KIM QUANG MINH TỐI THẮNG
VƯƠNG KINH SỚ
Tam Tạng, Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường vâng chiếu dịch.
Sa-môn dịch kinh Tuệ Chiểu soạn.
Phẩm ĐẠI CÁT TƯỜNG THIÊN NỮ
Phẩm Đại Cát Tường Thiên nữ có chia ra làm ba phần:
- Lý do có phẩm này.
- Giải thích.
- Giải thích chướng ngại.
– Nói về lý do có phẩm này: Tu hành truyền bá có năm, đây là phần thứ hai giúp cho áo quần tài vật trong phần “khiến cho tu tập phước trí”. Nếu không có phước lợi sợ rằng sự mong cầu bên ngoài sẽ làm trở ngại việc mở mang kinh ấy, cho nên lúc y theo kinh tu học sẽ tự nhiên có được áo quần, đã không lo lắng về cầu mong bên ngoài, lại được tu tập phước trí thành tựu hành thù thắng này, do đó phẩm này phát sinh.
– Giải thích tên gọi: Tiếng Phạn là Ma-ha (Hán dịch là Đại) Thấtlợi (Hán dịch là Cát tường) Đề-bà-tỷ (Hán dịch là Thiên nữ), gọi chung là đại Cát tường Thiên nữ. Phẩm này nói về việc của Thiên nữ Cát tường, vì vậy lấy làm tên gọi.
– Giải trừ vặn hỏi:
Hỏi: Phẩm trước giúp về biện tài, phẩm sau giúp về ăn uống đều không phân chia thành phẩm? Ở đây giúp về áo quần có gì khác mà chia ra?
Đáp: Trước sau noi theo nhau không cần phải phân biệt, nhưng vì rộng lược có khác nên có khai hợp khác nhau. Phẩm trước nói lược về giúp ích biện tài, văn ít không thể mở ra một phẩm khác, nên hợp với văn cầu biện tài mà nói. Phẩm sau mở mang kinh tức là tăng thêm địa vị, không nói cầu rồi mới thêm vào, cho nên cũng không phân chia. Ở đây giúp cho áo quần, đầu tiên nêu ra giúp cho áo quần, văn đã rộng dài, vì vậy mở ra làm hai phần.
Hỏi: Cùng giúp đỡ mở mang kinh vì sao biện tài, áo quần đều đợi cầu thỉnh xong mới tăng thêm? Phẩm sau giúp về địa vị sao không đợi thỉnh cầu mà đạt được ngay vậy?
Đáp: Sự giáo hóa có muôn hình thức, lý không theo một tiêu chuẩn nào. Lại nữa, giúp cho biện tài áo quần là vì khó khăn, đợi cầu thỉnh mới đạt được, tăng thêm địa vị bởi dễ dàng, do đó không đợi cầu thỉnh, tinh thần tự làm chủ địa vị cho nên giúp đỡ là dễ.
Hỏi: Người trì kinh tự minh nên cúng dường tất cả bốn việc, vì sao cầu thỉnh rồi mới tăng thêm tiền tài?
Đáp: Hướng về trì kinh tự thích ứng được với bốn việc, muốn giúp thành tựu phước hạnh cho nên lại dạy thỉnh cầu điều đó. Lại nữa, người tự mình chuyên chú mở mang kinh, không vì mong cầu đối với bốn việc, vì người cầu bốn việc giúp cho thực hành kinh, do đó đợi y theo kinh tu học rồi mới ban giúp.
Hỏi: Cát tường Thiên nữ này thuộc loài trời hay loài quỷ?
Đáp: Chân đế Tam tạng nói: “Đây là Bồ-tát Sơ địa ứng hiện làm người đứng đầu trong các thần cây, thống lãnh các thần, hễ đến nơi nào đều ban cho họ sự vui sướng thù thắng. Sự vui sướng thù thắng tức là quả của công đức cho nên gọi là Công đức thiên.” Người nước ngoài gọi thần cũng tức là gọi trời. Theo cách giải thích này tức là nêu rõ loài quỷ đứng đầu trong các thần cây. Ở đây giải thích: Theo kinh chỉ nói là Thiên nữ không nói là thần, như Địa thần ở dưới, tức là tên gọi loài thần. Giả sử có nơi nói tên gọi Thọ thần vương là như tứ Thiên vương cũng gọi là Tứ thiên Thần vương, vì đứng đầu các loài Thần cho nên gọi là Thần vương, không nhất quyết phải là loài quỷ. Thiên nữ cũng giống như vậy, là thuộc về loài trời.
Văn kinh: Bấy giờ, Đại Cát tường Thiên nữ liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi bước đến lễ lạy dưới chân Phật, chắp tay cung kính bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu con thấy có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ô-basách-ca, Ô-ba-tư-ca nào thọ trì, đọc tụng, giải thích cho người nghe về kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này thì con sẽ chuyên tâm cung kính cúng dường các vị Pháp sư này các thứ như ăn uống, áo quần, đồ nằm, thuốc men, cùng tất cả vật dụng tài sản cần thiết khác đều được đầy đủ, không hề thiếu thốn.
Tán rằng: Trong phần giúp cho tài vật, chia làm hai: Đây là phần đầu, một phẩm nói về người mở mang kinh nên đạt được bốn việc, một phẩm sau nói về phương pháp đạt được. Phẩm đầu chia làm bốn:
- Thấy người mở mang kinh thì cúng dường bốn việc.
- Từ “Bạch Thế Tôn…” về sau là phân biệt rõ nguyên nhân cúng dường, đồng thời là báo đức.
- Từ “Nếu lại có người…” về sau là khuyến khích nên thực hành tu học.
- Từ “Đức Phật bảo…” về sau là Đức Phật ngợi khen khuyến khích thành tựu.
Đây tức là phần đầu, lại chia làm ba:
- Nghi thức thỉnh cầu làm lợi ích.
- Từ “Bạch Đức Phật…” về sau là thấy người tu hành.
- Từ “Con sẽ…” về sau là giúp cho sự ích lợi đó.
Trong phần ích lợi có hai: Đầu tiên là giúp cho lợi ích thế gian; sau từ cũng được gặp… trở xuống là giúp cho lợi ích xuất thế gian. Lợi ích thế gian có hai: Một là giúp cho lợi ích hiện tại; hai là “Lại ở nơi…” về sau là giúp cho lợi ích đời sau. Trong lợi ích hiện tại, đầu tiên là giúp cho tài vật.
Văn kinh: Hoặc ngày, hoặc đêm, đối với tất cả câu nghĩa của kinh Vương này quán sát suy nghĩ, an vui mà trụ khiến cho kinh điển này truyền bá rộng rãi ở châu Thiệm-bộ, là vì hữu tình kia đã đối với vô lượng trăm ngàn Đức Phật gieo trồng gốc lành, nên thường giúp cho được nghe, không nhanh chóng bị biến mất.
Tiếp theo là giúp cho lợi ích đối với pháp. Lợi ích đối với pháp có hai:
- Khiến người thực hành pháp được trụ trong an vui.
- Khiến cho giáo pháp nhờ đó truyền bá lâu dài, có ba: Đầu tiên là khiến cho giáo pháp tồn tại lâu dài, tiếp theo là phân biệt rõ nguyên nhân luôn luôn tín nhận, sau là thường được nghe không mất.
Văn kinh: Lại trong vô lượng trăm ngàn ức kiếp sẽ thọ hưởng các thứ vui sướng tốt đẹp ở cõi trời cõi người, thường được mùa màng bội thu, mãi mãi không còn đói kém, tất cả hữu tình thường được yên vui hạnh phúc.
Tiếp theo giúp cho lợi ích đời sau, có ba:
- Được thân tốt đẹp.
- Từ “thường được mùa màng bội thu…” về sau là thường dồi dào vui sướng.
- “Tất cả hữu tình…” trở xuống là làm lợi ích chúng sinh.
Văn kinh: Cũng được gặp các Phật Thế Tôn, ở đời vị lai mau chứng quả Vô thượng đại Bồ-đề, cắt đứt hẳn mọi nạn khổ luân hồi trong ba đường.
Tiếp theo được lợi ích xuất thế, có ba:
- Được gặp các Đức Phật.
- Chứng quả Bồ-đề.
- Cắt đứt hẳn nạn khổ…về sau là chứng đạt Niết-bàn.
Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Con nhớ thời quá khứ có Đức Lưu Ly Kim Sơn Bảo Hoa Quang Chiếu Cát Tường Công Đức Hải Như lai Ứng Chánh Đẳng Giác đầy đủ mười hiệu, con ở chỗ Đức Như lai đó gieo trồng các gốc lành, nhờ năng lực uy thần của Đức Như lai đó Từ bi thương xót, nên khiến con ngày nay hễ nhớ nghĩ nơi nào, hễ nhìn thấy nơi nào, hễ đến cõi nước nào đều làm cho vô lượng trăm ngàn muôn ức chúng sinh được thọ hưởng các điều vui sướng, cho đến vật dụng cần thiết như áo quần, ăn uống, tài sản, các thứ báu như vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu đều khiến cho đầy đủ.
Tiếp theo phân biệt rõ nguyên nhân cúng dường, đồng thời là báo đức, có bốn:
- Nói rõ ngày xưa gặp Phật.
- Từ “Con ở chỗ” về sau là kể rõ nhân gieo trồng ngày xưa.
- Từ “Nhờ năng lực uy thần…” về sau là nghĩ nhớ ân đức của Đức Như lai đó.
- Từ “Nên khiến con…” về sau khiến con làm lợi ích, con vì báo đền ân đức ngày xưa của Phật, do đó cúng dường, làm lợi ích cho người mở mang kinh.
Tiếp theo Đức Phật khen ngợi: Ngươi nhớ nghĩ nhân xưa mà báo ân, cúng dường… như vậy, hễ nhớ nghĩ nơi nào là sở duyên của tha tâm thông, hễ nhìn thấy nơi nào là sở kiến của thiên nhãn thông, hễ đến cõi nước nào là chỗ đến của thần cảnh thông. Tám thứ báu trong đây, chỗ khác thường nói là bảy thứ, bảy thứ báu các nơi nói cũng không giống nhau. Theo luận Phật Địa thì tùy theo nơi đến xem trọng mà nói là bảy thứ, tuy có khác nhau nhưng không trái nhau.
Văn kinh: Nếu lại có người dốc lòng đọc tụng kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này, cũng nên hằng ngày đốt các thứ hương quý và các thứ hoa đẹp vì con cúng dường Đức Lưu Ly Kim Sơn Bảo Hoa Quang Chiếu Cát Tường Công Đức Hải Như lai Ứng Chánh Đẳng Giác đó; lại hằng ngày vào ba thời nên xưng niệm danh hiệu con, đặc biệt dùng hương hoa và các thực phẩm ngon ngọt cúng dường con, cũng nên lắng nghe thọ trì kinh vương nhiệm mầu này thì sẽ được phước đức như thế.
Tiếp theo khuyến khích nên thực hành tu học. Nếu theo Chân đế thì trước là lợi ích Pháp sư, đây là lợi ích người nghe. Nay ý bao gồm cả hai. Đầu là văn Trường hàng, sau là kệ tụng. Văn trường hàng có năm:
- Khuyến khích tự đọc tụng.
- Từ “Cũng nên…”trở xuống là chỉ dạy cách thức đọc tụng.
- Từ “Lại nên…” trở xuống là lại nên cúng dường con.
- Từ “Cũng nên lắng nghe…” trở xuống là khuyến khích lắng nghe, ý ở đây là với người đã hiểu thì khuyến khích đọc tụng, người chưa hiểu thì khuyến khích lắng nghe.
- “Được phước đức như thế” là kết thúc đạt được lợi ích.
Văn kinh: Bèn nói bài tụng rằng: Bởi nhờ thường trì kinh như vậy, tự thân quyến thuộc khỏi các nạn, nhu cầu ăn mặc không hề thiếu, uy quang thọ mạng khó nói hết, khiến cho giai vị thường thêm cao, các trời rưới mưa đúng thời tiết, khiến các chúng trời đều vui thích, cho đến Thần vườn rừng quả trái, quả trái tùng lâm đều tốt tươi, tất cả mầm giống đều thành tựu, muốn cầu châu báu đều như ý, hễ mong muốn gì đều tùy tâm.
Tiếp theo là trùng tụng, có tám:
- Bản thân và quyến thuộc không suy hao.
- Ăn mặc không thiếu thốn.
- Uy quang, trường thọ.
- Giai vị thêm cao.
- Mưa móc đúng mùa.
- Thiên thần vui vẻ.
- Hoa màu tốt tươi.
- Mong cầu đều thành tựu.
Văn kinh: Đức Phật bảo Đại Cát tường: Lành thay! Lành thay! Người nhớ nghĩ nhân xưa, báo ân cúng dường lợi ích an vui cho vô lượng chúng sinh, truyền bá kinh này như vậy, thật là công đức vô tận. Trở xuống là đức Phật ngợi khen, khuyến khích thành tựu.