SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 59-60

Phẩm 59: MA-NI-LÂU-ĐÀ

Một hôm, Đức Thế Tôn vì hàng Tỳ-kheo mà diễn thuyết các pháp. Khi ấy Trưởng lão Ma-ni-lâu-đà ngủ gục không biết nên Đức Phật quở trách Ma-ni-lâu-đà:

-Này Ma-ni-lâu-đà, tại sao thầy đối với giáo pháp này mà ngủ gục như vậy? Việc làm của thầy như vậy không tốt. Thầy đứng dậy, đừng ngủ nữa!

Từ đó về sau, Ma-ni-lâu-đà không ngủ. Vì trải qua thời gian lâu không ngủ nên cặp mắt bị mù, chỉ dùng Thiên nhãn thấy cảnh vật thế gian.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

-Này các thầy, trong hàng đệ tử Thanh văn của Ta, người phạm hạnh trên hết là Tỳ-kheo Ma-ni-lâu-đà.

Trưởng lão Ma-ni-lâu-đà thường hay may vá y phục. Có đôi lúc năm ngón tay nắm tất cả năm cây kim.

Lại một hôm nọ, Trưởng lão Mục-kiền-liên đến nói với Ma-ni-lâu-đà:

-Nay Trưởng lão hãy cùng tôi du hành đây đó.

Trưởng lão Ma-ni-lâu-đà đáp lời Trưởng lão Mục-kiền-liên:

-Xin Tôn giả nán lại, nán lại. Đợi tôi may y xong.

Trưởng lão Mục-kiền-liển lại nói với Trưỏng lão Ma-ni-lâu-đà:

-Nếu Trưởng lão dùng thần thông mà may thì y sẽ mau xong, nếu muốn dùng ý để mau thành thì nguyện mau thành.

Khi Ma-ni-lâu-đà may y này, sợi chỉ thoát khỏi lỗ kim, Trưởng lão Ma-ni-lâu-đà tự nói một mình: “Ở trong thế gian có ai muốn làm công đức xỏ giùm sợi chỉ cho ta?”

Bấy giờ Đức Thế Tôn ngồi thiền, nhiếp tâm một mình trong phòng, với Thiên nhĩ thanh tịnh nghe Ma-ni-lâu-đà nói như vậy. Ngài nghe rồi, giống như lực sĩ duỗi cánh tay, liền hiện đứng trước mặt Ma-ni-lâu-đà mà không hiện thân, lấy chỉ luồn kim. Lúc ấy Trưởng lão Ma-ni-lâu-đà liền hỏi:

-Ai xỏ giùm chỉ cho ta vậy?

Đức Phật bảo:

-Này Ma-ni-lâu-đà, Ta xỏ giùm chỉ cho Trưởng lão.

Bấy giờ tất cả Tỳ-kheo truyền nhau nói: “Đức Thế Tôn xỏ chỉ giùm cho Ma-ni-lâu-đà.” Nghe rồi, mỗi người tự nghĩ: “Đức Thế Tôn còn vì người phạm hạnh giúp đỡ không ngừng, cớ gì chúng ta lại làm ngơ không giúp đỡ lẫn nhau?” Do vậy, từ đó về sau các Tỳ-kheo có ai làm việc gì, đều giúp đỡ cùng nhau.

Khi ấy các Tỳ-kheo vì nhân duyên này đi đến bạch Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn, Trưởng lão Ma-ni-lâu-đà ngày trước trồng thiện nghiệp gì, nay được xuất gia thọ giới Cụ túc, chứng quả A-la-hán? Được Thế Tôn ghi nhận: “Này các Tỳ-kheo, trong hàng đệ tử Thanh văn của Ta, người được Thiên nhãn thanh tịnh bậc nhất, đó là Tỳ-kheo Trưởng lão Ma-ni-lâu-đà.”

Nghe các Tỳ-kheo bạch như vậy, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: -Ta nhớ ở đời quá khứ lâu xa, trải qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, có một Đức Phật ra đời hiệu là Nhiên Đăng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Khi vì hàng Tỳ-kheo mà thuyết pháp, Đức Phật ấy tán thán các công đức của Thiên nhãn.

Thuở ấy, có một cư sĩ tên là Đại Tài đến dự hội. Khi nghe nói đến pháp này, vị ấy suy nghĩ: “Ta nay tuy không xin cha mẹ xuất gia, nhưng ta nay chỉ vì muốn đời tương lai được Thiên nhãn nên lúc này ta phải tạo các căn lành.”

Suy nghĩ như vậy rồi, Đại Tài sắm đầy đủ dầu mỡ được năm trăm đấu, cúng cho Đức Phật Nhiên Đăng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và phát nguyện: “Ta nguyện đời vị lai gặp được Đức Phật như thế này, giáo pháp của Ngài nói ra, ta đều mau chứng ngộ. Đối với hàng đệ tử Thanh văn có Thiên nhãn của Ngài, ta là người đệ nhất.”

Lại nguyện: “Đời đời kiếp kiếp không rơi vào các cõi ác.”

Bấy giờ Đức Nhiên Đăng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn bảo cư sĩ Đại Tài: “Ở đời vị lai có Đức Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni đầy đủ mười hiệu: Như Lai Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác… ở trong hàng Thanh văn chứng Thiên nhãn của Ngài, người là đệ nhất.”

Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Này các thầy, các thầy có tâm nghi ngờ cư sĩ Đại Tài vô cùng giàu có ở nơi Đức Phật Nhiên Đăng thuở ấy là ai không? Tức là Ma-ni-lâu-đà này vậy.

Bấy giờ Đức Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

-Ta nhớ thời quá khứ lâu xa có tên giặc cướp, trong đêm tối đang đi trên đường hẻm, ý muốn đi ăn cướp, đi giữa đường dây giày bị đứt. Thuở ấy nơi đó có một tháp thờ xá-lợi Bích-chi-phật. Nơi tháp này, có một người phụng thờ, thắp đèn cúng dường cầu phước, mà dầu ngọn đèn sắp cạn. Tên giặc đến, thấy đèn sắp cạn dầu, vì để nối dây giày bị đứt nên đổ thêm mỡ vào đèn, dùng đầu mũi tên nhọn khêu tim, đèn sáng rực trở lại.

Bấy giờ tên giặc thấy đèn sáng tỏ, nối lại dây giày. Do ánh đèn chiếu sáng, thấy cạnh đó có ngôi tháp ấy nên tâm được thanh tịnh. Tâm được thanh tịnh rồi phát nguyện: “Tháp này của ai? Ta nguyện ở đời vị lai gặp được Thế Tôn bản thể của tháp này, hoặc hơn thế nữa. Với giáo pháp Thế Tôn nói ra, tôi nguyện nghe rồi mau tỏ ngộ. Trong hàng đệ tử Thanh văn của Thế Tôn, người chứng Thiên nhãn, tôi là trên hết.”

Lại nguyện: “Đời đời kiếp kiếp tôi không rơi vào các đường ác.”

Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Này các thầy, tên ăn trộm thêm dầu ngọn đèn trước tháp Bích-chi-phật thuở ấy là ai? Chớ nên nghĩ gì khác, đó là Tỳ-kheo Ma-ni-lâu-đà này.

Ma-ni-lâu-đà thuở xưa là cư sĩ Đại Tài, kiếp sau lại làm tên ăn trộm, vì nhân duyên thêm dầu vào đèn tháp thờ Bích-chi-phật, với tâm thanh tịnh, phát nguyện: “Nguyện đời vị lai ta không rơi vào các đường ác, thường sinh trong cõi trời và người.” Nhờ nghiệp báo đó, sinh ra đời chưa từng ở trong cõi ác, thường được an lạc ở cõi trời người.

Lúc đó, vị ấy có nguyện: “Vào đời vị lai ta thường gặp Đức Thế Tôn như vậy hay hơn thế nữa. Bao nhiêu giáo pháp của Ngài nói ra, tôi nguyện mau tỏ ngộ” Do nghiệp đó nên ngày nay được gặp Ta và xuất gia, thọ giới Cụ túc.

Lại thuở ấy phát nguyện: “Trong hàng đệ tử chứng Thiên nhãn của Thế Tôn ấy, ta là người đệ nhất.” Do nghiệp báo này nên ngày nay, trong hàng đệ tử Thanh văn của Ta chứng Thiên nhãn thì Ma-ni-lâu-đà là người đứng đầu.

Này các Tỳ-kheo, Ma-ni-lâu-đà ngày xưa do trồng các thiện căn như vậy nên nhờ phước báo đó ngày nay được xuất gia thọ giới Cụ túc, chứng quả A-la-hán. Này các Tỳ-kheo, Ta lại ghi nhận: ‘Trong hàng đệ tử Thanh văn của Ta chứng Thiên nhãn thì Ma-ni-lâu-đà là người đứng đầu.”

Một thời, Đức Thế Tôn ngự tại vườn Nai, là chỗ ở của các cựu Tiên nhân, thuộc thành Ba-la-nại. Gặp lúc trời đang mưa, Trưởng lão A-nan đến đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, rồi đứng lui về một bên, bạch:

-Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay trời mưa không đi khất thực được, nên làm cách gì để các Tỳ-kheo đỡ đói qua một ngày một đêm?

Đức Phật bảo A-nan:

-Thầy khỏi phải lo. Tỳ-kheo Ma-ni-lâu-đà hiện có phước lực rất lớn, hôm nay, Tỳ-kheo ấy có thể làm cho chúng Tăng khỏi đói qua một ngày một đêm.

Khi ấy Trưởng lão Ma-ni-lâu-đà đến đảnh lễ Đức Phật, rồi đứng lui về một bên, bạch Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài nhận lễ mọn cúng dường của con. Nếu Ngài nhận lấy thức ăn của con thì có thể khiến đại chúng khỏi đói qua được một ngày một đêm.

Đức Thế Tôn im lặng nhận lời.

Vào sớm mai hôm ấy, Trưởng lão Ma-ni-lâu-đà đắp y, mang bình bát đi đến thành Ba-la-nại, khi vừa vào thành chưa đi khất thực, lại cũng không gặp người quen cựu thân tình nào. Bỗng nhiên, lúc ấy có năm trăm bồn đựng đầy thức ăn hiện trước mặt Trưởng lão. Trưởng lão Ma-ni-lâu-đà liền đưa năm trăm bồn thực phẩm về vườn Nai, sắp đặt trước các chỗ ngồi, trần thiết xong rồi, đi đến thỉnh Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn, giờ ăn đã đến, thức ăn đã xong, cúi xin Ngài quang lâm thọ trai.

Khi ấy mặt trời còn ở phía Đông, Đức Thế Tôn mặc y mang bát cùng các Tỳ-kheo đồng đi đến trai đường, thấy thức ăn đã dọn sẵn, theo thứ lớp mà an tọa.

Trưởng lão Ma-ni-lâu-đà thấy Thế Tôn và đại chúng theo thứ lớp an tọa xong, tuần tự bưng năm trăm bồn thức ăn, trước dâng cho Đức Phật, sau dâng cho đại chúng. Đức Phật và đại chúng ăn xong rồi, sau đó Ma-ni-lâu-đà mới ăn. Sau khi ăn rồi, Trưởng lão cùng các Tỳ-kheo đồng đến giảng đường, trải tòa mà ngồi.

Khi Trưởng lão Ma-ni-lâu-đà ngồi xong, bạch các Tỳ-kheo: -Thưa chư vị Trưởng lão, thật hiếm có! Thật hiếm có! Chưa từng thấy việc như vậy. Có phước báo rất lớn, công đức rất lớn, oai đức rất lớn như vậy là do đâu?

Thưa chư Trưởng lão, tôi nhớ thuở quá khứ lâu xa, tại thành Ba-la-nại này có một người bần cùng, không có của cải kho chứa. Nơi thành này có một vị Bích-chi-phật tên là Ba-tư-tra. Thành ấy lúc đó gặp thời kỳ lúa gạo rất quý, phần nhiều dân chúng đói khát, thiếu hụt. Trong thành ngoài thành có nhiều người chết đói, xương trắng ngổn ngang khắp nơi. Lúc ấy các vị xuất gia không thể khất thực được. Do bị đói khát bức xúc nên họ không thể tu tập.

Hôm nọ, mặt trời còn ở phương Đông, vị Bích-chi-phật Ba-tư-tra đắp y, mang bình bát, vào thành Ba-la-nại theo thứ lớp khất thực, qua khắp các nhà trong thành mà không khất thực được, trở ra khỏi thành mà bát vẫn không có gì.

Bấy giờ tôi thấy Tôn giả Bích-chi-phật Ba-tư-tra, liền đến bên Ngài thưa: “Lành thay! Thưa Đại tiên, nơi đây Ngài có khất thực được không?”

Tôn giả trả lời: “Thưa nhân giả, hôm nay tôi không khất thực được.”

Bấy giờ tôi lại bạch: “Thưa Tôn giả, nếu như vậy, xin ngài đến nhà con, hiện giờ trong nhà con có một phần cơm nấu bằng lúa ty.”

Tôi liền mời Tôn giả Bích-chi-phật về nhà rồi vào nhà lấy cơm ty dâng cúng cho Ngài. Khi vị Bích-chi-phật nhận sự cúng dường rồi tùy ý ra về. Bấy giờ tôi ra khỏi thành để kiếm củi. Nơi tôi kiếm củi cách rừng tha ma chẳng bao xa. Trong khi lấy củi, nơi bãi tha ma có một bộ xương trắng, bỗng nhiên đứng dậy, đi đến ôm lấy cổ tôi. Tôi cố gắng hết sức gỡ bộ xương, mãi đến chiều tối mà không được. Khi mặt trời sắp lặn, tôi đành mang bộ xương vào thành. Dân chúng thấy vậy nên họ bảo tôi: “Quái lạ! Người này mang xương người chết vào thành làm gì?”

Tôi đáp: “Này các anh, tôi nay cố gắng hết sức gỡ bộ xương mà rốt cuộc không được. Nếu các anh có khả năng, xin gỡ dùm tôi.”

Khi ấy các người này xúm nhau nắm lấy bộ xương dùng hết sức hy vọng sẽ gỡ được, nhưng cũng không ra.

Bấy giờ, tôi lần lần vào trong nhà với ý định sẽ gỡ được xương trắng tử thi. Ngay lúc đó, xương trắng đều biến thành vàng, tự nhiên rơi xuống đất. Tôi thầm nghĩ: “Riêng ta không nên dùng vàng này.” Nghĩ vậy rồi, tôi liền đi đến vua Phạm Đức tâu: “Đại vương biết cho, ngày nay chỗ đất nhà hạ thần có kho vàng, xin nhà vua thâu nhận sung vào của báu nhà vua.”

Vua Phạm Đức đòi các quan tả hữu đến phán: “Các khanh phải đi theo người này và người này sẽ chỉ cho kho vàng. Các khanh phải nhận lấy đem về đây.”

Khi ấy quan tả hữu nhận sắc lệnh nhà vua, lập tức họ theo tôi về nhà. Tôi liền chỉ vàng cho sứ giả. Sứ giả lại thấy toàn xương trắng người chết. Họ thấy vậy, nói với tôi: “Quái lạ! Này người ngu si, ông có phải là kẻ điên cuồng không? Cớ gì cho xương trắng của người chết là vàng?” Sứ giả trở về tâu đầy đủ sự việc lên nhà vua.

Vào một lúc sau, tôi lại đến tâu nhà vua: “Đại vương phải biết, hạ thần được kho vàng, sự thật không có nói dối. Cúi xin Đại vương sớm thâu nhận.”

Lúc ấy, vua Phạm Đức đích thân đến nhà tôi để quán sát kho vàng thì lúc ấy vàng cũng biến thành xương trắng như trước. Nhà vua lại bảo tôi: “Quái lạ! Này kẻ ngu si, ông mắc bệnh điên chăng? Cớ gì ông cho xương trắng là vàng?”

Tôi lại thưa vua Phạm Đức: “Đại vương phải biết, đây là vàng thật, không phải là xương người chết.”

Tôi nói vậy đến hai lần, rồi lúc ấy tay tôi cầm vàng phát lời thề: “Nếu vàng quý này vì ta đến đây là do phước báo thiện nghiệp, xin cho vua Phạm Đức cũng thấy như vậy.” Phát lời thề rồi, thì nhà vua liền thấy xương người chết biến thành vàng, như tôi thấy vàng quý không khác.

Đại vương Phạm Đức liền nói với tôi: “Lành thay! Này nhân giả, người do tạo phước nghiệp gì? Hay đã thờ vị thần nào? Hay là cúng dường cho vị Thiên thần nào? Hay đã cúng dường vị Tiên nhân nào mà có thể cho người toại nguyện như vậy?”

Bấy giờ tôi thưa vua Phạm Đức: “Đại vương biết cho, hạ thần đã từng cúng dường thức ăn cho một vị Tiên nhân, chắc có lẽ do thần lực của vị Tiên nhân này khiến ngày nay hạ thần được phước báo như thế.”

Vua Phạm Đức lại nói với tôi: “Nhân giả đã tạo thiện nghiệp như vậy nên ngày nay được phước báo này. Đây là phước báo của nhân giả, người khác không thể đoạt được. Nhân giả không nên phân vân, tùy ý sử dụng.”

Thưa chư vị Trưởng lão, thuở ấy, tôi nhờ cúng dường vị Bích-chi-phật một bữa ăn nên trong đời ấy được phước báo nhu cầu của cải tùy ý được đầy đủ.

Do cúng dường một bữa ăn mà bảy lần sinh lên cõi trời Ba mươi ba. Nơi đây, tôi thọ phước báo làm vua Đế Thích. Sau đó, tôi sinh trong nhân gian làm vị Quốc vương và sau lại làm Chuyển luân thánh vương trị vì bốn châu thiên hạ, làm chủ thế giới, hộ trì thế gian, đầy đủ bảy báu, cho đến chinh phục giặc thù, y như pháp trị hóa muôn dân.

Do phước báo cúng dường một bữa ăn, sau khi qua đời, tôi sinh lên trời, rồi từ trời giáng xuống nhân gian, từ nhân gian qua đời lại sinh lên trời. Cứ như vậy, tôi lưu chuyển lên xuống, không sinh vào các cõi khổ khác. Chỗ tôi sinh ra, cung điện đều được tốt đẹp vô cùng. Nếu tôi sinh trong nhân gian thì sinh trong nhà hào quý, của cải dẫy đầy, cho đến tất cả nhu cầu không thiếu hụt. Nếu tôi sinh làm chư Thiên, thì thân hưởng thọ nhiều khoái lạc, sinh xuống nhân gian cũng như vậy.

Do nhân duyên cúng dường một bữa ăn nên nay tôi được phước báo sinh trong nhà họ Thích. Ngày sinh nhật của tôi, chư Thiên giáng hạ, đem năm trăm y phục trời quý báu đắp trên thân tôi. Dưới đất lại có năm trăm kho tàng tự nhiên xuất hiện… đều do quả báo của sự cúng dường một bữa ăn. Vì tôi mà cha mẹ tôi đã cho xây ba cung điện, tòa thứ nhất nghỉ vào mùa hạ, tòa thứ hai nghỉ vào mùa đông và tòa thứ ba nghỉ vào mùa xuân thu.

Do nhân duyên cúng dường một bữa ăn, ngày nay tôi được phước báo sinh trong nhà họ Thích. Các kho lúa gạo trong nhà tôi lúc bấy giờ dần dần mỗi ngày thêm tràn ngập. Các thứ ngọc chân châu, lưu ly, san hô, hổ phách, vàng, bạc… vô lượng trân bảo, người và vật, không có gì thiếu hụt.

Lại do nhân duyên cúng dường một bữa ăn thuở ấy, ngày nay được phước báo. Một hôm, tôi ở hoa viên, mẹ tôi muốn thử tôi nên bày biện các bát dĩa không trên mâm, rồi dùng khăn phủ kín, sai người bưng đến cho tôi. Trên đường đi, chư Thiên đem các thức ăn uống rất thơm ngon, đầy đủ chất bổ dưỡng đặt đầy trong bát.

Lại cũng do sức phước báo cúng dường đó, một hôm tôi theo cha tôi kiểm tra công việc đồng áng. Khi ấy tôi khát nước, đi đến dòng suối múc nước, sắp uống thì nước ấy biến thành cam lộ diệu vị của chư Thiên.

Lại do nhân duyên cúng dường bữa ăn đó, nay phước báo thành thục, đi vào thành Ba-la-nại, chưa từng quen biết một ai, tự nhiên có năm trăm bồn thức ăn hiện đến trước mặt. Tôi nhận lãnh thức ăn này và mang về tòng lâm, thỉnh Đức Phật và chư Tăng cúng dường, làm cho Đức Phật và đại chúng đều được no nê.

Nhờ phước báo cúng dường một bữa ăn, ngày nay đối với bốn sự nhu cầu tôi không thiếu hụt. Phước báo do nhân duyên cúng dường bữa ăn, đối với dục lạc ở đời tôi cũng không thiếu. Nay xuất gia, đối với niềm vui xuất gia tôi cũng đều đầy đủ.

Lại do phước báo cúng dường một bữa ăn, nay đoạn sinh tử, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân đời sau, đạt đến chỗ vô úy, ngay trong đời này, chứng nhập Niết-bàn. Sau khi vào Niết-bàn rồi, tự nhiên chứng biết, không còn khổ vui.

Thưa chư Trưởng lão, thuở ấy tôi không biết vị tiên ấy là Tôn giả Bích-chi-phật. Nếu tôi biết Bích-chi-phật một cách rõ ràng, thì ngay khi ấy tôi cầu quả thù thắng, cầu đại uy đức, sẽ cầu quả vô thượng quảng đại.

Trưởng lão Ma-ni-lâu-đà tóm tắt sự việc trên qua bài kệ:

Tôi tự suy nghĩ nhớ thuở xưa
Đang sống tại thành Ba-la-nại
Làm nghề bán củi sống qua ngày
Gặp được Tôn giả Bà-tư-tra
Thấy rồi cúng dường một bữa ăn
Nên sinh họ Thích nhà hào quý.
Ma-ni-lâu-đà tức tên tôi
Ca hát, vũ thuật đều tài giỏi
Đánh phách, phúng tụng và ca ngâm
Cho đến tất cả các kỹ thuật.
Tôi nay tự biết đời quá khứ
Cho đến thuở trước sinh ở đâu
Sinh lên cõi trời ba mươi ba
Lên xuống nơi đây đến bảy lần.
Nơi đây có lần làm Đế Thích
Sống trong cung trời rất tự tại
Tất cả đều theo lệnh của tôi
Như vậy trị hóa hàng thiên chúng.
Làm vua nhân gian đến bảy lần
Làm lễ quán đảnh lên ngôi vua
Quyền lực sức mạnh thu phục người
Không dùng vũ lực cùng binh khí
Như pháp trị hóa khắp mặt đất
Có nhiều trân bảo số vô lượng,
Quốc độ của tôi đều giàu có
Sinh ra trong nhà đại cự phú
Của cải tăng thêm không kể xiết
Đối với mọi người, tôi bậc nhất,
Ngũ dục thế gian đều đầy đủ
Ngọc quý bảy báu không thiếu gì
Đều do tôi tạo nghiệp như vậy.
Chưa từng sinh vào ba đường ác
Nay thuộc họ Thích được xuất gia
Được pháp cam lộ ba giải thoát.
Tôi lại nhờ đâu được xuất gia?
Xả bỏ gia nghiệp đến nơi đây
Chính vì tôi được lợi ích ấy
Nên đến đền đáp ân Đức Phật.
Thế Tôn biết tôi đã thuần thục
Vì tôi diễn thuyết pháp vô thường
Nếu tôi nghĩ đến thân huyễn hóa
Phật dùng thần thông đến chỗ tôi.
Tâm tôi nếu có điều nghi hoặc
Như vậy thật giải nghi cho tôi
Pháp Phật nói ra không phân biệt.
Nói pháp vì tôi không phân biệt
Tôi nay nghe được lời chân thật
Yêu thích chánh pháp mà thọ trì
Như vậy liền được ba giải thoát
Tức là kính đền ân chư Phật.
Tôi chẳng muốn mạng sống chấm dứt
Cũng không muốn tuổi thọ kéo dài
Tuổi thọ của tôi đến lúc hết
Chánh niệm tư duy xả thọ mạng.
Tôi biết sinh tử đời vị lai
Chúng sinh qua lại tôi cũng biết
Đã biết nơi đây qua đời rồi
Cũng biết chỗ đến của chúng sinh
Thành Tỳ-xá-ly nơi rừng Trúc
Tôi ở Trúc lâm xả thọ mạng
Ở trong rừng ấy, nơi rậm rạp
Xả thân hữu lậu vào Niết-bàn.

Bấy giờ Đức Thế Tôn với Thiên nhĩ thanh tịnh hơn loài người, nghe Trưởng lão Ma-ni-iâu-đà nói nhân duyên tạo nghiệp trong quá khứ, nên ngày nay được phước báo như vậy, rồi lại dùng diệu kệ mà trình bày. Nghe như vậy rồi, Ngài hân hoan ca ngợi.