SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 57-58-59

Phẩm 58: NHÂN DUYÊN CỦA BÀĐỀLỢl-CA

Thuở nọ, đồng tử Đề-bà-đạt-đa dòng họ Thích thấy năm trăm đồng tử họ Thích xả tục xuất gia, khởi lên ý nghĩ: “Ta cũng có thể theo Thế Tôn xả tục xuất gia.” Nghĩ vậy rồi, đồng tử đến thưa cha mẹ:

-Lành thay! Thưa song thân phụ mẫu, con muốn phát tâm xuất gia theo Phật, cúi xin song thân cho phép.

Nghe nói như vậy, cha mẹ liền bảo đồng tử Đề-bà-đạt-đa:

-Cha mẹ nghĩ thế này: Cha mẹ phải nương vào con, con phải nương vào cha mẹ, nhưng con đã có ý định như vậy, thì tùy theo ý con muốn, cho phép con được xuất gia.

Khi ấy đang mặc y phục tuyệt đẹp vô giá, cỡi voi tốt, đi ra cửa thành Ca-tỳ-la Bà-tô-đô, Đề-bà-đạt-đa bị cái móc hai bên cửa, móc vào làm rách hết y phục. Có một vị đại Bà-la-môn hiểu rõ tướng số, ở gần bên thấy vậy, nên huyền ký cho đồng tử Đề-bà-đạt-đa:

-Sự nghiệp xuất gia của đồng tử sẽ bất thành.

Đồng tử Đề-bà-đạt-đa ra khỏi thành, đi đến tòng lâm, lễ dưới chân Phật, đứng về một bên, bạch Phật:

-Cúi xin Thế Tôn cho con xuất gia.

Bấy giờ Đức Thế Tôn chánh niệm quán sát sự nghiệp đời trước và đời sau của Đề-bà-đạt-đa để biết được tâm hạnh của đồng tử. Đức Phật bảo Đề-bà-đạt-đa:

-Này Đề-bà-đạt-đa, ông nên cẩn thận, không nên xả tục xuất gia, chỉ nên về nhà tu tập, đem của cải dùng vào việc bố thí, tạo các công đức, không nên xuất gia trong pháp của Ta.

Khi ấy, bị Đức Phật quở trách, đồng tử Đề-bà-đạt-đa đi đến Trưởng lão Xá-lợi-phất, bạch:

-Thưa Thánh giả Xá-lợi-phất, cho con được xuất gia.

Trưởng lão Xá-lợi-phất hỏi Đề-bà-đạt-đa:

-Này Đề-bà-đạt-đa, ông đã đến thưa với Đức Phật chưa? Đề-bà-đạt-đa thưa:

-Con đã thưa với Đức Phật rồi.

Trưởng lão Xá-lợi-phất hỏi:

-Này Đề-bà-đạt-đa, Đức Thế Tôn đã nói với ông thế nào? Đề-bà-đạt-đa đáp:

-Thưa Thánh giả, Đức Phật nói thế này: “Ông không nên xả tục xuất gia, nên ở nhà tu hạnh bố thí, tạo các công đức. Nếu xuất gia ở trong pháp của Ta, ông sẽ không được lợi ích.”

Bấy giờ Xá-lợi-phất mới nghĩ: “Ngày nay Đức Thế Tôn đã không cho Đề-bà-đạt-đa xuất gia. Nếu ta cho xuất gia thì ta không đúng.” Nghĩ như vậy rồi, ngài Xá-lợi-phất liền bảo Đề-bà-đạt-đa: -Này Đề-bà-đạt-đa, ông nên làm theo lời Thế Tôn dạy. Lúc ấy đồng tử Đề-bà-đạt-đa bị Xá-lợi-phất khước từ, lại đi đến chỗ Trưởng lão Mục-kiền-liên. Đến nơi đảnh lễ, đứng lui về một bên, đồng tử bạch:

-Kính bạch Trưởng lão Mục-kiền-liên, cúi xin ngài cho con được xuất gia.

Mục-kiền-liên lại hỏi Đề-bà-đạt-đa:

-Này Đề-bà-đạt-đa, ông đã đến thưa Đức Phật chưa? Đề-bà-đạt-đa trả lời:

-Con đã đến thưa Đức Phật rồi.

Trưởng lão Mục-kiền-liên lại bảo Đề-bà-đạt-đa:

-Đức Thế Tôn đã nói với ông những gì?

Đề-bà-đạt-đa đáp:

-Thế Tôn bảo con: “Ông chớ nên bỏ tục xuất gia ở trong pháp của Ta, nến sống tại gia đúng như pháp mà tu hành, dùng của cải bố thí, tạo các công đức. Chẳng nên xuất gia ở trong pháp của Ta. Nếu xuất gia thì không lợi ích cho ông.”

Bấy giờ Trưởng lão Mục-kiền-liên cũng bảo Đề-bà-đạt-đa: -Ông cần phải nghe lời Thế Tôn dạy, nên trở về nhà, cần phải

làm những việc ấy.

Lúc ấy Đề-bà-đạt-đa cũng bị Mục-kiền-liên không cho xuất gia, lại đi đến chỗ Trưởng lão Đại Ca-diếp… Sơ lược như trên.

Kế tiếp, Đề-bà-đạt-đa đi đến chỗ ngài Ca-chiên-diên, rồi đi đến chỗ ngài Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp. Kế tiếp đi đến Trưởng lão chỗ ngài Na-đề Ca-diếp. Kế tiếp đi đến chỗ Trưởng lão Ưu-ba-tư-na, cho đến chỗ của các ngài Ma-ha Câu-hy-la, Ma-ha Tôn-đà-ly-ba-đa… đều không được cho xuất gia.

Đề-bà-đạt-đa đi đến chỗ Trưởng lão Ưu-ba-ly Ba-đa, đảnh lễ dưới chân, đứng lùi về một bên. Đồng tử Đề-bà-đạt-đa lại cầu Ưu-ba-ly Ba-đa xin xuất gia.

Trưởng lão Ưu-ba-ly Ba-đa lại hỏi Đề-bà-đạt-đa:

-Ông đã đến chỗ Đức Phật chưa?

Đề-bà-đạt-đa đáp:

-Thưa Thánh giả, trước đây con đã đến chỗ Đức Phật rồi.

Bấy giờ Trưởng lão Ưu-ba-ly Ba-đa hỏi:

-Ông đã đến chỗ Đức Phật, Ngài đã dạy ông những gì?

Đề-bà-đạt-đa đáp:

-Thế Tôn bảo con không nên xả tục xuất gia, chỉ nên ở tại nhà y như pháp tu tập, dùng của cải bố thí, tạo các công đức, chẳng nên ở trong pháp của Ngài xuất gia. Nếu xuất gia thì con không được lợi ích.

Bấy giờ Trưởng lão Ưu-ba-ly Ba-đa suy nghĩ: “Nay Thế Tôn đã không cho đồng tử Đề-bà-đạt-đa xuất gia, nếu ta vội cho xuất gia thì ta không đúng.” Nghĩ như vậy rồi liền bảo Đề-bà-đạt-đa:

-Đồng tử phải nghe lời Thế Tôn dạy, cần phải làm những việc như vậy.

Đề-bà-đạt-đa tuần tự đã đi đến chỗ các Tỳ-kheo Thượng tọa, Đại đức cầu xin xuất gia mà các vị Tỳ-kheo Thượng tọa, Đại đức đều nói với Đề-bà-đạt-đa:

-Đức Thế Tôn đã có lời dạy như vậy, đồng tử nên làm theo lời dạy đó.

Bấy giờ Đề-bà-đạt-đa bị các Tỳ-kheo từ chối không cho xuất gia, nên cỡi voi trắng trở về thành Ca-tỳ-la Bà-tô-đô, sống lại cảnh vương cung.

Đồng tử A-nan khi vừa thấy năm trăm đồng tử họ Thích đều được xuất gia, liền nghĩ thế này: “Ngày nay ta phải xả tục xuất gia.” Nghĩ như vậy rồi đến thưa cha mẹ:

-Thưa cha mẹ, ý con ngày nay muốn xả tục theo Đức Phật xuất gia, cúi xin cha mẹ hoan hỷ cho con được toại nguyện.

Mẹ A-nan vốn có tâm bất tịnh đối với Đức Phật. Vì lý do gì bà ta có tâm như vậy? Vì khi Đức Thế Tôn còn là Bồ-tát tại gia, bà ta thấy Bồ-tát có công đức oai lực sáng ngời, nên đốì với Bồ-tát bà sinh nhiễm tâm, nói nhiều lời bất chánh. Khi ấy Bồ-tát vì người thân của bà ấy là di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề, nên đối với lời bất chánh ấy, Ngài im lặng không quan tâm.

Vì bà không có tịnh tâm nên nhất định không cho A-nan xả tục xuất gia. Khi nghe nói lại là A-nan muốn xuất gia, nhưng cha mẹ không cho, Đề-bà-đạt-đa đến nói với A-nan:

-Tâm đồng tử thật sự muốn xuất gia nhưng cha mẹ chưa cho phải không?

A-nan đáp lời Đề-bà-đạt-đa:

-Đúng như lời vương tử nói. Tôi không biết làm cách gì để cha mẹ cho phép xuất gia, được thọ giới làm Tỳ-kheo.

Đề-bà-đạt-đa nói với A-nan:

-Nếu sau này cha mẹ đồng tử cho đồng tử xuất gia thì nói cho ta biết, để cùng người đi xuất gia.

A-nan liền đáp:

-Như lời vương tử nói, tôi không dám thất hứa.

Bấy giờ A-nan nghĩ thế này: “Cha mẹ ta chắc chắn không cho ta xuất gia” Nghĩ như vậy rồi, liền ở trong nhà lấy năm trăm đồng tiền lén đi đến nước Tỳ-đề-da, nơi làng nọ có một trưởng giả, trước kia là bạn tốt của phụ vương, đem năm trăm tiền giao cho trưởng giả và dặn:

-Tôi đem số tiền này giao cho nhân giả để dùng vào việc ăn uống cho tôi. Khi nào muốn ăn thì tôi đi đến nhà nhân giả, lúc ấy đem tiền này mua đồ ăn cho tôi. Nhân giả cũng đừng hỏi tôi từ đâu đến. Khi tôi đến là nhân giả biết tôi cần thức ăn.

A-nan nói như vậy rồi, liền đi đến chỗ hoang vắng, thọ giới “không nói”, đi-đứng-nằm-ngồi im lặng không nói. Mỗi khi cần thức ăn, A-nan đi đến nhà trưởng giá ngồi ăn uống im lặng. Ăn uống xong rồi, im lặng ra về.

Bấy giờ dân cư ở làng này thường thấy đồng tử Thích A-nan đi đứng nằm ngồi, tới lui im lặng. Thấy vậy, họ mới hỏi A-nan:

-Nhân giả là ai?

Bấy giờ A-nan không đáp một lời, lại im lặng bỏ đi. Khi ấy dân làng nói với nhau: “Vị Tiên nhân này có lẽ phát xuất từ nước Tỳ-đề-da.” Vì vậy, họ đặt tên A-nan là Tiên nhân nước Tỳ-đề-da.

Một hôm, cha mẹ A-Nan nghe nói thế này: “A-nan trốn khỏi thành Ca-tỳ-la, đi đến xóm làng thuộc nước Tỳ-đề-da, thọ giới “không nói”, tu hạnh tiên, nay đã thành Tiên nhân.” Nghe được tin này cha mẹ A-nan, liền sai sứ giả đến nói:

-Con ơi! Con ơi, nếu con quyết định không chịu ở nhà, chỉ muốn xuất gia thì nên theo đồng tử họ Thích mà xuất gia.

A-nan nghe vậy trở về nhà, rồi đến nói với Đề-bà-đạt-đa:

-Này Đề-bà-đạt-đa, vương huynh phải biết, cha mẹ tôi đã cho tôi xuất gia rồi.

Đề-bà-đạt-đa lại hỏi A-nan:

-Ý vương tử nay muốn xuất gia với ai?

A-nan đáp:

-Nay ý tôi muốn theo Đức Phật xuất gia.

Đề-bà-đạt-đa lại nói:

-Ta trước đây đã đến Đức Phật cầu xin xuất gia, mà Ngài không cho ta xuất gia.

A-nan lại nói:

-Nên đến chỗ thánh giả Xá-lợi-phất cầu xin xuất gia.

Đề-bà-đạt-đa lại đáp:

-Trưởng lão này cũng không cho ta xuất gia. Như vậy cho đến Ma-ha Mục-kiền-liên, Ma-ha Ca-diếp, Đại Ca-chiên-diên, Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp, Na-đề Ca-diếp, Già-da Ca-diếp, Ưu-ba-tư-na, Ma-ha Câu-hy-la, Ma-ha Chuyên-đà, Ưu-ba-ly Ba-đa…, bao nhiêu chư vị Tỳ-kheo Thượng tọa, Đại đức như vậy đều không cho ta xuất gia.

A-nan lại hỏi Đề-bà-đạt-đa:

-Này Đề-bà-đạt-đa, như theo ý vương huynh thì nên đi đâu?

Đề-bà-đạt-đa đáp:

-Này A-nan, chúng ta nên đi đến chỗ nào mà không ai biết.

A-nan lại nói:

-Tôi cũng tùy theo ý của vương huynh.

Mỗi gia đình họ Thích trong hoàng gia phải có một người xuất gia, nên có nhiều đồng tử họ Thích đầy oai thế xuất gia theo Phật.

Khi ấy tại thành Ca-tỳ-la Bà-tô-đô có một gia đình họ Thích nọ chỉ có hai anh em. Người em tên là Ma-ni-lâu-đà (bổn cũ gọi là A-ni-lâu-đà). Người anh tên là Ma-ha Na-ma. Đồng tử Ma-ni-lâu-đà đã nhiều kiếp trồng các căn lành, tu các hạnh giải thoát, dứt các phiền não, hướng về Niết-bàn, không muốn sinh trong các cõi hữu lậu, ở trong tam giới chỉ muốn diệt sạch các hoặc lậu. Do vì trong quá khứ đồng tử chứa nhiều công đức nên ngày nay sinh trong nhà họ Thích. Từ khi đồng tử sinh trong nhà họ Thích ấy thì gia nghiệp của nhà này lần lần phát triển, như là của cải, vàng bạc, lúa gạo, chân châu, lưu ly, san hô, hổ phách, các loại bích ngọc… cho đến vàng bạc, nhân sự, súc sinh đều được đầy đủ, năm trăm thứ tài vật ẩn tàng dưới đất tự nhiên được xuất hiện. Khi đồng tử nằm ngủ, nơi giường lại có chư Thiên đem năm trăm trân bảo vô giá trải trên giường.

Quyến thuộc thấy những điều kỳ lạ như vậy nên cùng nhau bàn: “Khi đồng tử này ngủ, có chư Thiên đem vật báu vô giá trải trên giường. Vì vậy, chúng ta nên đặt tên đồng tử này là Ma-ni-lâu-đà.”

Đồng tử này khôi ngô dễ thương, người ta nhìn thấy không chán, làn da vàng tươi giống như vàng ròng, đầu tròn như chiếc lọng, mũi cao lớn đầy đặn giống như mũi chim Anh võ, hai cánh tay duỗi dài quá gối, thân thể ngang dọc trên dưới cân phân, các căn hoàn hảo không khuyết. Cha mẹ đặt riêng bốn bảo mẫu chăm sóc: Một bà bồng bế, một bà tắm rửa, một bà bú mớm và một bà dẫn dạo chơi. Bốn bảo mẫu này chăm nom nuôi dưỡng, đồng tử dần dần được lớn khôn, đã có hiểu biết. Thấy đồng tử rong chơi đây đó, đã đến lúc có khả năng tiếp thu sự giáo dục nên cha mẹ dạy các kỹ nghệ để giao phó gia nghiệp. Những môn đó là toán số, ấn ký, âm nhạc, ca vũ, trào phúng, hài hước, khôi hài, nhảy múa, duyên dáng, gọt sửa các ngọc ma ni, may cắt, nhuộm áo, pha chế các mùi thơm, tô vẽ hoa lá và chân dung; dạy các loại cờ vi kỳ, lục bát, xu bồ cùng các trò vui khác…, dạy học văn chương, cỡi voi, cỡi ngựa và các loại xe; nghệ thuật bắn tên, cử chỉ cúi xuống ngước lên, thu sức, ra sức, xoa bóp…, dạy phép xua đuổi giặc loạn, điều voi lao nhanh, tu sửa hoa viên, cung cách đi đứng ra vào, biết rõ điềm tốt xấu, vi tế ẩn tàng, phá các quân trận, nắm tay người khác họ gỡ không ra, đứng yên trên đất người xô không lay động, chải đầu sửa tóc, cầm dao đẽo gọt, dùi thủng các vật, chẻ bửa gỗ đá, bắn đích không sai, bắn đúng các phần trên người trong chân lông sợi tóc; bắn cung nhanh như tiếng động, giương cung rất mạnh… Bao nhiêu nghề như vậy đều được am tường, thành tựu đầy đủ, không gì là không biết, ý chí sâu xa, tinh thần sáng suốt, tâm trí tuyệt vời, trí tuệ thông minh.

Sau đó, đồng tử Ma-ni-lâu-đà đi theo thân phụ kiểm tra nông nghiệp, cho đến việc mưu sinh. Khi đến đó, vì khát nước nên đồng tử đi đến bờ suốii múc nước để uống, thì nước suối biến thành cam lộ chư Thiên. Thân phụ không biết, thấy vậy lập tức cản ngăn, kêu lên: -Này con! Này con! Không nên uống nước đó, sợ e thân con chẳng an.

Khi đồng tử Ma-ni-lâu-đà đã nếm thử nước suối, thưa thân phụ: -Cha ơi! Nước suối này rất ngon ngọt.

Vì thân phụ không tin nên đồng tử dùng tay bụm nước dâng cho cha và thưa:

-Nếu không tin, xin cha nếm thử nước này.

Vì vậy cha đồng tử nếm thử rồi nói:

-Con ơi! Con ơi, cha tuy sống ở vương cung nhưng chưa từng được uống nước ngon ngọt như vậy!

Nói lời ấy rồi, người cha rất vui mừng vì thấy việc chưa từng có, tự nói:

-Con ta thật kỳ lạ, có phước báu rất lớn. Từ khi sinh ra cho đến ngày nay, bao nhiêu nhu cầu ăn uống, sắc, hương, vị, xúc, mỗi khi người ta đem đến cho con ta đều biến thành tốt hơn gấp bội lần.

Bấy giờ người anh là Ma-ha Na-ma thấy thức ăn uống của em mình như vậy mới sinh tâm ganh tị nên nói:

-Vì sao những thức ăn ngon trong sạch thơm tho chỉ dành riêng cho em ấy mà chẳng cho mình?

Người mẹ nghe con lớn nói như vậy, liền bảo:

-Con ơi! Con ơi, con có biết chăng, từ trước đến giờ những thức ăn uống làm xong, đem cho Ma-ni-lâu-đà, thường thường biến ngon hơn gấp mười lần.

Nhưng Ma-ha Na-ma vẫn nhất định không tin.

Lại một hôm nọ Ma-ni-lâu-đà dạo chơi trong lâm viên, sai người hầu về nhà lấy đồ ăn và bảo:

-Người đến chỗ mẹ ta nhận đồ ăn đem đến đây.

Khi ấy mẹ đồng tử sắp đồ ăn trên mâm, rồi dùng lụa trắng phủ lên trên, sai người mang đến cho đồng tử Ma-ha Na-ma trước, rồi sau đó mới sai người mang đến cho đồng tử Ma-ni-lâu-đà.

Khi mang thức ăn đến, đồng tử Ma-ni-lâu-đà thấy màu sắc hương vị ngon hơn gấp bội phần, thức ăn trong các tô dĩa cũng tràn đầy. Tuy sự việc như vậy, nhưng Ma-ha Na-ma vẫn không tin, lại nói: -Tuy thức ăn từ nhà mang đến nhưng thức ăn ngon dở đầy vơi là do người nhà sắp xếp, ai biết được việc này?

Một lúc khác, Ma-ni-lâu-đà du ngoạn quang cảnh trong viên lâm, sai người hầu về thưa với mẹ mình: “Xin mẹ cho người mang đồ ăn đến.” Bấy giờ người mẹ lấy các bát dĩa không đặt trên mâm rồi dùng khăn phủ lên trên, cho người mang đến đứa con lớn xem trước, sau đó mới mang đến cho Ma-ni-lâu-đà. Bà ta nói với đồng tử lớn:

-Con tự xem đó, hư thật thế nào?

Ma-ha Na-ma nghe nói như vậy, liền đi theo chiếc mâm đến chỗ Ma-ni-lâu-đà, thấy bát dĩa trong mâm chứa đầy đồ ăn màu sắc hương vị thơm ngon. Khi thấy việc như vậy đồng tử Ma-ha Na-ma, rất vui mừng, thốt lên thế này:

-Kỳ lạ thay! Chưa từng thấy! Em ta có phước đức lớn như vậy!

Đồng tử Ma-ni-lâu-đà qua thời gian khôn lớn, sức lực tráng kiện, cha mẹ vì đồng tử xây ba tòa nhà. Tòa thứ nhất dùng vào mùa Đông, tòa thứ hai dùng vào mùa Xuân thu và tòa thứ ba dùng vào mùa Hè. Tòa nhà ở vào mùa Đông thì hoàn toàn ấm áp. Tòa nhà ở vào mùa Hè thì hoàn toàn mát mẻ và tòa nhà ở vào mùa Xuân và Thu thì nhiệt độ ôn hòa hợp ý. Chỗ ở của đồng tử không có một người đàn ông nào khác, duy nhất một mình đồng tử, tự ý đi lại thọ hưởng đủ thứ vui ngũ dục.

Bấy giờ đồng tử Ma-ha Na-ma suy nghĩ: “Ngày nay các đồng tử họ Thích đều có thế lực lớn, mỗi gia đình phải có một người đi xuất gia mà gia đình ta chưa có người đi xuất gia. Vậy ta nên xả tục xuất gia. Nếu không thì phải bảo em ta Ma-ni-lâu-đà xuất gia.”         Ma-ha Na-ma nghĩ như vậy rồi, liền đi đến nói với đồng tử Ma-ni-lâu-đà:

-Này Ma-ni-lâu-đà, các gia đình thuộc họ Thích có đầy thế lực, mỗi nhà phải có một người xuất gia, mà trong nhà chúng ta chưa có ai xuất gia. Anh suy nghĩ là hoặc em hoặc anh phải có một người xuất gia.

Bấy giờ đồng tử Ma-ni-lâu-đà thưa với anh Ma-ha Na-ma:

-Anh hãy xuất gia, em không thể xuất gia.

Ma-ha Na-ma lại nói:

-Này Ma-ni-lâu-đà, nếu như vậy, anh sẽ giao phó gia nghiệp cho em. Phàm nguyên tắc canh tác, trước phải cày đất, sau đó ban cho bằng, kế đến dọn sạch cỏ cây gạch đá, rồi mới gieo giống. Sau khi gieo giống, nếu trời không mưa phải tùy thời tiết mà tưới nước. Em phải theo phương pháp cày bừa trồng tỉa thật kỹ và đợi thu hoạch. Sau đó, dọn sạch cỏ rác chôn lấp dưới đất và đem phần thu gặt cất vào kho. Làm như vậy rồi, cho đến năm sau cũng như thế, từ năm này sang năm khác cứ theo thứ lớp như vậy mà làm, không được dừng nghỉ.

Bấy giờ đồng tử Ma-ni-lâu-đà thưa với Ma-ha Na-ma:

-Như vậy thì em ở nhà làm các công việc không ngớt, cũng không có thời gian nghỉ ngơi. Làm việc như vậy, không có ngày hoàn tất thì thời gian nào em được ở nơi ba tòa nhà hưởng thụ thú vui ngũ dục?

Đồng tử Ma-ha Na-ma lại bảo đồng tử Ma-ni-lâu-đà:

-Này em, việc làm ấy quả thật không có ngày xong, cũng không có thời gian chấm dứt. Cha mẹ chúng ta dành dụm của cải ông bà để lại, nên làm việc cũng như vậy, công việc chưa xong mà đã kết liễu cuộc đời.

Bấy giờ đồng tử Ma-ni-lâu-đà nói với anh Ma-ha Na-ma:

-Nếu biết được việc làm không bao giờ xong, không có ngày chấm dứt, cha mẹ mình đã ham tiếc sự nghiệp tổ tiên, làm lụng không có thời gian thôi nghỉ mà đã bỏ thân mạng thì cũng không nên ở. Em nghĩ anh phải ở lại nhà kinh doanh sự nghiệp, để em xả tục xuất gia tu tập.

Lúc ấy đồng tử Ma-ni-lâu-đà đến thưa cha mẹ:

-Kính thưa song thân, con nay muốn xả tục xuất gia, đến thỉnh ý cha mẹ cho phép con được xả tục xuất gia, đến tu học với Như Lai.

Bấy giờ cha mẹ bảo Ma-ni-lâu-đà:

-Con phải biết, cha mẹ chỉ có hai con, nên đối với hai con cha mẹ rất yêu quý, không muốn xa lìa. Nếu xa lìa trong giây lát thì cha mẹ ưu sầu khổ não. Giả sử ta có chết rồi, vẫn mong muốn không xa lìa hai con. Huống chi ngày nay cha mẹ còn sống mà lại cho con đi xuất gia hay sao!

Cứ như vậy, đồng tử Ma-ni-lâu-đà xin đến lần thứ hai, rồi đến lần thứ ba, thưa:

-Con muốn xả tục xuất gia ở trong giáo pháp của Như Lai. Cúi xin cha mẹ cho phép.

Thuở trước, khi Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia tu phạm hạnh thì Đại vương Thâu-đầu-đàn vì Bồ-tát mà ưu sầu khổ não, bức xúc nên triệu tập hoàng gia, tuyên bố:

-Này các quyến thuộc, quý vị phải biết, nay Thái tử Tất-đạt-đa con ta đã xuất gia rồi, ta không muốn ở ngôi vua, lại cũng không muốn đội mão Thiên quan. Trong hoàng gia, vị nào có thể nhận lãnh ngôi vua, ta sẽ làm lễ quán đảnh trao mão Thiên quan truyền ngôi cho.

Bấy giờ trong hội có đồng tử Bà-đề-lợi-ca, con của bà Hắc-Cù-đà-di, tâu vua:

-Tâu Đại vương, hạ thần có thể nhận ngôi vua và Thiên quan.

Lúc ấy vua Thâu-đầu-đàn và tất cả hoàng gia họ Thích liền làm lễ quán đảnh trao Thiên quan truyền ngôi vua cho đồng tử Bà-đề-lợi-ca. Từ đó về sau, Bà-đề-lợi-ca họ Thích làm vua, quyến thuộc gọi là vua Thích Bà-đề-lợi-ca. Vua Thích Bà-đề-lợi-ca làm vua trải qua mười hai năm, đúng như pháp trị hóa dân chúng. Quyến thuộc hoàng tộc họ Thích vốn trước đó có lập lời cam kết: “Nếu người nào nhận được Thiên quan làm vua thì vị ấy phải vì tất cả quyến thuộc họ Thích mà thết đãi bữa tiệc sơn hào hải vị đủ trăm thức ăn uống.” Vua Thích Bà-đề-lợi-ca với đồng tử Ma-ni-lâu-đà khi xưa còn thời thơ ấu vọc đất chơi với nhau, kết làm bạn bè, nên nay nhà vua thiết hội, ra lệnh đồng tử Ma-ni-lâu-đà:

-Này đồng tử, anh giúp đỡ ta thết đãi quyến thuộc trước, xong rồi ta với anh cùng ăn.

Đồng tử Ma-ni-lâu-đà tâu vua Thích Bà-đề-lợi-ca:

-Y theo lệnh Đại vương, thần không dám trái lời.

Khi nhà vua cùng với đồng tử lo thết đãi quyến thuộc xong, sau đó mới cùng ăn. Ăn xong, nhà vua mời đồng tử lưu lại nghỉ tại hoàng cung.

Đêm ấy sắp qua, trời gần sáng, vua Thích Bà-đề-lợi-ca đến vấn an đồng tử Ma-ni-lâu-đà:

-Này đồng tử, đêm rồi có ngủ ngon không?

Ma-ni-lâu-đà đáp:

-Thưa Đại vương, đêm qua tôi ngủ không ngon.

Nhà vua hỏi:

-Lý do gì khanh ngủ không ngon?

Ma-ni-lâu-đà đáp:

-Đêm rồi tôi bị đau bụng và nóng lạnh.

Nhà vua hỏi:

-Lý do gì đau bụng và nóng lạnh?

Ma-ni-lâu-đà lại đáp:

-Thưa Đại vương, thức ăn uống ngày hôm qua gia vị không thích hợp, do vậy hiện giờ tôi còn đau bụng. Lại chiếc chăn đắp này, khi xưa thợ dệt dệt chăn, thân họ bị nóng lạnh nên tôi cũng mắc bệnh nóng lạnh.

Bấy giờ vua Thích Bà-đề-lợi-ca kêu người đầu bếp hỏi:

-Khanh vừa rồi làm món ăn trăm vị là có quá nhiều hay quá ít hay là vừa phải?

Người đầu bếp tâu:

-Thưa Đại vương, đúng như vậy, đúng như vậy! Khi hạ thần làm thức ăn, có vị hơi nhiều, có vị hơi ít. Vì khi ấy hạ thần bận rộn không được như ý, lo đi kiểm tra nhiều việc. Lại người phụ tá không biết xử dụng nên gia vị đều bị lầm lộn.

Vua Thích Bà-đề-lợi-ca lại cho người đòi thợ dệt chăn đến hỏi:

-Khi khanh vì ta dệt chiếc chăn này, vì sao không chuyên tâm? Thợ dệt đáp:

-Tâu Đại vương, đúng như lời ngài nói. Khi hạ thần dệt tấm chăn đó thân thể bị bệnh nóng lạnh, mà Đại vương lại sai sứ giả đến thôi thúc. Lúc ấy hạ thần chưa hết nóng lạnh, sợ Đại vương tức giận nên hạ thần dệt vội đưa cho sứ giả, cho nên tấm chăn không được tinh xảo.

Bấy giờ vua Thích Bà-đề-lợi-ca cho việc này thật kỳ lạ chưa từng có, không thể nghĩ bàn, nên nghĩ: “ít có! ít có! Ma-ni-lâu-đà lại có trí tuệ thù thắng vi diệu như vậy!.”

Vua Thích Bà-đề-lợi-ca nói với đồng tử Ma-ni-lâu-đà:

-Này Ma-ni-lâu-đà, từ nay về sau, nếu có cần gì ở ta đồng tử khỏi phải đích thân đến, chỉ cho người đến. Ta không phụ nhau đâu.

Lúc đó mẹ đồng tử Ma-ni-lâu-đà nghĩ: “Thích Bà-đề-lợi-ca này thuở thơ ấu đã cùng con ta vọc đất chơi với nhau, đồng kết bạn thân thiện, nên ngày nay đồng tử chắc không xuất gia.” Nghĩ như vậy rồi, bà gọi con mình về và nói:

-Này Ma-ni-lâu-đà, nếu vua Thích Bà-đề-lợi-ca xả tục xuất gia thì khi ấy con có xuất gia không?

Đồng tử Ma-ni-lâu-đà nghe mẹ hỏi như vậy, nên đi gặp vua Thích Bà-đề-lợi-ca. Trong lúc này, nhà vua rời cung điện đến dự hội tại Na-tra-ca (nhà Tùy dịch là Dĩ ca thuyết cát sự) và đang ngồi xem. Bấy giờ đồng tử Ma-ni-lâu-đà suy nghĩ: “Nếu ta đi vào hội thì nhất định sẽ cản trở sự du hý thưởng ngoạn của nhà vua.” Nghĩ như vậy rồi, nên ngồi ngoài ngõ, đợi hội vui Na-tra-ca tan, sau đó mới vào.

Khi ở trong hội, lúc hội vui nhộn nhất, nhà vua thấy một nữ ca sĩ tay cầm đàn không hầu. Khi ấy đàn bỗng đứt một dây, nàng lẹ tay nối lại mà trong hội vui Na-tra-ca không có một ai hay biết, chỉ một mình nhà vua thấy mà thôi. Nhưng đồng tử Ma-ni-lâu-đà ở ngoài ngõ cũng biết việc này.

Khi đồng tử thấy hội vui Na-tra-ca-sắp hết, mới đến gặp nhà vua Thích Bà-đề-lợi-ca. Đến nơi, chàng lấy tay choàng cổ nhà vua rồi sau đó mới ngồi về một bên. Nhà vua Thích Bà-đề-lợi-ca nói với đồng tử Ma-ni-lâu-đà:

-Này Ma-ni-lâu-đà, trước đây ta có nói với đồng tử, nếu có cần việc gì khỏi phải thân hành đến, chỉ cho người đến, ta không phụ đâu. Nay vì việc gì đồng tử đích thân đến đây?

Ma-ni-lâu-đà đáp:

-Tâu Đại vương, sự việc như thế này, không thể cho người khác đến được.

Nhà vua hỏi đồng tử:

-Này Ma-ni-lâu-đà, sự việc theo người nói là việc gì? Là do đồng tử hay là do ta?

Ma-ni-lâu-đà đáp:

-Tâu Đại vương, việc này do tôi, cũng có liên quan đến Đại vương.

Nhà vua lại hỏi:

-Nếu có liên quan đến ta thì xin đồng tử nói rõ.

Ma-ni-lâu-đà đáp:

-Tâu Đại vương, Đại vương phải biết, ý tôi muốn xả tục xuất gia. Như vậy, việc ấy có liên quan đến Đại vương.

Nhà vua lại đáp:

-Này đồng tử Ma-ni-lâu-đà, đồng tử muốn xả tục xuất gia, tất có quan hệ đến ta, ta sẽ đồng ý cho đồng tử xuất gia. Đồng tử đối với ta chớ nên lo âu. Nếu muốn xuất gia thì tùy ý đồng tử.

Đồng tử Ma-ni-lâu-đà tâu vua Thích Bà-đề-lợi-ca:

-Đại vương phải cùng tôi xuất gia. Vì sao? Vì cha mẹ tôi nói với tôi: “Này Ma-ni-lâu-đà, nếu vua Thích Bà-đề-lợi-ca xả tục xuất gia thì con cũng theo nhà vua mà xuất gia.”

Lúc đó đồng tử Ma-ni-lâu-đà thấy vua Thích Bà-đề-lợi-ca ở trước đại chúng nói lời chân thật:

-Này Ma-ni-lâu-đà, đồng tử muốn xả tục xuất gia, nếu có quan hệ đến ta thì ta không làm ngược lại, sẽ tùy thuận với đồng tử mà xuất gia.

Lúc đó mọi người trong hoàng gia họ Thích đều nói lời thành thật:

-Như vậy, xin thỉnh Đại vương cùng đi xuất gia với Ma-ni-lâu-đà.

Bấy giờ Đại vương Thích Bà-đề-lợi-ca nói với đồng tử Ma-ni- lâu-đà:

-Nếu quyết định như vậy, đồng tử phải đợi ở nhà bảy năm, để ta sắp đặt quốc sự xong xuôi rồi sau đó ta sẽ cùng đồng tử xả tục xuất gia.

Đồng tử Ma-ni-lâu-đà lại tâu vua Thích Bà-đề-lợi-ca:

-Tâu Đại vương, chớ nói như vậy. Tôi không thể đợi đến bảy năm. Tại sao? Tâu Đại vương, bảy năm quá lâu. Biết đâu trong khoảng thời gian đó việc xuất gia của chúng ta bị trở ngại. Nhà vua lại nói với đồng tử Ma-ni-lâu-đà:

-Đồng tử có thể đợi ta trong vòng sáu năm, để ta thu xếp quốc sự xong rồi, sau đó ta sẽ cùng với đồng tử xả tục xuất gia.

Đồng tử Ma-ni-lâu-đà lại tâu vua Thích Bà-đề-lợi-ca:

-Đại vương, không nên nói như vậy. Tôi cũng không thể đợi sáu năm. Vì sao vậy? Vì sáu năm quá lâu, biết đâu trong thời gian đó, có việc gây chướng ngại cho việc xuất gia của chúng ta.

Nhà vua Bà-đề-lợi-ca lại nói với đồng tử Ma-ni-lâu-đà:

-Này đồng tử, nếu nhất định như vậy, xin đồng tử đợi ta trong vòng năm năm, để ta thu xếp quốc sự.

Cứ như vậy, giảm xuống bốn năm, ba năm, hai năm mà đồng tử Ma-ni-lâu-đà đều không chịu. Bấy giờ nhà vua lại nói:

-Nếu không chịu như vậy, thì xin đợi ta trong vòng một năm để ta thu xếp quốc sự, sau đó ta sẽ cùng đồng tử xuất gia.

Ma-ni-lâu-đà vẫn tâu vua Thích Bà-đề-lợi-ca:

-Tôi cũng không thể đợi đến một năm. Tại sao? Vì một năm vẫn còn lâu. Biết đâu trong thời gian ấy có việc của nhà vua làm trở ngại.

Bấy giờ vua Thích Bà-đề-lợi-ca nói với Ma-ni-lâu-đà:

-Này đồng tử, nếu nhất định không chịu, xin đồng tử đợi cho tôi trong vòng sáu tháng để tôi thu xếp quốc sự.

Cứ như vậy giảm xuống ba tháng, hai tháng, một tháng mà đồng tử Ma-ni-lâu-đà đều không chịu. Khi ấy vua Thích Bà-đề-lợi-ca nói với Ma-ni-lâu-đà:

-Này đồng tử, nếu đồng tử nhất định không chịu, xin đồng tử đợi cho tôi bảy ngày bảy đêm để tôi thu xếp quốc sự, rồi sau đó sẽ cùng đồng tử xả tục xuất gia.

Ma-ni-lâu-đà liền tâu vua Thích Bà-đề-lợi-ca.

-Lành thay! Tâu Đại vương. Lành thay Bà-đề-lợi-ca! Vâng theo ý Đại vương, tôi sẽ đợi bảy ngày bảy đêm.

Thuở ấy, Đức Thế Tôn ngự tại làng A-nô-di-ca-da. Trong bảy ngày đêm nơi hoàng cung nhà vua dùng các thứ trang hoàng như chuỗi anh lạc trang sức trên thân, cho đến ở hoa viên thọ hưởng thú vui ngũ dục. Như người sắp đi đến nhà khác dự đại hội, họ gội đầu, chải tóc, mặc y phục, dùng chuỗi anh lạc trang điểm trên thân, sau đó mới đi. Khi vua Thích Bà-đề-lợi-ca sắp đến hoa viên du ngoạn vui chơi cũng như vậy.

Có một đồng tử tên là Bạt-phù-đà (nhà Tùy dịch là Đa Mi). Lại có một đồng tử khác tên là Cung-tỳ-la. Lại có một đồng tử khác tên là Nan-đề-ca. Lại có một đồng tử họ Thích khác tên là A-nan. Lại có một đồng tử họ Thích khác tên là Đề-bà-đạt-đa. Thân thể các đồng tử này cũng trang điểm như vị vua nói trên, các đồng tử này cũng mặc y phục, trang sức bằng chuỗi anh lạc, lại đem theo một thợ cắt tóc giỏi, đồng đi đến làng A-nô-di-ca-da.

Bấy giờ vua Thích Bà-đề-lợi-ca có các bảo vật giá trị đến ba trăm lượng vàng. Giá trị y phục một trăm lượng vàng, giá trị chuỗi anh lạc một trăm lượng vàng và giá trị yên cương, đồ trang bị cho ngựa một trăm lượng vàng. Đồng tử Ma-ni-lâu-đà cũng như vậy.

Các đồng tử họ Thích: Bạt-phù-bà, Cung-tỳ-la, Nan-đà-ca, A-nan-đà, Đề-bà-đạt-đa, mỗi vị cũng có nhiều thứ bảo vật giá trị đến ba trăm lượng vàng…. giá trị trang bị cho ngựa. Tổng giá trị bảo vật của các đồng tử lên đến hai ngàn một trăm lượng vàng.

Khi các đồng tử ra khỏi thành Ca-tỳ-la Bà-tô-đô rồi, mọi người xuống ngựa, đều cởi hết chuỗi anh lạc trên thân cho thợ hớt tóc và nói:

-Các chuỗi anh lạc này chúng ta đều cho ông để sinh sống, ông hãy nhận lấy làm vốn sinh sống, không nên mong cầu gì khác.

Các đồng tử trao chuỗi anh lạc rồi đồng đi đến làng A-nô-di-ca. Bấy giờ người thợ hớt tóc nghĩ thế này: “Những người họ Thích oai đức lẫy lừng có khi sẽ cho rằng ta đưa các đồng tử đi trốn khắp đó đây. Vì lý do đó, e rằng họ đến bức hiếp làm tổn hại ta. Các đồng tử đã mửa bỏ các vật này, tại sao ta lại ăn vào? Ngày nay, ta không nên nhận lấy các bảo vật này, các đồng tử đã giàu sang phú quý, đầy oai đức lẫy lừng như vậy, vẫn còn vứt bỏ vô lượng tài sản, bảo vật cùng vương vị để xả tục xuất gia. Huống gì như ta ngày nay vì cớ gì mà không theo họ xuất gia?.”

Suy nghĩ như vậy rồi, người thợ hớt tóc liền đem các bảo vật, chuỗi anh lạc… móc trên cành cây và thầm nghĩ: “Nếu ai thấy được vật này, tự do lấy dùng, hoàn toàn không phải ăn cắp.”

Tự nghĩ như vậy rồi, người thợ hớt tóc đi đến chỗ các đồng tử họ Thích. Các đồng tử họ Thích từ xa trông thấy người thợ hớt tóc hướng đến, hỏi vị ấy:

-Vì sao ông không trở về nhà?

Người thợ hớt tóc trả lời các đồng tử họ Thích:

-Thưa các Thánh tử, tôi nghĩ thế này: “Những người họ Thích rất hùng cường, có đầy oai đức thế lực như vậy, có thể cho rằng ta đưa các đồng tử đi trốn đó đây. Vì lý do đó, e sợ họ đến làm tổn hại thân mạng ta. Các đồng tử đã mửa bỏ bảo vật, ta vì sao lại ăn vào, ta hông nhận lấy các vật báu. Vì sao? Vì các đồng tử họ Thích cường thạnh, có nhiều oai thế mà vẫn xuất gia, huống chi ta ngày nay vì sao lại không xuất gia?” Thưa các thánh tử! Vì lý do đó tôi không trở về nhà.

Bấy giờ các đồng tử họ Thích nghe nói như vậy nên bảo:

-Ông đã suy nghĩ, quyết định như vậy thì không nên trở về nhà. Vì lý do gì? Đúng như lời ông nói. Các người họ Thích của ta oai nghiêm rực rỡ, tất sẽ cho rằng ông dẫn các đồng tử đi trốn đó đây. Đã có lời nói như vậy, nhất định họ sẽ đến làm hại thân mạng ông.

Bấy giờ các đồng tử họ Thích cùng với người thợ hớt tóc đồng đi đến chỗ Phật, đến nơi lễ dưới chân Phật, rồi ngồi về một bên và bạch:

-Bạch Đức Thế Tôn, xin cho chúng con được xả tục xuất gia thọ giới Cụ túc.

Họ lại bạch:

-Bạch Đức Thế Tôn, nếu Ngài cho chúng con xuất gia thì nên độ cho người thợ hớt tóc xuất gia trước. Vì sao? Vì người thợ hớt tóc này đã trải qua thời gian lâu dài cần khổ phụng sự chúng con, chưa từng sơ xuất, nên cho người thợ hớt tóc xuất gia và thọ giới Cụ túc trước. Ông ta xuất gia rồi, chúng con mới xuất gia thọ giới Cụ túc sau, để có dịp chúng con đứng dậy nghinh tiếp, chắp tay cung kính đảnh lễ ông ta, thể hiện sự tôn trọng. Vì sao? Vì các đồng tử họ Thích chúng con công cao kiêu mạn, nay do người này chúng con hồi tâm, từ bỏ tâm kiêu mạn thuở trước.

Bấy giờ Đức Thế Tôn độ cho người thợ hớt tóc xuất gia thọ giới Cụ túc trước. Sau đó kế tiếp độ vua Thích Bà-đề-lợi-ca xuất gia thọ giới Cụ túc. Ngoài ra, các đồng tử khác đều theo thứ tự được xuất gia thọ giới Cụ túc. Lúc đó A-nan và Đề-bà-đạt-đa vẫn chưa được xuất gia vì hai vị này rời Thế Tôn đi đến dưới chân núi Tuyết.

Bấy giờ dưới chân Tuyết sơn có một vị Trưởng lão họ Bạt-da-sắc-tra, tên là Tăng-già. Vị này tu hành đã chứng ba quả, thành tựu Tứ thiền, thường sống dưới chân Tuyết sơn.

Bạt-da-sắc-tra Tăng-già thấy hai đồng tử A-nan và Đề-bà-đạt đa đi đến, Trưởng lão tiếp đón hỏi han:

-Các đồng tử họ Thích có nhân duyên gì đến đây?

Hai đồng tử đáp:

-Hôm nay, hai chúng con muốn xuất gia, vì vậy mới đến Trưởng lão. Lành thay! Thưa Thánh giả, cúi xin ngài độ cho chúng con xuất gia.

Bấy giờ Bạt-da-sắc-tra Tăng-già chưa quán sát đức hạnh và cũng chưa từng biết căn tánh của đồng tử Đề-bà-đạt-đa nên Trưởng lão liền cho hai người xuất gia và thọ giới Cụ túc.

Trưởng lão A-nan xuất gia chưa được bao lâu, ở chỗ vắng vẻ tọa thiền tư duy, suy nghĩ thế này: “Hôm nay, có lẽ Thân Giáo sư cho ta đi gặp Đức Phật. Ta cũng nên đến yết kiến Đức Phật.”

Nghĩ như vậy rồi, trời vừa sáng, A-nan từ phòng đi ra, hướng về Bạt-da-sắc-tra Tăng-già, đảnh lễ dưới chân, đứng về một bên rồi bạch Trưởng lão Bạt-da-sắc-tra Tăng-già:

-Bạch Trưởng lão, ý con nay muốn đến gặp Đức Phật, không biết Trưởng lão có cho phép hay không?

Bạt-da-sắc-tra Tăng-già bảo A-nan:

-Nếu thấy đúng lúc thì thầy cứ đi. Khi đến nơi, thầy sẽ thay ta lễ dưới chân Đức Phật, thay ta hỏi lời vấn an Đức Thế Tôn rằng Ngài có ít bệnh, ít não, thân có được an ổn không? Đi đứng có được dễ dàng không? Du hành giáo hóa có khó nhọc không? Thân thể khí lực có được dồi dào không?

A-nan nghe Thân Giáo sư nói như vậy, lại bạch:

-Y như lời Trưởng lão, con không dám trái lời.

A-nan đảnh lễ dưới chân Bạt-da-sắc-tra Tăng-già, nhiễu quanh ba vòng rồi từ tạ ra đi.

Bấy giờ Trưởng lão Đề-bà-đạt-đa thấy A-nan đi gặp Đức Phật nên hỏi:

-Trưởng lão A-nan, thầy đi đâu đó?

A-nan đáp:

-Tôi định đến yết kiến Đức Phật.

Đề-bà-đạt-đa nói:

-Này A-nan, nếu thầy nhất định đi, xin đợi tôi chốc lát, tôi cũng sẽ đến xin phép Thân giáo sư, rồi tôi cùng thầy đi đến Đức Phật.

Đề-bà-đạt-đa liền đi đến chỗ Tôn giả Bạt-da-sắc-tra Tăng-già đảnh lễ dưới chân, đứng về một bên, bạch:

-Thưa thầy, con muốn yết kiến Đức Phật. Cúi xin thầy thương mến cho phép.

Bấy giờ Trưởng lão Bạt-da-sắc-tra bảo Đề-bà-đạt-đa:

-Nếu thầy thấy đến lúc, khi đi đến chỗ Phật sẽ thay ta đảnh lễ dưới chân Phật và vấn an Thế Tôn: ít bệnh, ít não, thân thể có an ổn không? Đứng ngồi có dễ dàng không? Đi lại hóa đạo có khó khăn không? Thân thể khí lực có dồi dào không?

Đề-bà-đạt-đa thưa Bạt-da-sắc-tra Tăng-già:

-Như lời Tôn sư dạy, con không dám trái phép.

Đề-bà liền đảnh lễ Tôn sư, nhiễu quanh ba vòng, từ tạ ra đi.

Bấy giờ hai vị Trưởng lão A-nan-đà và Đề-bà-đạt-đa rời khỏi chân Tuyết sơn, đồng đi đến chỗ Đức Phật. Đến nơi, hai người đảnh lễ dưới chân Đức Phật và đứng lui về một bên.

Trưởng lão Đề-bà-đạt-đa bạch Thế Tôn:

-Khi trước con cầu xin Như Lai xuất gia mà Như Lai không cho. Nay Như Lai không thấy con được xuất gia rồi hay sao?

Đức Phật bảo Đề-bà-đạt-đa:

-Này Đề-bà-đạt-đa, người vì mục đích gì mà xuất gia vậy? Xuất gia rồi, xin người không nên phản lại.

Các thầy Tỳ-kheo bạch Phật:

-Kỳ lạ thay! Bạch Thế Tôn, khi trước Ngài thường răn dạy Đề-bà-đạt-đa làm việc lợi ích. Ngược lại nay Đề-bà-đạt-đa lại đem oán thù đến với Phật.

Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:

-Này các thầy, chẳng chỉ đời này Ta dạy Đề-bà-đạt-đa làm điều lợi ích, mà người lại oán thù Ta, ở trong quá khứ cũng như vậy. Ta dạy điều lợi ích, ngược lại, ông ấy oán thù Ta.

Khi ấy các Tỳ-kheo bạch Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn, việc ấy thế nào, xin Ngài dạy rõ cho.

Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Ta nhớ trong thời quá khứ dưới chân Tuyết sơn có con chim một thân hai đầu, thường ở tại nơi đây. Một đầu gọi là chim Ca-lâu-trà, một đầu gọi là chim Ưu-ba-ca-lâu-trà. Chim hai đầu này, một đầu ngủ, một đầu thức.

Một hôm nọ, đầu chim Ưu-ba-ca-lâu-trà đang ngủ thì gần bên đầu chim thức có một cây ăn quả tên Ma-đầu-ca. Cây này gió thổi làm hoa rơi nơi đầu chim thức. Lúc ấy với ý nghĩ: “Nếu một mình ta ăn hoa này, khi nuốt vào bụng thì cả hai đầu đều được sắc đẹp và sức lực, được hết đói khát”, nên dầu chim thức không đánh thức đầu chim ngủ, cũng không báo cho biết, im lặng ăn hoa.

Sau đó, đầu chim ngủ thức dậy, thấy trong bụng no nê, ho hắt hơi ra ngoài, liền nói với đầu chim thức: “Anh ăn uống thức ăn tuyệt vời này ở đâu, khiến cho thân thể tôi no nê thoải mái, làm cho âm thanh của tôi trong trẻo?”

Đầu chim Ca-lâu-trà đáp: “Khi anh ngủ say, nơi đó cách đầu tôi chẳng xa, có hoa của cây ăn quả Ma-đầu-ca, lúc ấy một hoa rơi trên đầu tôi. Bấy giờ với ý nghĩ: “Chỉ một mình ta ăn hoa này, đến khi vào bụng thì cả hai đầu đều khỏi đói khát, đều có sắc đẹp và sức lực”, nên tôi không đánh thức anh dậy, cũng không nói cho anh biết, mà ăn hoa ấy.”

Đầu chim ngủ nghe nói như vậy, liền oán giận, hiềm trách, nghĩ thế này: “Người được thức ăn không nói ta hay, không gọi ta dậy, tự ăn một mình. Như vậy, từ nay về sau nếu được thức ăn ta cũng khổng gọi, không cho biết.”

Chim hai đầu ấy vào một hôm nọ bay đi đó đây, bỗng nhiên gặp một bông hoa độc. Với ý nghĩ: “Ta ăn hoa này để cả hai đầu đều chết.” Nên đầu kia nói với đầu Ca-lâu-trà: “Giờ này anh ngủ đi, tôi sẽ thức.”

Ca-lâu-trà nghe đầu Ưu-ba-ca-lâu-trà nói như vậy liền ngủ say. Đầu chim Ưu-ba-ca-lâu-trà vội ăn hoa độc. Đầu chim Ca-lâu-trà ngủ xong thức dậy, ho hắt hơi ra ngoài, biết đây là hơi độc, liền hỏi đầu chim kia: “Khi thức, anh ăn thức ăn độc nào khiến cho thân thể ta không an, mạng sống sắp chết, làm cho âm thanh ta khàn khàn, muốn nói ra nhưng cổ họng nghẹt cứng không thông!”

Lúc ấy đầu chim Ưu-ba-ca-lâu-trà nói với đầu chim Ca-lâu-trà: “Khi anh ngủ say, tôi ăn hoa độc, muốn cho hai đầu đều chết.”

Ca-lâu-trà nói với Ưu-ba-ca-lâu-trà: “Việc làm của anh thật bộp chộp vội vàng! Tại sao anh làm việc như vậy?”

Liền nói kệ.

Ngày xưa anh đang yên giấc ngủ
Tôi ăn hoa lành mùi ngon ngọt
Hoa kia gió thổi rớt bên tôi
Anh lại phát sinh tâm sân hận.
Nguyện chẳng muốn thấy kẻ ngu này
Cũng nguyện chẳng sống chung với họ
Sống chung người ngu không lợi ích
Người ngu tự hại, hại người khác.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Nếu các thầy có tâm nghi ngờ chim Ca-lâu-trà ăn hoa thơm thuở ấy là ai thì chớ nên nghĩ gì khác, tức là thân Ta vậy. Chim Ưu-ba-ca-lâu-trà ăn hoa độc thuở ấy là ai? Tức là Đề-bà-đạt-đa này vậy. Thuở ấy Ta làm việc lợi ích, Đề-bà-đạt-đa ngược lại sinh sân hận. Ngày nay cũng vậy, Ta dạy điều lợi ích, ngược lại oán thù Ta.

Khi Trưởng lão Bà-đề-lợi-ca đã xuất gia rồi, ở trong ba tháng hạ thành tựu ba pháp thần thông, Ma-ni-lâu-đà chứng được Thiên

nhãn, Trưởng lão Bạt-phù-bà, Trưởng lão Nhân Kỳ, Trưởng lão Nan-đề-ca… những vị này đắc quả A-la-hán. A-nan lại chứng quả Tu-đà-hoàn, Đề-bà-đạt-đa chứng được thần thông phàm phu thế gian.

Khi Trưởng lão Bà-đề-lợi-ca đắc quả A-la-hán, hoặc ở dưới gốc cây hay trong phòng vắng, hoặc ở nơi đất trống, hoặc ở trong vườn Kỳ-đà, ngày đêm ba thời thường xướng lên ba lần thế này: “Thật là an lạc!”

Lúc ấy các vị Tỳ-kheo đến bạch Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn, Trưởng lão Bà-đề-lợi-ca Kiều-cù-di không thích ở trong pháp Thế Tôn, không vui không mừng, luôn luôn nhớ đến thú vui phú quý khi còn vương vị. Vì thường nhớ nghĩ đến việc ấy nên hoặc ở dưới gốc cây, hoặc ồ trong phòng vắng, hoặc ở nơi đất trông, thường ba thời xướng lên ba lần: “Thật là an lạc!.”

Khi ấy Đức Phật gọi một Tỳ-kheo đến và bảo:

-Thầy đến đây. Hãy vì Ta, thầy đến gặp Tỳ-kheo Bà-đề-lợi-ca và nói rằng Thế Tôn cần gặp thầy.

Tỳ-kheo ấy bạch Phật:

-Y như lời Thế Tôn dạy, con xin vâng lời.

Đi đến chỗ Trưỏng lão Bà-đề-lợi-ca, vị ấy nói:

-Thưa Trưởng lão Bà-đề-lợi-ca, Đức Thế Tôn gọi thầy đến.

Bà-đề-lợi-ca nghe nói như vậy, liền đi đến chỗ Đức Phật, đến nơi đảnh lễ rồi đứng lui về một bên.

Đức Phật bảo Bà-đề-lợi-ca:

-Này Bà-đề-lợi-ca, thầy không thích ở trong pháp của Ta tu phạm hạnh phải không? Thầy luôn luôn tưởng đến ngôi vua phải không? Vì tưởng nhớ như vậy nên hoặc ở dưới gốc cây, hoặc nơi phòng vắng, hoặc nơi đất trống, trong ba thời xướng lên thế này: “Thật là an lạc! Thật là an lạc!”, phải không?

Trưởng lão Bà-đề-lợi-ca bạch Phật:

-Đúng vậy, bạch Thế Tôn. Đúng vậy, bạch Như Lai.

Đức Phật lại bảo:

-Thầy thấy lợi ích gì, hoặc ở dưới gốc cây… ba thời xướng lên: “Thật là an lạc! Thật là an lạc!”?

Trưởng lão Bà-đề-lợi-ca bạch Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn, khi xưa con ở tại cung vua, nhận lễ quán đảnh, lên làm vua trị vì, được bảy lớp tường thành bao bọc cung điện bảo vệ con, lại có bảy lớp tượng quân hộ vệ, lại có bảy lớp chiến mã, như vậy. Lại có quân xa, bộ binh, mỗi loại đều có bảy lớp, đều mặc áo giáp, tay cầm binh khí cung, tên, giáo, mác, mâu, thuẫn, chày kim cang lớn và gậy sắt lớn, khóa sắt, vòng sắt, chỉa ba, búa rìu… Bao nhiêu binh khí như vậy hộ vệ chung quanh con. Ngoài tường lại có bảy lớp hào nước. Giữ gìn như vậy, che chở như vậy, nhưng ban đêm nếu nghe tiếng động, con vẫn hồi hộp không yên, toàn thân dựng chân lông, thường sinh hổ thẹn, các căn biến động.

Bạch Đức Thế Tôn, ngày nay hoặc con ở dưới gốc cây, hoặc trong phòng vắng, hoặc nơi đất trống, ban đêm nghe bao tiếng thú dữ, con không còn sợ sệt, thân không dựng chân lông, không có hổ thẹn, các căn không biến động. Do vậy, con thường tư duy, nghĩ thế này: “Ta đã được điều lợi ích lớn! Ngày nay Thế Tôn là Bậc Đạo Sư của ta, thuyết các pháp mà Ngài đã được giác ngộ, ở trong pháp ấy ta được xuất gia, tu hành phạm hạnh, có nhiều cấm giới hộ trì ta để trở thành bậc diệu hạnh. Ta đang được đời sống tốt đẹp, khi qua đời cũng tốt đẹp.”

Bạch Đức Thế Tôn, con đem sự sung sướng giàu sang thuở xưa nơi vương vị, so với sự an lạc xuất gia ngày hôm nay như cái vui ngồi chỗ vắng, cái vui giác quán, cái vui tịch tịnh, những cái vui của bậc Sa-môn… do con nghĩ đến những cái vui này nên khi đang ở dưới gốc cây, hoặc trong phòng vắng, hoặc nơi đất trống, tri túc thiểu dục, đi khất thực, mà thân không sợ hãi dựng chân lông, giống như nai rừng tâm được tự tại, đi đứng nằm ngồi không bị chướng ngại. Cho nên ba thời thường reo lên ba lần: “Thật là an lạc!.”

Lúc bấy giờ, Trưởng lão Bà-đề-lợi-ca ở trước Đức Phật vì đại chúng mà nói kệ:

Thâm cung ngày xưa tôi đang ngự
Bảy lớp tường thành cao chót vót
Lầu canh đuổi giặc thật vững bền
Thành lũy bao quanh đến bảy lớp
Quân sĩ luôn luôn cầm khí giới
Suốt cả ngày đêm hộ vệ tôi
Nhiều cách như vậy để phòng thủ
Nhưng thân tâm vẫn sợ chẳng an.
Ngày nay tôi sống với Thế Tôn
Không có một người theo hộ vệ
Cho đến sống nơi thật hoang vắng
Hoặc dưới gốc cây trong rừng núi
Tôi: Ba-đề-ca, đệ tử Phật
Mọi người cùng nhau đồng che chở
Đi đứng nằm ngồi thường an lạc
Do vậy tâm không còn lo nghĩ.
Tôi xưa trong cung cỡi voi chúa
Thân mặc y phục lụa tuyệt vời
Ăn uống canh cơm đồ ngon ngọt
Canh cháo hòa với vị thịt ngon,
Tôi nay nằm ngồi tùy ý trải
Phấn tảo che thân nơi hoang vắng
Cắt ái từ bỏ gốc khổ đau
Muốn làm việc gì đều tùy ý.

Khi ấy vì việc này Đức Thế Tôn nói kệ:

Biết thân mạng, không lo khi sống
Cũng không buồn khi mạng lâm chung
Người nào dũng mãnh thấy chân đế
Tuy trong biển khổ nào có sợ.
Tỳ-kheo nào đã đoạn hữu ái
Thì đoạn trừ hết tất cả trần
Phiền não sinh tử đều diệt sạch
Như vậy không luân hồi đời sau.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

-Này các thầy, trong hàng đệ tử Thanh văn của Ta, người giàu sang quyền quý nhất xuất gia, đó là Tỳ-kheo Bà-đề-lợi-ca này.

Khi ấy các Tỳ-kheo bạch Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn, Trưởng lão Bà-đề-lợi-ca này ngày trước tạo thiện nghiệp gì, nay sinh trong nhà đại hào quý họ Thích, được nhiều của cải, sản nghiệp không thiếu? Tạo nghiệp gì được thừa kế lên ngôi vua họ Thích? Tạo nghiệp gì được xuất gia thọ giới Cụ túc, chứng quả A-la-hán? Được Thế Tôn ghi nhận: “Này các Tỳ-kheo, trong hàng đệ tử Thanh văn của Ta, xả bỏ sự hào quý danh vọng đi xuất gia, thì Bà-đề-lợi-ca là người đệ nhất”?

Bấy giờ Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:

-Này các thầy, Ta nhớ thuở quá khứ, có một người nghèo cùng đi ăn xin để sống. Người này từ một thành nọ đi đến thành Ba-la-nại. Khi đến nơi, những ăn mày ở nơi đây đều quở trách tên ăn mày đó: “Ngươi từ đâu đến đây? Ta ngăn cấm ngươi không được đi ăn xin.” Bấy giờ người ăn mày này thấy có sự trở ngại nên suy nghĩ: “Ta với bọn họ không tội lỗi gì, tại sao họ ngăn cấm không cho ta đi xin?.”

Thuở ấy, tại thành Ba-la-nại có một vị trưởng giả mất một cái bát bằng đồng, nên ông ta đi tìm kiếm. Tìm tại nơi đây không có, ông mới đi đến các thôn khác tìm bát đồng.

Khi ấy người ăn mày kia lượm được bát đồng nơi đống phân, treo bát trên đầu cây gậy, đi vào thành Ba-la-nại, đi từ đường phố này đến đường phố nọ, đi từ đường hẻm nọ đến đường hẻm kia, từ ngã tư đường hẻm này đến ngã tư đường hẻm kia, từ góc đường này đến góc đường nọ, miệng rao lên: “Bát đồng này là vật của ai? Ai là người chủ, xin nhận lãnh!”

Người ăn mày đi khắp đó đây để tìm người chủ, nhưng rốt cuộc không tìm ra chủ nó nên đến giao cho vua Phạm Đức. Sau đó, trưởng giả mới nghe: “Có người lượm được bát đồng từ nơi đống phân, treo bát trên đầu gậy đi vào thành Ba-la-nại, từ đường phố này đến đường phố kia, từ đường hẻm kia đến đường hẻm nọ và miệng rao lên: Bát đồng này của ai?… Đi khắp mọi nơi không biết chủ nó ở đâu. Vì không tìm được người chủ nên họ đến giao cho vua Phạm Đức.”

Trưởng giả nghe như vậy, đến gặp vua Phạm Đức và tâu: “Đại vương biết cho! Bát đồng mà trước đây tên ăn mày dâng cho Đại vương là chiếc bát của tôi.”

Lúc ấy vua Phạm Đức cho sứ giả đi gọi tên ăn mày đến, nhà vua hỏi: “Chiếc bát trước kia người mang đến đây, nay trưởng giả này nói là của trưởng giả. Việc ấy như thế nào?”

Người ăn mày tâu vua Phạm Đức: “Như thế này, thưa Đại vương, tôi không biết bát đồng này là vật sở hữu của ai. Nó ở nơi

đống phân, tôi lượm được rồi treo trên đầu cây gậy, đi vào thành Ba-la-nại này, đi khắp đó đây hỏi không biết chủ của nó ở đâu. Do không biết chủ, nên tôi mới đem dâng cho Đại vương. Nay tùy ý Đại vương sử dụng.

Bấy giờ vua Phạm Đức nghe nói như vậy, rất vui mừng, trao bát đồng lại cho trưởng giả và nói với người ăn mày: “Này nhân giả, đối với ta, người muốn cầu mong những gì ta sẽ ban cho người.”

Người ăn mày tâu vua Phạm Đức: “Tâu Đại vương, nếu ngày nay Đại vương thật sự hoan hỷ đáp ứng nguyện vọng của tôi thì xin Đại vương cho tôi làm chúa trong đám ăn mày nơi thành Ba-la-nại này.”

Vua Phạm Đức lại nói: “Ngày nay, ngươi xin làm chúa đám ăn mày đó làm gì! Nên xin các điều ước muốn khác hoặc là vàng bạc, hoặc xin phong ấp một thôn trù phú nhất nước ta… ta sẽ ban ngay cho người.”

Người ăn mày lại tâu: “Tâu Đại vương, nếu Đại vương hoan hỷ xin ban cho tôi được ước nguyện đó, tôi chỉ muốn được như thế thô.ễ” Nhà vua liền phán: “Theo ý ông muốn, ta chấp thuận.”

Bấy giờ tại thành Ba-la-nại tổng cộng có năm trăm người ăn mày. Người ăn mày được ước nguyện ấy tập họp tất cả các ăn mày và tuyên bôố: “Ta được Đại vương cho làm chúa các ngươi, các ngươi phải nghe lệnh ta phân xử.”

Năm trăm ăn mày hỏi người ăn mày chúa: “Nay chúa phân chia chúng tôi làm những gì?”

Người ăn mày chúa phán: “Các ngươi phải cùng nhau khiêng ta trên vai, hoặc đặt ta trên lưng mà cõng đi, còn bao nhiêu hầu hạ chung quanh hai bên mà đi.”

Bọn ăn mày năm trăm người nghe nói như vậy, liền theo sự xử phân đó: Hoặc người kiệu trên vai, hoặc người cõng trên lưng, du hành khắp đó đây. Đến xin những nơi có đồ ngồi, đồ nằm, thức ăn uống… rồi đem về một chỗ, vị ăn mày chúa phân chia rồi cùng nhau đồng sử dụng. Sự sinh hoạt như vậy, sống qua thời gian khá lâu.

Hôm nọ, có một người ngồi chỗ vắng, ăn Ma-hồ-trà-ca (nhà Tùy dịch là Hoan hỷ hoàn). Lúc ấy tên ăn mày chúa cướp lấy thức ăn Ma-hồ-trà-ca của người này rồi bỏ chạy, năm trăm ăn mày đồ chúng đồng đuổi theo ăn mày chúa. Chạy được quảng đường xa, mọi người đều mỏi mệt. Do vì mỏi mệt nên họ đều trở về, còn tên ăn mày chúa thân thể sức lực tráng kiện nên chạy mà không mệt. Chạy đến chỗ xa, xoay đầu nhìn lại không thấy năm trăm ăn mày. Thấy vậy người này đi vào một khu rừng, dùng nước rửa tay, ngồi bên mé bờ, ý sắp ăn Ma-hồ-trà-ca. Nhưng khi sắp ăn, anh ta hối hận: “Ta chẳng tốt, Ta vì cớ gì đoạt thức ăn của người khác, đoạt được rồi lại giấu đám tùy tùng của ta. Đồ ăn đã nhiều, ta ăn không hết. Nếu trong thế gian có các Thánh nhân, xin rõ được lòng tôi mà đến đây, tôi sẽ phân cho thức ăn này.”

Phát tâm như vậy rồi, có một vị Bích-chi-phật tên là Thiện Hiền, từ hư không bay đến, hạ xuống đứng trước mặt ăn mày chúa, cách người này chẳng bao xa. Ăn mày chúa từ xa trông thấy vị Bích-chi-phật oai nghi chậm rãi, bước đi chững chạc, cử chỉ đúng phép, không gấp không hoãn. Thây vậy rồi, anh ta đối với vị Bích-chi-phật sinh tâm tịnh tín. Đã được lòng tin thanh tịnh rồi, người này suy nghĩ: “Ở trong quá khứ và cho đến hiện tại, ta chịu cảnh nghèo hèn đều do không gặp được ruộng phước như thế. Ta chưa từng biết cung kính cúng dường người như vậy. Giả sử trong quá khứ ta đã gặp được ruộng phước như vậy thì ngày nay lẽ ra không gặp cảnh khốn khổ này, lẽ ra không sống dưới sự áp bức. Ta nay đem thức ăn Ma-hồ-trà-ca dâng cho vị Tiên nhân này, không biết Tiên nhân có nhận lấy hay không? Nếu được người nhận lấy thì nguyện ở đời vị lai ta thoát khỏi thân khốn ách bần tiện này.” Nghĩ như vậy rồi, anh ta đem Ma-hồ-trà-ca dâng cho Tiên nhân.

Bích-chi-phật chỉ có một pháp duy nhất là hiện thần thông làm phương tiện giáo hóa chúng sinh, ngoài ra không có pháp nào khác. Vị Bích-chi-phật nhận thức ăn Ma-hồ-trà-ca rồi, vì thương mến người này, từ đây bay vọt lên hư không mà đi.

Người ăn mày chúa thấy vị Bích-chi-phật bay đi trong hư không như vậy, vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân, không thể tự chế. Do hoan hỷ nên anh ta chắp tay trên đầu, từ xa lễ dưới chân Tôn giả Bích-chi-phật, rồi phát nguyện: “Nguyện thân ta ở đời vị lai gặp được Bậc Thế Tôn như vậy, hoặc hơn thế nữa, với bao nhiêu giáo pháp của Ngài nói ra, tôi nguyện khi nghe qua rồi liền được tỏ ngộ. Lại nguyện rằng ta ở đời vị lai sinh trong nhà hào tộc, có đại oai đức, làm vua trị hóa dân chúng, chớ sinh trở lại trong đám ăn mày khổ sở. Lại nguyện rằng đời đời kiếp kiếp không sinh vào các đường ác.”

Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:

-Này các thầy, nếu có ai nghi ngờ tên ăn mày chúa ở thành Ba-la-nại cúng dường Ma-hồ-trà-ca cho vị Bích-chi-phật thuở nọ là người nào thì chớ nghĩ gì khác, đó là Tỳ-kheo Bà-đề-lợi-ca này vậy. Khi xưa tên ăn mày chúa cúng dường Ma-hồ-trà-ca cho vị Bích-chi-phật, do nhân duyên đó nên ngày nay được phước báo sinh trong dòng họ Thích, một đại hào quý tộc, cho đến của cải không thiếu một vật gì.

Lại thuở đó, tên ăn mày phát nguyện: “Ở đời vị lai được sinh trong hào tộc đại oai đức, làm vua trị hóa dân chúng.” Do nghiệp nhân đó, nay được phước báo sinh trong nhà họ Thích, nhận lãnh ngôi vua.

Lại thuở ấy tên ăn mày chúa lại nguyện: “Vào thời vị lai, đời đời kiếp kiếp không đọa vào các đường ác, thường được lưu chuyển qua lại trong cõi trời người, hưởng nhiều diệu lạc.”

Lại thuở ấy tên ăn mày chúa lại nguyện: “Ở đời vị lai thường gặp được vị Bích-chi-phật Thế Tôn như vậy, hoặc là hơn thế nữa, những giáo pháp Thế Tôn nói ra, tôi nguyện nghe qua liền tỏ ngộ.” Do nhân duyên ấy, ngày nay được phước báo gặp Ta, được xuất gia thọ giới Cụ túc, chứng quả A-la-hán. Ta lại ghi nhận: Trong hàng đệ tử Thanh văn của Ta, người hào quý nhất xuất gia, đó là Tỳ-kheo Bà- đề-lợi-ca.

Này các Tỳ-kheo, Bà-đề-lợi-ca xưa tạo các nhân duyên thiện căn như vậy, do nhân duyên thiện căn ấy nên nay sinh trong nhà họ Thích, thuộc chủng tộc hào quý, hết sức giàu sang, cho đến của cải không thiếu hụt, ở trong dòng họ Thích được nối ngôi vua, mà xả bỏ ngôi vua đi xuất gia, thọ giới Cụ túc, chứng quả A-la-hán. Cho nên Ta ghi nhận: ở trong hàng đệ tử Thanh văn của Ta, kẻ thuộc dòng họ hào quý xuất gia thì Bà-đề-lợi-ca là người bậc nhất.

Trưởng lão Bà-đề-lợi-ca-sau khi chứng quả A-la-hán, thường ở chỗ vắng vẻ, đi khất thực để sống, đắp y phấn tảo, thường ngồi không nằm, ngồi nơi thuận tiện, chỉ giữ ba y, lại không cất chứa vật gì khác.

Một lúc nọ, Trưởng lão ở chỗ vắng vẻ trong rừng cây thuộc thành Xá-bà-đề. Trưởng lão tìm cỏ và lá cây nhưng không có nên lượm phân khô của bạch tượng, nhóm lại làm chỗ ngồi. Trưởng lão ngồi kiết già trên đống phân voi, thân thể ngay ngắn, nhiếp tâm chánh niệm trải qua một đêm.

Sáng sớm hôm sau, Trưởng lão Bà-đề-lợi-ca đắp y, mang bình bát, sắp vào thành Xá-bà-đề khất thực. Bấy giờ trong thành này có nhiều ăn mày xin được đồ ăn xong, nên đi ra khỏi thành chẳng bao xa, mỗi người sắp ăn thức ăn của mình vừa mới xin được.

Lúc ấy Trưởng lão Bà-đề-lợi-ca từ xa trông thấy các người ăn mày, sau khi xin thức ăn xong, rời khỏi thành chẳng bao xa, mỗi người ngồi mỗi chỗ sắp sửa ăn. Trưởng lão đến bên những người này đứng yên lặng.

Bấy giờ tất cả ăn mày suy nghĩ: “Vị Tỳ-kheo này cố ý thương mến chúng ta, cho nên đến đây khất thực.” Nghĩ như vậy rồi, mỗi người tự giảm bớt một ít phần ăn của mình để cúng dường Trưởng lão Bà-đề-lợi-ca.

Bấy giờ vua Ba-tư-na, nước Kiều-tát-la cỡi con bạch tượng tên là Nhất-phân-đà-lợi ra đi từ thành Xá-bà-đề cùng với một đại thần tên Thi-lợi-bạt-đà (nhà Tùy dịch là Bĩ Hiền), khi ấy vua Ba-tư-na nước Kiều-tát-la xa xa trông thấy Bà-đề-lợi-ca khất thực nơi những người ăn mày để ăn, liền nói với đại thần Thi-lợi-bạt-đà:

-Này Thi-lợi-bạt-đà, đây là Tỳ-kheo nào mà xin thức ăn từ đám ăn mày để ăn như vậy?

Bấy giờ vị đại thần quán sát thấy rõ là Tỳ-kheo Bà-đề-lợi-ca, biết chắc chắn không sai, nên tâu vua:

-Tâu Đại vương, xin ngài biết cho, đây là Tỳ-kheo Thích Bà-đề-lợi-ca.

Nhà vua bảo vị đại thần:

-Nếu quả thật như vậy, khanh đánh bạch tượng đến chỗ Bà-đề-lợi-ca.

Đại thần Thi-lợi-bạt-đà nghe vua truyện lệnh, tâu:

-Y như lời Đại vương dạy, xin vâng lệnh.

Nhận lệnh rồi, vị đại thần đánh bạch tượng chở vua đến chỗ Bà-đề-lợi-ca. Khi vua Ba-tư-na nước Kiều-tát-la đến gần Bà-đề-lợi- ca, liền xuống voi, đảnh lễ dưới chân Trưởng lão, rồi đứng lui về một bên. Vua Ba-tư-na nước Kiều-tát-la thưa Trưởng lão Bà-đề-lợi-ca:

-Thánh giả, ngày nay vì lý do gì có ý bần tiện, xin thức ăn ở nơi những kẻ ăn mày để ăn như vậy.

Trưởng lão Bà-đề-lợi-ca nói với vua Ba-tư-na Kiều-tát-la:

-Này Đại vương, tôi không phải bần cùng mà theo họ xin ăn. Tôi có bảy món của báu, ý tôi muốn theo những người nghèo đó xin ăn để cho họ được thoát cảnh bần cùng.

Đại vương phải biết, tôi đã có con mắt trí tuệ, chỉ vì muốn phá màn vô minh cho chúng sinh nên đến đó xin ăn để mở con mắt tuệ cho họ.

Lại nữa, này Đại vương, tôi đã thoát khỏi tất cả sự ràng buộc, chỉ vì chúng sinh bị tham dục, sân hận trói buộc nên tôi đến đó xin ăn để mở trói buộc cho họ.

Này Đại vương, nay tôi đã vượt đến bờ giải thoát, chỉ vì muốn cứu vớt chúng sinh chìm đắm trong vũng bùn lầy phiền não nên tôi đến đó xin ăn.

Lại nữa, này Đại vương, tôi nay đã đạt được đến chỗ không bệnh, chỉ vì muốn trị bệnh phiền não cho chúng sinh nên đến đó ăn xin.

Khi ấy vua Ba-tư-na nước Kiều-tát-la lại bạch Trưởng lão Bà-đề-lợi-ca:

-Thưa Thánh giả, trẫm cũng bần cùng không có bảy thứ báu. Trẫm cũng tối tăm, sống trong hắc ám. Trẫm cũng bị chìm đắm trong vũng bùn lầy phiền não. Trẫm nay cũng bị bệnh tham dục. Cúi xin Thánh giả thương mến thường đến nội cung của trẫm.

Bấy giờ Trưởng lão Bà-đề-lợi-ca nói với vua Ba-tư-na Kiều-tát-la:

-Này Đại vương, Đại vương chẳng cần làm như vậy.

Nói như vậy rồi, Trưởng lão từ giã nhà vua mà đi.