SỐ 278
KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Pháp sư Phật-đà-bạt-đà-la, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 24: MƯỜI NHẪN

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Phổ Hiền lại bảo các vị Bồ-tát:

–Này Phật tử! Đại Bồ-tát thành tựu mười Nhẫn thì có thể được tất cả địa Nhẫn vô ngại, lại được tất cả các pháp vô ngại vô tận của chư Phật. Những gì là mười?

Đó là các nhẫn:

  1. Nhẫn tùy thuận âm thanh.
  2. Nhẫn thuận.
  3. Nhẫn vô sinh pháp.
  4. Nhẫn như huyễn hóa.
  5. Nhẫn như sóng nắng.
  6. Nhẫn như chiêm bao.
  7. Nhẫn như âm vang.
  8. Nhẫn như điện chớp.
  9. Nhẫn như sự biến hóa.
  10. Nhẫn như hư không.

Này Phật tử! Đó là mười Nhẫn của Đại Bồ-tát mà chư Phật đời quá khứ đã nói, chư Phật đời vị lai sẽ nói và chư Phật đời hiện tại đang nói.

Này Phật tử! Thế nào gọi là Nhẫn tùy thuận âm thanh của Đại Bồ-tát? Nếu nghe pháp chân thật mà chẳng kinh hãi, chẳng lo sợ, tin hiểu thọ trì, ưa thích thuận theo.

Này Phật tử! Đó là Nhẫn thứ nhất: Tùy thuận âm thanh của Đại Bồ-tát.

Này Phật tử! Thế nào gọi là nhẫn Thuận của Đại Bồ-tát?

Này Phật tử! Bồ-tát này thuận theo tịch tĩnh, quán tất cả pháp bình đẳng chánh niệm, chẳng trái các pháp, tùy thuận thâm nhập vào tất cả các pháp, trực tâm thanh tịnh phân biệt các pháp, tu quán bình đẳng đi sâu đầy đủ.

Này Phật tử! Đó là Nhẫn thứ hai: Thuận nhẫn của Đại Bồ-tát.

Này Phật tử! Thế nào gọi là nhẫn Vô sinh pháp của Đại Bồtát?

Này Phật tử! Bồ-tát này chẳng thấy có pháp sinh, chẳng thấy có pháp diệt. Vì sao? Vì nếu chẳng sinh thì chẳng diệt. Nếu chẳng diệt thì vô tận. Nếu vô tận thì lìa cấu. Nếu lìa cấu thì không hoại. Nếu không hoại thì chẳng động. Nếu chẳng động thì địa tịch diệt. Nếu địa tịch diệt thì ly dục. Nếu ly dục thì không tạo nghiệp. Nếu không tạo nghiệp thì chính là đại nguyện. Nếu chính là đại nguyện thì trụ trang nghiêm.

Này Phật tử! Đó là Nhẫn thứ ba: Vô sinh pháp của Đại Bồ-tát.

Này Phật tử! Thế nào gọi là nhẫn Như huyễn hóa của Đại Bồtát?

Này Phật tử! Bồ-tát này vào sâu các pháp đều như huyễn. Quán pháp duyên khởi, từ một pháp hiễu rõ nhiều pháp, từ nhiều pháp hiểu rõ một pháp. Đại Bồ-tát đối với những pháp đó phân biệt các cõi, vào chúng sinh giới, pháp giới. Quan sát bình đẳng thế gian, quan sát bình đẳng Phật xuất nhập chẳng xuất nhập, sinh ra tồn tại. Như vật huyễn: Chẳng phải tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh; chẳng phải nam, chẳng phải nữ, chẳng phải đồng nam, chẳng phải đồng nữ; chẳng phải cây, chẳng phải lá, chẳng phải hoa, chẳng phải trái, chẳng phải đất nước gió lửa; chẳng phải ngày, chẳng phải đêm; chẳng phải nửa tháng, một tháng, chẳng phải một năm, chẳng phải trăm năm, chẳng phải nhật, chẳng phải nguyệt, chẳng phải kiếp số, chẳng phải định, chẳng phải loạn; chẳng phải một, chẳng phải khác; chẳng phải thuần, chẳng phải tạp; chẳng phải tốt, chẳng phải xấu; chẳng phải nhiều, chảng phải ít; chẳng phải lượng, chẳng phải vô lượng; chẳng phải thô, chẳng phải tế; mọi chủng loại chẳng phải huyễn, huyễn chẳng phải mọi chủng loại… tất cả đều chỉ do huyễn nên bày ra các sắc tượng.

Đại Bồ-tát cũng như vậy, quán tất cả thế gian đều như huyễn, như quán: Nghiệp thế gian, phiền não thế gian, cõi Phật thế gian, pháp thế gian, ba đời thế gian, lưu chuyển thế gian, hoại thế gian, nghiệp thế gian. Khi Đại Bồ-tát quan sát tất cả thế gian đều như huyễn thì chẳng phát khởi chúng sinh, chẳng hoại chúng sinh, chẳng phát khởi các cõi, chẳng hoại các cõi; chẳng phát khởi các pháp, chẳng hoại các pháp; chẳng chấp lấy tướng hư vọng quá khứ, chẳng tạo tác tương lai; chẳng chuyển đến tương lai, hiện tại chẳng trụ cũng không chấp trước, chẳng quan sát Bồ-đề, chẳng hư vọng chấp thủ Bồ-đề; chẳng chấp thủ lấy Phật ra đời, cũng không Phật Niếtbàn, chẳng trụ đại nguyện, chẳng chấp nghiêm tịnh cõi Phật, bình đẳng ly sinh, không ra khỏi, không nắm giữ, sinh ra nghiêm tịnh cõi Phật; quyết định biết chân pháp, sinh ra chúng sinh giới, phân biệt biết chúng sinh, quyết định biết pháp giới, trụ chánh pháp chẳng động, vào cả ba đời mà chẳng phân biệt trái ba đời, sinh ra ấm, nhập; trừ diệt sinh y, độ thoát chúng sinh, quán bình đẳng pháp giới không có sai biệt; biết tất cả các pháp chẳng phải văn tự, chẳng phải ngôn thuyết mà cũng chẳng bỏ các biện tài sâu xa; chẳng chấp trước giáo hóa chúng sinh mà chuyển pháp luân. Vì chúng sinh nên thọ trì đại Bi độ thoát tất cả, nói nhân duyên quá khứ, biết thật các pháp không chỗ đến.

Này Phật tử! Đó là Nhẫn thứ tư: Như huyễn hóa của Đại Bồ-tát.

Này Phật tử! Thế nào gọi là nhẫn Như sóng nắng của Đại Bồtát?

Này Phật tử! Bồ-tát này giác ngộ rằng tất cả thế gian đều như lửa bốc cháy, như khi nóng bốc cháy, không còn nơi chốn phương hướng. Bồ-tát quyết định biết rõ tất cả các pháp cũng không phương hướng xứ sở, chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải thường, chẳng phải đoạn. Quan sát tất cả pháp đều quả thật giả danh đặt ra, chẳng phải một sắc, chẳng phải đủ loại sắc, chẳng phải địa vô sắc, chứng biết đầy đủ tất cả các pháp.

Này Phật tử! Đó là Nhẫn thứ năm: Như sóng nắng của Đại Bồtát.

Này Phật tử! Thế nào gọi là nhẫn Như chiêm bao của Đại Bồtát?

Này Phật tử! Bồ-tát này biết rõ tất cả thế gian đều như chiêm bao cả. Ví như chiêm bao nên chẳng phải thế gian, chẳng phải lìa thế gian, chẳng phải Dục giới, chẳng phải Sắc giới, chẳng phải Vô sắc giới, chẳng phải sinh, chẳng phải tử, chẳng phải sạch, chẳng phải nhơ, chẳng phải trong, chẳng phải đục mà có hiện ra. Như vậy, Đại Bồ-tát giác ngộ tất cả thế gian đều như chiêm bao thì chẳng phá hoại chiêm bao. Tánh của chiêm bao là tịch diệt, chiêm bao không chấp tự tánh. Thọ trì tất cả các pháp đều như chiêm bao thì chẳng phá hoại chiêm bao, chẳng hư vọng chấp thủ lấy chiêm bao, giác ngộ thế gian đều như chiêm bao hết.

Này Phật tử! Đó là Nhẫn thứ sáu: Như chiêm bao của Đại Bồ-tát.

Này Phật tử! Thế nào gọi là nhẫn Như âm vang của Đại Bồtát?

Này Phật tử! Bồ-tát này sinh ra các pháp, khéo học thành tựu rốt ráo Thánh pháp, được đến bờ kia. Bồ-tát này biết tất cả các pháp đều như âm vang phân biệt mọi âm thanh giống như tiếng âm vang mà không chỗ đến.

Đại Bồ-tát hiểu được âm thanh của Như Lai chẳng phải từ trong ra, chẳng từ ngoài phát ra, chẳng từ trong ngoài phát ra. Người nghe âm đó chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, cũng chẳng ở trong ngoài, mà có thể sinh ra trí phương tiện hoàn hảo rõ được như tiếng vang đều từ duyên khởi lên, cũng chẳng hoại pháp thí, thâm nhập âm thanh xa lìa điên đảo. Học giỏi tất cả như hậu phi của Đế Thích, từ một âm thanh phát ra cả ngàn âm thanh hay mà cũng chẳng hư vọng chấp thủ lấy âm thanh.

Đại Bồ-tát cũng như vậy, vào pháp giới lìa hư vọng, sinh ra phương tiện âm thanh tuyệt diệu. Ở trong vô lượng, vô biên thế giới, Bồ-tát vì khắp chúng sinh chuyển bánh xe pháp thanh tịnh độ thoát tất cả, thọ trì tướng lưỡi dài rộng của Như Lai, sinh ra vô lượng âm thanh không chướng ngại, vang khắp tất cả thế giới mười phương, khiến cho chúng sinh đều được khai ngộ, phát khởi căn lành mà âm thanh không thay đổi, chẳng thể nói hết. Biết âm thanh chẳng phải ngôn ngữ mà thuận theo ngôn ngữ, cũng chẳng nhiễm trước các loại âm thanh, Bồ-tát giác ngộ rõ biết tất cả âm thanh.

Này Phật tử! Đó là Nhẫn thứ bảy: Như âm vang của Đại Bồ-tát.

Này Phật tử! Thế nào gọi là nhẫn Như điện chớp thứ tám của Đại Bồ-tát?

Này Phật tử! Bồ-tát này chẳng sống ở thế gian, chẳng chết ở thế gian, chẳng ở bên trong thế gian, chẳng ở bên ngoài thế gian; chẳng đi lại thế gian, chẳng phải chẳng đi lại thế gian; chẳng hoại thế gian, chẳng phải chẳng hoại thế gian; chẳng tạo cõi thế gian, chẳng lìa cõi thế gian; chẳng ngang bằng thế gian, chẳng phải chẳng ngang bằng thế gian; chẳng phải thế gian, chẳng phải lìa thế gian; chẳng hành Bồ-tát hạnh mà chẳng bỏ đại nguyện; chẳng phải thật, chẳng phải hư; hành động chân thật, đạt đến tất cả chánh pháp của Như Lai, có thể làm tất cả việc của thế gian, cũng chẳng thuận theo sự lưu chuyển của thế gian, cũng chẳng thọ trì sự lưu chuyển của chánh pháp.

Ví như điện chớp, hoặc mặt trời, hoặc mặt trăng thì núi, cây, trai, gái, nhà, cửa, tường, vách, đại địa, dòng nước… đều có thể chiếu soi đến khiến cho sáng rực.

Ví như nước, chỗ có dầu, châu báu, gương sáng, tất cả ánh sáng…, đều có thể chiếu sáng tất cả chỗ ấy. Điện chớp chẳng lìa ánh sáng, ánh sáng chẳng lìa điện chớp. Điện chớp có thể chiếu xa mà điện chớp chẳng có xa gần.

Đại Bồ-tát cũng như vậy có thể chiếu tất cả cảnh giới đó đây mà trí tuệ ấy chẳng làm phân biệt. Bồ-tát chiếu hiện tất cả cảnh giới bỉ ngã. Như trong hạt giống có sẵn rễ, mầm, thân, đốt, cành, lá…, để có thể làm nhân.

Đại Bồ-tát cũng như vậy, ở trong pháp không hai, phân biệt hai tướng, tu tập nơi cảnh giới không ngăn ngại.

Này Phật tử! Đó là Nhẫn thứ tám: Như điện của Đại Bồ-tát.

Nếu Đại Bồ-tát thành tựu nhẫn này thì tuy chẳng đi đến chỗ các Đức Như Lai mà đều hiện khắp tất cả cõi Phật. Chẳng rời khỏi thế gian này, chẳng đến tất cả thế giới mà Bồ-tát hiện thân khắp tất cả thế giới, như ánh chớp hiện, du hành vô ngại đến khắp mười phương. Những núi kim cương, vật kiên cố chẳng thể ngăn được; thành tựu đầy đủ nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh của nhà Đức Phật, được vô lượng thanh tịnh, tất cả sắc thân.

Này Phật tử! Thế nào là nhẫn Như sự biến hóa thứ chín của Đại Bồ-tát?

Này Phật tử! Bồ-tát này biết rõ tất cả thế gian đều như biến hóa. Đó là, tất cả chúng sinh nghiệp, tất cả chúng sinh hành, tất cả hư vọng, tất cả khổ lạc điên đảo tất cả vọng chấp, tất cả thế gian không thật, pháp như biến hóa; tất cả ngôn ngữ, tất cả phiền não. Các tướng phát khởi lên như vậy, Bồ-tát điều phục chúng sinh biến hóa lìa cấu được thanh tịnh. Ba đời bất thoái chuyển biến hóa vô sinh bình đẳng. Nguyện biến hóa Bồ-tát nuôi lớn hạnh Bồ-tát. Như Lai đại Bi biến hóa, diệt trừ tất cả khổ của chúng sinh. Pháp luân phương tiện trí, sinh ra vô lượng trí vô úy đầy đủ.

Này Phật tử! Đó là Đại Bồ-tát hiểu biết thế gian, lìa biến hóa của thế gian, quyết định biết rộng lớn, biết vô lượng không giới hạn… Biết như, thành tựu đầy đủ vô lượng tự tại. Ở trong chân thật mà chẳng khuynh động, thấy hết tất cả không có thật chân mà chẳng bỏ hành động.

Ví như biến hóa chẳng từ tâm sinh khởi lên, chẳng trụ ở trong tâm; sinh ra chẳng do nghiệp sinh khởi cũng chẳng nhận lấy quả báo; chẳng phải thế gian sinh, chẳng phải thế gian diệt; chẳng phải thuộc về pháp, chẳng phải sự tiếp xúc với pháp, chẳng phải trú lâu, chẳng phải trụ nhanh; chẳng phải hành động trong thế gian, chẳng phải lìa thế gian; chẳng phải đi các phương, chẳng phải thuộc các phương sở; chẳng phải lượng, chẳng phải vô lượng; chẳng phải chán, chẳng phải không chán; chẳng phải ngưng nghỉ, chẳng phải không ngưng nghỉ; chẳng phải phàm, chẳng phải Thánh; chẳng phải sạch, chẳng phải dơ; chẳng phải sinh, chẳng phải tử; chẳng phải ngu, chẳng phải trí; chẳng phải thấy, chẳng phải mất; chẳng nương theo thế gian, chẳng phải thuộc về pháp giới chẳng phải thông tuệ, chẳng phải ngu dốt; chẳng phải rực cháy, chẳng phải tịch diệt; chẳng phải sinh tử, chẳng phải Niết-bàn; chẳng phải có, chẳng phải không.

Như vậy, Đại Bồ-tát ở trong thế gian hành Bồ-tát hạnh, thọ trì phương tiện, quan sát thế gian đều như biến hóa cả. Bồ-tát chẳng chấp trước thế gian, cũng chẳng chấp trước sự biến hóa; chẳng vọng chấp thế gian cũng chẳng chấp giữ sự biến hóa; chẳng trụ thế gian, chẳng diệt thế gian, chẳng trụ chánh pháp, chẳng theo phi pháp mà chẳng bỏ giáo hóa chúng sinh. Một hướng chánh niệm, đầy đủ các nguyện, chẳng trang nghiêm các pháp cũng lại chẳng phá hoại các pháp trang nghiêm. Đối với tất cả các pháp đều không thật có, đều có thể đầy đủ tất cả Phật pháp.

Ví như huyễn hóa chẳng phải có chẳng phải không, Đại Bồ-tát cũng như vậy, an trụ trong nhẫn như hóa đều có thể đầy đủ Bồ-đề của chư Phật, lợi ích chúng sinh.

Này Phật tử! Đó là Nhẫn thứ chín: Như hóa của Đại Bồ-tát.

Này Phật tử! Thế nào gọi là nhẫn Như hư không thứ mười của Đại Bồ-tát?

Này Phật tử! Bồ-tát này hiểu rõ tất cả pháp giới giống như hư không. Do không tánh nên ví như hư không. Tất cả thế giới cũng như vậy, hiểu rõ tất cả cõi Phật không có sự phát sinh nên ví như hư không. Tất cả các pháp cũng như vậy, hiểu rõ không có hai pháp nên ví như hư không. Tất cả hành động của chúng sinh cũng như vậy, hiểu rõ hành động không có sự hành động nên ví như hư không. Tất cả Phật pháp cũng như vậy, hiểu rõ không có phân biệt nên ví như hư không. Tất cả Phật lực cũng như vậy, hiểu rõ không có sai khác, nên ví như hư không. Tất cả các thiền cũng như vậy, hiểu rõ ba đời nên ví như hư không. Tất cả các thuyết pháp cũng như vậy, hiểu rõ chẳng thể nói nên ví như hư không. Tất cả thân Phật cũng như vậy, hiểu rõ không ngại nên ví như hư không. Khắp tất cả chỗ, hiểu rõ tất cả các pháp như hư không vậy.

Này Phật tử! Như vậy Đại Bồ-tát hiểu rõ tất cả các pháp đều như hư không thì được Nhẫn trí như hư không, được thân nghiệp như hư không, được khẩu nghiệp như hư không, được tâm như hư không, được tâm nghiệp như hư không.

Ví như hư không chẳng sinh chẳng tử. Đại Bồ-tát cũng như vậy, tất cả các Pháp thân chẳng sinh chẳng tử.

Ví như hư không chẳng thể bị phá hoại. Đại Bồ-tát cũng như vậy, các lực trí tuệ chẳng thể bị phá hoại.

Ví như hư không là chỗ y chỉ của tất cả thế gian mà không bị lệ thuộc, Bồ-tát cũng như vậy là chỗ y chỉ của tất cả các pháp mà không bị lệ thuộc.

Ví như hư không chẳng sinh chẳng diệt, đều là chỗ ở của tất cả chúng sinh. Đại Bồ-tát cũng như vậy, chẳng phải đang hướng, chẳng phải thành quả, khiến cho tất cả chúng sinh đều thanh tịnh.

Ví như hư không chẳng phải phương hướng chẳng phải không phương hướng mà có thể thị hiện ranh giới các biển, Đại Bồ-tát cũng như vậy, chẳng phải nghiệp, chẳng phải nghiệp báo mà có thể diễn nói phân ranh tất cả biển lớn sinh tử.

Ví như hư không, chẳng phải đi, chẳng phải dừng mà có thể hiện ra đủ loại oai nghi. Đại Bồ-tát cũng như vậy, chẳng phải đi, chẳng phải dừng mà có thể phân biệt tất cả hành động.

Ví như hư không chẳng phải sắc, chẳng phải vô sắc mà có thể hiện ra trăm ngàn những sắc. Đại Bồ-tát cũng như vậy, chẳng phải sắc thế gian, chẳng phải sắc rời thế gian mà có thể hiện ra tất cả các sắc.

Ví như hư không chẳng phải trụ lâu, chẳng phải trụ trong giây lát. Đại Bồ-tát cũng như vậy, chẳng phải hướng về lâu, chẳng phải hướng về trong giây lát, có thể diễn nói tất cả sự đi đứng của Bồtát.

Ví như hư không chẳng phải sạch, chẳng phải nhơ, Đại Bồ-tát cũng như vậy, chẳng phải ngăn che thế gian cũng chẳng phải thanh tịnh.

Ví như hư không, tất cả thế gian đều cho là hiện hữu, thật chẳng phải hiện hữu. Đại Bồ-tát cũng như vậy, tất cả các pháp hiện hữu trước Bồ-tát mà đối với Bồ-tát không gì hiện hữu.

Ví như hư không, ở tất cả chỗ mà hư không không có ranh giới. Đại Bồ-tát cũng như vậy, ở trong tất cả các pháp mà tâm Bồ-tát không có ranh giới. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát tư duy căn lành đầy đủ, căn lành bình đẳng, căn lành một phần, căn lành tịch diệt, căn lành một vị, căn lành nhất lượng, căn lành thanh tịnh như sắc hư không, căn lành đi về tất cả các đạo. Chẳng quên tất cả các pháp, được tất cả pháp bất hoại, du hành tất cả cõi, đầy đủ tất cả thân đều không lệ thuộc, ở khắp mười phương luôn lìa si hoặc. Thành tựu đầy đủ lực chẳng thể hoại, đầy đủ tất cả cảnh giới công đức, được tất cả các loại pháp, được pháp lạc sâu xa, được căn lành kim cương như hư không, sinh ra tất cả những âm thanh diệu vi trong tất cả thế gian thường chuyển pháp luân đúng lúc.

Này Phật tử! Đó là nhẫn Như hư không thứ mười của Đại Bồ-tát.

Nếu Đại Bồ-tát thành tựu nhẫn này thì: Được thân không đến do không đi; được thân bất sinh do không diệt; được thân bất tự hợp do không tan hoại; đầy đủ thân không thật do không chân thật; được nhất tướng thân do vô tướng; được thân không lường do Phật lực vô lượng; được thân bình đẳng do Như tướng; được thân bất hoại do quán bình đẳng ba đời; được thân đến tất cả xứ, do tịnh nhãn soi khắp không chướng ngại; được thân ly dục do tất cả pháp không hợp tan; được tạng công đức như hư không do vô tận; được pháp biện tài bình đẳng không cùng tận, do tất cả pháp tánh đồng nhất tánh như hư không; được âm thanh vi diệu vô ngại không lường do vô ngại như hư không; được thanh tịnh đầy đủ tất cả phương tiện xảo diệu của hạnh Bồ-tát, do tất cả pháp vô ngại thanh tịnh như hư không; được tất cả biển pháp của Phật, do chẳng thể gián đoạn như hư không; được thọ trì tất cả cõi Phật, do vô lượng như hư không, lìa tham dục; được tất cả pháp, thị hiện tự tại chưa từng ngưng nghỉ, do kiên cố như hư không; được pháp thân kiên cố chẳng thể hoại như hư không có thể giữ vững tất cả thế gian, thành tựu đầy đủ các căn kim cương chẳng hề hư hoại nên thị hiện tất cả sự thành bại của thế gian; được đầy đủ năng lực có thể giữ vững tất cả thế gian để nhận lấy trí tuệ như hư không.

Này Phật tử! Đó là mười loại nhẫn của Đại Bồ-tát.

Bấy giờ, Bồ-tát Phổ Hiền muốn lập lại ý nghĩa này, nên vì các Bồ-tát nói kệ khen rằng:

Ví như đời có người
Nghe có kho châu báu
Nghe rồi rất vui mừng
Có thể được kho ấy.
Đại trí tuệ cũng vậy
Bồ-tát chân Phật tử
Pháp Phật rất tịch diệt
Nghe rồi rất vui mừng,
Nghe xong diệu pháp đó
Trong lòng chẳng khủng bố
Cũng chẳng sinh sợ hãi
Chẳng lui, chẳng bỏ mất.
Bồ-tát hướng Bồ-đề
Nghe xong tiếng tịch diệt
Nhận lấy pháp tịch diệt
Với họ chẳng sinh nghi
Ta học Nhất thiết trí
Đấng Đạo Sư trời người
Nghe được thậm thâm pháp
Tâm ý chịu nhận lấy
Được nghe tiếng tịch diệt
Hớn hở rất vui mừng
Một lòng chuyên tìm kiếm
Tất cả pháp Thế Tôn
Tu tập điều phục lòng
Cầu Bồ-đề chính chân
Nuôi lớn các căn lành
Pháp tánh chẳng tan hoại
Nhận lấy pháp tịch diệt
Âm thanh đó thuận theo
Tu tập hạnh Bồ-tát
Trụ yên âm thanh nhẫn
Chuyển cầu đạo thắng diệu
Sinh ra các pháp lành
Tinh tấn chẳng thoái chuyển
Thành rốt ráo Bồ-đề
Nghe âm thanh vi diệu
Tâm Bồ-đề sạch trong
Được căn lành dũng kiện
Khiến chư Phật vui mừng.
Ví như người công đức
Được kho châu báu lớn
Tùy theo thân thế mình
Tạo các đồ trang sức
Người tuệ cũng như vậy
Nghe xong nghĩa thâm pháp
Thêm rộng biển trí tuệ
Thuận các pháp tìm cầu
Quyết định thuận theo pháp
Không còn có phân biệt
Tùy thuận với chân như
Thì được pháp chân thật
Được tâm tịnh tự tại
Sáng suốt rất vui mừng
Hiểu rõ tất cả pháp
Đều sinh từ nhân duyên
Tu tập pháp bình đẳng
Tánh, phi tánh phân biệt
Chẳng hoại tạng Phật pháp
Chánh giác tất cả pháp
Lòng chính trực kiên cố
Bồ-đề tịnh trang nghiêm
Như Tu-di chẳng động
Hương cầu đạo của Phật
Tu tập Tam-muội sâu
Chẳng biếng nhác, tinh cần
Tu hành vô lượng kiếp
Chưa có từng thoái thất
Biển Tối thắng rất sâu
Đến tận cùng bờ kia
Đến tận đáy nguồn pháp
Xa lìa hẳn khủng bố
Tâm bình đẳng quán pháp
Như bậc Tối thượng dạy
Thành tựu nhẫn tùy thuận
Trí bình đẳng viên mãn
Đầy đủ cửa thuận nhẫn
Thuận lời dạy của Phật
Thuận theo trí chân thật
Pháp tướng chẳng phân biệt
Trong cõi Tam thập tam
Ở đó, những chúng trời
Thức ăn đựng giống nhau
Ăn vào thì khác nhau
Chư Thiên ăn nhiều thứ
Chẳng đến từ mười phương
Tùy theo nghiệp của họ
Đồ ăn có tự nhiên
Bồ-tát cũng như vậy
Xem xét tất cả pháp
Đều từ nhân duyên khởi
Chẳng diệt cũng chẳng sinh
Nếu pháp chẳng sinh diệt
Thì pháp chẳng tận cùng
Hiểu rõ thành bại ấy
Thanh tịnh chẳng thể hoại
Thật tế chẳng thể hoại
Đều tịch diệt như như
Nguyện kim cang lợi ích
Đủ trí Phật không ngại
Chuyên niệm pháp tịch diệt
Chưa từng lìa tâm ấy
Thuận thế gian thực hạnh
Nuôi lớn đại Bi nguyện
Đầy đủ các nguyện lực
Chẳng đắm nhiễm thế gian
Thành tựu trí thậm thâm
Theo đó rộng nói pháp
Đó là Nhẫn vô sinh
Hiểu các pháp không cùng
Liễu đạt đều như như
Pháp giới không phát sinh
Nhẫn này Bồ-tát trụ
Tất cả cõi mười phương
Vô lượng Phật hiện tại
Đều thọ ký vị ấy
Ưa quán pháp tịch diệt
Sinh ra các thiện căn
Một niệm rõ ba đời
Giáo hóa khắp chúng sinh
Quan sát những cõi thế
Đều rõ thông như huyễn
Tịch diệt không sở hữu
Không nhiễm trước thế gian
Các sắc từ tâm tạo
Giống như huyễn hiện lên
Hư không chẳng chân thật
Các cõi như huyễn thành.
Ví như nhà ảo thuật
Ngã tư hiện nhiều hình
Chúng sinh thấy vui mừng
Mà thật không có thật
Thế gian cũng như vậy
Tất cả đều như huyễn
Tất cả pháp có không
Biết rõ đều hư vọng
Độ thoát tất cả chúng
Rõ thông đều như huyễn
Hoàn toàn biết bình đẳng
Huyễn không khác chúng sinh
Chúng sinh, các cõi Phật
Tất cả pháp ba đời
Vô lượng các thế gian
Sự thật đều như huyễn.
Ví như nhà ảo thuật
Hiện ra đủ thứ hình
Nam, nữ, trâu, voi, ngựa
Hoa trái và vườn rừng
Huyễn không bị lệ thuộc
Mà cũng không chỗ ở
Pháp huyễn không chân thật
Hiện hữu đều chẳng thật.
Phật tử cũng như vậy
Quan sát những thế gian
Tất cả pháp có, không
Hiểu rõ đều như huyễn
Chúng sinh các cõi Phật
Đủ thứ nghiệp tạo nên
Giác ngộ đều như huyễn
Ở đó không lệ thuộc.
Các vị Đại Bồ-tát
Thường ưa pháp tịch tĩnh
Vào sâu địa chân thật
Đạt tận cùng pháp giới
Tùy thuận hướng chánh pháp
Hóa sinh trong pháp Phật
Tưởng giống như sóng nắng
Khiến chúng sinh đảo điên
Bồ-tát biết rõ tướng
Xa lìa các điên đảo.
Thế gian đều khác biệt
Hình loại cũng chẳng đồng
Phật tử giỏi thông đạt
Rõ tướng tưởng chẳng thật
Quần sinh loại mười phương
Đều bị lưới tưởng trùm
Bồ-tát mắt tuệ tịnh
Thấy rõ tưởng thế gian.
Thế gian giống sóng nắng
Vọng tưởng chấp thế gian
Đoạn trừ thế gian tưởng
Thì lìa ba điên đảo,
Ví như ánh sóng nắng
Chúng sinh ở xa nhìn
Tưởng nhầm cho là nước
Nhưng chẳng phải thật nước.
Chúng sinh cũng như vậy
Hư vọng chấp thế gian
Tưởng như ánh sóng nắng
Cảnh giới tâm vô ngại
Phân biệt tất cả tưởng
Trí vô ngại thành tựu
Tưởng trói các quần sinh
Dũng kiện thì giải thoát
Xa lìa phóng dật mạn
Trừ diệt tưởng thế gian
Hiểu cả tận, không tận
Không tận ấy phương tiện.
Vị ấy hiểu thế gian
Tất cả pháp như mộng
Tánh mộng không nơi chốn
Thế gian cũng như vậy
Hiểu pháp lìa hư vọng
Tâm tịch diệt không khác
Rõ các hành thế gian
Ba đời đều như mộng,
Mộng chẳng pháp tử sinh
Chẳng có cũng chẳng không
Ba cõi như mộng cả
Không trói tâm tịch diệt,
Hiểu đời tánh như mộng
Chẳng lệ thuộc thế gian
Xem thế gian tịch diệt
Chẳng nhiễm trước các cõi,
Thấy rõ tất cả đời
Chẳng sinh vọng đảo điên
Hiểu rõ pháp như mộng
Chứng được nhẫn Như mộng,
Chúng sinh do mộng kiến
Đủ thứ tướng hiện lên
Đều biết từ tâm tạo
Mà thật chỉ là không.
Bậc trí thấy như thế
Chúng sinh như mộng cả
Hiểu rõ như mộng xong
Lìa tất cả hư vọng,
Bồ-tát thông phương tiện
Tất cả pháp như mộng
Tánh mộng không chân thật
Chẳng một cũng chẳng khác,
Tất cả pháp chúng sinh
Các hành nghiệp cõi Phật
Bồ-tát đều hiểu rõ
Tất cả đều như mộng,
Tùy tất cả cấu tịnh
Đều hay biết chân thật
Hiểu biết đời như mộng
Chẳng giữ tướng hư vọng.
Các hạnh của Bồ-tát
Tất cả các diệu nguyện
Hiểu rõ đều như mộng
Ở đó không chấp trước,
Hiểu thật đúng thế gian
Và tất cả các pháp
Bồ-tát biết hoàn toàn
Tánh ấy đều như mộng.
Pháp thế gian sinh diệt
Tướng chúng sinh đến đi
Đều như mộng hiểu rõ
Tánh ấy không quên mất,
Thuận theo như mộng hành
Cũng chẳng hoại cõi đời
Biết rõ các uy nghi
Và tu tập không thật
Gọi là nhẫn Như mộng
Hiểu rõ tất cả pháp
Thành tựu trí vô ngại
Độ thoát tất cả chúng.
Các vị Đại Bồ-tát
Tu các hạnh không lường
Sinh ra từ tất cả
Pháp của Bậc Chánh Giác
Chủng loại những phương tiện
Hiểu tướng pháp chân thật
Các pháp không đến đi
Lòng đó không nhiễm trước
Tất cả loại chúng sinh
Các âm thanh không lường
Bồ-tát giác ngộ rõ
Biết chúng như tiếng vang.
Âm thanh, Bồ-tát biết
Chẳng phải pháp ngoài trong
Âm thanh, biết chắc chắn
Tất cả như tiếng vang,
Tất cả những âm thanh
Đều chính là hư vọng
Bồ-tát biết chẳng thật
Không lệ thuộc vào đó.
Bồ-tát nhìn thấy hết
Tất cả Phật mười phương
Lại nghe được Như Lai
Nói pháp bằng Phạm âm,
Những đại Đạo sư đó
Nói kinh nhiều vô cùng
Bồ-tát nghe tiếng pháp
Không chấp trước trong lòng.
Tiếng nghe được như vang
Không có chỗ đi đến
Phân biệt tất cả tiếng
Rõ thông pháp vô hoại
Phân biệt các âm thanh
Tất cả pháp giải rành
Hiểu tiếng chẳng phải tiếng
Phát tịnh âm không lường,
Quan sát tất cả pháp
Đều lìa hết âm thanh
Chủng loại các ngữ ngôn
Đều có thể biết thông.
Bồ-tát đối chúng sinh
Rõ họ như tiếng vang
Hay hiểu rõ như vậy
Tất cả những chúng sinh,
Bồ-tát khéo tùy thuận
Thông suốt các ngôn ngữ
Hiểu rõ tất cả đời
Chủng loại những âm thanh,
Biết rõ tánh âm thanh
Thường ưa đất tịch tĩnh
Hiểu rõ các thế gian
Tất cả như tiếng vang.
Giống như các ngữ ngôn
Thuyết minh đủ loại pháp
Chúng sinh ưa nhiễm trước
Các âm thanh hư vọng,
Như tướng âm thanh đó
Cũng như vậy thế gian
Tướng chúng sinh cũng vậy
Chân Phật tử giác ngộ,
Như tướng chân thật ấy
Nhẫn lực của trí minh
Khiến âm tịnh vi diệu
Hiểu tịch diệt thế gian.
Kia ở trong ba đời
Liễu đạt các ngữ ngôn
Chẳng chấp tiếng hư vọng
Không chấp trước trong lòng.
Định ý tịch tĩnh trong thế gian
Một hướng chuyên cầu Bồ-đề Phật
Chưa từng hư vọng chấp thế gian
Lòng thường vui thích pháp tịch diệt
Quan sát khắp tất cả thế gian
Đều tịch diệt hết không tự tánh
Chuyên cầu Bồ-đề vì chúng sinh
Đầy đủ trí lực, Từ bi lớn
Chẳng nhận tất cả chỗ thế gian
Cũng chẳng giải thoát khỏi thế gian
Tất cả thế gian không lệ thuộc
Cũng chẳng lìa khỏi các thế gian.
Hiểu biết pháp tánh chúng sinh
Ở pháp tánh đó chẳng nhiễm trước
Với các chúng sinh không lệ thuộc
Giải thoát thanh tịnh không trói buộc
Biết tánh thật của các cảnh giới
Pháp thế gian sinh tử lưu chuyển
Bồ-tát rõ hết pháp khônng hai
Ở pháp bất nhị không chấp trước
Tâm ấy chẳng trụ các thế gian
Lại cũng chẳng lìa khỏi cõi thế
Hành động chẳng ở ngoài thế gian
Biết rõ các pháp tướng chân thật.
Ví như màu điện quang trong nước
Màu đó cũng chẳng trong chẳng ngoài
Bồ-tát lợi ích chúng sinh nên
Diễn nói thế gian không chân thật,
Chúng sinh không mở, không ràng buộc
Tất cả thế gian chẳng thể nói
Thế gian chẳng ngoài cũng chẳng trong
Như hình ánh chớp ở trong nước.
Như vậy, tâm lìa cấu sạch trong
Thuận theo hạnh thậm thâm vi diệu
Đầy đủ trí tuệ đèn pháp sáng
Viên mãn các nguyện chẳng thoái chuyển,
Thành tựu trí tuệ chẳng thể lường
Thường hay lợi ích tất cả chúng
Làm chúng sinh được pháp không sợ
Trừ diệt tất cả các chướng ngại.
Tu tập pháp thậm thâm
Lợi ích tất cả chúng
Nhãn này diệu trí tăng
Đầy đủ hạnh Bồ-tát.
Thâm nhập pháp tịch diệt
Rõ ràng đều như hóa
Hiện ra hạnh không lường
Mà thật không hành động,
Thắng địa, Bồ-đề hạnh
Hạnh tùy thuận như hóa
Như hóa tịch diệt thường
Hạnh Bồ-tát cũng vậy.
Biết rõ loài chúng sinh
Và vô lượng hạnh nghiệp
Đều như cũng biến hóa
Giải thoát cũng như vậy.
Phật ba đời hiểu rõ
Tất cả đều như hóa
Bản hạnh nguyện không lường
Hóa thành, thầy dẫn đường
Đại Từ bi cao rộng
Hóa chúng sinh sạch trong
Sạch trong tức như hóa
Lực hóa ứng hiện lên,
Thế gian đều hư vọng
Bồ-tát, hiểu như hóa
Tánh hóa các cõi thế
Đủ thứ nghiệp trang hoàng,
Biến hóa kho trang sức
Hạnh Bồ-tát rốt cùng
Theo các hạnh nguyện đời
Chủng loại nhiều không lường,
Hóa là pháp hư vọng
Phát sinh hóa hư vọng
Biển hóa trí quyết định
Hóa ấn in thế gian.
Hóa chẳng pháp sinh diệt
Tuệ trí cũng như vậy
Nhẫn mười là Minh quán
Thanh tịnh như hư không,
Hư không chúng sinh pháp
Quán không khác, như nhau
Trí đầy như hư không
Trừ diệt không chướng ngại,
Không tạp, tánh hư không
Thế gian cũng như vậy
Thành tựu không nhẫn lực
Như hư không vô biên
Cảnh giới như hư không
Chẳng giữ tướng hư vọng
Hư không tự tánh không
Trí lực cũng như vậy.
Ví như tánh hư không
Không có đầu, giữa, cuối
Hư không chẳng tánh khác
Trí tuệ cũng như vậy
Như vậy chánh quán pháp
Đều là như hư không
Không sinh cũng không diệt
Quán các pháp như nhau.
An trụ pháp hư không
Rộng nói vì mười phương
Phương tiện nhẫn hư không
Thu phục tất cả ma,
Hư không, tự tánh không
Thế gian cũng như vậy
Pháp tánh có, tánh không
Bình đẳng như hư không.
Một phương tiện trang nghiêm
Quán thế gian hư không
Biết hết pháp ba đời
Giống như tánh hư không,
Bồ-tát thân trí tuệ
Âm thanh như hư không
Tánh thân cũng hư không
An trụ trí hư không.
Mười pháp nhẫn nêu ra
Phật tử hành đầy đủ
Tâm trú vào nhẫn lực
Nói cho cả mười phương.
Chân Phật tử học hết
Thành tựu trí tuệ lực
Pháp lực, định trí lực
Thuận Bồ-đề tu hành,
Vào sâu cửa nhẫn ấy
Thành tựu trí vô ngại
Diệt trừ tất cả ác
Chuyển pháp luân vô thượng,
An trụ vô lượng pháp
Chúng sinh không thể biết
Biển trí của Bồ-tát
Điều Ngự biết tận nguồn
Hành Bồ-đề khiêm nhường
Được thâm pháp nhẫn ấy
Diệu pháp, ý thanh tịnh
Tất cả nguyện đều mãn.
Tất cả loài chúng sinh
Như vi trần cõi Phật
Số ấy có thể lường
Đức Bồ-tát khó biết,
Nếu có chân Phật tử
Thành tựu mười pháp nhẫn
Tất cả các chúng sinh
Không thể biết cảnh giới.