SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

QUYỂN IV

Phẩm 3: DÒNG VUA THỜI HIỀN KIẾP

 (Phần 1)

Bấy giờ, Đức Phật ngự tại tinh xá Trúc lâm thuộc thành Vương xá, là chỗ chim Ca-lan-đà thường ở, cùng với năm trăm chúng đại Tỳ- kheo. Khi ấy Đức Phật y theo pháp chư Phật… Cho đến ở trong phạm hạnh thanh tịnh bảo các Tỳ-kheo:

-Này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe và nhớ lấy, y theo lời Thế Tôn dạy.

Các Tỳ-kheo bạch:

-Bạch Thế Tôn, chúng con hoan hỷ đem tâm kính tín phụng trì.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Thuở ban sơ trong hiền kiếp này, sau khi cõi đại địa kiến lập xong, có một vị hết sức giàu có thông minh, đức hạnh hơn người, làm vị Đại thủ lãnh trong dòng Chuyển luân thánh vương tên là Chúng-tập-trí.

Phân định ngôi vị xong rồi, lúc đó dân chúng mới thưa với vị địa chủ ấy:

-Vị đại địa chủ của chúng tôi, hãy vì chúng tôi mà làm người trị phạt những kẻ gian ác, thưởng kẻ hiền lương. Xin Ngài phát lúa giống và chia ruộng cho chúng tôi, chúng tôi mỗi người đều canh tác. Chúng tôi sau khi thu hoạch xong, sẽ cắt lấy một phần dâng nạp cho nhân giả.

Vị địa chủ nhận lời thỉnh cầu của dân chúng, theo đúng như pháp lý, căn cứ lẽ công bằng mà cai trị, kẻ nào gian ác thì trị phạt, người nào hiền lương thì được khen thưởng. Dân chúng có ruộng và lúa giống đều gia tâm chăm sóc, sau khi lúa chín rồi tùy phần thọ hưởng.

Đức Phật bảo Tỳ-kheo:

-Dân chúng lúc ấy cứ như vậy hòa hợp sum vầy đoàn kết, cùng nhau phò trì vị nhân giả được tôn xưng làm địa chủ. Do vì đại chúng hội ý suy tôn, cho nên gọi vị này là “Đại chúng Bình đẳng”. Vị địa chủ này cai trị dân chúng đúng như pháp, khiến cho dân chúng hoan hỷ một lòng ái mộ, chung cùng đoàn kết, ngài vì mọi người làm vị phân xử cho nên gọi vị địa chủ này là vua. Lại nữa dân chúng chăm sóc tất cả ruộng nương, khi lúa chín nhà vua thu lấy một phần trên mảnh ruộng mà nhà vua đã phân chia cho dân chúng, nên gọi vị vua này là Sát-lợi vương. Sát-lợi vương tức là điền chủ. Các ông phải biết, do nhân duyên này, đây là thời kỳ tối sơ của kiếp ban đầu lập nên nhà vua.

Đức Phật bảo chúng Tỳ-kheo:

-Khi dân chúng đã lập nên nhà vua rồi, sau đó nhà vua sinh một người con tên là Chân Thật làm vị Chuyển luân thánh vương.         Chuyển luân thánh vương là vị đại địa chủ thống lãnh bốn châu thiên hạ, bảy thứ báu tự nhiên có, sinh hạ một ngàn Thái tử, đầy đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, oai đức dũng mãnh xua đuổi giặc thù. Khi Chuyển luân thánh vương còn tại thế cai trị dân chúng, thì cõi đại địa và biển cả không có gai góc, gò nổng cao thấp, ngũ cốc được mùa, dân chúng an lạc, không có sự sợ sệt hay gian nan, không dùng thế lực quân đội vũ khí mà các nơi tự quy phục. Chuyển luân thánh vương cai trị dân chúng đúng như chánh pháp.

Này các Tỳ-kheo, trong một ngàn người con của vua Chân Thật, vị trưởng tử tên là Ý Hỷ, còn có tên là Tự Dụng. Người con này cũng lên ngôi Chuyển luân thánh vương, có bảy thứ báu, một ngàn người con, cho đến cõi đại địa, cai trị dân chúng… như đã nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, người con thứ nhất trong một ngàn người con của vua Tự Dụng tên là Trí Giả, mọi người gọi là Thọ Giới. Vị Trí Giả này cũng nối ngôi cha làm Chuyển luân thánh vương, đầy đủ bảy báu, một ngàn người con, cho đến cõi đại địa, cai trị dân chúng… như đã nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, người con lớn nhất trong một ngàn người con của vua Trí Giả, tên là Đảnh Sinh, cũng nối ngôi cha làm Chuyển luân thánh vương, cho đến cõi đại địa, như pháp cai trị giáo hóa dân chúng… như đã nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, người con lớn nhất trong một ngàn người con của vua Đảnh Sinh tên là Đại Hải, cũng nối ngôi cha làm Chuyển luân thánh vương…, như đã nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, người con lớn nhất trong một ngàn người con của vua Đại Hải tên là Cụ Túc, mọi người gọi tên khác là Vi Phu, kế tiếp lên ngôi vua,… như đã nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, người con đầu trong một ngàn người con của vua Cụ Túc tên là Dưỡng Dục kế tiếp lên ngôi vua,… như nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, người con đầu trong một ngàn người con của vua Dưỡng Dục tên là Phước Xa kế tiếp lên ngôi vua,… như nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, người con đầu trong một ngàn người con của vua Phước Xa tên là Giải Thoát kế tiếp lên ngôi vua,… như nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, người con đầu trong một ngàn người con của vua Giải Thoát tên là Thiện Giải Thoát kế tiếp lên ngôi vua,… như nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, vua Thiện Giải Thoát có người con tên là Tiêu Diêu kế tiếp lên ngôi vua,… như nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, vua Tiêu Diêu có người con tên là Đại Tiêu Diêu kế tiếp lên ngôi vua,… như nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, vua Đại Tiêu Diêu có người con tên là Chiếu Diệu kế tiếp lên ngôi vua,… như nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, vua Chiếu Diệu có người con tên là Đại Chiếu Diệu kế tiếp lên ngôi vua,… như nói ở trên.


(Phần 2)

 (Đầu Quyển 5)

Này các Tỳ-kheo, vua Đại Chiếu Diệu có người con lại trùng tên Ý Hỷ, kế tiếp lên ngôi vua,… như đã nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, vua Ý Hỷ có người con tên là Thiện Hỷ kế tiếp lên ngôi vua,… như đã nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, vua Thiện Hỷ có người con tên là Mãn Túc kế tiếp lên ngôi vua,… như đã nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, vua Mãn Túc có người con tên Đại Mãn Túc kế tiếp lên ngôi vua,… như đã nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, vua Đại Mãn Túc có người con lại trùng tên Dưỡng Dục kế tiếp lên ngôi vua,… như đã nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, vua Dưỡng Dục có người con lại trùng tên Phước Xa kế tiếp lên ngôi vua,… như đã nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, vua Phước Xa có người con tên là Nhân Thủ Lãnh kế tiếp lên ngôi vua, … như đã nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, vua Nhân Thủ Lãnh có người con tên là Hỏa Chất kế tiếp lên ngôi vua,… như đã nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, vua Hỏa Chất có người con tên là Quang Diễm, kế tiếp lên ngôi vua,… như đã nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, vua Quang Diễm có người con tên là Thiện Thí Quan kế tiếp lên ngôi vua,… như đã nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, vua Thiện Thí Quan có người con tên là Không Quan kế tiếp lên ngôi vua,… như đã nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, vua Không Quan có người con tên là Thiện Kiến kế tiếp lên ngôi vua,… như đã nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, vua Thiện Kiến có người con tên là Đại Thiện Kiến kế tiếp lên ngôi vua,… như đã nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, vua Đại Thiện Kiến có người con tên là Tu-di, kế tiếp lên ngôi vua,… như đã nói ở trên.

Này các Tỳ-kheo, vua Tu-di có người con tên là Đại Tu-di kế tiếp lên ngôi vua,… như đã nói ở trên.

Chuyển luân thánh vương thống lãnh các cõi đại địa, biển lớn trong bốn châu thiên hạ, đầy đủ bảy thứ quý báu,… cho đến cai trị dân chúng đúng như pháp.

Này các Tỳ-kheo, các vị vua này đều là Chuyển luân thánh vương, trong thời quá khứ tu tập đầy đủ vô lượng phước đức, trồng nhiều căn lành. Do quả báo ấy đều được thông lãnh tất cả cõi đại địa trong bốn châu thiên hạ, thọ hưởng phước lạc, thọ mạng khôn lường, không thể tính toán.

Này các Tỳ-kheo, các ông phải biết, ta sẽ kể dòng họ con cháu đời đời nối tiếp nhau của các Chuyển luân thánh vương, và con cháu truyền thừa, chỗ ở, tên tuổi, thứ lớp nhiều ít của các tiểu vương. Nay ta vì các ông nói tổng quát chủng tộc các vua, các ông hãy lắng nghe.

Này các Tỳ-kheo, vua Đại Tu-di cai trị dân chúng, từ trước cho đến sau, con cháu đời đời nối nhau, gồm có một trăm lẻ một tiểu Luân-vương, lần lượt đều đóng đô ở thành Bao-đa-na cai trị dân chúng, thọ hưởng phước lạc, vị vua cuối cùng trong số một trăm lẻ một vị vua đó tên là Sư Tử Thừa.

Con cháu của vua Sư Tử Thừa đời đời nối tiếp nhau, gồm sáu mươi mốt tiểu Chuyển luân vương, lần lượt đều đóng đô tại thành Ba-la-nại, cai trị dân chúng thọ hưởng phước lạc.

Vị vua cuối cùng trong sáu mươi mốt vị vua này tên là Nữ Thừa, con cháu của vua Nữ Thừa đời đời nối tiếp nhau gồm có năm mươi sáu tiểu Chuyển luân vương, lần lượt đều đóng đô tại thành A-du-xà cai trị dân chúng, thọ hưởng phước lạc.

Vị vua cuối cùng trong năm mươi sáu tiểu Chuyển luân vương này tên là Nghiêm Xí Sinh. Con cháu của vua Nghiêm Xí Sinh đời đời nối tiếp nhau gồm tất cả một ngàn tiểu Chuyển luân vương. Lần lượt đều đóng đô tại thành Ca-tỳ-lê-da cai trị dân chúng thọ hưởng phước lạc.

Vị vua sau cùng trong số một ngàn vị vua này tên là Phạm Đức.

Con cháu vua Phạm Đức đời đời nối nhau, gồm có hai mươi lăm Chuyển luân vương, lần lượt đóng đô tại thành A-tư-đế-na-phú-la cai trị dân chứng thọ hưởng phước lạc.

Vị vua sau cùng trong số hai mươi lăm vị vua này tên là Tượng Tướng. Con cháu vua Tượng Tướng đời đời nối nhau gồm có hai mươi lăm tiểu Chuyển luân vương, lần lượt đều đóng đô tại thành Đức-xoa-thi-la, cai trị dân chúng thọ hưỏng phước lạc.

Vị vua sau cùng trong số hai mươi lăm vị vua này tên là Hộ, con cháu của vua Hộ đời đời nối tiếp nhau gồm có một ngàn hai trăm tiểu Chuyển luân vương, tất cả đều lần lượt đóng đô tại thành Xa-da-na, cai trị dân chúng thọ hưởng phước lạc.

Vị vua cuối cùng trong số một ngàn hai trăm vị vua này tên là Năng Hàng Phục, con cháu của vua Năng Hàng Phục đời đời nối tiếp nhau gồm có chín mươi tiểu Chuyển luân vương, tất cả đều lần lượt đóng đô tại thành Ca-na-cưu-xà, cai trị dân chúng thọ hưởng phước lạc.

Vị vua cuối cùng trong số chín mươi vị vua này tên là Thắng Tướng, con cháu của vua Thắng Tướng đời đời nối tiếp nhau gồm có hai ngàn năm trăm tiểu Chuyển luân vương, tất cả đều lần lượt đóng đô tại thành Chiêm-ba, cai trị dân chúng thọ hưởng phước lạc.

Vị vua sau cùng trong số hai ngàn năm trăm vị vua này tên là Long Thiên, con cháu vua Long Thiên đời đời nối tiếp nhau gồm có hai mươi lăm tiểu Chuyển luân vương, tất cả đều lần lượt đóng đô tại thành Vương xá, cai trị dân chúng thọ hưởng phước lạc.

Vị vua cuối cùng trong số hai mươi lăm vị vua này tên là Tác Xà, con cháu vua Tác Xà đời đời nối tiếp nhau gồm có hai mươi lăm tiểu Chuyển luân vương, tất cả đều lần lượt đóng đô ở thành Câu-thi-na-kiệt, cai trị dân chúng thọ hưởng phước lạc.

Vị vua sau cùng trong số hai mươi lăm vị vua này tên là Đại tự tại thiên, con cháu vua Đại tự tại thiên đời đời nối nhau gồm có hai mươi lăm tiểu Chuyển luân vương, tất cả đều lần lượt đóng đô tại thành Am-bà-la-kiếp, cai trị dân chúng thọ hưởng phước lạc.

Vị vua sau cùng trong số hai mươi lăm vị vua này lại trùng tên Đại tự tại thiên, con cháu vua Đại tự tại thiên đời đời nối tiếp nhau gồm có hai mươi lăm tiểu Chuyển luân vương, tất cả đều đóng đô ở thành Đàn-đà-phú-sa, cai trị dân chúng thọ hưởng phước lạc.

Vị vua sau cùng trong số hai mươi lăm vị vua này tên là Thiện Ý, con cháu vua Thiện Ý đời đời nối tiếp nhau gồm có hai mươi lăm tiểu Chuyển luân vương, tất cả đều đóng đô tại thành Đa-ma-bà-phả-lê-đa, cai trị dân chúng thọ hưởng phước lạc.

Vị vua sau cùng trong số hai mươi lăm vị vua này tên là Vô Ưu Man, con cháu của vua Vô Ưu Man đời đời nối tiếp nhau gồm có tám vạn bốn ngàn tiểu Chuyển luân vương, tất cả đều lần lượt đóng đô tại thành Mị-di-la, cai trị dân chúng thọ hưởng phước lạc.

Vị vua sau cùng trong số tám vạn bốn ngàn vua này tên là Tỳ nữu-thiên, con cháu vua Tỳ-nữu-thiên đời đời nối tiếp nhau gồm có một trăm lẻ một vị vua, đều lần lượt đóng đô tại thành Tỳ-bao-đa-na, cai trị dân chúng thọ hưởng phước lạc.

Vị vua sau cùng trong số một trăm lẻ một vị vua này lại trùng tên Đại tự tại thiên, con cháu vua Đại tự tại thiên đời đời nối tiếp nhau gồm có tám vạn bốn ngàn vị vua, tất cả lần lượt lại đóng đô tại thành Mị-da-la, cai trị dân chúng thọ hưởng phước lạc.

Vị vua cuối cùng trong số các vị vua đó tên là Ngư Vương. Các Tỳ-kheo phải biết, các tiểu Chuyển luân vương ấy, đều đầy đủ phước đức, đều trồng các căn lành, hưởng thọ đầy đủ các phước báo thế gian không ai sánh bằng. Đất liền và biển cả, hết thảy núi non đều thuộc phạm vi thống lãnh cai trị của nhà vua.

Này các Tỳ-kheo, các Chuyển luân vương, mỗi vị đều có các tiểu vương, ta sẽ trình bày: Ngư Vương có người con tên là Chân Sinh. Tổ phụ vua Chân Sinh từ trước đến đây đều tu tập các thiện căn, được nối nhau làm vua, do phước báo hết nên mất ngôi vua. Người đương thời thấy chính sách cai trị vô đạo của nhà vua, không có phước đức, họ cùng nhau bàn luận: Ông vua này hết sức ti tiện thấp kém trong mọi người, là kẻ bạc đức trong mọi người, là người đáng thương hại trong mọi người, là người đáng lật đổ. Do đó người đương thời tặng biệt hiệu là ông vua Khả Quật. Ông vua Khả Quật có người con tên là Bình Đẳng Hành. Con của vua Bình Đẳng Hành tên là Ám Hỏa. Con của vua Ám Hỏa tên là Diễm Xí. Con của vua Diễm Xí tên là Thiện Thí. Con của vua Thiện Thí tên là Hư Không. Con của vua Hư Không tên là Giới Hạnh. Con của vua Giới Hạnh tên là Vô Ưu. Con của vua Vô Ưu tên là Ly Ưu. Con của vua Ly Ưu tên là Trừ Ưu. Con của vua Trừ Ưu tên là Thắng Tướng. Con của vua Thắng Tướng tên là Đại Tướng. Con của vua Đại Tướng tên là Thai Sinh. Con của vua Thai Sinh tên là Minh Tinh. Con của vua Minh Tinh tên là Phương Chủ. Con của vua Phương Chủ tên là Trần. Con của vua Trần tên là Thiện Ý. Con của vua Thiện Ý tên là Thiện Trụ. Con của vua Thiện Trụ tên là Hoan Hỷ. Con của vua Hoan Hỷ tên là Đại Lực. Con của vua Đại Lực tên là Đại Quang. Con của vua Đại Quang tên là Đại Danh Xưng. Con của vua Đại Danh Xưng tên là Thập Xa. Con của vua Thập Xa tên là Nhị Thập Xa. Con của vua Nhị Thập Xa tên là Diệu Xa. Con của vua Diệu Xa tên là Bộ Xa. Con của vua Bộ Xa tên là Thập Cung. Con của vua Thập Cung tên là Bá Cung. Con của vua Bá Cung tên là Nhị Thập Cung. Con của vua Nhị Thập Cung tên là Diệu Sắc Cung. Con của vua Diệu Sắc Cung tên là Tội Cung. Con của vua Tội Cung tên là Hải Tướng. Con của vua Hải Tướng tên là Nan Thắng. Con của vua Nan Thắng tên là Mao Thảo. Con của vua Mao Thảo tên là Đại Mao Thảo. Con cháu đời đời tiếp tục nối nhau đến đời Đại Mao Thảo gồm có một trăm lẻ tám vị vua, tuần tự đều đóng đô tại thành Bao-đa-na, cai trị giáo hóa dân chúng thọ hưởng phước lạc.

Trong một trăm lẻ tám vị vua này, vị vua cuối cùng là Đại Mao Thảo. Nhà vua không con, thầm nghĩ: “Các tiểu vương của dòng họ ta từ trước đến nay, khi thấy râu tóc mình bạc, mỗi vua đều làm lễ quán đảnh cho con mình lên làm vua, riêng lấy một châu giàu có bậc nhất dùng vào việc bố thí, rồi sau đó cạo bỏ râu tóc, trao ngôi vua cho con xuất gia hành đạo. Còn ta ngày nay không có con, biết lấy ai kế nghiệp vương vị sau này, ai là người có khả năng phát triển dòng họ ta! Hoặc ta ngày nay lại đoạn dòng giống các vua.” Rồi lại nghĩ tiếp: “Nếu ngày nay ta không xuất gia hành đạo, thì đoạn mất hạt giống của tất cả Hiền thánh.” Suy nghĩ như vậy rồi, lúc đó Đại Mao Thảo liền đem ngôi vua phó thác cho các vị đại thần. Mọi người cùng nhau tiễn đưa nhà vua ra khỏi thành.  Nhà vua cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, sống cuộc đời xuất gia, trì giới thanh tịnh, chuyên tâm dũng mãnh, chứng được bốn quả thiền, đầy đủ năm phép thần thông thành ông vua Tiên, thọ mạng rất lâu, đến tuổi già yếu, da nhăn, lưng còng, tuy phải nhờ gậy nhưng vẫn không thể đi xa được. Khi các đệ tử của vua Tiên sắp đi xa khất thực, họ phải dùng cỏ tốt mềm mại lót trong một chiếc lồng, đặt vua Tiên vào đấy treo trên cành cây. Tại sao làm như vậy? Vì chúng đệ tử sợ các loài độc trùng và thú dữ đến làm hại thầy mình.

Một hôm, sau khi chúng đệ tử đi khất thực hết rồi, có một tên thợ săn rảo đi trong núi, xa xa trông thấy vua Tiên ngỡ là chim bạch hạc, liền trương cung bắn. Khi vua Tiên bị tên bắn nhằm, có hai giọt máu chảy xuống đất liền mạng chung. Các hàng đệ tử khất thực trở về, thấy thầy mình bỏ mạng vì mũi tên, lại thấy trên đất có hai giọt máu. Lập tức hạ lồng xuống, đặt thầy trên mặt đất, chất củi làm lễ trà-tỳ, thâu hài cốt xây tháp. Lại đem bao nhiêu hương hoa quý giá, tôn trọng tán thán cung kính cúng dường. Lễ cúng dường xong, lúc ấy từ hai giọt máu trên mặt đất mọc lên hai cây mía, mầm mía từ từ cao lớn. Đến khi mía già, ánh sáng mặt trời rọi vào, thân mía nứt làm hai, một cây xuất hiện một đồng nam, còn cây kia xuất hiện một đồng nữ, cả hai thân hình đoan chính khả ái, ở đời không lúc có được đứa trẻ thứ hai! Khi ấy, các đệ tử của vua Tiên nghĩ: “Thầy mình còn tại thế không có con, nay hai đồng tử này thuộc dòng họ của vua Tiên, ta nên nuôi dưỡng chăm sóc, rồi báo tin cho quần thần biết”.

Các vị đại thần nghe việc này rất đỗi vui mừng, cùng vào rừng đón hai đồng tử trở về nội cung. Cho mời thầy tướng đại Bà-la-môn, đến xem tướng và đặt tên cho đồng tử và đồng nữ.

Thầy tướng tâu với quần thần:

-Đồng tử này sinh ra từ cây mía già nứt ra do ánh sáng mặt trời chiếu vào, nên tên thứ nhất là Thiện Sinh; lại do từ cây mía sinh ra, nên tên thứ hai là Cam Giá Sinh; lại do ánh mặt trời chiếu vào cây mía mà sinh, nên cũng có tên là Nhật Chủng. Còn đồng nữ cũng cùng một nhân duyên ấy, nên đặt tên là Thiện Hiền, lại còn gọi là Thủy Ba. Quần thần lấy Cam Giá là họ sinh ra đồng tử.

Tuy đồng tử còn đang tuổi ấu thơ, quần thần làm lễ quán đảnh suy tôn lên ngôi vua. Còn đồng nữ Thiện Hiền, khi đến tuổi trưởng thành, đủ khả năng hầu hạ nhà vua, quần thần tấn phong làm đệ nhất phu nhân của nhà vua.

Bấy giờ vua Cam Giá có đệ nhị thứ phi dung nhan đoan chánh, sắc đẹp tuyệt vời, sinh hạ bốn hoàng tử: Người thứ nhất tên là Cự Diện, người thứ hai tên là Kim sắc, người thứ ba tên là Tượng Chúng và người thứ tư tên là Biệt Thành. Còn chánh phi Thiện Hiền chỉ sinh được một hoàng nam tên là Trường Thọ, hình dung đoan chánh dễ thương, thế gian ít ai sánh bằng, nhưng thiếu tướng căn bản, không đủ điều kiện để làm vua. Khi ấy chánh phi Thiện Hiền nghĩ: “Vua dòng Cam Giá có bốn người con: Cự Diện v.v…Anh em chúng nó cường tráng, ta nay chỉ có một người con, tuy cực kỳ đẹp đẽ, thế gian không có người thứ hai nhưng nó không có tướng phần làm vua”, nên bà ta mới suy tính: “Vua Cam Giá ngày nay ở gần bên ta, hết sức sủng ái ta, tâm vua buông lung phóng đãng vô cùng say đắm. Ta ngày nay phải dùng cách trang điểm tột bậc của một người vợ, nghĩa là đem các thứ thanh khiết thoa ướp thân thể, tắm gội bằng nước nóng hương thơm, khiến mùi thơm ngào ngạt phưởng phất, tóc chải dầu trạch lan, mặt đánh son phấn, tràng hoa, chuỗi anh lạc, trang điểm đủ các thứ, khiến vua Cam Giá một khi ở bên ta, sinh tâm quá đam mê ái luyến. Nếu đúng như ý định, ở nơi vắng vẻ ta sẽ thỉnh cầu ý nguyện.”

Theo sự suy tính ở trên, bà ta trang điểm tự thân vô cùng tuyệt đẹp, rồi đến nơi vua ngự. Nhà vua vừa thấy chánh phi đến, sinh tâm phóng dật yêu mến vô cùng. Chánh phi đi đến lúc hai người nằm ngủ, mới khẽ bạch Đại vương:

-Thưa Đại vương biết cho, hôm nay phi đến với Đại vương thỉnh cầu một việc, xin Đại vương thuận ý.

Nhà vua nói:

-Này đại phi, tùy ý khanh ta không phản đối, theo ước muốn của phi, ta sẽ chấp thuận.

Chánh phi hỏi lại nhà vua:

-Nhà vua nếu không có gì e ngại tùy thuận theo ý của phi, xin Đại vương sau này không nên đổi ý. Nếu như Đại vương đổi ý, thì phi chẳng cần phải ở nơi đây để thỉnh cầu.

Nhà vua đáp:

-Ta hoàn toàn chiều theo ý của ái khanh, nếu sau này có đổi ý, thì đầu trẫm sẽ vỡ thành bảy mảnh.

Chánh phi tâu:

-Thưa Đại vương, bốn đứa con của Đại vương: Cự Diện v.v…, xin Đại vương đuổi chúng nó ra khỏi nước, để con ruột của thiếp là Trường Thọ lên kế nghiệp ngôi vua.

Vua Cam Giá bảo chánh phi:

-Bốn đứa con này của ta nó không phạm lỗi, không bức hiếp lấy của người, không tội vạ gì. Đâu được đối với kẻ vô tội vạ đuổi đi xa khỏi nước. Chúng có những gì không tốt, mà không cho chúng ở trong biên cương quốc gia ta cai trị?

Vương phi lại thưa:

-Đại vương trước đã có lời thề, sau này có đổi ý thì đầu Đại vương vỡ thành bảy mảnh.

Đại vương bảo chánh phi.

-Thôi ta giữ đúng lời thề trước đã hứa với khanh. Nếu khanh cho là phải thì cứ mặc tình tùy ý.

Qua ngày hôm sau, trời vừa rạng sáng, vua Cam Giá triệu tập bốn người con, ra sắc lệnh:

Này bốn đồng tử, ngày hôm nay các con không được ở trong lãnh thổ của ta cai trị, cần phải đi xa, ra ngoài nước mà ở.

Bốn đồng tử quỳ gối chắp tay tâu phụ vương:

-Tâu Đại vương biết cho, bốn chúng con không có tội lỗi, không có sai lầm, không làm điều phi pháp lấy tiền của người khác, lại không tạo các ác nghiệp. Không biết tại sao Đại vương lại đuổi chúng con ra khỏi nước?

Nhà vua bảo các con:

-Ta vẫn biết các con thật không tội lỗi, không hiếp người lấy của, như đã nói ở trên. Việc này không phải ý của ta. Sự xua đuổi này là ý của chánh phi Thiện Hiền, người yêu cầu ta, vì ta không muốn trái ý người nên đuổi các con ra khỏi nước.

Mẹ bốn vương tử nghe vua Cam Giá sắp đuổi con mình ra khỏi nước, vội vàng đến nơi bệ rồng tâu Đại vương:

-Thần thiếp vừa nghe Đại vương sắp đuổi bốn con thiếp ra khỏi nước, việc ấy có đúng như vậy chăng?

Đại vương đáp:

-Đúng như vậy.

Các cung phi cũng đều đến tâu với vua:

-Thưa Đại vương, xin cho chúng tôi đều được đi theo các vương nhi.

Đại vương đáp:

-Tùy ý các phi cứ đi.

Bấy giờ các phi đàn em lại tâu vua:

-Chị và các cháu chúng tôi ngày nay đi ra khỏi nước, chúng tôi cũng xin đi theo.

Đại vương đáp:

-Mặc ý các khanh.

Các đại thần, công khanh, phụ tướng cũng tâu vua:

-Ngày nay Đại vương đuổi bốn vương tử ra khỏi nước, quần thần chúng tôi cũng xin đi theo.

Đại vương đáp:

-Mặc ý các khanh.

Các quan cai quản voi ngựa nhà vua cũng xin đi theo.

Đại vương đáp:

-Tùy ý các khanh.

Các tướng bắn cung, bắn nỏ, tướng cai quản ngục tù, các quan coi súc sinh: trâu, dê v.v… cùng các con của họ. Các quan chủ kho tàng, binh tướng, lính tuần hành, tráng sĩ và các tướng thiện xạ, tôi trai tớ gái và các con của họ nghe tin vua Cam Giá sắp đuổi bốn vương tử ra khỏi nước. Họ cùng nhau đến tâu với vua:

-Xin Đại vương cho chúng tôi đồng theo hầu bốn vương tử, dầu đi đến phương nào.

Nhà vua đáp:

-Tùy ý các người.

Các thợ làm đồ tre, thợ thuộc da, thợ ngói, thợ đồ gốm, thợ mộc làm nhà, thợ nấu rượu và đồ ăn uống, thợ hớt tóc, thợ giặt nhuộm áo quần, thợ hàng thịt, thầy thuốc coi mạch hốt thuốc, người đánh cá… các thợ trong nước nghe nhà vua sắp đuổi bốn vương tử ra khỏi nước, đồng đến nhà vua thưa hỏi có đúng như vậy không?

Nhà vua đáp:

-Đúng như thế.

Tất cả các thợ tâu:

-Xin cho chúng tôi cùng đi.

Nhà vua đáp:

-Tùy ý các ngươi.

Vua Cam Giá ra lệnh các vương tử:

-Này các vương tử, từ nay trở đi, khi nào các người muốn kết hôn, không được ở phương xa kết hôn với dòng họ khác, nên trở về trong gia tộc mình lấy vợ, đừng để dòng họ Cam Giá bị đoạn tuyệt.

Các vương tử bạch phụ vương:

-Chúng con giữ đúng như lời phụ vương dạy.

Các vương tử nhận lệnh phụ vương rồi, mỗi người đều đến chỗ mẹ mình với các dì, chị hoặc em của mẹ mình và số nô tỳ, dùng lạc đà chuyên chở tài sản hướng về phương Bắc đến dưới chân Tuyết sơn, dừng nghỉ nơi đây một thời gian ngắn. Dưới chân núi có một dòng sông lớn tên là Bà-kỳ-la-di, đoàn người vượt qua sông, lên đến tận đỉnh Tuyết sơn, ở nơi đây dạo chơi một thời gian khá lâu. Lúc này bốn vương tử ở trên đỉnh núi săn bắn cầm thú dùng làm thức ăn. Đi lần về phía trước, đến mặt Nam Tuyết sơn, thấy sông rộng mặt nước phẳng lờ, nơi đây không có các thứ: hầm hố, gò nổng, đồi núi, hang hóc, ghềnh thác, kênh rạch, gai góc, bụi bặm và sạn sỏi v.v… Vùng đất này chỉ sinh các loài cỏ xanh tươi mềm mại trong sạch, ai cũng ưa thích. Rừng cây thì hoa quả sum suê trải một lớp dày đặc, giống như chòm mây đen, phản chiếu một màu xanh tươi sáng. Cây rừng mọc khắp mọi nơi, cây này cách cây kia một khoảng nhỏ. Các cây đó là: Ta-la, Đa-la, Na-đa-ma-la, A-tuyết-tha, Ni-câu-đà, Ưu-đàm-bà-la, Thiên niên táo, Ca- lê-la vặv… đều tỏa ra cành lá che ánh nắng mặt trời. Lại có rất nhiều hoa đẹp, đó là: Hoa Đề-mục-đa, hoa Chiêm-ba, hoa A-thâu-ca, hoa Ba-đa-la, hoa Bà-lợi-sư-ca, hoa Câu-lan-na, hoạ Câu-tỳ-đà-la, hoa Đàn-nô-sa-ca-lợi-ca, hoa Mục-chân-lân-đà, hoa Tô-ma-na v.v… Tất cả các loài hoa, hoặc có thứ đang nở, hoặc có thứ đang búp, hoặc có thứ chớm nở hoặc có thứ đã tàn. Lại có vô lượng trái cây, như là: Am-bà-la, trái Diêm-phù, trái Lăng-câu-xà, trái Ba-na-bà, trái Trấn-đầu-ca, trái A-lê-lặc, trái Tỳ-hê-lặc, trái A-ma-lặc v.v… Tất cả các thứ trái cây hoặc vừa kết nụ, hoặc vừa ửng chín, hoặc có trái đã chín muồi đều có thể ăn được. Lại có vô lượng các loại thú rừng, như là: Y-nê-da, hươu, nai, trâu nước, Na-la-ca, trâu rừng, bạch tượng và sư tử v.v… Lại có vô lượng các loại chim, như là: Anh-võ, Câu-sí-la, Sáo, Khổng tước, Ca- lăng-tần-già, Mạng-mạng, Giao thanh, Gà rừng, Bạch hạc, Giá-ma-ca Lan-ma v.v… và các loài chim khác nữa. Lại có vô lượng ao nước, mỗi ao lại có các loài hoa, như là: Hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen trắng, hoa sen trắng lớn trải khắp trên mặt các ao. Bốn bờ ao đều có các thứ hoa rủ xuống trên mặt nước. Nước ao trong sạch không có vẩn đục, chứa đầy nước như vậy, không cạn, không sâu, dễ lội dễ đi, bốn phía bờ ao đủ các thứ cây. Trong ao lại có các loài thủy tộc như cá, trạch, rùa, ba ba, ốc, trai. Các loài chim nhỏ ở trên mặt nước như: Chim le, chim nhạn, ngỗng, vịt, cò trắng, cồng cộc, uyên ương… ‘

Nhưng tại chỗ này, xưa kia có một vị Tiên cư ngụ tên là Ca-tỳ-la. Bốn vương tử quan sát cảnh trí rồi, cùng nhau bàn luận:

-Chúng ta có thể ở nơi đây xây thành cai trị.

Sau khi các vương tử xây dựng nơi ăn chốn ở xong rồi, nhớ đến lời phụ vương dạy: “Nên tìm người trong họ mà kết hôn”. Nhưng ở đây không tìm được người trong họ làm vợ, nên mỗi vương tử lấy các dì cung phi lớn hay nhỏ hơn mẹ mình, y theo lễ cưới kết thành vợ chồng. Một là giữ đúng lời phụ vương dạy, hai là dòng họ Thích không xen lẫn dòng máu khác.

Một ngày nọ, vua Nhật Chủng Cam Giá triệu một quốc sư đại Bà-la-môn đến hỏi:

-Này đại Bà-la-môn, bốn vương tử của ta hiện nay đang ở đâu? Quốc sư đáp:

-Tâu Đại vương, ngài phải biết các vương tử đã đem theo các dì lớn hơn hay nhỏ hơn mẹ mình, dùng lạc đà chở người và vật ra khỏi nước đi xa về phía Bắc, đến nay đã sinh hạ hoàng nam ái nữ, diện mạo khôi ngô thùy mị.

Khi ấy vua Cam Giá vì lòng yêu thương các vương tử, ý nghĩ muốn gặp, trong lòng hoan hỷ mà khen ngợi:

-Các vương tử có khả năng biết cách dựng nước, có tài trị dân. Các vương tử vì vậy lập họ mình là Thích-ca, vì Thích-ca ở dưới gốc đại thọ cành lá um tùm, do đó gọi là Xa-di-kỳ-da. Do nơi đây là chỗ ở trước kia của tiên Ca-tỳ-la, nhân đó mà lập tên thành là Ca-tỳ-la-bà-tô-đô.

Sau này bốn vương tử của vua Cam Giá chết hết ba người, chỉ còn lại một vương tử tên là Ni-câu-la (nhà Tùy dịch là Biệt Thành) làm vua, đóng đô tại thành Ca-tỳ-la cai trị dân chúng, thọ hưởng phước lạc.

Vua Ni-câu-la sinh được một người con tên là Câu-lô, cũng đóng đô tại thành Ca-tỳ-la của phụ vương, cai trị dân chúng. Vua Câu-lô lại sinh được một người con tên là Cù-câu-lô kế vị làm vua, cũng đóng đô tại thành của phụ vương cai trị dân chúng. Vua Cù-câu-lô lại sinh một người con tên là Sư Tử Giáp, lại ở tại thành của phụ vương cai trị dân chúng. Vua Sư Tử Giáp sinh bốn người con: Người thứ nhất tên là Duyệt-đầu-đàn vương (nhà Tùy dịch là Tịnh Phạn vương). Người thứ hai tên là Thâu-câu-lô-đàn-na (nhà Tùy dịch là Bạch Phạn). Người thứ ba tên là Đồ-lô-đàn-na (nhà Tùy dịch là Hộc Phạn). Người thứ tư tên là A-di-đô-đàn-na (nhà Tùy dịch là Cam Lộ Phạn) và một người con gái tên là Cam Lộ Vị. Vị vương tử thứ nhất của vua Sư Tử Giáp kế vị lên ngôi vua, cũng đóng đô tại thành của phụ vương cai trị dân chúng hưởng cảnh phước lạc.

Lại có một thành cách thành Ca-tỳ-la chẳng bao xa tên là Thiên tý. Thành Thiên tý có một trưởng giả dòng họ Thích giàu sang, tên là Thiện Giác. Trưởng giả này có nhiều của cải, ngọc ngà châu báu, tài sản dẫy đầy, đầy đủ oai đức, tự nhiên tùy ý muốn, không thiếu thốn một vật gì. Nhà cửa giống như cung điện Tỳ-sa-môn không khác. Vị trưởng giả này sinh được tám người con gái: Người con đầu tên là Ý, người thứ hai tên là Vô Tỷ Ý, người thứ ba tên là Đại Ý, người thứ tư tên là Vô Biên Ý, người thứ năm tên là Kế Ý, người thứ sáu tên là Hắc Ngưu, người thứ bảy tên là sấu Ngưu, và người thứ tám tên là Ma-ha Ba-xà-ba-đề (nhà Tùy dịch là Đại Tuệ hay là Phạm Thiên), Nàng Phạm Thiên này là người nhỏ tuổi nhất. Ngày sinh ra nàng, các thầy tướng danh tiếng Bà-la-môn xem tướng nàng nói: Người con gái này, nếu về sau lấy chồng sẽ sinh được quý tử, nhất định sẽ làm Chuyển luân thánh vương, đứng đầu trong bốn châu thiên hạ, bảy thứ báu tự nhiên có, đầy đủ một ngàn con, cho đến câu: không dùng hình phạt trị dân.

Các con gái của trưởng giả Thiện Giác trải qua năm tháng lớn khôn, đến tuổi cập kê. Tịnh Phạn vương nghe trong nước của mình có một nhà họ Thích, hết sức giàu sang, sinh hạ được tám nàng con gái, dung nhan đoan chánh ít ai sánh bằng. Cho đến nhà vua nghe thầy tướng nói người con gái út sẽ sinh quý tử. Tịnh Phạn vương nghe như vậy rồi, nói: Nay ta sẽ cầu người con gái đó làm vợ, để dòng họ Cam Giá ta làm Chuyển luân thánh vương, con cháu tiếp nối khỏi phải tuyệt diệt. (Vấn đề này thì luật gia nói như vậy, nghĩa là nói Đại Tuệ là mẹ Bồ-tát Tất-đạt-đa. Còn căn cứ vào văn kinh A-ba-đà-na thì nói Vua Thâu-đầu-đàn là cha ta, phu nhân Ma-da là mẹ ta. Như đem lời nói trong kinh A-ba-đà-na phôi kiểm văn các kinh khác, thì ý của kinh A-ba-đà-na là đúng).

Vua Tịnh Phạn liền sai sứ giả đi đến nhà trưởng giả Thiện Giác xin cưới nàng Đại Tuệ làm phu nhân (Ba-xà-ba-đề nhà Tùy dịch là Căn bản sự sinh hoạt).

Thiện Giác nói với sứ giả:

-Lành thay sứ giả! Ngài thay lời tôi hỏi giùm Đại vương: Tôi có tám người con gái, đứa con thứ nhất tên là Ý cho đến đứa thứ tám tên là Đại Tuệ, vì cớ gì Đại vương cầu hôn đứa nhỏ nhất? Đại vương nếu có thể đợi chừng nào ta gả xong bảy đứa con lớn, sau đó ta sẽ đưa Đại Tuệ về làm phi cho Đại vương.

Vua Tịnh Phạn sai sứ giả nói với trưởng giả:

-Trẫm nay không thể đợi bảy người chị, mỗi người có chồng xong, rồi sau đó mới cưới Đại Tuệ về làm vợ, mà tám người con gái của trưởng giả ta đều cưới hết.

Thích Thiện Giác báo Đại vương:

-Nếu như vậy ta sẽ thuận lời Đại vương, tùy ý rước đi.

Vua Tịnh Phạn liền sai sứ giả cùng một lúc rước luôn tám mỹ nữ về hoàng cung. Sau khi về hoàng cung rồi, nhà vua chọn lấy hai nàng làm phi. Hai nàng ấy, người thứ nhất tên là Ý và người thứ tám tên là Đại Tuệ, còn sáu nàng kia thì phân chia cho ba Vương đệ, mỗi người hai nàng làm thê thiếp.

Vua Tịnh Phạn thâu nạp hai chị em nàng Ý vào nội cung, mặc tình vui chơi, thọ hưởng dục lạc. Nhà vua sống đúng luật nước, cai trị bốn phương.