KINH BỒ-TÁT TAM-MUỘI NIỆM PHẬT
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Sa-môn Công Đức Trực, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Phẩm 9: TÁN THÁN TƯỚNG TAM-MUỘI

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với Đại Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Hay thay, hay thay! Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Ông không kính thỉnh ta thì ai mới có thể vì các chúng sinh mà thưa hỏi về Tammuội như vậy? Nhằm đem giải thoát, làm lợi ích cho chúng sinh, muốn khiến cho chúng sinh đạt đầy đủ căn lành thanh tịnh không nghĩ bàn, muốn khiến cho chúng sinh được lợi ích tối thắng trong ba cõi, vì nhằm giúp các chúng sinh vượt khỏi các hành của ba cõi, vì muốn khiến cho chúng sinh đối với các pháp hữu vi đạt được nghĩa thiện, vì muốn khiến cho chúng sinh hiểu biết sâu xa, tùy thuận được lợi ích; vì muốn khiến cho chúng sinh có được nghĩa quyết định đối với các pháp sâu xa, vì muốn khiến cho chúng sinh tôn trọng sự nói pháp, vì muốn khiến cho chúng sinh kính trọng việc bố thí, vì muốn khiến cho chúng sinh lìa bỏ các hữu, vì muốn khiến cho chúng sinh hướng đến giới luật vô thượng, vì muốn khiến cho chúng sinh đầy đủ đức nhẫn, vì muốn khiến cho chúng sinh luôn siêng năng tinh tấn, vì muốn khiến chúng sinh đạt được thiền định, vì muốn khiến cho chúng sinh có trí tuệ sâu rộng, tâm như kim cang, khéo tu thiền định; vì muốn khiến cho chúng sinh lìa tâm phiền não cấu uế, vì muốn khiến cho chúng sinh khéo thâu giữ tâm làm cho tâm ấy bất động giống như cờ Đế Thích; vì muốn khiến cho chúng sinh quý kính nghĩa pháp, vì muốn khiến cho chúng sinh không tiếc thân mạng, nhàm chán các hành. Vì những duyên này nên ông đã thưa hỏi Như Lai.

Đức Thế Tôn lại bảo Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Nay ông hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì ông phân biệt giảng nói.

Bồ-tát Bất Không Kiến liền bạch Phật:

–Dạ vâng, thưa Thế Tôn! Con xin vui thích được nghe.

Đức Phật bảo Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Chư Phật đã giảng về Bồ-tát thực hành Tam-muội Niệm Phật. Tam-muội này các Bồ-tát thường nên gần gũi, siêng năng tu tập. Đã tu tập Tam-muội này rồi, liền được tăng trưởng thấy pháp an lạc, tăng trưởng không tham, sân, si, tăng trưởng sự hổ thẹn sáu thần thông, tăng trưởng được thấy hết thảy chư Phật, tăng trưởng ở trong vô số cõi Phật thanh tịnh, được biết về nhân duyên sinh tử đời trước, ở trong thai thanh tịnh rộng rãi, mẹ thuộc dòng họ hào quý thù thắng, được tướng tốt vi diệu của bậc đại nhân, đầy đủ sự xuất gia Xả và đại Xả, biết được hành tướng liên tục của chúng sinh, đầy đủ đa văn về pháp thế gian và xuất thế gian, lại được tất cả các pháp xứ thiện, sẽ được khéo học pháp thế gian không gì sánh, lại có thể giảng nói khéo về tất cả pháp, biết rõ đời trước đời sau, chuẩn bị đầy đủ trí tuệ và tướng của chương, câu, chữ, có thể khéo chuyển tâm thần thông biến hóa, khéo nhận biết lỗi lầm, được diệu lực rộng lớn, được biết các Bồ-tát nơi phương khác cho đến những tinh tế, thô sơ, trắng đen, dài ngắn, lớn nhỏ, xứ và phi xứ của mọi chúng sinh, chưa thành Phật đạo để hướng đến đầy đủ, được niệm bất động, đầy đủ thần thông, thường được đầy đủ tộc họ cao quý lớn lao, đầy đủ công đức đoan nghiêm, oai lực đạt được Phạm âm cho đến các biện tài cũng đều đầy đủ như trước đã nói, sinh ra cùng thời với Đức Phật, là sinh của không sinh, thường sinh chỗ trung tâm đất nước, không sinh biên địa, muốn cầu đạo, đi khắp các thế giới nơi phương khác, đến chỗ chư Phật thưa hỏi chánh pháp, muốn vui trụ nơi đây hoặc dạo khắp mười phương vẫn thấy chư Như Lai để cung kính cúng dường, Bồ-tát như vậy là đầy đủ công đức.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ:

Bồ-tát Bất Không Kiến
Có Tam-muội vi diệu
Ta đã trụ trí lực
Hiểu rõ Tam-muội này.
Bồ-tát nên tu tập
Được thấy Phật mười phương
Sáu thông đến bờ giác
Mau được đạo Bồ-đề.
Thấy các cõi tịnh diệu
Biết giữ duyên sinh tử
Trụ thai không gì lơn
Tộc họ mẹ thù thắng.
Khéo tu các pháp hạnh
Được đầy đủ tướng tốt
Xuất gia bỏ các ái
Trời, người còn đắm dục.
Vì lợi ích thế gian
Nên cầu đạo Bồ-đề
Sinh nơi nhà hào tộc
Đạt đến cảnh cam lồ.
Đầy đủ sáu thần thông
Nói chân trí viên mãn
Đa văn, trì chánh pháp
Đạt được đại tự tại.
Hiểu biết rộng như biển
Nghe được đều tu hành
Đủ các nghĩa quyết định
Và biết gốc chúng sinh.
Học tập thế, xuất thế
Chỗ hướng đến pháp lành
Được trí tuệ thông lợi
Trừ dứt không còn nghiệp.
Xả bỏ việc hữu vi
Thực hành pháp vô vi
Cũng được trí Thiên nhãn
Thiên nhĩ nghe các pháp.
Nhớ nghĩ hạnh đời trước
Biết tâm ý thức người
Muốn hiện ra tất cả
Các thần thông vi diệu.
Tâm thường khéo, biến chuyển
Khai diễn nẻo sáng suốt
Mở bày tuệ mười Lực
Rộng lợi ích thế gian.
Biết xứ và phi xứ
Chỗ quy về các pháp
Nói phiền não lỗi lầm
Thường nên tu định ấy.
Được đầy đủ hướng đến
Được ý không ai bằng
Được niệm và oai lực
Được an ổn cũng vậy.
Tộc tánh rất thù thắng
Đoan nghiêm rất sáng rõ
Bỏ hành nơi hữu vi
Không hủy các công đức.
Đạt được oai lực lớn
Rất thù thắng hơn người
Giống như trời Đế Thích
Bậc tôn nghiêm cõi trời.
Muốn được âm vượt bậc
Các tiếng oai hùng mạnh
Thành tựu nghĩa Đại Tiên
Nên cầu Tam-muội này.
Như rồng hành hoan hỷ
Cho ánh chớp cùng khắp
Lại giáng những cơn mưa
Thấm nhầm khắp đại địa.
Đó là cảnh rồng dạo
Thật không thể nghĩ bàn
Nếu an trụ tối thượng
Tam-muội vua thần thông.
Hãy bố thí cúng dường
Dâng cúng vô biên Phật
Giống như Long vương mưa
Thấm ướt khắp mọi nơi.
Muốn thành tựu thiện giáo
Gần gũi tối thượng nói
Thâu giữ vui vô vi
Nên tu Tam-muội này.
Tất cả đều giải thoát
Thường nêu các kệ hay
Muốn khiến tất cả chúng
Đều sẽ được an lạc.
Nên tu Tam-muội này
Không lìa Phật Bồ-đề
Và cùng chúng Thanh văn
Được thấy cõi phương khác.
Nếu muốn được thưa hỏi
Thế Tôn ở cõi ấy
Và chư Phật phương khác
Nên tu Tam-muội này.
Nếu muốn thấy phương khác
Thế giới không nghĩ bàn
Thân cận chư Phật kia
Nhờ ánh sáng cúng dường.
Qua lại các cõi nước
Được vô số công đức
Phải nên tu Tam-muội
Chư Phật đã nêu nói.
Tùy nơi chỗ sinh ra
Thường được gặp chư Phật.