SỐ 224
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư Chi-lâu-ca-sấm, người nước Nhục Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 8

Phẩm 24: CƯỜNG NHƯỢC

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật là cao hạnh chăng?

Tu-bồ-đề đáp:

–Tôi được nghe Đức Phật nói Đại Bồ-tát thực hành Bátnhã bala-mật là chẳng phải cao hạnh.

Ngần ấy trăm ngàn chư Thiên cõi Dục suy nghĩ: “Chúng ta phải đảnh lễ các vị phát tâm tu hành đạo Bồ-tát ở khắp mười phương. Vì sao? Vì các vị Bồ-tát ấy thực hành Bát-nhã bala-mật chẳng giữa chừng Bát-nê-hoàn. Các vị Bồ-tát ấy tu hạnh khổ khó làm, chẳng ở trong pháp này giữa chừng rơi vào sự chấp chặt việc chứng đắc.” Tu-bồ-đề nói với chư Thiên:

–Tuy chẳng giữa chừng rơi vào sự chấp chặt việc chứng đắc và chẳng cho đó là hạnh khổ khó làm, nhưng Bồ-tát vẫn siêng năng vì vô số không thể kể xiết người mà mặc áo giáp đại công đức độ họ được Bát-nê-hoàn mới là hạnh khổ khó làm. Người được độ thì vốn không, vốn không thì chẳng thật có. Bồ-tát ấy nghĩ rằng: “Vì muốn độ người, độ mọi người, vì muốn độ không.” Vì sao? Vì không cũng không có xa, cũng không có gần, cũng không thật có. Vì thế nên Bồ-tát siêng tu hạnh khổ khó làm. Bồ-tát tìm người vốn không có, muốn độ người là độ hư không, mặc áo giáp đại công đức là vì người. Bồ-tát mặc áo giáp đại công đức muốn qua độ người, thế nên Bồ-tát vì mọi người mà mặc áo giáp đại công đức. Như lời Phật dạy, người không có gốc, biết rõ người không thật có, đó là độ người. Bồ-tát nào nghe lời nói này mà không kinh, không sợ thì đó là Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Lìa người vì vốn không có người; lìa sắc vì vốn không có sắc; lìa thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức vì vốn không có thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức; lìa các kinh pháp vì vốn không có các kinh pháp. Bồ-tát nào nghe lời nói này mà không sợ hãi, không biếng nhác thì đó là Bồtát thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

Đức Phật hỏi Tu-bồ-đề:

–Vì sao Bồ-tát không sợ hãi, không biếng nhác?

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Vì vốn không nên không sợ hãi, vì vốn tịnh nên không biếng nhác. Vì sao? Vì tìm sự biếng nhác vốn không có, nguyên nhân biếng nhác cũng không có. Bồ-tát nào nghe lời nói này mà không sợ hãi, không biếng nhác thì đó là Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Lúc Bồ-tát hành pháp ấy thì được chư Thiên kính lễ, các Phạm thiên đều kính lễ.

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Chẳng những chư Thiên, các Phạm thiên kính lễ Bồ-tát ấy mà cả đến chư Thiên các cõi trời Cực quang tịnh, Biến tịnh, Quảng quả thậm chí chư Thiên cõi trời Sắc cứu cánh cũng đều kính lễ vị Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Vô số không thể kể xiết chư Phật hiện tại ở khắp mười phương đều hộ niệm Bồ-tát thực hành Bát-nhã bala-mật, biết là Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật chẳng thoái chuyển. Giả sử mọi người trong số cõi nước Phật nhiều như số cát sông Hằng thảy đều là ma, mỗi ma đều biến hóa ra số người nhiều như số cát sông Hằng làm bè đảng. Giả sử số ma ấy và số bè đảng của chúng muốn cùng nhau hại Bồ-tát thực hành Bátnhã ba-la-mật thì chúng cũng chẳng thể hại Bồ-tát ở giữa chừng, cũng chẳng thể khuấy nhiễu ở giữa chừng.

Bồ-tát có hai pháp thì thực hành Bát-nhã ba-la-mật ở giữa chừng đám ma đó không thể khuấy nhiễu. Hai pháp ấy là gì? Một là thấy các kinh pháp đều không, hai là chẳng bỏ mọi người ở khắp mười phương, trái lại còn ủng hộ họ. Đó là hai pháp.

Bồ-tát có hai pháp khiến ma chẳng thể làm động. Hai pháp ấy là gì? Một là chẳng quên mất bản nguyện, hai là được chư Phật ở khắp mười phương hộ niệm. Đó là hai pháp.

Lúc Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, chư Thiên đến chỗ Bồ-tát thưa hỏi về kinh pháp sâu xa. Chư Thiên ngợi khen Bồ-tát: “Hôm nay Bồ-tát tu theo giáo pháp này thì chẳng bao lâu sẽ thành Phật. Người tu theo giáo pháp này thì cứu hộ được những kẻ khốn khổ cần được cứu hộ, làm chỗ nương tựa cho kẻ chưa có chỗ nương tựa. Bồ-tát vì mọi người mà làm ngôi nhà chánh pháp, làm cho kẻ không có mắt thì có được mắt sáng. Bồ-tát theo Bát-nhã ba-la-mật tu hành theo pháp này thì được vô số không thể kể xiết chư Phật hiện tại ở khắp mười phương ủng hộ. Bồ-tát thực hành Bát-nhã balamật thì được các Đức Phật nói công đức của họ cho bốn bộ chúng đệ tử trong cõi nước của mình nghe.” Các Đức Phật đều ngợi khen Bồ-tát ấy.

Đức Phật nói với Tu-bồ-đề:

–Ví như hôm nay ta khen ngợi Đức Phật La-lân-na Trượng-na. Đức Phật còn nói:

–Các Bồ-tát hôm nay đang thực hành Bát-nhã ba-la-mật trong cõi nước ta, các Đức Phật ở khắp mười phương hôm nay cũng đang ngợi khen Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, cũng giống như thế.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Chư Phật đều ngợi khen các Bồ-tát như thế chăng?

Phật dạy:

–Chư Phật ngợi khen chẳng hết lời!

Đức Phật nói với Tu-bồ-đề:

–Có người hành đạo Bồ-tát chưa được không thoái chuyển, chư Phật cũng còn ngợi khen.

Tu-bồ-đề hỏi Phật:

–Những ai là người hành đạo Bồ-tát được Phật khen ngợi?

Đức Phật nói với Tu-bồ-đề:

–Có Bồ-tát đời trước theo Phật A-súc lúc Phật làm Bồtát tu hành và có Bồ-tát đời trước theo Phật La-lân-na Trượng-na lúc Phật làm Bồ-tát tu hành. Có Bồ-tát theo lời dạy đó, vì thế chư Phật ở khắp mười phương ngợi khen Bồ-tát ấy.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật tin các pháp vốn không từ đâu sinh ra. Bồ-tát ấy vẫn còn chưa đắc pháp lạc Vô sở tùng sinh. Ở trong đó xây dựng niềm tin các pháp vốn không, Bồ-tát ấy tuy chưa được không thoái chuyển nhưng tin các pháp vốn không, như Nêhoàn. Bồ-tát ấy tuy chưa được vào quả vị không thoái chuyển nhưng tu hành theo giáo pháp này thì sẽ mau chóng được không thoái chuyển. Có Bồ-tát hành theo pháp này vì thế chư Phật ở khắp mười phương cùng nhau ngợi khen Bồ-tát ấy. Bồ-tát vì độ người ở quả vị của đạo A-la-hán, Bích-chi-phật để họ hướng đến Phật đạo. Nếu có Bồ-tát hành theo Bát-nhã ba-lamật được chư Phật ngợi khen thì biết rằng Bồ-tát ấy chẳng bao lâu sẽ đứng vào quả vị không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu, tin, không hồ nghi. Bồ-tát nghĩ: “Như điều Phật đã nói thì chắc chắc không khác” thì Bồ-tát ấy về sau sẽ được ở chỗ Đức Phật A-súc nghe Bát-nhã ba-la-mật và điều các Bồtát khác được nghe cũng giống vậy. Bồ-tát tin Bát-nhã ba-lamật như thế là đã đứng vào quả vị không thoái chuyển. Nếu có người nghe Bát-nhã ba-la-mật mà tin thì phước đức đó rất lớn, hà huống Bồ-tát tu hành theo giáo pháp Bát-nhã ba-lamật. Người tu hành theo giáo pháp này thì chóng nhập vào trí Nhất thiết trí.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Giả sử lìa ngay nơi pháp vốn không thì chẳng có pháp để đắc, vậy thì do pháp nào mà có người thành Phật? Do pháp nào mà nói có người thuyết kinh?

Đức Phật dạy:

–Nếu như lìa ngay nơi pháp vốn không thì chẳng có pháp nào để đắc được, vậy thì do pháp nào mà có người thành Phật? Cũng không có người nói kinh pháp! Pháp vốn không đó vốn là không thì làm sao ở trong pháp vốn không mà kiến lập người không, tu pháp vốn không để đắc thành Phật đạo, cũng không có bổn pháp để có người thành Phật. Pháp vốn không không có, người thuyết kinh cũng chẳng thật có.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bát-nhã ba-la-mật rất sâu, Bồ-tát siêng tu hạnh khổ khó làm mới được thành Phật. Vì sao? Vì không có tên gọi của pháp không sở đắc được xác lập ở trong pháp vốn không, cũng không có pháp sẽ thành Phật, cũng không có người thuyết kinh. Bồ-tát nghe lời nói này thì không kinh, không sợ, không nghi, không chán.

Tu-bồ-đề nói với Thích Đề-hoàn Nhân:

–Như lời Thích Đề-hoàn Nhân nói: Bồ-tát siêng năng tu hạnh khổ khó làm nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu, tin, không nghi, không chán.

Tu-bồ-đề bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Câu-dực! Các kinh pháp đều không, tại sao có hoài nghi, chán ghét?

Thích Đề-hoàn Nhân nói với Tu-bồ-đề:

–Như Tôn giả Tu-bồ-đề nói: Tất cả pháp nói là không thì đều không dính mắc. Ví như bắn tên vào hư không thì không dính mắc. Tôn giả Tu-bồ-đề thuyết kinh cũng vậy, hoàn toàn không dính mắc.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Như lời con đã nói phải chăng là vâng theo lời dạy của pháp do Phật nói chăng? Có thêm bớt gì không?

Đức Phật nói với Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Câu-dực! Giáo pháp của Phật nói ra đều như nhau không khác. Như lời Tôn giả Tu-bồ-đề nói là chỉ nói về pháp không. Tu-bồ-đề cũng chẳng thấy pháp Bát-nhã ba-lamật, cũng không thấy người thực hành Bát-nhã ba-la-mật, cũng không thấy người được thành Phật, cũng không thấy trí Nhất thiết trí, cũng không thấy người đắc trí Nhất thiết trí, cũng không thấy Như Lai, cũng không có người đắc Như Lai, cũng không thấy có pháp Vô sở tùng sinh, cũng không thấy có người chứng đắc Vô sở tùng sinh, cũng không thấy mười Lực, cũng không thấy bốn Vô sở úy, cũng không thấy người cầu bốn Vô sở úy.

Kinh pháp vốn tịnh cũng không sở đắc. Tu-bồ-đề tu hành theo lời dạy vô sở đắc. Như vậy, tuy Tu-bồ-đề là người tu hành theo lời dạy vô sở đắc nhưng vẫn không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần vạn công đức của vị Bồ-tát thực hành Bát-nhã bala-mật.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật trừ quả vị Phật đạo ra thì quả vị của đạo A-la-hán, Bích-chi-phật không thể nào bằng quả vị của đạo Bồ-tát ấy. Bồ-tát là người được mọi người trong thiên hạ đặc biệt tôn kính. Ông cần phải hành theo giáo pháp của Phật.

Bấy giờ mấy ngàn vạn Thiên tử của cõi trời Đao-lợi cầm hoa Văn-đà-la được biến hóa ra, rải lên trên Đức Phật. Rải hoa rồi, chư Thiên thưa:

–Chúng con cũng phải hành đúng theo giáo pháp.

Trong pháp hội, một trăm sáu mươi thầy Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh sửa lại y phục rồi đảnh lễ Phật. Đảnh lễ xong, trong tay mỗi thầy đều có hoa Văn-đà-la được biến hóa ra, đem hoa này rải lên trên Đức Phật. Rải hoa xong, các thầy đều nói:

–Chúng con cũng phải hành theo giáo pháp.

Lúc ấy Đức Phật mỉm cười, từ miệng phóng ra hào quang nhiều màu sắc, ánh sáng chiếu đến các cõi nước Phật ở khắp mười phương. Hào quang ấy quay về nhiễu quanh Phật ba vòng rồi nhập vào trong đảnh đầu của Phật.

A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh sửa y phục, quỳ thẳng chắp tay lễ Phật và hỏi:

–Bạch Thế Tôn! Thường Phật không cười suông. Ngài đã cười thì phải có ý?

Đức Phật bảo A-nan:

–Một trăm sáu mươi vị Tỳ-kheo này và chư Thiên sẽ được thành Phật ở trong kiếp Ba-la (Tinh tú) đồng một danh hiệu là Âu Thần Na-câu-ni-na (Tán Hoa). Lúc thành Phật, số chúng Tỳ-kheo của các vị Phật này đều bằng nhau, tuổi thọ của các vị Tỳ-kheo này cũng bằng nhau đó là mười vạn tuổi. Các vị Tỳ-kheo này tuần tự dần dần sẽ thành Phật. Lúc các vị thành Phật, thế giới của các vị đều có mưa hoa năm sắc màu.