SỐ 224
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư Chi-lâu-ca-sấm, người nước Nhục Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 8

Phẩm 22: HỌC

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bồ-tát học vô thường là học trí Nhất thiết trí chăng? Học vô sở sinh là học trí Nhất thiết trí chăng? Học lìa bỏ dâm là học trí Nhất thiết trí chăng?

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Như lời ông hỏi: “Người học vô thường là học trí Nhất thiết trí?” Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao, Như Lai bổn vô tùy nhân duyên chứng đắc Như Lai, danh tự “bổn vô” có lúc tận chăng?

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Không có lúc tận.

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Học như thế là học Bát-nhã ba-la-mật, học như thế là học Như Lai địa, là học mười Lực, là học bốn Vô sở úy, là học các pháp của Phật. Bồ-tát học như thế là hành hết các pháp. Đại Bồ-tát học như thế thì ma và bè đảng của ma không thể ở giữa chừng phá hoại được. Bồ-tát học như thế thì chóng được không thoái chuyển. Bồ-tát học như thế thì mau gần thành Phật. Bồ-tát học như thế là học hết Phật đạo. Bồ-tát học như thế là học tập pháp. Bồ-tát học như thế là Từ bi rất lớn. Bồ-tát học như thế là học tâm bình đẳng. Bồ-tát học như thế là chuyển ba hợp mười hai pháp luân. Bồ-tát học như thế là học diệt độ mọi người ở khắp mười phương. Bồ-tát học như vậy là học pháp môn cam lộ.

Đức Phật nói tiếp:

–Người không lười biếng mới có thể học được như thế. Học như thế là học ở trong loài người khắp cả mười phương. Bồ-tát học như thế thì không bị đọa vào các chỗ địa ngục, cầm thú, ngạ quỷ. Bồ-tát học như thế nhất định chẳng sinh nơi biên địa. Học như thế chẳng còn sinh vào trong hạng ngu si bần cùng. Học như thế thì không còn bị đui điếc câm ngọng. Học như thế là chẳng phá hủy mười giới (thập thiện). Học như thế là chẳng theo bói toán giải trừ vận hạn. Học như thế là xa lìa người chẳng trì giới. Bồ-tát học như thế thì chẳng nguyện sinh lên cõi trời Trường thọ. Vì sao? Vì Bồ-tát có phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật. Thế nào là phương tiện thiện xảo? Từ trong Bát-nhã ba-la-mật sinh ra phương tiện thiện xảo, dùng oai thần của phương tiện thiện xảo nhập thiền mà chẳng tùy theo pháp thiền. Bồ-tát học như thế thì được sức thanh tịnh, được sức vô sở úy, được sức thanh tịnh của Phật pháp.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Các pháp của Phật vốn đều thanh tịnh. Thế nào là Bồtát được pháp thanh tịnh?

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát học như thế là học pháp thanh tịnh vô sở đắc. Các pháp thanh tịnh, đúng thế, này Tu-bồ-đề! Lúc Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật mà chẳng hối tiếc chẳng chán nản thì chính là thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Người chưa đắc đạo ngu si chẳng hiểu pháp ấy, chẳng thấy việc ấy. Bồ-tát vì mọi người nên thường tinh tấn. “Mọi người thấy ta cũng sẽ bắt chước ta mà tinh tấn.” Vì thế Bồ-tát được sức tinh tấn vô sở úy. Bồ-tát học như thế thì biết hết tâm niệm của mọi người trong thiên hạ ở khắp mười phương, không có ai có thể hơn được.

Ví như trên quả đất này ít có chỗ khai thác được vàng bạc. Cũng vậy, này Tu-bồ-đề! Ít có người tu học theo lời dạy của pháp Bát-nhã ba-la-mật.

Ví như ít có người tìm được xứ sở của Chuyển luân vương mà phần nhiều tìm thấy xứ sở của tiểu quốc vương. Cũng vậy, này Tubồ-đề! Ít có người tu học theo lời dạy của pháp Bát-nhã ba-la-mật, mà phần nhiều họ tìm cầu quả vị A-la-hán, Bích-chi-phật. Có Bồ-tát mới phát tâm nhưng ít có người tu học theo lời dạy của Bát-nhã bala-mật. Đã có Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật nhưng ít có người được không thoái chuyển. Bồ-tát phải nghĩ như vầy: “Ta phải nỗ lực tu học để đạt đến không thoái chuyển.”

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật chẳng giận hờn người khác, chẳng tìm điều dỡ của người, tâm không bỏn sẻn, tham lam, tâm không phá giới, tâm không hờn giận, tâm không biếng nhác, tâm không mê loạn, tâm không ngu si. Lúc Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật thì các Ba-la-mật khác đều nằm ở trong đó. Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật là soi sáng các Ba-la-mật vì đều nhập vào các Ba-lamật. Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật là đầy đủ các Ba-la-mật khác. Ví như có người nói sáu mươi hai kiến chấp bên ngoài đều thuộc thân kiến (ngã sở). Cũng vậy, này Tu-bồ-đề! Bồtát học Bát-nhã ba-la-mật thì bao gồm hết các Ba-la-mật khác. Này Tubồ-đề, ví như lúc người chết mạng tận, các căn đều hoại diệt. Cũng vậy, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát học Bát-nhã ba-lamật thì gồm hết các Ba-la-mật khác. Bồ-tát muốn học hết các Ba-la-mật thì cần phải học Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát muốn học Bát-nhã ba-la-mật là học vô cực. Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao, số người ở trong một cõi nước Phật có nhiều không?

Tu-bồ-đề đáp:

–Rất nhiều!

Đức Phật dạy:

–Nếu có Bồ-tát suốt đời cúng dường tất cả mọi người như thế trong một cõi Phật thì phước của Bồ-tát ấy có nhiều chăng?

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Rất nhiều!

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Phước đức ấy chẳng bằng phước đức của Bồ-tát thọ trì Bátnhã ba-la-mật trong khoảnh khắc búng ngón tay. Đức Phật dạy tiếp:

–Bát-nhã ba-la-mật cực kỳ tôn quý, nhờ pháp này mà chóng được thành Phật. Này Tu-bồ-đề! Như vậy Bồ-tát muốn đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm Đấng tôn quý bậc nhất trong mọi người ở khắp mười phương, cấp thí cho mọi người nghèo nàn ở khắp mười phương. Bồ-tát muốn cầu cảnh giới Phật, ưa thích muốn được trí tuệ Phật, muốn thuyết pháp được như sư tử rống, muốn được đến chỗ Phật. Bồ-tát muốn được tất cả các điều kể trên thì phải học Bát-nhã bala-mật. Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật là học tất cả các pháp khác.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bồ-tát có còn phải học pháp A-la-hán nữa không? Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Tuy biết pháp A-la-hán, nhưng Bồ-tát không thích, không học. Công đức do A-la-hán tạo tác, thì đâu cần phải đắc! Bồtát tuy biết hết các việc tu hành của A-la-hán nhưng không học, không hành, không trụ trong pháp ấy. Bồ-tát học như thế thì mọi người trong thiên hạ không ai hơn được, vượt lên trên cả A-la-hán, Bíchchi-phật. Bồ-tát học như thế là gần với trí Nhất thiết trí. Bồ-tát học như thế là chẳng lìa Bát-nhã ba-la-mật, là thực hành Bát-nhã ba-lamật. Bồ-tát học như thế là ở trong pháp trí Nhất thiết trí chẳng thêm chẳng giảm, lìa đạo A-la-hán, Bích-chi-phật. Bồ-tát nếu lại nghĩ rằng: “Thọ trì Bát-nhã ba-lamật này sẽ đắc trí Nhất thiết trí”. Có một chút xíu tư tưởng ấy thì tức là chẳng thực hành Bát-nhã bala-mật. Thực hành Bát-nhã ba-la-mật cũng chẳng nghĩ tưởng đến Bát-nhã ba-lamật. Bồ-tát phải duy trì được trí Nhất thiết trí, cũng không niệm, cũng không thấy, cũng không có sở tưởng. Đó là thực hành Bát-nhã ba-la-mật.