KINH BỒ-TÁT TAM-MUỘI NIỆM PHẬT
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Sa-môn Công Đức Trực, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 15: CHÁNH NIỆM

Bấy giờ, trong chúng hội có Bồ-tát Tư Nghĩa, Bồ-tát Xả Phi Nghĩa, Bồ-tát Tâm Dũng Kiện, Bồ-tát Phân Biệt Tâm, Bồ-tát Vô Xan Ý, Bồ-tát Bạt Phiền Não, Bồ-tát Thiện Tư Nghĩa, Bồ-tát Chúng Trí, Bồ-tát Vô Phược, Bồ-tát Chúng Quang, Bồ-tát Trí Đăng Quang, Bồtát Tạo Trí Tri Thức, Bồ-tát Vô Đẳng Phiền Não, Thiên tử Đế Tràng, Thiên tử Tha Hóa đều cùng cung kính bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Hôm nay, những lời của chư Phật nói, đó là những lời gì? Vì sao gọi là chư Phật nói? Sao gọi là Phật? Nên niệm như thế nào gọi là niệm Phật? Là khởi thân niệm hay là khởi pháp niệm?

Đức Thế Tôn bảo các Bồ-tát

–Hay thay, hay thay! Này các thiện nam! Những điều các ông đã hỏi là sâu xa khó nghĩ bàn, đều là nương vào sức oai thần của Phật phát sinh niềm vui để nêu bày biện tài vô ngại ấy. Chỗ thuyết giảng của chư Phật gọi là Phật nói. Chân niệm về tướng chân thật của các pháp gọi là niệm Phật. Sao gọi là chánh niệm? Là không vướng chấp nơi các pháp ác để phỉ báng, nên tu tất cả, không chê bai hủy báng pháp, nên xa lìa ngã cùng phi ngã, không thấy chúng sinh thọ mạng chủ tể nuôi dưỡng người cùng sự sinh, không chấp nơi sự tạo tác, khiến tạo tác, ấm, giới, các nhập, tưởng đối tượng duyên xứ. Đối với hết thảy các pháp đời này, đời sau, cho đến ba cõi đều không nương, không nhiễm. Ta thấy các hành không lấy, không bỏ, thiền định Giải thoát và sáu Thần thông, Như ý, Căn, Lực, Bồ-đề giác phần, Tỳ-xála… vô lượng pháp lành. Nếu lược nói về chín vạn ức na-do-tha Tammuội sâu xa không thể nghĩ bàn thì được niệm pháp của hết thảy chư Phật thường hành. Trí tuệ phương tiện của Phật không thể nghĩ bàn, theo đó mà ghi chép, đọc tụng, diễn giảng kinh điển Đại thừa, nói công đức của Phật, gọi là Phật thuyết giảng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Thường hay xả tất cả
Tướng hữu vi hư giả
Chẳng thủ đắc pháp tánh
Thì được Tam-muội này.
Chớ đắm vào phỉ báng
Và nhớ nghĩ phân biệt
Lìa hẳn ngã, ngã sở
Được Tam-muội như vậy.
Không với các pháp ấm
Thấy chúng sinh, thọ mạng
Nhân, ngã và sự sinh
Sĩ phu cùng dưỡng dục.
Cũng không nghĩ phân biệt
Đó gọi là nói pháp
Với các pháp không nhiễm
Ngã tánh và ngã sở.
Thấy thân chẳng ấm sinh
Thì được Tam-muội này
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức
Tất cả không, vô tướng.
Căn bản đều bất tịnh
Biết được Tam-muội này
Quán các pháp hữu vi
Theo duyên chẳng tự tại.
Hết thảy không chân thật
Hư dối không thể giữ
Như pháp tử duyên kia
Đó gọi là nhãn nhập.
Tai mũi lưỡi thân ý
Đều không có tự tánh
Nếu phân biệt rõ ràng
Được sinh Tam-muội này.
Thân này không chân thật
Ấm tụ không thanh tịnh
Máu mủ ra chín lỗ
Ai ưa thích chỗ này.
Ý vào niệm, niệm diệt
Hư vọng thường như huyễn
Nếu phân biệt sâu xa
Thì được Tam-muội này.
Vì tất cả các nhập
Đều không, không có thật
Phàm phu như trẻ con
Mê hoặc chấp có thân.
Chỗ mê của tham ái
Không biết là hư vọng
Thân này như không tụ
Chỗ ở của các giặc.
Pháp lỗi lầm hư giả
Người trí thường chán lìa
Quan sát kỹ như vậy
Thì được Tam-muội này.
Các pháp ấm, giới, nhập
Đều không không chân thật
Nếu người hay phân biệt
Được sinh Tam-muội này.
Như lửa, như bọt nước
Như huyễn, như thân chuối
Nên quán thân mỏng manh
Không thật hơn điều ấy.
Nếu các Bồ-tát này
Trí không hủy như vậy
Mau được tất cả Phật
Nói Tam-muội sâu xa.
Các pháp không tự sinh
Cũng không từ khác có
Rốt ráo không chỗ trụ
Pháp vô lậu cũng thế.
Nếu hay quán như vậy
Thì sinh Tam-muội này
Bỏ tất cả hữu vi
Các hành, tướng đổi khác.
Pháp này như hư không
Sinh là không thủ đắc
Bồ-tát biết như thế
Tu học hết thảy pháp.
Mau được thắng Bồ-đề
Chuyển pháp luân vô thượng
Bồ-tát ấy có thể
Tạo lập nơi pháp tràng.
Dùng trí không nghĩ bàn
Phân biệt tất cả pháp
Đều thấy là hư dối
Rốt ráo không chân thật.
Nay ta tuy vì ông
Nêu rõ Tam-muội này
Tướng nghi thức như vậy
Nghĩa đó rất khó biết.

Khi Đức Thế Tôn nói pháp này, có các Bồ-tát được pháp Nhẫn vô sinh, lại an trụ vào Tam-muội Niệm Phật. Các Bồ-tát ấy đều thấy phương Đông, các Đức Phật Thế Tôn nhiều như cát sông Hằng đều giảng nói Tam-muội thanh tịnh bình đẳng này, không tăng không giảm, không hai, không khác. Ngoài ra, ở các phương kia cũng lại như vậy, đều có vô lượng ức na-do-tha Như Lai Thế Tôn cùng một lúc diễn nói Tam-muội Niệm Phật mà chư Phật đã nói.

Lúc này, các Bồ-tát nghe Đức Phật nói, thân tâm vui vẻ, đều được an lạc tột bậc không gì sánh bằng, liền ở trước Phật dùng kệ tụng nói về tướng đó:

Quy mạng Thế Quang Minh
Đấng Chánh Giác Mâu-ni
Đại pháp Thánh y vương
Phật Thích-ca biển trí.
Người nương sư tử vương
Hiện khắp các sắc tướng
Thấy cõi phương Đông kia
Na-do-tha chư Phật.
Vì thương xót chúng sinh
Nói pháp như sư tử
Điều phục na-do-tha
Các Bồ-tát như thế.
An trụ địa Đồng chân
Được pháp Nhẫn vô sinh
Khéo thuận tánh sâu xa
Với pháp không chỗ hoại.
Ngoài chín phương khác kia
Tướng mạo cũng như vậy
Đều thấy nhiều ức chúng
Na-do-tha chư Phật.
Ví như sư tử vương
Chỗ nương mọi sợ hãi
Vô lậu đều vắng lặng
Chuyển pháp luân đệ nhất.
Chốn ấy không đến, đi
Tướng đó cũng không trụ
Tất cả pháp không thật
Tánh không, không sinh diệt.
Chúng sinh và thọ mạng
Sĩ phu cũng như vậy
Tất cả ấm, giới, nhập
Không thật, như hư không.
Ví như các thú hoang
Hoàn toàn không chỗ nương
Các pháp thật không sinh
Hoặc thân thường bất tịnh.
Tâm nhơ tham sinh tử
Như trẻ con ngu khờ
Nhiều ức na-do kiếp
Luôn khổ mà không chán.
Phật dùng Từ bi này
Để nói Bồ-đề ấy
Vì thế các Phật tử
Thường bỏ thân, tay, chân.
Đầu, mắt và tủy, não
Vợ, con vật quý báu
Đều có thể xả bỏ
Để hành Bồ-đề này.
Có thể cho vợ con
Quyến thuộc và tài sản
Bỏ ngôi vị trời, người
Thân, thịt và gân, xương.
Bỏ được điều khó bỏ
Mau thành tựu Chánh giác
Thí, giới: Quả tối thắng
Nhẫn, tấn, thiền, trí tuệ.
Hành Từ, Bi, Hỷ, Xả
Để cầu trí Vô thượng
Bồ-tát nên tu tập
Vì lợi ích chúng sinh.

Đức Thế Tôn liền dùng kệ tụng đáp lại các Bồ-tát:

Nếu Bồ-tát nhiều kiếp
Tu hành chân như này
Không khác, không phân biệt
Từ đó nói Bồ-đề.
Tánh ấy rất vắng lặng
Khó được, khó thể thấy
Nên khởi ý vô tận
Tu tập hạnh như vậy.
Bồ-tát ấy sẽ được
Trí tiến gần Giác ngộ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì các Bồ-tát lược nói bốn pháp viên mãn Bồ-đề, nên bảo các Bồ-tát:

–Này các thiện nam! Nên học giới phẩm, khéo tự mình gìn giữ cẩn thận, quan sát bảo vệ, sinh khởi trí phương tiện, siêng năng tu tập cho đến đạt được giác ngộ, đối với các chúng sinh thường khởi tâm Từ để trừ các tướng về ngã kiến và ngã sở, mong cầu Bồ-đề vô thượng tối thắng, cho đến xả bỏ thân mạng, tài sản, phải luôn bảo vệ sự thành tựu tăng trưởng Bốn pháp như vậy là phần căn bản của Tam-muội ấy.