SỐ 224
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư Chi-lâu-ca-sấm, người nước Nhục Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 8

Phẩm 30: CHÚC LỤY

Đức Phật lấy tay vỗ vai A-nan ba lần và nói với A-nan:

–Ta chúc lụy cho ông Bát-nhã ba-la-mật, hãy ghi nhớ kỹ càng. Này A-nan! Bát-nhã ba-la-mật này đã chúc lụy cho ông. Ông phải ghi nhớ kỹ càng tỏ rõ từng chữ, ghi chép kỹ càng tỏ rõ chớ để thiếu sót. Lúc biên chép phải nhìn kỹ, chớ ngó tả hữu. Tất cả đều e sợ đang lúc làm việc này có trở ngại. Hãy kỹ càng đừng để kinh này bị thiếu sót một chữ.

Này A-nan! Ta chúc lụy cho ông Bát-nhã ba-la-mật này. Vì sao? Này A-nan! Vì kinh này là kinh tạng vô tận của các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quá khứ, vị lai, hiện tại. Kinh này trấn các pháp, các kinh khác đều từ kinh này sinh ra. Này Anan! Các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quá khứ, vị lai, hiện tại hôm nay đã vì mọi người giảng nói kinh, đã làm ra kinh quyển chẳng thể kể xiết và đủ thứ trí tuệ khác. Bao nhiêu thứ kinh điển mà mọi người thấy được thì đem lại bấy nhiêu sự hoan hỷ, mỗi người đều theo đó tu hành. Những điều nói về con đường vào trí tuệ của mọi người là những điều Đức Phật quá khứ, vị lai, hiện tại hôm nay nói. Tất cả những kinh pháp ấy đều xuất phát từ trong tạng Bát-nhã bala-mật.

Này A-nan! Ngần ấy thứ tướng được thấy, đủ thứ sở hành, ngần ấy thứ căn cơ, ngần ấy thứ thông minh, ngần ấy thứ ngu si, ngần ấy thứ trí tuệ. Tất cả mọi sự mong cầu cho đến sự mong cầu về trí tuệ của mọi người, Như Lai đều biết là từ trong Bát-nhã bala-mật sinh ra.

Này A-nan! Bát-nhã ba-la-mật là mẹ của Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Các trí tuệ sáng suốt đó, thân ta đó đều từ trong Bát-nhã ba-la-mật sinh ra.

Đức Phật bảo A-nan:

–Ông kính lời của ta. Nếu kính ái thừa sự ta thì tự thân ông đã cung kính đối với Phật, ông có lòng kính yêu đối với Phật, ông có lòng hiếu thuận đối với Phật. Mọi sự cung kính đối với Phật, ông đem lòng kính yêu hiếu thuận này cung kính đối với Bát-nhã ba-lamật. Như vậy, này A-nan! Ông cung kính pháp này tức là đã cúng dường chư Phật rồi.

Này A-nan! Ta đem pháp này phó chúc cho ông. Những điều ông phải làm đều đã làm rồi. Thân ông cũng có kính yêu, miệng ông cũng có kính yêu, tâm ông cũng có kính yêu. Ông có lòng hiếu thuận đối với Phật, chẳng nói không có hiếu thuận. Thân ông thường được gặp Phật đúng lúc, chẳng nói chẳng đúng lúc. Miệng ông thường nói đúng như pháp, chẳng nói chẳng đúng như pháp. Tâm ông thường tịnh khiết không có vết nhơ. Ông thấy Phật, chẳng nói chẳng thấy Phật, như vậy là ông đã báo ân Phật rồi. Ta nói với ông, này Anan! Ở trong Bát-nhã ba-la-mật này quên mất một chữ, mà ông bỏ, ông buông đi chẳng chép thì ông không có lòng hiếu thuận đối với Phật. Ông chẳng còn được thấy ta nữa.

Này A-nan! Ông đã không còn vâng theo lời Phật dạy.

Này Anan! Ông đã chẳng còn thừa sự ta nữa.

Đức Phật nói với A-nan:

–Sự cung kính của ông đối với Phật từ trước đến nay hoàn toàn không còn là cúng dường Phật nữa. Nếu như từ trong Bát-nhã ba-la-mật mà quên mất một câu, một lời rồi bỏ qua thì đã là bội ân Phật.

Đức Phật bảo A-nan:

–Ông phải ghi nhớ kỹ càng Bát-nhã ba-la-mật này, phải đem lòng kính yêu hiếu thuận đối với Phật mà đối với giáo pháp này.

Ông phải vì tất cả giáo pháp của các Đấng Thiên Trung Thiên quá khứ, vị lai, hiện tại mà cúng dường. Nếu các Bồ-tát thực hiện lòng thương rộng lớn đối với các hữu tình thì ông phải coi các vị ấy như Phật. Ông cung kính pháp của chư Phật là ông đã gần gũi hộ trì Phật tạng. Ông phải ghi nhớ kỹ càng như thế đối với Bát-nhã ba-la-mật. Ông phải nắm lấy kỹ càng chớ để sót mất một chữ. Sau khi Phật Bát-nê-hoàn, ông phải hộ trì kinh này chớ để thiếu sót. Ông phải đem trao Kinh tạng của chư Phật này cho Đại Bồ-tát.

Này A-nan! Chính tay ta giao phó cho ông. Ông phải đem trao cho Đại Bồ-tát thọ trì pháp này.

Này A-nan! Công đức của Bồ-tát tạo ra phá tan lao ngục sinh tử đau khổ. Những kẻ vô tri bị trói buộc đều được giải cứu. Các ma và bè lũ của chúng đều bị hàng phục. Các pháp thuộc về dục đều bị trừ khử. Vị ấy chinh thức bước lên chỗ ngồi của Phật làm Đấng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đã thành Phật đạo thì khai giải cho kẻ không mù tối, kẻ ngu si. Đức Phật nói với A-nan:

–Đó là đại đạo chinh yếu bậc nhất, không có cái đạo chinh yếu thứ hai, đó là trí tuệ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đó là yếu quyết Bát-nhã ba-la-mật.

Đức Phật nói với A-nan:

–Sau khi ta Bát-nê-hoàn, ông giáo hóa hết dân chúng trong khắp tam thiên đại thiên thế giới vào trong kinh pháp, đều khiến họ thành tựu được đạo A-la-hán. Mỗi ngày ông giáo hóa số người như thế trải qua một kiếp hoặc một trăm kiếp. Ông vì họ giảng nói kinh pháp khiến cho họ được Bát-nê-hoàn. Tuy thế, ông thường chẳng thừa sự đầy đủ đối với ta, chẳng bằng ông đem một câu trong Bátnhã ba-la-mật dạy Bồ-tát học. Ông làm như thế là thừa sự Phật đầy đủ, là cúng dường đầy đủ. Đức Phật dạy:

–Hôm nay ở đây ta khen ngợi ông, chúc lụy Bát-nhã ba-lamật đến một kiếp, trăm kiếp cũng chẳng thể nói hết. Ta nay chỉ nói đại khái mà thôi.

Đức Phật nói với A-nan:

–Hôm nay ta hỏi ông, ông phải trả lời.

Đức Phật từ trong ca-sa đưa ra cánh tay sắc vàng. Ngài đưa bàn tay hữu đặt lên đầu A-nan, xoa đầu A-nan rồi đặt tay lên vai A-nan và nói:

–Này A-nan! Thế nào, ông có lòng kính yêu đối với Phật chăng?

A-nan thưa:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên, tự Ngài phải biết!

Hỏi đáp như vậy đến ba lần.

Đức Phật lại hỏi A-nan:

–Này A-nan! Thế nào, ông có lòng hiếu thuận đối với Phật chăng?

A-nan thưa:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên, tự Ngài phải biết!

Hỏi đáp như vậy đến ba lần.

Đức Phật bảo:

–Đúng vậy, này A-nan! Ông có lòng kính yêu đối với Phật. Vì để báo ân Phật, này A-nan! Ông phải hết sức tôn trọng cung kính Bát-nhã ba-la-mật. Ông phải kính yêu đối với từng câu kinh này. Từng câu ghi nhớ trong lòng phải thật rõ ràng. Những ý nghĩ khác ở trong lòng đều phải bỏ hết. Hãy đặt hết tâm ý vào Bát-nhã ba-lamật mà chép kinh này ngay từ chữ đầu tiên. Khi có người thọ trì, người học tập thì ông phải truyền trao kỹ càng cho Đại Bồ-tát. Ông phải trao cho họ kinh quyển bằng giấy lụa bền đẹp, chép khéo, câu kinh trên dưới tương xứng. Lúc biên chép phải chọn bút tốt, chép trên giấy lụa đẹp. Phải tự hướng về kinh quyển thừa sự, lễ bái, cúng dường bằng hương bột thơm quý, hương tạp, trạch hương, lụa là năm màu sắc, lọng đẹp, cờ phướn… Tất cả như hương của cõi trời hòa lẫn trong dầu mè. Dầu mè tinh khiết, bấc đèn tốt, tự hướng về Bát-nhã ba-la-mật rồi cúi lạy đầu mặt sát đất, rồi lui về thắp đèn lên, càng thêm cung kính, lễ bái, thừa sự.

Khi nói kinh Bát-nhã ba-la-mật này, Đức Phật ngồi ở chính giữa các đệ tử trong núi Kỳ-xà-quật gần thành Laduyệt-kỳ.

Đức Phật thành đạo năm ba mươi tuổi, ngày rằm tháng chạp, sau bữa ăn, Ngài nói kinh xong, các đệ tử, các Bồ-tát, chư Thiên, các A-tu-luân, các Rồng, Quỷ thần, các dân chúng đều rất hân hoan đảnh lễ Phật rồi lui về.