A. Hoa Sen dụ cho Pháp
B. Trưng dẩn những chú nghĩa đương thời
C. Dẩn chứng kinh luận
D. Chú nghĩa chính xác về Hoa Sen
Tham khảo

Mục Ba

Biệt Giải Ý Nghĩa Hoa Sen
(Huyền Nghĩa, ch. 7, T33, 771c-774c)

Trong các Mục Một và Hai, chúng tôi đã trình bày chú giải của Trí Khải về hai chữ đầu trong đề kinh Pháp Hoa, tức Pháp và Diệu. Trong phần ba nầy, chúng tôi sẽ nói về chú giải của Trí Khải về hai chữ Liên-Hoa. Chú giải của Đại Sư về ý nghĩa hoa sen chia làm bốn phần. (A) Ting Fa-pi (hoa sen là tỷ dụ của Pháp), (B) Yin-chiu-shih (dẩn chứng những giải thích trước), (C) Yin ching lun (dẩn chứng các luận về hoa sen), và (D) Cheng-chieh-shih (chú nghĩa chính xác về hoa sen). Phần thứ nhất sánh hoa sen với giáo lý liên quan đến chân lý tương đối và tuyệt đối, khiến hoa sen mang một ý nghĩa tuyệt vời liên hệ đến giáo pháp vi diệu. Phần thứ hai trưng dẩn những giải thích của các tác giả đương thời về hoa sen với mục đích nói lên rằng cái mà các cách chú nghĩa nầy trình bày về sự vi diệu của hoa sen thì rất là giới hạn. Phần thứ ba trưng dẩn các nghĩa khác nhau về hoa sen qua các bài kinh để cho thấy rằng hoa sen có ý nghĩa sâu xa hơn những lối chú nghĩa đã nói đến. Phần thứ tư trình bày lối chú nghĩa của riêng Trí Khải về hoa sen. Theo Trí Khải hoa sen có ba ý nghĩa chính qua Tích Môn, và ba ý nghĩa chính qua Bản Môn. Căn cứ vào sáu ý nghĩa nầy, Trí Khải giải thích sâu rộng hơn về hoa sen và dùng hoa sen làm tỷ dụ cho Tích Môn Thập Diệu và Bản Môn Thập Diệu. Với lối so sánh sâu xa như vậy, hoa sen không những hiển lộ ý nghĩa phong phú, mà những phần nói về Thập Diệu (hệ thống phân tích giáo pháp Phật) của riêng Đại sư được thêm phần vững chải.

A. Hoa sen dụ cho Pháp
Trí Khải dùng hoa sen làm biểu tượng cho pháp vi diệu bao gồm chân lý tương đối và tuyệt đối, vì cả hai đều khó tiếp nhận nếu không dùng lối tỷ dụ. Trí Khải còn đưa ra một lối thí dụ khác là hoa sen như biểu tượng của pháp môn, hoặc hơn thế nữa, như diệu pháp. Trí Khải giải thích rằng bởi vì hoa sen như pháp thì khó cho chúng sinh căn cơ trung bình và thấp kém lãnh hội, nên cần phải mô tả chân dung của hoa sen qua tỷ dụ. Theo Trí Khải, Thế Tôn đã thuyết kinh Pháp Hoa trong ba tuần lễ đầu tiên cho tất cả tầng lớp chúng sinh (có căn cơ cao, trung bình, và thấp). Nói tóm lại, hoa sen, như tên của một pháp, được thuyết ra cho chúng sinh có căn cơ sắc bén, hoa sen như tên thuộc ngụ ngôn, được thuyết cho chúng sinh có căn cơ trung bình và thấp kém. (1)

B. Trưng dẩn những chú nghĩa đương thời
Trước khi đưa ra sự chú giải của riêng Trí Khải về hoa sen, Đại Sư tóm lược mười sáu cách chú nghĩa đương thời về hoa sen (2)
(i) Hoa sen từ duyên mà sinh ra như pháp Phật từ duyên mà có
(ii) Hoa sen có thể sinh ra Phạm Vương dụ cho Phật sinh ra từ duyên
(iii) Hoa sen sinh ra từ đất bùn dụ cho cái hiểu về sinh tử
(iv) Hoa sen đẹp đẽ, và chúng sinh ưa nhìn ngắm dụ cho khi nhìn thấy hoa sen, chúng sinh chứng đắc được Bồ đề
(v) Hoa sen bắt đầu từ nơi thấp kém sánh với tâm dù chỉ một lần cúi đầu có thể đưa đến chứng ngộ
(vi) Đài gương và hoa đồng thời sánh với nhân và quả Bồ đề đồng thời,
(vii) Hoa sen đi cùng với đài gương dụ cho nhân Bồ Đề chắc chắn đưa đến sự chứng đắc quả Bồ đề
(viii) Hoa sen dụ cho lối vào thế giới hoa tạng
(ix) Phật ngự trên hoa sen dụ cho tất cả thánh hiền từ hoa sen mà sinh ra, Trí Khải nói rằng mười chú nghĩa nói trên (3) chỉ đưa ra một ít nghĩa, là những điều có thể nói hết với chỉ một trong Thập Diệu là Diệu Hành.

Trí Khải phê bình rằng sáu sự chú nghĩa còn lại chỉ là một ít nghĩa, cũng có thể nói hết với chỉ một trong Thập Diệu là Diệu Thuyết Pháp.
(x) Hoa sen sinh ra từ bùn nhưng không nhiễm bùn. Điều nầy dụ cho Nhất Thừa bao gồm Tam Thừa, nhưng Tam Thừa không làm ô nhiễm được Nhất Thừa
(xi) Hoa sen khác biệt trong ba thời, dụ cho sự khai mở Tam Thừa chỉ là để hiển lộ Nhất Thừa
(xii) Hoa sen khép mở tùy thời dụ cho chúng sinh khác nhau với những phiền não khác nhau, Phật tùy cơ đáp ứng, hoặc mật hoặc hiển
(xiii) Hoa sen là chúa các loài hoa dụ cho giáo lý tối thượng
(xiv) Khi hoa nở, phơi bày hạt, dụ cho khi Phật giáo hóa, chân lý hiển lộ,
(xv) Hoa sen khác nhau trong ba thời, dụ cho chân lý tương đối và tuyệt đối được áp dụng thích nghi.
Qua sự liệt kê mười sáu cách chú nghĩa nói trên, điều Trí Khải muốn nói là chưa có một chú nghĩa nào được xem là thâm sâu. Với Trí Khải, vì hoa sen sánh với diệu pháp, và diệu pháp phản ảnh Thập Diệu trong hệ thống tư tưởng của Trí Khải, hoa sen tương tự như Thập Diệu. Trí Khải phê bình mười sáu lối chú nghĩa trên, vì những sự giải thích nầy không phản ảnh đầy đủ Thập Diệu, mà chỉ nói lên được một vài nghĩa trong Diệu Hành và Diệu Thuyết Pháp Để giữ vững sự phê bình của mình, Trí Khải, dưới đây, trưng dẩn những luận về hoa sen. Những luận nầy cho thấy rằng hoa sen mang những ý nghĩa phong phú hơn mười sáu chú thích nói trên.

C. Dẩn chứng những luận về hoa sen
Trí Khải trích dẩn từ Pháp Hoa Luận trình bày mười bảy nghĩa của hoa sen (4). Những ý nghĩa nầy gồm có :
(i) Vô Lượng Nghĩa Kinh (Wu-liang-I Ching) (5)
(ii) Tối thượng Khế kinh (Tsui-sheng Hsiu-tuo-lo) ,(6)
(iii) Đại Phương Quảng Kinh (Ta-fang-kuang Ching) (7)
(iv) Giáo Bồ Tát Pháp (Chiao Pu-sa fa) (8)
(v) Phật Sở Hộ Niệm (Fo-suo Hu nien) (9)
(vi) Nhất Thiết Chư Phật Mật Tạng (I-chieh Chu-fo Mih-tsang) (10)
(vii) Nhất Thiết Phật Tạng (I-Chieh Fo-tsang) (11)
(viii) Nhất Thiết Phật ngữ (I-chieh Fo-tzu) (12)
(ix) Sinh Nhất Thiết Phật (Sheng chieh Fo) (13)
(x) Nhất Thiết chư Phật Đạo Tràng (I-chieh Fo Tao-chang) (14)
(xi) Nhất Thiết Phật Chuyển Pháp Luân (I-chieh Fo Suo-chuan Fa-lun) (15)
(xii) Nhất Thiết Phật kiên cố xá lợi (I-chieh-fo Chien-ku She-li) (16)
(xiii) Chư Phật thiện xảo phương tiện ((Chu-fo Ta-chiao fang-bien) (17),
(xiv) Nói Nhất Thừa (Shuo I-sheng) (18)
(xv) Đệ Nhất Nghĩa Trụ ( I-i-i chu) (19)
(xvi) Diệu Pháp Liên Hoa (Miao-fa lien-hua ) (20)
(xvii) Vô Lượng Pháp Môn Thân Danh Tự Cú (Fa-men she Wu-liang Ming-tzu-chu Shen) (21).

Ý nghĩa phong phú của mười bảy luận trên càng làm vững vàng lập luận của Trí Khải rằng những chú nghĩa về hoa sen nói trên không thỏa đáng. Với Trí Khải, lối giải thích của Đại Sư cần được đưa ra, từ đó, ý nghĩa của hoa sen được phơi bày trọn vẹn.

D. Chú nghĩa chính xác về hoa sen
Phê bình về những chú nghĩa và dẩn chứng đương thời đưa đến lối trình bày của Trí Khải về hoa sen. (22) Thấy rằng hoa sen diễn đạt Thập Như Thị như đặc tính của Chân Như, và đặc tính của kinh Pháp Hoa gồm Tích Môn và Bản Môn, Trí Khải lập luận rằng chân dung hoa sen có thể được sánh với tất cả những ý nghĩa nầy. Trí Khải đưa ra liên hoa tam dụ cho cả Tích Môn và Bản Môn. Tích Môn và Bản Môn tam dụ có ý nghĩa một tiến trình toàn hảo về sự giáo hóa của Phật đưa chúng sinh đến chỗ chứng ngộ Bồ đề, khởi đầu từ phương tiện thuyết giáo khế hợp qua chân lý tương đối của Tích Môn, và viên mãn với sự chứng ngộ Nhất Thừa qua Chân Như thuộc Bản Môn.

Ba dụ thuộc Tích môn (23) được nói trên trong tương quan giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối. Mặc dù Chân Như chứa đựng trong chân lý tương đối từ điểm khởi đầu của giáo pháp Phật, Chân Như chỉ được chứng ngộ ở những giai đoạn sau (qua sự hiển lộ bản hoài của Thế Tôn dùng chân lý tương đối để hiển lộ Chân Như) qua đó, Chân Như như Phật Thừa là sự chứng ngộ rốt ráo, và chân lý tương đối như Tam Thừa bị vượt qua.

(i) Tỷ dụ thứ nhất giải thích điểm khởi đầu của giáo pháp Phật liên quan đến những chúng sinh vô minh, những chúng sinh nầy không có khả năng lãnh hội được chân lý tuyệt đối ( mặc dù Tuyệt Đối chứa đựng Tương Đối). Trí Khải diễn tả rằng khi hoa sinh ra, hạt theo liền. Hoa nở cho hạt thành tựu, nhưng không thấy được hạt. Điều nầy nói lên chân lý tương đối bao gồm chân lý tuyệt đối, và ý định của Thế Tôn là muốn hiển lộ Chân Như, nhưng không một ai có khả năng lãnh hội mục đích tối hậu vào thời điểm nầy, sánh với hạt sen chưa được khám phá khi hoa vừa trổ cánh.

(ii) Tỷ dụ thứ hai diễn tả giai đoạn sau cùng của giáo pháp Phật, có đặc tính khai tương đối hiển tuyệt đối, vì tương đối được biết đến như phương tiện cần thiết để chứng ngộ tuyệt đối. Trí Khải mô tả rằng chỉ khi hoa nở, hạt mới được phơi bày. Ngoài ra, sự thành tựu của gương sen tùy thuộc vào hoa. Điều nầy tương tự với khai mở tương đối hiển bài tuyệt đối tùy thuộc vào công dụng của tương đối như phương tiện, giống như gương sen tùy thuộc vào hoa sen nuôi dưỡng để được thành hình.

(iii) Tỷ dụ thứ ba diễn tả kết quả sau cuối của giáo pháp Phật, có đặc tính vượt qua tương đối khi chân lý tuyệt đối Nhất Thừa hiển lộ, và chân lý tuyệt đối nầy có thể đưa hành giả chứng đắc Bồ đề. Trí Khải nói rằng khi hoa tàn rơi, hạt thành tựu. Điều nầy dụ cho sự vượt bỏ Tam Thừa để hiển lộ Phật Thừa. Chỉ có một Phật Thừa đến trực tiếp từ Bồ đề đạo tràng. Thấy được rằng Bồ tát ngần ngại cứu giúp chúng sinh vì chưa thực sự nhận chân được chân lý tuyệt đối (24), và điều nầy giống như hoa trổ cánh. Trong cái nhìn vô tác của chư Phật, Phật tâm là Chân Như, cũng như khi hoa tàn, hạt lộ bày.(25)

Với Bản Môn tam dụ (26), Trí Khải đưa ra mối tương quan giữa Tích Môn và Bản Môn. Tích Môn không thể tự sáng tỏ nếu không nói đến Bản Môn, nhưng Bản Môn cũng không thể được biết đến nếu không có Tích Môn (được sử dụng như sự chuẩn bị giúp thính chúng lãnh hội được Chân Như)

Sự liễu đạt về Tích Môn từ Bản Môn là phương tiện thiện xảo của chư Phật giúp thính chúng được tự do cởi bỏ những trói buộc vào Tích Môn. Đạt được tự do như vậy là yếu tố đưa đến kết quả giác ngộ rốt ráo Chân Như ( biểu thị qua Bản Môn).

(i) Tỷ dụ thứ nhất cho thấy rằng giáo pháp Thế Tôn ở điểm sơ khởi, Tích Môn bị chúng sinh nhìn lầm là chân lý tuyệt đối, vì bản hoài của Thế Tôn về Bản Môn khó được chúng sinh lãnh hội. Trí Khải mô tả rằng hoa chứa đựng hạt sánh với Tích Môn chứa đựng Bản Môn, và được Bản Môn chứa đựng. Mặc dù lòng mong muốn của Thế Tôn đối với Bản Môn, mục đích của Phật khó nhìn thấy rõ, như hạt chứa trong hoa khó nhìn thấy được trước khi hoa mở cánh.

(ii) Tỷ dụ thứ hai cho thấy rằng giáo pháp về sau của Thế Tôn có đặc tính khai Tích hiển Bản. Sự chứng ngộ Bản Môn giúp Bồ tát hướng về Bồ đề. Trí Khải nói rằng khi hoa mở cánh, hạt lộ bày. Điều nầy sánh với sự việc vì Tích mà khai mở Tích để hiển lộ Bản, khiến Bồ tát nhận ra được rằng Thế Tôn đã sử dụng phương tiện khế hợp với chúng sinh. Biết được Tích giúp hành giả vào được Bản.

(iii) Tỷ dụ thứ ba muốn nói rằng như kết quả từ giáo pháp rốt ráo của Thế Tôn, Tích Môn bị vượt bỏ khi Bản Môn lộ diện, hành giả không còn trói buộc vào Tích Môn nên hoàn toàn giác ngộ. Trí Khải giải thích rằng khi cánh tàn, hạt thành tựu. Điều nầy sánh với sự vượt qua Tích Môn và hiển lộ Bản Môn. Vì đã chứng ngộ Bản Môn, hành giả không còn mê muội về Tích Môn. Chỉ khi nào thấy được Tích Môn như vậy, thì hành giả mới nhìn rõ được Bồ đề, đưa đến giác ngộ viên mãn.

Đưa ra sáu tỷ dụ, Trí Khải bắt đầu nối kết những tỷ dụ nầy với nhiều khía cạnh khác nhau. Tích Môn tam dụ và Bản Môn tam dụ làm rõ ý nghĩa thủy và chung của Thập Như Thị trong mười pháp giới lần lượt qua Tích và Bản.

Sự hổ tương giữa Bản Môn tam dụ qua nhiều mặt làm rõ nghĩa thủy và chung của Thập Như Thị đầy đủ trong Tích và Bản. Tỷ dụ thứ nhất cho thấy rằng bằng cách ứng hợp với mười Như Thị Bồ đề Bản Môn, đưa đến mười Như Thị Bồ đề Tích Môn. Tỷ dụ thứ hai cho thấy rằng khai mở mười Như Thị Bồ đề Tích Môn, mười Như Thị Bồ đề Bản Môn sẽ hiển lộ. Tỷ dụ thứ ba cho thấy rằng bằng cách vượt qua mười Như Thị Bồ đề Tích Môn, sẽ thành tựu được mười Như Thị Bồ đề Bản Môn.

Đi xa hơn, Trí Khải làm nổi bật ý nghĩa hoa sen khi dùng hoa sen để sánh với những phần tổng và biệt. Tổng dụ về hoa sen nói lên rằng bất kỳ là ở điểm khởi đầu của một chúng sinh vô minh hoặc điểm hoàn mãn của một vị Phật, tất cả đều có Phật tánh và có đặc tính của Thập Như Thị. Vì vậy, diệu Pháp là pháp trong chúng sinh. Qua tổng dụ như trên, Trí Khải nhấn mạnh rằng điểm thủy và chung của Bồ đề cùng một thực tại. Đại Sư lập luận rằng thủy (như rễ sen) hướng về chung (như sự thành tựu hạt) sánh với diệu pháp. Điểm khởi đầu và điểm sau cuối không khác biệt (như thủy và chung của một đóa sen), và đầy đủ nghĩa Thập Như Thị. Điều nầy dụ cho mặc dù chúng sinh trong Phật giới bắt đầu với vô minh, tất cả đều bình đẳng chứng ngộ Bồ đề, là điểm viên mãn.

Biệt dụ của hoa sen cho thấy rằng hoa sen chứa đựng ý nghĩa Tích Môn và Bản Môn Thập Như Thị (27). Vì Trí Khải nhìn trong hoa sen có Thập Như Thị, chân dung hoa sen có thể hợp hòa toàn thể hệ thống Phật pháp qua mười Như Thị.

Qua những tỷ dụ nầy, Trí Khải chứng minh rằng chỉ có hoa sen mới có thể được dùng để dụ cho diệu pháp. Sở dĩ bản kinh mang tựa đề Diệu Pháp Liên Hoa bởi vì Pháp và Hoa biểu thị cho nhau.


Tham khảo

1 So sánh T33, 771c-772a.
2 So sánh cùng chỗ, 772a-b. Trí Khải không nói ai là những người đã đưa ra mười sáu chú nghĩa về hoa sen nầy. Chúngtôi giả thiết rằng đó là tóm lược của Trí Khải về những văn bản đương thời.
3 Chúng tôi chỉ có thể tìm được chín loại chú nghĩa thay vì mười.
4 Tựa đề Pháp Hoa Luận (Fa-hua lun) là kinh luận Diệu Pháp Liên Hoa. Bài luận về kinh Pháp Hoa nầy do Vasubandhu (Thế Thân) viết, Bodhirici và Tan-lin dịch. Đọc T26, no. 1519, pp.1-10. Trong bài luận nầy, Vasubandhu kể ra mười bảy tên có thể đã được rút ra từ kinh Pháp Hoa. Về dẩn chứng của Trí Khải, so sánh cùng chỗ, T33, 772b-c.
5 Theo Vasubandhu, tên nầy cho thấy rằng kinh Pháp Hoa sử dụng ngôn từ tuyệt diệu, vì qua lời và nghĩa, pháp môn kinh Pháp Hoa diễn đạt một vị thế cực kỳ thâm sâu của diệu pháp chứng đắc bởi chư Phật. Đọc Miao-fa lien-hua-ching Yu-po-ti-she, T26, 2c.
6 Theo Vasubandhu, tên nầy nói về kinh Pháp Hoa như tạng kinh tuyệt đỉnh (Kinh, Luận, và Luật là ba tạng), vì có thể khiến hành giả chứng đắc viên mãn. So sánh cùng chỗ.
7 Theo Vasubandhu, tên nầy nói lên rằng kinh Pháp Hoa không những khiến hành giả chứng đắc toàn vẹn, mà còn khế hợp căn cơ chúng sinh giúp chúng sinh giác ngộ. Đọc cùng chỗ.
8 Theo Vasubandhu, tên nầy cho thấy Pháp Hoa có thể giáo hóa hàng Bồ Tát, là những bậc có căn cơ thuần thục, giúp các vị nầy giác ngộ trọn vẹn. Đọc cùng chỗ.
9 Theo Vasubandhu, tên nầy cho thấy rằng Như Lai Tạng là nguồn gốc, từ đó, Diệu Pháp của Liên Hoa Kinh được mang ra ánh sáng. Đọc cùng chỗ.
10 Theo Vasubandhu, tên nầy cho thấy Diệu Pháp của Liên Hoa Kinh thâm mật, chỉ có chư Phật mới biết tường tận. Đọc cùng chỗ, p.2c.
11 Theo Vasubandhu, tên nầy cho thấy kinh Pháp Hoa chứa đựng tánh đức và tam muội của Như Lai Tạng. Đọc cùng chỗ.
12 Theo Vasubandhu, tên nầy cho thấy kinh Pháp Hoa chứa đựng mật tạng của Phật, không thể giáo phó cho những chúng sinh có căn cơ chưa thuần thục. Đọc cùng chỗ.
13 Theo Vasubandhu, tên nầy cho thấy rằng nếu được nghe pháp môn Diệu Pháp Liên Hoa, chúng sinh có thể chứng ngộ Bồ đề viên mãn. So sánh cùng chỗ.
14 Theo Vasubandhu, tên nầy cho thấy pháp môn Diệu Pháp Liên Hoa có thể đưa đến sự thành tựu Phật trí viên mãn. Đọc cùng chỗ, p. 2c-3a.
15 Theo Vashubandhu, tên nầy cho thấy rằng pháp môn Diệu Pháp Liên Hoa có thể phá chướng ngại. Đọc cùng chỗ, p.3a.
16 Theo Vasubandhu, tên nầy cho thấy rằng pháp môn Diệu Pháp Liên Hoa chứa đựng chân Như Lai Tạng, là cái không thể hoại diệt. Đọc cùng chỗ.
17 Theo Vasubandhu, tên nầy cho thấy rằng khi chứng đắc viên mãn như pháp môn Diệu Pháp Liên Hoa, Phật thuyết cho cõi trời, người, Thanh văn, Duyên giác, pháp thanh tịnh. Đọc cùng chỗ.
18 Theo Vasubandhu, tên nầy cho thấy rằng pháp môn Diệu Pháp Liên Hoa hiển lộ Phật trí viên mãn là thể tối hậu, và pháp Nhị Thừa chưa phải là rốt ráo. Đọc cùng chỗ.
19 Theo Vasubandhu, tên nầy cho thấy rằng pháp môn Diệu Pháp Liên Hoa là quốc độ sau cùng nơi tất cả Pháp Thân chư Phật trú. Đọc cùng chỗ.
20 Theo Vasubandhu, tên nầy cho thấy rằng kinh Pháp Hoa có hai nghĩa, nghĩa hoa sen vượt lên từ mặt nước, và nghĩa hoa sen mở cánh. Hoa sen vươn lên mặt nước chỉ Thanh Văn, Bồ Tát vượt lên cõi của Bồ tát để chứng ngộ. Hoa mở cánh chỉ chúng sinh được lòng tin vào giáo pháp của Phật. Được lòng tin nầy là nhân Bồ đề vi diệu, và vì vậy, sánh với hoa nở. Đọc cùng chỗ.
21 Theo Vasubandhu, tên nầy cho thấy rằng kinh Pháp Hoa có thể hợp nhất tất cả, bao gồm vô số tên, văn từ, và thân. Đọc cùng chỗ.
22 Phần giải nghĩa của riêng Trí Khải về hoa sen, đọc T33, pp.772c-774c.
23 So sánh cùng chỗ, p.773a.
24 Điều nầy nói lên rằng Chân Như tịch tĩnh là vô tác, như cái động đồng thời phát sinh từ tĩnh lặng.
25 Hiển nhiên, hoa mở cánh sánh với Bồ tát hạnh, và hành động dừng nghỉ sánh với hoa tàn, đưa đường vào trí chân thực (như hạt thành tựu).
26 So sánh cùng chỗ, p. 773a.
27 Phần diễn tả của riêng chúng tôi về những tỷ dụ nầy, đọc Phần Hai, quyển I, pp.107-119.