SỐ 278
KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Pháp sư Phật-đà-bạt-đà-la, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 18: MƯỜI KHO VÔ TẬN CỦA BỒ-TÁT

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Công Đức Lâm bảo với các Bồ-tát:

–Này các Phật tử! Đại Bồ-tát có mười kho tàng, được chư Phật ba đời nói ra. Đó là các kho tín, giới, tàm, quý, văn, thí, tuệ, chánh niệm, trì và biện.

Kho tàng Tín của Bồ-tát là gì? Vị Bồ-tát này tin tất cả các pháp là Không, tin các pháp chẳng chân thật, tin các pháp là Vô tướng, tin các pháp là Vô nguyện, tin các pháp không người tạo ra, tin các pháp là không thật, tin các pháp là không kiên cố, tin các pháp là vô lượng, tin các pháp là vô thượng, tin các pháp là không thể vượt qua, tin các pháp vốn không sinh.

Bồ-tát nào thành tựu và tùy thuận theo lòng tin thanh tịnh như vậy, khi được nghe Phật pháp không thể nghĩ bàn thì tâm không kinh sợ.

Nghe tất cả Phật không thể nghĩ bàn thì tâm không kinh sợ.

Nghe chúng sinh không thể nghĩ bàn thì tâm cũng không kinh sợ.

Nghe pháp giới không thể nghĩ bàn thì tâm cũng không kinh sợ.

Nghe hư không chẳng thể nghĩ bàn thì tâm cũng không kinh sợ.

Nghe cảnh giới Niết-bàn chẳng thể nghĩ bàn thì tâm cũng không kinh sợ.

Nghe đời quá khứ không thể nghĩ bàn thì tâm cũng không kinh sợ.

Nghe đời vị lai không thể nghĩ bàn thì tâm cũng không kinh sợ.

Nghe đời hiện tại không thể nghĩ bàn thì tâm cũng không kinh sợ.

Nghe phải vào tất cả kiếp thì tâm cũng không kinh sợ.

Tại sao? Vì đối với chư Phật, Bồ-tát chỉ có lòng tin kiên cố, không thể thay đổi rằng, Đức Phật biết như vậy, Phật có vô tận vô biên trí. Tất cả thế giới trong mười phương, trong mỗi thế giới cả ba đời có vô lượng, vô biên chư Phật xuất hiện ở thế gian, làm các Phật sự, rồi nhập Niết-bàn. Trí tuệ của chư Phật ấy không tăng không giảm, không sinh không diệt, không hết không đến, không gần không xa, không trí không loạn.

Bồ-tát thành tựu vô biên, vô tận kho tàng tín này thì có thể đi xe của Như Lai. Bồ-tát này thành tựu vô lượng, vô biên những Tín như Tín không thoái lui; Tín không loạn; Tín không bị phá hoại; Tín không chấp trước; Tín có căn cứ; Tín tùy thuận Thánh nhân; Tín thuộc nhà Như Lai. Cho nên Bồ-tát này có khả năng giữ gìn tất cả Phật pháp, nuôi dưỡng tất cả căn lành của Bồ-tát, tùy thuận tất cả căn lành của Như Lai, sinh ra từ phương tiện thiện xảo của tất cả chư Phật. Đây là kho tàng Tín vô tận của Đại Bồ-tát. Bồ-tát trú ở kho tàng Tín này, thì giữ gìn được chánh pháp của các Như Lai, lại diễn giảng rộng rãi cho khắp chúng sinh.

Này Phật tử! Những gì là kho tàng Giới của Đại Bồ-tát?

Tức vị Bồ-tát này thành tựu lợi ích về giới, không nhầm lẫn về giới, không chấp trước giới, an trú giới, không tranh cãi về giới, không gây hại về giới, không xen tạp giới, lìa tà mạng về giới, lìa xấu ác về giới, thanh tịnh về giới.

Những gì là được lợi ích về giới?

Bồ-tát này trước tiên làm lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh.

Những gì là không nhận lấy giới?

Bồ-tát này không nhận lấy giới của ngoại đạo, mà phụng trì đầy đủ giới thanh tịnh bình đẳng của chư Phật ba đời.

Những gì là không chấp trước giới?

Bồ-tát này không chấp trước giới của Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Tại sao? Vì không hướng đến các cõi ấy.

Thế nào là an trú nơi giới?

Bồ-tát này thành tựu giới thanh tịnh không có nghi ngờ hối hận. Tại sao? Vì Bồ-tát này không gây năm tội Vô gián, không bao giờ cố ý phạm một giới nào cả.

Những gì là không tranh cãi về giới?

Bồ-tát này không chê bai giới ở trước, không lập giới khác. Tâm luôn tùy thuận hướng đến giới của Niết-bàn, giữ gìn đầy đủ, không bị hủy phạm, không vì giới này mà gây phiền phức tranh chống với chúng sinh. Bồ-tát trì giới chỉ muốn làm lợi ích và cho chúng sinh được hoan hỷ.

Những gì là không gây hại về giới?

Bồ-tát này không do trì giới mà học các chú thuật, dược thảo để gây hại cho chúng sinh. Tại sao? Vì muốn cứu hộ chúng sinh nên Bồ-tát trì giới thanh tịnh.

Những gì là không xen tạp về giới?

Bồ-tát này xa lìa hai kiến chấp về đoạn và thường. Không giữ giới tạp nhạp, chỉ quán sát mười hai duyên khởi mà giữ giới thanh tịnh.

Những gì là giới lìa tà mạng?

Bồ-tát này không biểu hiện tướng trạng trì giới để người khác biết, bên trong không có thật đức mà hiện ra tướng trạng có thật đức, giữ tịnh giới chỉ vì cầu pháp để đạt đến Nhất thiết chủng trí.

Những gì là lìa xấu ác về giới?

Bồ-tát này không tự cao ngạo, tự khoe ta giữ giới. Thấy người phạm giới cũng không khinh chê trách mắng làm cho họ đau khổ, mà chỉ chuyên tâm giữ giới cho thanh tịnh.

Những gì là thanh tịnh về giới?

Bồ-tát này từ bỏ giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói hung ác, nói chia rẽ, nói phù phiếm, tham, sân, tà kiến. Giữ đầy đủ mười điều thiện.

Khi giữ đầy đủ các giới thanh tịnh như vậy, Bồ-tát ấy suy nghĩ: “Nếu có chúng sinh vi phạm tịnh giới là do các phiền não làm điên đảo. Tất cả chư Phật đều rõ biết tất cả chúng sinh này vì do các điên đảo mà vi phạm tịnh giới. Do đó, ta phải chuyên tâm cầu Phật đạo, đạt đến Vô thượng Bồ-đề, lại thuyết giảng rõ chánh pháp cho chúng sinh, làm cho họ xa lìa phiền não mà giữ giới thanh tịnh và đều đạt đến tận cùng Niết-bàn Vô thượng.”

Đây là kho tàng Giới vô tận thứ hai của Đại Bồ-tát.

Này Phật tử! Thế nào gọi là kho tàng Tàm của Đại Bồ-tát?

Bồ-tát này nhớ về đến các đời sống ở vô số thế giới trong đời quá khứ, đã hành động không có xấu hổ đối với sáu hạng thân thuộc. Hoặc khinh mạn vô lễ, hoặc dâm loạn không lễ tiết, gây hại chẳng kể thân thuộc, hưng binh chiến tranh nhau, mê hoặc điên đảo, làm bất kỳ điều ác gì. Đây là do các pháp bất thiện như ba độc si mê, triền sử hư dối, nịnh bợ. Tất cả chúng sinh cũng như vậy, đã chứa rất nhiều hành động không biết xấu hổ. Tất cả đều do không có trí, cho đến dối trá nịnh bợ, nên không kể đến trên dưới, chẳng kính trọng nhau, không còn khiêm tốn, chẳng giữ lời hứa, thường có ý nghĩ ác độc, oán thù càng tăng, gây hại lẫn nhau chẳng có liêm sỉ sợ hãi. Tự suy thân ta và chúng sinh khác, đã làm những việc không biết xấu hổ trong ba đời, chư Phật trong ba đời đều thấy biết hết. Như vậy, tại sao ta còn hành động không xấu hổ? Thật là không nên! Thế nên, ta phải tu tập pháp biết xấu hổ tận đến khi giác ngộ, thuyết pháp chân thật cho chúng sinh để họ xa lìa hẳn các pháp không biết xấu hổ, thành tựu giác ngộ.” Đây là kho tàng Tàm vô tận của Đại Bồ-tát.

Này Phật tử! Những gì là kho tàng Quý (e sợ) của Bồ-tát? Bồtát này e sợ về những sự tham cầu từ xưa đến nay như sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, vợ con, thân thuộc, tiền tài, vật quý, tôi tớ, xe cộ mà tâm không biết chán. “Ta không nên làm các việc phi pháp này.Vì từ đây sinh ra tham, sân, si, cho đến dối nịnh.”

Bồ-tát lại suy nghĩ: “Những hành động không e sợ của chúng sinh đều do không có trí cho đến các pháp ác như dối nịnh. Nên không hòa thuận nhau, tôn kính nuôi dưỡng nhau, luôn mang tâm độc ác, tìm cách tàn hại nhau. Ta và chúng sinh trong cả ba đời tham cầu khoái lạc nên làm việc xấu trên. Do những sự việc này mà chịu vào thai sinh tử, khổ não vô cùng. Chư Phật trong ba đời đều thấy biết hết. Nếu ta còn làm những việc không biết e sợ như vậy thì chư Phật trong ba đời đều không hoan hỷ. Ta phải tu tập pháp biết e sợ tận khi giác ngộ, lại giảng dạy rõ cho chúng sinh về pháp này, khiến họ xa lìa sự không biết e sợ, thành tựu Phật đạo.”

Đây là kho tàng biết về e sợ vô tận của Đại Bồ-tát.

Này Phật tử! Những gì là kho tàng Đa văn của Đại Bồ-tát?

Tức vị Bồ-tát Đa văn này biết được rằng, vì việc này có nên việc kia có; việc này không nên việc kia không; việc này sinh nên việc kia sinh; việc này diệt nên việc kia diệt; đây là pháp thế gian; đây là pháp xuất thế gian, đây là pháp hữu vi, đây là pháp vô vi; đây là pháp hữu ký, đây là pháp vô ký.

Thế nào là việc này có nên việc kia có? Đó là có vô minh nên có hành.

Thế nào là việc này không nên việc kia không? Đó là không có thức thì không có danh sắc.

Thế nào là việc này sinh nên việc kia sinh? Đó là ái sinh nên khổ sinh.

Thế nào là việc này diệt nên việc kia diệt? Đó là hữu diệt nên sinh tử diệt.

Những gì là pháp thế gian? Đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Những gì là pháp xuất thế gian? Đó là giới thân, định thân, tuệ thân, giải thoát thân, giải thoát tri kiến thân.

Nhứng gì là pháp hữu vi? Đó là Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, chúng sinh giới.

Những gì là pháp vô vi? Đó là hư không Niết-bàn, số duyên (trạch) diệt, phi số duyên (phi trạch) diệt, mười hai duyên khởi, pháp giới.

Những gì là pháp hữu ký? Đó là bốn Chân đế, bốn quả Samôn, bốn Biện tài, bốn Vô úy, bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi, tám phần Thánh đạo.

Những gì là pháp vô ký? Đó là thế gian có cùng tận; thế gian không cùng tận; thế gian có cùng không cùng tận; thế gian chẳng phải có cùng tận chẳng phải không cùng tận; thế gian thường còn; thế gian không thường còn; sau khi Như Lai nhập diệt đi luôn không còn thọ sinh; sau khi Như Lai nhập diệt không đi luôn và cũng không thọ sinh; sau khi Như Lai nhập diệt đi luôn, không đi luôn cũng không thọ sinh; sau khi Như Lai nhập diệt chẳng đi luôn, chẳng không đi luôn và cũng không thọ sinh, có ngã, có chúng sinh; không ngã, không chúng sinh; có ngã không ngã, có chúng sinh không chúng sinh, chẳng có ngã chẳng không có ngã; chẳng có chúng sinh chẳng không có chúng sinh.

Thời quá khứ có bao nhiêu Đức Như Lai diệt độ, bao nhiêu vị Thanh văn, Duyên giác diệt độ?

Thời vị lai có bao nhiêu Đức Như Lai, bao nhiêu Thanh văn, bao nhiêu Duyên giác, bao nhiêu chúng sinh sinh ra.

Hiện tại có bao nhiêu Đức Phật, bao nhiêu Thanh văn, Duyên giác?

Những Đức Như Lai nào ra đời đầu tiên? Những vị Thanh văn, Duyên giác nào ra đời đầu tiên? Những chúng sinh nào sinh ra đầu tiên? Những Đức Như Lai nào ra đời cuối cùng? Những vị Thanh văn, Duyên giác nào ra đời cuối cùng? Những chúng sinh nào sinh ra cuối cùng? Những pháp nào có đầu tiên? Những pháp nào còn cuối cùng? Thế gian từ đâu đến và đi về đâu? Có bao nhiêu thế giới thành hình? Có bao nhiêu thế giới tan rã? Thế giới từ dâu đến và đi về đâu? Đầu tiên của sinh tử là gì? Cuối cùng của sinh tử là gì? Đây là pháp vô ký.

Đại Bồ-tát suy nghĩ: “Đã từ lâu, chúng sinh luân hồi trong sinh tử, phàm phu ngu si không biết tu đạo. Ta nên ngày đêm siêng năng học hỏi, thọ trì tất cả tạng pháp của Phật, cho đến thành tựu Giác ngộ vô thượng. Và giảng thuyết giáo pháp chân thật vi diệu cho khắp chúng sinh, làm cho tất cả đều thành đạo Vô thượng.”

Đây là kho tàng Đa văn vô tận thứ năm của Đại Bồ-tát.

Này Phật tử! Những gì là kho tàng Bố thí của Đại Bồ-tát? Bồtát này tu hành mười cách bố thí.

Đó là những pháp như: Bố thí, thí khó tận cùng, thí bên trong, thí bên ngoài, thí trong ngoài, thí tất cả, thí quá khứ, thí vị lai, thí hiện tại, thí cứu cánh.

Những gì là Bồ-tát tu hành về pháp bố thí?

Từ xưa đến nay, Bồ-tát này bố thí bình đẳng các món ăn hảo hạng mà không tự tham đắm. Bố thí cho tất cả, với các vật khác cũng như vậy. Sau khi bố thí, còn dư ra, Bồ-tát mới dùng và suy nghĩ: “Vì tám vạn hộ trùng trong thân của ta, thân ta an lạc thì chúng cũng an lạc, thân ta đói khổ thì chúng cũng đói khổ.” Thế nên, Bồ-tát ăn gì cũng vì các trùng ấy, muốn làm an lạc chứ không tham lam mùi vị.

Bồ-tát lại suy nghĩ: “Đã từ lâu, vì thân này mà ta tham ăn uống, nay ta hãy siêng năng tinh cần mau lìa thân này.” Đây là Bồ-tát tu tập về pháp bố thí.

Những gì là pháp bố thí khó tận cùng của Bồ-tát?

Bồ-tát này được các món ăn uống hảo hạng, hoa hương, y phục và các dụng cụ sinh hoạt. Nếu Bồ-tát đem ra sử dụng thì sung sướng sống lâu, còn nếu đem hết cho người thì Bồ-tát ấy sẽ nghèo khổ chết yểu. Khi ấy, có người đến xin tất cả. Bồ-tát suy nghĩ: “Ta từ vô thỉ đến nay, bỏ thân vô số, nhưng chưa từng tổn mình để lợi cho một chúng sinh nào, để họ được lợi lớn mà vui mừng vô kể. Vậy ta nên từ bỏ thân mạng, đem cho tất cả để lợi ích cho chúng sinh, hoàn tất việc bố thí lớn.”

Đây là pháp bố thí khó tận cùng của Bồ-tát.

Những gì pháp bố thí bên trong?

Khi thời thanh niên, Bồ-tát này thân thể khôi ngô, hình dáng xinh đẹp, tắm rửa sạch sẽ, mặc y phục hảo hạng, với các vật trang sức, nhận lấy địa vị vua Chuyển luân Quán đảnh, đầy đủ bảy báu và bốn thiên hạ. Bấy giờ, có người hành khất đến gặp vua và trình bày:

–Đại vương biết cho, thân tôi già yếu, bệnh nặng, cô độc khốn khổ, không người giúp đỡ, mạng sống đã hết, phải đến chỗ chết. Đối với những vật dụng tùy thân của vua, hoặc tay chân, hoặc máu thịt, hoặc đầu mắt tủy não, nếu Đại vương nhân từ thương xót người già suy mà bỏ sự tham thân để cứu thì tôi được ân trời bố thí, giữ được mạng sống.

Bồ-tát liền suy nghĩ: “Thân này của ta cũng như người kia cũng phải chết, không một chút ích lợi, ngay lúc này hãy bỏ thân để cứu mạng họ.” Nghĩ vậy rồi, Bồ-tát hoan hỷ bố thí cho chúng sinh ấy. Đây là pháp thí bên trong của Bồ-tát.

Những gì là pháp bố thí bên ngoài của Bồ-tát?

Bồ-tát này vào thời thanh niên có hình dáng tuấn tú, tướng mạo khôi ngô kỳ vĩ, tắm rửa sạch sẽ, mặc y phục sang trọng đẹp với những vật trang sức, nhận lấy vương vị Chuyển luân Quán đảnh, đầy đủ bảy báu và bốn thiên hạ.

Bấy giờ, có người hành khất đến gặp nhà vua và nói:

–Đại vương biết cho, tôi bị già yếu, thân thể bệnh hoạn, chẳng còn sống bao lâu nữa, lại chịu mãi nghèo khổ thế này, còn vua thì đầy đủ tất cả khoái lạc. Lành thay Đại vương! Xin ngài từ bỏ vương vị mà đem cho tôi. Tôi sẽ thống lĩnh thiên hạ, hưởng phước vui của Đại vương.

Bồ-tát suy nghĩ: “Phú quý vốn vô thường, tất cả đều phải trở về bần tiện. Nếu khi bần tiện thì không ích lợi gì, không thể làm thỏa mãn nguyện ước của chúng sinh. Vậy lúc này, ta nên bỏ ngôi vua để vừa ý họ.” Sau khi suy nghĩ, Bồ-tát hoan hỷ trao vương vị cho người xin.

Đây là pháp bố thí ngoài của Bồ-tát.

Những gì là pháp bố thí trong ngoài của Bồ-tát?

Bồ-tát này vào lúc thanh niên thân thể tuấn tú, hình dạng khôi ngô, tắm rửa sạch sẽ, mặc y phục đẹp với các vật trang sức, nhận vương vị Quán đảnh Chuyển luân, đầy đủ bảy báu, làm vua cả bốn thiên hạ.

Khi ấy, có người hành khất đến gặp vua và nói:

–Đại vương biết cho, tôi đã già cả, thân thể lại bệnh hoạn, không thể nhờ vào sự suy tàn mà mong được danh tiếng tốt. Lành thay, Đại vương! Xin ngài cho tôi thân thể của ngài và vương vị Chuyển luân trị vì thiên hạ, cùng với bảy báu để tôi được hưởng đầy đủ sự vui sướng của vua.

Bồ-tát suy nghĩ: “Thân ta và tài vật báu đều không bền vững, là pháp bị vô thường nguy hiểm tàn phá. Ta tráng kiện đang có cả thiên hạ. Người đến xin cả ba việc ta đang có. Thế nên, đối với pháp không bền vững này, ta nên cầu sự bền vững.” Nghĩ xong, càng thêm hoan hỷ, Bồ-tát liền xả bỏ cả trong và ngoài đem cho họ.

Đây là pháp bố thí trong và ngoài của Bồ-tát.

Những gì là pháp cho tất cả của Bồ-tát?

Bồ-tát này vào lúc thanh niên, thân thể tuấn tú, hình dạng khôi ngô kỳ vĩ, tắm rửa sạch với nước thơm, mặc y phục đẹp với các vật trang sức, nhận lấy vương vị Chuyển luân Quán đảnh, đủ cả bảy báu, làm vua bốn thiên hạ. Có người hành khất đến gặp vua và nói:

–Đại vương biết cho, danh tiếng của Đại vương vang khắp mười phương. Tôi ở nước kia được nghe về ngài, nên từ xa đến, có việc cầu xin. Lành thay Đại vương! Xin ngài cho tôi được thỏa mãn theo ý mình.

Khi ấy, người xin kia hoặc xin đất nước, thành phố, vợ con, thân tộc, thân thể, máu thịt, đầu mắt tủy não của vua.

Bấy giờ, Bồ-tát suy nghĩ: “Tất cả ân ái phải chịu biệt ly, không có sự ích lợi, không thực đáp ứng các mong muốn của chúng sinh. Lúc này, ta phải từ bỏ sự tham ái, bỏ hết tất cả để lợi ích cho chúng sinh.” Sau khi suy nghĩ, càng thêm hoan hỷ, Bồ-tát xả bỏ tất cả đem cho chúng sinh.

Đây là pháp cho tất cả của Bồ-tát.

Những gì là Bồ-tát tu tập theo pháp bố thí thời quá khứ?

Bồ-tát này nghe về tất cả các căn lành và đủ các công đức mà chư Phật, Bồ-tát thời quá khứ đã làm. Hiểu rõ sự chẳng có, không sinh vọng tưởng, không tham không đắm. Quán sát các pháp mà tâm không bị lệ thuộc, các pháp như mộng, chẳng có gì bền vững. Đối với các căn lành không phát sinh tưởng là có, tâm không lệ thuộc, chỉ vì giáo hóa chúng sinh, nên hiện thân ấy, giảng thuyết rõ ràng chánh pháp, muốn cho chúng sinh thành tựu Phật pháp.

Lại nữa, Bồ-tát quan sát các pháp quá khứ, tìm khắp mười phương đều hoàn toàn không thật có. Quán sát như vậy rồi, Bồ-tát suy nghĩ: “Ta phải từ bỏ tất cả các pháp quá khứ.” Đây là Bồ-tát tu tập pháp bố thí quá khứ.

Những gì là Bồ-tát tu tập pháp bố thí vị lai?

Bồ-tát này nghe về tất cả các căn lành với đầy đủ các công đức mà chư Phật, Bồ-tát thời tương lai sẽ làm. Nghe rồi, Bồ-tát không chấp trước vào tướng, tâm không sở hữu, chẳng có mong cầu sinh đến cõi Phật ở phương ấy. Không có tưởng mong cầu, không sinh nguyện xấu, giữ tâm không tán loạn, không tham đắm, không nhàm chán, không đem căn lành hồi hướng về nơi ấy, không chuyên cần tu các căn lành để sinh về nơi ấy, cũng không phế bỏ. Bồ-tát chỉ nhờ nơi cảnh giới ấy để giáo hóa chúng sinh, vì muốn cho họ được đầy đủ Phật pháp; quán sát pháp chân thật một cách chân thật, chẳng có xứ sở chẳng không xứ sở, chẳng trong chẳng ngoài, chẳng gần, chẳng xa.

Bồ-tát lại suy nghĩ: “Nếu pháp chẳng có thì không thể nào không bỏ.”

Đây là Bồ-tát tu tập về pháp bố thí vị lai.

Những gì là Bồ-tát tu tập pháp bố thí hiện tại?

Bồ-tát này nghe đến trời Tứ Thiên vương, trời Tam thập tam, Dạ-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại, trời Phạm thiên, trời Phạm thân, trời Phạm phụ, trời Phạm quyến thuộc, trời Đại phạm, trời Quang thiên, trời Thiểu quang thiên, trời Vô lượng quang, trời Quang âm, trời Tịnh, trời Thiểu tịnh, trời Vô lượng tịnh, trời Biến tịnh, trời Mật thân, trời Thiểu mật thân, trời Vô lượng mật thân, trời Mật quả, trời Bất phiền, trời Bất nhiệt, trời Thiện hiện, trời Thiện Kiến, trời Sắc cứu cánh; nghe đến Thanh văn và Duyên giác đầy đủ các công đức. Nghe rồi, tâm của Bồ-tát không rối loạn, chánh niệm không quên, không lười biếng, không mê muội, không buồn rầu. Tâm Bồ-tát tịch diệt mà không chấp thủ vào đó.

Bồ-tát chỉ suy nghĩ: “Tất cả các pháp hữu vi đều như mộng; tất cả hoạt động của nó đều không chân thật. Chúng sinh không biết nên luân hồi trong cõi ác.” Bồ-tát lại thuyết giảng giáo pháp cho họ để xa lìa các điều ác, thành tựu Phật pháp, tu đạo Bồ-tát, tâm không còn mê mờ rối loạn.”

Đây là Bồ-tát tu tập pháp bố thí hiện tại.

Những gì là pháp bố thí rốt ráo của Bồ-tát?

Có vô lượng chúng sinh hình dạng khác nhau đến gặp Bồ-tát và nói:

–Xin được chu cấp những diều chúng tôi cần. Nếu vừa ý tôi thì cũng mãn nguyện ngài.

Nghe nói như vậy, Bồ-tát rất vui mừng, tùy theo yêu cầu của họ mà chu cấp đầy đủ. Đại Bồ-tát tự quán sát từ khi vào thai với hình dạng bất tịnh rất nhỏ; sau đó thành thai, các căn, sinh lão bệnh chết. Quán sát hết thân này không có chân thật, không có thật tướng, là vật đáng xấu hổ, bị Hiền thánh từ bỏ, là chỗ rất nhơ bẩn hôi hám cũng như thây chết, duy trì bằng xương gân, bao bọc bằng máu thịt, chín lỗ thường chảy ra chất dơ bẩn. Thấy thân có vô số lỗi lầm, đến nỗi không có một ý niệm nào luyến tiếc thân này.

Bồ-tát lại suy nghĩ: “Thân này thật nguy hiểm, tại sao ta đã thấy thân này với vô số tội lỗi mà còn tham luyến? Ta cần phải bỏ thân này bố thí cho chúng sinh để mãn nguyện họ. Ngay nơi pháp không bền vững này, ta cầu được pháp vững chắc, làm cho tất cả chúng sinh đều được đáp ứng đầy đủ theo nguyện của họ. Khai ngộ hướng dẫn làm cho họ đều đạt được Pháp thân thanh tịnh, trú ở chỗ vô trú, lìa tướng thân và tâm.

Đây là kho tàng Bố thí vô tận thứ sáu của Đại Bồ-tát.

Này Phật tử! Những gì là kho tàng Trí tuệ vô tận của Đại Bồtát?

Bồ-tát này biết như thật về Khổ của sắc; biết như thật về Tập của sắc; biết như thật về Diệt của sắc; biết như thật về Đạo của sắc. Biết như thật về Khổ của thọ tưởng hành thức; biết như thật về Tập của thọ tưởng hành thức; biết như thật về Diệt của thọ tưởng hành thức; biết như thật về Đạo của thọ tưởng hành thức. Biết Khổ của vô minh, biết Tập của vô minh, biết Diệt của vô minh, biết Đạo của vô minh; biết Khổ của ái, biết Tập của ái, biết Diệt của ái, biết Đạo của ái; biết Thanh văn, biết pháp Thanh văn, biết Tập của Thanh văn, biết Niết-bàn của Thanh văn; biết Duyên giác, biết pháp của Duyên giác, biết Tập của Duyên giác, biết Niết-bàn của Duyên giác. Biết Bồ-tát, biết pháp Bồ-tát, biết Tập của Bồ-tát, biết Niếtbàn của Bồ-tát. Biết thế nào? Biết từ nhân duyên nghiệp báo tạo ra các pháp hữu vi. Chúng chẳng có ngã, chẳng kiên cố, chẳng chân thật, vốn không, chẳng có sở hữu, không thể nắm được tướng kiên cố của các pháp, không thể nắm tướng sở hữu của các pháp. Biết tất cả pháp đều không thật có, nên Bồ-tát thuyết giảng cho chúng sinh đầy đủ về pháp chân thật.

Thế nào là thuyết giảng các pháp không thể phá hoại? Những gì không thể phá hoại?

Đó là sắc không thể phá hoại; thọ, tưởng, hành, thức không thể phá hoại; vô minh không thể phá hoại; pháp Thanh văn không thể phá hoại; pháp Duyên giác, pháp Bồ-tát không thể phá hoại. Vì sao? Vì tất cả các pháp không tự làm ra, không do người khác làm ra, chấm dứt ngôn ngữ, lìa tất cả nơi chốn; không sinh, không phát khởi, không cho, không nhận, không có tâm ý. Bồ-tát thành tựu kho tàng trí tuệ vô tận như vậy, dùng phương tiện thiện diệu của tất cả các pháp tự nhiên thông đạt, giác ngộ không do người khác.

Kho tàng trí tuệ này có mười loại không thể cùng tận. Đó là: Phương tiện hoàn hảo về đa văn không thể cùng tận. Thân cận Thiện tri thức không thể cùng tận. Diễn thuyết một câu pháp không thể cùng tận. Vào pháp giới sâu xa không thể cùng tận. Vào vô lượng sự trang nghiêm bằng trí tuệ không thể cùng tận. Phát sinh, nuôi dưỡng các kho công đức với tâm không chán nản không thể cùng tận. Vào tất cả môn Đà-la-ni không thể cùng tận. Phân biệt rõ hết ngôn ngữ âm thanh của tất cả chúng sinh không thể cùng tận. Làm cho khắp cả chúng sinh xa lìa các nghi ngờ không thể cùng tận. Được thành tựu hành động tự tại thị hiện giáo hóa chúng sinh của tất cả chư Phật, không thể cùng tận. Ấy là mười loại pháp không thể cùng tận.

Đây là kho tàng Trí tuệ vô tận thứ bảy của Đại Bồ-tát.

Bồ-tát trụ vào kho tàng Tuệ vô tận này thì sẽ chóng thành Vô thượng Chánh giác.

Này Phật tử! Những gì là kho tàng Niệm vô tận của Đại Bồtát? Bồ-tát này xa lìa si ám. Nhớ đến quá khứ từ một đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời, vạn đời…, cho đến vô số không thể nghĩ bàn, đến không giới hạn, đến không thể nêu bày; đến ức vô số kiếp sinh thành, kiếp hoại, kiếp thành hoại; chẳng phải một kiếp thành, chẳng phải một kiếp hoại, chẳng phải một kiếp thành hoại; trăm kiếp, ngàn kiếp, trăm ngàn có vô số kiếp; cho đến vô số không thể nghĩ bàn, không giới hạn, không thể nêu bày ức vô số kiếp; nhớ biết đến một danh hiệu Phật, cho đến không thể nêu bày, không thể nêu bày hết danh hiệu chư Phật; nhớ đến được một Phật thọ ký, cho đến nhớ được không thể nêu bày hết chư Phật thọ ký; nhớ đến một Phật ra đời, nhớ đến không thể nêu bày hết chư Phật ra đời; nhớ đến được nhận lấy một kinh từ một Đức Phật, cho đến được nhận lấy không thể nêu bày hết Đức Phật; cho đến Kỳ-dạ, Thọ ký, Già-đà, Nhân duyên, Ưu-đà-na, Bản sự, Bản sinh, Phương quảng, Vị tằng hữu, Thí dụ, Ưu-ba-đề-xá cũng đều như vậy; nhớ biết một hội chúng với một thời thuyết pháp, cho đến không thể nêu bày hết hội và thời thuyết pháp; biết một căn tánh cho đến không thể nêu bày hết các căn tánh; biết một phiền não cho đến không thể nêu bày hết các phiền não; nhớ biết một Tam-muội cho đến không thể nêu bày hết các Tam-muội.

Bồ-tát phát sinh những ý niệm như vi diệu, thanh tịnh, không ố trược, thanh tịnh trọn vẹn, lìa trần cấu, lìa các loại bụi trần, lìa cấu uế, sáng rực, an lạc, không chướng ngại. Khi Bồ-tát trú vào những ý niệm này thì tất cả thế gian không thể quấy nhiễu, các căn thanh tịnh không còn bị ô nhiễm, không còn bị tất cả chúng ma và ngoại đạo trong thế gian gây hại. Bồ-tát trì niệm tất cả kho tàng Phật pháp, tất sẽ được hiểu rõ, không hề tán loạn.

Đây là kho tàng Niệm vô tận thứ tám của Đại Bồ-tát.

Này Phật tử! Những gì là kho tàng Nghe và nhớ vô tận của Đại Bồ-tát?

Đối với chư Phật, Bồ-tát này nghe và nhớ một phẩm kinh, cho đến nghe và nhớ không thể nêu bày hết số lượng kinh văn mà chẳng bao giờ quên một chữ một câu. Suốt cả một đời cũng chẳng quên mất, cho đến không thể nêu bày hết bao nhiêu đời cũng chẳng quên một chữ một câu. Nghe và nhớ một danh hiệu của Phật, cho đến nghe và nhớ đến không thể nêu bày hết danh hiệu của Phật; nghe và nhớ đến tên một thế giới cho đến nghe và nhớ đến không thể nêu bày hết tên các thế giới; nghe và nhớ đến tên một kiếp, cho đến nghe và nhớ đến không thể nêu bày hết số kiếp; nghe và nhớ đến một Như Lai thọ ký, cho đến nghe và nhớ đến không thể nêu bày hết đến số Như Lai thọ ký; nghe và nhớ đến một kinh, cho đến nghe và nhớ đến không thể nêu bày hết số kinh; nghe và nhớ đến tên gọi một chúng hội, cho đến nghe và nhớ đến không thể nêu bày hết tên gọi các chúng hội; nghe và nhớ đến một thời thuyết pháp; cho đến nghe và nhớ đến không thể nêu bày hết các thời thuyết pháp; nghe và nhớ đến một căn tánh, cho đến nghe và nhớ đến không thể nêu bày hết các căn tánh; nghe và nhớ đến một phiền não, cho đến nghe và nhớ đến không thể nêu bày hết các phiền não; nghe và nhớ đến một Tam-muội, cho đến nghe và nhớ đến không thể nêu bày hết các Tam-muội.

Đây là kho tàng nghe và nhớ vô tận sâu xa thứ chín của Đại Bồ-tát. Chỉ có cảnh giới của Phật là Bồ-tát này chưa đạt đến được.

Này Phật tử! Những gì là kho tàng Biện tài vô tận của Đại Bồtát?

Bồ-tát này thành tựu trí tuệ sâu xa, giảng thuyết các pháp cho chúng sinh, không trái với tất cả kinh điển của chư Phật. Bồ-tát nói ra một phẩm pháp, cho đến không thể nêu bày hết các phẩm pháp; nói ra một danh hiệu Phật, cho đến không thể nêu bày hết các danh hiệu; nói ra tên một thế giới, nói ra tên một Đức Phật thọ ký, nói ra một kinh, nói ra một hội chúng, nói ra một thời thuyết pháp, nói ra một căn tánh, nói ra một phiền não; nói ra một Tam-muội, cho đến không thể nêu bày hết các Tam-muội. Hoặc một ngày nói ra vô tận về một câu, về một ý nghĩa của pháp, cho đến không thể nêu bày hết số kiếp nói ra một câu, một ý nghĩa về pháp không cùng tận. Tất cả các kiếp còn có thể cùng tận, nhưng nói một câu, một ý nghĩa cũng không thể cùng tận. Tại sao? Vì Bồ-tát này thành tựu mười kho tàng vô tận vậy.

Khi thành tựu kho tàng này thì được nắm gọn tất cả pháp, các môn Đà-la-ni luôn hiện hữu, có trăm vạn vô số Đà-la-ni quyến thuộc. Được thành tựu trăm vạn vô số Đà-la-ni làm quyến thuộc rồi, Bồ-tát này đem biện tài sáng suốt về pháp diễn thuyết pháp sâu xa cho các chúng sinh. Dùng tướng lưỡi rộng dài phát ra âm thanh tuyệt diệu, vang khắp các thế giới mười phương, tùy theo các căn tánh mà trừ diệt phiền não, làm cho hoan hỷ tất cả, thể nhập hoàn toàn vào tất cả âm thanh. Ngay nơi tất cả văn tự được biện tài không gián đoạn, thể nhập pháp môn chiếu khắp, giảng thuyết về hạt giống của Như Lai trong tất cả chúng sinh không thể bị đoạn diệt, không bỏ tất cả hạnh của Bồ-tát, tâm không chán nản. Tại sao? Vì Bồ-tát này thành tựu Pháp thân thanh tịnh khắp cả hư không pháp giới.

Đây là kho tàng Biện tài vô tận thứ mười của Đại Bồ-tát.

Kho tàng này vô số không giới hạn, không gián đoạn, không thể bị phá hoại, không cắt đứt, không thể bị cắt đứt, không thoái chuyển, sâu xa không đáy, bằng tất cả pháp môn, đi vào tất cả Phật pháp.

Này Phật tử! Đây là mười kho tàng vô tận của Đại Bồ-tát làm cho tất cả chúng sinh đều được thành tựu Vô thượng Bồ-đề. Kho tàng này có lợi ích cho tất cả chúng sinh. Hồi hướng hoàn toàn, không gián đoạn bản nguyện, thực hành suốt tất cả kiếp. Tâm vô lượng, vô biên quán sát bình đẳng như hư không. Hồi hướng về hữu vi mà không chấp trước vào vô vi. Đối với tất cả pháp, vô tận, từng ý niệm biết cảnh giới. Đại nguyện không thể hoại. Đạt đến năng lực tận cùng của các Đà-la-ni, được chư Phật hộ niệm, đi vào tất cả pháp như huyễn.

Đây là mười pháp vô tận, có thể làm cho tất cả thế gian được kho tàng vô tận.