PHÁP KHÍ NHÀ PHẬT
Thích Thiện Phước

 

Nguồn Gốc Kim Cang Trong Phật Giáo

* Nguồn gốc cấu tạo:

– Kim Cang xử còn gọi là bảo xử, hàng ma xử, xử,… vốn là một loại vũ khí ở Ấn Độ thời xưa, được làm bằng chất liệu cứng, hay đâm thủng các vật khác, nhân đây gọi là Kim Cang Xử, trong Phật giáo thường dùng để ví dụ cho sự cứng nhọn, lanh lợi.

Trong Mật tông Phật giáo, kim cang xử tượng trưng cho sức mạnh vô địch, không có vật kiên cố nào mà chày nầy đập không bể. Đây là ví như trí huệ và chơn như Phật tánh không có gì làm hư hoại.

Chày kim cang nầy được dùng để đoạn trừ các loại phiền não, ngăn dẹp các hình sắc do ác ma gây chướng ngại, là một trì vật trong các tôn của Mật giáo, cũng là pháp khí quan trọng dùng trong lúc tu pháp bên Mật tông.

Kim Cang Bộ trong Mạn Trà La Hải Hội Các Tôn đều có cầm chày kim cang, hành giả tu Mật tông thường mang theo. Do vì chày nầy tượng trưng cho Kim cang trí huệ của Như Lai, dùng để phá trừ nội ma ngu si vọng tưởng và các ma chướng trong ngoại đạo. Đời sau lại căn cứ về yếu chỉ chày kim cang hay ngăn dẹp được kẻ oán địch nên đem nó diễn dịch thành một dụng cụ tác pháp để hàng phục các ma ngoại đạo.

– Kim cang xử, còn là một cách gọi về loại Điện Quang của trời Đế Thích, thường thì dùng để chỉ cho loại vũ khí, đồng thời những cây gậy của các vị lực sĩ Kim Cang Thần cầm cũng gọi là Kim Cang Xử.

Về sau trong Mật giáo dùng để biểu trưng ý nghĩa, “phá nát kẻ địch”, do đó mà những vật mà các vị Kim Cang Thần cầm đều gọi là kim cang xử và lại đem nó chuyển biến làm một  loại khí cụ để ứng dụng tu tập.

Những kinh điển có đề cập đến kim cang xử như: Bồ Đề Tràng Sở Thuyết Nhất Tự Luân Vương Kinh, phẩm Thứ nhất; Niết Bàn Kinh, phẩm Thứ ba; Đà La Ni Tập Kinh; Tô Bà Hô Đồng Tử Thỉnh Vấn Kinh; Nhất Thiết Như Lai Đại Bí Mật Vương Vị Tằng Hữu Tối Thượng Vi Diệu Đại Mạn Trà La Ni Kinh,…

Trong Du Già Thí Thực Khoa nghi có bài nói về thần dụng uy thế của kim cang xử như sau:

Tay trái cầm giữ linh bảy báu mầu nhiệm
Hồng âm rung động mười phương và ba đời
Phạm âm trong trẻo tỉnh giác ma oán tâm
Phá nát tà yêu các vọng lượng quỷ mị. 
Tay phải cầm giữ chày kim cang hàng ma
Sức oai thế nặng tám vạn bốn ngàn cân
Dẹp sạch thiên và phi thiên ma quyến thuộc
Đều khiến hồi quang phản chiếu1 mà kính ngưỡng   
Ma oán trong ngoài ba độc bốn hại thảy
Chú trớ yểm muội ba tuần và ngoại đạo
Vòng lửa ba chia biến ma thành không lực
Hay khiến xa lìa mộng tưởng và điên đảo.
Thiên ma giận dữ bốn phương cùng tám hướng
Nghe ta tác pháp lắng lòng mà tin nhận
Lang mang bát đát bí mật kệ nhiêm mầu
Khảy tay quét sạch hung ác cùng hiểm họa.

Ngoài ra ở đoạn khác, lại nói đến chày kim cang để thành tựu dõng tức lớn ngay nơi tự tánh.

Tự tánh phương tiện thể không hoại
Kim cang chẳng diệt dõng thức lớn2
Phật vượt sự tướng không thể sánh
Khiến việc làm con đều thành tựu3
Tự tánh tuệ giác thể thậm thâm
Diễn nói tối thượng pháp luân âm
Nên nay biến hiện thân phương tiện4Khiến việc làm con nguyện được thành5

* Hình dạng Kim cang xử:

Ban đầu chày kim cang làm bằng đá hoặc bằng gỗ, phần đầu rất bén, sau nầy hình thức bị biến dạng dần trở thành ngắn nhỏ như hiện trạng và không còn bén nữa.

Về chất liệu làm xử theo quyển 2, Đà La Ni Tập Kinh chép: “Chất liệu để làm chày kim cang là dùng vàng, bạc, đồng đỏ, sắt, thép,… ”.

Theo quyển thượng, Tô Bà Hô Đồng Tử Thỉnh Vấn Kinh chép: “Do pháp tu bất đồng, nên dùng chất liệu cũng bất đồng, ví  như: Vàng, bạc, đồng, sa thạch, hoặc có khi dùng hỗn hợp vàng bạc đồng, sắt, cây Thất Lợi Ban Ni, cây Tỳ Rô Bà, cây Khư Tha Ra, cây Ma Độ Ca, cây A Thiết Đa, cây Hại Nhơn, Xương Người, Thủy Tinh, cây Khổ Luyện, cây Tỳ Lê Lặc, cây Thiên, Đất, cây Ca Đàm, cây Át Ca, cây Vô Ưu, cây A Một La, cây Át Thuận Na, cây Liễu, cây Bạch Đàn, cây Tử Đàn,… ”.

Về độ lượng để làm xử theo điển tịch Mật bộ chép : “Độ dài chừng 8, 10, 12, 16 lóng tay, dài nhất là 20 lóng tay”.

Về kích thước: “Kim cang xử ban đầu có mũi bén nhọn, nhưng sau khi thành khí cụ thì hình dáng cũng biến hóa”.

Theo quyển hạ, Từ Thị Bồ Tát Lược Tu Dũ Nga Niệm Tụng Pháp chép: “Kim cang xử có nhiều loại không giống nhau như: 1 cổ, 2 cổ, 3 cổ, 4 cổ, 5 cổ…”.

Theo quyển 5, Nhất Thiết Như Lai Đại Bí Mật Vương Vị Tằng Hữu Tối Thượng Vi Diệu Đại Mạn Trà La Kinh chép: “Có Kim Cang bộ, Liên Hoa bộ, Yết Ma bộ và cũng có các loại Kim cang xử. Cho đến Như Lai Tối Thượng Kim Cang Xử, Phẩn Nộ Kim Cang Xử, Vi Diệu Tâm Kim Cang Xử,… và có nói rõ về các loại kim cang xử, 1 cổ, 3 cổ, 9 cổ, bốn mặt 12 cổ,…”.

Lại nữa, hình dạng Kim cang xử cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa đặc biệt.Theo các điển tích Mật bộ chép: “Một cổ – ngạnh – tiêu biểu cho nhất chơn pháp giới; ba cổ tiêu biểu hiện bày thân khẩu ý tam mật bình đẳng; năm cổ tiêu biểu 5 trí 5 Phật, cổ ở giữa trong 5 cổ là biêu biểu thật trí của Phật; 4 cổ ở bên ngoài là tiêu biểu quyền trí; 4 cổ xung quanh hướng vào bên trong là tiêu biểu quyền trí nhất định quay về thật trí. Xử có 2 đầu giống nhau, là biểu thị cảnh giới chư Phật, chúng sanh vốn đầy đủ 5 trí”.

Ngoài ra có Thuyết nói rằng: Cổ ở giữa tiêu biểu pháp giới thể tánh trí, đó chính là trí tuệ của Đại Nhật Như Lai chứng đắc bản địa chơn trực, không nương vào phương tiện, 4 cổ bên ngoài xoay hướng vào bên trong là tiêu biểu cho 4 trí 4 Phật thọ nhận trí phương tiện gia trì của Đại Nhật Như Lai mà tự chứng được bản địa, từ đó mà khởi lòng từ mẫn giáo hóa, 2 đầu trên dưới hình dạng giống nhau, đây là tiêu biểu chư Phật chúng sanh vốn đầy đủ 5 trí, cổ chính giữa để cầm có hình dạng 4 tầng và 8 nghạnh, tiêu biểu cho 4 Ba La Mật và 16 vị Đại Bồ Tát, Bát chánh tứ nhiếp trong 37 phẩm tôn, 4 góc có 4 hạt châu là tiêu biểu 4 phương 4 Phật, ở giữa ẩn một hạt là tiêu biểu cho Đại Nhật Như Lai, trên eo của 8 nghạnh được cột bằng 2 sợi dây, là tiêu biểu cho 2 Pháp Định và Huệ,… Lại nữa, ngoài 4 cổ đều có móng, là tượng trưng cho đầu sư tử, con số 8 nầy là tiêu biểu chuyển 8 thức thành 4 trí. Người cầm chày kim cang này thì giống như an trụ trong kim cang trí đức của Phật.

Kinh Nhơn Vương Niệm Tụng Nghi Quỉ chép: Các Tôn tay cầm kim cang xử để biểu thị chánh trí giống như kim cang kiên cố không có gì phá hoại được. Cho nên trong Phật giáo có rất nhiều vị Phật Bồ tát tay cầm kim cang xử.

Thế nhưng sử dụng kim cang xử có qui tắc nhất định:

1/ Thành tựu sự vật dùng xử 5 cổ.

2/ Gia trì thần dụng dùng xử 3 cổ.

3/ Hành đạo niệm tụng dùng xử 1 cổ.

4/ Tu Phật bộ, Liên Hoa bộ pháp dùng xử 1 cổ.

5/ Tu Kim Cang bộ pháp dùng xử 5 cổ.

6/ Tu Đại Oai Đức Minh Vương pháp dùng xử 9 cổ.

* Chủng loại Kim cang xử:

Xử một cổ là một hình thức rất xưa, trong kim cang xử hình nhọn lại dài, là do 2 lực sĩ kim cang cầm. Ở trong xử 5 cổ, xử 1 cổ cùng tương ưng với Liên Hoa Bộ, để ở phương Tây của đại đàn, đầu nhọn là tượng trưng cho trí nhất pháp giới, tức nhất chơn pháp giới của đại Nhật Như Lai.

Bạch Bảo Khẩu Sao. Đế Thích Pháp chép: “Xử 1 cổ ngoài ý nghĩa trừ phiền não ba độc của chúng sanh, lại còn có ý nghĩa biểu thị ba cõi vốn đầy đủ. Ngoài ra, xử một cổ còn tượng trưng cho Tu Di Sơn, tay cầm Tu Di Sơn nầy là hàm ý, y báo chánh báo đồng một thể”.

Bổn Tôn cầm độc cổ xử là: Trời Đế Thích, hình Bổn Tôn ấy đầu đội mão báu, đắp y Yết Ma, tay trái cầm xử một cổ để ở trước ngực. Trời Đế Thích vốn là vị thần của Ấn Độ giáo gọi là Nhơn Đà La, sau được Phật giáo gọi là Hộ pháp thần, Trời Đế Thích trấn giữ ở phương Đông, ở thành Thiện Kiến núi Tu Di trời Đao Lợi.

Ngoài ra kim cang xử 1 cổ còn là 1 trong 40 tay của Bồ tát Thiên Thủ Quan Âm cầm, biểu thị sự ngăn dẹp tất cả các oán tặc, 1 trong 108 tay của Kim Cang Tạng Vương Bồ tát là tay cầm xử 1 cổ.

– Xử 3 cổ: Lại gọi là Tam cổ phược nhật la, Tam cổ kim cang… cùng với Yết ma la bộ tương ưng, để ở phương Bắc của đại đàn, phần đầu của Tam cổ xử chia làm 3 ngạnh biểu thị ba bộ: Thai Tạng giới Phật kim cang, Liên Hoa, Tam Mật: Thân ngữ ý, tam trí, tam quán …

– Kinh Tô Tất Địa chép: Nếu hành giả cầm xử 3 cổ thì không bị Tỳ Na Ca Diếp làm ngăn ngại. Trong lúc hộ ma và tụng niệm nếu tay trái cầm thì thành tựu các việc. Ngoài ra, ở “Kim Cang Đồng Tử Pháp” đem Tam cổ xử làm thể của Bổn Tôn. Trong ấy cổ ở giữa là đầu, 2 cổ hai bên là tay, 2 đầu xử trên dưới họp hai làm một, biểu thị Bổn Tôn và hành giả bất nhị, chúng sanh và Như Lai vốn bình đẳng.

– Xử 5 ngạnh: Lại gọi là Ngũ trí kim cang xử, Ngũ phong kim cang xử, Ngũ phong Quang Minh. Ngũ cổ xử phân ra 5 cổ biểu thị 5 trí 5 Phật. Trong đó một cổ tượng trưng cho thật  trí của Phật. Còn 4 cổ  khác thì tượng trưng cho quyền trí của Phật, tức là dùng trí tuệ tạm nói phương tiện. Bốn cổ xung quanh cong lại và hướng về bên trong là biểu thị quyền trí cuối cùng rồi cũng qui về thật trí, 2 cổ trên dưới bằng nhau biểu thị cõi Phật, cõi chúng sanh đều đầy đủ 5 trí. Năm cổ trên dưới có 1 cổ biểu thị 10 Ba la mật, hay phá nát 10 loại phiền não, thành tựu 10 loại chơn như, liền chứng được thập địa, cầm giữ kim cang xử, chính là hay an trụ trong kim cang trí đức của Phật, Bổn Tôn tay cầm xử 5 cổ là Kim Cang Tát Đỏa Bồ Tát, là 1 trong 16 vị Bồ tát thuộc Kim cang giới.

– Đại Tạng Mật yếu chép: “Kim cang xử là Bồ đề tâm hay chặt đứt nhị biên, khế họp với lý trung đạo, trong đó có 16 vị đại Bồ tát, cũng biểu đạt 16 không là trung đạo, 2 bên đều có 5 cổ, biểu trưng cho 5 trí, 5 Phật, cũng biểu đạt 10 Ba La Mật, hay ngăn dẹp 10 loại phiền não.

Chúng ta thường thấy chày kim cang trong 40 tay của đức Thiên Thủ Quan Âm và 1 tay trong 108 tay của Kim Cang Tạng Vương Bồ tát, đều cầm chày kim cang 1 ngạnh, là một pháp khí rất bén nhọn.

Hành giả tu theo Mật tông thường cầm theo bên mình là để phát huy kim cang trí dụng của Như Lai, mong phá trừ những ngu si vọng tưởng, để hiển bày ánh sáng trí tuệ, phá tan ngu si tăm tối. Trong Mật giáo các tôn Kim Cang bộ Mạn Trà La Hải Hội, đều cầm kim cang xử. Người học sau này lấy ý chỉ “Dẹp tan kẻ địch”mà diễn dịch thành một dụng cụ tác pháp hàng phục ác ma ngoại đạo.

Chính vì có ý nghĩa như thế mà người tu Mật tông nào cũng phải có, nhằm biểu đạt phát huy. Ngày nay thì chày kim cang nầy là một pháp khí quan trọng trong các đàn Mông sơn, cam lộ, du già nhằm thị oai, phân châu…đây cũng là một pháp khí đặc trưng không thể thiếu, như trí tuệ bát nhã con người ai ai cũng cần phải có./.