SỐ 224
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư Chi-lâu-ca-sấm, người nước Nhục Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 8

Phẩm 23: GIỮ GÌN VÀ HÀNH TRÌ

Bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân đang ngồi trong pháp hội, thầm nghĩ: “Bồ-tát đang thực hành Bát-nhã ba-la-mật mà người trong thiên hạ ở khắp mười phương không ai hơn được huống chi là tự tiến đến quả Phật! Được sinh vào trong loài người ở trong mười phương là khó, đã được sống lâu an ổn mà có một người phát tâm tu hành Phật đạo là khó, hà huống chí tâm tu hành Phật đạo! Người làm kẻ đứng đầu dẫn dắt mọi người trong thiên hạ ở khắp mười phương, khó có được người như thế.”

Lúc ấy Thích Đề-hoàn Nhân biến hóa ra hoa Văn-đà-la rải lên trên Đức Phật. Rải hoa xong nói:

–Người hành đạo Bồ-tát là người hướng đến Phật đạo thì sở nguyện chắc chắn thành tựu. Tôi sẽ ở bên cạnh ủng hộ người tu hạnh này vì họ chắc chắn thành Phật. Các pháp nói trong kinh như pháp trí Nhất thiết trí, pháp Như Lai thảy đều đầy đủ, pháp không thoái chuyển cũng vậy.

Thích Đề-hoàn Nhân nói:

–Người có lòng chí thành cầu Phật đạo, một khi nghĩ nhớ đến pháp Bát-nhã ba-la-mật này thì không bao giờ xa lìa Phật đạo.

Thích Đề-hoàn Nhân nói tiếp:

–Tôi muốn cho người trong pháp này càng nghĩ nhớ chẳng chán nỗi khổ sinh tử. Tất cả thế gian đều khổ, họ vì mọi người cho nên phải tu các hạnh khổ khó làm, tâm nghĩ: “Những người chưa độ, ta cần phải độ họ, những người chưa giải thoát, ta cần phải giải thoát cho họ. Những người sợ hãi, ta cần phải làm cho họ an ổn. Những người chưa Bát-nê-hoàn, phải làm cho họ đều Bát-nê-hoàn.” Thích Đề-hoàn Nhân hỏi Phật:

–Người tùy hỷ công đức Bồ-tát mới phát tâm thì được bao nhiêu phước? Người tùy hỷ công đức đang theo các giai vị tiến lên thì được bao nhiêu phước? Người tùy hỷ công đức Bồtát không thoái chuyển cho đến Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ thì được bao nhiêu phước?

Đức Phật nói với Thích Đề-hoàn Nhân:

–Cân núi Tu-di còn có thể biết được trọng lượng, còn phước của người tùy hỷ công đức Bồ-tát mới phát tâm thì không thể cân lường.

Một cõi nước Phật (tam thiên đại thiên thế giới) còn có thể cân lường, còn phước của người tùy hỷ công đức Bồtát đang theo các giai vị tiến lên thì không có hạn lượng.

Lấy một phần trăm sợi tóc nhúng cho cạn hết biển cả trong một cõi nước Phật, còn có thể đếm được số giọt nước trên đầu sợi tóc ấy, còn phước của người tùy hỷ công đức Bồ-tát không thoái chuyển thì không thể đếm được.

Lấy một hộc, nửa hộc, một đấu, nửa đấu, một thăng, nửa thăng đem đong lường hư không của vô số cõi nước Phật còn có thể đong biết hư không là bao nhiêu, còn phước của người tùy hỷ công đức Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ thì không cùng tận.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Người bị ma làm mê loạn nghe pháp này thì không tùy hỷ. Người thuộc bè đảng ma nghe pháp này thì không tùy hỷ. Người từ cung ma trên trời xuống đây nghe pháp này thì không tùy hỷ. Vì sao? Vì người này dù có phát tâm cầu Phật đạo, nhưng trong lòng vẫn còn mang cảnh giới của ma. Cho nên phải tùy hỷ công đức đối với người phát tâm cầu Phật đạo, dù người ấy trong lòng còn mang cảnh giới ma, phải tùy hỷ công đức đối với người mà tâm chẳng lìa Phật, chẳng lìa Kinh, chẳng lìa Tỳ-kheo Tăng.

Đức Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Đúng như lời Thích Đề-hoàn Nhân đã nói, người tùy hỷ công đức thì gần với Phật. Nhờ công đức tùy hỷ ấy mà đời đời sinh ra chỗ nào cũng được mọi người muốn cúng dường không khi nào nghe lời nói xấu, chẳng sợ bị đọa vào đường ác, thường sinh lên trời, thường được mọi người tôn trọng. Vì sao? Vì người này tùy hỷ công đức Bồtát, vì người này hay ủng hộ mọi người. Vì sao? Vì Bồ-tát mới phát tâm tiến tu dần dần đến quả vị Phật, thành Phật rồi sẽ độ thoát mọi người trong thiên hạ ở khắp mười phương.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Tâm như huyễn thì do đâu mà được thành Phật?

Đức Phật hỏi Tu-bồ-đề:

–Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao, ông có thấy huyễn chăng?

Tu-bồ-đề đáp:

–Con chẳng thấy?

Đức Phật hỏi:

–Huyễn hóa cũng chẳng thấy. Tâm huyễn lìa, huyễn hóa lìa. Tâm huyễn tuy lìa, nhưng thấy pháp khác thì sẽ đắc Phật đạo chăng? Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Không!

Phật dạy:

–Thấy cũng chẳng lìa huyễn hóa. Lìa tâm huyễn cũng chẳng thấy sẽ đắc Phật đạo, cũng không có pháp, cũng không có thấy thì sẽ nói pháp này là đắc hay không đắc? Pháp ấy vốn không có xa lìa, cũng vốn không có đắc hay không đắc, vốn không sinh, cũng không có người thành Phật. Giả sử không có pháp thì cũng không được thành Phật. Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Giả sử như thế, Bát-nhã ba-la-mật lìa gốc (rốt ráo lìa, hoàn toàn lìa) thì không có pháp đối đãi. Lìa gốc thì không có đối đãi, không có chứng đắc, cũng không có giữ gìn, cũng không có tu hành, cũng không có pháp sẽ được chứng đắc. Vì sao? Vì lìa Bátnhã ba-la-mật vốn không có hình tướng, vốn không xa lìa thì tại sao phải ở trong Bát-nhã ba-la-mật mà đắc Phật đạo? Phật thì lìa gốc, không có sở hữu. Đã không có sở hữu thì làm sao mà được thành Phật.

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Như lời Tôn giả nói vừa rồi, lìa gốc thì không có Bátnhã bala-mật, lìa gốc thì không có trí Nhất thiết trí. Đức Phật nói tiếp:

–Tuy biết lìa gốc thì Bát-nhã ba-la-mật vốn cũng không từ đâu sinh ra. Tôn giả phải suy nghĩ như vầy: “Thâm nhập, giữ gìn pháp ấy thì lìa gốc, không có sở hữu, nên được thành Phật.” Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Tuy biết lìa gốc thì không có Bát-nhã ba-la-mật, đó là chẳng giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật, nhưng người chẳng hành đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật thì chẳng được thành Phật. Đức Phật dạy:

–Như lời Tu-bồ-đề đã nói, vì chẳng chấp nơi việc chứng đắc Bát-nhã ba-la-mật nên được thành Phật, cũng chẳng do lìa hay không lìa Bát-nhã ba-la-mật mà được thành Phật, cũng chẳng thể lìa Bát-nhã ba-la-mật mà được thành Phật. Người chẳng đắc Bát-nhã ba-la-mật thì chẳng được thành Phật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu thật là hy hữu.

Đức Phật nói với Tu-bồ-đề:

–Ông đã nói: “Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu thật là hy hữu.” Còn Bồ-tát thì nói: “Siêng tu hạnh khổ khó làm, siêng tu pháp thâm diệu nhưng chẳng phải vì muốn chứng Nêhoàn.”

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nói như thế, Bồ-tát chẳng cho là mình siêng tu hạnh khổ khó làm. Vì sao? Vì không có người chứng, cũng không có Bát-nhã ba-la-mật được chứng, cũng không có kinh pháp được chứng. Bồ-tát nào nghe nói như thế mà không lo, không sợ, không chán, không ghét thì đó là Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Tuy hành như thế mà chẳng thấy hành, đó là thực hành Bát-nhã ba-lamật. Tuy gần Phật mà cũng chẳng thấy, đó thực hành Bát-nhã ba-lamật. Tuy xa lìa Ala-hán, Bích-chi-phật mà cũng chẳng thấy, cũng chẳng nghĩ, đó là thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

Ví như hư không chẳng nghĩ là hoặc có gần, hoặc có xa. Vì sao? Vì hư không vốn không có hình tướng. Thực hành Bát-nhã bala-mật không có cách Phật gần. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật không có hình tướng.

Ví như nhà ảo thuật làm ra hóa nhân. Người được biến hóa ra ấy chẳng nghĩ là nhà ảo thuật cách ta gần hay cách ta xa. Vì sao? Vì người được biến hóa ra ấy không có hình tướng. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật chẳng nghĩ các quả vị A-la-hán, Bích-chi-phật cách ta xa, Phật đạo cách ta gần. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật không có hình tướng.

Ví như bóng hiện trong nước chẳng nghĩ do đâu mà bóng hiện trong nước. Nếu người ở gần cũng chẳng nghĩ là gần, nếu người ở xa cũng chẳng nghĩ là xa. Vì sao? Vì bóng không có hình tướng. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật cũng không nghĩ là quả vị A-la-hán, Bíchchi-phật là xa, Phật đạo là gần. Vì sao?

Vì Bát-nhã ba-la-mật không có hình tướng. Bát-nhã ba-la-mật vừa không yêu, vừa không ghét. Đức tánh của Như Lai không nơi chấp trước, không chỗ xuất sinh. Bát-nhã ba-la-mật cũng vậy, cũng không sở sinh, vô sở trước.

Ví như Đức Như Lai biến hóa ra người. Người được biến hóa ra ấy chẳng nghĩ rằng các quả vị A-la-hán, Bích-chi-phật cách ta xa, cũng chẳng nói Phật đạo cách ta gần. Vì sao? Vì người được biến hóa ra ấy không có hình tướng. Bát-nhã ba-la-mật cũng chẳng nghĩ quả vị A-la-hán, Bích-chi-phật cách ta xa, cũng chẳng nghĩ Phật đạo cách ta gần. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật không có hình tướng.

Ví như người thợ thông minh chế tạo ra người máy. Người máy chẳng thể tự hoạt động, mà do được điều khiển. Người máy không nghĩ rằng: “Ta phải cử động co duỗi, cúi ngước để cho người tham quan hoan nghênh”. Vì sao? Vì người máy vốn không có ý nghĩ. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật tùy theo người tu hành mà mỗi người tự chứng đắc. Tuy vậy, nhưng Bát-nhã ba-la-mật cũng không có hình tướng, cũng không có niệm phân biệt.

Ví như thuyền to được đóng để đưa các khách buôn vượt biển, thuyền cũng không nghĩ: “Ta phải đưa khách qua biển”. Vì sao? Vì thuyền vốn không có ý nghĩ. Cũng vậy, Bát-nhã ba-lamật tùy theo người tu hành mà mỗi người tự chứng đắc. Tuy vậy, nhưng Bát-nhã ba-la-mật cũng không có hình tướng, cũng không có niệm phân biệt.

Ví như đất đai đồng nội sinh ra vạn vật cây cỏ, trăm giống lúa, nhưng đất cũng không nghĩ: “Ta phải sinh hay không sinh.” Bát-nhã ba-la-mật sinh ra các kinh pháp mà chẳng nghĩ: “Từ trong ta sinh ra hay không sinh ra”. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-lamật vốn không có hình tướng.

Ví như châu ma-ni sinh ra các châu báu khác, Bát-nhã balamật sinh ra các kinh pháp khác để truyền dạy. Tuy vậy, nhưng Bátnhã ba-la-mật cũng không có niệm phân biệt.

Ví như mặt trời chiếu khắp bốn châu thiên hạ, nhưng ánh sáng của nó không nghĩ: “Ta phải chiếu khắp”. Bát-nhã ba-lamật chiếu soi hết các kinh pháp. Tuy vậy, nhưng Bát-nhã ba-lamật cũng không có niệm phân biệt.

Ví như nước chảy không đâu không tới, nhưng nước không nghĩ: “Ta phải có chỗ chảy tới”. Bát-nhã ba-la-mật đến với các kinh pháp. Tuy vậy, nhưng Bát-nhã ba-la-mật cũng không có niệm phân biệt.

Ví như gió không đâu không tới, nhưng gió cũng không nghĩ: “Ta phải có chỗ tới”. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật thành tựu các kinh pháp. Tuy vậy, nhưng Bát-nhã ba-la-mật cũng không có niệm phân biệt.

Ví như đỉnh núi Tu-di dùng trời Đao-lợi làm trang sức, nhưng núi Tu-di cũng không nghĩ: “Trên đỉnh ta phải dùng trời Đaolợi để trang sức”. Bát-nhã ba-la-mật thành tựu trí Nhất thiết trí. Tuy vậy, nhưng Bát-nhã ba-la-mật cũng không có niệm phân biệt.

Ví như biển cả sinh ra hầu hết các báu vật trân kỳ, nhưng biển cả chẳng nghĩ: “Ta phải sinh ra các thứ trân bảo”. Cũng vậy, Bátnhã ba-la-mật sinh ra tất cả các kinh pháp. Tuy vậy, nhưng Bát-nhã ba-la-mật cũng không có niệm phân biệt.

Ví như Đức Phật sinh ra các công đức, đem tâm bình đẳng che chở mọi người khắp cả mười phương. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật thành tựu đối với các kinh pháp.