PHÁP KHÍ NHÀ PHẬT
Thích Thiện Phước

 

Nguồn Gốc Nhành Dương Và Tăm Xỉa Răng

Xỉ mộc còn gọi là nhành dương, là dụng cụ để người xuất gia đánh răng cạo lưỡi, nhằm để xỉa những thức ăn còn dính trong kẽ răng và khử mùi hôi trong miệng.

Cây xỉa răng xuất hiện rất sớm trong Phật giáo, chư Tăng dùng để xỉa răng trong sinh hoạt hằng ngày, cũng là 1 trong 18 món mà các Tỳ kheo đại thừa mang theo bên mình.

 Tác dụng của nhành dương là làm sạch răng miệng.

Trong sinh hoạt thường nhật của Phật giáo thường nhăn nhành dương nhằm để bảo trì sự thanh khiết của miệng, khử trừ mùi hôi.

Khi nhăn nhành dương có nhiều lợi ích, lúc ban sơ khi sử dụng đến nó, Phật Thích Ca Mâu Ni có dạy phương pháp.

Quyển 26, Luật Ngũ Phần chép: Có những Tỳ kheo, hơi miệng bị hôi, ăn uống không tiêu, bèn đem nhân duyên này bạch Phật. Phật dạy nên nhăn nhành dương.

Quyển 26, Luật Ngũ Phần chép: Nhăn nhành dương có 5 loại công đức:

– Tiêu hóa thức ăn
– Giải nhiệt
– Phân biệt mùi vị
– Hơi miệng không bị hôi
– Sáng mắt

Quyển 13, Hữu Bộ Tỳ Nại Da Tạp Sự chép: Ta nay chế định cho các Tỳ kheo nhăn nhành dương, bởi vì khi nhăn nhành dương được 5 điều lợi ích:

– Giải nhiệt
– Tiêu đàm
– Hơi miệng không hôi
– Ăn uống ngon miệng
– Mắt sáng tỏ

Nhành dương có người cho rằng chính là cây tăm xỉa răng. Dựa trên chất liệu thì gọi là nhành dương, dựa trên công dụng thì gọi là cây để xỉa răng. Cũng có người cho rằng vốn là hai vật riêng biệt, hình dáng tuy khác nhưng công dụng giống nhau.

Luật Tăng Kỳ gọi là xỉ mộc. Cắn một đầu cho dập nát ra, dùng để chà khượi thức ăn còn mắc kẹt trong kẻ răng.

Tỳ Nại Da chép:

+ Nhăn nhành dương có 5 điều lợi:

1/ Miệng không đắng
2/ Miệng không hôi
3/ Trừ phong
4/ Trừ nhiệt
5/ Tiêu đàm.

+ Lại có 5 điều lợi:

1/ Trừ bệnh phong
2/ Trừ nhiệt
3/ Khiến miệng có vị ngọt
4/ Tiêu thức ăn
5/ Sáng mắt

Luật Tăng Kỳ chép: “Nếu miệng có hơi nóng và sanh ghẻ, thì nên nhăn và nuốt nước cành dương”.

Bộ Bách Nhất Yết Ma chép: “Nhăn nhành dương cần phải ở chỗ khuất, không được ở trống trải và chỗ ở sạch sẽ có người tới lui, khi bỏ nhành dương thì trước hết lấy nước rửa và tằng hắn hoặc khải tay để cảnh giác rồi mới được bỏ ở chỗ khuất, nếu làm khác đi thì mắc tội việt pháp”.

Căn cứ trong “Nam Hải Ký Quy Nạp Pháp Truyện” của pháp sư Nghĩa Tịnh đời nhà Đường ghi: “Xỉ mộc tên gọi là Dương chi. Ở Ấn Độ cây dương liễu rất ít, người dịch vẫn sử dụng tên gọi Dương chi này”.

Thật ra Xỉ mộc thời Đức Phật không phải là cây Dương liễu. Điều này đã được pháp sư Nghĩa Tịnh lúc ở Ấn Độ tại chùa Lan Đà ghi lại sau khi tận mắt nhìn thấy.

Theo cách nói của Pháp sư Nghĩa Tịnh thì “Xỉ mộc” là một cây gỗ mà sau khi thức dậy dùng để làm sạch răng miệng, dài không quá 12 lóng tay, ngắn không dưới 8 lóng tay, to khoảng ngón tay út, một đầu to để nhai, một đầu nhọn nhỏ để xỉa răng, cạo lưỡi. Nếu như khi ở cạnh người khác, thì phải dùng tay trái che miệng khi dùng nó, dùng xong có thể vứt vào chỗ không để bị người ta nhìn thấy.

Ngoài ra người ta dùng kim loại, tre để chế ra. Đến đây thì chúng ta có thể nhận ra “Xỉ mộc” giống như cây tăm ngày nay vậy. Trong các luật điển, về kích cỡ lớn bé của xỉ mộc có rất nhiều quy định khác nhau.

Như trong “Luật Thập Tụng” ghi: “Phật cho dùng xỉ mộc có ba loại: Thượng, trung và hạ. Thượng là một thước ba tấc, hạ là sáu tấc, ngoài ra thuộc lọai bậc trung”.

Trong “Luật Ma Ha Tăng Kỳ” chép: Kích cỡ sử dụng của “Xỉ mộc” dài nhất là 16 lóng tay, ngắn nhất là 4 lóng tay. To bằng ngón tay út, càng nhỏ càng tốt. Mặc dù hình dáng, kích cỡ của “Xỉ mộc” – còn gọi là Dương chi – mỗi sách viết mỗi khác nhưng công dụng đều như nhau.

Chúng ta có thể căn cứ theo phẩm “Phổ Hiền Hạnh Nguyện” trong kinh “Hoa Nghiêm” ghi rằng khi dùng dương chi rất nhiều lợi ích:

1/ Tiêu hóa thức ăn cũ
2/ Trừ đàm
3/ Tiêu độc
4/ Loại trừ các chất bẩn bám trên răng
5/ Miệng có mùi thơm
6/ Mắt sáng
7/ Cổ họng đượm nhuần
8/ Môi không bị khô nứt
9/ Tăng sinh khí
10/ Ăn ngon miệng

Nhân thế mà nhành dương trở thành một dụng phẩm vệ sinh trong sinh hoạt thường nhật của Tăng chúng.

* Cầm nhành dương là vật đặc trưng điển hình của Bồ tát Quán Thế Âm:

– Trong Tự viện Phật giáo có rất nhiều tôn tượng Bồ tát tay cầm nhành dương. Trong đó, vị Bồ tát mà ai cũng biết là Bồ tát Quan Âm. Ngài tướng hảo trang nghiêm, tay cầm tịnh bình tay cầm nhành dương. Hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm cầm nhành dương là biểu hiện tinh thần tùy thuận theo tâm nguyện của chúng sanh. Cành dương liễu rũ xuống thuận theo chiều gió thổi không hề trái nghịch, do đó người ta còn gọi là Dương Liễu Quan Âm, mục đích là để khử trừ những tật bệnh của chúng sanh, nhân thế cũng gọi là “Dược Vương Bồ Tát”.

Phật dạy: Nếu muốn tiêu trừ các bệnh tật trên thân thì phải nên tu tập “Pháp dược cành dương”. Người tu tập pháp dược nầy liền được tiêu trừ các bệnh hoạn khổ ách, bảo toàn sự an khang cho thân thể.

* Qui tắc làm cành dương:

Đức Phật dạy nên dùng nhành dương để làm sạch răng miệng. Quyển 26, Luật Ngũ Phần Phật dạy: Có 5 loại cây không nên dùng để xỉa răng: Cây sơn, cây độc, cây xá di, cây ma đầu, cây Bồ Đề, ngoài ra đều được.

Lại nữa, kích cỡ nhành dương lớn nhỏ cũng có quy định:

Quyển 53, Luật Tứ Phần chép: “Nhành dương ngắn nhất là 4 ngón tay”.

Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện chép: “Dài 12 ngón tay, ngắn không dưới 8 ngón, lớn như ngón tay út”.

Liên quan đến xỉ mộc lớn nhỏ đức Phật đều có qui định. Ban đầu có Tỳ kheo sử dụng dương chi quá dài, Phật dạy không nên làm như thế. Xỉ mộc dài quá thì không tiện lợi, nguy hiểm làm tổn thương đến người khác. Thế là các Tỳ kheo sử dụng dương chi quá ngắn, trong lúc nhăn nhành dương, bỗng dưng thấy Phật, vì lòng tôn kính nên vội nuốt đi. Nhân thế mà đức Phật qui định xỉ mộc dài nhất là một gang tay (gang là cách khoảng từ ngón cái đo đến ngón giữa hoặc ngón út), cũng có khi Phật dạy xỉ mộc dài ngắn có 3 qui cách: Dài 12 lóng tay, ngắn 8 lóng tay, bậc trung là khoảng ở giữa độ dài và ngắn chính là 10 lóng tay.

* Lúc nhăn nhành dương phải chú ý giờ giấc, lễ pháp.

Quyển 27, Luật Ngũ Phần chép: Tỳ kheo không được ở giảng đường, ở nhà ăn nhăn nhành dương, nhằm để giữ vệ sinh, không được ở trước tòa Trưởng lão để tránh thất lễ. Không được ở trước bạch y ngoại đạo nhăn nhành dương để tránh sự hủy báng.

Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện chép: “Nhằm để tôn trọng người ở gần, nên phải lấy tay trái che miệng,… Khi sử dụng xong thì phải đem để ở chỗ khuất. Phàm khi bỏ nhành dương, hoặc muốn nhổ nước xuống thì phải đàn chỉ 3 tiếng, hoặc tằng hắng 2 lần, nếu không như thế thì mắc tội”.

Phương pháp nhăn nhành dương: Trước hết phải đem một đầu từ từ cắn cho dập nát, rồi chà nhẹ vào răng,… phải thận trọng để tránh sự tổn thương đến nứu răng và miệng.

Xỉ mộc ban đầu ở nước Ma Kiệt Đà, loại cây nầy rất khó tìm, nhân thế mà người ta dùng cành dương để thay thế. Vậy dương chi là cây gì? Thường thì người ta cho là cây dương liễu, nhưng trong kinh Phật ghi chép dương chi không phải là cây dương liễu.

Dương chi là đức Phật khi đi du hóa ở nước Kiều Tát La, sau khi nhăn nhành dương, đệ tử đem vài cành về bỏ ở dưới đất, nó bèn mọc thành cây và lớn lên.

Quyển 13, Hữu Bộ Tỳ Nại Da Tạp Sự chép: “Cây xỉa răng có độ dài 3 bậc: Dài 12 ngón tay, ngắn 8 ngón tay, cỡ vừa 10 ngón tay”.

* Nghi lễ sử dụng xỉ mộc:

Quyển 1, sách Nam Hải Ký Qui Nội Pháp Truyện của Ngài Nghĩa Tịnh chép: Vào lúc sáng sớm mỗi ngày, cần phải nhăn nhành dương, trong khi chà răng phải đúng phương pháp. Rửa tay cho sạch sẽ rồi mới thực hành việc kính lễ, nếu không như thế thì người lễ và người thọ lễ đều mắc tội.

Trong Tứ Phần Luật Phật dạy:

Không được dưới tháp xỉa răng;

Không được hướng tháp xỉa răng;

Không được bốn phía tháp xỉa răng.

Khi nhăn nhành dương đọc bài kệ.

Khi nhăn nhành dương
Nguyện cho chúng sanh
Tâm được thanh tịnh
Hết các phiền não.

Án A mộ già di ma lệ, nhĩ phạ ca ra, tăng du đà nể, Bát đầu ma, câu ma ra, nhĩ phạ tăng thâu đà da, đà ra đà ra, tố di ma lê ta phạ ha.

Kỳ thật, sử dụng xỉ mộc giống như đánh răng súc miệng hằng ngày, là một loại tập quán vệ sinh, chẳng qua là thời xưa không có điều kiện như bây giờ, Tăng chúng mới sử dụng xỉ mộc, thời quá khứ căn cứ theo qui tắc sinh hoạt của Phật giáo, Tăng chúng mỗi ngày sau khi thức dậy đều phải nhăn  thảo mộc, đánh răng cạo lưỡi, súc miệng rửa mặt cho sạch sẽ rồi mới tiến hành việc kính lễ. Nếu không như thế thì không luận là tiếp thọ sự hành lễ của người, hoặc lễ bái người khác thì đều mắc tội.

Ngoài ra, khi ở nhà giảng, nhà ăn, nhà bếp không được sử dụng xỉ mộc, nhân vì không vệ sinh; không ở trước tháp Phật, không ở trước các vị Tôn Túc vì không lễ phép, không được ở trước Tỳ kheo bệnh vì thái độ xem thường, cũng không được ở trước bạch y ngoại đạo vì phòng ngừa sự cơ hiềm.

Trong sinh hoạt Tăng chúng của Phật giáo, việc sử dụng xỉ mộc là một việc lưu truyền phổ biến, do Tăng chúng Ấn Độ thời cổ đại không có phương tiện nào khác, nên dùng xỉ mộc để súc miệng đánh răng.

Sau khi Phật giáo du nhập vào phương Bắc, việc nhăn nhành dương chưa thấy lưu hành. Sau nầy nghành y học và kỷ nghệ công nghiệp phát triển, chỉ sử dụng phổ biến tăm xỉa răng, chỉ nha khoa để xỉa răng, lại có bàn chảy đánh răng, có kem đánh răng, mọi người đều sử dụng. Vì thế bây giờ không ai đi tìm dương chi và xỉ mộc để đánh răng nữa. Tuy nhiên đó chính là vật mà Tăng sĩ và người thời xưa đã từng sử dụng./.