PHÁP KHÍ NHÀ PHẬT
Thích Thiện Phước

 

Nguồn Gốc Chuông Trong Phật Giáo

Buổi hoàng hôn hay lúc sáng sớm tinh sương, trong cảnh u tịch của chốn Thiền môn, tiếng chuông chùa du dương ngân nga, khiến cho cõi lòng nhẹ nhàng an tĩnh, như đưa người trở về với thực tại, làm vơi đi bao nỗi  phiền muộn được mất hơn thua… giữa dòng đời đầy gian truân đau khổ nầy.

Khởi nguyên của tiếng Chung – chuông:

– Chuông là một loại kiền chùy của Phật giáo, ban đầu chỉ dùng để tập chúng cho nên cũng gọi là “tín cổ”.

– Trong Kinh Phật ghi chép: Ngày 15 tháng 7 là kỳ mãn hạ, chư Tăng tự tứ. Phật bảo thị giả là ngài A Nan đánh kiền chùy để nhóm họp Tăng chúng, A Nan liền lên giảng đường tay đánh kiền chùy nói: “Con nay đến đây đánh tín cổ  của Như Lai, hễ ai là đệ tử của Như Lai, khi nghe thì hãy vân tập về đây”.

Từ đó chuông trở thành pháp khí quan trọng trong tự viện Phật giáo.

* Các loại Chung trong Phật giáo:

Trong Phật giáo chuông chia làm 2 loại:

Đại chung: lại gọi là Phạm Chung, Hồng Chung, Câu Chung, Tràng Chung, Kình Chung…

Nhân vì lúc đánh tiếng chuông ngân vang khắp cả phạm sát nên gọi là Phạm Chung. Phạm chung treo ở trên lầu chung.

Nhân vì tiếng của nó trong và vang ra xa nên gọi là Hồng Chung.

Nhân vì treo ở trên giá khi gõ vào phát ra tiếng vang nên gọi là Tràng Chung.

Còn gọi là Kình Chung vì trong  sách “Tiết Tông” chú giải rằng: “Ở Nam Hải có một loại động vật tên là cá Bồ Lao, hễ nó thấy cá Kình, vì sợ bị hại nên phát ra tiếng kêu giống như tiếng chuông, nhân thế mà người ta đem hình tượng con Bồ Lao điêu khắc trên thân chuông, đem cái chày chạm hình cá Kình để đánh chuông, ý muốn nói Bồ Lao gặp cá Kình mà thốt ra tiếng kêu vang lên khắp nơi”.

Tiểu chung: lại gọi là bán chung, hành sự chung, hoặc chỉ gọi là chung… thông thường treo ở bên trái của chánh điện, hoặc treo ở cửa thiền đường, đánh nhằm để thông tri lúc mở đầu pháp hội, cho nên gọi là hành sự chung. Ngoài ra còn có hoán chung, vì thường treo ở ngoài liêu do thị giả đánh truyền gọi người vào tham học.

Chất liệu để làm chung trong Phật giáo có: Bằng đá, đồng, sắt,… hiện tại dùng bằng đồng thì nhiều, ít ai dùng những loại kia.

Về ngoại hình kích cỡ hoa văn chữ điêu khắc trên đại chung thì tùy theo ý của người chế tạo.

* Phương pháp đánh chung:

Phật chung bao quát cả đại chung và tiểu chung, cách đánh cũng tương đối phức tạp. Tùy thuộc vào Phật sự Tông phái… mà có những cách đánh khác nhau.

Thông thường Phật chung có những cách đánh như: 3 tiếng, 7 tiếng, 18 tiếng, 36 tiếng, 108 tiếng.

Theo thanh qui xưa thì trong lúc Tăng chúng dùng cơm, cháo, tham thiền xong, sớm tối đi tuần xét, đánh 3 tiếng; Lúc Trụ trì sớm tối đến Phật điện thắp nhang, Trụ trì  vào giảng đường Tăng chúng, đánh 7 tiếng; Lúc tới giờ Ngọ trai, Tăng chúng vào trai đường đánh 18 tiếng, cho nên gọi là nhập đường chung. Còn đánh 108 tiếng là tổng cộng 3 hồi mỗi hồi 36 tiếng.

Hoạt động quan trọng trong tự viện Phật giáo thì lấy 108 tiếng làm chuẩn, cho nên mới gọi là Bá bát chung, cách đánh Bá bát chung trong Kinh Phật chỉ dạy rõ: “Đánh cho hưỡn, khiến cho tiếng ngân xa và dài, đánh ba hồi mỗi hồi 36 tiếng tổng cộng là 108 tiếng”.

Đây chính là nói: Lúc đánh chung nên phải từng tiếng ngân dài chậm rãi, khiến cho tiếng chuông du dương ngân xa và lâu. Thông thường khởi đầu 3 tiếng, 2 tiếng liên tục là kết thúc, phân làm 3 hồi, mỗi hồi 36 tiếng.

Trong tự viện có cử ra vị Tăng giữ chức Chung đầu, một ngày đánh 4 thời: đánh chung buổi sáng, đánh chung buổi chiều, đánh chung ở trai đường, đánh chung để chỉ tịnh ngồi thiền, sắp đặt tùy theo thời gian mà đánh.

* Ý nghĩa sâu xa khi đánh chung:

Vào thời xưa, Ấn Độ đã có chung, tại Trung Quốc cũng có chung, Việt Nam ta cũng vậy.

Theo Quảng Hoằng Minh Tập, quyển 28 ghi rằng: Đại Chu Nhị Giáo Chung Minh; Đại Đường Hưng Thiện Tự Chung Minh; Kinh Đô Tây Minh Tự Chung Minh, được chế tạo vào năm thứ 2 Niên hiệu Lân Đức đời Đường.

Lại nữa, trong “Lạc Dương Già Lam Ký Tự” chép: “Trong ngoài kinh thành nhà Chu có hơn 1000 ngôi chùa. Ngày nay sự sinh hoạt rời rạc trống vắng, ít nghe đến tiếng chuông”.

Theo Cao Tăng Truyện, quyển 29 chép: Trong Trí Hưng Truyện kể rằng: Năm thứ 5 thời Tùy Đại Nghiệp, Trí Hưng ở chùa Thiền Định đất kinh sư, làm chức Ty Chung – tức là đánh chung để báo giờ.

Lại nữa, Trương Kế đời Đường có làm bài Phong Kiều Dạ Bạc: “Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự; Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền” (Trong chùa Hàn Sơn ở ngoại thành Cô Tô, nửa đêm nghe tiếng chuông đến thăm thuyền khách).

Trong Nhập Đường Cầu Pháp Tuần Lễ Hành Ký, quyển 3 có ghi lại sự kiện: “Bồ tát Văn Thù từng ở ngọn Ngũ Đài, hóa hiện lầu vàng chuông báu”.

Căn cứ theo những tư liệu nêu trên: Từ thời nhà Chu trở về sau, tại đất nước Trung Quốc này liên tục đúc chuông.

Chung đối với người tu hành có công đức rất lớn. Theo Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy, chương Pháp Khí chép: “Đại chung là hiệu lệnh của Tòng lâm. Đánh buổi sớm thì phá tan giấc ngủ trong đêm dài, đánh buổi chiều thì biết được đường xá sắp mịt mờ tăm tối”.

Lại nữa, trong kinh điển cũng chép: “Tiếng hồng chung đánh lên là để cảnh tỉnh quần sanh, âm vang ngân ra xa 10 phương vô lượng quốc độ”.

Kinh Tăng Nhất A Hàm chép: “Khi đánh chung thì tất cả các khổ não nơi ác đạo đều tạm dừng”.

Lại nữa, Phó Pháp Tạng Truyện, quyển 5 chép: “Quốc Vương nước Nguyệt Chi nhân vì chiến đấu với nước An Tức, nên giết người đến 9 ức. Do đó mà bị quả báo ác, sau khi chết bị đọa làm loài cá có 1000 cái đầu, thanh gươm cứ bay xung quanh để chặt đứt đầu, đầu này vừa chặt thì lại mọc lên đầu khác, đau khổ vô lượng. Sau ứng mộng cầu cứu với vị La Hán Tăng và xin đánh chuông ngân cho dài ra để chấm dứt khổ đau”.

Trong Cao Tăng Truyện (Trí Hưng Truyện) chép: “Có một vong hồn, báo mộng rằng: Tôi sau khi chết, đọa vào trong địa ngục, may mắn được vị Tăng tên Trí Hưng ở chùa Thiền Định đánh chung, tiếng chung vang lên làm chấn động cả cõi u minh, những người đồng chịu khổ, liền được giải thoát”.

Đại Đường Tây Vực Ký, quyển 1 chép: “Vua Ca Nị Sắc Ca, nhận lời thỉnh của con Độc Long, bèn xây chùa đánh chuông, dứt được tâm sân của nó”.

Câu Xá Luận và Phật Tải Thống Kỷ (Trí Giả Truyện) chép: “Người lúc sắp mạng chung, nghe tiếng chung hay phát khởi tâm lành, tăng thêm chánh niệm”.

Kỳ Viên Đồ Kinh Đại Lược Thuyết chép: “Trong viện Vô Thường thuộc tịnh xá Kỳ Viên, có chung bằng bạc, chung bằng pha lê, chung bằng bạc để ở trong ngôi nhà Vô Thường, nhà này là để dành riêng cho Chư Tăng bệnh ở. Khi bệnh tình nguy hiểm thì liền đánh chung nói rằng:

“Các hành vô thường
Là pháp sanh diệt
Sanh diệt diệt rồi
Tịch diệt là vui”

Tăng nghe âm vang tiếng chung xong liền dứt hết khổ não như vào trong Thiền định, được sanh về Tịnh độ. Chung bằng bạc là do Thích Đề Hoàn Nhơn tức vua Trời Đế Thích tạo ra, chung pha lê là do Nguyệt Cung Thiên tử tạo. Sau khi Phật diệt độ, cả 2 loại chung này đều biến về cõi trời.

Nhân vì nghe chung có nhiều công đức như thế. Cho nên đệ tử Phật phải trân trọng hành trì. Nhân thế mà hành giả khi đánh chung phải thầm tưởng bài kệ.

Kinh Tạp Thí Dụ chép: “Khi nghe tiếng chung ngân, người nằm phải ngồi dậy”.

Cổ đức cũng dạy:

“Nghe chung nằm không dậy,
Hộ pháp thiện thần giận,
Hiện đời giảm phước huệ,
Kiếp sau đọa thân rắn”

* Trong sinh hoạt thường ngày của nhà Phật, bổn ý thiết lập Phật chung chính là để thông báo thời khắc, nhóm họp Tăng chúng.

Pháp Khí Chương trong sách Bách Trượng Thanh Qui chép: “Đánh đại chung và Tăng đường chung để tập chúng”.

Thế nhưng, trong điển tịch thế gian cho rằng việc đánh chuông còn bao hàm một ý nghĩa sâu sắc: “Chuông sở dĩ đánh 108 tiếng là vì ứng với 12 tháng, 24 tiết, 72 hầu.” Ngoài ra còn có cách lý giải khác là đánh 108 tiếng  vì để khử trừ 108 phiền não, khiến cho người tỉnh giác, được thuận lợi kiết tường.

Lại có bài kệ rằng:

“Nghe chuông phiền não nhẹ
Trí huệ lớn giác ngộ sanh”

Cho nên Phật chung là công cụ báo giờ, cũng là tượng trưng cho trí tuệ.

Lúc đánh chuông nên quán tưởng đến sự giác ngộ cứu độ chúng sanh.
 
“Nguyện tiếng chuông nầy thấu đến các pháp giới
Trong núi Thiết Vi tối tăm thảy đều nghe
Việc trần thanh tịnh chứng bậc viên thông
Nguyện tất cả chúng sanh đều thành chánh giác”

Lại có Kinh Phật dạy: ”Khi đánh lên tiếng chuông thì dừng hết những nổi khổ trong các đường ác, hay khiến cho chúng sanh cùng một lúc lìa khổ, khiến người gặp nạn được giải thoát”.

Tăng chúng Phật giáo đối với việc đánh chung, nghe tiếng chung đều khởi tâm thành kính, không luận là trình tự sinh hoạt hay lễ Phật tu hành đều có công đức rất lớn. Đánh chung là một nghi thức không thể thiếu trong sinh hoạt ngày thường của tự viện.

– Đức Phật là bậc đại y vương, Ngài thị hiện ra đời để trị lành căn bệnh trầm luân khổ não của chúng sanh. Tuy nhiên bệnh thì không có một, nên thuốc cũng có nhiều phương. Sự và lý luôn đi đôi với nhau như hình với bóng, sự nương vào lý mà khởi, lý nương vào sự mà hiện bày. Khi đức Thế tôn còn tại thế, chư tỳ kheo ngày đến thì  đi khất thực ăn một bữa giữa trưa, đêm về ngủ dưới gốc cây, không được quá ba hôm phải rời đi nơi khác. Sống một cuộc đời tha phương du hóa, lấy ba cõi để làm nhà kết bạn cùng với  núi non mây nước, mượn việc độ sanh làm chí hướng xuất trần. Sau khi đức Thế tôn nhập diệt,  chân lý của ngài  dần dần được các đệ tử truyền bá khắp nơi và cũng hòa nhập vào phong thái của từng lãnh thổ quốc gia,  hình ảnh chư vị tỳ kheo  tha phương du hóa ngày xưa cũng dần dà thay đổi để phù hợp cho  một thời đại mới. Các tòng lâm, tự viện được kiến tạo làm nơi an trú của chư Tăng, cũng là điểm tựa tâm linh cho hàng  Phật tử. Từ đó qui củ nhà thiền, nề nếp sinh hoạt trong tự viện cũng xuất hiện nhằm cung ứng cho phù họp với một tòng lâm thanh tịnh. Từ đó, các pháp khí sử dụng trong nghi thức hành lễ của Phật Giáo dần dần  phổ biến. Tuy nhiên khi người ta nghĩ đến một ngôi chùa thì “Chuông” bao giờ cũng thường được nhắc và hình dung đến. Ngoại hình của chuông ẩn tàng đường nét hoa văn  tượng trưng cho chân lý sâu xa của Phật giáo đồng thời cũng hòa nhập vào thuyết lý của vũ trụ vạn hữu. Bên cạnh đó tiếng chuông  cũng là bức thông điệp cho những ai đang thành kính thiết tha gởi trọn tấm lòng mình quay về nương tựa đấng tam tôn.

Âm hưởng tiếng chuông tuy không biểu đạt hết những sự cao quí trong hình thức nghi lễ, trong sinh hoạt hay những điều linh ứng mầu nhiệm thiêng liêng của đạo Phật, nhưng với danh nghĩa đã là một tòng lâm thì không thể thiếu âm vang trầm bổng du dương đó. Chuông làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm của một tòng lâm thanh tịnh, đồng thời cũng có năng lực siêu nhiên đánh thức lòng người.

Hơn bao giờ hết, tiếng chuông chùa vẫn hòa nhịp trôi theo dòng chảy của thời gian, gắn liền với sự vật, mãi mãi là âm thanh cao cả của nhân loại. Tiếng chuông tự nó còn là một giai điệu thiền vị, đưa con người về với thực tại, gieo rắc vào tâm hồn nhân loại những hạt giống thương yêu, thương yêu chính mình và tất cả chúng sanh đang còn trầm luân đau khổ!.

Cuộc sống đời thường có lúc  ta thương yêu, buồn giận,… Bạn ơi! Xin lắng lại tâm hồn, thở thật nhẹ nhàng bước đi từng bước chậm rãi lắng nghe: Nghe thật kỹ thật sâu tiếng chuông chùa, để ta mĩm cười thật dễ thương cùng vạn vật và có một nụ cười chuyển hóa với tất cả những nghịch cảnh khổ đau, nhẹ nhàng êm ái như tiếng chuông chùa lúc nào cũng ngân nga trong thực tại đang là!