KINH BỒ-TÁT TAM-MUỘI NIỆM PHẬT
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Sa-môn Công Đức Trực, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 12: BA PHÁP

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát đầy đủ bao nhiêu pháp thì đạt được Tam-muội này?

Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Nếu Bồ-tát có đầy đủ ba pháp thì đạt được Tam-muội mà chư Phật đã giảng nói. Những gì là ba pháp?

Đó là: Không tham, không sân, không si như căn lành ấy. Nếu Bồ-tát đó trụ nơi không tham thì đạt được đầy đủ Bố thí ba-la-mật, tâm an trụ ở pháp này rồi tức thu giữ không tham, khiến cho căn lành thanh tịnh, lìa hẳn bần cùng, thường được giàu sang, đủ oai lực lớn, như mặt trời chiếu sáng. Bồ-tát đã tu công đức như vậy đều vì tất cả các chúng sinh nên có thể tuyên nói để họ đều tin thọ, được Tam-muội này không có gì khó, cũng sẽ mau thành tựu Bồ-đề vô thượng. Bồ-tát đầy đủ công đức thiện vi diệu này thì được trời, người kính tin.

Nếu Bồ-tát lại có thể tu hành căn lành không sân thì sẽ đầy đủ Nhẫn nhục ba-la-mật. Nếu Bồ-tát này an trụ nơi nhẫn nhục, bị người mắng chửi, hoặc dùng dao gậy gia hại cắt chặt các chi phần, hoặc đoạn dứt đầu, nhưng tâm Bồ-tát không sinh một niệm giận dữ, cũng không nói những lỗi ác của người, quyết giữ lòng không sân, để căn lành thanh tịnh, dùng tâm Từ làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, tu hành Tam-muội như thế, Bồ-tát an trụ vào Tam-muội này rồi, thường được cùng với chư Phật Thế Tôn hội ngộ cho đến trong mộng luôn thấy Phật, nằm ngồi, kinh hành đều được an lạc, chư Thiên hộ niệm, không thấy mộng ác, thức dậy hoan hỷ, không bị đao gậy làm tổn thương, độc cũng không hại, không bị chìm trong nước, không bị lửa thiêu đốt, bốn thứ cần dùng thường được đầy đủ, cùng làm cho tất cả đều hoan hỷ, sẽ mau được đạo quả Bồ-đề vô thượng.

Nếu Bồ-tát trừ bỏ vô minh thì được đủ căn lành không si, quan sát chân chánh tu hành Tỳ-bà-xá-na, liền thâu giữ căn lành không si, đối với tất cả pháp, quyết định tạo phương tiện khéo léo tức đạt đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật. Nếu có người khác đến vấn nạn thì liền đối đáp được.

Bồ-tát đầy đủ ba pháp như vậy thì sẽ mau đạt được Tam-muội báu này.

Lại nữa, này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nếu Bồ-tát ấy lại hành trì đầy đủ ba pháp thì sẽ đạt được định này. Những gì la ba? Nên quan sát tất cả các hành là vô thường. Nên quán tất cả các hành đều là khổ. Nên quán tất cả các pháp là vô ngã. Bồ-tát đầy đủ ba pháp như vậy sẽ đạt được định này và mau thành tựu Phật đạo.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nếu Bồ-tát ấy nếu lại hành trì đầy đủ ba pháp sau đây, sẽ được định này, sẽ mau thành đạo Bồ-đề vô thượng. Ba pháp đó là: Cúng dường chư Phật ở hiện tại, cho đến xá-lợi của Như Lai diệt độ. Dùng hương, hoa, cờ phướn, lọng báu, các loại châu báu tốt để dâng cúng, hoặc tự mình cúng dường hay khuyên người thực hành. Lại phát nguyện: “Ta dùng căn lành nhân duyên bố thí này, nguyện đạt được Tam-muội mà chư Phật đã giảng nói.”

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Lại ngợi khen công đức chân thật của Như Lai hiện tại và chư Phật Bát-niết-bàn, lại khen giới, công đức, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, oai nghi thần thông, biện tài giáo hóa, hạnh A-lan-nhã cho đến pháp Từ, Bi, Hỷ, Xả. Lại khen ngợi vô lượng công đức, dung mạo oai nghi, tướng tốt pháp Phật thù thắng. Đã khen ngợi rồi lại phát nguyện: “Nếu ta khen ngợi công đức của chư Phật, xin do căn lành này, dù chỉ được một ít phước, cũng mong được Tam-muội mà chư Phật đã giảng nói, mau thành tựu Bồđề vô thượng.”

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Đại Bồ-tát ở chỗ các Đức Phật, nghe tên gọi, công đức của Tam-muội này sẽ có ba điều tùy hỷ. Những gì là ba? Như thuở xưa, Đức Phật ở quá khứ đã từng tu hạnh Bồ-tát, cầu đạt đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, như chư Phật kia cầu đạt Tam-muội này, ta cũng theo học cầu Tam-muội ấy, cũng vì lợi mình và lợi người. Nghe Tam-muội rồi liền sinh tùy hỷ, ta cũng nên thuận theo sự vui sướng đó. Đây là vui sướng theo thứ nhất.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Như chư Phật Thế Tôn ở vị lai cũng sẽ tu tập hạnh Bồ-đề, nghe Tam-muội này vì lợi mình và lợi người, phát sinh tùy hỷ, ta cũng tùy hỷ. Đây là tùy hỷ thứ hai.

Nếu các Đức Như Lai ở đời hiện tại, an ổn đạt mọi diệu lạc, dứt hẳn hành bất thiện bỏ mọi nẻo ác, những huyễn thuật biến hóa, các loại kỹ nhạc, tất cả các thứ ác đều phải xa lìa, thiền định, đại Bi sâu xa đều đầy đủ, như thuở xưa chư Phật quá khứ đã từng tu hạnh Bồ-tát, nghe Tam-muội này liền mong cầu đạt sinh tâm tùy hỷ. Nay ta cũng vậy, cứ như chư Phật ở quá khứ mà tùy hỷ. Đây là tùy hỷ thứ ba.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Ba sự tùy hỷ này đều cùng kết hợp phát nguyện. Nếu ta đã được công đức của căn lành thì nguyện cho chúng sinh thường được định này.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Bồ-tát đầy đủ ba tùy hỷ này cũng sẽ mau được Tam-muội như vậy.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nếu thiện nam, thiện nữ tùy hỷ định này thì được khối công đức của căn lành. Căn lành này nên dùng thí dụ để làm sáng tỏ. Như có một người lấy số cát nơi những sông Hằng trong tam thiên đại thiên thế giới làm thành một đống. Ở trong đống cát lớn đó lấy ra một hạt cát ném qua vô lượng không thể nghĩ bàn ức na-do-tha vô biên thế giới, lại lấy ra một hạt cát ném qua vô lượng vô số thế giới, cứ như vậy lần lượt đến hết đống cát lớn đó. Các thế giới này dù cho thầy toán giỏi và đệ tử của ông ta có thể biết được số lượng đó không?

Bồ-tát Bất Không Kiến bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Những người này không thể biết được. Chỉ có Tôn giả Xá-lợi-phất và Bồ-tát Bất thoái mới có thể biết số lượng của thế giới ấy.

Đức Phật bảo Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Những châu báu có đầy ắp trong bao nhiêu thế giới không thể nghĩ bàn, khối lượng ấy cao hơn chỗ ở của chư Thiên, cho đến cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, dùng châu báu này đem cho các chúng sinh, thiện nam, thiện nữ ấy được phước có nhiều không?

Bồ-tát Bất Không Kiến bạch Phật:

–Rất nhiều, thưa Thế Tôn! Là vô lượng, vô biên.

Đức Phật bảo Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Ta sẽ nói với ông. Nếu thiện nam, thiện nữ nào đối với số châu báu có đầy trong cõi chư Phật dùng để bố thí cho tất cả chúng sinh. Hoặc thiện nam, thiện nữ nào nghe Tam-muội và ấy với ba tùy hỷ rồi phát nguyện cầu đạt được Bồ-đề vô thượng, cũng lại ưa thích tu tập đa văn thì thiện nam, thiện nữ ấy có được công đức hơn phước bố thí của người kia vô lượng, vô biên không thể tính đếm.

Đức Phật bảo Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Tam-muội Niệm Phật này tức là mẹ của tất cả căn lành. Người nói như vậy gọi là nói chân chánh.