SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 2

Phẩm 5: ĐỘ NĂM THẦN THÔNG

Lại nữa, Xá-lợi-phất! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật với chánh niệm đầy đủ, vượt qua năm thần thông, đạt vô lượng Thần túc của Bồ-tát, có khả năng làm chấn động trời đất, biến thành vô số thân rồi trở lại một thân, nhìn xuyên suốt không trở ngại, có khả năng đi qua vách đá. Ví như chim bay không bị trở ngại, có khả năng đi trên nước và hư không, trên thân tuôn ra nước và lửa, vói tay tới mặt trời, mặt trăng, thân đến trời Phạm thiên.

Bồ-tát tuy có khả năng nhưng không có tự cao cũng không biểu hiện sự tự cao, vì Bồ-tát đã thành tựu pháp không. Ai là người có thể đạt được Thần túc như vậy? Chỉ có bậc trí Nhất thiết mới có thể đạt được.

Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật chứng được Thần túc, tai nghe âm thanh vi diệu hơn hẳn trời, người. Tuy đạt được sự vi diệu nhưng Bồ-tát không tự cao, bởi vì không có gì đạt được trong pháp có và không ấy. Đối với không của có và không của không đều không có sự sinh.

Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, chứng được Thiên nhĩ, Tuệ thần thông có khả năng biết được suy nghĩ của người khác; biết được người kia có dâm, nộ, si hay không có dâm, nộ, si; biết được người kia trong ý có ái dục hay không có ái dục, biết có loạn ý hay không có loạn ý; biết người có hay không, có nhiều hay ít, có định hay không có định, có giải thoát hay không giải thoát, cao thấp đều biết. Tuy biết như vậy mà không tự cao. Tại sao vậy? Do ý không phải là ý, ý không thể nghĩ bàn. Bồ-tát với thần thông biết được túc mạng, biết từ một ý niệm đến trăm ý niệm, từ một ngày đến một trăm ngày, từ một tháng đến một trăm tháng, từ một năm đến một trăm năm, từ một kiếp đến một trăm kiếp, đến vô số ngàn vạn ức na-do-tha kiếp, biết tất cả danh tánh dòng tộc, việc làm thói quen, biết tuổi thọ cao thấp, biết cảm thọ quả khổ vui, chỗ này mất đi sinh về chỗ kia, từ chỗ kia sinh về chỗ này, nguồn gốc các sự vật, oai nghi lễ tiết Bồ-tát đều biết rõ.

Bồ-tát không vì có thần thông mà tự cao. Bồ-tát học như vậy là học Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát dùng thần thông biết rõ túc mạng, dùng Thiên nhãn thấy rõ chỗ sinh tử của chúng sinh là đường thiện hay nẻo ác, tùy theo việc làm mà sinh vào cõi cao hay thấp. Người làm việc xấu, miệng nói lời ác, ý nghĩ bất thiện, hủy báng Thánh hiền, tin theo tà kiến, do nhân duyên tà kiến này làm hủy hoại thân mình, chết đọa địa ngục. Người làm lành, nói và nghĩ điều thiện, không hủy báng Thánh hiền, như vậy là thực hành với chánh kiến và niềm tin sâu xa thì được sinh cõi trời, có khả năng thấy rõ tất cả năm đường chúng sinh khắp mười phương. Bồ-tát có oai đức thần thông thấy rốt ráo cả mười phương, giữ gìn thần thông chứng đắc quả vị, lậu hoặc được đoạn trừ hoàn toàn, không chấp giữ pháp Thanh văn, Bích-chi-phật, không chấp giữ các pháp khác nên thành tựu bậc Chánh đẳng giác.

Bồ-tát không vì có thần thông đã chứng và đoạn trừ lậu hoặc mà tự cao. Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật có đầy đủ thần thông công đức này tăng trưởng dần cho đến thành Chánh đẳng giác.

Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật trụ pháp Bố thí ba-la-mật với trí Nhất thiết thanh tịnh không còn nghi ngờ về không, không còn hồ nghi.

Bồ-tát trụ và giữ Giới ba-la-mật với trí Nhất thiết thanh tịnh thì không còn nghi ngờ về tội phước, nhờ quán không nên không còn phát sinh nữa.

Xá-lợi-phất! Lại có Bồ-tát trụ vào Nhẫn ba-la-mật với trí Nhất thiết thanh tịnh nương pháp Không, nên không khởi lên sân nhuế.

Bồ-tát trụ vào Tinh tấn ba-la-mật với trí Nhất thiết thanh tịnh nên thân tinh tấn không lười biếng.

Bồ-tát trụ vào Thiền ba-la-mật với trí Nhất thiết thanh tịnh nên tâm không tán loạn.

Bồ-tát trụ vào Bát-nhã ba-la-mật với trí Nhất thiết thanh tịnh nên không còn ngu si.

Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật gồm cả sáu pháp Ba-lamật với trí Nhất thiết thanh tịnh, hành động trong pháp không: không nghi, không phạm, không sân, không nhẫn nại, không tinh tấn, không giải đãi, không định, không loạn, không trí, không ngu, không bố thí cũng không tham lam, không giữ giới cũng không phạm giới, không tiến cũng không lùi, không nhẫn cũng không giận, không định, không loạn, không trí tuệ, không ngu si, không hủy báng, không ca ngợi, không hữu vi cũng không vô vi.

Này Xá-lợi-phất! Pháp không có chỗ sinh, nên không bị khinh, không được khen, không hữu vi, không vô vi. Đây là Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật được công đức đặc biệt mà Thanh văn, Duyên giác không thể sánh bằng, đem công đức đầy đủ giáo hóa chúng sinh làm thanh tịnh cõi Phật.