KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
Hán dịch: Căn cứ vào bản dịch của Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, đời Tống
Sa-môn Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán và Cư sĩ Tạ Linh Vận sửa lại
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN VI

Phẩm 8: BỐN Y

Đức Phật lại bảo Ca-diếp:

–Này thiện nam! Trong kinh vi diệu Đại Bát Niết Bàn này, có bốn hạng người có thể hộ trì chánh pháp, kiến lập chánh pháp, nhớ nghĩ chánh pháp, có thể đem nhiều lợi ích, thương xót thế gian, làm chỗ nương tựa cho thế gian, đem an vui cho hàng trời, người. Những gì là bốn? Có người ra đời đủ tánh phiền não, đó là hạng người thứ nhất. Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, đó là hạng người thứ hai. A-na-hàm, đó là hạng người thứ ba. A-la-hán, đó là hạng người thứ tư. Bốn hạng người ấy xuất hiện ở đời thì họ có thể đem nhiều lợi ích và thương xót thế gian, làm chỗ nương tựa cho thế gian, đem an vui cho hàng trời, người.

Sao gọi là đủ tánh phiền não? Nếu có người có thể phụng trì giới cấm, oai nghi đầy đủ, kiến lập chánh pháp, từ chỗ Phật nghe hiểu ý nghĩa, rồi vì người khác phân biệt tuyên nói, như nói rằng, ít dục chính là đạo, nhiều dục chẳng phải đạo, rộng nói tám điều giác ngộ của bậc đại nhân, có người phạm tội thì dạy bảo khiến cho họ phát lồ sám hối, diệt trừ, giỏi biết pháp bí mật, việc làm phương tiện của Bồ-tát, thì đó gọi là phàm phu, chẳng phải Tu-đà-hoàn hướng. Tu-đà-hoàn hướng thì chẳng gọi là phàm phu mà gọi là Bồ-tát, chẳng gọi là Phật.

Hạng người thứ hai gọi là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm. Nếu hạng người này đạt được chánh pháp, thọ trì chánh pháp, theo Phật nghe pháp, thì họ theo đúng như điều đã nghe mà ghi chép, thọ trì, đọc tụng, rồi vì người khác giảng nói. Nếu nghe pháp rồi mà người ấy chẳng ghi chép, chẳng thọ trì, chẳng giảng nói mà nói rằng, nô tỳ v.v… những vật bất tịnh được Phật cho phép nuôi chứa thì đó là điều không có. Đó gọi là hạng người thứ hai. Người như vậy chưa được trú xứ thứ hai, thứ ba thì gọi là Bồ-tát đã được thọ ký.

Hạng người thứ ba gọi là A-na-hàm. A-na-hàm mà bài báng chánh pháp, hoặc nói rằng cho phép nuôi nô tỳ, người sai khiến v.v… vật bất tịnh, thọ trì sách luận, điển tịch của ngoại đạo và bị sự ngăn che của khách trần phiền não, bị sự che phủ của các nghiệp phiền não, hoặc che giấu xá lợi chân thật của Như Lai và bị sự não hại của ngoại bệnh, hoặc bị sự bức bách của bốn con rắn độc lớn, luận nói về ngã v.v… thì đó là điều không có. Nếu nói vô ngã thì có điều này. Nói tham đắm pháp thế gian thì đó là điều không có. Nếu người này nói Đại thừa nối tiếp nhau chẳng dứt thì có điều này. Người này nếu đã thọ thân mà có tám vạn loài trùng cũng là điều không có. Người đó vĩnh viễn lìa khỏi dâm dục, thậm chí trong mơ cũng chẳng xuất tinh thì có điều này. Ngày lâm chung, người ấy sinh ra sợ hãi thì đó cũng là điều không có. A-na-hàm nghĩa là gì? Nghĩa là người này chẳng trở lại, như trên đã nói, nhưng tội lỗi vĩnh viễn chẳng thể làm nhiễm ô, qua lại xoay vòng thì gọi là Bồ-tát đã được thọ ký, chẳng bao lâu thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó gọi là hạng người thứ ba.

Hạng người thứ tư gọi là A-la-hán. A-la-hán thì đoạn tuyệt phiền não, bỏ được gánh nặng, đạt được lợi mình, việc làm đã xong, trụ địa thứ mười, được trí tự tại, tùy theo sự ưa thích của người mà hiện đủ thứ sắc thân, đều có thể thị hiện đúng như sự trang nghiêm của họ, muốn thành Phật đạo thì liền có thể được. Người có thành tựu vô lượng công đức như vậy thì gọi là A-la-hán. Tên của bốn hạng người này xuất hiện ở đời thì thương yêu và có thể làm nhiều lợi ích cho thế gian, làm chỗ nương tựa của thế gian, đem an vui cho hàng trời, người, ở trong hàng trời, người là tối tôn, tối thắng, giống như Như Lai gọi là bậc Nhân Trung Thắng, là chỗ quy y.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con nay chẳng nương vào bốn hạng người này. Vì sao? Vì như trong kinh Cù-sư-la, Đức Phật vì Cù-sư-la nói: “Nếu Thiên, Ma, Phạm vì muốn phá hoại mà biến làm hình dáng Phật với đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm, với vòng sáng tròn một tầm, khuôn mặt tròn đầy giống như vầng trăng tròn sáng, tướng bạch hào ở giữa hai chân mày trắng như ngọc kha, tuyết, chúng trang nghiêm như vậy hướng đến ông thì ông phải xem xét định liệu hình tướng ấy hư hay thật. Đã hiểu biết rồi thì ông phải hàng phục”. Bạch Thế Tôn! Ma v.v… còn có thể biến làm hình dáng Phật, huống gì là chúng chẳng thể biến làm thân bốn hạng người như A-la-hán v.v… nằm ngồi trong không, hông trái tuôn ra nước, hông phải phát ra lửa, toàn thân phát ra khói lửa giống như đám cháy. Do nhân duyên này, con ở trong hoàn cảnh đó, lòng chẳng tin, hoặc họ có điều nói ra, con chẳng thể ghi nhận, cũng không có ý niệm cung kính, nương dựa.

Đức Phật dạy:

–Này thiện nam! Đối với lời nói của Ta nếu còn sinh nghi thì chẳng nên tín thọ, huống gì là lời của những người như vậy. Vậy ông phải khéo phân biệt biết là thiện hay bất thiện, là có thể làm hay chẳng thể làm. Làm được như vậy rồi thì mãi thọ hưởng niềm vui. Này thiện nam! Ví như chó trộm đang đêm vào nhà người. Nô tỳ, người làm của gia đình ấy nếu hay biết thì nên xua đuổi mắng rằng: “Mầy mau đi ra, nếu chẳng ra thì ta giết chết”. Con chó trộm nghe rồi liền đi khỏi, chẳng quay trở lại. Các ông từ nay cũng nên hàng phục ma Ba-tuần như vậy. Các ông nên nói: “Này Ba-tuần! Ngươi nay chẳng nên biến làm hình tượng như vậy, nếu cố tình làm thì ta sẽ dùng năm sự trói buộc để trói buộc ngươi”. Ma nghe thế rồi liền phải đi trở về, như con chó trộm kia chẳng quay trở lại nữa.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như Phật vì trưởng giả Cù-sư-la nói, nếu có thể hàng phục ma như vậy thì cũng có thể được gần với Đại Bát Niết Bàn. Như Lai hà tất nói bốn hạng người này là chỗ nương tựa. Như vậy lời nói của bốn hạng người này nhất định chưa đáng tin.

Đức Phật bảo Ca-diếp:

–Này thiện nam! Như Ta cũng nói như vậy, chẳng phải là chẳng vậy. Này thiện nam! Ta vì hàng Thanh văn có nhục nhãn, nói về việc hàng ma, chớ chẳng vì người tu học Đại thừa mà nói đâu. Hàng Thanh văn tuy có thiên nhãn mà gọi là nhục nhãn, người học Đại thừa tuy có nhục nhãn mà gọi là Phật nhãn. Vì sao? Vì kinh Đại thừa đó gọi là Phật thừa mà Phật thừa này là tối thượng, tối thắng. Này thiện nam! Ví như có người dũng kiện uy mãnh, có người khiếp nhược thường đến nương cậy. Người dũng kiện ấy thường dạy người khiếp nhược: “Ông phải cầm cung, nắm tên, học tập cách cầm giáo, câu liêm dài, dây tơ trói như vậy”. Người ấy lại bảo: Phàm chiến đấu thì tuy giày xéo chém giết nhưng chẳng nên tự sinh ra ý niệm kinh sợ, phải quán trời, người mà sinh tư tưởng xem thường, nên tự sinh ý tưởng dũng kiện. Hoặc khi có người không can đảm dũng mãnh mà giả làm kiện tướng cầm nắm cung tên, đao kiếm, đủ thứ binh khí để tự dương oai, đi đến trong trận thì ra sức hò hét. Ông đối với hạng người này cũng chẳng nên sinh ra lo sợ. Hạng người như vậy nếu thấy các ông chẳng kinh sợ, thì nên biết, hạng người này chẳng bao lâu sẽ tan hoại như con chó trộm kia. Này thiện nam! Như Lai cũng vậy, bảo các Thanh văn: Các ông chẳng nên sợ ma Ba-tuần, nếu ma Ba-tuần hóa làm thân Phật đến chỗ các ông thì các ông phải tinh cần kiên cố lòng mình khiến cho ma đó bị hàng phục. Khi ấy, ma liền lo buồn bỏ đi. Này thiện nam! Như người dũng kiện kia chẳng theo người khác tập tành, người học Đại thừa cũng như vậy, được nghe đủ thứ kinh điển thâm mật, lòng họ hân hoan chẳng sinh ra kinh sợ. Vì sao? Vì người tu học Đại thừa như vậy đã từng cúng dường cung kính lễ bái vô lượng vạn ức Đức Phật đời quá khứ, tuy có vô lượng ức ngàn chúng ma muốn đến xâm hại quấy nhiễu, ở trong trường hợp này, nhất định chẳng kinh sợ. Này thiện nam! Ví như có người được thuốc A-kiệt-đà thì chẳng sợ tất cả rắn độc. Vì rắn sợ tác dụng của thuốc đó nên cũng có thể tiêu trừ tất cả các độc. Kinh điển này cũng như vậy, như tác dụng của thuốc kia, chẳng sợ tất cả các ma độc ác, cũng có thể hàng phục khiến cho chúng chẳng khởi lên nữa.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như có con rồng tánh rất hung dữ, khi muốn hại người, hoặc dùng mắt nhìn, hoặc phun hơi độc. Vậy nên tất cả sư tử, cọp báo, sài lang, chó dữ v.v… đều sinh ra sợ hãi. Những loài ác thú đó nghe tiếng, thấy hình, hoặc chạm vào thân nó không loài nào chẳng mất mạng. Có người giỏi về chú thuật, dùng lực của chú có thể khiến cho các rồng, chim cánh vàng ác độc và những voi dữ, sư tử, cọp beo, sài lang v.v… trở nên nhu thuận hiền lành, đều có thể cỡi. Những ác thú như vậy thấy người giỏi chú thuật đó liền thuần phục. Thanh văn, Duyên giác cũng như vậy, thấy ma Ba-tuần đều sinh ra kinh sợ mà ma Ba-tuần thì lại chẳng sinh lòng sợ sệt, còn làm nghiệp ma nữa.

Người học Đại thừa này chẳng tin tưởng ưa thích thì trước hết dùng phương tiện hàng phục các ma, khiến cho chúng quy phục, chấp nhận Đại thừa. Rồi nhân đó vì chúng giảng nói rộng rãi đủ thứ diệu pháp. Thanh văn, Duyên giác thấy ma điều phục rồi thì chẳng sinh sợ hãi nữa mà đối với chánh pháp vô thượng Đại thừa này mới sinh tin ưa. Họ nói lên như vầy: “Chúng ta từ nay chẳng nên ở trong chánh pháp này mà tạo tác chướng ngại”.

Lại nữa, này thiện nam! Thanh văn, Duyên giác đối với các phiền não mà sinh sợ hãi, còn người học Đại thừa thì đều không sợ sệt. Học Đại thừa thì có lực như vậy. Do nhân duyên này, như trước đã nói, vì muốn khiến cho Thanh văn, Duyên giác kia điều phục các ma, chẳng phải vì Đại thừa. Kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này chẳng thể tiêu mất. Rất lạ kỳ! Rất đặc biệt! Nếu có người nghe mà nghe rồi tín thọ thì có thể tin Như Lai là pháp thường trụ. Người như vậy rất là hy hữu, như hoa Ưu-đàm. Sau khi Ta Niết-bàn, nếu có người được nghe kinh điển Đại thừa vi diệu như vậy mà sinh lòng tin, cung kính thì nên biết rằng, những người này vào đời vị lai, trong trăm ngàn ức kiếp, chẳng rơi vào đường ác.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ-tát Ca-diếp:

–Này thiện nam! Sau khi Ta Niết-bàn, sẽ có trăm ngàn vô lượng chúng sinh bài báng, chẳng tin kinh điển Đại Niết-bàn vi diệu này.

Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Lâu hay mau sau khi Phật diệt độ thì những chúng sinh này sẽ bài báng kinh đó? Thưa Thế Tôn! Lại có những chúng sinh thuần thiện nào có thể cứu độ những kẻ bài báng pháp này?

Đức Phật bảo Ca-diếp:

–Này thiện nam! Sau khi Ta Niết-bàn trong vòng bốn mươi năm thì kinh này lưu hành trải khắp cõi Diêm-phù-đề. Sau đó, kinh này mới ẩn chìm dưới đất. Này thiện nam! Ví như mía ngọt, gạo ngon, đường, váng sữa, bơ, đề hồ, tùy theo chỗ có chúng mà dân chúng nơi ấy đều cho rằng, thứ này là vị ngon bậc nhất trong các vị. Hoặc có người ăn thuần gạo lúa tẻ và hạt kê thì người đó cũng nói món ăn của mình là bậc nhất, đó là người bạc phước chịu nghiệp báo. Nếu là người phước đức thì ngay cả tai họ cũng chẳng nghe đến tên của gạo tẻ, hạt kê, mà món ăn của họ chỉ toàn là gạo ngon, mía ngọt, đường, đề hồ v.v… Kinh điển Đại Niết-bàn vi diệu này cũng như vậy, kẻ độn căn, bạc phước chẳng ưa lắng nghe như người bạc phước ghét gạo ngon và đường v.v… Hàng Nhị thừa cũng như vậy, ghét kinh Đại Niết-bàn vô thượng. Hoặc có chúng sinh tâm họ ưa nghe thọ kinh này, nghe rồi vui mừng, chẳng sinh bài báng, như người phước đức kia ăn toàn gạo ngon.

Này thiện nam! Ví như có vị vua ở tại vùng núi sâu, chỗ ác hiểm nạn, tuy có mía ngọt, gạo ngon, đường, nhưng do khó có được chúng nên tham tiếc, gom chứa chẳng dám ăn, sợ hết những thứ ấy, nên chỉ ăn gạo tẻ, hạt kê. Có vị quốc vương khác nghe thế mà thương xót, liền dùng xe chở gạo ngon, mía ngọt đem biếu vị vua đó. Vị vua ấy nhận rồi liền đem phân phát cho cả nước cùng ăn. Dân chúng ăn rồi đều sinh vui mừng, nói lên: “Nhờ đức vua đó nên chúng ta được món ăn hiếm có này”. Này thiện nam! Bốn hạng người này cũng như vậy, là vị tướng của đại pháp vô thượng này. Trong bốn hạng người đó, hoặc có một người thấy vô lượng Bồ-tát ở phương xa tuy học kinh điển Đại thừa như vậy, hoặc tự ghi chép, hoặc khiến người khác ghi chép, nhưng vì lợi dưỡng, vì tiếng khen, vì tìm hiểu giáo pháp, vì nương tựa, vì dùng để trao đổi những kinh khác mà chẳng thể vì người khác tuyên nói rộng rãi, nên người ấy đem kinh điển vi diệu này đến địa phương đó cho vị Bồ-tát kia, khiến cho họ phát tâm Bồ-đề vô thượng, an trụ ở đạo Bồđề. Vị Bồ-tát đó được kinh này rồi liền vì người khác diễn nói rộng rãi, khiến cho vô lượng chúng sinh được thọ pháp vị Đại thừa như vậy. Tất cả đều nhờ sức của vị Bồ-tát này mà kẻ chưa nghe kinh đều khiến cho được nghe, như dân chúng kia nhờ sức của vị vua nên được món ăn hiếm có.

Lại nữa, này thiện nam! Chỗ đã lưu hành kinh điển Đại Niết-bàn vi diệu này, ông nên biết, đất chỗ ấy tức là kim cương, những người trong chỗ đó cũng như kim cương. Nếu người nào có thể nghe kinh như vậy thì chẳng thoái chuyển Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tùy theo sở nguyện của người ấy đều được thành tựu. Đúng như những điều mà Ta hôm nay đã tuyên nói, Tỳ-kheo các ông nên khéo thọ trì. Nếu có chúng sinh chẳng thể lắng nghe kinh điển như vậy thì nên biết rằng, người này đáng thương xót. Vì sao? Vì người đó chẳng thể thọ trì nghĩa thâm diệu của kinh điển Đại thừa như vậy.

Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Sau khi Như Lai diệt độ, trong vòng bốn mươi năm, kinh điển Đại Niết-bàn Đại thừa này lưu hành trải rộng ở cõi Diêm-phù-đề. Qua khỏi thời gian đó về sau kinh ẩn chìm vào đất, rồi sau đó bao lâu nữa thì kinh này sẽ xuất hiện trở lại?

Đức Phật dạy:

–Này thiện nam! Nếu chánh pháp của Ta còn hơn tám mươi năm thì bốn mươi năm đầu kinh này lại sẽ ở cõi Diêm-phù-đề tuôn mưa pháp lớn.

Bồ-tát Ca-diếp lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như vậy khi kinh điển chánh pháp diệt, khi chánh giới hủy, khi phi pháp tăng trưởng, khi không có chúng sinh theo đúng pháp thì ai có thể nghe thọ, phụng trì, đọc tụng khiến cho sự cúng dường, cung kính, ghi chép, giảng nói được thông suốt? Kính xin Như Lai thương xót chúng sinh mà phân biệt, giảng nói rộng rãi, khiến cho các Bồ-tát nghe rồi thọ trì, thọ trì rồi liền được tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chẳng thoái chuyển.

Bấy giờ, Đức Phật khen Ca-diếp:

–Hay thay! Hay thay! Này thiện nam! Nay ông khéo có thể hỏi nghĩa như vậy. Này thiện nam! Nếu có chúng sinh ở chỗ các Đức Như Lai nhiều như cát sông Hi Liên phát tâm Bồ-đề thì mới có thể ở cõi đời ác này thọ trì kinh điển như vậy mà chẳng sinh bài báng. Này thiện nam! Nếu có chúng sinh ở chỗ các Đức Như Lai nhiều bằng số cát một sông Hằng, phát tâm Bồ-đề thì sau đó mới có thể ở trong cõi đời ác, chẳng bài báng pháp đó, ưa thích kinh điển đó mà chẳng thể vì mọi người phân biệt diễn nói rộng rãi. Này thiện nam! Nếu có chúng sinh ở chỗ các Đức Như Lai nhiều bằng hai lần cát sông Hằng, phát tâm Bồđề thì sau đó mới có thể ở trong cõi đời ác, chẳng bài báng pháp này mà hiểu đúng tin ưa, thọ trì đọc tụng, nhưng cũng lại chẳng thể vì người khác giảng nói rộng rãi. Này thiện nam! Nếu có chúng sinh ở chỗ các Đức Phật nhiều bằng ba lần cát sông Hằng, phát tâm Bồ-đề thì sau đó mới có thể ở trong cõi đời ác, chẳng bài báng pháp này mà thọ trì, đọc tụng, chép thành kinh quyển, tuy có vì người khác diễn nói nhưng chưa giải được nghĩa sâu. Này thiện nam! Nếu có chúng sinh ở chỗ các Đức Như Lai nhiều bằng bốn lần cát sông Hằng, phát tâm Bồđề thì sau đó mới có thể ở trong cõi đời ác, chẳng bài báng pháp này mà thọ trì, đọc tụng, chép thành kinh quyển, vì người khác giảng nói rộng rãi được nghĩa một phần trong mười sáu phần, tuy có diễn nói nhưng cũng chẳng đầy đủ. Này thiện nam! Nếu có chúng sinh ở chỗ các Đức Như Lai nhiều bằng năm lần cát sông Hằng, phát tâm Bồ-đề thì sau đó mới có thể ở trong cõi đời ác, chẳng bài báng pháp này mà thọ trì, đọc tụng, chép thành kinh quyển, vì người khác giảng nói rộng rãi được nghĩa tám phần trong mười sáu phần. Nếu có chúng sinh ở chỗ các Đức Như Lai nhiều bằng sáu lần cát sông Hằng, phát tâm Bồ-đề thì sau đó mới có thể ở trong cõi đời ác, chẳng bài báng pháp này mà thọ trì, đọc tụng, chép thành kinh quyển, vì người khác giảng nói rộng rãi được nghĩa mười hai phần trong mười sáu phần. Nếu có chúng sinh ở chỗ các Đức Như Lai nhiều bằng bảy lần cát sông Hằng, phát tâm Bồđề thì sau đó mới có thể ở trong cõi đời ác, chẳng bài báng pháp này mà thọ trì, đọc tụng, chép thành kinh quyển, vì người khác giảng nói rộng rãi được mười bốn phần nghĩa trong mười sáu phần. Nếu có chúng sinh ở chỗ các Đức Như Lai nhiều bằng tám lần cát sông Hằng, phát tâm Bồ-đề thì sau đó mới có thể ở trong cõi đời ác, chẳng bài báng pháp này, mà thọ trì, đọc tụng, sao chép thành kinh quyển, cũng khuyên người khác khiến cho họ sao chép, tự mình có thể nghe thọ rồi lại khuyên người khác, khiến cho được nghe thọ trì, đọc tụng thông suốt, ủng hộ kiên trì, vì thương xót các chúng sinh trong thế gian nên cúng dường kinh này, cũng khuyên người khác khiến cho họ cúng dường, cung kính, tôn trọng, đọc tụng, lễ bái cũng như vậy. Người này có thể giảng nói đầy đủ hết ý nghĩa của kinh ấy, đó là Như Lai thường trụ, bất biến, rốt ráo an vui, rộng giảng nói chúng sinh đều có Phật tánh, giỏi biết hết pháp tạng của Như Lai. Cúng dường các Đức Phật như vậy rồi, kiến lập chánh pháp vô thượng như vậy mà thọ trì ủng hộ. Nếu có người mới phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì nên biết người này ở đời vị lai nhất định có thể kiến lập chánh pháp như vậy mà thọ trì, ủng hộ. Vậy ông nay chẳng nên chẳng biết người hộ pháp trong đời vị lai. Vì sao? Vì người phát tâm này nhất định ở đời vị lai có thể hộ trì chánh pháp vô thượng. Này thiện nam! Có vị Tỳ-kheo ác nghe Ta Niết-bàn, chẳng sinh lo buồn mà nghĩ: “Ngày hôm nay Như Lai Bát-niết-bàn, sao mà vui sướng thế! Như Lai còn ở đời ngăn lợi dưỡng của chúng ta. Nay Như Lai vào Niết-bàn thì còn có ai có thể ngăn cản ta. Nếu không người ngăn cản thì ta sẽ trở lại được lợi dưỡng như cũ. Như Lai tại thế, giới cấm nghiêm ngặt, nay Ngài vào Niết-bàn thì sẽ buông bỏ hết. Việc thọ ca-sa vốn là nghi thức của Phật thì nay sẽ phế bỏ hết như cờ phướn đầu cây”. Những người như vậy bài báng chống lại kinh điển Đại thừa này. Này thiện nam! Ông nay cần phải nhớ giữ như vậy. Nếu có chúng sinh thành tựu đầy đủ vô lượng công đức thì mới có thể tin kinh điển Đại thừa này, tin rồi thọ trì. Còn bao chúng sinh còn lại, có người ưa pháp, nếu có thể vì họ giảng nói rộng rãi kinh này, thì những người ấy nghe rồi, những nghiệp ác đã làm trong vô lượng vô số kiếp đời quá khứ đều trừ diệt hết. Nếu có người chẳng tin kinh điển này thì hiện tại thân họ sẽ bị sự não hại của vô lượng bệnh khổ, phần nhiều bị người nhìn thấy sự hủy nhục, mắng chửi, sau khi mạng chung bị người khinh khi, dung mạo xấu xí, hèn hạ, đời sống gian nan, thường chẳng đủ sống, tuy lại ít bị thô rít, tệ ác nhưng đời đời thường ở trong gia đình bần cùng, hạ tiện, bài báng chánh pháp, tà kiến. Nếu khi họ lâm chung thì hoặc gặp đao binh dấy khởi hoảng loạn, hoặc bị bức bách của đế vương bạo ngược, oán gia thù địch. Tuy có bạn lành mà chẳng gặp gỡ, nhu cầu đời sống cầu chẳng thể được, ít được lợi lộc thường gặp nạn đói khát. Họ chỉ là hạng hiểu biết tầm thường mà quốc vương, đại thần đều chẳng chọn lấy. Giả sử lại có nghe lời tuyên nói của người ấy cho dù hợp lý đi nữa thì nhất định chẳng ai tín thọ. Người như vậy chẳng đến được chỗ tốt lành. Như con chim gẫy cánh chẳng thể bay đi, người này cũng vậy, vào đời vị lai, chẳng thể được đến chỗ tốt của hàng trời, người. Nếu lại có người có thể tin kinh điển Đại thừa như vậy thì dù trước đã thọ hình hài thô bỉ, nhưng nhờ công đức của kinh điển liền trở nên đoan chánh, oai phong, nhan sắc sức lực ngày lại càng tăng thêm, thường được hàng trời, người nhìn ngắm, cung kính, thương mến, tình không lìa bỏ. Quốc vương, đại thần và gia đình quyến thuộc nghe lời nói của người ấy đều cung kính, tín thọ. Nếu trong đệ tử Thanh văn của Ta ai muốn làm việc hy hữu đệ nhất thì phải vì thế gian rộng tuyên nói kinh điển Đại thừa như vậy.

Này thiện nam! Ví như sương mù tuy muốn trụ lại nhưng chẳng qua khỏi mặt trời mọc. Mặt trời đã mọc rồi thì nó liền tan mất không còn. Này thiện nam! Nghiệp ác của chúng sinh này cũng như vậy, thế lực trụ thế của chúng chẳng qua được khi thấy mặt trời Đại Niết-bàn. Mặt trời này mà đã xuất hiện thì có thể trừ diệt tất cả nghiệp ác.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như có người xuất gia, cạo bỏ râu tóc, tuy mặc ca-sa mà chưa được thọ mười giới Sa-di. Hoặc có ông trưởng giả đến thỉnh chúng Tăng, người chưa thọ giới cũng cùng với đại chúng chung nhận lời mời. Người này tuy chưa thọ giới nhưng đã ở vào tăng số. Này thiện nam! Nếu có chúng sinh phát tâm bắt đầu học kinh điển Đại Niết-bàn Đại thừa, sao chép, thọ trì, đọc tụng cũng như vậy, tuy họ chưa đầy đủ ngôi bậc thập trụ nhưng đã nằm trong số thập trụ. Hoặc có chúng sinh là đệ tử của Phật, hoặc chẳng phải là đệ tử của Phật, nếu nhân tham lam keo kiệt hoặc nhân lợi dưỡng mà nghe thọ kinh này thậm chí chỉ một câu kệ, nghe rồi chẳng bài báng thì ông phải biết rằng, người đó tức là đã gần với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này thiện nam! Do nhân duyên đó, Ta nói bốn hạng người làm chỗ nương cho thế gian. Này thiện nam! Bốn hạng người mà cho rằng lời Phật đã nói chẳng phải Phật nói thì đó là điều không có. Vậy nên Ta nói, bốn hạng người như vậy là chỗ nương của thế gian. Này thiện nam! Ông nên cúng dường bốn hạng người như vậy.

–Bạch Thế Tôn! Con sẽ làm sao biết được người đó mà vì họ cúng dường?

Đức Phật bảo Ca-diếp:

–Nếu có sự kiến lập, hộ trì chánh pháp thì nên theo khải thỉnh những người như vậy và nên xả bỏ thân mạng để cúng dường họ, như Ta đối với kinh điển Đại thừa này nói:

Có người biết pháp
Hoặc trẻ hoặc già
Phải nên cúng dường
Cung kính lễ bái
Như Bà-la-môn
Phụng sự thần lửa
Có người biết pháp
Hoặc trẻ hoặc già
Phải nên cúng dường
Cung kính lễ bái
Cũng như chư Thiên
Phụng sự Đế thích.

Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như lời Phật dạy thì cúng dường Sư trưởng phải đúng như vậy. Nhưng nay con có điều nghi, nguyện xin Thế Tôn giảng nói rộng rãi. Nếu có bậc trưởng túc hộ trì giới cấm mà theo hàng niên thiếu hỏi thọ điều chưa nghe thì thế nào? Người già đó phải kính lễ chăng? Nếu phải kính lễ thì chẳng gọi là trì giới. Nếu là hàng niên thiếu hộ trì giới cấm mà theo những kẻ già cả phá giới thưa hỏi, thọ lãnh điều chưa nghe, thì có nên lễ bái không? Nếu người xuất gia theo người tại gia thưa hỏi thọ lãnh điều chưa nghe, thì có phải lễ bái không? Nhưng mà người xuất gia chẳng nên lễ kính người tại gia, còn trong pháp Phật thì trẻ con ít tuổi cần phải cung kính bậc già cả trưởng túc. Do bậc trưởng túc này đã thọ giới cụ túc trước, thành tựu oai nghi, nên cần phải cúng dường cung kính. Như Phật nói, người phá giới trong pháp Phật chẳng dung nạp, giống như ruộng tốt có nhiều cỏ bông kê. Lại nữa, như Phật nói, có người biết pháp hoặc già hoặc trẻ nên cúng dường như phụng sự Đế thích. Như vậy nghĩa của hai câu ấy ra sao? Chẳng phải là Như Lai nói hư vọng sao? Như Phật nói, Tỳ-kheo trì giới cũng có điều hủy phạm, vì sao Như Lai nói lời nói đó? Bạch Thế Tôn! Cũng ở trong các kinh khác Thế Tôn nói cho phép trị tội kẻ phá giới.

Như vậy ý nghĩa của lời nói ấy chưa rõ.

Đức Phật bảo Ca-diếp:

–Này thiện nam! Ta vì những người học Đại thừa đời vị lai như các vị Bồ-tát v.v… mà nói kệ như vậy, chứ chẳng vì các đệ tử Thanh văn mà nói. Này thiện nam! Như trước Ta đã nói, khi chánh pháp diệt, chánh giới hủy hoại, khi phá giới tăng trưởng, phi pháp hưng thịnh, khi tất cả Thánh nhân ẩn chẳng hiện, khi kẻ tu hành nhận nuôi nô tỳ, chứa vật bất tịnh v.v… thì trong bốn hạng người này sẽ có một người xuất hiện ở thế gian, cạo bỏ râu tóc, xuất gia tu đạo. Người ấy thấy các Tỳkheo ai nấy đều nhận nuôi nô tỳ, người sai bảo, chứa vật bất tịnh, tịnh cùng bất tịnh tất cả chẳng biết, đúng luật chẳng phải luật cũng chẳng biết. Người này vì muốn điều phục những Tỳ-kheo như vậy nên cùng hòa quang nhưng chẳng đồng trần với họ, có thể phân biệt việc làm của mình và việc làm của Phật. Người ấy tuy thấy những người phạm Ba-la-di nhưng mặc nhiên chẳng cử tội. Vì sao? Vì người ấy nghĩ ta ra đời là vì muốn kiến lập, hộ trì chánh pháp. Vậy nên ta mặc nhiên mà chẳng bắt bẻ, sửa trị. Này thiện nam! Người như vậy là hộ pháp, tuy có chỗ phạm nhưng chẳng gọi là phá giới.

Này thiện nam! Ví như vị quốc vương mắc bệnh băng hà, vua kế vị còn nhỏ dại chưa đủ sức nối ngôi. Có người Chiên-đà-la giàu có, của cải không lường, có nhiều quyến thuộc, liền dùng sức mạnh, nhân khi đất nước suy yếu liền soán đoạt ngôi vua. Hắn cai trị chưa lâu thì người trong nước, cư sĩ, Bà-la-môn v.v… làm phản lánh xa, sang nước khác. Tuy có người còn ở lại nhưng thậm chí chẳng muốn nhìn thấy vua đó. Hoặc có trưởng giả, Bà-la-môn v.v… chẳng rời nước mình thì ví như các cây theo chỗ sinh sống của mình mà chết tại nơi đó. Vua Chiên-đà-la biết người của nước mình đào tẩu làm phản muốn trở về nên sai các Chiên-đà-la canh giữ các con đường. Rồi ở trong bảy ngày, ông cho đánh trống, xướng lệnh: “Các Bà-la-môn có thể vì ta làm lễ quán đảnh thì sẽ phân nửa nước để phong thuởng”. Các Bà-la-môn tuy nghe lời nói đó nhưng không đến mà đều nói: “Làm gì có hạng Bà-la-môn làm việc như thế?”. Vua Chiên-đà-la lại nói: “Trong hàng Bà-la-môn không có một người vì ta làm thầy thì ta cần phải làm cho các Bà-lamôn cùng với Chiên-đà-la sống chung, ăn ở và làm việc đồng nhau. Nếu có người đến làm lễ quán đảnh cho ta thì phong cho nửa nước, lời này chẳng hư dối. Thuốc cam lồ bất tử thượng diệu của trời Ba Mươi Ba do sức thần chú cầu được, ta cũng sẽ cùng phân chia cho uống”.

Bấy giờ, có con của một Bà-la-môn, ở tuổi đội mão, tu tập tịnh hạnh, tướng tóc dài, giỏi biết chú thuật, đi đến chỗ vua, tâu: “Tâu đại vương! Lời truyền của nhà vua, tôi đều có thể làm”. Bấy giờ, nhà vua vui mừng nhận đồng tử này làm thầy quán đảnh. Các Bà-la-môn nghe việc này rồi đều sinh giận dữ, trách đồng tử này: “Này Bà-la-môn! Sao ông nhận làm thầy của Chiên-đà-la?”. Lúc ấy, vị vua ấy liền chia nửa nước cho đồng tử đó. Rồi cùng nhau trị nước trải qua một thời gian dài. Lúc này đồng tử nói với vị vua kia: “Tôi bỏ gia pháp đến làm thầy của vua, đã dạy hết cho đại vương chú thuật vi mật mà nay đại vương còn chẳng thấy gần gũi”. Nhà vua đáp: “Ta nay làm sao mà chẳng gần gũi với ông?”. Đồng tử đáp: “Thuốc bất tử của nhà vua trước đây còn chưa uống chung với nhau”. Nhà vua nói: “Hay thay! Hay thay! Thưa đại sư! Ta thật chẳng biết, nếu thầy cần thì xin hãy cầm đi”. Khi đó, đồng tử nghe lời của vua nói rồi liền mang về nhà mời các vị đại thần cùng nhau uống thuốc đó. Các đại thần uống rồi cùng tâu với vua: “Vui sướng thay! Vị đại sư có thứ thuốc cam lồ bất tử đó”. Nhà vua đã biết rồi liền nói với vị sư ấy: “Tại sao đại sư chỉ cùng với các đại thần uống cam lồ mà chẳng thấy phân chia cho ta”. Bấy giờ, đồng tử liền dùng thuốc trộn độc khác dâng cho nhà vua uống. Nhà vua uống rồi, trong giây lát thuốc phát làm mê loạn, ngã lăn xuống đất, không hay biết gì cả, giống như người chết. Khi ấy, đồng tử lập tự quân làm vua và nói như vầy: “Theo pháp ngự tòa sư tử thì chẳng nên để cho Chiên-đà-la lên ngồi. Ta từ xưa đến nay chưa từng nghe thấy dòng Chiên-đà-la mà làm vua. Nếu Chiên-đà-la cai trị đất nước, quản lý muôn dân thì đó là điều không có. Đại vương nay nên trở lại nối ngôi tiên vương, đem chánh pháp cai trị đất nước”. Bấy giờ, đồng tử xử lý việc đó rồi, lại đem thuốc giải cho người Chiên-đà-la khiến cho ông ta tỉnh dậy. Tỉnh dậy rồi, ông bị đuổi ra khỏi nước. Lúc ấy, vị đồng tử tuy làm việc đó nhưng chẳng làm mất pháp của Bà-la-môn. Những cư sĩ, Bà-la-môn khác v.v… nghe việc làm này đều khen chưa từng có và nói: “Hay thay! Hay thay! Ông giỏi có thể xua đuổi được vua Chiên-đà-la”. Này thiện nam! Việc hộ trì chánh pháp sau khi Ta Niết-bàn đối với các Bồ-tát cũng như vậy. Bồ-tát dùng sức phương tiện cùng với hạng Tăng phá giới giả danh nhận nuôi tất cả vật bất tịnh kia, cùng làm việc với họ. Bấy giờ, Bồ-tát nếu thấy có người tuy phạm nhiều giới nhưng có thể sửa trị các Tỳ-kheo ác hủy phạm giới cấm, liền đến chỗ người ấy cung kính, lễ bái cúng dường tứ sự, kinh sách, đồ lặt vặt đều đem dâng cúng. Như Bồ-tát tự mình không có gì thì cần phải phương tiện theo các đànviệt cầu xin để cho người đó. Vì làm việc nầy nên cần nuôi tám thứ vật bất tịnh. Vì sao? Vì người này cần sửa trị các Tỳ-kheo ác như đồng tử kia xua đuổi Chiên-đà-la vậy. Bấy giờ, Bồ-tát tuy lại cung kính lễ bái người nhận nuôi tám thứ vật bất tịnh nhưng đều không có tội. Vì sao? Do Bồ-tát này vì muốn đuổi, sửa trị các Tỳ-kheo ác, khiến cho Tăng thanh tịnh được ở yên ổn, lưu hành kinh điển Phương Đẳng Đại Thừa, đem lợi ích cho tất cả hàng trời, người. Này thiện nam! Do nhân duyên này, ở trong kinh Ta nói hai bài kệ đó, khiến cho các vị Bồ-tát đều cùng khen ngợi người hộ trì pháp, như những Cư sĩ, Bà-la-môn kia khen ngợi vị đồng tử là: “Hay thay! Hay thay!” Bồ-tát hộ pháp phải nên như vậy. Nếu có người thấy người hộ pháp cùng với người phá giới đồng làm việc với nhau mà nói có tội thì phải biết người nói đó tự nhận lấy tai ương, còn người hộ pháp thật ra không có tội. Này thiện nam! Nếu có Tỳ-kheo phạm giới cấm rồi, vì lòng kiêu mạn nên che giấu, chẳng hối lỗi thì phải biết người đó gọi là chân phá giới. Đại Bồ-tát vì hộ pháp nên tuy có phạm mà chẳng gọi là phá giới. Vì sao? Vì không kiêu mạn mà hối lỗi. Này thiện nam! Vậy nên Ta ở trong kinh che tướng, nói kệ như vậy:

Có người biết pháp
Hoặc già hoặc trẻ
Phải nên cúng dường
Cung kính làm lễ
Như Bà-la-môn
Phụng sự thần lửa
Như đệ nhị thiên
Phụng sự Đế thích.

Do nhân duyên này, Ta cũng chẳng vì người học Thanh văn mà chỉ vì Bồ-tát nói bài kệ đó.

Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như vậy Đại Bồ-tát đối với giới buông lỏng thì giới đã thọ còn đủ chăng?

Đức Phật dạy:

–Này thiện nam! Ông nay chẳng nên nói như vậy. Vì sao? Vì giới đã thọ thì như cũ chẳng mất. Giả sử có sự sai phạm thì tức thời sám hối, mà sám hối rồi thì thanh tịnh. Này thiện nam! Như sự cố con đê thủng vỡ là do có lỗ nước rỉ thấm. Vì sao? Vì không có người tu bổ. Nếu có người tu bổ thì nước chẳng chảy ra. Bồ-tát cũng vậy, tuy cùng kẻ phá giới chung bố tát, thọ giới, tự tứ, cùng làm việc Tăng nhưng có giới luật, chẳng như con đê thủng vỡ rỉ thấm. Vì sao? Vì nếu không có trì giới thanh tịnh thì chúng Tăng tổn giảm, buông thả, lười biếng ngày một thêm lớn. Còn nếu có người trì giới thanh tịnh tức là có thể đầy đủ, chẳng mất giới căn bản. Này thiện nam! Người buông thả đối với thừa thì mới gọi là buông thả, còn đối với giới thì chẳng gọi là buông thả. Đại Bồ-tát đối với Đại thừa này lòng chẳng biếng nhác kiêu mạn thì gọi là phụng giới, vì hộ trì chánh pháp mà dùng nước Đại thừa tự tắm gội. Vậy nên Bồ-tát tuy hiện phá giới nhưng chẳng gọi là buông thả.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Trong chúng Tăng của Phật có bốn hạng người như quả cây Am-la sống, chín khó biết; phạm giới, trì giới làm sao có thể nhận biết được?

Đức Phật dạy:

–Này thiện nam! Nhờ vào kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn thì dễ biết. Sao gọi là nhờ kinh Đại Niết-bàn này có thể biết được? Ví như người làm ruộng gieo trồng lúa ngon, làm cỏ trừ hết cỏ lồng vực, bông kê, dùng mắt thường quan sát gọi là ruộng sạch. Đến khi thành hạt thì cây lúa lá cỏ đều khác. Như vậy tám việc có thể làm ô nhiễm Tăng, nếu có thể trừ khử thì dùng mắt thịt quan sát biết được thanh tịnh. Hoặc trì giới hay phá giới khi chẳng làm ác mà dùng mắt thịt quan sát thì khó có thể phân biệt. Nếu ác lộ rõ rệt thì dễ có thể biết như cỏ lồng vực, bông kê kia dễ có thể phân biệt. Trong chúng Tăng cũng vậy, nếu có thể xa lìa tám thứ pháp rắn độc bất tịnh thì gọi là ruộng phước Thánh chúng thanh tịnh, nên được sự cúng dường của hàng trời, người, quả báo thanh tịnh, chẳng phải là điều có thể phân biệt được của nhục nhãn.

Lại nữa, này thiện nam! Như rừng Ca-la-ca có rất nhiều loại cây Ca-la-ca và chỉ có một cây tên là Trấn-đầu-ca. Trái của hai cây Ca-laca và Trấn-đầu-ca này tương tự nhau, chẳng thể phân biệt. Khi quả ấy chín, có một nữ nhân nhặt lấy trái cây Trấn-đầu-ca chỉ có một phần, còn quả Ca-la-ca có đến mười phần. Người nữ này chẳng biết mang đến chợ mà bày bán. Trẻ con ngu dại lại chẳng phân biệt được nên mua quả Ca-la-ca ăn rồi mạng chung. Hạng người trí nghe chuyện này rồi, liền hỏi nữ nhân: “Chị nhặt được quả này ở đâu mà mang đến đây”. Lúc đó người đàn bà chỉ nơi nhặt quả. Mọi người liền nói: “Như vậy nơi đó có vô lượng cây Ca-la-ca mà chỉ có một cây Trấn-đầu-ca”. Mọi người biết rồi, cười mà bỏ đi.

Này thiện nam! Tám pháp bất tịnh trong đại chúng cũng như vậy. Ở trong chúng này có nhiều người thọ dụng tám pháp như vậy, chỉ có một người trì giới thanh tịnh, chẳng thọ dụng tám pháp bất tịnh ấy. Người ấy giỏi biết những người nhận chứa phi pháp mà vẫn cùng đồng sự, chẳng lìa bỏ nhau như chỉ có một cây Trấn-đầu-ca trong rừng kia. Có Ưu-bà-tắc thấy những người này có nhiều việc phi pháp đều chẳng cung kính cúng dường. Người này nếu muốn cúng dường thì nên hỏi trước: “Thưa Đại đức! Tám việc phi pháp như vậy được nhận chứa không? Đức Phật có cho phép không? Nếu nói Đức Phật cho phép thì người như vậy có được bố-tát, yết-ma, tự tứ chung không?”. Vị Ưu-bàtắc hỏi như vậy rồi, chúng đều đáp: “Tám việc như vậy Đức Như Lai thương xót đều cho phép dung chứa”. Vị Ưu-bà-tắc nói: “Ở Tinh xá Kỳ Hoàn có các Tỳ-kheo, hoặc nói: vàng bạc Đức Phật đã cho phép gom chứa, hoặc nói: chẳng cho phép. Người nói có cho, người nói chẳng cho, nên họ chẳng cùng ở chung, nói giới, tự tứ, thậm chí chẳng uống chung nước của một dòng sông, đồ vật lợi dưỡng đều chẳng chung hưởng. Các ông làm sao nói rằng, Đức Phật hứa cho được. Đức Phật Thiên Trung Thiên tuy có thọ nhận đi nữa, chúng Tăng các ông cũng chẳng nên gom chứa. Nếu có người thọ nhận thì các ông chẳng nên cùng chung với họ nói giới, tự tứ, yết-ma, cùng làm việc Tăng với họ. Nếu cùng chung với họ nói giới, tự tứ, yết-ma, cùng làm việc Tăng thì các ông sau khi mạng chung liền phải đọa vào địa ngục như những người ăn trái Ca-la-ca kia rồi liền mạng chung”.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như ở thành thị có người bán thuốc, có thuốc cam lồ vi diệu lấy từ núi Tuyết, cũng lại bán nhiều thứ tạp dược khác có vị ngọt tương tự. Có những người muốn mua mà chẳng biết phân biệt, đến chỗ người bán thuốc hỏi: “Ông có thuốc ở núi Tuyết không?”. Người bán thuốc ấy liền đáp: “Có”. Người bán thuốc này dối trá đem thuốc tạp khác nói với người mua: “Đây chính là diệu dược ngon ngọt của núi Tuyết”. Người mua thuốc dùng mắt thịt nên chẳng thể phân biệt, liền mua về và nói: “Ta nay đã được thuốc ngọt núi Tuyết”. Này Ca-diếp! Nếu trong hàng Tăng Thanh văn, có Tăng giả danh, có Tăng chân thật, có Tăng hòa hợp, hoặc trì giới, hoặc phá giới v.v… thì ở trong chúng đó nên bình đẳng cúng dường, cung kính, lễ bái. Vị Ưu-bà-tắc đó dùng nhục nhãn nên chẳng thể phân biệt, ví như người chẳng thể phân biệt được thuốc ngọt của núi Tuyết kia. Còn ai là trì giới, ai là phá giới, ai là chân tăng, ai là giả tăng thì chỉ người có thiên nhãn mới có thể phân biệt. Này Ca-diếp! Nếu vị Ưu-bà-tắc biết Tỳkheo ấy là người phá giới thì chẳng nên cấp thí, lễ bái, cúng dường. Hoặc biết được đây là người gom chứa tám pháp thì cũng lại chẳng nên cấp thí đồ cần dùng, lễ bái, cúng dường. Hoặc ở trong Tăng có kẻ phá giới thì chẳng nên vì nhân duyên mặc áo ca-sa mà cung kính lễ bái.

Bồ-tát Ca-diếp lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Hay thay! Hay thay! Lời nói của Như Lai chân thật, chẳng hư dối, con sẽ cung kính lãnh thọ, ví như kim cương châu báu vật lạ. Như lời Phật dạy, các vị Tỳ-kheo này phải nương vào bốn pháp. Những gì là bốn? Đó là y pháp chẳng y người, y nghĩa chẳng y lời, y trí chẳng y thức, y kinh liễu nghĩa chẳng y kinh chẳng liễu nghĩa.

Bốn pháp như vậy cần phải chứng biết, chẳng phải bốn hạng người.

Đức Phật dạy:

–Này thiện nam! Y pháp tức là Đại Bát Niết Bàn của Như Lai. Tất cả pháp Phật tức là pháp tánh. Pháp tánh này tức là Như Lai. Vậy nên Như Lai thường trụ bất kiến. Nếu có người lại nói, Như Lai vô thường, thì người này chẳng biết, chẳng thấy pháp tánh. Nếu người chẳng biết, chẳng thấy pháp tánh thì chẳng nên nương tựa. Như trên đã nói, bốn hạng người ra đời hộ trì pháp cần phải chứng biết mà nương tựa. Vì sao? Vì người này giỏi lý giải tạng vi mật thâm diệu của Như Lai, có thể biết Như Lai thường trụ bất biến. Nếu họ nói rằng, Như Lai vô thường biến dịch thì đó là điều không có. Bốn hạng người như vậy tức là Như Lai. Vì sao? Vì người này có thể lý giải mật ngữ của Như Lai và có thể diễn nói. Nếu người nào có thể biết rõ mật tạng thâm diệu của Như Lai và biết Như Lai thường trụ bất biến thì người như vậy nếu vì lợi dưỡng mà nói Như Lai vô thường biến dịch thì đó là điều không có. Người như vậy còn có thể nương tựa, huống gì chẳng nương tựa bốn hạng người đó. Y pháp tức là pháp tánh, chẳng y nhân tức là Thanh văn. Pháp tánh tức là Như Lai, Thanh văn tức là hữu vi. Như Lai tức là thường trụ, hữu vi tức là vô thường. Này thiện nam! Nếu người phá giới vì lợi dưỡng nên nói, Như Lai vô thường biến dịch thì người như vậy chẳng nên nương tựa. Này thiện nam! Đó gọi là định nghĩa.

Y nghĩa chẳng y lời: Chữ nghĩa là biết rõ. Biết rõ nghĩa thì gọi là chẳng thiếu sót. Chẳng thiếu sót thì gọi đủ đầy. Đủ đầy nghĩa thì gọi là Như Lai thường trụ, bất biến. Nghĩa Như Lai thường trụ, bất biến tức là Pháp thường trụ. Nghĩa Pháp thường trụ tức là nghĩa Tăng thường trụ. Đó gọi là y nghĩa chẳng y lời. Những ngôn ngữ gì mà chẳng nên y? Đó là văn từ trau chuốt của các luận. Như Phật đã nói ở vô lượng kinh, nào là tham cầu không chán, gian xảo, dua nịnh, trá hiện gần gũi, hiện tướng cầu lợi, thường đến nhà thế tục và vì họ làm việc. Lại nữa, còn xướng lên rằng, Phật cho phép Tỳ-kheo nuôi chứa những nô tỳ, vật bất tịnh, vàng bạc châu báu, lúa gạo, kho lẫm, bò dê voi ngựa, buôn bán cầu lợi v.v… Ở đời đói kém vì thương xót đệ tử nên lại cho phép các Tỳ-kheo tích trữ qua đêm, tay tự tạo ra cái ăn v.v… Những lời như vậy chẳng nên nương tựa.

Y trí chẳng y thức: Nói trí tức là Như Lai. Nếu có Thanh văn chẳng thể biết rõ công đức của Như Lai thì đó là thức chẳng nên nương tựa. Nếu biết Như Lai tức là pháp thân thì như vậy là chân trí, nên nương tựa. Nếu thấy thân phương tiện của Như Lai mà nói rằng chính là ấm, giới, các nhập do thâu tóm lấy ăn uống mà nuôi lớn thì cũng chẳng nên nương tựa. Vậy nên biết thức chẳng nên nương tựa. Nếu lại có người nói lời nói đó và kinh sách chép lời ấy thì cũng chẳng nên nương tựa.

Y kinh liễu nghĩa chẳng y kinh chẳng liễu nghĩa: Kinh chẳng liễu nghĩa là gọi Thanh văn thừa. Thanh văn nghe tạng thâm mật của Như Lai thì phát sinh nghi hoặc quái lạ, chẳng biết tạng này phát ra biển đại trí giống như trẻ con không có sự phân biệt hiểu biết. Đó gọi là chẳng liễu nghĩa. Liễu nghĩa thì gọi là trí tuệ chân thật của Bồ-tát, tự tâm Bồtát ấy ẩn giấu đại trí vô ngại, giống như bậc đại nhân không gì chẳng biết. Đó gọi là liễu nghĩa. Lại nữa, Thanh văn thừa gọi là chẳng liễu nghĩa, Đại thừa vô thượng mới gọi là liễu nghĩa. Nếu nói rằng, Như Lai vô thường, biến dịch thì gọi là chẳng liễu nghĩa. Nếu nói rằng, Như Lai thường trụ, chẳng biến dịch thì đó gọi là liễu nghĩa. Chứng biết lời nói của Thanh văn thì gọi là chẳng liễu nghĩa. Nếu chứng biết lời nói của Bồ-tát thì gọi là liễu nghĩa. Nếu nói rằng, thức ăn đã nuôi lớn Như Lai là chẳng liễu nghĩa. Nếu nói rằng, thường trụ chẳng biến dịch thì đó gọi là liễu nghĩa. Nếu nói rằng, Như Lai vào Niết-bàn như củi hết lửa tắt thì gọi là chẳng liễu nghĩa. Nếu nói rằng, Như Lai vào pháp tánh thì đó gọi là liễu nghĩa. Pháp của Thanh văn thừa thì chẳng nên nương tựa. Vì sao? Vì Như Lai muốn độ chúng sinh nên dùng sức phương tiện nói Thanh văn thừa, giống như ông trưởng giả dạy cho con “nửa chữ”. Này thiện nam! Thanh văn thừa thì giống như mới cày đất, chưa được kết quả. Như vậy gọi là chẳng liễu nghĩa. Vậy chẳng nên nương tựa vào Thanh văn thừa, còn pháp Đại thừa thì nên nương dựa. Vì sao? Vì Như Lai muốn độ chúng sinh nên dùng lực phương tiện nói về Đại thừa. Vậy nên nương tựa, đó gọi là liễu nghĩa. Bốn chỗ nương tựa như vậy cần phải chứng biết.

Lại nữa, nương tựa nghĩa thì nghĩa là chất trực. Chất trực gọi là quang minh. Quang minh gọi là chẳng thiếu sót. Chẳng thiếu sót gọi là Như Lai. Lại nữa, quang minh gọi là trí tuệ. Chất trực gọi là thường trụ.

Như Lai thường trụ gọi là y pháp. Pháp gọi là thường trụ, cũng gọi là vô biên, chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể nắm giữ, chẳng thể trói buộc mà cũng có thể chứng đắc. Nếu có người nói chẳng thể chứng đắc thì người như vậy chẳng nên nương tựa. Vậy nên nương tựa pháp chẳng nương tựa người. Nếu lại có người dùng lời nói vi diệu tuyên nói về vô thường, thì lời nói như vậy chẳng nên nương tựa. Vậy nên nương tựa nghĩa chẳng nương tựa lời nói, nương tựa trí thì chúng Tăng là thường trụ, vô vi, chẳng biến dịch, chẳng nhận chứa tám thứ vật bất tịnh. Vậy nên nương tựa trí chẳng nương tựa thức. Có người nói rằng, thức tạo ra, thức thụ hưởng nên không có hòa hợp tăng. Vì sao? Vì phàm là hòa hợp thì không sở hữu, mà không sở hữu thì sao gọi là thường trụ. Vậy nên thức này chẳng thể nương tựa.

Y liễu nghĩa: Liễu nghĩa gọi là tri túc, nhất định chẳng giả hiện

oai nghi thanh bạch, chẳng kiêu mạn, tự cao, tham cầu lợi dưỡng, cũng ở trong phương tiện tùy nghi nói pháp của Như Lai, chẳng sinh ra chấp trước. Đó gọi là liễu nghĩa. Nếu có người có thể trụ ở trong sự nói pháp của Như Lai như vậy thì phải biết người này đã được trụ ở đệ nhất nghĩa. Vậy nên gọi là y kinh liễu nghĩa, chẳng y kinh chẳng liễu nghĩa.

Chẳng liễu nghĩa thì như trong kinh nói, tất cả đốt cháy, tất cả vô thường, tất cả đều khổ, tất cả đều không, tất cả vô ngã. Đó gọi là chẳng liễu nghĩa. Vì sao? Vì chẳng thể liễu nghĩa như vậy nên khiến cho các chúng sinh đọa vào địa ngục A-tỳ. Vì sao? Vì thủ trước nên đối với nghĩa chẳng rõ. Tất cả bừng cháy là, Như Lai nói Niết-bàn cũng bừng cháy. Tất cả vô thường thì Niết-bàn cũng vô thường; khổ, không, vô ngã cũng như vậy. Vậy nên gọi là kinh chẳng liễu nghĩa, chẳng nên nương tựa.

Này thiện nam! Hoặc có người nói rằng, Như Lai thương xót tất cả chúng sinh, khéo biết lúc tùy nghi. Do biết lúc tùy nghi nên Như Lai nói khinh là trọng, nói trọng là khinh. Như Lai quan sát biết đệ tử của mình, có những đàn-việt cung cấp những điều cần dùng, khiến cho không thiếu thốn, thì đối với những người như vậy, Đức Phật không cho phép nhận chất chứa nô tỳ, vàng bạc, của báu, buôn bán, trao đổi những vật bất tịnh v.v… Nếu các đệ tử không có đàn-việt cung cấp những sự cần dùng, gặp đời đói kém, thức ăn thức uống khó được, thì vì muốn kiến lập hộ trì chánh pháp nên cho phép đệ tử nhận nuôi nô tỳ, vàng bạc, xe cộ, điền trạch, lúa gạo, buôn bán những điều cần dùng. Tuy cho phép nhận chứa những vật như vậy, nhưng cần phải bố thí cho những đàn-việt dốc lòng tin Tam bảo. Đối với bốn pháp như vậy thì nên nương tựa. Nếu có Giới luật, A-tỳ-đàm, Tu-đa-la chẳng trái với bốn pháp này thì cũng nên nương tựa. Nếu có người nói rằng, có lúc, hay chẳng phải có lúc, có thể hộ pháp hay chẳng thể hộ pháp, Như Lai đều cho phép tất cả Tỳ-kheo nhận chứa những vật bất tịnh như vậy, thì lời nói như thế chẳng nên nương dựa. Nếu trong Giới luật, A-tỳ-đàm, Tu-đa-la này có điều đồng với lời nói đó thì đối với ba thứ ấy cũng chẳng nên nương tựa vào. Ta vì các chúng sinh mắt thịt mà nói bốn pháp nương tựa này, nhất định chẳng nói cho kẻ có mắt tuệ. Vậy nay Ta nói bốn pháp nương tựa đó. Pháp tức là pháp tánh, nghĩa tức là Như Lai thường trụ bất biến, trí là biết tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, liễu nghĩa là thấu đạt tất cả kinh điển Đại thừa.