SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

QUYỂN III

Phẩm 2: QUYẾT ĐỊNH ĐƯỢC THỌ KÝ

(Phần 1)

Bấy giờ ở phía Nam Tuyết sơn của nước này có một vị Phạm chí tên là Trân Bảo, xuất thân từ dòng Bà-la-môn thanh tịnh, từ bảy đời tổ tiên đến nay chưa có ai làm những việc tầm thường nhơ bẩn, chưa từng có một kẻ nào dám chê bai hủy báng. Dòng họ này đều được những nhà trí thức ca ngợi, lại được các bậc Đạo sư cung kính, đầy đủ ba hạnh, hay dạy tất cả luận Phệ-đà, bốn luận Phệ-đà đều uyên thâm. Lại thông hiểu cả: Xiển-đà luận, Tự luận, Thinh luận, Khả tiếu luận, Chú thuật luận, Thọ ký luận, Thế gian tướng luận, Thế gian tế tự chú nguyện luận… Đầy đủ tướng đại trượng phu, được sinh từ nhà đạo đức, lại có năm trăm người cũng thuộc dòng dõi đạo đức làm đệ tử hầu hạ cung phụng bên người.

A-nan phải biết Bà-la-môn Trân Bảo lúc ấy chính là Bồ-tát Di-lặc ngày nay. Năm trăm đệ tử… thuở ấy tùy tùng theo thầy học, đọc tụng tế tự, chú thuật v.v… Trong năm trăm vị đệ tử này có một người thuộc dòng Bà-la-môn tôn quý tên là Vân, là người đứng đầu trong chúng, đầy đủ đức hạnh, theo học thầy từ thuở thiếu thời, đến năm lên mười sáu tuổi, hình dung tuân tú khả kính, lại là người được sinh trong dòng họ đạo đức, cha mẹ thanh tịnh, cho đến tổ tiên bảy đời không có tỳ vết, không ai dám chê cười gia tộc này. Lại đầy đủ tướng đại trượng phu, thế gian không ai sánh bằng, sắc thân như vàng ròng, đầu tóc cũng vậy, tiếng nói trong trẻo như âm thanh của Phạm thiên, luôn luôn ở bên Tiên nhân Trân Bảo thọ học, đọc tụng chú thuật. Thông minh lanh lợi được pháp chân chánh, vừa nghe qua liền hiểu, biện luận rõ ràng câu văn rành mạch. Tất cả chú thuật kỹ nghệ khéo léo, những gì Bà-la-môn Trân Bảo có, người đều thông suốt. Đồng tử Vân sau khi am hiểu xong rồi, bạch với Tôn sư:

-Bạch Đại sư Hòa thượng, con đã thông suốt đạo đức học thuật nơi Hòa thượng rồi, ý con muốn trở về nhà.

Hòa thượng Phạm chí trong tâm luyến mộ đồng tử Vân không muôn xa lìa, nên nói với đồng tử:

-Này Đồng tử phạm hạnh, ta có một bộ luận tên là Tỳ-đà, luận này của chư tiên đời xưa để lại, tất cả ngoại đạo Bà-la-môn chưa từng nghe biết, huống lại được xem. Ta nay đem luận ấy dạy cho ngươi.

Đồng tử thưa:

-Cúi xin Hòa thượng vì con chỉ giáo.

Phạm chí liền dạy cho những chư thuật bí yếu, đồng tử cũng thọ lãnh tất cả. Lại bạch Phạm chí:

-Con nay đã hiểu tường tận chú thuật của Hòa thượng, con còn phải làm gì nữa?

Phạm chí lại bảo đồng tử:

-Ta là người thừa kế dòng dõi Bà-la-môn, lại có pháp bảo gia truyền, nếu có đệ tử theo thầy học tập, quyết định phải báo ân, đem tất cả tài vật dùng vào việc hiến dâng.

Đồng tử thưa:

-Hòa thượng vì con giảng dạy pháp bảo gia truyền, sẽ lấy vật gì báo ân? Hòa thượng ngày nay ý muốn những gì?

Phạm chí bảo:

-Này đồng tử, ngươi muốn báo ân ta, ngươi có thể đem các vật dụng như: tàng lọng, giày da, gậy vàng, cây nạng vàng, bình vàng, bát vàng, áo quần và năm trăm tiền vàng cúng dường cho ta.

Đồng tử thưa Phạm chí:

-Thưa Đại sư Hòa thượng, con không có những vật dụng như đã nói ở trên để cung phụng Hòa thượng. Xin Hòa thượng cho con rời khỏi nơi đây để đi khắp bốn phương tìm kiếm. Khi nào có được, con lập tức trở về cúng dường Hòa thượng.

Phạm chí bảo:

-Nếu ngươi biết vậy, sẽ tùy ý đến nơi nào ngươi muốn.

Đồng tử Vân liền đảnh lễ dưới chân thầy, nhiễu quanh ba vòng rồi từ biệt ra đi. Lúc ấy đồng tử nghe có một nơi cách Tuyết sơn năm trăm do-tưần có một thành tên là Thâu-la-ba-xa. Trong thành này có một dòng họ Đại Bà-la-môn tên là Tế Tự Đức. Đối với những người cư trú trong thành này, ông ta là người giàu có bậc nhất, tài sản rất nhiều. Đại Bà-la-môn Tế Tự Đức sắp vì sáu vạn Bà-la-môn khác tổ chức hội Vô giá suốt một năm, sắm đủ sáu vạn đồ vật để cúng dường. Mỗi một người là một tàng lọng, một cây nạng, một đôi giày da, một bình bát, một bộ quần áo và tiền bạc v.v… vật dụng cần thiết cho bản thân thảy đều đầy đủ. Đặc biệt vì một vị Thượng tọa Bà-la-môn, tạo những vật dụng bằng vàng: Một tàng lọng tuyệt hảo, một đôi giày da thượng hạng, một cây gậy toàn bằng vàng, một cây nạng bằng vàng, một bát vàng, một bình vàng, một bộ quần áo. Giá trị mỗi thứ trăm ngàn lượng vàng, năm trăm tiền vàng, một ngàn con trâu cái, mỗi con trâu cái có một con trâu nghé. Mỗi con trâu cái vắt được một đấu sữa, trên sừng của nó đều bịt vàng, năm trăm đồng nữ đều dùng chuỗi anh lạc trang sức. Trong số nữ nhân này có một đồng nữ tên là Thiện Kỹ là người đứng đầu.

Hội Vô giá này chỉ còn một ngày nữa là mãn đủ một năm, lúc đó đồng tử Vân từ dưới Tuyết sơn ung dung tiến về phía thành Thâu-la-ba-xa nơi hội Vô giá đang tổ chức. Sáu vạn Bà-la-môn trong hội từ xa trông thấy đồng tử, liền cao giọng xướng lên:

-Hay thay! Nơi đây khéo tổ chức hội Vô giá, hôm nay Phạm thiên tự nhiên đến đây thọ sự cúng dường của hội này.

Đồng tử Vân nói với sáu vạn Bà-la-môn kia:

-Các người chớ kêu ta là Phạm thiên, ta là người nhân gian, thật chẳng phải Phạm thiên.

Các người Bà-la-môn lại hỏi:

-Ngài là đấng gì?

Đồng tử Vân nói:

-Các ông có lẽ không nghe, ở phía nam Tuyết sơn có một vị Phạm chí tên là Trân Bảo, mọi kinh điển ngài đều thông đạt, dạy dỗ năm trăm đệ tử. Trong chúng của ngài có một vị thượng túc tên là Vân, tuổi vừa mười sáu, trí tuệ thông minh tài đức vẹn toàn, so với thầy không kém. Hơn thế nữa, giọng nói của người như tiếng Phạm thiên, các ông có nghe chăng?

Các Bà-la-môn đều đáp:

-Có nghe.

Đồng tử Vân nói:

-Chính là tôi đây.

Các Bà-la-môn sau khi biết rõ rồi, lại càng vui mừng cất tiếng hô to: -Lành thay! Lành thay! Khéo lập hội Vô giá này, được đồng tử Vân đến thọ cúng dường.

Khi ấy con gái của Bà-la-môn Tế Tự Đức, dung nhan kiều diễm cùng với một số đồng nữ ở trên lầu cao, từ xa trông thấy đồng tử Vân hình dung tuân tú, ít có người thứ hai. Nàng vui mừng hướng về bốn phương trời lễ chư Thiên chư Thần, trong tâm thầm khấn vái: “Nguyện đồng tử luận nghị đệ nhất này, biện luận hơn vị cựu Thượng tọa Bà-la-môn trong hội, để ta xa lìa kẻ bất thiện đó, chẳng cùng với người bất thiện đó kết tóc trăm năm.”

Khi đồng tử tiến vào trong hội, nhiễu quanh Thượng tọa Bà-la-môn ba vòng, rồi đến trước vị Thượng tọa Bà-la-môn dùng lời thân mật vấn an sức khỏe, lại hỏi:

-Nhân giả trì tụng luận gì?

Sáu vạn Bà-la-môn đáp lời đồng tử Vân:

-Nhân giả chớ hỏi Thượng tọa chúng tôi trì tụng luận gì? Vì sao?

Vì Thượng tọa chúng tôi có thể trì tụng hết thảy các luận, chú thuật, các pháp Bà-la-môn của chúng tôi.

Đồng tử hỏi:

-Trong hàng Bà-la-môn, ngài là bậc Thượng tọa, tuy đã đọc tụng các pháp y phương, kỹ nghệ của Bà-la-môn các ngài. Nhưng học thuật Bà-la-môn của thầy trò ta riêng có một pháp đặc biệt, chúng ta cần phải học hỏi lẫn nhauề Các ngài có biết luận tên là Tiên Hữu chăng?

Sáu vạn Bà-la-môn, mỗi người đều đáp:

-Chúng tôi chưa từng nghe tên luận, huống nữa là có! Huống nữa là đọc!

Đồng tử nói:

-Trong số giáo pháp mà thầy ta đã dạy cho ta, có một luận Tỳ-đà tên là Tiên Hữu, ta cũng tụng được.

Các Bà-la-môn trong đại hội thưa.

-Xin ngài vì chúng tôi mà giảng thuyết, chúng tôi rất thích nghe.

Đồng tử Vân ở trước Thượng tọa sửa chỗ đứng, rồi dùng giọng nói trời Phạm thiên tụng luận Tiên Hữu Tỳ-đà này.

Lúc ấy, sáu vạn chúng Bà-la-môn trong hội vui mừng hớn hở, đồng thinh xướng:

-Rất hợp tâm chúng tôi! Rất hợp ý chúng tôi!

Họ rất sung sướng thưa với đồng tử:

-Ngài đồng tử, từ ngày hôm nay, ngài vì chúng tôi làm bậc Thượng tọa, ngồi vị trí hàng đầu của chúng tôi, nhận lấy phần nước uống ngon nhất của Thượng tọa chúng tôi, nhận lấy thức ăn trước tiên của Thượng tọa chúng tôi.

Thế là đồng tử đã đẩy Thượng tọa kia xuống hàng hạ tọa, liền thăng tòa, thọ dụng nước uống trước nhất, thọ dụng thức ăn trước nhất, các thức ăn uống đều hợp ý. Sau mỗi bữa ăn, những đồ cúng dường tùy ý cần dùng, đúng như pháp của hàng Thượng tọa mà thọ lãnh, những đồ nào đối với đồng tử không cần dùng thì ngài không thọ lãnh.

Lúc đó, Đại Bà-la-môn Tế Tự Đức thầm nghĩ: “Ta nay thiết lập hội Vô giá này chẳng đúng theo Thánh pháp? Hay là tất cả bao nhiêu phẩm vật cúng dường không đúng theo Thánh giáo? Tại sao tất cả vật bố thí trong hội thí này không được đồng tử Vân thọ nhận đầy đủ như ý ta mong muốn?”

Đại Bà-la-môn Tế Tự Đức quỳ mọp thưa đồng tử Vân:

-Thưa đại đức Đồng tử, xin Ngài thọ nhận tất cả vật bố thí này của tôi, chớ để cho hội thí của tôi chẳng được trọn vẹn.

Đồng tử Vân nói với Bà-la-môn Tế Tự Đức:

-Này Đại Bà-la-môn, hội bố thí của ngài rất tốt, đầy đủ các thứ, không thiếu một vật gì, nhưng hôm nay ta chỉ nhận lãnh những gì ta cần, còn những vật gì ta không cần, dầu ta có nhận lãnh cũng vô ích.

Lúc ấy vị cựu Thượng tọa Bà-la-môn kia trong tâm thầm nghĩ: ‘Ta từ lâu mong được sự bố thí như thế, quyết tâm muốn được thọ lãnh trước. Tại sao hôm nay ta bị đồng tử này đến đẩy ta xuống hàng hạ tọa, đoạt lấy lợi dưỡng của ta. Như ta từ khi sinh ra cho đến nay, có tất cả bao nhiêu công đức trì giới tinh tấn, được quả báo khổ hạnh. Do quả báo này, đời đời kiếp kiếp ta cùng với đồng tử thường gặp lại nhau. Nhưng vì đồng tử chiếm đoạt lợi dưỡng của ta, ta không bao giờ bỏ oán thù này”.

A-nan nên biết:

-Đồng tử Vân lúc ấy là thân Ta, còn Bà-la-môn Tế Tự Đức lúc ấy nay là Đàn-đà-ba-ni, còn vị Thượng tọa Bà-la-môn lúc ấy nay tức là Đề-bà-đạt-đa.

Này A-nan, do vì nhân duyên đó, Đề-bà-đạt-đa là người ngu si, thuở xưa cùng Ta đời đời kiếp kiếp luôn luôn tạo oán thù không bao giờ xa lìa.

Bấy giờ đồng tử Vân đem những vật bố thí có được, mang về Tuyết sơn để cung phụng Phạm chí. Người trải qua bao nhiêu xóm làng thôn ấp, thành phố các nước. Lúc nghỉ lúc đi quan sát cảnh vật, như vậy lần lần cuối cùng tiến đến thành Liên hoa. Khi đặt chân vào thành này thấy phong cảnh trang nghiêm tốt đẹp lạ thường, không tài nào tưởng tượng hay diễn tả được, như đã nói ở trên.         Đồng tử liền nghĩ: “Vì lý do gì thành Liên hoa ngày hôm nay trang nghiêm không thể tưởng tượng hay diễn tả được. Hoặc có người sắp tổ chức hội Vô giá ở thành này chăng? Hoặc lại tế tự các vị tinh tú trên trời chăng? Hoặc tạo điều an lành tốt đẹp gì chăng? Hoặc tổ chức làm phước chăng? Hoặc nhằm tiết lễ hội Bà-la-môn chăng? Hoặc dân chúng trong thành này nghe danh tỉếng Ta đa trí học rộng, họ cho rằng Ta đến đây cùng các vị Bà-la-môn nghị luận chăng? Hoặc lại cung kính lễ bái Ta, nhưng tại sao không có một người đoái tưởng đến Ta?” Khi ấy Ta liền hỏi một người trong thành:

-Thưa nhân giả, tại sao thành này trang hoàng đẹp đẽ tuyệt vời như vậy?

Người trong thành trả lời:

-Này đồng tử đại trí, ngài không nghe sao! Đức Thế Tôn Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, chẳng mấy chốc sẽ đến thành này thuyết pháp giáo hóa dân chúng. Vì nhân duyên này, Đại vương Hàng Oán ra lệnh dân chúng mỗi nhà phải trang hoàng. Tất cả mọi người muôn tạo phước nghiệp, mới trần thiết tất cả các thứ trang nghiêm như vậy. Vì họ quyết định cúng dường Đức Như Lai Nhiên Đăng.

Này A-nan, Ta lúc đó thầm nghĩ: ‘Trong giáo pháp của Ta có nói: Người nào có đủ ba mươi hai tướng tốt thì có hai quả báo: Một là, nếu ở tại gia quyết định sẽ làm Chuyển luân thánh vương. Hai là, nếu xuất gia tu học Thánh đạo, quyết định sẽ chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, danh tiếng vang khắp mọi nơi, oai đức tự tại. Ta không nghi ngờ lời nói này.”

Này A-nan, Ta thuở ấy lại sinh tâm niệm: “Ngày nay, trước hết Ta nên dừng lại nơi đây, cúng dường lễ bái Đức Thế Tôn Nhiên Đăng, cầu đời vị lai chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, rồi sau đó mới báo ân thầy Phạm chí.”

Ta lại thầm nghĩ: “Sẽ đem những vật gì để cúng dường Đức Phật? Đem sự nghiệp gì để gieo trồng các thiện căn?”

Tâm Ta lại suy nghĩ: “Chư Phật Thế Tôn không chuộng cúng dường bằng tiền tài, chỉ đem pháp cúng dường mới được Thánh nhân khen ngợi. Ta nay chưa có pháp cúng dường, không lẽ đứng nhìn. Ngay bây giờ Ta có thể đi mua các hoa đẹp thượng hạng đem về dâng cúng Đức Phật, nguyện đời vị lai thành Phật đạo.”

Nghĩ rồi, liền khi ấy đến một cửa hàng bán hoa, nói với người chủ:

-Nhân giả có thể bán hoa này cho Ta không?

Người bán hàng bảo Ta:

-Nhân giả đồng tử, người không nghe sao! Đại vương Hàng Oán ban sắc lệnh xuống dân chúng những nơi nào có tràng hoa không được bán cho ai hết. Vì sao? Vì nhà vua tự mua lấy để cúng dường Phật.

Ta nghe qua người bán hoa nói như vậy, lại đi đến các gian hàng của những người bán hoa khác nài nỉ mua hoa. Họ đều trả lời như người bán hoa trước. Như vậy Ta rảo khắp mọi nơi mà mua hoa không được, Ta lén tìm hỏi những người ở hai bên vệ đường.         Bỗng thấy một tỳ nữ mặc áo xanh đi múc nước tên là Hiền Giả, người giấu bảy cành hoa sen xanh trong bình đựng nước, từ phía trước đi lại. Ta thấy người này rồi, tâm sinh vui mừng, liền nói với tỳ nữ:

-Nàng mang hoa này muốn dùng vào việc gì? Ta nay đưa cho nàng năm trăm tiền vàng, nàng có thể trao cho Ta bảy cành hoa sen xanh trong bình chăng?

Tỳ nữ lại nói:

-Này nhân giả đồng tử, ngài chẳng nghe sao? Đức Thế Tôn Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác ngày nay sắp vào thành, Ngài đã nhận lời thỉnh của vua Hàng Oán chủ cõi nước này. Nhà vưa đối với Đức Phật sinh tâm tôn trọng, lại muốn vun trồng các công đức, nên truyền lệnh trong nước cách thành phạm vi mười hai do tuần, nơi nào có dầu thơm tràng hoa, không một ai được phép giấu bán. Nếu có bán thì chỉ một mình nhà vua được mua để đích thân đem cúng dường Đức Phật. Vì gần nhà tôi có một người bán tràng hoa tên là Oán Thù, người này có một người con gái lén nhận của tôi năm trăm tiền vàng, người liền giấu cho tôi bảy cành hoa này. Tôi đã trái lệnh của nhà vua, được hoa này tự muốn cúng dường Thế Tôn Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Thật tình tôi không thể bán cho ngài được.

Ta lại nói với tỳ nữ:

-Thiện nữ đã trình bày nguyên do được hoa, Ta nay đã biết vậy, nàng có thể lấy năm trăm tiền vàng, cho Ta năm cành hoa sen xanh còn hai cành thuộc về nàng.

Tỳ nữ liền hỏi:

-Nhân giả đồng tử, ngài lấy hoa này sẽ dùng vào việc gì?

Ta đáp:

-Như Lai xuất hiện ở đời khó thấy, khó gặp. Ta nay gặp được, muốn mua hoa này dâng lên Đức Phật Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác để trồng các thiện căn, vì đời vị lai cầu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tỳ nữ nói với Ta:

-Tôi xem đồng tử hình dung trong ngoài thân tâm dũng mãnh, tinh tấn ham mộ giáo pháp, ngài sẽ thành đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Đồng tử, ngài chịu hứa với tôi, trong khoảng thời gian ngài chưa chứng Thánh đạo, đời đời kiếp kiếp tôi sẽ là vợ ngài. Nếu khi ngài đắc đạo, tôi sẽ cạo tóc xuất gia học, cầu quả A-la-hán, làm đệ tử của ngài, tu hạnh Sa-môn. Nếu được như vậy, hôm nay tôi sẽ trao cho ngài năm cành hoa sen này, không được như vậy thì tôi chẳng trao.

Ta lại nói với tỳ nữ:

-Này thiện nữ, ta ngày nay thuộc dòng Bà-la-môn chủng tộc thanh tịnh, thông đạt bốn luận Tỳ-đà. Trong luận Tỳ-đà của ta có dạy: Nếu người nào muốn cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hành đạo Bồ-tát, người này nên đối với tất cả chúng sinh sinh tâm thương xót, sinh tâm làm cho họ an lạc, có ai đến cầu xin vật gì không nên lẫn tiếc, cho đến cầu xin thân mạng cũng phải bố thí cho họ, huống nữa các thứ yêu quý như vợ con, và ngoài ra như của cải không được tham lam bỏn sẻn. Này thiện nữ, ta nay phát nguyện cầu quả vị Bồ-đề vì muốn đem lại an lạc cho tất cả chúng sinh. Giả sử có người đến xin vợ con, ta cũng bố thí. Tâm luyến ái của nàng nếu làm trở ngại hạnh Bồ-tát, thì tâm nguyện cắt xả của ta không thành, lại ở bên nàng tạo vô lượng tội lỗi. Nàng nếu phát nguyện, có thể ở trong lúc đó đối với tất cả tài sản bảo vật đang có, khi ta bố thí không được cản ngăn thì ta sẽ hứa: Nàng cùng ta kết thành phu phụ.

Tỳ nữ nói với Ta:

-Này đồng tử, giả sử có người đến với ngài xin thân tôi, tôi cũng không sinh tâm bỏn sẻn huống nữa là họ xin con trai, con gái và các của cải khác.

Ta nói với nàng:

-Nếu nàng được như vậy, ta sẽ theo như sở nguyện của nàng, sẽ hứa ở đời vị lai cho nàng làm vợ.

Lúc ấy, tỳ nữ nhận nơi Ta năm trăm tiền vàng, liền cầm năm cành hoa sen xanh trao cho Ta, còn hai cành nữa nhờ Ta thay nàng dâng cúng Đức Phật. Nàng còn nói với Ta:

-Nơi nào ngài muốn trồng thiện căn, hãy đem hai cành hoa này rải trên đó, sẽ nguyện ngài cùng tôi đời đời sống với nhau không bao giờ xa cách.

Khi đó, Đức Phật Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác từ ngoài tiến vào thành Liên hoa. Ta cầm bảy cành hoa sen trông thấy Đức Phật từ xa hướng đến, dần dần tiến gần, xem thấy thân Phật đoan chánh khả kính, hào quang trong sáng chiếu khắp thế gian, các căn điều phục, tâm ngài vắng lặng an trụ chẳng động, sáu căn lặng yên như nước ao lưu ly, đi đứng oai nghi giống như voi chúa. Lại có vô lượng trăm ngàn vạn ức đại chúng chư Thiên vây quanh trước sau, mỗi người đều rải vô lượng các thứ hoa trời và vô lượng bột hương chiên-đàn cõi trời, hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen trắng, hoa sen trắng lớn lên trên Đức Phật Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác tôn trọng cúng dường.

Bấy giờ, Đại vương Hàng Oán chuẩn bị bốn binh chủng đầy đủ oai phong, xuất phát từ cửa thành để nghinh đón Đức Phật Nhiên Đăng.

Lúc ấy nơi hoàng thành tụ tập vô lượng vô biên chúng sinh: Người, A-tu-la, Trời, Rồng, tám bộ chúng quỷ thần… Họ đem theo bột hương và các thứ hoa để. rải trên Đức Phật Nhiên Đăng, tuyệt nhiên không có một hoa nào rơi xuống mặt đất, đều trụ trong hư không trên đảnh Đức Phật làm thành bảo cái lớn. Khi Đức Phật đi đứng thì bảo cái này cũng di chuyển theo.

Khi thấy Đức Phật Nhiên Đăng, Ta sinh tâm chánh tín, sinh tâm kính trọng, đem bảy cành hoa sen xanh rải trên Đức Phật, phát lời thệ nguyện: “ở đời vị lai khi ta thành Phật, như Đức Như Lai Nhiên Đăng đắc pháp hôm nay, và ở trong đại chúng giống nhau không khác.”

Hoa của đồng tử rải, trụ trong hư không, cánh hoa hướng xuống, cuống hoa xoay lên, ngay trên đảnh đầu Đức Phật, thành chiếc lọng hoa theo Đức Phật đi, đứng. Ta thấy sức oai đức thần thông như vậy, tâm kính tín lại tăng bội phần.

Này A-nan, lúc đó, vô lượng vô biên dân chúng đều đem y phục tuyệt hảo vô giá trải trên mặt đường, như là: Y ca-thi-ca mịn mỏng, y bằng dạ trắng mịn, y bằng vải-gấm mỏng, y bằng lông thú mềm mại tốt đẹp và chăn bằng tơ tằm thêu đủ màu sắc. Vì sắp cúng dường Đức Phật Nhiên Đăng nên trải phủ kín mặt đất.

Này A-nan, Ta thấy vô lượng vô biên dân chúng đem áo quý giá trải kín trên mặt đất, riêng Ta chỉ có một tấm da nai, Ta đem nó trải trên mặt đường, chỗ đất mà tấm da nai của Ta phủ lên, dân chúng chê trách oán ghét, họ cầm tấm da nai của Ta vứt thật xa. Ta nghĩ: Ôi thôi! Đức Thế Tôn Nhiên Đăng có thể không thương xót ta chăng? Thầm nghĩ như thế rồi, Phật biết được ý ta, nên Ngài thương xót đến Ta.

Đức Phật Nhiên Đăng dùng sức thần thông, biến một vùng đất trên mặt đường thành một vũng lầy, dân chúng thấy đường lầy lội đều lánh đi ngõ khác, không một ai đi qua đoạn đường lầy này.

Lúc ấy, Ta thấy đường đi như vậy, liền lướt đến chỗ đó, thấy đường bùn lầy rồi, liền thầm nghĩ: “Như thế này làm sao Đức Thế Tôn qua được. Nếu Ngài lội qua đoạn đường lầy này thì chân Ngài sẽ dính bùn nhơ bẩn, ta nay có thể đem nhục thân bất tịnh này làm chiếc cầu lớn bắc qua vũng bùn để Đức Phật bước lên thân Ta mà qua.” Lúc đó Ta liền xõa tóc phủ khắp chỗ đất tấm da nai, úp mặt xuống làm chiếc cầu lớn cho Đức Phật đi qua. Tất cả dân chúng chưa được bước qua, chỉ một mình Đức Phật là người trước tiên đi trên tóc Ta. Ta đã cúng dường Đức Phật Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác như vậy. Lại phát sinh ý nghĩ: Chân của Như Lai Nhiên Đăng và chúng Thanh văn này đi trên tóc và thân Ta qua khỏi đoạn đường bùn này. Lại phát nguyện: “Nguyện đời vị lai khi ta thành Phật có oai đức thế lực làm bậc Đạo sư cho trời người, như Đức Như Lai Nhiên Đăng ngày hôm nay không khác.” Lại nguyện: -“Nếu ngày hôm nay không được Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký, ta nguyện trọn đời không ra khỏi vũng bùn này.”

Đang khi đồng tử trải thân tóc thì cõi đại địa chấn động theo sáu cách. Nghĩa là: Phía Đông vọt lên phía Tây lặn xuống, phía Tây vọt lên phía Đông lặn xuống; phía Nam vọt lên phía Bắc lặn xuống, phía Bắc vọt lên phía Nam lặn xuống; chính giữa vọt lên chung quanh lặn xuống, chung quanh vọt lên chính giữa lặn xuống.

(Phần 2)

(Đầu Quyển 4)

Bấy giờ, Đức Như Lai Nhiên Đăng Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác biết tâm niệm ta, Ngài cùng một trăm ngàn vị đại Tỳ-kheo và ngàn vạn ức chúng Thiên, Long đồng hướng đến chỗ ta, chân Đức Phật bước ung dung trên tóc và thân ta như đại long vương, Ngài đưa mắt nhìn hai bên rồi bảo chư vị Tỳ-kheo:

-Này các Tỳ-kheo, các người không được cùng Ta đi chung một lối, không một người nào được phép bước trên thân và tóc của đồng tử, chỉ trừ một mình Như Lai mới có thể bước đi trên thân và tóc người này mà thôi. Tại sao? Đây là tóc và thân của vị Bồ-tát.

Lúc ấy Đức Phật Nhiên Đăng nói với Ta:

-Hay thay! Hay thay! Này Đồng tử, ngươi đã phát đại tâm rộng lớn như biển, sở nguyện của ngươi vì tất cả chúng sinh làm những điều lợi ích, vì tất cả chúng sinh đem lại niềm an lạc.

Này Đồng tử, ngươi đã phát đại nguyện mong cầu đem lại lợi ích an lạc cho tất cả thế gian, thương xót vô lượng vô biên chúng sinh, làm bậc đạo sư cho cõi người cõi trời như vậy. Tâm ngươi tinh tấn đại dũng mãnh mới được đầy đủ những pháp như vậy. Chí nguyện ngươi như kim cang, không tiếc thân mạng. Do vậy hôm nay ngươi đem thân nâng đỡ gót chân Như Lai đi qua. Ngươi ở đời vị lai cho đến không lẫn tiếc thân mạng, huống nữa là tài sản khác.

Này Đồng tử, ngươi cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đây là việc làm đầu tiên, ngươi đã phát nguyện rộng lớn như vậy, nên bố thí tất cả những gì ngươi có. Này Đồng tử, việc bố thí đó, ngươi không được cầu phước báo thế gian ở đời vị lai, chỉ cầu đạo xuất thế Vô thượng Bồ-đề. Chớ sinh tâm tham lam thấy tài sản của người không được chiếm đoạt, giữ gìn cấm giới đừng để hủy phạm, không được tạo tác việc ô nhiễm, không được cầu danh, không được khen ngợi mình chê bai người, cho đến người ta có hủy báng, ngươi phải nhẫn nhục. Ví dầu có người đến đánh đập chưởi mắng cột trói giết hại, ngươi phải nhẫn nhục nhận lấy tất cả. Cho đến gặp trường hợp họ phân thây ra từng mảnh, đối với kẻ oán thù như vậy, ngươi cần phải nhẫn nhục sinh tâm từ bi, không được sát sinh, không được cướp đoạt thân mạng và tài sản của người khác. Đối với tài sản người khác ngươi nên luôn luôn xa lánh. Đối với việc kinh doanh mưu lợi của mình cũng nên biết vừa đủ. Đừng gần gũi vợ con thê thiếp của người khác, đối với thê thiếp của mình cũng không nên tham đắm quá độ. Cho đến trọn đời không được nói dối, không được nói chuyện phải trái của người khác, không được tranh chấp nhau khiến người thân thuộc trở thành xa lạ. Thấy người gây sự chia rẽ, thường đem lời hòa hợp giải hòa. Không được nói lời cộc cằn thô lỗ, thường dùng lời nói dịu dàng êm đẹp, không được nói lời phù phiếm, chỉ nói lời có lợi ích. Nói đúng thời, nói đúng pháp, nên thực hành chánh kiến, phải tránh xa tất cả tà đạo.

Này Đồng tử, nếu ngươi có thể làm được những điều ấy, thì chí nguyện sẽ được viên mãn. Đối với tất cả chúng sinh, nên sinh tâm tưởng thương xót như con một, giữ gìn khẩu ý chớ có dua nịnh, phải là người tôn trọng cúng dường chúng sinh. Chớ ngạo mạn khiến tâm buông lung, thường ở trong thiền định vắng lặng, quán pháp vô ngã. Chớ đoạn giống Bồ-đề đời vị lai. Ngươi phải làm lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh như vậy.

Này Đồng tử, nếu có thể hoàn tất tất cả những việc ấy, thì tự nói: “Ta có thể làm được”.

Khi ấy Ta liền bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn, con có thể làm được.

Đức Phật Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đã biết tâm ta, Ngài liền mỉm cười. Tỳ-kheo thị giả của Ngài liền rời chỗ ngồi sửa sang y phục, trịch áo vai bên hữu, quỳ xuống bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn, vì nhân duyên gì Ngài mỉm cười?

Đức Phật Nhiên Đăng bảo Tỳ-kheo thị giả:

-Này Tỳ-kheo, ông có thấy Đồng tử cầm bảy cành hoa cúng dường Ta, cúi thân trải tóc làm chiếc cầu bắc qua vũng bùn để Ta đi qua đó hay không? Do vì nhân duyên đó, Đồng tử này trải qua a-tăng-kỳ kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni, đầy đủ mười hiệu: Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác… như Ta không khác.

Này A-nan, thuở ấy Ta nghe Đức Phật Nhiên Đăng vì Ta trao một lời thọ ký quyết định rồi, thân tâm nhẹ nhàng, bỗng nhiên bay bổng lên hư không cao bằng bảy cây Đa-la, Ta chắp tay đem tâm thanh tịnh hướng về Đức Phật đảnh lễ. A-nan, Ta lúc đó toàn thân khoan khoái không thể tự kiềm chế được.

Này A-nan, Đức Phật Nhiên Đăng dạy Ta:

-Ông hãy nhìn về các thế giới phương Đông.

Khi ấy Ta liền nhìn thấy hằng hà sa số chư Phật các cõi nước phương Đông, tất cả chư Phật đều Vì ta trao lời quyết định thọ ký. “Này Đồng tử, ngươi sẽ trải qua a-tăng-kỳ kiếp ở đời vị lai sẽ thành Phật tên là Thích-ca Mâu-ni đầy đủ mười hiệu.” Chư Phật các phương Nam, Tây, Bắc, bốn phương phụ và trên dưới cũng lại thọ ký như vậy.

Này A-nan, Ta lúc ấy từ hư không hạ xuống đứng yên trên mặt đất, đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn Nhiên Đăng, rồi lui về đứng một bên, sinh khởi ý nghĩ: “Ta ngày hôm nay có thể ở nơi Đức Phật Nhiên Đăng cầu xin xuất gia.” Liền bạch Phật:

-Cúi xin Thế Tôn cho con xuất gia thọ giới Cụ túc, con ở bên Phật tu phạm hạnh.

Đức Phật bảo ta:

-Này Đồng tử, nay đúng lúc ngươi được cạo bỏ râu tóc sống hạnh xuất gia. Vừa cạo bỏ râu tóc xong, thì vô lượng chư Thiên đến nơi đống tóc làm lễ cúng dường. Mười ức chư Thiên mỗi người nhận được một sợi.

Này A-nan, từ khi Ta chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho đến nay, chưa thấy một chúng sinh nào không cúng dường chư Phật mà được an lạc bao giờ.

Này A-nan, Ta lúc ấy vẫn còn đầy đủ các phiền não trói buộc, tham dục, sân hận, ngu si chưa dứt hết, mà vô lượng trăm ngàn ức chúng sinh lấy tóc Ta, họ giữ gìn cúng dường vẫn được giải thoát. Huống lại ngày hôm nay Ta đã lìa tham, sân, si, kẻ nào ở bên Ta tạo các công đức mà không được giải thoát, điều ấy không bao giờ có. Này A-nan, do đó tất cả chúng sinh cần phải phát tâm cúng dường chư Như Lai.

Này A-nan, Ta thuở ấy đến nay khi còn ở trong phiền não, tu hạnh Bồ-tát không rời tâm tinh tấn dũng mãnh, thường bố thí, thường vun trồng công đức. Do Ta tạo các thiện nghiệp như vậy, ở trong vô lượng trăm ngàn kiếp làm Phạm vương, Đế Thích, hoặc trăm ngàn lần làm Chuyển luân thánh vương. Do nhân duyên thiện căn đó mà ngày nay thành Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, chuyển pháp luân vô thượng tối diệu.

A-nan, Ta do sức phước đức trí tuệ, hiện tại được tất cả dòng tôn quý vua quan, Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, Sa-môn, học giả tin lấy lời nói của ta, theo giáo pháp ta tu hành.

A-nan, ông xét lời nói của Ta hoàn toàn không thay đổi, y như lời Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký cho Ta, dạy bảo Ta. Ta căn cứ vào đó tu hành, ngày nay chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Khi ấy Đức Thế Tôn nói kệ:

Dù cõi trời sụp đổ
Quả đất bị biến hoại
Tất cả các chúng sinh
Vẫn được thân thường trụ
Núi Diệu cao tan vỡ
Nước bể cả cạn khô
A-nan người phải biết
Chư Phật không hai lời.

Khi Đức Thế Tôn nói kệ này rồi, lại bảo A-nan:

-Chư Phật Thế Tôn thường có hạnh thế này: Giả sử có vô lượng vô biên quang minh vì chúng sinh thu lại một tầm, từ trong một tầm này vì chúng sinh lại hiện vô lượng vô biên quang minh. Vì sao? Vì chư Phật sợ chúng sinh không biết thời gian: Ngày đêm, một tháng, nửa tháng, một năm, nửa năm, e sợ quên mất bốn thời tám tiết xuân hạ thu đông.

Này A-nan, Đức Phật Nhiên Đăng đầy đủ mười hiệu, có hào quang là do nghiệp nhân tạo thành. Hào quang thường chiếu sáng không có khi nào tối tăm, do đó Đức Phật có hiệu là Nhiên Đăng. Ngài luôn luôn có ánh sáng chiếu khắp trời đất, là do nhân duyên như đã nói ở trên.

Này A-nan, Ta nhớ thuở quá khứ có Đức Như Lai xuất hiện ở đời tôn hiệu Nhất Thiết Thắng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ta dùng hoa bằng vàng rải trên mình Đức Phật phát lời thệ nguyện: “Con nguyện ở đời vị lai được thân vi diệu đầy đủ các tướng tốt như Đức Phật ngày hôm nay.”

Lúc ấy, Đức Phật biết được tâm niệm ta, ngài mỉm cười. Tỳ-kheo thị giả của Phật sửa y phục bạch Phật… cho đến Đức Phật Thắng-Nhất-Thiết bảo vị thị giả ấy:

-Này Tỳ-kheo, ông có thấy kẻ đem hoa vàng rải trên thân Ta chăng?

Tỳ-kheo thị giả đáp:

-Dạ vâng, bạch Đức Thế Tôn con có thấy.

Đức Phật bảo Tỳ-kheo thị giả:

-Người này trải qua một ức kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni đầy đủ mười hiệu: Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác…

Này A-nan, Ta được Đức Phật Nhất Thiết Thắng thọ ký rồi Ta không bỏ tâm dũng mãnh tinh tấn, lại tu các phước nghiệp tăng trưởng bội phần. Ta nhờ nhân duyên thiện nghiệp này, trong vô lượng kiếp sinh trên cõi Phạm thiên, Đế Thích và làm Chuyển luân thánh vương. Có một thuở nọ Ta làm vua tên là Thiện Kiến, thành quách, cửa thành, vọng gác, phòng xá cung điện của nhà vua làm toàn bằng vàng ròng. Vườn hoa, rừng cây, dòng suối ao hồ đều dùng vàng tô điểm.

Do nhân duyên rải hoa vàng thuở nọ mà ngày nay Ta chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chuyển pháp luân vô thượng thanh tịnh.

Này A-nan, Ta nhớ thuở xưa có Đức Phật xuất hiện ở đời tên là Liên Hoa Thượng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ta đem hoa bằng bạc rải trên mình Đức Phật, phát nguyện cũng như vậy… Cho đến Đức Phật bảo thị giả:

-Ông có thấy người này đem hoa bằng bạc cúng dường ta hay không?

Tỳ-kheo đáp:

-Bạch Thế Tôn, con có thấy.

Đức Phật bảo Tỳ-kheo:

-Người này trải qua mười vạn kiếp ở đời vị lai sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ta nghe lời thọ ký như vậy rồi, chẳng bỏ tâm dũng mãnh tinh tấn, lại tạo các công đức gia tăng bội phần. Ta nhờ phước báo thiện nghiệp này, trải qua vô lượng kiếp làm Phạm thiên, Đế Thích và Chuyển luân thánh vương. Lại ở đời quá khứ Ta đã từng làm vua tên là Đại Thiện Kiến, đô thành của Ta là Câu-thi-la, vọng gác, dinh thự, cửa sổ của thành này đều làm bằng bạc. Vườn hoa, rừng cây, dòng sông, suối, ao v.v… đều dùng bạc để tô điểm. Cho đến ngày hôm nay ta thành Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, chuyển pháp luân vô thượng cũng do nhân duyên đó.

Này A-nan, từ xưa đến nay có pháp như thế nấy: Phàm chư Bồ-tát khi sơ sinh, đi bảy bước khắp bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc không có người nâng đỡ. Đức Phật Liên Hoa Thượng khi sơ sinh ở trên hoa sen, hai chân Ngài bước trên đất thì chỗ đất nào bước đến đều có hoa sen hóa sinh. Đi bảy bước khắp bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, nơi chân Phật đặt đến đều có hoa sen, nên tôn xưng danh hiệu Ngài là Liên Hoa Thượng. Ngay lúc ấy vô lượng vô biên trăm ngàn vạn chúng: Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ma-hầu-la-già, người cùng phi nhân… đồng một lúc hô to vang vọng khắp nơi: Đại Bồ-tát này gọi là Liên Hoa Thượng. Do vì người trời xướng lên lời như vậy nên Đức Phật này hiệu là Liên Hoa Thượng.

Này A-nan, Ta nhớ về thời quá khứ, có Đức Như Lai xuất hiện ở đời tôn hiệu là Tối Thượng Hành Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lúc ấy Ta đem một nắm lúa bằng vàng rải trên mình Đức Phật… Cho đến khi Đức Phật này nói với thị giả:

-Người này sau khi trải qua một ngàn kiếp sẽ chứng quả Phật, hiệu là Thích-ca Mâu-ni.

Ta nghe lời thọ ký rồi, không bỏ tâm tinh tấn, thiện nghiệp tăng trưởng. Do quả báo công đức nhân duyên đó, nên trong vô lượng kiếp làm Phạm vương, Đế Thích và Chuyển luân thánh vương. Lại đã từng làm một Chuyển luân thánh vương tên là Đảnh Sinh, trong cung điện ta lúc bấy giờ trái qua bảy ngày mưa bằng lúa vàng lên tới đầu gối, tràn ngập khắp mọi nơi. Cũng do nghiệp thiện cúng dường Đức Phật Tối Thượng Hành nắm lúa vàng thuở ấy mà ngày nay ta chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến chuyển pháp luân vô thượng.

Này A-nan, Đức Như Lai Tối Thượng Hành khi sắp vào xóm làng thành ấp để khất thực, chân Ngài bước trên không cách mặt đất sáu thước. Lúc ấy các chúng Trời, Người, Rồng và Phi nhân v.v… cao giọng xướng: “Đức Phật Thế Tôn này tên là Tối Thượng Hành. Do vì nhân duyên đó, tôn hiệu Ngài là Tối Thượng Hành.

Này A-nan, Ta nhớ về thời quá khứ, có Đức Phật xuất hiện ở đời tôn hiệu là Thượng Danh Xưng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ta lúc ấy cúng dường Đức Thế Tôn và chư vị Tỳ-kheo Tăng một căn nhà và Ta nguyện rằng… cho đên Đức Phật bảo thị giả:

-Người này ở đời vị lai mãn năm trăm kiếp sẽ chứng quả Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.

Ta nghe lời thọ ký rồi, không bỏ, nhân duyên tinh tấn tạo các thiện nghiệp, nên trải qua vô lượng kiếp làm Phạm vương, Đế Thích và Chuyển luân thánh vương. Lại do phước báo đó, ta có khi làm Chuyển luân thánh vương tên là Thiện Kiến. Lúc đó nhóm thợ xây dựng của trời Đế Thích giáng hạ vì Ta kiến lập một cung điện tên là Nhất thiết thắng. Cũng do nhân duyên phước báo thiện nghiệp đó, mà ngày nay Ta thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến chuyển pháp luân vô thượng.

Này A-nan, Ta nhớ về thời quá khứ, có Đức Phật xuất hiện ở đời tôn hiệu là Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác cùng với Ta đồng một danh hiệu, dòng họ, cha mẹ, danh tự, thọ mạng tất cá đều đồng với Ta. Ta đem một nắm hoa Tô-ma-na rải trên Đức Phật này (Ngài Ca-diếp-di nói đem một nắm vàng) phát lời nguyện… cho đến Đức Phật bảo thị giả:

-Người này về đời vị lai trải đủ một trăm kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.

Ta được thọ ký rồi, không bỏ tâm tinh tấn, tăng trưởng công đức. Do đó trong vô lượng kiếp làm Phạm vương, Đế Thích và Chuyển luân thánh vương đều do sức nhân duyên thiện nghiệp này.

Ta dùng ba mươi bảy pháp trợ Bồ-đề phần trang nghiêm pháp thân. Nay Ta thành quá Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến chuyển pháp luân vô thượng.

Này A-nan, Ta nhớ thời quá khứ có Đức Phật ra đời tôn hiệu là Đế-sa Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ta đem một nắm bột chiên-đàn rải trên mình Đức Phật… cho đến Đức Phật bảo thị giả:

-Người này trải qua chín mươi lăm kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.

Ta nhận lời thọ ký rồi, không bỏ tâm tinh tấn, tăng trưởng công đức. Do đó trong vô lượng kiếp Ta làm Phạm vương, Đế Thích và Chuyển luân thánh vương. Cũng do sức nhân duyên thiện nghiệp này, Ta được danh hiệu Tối Thượng Giới Hạnh Thanh Tịnh Cụ Túc. Cũng do nhân duyên quả báo thiện nghiệp này, Ta được danh hiệu là Tối Thượng Tri Kiến Công Đức Cụ Túc (Ngài Ca-diếp-di nói. Ta nhờ sức nhân duyên nơi nghiệp thiện được hiệu Tối Thượng Giới Hạnh Công Đức và cho đến được hiệu Tối Thượng Tri Kiến Công Đức, tiếng khen vang khắp mọi nơi). Nay Ta đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến chuyển pháp luân vô thượng.

Này A-nan, Ta nhớ thuở quá khứ có Đức Phật ra đời tôn hiệu là Phất-sa Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lúc ấy Đức Phật ngự trong hang núi nhiều ngọc quý. Thấy Đức Phật, Ta sinh tâm hoan hỷ, đứng chắp tay co một chân trải qua bảy ngày đêm đọc kệ ca ngợi Đức Phật:

Trong trời đất không ai như Phật,
Mười phương thế giới chẳng ai bằng.
Tất cả những người trong thế gian,
Không ai so sánh bằng Đức Phật.

Này A-nan, Ta đọc kệ ca ngợi Đức Phật rồi phát nguyện… cho đến Đức Phật bảo thị giả:

-Người này trải qua chín mươi bốn kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.

Ta lúc đó được thọ ký rồi, chẳng bỏ tâm tinh tấn, tăng trưởng công đức ở trong vô lượng kiếp làm Phạm vương, Đế Thích và Chuyển luân thánh vương. Cũng do sức nhân duyên thiện nghiệp đó, Ta được bốn thứ biện tài, không có người nào biện luận hơn Ta, hàng phục được ta. Ta nay đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến chuyển pháp luân vô thượng.

Này A-nan, Ta nhớ thuở quá khứ có Đức Phật ra đời tôn hiệu là Kiến Chân Lý Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ta lúc bấy giờ đem các thứ hoa rải trên mình Đức Phật (Ngài Ca-diếp-di nói Đức Phật này hiệu là Kiến Nhất Thiết Lý)… cho đến Đức Phật nói với thị giả:

-Người này trải qua chín mươi ba kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.

Ta được Phật thọ ký, không bỏ tâm tinh tấn, tăng trưởng các công đức. Do đó ở trong vô lượng kiếp làm Phạm vương, Đế Thích và Chuyển luân thánh vương. Cũng do nhân duyên đó Ta được tiếng khen “đầy đủ giới hạnh tôi thượng”. Cho đến được danh hiệu Đầy Đủ Tất Cả Giải Thoát Tri Kiến, chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến chuyển pháp luân vô thượng.

Này A-nan, Ta nhớ thuở quá khứ có Đức Phật ra đời tôn hiệu Tỳ-bà-thi Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lúc bấy giờ Ta đem một nắm đậu xanh rải trên mình Đức Phật, cho đến Đức Phật bảo thị giả:

-Người này trải qua chín mươi mốt kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni, đầy đủ mười hiệu.

Ta được Phật thọ ký rồi, không bỏ tâm tinh tấn, tăng trưởng các công đức. Do đó ở trong vô lượng kiếp làm Phạm vương, Đế Thích và Chuyển luân thánh vương. Cũng do năng lực nhân duyên thiện nghiệp đó, lại có khi Ta từng làm Chuyển luân thánh vương tên là Đảnh Sinh thông lãnh bốn châu thiên hạ, được trời Đế Thích nhường nửa tòa ngồi. Cũng do quả báo đó mà ngày nay Ta đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến chuyển phặp luân vô thượng.

Này A-nan, Ta nhớ thuở quá khứ có Đức Phật ra đời tôn hiệu Thi-khí Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lúc đó Ta đem y vô giá đắp trên mình Đức Phật và chúng Thanh văn rồi phát nguyện như trên, cho đến Đức Phật bảo thị giả:

-Người này trải qua ba mươi mốt kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.

Ta được Phật thọ ký rồi, không bỏ tâm dũng mãnh tinh tấn, thường bố thí tạo các phước nghiệp. Ta do những nhân duyên thiện nghiệp đó, ở trong vô lượng kiếp làm Phạm vương, Đế Thích và Chuyển luân thánh vương. Ngày nay lại được các thứ y phục, như là: Y ca-thi-na, y bằng gấm đẹp, y bằng tơ bông, y bằng tơ tằm, y câu-trầm-bà. Ngày nay Ta đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến chuyển pháp luân vô thượng.

Này A-nan, Ta nhớ thuở quá khứ có Đức Phật ra đời tôn hiệu Tỳ-xá-phù Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lúc bấy giờ Ta đem các thức ăn uống một trăm vị cúng dường Đức Phật và chủng Thanh văn, phát nguyện như trước, cho đến Đức Phật bảo thị giả:

-Người này sau khi trải qua ba mươi kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.

Ta được thọ ký rồi, không bỏ tâm dũng mãnh tinh tấn, thường bố thí tạo các phước nghiệp. Ta nhờ nhân duyên thiện căn như vậy, ở trong vô lượng kiếp làm Đại phạm vương, Đế Thích và Chuyển luân thánh vương. Ngày nay được thức ăn một trăm vị, cho đến đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chuyển pháp luân vô thượng thanh tịnh.

Này A-nan, Ta nhớ thuở quá khứ ở bên Đức Phật Câu-lưu-tôn Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, tu hành thanh tịnh, cầu đời vị lai chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này A-nan, Ta nhớ thuở quá khứ ở bên Đức Phật Ca-na-ca Mâu- ni Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, tu hành thanh tịnh, mong cầu đời vị lai chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này A-nan, Ta nhớ thuở quá khứ ở bên Đức Phật Ca-diếp Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, tu hành thanh tịnh, mong cầu đời vị lai chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này A-nan, Ta nhớ đời quá khứ ở bên đức Bồ-tát Di-lặc đem những phẩm vật tốt đẹp của bốn thứ cúng dường, ca ngợi tôn trọng cung kính tự ý cúng dường, mong cầu đời vị lai chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này A-nan, Ta nhớ thuở quá khứ dùng vô lượng các thứ cúng dường, mang đến cúng dường hiến dâng cho vô lượng chư Phật, Bồ-tát, Thanh văn trong quá khứ, để cầu đời vị lai chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này A-nan, thuở xưa trải qua một trăm a-tăng-kỳ kiếp, lúc ấy có Đức Phật ra đời hiệu là Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Này A-nan, như vậy tuần tự trải qua thời gian một trăm ức kiếp, có Đức Phật xuất hiện ở đời hiệu là Nhất Thiết Thắng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Này A-nan, như vậy tuần tự trải qua thời gian năm trăm kiếp có Đức Phật ra đời hiệu là Tối Thượng Danh Xưng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Này A-nan, như vậy tuần tự trải qua một trăm kiếp, có Đức Phật ra đời hiệu là Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Này A-nan, như vậy tuần tự trải qua chín mươi bốn kiếp có Đức Phật ra đời hiệu là Phất-sa Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Này A-nan, như vậy tuần tự trải qua chín mươi ba kiếp có Đức Phật ra đời hiệu là Kiến Nghĩa Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Này A-nan, như vậy tuần tự trải qua chín mươi mốt kiếp, có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Này A-nan, như vậy tuần tự trải qua ba mươi mốt kiếp, có Đức Phật ra đời hiệu là Thi-khí Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đồng trong kiếp này có Đức Phật ra đời hiệu là Thần Văn Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Này A-nan, trong hiền-kiếp này Đức Phật đầu tiên ra đời là Câu-lâu-tôn-đà; Đức Phật thứ hai ra đời là Câu-na-hàm Mâu-ni; Đức Phật thứ ba ra đời là Ca-diếp; Đức Phật thứ tư ra đời là Thích-ca Mâu-ni, chính là thân Ta ngày nay còn đang trụ ở đời.

Này A-nan, Đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời, sinh trong nhà Đại Bà-la-môn.

Đức Phật Nhất Thiết Thắng ra đời, sinh trong nhà Đại Sát-lợi vương.

Đức Phật Liên Hoa Thượng ra đời, sinh trong nhà Đại Bà-la-môn.

Đức Phật Tối Thượng Hành ra đời, sinh trong nhà Đại Sát-lợi vương.

Đức Phật Đức Thượng Danh Xưng ra đời, sinh trong nhà Đại Bà-la-môn.

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ra đời, sinh trong nhà Đại Sát-lợi vương.

Đức Phật Đế-sa ra đời, sinh trong nhà Đại Bà-la-môn.

Đức Phật Phất-sa ra đời, sinh trong nhà Đại Sát-lợi vương.

Đức Phật Kiến Chân Nghĩa ra đời, sinh trong nhà Đại Bà-la-môn.

Đức Phật Tỳ-bà-thi ra đời, sinh trong nhà Đại Sát-lợi vương.

Đức Phật Thi-khí ra đời, sinh trong nhà Đại Sát-lợi vương.

Đức Phật Thần Văn ra đời, sinh trong nhà Đại Sát-lợi vương.

Đức Phật Câu-lâu-tôn-đà ra đời, sinh trong nhà Đại Bà-la-môn.

Đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni ra đời, sinh trong nhà Đại Bà-la-môn.

Đức Phật Ca-diếp ra đời, sinh trong nhà Đại Bà-la-môn.

Này A-nan, nay Ta sinh trong nhà Đại vương thuộc dòng Sát-đế-lợi.

Này A-nan, Đức Phật Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác thọ mạng tám trăm bốn ngàn vạn ức tuổi, trụ ở đời làm lợi ích chúng sinh trong thế gian (Sư Ni-sa-tắc nói như vậy. Sư Ca-diếp-di lại nối Đức Phật Nhiên Đăng và chúng Thanh văn trụ thế thọ mạng một kiếp làm lợi ích thế gian.)

Này A-nan, Đức Như Lai Nhất Thiết Thắng, trụ thế tám vạn ức năm, lợi lạc tất cả chúng sinh thế gian. (Sư Ni-sa-tắc nói như vậy. Sư Ca-diếp-di nói Đức Phật Nhất Thiêt Thắng trụ ở đời một kiếp lợi lạc thế gian).

Đức Phật Liên Hoa Thượng trụ ỏ đời tám vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.

Đức Phật Tối Thượng Hành trụ ở đời tám vạn năm, làm lợi ích chúng sinh trong thế gian.

Đức Phật Thượng Danh Xưng trụ ở đời sáu vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trụ ở đời tám vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.

Đức Phật Đế-sa trụ ở đời sáu vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.

Đức Phật Phất-sa trụ ở đời năm vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.

Đức Phật Kiến Chân Nghĩa trụ ở đời bốn vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.

Đức Phật Tỳ-bà-thi trụ ở đời tám vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.

Đức Phật Thần Văn trụ ở đời sáu vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.

Đức Phật Câu-lâu-tôn-đà trụ ở đời bốn vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.

Đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni trụ ở đời ba vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.

Đức Phật Ca-diếp trụ ở đời hai vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.

Này A-nan, nay Ta chứng quả Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, trụ ở đời tám mươi năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.

Rồi Ngài nói kệ:

Có Phật dùng thần thông
Trụ thế thọ cúng dường,
Hoặc thần thông và nghiệp
Hết rồi, nhập Niết-bàn.

Này A-nan, Đức Phật Nhiên Đăng có hai trăm năm mươi vạn ức đại chúng đệ tử Thanh văn nhóm họp. Sau khi Như Lai diệt độ, giáo pháp trụ ở đời trải qua bảy vạn năm. Mười năm cuối cùng, các hàng Tỳ-kheo không còn tâm kính tín, ưa kinh doanh thế sự, thích tạo các nghiệp sinh tử mà không có tâm biết hổ thẹn. Giáo pháp có chỗ nào nghi ngờ không biết học hỏi lẫn nhau, ai ai cũng ngã mạn cho mình hiểu biết, sinh tâm kiêu mạn lẫn nhau, thường nhóm họp làm điều phi pháp, kết bạn với bọn ác tri kiến bất thiện, cùng nhau quây quần ăn uống chơi bời. Do những hạng ngu si này làm những điều trái đạo lý nên khiến cho Tam bảo sớm biến mất trên thế gian, tất cả kinh điển đều tiêu diệt.

Đức Phật Nhất Thiết Thắng có một vạn bốn ngàn đại chúng đệ tử Thanh văn nhóm họp. Sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ ở đời chỉ một thời gian ngắn ngủi.

Đức Phật Liên Hoa Thượng có bảy vạn chúng Thanh văn nhóm họp. Sau khi Như Lai diệt độ chánh pháp trụ ở đời trải qua mười vạn năm.

Đức Phật Thượng Hành có sáu vạn chúng Thanh văn nhóm họp, sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ ở đời bảy vạn bảy ngàn năm.

Đức Phật Đức Thượng Danh Xưng có hai vạn chúng Thanh văn nhóm họp. Sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ ở đời năm trăm năm.

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có một ngàn hai trăm năm mươi chúng Thanh văn nhóm họp. Sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ ở đời năm trăm năm, tượng pháp cũng trụ thế năm trăm năm.

Đức Phật Đế-sa có sáu vạn ức Thanh văn nhóm họp. Sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ thế trải qua hai vạn năm.

Đức Phật Phất-sa có vô lượng ức chúng Thanh văn nhóm họp. Sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp, tượng pháp, pháp trụ, pháp diệt như trên.

Đức Phật Kiến Nhất Thiết Nghĩa có ba mươi hai ức na-do-tha chúng Thanh văn nhóm họp. Sau khi Đức Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ thế một thời gian ngắn chẳng bao lâu.

Đức Phật Tỳ-bà-thi có ba hội thuyết pháp độ chúng Thanh văn: Đại hội thứ nhất độ mười sáu vạn tám trăm ngàn người; đại hội thứ hai độ mười vạn người; Đại hội thứ ba độ tám trăm ngàn người. Sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ thế trải qua hai vạn năm.

Đức Phật Thần Văn chỉ có hai hội độ chúng Thanh văn: Hội thứ nhất độ bảy vạn người; Hội thứ hai độ sáu vạn người. Sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ thế trải qua sáu vạn năm.

Đức Phật Câu-lâu-tôn-đà có bốn vạn chúng đệ tử Thanh văn. Sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ ở đời trải qua năm trăm năm.

Đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni có ba trăm vạn Thanh văn nhóm họp. Sau khi Đức Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ ỏ đời hai mươi chín ngày.

Đức Phật Ca-diếp có hai vạn chúng Thanh văn nhóm họp. Sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ ở đời bảy ngày.

Này A-nan, Ta chứng quả Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác có một ngàn hai trăm năm mươi Thanh văn nhóm họp.         Sau khi ta diệt độ, chánh pháp trụ ở đời năm trăm năm, tượng pháp cũng trụ ở đời năm trăm năm.

Ta nay lược nói kệ:

Bố thí và số năm
Dòng họ cùng thọ mạng,
Số Thanh văn mỗi hội
Chánh pháp cùng tượng pháp.
Tất cả chư Thế Tôn
Trụ thế và diệt độ
Mâu-ni dòng họ Thích
Lược nói như vậy xong.