nhưng vua A-xà-thế đã là con đẻ của mình lại khởi tâm giết hại đối với cha mẹ, huống chi không hại người khác? Do đó mà phu nhân không muốn làm thân thuộc, hoàn toàn muốn cắt dứt.
3. .Từ nay hướng về Đức Thế tôn v.v… trở xuống cho đến sám hối chính là muốn nói với phu nhân rằng Tịnh độ, là cõi nhiệm mầu, nếu không có phước thiện thì không thể sinh về, phu nhân sợ mình còn nhiều tội lỗi, làm chướng ngại không được sinh về, cho nên cầu Phật thương xót, lại phải sám hối.
4. Từ cúi mong Phật nhật v.v… trở xuống, cho đến nghiệp xứ thanh tịnh là phu nhân đã thưa hỏi chung về cách tu hành, vãng sinh. Ở đây là nói phu nhân ở trên đã thưa hỏi chung về chỗ sinh, còn ở đây cũng hỏi chung về hạnh tu để được sinh.
Nói Phật nhật tức là nêu cả hai mục đích pháp và dụ, ví như mặt trời mọc, thì bóng tối tự tan biến, trí tuệ của Đức Phật sáng ngời, đêm tối vô minh sẽ rực sáng.
Nói dạy con quán thanh tịnh v.v… trở xuống là đã nhàm chán cõi uế, ưa thích cõi Tịnh, chỉ cần an tâm chú tưởng tu tập thì sẽ được vãng sinh về cõi thanh tịnh.
5. Từ lúc bấy giờ, Đức Thế tôn phát ra ánh sáng giữa hai đầu chân mày v.v… trở xuống đến khiến Vy-đề-hy trông thấy. Đức Thế tôn hiện ra các Tịnh độ, để đáp lại lời thưa hỏi ở trước, Đức Thế tôn vì muốn cho phu nhân được nhìn thấy cảnh giới Tịnh độ, nên Đức Như lai phát ra ánh sáng giữa hai đầu chân mày, chiếu khắp các cõi nước trong mười phương, ánh sáng gom nhiếp cõi nước, rồi trở về trên đảnh, hóa thành đài vàng, như núi Tu-di, tự như lời nói, tợ như núi Tu-di, núi này chỉ hiện ra trên một đỉnh nhỏ, từ đó mà tất cả cõi nước của Chư Phật lại xuất hiện trong đó, các thứ khác nhau, trang nghiêm khác nhau, do thần lực của Đức Phật, mà rõ ràng phân minh, nhờ sự che chở của Phật mà Vy-đề-hy đều thấy được tất cả.
Hỏi: Vy-đề-hy thưa hỏi như trên là vì chúng ta mà nói rộng cảnh giới vô ưu, thế thì vì sao Đức Phật lâu nay không nói cho chúng ta nghe và sự hóa hiện ra đài vàng như thế là có ý gì?
Đáp: Chương này là mật ý của Như lai, nhưng Vy-đề-hy phát lời thưa hỏi tức là mở rộng cửa Tịnh độ, nếu nói chung thì sợ rằng mọi người không thấy, vì tâm mọi người đang còn lậu hoặc, do đó mà phải hiện bày từng thứ ra trước mắt họ, tùy tâm chọn lựa.
6. Từ bấy giờ, Vy-đề-hy bạch Phật v.v… trở xuống cho đến đều có ánh sáng. Phu nhân thấy rõ các cảnh Phật đã hiện, cảm niệm ân đức của Phật, phu nhân nhìn thấy tất cả các cõi Chư Phật trong mười phương, đều là tinh hoa, muốn so sánh với sự trang nghiêm của thế giới Cực lạc, thì hoàn toàn không thể so sánh được, nên nói nay con muốn sinh về cõi nước Cực lạc.
Hỏi: Chư Phật trong mười phương, sự dứt trừ các hoặc không khác nhau, hạnh quả viên mãn, lẽ ra không hai, vì sao có các thứ Tịnh độ hơn kém như thế?
Đáp: Đức Phật là Đấng Pháp Vương, thần thông tự tại, hơn và kém, vọng hoặc hàng phàm phu không thể biết được, ẩn hiện tuỳ cơ, mục đích là để mang lại sự lợi ích giáo hóa, hoặc có thể ẩn các cõi nước khác là hơn để hiển bày cảnh của Tây phương là hơn.
7.Từ nay con muốn sinh về cõi Di-đà v.v… trở xuống là phu nhân chọn riêng sở cầu, đây cũng nói về bốn mươi tám lời nguyện của cõi nước Phật A-di-đà, mỗi nguyện đều phát sinh ra thắng nhân tăng thượng, nương vào nhân mà khởi ra hạnh tốt, rồi dựa vào hạnh mà cảm được quả tốt. Rồi nương vào quả mà cảm thành báo tốt. Nương vào báo mà cảm thành Cực lạc. Nương vào Cực lạc mà hiển bày tâmTừ bi để hóa độ. Y vào bi hóa mà mở ra cửa trí tuệ. Nhưng bi tâm là vô tận, trí cũng cao siêu, bi và trí song hành, tức mở rộng cửa cam lộ, nhờ đó mà thấm nhuần giáo pháp, nhiếp khắp chúng sinh. Các kinh điển khác, sự khuyến khích thì nhiều, tâm nguyện của các bậc Thánh đều chỉ ra và khen ngợi như thế, nhờ nhân duyên này mà Đức Như lai mật ý bảo phu nhân chọn riêng.
8. Từ cúi mong Đức Thế tôn v.v… trở xuống là phu nhân thưa hỏi
về biệt hạnh, ở đây nói Vy-đề-hy chọn được chỗ sinh, lại còn tu biệt hạnh, tự mình cố gắng dốc lòng, mục đích cũng mong cầu lợi ích vãng sinh.
Nói dạy con tư duy tức là quyết định phương tiện trước. Tư tưởng thường tưởng nhớ về Y báo và Chánh báo của cõi Cực lạc và bốn thứ trang nghiêm.
Nói dạy con chánh thọ là nói nhờ tư tưởng trước mà dần dần nhỏ nhiệm, giác tưởng đều quên chỉ còn tâm định, hợp với cảnh trước. Đó gọi chính là thọ. Trên đây đã nói lược qua phương pháp tu tập, đến dưới đây sẽ chỉ ra quán môn, lại sẽ nói rộng, nên biết.
VI. Nói về hành duyên trong phần tán thiện.
Phần này cũng có năm đoạn:
1. Từ lúc bấy giờ, Đức Thế tôn liền mỉm cười v.v… trở xuống, cho đến thành A-Na-hàm là nói về ánh sáng làm lợi ích cho nhà vua, ở đây nói Đức Như lai biết phu nhân muốn vãng sinh về cõi Cực lạc, mà thưa hỏi hạnh tu hành để được sinh. Xứng với bản tâm Phật, lại nói lên ý nguyện của Đức Phật A-di-đà, vì hai lần thưa hỏi này mà Đức Phật mở rộng cánh cửa Tịnh độ, không chỉ riêng Vy-đề-hy được vãng sinh, mà người nào có sự hiểu biết nghe đến, đều được vãng sinh, do có lợi ích như cho nên Đức Như lai mỉm cười.
Nói có ánh sáng năm màu từ miệng Phật phát ra là ý nói tất cả Chư Phật tâm và miệng thường có pháp uy nghi như thế, hễ phát ra ánh sáng thì chắc chắn có lợi ích.
Nói mỗi tia sáng chiếu vào đảnh Tần-bà là ý nói ánh sáng phát ra từ miệng Phật không chiếu đến các phương khác, chỉ chiếu vào đảnh đầu vua, nhưng ánh sáng Phật từ thân mà phát ra chắc chắn đều có lợi ích. Ánh sáng phát ra từ dưới chân Phật thì chiếu soi làm lợi ích cho địa ngục, nếu ánh sáng từ đầu gối phát ra thì sẽ chiếu soi và làm lợi ích cho loài súc sinh, nếu ánh sáng từ âm tàng phát ra thì sẽ mang lại lợi ích cho quỷ thần, nếu ánh sáng phát ra từ rốn thì sẽ chiếu soi và mang lợi ích cho A-Tu-la. Ánh sáng từ tâm Phật phát ra thì sẽ mang lại lợi ích cho mọi người, nếu ánh sáng phát ra từ miệng Phật thì sẽ mang lại lợi ích cho người Nhị thừa, nếu ánh sáng phát ra từ giữa hai đầu chân mày của Phật thì sẽ mang lại lợi ích cho người Đại thừa.
Nay chỉ nói ánh sáng phát ra từ miệng vàng của Phật, chiếu thẳng vào đảnh đầu của vua, tức là Đức Phật trao cho vua quả vị Tiểu thừa, nếu ánh sáng phát ra từ giữa hai đầu chân mày của Phật thì sẽ thu vào đảnh đầu Phật, tức thọ ký cho các vị Bồ-tát, ý nghĩa này rộng lớn vô lượng, ở đây không thể nói hết.
Nói lúc bấy giờ, Đại vương tuy ở trong ngục v.v… trở xuống là nhà vua được ánh sáng chiếu vào đảnh đầu, tâm và mắt được khai mở, dầu cho chướng ngại đến mấy, cũng tự nhiên nhìn thấy. Nay nhờ ánh sáng mà được nhìn thấy Phật, chứ không phải do ý mà thấy, do đó mà vua hết lòng chí kính quy y, liền chứng được quả thứ ba.
2. Từ lúc bấy giờ, Đức Thế tôn trở xuồng, cho đến nói rộng các thí dụ là nói Đức Thế tôn đáp lời thưa hỏi chọn riêng hạnh sở cầu của phu nhân. Ở đây nói Đức Như lai biến mất trên núi Kỳ-xà-quật, rồi xuất hiện trong cung vua, đến đoạn văn này, Đức Thế tôn ngồi yên lặng Ngài chưa nói gì, nhưng trong khoảng thời gian đó thì phu nhân sám hối và thưa hỏi, Đức Phật phát ra ánh sáng hiện các cõi nước v.v… Lúc đó, ngài A-nan theo Phật vào cung, thấy được nhân duyên như thế, sau khi xong việc. A-nan trở về núi Kỳ-xà-quật trình bày lại cho đại chúng trên núi Kỳ-xà-quật nghe, do đó mới có văn này, chứ không phải do Phật nói, nên biết như vậy.
Nói lúc bấy giờ, Đức Thế tôn bảo Vy-đề-hy v.v… trở xuống là Đức Phật hứa giảng pháp cho Vy-đề-hy nghe.
Nói Phật A-di-đà ở cách đây không xa, đây là nêu cảnh để trụ tâm, đoạn này cũng có ba ý:
a) Nói về khoảng cách không xa, từ Ta-bà đến Cực lạc cách nhau mười muôn ức cõi Phật, tức là cõi nước của Đức Phật A-di-đà.
b) Nói đạo lý tuy xa, nhưng khi đi một niệm liền đến.
c) Nói Vy-đề-hy và các chúng sinh ở đời vị lai, dốc lòng quán niệm tương ưng với cảnh định thì người tu tập tự nhiên thường thấy thế giới Cực lạc. Vì có ba ý nghĩa như thế cho nên nói là không xa.
Nói phu nhân nên buộc niệm v.v… trở xuống, tức là nói phàm phu nghiệp chướng sâu dày, tâm thường tán động, nếu không cắt đứt các duyên trần thì cảnh tịnh không bao giờ hiển hiện. Đây chính là giáo nên an tâm trụ hạnh. Nếu y theo pháp này thì gọi là tịnh nghiệp thành.
Nói nay ta vì phu nhân v.v… trở xuống, đoạn này nói cơ duyên chưa đầy đủ, không thể nói về định môn, Đức Phật lại quán xét căn cơ, mà khai mở hạnh tu ba thứ phước.
3. Từ cũng khiến đời vị lai v.v… trở xuống, cho đến cõi nước Cực lạc là nói về nêu các căn cơ khuyên tu được lợi ích, ở đây nói lợi ích thưa hỏi của phu nhân càng sâu và đời sau chúng sinh nào hồi tâm thì sẽ được vãng sinh Cực lạc.
4. Từ muốn sinh về nước kia v.v… trở xuống, cho đến gọi là tịnh nghiệp là phần khuyên tu ba thứ phước, cũng nói về căn cơ của tất cả chúng sinh, có hai thứ là:
- Định.
- Tán.
Nếu y theo Định mà thực hành, tức là thu nhiếp chúng sinh bất tận, do đó mà Đức Như lai phương tiện mở bày ba thứ phước, để đáp ứng cho căn cơ tán động.
Nói muốn sinh về cõi ấy tức là nêu chỗ vãng sinh về.
Nói nên tu ba thứ phước là nêu chung hạnh môn. Ba thứ phước ấy là:
a) Hiếu thảo nuôi dưỡng cha mẹ.
Hiếu thảo nuôi dưỡng cha mẹ là nói tất cả phàm phu đều phải nhờ vào các duyên mà sinh. Sao gọi là nhờ vào các duyên? Hoặc có loài hóa sinh, hoặc có loài thấp sinh, hoặc có loài noãn sinh, hoặc có loài thai sinh. Trong bốn loại sinh này mỗi loài cũng có bốn cách sinh, như trong kinh có nói rộng. Chỉ do làm nhân với nhau mà sinh, tức có cha mẹ, đã có cha mẹ, thì có đại ân. Nếu không có cha, tức nhân năng sinh bị thiếu, nếu không có mẹ, thì duyên sở sinh cũng bị trái, nếu cả hai người đều không, tức là không có chỗ để gá sinh, do đó mà phải có đầy đủ cả duyên cha và mẹ, mới có chỗ để thọ thân, đã muốn thọ thân, thì do nghiệp thức của mình làm nội nhân và tinh huyết cha mẹ làm duyên bên ngoài. Nhân duyên hoà hợp, do đó mới có thân này, vì nghĩa ấy nên cha mẹ là người ân nặng nhất với chúng ta.
Sau khi mẹ mang thai, trải qua mười tháng, sự đi đứng nằm ngồi rất là khổ nhọc, lại lo sợ khi sinh nở khó khăn dễ bị chết. Nếu sinh rồi thì ba năm đầu phải nằm trên giường dơ bẩn, từ giường mền đến y phục đều không được sạch sẽ, đến lúc khôn lớn trưởng thành. Vì yêu vợ nhớ con, mà đối với cha mẹ lại sinh oán ghét, không hiếu thuận với cha mẹ, con người như thế khác gì loài súc sinh. Lại cha và mẹ là ruộng phước lớn nhất của thế gian. Còn Đức Phật là ruộng phước lớn nhất của xuất thế gian.
Nhưng thời Đức Phật còn tại thế, gặp những năm đói thiếu, nhiều người bị chết đói, xương trắng khắp nơi. Các vị Tỳ-kheo đi khất thực cũng khó khăn. Bấy giờ, Đức Thế tôn đợi các Tỳ-kheo đi khất thực hết, Ngài một mình vào thành khất thực, từ sáng sớm đến trưa nhà nào phải cũng vào khất thực mà vẫn không có thức ăn, cuối cùng Đức Phật cũng phải trở về với bát không. Hôm sau Ngài lại cũng không được gì. Ngày sau đó Ngài lại đi, lại cũng không được gì. Bỗng có một vị Tỳ-kheo đang đi giữa đường gặp Đức Phật vẻ mặt khác thường, dường như đang đói, liền hỏi Đức Phật:
Bạch Đức Thế tôn! Nay Ngài đã thọ thực rồi phải không?
Đức Phật bảo:
Này Tỳ-kheo! Như lai đã ba ngày nay khất thực không được gì, giờ đây ta không còn sức lực để nói chuyện với thầy nữa.
Tỳ-kheo nghe Phật nói, liền rơi lệ không thể ngăn được, liền nghĩ:
Đức Phật là ruộng phước vô thượng, là đấng che chở cho chúng sinh, nay ta sẽ bán ba mảnh y này, mua một bát cơm để dâng lên Đức Phật.
Ngay lúc đó, liền mua được một bát cơm, lập tức đến dâng lên Đức Phật.
Đức Phật biết mà vẫn cố hỏi:
Này Tỳ-kheo! Gặp lúc đói thiếu, mọi người đều bị đói mà chết, nay thầy làm sao có được một bát cơm rất ngon mà mang đến đây như thế?
Vị Tỳ-kheo bạch với Đức Phật hết sự thật.
Đức Phật lại chép:
Này Tỳ-kheo! Ba y là cờ nêu của Chư Phật ba đời, nhân duyên của ba y này, rất tôn quý, đáng trân trọng và đầy đủ ân đức, nay thầy mang đổi chỉ được một bát cơm cho Ta, Như lai nhận lãnh tấm lòng tốt của thầy, nhưng Ta không tiêu được bát cơm này.
Tỳ-kheo lại bạch Phật rằng:
Đức Phật là ruộng phước của ba cõi, là bậc Thánh đáng tôn trọng, sao lại không nhận bát cơm của con dâng cúng, vậy ngoài Đức Phật ra thì ai có thể thọ nhận bát cơm này?
Đức Phật đáp: Này Tỳ-kheo! Cha mẹ thầy còn sống không?
Tỳ-kheo bạch Phật: Bạch Đức Thế tôn, còn sống!
Thầy nên đem về cúng dường cho cha mẹ.
Vị Tỳ-kheo bạch: Bạch Đức Thế tôn! Ngài còn không dám nhận thì cha mẹ của con làm sao dám nhận? Đức Phật chép: Nhận được Tỳ-kheo hỏi: Vì sao như thế?
Đức Phật đáp: Vì cha mẹ thầy là người đã sinh ra thầy, là người có ân nặng, do đó mà có khả năng nhận cơm được.
Đức Phật lại hỏi: Này Tỳ-kheo! Cha mẹ ngươi có lòng tin đối với Đức Phật không?
Tỳ-kheo bạch Phật: Bạch Đức Thế tôn! Không dễ tin Phật.
Phật dạy: “Nay có tín tâm, thấy thầy cho bát cơm thì sẽ sinh tâm rất vui mừng, do đó mà phát tín tâm, rồi thọ ba pháp quy y, tức là có khả năng tiêu được thức ăn này.” Lúc bấy giờ, vị Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, cảm kích mà lui. Lấy ý nghĩa này, mà hiếu thảo, nuôi dưỡng cha mẹ. Lại, mẹ của Đức Phật là bà Ma-da, sinh ra Đức Phật, bảy ngày sau thì bà qua đời, rồi được thác sinh lên cung trời Đao-lợi. Sau Phật thành đạo, đến ngày mười lăm tháng 04 Ngài liền lên cung trời Đao-lợi để nói pháp cho mẹ nghe, là để đền đáp công ơn mang thai trong mười tháng. Đức Phật còn tự ghi nhận công ơn để hiếu thảo nuôi dưỡng cha mẹ, huống chi phàm phu như chúng ta mà lại không hiếu thảo nuôi dưỡng cha mẹ, do đó mà biết ân đức của cha mẹ rất sâu nặng.
Thờ phụng sư trưởng nghĩa là sư trưởng là người có ân đức dạy bảo lễ tiết cho mình. Học thức thành đức, nhân hạnh không thiếu, cho đến thành Phật, cũng đều do sự khéo léo của sư trưởng, đó cũng là ân đức lớn, phải nên kính trọng. Cha mẹ và sư trưởng, gọi là hạnh kính thượng.
Nói từ tâm không giết hại là vì tất cả chúng sinh đều lấy thân mạng làm gốc, nếu thấy duyên ác thì sinh tâm sợ hãi và lánh đi, hành động đó cũng chỉ vì để bảo vệ thân mạng.
Trong kinh có chép: “Tất cả chúng sinh, chẳng có loài nào không yêu quý mạng sống của mình, chớ giết, chớ đánh đập, tự suy mình sẽ biết, lấy đó để làm chứng.”
Nói tu mười điều lành là trong phần nói về mười điều ác thì nghiệp sát sinh là tội ác nặng nhất, do đó sát sinh được đặt ở đầu. Trong mười điều lành, nuôi dưỡng mạng sống là điều lành bậc nhất. Cho nên lấy đó để so sánh nhau. Dưới đây nói về chín điều ác và chín điều lành, sẽ nói rộng thêm, nay chỉ nói về điều lành thế gian, cũng gọi là hạnh từ hạ.
b) Nói thọ trì ba pháp quy y tức ở đây nói điều lành thế gian là nhỏ, chiêu cảm quả báo không đầy đủ, giới đức vòi vọi thì chiêu cảm được quả Bồ-đề, nhưng chúng sinh quy y kính tin Tam bảo thì phải từ cạn đến sâu, trước tiên là thọ trì ba quy y, sau đó là thọ trì các giới.
Nói đầy đủ các giới: giới có nhiều loại, hoặc ba quy y năm giới, hoặc năm giới, tám giới, mười điều lành, hai trăm năm mươi giới, năm trăm giới, giới Sa-di, hoặc ba nhóm giới của Bồ-tát, mười vô tận giới… Đó gọi là đầy đủ giới.
Lại, trong mỗi giới phẩm, cũng có thiểu phần giới, đa phần giới và toàn phần giới.
Nói không phạm uy nghi tức là thân, miệng và ý nghiệp đi, đứng, ngồi, nằm đều phải vâng hành theo uy nghi của tất cả các giới đã quy định, dầu nặng nhẹ, lớn nhỏ, đều phải gìn giữ, nếu phạm thì phải sám hối lỗi lầm, cho nên nói là không phạm uy nghi, đây gọi là giới thiện.
c) Nói phát tâm Bồ-đề: tức là tâm chúng sinh phải ưa thích hướng về Đại thừa, không thể phát tâm nhỏ bé cạn cợt, nếu tự mình không phát khởi tâm rộng lớn thì làm sao tương xứng với quả vị Bồ-đề? Phải nguyện thân mình đồng như hư không, tâm bằng như pháp giới, cùng tận tánh chúng sinh, ta dùng thân nghiệp cung kính cúng dường lễ bái, qua lại đón rước, cứu độ tất cả, lại tự mình dùng khẩu nghiệp để khen ngợi nói pháp, đều được ta hóa độ, dưới lới nói của mình phải giúp cho tất cả chúng sinh đều được đắc đạo.
Lại, ta dùng ý nghiệp nhập định quán sát, phân thân trong pháp giới, tùy căn cơ chúng sinh mà tiếp độ, chẳng có chúng sinh nào mà ta không độ. Nay ta phát nguyện này, vận hết sức để làm cho tăng trưởng, đến lúc rộng lớn như hư không, chẳng chỗ nào không trùm khắp, đi lại vô tận, cùng tận mé vị lai, mà thân không mệt mỏi, tâm cảm thấy chưa đủ.
Lại nói Bồ-đề là tên của quả Phật.
Lại nói tâm chính là tâm năng cầu của chúng sinh, do đó mà nói là phát tâm Bồ-đề.
Nói tin sâu nhân quả, có hai nghĩa:
Nói về nhân quả khổ, vui của thế gian, nếu gây nhân khổ thì sẽ chuốc lấy quả khổ, nếu gieo nhân lành thì sẽ được quả báo vui. Cũng như dùng dấu ấn in vào, ấn giở lên thì thành chữ, không nên nghi ngờ.
Nói đọc tụng Đại thừa tức là nói về kinh giáo, giống như chiếu gương, thường đọc tụng, thường tìm kiếm, để khai phát trí tuệ. Nếu mặt trí tuệ mở thì sẽ chán ghét các sự đau khổ của thế gian, mà ưa thích sự an vui của Niết-bàn v.v…
Nói khuyến tấn hành giả là nói pháp khổ như chất độc, pháp ác như dao, trôi lăn trong ba cõi, làm tổn hại chúng sinh. Nay điều lành như tấm gương sáng, pháp như cam lộ, gương sẽ soi đường chánh đạo để trở về chân như, cam lộ tức là rải xuống mưa pháp không bao giờ khô cạn, nếu muốn cho chúng sinh được thấm nhuần, thì phải có các pháp hội, vì nhân duyên đó mà phải khuyến khích thêm.
Nói ba việc này v.v… trở xuống là tổng kết thành các công hạnh ở trên.
5. Từ Phật bảo Vy-đề-hy v.v… trở xuống, cho đến chánh nhân là nói về việc dẫn các bậc Thánh để khuyến khích phàm phu, nếu quyết định dốc lòng thì chắc chắn được vãng sinh, không nghi ngờ gì.
VII. Phần nói về quán duyên của định thiện.
Có bảy đoạn:
1. Từ Phật bảo A-nan v.v… trở xuống đến thanh tịnh nghiệp là Đức Phật đã nghe và hứa nói, ở đây nói Vy-đề-hy trước xin nguyện vãng sinh Cực lạc. Lại thưa hỏi cách tu hành để được vãng sinh. Đức Như lai đã hứa khả, ở đây y theo văn này chính là muốn khai mở phương tiện chánh thọ, đây là nhân duyên rất quan trọng, lợi ích rất sâu, nhiều kiếp khó được nghe, nay Đức Như lai mới nói, vì nghĩa ấy cho nên Đức Như lai phải sai hai vị Tôn giả.
Nói Đức Phật bảo A-nan là nói nay Như lai muốn mở cánh cửa Tịnh độ. Ông hãy khéo giữ gìn truyền bá, chớ để dứt mất.
Nói bảo Vy-đề-hy nghĩa là phu nhân là người thưa hỏi chánh pháp, nay Như lai sắp nói, phu nhân hãy lắng nghe, suy xét mà lãnh thọ, chớ để lầm mất.
Nói vì tất cả chúng sinh đời vị lai là Đức Như lai đích thân đến giáo hóa, là vì các chúng sinh đang bị chìm đắm, nay đã bình đẳng ban bố pháp lành, mong được thấm nhuần khắp cả.
Nói bị giặc phiền não hại là Phàm phu nghiệp chướng nặng nề, vọng tâm, yêu đắm quá mê muội sâu dày, không khác gì một hố lửa ba ác, nó ngầm nằm dưới chân người, tùy duyên khởi hành, nghĩ là tư lương tiến đạo, sáu giặc nghe biết, tranh nhau xâm đoạt. Nay đã đánh mất pháp tài này, làm sao không buồn khổ ư?
Nói thuyết nghiệp thanh tịnh là Đức Như lai thấy tội lỗi của chúng sinh nên giảng nói cho nghe phương pháp sám hối, vì muốn cho chúng sinh liên tục dứt trừ, để được hoàn toàn thanh tịnh.
Lại nói thanh tịnh là y theo quán môn dưới đây mà chuyên tâm Niệm Phật, chú ý tưởng niệm về Tây phương, mỗi niệm đều dứt trừ tội lỗi, do đó mà được thanh tịnh.
2. Từ lành thay v.v… trở xuống là phu nhân thưa hỏi thánh ý.
3. Từ A-nan! Ông nên thọ trì v.v… trở xuống, cho đến giảng nói lời Phật là Đức Thế tôn khuyên A-nan gìn giữ và giảng nói lại, đây là pháp sâu xa quan trọng, khéo mà truyền bá. Đức Như lai trước muốn bảo chung, giúp cho đại chúng an tâm nghe nhận. Văn này là bảo riêng A-nan, thọ trì chớ để quên mất, rồi vì mọi người thuyết giáo rộng để lưu hành.
Nói lời Phật tức là Đức Như lai do đã nhiều kiếp tu hành giúp cho
khẩu nghiệp không còn lỗi lầm, hễ có nói ra lời gì thì tất cả người nghe tự nhiên phát sinh tín tâm.
4. Từ hôm nay Như lai v.v… trở xuống, cho đến đắc Vô Sinh Nhẫn là phần khuyên tu để được lợi ích, ở đây nói Đức Như lai muốn vì phu nhân và các chúng sinh đời vị lai mà hiện bày phương tiện tu quán, chú tâm quán tưởng cảnh Tây phương, chán bỏ cõi Ta-bà này mà mong cầu cảnh giới Cực lạc.
Nói nhờ năng lực Phật v.v… trở xuống là nói về chúng sinh nghiệp chướng, trước mắt mà như mù, chỉ tay trong lòng bàn tay mà cho là xa xôi, cảnh giới Cực lạc cách thành La-phiệt khoảng một ngàn dặm, huống chi ngoài Phàm phu ra, cảnh giới Chư Phật ở trong tâm, nếu tự lực không nương nhờ vào đạo lực của bậc Thánh che chở, thì làm sao thấy được cảnh giới Tịnh độ?
Nói như cầu chiếc gương sáng, tự thấy mặt mình v.v… trở xuống, đoạn này nói về phu nhân và tất cả các chúng sinh, nhập tâm tu quán, ngưng thần không rời bỏ, tâm và cảnh tương ưng, thảy đều hiển hiện, đương lúc cảnh hiện thì như muôn vật chiếu vào gương không khác.
Nói tâm vui mừng cho nên đắc nhẫn, đoạn này nói cõi nước của Đức Phật A-di-đà sáng suốt thanh tịnh bỗng nhiên hiện ra trước mắt, có điều gì thích thú hơn! Do đó mà sinh tâm vui mừng, liền được Vô sinh pháp nhẫn, cũng gọi là hỷ nhẫn, cũng gọi là Ngộ nhẫn, cũng gọi là Tín nhẫn. Ở đây là nói cao siêu, chưa nêu được sự thật. Đức Phật muốn cho tâm mong cầu của phu nhân và mọi người được lợi ích này, mạnh mẽ chuyên tâm tinh tấn, lúc tâm tưởng thấy thì mới ngộ được pháp nhẫn, phần nhiều đều chứng nhẫn trong Thập Tín, chứ không phải thượng nhẫn của Giải hạnh.
5. Từ Phật bảo Vy-đề-hy v.v… trở xuống, cho đến khiến phu nhân được thấy là nói phu nhân là phàm chứ không phải Thánh, do chẳng phải Thánh nên mong được Thánh lực che chở, cõi Cực lạc tuy rất xa nhưng vẫn thấy được. Đức Như lai sợ chúng sinh nghi ngờ nên nói phu nhân là Thánh chứ không phải phàm phu, do khởi tâm nghi ngờ rồi tự sinh tâm yếu hèn. Nhưng Vy-đề-hy thật là Bồ-tát, nhưng giả hiện là phàm phu, chúng ta là người tội không thể sánh kịp với các vị ấy, Đức Phật vì muốn dứt sự nghi ngờ này nên nói phu nhân là phàm phu.
Nói tâm tưởng yếu kém vì là phàm phu nên không có chí lớn.
Nói chưa được thiên nhãn, đoạn này nói sự thấy biết qua mắt thịt của phu nhân lúc bấy giờ dầu xa hay gần cũng còn không thể nhìn thấy, huống chi cảnh giới Tịnh độ xa xôi, làm sao nhìn thấy được?
Nói Chư Phật, Như lai có phương tiện lạ v.v… trở xuống, đoạn này nói nếu nương vào cõi nước trang nghiêm mà tâm thấy được thì không phải là khả năng của phu nhân, thảy đều quy công lao về Đức Phật.
6. Từ bấy giờ, Vy-đề-hy bạch Phật v.v… trở xuống, cho đến thấy cõi nước kia, tức là phu nhân lại thêm một lần mang ân đức của Phật, muốn khởi tâm hỏi thêm ở sau, đoạn này nói phu nhân đã lãnh hiểu được ý Phật, như sự thấy được đài ánh sáng, tức là tự mình cũng có thể nhìn thấy, là cũng nhờ Đức Thế tôn khai thị, đây mới biết là nhờ ân đức mở bày phương tiện của Phật. Nếu hôm nay Đức Phật còn tại thế mà chúng sinh nào mong muốn hướng niệm, thì có thể thấy được Tây phương, do Đức Phật đã nhập Niết-bàn, mà chúng ta không có được sự che chở của Ngài thì làm sao thấy được?
7. Từ nếu sau khi Phật diệt độ v.v… trở xuống, cho đến thế giới Cực lạc là phu nhân có tâm đại Bi muốn mình và chúng sinh đồng được vãng sinh, thoát hẳn cảnh giới Ta-bà, sống mãi ở Cực lạc, ở đây nói Đức Như lai vận tâm cứu độ, cả chúng sinh ở đời vị lai, nhưng vì phải trải qua nhiều đời, khiến lòng tin của chúng sinh trở thành cạn cợt, cũng vì lý do đó mà Như lai cũng phải diệt độ không thể sống mãi trên trần gian này, giấu đi tuổi thọ lâu dài để giống với loài người, nhiếp phục kiêu mạn để thị hiện vô thường, vì để hóa độ những người ngang bướng đồng trở về với ma diệt, cho nên nói nếu sau khi Phật diệt độ.
Nói các chúng sinh là nói Như lai không còn hóa độ nữa, chúng sinh không có chỗ để nương tựa, trôi lăn trong ba cõi, qua lại trong sáu đường.
Nói vẩn đục bất thiện là nói về thế giới có năm thứ vẩn đục:
- Kiếp trược.
- Chúng sinh trược.
- Kiến trược.
- Phiền não trược.
- Mạng trược.
Nói kiếp trược tức là kiếp thật ra không phải trược, nhưng vì gặp lúc kiếp giảm nên các điều ác gia tăng.
Nói chúng sinh trược là khi kiếp mới thành thì chúng sinh thuần là thiện, đến lúc mạt kiếp, thì mười điều ác của chúng sinh càng mạnh mẽ.
Nói kiến trược tức là tự thân có nhiều tội ác, đều biến thành thiện, người khác cũng vậy, thấy là không đúng.
Nói phiền não trược tức là chúng sinh trong thời mạt pháp ngày
nay, tánh ác khó thân thiện, hễ tiếp xúc với sáu căn, thì tham, sân liền khởi.
Nói mạng trược là do kiến trược và phiền não trược ở trước thường làm việc giết hại, không có tâm từ ái nuôi dưỡng, đã gây nhân khổ giết hại mạng sống của kẻ khác thì muốn được quả sống lâu cũng không thể được. Nhưng trược, vốn thể chẳng phải thiện, đây cũng chỉ nói sơ lược về năm trược như thế mà thôi.
Nói bị năm khổ ép ngặt năm khổ này rút ra từ tám khổ, đó là khổ sinh, khổ già, khổ bịnh, khổ chết và khổ thương mà chia lìa, đó là năm thứ khổ.
Lại có ba thứ khổ nữa, tức cộng chung là tám khổ.
- Khổ năm ấm lẫy lừng.
- Khổ mong cầu mà không được.
- Khổ oán ghét mà phải gặp mặt nhau.
Tổng cộng là tám khổ.
Nay nói năm trược, năm khổ, tám khổ các chúng sinh trong sáu đường đều phải chịu các khổ này, chẳng có chúng sinh nào không bị các khổ não này, nó thường ép ngặt chúng sinh, nếu chúng sinh nào không còn các khổ này thì chúng sinh đó không còn là phàm phu.
Nói làm sao thấy được v.v… trở xuống, đoạn này nói phu nhân đã nêu ra các khổ, các chúng sinh ở đây vì đã gây ra tội nghiệp rất sâu nặng nên không được thấy Phật, không được che chở thì làm sao thấy được cảnh giới Cực lạc?
Trước nói về tựa chứng tín, kế là nói về bài tựa hóa tiền, sau là nói tựa phát khởi.