LUẬN CHỨNG SỰ PHẦN A TỲ ĐÀM
Tác giả: Tôn giả Thế Hữu
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Đại sư Cầu Na Bạt Đà La và Bồ Đề Da Xá
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 3: PHÂN BIỆT CÁC NHẬP

Như Đức Thế Tôn giảng nói cho Bà-la-môn Xà-đế-du-lô-na: Hết thảy Bà-la-môn nên biết…

Hết thảy là mười hai nhập. Mười hai nhập là gì? Là nhãn nhập sắc nhập, nhĩ nhập thanh nhập, tỷ nhập hương nhập, thiệt nhập vị nhập, thân nhập xúc nhập, ý nhập pháp nhập.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu sắc, bao nhiêu không phải sắc?

Đáp: Mười thứ là sắc. Một thứ không phải sắc. Một thứ cần phân biệt: Tức là pháp nhập hoặc sắc, hoặc không phải sắc.

Vì sao là sắc? Là pháp nhập thâu nhiếp nghiệp của thân – khẩu là sắc, ngoài ra là không phải sắc.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu có thể thấy, bao nhiêu không thể thấy?

Đáp: Là một thứ có thể thấy. Mười một thứ kia là không thể thấy.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu là hữu đối, bao nhiêu là vô đối?

Đáp: Hữu đối có mười thứ. Vô đối có hai thứ.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu hữu lậu, bao nhiêu vô lậu?

Đáp: Có mười thứ hữu lậu. Hai thứ cần phân biệt: Ý nhập hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu.

Vì sao là hữu lậu? Là ý hữu lậu hoạt động tương ưng với ý nhập.

Vì sao là vô lậu? Là ý vô lậu hoạt động tương ưng với ý nhập.

Pháp nhập hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu.

Vì sao là hữu lậu? Là pháp nhập thâu nhiếp nghiệp nơi thân-miệng hữu lậu. Hữu lậu là thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm.

Vì sao là vô lậu? Là nghiệp thân-miệng vô lậu. Vô lậu là thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và pháp vô vi.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu hữu vi, bao nhiêu vô vi?

Đáp: Mười một thứ là hữu vi. Một thứ cần phân biệt: Pháp nhập hoặc là hữu vi, hoặc là vô vi.

Vì sao là hữu vi? Là pháp nhập thâu nhiếp nghiệp thân-miệng là thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm.

Vì sao là vô vi? Là hư không số diệt, phi số diệt.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu là hữu tránh, bao nhiêu là vô tránh?

Đáp: Có mười thứ hữu tránh. Hai thứ cần phân biệt: Một thứ như hữu lậu hữu tránh, một thứ như vô lậu vô tránh. Như hữu tránh, thì vô tránh cũng như vậy. Thế gian, xuất thế gian, có lỗi lầm, không lỗi lầm, dựa vào tại gia, dựa vào xuất gia, sử không phải sử, thọ không phải thọ, triền không phải triền, cũng như vậy.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu hữu ký, bao nhiêu vô ký?

Đáp: Có tám vô ký. Bốn thứ còn lại cần phân biệt: Sắc nhập hoặc là hữu ký, hoặc là vô ký.

Vì sao là hữu ký? Là sắc nhập thiện hay bất thiện.

Vì sao là vô ký? Là trừ sắc nhập thiện và bất thiện, các sắc nhập còn lại, như sắc nhập, thanh nhập-ý nhập-pháp nhập cũng như vậy.

Hỏi: Mười hai nhập này, có bao nhiêu thứ ẩn một (che giấu), bao nhiêu thứ không ẩn một?

Đáp: Có tám thứ không ẩn một. Bốn thứ kia cần phân biệt: Sắc nhập hoặc là ẩn một, hoặc là không ẩn một.

Vì sao là ẩn một? Là ô nhiễm.

Vì sao là không ẩn một? Là không ô nhiễm

Như sắc nhập, thanh nhập – ý nhập – pháp nhập cũng như vậy.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu nên tu, bao nhiêu không nên tu?

Đáp: Có tám thứ không nên tu. Bốn thứ còn lại cần phân biệt: Sắc nhập hoặc nên tu, hoặc không nên tu.

Nên tu là sao? Là sắc nhập thiện.

Không nên tu là sao? Là sắc nhập bất thiện, vô ký.

Như sắc nhập – thanh nhập – ý nhập cũng như vậy.

Pháp nhập hoặc nên tu, hoặc không nên tu.

Nên tu là sao? Là pháp nhập hữu vi thiện.

Không nên tu là sao? Là pháp nhập bất thiện, vô ký, và số diệt.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu ô uế, bao nhiêu không ô uế?

Đáp: Có tám thứ không ô uế. Bốn thứ còn lại cần phân biệt: Sắc nhập hoặc ô uế, hoặc không ô uế.

Ô uế là sao? Là ẩn một.

Không ô uế là sao? Là không ẩn một.

Như sắc nhập, thanh nhập – ý nhập – pháp nhập cũng như vậy.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu có tội, bao nhiêu không tội?

Đáp: Có tám thứ không tội. Bốn thứ còn lại cần phân biệt: Sắc nhập hoặc có tội, hoặc không có tội.

Có tội là sao? Là sắc nhập bất thiện, và ẩn một, vô ký.

Không có tội là sao? Là sắc nhập thiện, không ẩn một, vô ký.

Như sắc nhập – thanh nhập – ý nhập – pháp nhập cũng như vậy.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu thứ có báo, bao nhiêu thứ không có báo?

Đáp: Có tám thứ không có báo. Bốn thứ còn lại cần phân biệt: Sắc nhập hoặc có báo, hoặc không có báo.

Có báo là sao? Là sắc nhập thiện, bất thiện.

Không có báo là sao? Là sắc nhập vô ký.

Như sắc nhập, thanh nhập cũng như vậy.

Ý nhập hoặc có báo, hoặc không có báo. Có báo là sao? Là ý nhập thiện, bất thiện, hữu lậu. Không có báo là sao? Là ý nhập vô ký, vô lậu.

Như ý nhập, pháp nhập cũng như vậy.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu thứ thấy (kiến), bao nhiêu thứ không thấy?

Đáp: Có một thứ là thấy. Mười thứ không phải thấy. Một thứ cần phân biệt: Pháp nhập hoặc là thấy, hoặc là không phải thấy. Thấy là gì? Là tám thứ thấy nên gọi là thấy. Tức là năm tà kiến, chánh kiến thế tục, học kiến, vô học kiến. Ngoài ra là không phải thấy.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu thứ nội, bao nhiêu thứ ngoại?

Đáp: Có sáu nội, sáu ngoại.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu thọ, bao nhiêu không thọ?

Đáp: Có ba thứ không thọ. Chín thứ kia cần phân biệt: Như nhãn nhập hoặc thọ, hoặc không thọ. Thế nào là thọ? Là thọ nhận tự tánh. Thế nào là không thọ? Là không phải thọ nhận tự tánh. Như nhãn nhập, sắc nhập – nhĩ nhập – tỷ nhập – hương nhập – thiệt nhập – vị nhập – thân nhập – xúc nhập cũng như vậy.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu tâm, bao nhiêu không phải tâm?

Đáp: Có một thứ là tâm. Mười một thứ kia không phải là tâm

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu duyên, bao nhiêu không phải duyên?

Đáp: Có một thứ là duyên. Mười thứ không phải là duyên. Một thứ cần phân biệt: Pháp nhập hoặc là có duyên, hoặc là không duyên. Có duyên là sao? Là tâm pháp. Không duyên là sao? Là không phải tâm pháp.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu tâm pháp, bao nhiêu không phải tâm pháp?

Đáp: Có mười một thứ không phải tâm pháp. Một thứ cần phân biệt: Pháp nhập hoặc là tâm pháp, hoặc không phải tâm pháp. Tâm pháp là gì? Là có duyên. Không phải tâm pháp là gì? Là không duyên.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu là nghiệp, bao nhiêu không phải là nghiệp?

Đáp: Có chín thứ không phải nghiệp. Ba thứ cần phân biệt: Sắc nhập hoặc là nghiệp, hoặc không phải nghiệp. Nghiệp là gì? Là việc làm của thân, ngoài ra không phải là nghiệp.

Thanh nhập hoặc là nghiệp, hoặc không phải nghiệp. Nghiệp là gì? Là việc làm của miệng. Ngoài ra không phải là nghiệp.

Pháp nhập hoặc là nghiệp, hoặc không phải nghiệp. Nghiệp là sao? Là pháp nhập thâu nhiếp nghiệp của thân – miệng, và nghiệp của suy tư, ngoài ra không phải là nghiệp.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu thiện, bất thiện, vô ký?

Đáp: Có tám thứ là vô ký. Bốn thứ kia cần phân biệt: Sắc nhập hoặc là thiện, bất thiện, vô ký. Thiện là sao? Là thiện do thân làm. Bất thiện là sao? Là bất thiện do thân làm. Vô ký là sao? Là trừ sắc do thân làm thiện hay bất thiện, tức là sắc do thân tạo còn lại.

Thanh nhập hoặc thiện, hoặc bất thiện, vô ký. Thiện là sao? Là tiếng nói thiện từ miệng. Bất thiện là sao? Là tiếng nói bất thiện từ miệng. Vô ký là sao? Là trừ tiếng nói từ miệng thiện hoặc bất thiện, tức là những tiếng nói miệng còn lại.

Ý nhập là thiện, hoặc bất thiện, vô ký. Thiện là sao? Là ý thiện tư duy tương ưng với ý nhập. Bất thiện là sao? Là ý bất thiện tư duy tương ưng với ý nhập. Vô ký là sao? Là ý vô ký, tư duy khế hợp với ý nhập.

Pháp nhập hoặc thiện, hoặc bất thiện, vô ký. Thiện là sao? Là pháp nhập thâu nhiếp nghiệp thiện nơi thân-miệng, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm thiện và số diệt. Bất thiện là sao? Là pháp nhập thâu nhiếp nghiệp bất thiện của thân- miệng thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm bất thiện. Vô ký là sao? Là pháp nhập thâu nhiếp thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm vô ký và hư không phi số diệt.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu kiến đoạn, bao nhiêu tu đoạn, bao nhiêu bất đoạn?

Đáp: Có mười tu đoạn. Hai thứ cần phân biệt: Ý nhập hoặc kiến đoạn, hoặc tu đoạn, hoặc bất đoạn. Thế nào là kiến đoạn? Như ý nhập nơi tùy tín hành, tùy pháp hành, nhẫn vô gián, từ đó đoạn trừ. Đoạn trừ cái gì? Tức là kiến đoạn tám mươi tám sử tương ưng với ý nhập. Thế nào là tu đoạn? Như ý nhập nơi bậc học kiến, tu đoạn. Đoạn trừ cái gì? Là tu đoạn mười sử tương ưng với ý nhập, và ý nhập hữu lậu không ô uế. Thế nào là bất đoạn? Là ý nhập vô lậu.

Pháp nhập hoặc kiến đoạn, hoặc tu đoạn, hoặc bất đoạn. Thế nào là kiến đoạn? Như pháp nhập nơi người tùy tín hành, tùy pháp hành, nhẫn vô gián để đoạn trừ. Đoạn trừ cái gì? Là kiến đoạn tám mươi tám sử tương ưng với pháp nhập. Các sử ấy đã khởi tâm bất tương ưng hành. Tu đoạn là gì? Như pháp nhập nơi bậc học để đoạn trừ. Đoạn trừ cái gì? Là tu đoạn mười sử tương ưng với pháp nhập. Các sử ấy đã khởi nghiệp của thân – miệng, khởi tâm bất tương ưng hành và pháp nhập hữu lậu không ô uế. Bất đoạn là gì? Là pháp nhập vô lậu.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu học, bao nhiêu vô học, bao nhiêu phi học phi vô học?

Đáp: Có mười phi học phi vô học. Hai thứ còn lại cần phân biệt: Ý nhập là hoặc học, hoặc vô học, hoặc phi học phi vô học. Học là sao? Là ý học suy nghĩ khế hợp với ý nhập. Vô học là gì? Là ý không học tư duy khế hợp với ý nhập. Phi học phi vô học là gì? Là ý hữu lậu tư duy khế hợp với ý nhập.

Pháp nhập là hoặc học, hoặc vô học, hoặc phi học phi vô học. Thế nào là học? Là nghiệp nơi thân-miệng học, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm học. Thế nào là vô học? Là nghiệp nơi thân-miệng vô học, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm vô học. Thế nào là phi học phi vô học? Là pháp nhập thâu nhiếp nghiệp nơi thân-miệng hữu lậu, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm hữu lậu và pháp vô vi.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu thuộc cõi Dục, bao nhiêu thuộc cõi Sắc, Vô sắc, bao nhiêu không hệ thuộc?

Đáp: Có hai thứ thuộc cõi Dục. Mười thứ cần phân biệt: Nhãn nhập thuộc cõi Dục, hoặc cõi Sắc. Thế nào là thuộc cõi Dục? Nhãn nhập thuộc cõi Dục là do bốn đại tạo nên. Thế nào là thuộc cõi Sắc? Là nhãn nhập thuộc cõi Sắc được tạo bằng bốn đại.

Như nhãn nhập, sắc nhập – nhĩ nhập – thanh nhập – tỷ nhập – thiệt nhập – thân nhập cũng như vậy.

Xúc nhập thì thuộc cõi Dục, hoặc thuộc cõi Sắc. Thuộc cõi Dục là sao? Là xúc nhập thuộc cõi Dục do bốn đại tạo nên. Thuộc cõi Sắc là sao? Là xúc nhập thuộc cõi Sắc do bốn đại tạo nên.

Ý nhập hoặc thuộc cõi Dục, hoặc thuộc cõi Sắc, hoặc thuộc cõi Vô sắc, hoặc không hệ thuộc. Thế nào là thuộc cõi Dục? Là ý suy tư khế hợp với ý nhập thuộc cõi Dục. Thế nào là thuộc cõi Sắc? Là ý suy tư khế hợp với ý nhập thuộc cõi Sắc. Thế nào là thuộc cõi Vô sắc? Là ý suy tư khế hợp với ý nhập thuộc cõi Vô sắc. Thế nào là không hệ thuộc? Là ý vô lậu suy tư khế hợp với ý nhập.

Pháp nhập hoặc thuộc cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc, hoặc không hệ thuộc. Thuộc cõi Dục là sao? Là pháp nhập thuộc cõi Dục, thâu nhiếp nghiệp của thân khẩu, thâu nhiếp thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm. Thuộc cõi Sắc là sao? Là pháp nhập thuộc cõi Sắc, thâu nhiếp nghiệp nơi thân-miệng, thâu nhiếp thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm. Thuộc cõi Vô sắc là sao? Là pháp nhập thuộc cõi Vô sắc, thâu nhiếp thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm. Không hệ thuộc là sao? Là vô lậu thâu nhiếp nghiệp nơi thân-miệng, thâu nhiếp thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm, và pháp vô vi.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu thứ thuộc về quá khứ, vị lai, hiện tại?

Đáp: Có mười một thứ hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại. Một thứ thì cần phân biệt: Pháp nhập. Nếu là hữu vi thì hoặc thuộc quá khứ, hoặc thuộc vị lai, hoặc thuộc hiện tại. Nếu là vô vi thì không phải quá khứ, không phải vị lai, không phải hiện tại.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu thứ thuộc khổ đế, bao nhiêu thứ thuộc tập đế, bao nhiêu thứ thuộc diệt đế, bao nhiêu thứ thuộc đạo đế, bao nhiêu thứ không hệ thuộc về đế?

Đáp: Mười thứ thuộc khổ đế, tập đế. Hai thứ cần phân biệt: Ý nhập nếu là hữu lậu thì thuộc về khổ và tập đế. Nếu là vô lậu thì thuộc về đạo đế. Pháp nhập nếu là hữu lậu thì thuộc về khổ đế – tập đế. Nếu là vô lậu thì thuộc về đạo đế hữu vi. Nếu là số diệt thì thuộc về diệt đế. Hư không phi số diệt thì không thuộc về đế.

Hỏi: Mười hai nhập này có bao nhiêu thứ thấy khổ đoạn, thấy

tập đoạn, thấy diệt đoạn, thấy đạo đoạn? Bao nhiêu là tu đoạn, không đoạn?

Đáp: Có mười thứ tu đoạn. Hai thứ cần phân biệt: Ý nhập hoặc thấy khổ đoạn, hoặc thấy tâp đoạn, hoặc thấy diệt đoạn, hoặc thấy đạo đoạn, hoặc tu đoạn, hoặc không đoạn.

Thấy khổ đoạn là gì? Nếu ý nhập nơi người thấy khổ tùy tín hành, tùy pháp hành, nhẫn vô gián để đoạn trừ. Đoạn trừ cái gì? Là thấy khổ đoạn trừ hai mươi tám thứ sử tương ưng với ý nhập.

Thấy tập đoạn là gì? Nếu ý nhập nơi người thấy tập tùy tín hành, tùy pháp hành, nhẫn vô gián để đoạn trừ. Đoạn trừ cái gì? Là thấy tập đoạn trừ mười chín sử tương ưng với ý nhập.

Thấy diệt đoạn là gì? Nếu ý nhập nơi người thấy diệt tùy tín hành, tùy pháp hành, nhẫn vô gián để đoạn trừ. Đoạn trừ cái gì? Là thấy diệt đoạn trừ mười chín sử tương ưng với ý nhập.

Thấy đạo đoạn là gì? Là ý nhập nơi người thấy đạo tùy tín hành, tùy pháp hành, nhẫn vô gián để đoạn trừ. Đoạn trừ cái gì? Là thấy đạo đoạn trừ hai mươi hai sử tương ưng với ý nhập.

Tu đoạn là gì? Nếu ý nhập nơi bậc học kiến tích tu đoạn. Đoạn trừ cái gì? Là tu đoạn mười kiết sử tương ưng với ý nhập, và ý nhập hữu lậu không ô nhiễm.

Không đoạn là sao? Là ý nhập vô lậu.

Pháp nhập hoặc thấy khổ đoạn, hoặc thấy tập đoạn, hoặc thấy diệt đoạn, hoặc thấy đạo đoạn, hoặc thấy tu đoạn, hoặc không đoạn.

Thấy khổ đoạn là gì? Nếu pháp nhập nơi người thấy khổ tùy tín hành, tùy pháp hành, nhẫn vô gián để đoạn trừ. Đoạn trừ cái gì? Là thấy khổ đoạn trừ hai mươi tám sử tương ưng với pháp nhập. Chúng đã khởi tâm bất tương ưng hành.

Thấy tập đoạn là gì? Nếu pháp nhập nơi người thấy tập tùy tín hành, tùy pháp hành, nhẫn vô gián để đoạn trừ. Đoạn trừ cái gì? Là thấy tập đoạn trừ mười chín kiết sử tương ưng với pháp nhập. Chúng đã khởi tâm bất tương ưng hành.

Thấy diệt đoạn là gì? Nếu pháp nhập nơi người thấy diệt tùy tín hành, tùy pháp hành, nhẫn vô gián để đoạn trừ. Đoạn trừ cái gì? Là thấy diệt đoạn trừ mười chín sử tương ưng với pháp nhập. Chúng đã khởi tâm bất tương ưng hành.

Thấy đạo đoạn là gì? Nếu pháp nhập nơi người thấy đạo tùy tín hành, tùy pháp hành, nhẫn vô gián để đoạn trừ. Đoạn trừ cái gì? Là thấy đạo đoạn trừ hai mươi hai sử tương ưng với pháp nhập. Chúng đã khởi tâm bất tương ưng hành.

Tu đoạn là gì? Nếu pháp nhập nơi bậc học kiến tích tu đoạn. Đoạn trừ cái gì? Là tu đoạn mười kiết sử tương ưng với pháp nhập. Chúng đã khởi nghiệp nơi thân-miệng, khởi tâm bất tương ưng hành, và pháp nhập hữu lậu không ô uế.

Không đoạn là gì? Là pháp nhập vô lậu.

Hỏi: Năm ấm – mười hai nhập, thì năm ấm thâu nhiếp mười hai nhập hay mười hai nhập thâu nhiếp năm ấm?

Đáp: Mười hai nhập thâu nhiếp năm ấm, chứ không phải năm ấm thâu nhiếp mười hai nhập. Nơi chốn nào không thâu nhiếp? Là pháp nhập vô vi.

Hỏi: Năm ấm – mười tám giới, thì năm ấm thâu nhiếp mười tám giới hay mười tám giới thâu nhiếp năm ấm?

Đáp: Mười tám giới thâu nhiếp năm ấm, chứ không phải năm ấm thâu nhiếp mười tám giới. Chỗ nào không thâu nhiếp? Là pháp giới vô vi.

Hỏi: Năm ấm – hai mươi hai căn, thì năm ấm thâu nhiếp hai mươi hai căn hay hai mươi hai căn thâu nhiếp năm ấm?

Đáp: Hai ấm và phần ít của hai ấm thâu nhiếp hai mươi hai căn. Hai mươi hai căn cũng thâu nhiếp hai ấm và phần ít của hai ấm. Chỗ nào không thâu nhiếp? Là một ấm và phần ít của hai ấm.

Hỏi: Năm ấm – chín mươi tám sử, thì năm ấm thâu nhiếp chín mươi tám sử hay chín mươi tám sử thâu năm ấm?

Đáp: Phần ít của một ấm thâu nhiếp chín mươi tám sử. Chín mươi tám sử cũng thâu nhiếp phần ít của một ấm. Nơi nào không thâu nhiếp? Là bốn ấm và phần ít của một ấm.

Hỏi: Mười hai nhập – mười tám giới, thì mười hai nhập thâu nhiếp mười tám giới hay mười tám giới thâu nhiếp mười hai nhập?

Đáp: Lần lượt cùng thâu nhiếp nhau, theo sự ứng hợp của chúng.

Hỏi: Mười hai nhập – hai mươi hai căn, thì mười hai nhập thâu nhiếp hai mươi hai căn hay hai mươi hai căn thâu nhiếp mười hai nhập?

Đáp: Sáu nội nhập và một phần ít ngoại nhập, thâu nhiếp hai mươi hai căn. Hai mươi hai căn cũng thâu nhiếp sáu nội nhập và một phần ít của ngoại nhập. Nơi nào không thâu nhiếp? Là năm ngoại nhập và một phần nhỏ của ngoại nhập.

Hỏi: Mười hai nhập – chín mươi tám sử, thì mười hai nhập thâu nhiếp chín mươi tám sử hay chín mươi tám sử thâu nhiếp mười hai nhập?

Đáp: Phần ít của một ngoại nhập thâu nhiếp chín mươi tám sử. Chín mươi tám sử cũng thâu nhiếp phần ít của ngoại nhập. Nơi nào không thâu nhiếp? Là mười một nhập và phần ít của một ngoại nhập.

Hỏi: Mười tám giới- hai mươi hai căn, thì mười tám giới thâu nhiếp hai mươi hai căn hay hai mươi hai căn thâu nhiếp mười tám giới?

Đáp: Mười hai nội giới và phần ít của một ngoại giới, thâu nhiếp hai mươi hai căn. Hai mươi hai căn cũng thâu nhiếp mười hai nội giới và phần ít của một ngoại giới. Phần nào không thâu nhiếp? Là năm ngoại giới và phần ít của một ngoại giới.

Hỏi: Mười tám giới – chín mươi tám sử, thì mười tám giới thâu nhiếp chín mươi tám sử hay chín mươi tám sử thâu nhiếp mười tám giới?

Đáp: Phần ít của một ngoại giới thâu nhiếp chín mươi tám sử. Chín mươi tám sử cũng thâu nhiếp phần ít của một ngoại giới đó. Phần nào không thâu nhiếp? Là mười bảy giới và phần nhỏ của một ngoại giới.

Hỏi: Hai mươi hai căn – chín mươi tám sử, thì hai mươi hai căn thâu nhiếp chín mươi tám sử hay chín mươi tám sử thâu nhiếp hai mươi hai căn?

Đáp: Lần lượt chúng không thâu nhiếp nhau.