KINH BỒ-TÁT TAM-MUỘI NIỆM PHẬT
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Sa-môn Công Đức Trực, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 11: VUA VI MẬT

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát làm sao để biết an trụ vào những pháp sợ hãi, hổ thẹn và xả bỏ không hổ thẹn để được Tam-muội này?

Thế Tôn bảo Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Các Bồ-tát này sở dĩ hổ thẹn là do thân tạo các ác nên trong lòng xấu hổ, sợ hãi, khẩu ý hành ác, nên lại sinh tủi hổ. Ganh ghét, lười biếng cũng lại như vậy. Nếu khởi lên điều bất thiện không cung kính chư Phật thì sợ hãi nơi chư Thiên cho đến người đời. Pháp ác bất thiện rất đáng xấu hổ. Bồ-tát tức trụ nơi sự hổ thẹn, sợ hãi như vậy, xả bỏ các pháp bất thiện, xả bỏ tâm không biết hổ thẹn, sợ hãi, siêng tu các điều thiện, giữ hạnh thanh tịnh, đầy đủ ba nghiệp an nhiên vắng lặng, không lâu sẽ được Tam-muội này, đời đời thường được gặp chư Phật và sẽ đạt được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, này Bồ-tát Bất Không Kiến! Kỳ lạ thay, thật là hy hữu! Ta nghĩ: Về thời quá khứ trải qua a-tăng-kỳ ức trăm ngàn vạn na-do-tha kiếp, bắt đầu kiếp thứ ba tên là Thiện sinh, kế đến lại có kiếp tên là Bảo cự, kế nữa lại có kiếp tên là Liên hoa trì. Lúc đó, kiếp trược khởi lên hơn một ngàn năm, kế nữa, lại có kiếp tên là Lạc trụ. Lúc ấy, có quốc vương sinh trong kiếp này tên là Thắng vi mật, có oai đức lớn, uy lực tự tại, kinh thành vua ngự tên là Câu-tuma thanh tịnh hương tụ. Thành đó dài rộng bảy mươi do-diên, có mười hai lớp do bảy báu tạo thành, ánh sáng tỏa khắp toàn cảnh tráng lệ như thành Thiện kiến. Phía Bắc thành có đất tên là Ly cấu, nơi đây có vườn tên là An ẩn, bề mặt dài rộng bằng nhau là mười do-diên, xung quanh đều có các cây Đa-la, khuôn nơi vườn đó giống vườn Thiện kiến.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Thuở đó có Đức Phật là Minh Tướng gồm đủ mười tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời.

Đức Phật bảo Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Khi ấy, Đức Phật Minh Tướng cùng với quyến thuộc trụ nơi vườn An ẩn, các Tỳ-kheo đi theo là chín mươi chín ức trăm ngàn nado-tha, đều là bậc A-la-hán, các lậu đã hết, không còn phiền não tâm được tự tại, việc làm đã xong, điều nên học đều đã học. Đức Minh Tướng Như Lai Ứng Chánh Biến Tri vào lúc sáng sớm đắp y, cầm bát cùng với Tỳ-kheo tùy tùng vào thành khất thực. Lúc đó, vua Vi Mật nghe Phật đang đến, liền cỡi voi lớn, tên là Lạc thủ, dẫn theo trước sau vô số trăm ngàn người đều ra khỏi thành nghênh đón Thế Tôn.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Vua Vi Mật này từ xa thấy Phật đi đến, hào quang sắc diện tướng tốt vi diệu thù thắng nên rất hoan hỷ, liền xuống voi, đến chỗ Như Lai, đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh bên phải ba vòng, ở ngay trên đường thỉnh Phật và chúng Tăng. Phật Minh Tướng im lặng chấp thuận. Vua biết Đức Phật đã nhận lời thỉnh rồi, nên ngay đêm ấy cho người quét dọn, đốt hương, trang hoàng bày biện đủ các phẩm vật cúng dường, quý tốt. Lại trong thành sai dựng khắp nơi những cờ phướn, treo các vòng hoa, lọng báu, anh lạc, dùng nước hương ngưu đầu để rửa bụi bậm, rải các loại hoa tươi đẹp trên mặt đất, dùng giỏ đựng hoa đặt ở trước tòa, dùng các loại nhạc hay để cúng dường.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Vua bày các thứ cúng dường xong, vào lúc sáng sớm cùng các tùy tùng đến vườn An ẩn đảnh lễ Như Lai và thưa:

–Bạch Thế Tôn! Giờ thọ thực đã đến.

Khi Đức Phật Minh Tướng nghe vua thỉnh rồi, liền như tướng đó hiện đại thần thông cùng các Tỳ-kheo bay lên hư không, phóng ra ánh sáng thanh tịnh gồm chín vạn trăm ngàn loại chiếu khắp phương Đông, ba phương kia cũng như vậy. Trong mỗi mỗi ánh sáng có tám mươi ức na-do-tha các hoa sen vi diệu, trên mỗi mỗi hoa có Như Lai hóa hiện đầy đủ tướng tốt giống như Phật Minh Tướng. Các Đức Như Lai ấy có vô lượng đệ tử, Đế Thích hầu bên trái, Phạm vương hầu bên phải, chân thật giống như Thích, Phạm chân thật không khác.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Lúc Đức Như Lai Minh Tướng hiện ra các tướng thần biến ấy, trong khoảng một niệm, chư Thiên ở cõi Dục, cõi Sắc liền tạo ra vô lượng các thứ kỹ nhạc vi diệu, dùng chiên-đàn trời và tràng hoa Đa-ma-la-bạt trầm thủy các loại hương như vậy để cúng dường Đức Như Lai Minh Tướng. Lúc này, Đức Thế Tôn kia nói pháp cho vua: “Đại vương nên biết! Các hành của pháp hữu vi là vô thường, đều là khổ, chẳng chân thật nên không. Tất cả các pháp đều không có ngã. Vì sao? Vì thân này không sạch, chín lỗ bài tiết toàn là nhơ uế như trùng trong phân, hư hoại, mỏng manh, niệm niệm không trụ, bốn đại, các ấm giả hợp làm thân, đói khát lạnh nóng luôn đến xâm hại, bức bách, tất cả đều hư dối, như huyễn, như sóng nắng, như bọt nước, không được tự tại, là pháp biến diệt, tạm gọi là người không có cái gì để tin cậy được. Thế nên đại vương phải quan sát sâu xa về các hành sinh tử rất đáng nhàm chán, nên siêng cầu phương tiện mau chóng xa lìa.”

Vua Vi Mật nghe lời này rồi, chắp tay hướng về Đức Phật nói:

–Đúng vậy! Thưa Thế Tôn! Như Thế Tôn chỉ dạy, các hành hữu vi là vô thường, khổ, không, tất cả các pháp đều vô ngã, hiện thấy thân này không sạch, dơ uế, chứa nhóm các khổ, rất đáng nhàm chán.

Lúc vua thấy rõ hình tướng thần thông của Phật và nghe Đức Như Lai thuyết pháp liền phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Khi ấy, Đức Như Lai biết vua đã phát tâm Bồ-đề, bèn cùng với đại chúng nhận lời mời của vua, rồi nương trong hư không đi đến thành mới hạ xuống. Vua đi bộ theo Phật vào vương cung, dâng tòa rồi theo thứ lớp an tọa. Vua cùng quần thần, quyến thuộc nơi cung và muôn dân trong nước đứng hầu hai bên, dâng các món ăn ngon. Đức Phật và chúng Tăng trước khi thọ thực đều chú nguyện cho họ, mỗi lần trao nhận thức ăn đều đầy đủ. Thọ thực xong Phật và đại chúng súc miệng rửa tay, vua lại đem các loại hương hoa, kỹ nhạc, vải vóc châu báu để cúng dường. Vua Vi Mật nội trong ngày đó đã bỏ bốn thiên hạ và tám mươi bốn ức na-dotha phi hậu, thể nữ, giao phó ngôi vị quốc vương cho trưởng tử, cùng tám mươi ức na-do-tha người đi đến chỗ Đức Như Lai Minh Tướng, xin xuất gia tu đạo. Vua xuất gia rồi muốn thỉnh pháp, nên thưa: “Bạch Thế Tôn! Làm sao Bồ-tát đạt được Tam-muội Niệm Phật mà chư Phật đã nói? Nếu người nào có thể được Tam-muội này thì sẽ mau thành tựu đầy đủ kiến pháp Bồ-đề vô thượng.”

Phật Minh Tướng bảo Tỳ-kheo Vi Mật: “Bồ-tát có hai pháp để đạt được Tam-muội này, cũng mau thành tựu Bồ-đề vô thượng. Hai pháp đó là gì?

  1. Bồ-tát phải nên tin tưởng kinh điển do Đức Như Lai đã nói.
  2. Kinh Đại Phương Đẳng này là hành xử của chư Phật.

Bồ-tát nào hành trì đầy đủ hai pháp này liền đạt được Tammuội ấy và sẽ mau chóng thành Phật.

Lại có hai pháp là: Xa-ma-tha và Tỳ-bà-xá-na.

Lại có hai pháp là: Xả ngã, vô ngã và an trụ nơi những pháp hổ thẹn, sợ hãi…

Bồ-tát nếu có đầy đủ hai pháp ấy thì được Tam-muội này và mau thành Chánh giác.”

Tỳ-kheo Vi Mật bạch Đức Phật Minh Tướng: “Bạch Thế Tôn!

Vì sao Bồ-tát an trụ pháp hổ thẹn, sợ hãi thì được Tam-muội này?” Đức Như Lai Minh Tướng bảo: “Bồ-tát phải nên xả bỏ ba nghiệp ác, các pháp bất thiện như không hổ thẹn, trụ ở pháp sợ hãi, hổ thẹn. Bồ-tát có đầy đủ sự sợ hãi hổ thẹn thì xả bỏ các pháp bất thiện, tu hành pháp thiện, nên giữ gìn thân, khẩu, ý, nghiệp thanh tịnh.”

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Tỳ-kheo Vi Mật khi ấy đang ở chỗ Đức Phật kia, nghe nói về lỗi lầm, liền xả bỏ các pháp ác như không hổ thẹn, sợ hãi, siêng năng tinh tấn thâu giữ tâm trụ vào các pháp lành, khiến cho pháp lành được đầy đủ không mất, lại thâu giữ tâm an trụ vào chánh quán, quán hết thảy pháp: Không tăng không giảm, cũng không thấy pháp đến, đi, sinh, diệt. Khi Tỳ-kheo Vi Mật quán như vậy, không thấy tất cả pháp có các tướng; quán mười hai duyên như là mộng, như sóng nắng; quán các pháp như ảo ảnh, huyễn hóa; quán các pháp không tăng, không giảm; quán các pháp không danh, không tánh; quán tất cả pháp không sinh, không diệt. Bồ-tát Vi Mật cứ như vậy mà tu hành, không bao lâu đạt được Tam-muội này rồi, được Tam-muội này rồi giảng pháp biện tài không dứt, trải qua sáu vạn ức na-do-tha kiếp sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đức Phật bảo Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Ông chớ sinh nghi ngờ. Vua Vi Mật thuở ấy bỏ nước xuất gia tu đạo đâu phải là người nào xa lạ, đó chính là Đức Phật Như Lai Liên Hoa Thượng. Bồ-tát Vi Mật an trụ nơi hổ thẹn, tu tập thành tựu tất cả pháp thiện, không lâu đã đạt được Tam-muội ấy.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nay ta nói với ông về Tam-muội Niệm Phật mà chư Phật đã nói. Nếu có chúng sinh nào không gieo trồng căn lành thì dứt khoát không thể nghe Tam-muội này.

Đức Phật bảo Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Nếu có thiện nam, thiện nữ từng ở chỗ vô lượng Đức Phật trong quá khứ, gần gũi cúng dường, trồng các gốc thiện mới được nghe Tam-muội Bảo vương này, huống chi là biên chép, thọ trì, đọc tụng, phân biệt giảng giải, quan xét về nghĩa lý thì thiện nam, thiện nữ ấy đã gieo trồng căn lành là vô lượng, vô biên không thể tính đếm. Những người ấy tu Bồ-tát thừa, dù mới được nghe một ít Tammuội như vậy, lần lượt cũng sẽ đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chỉ trừ thân chứng.

Lúc đó, Bồ-tát Bất Không Kiến bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh ít học theo Đại thừa, có thể được Tam-muội báu này không?

Đức Phật nói:

–Đúng vậy, cũng có thể được. Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Ví như có loại thuốc chất rất cứng, không thể gọt bào, phải dùng đá mài lấy bột xoa lên rống. Nếu có oán thù, lúc ra trận chiến quân, kia cũng lấy chất độc bôi vào mũi tên, khi nghe âm thanh của trống nổi lên thì chất độc kia không thể hại được ai. Như vậy, này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nếu thiện nam, thiện nữ được nghe gặp một ít ánh sáng âm thanh nơi Tam-muội đó thì người ấy sẽ được đạo Bồ-đề vô thượng, chỉ trừ thân chứng.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Ví như chúng sinh nếu nương vào một bên sắc vàng ròng của núi Tu-di thì thân họ cùng với núi kia đồng màu sắc. Sở dĩ như thế là do uy lực của núi. Như vậy, này Bất Không Kiến! Nếu có thiện nam, thiện nữ nghe một ít về diệu lực từ oai quang của Tam-muội đó thì sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chỉ trừ thân chứng. Vì sao? Vì công đức của Tam-muội này tối là thắng, không thể nghĩ bàn.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Ví như mọi dòng nước đều chảy vào biển cả và sẽ cùng một vị, sở dĩ như vậy là do năng lực của biển. Nếu thiện nam, thiện nữ không thể ghi chép, thọ trì, đọc tụng, chỉ được tạm nghe về Tam-muội báu này, tất cả cũng đều đạt được đạo Vô thượng. Vì sao? Vì do diệu lực của Tam-muội.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nếu người nói đúng về pháp môn của chư Phật thì được mẹ của Tam-muội, nói Tam-muội như vậy gọi là nói đúng. Nếu người nói đúng về Tam-muội như vậy thì được vô lượng, vô biên các thứ công đức, thâu nhận nuôi lớn, đó gọi là nói đúng.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Đại Bồ-tát tu hành bố thí, trong khoảng một niệm dùng các vật báu tốt đẹp dâng cúng hằng hà sa chư Phật Thế Tôn, nhờ công đức này sẽ được thành Phật. Nếu người nào ghi chép, thọ trì, đọc tụng, giảng nói Tam-muội này thì công đức ấy hơn hẳn phước bố thí của người kia, không thể tính đếm.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Ta nghĩ thuở quá khứ
Phật Minh Tướng Điều Ngự
Hết thảy các thế gian
Đều cùng chốn quy hướng.
Từ bi thương chúng sinh
Giảng nói các diệu pháp
Đại tri kiến của Phật
Soi tỏ pháp ba đời.
Đấng Phổ Nhãn như vậy
Bậc Tối thượng thế gian
Như Lai không nghĩ bàn
Trí lực sâu vô lượng.
Mở bày các pháp môn
Vì lợi ích quần sinh
Phát khởi tâm đại Bi
Cứu giúp vô lượng khổ.
Đấng Thiện Thệ Minh Tướng
Tám ức chúng Thanh văn
Đều là A-la-hán
Đã đoạn hết các lậu.
Là những bậc Ứng chân (A-la-hán)
Tùy tùng Đấng Pháp Vương
Thời có vườn An ẩn
Ở phía Đông bắc thành.
Chỗ Đại Tiên kinh hành
Cùng đông đủ Thánh chúng
Thời có vua Chuyển luân
Vi Mật rất dũng kiện.
Vì thương xót tất cả
Cùng nhau ra khỏi thành
Vua từ xa thấy Phật
Trong tâm rất hoan hỷ.
Tướng tốt hơn người đời
Oai nghi cũng khác hẳn
Vua đi bộ nghênh đón
Qua đến chỗ Thế Tôn.
Đến trước Đức Như Lai
Đầu mặt lễ sát chân
Chắp tay cung kính xong
Lui đứng qua một bên.
Thỉnh Phật nhận cúng dường
Phật mặc nhiên chấp nhận
Vua biết Phật nhận lời
Liền bảo các thuộc quan.
Quét dọn trong cung thành
Bày biện món ăn ngon
Vua lại tới chỗ Phật
Thưa đến giờ thọ thực.
Đức Thế Tôn thương xót
Nguyện ra oai thần lực
Cùng đủ các Thánh chúng
Sẽ đến nhận cúng dường.
Khi Phật nghe vua mời
Liền hiện đại thần biến
Phóng ngàn ức ánh sáng
Chiếu khắp mười phương cõi.
Trong mỗi mỗi ánh sáng
Hóa ra ức hoa sen
Thương xót các chúng sinh
Vì chúng hiện điềm này.
Lại bảo Bất Không Kiến:
Trong các hoa sen kia
Có vua đại oai đức
Tướng tốt rất đoan nghiêm.
Đều dùng ý tối thắng
Nói rộng pháp chư Phật
Các hành đều vô thường
Khổ, không cũng như thế.
Vô ngã không chân thật
Pháp này là biến diệt
Có người thông tuệ nào
Mà sinh tâm tham đắm.
Các hành như ánh lửa
Hư hoại, pháp chuyển dời
Phật Minh Tướng đại Bi
Diễn nói pháp như thế.
Chư Thiên thấy Thế Tôn
Liền phát đại thần thông
Tạo ra các nhạc hay
Bày hương hoa cúng dường.
Lành thật! Oai lực Phật
Không thể nêu bày được
Vua thấy thần thông rồi
Bày các thứ cúng dường.
Bỏ ngôi bốn thiên hạ
Cho đến năm dục lạc
Xuất gia giữ một lòng
Để tu đạo Bồ-đề.
Trong khi vua học đạo
Thưa hỏi Phật Minh Tướng
An trụ những pháp nào
Được Tam-muội của Phật?
Phật nói có hai pháp
Phải nên tu như thế
Được định thâm diệu ấy
Thí vui không nghĩ bàn.
Nghe Phật nói pháp rồi
Thân tâm đều hoan hỷ
Liền phát tâm Bồ-đề
Sẽ được Tam-muội này.
Vị Tỳ-kheo Vi Mật
Là Phật Liên Hoa Thượng
Nếu người tin Như Lai
Không phỉ báng kinh này.
Người ấy trụ cảnh Phật
Mau được Tam-muội ấy
Nếu người sợ sinh tử
Tâm không đắm nơi ngã.
Thường tu Xa-ma-tha
Và Tỳ-bà-xá-na
Tướng người ấy như vậy
Mau được Tam-muội này.
An trụ sợ hổ thẹn
Thường tu xả chân chánh
Lợi ích dốc khổ hạnh
Mau được vắng lặng ấy.
Quán pháp không tăng giảm
Tất cả như hư không
Bồ-tát thông tuệ ấy
Mau được Tam-muội này.
Không thấy các pháp khởi
Cũng không thấy pháp diệt
Luôn quán pháp vô thường
Cũng như mộng, huyễn, hóa.
Thường siêng năng học hạnh
Không lâu được định ấy
Không thấy pháp tướng khác
Chỉ thấy không sinh diệt.
Như bóng, vang, ánh lửa
Sẽ được Tam-muội này
Quán các pháp bình đẳng
Không có tướng sai khác.
Bên trong nghĩ không thân
Quán ngoài cũng như vậy
Không thấy danh tự kia
Cũng không có sinh diệt.
Nếu hay quán như thế
Mau được Tam-muội ấy
Khi Tỳ-kheo Vi Mật
Quán chắc như vậy rồi.
Đầu, giữa và cuối đêm
Tâm ông thường liên tục
Được nghe Như Lai nói
Không lâu được định này.
Chỉ trong khoảng một niệm
Liền chứng được Tam-muội
Được Bồ-đề không dứt
Liền thấy Phật mười phương.
Đủ các hành hữu vi
Tâm ông dần thanh tịnh
Tỳ-kheo ở sinh tử
Đủ mười sáu ngàn kiếp.
Từng cúng vô lượng ức
Các Đức Phật Thế Tôn
Sau đó được vắng lặng
Trụ nơi đạo Vô thượng.
Phật bảo Bất Không Kiến
Chớ nghi ngờ không tin
Ông là người sáng suốt
Chớ hoài nghi dị kiến.
Vị Tỳ-kheo lúc đó
Là Phật Liên Hoa Thượng
Nay ta nói với ông
Chư Thiên và thế gian.
Nếu muốn quán tất cả
Vô lượng các pháp ấy
Người này phải nên tu
Diệu Tam-muội như vậy.
Nếu có người ưa thích
Sinh vô lượng công đức
Thí các vui khó nghĩ
Nên trì Tam-muội này.
Nếu người thích muốn thấy
Ba đời Phật mười phương
Lại thích chuyển pháp luân
Nên trì Tam-muội này.
Nếu có người ưa thích
Đầy đủ các tướng tốt
Hiểu biết duyên sinh tử
Cũng đủ các cội lành.
Do đó nên thọ trì
Thắng Tam-muội như vậy
Nếu có người ưa thích
Xa lìa các nẻo ác.
Vì lợi ích chúng sinh
Nên trì Tam-muội này
Những người lành như vậy
Xưa đã từng cúng dường.
Chẳng phải một, hai, mười
Vô số ức chư Phật
Cầu Bồ-đề tối thượng
Được thọ trì Tam-muội.
Nếu người ưa thích cầu
Chánh niệm nghe Tam-muội
Đã từng cúng dường nhiều
Vô lượng Phật quá khứ.
Người siêng năng tu lâu
Quá khứ đã hành đạo
Nếu người ở chỗ kia
Nghe nói thắng Tam-muội.
Liền phát tâm hoan hỷ
Ý phấn khích vô lượng
Xưa đã từng cúng dường
Nhiều ức Thiên Trung Thiên.
Nếu ai với kinh này
Tâm thường tu tương tục
Đọc tụng và giảng nói
Thọ trì và biên chép.
Người này đã từng thấy
Vô lượng Đại Minh Lực
Ví như nơi chiến trường
Ra trận phóng tên độc.
Do nghe tiếng rống thuốc
Độc trừ, được vui vẻ
Nếu người nghe như vậy
Thắng định diệu Tam-muội.
Vì người nói pháp ấy
Được sức sáng Tam-muội
Vi lai sẽ thành Phật
Chỉ trừ người thân chứng.
Như công đức Tu-di
Người nương với sắc đó
Hành giả được tuệ sâu
Nghe định cũng như vậy.
Nếu có người được nghe
Tiếng Tam-muội tối thắng
Khối công đức người này
Lượng giống như biển lớn.
Quyết định Tam-muội sáng
Sẽ được đạo Bồ-đề
Ví như nước sông ngòi
Đều chảy vào biển cả.
Các dòng nước vốn khác
Nhưng đều cùng vị mặn
Nếu người nghe như vậy
Tam-muội đó vi diệu.
Liền cùng tánh Bồ-đề
Không khác, không phân biệt
Nếu có các Bồ-tát
Ở trong nhiều ức kiếp.
Siêng tu hành bố thí
Vì lợi ích tất cả
Phật là nơi nương tựa
Trồng khắp vô lượng nghiệp.
Các Bồ-tát như thế
Trải qua vô số kiếp
Tuy hành nghiệp bố thí
Nhưng phước chưa được nhiều.
Tâm từ nói Tam-muội
Công đức hơn người kia
Như mẹ sinh nuôi dưỡng
Tam-muội này cũng thế.
Hiện rõ khó nghĩ bàn
Công đức của chư Phật
Người ấy tuệ sáng suốt
Thường tu Tam-muội này.
Không lâu sẽ mau được
Phật An Nhiên Vô thượng.