SỐ 278
KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Pháp sư Phật-đà-bạt-đà-la, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 17: MƯỜI HẠNH CỦA BỒ-TÁT CÔNG ĐỨC HOA TỤ
Bấy giờ, nhờ uy thần của Phật, Đại Bồ-tát Công Đức Lâm nhập vào Tam-muội Bồ-tát Thiện phục.
Sau khi vào Tam-muội, khắp mười phương vượt ngoài các cõi nhiều như bụi vạn thế giới Phật, đều thấy chư Phật nhiều như bụi của vạn thế giới Phật. Các Đức Như Lai ấy đều có hiệu là Công Đức Lâm.
Bấy giờ, các vị Phật ấy bảo Bồ-tát Công Đức Lâm:
–Lành thay, lành thay! Này Phật tử! Ông đã có thể vào Tammuội Thiện phục này. Nhờ chư Phật nhiều như bụi trong vạn cõi Phật khắp mười phương tăng thêm thần lực cho nên ông mới nhập vào được Tam-muội Thiện phục. Nhờ nguyện lực xưa kia của Phật Lô-xá-na, nhờ năng lực căn lành của các Bồ-tát, muốn làm cho ông giảng thuyết rộng về pháp sâu xa, để phát triển Nhất thiết trí, để phân biệt rõ tánh của tất cả chúng sinh, xa lìa tất cả chướng ngại mà đi vào cảnh giới không chướng ngại, thành tựu tất cả phương tiện, thành tựu Nhất thiết chủng trí, giác ngộ tất cả pháp, biết rõ các căn tánh, nghe và thọ trì tất cả pháp, đó là mười hạnh của Bồ-tát. Này Phật tử! Hãy nương theo thần lực của Phật mà giảng thuyết diệu pháp.
Bấy giờ, các vị Phật kia liền cho Bồ-tát Công Đức Lâm pháp không chướng ngại, pháp an trú, pháp không cần thầy, pháp vô ngại, pháp không tạp loạn, pháp thanh tịnh, pháp vô lượng, pháp tối thắng, pháp không cấu bẩn, pháp không thoái lui. Tại sao? Nhờ vào lực Tam-muội kia vậy.
Bấy giờ, chư Phật đều đưa tay phải của mình xoa đỉnh đầu Bồtát Công Đức Lâm. Sau khi xoa đỉnh đầu Bồ-tát này xong, chư Phật liền xuất định rồi bảo các Bồ-tát:
–Các Phật tử! Hành động của Bồ-tát là không thể nghĩ bàn, rộng lớn như pháp giới, tận cùng như hư không. Tại sao? Vì Đại Bồ-tát học pháp mà chư Phật trong ba đời đã hành, đã thuyết giảng.
Mười hạnh ấy là:
- Hoan hỷ.
- Lợi ích.
- Không sân hận.
- Vô tận.
- Lìa si loạn.
- Thiện hiện.
- Không chấp trước.
- Tôn trọng.
- Thiện pháp.
- Chân thật.
Này các Phật tử! Những gì là hạnh Hoan hỷ của Đại Bồ-tát?
Bồ-tát này làm vị đại thí chủ, xả bỏ tất cả sở hữu của mình, với tâm bình đẳng bố thí cho tất cả chúng sinh. Cho rồi không hối hận, không mong cầu quả báo, không mong cầu được khen ngợi, không cầu sinh đến nơi tốt đẹp, không cầu lợi dưỡng. Chỉ muốn cứu độ tất cả chúng sinh, muốn bảo hộ tất cả chúng sinh, muốn làm lợi ích tất cả chúng sinh, muốn học tất cả bản hạnh của chư Phật, muốn nhớ đúng bản hạnh của chư Phật, muốn được thanh tịnh bản hạnh của chư Phật, muốn được thọ trì bản hạnh của chư Phật, muốn hiển hiện bản hạnh của chư Phật, muốn thuyết giảng bản hạnh của chư Phật, muốn làm cho tất cả được lìa khổ được an lạc.
Đây gọi là hạnh Hoan hỷ của Bồ-tát.
Khi Bồ-tát tu hạnh Hoan hỷ thì được tất cả chúng sinh hoan hỷ kính yêu. Địa phương nào có những nơi nghèo khổ, Bồ-tát nguyện sinh đến đó, được giàu sang phú quý, có vô số báu vật. Liên tiếp có vô lượng, vô biên, vô số chúng sinh đến chỗ Bồ-tát và thưa rằng: “Thưa ngài, chúng tôi nghèo khổ chẳng ai cung cấp cả, xin ngài rủ lòng thương cứu cho được sống.” Bồ-tát luôn luôn đáp ứng nhu cầu của họ, làm cho họ được đầy đủ và vui mừng. Bồ-tát không vì sự đòi hỏi thái quá mà sinh buồn phiền, chỉ phát tâm đại Từ bi vô thượng mà bố thí không chán, muốn làm cho họ thường đến. Khi họ đến, Bồ-tát càng thêm vừa ý vui mừng và suy nghĩ: “Ta được lợi hoàn toàn. Những chúng sinh này là ruộng phước của ta, là bạn tốt của ta, chẳng thỉnh chẳng cầu mà tự đến dạy bảo khích lệ tâm ta tu hành đạo giác ngộ. Ta phải tu học như vậy, làm cho khắp chúng sinh đều được hoan hỷ. Ta đối với công đức tu tập trong ba đời, nguyện mau thành tựu Pháp thân thanh tịnh, thần lực tự tại, đều làm cho chúng sinh tùy theo sự tu tập ấy mà đều được cho các chúng sinh mau thành Chánh giác rồi độ thoát vô lượng chúng sinh, làm cho được Niết-bàn Vô dư rốt ráo. Trước hết, ta làm cho tất cả chúng sinh đều thỏa mãn các nguyện. Sau đó, ta mới thành Đẳng chánh giác lìa vọng tưởng về ngã, tưởng chúng sinh, tưởng ngã sở, tưởng thọ mạng.” Các loại tưởng về người, người tạo tác, pháp giới, chúng sinh giới đều không, chẳng sai khác, chẳng phải pháp đáng ưa thích, chẳng phải pháp chân thật, pháp chẳng có sở hữu, chẳng bền vững, chẳng nương cây được, chẳng nên làm.
Khi Bồ-tát quán sát như vậy thì không thấy người cho, không thấy người nhận, không thấy tài vật, không thấy ruộng phước, không thấy nghiệp, không thấy báo ứng, không thấy kết quả, không thấy kết quả lớn hay nhỏ. Bồ-tát quán sát ba đời như vậy nên phát sinh ý nghĩ: “Đáng thương thay! Chúng sinh bị ngu si che, bị phiền não trói nên trôi mãi trong sinh tử, luân hồi trong biển khổ, không được vững chắc ở trong pháp không vững chắc. Ta sẽ học hết những pháp mà Phật đã học để lợi ích cho chúng sinh, thành Đẳng chánh giác, khai ngộ cho tất cả làm cho thanh tịnh, tùy thuận tịch diệt quán pháp ba đời.” Đây gọi là hạnh Hoan hỷ thứ nhất của Bồ-tát.
Này Phật tử! Thế nào là hạnh Làm lợi ích thứ hai của Đại Bồtát?
Bồ-tát này giữ giới thanh tịnh; không lệ thuộc vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Bồ-tát giảng thuyết pháp không đắm nhiễm cho khắp các chúng sinh, nhưng không cầu sinh vào nơi cao thượng ở trời hay gia đình tôn quý, không cầu lợi dưỡng, không cầu xinh đẹp, không cầu làm vua chúa. Bồ-tát ấy chỉ giữ vững giới trong sạch và suy nghĩ: “Ta giữ giới trong sạch, lìa xa tất cả trói buộc, phiền não bốc cháy, lo buồn khổ não, không phụ chúng sinh, làm chư Phật hoan hỷ, tận đến chứng quả Vô thượng giác ngộ.”
Khi Bồ-tát giữ giới trong sạch như vậy, ngay trong một ngày, nếu có vô lượng, vô số a-tăng-kỳ các Đại ma vương, mà mỗi ma vương đều đưa đến vô lượng, vô số a-tăng-kỳ các chúng Thiên nữ đều rất xinh đẹp đặc biệt, với dung mạo kiều diễm khuynh đảo lòng người. Chúng cầm các loại nhạc cụ, muốn đến gây rối loạn đạo ý của Bồ-tát.
Bấy giờ, Bồ-tát suy nghĩ: “Năm dục này là pháp chướng đạo, có thể làm trở ngại Vô thượng Bồ-đề.”
Do đó, Bồ-tát không sinh một ý niệm ham muốn nào cả mà tâm vẫn thanh tịnh như Phật, diệt trừ hành động của ma, giáo hóa chúng sinh, nội tâm không rời Nhất thiết chủng trí của Bồ-tát, chánh niệm kiên cố. Không bị những sự việc của năm dục mà sinh một ý niệm ác gây phiền não cho chúng sinh, thà bỏ mạng sống chứ không gây điều ác cho người, không bao giờ có sự việc gây ác cho người khác. Từ khi được gặp Đức Phật trở về sau, chưa bao giờ Bồ-tát sinh một ý niệm về dục, huống chi làm việc ấy, không bao giờ làm theo việc ấy cả.
Bấy giờ, Bồ-tát suy nghĩ:
–Chúng sinh ở mãi lâu dài trong sinh tử, nhớ đến năm dục, đam mê năm dục, yêu mến năm dục, tâm thường bị cuốn trôi trong cảnh giới năm dục, chìm mãi trong năm dục, chẳng có thể thoát ra. Ta cần phải học như thế này để làm cho các ma vương, Thiên nữ thân thuộc và tất cả chúng sinh đều đứng vào giới vô thượng. Sau khi đứng trong tịnh giới, lại dạy cho họ được địa vị không thoái lui của Nhất thiết chủng trí để thành Đẳng chánh giác, cho đến tận cùng là Vô dư Niết-bàn. Tại sao? Đây là sự nghiệp của ta.
Tất cả chư Phật đều học như vậy, xa lìa các hành động phi pháp, chấp ngã vì chẳng biết. Quán sát tất cả pháp sâu xa bình đẳng của tất cả chúng sinh và chư Phật, đắc Nhất thiết trí. Thuyết pháp cho chúng sinh đoạn trừ điên đảo. Ngoài chúng sinh không có điên đảo, ngoài điên đảo chẳng có chúng sinh; trong điên đảo không chúng sinh, trong chúng sinh không điên đảo; điên đảo chẳng phải chúng sinh, chúng sinh chẳng phải điên đảo; điên đảo chẳng phải pháp ở trong, điên đảo chẳng phải pháp ở ngoài; chúng sinh chẳng phải pháp bên trong, chúng sinh chẳng phải pháp bên ngoài. Tất cả các pháp chỉ là hư vọng chẳng có chân thật, chẳng dừng lại chút nào, chẳng kiên cố, cũng như huyễn hóa làm mê hoặc kẻ ngu.
Người nào hiểu được tất cả các pháp như mộng huyễn, như điện chớp thì thoát sinh tử, đạt đến giác ngộ viên mãn, vượt qua điều chưa vượt qua, giải thoát những điều chưa giải thoát, giáo hóa người chưa được giáo hóa, làm cho người chưa tịch tĩnh thì được tịch tĩnh, làm cho người chưa an ổn được an ổn, làm cho người chưa lìa cấu bẩn được lìa cấu bẩn, làm cho người chưa thanh tịnh được thanh tịnh, làm cho người chưa chứng Niết-bàn được chứng Niết-bàn, làm cho người chưa an lạc được an lạc.
Ta phải từ bỏ tất cả các sự việc thế gian, làm cho các Như Lai đều hoan hỷ, thành tựu đầy đủ tất cả Phật pháp, sống trọn vẹn trong pháp tối thắng vô thượng, bình đẳng nhìn đúng về tất cả chúng sinh, phân biệt rõ hết tất cả các pháp, xa lìa các ác, từ bỏ hẳn vọng tưởng, trừ diệt tất cả tập khí phiền não, thành tựu phương tiện thù thắng để xuất ly, chắc chắn được vô lượng, vô biên biện tài, thành tựu trí tuệ không tịch sâu xa.
Đây là hạnh Nhiêu ích thứ hai của Đại Bồ-tát.
Này Phật tử! Những gì là hạnh Không sân hận thứ ba của Đại Bồ-tát?
Bồ-tát này thường xuyên tu tập pháp nhẫn nhục, khiêm tốn, cung kính, vui vẻ, lời nói hòa nhã. Không hại mình, không hại người, không hại cả hai. Không tự đề cao, không đề cao người, không đề cao cả hai. Không tự cho mình đúng, không cho người đúng hay không cho cả hai. Không tự khen mình mà chỉ suy nghĩ: “Ta nên thường xuyên thuyết pháp cho chúng sinh để xa lìa tất cả điều ác; diệt trừ tham, sân, si, kiêu mạn, loạn tâm, keo kiệt, ganh tỵ, nịnh bợ. Dùng pháp nhẫn nhục lớn để giáo hóa họ.”
Bồ-tát thành tựu pháp nhẫn thanh tịnh như vậy, giả như có vô lượng, vô số chúng sinh, mà mỗi chúng sinh đều có vô lượng, vô số quyến thuộc. Mỗi một chúng sinh ấy đều có vô lượng, vô số hóa đầu; mỗi đầu có vô lượng, vô số a-tăng-kỳ lưỡi; mỗi lưỡi lại nói ra vô lượng, vô số tiếng xấu ác. Tiếng nói này phát ra vô lượng, vô số lời lẽ mắng chửi hủy nhục Bồ-tát.
Lại nữa, những chúng sinh này đều có vô lượng a-tăng-kỳ tay. Tay này cầm vô số, vô lượng đao trượng đâm chém hủy hại Bồ-tát, cho đến vô lượng a-tăng-kỳ kiếp không ngừng nghỉ.
Khi bị những đau đớn khổ sở như vậy, Bồ-tát suy nghĩ: “Do nơi khổ này nếu ta sinh tâm tức giận, thì ta không tự khống chế, không tự bảo vệ, không tự tu định, không tự chân thật mà chỉ tự yêu thân mình thì làm sao khiến họ sinh hoan hỷ để được độ thoát?”
Bồ-tát lại suy nghĩ: “Do nơi thân và tâm, nên chịu các khổ não trong vô lượng kiếp.”
Do đó, Bồ-tát càng tự khích lệ, khiến cho tâm hoan hỷ, tự chế ngự hoàn toàn. Tại sao? Vì ta đang trú ở đại pháp vô thượng, muốn cho chúng sinh cũng được pháp này.
Bồ-tát lại tư duy: “Thân này rỗng lặng không có ngã và ngã sở, không có tánh thật, hoàn toàn không có hai, dù khổ hay vui đều không có sở hữu. Vì các pháp là không nên ta phải hiểu rõ và giảng giải rộng cho mọi người. Thế nên, đối với những đau khổ mà ta gặp này, ta phải chịu đựng vì thương mến chúng sinh, vì lợi ích cho chúng sinh, vì an ổn cho chúng sinh, vì bảo hộ cho chúng sinh, vì không bỏ chúng sinh, nên muốn cho chúng sinh được không thoái chuyển, rốt ráo thành tựu Giác ngộ vô thượng. Ta đang tu hành những pháp mà
Phật đã thực hành.”
Đây là hạnh Không sân hận thứ ba của Đại Bồ-tát.
–Này Phật tử! Những gì là hạnh Vô tận thứ tư của Đại Bồ-tát?
Bồ-tát này tinh tấn tu hành, tinh tấn hơn nữa, tinh tấn đứng
nhất, tinh tấn vĩ đại, tinh tấn vi diệu, tinh tấn bậc thượng, tinh tấn bậc vô thượng, tinh tấn không gì hơn, tinh tấn không gì so sánh bằng. Bồ-tát ấy không bị tham dục làm loạn tâm; không bị tức giận, ngu si, kiêu mạn, gây hại, keo kiệt, đố kỵ, hiềm khích, nịnh bợ, không biết xấu hổ, không biết e sợ làm loạn tâm.
Bồ-tát lại suy nghĩ: “Ta không muốn não loạn các chúng sinh, cho đến không muốn gây não loạn một chúng sinh, nên siêng năng tu hành tinh tấn. Chỉ muốn từ bỏ các phiền não nên tu hành tinh tấn; muốn phá các kết sử nên tu hành tinh tấn; muốn xa lìa tất cả tập khí nên tu hành tinh tấn; muốn phân biệt rõ hết tất cả chúng sinh nên tu hành tinh tấn; muốn biết hết về sự chết ở đây sinh ở kia của tất cả chúng sinh nên tu hành tinh tấn; muốn biết tất cả phiền não tập khí của chúng sinh nên tu hành tinh tấn; muốn biết các thứ hy vọng của tất cả chúng sinh nên tu hành tinh tấn; muốn biết tất cả các cảnh giới của tất cả chúng sinh nên tu hành tinh tấn; muốn biết tất cả căn tánh của tất cả chúng sinh nên tu hành tinh tấn; muốn biết hoạt động của tâm và tâm sở nên tu hành tinh tấn; muốn biết cảnh giới tất cả pháp nên tu hành tinh tấn; muốn biết pháp bình đẳng của chư Phật nên tu hành tinh tấn; muốn bằng phương tiện thiện xảo để biết bình đẳng của ba đời nên tu hành tinh tấn; muốn biết pháp bình đẳng thanh tịnh nên tu hành tinh tấn; muốn biết tất cả Phật pháp nên tu hành tinh tấn; muốn bằng một môn phương tiện để biết tất cả Phật pháp nên tu hành tinh tấn; muốn biết chư Phật là vô lượng, vô biên không thể nghĩ bàn nên tu hành tinh tấn; muốn biết phương tiện thiện xảo bằng trí tuệ vĩ đại của chư Phật nên tu hành tinh tấn; muốn biết tất cả Phật pháp để giảng giải từng câu từng câu cho tất cả chúng sinh nên tu hành tinh tấn.”
Khi Bồ-tát thành tựu tinh tấn như vậy, nếu có người hỏi.
Đối với chúng sinh trong vô lượng, vô số a-tăng-kỳ thế giới, ông có thể vì từng chúng sinh này trong vô lượng, vô số a-tăng-kỳ kiếp chịu đầy đủ các khổ của địa ngục Vô gián, làm cho các chúng sinh ấy được rốt ráo Niết-bàn?
Lại có vô lượng, vô số a-tăng-kỳ Đức Phật xuất hiện ở đời làm cho vô lượng, vô số chúng sinh hưởng thụ các loại an lạc? Nay ông vẫn còn chịu đầy đủ các khổ ở địa ngục, sau đó ông mới được thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bồ-tát đáp:
–Tôi có thể vì từng chúng sinh ở thế giới ấy mà chịu khổ ở địa ngục. Dù chư Phật ra đời làm cho chúng sinh được hưởng thụ an lạc thì tôi cũng chịu khổ, sau đó tôi mới thành đạo Vô thượng.
Lại có người nói:
–Nếu ông có thể dùng một sợi lông chấm lấy làm cạn nước của vô lượng, vô số a-tăng-kỳ biển lớn, làm cho vô lượng, vô biên atăng-kỳ thế giới nát như bụi nhỏ, cũng đều biết rõ số lượng ấy. Từng ý niệm liên tục như vậy mà không quên mất tâm Bồ-đề?
Nghe như vậy, Bồ-tát không thoái chuyển, không hối hận mà còn hoan hỷ phấn khởi, siêng tu tinh tấn và suy nghĩ: “Ta nên thay thế tất cả chúng sinh để chịu tất cả khổ, làm cho tất cả chúng sinh xa lìa tất cả khổ đều được cứu cánh Vô dư Niết-bàn, sau đó ta sẽ thành đạo Vô thượng.”
Đây gọi là hạnh Vô tận thứ tư của Bồ-tát.
–Này Phật tử! Những gì là hạnh lìa si loạn thứ năm của Đại Bồ-tát?
Bồ-tát này thành tựu chánh niệm đứng nhất, chưa từng bị tán loạn, kiên cố không bị hoại, tối thắng đứng nhất thanh tịnh vô cùng, xa lìa ngu si, phân biệt chánh niệm, thọ trì hoàn hảo kinh luận thế gian và xuất thế gian, kinh luận sắc pháp và phi sắc pháp, kinh luận thọ, tưởng, hành, thức. Không ngu si rối loạn, chết ở đây sinh ở kia không có ngu si rối loạn; ở trong thai và sinh ra không có ngu si rối loạn; trú ở tâm giác ngộ không có ngu si rối loạn; thân cận Thiện tri thức không có ngu si rối loạn; học các Phật pháp không có ngu si rối loạn; biết rõ các việc của ma không có ngu si rối loạn; xa lìa các việc ma không có ngu si rối loạn. Tu hạnh Bồ-tát trong vô lượng kiếp, Bồ-tát thành tựu vô lượng kiếp, Bồ-tát thành tựu vô lượng, vô số chánh niệm kiên cố như vậy.
Trong vô lượng, vô số a-tăng-kỳ kiếp được nghe nhận chánh pháp từ Phật, Bồ-tát, Thiện tri thức. Đó là pháp sâu xa, pháp vi diệu, pháp trang nghiêm, pháp các loại trang nghiêm, pháp các loại danh nghĩa, câu. Pháp trang nghiêm chư Phật; pháp thanh tịnh hy vọng chính đáng; pháp không nhiễm tất cả thế gian; pháp phân biệt tất cả thế gian; pháp rộng lớn; pháp vô lượng; pháp xa lìa ngu tối phân biệt rõ thế gian; pháp cộng, pháp không cộng; pháp cảnh giới trí của Bồtát, pháp tự tại của Nhất thiết trí.
Nghe pháp này rồi, trong vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ kiếp, Bồtát chưa bao giờ quên. Tại sao? Trong khi tu hành ở vô lượng kiếp trước, Đại Bồ-tát chưa bao giờ gây phiền não cho chúng sinh, luôn chánh niệm chánh định, không làm chánh pháp bị gián đoạn, không đoạn bỏ căn lành, không đoạn bỏ trí tuệ.
Đối với Bồ-tát này, vô số các loại âm thanh cũng không thể quấy nhiễu. Đó là các loại âm thanh cao lớn, não loạn, khiến người sợ hãi, vi diệu, không vừa ý, gây tán loạn sáu căn. Nghe vô lượng, vô số âm thanh tốt xấu như vậy, Bồ-tát không loạn đối với chánh niệm, Tam-muội, cảnh giới, vào pháp vi diệu, hạnh Bồ-tát, tu tập tâm Bồ-đề, Tam-muội niệm Phật, quán sát pháp chân thật, trí giáo hóa chúng sinh, thành tựu chúng sinh, trí thanh tịnh ổn định cho chúng sinh, quán sát nghĩa sâu xa. Không làm nghiệp ác nên không có nghiệp chướng ác; không làm phiền não nên không có phiền não chướng; không hành động chẳng cung kính nên chẳng có chướng không cung kính; không thi hành pháp hủy báng nên không có chướng hủy báng pháp. Với vô lượng, vô số âm thanh như vậy, mỗi một âm thanh vang đến vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ thế giới khắp mười phương. Suốt vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ kiếp cũng không gián đoạn. Những âm thanh ấy có thể làm rối loạn các căn của chúng sinh, làm họ phát cuồng, nhưng không thể làm loạn chánh định sâu xa của Bồ-tát này.
Ngay trong Tam-muội này, Bồ-tát tư duy phân biệt tướng sinh, trụ, diệt của tất cả âm thanh; phân biệt hoàn toàn tánh sinh, trụ, diệt; cũng quán sát hoàn hảo về những người nghe tiếng; nghe tiếng tốt hay xấu thì tâm không có thương hay ghét, chánh niệm không rối loạn. Đối với các âm thanh ấy, Bồ-tát khéo nắm vững tướng trạng mà không bị đắm nhiễm. Biết rõ tất cả âm thanh đều không có, chẳng có tánh chân thật, không có người tạo ra và cũng không có nguồn gốc, đồng như pháp tánh chẳng có gì khác.
Bồ-tát này thành tựu nghiệp thân, miệng, ý tịch tĩnh, không còn thoái chuyển, trú hẳn trong các thiền Tam-muội chánh thọ, thành tựu trí tuệ giác ngộ tất cả pháp, được Tam-muội. Xa lìa tất cả âm thanh và có vô số Tam-muội khác làm quyến thuộc, phát triển đại Bi. Trong từng ý niệm luôn luôn được vô lượng, vô số Tam-muội, cuối cùng thành tựu Nhất thiết chủng trí. Nghe âm thanh đại ác phá hoại các căn này, Bồ-tát suy nghĩ: “Ta nên làm cho tất cả chúng sinh được ở yên trong chánh niệm thanh tịnh, được sự không thoái chuyển đối với Nhất thiết trí, đạt đến Vô dư Niết-bàn.”
Đây gọi là hạnh Lìa si loạn thứ năm của Đại Bồ-tát.
–Này Phật tử! Những gì là hạnh Thiện hiện thứ sáu của Đại Bồ-tát?
Bồ-tát này thành tựu nghiệp thân, miệng, ý tịch diệt; không sự có, không sự hiện bày; không trói, không mở nghiệp thân, miệng, ý; những hiện bày không sự y cứ, không sự trú vào, tùy tâm mà trú. Vô lượng tâm tánh đồng đẳng tất cả pháp tánh, đều không có tánh và tướng. Hiện bày tướng không tướng, sâu xa không đáy. Tánh như lìa nghiệp báo, phương tiện thiện xảo ra khỏi sinh, lìa sinh, không sinh không diệt, tịch diệt Niết-bàn. Chẳng có nói có, chấm dứt đường ngôn ngữ; xa lìa tất cả thế gian, không sự dựa vào cư trú; nuôi dưỡng sự phát sinh căn lành của Bồ-tát, đi vào pháp môn không trói, không mở; xa lìa hư vọng, vào pháp môn phân biệt tất cả thế gian. Bồ-tát nghĩ: “Tất cả chúng sinh lấy vô tánh làm tánh; tất cả các pháp lấy vô vi làm tánh; tất cả cõi Phật lấy vô tướng làm tướng. Cùng tận ba đời cũng đều vô tánh, chấm dứt đường ngôn ngữ, đối với tất cả pháp không bị lệ thuộc.”
Bồ-tát hiểu rõ được các pháp sâu xa như vậy thì hiểu tất cả thế gian đều là tịch diệt; hiểu tất cả pháp tuyệt diệu của chư Phật; hiểu rõ pháp của Phật và pháp thế gian bình đẳng không khác. Pháp thế gian vào pháp Phật, pháp Phật vào pháp thế gian. Mà pháp Phật vào pháp thế gian không lẫn loạn, pháp thế gian không phá hoại pháp Phật. Pháp giới chân thật không thể bị phá hoại. An trú vào chánh pháp bình đẳng của ba đời cũng không bỏ tâm Bồ-đề, không bỏ tâm giáo hóa chúng sinh, tăng trưởng tâm đại Từ, đại Bi, muốn cứu độ hết tất cả chúng sinh.
Bồ-tát suy nghĩ: “Ta không làm thành tựu cho chúng sinh thì ai sẽ thành tựu cho họ? Ta không giáo hóa chúng sinh thì ai giáo hóa? Ta không làm tịch tĩnh cho chúng sinh thì ai làm tịch tĩnh? Ta không làm cho chúng sinh hoan hỷ thì ai làm hoan hỷ? Ta không làm cho chúng sinh thanh tịnh thì ai làm thanh tịnh?”
Bồ-tát lại suy nghĩ: “Ta nhờ hiểu rõ pháp sâu xa này, thấy các chúng sinh chịu trong đường ách nạn ở cảnh giới khổ não lớn, bị các phiền não trói buộc. Như người bệnh nặng luôn bị đau khổ, ân ái trói buộc trong ngục sinh tử; thường không thoát khỏi nơi địa ngục, quỷ đói, súc sinh, vua Diêm-la. Không thể diệt hẳn vô lượng khối khổ não, không xa lìa được ba chướng, thường ở trong ngu si, chẳng thấy ánh sáng chân thật, chịu sinh tử vô cùng không có đường giải thoát. Luân hồi trong tám nạn bị bệnh ngu si, bị nhiễm cấu bẩn phiền não rất sâu, bị tà kiến làm mê hoặc, không thấy chánh đạo.”
Bồ-tát quán sát như thế này: “Nếu chúng sinh chưa được thành thục mà ta bỏ họ để chứng lấy Chánh giác, thật là không nên. Trước hết, ta nên giáo hóa chúng sinh, trong vô lượng kiếp tu hạnh Bồ-tát, giáo hóa làm cho người chưa thành thục được thành thục, chưa tuân phục được tuân phục, chưa được độ làm cho được độ.”
Khi Bồ-tát trú trong hạnh này, các Trời, Người, Ma vương, Đế Thích, Phạm thiên, Càn-thát-bà…, thấy Bồ-tát này đều hoan hỷ kính ngưỡng. Chúng sinh nào cung kính cúng dường, tôn trọng lễ bái, cho đến thấy nghe đều được kết quả tốt, chắc chắn cuối cùng đạt đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đây là hạnh Thiện hiện thứ sáu của Đại Bồ-tát.
Này Phật tử! Những gì là hạnh Không chấp trước thứ bảy của Đại Bồ-tát?
Bằng tâm không chấp trước, trong từng ý niệm, Bồ-tát này nhìn khắp vô số thế giới, trang hoàng vô số cõi Phật, không chấp trước các cõi Phật. Đến gặp vô số các Đức Như Lai và lễ bái cúng dường; đem vô số hoa, hương, bột thơm, hương xoa, các vòng hoa báu, áo trời, các loại báu, lọng báu, tràng phan, các vật trang nghiêm đều vô số. Đem vô số vật phẩm cúng dường mà tâm không chấp trước. Thi hành vô số phương tiện mà không có sự hành; vô số sự tư duy mà không trụ vào pháp tư duy nào cả. Ngay trong từng ý niệm thấy vô lượng chư Phật. Đối với chư Phật, tâm không chấp trước; đối với tướng đẹp của Phật, tâm cũng không chấp trước; đối với hào quang của Phật tâm cũng không chấp trước; đối với chúng của Như Lai, tâm cũng không chấp trước; đối với chúng Bồ-tát, tâm cũng không chấp trước; nghe pháp hoan hỷ mà tâm không chấp trước. Chánh niệm tăng thêm, tâm ý không loạn, hành hạnh Bồ-tát không chấp trước vào Phật pháp.
Đại Bồ-tát này đối với từng Đức Phật ở các cõi khắp mười phương, trong vô lượng, vô biên, vô số kiếp, cung kính lễ bái cúng dường mà không nhàm chán. Thấy Phật, nghe pháp mà tâm không chấp trước; thấy các Như Lai, Bồ-tát, đại chúng lấy làm trang nghiêm mà tâm không chấp trước; thấy cõi không thanh tịnh mà tâm chẳng ghét bỏ. Tại sao? Vì Đại Bồ-tát quán các pháp một cách tịch tĩnh bình đẳng. Các pháp không cấu bẩn, không thanh tịnh, không tối, không sáng, không phân biệt, không chẳng phân biệt, không hư vọng, không chân thật, không an ổn, không nguy hiểm, không chánh đạo, không tà đạo.
Bồ-tát quán sát pháp tánh chân thật như vậy. Thể nhập vào tánh chúng sinh, giáo hóa thu phục, thành tựu cho chúng sinh, nhưng đối với chúng sinh ấy, thì không bị vướng mắc. Thọ trì các pháp mà đối với các pháp thì tâm không bị vướng mắc; không bỏ tâm Bồ-tát mà trú vào chỗ trú của Phật.
Đối với chỗ trú của Phật thì không bị vướng mắc; vào các loại đường ngôn ngữ nhưng đối với đường ngôn ngữ không bị vướng mắc; vào đường chúng sinh nhưng không bị vướng mắc; phân biệt các Tam-muội chánh thọ và có thể nhập vào hết nhưng không bị vướng mắc; đi đến khắp vô lượng, vô biên không thể nêu bày hết các cõi của Phật, thấy các cõi ấy mà tâm không vướng mắc; đi khỏi cõi Phật thì tâm không lưu luyến.
Đối với các cõi Phật, Đại Bồ-tát bằng tâm không tham trước để hiểu lời dạy chân thật của Phật nên không bị chướng ngại.
Đối với đạo Vô thượng, đã được đứng vững trong chánh pháp của Phật, đầy đủ hạnh Bồ-tát, an trú trong tâm của Bồ-tát, thành tựu tịch diệt giải thoát của Bồ-tát, nhưng không ghi nhớ, không vướng mắc vào hành động của Bồ-tát; trú trong đạo thanh tịnh của Bồ-tát, được thọ ký chân thật.
Sau khi được thọ ký, Bồ-tát suy nghĩ: “Phàm phu ngu si không biết Chân đế, không thấy Chân đế, ám độn không có lòng tin, tâm không chân thật, thường hành động theo chấp trước nên luân hồi sinh tử, không gặp được chư Phật, xa lìa Thiện tri thức, xa cách chánh đạo, mê hoặc tà kiến, không cầu bậc thầy Điều Ngự, không kính vua Mười Lực, không biết ân Bồ-tát, thân cận bạn ác, nghe các pháp không thì tâm rất sợ hãi, không chánh tư duy, phỉ báng chánh pháp, từ bỏ đường chánh, ưa theo đường tà, vào lưới của ma, xa lìa chư Phật, thường chấp trước các hữu, chịu các loại khổ.”
Khi thấy chúng sinh chịu các khổ, Bồ-tát phát triển đại Bi, quán các căn lành, tâm không bị chấp trước. Bồ-tát suy nghĩ: “Nên vì mỗi một chúng sinh khắp mười phương, ta ở vào vô lượng, vô biên, vô số kiếp để thành thục cho chúng sinh mà tâm không nhàm chán. Thường sống chung với họ, không muốn xa lìa một chút nào cả. Vì một chút việc nhỏ như đầu sợi lông mà đi khắp thế giới mười phương. Vì một chúng sinh mà ngay trên từng đầu sợi lông đều ở đó đến vô lượng, vô biên, vô số kiếp. Như đối với một chúng sinh, thì đối với tất cả chúng sinh cũng như vậy.”
Bằng tâm đại Bi này, tiếp tục trong mỗi ý niệm không gián đoạn, mà đối với chúng sinh vẫn không có chấp trước. Ngay nơi trên từng đầu sợi lông, tu hành đầy đủ các hạnh Bồ-tát đến tận cùng quá khứ, vị lai. Không chấp trước về thân, không chấp trước về niệm, không chấp trước về nguyện, không chấp trước Tam-muội, không chấp trước hành động, không chấp trước tịch tĩnh, không chấp trước cảnh giới, không chấp trước giáo hóa thành thục cho chúng sinh, không chấp trước vào pháp giới sâu xa. Tại sao? Vì Bồ-tát quán sát thế này tất cả pháp giới như huyễn, các pháp Phật như điện chớp, hạnh Bồ-tát như mộng, pháp được nghe như tiếng vọng.
Tất cả pháp giới như biến hóa, sự phát sinh của nghiệp báo như
hóa thân của ý tưởng, biết tất cả chúng sinh như tượng vẽ, tất cả hình dạng khác nhau đều do tâm tạo ra. Các pháp được nói ra đều đúng thật tế, ngay trong một ý niệm đến khắp mười phương tu hạnh Bồtát, rộng lớn như pháp giới, cùng tận như hư không. Ngay trong một ý niệm biết hết tất cả phương tiện quyết định của chư Phật, biết rõ tướng thay đổi rất nhanh của tâm mà không bị chấp trước lệ thuộc vào tâm này.
Bồ-tát quán sát vô ngã như vậy, thấy Phật hóa độ tất cả chúng sinh. Đối với Phật pháp được vô cùng hoan hỷ, phát đại Bi cứu độ tất cả tâm không buồn rầu, được nguyện hoan hỷ. Làm thành thục cho người chưa thành thục; giáo hóa người chưa được giáo hóa. Xa lìa thế gian mà luôn tùy âm thanh. Các nghiệp, sự thành lập, hòa hợp, lưu chuyển, các hành, cảnh giới các địa, sự phát sinh của chúng sinh ở quốc độ các phương, ta sẽ bằng năng lực đại Bi đi đến các chỗ ấy, không bao giờ bỏ thệ nguyện lớn là giáo hóa chúng sinh, cho đến không sinh một ý niệm tham đắm. Vì sao? Vì không lệ thuộc, đầy đủ thanh tịnh tự lợi và lợi tha.
Đây gọi là hạnh Không vướng mắc chấp trước thứ bảy của Đại Bồ-tát.
Này Phật tử! Những gì là hạnh Tôn trọng thứ tám của Đại Bồtát?
Bồ-tát này thành tựu được các căn lành cao quý, căn lành không bị hư hoại, căn lành tối thắng, căn lành không thể nghĩ bàn, căn lành vô tận, căn lành không thoái lui, căn lành không gì so sánh, căn lành tịch tĩnh, căn lành tất cả Phật pháp.
Khi Bồ-tát tu hành, thường ưa thích diệu pháp của chư Phật, chuyên nhất mong cầu giác ngộ vô thượng, chưa lúc nào bỏ đại nguyện của Bồ-tát. Hành đạo Bồ-tát trong vô lượng kiếp, không bị tất cả các ma phá hoại, được tất cả chư Phật hộ niệm. Thường thực hành các hạnh thanh tịnh của Bồ-tát, siêng năng tu tập vô lượng hạnh khổ của tất cả Bồ-tát, chưa từng chán bỏ, được thệ nguyện Đại thừa không thoái chuyển.
Bồ-tát này đã an trú vào hạnh Bồ-tát đáng tôn trọng rồi, thì liên tục từng ý niệm đều chuyển hóa khổ nạn sinh tử của vô số kiếp, nuôi lớn vô lượng đại nguyện của Bồ-tát. Chúng sinh nào cung kính cúng dường, cho đến thấy nghe Bồ-tát này thì đều được trú vào không thoái chuyển, quyết định hoàn tất Giác ngộ vô thượng. Bồ-tát này quán sát chúng sinh biết rõ chẳng có nhưng không bỏ ai cả. Như nước sông không đến bờ kia, không chảy sau bờ này, không gián đoạn giữa dòng, thì có thể đưa chúng sinh từ bờ này sang bờ kia vì nước lưu thông vậy.
Đại Bồ-tát cũng vậy, không hướng sinh tử, không hướng Niếtbàn, cũng không ở trong dòng sinh tử mà có thể đưa giúp chúng sinh ở bờ này sang bờ kia, nơi an ổn không sợ hãi buồn khổ. Đối với chúng sinh, tâm Bồ-tát không chấp trước. Không bỏ một chúng sinh mà vướng mắc vào nhiều chúng sinh; không xa lìa nhiều chúng sinh mà vướng mắc vào một chúng sinh; không làm tăng cảnh giới chúng sinh; không làm giảm cảnh giới chúng sinh; không sinh cảnh giới chúng sinh, không diệt cảnh giới chúng sinh, không chấm dứt cảnh giới chúng sinh, không kéo dài cảnh giới chúng sinh, không làm trống cảnh giới chúng sinh, không làm hai cảnh giới chúng sinh. Tại sao? Vì Bồ-tát hiểu rõ chúng sinh giới như pháp giới. Cảnh giới chúng sinh và pháp giới không có hai. Trong pháp không hai này vốn chẳng tăng chẳng giảm, không sinh không diệt. Pháp tánh chân thật không đến không đi, không nơi lệ thuộc, không có hai tướng. Tại sao? Vì Bồ-tát hiểu tất cả pháp giới không có hai tướng. Như vậy, bằng phương tiện hoàn hảo, Bồ-tát hiểu rõ pháp giới nên trú ở chỗ không tướng, trang nghiêm thân mình bằng tướng đẹp thanh tịnh, phân biệt hoàn toàn tất cả các tướng, quyết định hoàn tất việc đến bờ giác ngộ, biết rõ hết các loại chúng sinh, hiện thân ở khắp tất cả cõi.
Đối với các cõi Phật, tâm không bị lệ thuộc, phân biệt ý nghĩa, thuyết giảng rõ ràng cho người. Đối với tất cả pháp, xa lìa sự mong muốn nhưng không chấm dứt đạo Bồ-tát, không bỏ hạnh Bồ-tát, không thi hành vô tận công đức, vào pháp giới thanh tịnh. Như viên ngọc lấy lửa phát ra lửa không cùng tận. Cũng vậy, kho tàng công đức của Bồ-tát không thể cùng tận giáo hóa chúng sinh không thể cùng tận.
Đại Bồ-tát chẳng hoàn tất chẳng phải chẳng hoàn tất; chẳng lìa thủ chẳng phải không lìa thủ; chẳng y cứ chẳng phải không y cứ; chẳng phải pháp thế gian chẳng phải pháp Phật; chẳng phàm phu chẳng đắc quả.
Bồ-tát thành tựu tâm tôn trọng như vậy, tu tập hạnh Bồ-tát. Không dạy thừa Thanh văn và Bích-chi-phật; không dạy pháp Phật, không dạy pháp thế gian; không dạy chúng sinh, không phá hoại chánh đạo; không dạy cấu bẩn, không dạy thanh tịnh. Tại sao? Vì Bồ-tát hiểu rõ các pháp không cấu bẩn, không thanh tịnh.
Biết tất cả pháp không nhận lấy, không di chuyển, cũng không có thoái lui. Khi thực hành pháp sâu xa tịch diệt này, Bồ-tát không sinh ý niệm rằng ta đang thực hành pháp này.
Bồ-tát chưa từng sinh ý niệm có ấm, giới, nhập, bên trong thế gian, bên ngoài thế gian, trong ngoài thế gian, tất cả đại nguyện và các Ba-la-mật. Tại sao? Vì trong tất cả các pháp không có hướng đến các thừa Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật. Cũng không hướng đến các cảnh giới phàm phu; cũng không hướng đến các cảnh giới cấu bẩn, thanh tịnh, sinh tử và Niết-bàn. Tại sao? Vì các pháp không hai cũng không chẳng hai. Ví như hư không, tìm đến tận mười phương cũng chẳng khác nhau, hoàn toàn đều là hư không.
Như vậy, Bồ-tát quán sát tất cả pháp đều không khác biệt, đều hoàn tất thành tựu Đẳng chánh giác. Vị ấy rất chân thật không trái ngược với chánh hạnh, có khả năng hiện ra các hạnh Bồ-tát khắp nơi, mà không lìa bỏ vô lượng đại nguyện. Giáo hóa tất cả chúng sinh, chuyển pháp luân lớn, không phá hoại nhân quả, không trái với tịch diệt, bình đẳng quán sát các pháp.
Bồ-tát này được đồng với các Đức Như Lai trong ba đời, không làm gián đoạn tánh giác ngộ, không phá hoại chánh pháp, làm hưng thịnh chánh pháp với tài biện luận vô tận. Không bị chấp trước vào các pháp, ở yên trong nhà pháp, hiểu rõ pháp sâu xa, đạt đến không sợ hãi, không bỏ Phật pháp, không trái lại pháp thế gian, hiện khắp thế gian, đối với khắp thế gian tâm không bị lệ thuộc.
Bồ-tát như vậy được thành tựu trí tuệ tôn quý, tu hạnh Bồ-tát,
làm cho tất cả chúng sinh lìa xa các nạn ở cõi ác trong thế gian; giáo hóa làm cho thành thục đặt vào ổn định bất động trong pháp của chư Phật trong ba đời.
Giáo hóa như vậy rồi, Bồ-tát lại suy nghĩ: “Tất cả chúng sinh không biết ân nghĩa nên sát hại nhau, phát triển tà kiến, mê mờ về chánh đạo, phiền não dày đặc, ngu tối che phủ. Giả sử có các bậc Thiện tri thức đầy đủ trí tuệ, thông đạt đầy đủ thế gian, ta cũng chẳng vì những người này mà tu hạnh Bồ-tát. Tại sao? Vì ta đối với người thiện hay ác, không cầu lợi lộc, không theo danh tiếng, cho đến không cầu một sợi chỉ hay một lời yêu mến. Trong vô lượng kiếp hành đạo Bồ-tát, ta không có một ý nghĩ cầu an cho mình mà chỉ muốn giáo hóa tất cả chúng sinh, làm thanh tịnh tất cả chúng sinh, độ tất cả chúng sinh.” Tại sao? Vì tất cả pháp của chư Phật là như vậy, không cầu lợi dưỡng, không phân biệt người xấu, thường hành đạo Bồ-tát bằng tâm bình đẳng, xem kẻ oán như người thân không khác, muốn làm cho hoàn toàn đạt đến bờ kia, thành tựu đầy đủ Giác ngộ vô thượng.
Đây là hạnh Tôn trọng thứ tám của Đại Bồ-tát.
Này Phật tử! Những gì là hạnh Thiện pháp thứ chín của Đại Bồ-tát?
Vì Trời, Người, Sa-môn, Bà-la-môn, Càn-thát-bà… Cùng tất cả chúng sinh mà Đại Bồ-tát này làm ao nước pháp mát mẻ để bảo vệ chánh pháp, không gián đoạn dòng giống giác ngộ. Vì được Đàla-ni thanh tịnh nên chuyển pháp không chướng ngại; được Đà-la-ni nghĩa nên biện luận về nghĩa không cùng tận; được Đà-la-ni pháp nên biện luận về pháp không cùng tận; được Đà-la-ni chánh ngữ nên từ ngữ biện luận không cùng tận; được Đà-la-ni không chướng ngại nên thuyết ý nghĩa hay không cùng tận; được Đà-la-ni Phật quán đảnh bằng cam lộ nên biện luận làm chúng sinh hoan hỷ không cùng tận; được Đà-la-ni tự giác ngộ nên đồng biện luận không cùng tận; thể nhập Đà-la-ni đồng biện luận nên thuyết giảng danh từ, câu nói, ý nghĩa không cùng tận; được Đà-la-ni chánh ngữ nên biện luận vô lượng không cùng tận, được Đà-la-ni vô lượng khen ngợi nên ở trong tam thiên đại thiên thế giới, biến thân như Đức Phật, đầy đủ âm thanh vi diệu. Đối với tất cả pháp, không bị chướng ngại mà làm Phật sự. Tùy nơi nên hóa độ, tùy sự hiểu âm thanh, tùy căn tánh chúng sinh, bằng lưỡi rộng dài, âm thanh thanh tịnh, tùy lúc thuyết pháp, không trái với đại Bi. Tùy theo đối tượng, tùy từng ngôn ngữ mà phát ra vô lượng âm thanh, làm cho họ hoan hỷ.
Giả như có chúng sinh nào biết hết tất cả vô lượng, vô số các loại ngôn ngữ, biết vô lượng nghiệp và vô lượng quả báo. Những chúng sinh như vậy nhiều đến vô lượng, vô số đầy cả vô lượng, vô số thế giới cũng đều cùng Bồ-tát làm quyến thuộc. Giữa chúng hội này, Bồ-tát nói ra một lời pháp, có thể làm cho tất cả những chúng sinh ấy đều được hiểu rõ. Có vô lượng, vô biên, vô số đại chúng như vậy cùng làm quyến thuộc với Bồ-tát thì cũng như trên đã nói.
Bấy giờ, Bồ-tát suy nghĩ: “Giả sử ở mỗi đầu sợi lông, ngay trong một ý niệm có vô lượng, vô biên, vô số đại chúng đến đó tập hội.” Và tiếp tục các ý niệm như vậy, cùng tận quá khứ vị lai cả các kiếp, đại chúng đến tập hợp vẫn không cùng tận. Các đại chúng ấy có ngôn ngữ bất đồng, câu hỏi khác nhau. Nghe tất cả các câu hỏi ấy, Bồ-tát vẫn không sợ sệt, mà suy nghĩ: “Nếu như bị tất cả chúng sinh đều hỏi, thì ta cũng dùng một lời giải quyết lưới nghi của họ, làm cho hoan hỷ.”
Bồ-tát thuyết pháp với lời nói không hư dối. Trong từng lời nói có vô lượng, vô biên trí tuệ trang nghiêm, thành tựu vô biên kho tàng công đức; ánh sáng trí tuệ chiếu khắp các pháp, thành tựu đầy đủ trí Nhất thiết chủng. Sau khi an trú và thực hành pháp này, Bồ-tát được tự tại thanh tịnh, cũng làm lợi ích tất cả chúng sinh. Như ở tam thiên đại thiên thế giới này, cho đến vô lượng, vô biên, vô số thế giới, Bồtát hóa ra thân màu hoàng kim, đầy đủ tiếng hay. Đối với tất cả pháp không có chướng ngại mà làm Phật sự, dùng vô lượng, vô biên pháp môn thanh tịnh để giáo hóa chúng sinh.
Này Phật tử! Đại Bồ-tát này có mười loại thân thể nhập vào vô lượng, vô biên thân của pháp giới để trừ diệt tất cả thế gian. Thân vị lai sống ở tất cả cõi. Thân không sinh rất ưa thích pháp bình đẳng không sinh. Thân không diệt đoạn tất cả ngôn ngữ của các pháp. Thân không lìa ngu si hư vọng là tùy đối tượng hóa độ. Thân không đến đi là xa lìa chết ở đây sinh ở kia. Thân không hoại là tánh pháp giới không hoại. Thân một tướng là chấm dứt con đường ngôn ngữ của ba đời. Thân vô tướng là phân biệt hoàn toàn tướng các pháp.
Thành tựu mười loại thân này, vì chúng sinh, Đại Bồ-tát có thể làm nhà để nuôi các căn lành. Cứu hộ cho tất cả chúng sinh để cho họ không còn sợ hãi lớn. Làm chỗ quy y cho tất cả chúng sinh để họ được sống an ổn. Làm người hướng dẫn cho tất cả chúng sinh để mở cửa đạo Vô thượng. Làm nhiều phương tiện cho chúng sinh để họ đi vào pháp chân thật. Làm đèn cho tất cả chúng sinh để họ thấy được quả báo của nghiệp. Làm ánh sáng cho tất cả chúng sinh để họ được tâm địa sáng suốt. Làm đèn cho tất cả chúng sinh trong các cõi để họ hiểu rõ năng lực tự tại của Như Lai.
Đây là hành Thiện pháp thứ chín của Đại Bồ-tát.
Sau khi đã tu hành, an trú thiện pháp, Bồ-tát này làm ao nước pháp mát mẻ cho tất cả chúng sinh, để đạt được các pháp sâu xa tận cùng của chư Phật.
Này Phật tử! Những gì là hạnh chân thật thứ mười của Đại Bồtát?
Bồ-tát này thành tựu lời nói chân thật đệ nhất. Làm đúng như nói, nói đúng như làm. Bồ-tát này học lời nói chân thật của chư Phật ba đời, thể nhập tánh của chư Phật, đồng với căn lành của ba đời chư Phật. Bồ-tát này thành tựu tất cả căn lành như vậy, học theo ba đời chư Phật không nói hai lời, tùy thuận tất cả trí tuệ Như Lai.
Bồ-tát này thành tựu trí thị xứ phi xứ của chúng sinh. Trí về tất cả nghiệp báo cả ba đời của chúng sinh. Trí về căn lành đầy đủ hay không đầy đủ của tất cả chúng sinh. Trí về các loại tánh của chúng sinh. Trí về các dục của chúng sinh. Trí về tất cả đạo đưa đến quả của chúng sinh. Trí về sự cấu, tịnh của tất cả thiền định, giải thoát, Tam-muội chuyển biến khi phát khởi, chẳng phát khởi. Trí về sự thành hoại của tất cả thế giới ở quá khứ. Trí Thiên nhãn không chướng ngại. Trí lậu tận. Nhưng Bồ-tát này không bỏ những hành động của Bồ-tát. Tại sao? Vì muốn làm cho tất cả chúng sinh được điều phục và thanh tịnh.
Bồ-tát lại suy nghĩ: “Ta thấy chúng sinh chịu khổ vô cùng. Nếu chưa cho họ thành Đẳng chánh giác trước thì thật không nên. Ta phải thực hiện trọn vẹn đại nguyện này rồi mới thành Phật, làm cho tất cả chúng sinh quyết chí cầu giác ngộ, được đạt đến Vô dư Niết-bàn. Tại sao? Chẳng phải chúng sinh thỉnh ta phát tâm giác ngộ, hành Bồ-tát hạnh, mà ta tự phát tâm vì khắp các chúng sinh, muốn làm cho tất cả được Nhất thiết chủng trí. Thế nên, đối với tất cả, ta phải hơn lên, không chấp trước chúng sinh. Đối với tất cả, ta được tối thượng để thu phục chúng sinh. Ta xa lìa tất cả sự tối tăm để xác định rõ không có chúng sinh. Ta được giỏi biến hóa để trang nghiêm công đức của Bồ-tát. Ta được điều thiện bảo vệ, vì được chư Phật ba đời hộ niệm.”
Đại Bồ-tát này do không bỏ bản nguyện nên được thể nhập sự trang nghiêm của trí tuệ vô thượng. Tùy theo sự thích ứng của tất cả chúng sinh đều có thể hóa độ họ. Làm mãn nguyện cho họ rồi thì được trí tuệ tự tại với tất cả pháp, làm cho tất cả chúng sinh đều được thanh tịnh. Trong từng ý niệm đều có thể đi khắp các thế giới khắp mười phương; trong từng ý niệm đều có thể đến vô lượng nước Phật; trong từng ý niệm đều có thể thấy vô lượng, vô số chư Phật và cõi trang nghiêm, biểu hiện thần lực tự tại của Như Lai đến cùng tận pháp giới, hư không giới. Thân ấy thật vô lượng, tùy theo đối tượng mà hiện ra vô số, không trở ngại mà không lệ thuộc. Ngay trong tự thân hiện ra cả cõi Phật; tất cả chúng sinh, tất cả các pháp, ba đời chư Phật đều hiện ra cả.
Bồ-tát này biết rõ các loại tưởng, các dục, nghiệp báo, thanh tịnh của tất cả chúng sinh, tùy theo sự thích ứng mà hiện thân ra để giáo hóa họ. Hiểu tất cả pháp như huyễn, như hóa, như điện, chúng sinh như mộng. Thân hóa và thân thật của Bồ-tát này thật vô cùng tận; thanh tịnh chánh niệm biết rõ xác định tất cả các pháp; thể nhập các Tam-muội với trí tuệ vô thượng; tịch tĩnh quán sát chỗ không hai. Tất cả chúng sinh đều dựa vào hai pháp.
Đại Bồ-tát với tâm đại Bi, tu tập các pháp vi diệu như vậy, tịch
tĩnh rốt ráo đắc mười Lực của Phật. Đi vào pháp giới tự tại của lưới Nhân-đà-la; thành tựu giải thoát vô ngại của Như Lai; rống tiếng sư tử dũng mãnh không sợ gì cả giữa loài người; làm pháp luân chuyển vương, chuyển vận pháp luân thanh tịnh vô ngại; thành tựu trí tuệ giải thoát; rõ biết tất cả các nghiệp thế gian; cắt đứt dòng chảy sinh tử; vào biển lớn trí tuệ, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh; bảo vệ chánh pháp của chư Phật ba đời, thông đạt tất cả biển lớn phương tiện của chư Phật.
Đây gọi là hạnh Chân thật thứ mười của Đại Bồ-tát.
Trú vào hạnh Chân thật này rồi, Đại Bồ-tát này có thể làm cho tất cả trời, người… tám bộ…, cùng vô lượng chúng sinh được thanh tịnh hoan hỷ.
********
Bấy giờ, do thần lực của Phật, các thế giới khắp mười phương chấn động sáu cách. Nhờ uy thần của Như Lai nên có pháp như mưa mây hoa trời, mưa mây hương trời, mưa mây hương bột trời, mưa mây vòng hoa trời, mưa mây y trời, mưa mây báu trời, mưa các loại mây trang nghiêm. Tự nhiên phát ra các âm nhạc trời và ánh sáng trời xinh đẹp chiếu sáng khắp nơi; phát ra các âm thanh vi diệu của chư Thiên. Như vậy, từ cung trời Dạ-ma ở bốn thiên hạ này có thuyết ra mười pháp hạnh. Nhờ thần lực của Phật, các thế giới khắp mười phương đều cũng như vậy.
Khi ấy, vượt qua các thế giới nhiều như bụi của mười vạn cõi Phật khắp cả mười phương, có các Bồ-tát nhiều như bụi của mười vạn cõi Phật, đầy cả mười phương cùng đến cõi này. Đến nơi, các vị ấy nói với Bồ-tát Công Đức Lâm:
–Lành thay! Phật tử đã giỏi diễn thuyết các hạnh Bồ-tát. Các Bồ-tát chúng tôi đến đây đều có tên là Công Đức Lâm. Thế giới của chúng tôi cùng có tên là Công đức tràng. Đức Phật đồng hiệu là Phổ Công Đức. Nơi các Đức Phật chúng tôi cũng thuyết giảng mười hạnh. Văn tự ý nghĩa của câu chữ, chúng hội thân cận cũng như nhau, không hơn kém.
Thế nên, này Phật tử! Nương theo thần lực của Phật, chúng tôi đến đây, để làm chứng cho ông. Như ở điện Trang nghiêm ở Thiên cung Dạ-ma trong bốn thiên hạ này có nói pháp mười hạnh và chúng tôi đến làm chứng. Các thế giới khắp mười phương cũng như vậy.
Khi ấy, nương thần lực của Phật, Bồ-tát Công Đức Lâm nhìn tất cả pháp giới và quyến thuộc của chúng khắp mười phương, muốn làm cho hạt giống giác ngộ không tiêu diệt, làm cho thanh tịnh giòng họ Bồ-tát, muốn làm cho hạt giống nguyện của Bồ-tát không biến đổi, hạt giống hạnh không đoạn tuyệt, muốn bảo trì hạt giống chư Phật ba đời, muốn nói rõ hạt giống căn lành của chúng sinh, muốn quan sát hạt giống căn tánh của chúng sinh theo giai đoạn, muốn hoạt động của tâm theo cấu tịnh dục lạc, muốn y theo tất cả hạt giống của chư Phật và Bồ-tát. Nên nói kệ rằng:
Chí tâm đảnh lễ Đấng Mười Lực
Tuệ vô ngại thanh tịnh ly cấu
Cảnh giới sâu xa, chẳng gì sánh
Đạo Phật thanh tịnh như hư không
Tối thắng vô ngại giữa loài người
Công đức vô lượng, không sợ hãi
Trí tuệ không hai, rất siêu tuyệt
Tất cả hành động đều thanh tịnh.
Các Đạo Sư hiện tại mười phương
Rõ nghĩa chân thật, chẳng sợ gì
Công đức tối thượng lìa các ác
Vị ấy rốt ráo Vô thượng đạo.
Như Lai, Bậc Hùng giữa loài người
Trước đây đã phát đại Từ bi
Tâm thanh tịnh đến khắp pháp giới
Hành động lợi ích cho chúng sinh,
Ba đời mười phương chẳng ai bằng
Tự nhiên Chánh giác diệt si tối
Tất cả Phật pháp đều bình đẳng
Công đức của Phật thật bất hoại.
Trong tất cả thế giới mười phương
Đều được trông thấy chư Như Lai
Đối với chư Phật, nếu chánh tín
Hành động người ấy không thoái lui.
Nếu thấy chân Pháp giới thanh tịnh
Đệ nhất nghĩa sâu xa vi diệu
Tất cả si tối không che được
Tu hành đạt được kho công đức.
Phương tiện biết rõ các chúng sinh
Thể nhập diệu pháp giới chân thật
Tự nhiên giác ngộ không do người
Vị ấy đi khắp như hư không,
Vô lượng, vô biên các thế giới
Quán sát tận cùng đều tịch diệt
Tất cả các pháp không chướng ngại
Hành động vị ấy, Bậc Mâu-ni.
Hoàn toàn kiên cố không lay động
Thành tựu thắng pháp rất tôn trọng
Mãn nguyện thanh tịnh đến bờ kia
Lắng nghe hành động của Bồ-tát.
Vô lượng, vô biên tất cả địa
Trí tuệ sáng suốt không chướng ngại
Sâu xa vi diệu làm cảnh giới
Gọi là vị luận sư không sợ.
Phân biệt rõ từng câu
Vào sâu tuệ vi diệu
Hiểu đúng thật các pháp
Tu tập Đại Mâu-ni.
Lìa xa tất cả ác
Thường làm lợi chúng sinh
Kho công đức người ấy
Như các Bậc Điều Ngự.
Với khắp các chúng sinh
Thường cho sự không sợ
Thanh tịnh không nhiễm ô
Hành động chẳng ai bằng.
Ý tịnh không lệ thuộc
Tịch tịnh, miệng không lỗi
Đầy đủ công đức tốt
Tu hành hạnh tối thắng,
Đạt đến nghĩa sâu xa
Công đức thật vô tận
Tu hành hạnh bất tử
Chư Phật thường hộ niệm.
Lìa tâm sân chấp ngã
Diệu âm vang mười phương
Sống vững trong chánh pháp
Hành động không thể bàn,
Bố thí đến bờ kia
Trang điểm bằng trăm phúc
Đạt trí tuệ tối thượng
Làm mọi người hoan hỷ.
Khéo vào trí tuệ sâu
An trú tâm bất động
Hành động như Kim cang
Vững chắc không hư rã,
Vào khắp các pháp giới
Tùy thuận đến bờ kia
Hoàn toàn được tự tại
Hành động mặt trời pháp.
Mâu-ni, Đấng Tối Thượng
Tu tập pháp không hai
Tâm thường ưa tịch tĩnh
Trí tuệ không chướng ngại,
Trong thế giới cực nhỏ
Dung chứa thế giới lớn
Cảnh giới vẫn như vậy
Hành động vua núi Tuệ.
Đến khắp các thế gian
Tâm tịnh không chấp trước
Trì giới đến bờ kia
Hành động Bậc Tịnh Hạnh.
Trí tuệ không thể lường
Như hư không pháp giới
Vào sâu trí đầy đủ
Hạnh Kim cang tối thắng,
Trí tuệ thông suốt hết
Các pháp giới ba đời
Tâm luôn không biếng nhác
Vào cảnh giới tối thắng,
Tất cả quả của đạo
Hiểu rõ pháp mười Lực
Thân không bị chướng ngại
Hành động Bậc Thắng Trí.
Các thế giới mười phương
Vô số loài chúng sinh
Bồ-tát đều cứu độ
Hành động lìa si mê.
Tu tập các pháp Phật
Tinh cần không biếng nhác
Làm thế gian thanh tịnh
Hành động Bậc Tượng Vương.
Rõ căn tánh chúng sinh
Tất cả các mong muốn
Biết hết vô lượng tánh
Hành động Bậc Bình Đẳng.
Khắp thế giới mười phương
Chịu mãi vô lượng khổ
Nhưng tâm không buồn khổ
Hành động Bậc Hoan Hỷ.
Phóng các lưới hào quang,
Chiếu khắp các thế gian
Đầy đủ trí tuệ sáng
Hành động Bậc Tu Tuệ.
Đều làm chấn động khắp
Vô lượng cõi mười phương
Làm lợi ích khắp cả
Giúp không sinh khủng bố,
Hiểu rõ các ngôn ngữ
Phân biệt đến bờ kia
Trí tuệ sáng ly trần
Hành động Bậc Bất Động.
Biết cõi nước thấp cao
Phân biệt đến bờ kia
Thành tựu đến vô tận
Hành động Tối Thắng Tuệ.
Vô lượng các công đức
Thường mong cầu giác ngộ
Đến bờ công đức kia
Hạnh vô tận đáng khen,
Bậc Luận Sư vô thượng
Rống lên tiếng sư tử
Làm chúng đều thanh tịnh
Hành động Bậc Ly Cấu.
Phật quán đảnh cam lộ
Thọ ký làm Pháp vương
Pháp phương tiện rốt ráo
Hành động Bậc Đại Tâm.
Biết rõ tất cả chúng,
Nhưng tâm không chấp trước
Quyết định giữ Pháp tạng
Hành động Bậc Pháp Vương.
Trong từng lời ngôn ngữ
Phát vô lượng âm thanh
Chúng sinh đều hiểu rõ
Hành động Tuệ Vô Ngại.
Tận cùng các ngôn ngữ
Đều hiểu biết rõ ràng
Xa lìa những hư dối
Hành động Bậc Chân Thật.
Giữ vững ấn biển pháp
Ấn rõ tất cả pháp
Biết pháp không tướng thật
Hành động Bậc Phương Tiện.
Có thể từng các cõi
Trong vô lượng số kiếp
Tu hành hết các kiếp
Mà tâm không nhàm chán,
Vô số các Như Lai
Danh hiệu không giống nhau
Thấy trong một chân lông
Hành động Bậc Khéo Tu.
Như trên một đầu lông
Thấy hết vô lượng Phật
Tất cả các thế giới
Thấy Phật cũng như vậy,
Vô lượng, vô số kiếp
Làm trong một ý niệm
Không ngắn cũng chẳng dài
Hành động Bậc Giải Thoát.
Được gặp chẳng uổng công
Tu tập đều kết quả
Việc làm không hư hoại
Hành động Bậc Tối Thắng.
Vô lượng, vô số kiếp
Chiêm ngưỡng Phật không chán
Làm cho chúng hoan hỷ
Hành động Tuệ vô ngại.
Vô lượng, vô số kiếp
Quán sát cõi chúng sinh
Chúng sinh, phi chúng sinh
Hành động Bậc Kiên Cố.
Đầy đủ kho trí tuệ
Hồ chứa công đức mát
Lợi ích khắp chúng sinh
Hành động Bậc Đệ Nhất.
Pháp giới không bờ mé
Mênh mông như hư không
Ngôn ngữ không lệ thuộc
Hạnh luận sư không sợ,
Từ trong một Tam-muội
Vào vô lượng Tam-muội
Lên ngôi nhà vô thượng
Hạnh luận sư trăng sáng,
Tu hoàn tất nhẫn độ
Kham nhận pháp tịch diệt
Xa lìa tâm sân hận
Hành động Vô lượng trí.
Không rời một thế giới
Cũng không rời chỗ ngồi
Hiện khắp cõi mười phương
Hành động Vô lượng thân.
Vô lượng các cõi Phật
Nhập vào một thế giới
Cõi Phật không thêm bớt
Hành động Không nghĩ bàn.
Hiểu rõ xứ, phi xứ
Đi vào hết các lực
Thành tựu lực vô thượng
Hành động Lực đệ nhất.
Trong suốt hết ba đời
Tất cả các nghiệp báo
Trí tuệ không thoái chuyển
Hành động Bậc Minh Trí.
Biết hết thời, phi thời
Thu phục tất cả chúng
Giáo hóa thật đúng lúc
Hành động Bậc Biết Thời.
Thân hành động hoàn hảo
Miệng, ý cũng như vậy
Không vướng mắc gì cả
Hành động Bậc Tịnh Trí.
Trí tuệ hiểu hoàn toàn
Biện luận pháp vô tận
Chân thật như Pháp giới
Hành động của Như Lai.
Kho công đức vô ngại
Pháp Tổng trì hỷ lạc
Đi sâu vào pháp giới
Hành động Bậc Tùy Nhập.
Cùng chư Phật ba đời
Tâm đồng nhất như nhau
Một tướng không sai khác
Hạnh cảnh giới vô ngại,
Vào sâu biển trí tuệ
Trừ diệt các si tối
Cho mắt sáng thanh tịnh
Hành động Bậc Tịnh Nhãn.
Tất cả Bậc Đạo Sư
Thường hành pháp không hai
Sức thần thông tự tại
Hành động Bậc Đầy Đủ.
Trong cõi Phật mười phương
Thường tuôn mưa diệu pháp
Làm chúng hiểu nghĩa thật
Hành động Bậc Pháp Vân.
Đối với các Đức Phật
Có lòng tin kiên cố
Nhất thiết trí, giải thoát
Đều học đến tận cùng,
Vị ấy trong một niệm
Biết hết tâm chúng sinh
Hiểu tận cùng tâm tánh
Bậc hành động vô tánh.
Thế giới không nghĩ bàn
Biến hóa vô lượng thân
Du hành đến khắp cả
Bậc đi khắp tối thượng.
Trong vô lượng thế giới
Hiện tại, các Như Lai
Các vị Đại Bồ-tát
Thường hiện trước chư Phật,
Bồ-tát vào Tam-muội
Chúng sinh thấy một thân
Bồ-tát xuất Tam-muội
Chúng thấy vô lượng thân,
Hành động rất hoàn hảo
Miệng chưa từng lỗi lầm
Tâm hoan hỷ vô lượng
Làm chúng đều hoan hỷ,
Đạt trí không chấp trước
Phân biệt rõ các căn
Tâm trí không bị nhiễm
Hạnh Thu phục vô thượng.
Phương tiện phân biệt pháp
Với pháp, được tự tại
Trong tất cả thế giới
Thường làm các Phật sự,
Bồ-tát hạnh vi diệu
Hành động như hư không
Người nào đươc nghe đến
Mà tâm không hoan hỷ,
Vị ấy trí tuyệt luân
Mắt tuệ thấy tất cả
Phương tiện chẳng ai bằng
Hành động Trí tối thượng.
Công đức thật vô tận
Diệt trừ tất cả ác
Đến bờ kia thanh tịnh
Hành động Không gì sánh.
Thành tựu pháp trang nghiêm
An trú không thoái chuyển
Độ thoát vô lượng chúng
Nhưng không tưởng chúng sinh,
Tu tập hạnh không tranh
Nhất thiết trí vi diệu
Chánh pháp độ chúng sinh
Hành động Bậc Mắt Tịnh.
Cung kính tất cả Phật
Đủ trí tuệ rốt ráo
Thành tựu không sợ sệt
Hành động Trí phương tiện.
Có thể vào khắp cả
Thế giới và các pháp
Cũng vào các chúng sinh
Độ thoát vô số chúng,
Khắp các cõi mười phương
Gióng trống pháp vô thượng
Thường cho vô lượng pháp
Hành động Bậc Bất Tử.
Một thân ngồi kiết già
Đầy cả vô lượng cõi
Không lấn ép chúng sinh
Sức Pháp thân thanh tịnh,
Trong ý nghĩa từng câu
Phân biệt vô lượng nghĩa
Diễn thuyết không cùng tận
Hành động Vô biên tuệ.
Tu giải thoát của Phật
Trí tuệ không chướng ngại
Thành tựu không sợ sệt
Vô lượng đức phương tiện,
Rõ các biển thế giới
Tất cả biển cõi Phật
Biển pháp, biển trí tuệ
Độ thoát biển chúng sinh,
Hoặc thấy có Bồ-tát
Vào thai và đản sinh
Hoặc thấy thành Chánh giác
Vô lượng hạnh công đức.
Trong khắp các cõi Phật
Thị hiện vào Niết-bàn
Kỳ thật chẳng Niết-bàn
Bậc Vô úy thường trú,
Thân chẳng khác Kim cang
Tùy chúng sinh mà hiện
Chân thật không thay đổi
Hành động Bậc Một Thân.
Pháp giới bình đẳng một
Có đủ vô lượng nghĩa
Thường quán sát ba đời
Pháp một tướng vô tướng,
Đến bờ thọ trì kia
Chánh pháp dạy chúng sinh
Thọ trì pháp chư Phật
Hành động Bậc Tối Thắng.
Pháp thân diệu, vô nhiễm
Mắt tuệ, tai thanh tịnh
Không bị gì chướng ngại
Hành động Bậc Vô Ngại.
Chứng tất cả thần thông
Đầy đủ trí tuệ sâu
Trí tuệ rất thù thắng
Bậc Phương tiện thắng trí.
Tâm định chưa từng loạn
Trí tuệ không thể lường
Soi sáng các cảnh giới
Hành động Thấy tất cả.
Đến bờ công đức kia
Độ thoát vô lượng chúng
Mà tâm không nhàm chán
Hành động Bậc Thường Tu.
Nhất thiết trí thấy người
Sinh trong nhà chư Phật
Được hóa sinh từ pháp
Của chư Phật ba đời
Thành tựu ngôn ngữ pháp
Thu phục các luận sư
Hoàn tất vô lượng hạnh
Đi vào giác ngộ Phật.
Chỉ phóng một hào quang
Chiếu khắp vô lượng cõi
Khắp thế gian bừng sáng
Trừ sạch hết bóng tối,
Tùy nơi mà ứng hiện
Hiện ra thân Như Lai
Giáo hóa các chúng sinh
Nghiêm tịnh tất cả cõi,
Hạnh Bồ-tát vô lượng
Không ai thể biết được
Thị hiện vô số hạnh
Vì muốn độ chúng sinh
Vô lượng không thể đếm
Chúng sinh như pháp giới
Vô số kiếp khen ngợi
Không hết đức Bồ-tát.
Đức Bồ-tát vô lượng
Tận cùng tất cả đức
Chư Phật vô lượng kiếp
Khen đức này chẳng hết,
Huống chi người thế gian
Thanh văn và Duyên giác
Vô lượng kiếp, khen ngợi
Sao có thể hết được.