KINH HIỀN KIẾP
(CÒN CÓ TÊN LÀ KINH TAM-MUỘI BẠT-ĐÀ-KIẾP. ĐỜI TẤN GỌI LÀ KINH HIỀN KIẾP ĐỊNH Ý)
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam Tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 16: NÓI VỀ BỐN VÔ SỞ ÚY
Đức Phật bảo Bồ-tát Hỷ Vương:
–Thế nào gọi là do thành Bậc Chánh Giác nên thông tỏ pháp vô úy thứ nhất và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?
Như đạt được Phật đạo thanh tịnh, dứt hết mọi hoạn nạn về sinh, lão, bệnh, tử, đó là Bố thí. Tâm an trụ nơi cảnh giới vô vi, dốc chí thực hiện các thệ nguyện lớn lao nhằm đạt đến nẻo giác ngộ vô thượng, đó là Trì giới. Đứng ở nẻo chân đế quan sát tất cả mọi pháp đều là không, dứt mọi tà kiến, đó là Nhẫn nhục. Thấu đạt tất cả mọi nẻo sinh diệt trong ba cõi thảy đều không cội rễ nên không gì là không thông đạt, đó là Tinh tấn. Dùng Nhất thiết trí hóa độ thông suốt mọi chúng nhân, chư Thiên trong khắp ba cõi cùng chúng sinh nơi ba đường ác, đó là Nhất tâm. Đi đến khắp các bộ chúng, tuyên giảng nêu bày đạo pháp để giáo hóa, khiến cho mỗi đối tượng đều đạt được sở cầu, dứt mọi nẻo sợ hãi nên các sở nguyện đều thành tựu, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực theo nẻo vô úy thứ nhất.
Thế nào gọi là thể hiện bình đẳng, nhận rõ các lậu đã được dứt sạch, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?
Như Phật là bậc vô lậu, tức các lậu đã được dứt sạch nên tất cả các nạn cũng không còn, đó là Bố thí. Dứt mọi vướng mắc về nơi chốn, cõi dừng cũng đã đoạn, không có sự phân biệt về Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, đó là Trì giới. Thấu đạt về nơi chốn sinh diệt là vô sinh cùng là không dấy khởi phát triển, đó là Nhẫn nhục. Chỗ trong kinh gọi là huyền diệu bao la không bờ bến ấy là không thể đạt tới đầu mối của chúng, đó là Tinh tấn. Chí mang thệ nguyện lớn nhằm vượt qua mọi khó khăn để cứu đời theo đúng nẻo tám pháp, đó là Nhất tâm. Giữ vững theo con đường giải thoát, không để thất tán nên mau chóng tiếp cận được nẻo dẫn tới cõi Chánh giác Vô thượng, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực theo nẻo vô úy thứ hai.
Thế nào gọi là chỗ Phật thuyết pháp về các chân lý thiết yếu, thù thắng cùng thọ nhận, phụng hành nẻo vô úy thứ ba, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?
Nẻo tuân phụng tu tập luôn thông tỏ hết các pháp là không, biết dấy khởi thì sẽ hủy diệt, tụ hội thì sẽ tan lìa, đó là Bố thí. Do đã tận diệt ba độc cùng mọi nẻo phóng dật mà không còn bị chúng lôi cuốn, đó là Trì giới. Gọi là diệt tức là dứt tận mọi nơi chốn sinh khởi, hoàn toàn không còn nẻo phát sinh, đó là Nhẫn nhục. Nhờ tiêu diệt các thứ lỗi lầm của sáu căn nhãn, nhĩ, tỷ, khẩu, thân, tâm nên mọi nẻo dẫn tới sai phạm không thể thực hiện được, đó là Tinh tấn. Kiến lập đạo pháp nhằm để hóa độ chúng sinh dứt trừ mọi tạo tác thế tục cũng như đầu mối của những hành động vô ích, đó là Nhất tâm. Như đạt đến các cưa giải thoát, mọi nẻo sinh tử đã dứt sạch, trí tuệ vẫn tồn tại, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực theo nẻo vô úy thứ ba.
Thế nào gọi là nội tâm ứng hợp với các pháp mà không hề làm cho ý bị ngưng trệ thể hiện nẻo vô úy thứ tư, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?
Như nội tâm thực hiện chánh pháp đạt các pháp Tam-muội định khiến tâm an nhiên không dấy khởi, từ đấy có thể khiến cho những kẻ bất an tự nhien dứt hết mọi cấu uế, đó là Bố thí. Về tính chất “vô sở sinh” cũng không hề làm dứt mọi pháp giữ gìn trí tuệ, đó là Trì giới. Dứt trừ các vọng niệm về vô thường, về tất cả các pháp là không thì sẽ thấy rõ đạo la thường còn, đó là Nhẫn nhục. Chỗ gọi là mọi diễn biến bên trong đều không có thể che đậy, mà nên dùng để dứt trừ sạch các đầu mối phát sinh tội lỗi, đó là Tinh tấn. Không gì có thể ngăn ngại, nên dứt tận mọi thư không thành tựu để hoàn thành các công việc, đó là Nhất tâm. Sở dĩ gọi là bậc Thánh minh là vì đã đạt được an nhiên tự tại đối với tất cả, không gì có thể phủ che hoặc ngăn ngại. Phật đạo hết sức thâm diệu nên có thể chuyển hóa hết thảy mọi quyết định mềm yếu thua kém trung bình trở thành những quyết định rõ ràng sáng suốt, từ đấy thấu đạt mọi căn nguyên của chúng sinh, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.
Thế nào gọi là lòng Từ thương lớn lao, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?
Như mang tâm đại Bi luôn thương xót đối với tất cả các loài chúng sinh, không hề lấy chút giận dữ, đó là Bố thí. Tâm luôn thể hiện sư bình đẳng, chưa từng có việc thiên lệch theo bè nhóm trong nỗ lực nhằm hóa độ chúng sinh thoát khỏi các nẻo sinh, lão, bệnh, tử, đó là Trì giới. Như đối với chúng sinh luôn thực hiện việc giữ gìn đạo pháp, đem tâm nhân từ mà báo đáp để có thể tạo được mọi vui vẻ, an lạc, đó là Nhẫn nhục. Luôn lui tới khắp các nơi chốn để thường xuyên cứu giúp chúng sinh dứt mọi lo âu khổ nhọc, đó là Tinh tấn. Tùy theo chỗ ưa thích của các hạng thượng, trung, hạ mà dẫn dắt giáo hóa thích hợp, đó là Nhất tâm. Đi đến khắp trong ba cõi, trước sau đầu cuối thật không thể lường tính để hóa độ bao nguy ách của sinh tử, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.
Thế nào gọi là có được Nhục nhãn thanh tịnh và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?
Như có thể làm cho địa chủng và thủy chủng trở nên trong suốt thanh tịnh. Tâm như địa chủng, không gì có thể làm cho động. Tẩy trừ tâm cấu uế cũng giống như nước đã được làm cho trong suốt, đó là Bố thí. Hay như có thể tạo lập hỏa chủng và phong chủng để thiêu đốt sạch mọi thứ xấu ác, đó là Trì giới. Ví như dùng lửa để thiêu đốt hết mọi nẻo sinh tử, không còn sót một chút nào nên những thứ cấu uế tỳ vết thảy bị tiêu diệt sạch nhưng tâm không dấy chút sân hận, đó là Nhẫn nhục. Hoặc như mắt trông thấy mọi đối tượng, không một nơi nào mà không nhìn thấy ánh sáng tỏa chiếu khắp chốn xa gần, đó là Tinh tấn. Con đường hành hóa luôn năng nổ dốc tâm trong việc nhận thức tất cả các đối tượng, tâm dứt mọi phân biệt thị phi, đó là Nhất tâm. Quan sát mười phương, thể hiện sư an nhiên vô bờ, mà đối với mọi nơi chốn cần cứu giúp cũng không hề chán nản, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.
Thế nào gọi là đạt được Thiên nhãn thanh tịnh, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?
Như dùng Thiên nhãn để nhận thấy các thứ thân sắc, hoặc đoan chánh, đẹp xấu, dài ngắn, rộng hẹp, trắng đen, béo gầy, mà sử dụng các phương tiện để hóa độ, đó là Bố thí. Hoặc như nhận biết thân ấy hành động, tên gọi, tâm tánh, nơi sinh ra cũng như thấy rõ các nơi chốn mà thân đã từng qua lại đến đi bao lượt, đó là Trì giới. Nhận ra thân hành, phân biệt nhận rõ về thị phi, hợp tan, thành hoại, đó là Nhẫn nhục. Xem xét về các hiện tượng trong trời đất hoại diệt rồi trở lại hợp thành, cùng sự xuất hiện của trời người, muôn vật, đó là Tinh tấn. Hay như nhận biết về các lẽ báo ứng của tội phước, thiện ác, đạo tục, sáng tối, đó là Nhất tâm. Hoặc thấu đạt về các nẻo trước sau, xa gần, sâu cạn, để tiếp cận không, vô tướng, sở nguyện đạt tới ba cửa giải thoát, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.
Thế nào gọi là đạt được Tuệ nhãn và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?
Như do thành tựu được tuệ nhãn nên có thể nhận rõ khắp tất cả các cõi chúng sinh về căn bản cũng như cội nguồn của mọi nẻo sinh khởi, đó là Bố thí. Hoặc như có thể hoàn thành con đường tu tập đạt đến giải thoát, dứt bỏ mọi thứ phiền não trói buộc, đó là Trì giới. Hay như đã đạt được sự an lập tự tại của tâm nhằm giữ vững đạo pháp, đó là Nhẫn nhục. Nẻo tu tập đã được kiên cường, nên khắp mọi nơi chốn, đối tượng đều được kiến lập, từ đấy quan sát cả mười phương thảy đều thông tỏ, đó là Tinh tấn. Mọi đối tượng nhận thức và lãnh hội cũng như chân lý đã được chứng đắc, dứt mọi hư vọng, đó là Nhất tâm. Chí luôn thể hiện tính chất an lạc, cũng không dấy khởi vọng động, không rơi vào nẻo lo âu đối với tội lỗi nên phát huy được khía cạnh bao la của tâm đạo, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.
Thế nào gọi là đạt được Pháp nhãn thanh tịnh và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?
Như có thể tiếp cận được mười tám pháp Bất cộng của chư Phật, đó là Bố thí. Tự thân đã đạt được mười tám pháp bất cộng ấy của Phật, dùng chúng để cứu độ mười tám nẻo khổ độc nơi cõi ác, đó là Trì giới. Hoặc như nhận ra tính chất duyên hợp của các loại hạnh chính phụ, cao thấp, sâu cạn, vi tế… đó là Nhẫn nhục. Hay như quan sát hết thảy mọi nền tảng của các hiện tượng trong ba cõi thảy đều như nhiên, đó là Tinh tấn. Nhớ nghĩ, nhận rõ về mọi gốc ngọn, theo đúng bệnh mà cho thuốc để trị dứt ba thứ bệnh, đó là Nhất tâm. Mọi nhận thức đều không hư dối, đem sự quan sat lãnh hội đúng đắn thể hiện tính chất an nhiên để dẫn dắt giáo hóa tất cả chúng sinh, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.
Thế nào gọi là đạt được Phật nhãn thanh tịnh và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?
Như dùng Phật nhãn với nhận thức còn bị một chướng ngại nào để thức tỉnh những chúng sinh chưa giác ngộ, đó là Bố thí. Từ chỗ xem xét thấu suốt mà dấy tâm Từ bi thương xót đối với tất cả chúng sinh còn bị trói buộc trong ba nẻo khổ, đó là Trì giới. Độ thoát chúng sinh khiến không còn gặp phải những khổ nạn mà hoàn toàn có được sự an lạc lâu dài, đó là Nhẫn nhục. Mọi đối tượng nhận thức, tìm hiểu thật vô lượng, tham diệu, sâu xa không cùng khó có thể dùng ví dụ để diễn tả, đó là Tinh tấn. Quan sát về căn bản của các hiện tượng cũng như xem thấy hoa quả trên cành đã chín sắp rụng nên gắng sức kéo giữ lại, đó là Nhất tâm. Nhận rõ về mọi ngọn nguồn của các pháp thảy đều từ duyên hợp mà sinh khởi, từ đấy thấu đạt diệu lý vốn không cũng như “vô sở sinh”, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.
Thế nào gọi là có được tự tại và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?
Như trường hợp từ chính bản thân mình đạt được để hành động nhằm thực hiện cứu cánh, chứ không dừng lại ở nửa chừng, đó là Bố thí. Mọi nơi chốn mình dốc sức hành động nhằm đạt đến liền đạt được sở nguyện mà không trái với những nẻo chính yếu của sự phát tâm, đó là Trì giới. Tự tại trong sự tạo lập cũng như hành động để đạt đến nẻo vô tưởng, dứt bỏ mọi vướng chấp, tham đắm, đó là Nhẫn nhục. Luôn thể hiện lòng nhân hòa, dịu dàng thuận hợp để phân biệt mà lãnh hội hết thảy mọi nẻo ánh sáng giác ngộ, đó là Tinh tấn. Tất cả mọi hiện tượng đều dứt tận nhưng ánh sáng giác ngộ thì không thể dứt tận, đó là Nhất tâm. Thấu đạt hết thảy các pháp theo nẻo ánh sáng của Bậc Giác Ngộ để nhằm giáo hóa hạng chúng sinh thấp kém, chậm chạp, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.
Thế nào gọi là từ sự an ổn vui thích và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?
Như đối với các trường hợp bố thí cứu giúp luôn lìa bỏ mọi mong cầu về phước báo, ví như từ hư không hóa hiện năm trăm chiếc lọng lớn, che phủ kín chúng Tỳ-kheo. Như ở một làng của các vị Phạm chí tên là Đầu-na, nước ở trong giếng tự nhiên trong lành và có vị thơm ngọt, đó là Bố thí. Hoặc như đi vào các kinh thành, thôn xóm đem lại sự an vui cho dân chúng khắp các nơi ấy, khiến cho các loại nhạc cụ như đàn không, đàn hầu tự nhiên hòa tấu vang lừng, đó là Trì giới. Những hạng chúng sinh các căn không đủ như đui, điếc, câm, ngọng, hoặc bị các bệnh tật như què, bại liệt… Nhờ ân của ánh sáng giác ngộ soi tỏ mà thảy được dứt trừ các tai nạn ấy, đó là Nhẫn nhục. Nêu bày ánh sáng giác ngộ rực rỡ ấy chiếu tỏa khắp vô lượng các cõi Phật trong mười phương khiến cho mọi người đều được nhờ hưởng ít nhiều ân ích lớn lao ấy, đó là Tinh tấn. Như tại kinh thành Duy-da-ly, cả trong và ngoài thành, mỗi mỗi nơi đều biến hóa đến tám vạn bốn ngàn thân hình chư Phật, đó là Nhất tâm. Hoặc như lúc ấy, nhân hoàn cảnh thích hợp nên vì tám bộ chúng mà nêu bày giảng giải về kinh điển giáo pháp khiến cho mỗi đối tượng đều được lãnh hội thấu đạt, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.
Thế nào gọi là khiến cho các trường hợp khó được đều tự quy ngưỡng và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?
Oai nghi đáng kính, an nhiên, tự tại, công đức hết sức rộng lớn, có thể thu giữ cả hư không, đó là Bố thí. Lãnh hội tiếp cận nẻo giác ngộ của chư Phật, Thế Tôn, để nhận ra đức ấy là chí tôn, thâm diệu sâu xa không gì có thể vượt hơn được, đó là Trì giới. Nẻo đường hành hóa luôn thể hiện sự mạnh mẽ, kiên cố, sử dụng các phương tiện thích ứng theo hoàn cảnh, nhưng không đánh mất chí khí, sở nguyện thuận hợp theo lẽ tùy bệnh mà cho thuốc, từ đấy có thể dẫn dắt giáo hóa chúng sinh cùng giúp đỡ chỉ vẽ mọi hành động tạo tác như đã từng hóa độ loài rắn độc. Thu phục loài rắn dữ nằm yên trong tay. Xuất phát từ sự chí thành nên hoàn toàn dứt mọi sự sợ hãi, sử dụng thần túc chú nguyện nên mọi việc không có gì là khó khăn cả, đó là Nhẫn nhục. Như Tôn giả Mục-kiền-liên đã mau chóng hòa giải loài quỷ, Đức Phật và các vị đệ tử cùng đi qua vùng đất ấy, nhưng chúng đệ tử không một ai hay biết, đến khi trở về tinh xá Kỳ hoàn, Đức Phật đổ nước trong bình bát ra liền thấy nhơ bẩn cả một vạt đất, đó là Tinh tấn. Hay như vị đại đệ tử của Phật là Tôn giả Xá-lợi-phất đã nói: Trong một chốc lát, có đến bốn mươi chín lần tâm dấy khởi tạo các nghiệp về sinh tử. Đức Phật nói: Không thể tính kể được, không nên chấp vào sự tính toán so đo, đó là Nhất tâm. Hoặc như Đức Phật nói: Có một kinh thành nọ, dân chúng ở nơi ấy thường gây ra các tội ác lớn, chẳng kể gì đạo pháp, lại phỉ báng các vị cao đức, Như Lai là Bậc Chánh Giác chỉ đến kinh thành ấy trong vòng không đầy một đêm thuyết giảng kinh điển giáo pháp, khiến dân chúng lìa bỏ việc tạo ra các trọng tội, lại tinh tấn tu học thông đạt được sáu thứ thần thông, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.