SỐ 278
KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Pháp sư Phật-đà-bạt-đà-la, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 12: PHẠM HẠNH

Khi ấy, Thiên tử Chánh Niệm thưa với Bồ-tát Pháp Tuệ:

–Thưa Phật tử! Trong tất cả thế giới, các Đại Bồ-tát tin rằng nhà chẳng phải nhà nên bỏ nhà để học đạo, bỏ trang sức thế tục mặc Pháp y.

Các Bồ-tát ấy bằng những phương tiện nào để tu tập phạm hạnh? Đầy đủ địa vị trên con đường mười trụ của Bồ-tát, mau chứng đắc Vô thượng bình đẳng Bồ-đề?

Bồ-tát Pháp Tuệ đáp lời Thiên tử Chánh Niệm:

–Này Chánh sĩ! Đại Bồ-tát này, nên nhất hướng chuyên tâm cầu giác ngộ, trước hết phải phân biệt mười pháp. Đó là thân, thân nghiệp, miệng, khẩu nghiệp, ý, ý nghiệp, Phật, Pháp, Tăng, Giới. Nên quán sát như vầy: “Thân là phạm hạnh phải không?” cho đến “Giới là phạm hạnh phải không?”

Nếu thân là phạm hạnh, nên biết phạm hạnh không thanh tịnh, nên biết phạm hạnh là phi pháp, nên biết phạm hạnh là cấu trược, nên biết phạm hạnh là ô uế, nên biết phạm hạnh là trần cấu, nên biết phạm hạnh là nịnh bợ, nên biết phạm hạnh là tám vạn bốn ngàn vi trùng.

Nếu nghiệp của thân là phạm hạnh thì nên biết, bốn uy nghi của thân là phạm hạnh, nhìn ngó hai bên cất chân, bước chân là phạm hạnh.

Nếu miệng là phạm hạnh thì nên biết, âm thanh là phạm hạnh, lời nói là phạm hạnh, tâm xúc là phạm hạnh, lưỡi động là phạm hạnh, môi và răng hợp tác nhau là phạm hạnh.

Nếu nghiệp của miệng là phạm hạnh thì lời nói là phạm hạnh, những điều được nói như làm, không làm, đề cao, hiềm khích, chê, khen là phạm hạnh.

Nếu ý là phạm hạnh thì biết đến, quán sát, ghi nhớ, không quên, tư duy, mộng huyễn… Đều là phạm hạnh.

Nếu nghiệp của ý là phạm hạnh thì tưởng là phạm hạnh, thiết lập là phạm hạnh, lạnh nóng đói khát khổ vui buồn mừng đều là phạm hạnh.

Nếu Phật là phạm hạnh thì sắc là Phật, hay thọ, tưởng, hành, thức là Phật, ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp là Phật, tất cả quả báo thần thông là Phật phải không?

Nếu Pháp là phạm hạnh thì lời dạy đúng là Pháp, hay tịch diệt viễn ly Niết-bàn là Pháp, hay sinh vô sinh là Pháp, hay thật chẳng phải thật là Pháp, hư vọng là Pháp, hợp tan là Pháp phải không?

Nếu Tăng là phạm hạnh thì hướng Tu-đà-hoàn là Tăng, hay quả Tu-đà-hoàn là Tăng; hay hướng Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-lahán là Tăng, hay quả Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán là Tăng; hay ba Minh, sáu Thông là Tăng; hay thời giải thoát là Tăng; hay phi thời giải thoát là Tăng phải không?

Nếu Giới là phạm hạnh thì giới trường là Giới, hay chúng mười vị là Giới; hay hỏi về thanh tịnh, không thanh tịnh là Giới; hay giới sư là Giới, hay Yết-ma, Hòa thượng là Giới; hay cạo tóc, mặc y, khất thực là Giới phải không? Đại Bồ-tát nên quán sát mười pháp như vậy.

Lại nữa, biết quá khứ không sự đến, vị lai không sự có, hiện tại không tác giả, không người biết, không người thọ báo. Đời này không đến đời kia, đời kia không đến đời này.

Vậy những pháp gì gọi là phạm hạnh?

Pháp phạm hạnh là tại nơi nào? Ai có pháp phạm hạnh này? Pháp phạm hạnh này là có phải không? Là không phải không? Là sắc pháp phải không? Là chẳng phải sắc pháp phải không? Là pháp thọ, tưởng, hành, thức phải không? Là chẳng phải pháp thọ, tưởng, hành, thức phải không?

Đại Bồ-tát với chánh niệm không chướng ngại, quán sát phân biệt các pháp ba đời bình đẳng cũng như hư không. Không có hai tướng. Quán sát như vậy thì trí tuệ phương tiện không bị trở ngại, đối với tất cả pháp không có chấp lấy tướng. Tất cả các pháp không có tự tánh, nên đối với tất cả Phật và Phật pháp, quán sát bình đẳng như hư không, ấy gọi là phương tiện tu tập phạm hạnh thanh tịnh của Đại Bồ-tát.

Lại còn tu tập mười pháp tăng thượng.

Đó là trí biết đúng và sai; trí biết các nghiệp báo ba đời; trí khởi lên cấu và tịnh của tất cả thiền, Tam-muội, chánh thọ, giải thoát; trí biết căn tánh chúng sinh; trí tùy theo ý thích; trí các loại tánh; trí đạt đến các đạo quả; Túc mạng không chướng ngại; trí Thiên nhãn không chướng ngại; trí đoạn trừ các tập khí.

Theo như vậy, quán sát mười lực của Như Lai sâu xa vô lượng, nuôi dưỡng đầy đủ tâm đại Từ bi, phân biệt rõ tất cả chúng sinh mà không bỏ chúng sinh, cũng không bỏ tịch diệt; tu hành nghiệp vô thượng mà không cầu quả báo; quán sát tất cả pháp như huyễn, như mộng, như điệu, như âm vang, như biến hóa.

Đại Bồ-tát quán sát như vậy thì bằng phương tiện nhỏ ít cũng mau được công đức của chư Phật, thường ưa thích quán sát tướng pháp không hai. Ngay nơi chỗ này, khi mới phát tâm liền thành Chánh giác, biết được thật tánh của các pháp, thân đủ trí tuệ giác ngộ không do người khác.