SỐ 224
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư Chi-lâu-ca-sấm, người nước Nhục Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 9

Phẩm 25: DẶN DÒ, ỦY THÁC GIÁO PHÁP

Đức Phật nói với A-nan:

–Bồ-tát lập hạnh như thế thì không ai hơn được. Lập hạnh như thế là lập hạnh như Phật, lập hạnh như thế thì không có ai làm thầy, đó là lập hạnh trí Nhất thiết trí. Người muốn lập hạnh như thế thì phải theo giáo pháp Bát-nhã ba-la-mật. Phải biết người thực hành Bát-nhã ba-la-mật là người từ trong loài người đến hoặc từ trên cõi trời Đâu-thuật lại. Người này hoặc từ trong loài người hoặc từ trên cõi trời đã nghe qua Bát-nhã ba-la-mật, hoặc từ trong loài người hoặc từ trên cõi trời đã hành qua Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì sau khi Phật Bátnê-hoàn hoặc thấy Bát-nhã ba-la-mật ở khắp mười phương hoặc thấy pháp ấy ở trên cõi trời Đâu-thuật có người thực hành Bát-nhã ba-la-mật hoặc biên chép thì chư Phật đều trông thấy và hộ trì họ. Bồ-tát ấy còn đem ra dạy người khác khiến họ tùy hỷ pháp này, thì biết Bồ-tát ấy từ trước đến nay đã cúng dường biết bao Đức Phật. Người chẳng làm các công đức thuộc phẩm loại A-la-hán, Bích-chi-phật thì biết người đó là Bồ-tát từ trước đến nay đã cúng dường biết bao Đức Phật. Người học Bát-nhã ba-la-mật này mà không kinh, không sợ hoặc có người thọ nhận Bát-nhã ba-la-mật này, hoặc có người học, hoặc có người trì, hoặc có người hiểu những điều dạy trong pháp này, hoặc có người tu theo, thì biết những Bồtát ấy như được diện kiến Đức Phật không khác. Bồ-tát ấy chẳng đình chỉ cũng chẳng bài báng Bát-nhã ba-la-mật thì biết Bồ-tát đã cúng dường biết bao Đức Phật từ trước đến nay.

Đức Phật nói với A-nan:

–Tuy có người ở chỗ Đức Phật tạo tác công đức mà lại đem dùng để cầu A-la-hán, Bích-chi-phật, nhưng rồi họ cũng sẽ được thành Phật. Nếu có Đại Bồ-tát nào thực hành Bát-nhã ba-lamật thì thường phải nên xa lìa đạo A-la-hán, Bích-chi-phật. Đức Phật nói với A-nan:

–Ta đem Bát-nhã ba-la-mật này ủy thác cho ông. Này Anan! Pháp ta thuyết cho ông nghe trừ Bát-nhã ba-la-mật, Ma-ha Âu-hòa câu-xa-đa-la (Đại phương tiện thiện xảo) và các Ma-ha Duy-viết-la, còn những kinh khác của ta nói ra ông ghi nhớ hoặc có lúc quên mất thì tội còn ít, nhưng ông theo Phật nghe Bát-nhã ba-la-mật mà nếu như quên mất thì tội rất lớn. Đức Phật nói với A-nan:

–Ta lại ủy thác cho ông phương pháp thọ học, thọ trì Bátnhã ba-la-mật. Thọ học thì phải học cho kỹ, thọ trì thì phải thọ trì cho đầy đủ, đọc tụng thì không để thiếu sót một chữ. Kinh tạng của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại vẫn như nhau, không khác. Này Anan! Ông phải nghĩ rằng: “Chớ làm cho Bát-nhã ba-la-mật thiếu sót.” Vì sao? Vì Đức Phật hiện tại hôm nay có lòng từ và ân đức của Phật. Người muốn báo ân Phật thì phải cúng dường đầy đủ. Ông nếu như có lòng từ hiếu đối với Phật thì phải thọ trì Bát-nhã ba-la-mật, phải cung kính đảnh lễ cúng dường. Nếu ông làm như thế là ông đã cúng dường báo ân Phật, là ông đã cung kính chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại rồi. Ông đã từ hiếu đối với Phật, nhưng cung kính nhớ ân đối với Phật cũng chẳng bằng cung kính đối với Bát-nhã bala-mật. Ông hãy thận trọng chớ để quên mất một câu. Đức Phật bảo A-nan:

–Ta ủy thác cho ông Bát-nhã ba-la-mật để làm tin. Nếu có người chẳng muốn lìa Phật, lìa kinh, lìa Tỳ-kheo Tăng, cũng chẳng muốn lìa chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại thì chẳng nên xa lìa Bátnhã ba-la-mật. Đó là lời Phật dạy.

Đức Phật bảo A-nan:

–Nếu có người thọ trì Bát-nhã ba-la-mật thì đó là thọ trì giáo pháp của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại. Vì sao? Vì chư

Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều được sinh ra từ Bát-nhã bala-mật. Bồ-tát muốn đắc Phật đạo cần phải học sáu pháp Bala-mật. Vì sao? Vì sáu pháp Ba-la-mật là mẹ của các Đại Bồtát.

Đức Phật bảo A-nan:

–Ta ủy thác cho ông sáu pháp Ba-la-mật. Sáu pháp Ba-lamật là tạng kinh pháp chẳng thể cùng tận của Phật. Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều được sinh ra từ sáu pháp Ba-la-mật. Đức Phật bảo A-nan:

–Ông hằng ngày dạy người, tất cả mọi người trong một cõi nước Phật, ông đều giáo hóa khiến họ đắc đạo A-la-hán, tuy ông giáo hóa như vậy nhưng vẫn còn chưa báo được ân Phật, chẳng bằng nói đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật cho Bồ-tát nghe. Những người được ông giáo hóa đều đắc đạo A-la-hán, họ tạo công đức trì giới, tinh tấn giữ đạo. Giáo hóa mọi người như thế, phước đó có nhiều chăng?

A-nan bạch Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên, rất nhiều, rất nhiều! Đức Phật nói với A-nan:

–Chẳng bằng đem Bát-nhã ba-la-mật nói đầy đủ cho Bồtát nghe. Dù chẳng thể nhiều, một ngày cũng được, dù không thể một ngày, thì trong thời gian một bữa ăn cũng được. Dù chẳng thể dài như thời gian một bữa ăn thì nói trong khoảnh khắc cũng được, phước đó còn hơn phước độ người đắc đạo A-la-hán. Đại Bồ-tát tự quán niệm các việc trong Bát-nhã bala-mật thì công đức của Bồ-tát ấy vượt lên trên các A-la-hán, Bích-chi-phật. Tuy chỉ quán niệm về các việc trong ấy, nhưng sẽ đắc không thoái chuyển với điều kiện chẳng ở giữa chừng lui sụt.

Lúc thuyết Bát-nhã ba-la-mật, bốn bộ đệ tử, chư Thiên, A-tuluân và quỷ thần trong một cõi nước Phật, nhờ oai thần của Đức Phật Thích-ca Văn, tất cả họ đều thấy Đức Phật Asúc và chúng Tỳ-kheo đông không kể xiết đều là bậc A-lahán, các Bồ-tát cũng nhiều vô số. Từ đó về sau, họ không còn thấy nữa.

Phật bảo A-nan:

–Ví như thấy người trong cõi nước đó, nhưng lại chẳng thấy Đức Phật A-súc và các Bồ-tát, A-la-hán, cũng như mắt chẳng thấy được các kinh pháp. Pháp chẳng thấy pháp, pháp chẳng niệm pháp. Vì sao? Vì các kinh pháp không niệm, chẳng thấy, cũng không có ích.

Đức Phật dạy A-nan:

–Các kinh pháp đều không, không được thọ trì, cũng chẳng thể niệm. Ví như nhà ảo thuật biến hóa ra người, các kinh pháp cũng vậy, không niệm cũng không đau. Vì sao? Vì vô hình. Bồ-tát hành như vậy là thực hành Bát-nhã ba-la-mật, học như vậy là học Bát-nhã ba-la-mật. Người muốn đắc sáu pháp Bala-mật thì phải học Bát-nhã ba-la-mật. Học như thế là hơn hết trong các việc học, không có cái học nào bằng, là gấp trăm, gấp ngàn, gấp vạn cái học khác. Đó là vì làm an ổn mọi người trong thiên hạ mà học như thế, khiến cho kẻ khổ ách đều được cứu giúp. Đó là học theo pháp Phật. Người vâng theo lời Phật dạy học như thế dùng tay nhấc một cõi nước Phật dời đến địa phương khác rồi mà mọi người ở trong đó vẫn không hề hay biết.

Đức Phật bảo A-nan:

–Đức Phật do học Bát-nhã ba-la-mật này mà thành Phật, các pháp trí tuệ không ngăn ngại của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều từ Bát-nhã ba-la-mật mà thành tựu đầy đủ. Muốn được giới hạn của Bát-nhã ba-la-mật là muốn được giới hạn của hư không. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật chẳng thể cùng tận. Mọi sự việc ở mười phương đều có tính kể, việc của Bátnhã ba-la-mật thì không thể tính kể.

Đức Phật bảo A-nan:

–Việc của Bát-nhã ba-la-mật không thể tính kể, không thể cùng tận. Bát-nhã ba-la-mật vốn tịnh. Vì sao? Vì không thể kể xiết các Đức Phật thời quá khứ đều từ trong pháp này mà được thành Phật mà Bát-nhã ba-la-mật cũng chẳng thêm cũng chẳng bớt. Không thể kể xiết các Đức Phật thời vị lai đều từ Bát-nhã ba-la-mật mà được thành Phật mà Bát-nhã ba-la-mật cũng chẳng thêm cũng chẳng bớt. Không thể kể xiết các Đức Phật hiện tại ở khắp mười phương đều từ Bátnhã ba-la-mật mà được thành Phật mà Bát-nhã ba-la-mật cũng không thêm cũng không bớt. Thế nên Bát-nhã ba-lamật không thể cùng tận, hư không cũng chẳng thể cùng tận.