NHIẾP ĐẠI THỪA LUẬN BẢN
QUYỂN TRUNG
PHẦN 3: TƯỚNG PHẦN CỦA CÁC PHÁP SỞ TRI
Trên đây, đã nói chỗ nương tựa của các pháp sở tri rồi, còn tướng của các pháp sở tri thì nên nhìn thấy như thế nào? Các pháp sở tri đại khái có ba thứ:
- Y tha khởi tướng
- Biến kế sở chấp tướng
- Viên thành thật tướng
Trong đây, Y tha khởi tướng là gì? Là các thức do A-lại-da làm chủng tử và thuộc về phân biệt hư vọng. Các thức ấy là gì? Là thân thức, thức chủ thể của thân, thức chủ thể của sự tiếp nhận, thức được tiếp nhận, thức thời gian, thức số mục, thức thế giới cư trú, thức nói năng, thức mình và người, thức thiện, ác sanh tử. Tóm lại, thức thân cho đến thức nói năng là do huân tập chủng tử của danh ngôn. Thức mình và người là do huân tập chủng tử ngã kiến. Thức thìện ác sanh tử là do huân tập chủng tử của muời hai nhân duyên. Các thức như vậy là cái tướng Y tha khởi trực thuộc ba cõi, năm đường và ba thứ tạp nhiễm được biểu hiện do phân biệt hư vọng. Như vậy, các thức này trực thuộc phân biệt hư vọng lấy đặc tính là duy thức làm căn cứ cho sự biểu hiện không có và không thực. Đó là Y tha khởi tướng.
Biến kế sở chấp tướng là gì? Là nơi xuất hiện sự việc không thật, chỉ có thức mà biểu hiện như thật có.
Viên thành thật tướng là gì? Là chính nơi Y tha khởi mà cái ấn tượng như thật có ấy vĩnh viễn không còn.
Trong mười một thức thì thức thân, thức chủ thể của thân và thức chủ thể của sự tiếp nhận, nên biết rằng đó là sáu giác quan ở bên trong tức nhãn căn, nhĩ căn v. v… Thức được tiếp nhận nên biết rằng đó là sáu đối cảnh ở ngoài tức sắc cảnh, thanh cảnh v.v… Thức tiếp nhận nên biết rằng đó là sáu nhận thức tức nhãn thức, nhĩ thức v. v… Ngoài ra, các thức 52 khác, nên biết rằng đó là sự sai biệt của các thức trên đây.
Nên biết các thức như vậy chỉ toàn là do thức tạo ra chứ không thật có. Sự thể này lấy gì làm ví dụ để biểu thị? Lấy chiêm bao v.v… làm ví dụ để biểu thị. Nghĩa là trong chiêm bao hoàn toàn không có thật chỉ có một mình thức, dù có đủ thức sắc, thanh, hương, vị, xúc, nhà, rừng, đất, núi, biểu hiện ra như thật nhưng rốt cuộc đều hoàn toàn không thật. Do lấy ví dụ này làm biểu thị, theo đó nên nhận thức rằng bất cứ lúc nào, nơi nào cũng đều chỉ có thức. Chữ “Vân vân” nên biết còn có những ví dụ như ảo thụật lừa dối, như hươu nai khác nước, như mắt bị nhặm làm nhòe v.v…
Do vậy, khi thức tỉnh thì bất cứ lúc nào hay nơi đây cũng thấy như chiêm bao, cũng thấy chỉ có thức. Như chiêm bao tỉnh rồi mới biết trong chiêm bao hoàn toàn là do thức cả. Thế thì bây giờ chúng ta đang thức tỉnh tại sao không thấy biết như vậy? Khi chân trí thức tỉnh mới thấy biết như vậy. Như trong chiêm bao cái thấy biết như vậy không chuyển, nhưng thức tỉnh rồi thì sự thấy biết ấy mới chuyển. Như vậy khi chân trí chưa được thức tỉnh sự thấy biết như vậy không chuyển. Nhưng khi chân trí được thức tỉnh thì thấy biết ấy mới chuyển.
Người chưa được chân trí thức tỉnh thì đối với đạo lý Duy thức làm sao đối chiếu biết được? Là do giáo pháp và đạo lý mà đối chiếu để biết được.
Giáo ở đây là trong kinh Thập địa, Đấng Bạc-già-phạm đã nói ba cõi như vậy đều là duy tâm. Lại như trong kinh Giải Thâm Mật, Đấng Bạc-già-phạm cũng đã nói như vậy. Trong kinh ấy Bồ-tát Di-lặc hỏi Đức Phật về ảnh tượng được thấy trong định cùng với tâm trong định nên nói khác nhau hay nên nói không khác? Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc nên nói là không khác. Tại sao? Vì ảnh tượng ấy chỉ là thức. Như Lai nói đối tượng của thức chỉ do thức biến hiện.
Di-lặc thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu ảnh tượng trong định không khác với tâm trong định thì tại sao tâm ấy trở lại biết lấy tâm ấy? Đức Phật đáp: “Này Di-lặc! không có chút pháp nào lấy được chút pháp nào nhưng chính tâm ấy khi phát sanh như vậy thì có ảnh tượng như vậy biểu hiện. Tựa như bản chất làm duyên trở lại thấy được bản chất ấy, nhưng nói rằng tôi thấy ảnh tượng và lại cho ngoài bản chất có cái ảnh tượng thấy riêng biệt khác. Tâm ở đây cũng vậy, tâm ấy khi phát sinh thì tựa như có ảnh tượng như vậy biểu hiện được thấy riêng ra.
Do giải nghĩa giáo ở trên mà lý cũng hiển lộ. Tại sao? Vì trong tâm của định quán thấy những ảnh tượng như thây chết xanh ứ v.v… thì không có cái xanh ứ v.v… nào khác mà chỉ là thấy tâm mình. Do đạo lý này, đối với các thức, Bồ-tát nên đối chiếu mà bíết toàn là duy thức chứ không phải là đối cảnh thật có. Cái ảnh tượng xanh ứ v.v… cũng không phải là đối cảnh do thức nhớ thấy ra vì là ấn tượng hiện hữu. Hai thức nhớ về nghe và nghĩ cũng lấy ấn tượng quá khứ làm đối cảnh nên ảnh tượng ấy cũng chỉ là duy thức. Do sự so sánh suy lường như vậy, Bồ-tát tuy chưa được chân trí thức tỉnh cũng có thể đối chiếu mà biết về đạo lý duy thức.
Như vậy là đã nói các thức như trong ví dụ chiêm bao v.v… chính trong sự ví dụ ấy mà thấy nhãn thức v.v là duy thức. Thế nhưng nhãn thức v.v… có sắc cảnh v.v… thì làm sao thấy được sắc cảnh v.v… cũng là duy thức? Hỏi như vậy thì cũng do giáo và lý vừa nói ở trên mà thấy được. Nếu các thức như trên, bản thể cũng là thức thì tại sao biểu hiện ra sắc chất trước sau như một, tồn tại lâu dài và liên tục mà chuyển? Vì cùng với các pháp tạp nhiễm điên đảo làm chỗ nương tựa. Nếu không phải như vậy, thì sự điên đảo cho là thật và cái không thật đáng lẽ không có. Nếu không có thì hai thứ chướng ngại phiền não và sở tri đáng lẽ không có. Và nếu không phải như vậy thì các pháp thanh tịnh cũng đáng lẽ không có. Do đó, nên biết các thức chuyển hiện như vậy.
Trong đây có một bài kệ được dẫn ra làm chứng cứ:
Tướng loạn và thể loạn
Nên nói là sắc thức
Và chẳng phải sắc thức
Nếu không, tất cả không.
Tại sao thân thức, thức chủ thể của thân, thức chủ thể của sự tiếp nhận, thức được tiếp nhận và thức tiếp nhận cùng câu hữu và hòa hợp trong tất cả thân? Vì có vậy mới trở nên viên mãn sự thọ dụng của đời sống.
Tại sao nói thức thời gian v.v… chuyển hiện sai biệt? Bởi vì từ vô thủy đến nay, sự lưu chuyển của sanh tử không có chấm dứt vì cái thế giới chúng sanh vô lượng, vì cái thế giới của thế giới không có số lượng, vì ngôn ngữ được nói về sự việc được làm triển chuyển không có số lượng, vì căn thân được nắm giữ và hưởng thọ khác nhau không có số lượng, vì những quả báo đáng ưa và đáng ghét hưởng chịu khác nhau cũng không có số lượng.
Lại nữa, làm thế nào để xác lập các thức như vậy thành duy thức?
Đại khái có ba cách.
- Do duy thức: vì không có cái gì thật cả.
- Do hai phần: vì có tướng phần và kiến phần thuộc hai thức khác nhau.
- Do nhiều thứ: vì có nhiều thứ hành tướng sinh khởi.
Tại sao có ba cách như vậy? Bởi vì các thức với nghĩa không có thật nên được thành duy thức; bởi vì các tướng phần và kiến phần nên thành ra hai mặt; bởi vì nhãn thức lấy sắc thức làm tướng phần, lấy thức của nhãn thức làm kiến phần, cho đến thân thức lấy xúc thức làm tướng phần, lấy thức của thân thức làm kiến phần, đến như ý thức thì lấy các thức làm tướng phần, lấy thức của ý thức làm kiến phần, trong tướng phần ấy sắc thức làm tối sơ pháp thức làm tối hậu vì ý thức là chủ thể phân biệt, sinh khởi tương tự tất cả các thức. Trong đây có một bài tụng làm chứng cứ:
Duy thức hai, nhiều thứ
Hành giả quán ý nhập
Do ngộ nhập duy tâm
Ý cũng được phục, lìa.
Trong đây có một số luận sư nói chỉ có một ý thức. Một ý thức này phát sinh theo cái gì thì được tên cái ấy. như nghiệp tư duy của ý mà gọi là thân nghiệp và khẩu nghiệp. Hơn nữa, khi ý thức phát sinh theo mọi cái sở y thì sinh ra nhiều thứ ấn tượng mà quy nạp lại là hai thứ ảnh tượng: có thật và phân biệt. Lại nữa, mọi nơi, ý thức cũng phát sanh theo ảnh tượng nó tiếp xúc vì trong thế giới có hình sắc thì chính ý thức dựa vào thân như những sắc căn đều nương tựa vào cái thân ấy.
Trong đây có bài kệ nói:
Một mình đi xa xôi
Thân không ngủ trong hang
Điều phục tâm khó dạy
Ta nói chân phạm chí.
Lại nữa trong kinh nói cảnh giới mà năm căn đi qua thì ý thức tiếp nhận được hết vì nó là chỗ nương tựa cho năm căn. Vả lại trong mười hai xứ thường nói thì thân sáu thức gọi là ý xứ. Nếu chỗ nào quy định A-lại-da là thức thật thì ở đó mười một thức khác là tướng phần còn ý thức trong đó và mọi thức nó dựa vào là kiến phần. Do tướng phần ấy là duyên phát sinh kiến phần nên khi sự tựa như thật có biểu hiện thì làm chỗ nương tựa cho kiến phần phát khởi. Do vậy, gọi sự xác lập các thức chính là duy thức.
Nếu mọi sự kiện hiện ra rõ ràng mà không phải thật có thì điều đó làm sao thấy được? Như Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ-tát thành tựu bốn trí thì có thể ngộ nhập duy thức.
1. Trí biết sự mâu thuẫn là cái biết như ngạ quỷ, súc sanh tuy cùng với chư thiên và loài người nhìn về mặt sự việc nhưng sự thấy biết khác nhau.
2. Trí biết không có đối cảnh mà thức vẫn có. Cái biết này như ở quá khứ, vị lai và những mộng ảnh mà vẫn có cái biết về chúng.
3. Trí biết đáng lẽ không có dụng công mà vẫn không điên đảo. Cái biết này như cái biết biết về đối cảnh hiện thời đáng lẽ không có gì điên đảo, không do dụng công mà vẫn biết đúng sự thật.
4. Đạt đựơc ba trí tùy chuyển kỳ diệu:
a) Trí tùy thắng giải lực (lực hiểu biết thù thắng) do các Bồ-tát đắc tịnh lự tâm tự tại mà đối cảnh biểu hiện.
b) Trí tùy lực tác ý của tu pháp quán Xa-ma-tha mà đối cảnh biểu hiện.
c) Trí tùy vô phân biệt trí mà thấy đối cảnh biểu hiện không có gì thực cả.
Do đây nói ba trí này tùy chuyển kỳ diệu và đạo lý nhân duyên đối cảnh không thật của ba trí biết ở trên được xác lập.
Nếu tự tánh Y tha khởi thật sự chỉ có thức làm chỗ nương tựa cho đối cảnh không thật biểu hiện ra thì sao thành y tha? Tại sao gọi là y tha?Từ chủng tử huân tập mà phát sanh và dựa vào điều kiện mà khởi cho nên gọi là y tha. Một sát-na sau khi sinh ra không có năng lực gì hơn vẫn tồn tại nên gọi là y tha. Tự tánh biến kế chấp thì dựa vào y tha, thật không có mà biểu hiện như có thì sao thành biến kế chấp?Tại sao gọi là biến kế chấp? Vô số cái biết toàn là cái biết điên đảo của ý thức biến kế nên gọi là biến kế. Do tự tướng thật không có chỉ có cái mà biến kế chấp nên gọi là biến kế. Còn viên thành là tự tánh thật biến kế vĩnh viễn không còn, thì tại sao thành viên thành? Viên thành nghĩa là tướng không có biến đổi, lại là tánh sở duyên của tuệ giác thanh tịnh, là tối thắng của tất cả các thiện pháp. Vì nghĩa tối thắng này nên gọi là viên thành thật.
Lại nữa, có năng biến kế và có sở biến kế nên biến kế chấp mới thành. Vậy ở đây năng biến kế và sở biến kế là gì? Cái gì là tự tánh của biến kế? Nên biết rằng ý thức là năng biến kế vì nó là chủ thể phân biệt.Tại sao? Vì nó lấy sự huân tập danh ngôn của chính nó làm chủng tử, lấy sự huân tập danh ngôn của tất cả thức khác làm chủng tử. Do vậy, ý thức có vô số cái biết và vô số sự phân biệt sanh ra. Bởi vì nó phân biệt tính toán khắp cả toàn thể nên gọi là biến kế. Còn tự tánh Y tha khởi là sở biến kế. Lại nữa, biến kế làm cho y tha thành cái sở biến kế nên biến kế được gọi là biên kế chấp. Biến kế chấp có nghĩa như vậy.
Vả lại, biến kế tại sao có thể tính toán khắp tất cả? Nó bám víu vào đối cảnh gì? Nó giữ lấy đối tượng nào? Nó do cái gì mà chấp trước? Nó lấy gì khởi lên ngôn ngữ? Nó lấy gì nói năng? Nó tăng thêm cái gì? Nó bám vào tên gọi mà làm đối cảnh. Nó lấy y tha làm đối tượng. Nó do vọng kiến, mà chấp trước. Nó do sự tìm cầu mà khởi lên ngôn ngữ. Nó do thấy, nghe, hiểu, biết bốn cách nói ấy mà nói năng. Nó làm tăng thêm cái có nơi đối cảnh không thật có. Do các điều trên đây mà nó có khả năng tính toán khắp tất cả.
Lại nữa, ba tự tánh này là khác nhau hay không khác? Nên nói không phải khác nhau hay không phải không khác, vì tự tánh của Y tha khởi do mặt khác mà thành Y tha khởi. Tự tánh này do mặt khác mà thành biến kế sở chấp. Tự tánh này do mặt khác mà thành viên thành thật. Vậy do mặt nào mà chính Y tha khởi thành Y tha khởi? Là do chủng tử đã huân tập mà khởi ra. Do mặt nào mà tự tánh này thành biến kế sở chấp? Do đối tượng của biến kế, là sở chấp của biến kế. Do mặt nào tự tánh này thành viên thành thật? Là tuỵêt đối không như cái có của đối tượng biến kế.
Trong ba tánh này, mỗi tánh có mấy thứ? Tánh Y tha khởi đại khái có hai thứ:
- Do chủng tử huân tập mà sanh ra.
- Không có cố định nhiễm hay tịnh.
Do hai thứ y tha như vậy nên gọi là Y tha khởi. Biến kế cũng có hai thứ:
- Biến kế về tự tánh
- Biến kế về sai biệt
Do hai thứ biến kế như vậy nên gọi là biến kế sở chấp. Tánh viên thành thật cũng có hai thứ:
- Tự tánh viên thành thật
- Thanh tịnh viên thành thật
Do hai thứ viên thành thật như vậy nên gọi là viên thành thật.
Hơn nữa, biến kế lại có bốn thứ:
- Biến kế về tự tánh
- Biến kế về sai biệt
- Biến kế có giác
- Biến kế không giác
Biến kế có giác là giỏi về danh ngôn, biến kế không giác là không giỏi về danh ngôn. Như thế, Biến kế lại có năm loại:
- Biến kế theo tên thành nghĩa tức là cái tên như thế nào thì có nghĩa như thế ấy.
- Biến kế theo nghĩa thành tên tức cái nghĩa như thế nào thì cái tên cũng như thế ấy.
- Biến kế theo tên thành tên tức là biến kế những cái tên khác của cái tên mà mình chưa biết nghĩa.
- Biến kế theo nghĩa thành nghĩa tức là biến kế những cái nghĩa khác của cái nghĩa mà mình chưa biết tên.
- Theo tên và nghĩa mà biến kế tên và nghĩa tức là biến kế theo tên như vậy và nghĩa như vậy nên thể tánh cũng như vậy.
Lại nữa, sự tổng nhiếp tất cả phân biệt, đại khái có mười thứ:
- Phân biệt căn bản tức là A-lại-da
- Phân biệt đối cảnh tức là sắc thức.v.v…
- Phân biệt biểu hiện tức là nhãn thức và thức của nhãn thức
- . Phân biệt đối cảnh biến đổi tức là biến đổi vì già v.v… vì cảm giác vui v.v… vì tham v.v… vì thời tiết làm cho tàn tạ v.v… vì những nẽo đường dữ như Nại la ca v.v… vì những cõi như cõi dục v.v…
- Phân biệt biểu hiện biến đổi tức là những biến đổi của những sự biến đổi kể trên.
- Phân biệt từ người khác dẫn ra tức là nghe tà pháp và chánh pháp khác nhau.
- Phân biệt không đúng lý tức là sự phân biệt của ngoại đạo nghe tà pháp.
- Phân biệt đúng lý tức là sự phân biệt của những người ở trong chánh pháp nghe chánh pháp.
- Phân biệt chấp trước là những sự phân biệt thuộc loại tác ý không đúng lý thích ứng với sáu mươi hai tà kiến lấy ngã làm gốc.
- Phân biệt tán động tức là mười thứ phân biệt của Bồ-tát.
Trong phần phân biệt này lại có mười danh mục nữa:
- Tán động không tướng
- Tán động có tướng3.
- Tán động tăng lên
- Tán động giảm đi
- Tán động đồng nhất
- Tán động biệt lập
- Tán động tự tánh
- Tán động sai biệt
- Tán động lấy nghĩa theo tên
- Tán động lấy tên theo nghĩa.
Để đối trị mười loại tán động như vậy, các kinh thuộc Bát-nhã Bala-mật-đa đều nói đến vô phân biệt trí. Như vậy, cả hai phần sở trị và năng trị đều thâu nhiếp đủ cả các nghĩa của Bát-nhã Ba-la-mật-đa.
Nếu do những mặt khác nhau mà tự tánh y tha có ba tự tánh thì vì sao ba tự tánh ấy không thành ra không khác gì nhau? Vì nếu do mặt khác thành Y tha khởi thì không do chính mặt ấy mà thành biến kế sở chấp và viên thành thật. Nếu do mặt khác mà thành biến kế sở chấp thì không do chính mặt ấy thành tánh Y tha khởi và Viên thành thật. Nếu do mặt khác mà thành Viên thành thật thì không do chính mặt ấy mà Y tha khởi và Biến kế sở chấp.
Lại nữa, vì sao biết được, như tự tánh Y tha khởi mà tự tánh Biến kế sở chấp, biểu hiện mà không xứng thể? Vì trước khi có cái tên thì cái biết không có. Do vậy, nói xứng thể là mâu thuẫn. Vì cái tên có nhiều thứ nên nói xứng thể là mâu thuẫn. Vì cái tên không cố định nên nói tạp thể là mâu thuẫn. Trong đây có hai bài kệ được dẫn ra làm chứng cứ:
Do trước tên không biết
Nhiều tên không quyết định
Nói xứng thể nhiều thể
Và tạp thể trái nghịch
Không pháp mà thấy có
Không nhiễm mà thấy tịnh
Nên biết như huyễn hóa
Cũng lại tựa hư không.
Lại nữa, vì sao sự biểu hiện vốn thực không có, mà tự tánh Y tha khởi không phải là tất cả, hết thảy đều không có. Vì nếu tự tánh Y tha khởi không có thì tự tánh viên thành thật cũng không có. Nếu tự tánh Y tha khởi không có tức đồng nghĩa với chẳng còn gì nữa. Tự tánh Y tha khởi và Viên thành không có thì thành ra có lỗi không có nhiễm và tịnh. Nhưng nhiễm và tịnh là hiện có, do vậy không nên nói tất cả toàn không. Trong đây có dẫn một bài kệ làm chứng cứ:
Nếu Y tha khởi không
Viên thành thật cũng không
Nếu mọi thứ đều không
Thì không có nhiễm, tịnh.
Các đức Phật đã nói giáo lý rộng lớn trong đại thừa. Giáo lý ấy nói lên nhận thức tự tánh biến kế sở chấp như thế nào? Nên biết, nếu dùng mặt khác thì nói là không thật có. Nên nhận thức tự tánh Y tha khởi như thế nào? Nên nhận thức ví như ảo thuật, sóng nắng, chiêm bao, ảnh tượng, bóng sáng, tiếng vang, trăng nước và biến hóa. Nên nhận thức tự tánh viên thành thật như thế nào? Nên nhận thức là bốn pháp thanh tịnh? Bốn pháp thanh tịnh ấy là gì?
1. Tự tánh thanh tịnh tức là chân như, không, thật tế, vô tướng, thắng nghĩa, pháp giới.
2. Ly cấu thanh tịnh tức là chính tự tánh thanh tịnh đã thoát ly tất cả chướng ngại nhơ bẩn.
3. Đắc pháp thanh tịnh là tất cả các pháp Bồ-đề phần, Ba-la-mật đa.v.v…
4. Sanh cảnh thanh tịnh này là giáo pháp đại thừa vi diệu và chân chánh do giáo pháp này là duyên của tuệ giác thanh tịnh nên không phải là biến kế. Vì là pháp từ pháp giới tối thanh tịnh đẳng lưu sinh ra nên không phải y tha.
Bốn pháp như vậy tổng nhiếp hết thảy các pháp thanh tịnh. Trong đây có hai bài kệ làm chứng cứ:
Huyễn thảy nói sinh ra
Không thật nói biến kế
Nếu nói bốn thanh tịnh
Tức nói viên thành thật
Tự tánh cùng lìa cấu
Sở duyên đạt thanh tịnh
Tất cả pháp thanh tịnh
Do bốn tướng thu nhiếp.
Lại nữa, vì lý do gì mà trong kinh nói những ví dụ về tự tánh Y tha khởi là như ảo thuật v.v…? Vì để loại bỏ những mối nghi ngờ không đúng đối với tự tánh Y tha khởi. Những mối nghi ngờ không đúng đối với tự tánh Y tha khởi là như thế nào? Đó là họ nghi ngờ như vậy đối với tự tánh Y tha khởi như sau.
1. Tại sao không thật mà lại thành ra đối tượng được biết? Vì loại bỏ nghi ngờ này cho nên nói sự ví dụ ảo thuật.
2. Tại sao không thật mà có tâm và tâm sở sanh ra? Vì loại bỏ sự nghi ngờ này cho nên nói ví dụ sóng nắng.
3. Tại sao không thật mà có những sự thọ dụng đáng ưa và đáng ghét khác nhau? Vì loại bỏ nghi ngờ này cho nên nói ví dụ chiêm bao.
4. Tại sao không thật mà có quả báo đáng ưa, đáng ghét của nghiệp thiện, ác khác nhau? Vì loại bỏ nghi ngờ này cho nên nói đến ví dụ ảnh tượng.
5. Tại sao không thật mà có các thức phát sanh? Vì loại bỏ nghi ngờ này cho nên nói ví dụ bóng sáng.
6. Tại sao không thật mà lại có những ngôn ngữ phát sinh? Vì loại bỏ nghi ngờ này cho nên nói ví dụ tiếng vang.
7. Tại sao không thật mà có đối tượng của các định biết thật? Vì loại bỏ nghi ngờ này nên nói ví dụ trăng nước.
8. Tại sao không thật mà các vị Bồ-tát đem tâm trí không điên đảo cố ý thọ sanh để làm những sự lợi ích cho chúng sanh? Vì loại bỏ nghi ngờ này cho nên nói ví dụ biến hóa.
Nương vào mật ý gì, trong kinh Phạm vấn, Đức Thế Tôn dạy: Như Lai không sanh tử và không nhập Niết-bàn? Đó là Phật nói theo mật ý: Tánh Y tha khởi, dựa vào tự tánh biến kế sớ chấp và tự tánh viên thành thật thì sanh tử và Niết-bàn không khác nhau. Tại sao? Vì chính tự tánh Y tha khởi do biến kế sở chấp mà thành sanh tử còn do viên thành thật mà có Niết-bàn.
Trong kinh Đại thừa A-tỳ-đạt-ma, đức Phật nói pháp có ba thứ:
- Tạp nhiễm
- Thanh tịnh
- Tổng quát cả hai phần ấy.
Dựa vào mật ý nào mà nói thế? Nơi tự tánh Y tha khởi, tự tánh biến kế sở chấp là tạp nhiễm còn tự tánh viên thành thật là thanh tịnh và chính Y tha khởi lên hai phần pháp ấy. Căn cứ vào mật ý này mà Phật nói như trên. Nghĩa này có thể biểu thị bằng ví dụ nào? Có thể biểu thị bằng khối vàng ẩn trong đất. Như khối vàng ở trong đất có ba yếu tố thấy được: địa giới, đất và vàng. Trong địa giới đất không thật mà hiện thấy có. Còn vàng là thật thì không thấy. Nếu khi đem khối đất vàng ấy bỏ vào lửa để luyện thì đất không còn và vàng hiện ra. Lại nữa, nơi địa giới khi đất hiện ra là hư vọng biểu hiên, còn khi vàng hiện ra là chân thật biểu hiên, nên địa giới bao gồm luôn cả hai thứ ấy. Thức cũng vậy, khi lửa vô phân biệt trí chưa đốt cháy nung luyện thì nơi thức ấy biến kế chấp biểu hiện mà viên thành thật thì không biểu hiện. Nhưng khi thức ấy được lửa vô phân biệt trí đốt cháy tôi luyện thì nơi thức ấy viên thành biểu hiện mà biến kế không biểu hiện. Do vậy, nơi y tha là thức phân biệt có cả hai phần, như trong địa giới có cả vàng và đất.
Trong kinh, đức Phật nói có chỗ các pháp thường, có chỗ các pháp vô thường, có chỗ nói các pháp không phải thường cũng không phải vô thường. Phật đã dựa vào mật ý nào mà nói như vậy? Nơi y tha, do viên thành nên thường, do biến kế nên vô thường và do đủ cả hai phần nên không phải thường cũng không phải vô thường. Đức Phật đã căn cứ vào mật ý này mà nói như vậy. Như thường, vô thường và không phải cả hai, như khổ, lạc và không phải cả hai tịnh, bất tịnh và không phải cả hai, không, bất không và không phải cả hai; ngã, vô ngã và không phải cả hai; tịch tịnh, không tịch tịnh và không phải cả hai, có tự tánh, không tự tánh và không phải cả hai; sinh, bất sinh và không phải cả hai, diệt, bất diệt và không phải cả hai, bản lai tịch tịnh, không có bản lai tịch tịnh và không phải cả hai, tự tánh Niết-bàn, không phải tự tánh Niết-bàn và không phải cả hai, sanh tử, Niết-bàn và không phải cả hai cũng là như vậy. Đại loại như thế những sự sai biệt mà toàn là ngôn ngữ mật ý của đức Phật nên hãy theo ba tánh mà quyết hiểu sao cho phù hợp, như trên đã nói các hạng mục về thường và vô thường. Trong đây có năm bài tụng làm luận cứ.
Các pháp thật không có
Chẳng một loại biểu hiện
Chẳng pháp chẳng phi pháp
Nên nói nghĩa không hai
Căn cứ một phần nói
Hoặc có hoặc không có
Căn cứ hai phần nói
Không có, không chẳng có
Do hiển hiện như vậy
Nên nói đó là có
Không tự nhiên tự thể
Tự tánh không cố định
Như chấp thủ không có
Nên nói không tự tánh
Do không có tự tánh
Nên có kết luận sau
Bản lai không sanh diệt
Tự tánh Bát Niết-bàn.
Lại nữa, có bốn ý thú và bốn thứ mật ngữ trong lời Phật nói, nên phải tùy đó mà hiểu rõ, bốn ý thú ấy là:
1. Ý thú bình đẳng tức là nói Như Lai xưa kia, vào lúc ấy, chỗ phân biệt ấy có danh hiệu là đấng Chánh biến giác thắng quán.
2. Ý thú khác thời là Như Lai nói ai niệm danh hiệu đức Phật Đa Bảo thì đối với tuệ giác vô thượng đã được quyết định. Lại như nói chỉ cần phát nguyện vãng sanh thì được sanh vào thế giới Cực lạc.
3. Ý thức khác nghĩa tức nghĩa là như nói nếu đã gặp gỡ và phụng sự hằng hà sa số chư Phật thì mới có khả năng thấu nghĩa pháp đại thừa.
4. Ý thú do người tức là như vì một người mà trược khen bố thí, sau chê bố thí, như đối với sự bố thí thì đối với sự giữ giới và một phần thiền định thế gian cũng vậy. Như thế gọi là bốn ý thú. Còn bốn thứ bí mật thì như sau:
a) Bí mật dẫn vào tức là trong hàng Thanh-văn hay trong đại thừa, y theo thế tục mà nói có Bổ-đặc-già-la và có tự tánh sai biệt các pháp.
b) Bí mật về tướng tức là ở đây nói các pháp tướng bằng cách nói ba thứ tự tánh.
c) Bí mật đối trị tức là ở đây nói hành tướng đối trị có đến tám muôn bốn ngàn cách thức.
d) Bí mật chuyển biến tức ở đây đem lời chữ khác mà biểu thị ý nghĩa khác.
Như có bài kệ nói:
Biết không vững là vững
Khéo trụ trong điên đảo
Trong cùng cực phiền não
Được Bồ-đề tối thượng.
Nếu ai muốn giải thích về pháp đại thừa thì nên biết đại khái có ba sự tương ưng để thực hiện việc giải thích đó.
- Nói về duyên khởi.
- Nói về pháp tướng do duyên sanh.
- Nói về ngữ nghĩa.
Trong đây nói về duyên khởi là như có bài kệ nói:
Nói huân tập sở sinh
Các pháp đây từ kia
Dị thục cùng chuyển thức
Làm duyên sinh cho nhau.
Lại nữa, chuyển thức ấy có tướng, có kiến và lấy thức làm tự tánh. Chuyển thức lại lấy chỗ nương tựa làm tướng, lấy biến kế sở chấp làm tướng, lấy pháp tánh làm tướng. Do vậy mà biểu thị ba tánh tướng, như bài kệ trong đây nói:
Do có tướng có kiến
Nên biết ba tướng ấy
Lại nữa, nên giải thích về ba tướng ấy ra sao? Nơi tánh y tha, biến kế thì không có nhưng tánh viên thành thì có. Do hai sự không và có này mà khi chưa thấy chân lý và khi đã thấy chân lý rồi đều cùng lúc không được và được nơi y tha vì không có biến kế và vì có viên thành nên khi chuyển theo nhiễm tịnh thì phàm phu được biến kế mà không được viên thành còn Thánh giả thì được viên thành mà không có biến kế. Như có bài kệ nói:
Y tha, biến kế không
Mà viên thành lại có
Nên được và không được
Hai thứ đó bình đẳng.
Đối với ngữ nghĩa thì trước nói câu đầu, sau đem những câu khác mà phân tích để biểu thị. Làm như vậy là hoặc do đức hoặc do nghĩa. Do đức là như nói về công đức của Phật. Nghĩa là tuệ giác cực kỳ thanh tịnh bao gồm hai mươi mốt công năng sau:
- Hiện hành bất nhị
- Đạt đến vô tướng
- Trụ ở chỗ trụ của Phật
- Thể hiện tính bình đẳng của tất cả chư Phật
- Đến chỗ không còn chướng ngại
- Giáo pháp không thể khuynh đảo
- Tâm thức không bị cản trở
- Sự an lập không thể nghĩ bàn
- Biết rõ như nhau pháp tánh bình đẳng ở ba đời
- Thân hình bày ra khắp các thế giới
- Thông suốt các pháp, trí không vướng trệ
- Các hạnh hoàn hảo, thành tựu đại giác
- Trí không còn nghi hoặc đối với các pháp
- Thân hiện không có phân biệt
- Tuệ giác mà tất cả Bồ-tát cầu mong
- Chứng được thân đồng nhất của chư Phật và đứng ở bờ bến tối thượng bên kia
- Thực hiện một cách không còn hỗn tạp về giải thoát và diệu trí của các đức Phật
- Toàn chứng cảnh Phật không có chính giữa cũng không có bên cạnh.
- Phật địa bình đẳng, cùng hiểu tận pháp giới
- Bủa khắp không gian
- Thấu suốt thời gian.
Tuệ giác cực kỳ thanh tịnh, nên biết câu này do hai mươi mốt câu tiếp theo phân tích để biểu thị như vậy mới thành tánh khéo thuyết pháp. Tuệ giác cực kỳ thanh tịnh là tuệ giác thanh tịnh tối thắng của đức Phật. Nên biết tuệ giác ấy thống nhiếp hai mươi mốt công đức của Phật.
- Triệt để không còn chướng ngại đối với các pháp sở tri.
- Nhập vào một cách thanh tịnh và tối thắng đối với chân như có và không không hai.
- Ở trong trạng thái không ngừng nghỉ của việc Phật không còn dụng công.
- Trong pháp thân, ý lạc và việc làm không có dị biệt.
- Tu đối trị hết thảy các chướng ngại.
- Hàng phục hết thảy ngoại đạo.
- Sống trong thế gian mà không bị pháp thế gian gây trở ngại.
- Thiết lập chánh pháp.
- Thọ ký.
- Thị hiện thân biến hóa và thân thọ dụng trong tất cả các thế giới.
- Đoạn trừ hoài nghi.
- Làm cho người khác nhập vào các diệu hạnh.
- Phát sinh diệu trí đối với các pháp đương lai.
- Thị hiện đúng như thắng giải.
- Làm căn cứ cho vô số sự nỗ lực để điều phục chúng sanh.
- Thành mãn các pháp Ba-la-mật của pháp thân bình đẳng.
- Tùy theo thắng giải mà thị hiện Phật độ khác nhau.
- Kiến lập ba loại thân Phật không có giới hạn về phương hướng và nơi chốn.
- Cùng tận biên cương của sự sanh tử và thường thị hiện đem lại lợi ích an vui cho tất cả chúng sanh.
- Thân không có giới hạn.
- Đạt đến cứu cánh tột cùng.
Lại nữa, nghĩa là như nói Bồ-tát thành tựu ba mươi hai pháp mới gọi là Bồ-tát. Đó là ý lạc tăng thượng làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sanh:
- Làm cho chúng sanh nhập vào trí của Nhất thiết trí.
- Tự biết nay tôi mượn cái trí ấy làm gì.
- Loại trừ sự ngạo mạn.
- Ý lạc chắc chắn siêu việt.
- Không phải giả bộ thương xót, bình đẳng đối với người thân kẻ thù và vĩnh viễn làm bạn tốt cho đến lúc họ chứng đạt Niết-bàn mới là giới hạn sau cùng.
- Nói đúng hạn lượng và mỉm cười chào hỏi trước.
- Đại bi vô hạn.
- Không từ chối hay khiếp nhược đối với việc phải chịu đựng.
- Không có ý chán và mệt.
- Nghe nghĩa lý không chán
- Thấy rõ tội lỗi mình làm và thấy kẻ khác phạm tội thì dạy bảo mà không giận.
- Luôn luôn tu luyện Bồ-đề tâm và sửa trị trong mọi oai nghi
- Bố thí mà không cầu quả báo.
- Thọ giới và giữ giới mà không hướng về các nẽo đường còn có sanh tử.
- Thường nhẫn nhục và không giận giữ đối với chúng sanh.
- Tinh tấn mà thâu nhiếp hết thảy các pháp thiện.
- Thiền định mà bỏ cõi Vô sắc.
- Trí tuệ thích ứng với tu phương tiện.
- Lấy bốn nhiếp pháp mà gồm thâu tất cả mọi phương tiện.
- Coi người giữ giới và người phá giới đều là bạn tốt.
- Đem lòng tha thiết mà nghe chánh pháp.
- Đem lòng tha thiết tu tập mà ở nơi thanh vắng (A-lan-nhã).
- Không thích việc tạp nhiễm ở đời.
- Không bao giờ thích tiểu thừa và thấy rất sâu công đức của đại thừa.
- Xa lìa bạn ác và gần gũi bạn lành.
- Luôn tu tập bốn thứ phạm trụ.
- Thường vận dụng năm thứ thần thông.
- Nương tựa và đi mau đến tuệ giác.
- Không bỏ chúng sanh nào dầu họ sống theo chánh hạnh hay không sống theo chánh hạnh.
- Nói năng chắc chắn.
- Kính trọng chắc thật.
- Tâm đại Bồ-đề luôn luôn dẫn đầu.
Ba mươi hai mục như vậy nên biết, đều là sự khác nhau của câu đầu, đó là câu đem ý lạc tăng thượng làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sanh. Câu ý lạc tăng thượng làm lợi ích an vui này có mười sáu nghiệp khác nhau, nên biết như vậy. Ở đây mười sáu nghiệp là:
- Lần lượt nỗ lực.
- Không điên đảo.
- Tự nhiên nỗ lực mà không đợi người sách tấn.
- Không dao động.
- Không cầu không nhiễm. Nghiệp này có ba câu khác nhau nên biết như sau. Đó là không nhiễm không tuệ lụy, không thương ghét người chịu ơn và kẻ thù, đời đời thường theo họ.
- Miệng và thân đều xứng đáng. Nghiệp này có hai câu khác nhau, nên biết như sau: Nói đúng hạn lượng, mỉm cười và chào hỏi trước.
- Bình đẳng không hai đối với niềm vui và nỗi khổ.
- Không thấp kém.
- Không thoái chuyển.
- Thâu nhiếp phương tiện.
- Chán và ghét cái bị đối trị. Nghiệp này có hai câu khác nhau nên phải biết như trên.
- Tác ý không gián đoạn.
- Tu hành thăng tiến. Nghiệp này có bảy câu khác nhau nên phải biết. Nghĩa là sự nỗ lực về sáu pháp Ba-la-mật và sự nỗ lực chính yếu về bốn thứ nhiếp pháp.
- Nỗ lực thành mãn. Nghiệp này có sáu câu khác nhau nên phải biết như vậy. Đó là gần gũi người hiền, lắng nghe chánh pháp, ở nơi thanh vắng, bỏ suy nghĩ ác, công đức tác ý. Công đức tác ý nên biết có hai câu khác nhau tức là công đức và bạn hữu. Công đức và bạn hữu cũng có hai thứ khác nhau nên biết như trên.
- Thành tựu viên mãn nghiệp này có ba câu khác nhau, nên biết đó là thanh tịnh vô lượng được đại uy lực và công đức chứng đắc.
- Xây dựng cho người. Nghiệp này có bốn câu khác nhau nên biết đó là chế ngự cho họ, chỉ dạy chắc chắn, tài pháp hợp nhất và không có tâm tạp nhiễm. Tất cả những chi tiết vừa được trình bày trên nên biết đều là sự khác nhau của câu đầu, như có bài kệ nói:
Nương vào ở câu đầu
Có nhiều câu nói đức
Cũng nương vào câu đầu
Có câu khác nói nghĩa
PHẦN 4: NGỘ NHẬP CÁC PHÁP SỞ TRI
Ở trên đã nói về sắc thái của các pháp sở tri, còn sự ngộ nhập các pháp sở tri thì nên nhận thấy như thế nào? Nên biết chỗ nương tựa của sự huân tập đa văn chẳng phải thuộc về sự thu nhiếp của A-lại-da mà vẫn như A-lại-da huân tập thành chủng tử. Nó cũng như thuộc về sự tác ý đúng lý tạo ra nơi kiến phần của ý thức cái ấn tượng tương tự với pháp và nghĩa.
Tuy nhiên, ở đây ai là người có thể ngộ nhập các pháp sở tri? Là vị Bồ-tát có sự huân tập liên tục của sự đa văn pháp nghĩa đại thừa, đã được gặp và phụng sự vô lượng chư Phật xuất hiện ở thế gian, đã đạt đến thắng giải một điều chắc chắn, đã khéo huân tập các thiện căn tức là khéo thành tựu đầy đủ hai thứ tư lương phước đức và trí tuệ.
Vậy ở vị trí nào có khả năng ngộ nhập được? Là chính ý thức mà kiến phần có ấn tượng tương tự pháp và nghĩa của đại thừa, do pháp và nghĩa của đại thừa đẳng lưu sinh ra, trải qua địa vị hành giải, địa vị kiến đạo, địa vị tu đạo và địa vị cứu cánh, đối với đạo lý các pháp duy thức nó thắng giải theo đa văn, thông suốt rất đúng lý, đối trị các chướng ngại và thoát ly các chướng ngại.
Ở đây, do yếu tố nào mà ngộ nhập được? Do sức mạnh gìn giữ của thiện căn, do ba việc luyện tập tâm chí và vứt bỏ bốn sự và nương theo pháp và nghĩa của đại thừa nên chỉ và quán được thiết tha nỗ lực không có phóng dật. Vô số người trong vô lượng thế giới, mỗi sát-na đều có người chứng được vô thượng Bồ-đề. Đó là sự luyện mài tâm chí thứ nhất. Do ý lạc này mà tu tập đạt được pháp lục độ tức nói ta đã có ý lạc này thì nhờ đó ta dụng công thêm chút nữa sẽ tu được viên mãn về lục độ. Đó là sự luyện mài tâm chí thứ hai. Những người có điều thiện còn bị chướng ngại vậy mà chết rồi vẫn đựợc sanh ra với cái tự thể khả ái, huống chi ta có điều thiện vi diệu không còn chướng ngại thì tại sao không được kết quả viên mãn. Đó là sự luỵên mài tâm chí thứ ba. Trong đây có ba bài kệ làm chứng cứ:
Chúng sanh thuộc cõi người
Có thế giới vô lượng
Mỗi niệm chứng đẳng giác
Nên không còn thối khuất
Người ý vui tâm tịnh
Giỏi tu hành sáu độ
Đã có được ý ấy
Nên tu hành sáu độ
Người thiện khi chết rồi
Được mãn ý vui thích
Thắng thiện do đoạn sạch
Viên mãn sao không thành?
Nên biết do xa lìa tác ý của Thanh-văn và Độc giác mà đoạn trừ sự tác ý. Do vĩnh viễn dứt bỏ sự hoài nghi của các trí khác mà tách rời mọi sự hoài nghi về đại thừa. Do dứt bỏ pháp chấp mà xa lìa khỏi ngã và ngã sở trong giáo pháp được nghe và được nghĩ. Do dứt bỏ phân biệt mà xa lìa tác ý phân biệt đối với mọi hiện lượng hiện tiền đã được xác lập. Trong đây có một bài tụng nói:
Hiện tiền tự nhiên sống
Với hiện tượng xác lập
Người trí không phân biệt
Chứng Bồ-đề tối thượng.
Do cái gì và làm thế nào để được ngộ nhập? Do cái ý thức được chủng loại đa văn huân tập thuộc về tác ý đúng lý mà kiến phần của nó có cái ấn tượng tương tự pháp và nghĩa. Do bốn thứ tầm tư nghĩa là do tự tánh danh nghĩa và sai biệt mà giả lập làm tầm tư. Bốn thật trí là biết chắc chỉ là giả thiết về tự tánh danh, nghĩa, và sai biệt. Cả bốn tầm tư và bốn thật trí như vậy đồng là không thể nắm bắt. Chư vị Bồ-tát muốn nhập duy thức đúng như thật thì nên nỗ lực mà tu tức đem ý thức có ấn tượng tương tự về danh và nghĩa mà suy tìm danh chỉ là ý thức; suy tìm nghĩa dựa vào danh cũng chỉ là ý thức; suy tìm tự tánh sai biệt của danh và nghĩa cũng chỉ là giả thiết. Bao giờ chứng được duy thức thì bấy giờ chứng biết danh nghĩa tự tánh sai biệt toàn là không thật, đều là không thể nắm bắt. Như vậy, do bốn thứ tầm tư và bốn thật trí mà chính nơi ý thức có ấn tượng tương tự danh và nghĩa mà ngộ nhập được đạo lý duy thức.
Trong sự ngộ nhập duy thức nói trên thì là ngộ nhập cái gì? Ngộ nhập thế nào? Ngộ nhập duy thức có hai phần tướng kiến và nhiều loại. Nghĩa là ngộ nhập danh, tự tánh của danh, sai biệt của danh, giả, tự tánh của nghĩa, sai biệt của nghĩa. Sáu thứ như vậy toàn là không thật, toàn là năng thủ và sở thủ, hiện tiền sanh khởi một lúc nhiều loại tướng nghĩa tương tự sinh khởi như trong bóng tối thì sợi dây hiện ra như là con rắn. Nhưng trên sợi dây, con rắn là không thật vì nó vốn dĩ hoàn toàn không có. Biết con rắn là không tức cái biết con rắn tuy mất mà cái biết về sợi dây vẫn còn. Nếu phân tích kỹ thì sợi dây cũng giả dối vì chỉ có sắc, thanh, hương, vị, xúc hợp thành. Nếu biết như vậy thì cái biết về sợi dây cũng mất. Do đó, khi ý thức có ấn tượng sáu tướng về danh và nghĩa nó dẹp bỏ sáu tướng không thật thì cái biết duy thức như cái biết sợi dây cũng sẽ được loại bỏ – loại bỏ do cái biết về tự tánh viên thành thật.
Vị Bồ-tát như vậy ngộ nhập cái ấn tượng tương tự như thật có của ý thức nên ngộ nhập biến kế sở chấp tánh. Do ngộ nhập duy thức nên ngộ nhập Y tha khởi tánh. Vậy tánh viên thành thật thì ngộ nhập như thế nào? Nếu đã loại bỏ ý tưởng về duy thức vốn thuộc chủng loại đa văn huân tập của ý thức thì bấy giờ Bồ-tát đã loại bỏ ấn tượng thật có. Do mọi ấn tượng tương tự như thật có không thể phát sanh nên cái ý tưởng duy thức cũng không sanh khởi được. Vì lý do ấy ở trong mọi nghĩa đều không có danh riêng biệt, sống thích ứng với sự hiện thấy trong pháp tánh. Bấy giờ là Bồ-tát phát khởi cái trí bình đẳng không phân biệt năng tri, sở tri. Do đó mà vị Bồ-tát này được gọi là đã ngộ nhập tánh viên thành thật. Trong đây có bài kệ được dẫn làm chứng cứ:
Pháp Bổ-đặc-già-la
Nghĩa lý thật rộng lớn
Bất tịnh, tịnh, cứu cánh
Gọi sở hành sai biệt.
Như vậy là Bồ-tát đã ngộ nhập duy thức tánh, nghĩa là ngộ nhập ba tướng sở tri. Ngộ nhập như vậy là nhập vào địa Cực hỷ khéo thông đạt pháp giới, được sanh vào nhà Như Lai, được tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, tâm bình đẳng đối với Bồ-tát, tâm bình đẳng đối với tất cả chư Phật. Và đó là địa vị kiến đạo của Bồ-tát.
Lại nữa, vì lợi ích chân thật nào mà ngộ nhập duy thức tánh? Do trí chỉ quán vô lậu nương theo tổng tướng của giáo pháp đại thừa và do trí hậu đắc của trí trên cái trí bám theo các thứ tướng thức nên ngộ nhập duy thức để diệt trừ chủng tử vừa là nguyên nhân vừa là sở duyên nội A-lại-da thức, làm lớn thêm những chủng tử chứng đắc pháp thân, chuyển đổi cái sở y, chứng được toàn thể Phật pháp, chứng đắc trí của nhất thiết trí nhập Duy thức tánh. Hơn nữa, hậu đắc trí nhận thức mọi tướng được nhận thức đều phát sinh từ A-lại-da là như ảo thuật. Do nhận thức không tán loạn, nên giống như nhà ảo thuật nhìn vào những trò ảo thuật. Bồ-tát nhìn vào mọi tướng được nhận thức và trình bày đạo lý nhân quả luôn luôn không có điên đảo.
Trong đây, khi ngộ nhập duy thức thì có bốn thứ Tam-ma-địa làm chỗ dựa cho bốn thứ thuận với phần quyết trạch. Nên nhận thức như thế nào? Nên nhận thức như các đề mục sau:
1. Do bốn thứ tầm tư mà trong Nhẫn các pháp không thật thuộc bậc thấp có Tam-ma-địa được sáng suốt, đó là chỗ dựa của Noãn thuận với phần quyết trạch.
2. Trong Nhẫn các pháp không thật thuộc bậc cao có định sáng suốt hơn, đó là chỗ nương tựa của Đảnh thuận với phần quyết trạch.
3. Do bốn thứ thật trí đã ngộ nhập duy thức, đã quyết Tam-ma-địa về các pháp không thật mà có Tam-ma-địa nhập vào một phần chân thật đó là chỗ nương tựa của Nhẫn thuận với chân thật.
4. Do các Tam-ma-địa trên vô gián nên dẹp bỏ ý tưởng về duy thức và có Tam-ma-địa vô gián, đó là chỗ nương tựa của Thế đệ nhất. Tuy nhiên, phải biết các thứ định trên đây đều đang ở chỗ bên cạnh hiện quán. (Hiện quán biên)
Bồ-tát như vậy là đã bước vào các địa, đã đến địa vị kiến đạo, đã ngộ nhập duy thức. Vậy trong địa vị tu đạo thì phải tu hành như thế nào? Đối với giáo pháp mười địa đức Phật dạy là đã thống nhiếp các kinh và cùng với hiện tiền. Bồ-tát do cả hai phần căn bản và hậu đắc của cái trí chỉ quán gắn liền tổng tướng giáo pháp ấy, luôn luôn tu tập trong vô lượng kiếp nên được chuyển y. Do để chứng được ba loại thân của Phật nên Bồ-tát không ngừng tiến tu.
Hiện quán của Thanh-văn và hiện quán của Bồ-tát có gì khác nhau? Hiện quán của Bồ-tát khác với hiện quán của Thanh-văn là do mười một thứ khác nhau nên biết như sau:
1. Do sở duyên mà khác nhau tức là lấy giáo pháp đại thừa mà làm sở duyên.
2. Do nuôi giữ mà khác nhau tức là do hai loại tư lương phước đức và trí tuệ làm yếu tố nuôi giữ.
3. Do thông suốt mà khác nhau tức là thông suốt cả nhân (người) vô ngã và pháp vô ngã.
4. Do Niết-bàn mà khác nhau tức là nhiếp thọ đại Niết-bàn làm vô trú.
5. Do địa vị mà khác nhau tức là dựa vào mười địa mà xuất ly.
6,7. Do thanh tịnh mà khác nhau tức là dứt sạch tập khí phiền não thanh tịnh cõi Phật.
8. Do bình đẳng mà khác nhau tức là được cái tâm bình đẳng đối với mình và người, sự nỗ lực thành tựu chúng sanh không bao giờ ngừng nghỉ.
9. Do chỗ sinh mà khác nhau tức là sanh vào nhà Như Lai.
10. Do thọ sanh mà khác nhau tức là thường sanh trong các tập hội lớn của chư Phật.
11. Do kết quả mà khác nhau tức là mười lực, bốn vô úy, mười tám pháp bất cộng, và vô số công đức của Phật như vậy đều được thành tựu viên mãn.
Trong đây có hai bài tụng được dẫn ra làm chứng cứ:
Danh nghĩa cùng làm khách
Tánh ấy nên tầm tư
Trong hai pháp suy xét
Chỉ thức và giả danh
Thật trí quán không thật
Chỉ ba loại phân biệt
Kia không nên đây không
Thì ngộ nhập ba tánh.
Lại nữa, có hai bài tụng để giảng dạy và thọ trì như luận Phân biệt Du-già đã nói:
Bồ-tát ở trong định
Quán cảnh chỉ là tâm
Tưởng nghĩa đã diệt trừ
Quán xét có tâm mình
Như vậy trụ nội tâm
Biết sở thủ không có
Kế năng thủ cũng không
Sau cùng vô sở đắc.
Hơn nữa, lại có năm bài tụng nói về hiện quán như luận đại thừa Trang nghiêm kinh nói:
Hai loại phước đức và trí tuệ
Bồ-tát có đủ không giới hạn
Đối pháp tư duy đã quyết trạch
Nên biết nghĩa pháp chỉ danh ngôn
Nếu biết ý nghĩa chỉ danh ngôn
Liền trụ đạo lý chỉ là tâm
Và giỏi hiện chứng chân pháp giới
Do vậy hai tướng đều diệt trừ
Trí thể lìa tâm không cảnh riêng
Do vậy nội tâm cũng không có
Người trí hiểu cả hai đều không
Bình đẳng trụ pháp tánh không hai
Người tuệ nương vô phân biệt trí
Luôn thuận hành bình đẳng biến khắp
Diệt hết khối u của lầm lỗi
Tựa như thuốc hay tiêu các độc
Diệu pháp Phật dạy khéo thiết lập
Tuệ giác bén rễ trong pháp giới
Biết ý niệm, nghĩa thú chỉ phân biệt
Dũng mãnh quay về bờ biển đức.
PHẦN 5: NHÂN QUẢ CỦA SỰ NGỘ NHẬP
Như trên đã nói về sự ngộ nhập các pháp sở tri rồi, còn nhân quả của sự ngộ nhập ấy làm sao thấy được? Sự ngộ nhập ấy phải do sáu pháp Ba-la-mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ mà thành tựu. Tại sao phải do sáu pháp Ba-la-mật làm nguyên nhân mà được ngộ nhập duy thức? Và tại sao sáu pháp Ba-la-mật lại làm thành quả của sự ngộ nhập ấy? Nghĩa là vị Bồ-tát này không ham tiền của, địa vị, không phạm tịnh giới. Đối với khổ đau thì không dao động và chuyên cần tu tập không biếng nhác. Trong những cái nhân tán động như vậy mà khi chúng không hiện hành thì tâm chuyên nhất nơi cảnh và như thế là có khả năng quyết chọn các pháp một cách đúng lý nên nhập vào duy thức. Vị Bồ-tát này do sáu Ba-la-mật mà ngộ nhập duy thức rồi nên chứng được sáu Ba-la-mật nhiếp thuộc ý lạc thanh tịnh tăng thượng. Vì vậy, giả sử tách rời sự nỗ lực hiện khởi của sáu Ba-la-mật thì do thắng giải đối với giáo pháp Phật dạy, lại do những tác ý mến trọng, tùy hỷ và vui thích nên vẫn thường xuyên không cách trở, thích ứng phương tiện tu tập sáu Ba-la-mật mau được viên mãn. Trong đây có ba bài kệ được dẫn và làm chứng cứ:
Đã tròn đầy thiện pháp
Và được nhẫn sắc bén
Bồ-tát trong thừa mình
Hiểu giáo pháp sâu rộng.
Giác ngộ chỉ phân biệt
Được vô phân biệt trí
Hy vọng, hiểu thanh tịnh,
Nên ý lạc thanh tịnh
Trước nay do đẳng lưu
Đều được thấy chư Phật
Hiểu rõ gần Bồ-đề
Vì không còn khó được.
Do ba bài tụng này mà biểu thị tổng quát cái ý lạc thanh tịnh tăng thượng gồm có bảy tướng trạng sau đây:
- Tư lương
- Kham nhẫn
- Đối tượng ( sở duyên)
- Tác ý
- Bản thân
- Tướng tốt
- Sự lợi ích lớn.
Đúng theo sự tuần tự, bảy tướng trạng này được các bài tụng biểu thị và nên biết như vậy.
Vì lý do nào mà Ba-la-mật-đa chỉ có sáu số mục? Vì thành lập sự đối trị những nguyên nhân bị đối trị, vì làm chỗ dựa để chứng đắc pháp của chư Phật và vì tùy thuận thành thục cho chúng sanh. Vì muốn đối trị nguyên nhân không hướng tới nên lập bố thí Ba-la-mật và giới Ba-la-mật. Nguyên nhân không hướng tới là ham tiền của, địa vị và vợ con nhà cửa. Vì đối trị nguyên nhân thăng tiến rồi lùi lại nên lập nhẫn nhục Ba-la-mật và tinh tấn Ba-la-mật. Nguyên nhân không hướng tới là đau khổ bởi chúng sanh xúc phạm gây ra khi mình ở trong sanh tử và biếng nhác đối với sự nỗ lực thường kỳ tu tập thiện pháp. Vì muốn đối trị nguyên nhân tuy đã thăng tiến không thối lui nhưng bị hỏng mất nên lập thiền định Ba-la-mật và trí tuệ Ba-la-mật. Nguyên nhân hỏng mất là mọi thứ tán động và trí tuệ sai lầm ác hại.
Như vậy, vì thành lập sự đối trị những nguyên nhân bị đối trị nên chỉ quy định có sáu số mục ấy. Hơn nữa, bốn pháp Ba-la-mật trước là nhân tố của sự không tán động. Một Ba-la-mật kế tiếp là thành tựu sự không tán động. Sự không tán động này làm chỗ nương tựa Đẳng giác một cách đúng như thật về chân lý của các pháp liền có năng lực chứng đắc tất cả Phật pháp. Như vậy, đó là vì làm chỗ nương tựa để chứng đắc pháp của chư Phật nên chỉ quy định có sáu số mục. Do thí Ba-la-mật-đa mà tiếp nhận chúng sanh. Do giới Ba-la-mật-đa mà không hại chúng sanh. Do nhẫn nhục Ba-la-mật-đa mà nhẫn chịu những tai hại mình gặp. Do tinh tấn Ba-la-mật-đa mà tán thán và hỗ trợ việc chúng sanh nên làm. Do chính những yếu tố tiếp nhận và lợi ích chúng sanh như thế này mà làm cho họ có thể thành thục nên từ đó trở đi, nếu tâm ai chưa định thì làm cho định tĩnh, tâm ai định rồi thì làm cho giải thoát, và khi khai ngộ cho họ thì họ được thành thục. Như vậy là vì tùy thuận thành thục cho chúng sanh mà chỉ quy định có sáu số mục. Nên biết như vậy.
Tướng trạng của sáu pháp Ba-la-mật-đa này, làm sao thấy được? Do sáu thứ tối thắng mà thấy được.
- Do chỗ nương tựa tối thắng tức là lấy tâm Bồ-đề làm chỗ nương tựa.
- Do sự việc tối thắng là thực hành trọn vẹn.
- Do tiền đề tối thắng tức là lấy sự lợi ích an vui cho tất cả chúng sanh làm tiền đồ.
- Do phương tiện tối thắng là được vô phân biệt trí chấp nhận.
- Do hồi hướng tối thắng là hồi hướng về vô thượng Bồ-đề.
- Do thanh tịnh tối thắng là phiền não và sở tri chướng không còn chướng ngại khởi lên.
Bố thí là Ba-la-mật-đa hay Ba-la-mật là bố thí? Có cái là bố thí mà không phải là Ba-la-mật-đa nên tạo bốn câu như vậy. Như bố thí đối với các Ba-la-mật-đa khác cũng tạo nên bốn câu nên phải biết chính xác.
Vì lý do gì sáu Ba-la-mật-đa phải đựoc nói theo thứ tự như thế? Vì Ba-la-mật trước thích ứng phát sinh Ba-la-mật sau.
Lại nữa, sự giải thích danh từ của các Ba-la-mật-đa làm sao thấy được? Đối với thiện pháp v.v… của thế gian, của Thanh-văn, Duyêngiác thì sáu pháp này hết sức thù thắng, nó có năng lực đạt đến bờ bên kia, nên gọi chung là Ba-la-mật-đa. Do có năng lực phá tan sự keo kiệt, bần cùng và có năng lực dẫn đến phước đức tư lương đem lại tiền tài, địa vị rộng lớn nên gọi là bố thí. Do có năng lực giới luật ác, nẽo đường ác và có khả năng duy trì và chứng đắc nẽo đường lành, sự đẳng trì nên gọi là giới. Do có năng lực tận diệt phẫn nộ, oán thù và có khả năng khéo sống trong sự yên ổn của mình và người khác nên gọi là nhẫn nhục. Do có khả năng xa lìa mọi sự biếng nhác bất thiện và có năng lực xuất sanh, tăng trưởng vô lượng pháp thiện nên gọi là tinh tấn. Do có khả năng tiêu trừ mọi sự tán động và có năng lực dẫn đến sự yên tĩnh của nội tâm nên gọi là thiền định. Do có năng lực hủy bỏ mọi kiến thức sai lầm, mọi trí tuệ ác hại và có năng lực hiểu biết các pháp đúng với chân lý và phẩm loại nên gọi là trí tuệ.
Nên biết như thế nào về sự tu tập các pháp Ba-la-mật-đa này?
Nên biết sự tu tập ấy đại khái có năm sự việc sau:
- Tu tập bằng sự nỗ lực khởi lên
- Tu tập bằng sự hiểu biết thù thắng
- Tu tập bằng sự tác ý.
- Tu tập bằng phương tiện khéo léo.
- Tu tập bằng sự thành tựu việc làm.
Nói chung, bốn sự tu tập này như trước đã trình bày. Còn sự tu tập thứ năm ấy có nghĩa là các đức Như Lai vận dụng Phật sự tự nhiên không ngừng nghỉ, tức đối với các pháp Ba-la-mật-đa mà các ngài đã viên mãn thì các đức Như Lai lại dụng các pháp ấy đến bờ bên kia. Lại nữa, tu tập bằng sự tác ý là tu tập sáu thứ ý lạc tổng nhiếp mọi tác ý mến trọng, tùy hỷ và ưa thích.
- Ý lạc rộng lớn
- Ý lạc trường kỳ
- Ý lạc hoan hỷ
- Ý lạc mang ơn
- Ý lạc với ý chí lớn
- Ý lạc thuần thiện.
1. Nếu các vị Bồ-tát trải qua bao nhiêu vô số đại kiếp mới hiện chứng vô thượng Bồ-đề, trong thời gian ấy giả sử mỗi một sát-na bỏ hết mọi thân mạng, đem bảy thứ báu chứa đầy trong hằng hà sa thế giới mà phụng thí các đức Phật và làm như vậy cho đến ngày an tọa trên pháp tòa Bồ-đề nhưng các vị ấy với ý lạc không hề biết chán và biết đủ. Lại nữa, cũng trải qua ngần ấy thời gian, giả sử trong mỗi sát-na lửa cháy lan đến đầy cả đại thiên thế giới, đi đứng nằm ngồi lúc nào cũng thiếu thốn mọi thứ để sống. Vậy mà giới, nhẫn, tinh tấn, thiền định và trí tuệ vẫn thường xuyên hiện hành cho đến ngày an tọa trên pháp tòa Bồ-đề. Tuy nhiên, bao nhiêu ý lạc ấy các vị Bồ-tát vẫn không biết chán, biết đủ cho nên gọi là ý lạc rộng lớn của Bồ-tát.
2. Chính cái ý lạc không biết chán đã nói, cho đến ngày an tọa trên pháp tòa Bồ-đề, các vị Bồ-tát thường xuyên không cách trở, không ngừng nghỉ nên gọi là ý lạc trường kỳ của Bồ-tát.
3. Các vị Bồ-tát đem sáu pháp Ba-la-mật-đa của mình mà làm lợi ích cho chúng sanh. Do việc làm này mà luôn luôn các vị hoan hỷ một cách sâu xa nỗi hoan hỷ lợi ích cho chúng sanh không gì sánh bằng. Do đó nên gọi là ý lạc hoan hỷ của Bồ-tát.
4. Các vị Bồ-tát đem sáu pháp Ba-la-mật-đa làm lợi ích cho tất cả chúng sanh thì thường thấy họ có ơn lớn với mình, chứ không thấy mình có ơn lớn đối với họ. Do đó gọi là ý lạc mang ơn của Bồ-tát.
5. Các vị Bồ-tát đem những thiện căn nhờ tu tập thành tựu sáu pháp Ba-la-mật-đa và bằng tâm trí sâu xa xoay lại mà ban phát cho tất cả chúng sanh khiến họ được quả báo khả ái và thù thắng. Do đó gọi là ý lạc có ý chí lớn của Bồ-tát.
6. Các vị Bồ-tát lại đem những thiện căn nhờ tu tập thành tựu sáu pháp Ba-la-mật-đa cùng với chúng sanh xoay lại mà cầu vô thượng Bồđề. Do đó gọi là ý lạc thuần thiện.
Như trên, đó là Bồ-tát tu tập tác ý mến trọng bao gồm sáu thức ý lạc. Các vị Bồ-tát đối với vô lượng thiện căn thích ứng tu tập sáu ý lạc của vị Bồ-tát khác thì tùy hỷ sâu xa, tức là Bồ-tát tu tập tác ý tùy hỷ bao gồm sáu thứ ý lạc. Các vị Bồ-tát vui thích sâu xa đối với sáu pháp Ba-la-mật-đa thuộc về sáu thứ ý lạc của tất cả các chúng sanh, lại nguyện cho đến ngày an tọa trên pháp tòa Bồ-đề và chính mình cùng với sáu Ba-la-mật-đa không hề lìa nhau thì đó là Bồ-tát tu tập tác ý vui thích bao gồm sáu thứ ý lạc. Nếu ai nghe được sự tu tập ba thứ tác ý bao gồm sáu thứ ý lạc của Bồ-tát mà chỉ có được một ý nghĩ tin tưởng thì vẫn còn sinh ra khối phước vô lượng và những nghiệp chướng ác cũng sẽ tiêu tan huống chi Bồ-tát.
Chi tiết của các pháp Ba-la-mật-đa ấy làm sao mà thấy được? Phải biết mỗi pháp Ba-la-mật-đa đều có ba loại. Ba loại của bố thí là bố thí chánh pháp, bố thí tài sản và bố thí sự không sợ hãi. Ba loại của giới là luật nghi, giới thu nhiếp thiện pháp và giới làm lợi ích cho chúng sanh. Ba loại của nhận nhục là nhẫn chịu oán hại, chịu đựng khổ sở và chịu đựng pháp. Ba loại của tinh tấn là mặc áo giáp tinh tấn, tiến đi tới, tiến không khiếp nhược, không thoái chuyển, không mừng đủ. Ba loại của định là định an trú, định dẫn phát và định thành sự. Ba loại của trí tuệ là tuệ gia hạnh vô phân biệt, tuệ căn bản vô phân biệt và tuệ hậu đắc vô phân biệt.
Làm thế nào để thấy được sự thu nhiếp lẫn nhau của sáu pháp Bala-mật-đa? Sáu pháp Ba-la-mật-đa này thu nhiếp hết thảy thiện pháp bởi vì đó là tướng trạng của sáu pháp Ba-la-mật-đa, là tùy thuận của sáu pháp Ba-la-mật-đa, và là đẳng lưu của sáu pháp Ba-la-mật-đa.
Như vậy, những thứ bị đối trị của Ba-la-mật-đa là bao gồm các pháp tạp nhiễm thì nên nhìn thấy thế nào? Phải nên nhìn thấy là hướng này, nguyên nhân và là hậu quả của mỗi thứ bị đối trị.
Những ích lợi thù thắng của sáu pháp Ba-la-mật-đa đem lại làm sao nhìn thấy được? Là các vị Bồ-tát khi lưu chuyển sanh tử, khi được giàu sang, là cho sinh mạng lớn lao, là cho sự nghiệp lớn lao và hoạt động thành tựu, làm cho bản tính nhẹ nhàng và trần tục nhẹ mỏng, không não hại, làm cho học rành mạch phương tiện thiện xão và tất cả năm minh. Hơn nữa, chư vị khiến cho đời sống thù thắng, không dẫn ra tội lỗi cho đến ngày ngồi trên pháp tòa Bồ-đề, thường xuyên hiện hành mọi sự nghĩa lợi ích cho tất cả chúng sanh, đó là lợi ích thù thắng.
Nên nhìn nhận như thế nào về sự quyết trạch lẫn nhau của sáu pháp Ba-la-mật-đa? Đức Phật đối với tất cả sáu pháp Ba-la-mật-đa này, có nói lên tiếng về bố thí, có nói lên tiếng về giới, có nói lên tiếng về nhẫn nhục, có nói lên tiếng về tinh tấn có nói lên tiếng về thiền định, có nói lên tiếng về trí tuệ . Nói như vậy có ý cốt lõi gì? Có nghĩa trong phần gia hạnh của hết thảy Ba-la-mật-đa đều có hết thảy Ba-la-mật-đa hỗ trợ lẫn nhau mới thành tựu được. Ý sâu sắc là như vậy. Trong đây có một bài tụng được dẫn ra làm luận cứ:
Tướng trạng, số, thứ tự
Ngôn từ, tu sai biệt
Công đức chỗ nhiếp trị
Nên biết đúng như vậy.