A. Minh dịnh lực dụng
B. Minh định đồng và dị
C. Minh định biệt dụng
D. Tùy thuận Tứ Tất Đàn
E. Sự đồng và dị trong những Tất Đàn
Tham khảo

Chương Bốn: Luận Dụng

(Huyền Nghĩa, Ch.9, T33, 796c – 800a)

Dụng là phần thứ tư trong Ngũ Huyền dùng để chú giải kinh Pháp Hoa. Sau khi đã nói rõ về Tông như yếu chỉ của pháp Phật qua nhân và quả Bồ đề hiển lộ Chân Như, điều cần thiết là luận về cái dụng của Chân Như. Với Trí Khải, mục tiêu tu trì của hành giả không phải chỉ là giải thoát cho riêng mình, nhưng còn vì người, là cái phản ảnh ở chỗ dụng. Chỉ khi Chân Như tác dụng thì có thể mang lại lợi ích cho chúng sinh.

A. Minh định lực dụng (Ming Li-yung)

(T33, 796c-797b). Mặt thứ nhất, Trí Khải kết hợp dụng với lực. So sánh với phần dụng từ những kinh khác, Trí Khải nhìn Pháp Hoa như chứa đựng một năng lực vĩ đại, có thể đưa chúng sinh chứng ngộ Bồ đề. Cái dụng chỉ có năng lực nếu kinh chuyển đạt được Phật giới. Đặc biệt, Trí Khải lập luận rằng, tất cả những bản kinh khác không hiển lộ được tri kiến Phật, không nói rõ rằng Phật đáp ứng theo Tích Môn, không trực tiếp vượt qua Nhị Thừa (Thanh văn và Duyên giác), và không làm sáng tỏ được mối nghi của môn đồ về thân tứ đại của Bồ tát tức Đức Thích Ca Mâu Ni. Kinh Pháp Hoa, ngược lại, không đặt sự quan hệ đến trí Nhị thừa và trí Bồ tát, mà chỉ hiển lộ trí vi diệu của Phật. Kinh nầy cũng không luận đến cái thấy biết của chúng sinh trong chín cõi, mà chỉ nói về tri kiến Phật. Trí Khải tiếp tục nói rằng kinh Pháp Hoa trực tiếp phá vỡ quả vị Nhị thừa khi đưa ra câu chuyện ẩn dụ về một cái thành do biến hóa mà có (Hua cheng) (1). Cái thành do biến hóa mà có nầy cũng nên phá bỏ, và sự thực hành lấy Nhị thừa làm nhân tu tập cũng nên vượt qua. Trong kinh Pháp Hoa, tất cả những phương tiện khế cơ đều được xem là chân lý tương đối thuộc Tích Môn, và nơi mà Bản Môn lộ bày thì gồm thu tánh đức, biểu thị Chân Như.

B. Minh định đồng và dị (Ming Tung-i)

(T33, 797b). Mặt thứ hai, Trí Khải nhấn mạnh sâu hơn về khía cạnh Dụng độc nhất vô nhị của kinh Pháp Hoa so sánh với những kinh khác. Ngoài vấn đề tên gọi (như tương đối và tuyệt đối) có thể giống những kinh khác, lực dụng tuôn tràn của kinh Pháp Hoa chỉ có một, không hai. Đỉnh cao vô thượng nầy được Trí Khải phát họa qua mười công dụng trong Tích Môn và trong Bản Môn.

C. Minh định biệt Dụng (Ming Li-pieh)

(T33, 797b-799c). Mặt thứ ba, Trí Khải phân tích chi tiết mười cái dụng của Tích Môn và của Bản Môn khiến lực dụng của kinh Pháp Hoa được rõ ràng.

I. Với Trí Khải, mười cái dụng thuộc Tích môn diễn đạt Tích Môn Thập Như Thị (2).

(1) Bỏ Ba lấy Một (Po San Hsien-I) : Là cái dụng liên quan đến Diệu Trí. Thấy rằng Tam Thừa (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát) hiểu lầm ba giáo pháp (Tạng giáo, Thông giáo, và Biệt giáo) nơi đó là Chân Như, và bị trói buộc vào ba pháp môn nầy, Thế Tôn biết rằng phải giúp các vị nầy phá bỏ sự ràng buộc để thấy được trí Phật như Nhất Thừa. Vì thế, Phật giới thiệu một Phật thừa tối thượng, khiến tam thừa ra khỏi sự chấp trước nầy. Bác bỏ và lộ bày đều tương quan với cái dụng của Phật trí. Không có cái dụng nầy, chân lý tương đối của tam thừa và chân lý tuyệt đối của một Phật thừa không được chúng sinh biết đến.

(2) Phá Ba lấy Một (Fei San Hsien-I) : Là cái dụng liên quan đến Diệu Thuyết Pháp. Bước thứ nhất nói trên đã cắt đứt sự ràng buộc của môn đồ vào ba pháp môn. Với cái nhìn của Trí Khải, mục đích của sự bác bỏ trên là để đi xa hơn đến sự phá bỏ Tam Thừa để hiển lộ Nhất Thừa, với mục đích ngăn chận chúng sinh đời vị lai bị trói buộc. Sự phá bỏ nầy tương quan với giáo lý Phật, vì không có giáo lý Phật thì sự phá bỏ ba pháp môn trên sẽ không được làm sáng tỏ.

(3) Khai Ba Hiển Một (Kai San Hsien-I) : Là cái dụng liên quan đến Diệu Cảnh. Điều nầy được nói đến qua giáo và lý. Trí Khải nói rằng qua kinh Pháp Hoa, Không Đế ba pháp môn chủ trương thì đồng với Chân Như. Thế Tôn đã nói rõ nguyên lý Chân Như quan trọng nằm trong ba giáo pháp nầy, vì mục tiêu sau cùng là hướng dẩn chúng sinh vào được Một Phật Thừa.

(4) Hội Ba Hiển Một (Hui San Hsien-I) : Là cái dụng liên quan đến Diệu Hành. Điều nầy được nói qua phương pháp tu tập. Trí Khải nói rằng mục đích khai tam là để hoán chuyển phương pháp hành trì. Chỗ nầy cho thấy kinh Pháp Hoa quy tụ ba mặt Nhân, Pháp, và Hành. Ba mặt nầy hợp nhất trong hạnh nguyện của Bồ tát trên đường hướng về Phật giới, quy tam hiển nhất.

(5) Trú Một Hiển Một (Chu-I Hsien-I) : Là cái dụng liên quan đến Diệu Tam Pháp (3). Điều nầy được nói qua bản hoài của Thế Tôn. Trí Khải nhấn mạnh rằng hoài bảo của Phật là dùng trí vô thượng để hoán chuyển chúng sinh. Vì thế, Phật thường trụ nơi nhất thừa, và thuyết một Phật thừa giáo hóa chúng sinh.

(6) Trú Ba Hiển Một (Chu San Hsien-I) : là cái dụng liên quan đến Diệu Cảm Ứng. Trí Khải nói rằng chỗ nầy được nói qua sự sử dụng phương tiện trí tương đối của Phật để giáo hóa chúng sinh. Phương tiện được dùng (trụ nơi tam thừa) là vì muốn hiển lộ chân lý tối thượng ( hiển một).

(7) Trú nơi Chẳng Ba Chẳng Một để hiển Một (Chu Fei-san Fei-I Hsien I) Là cái dụng liên quan đến Diệu Thần Thông. Điều nầy được nói qua nguyên lý hoặc hiện tượng. Về lý, chỉ các pháp thường vô tự tính, vì là Không. Từ cái thấy rằng vạn pháp vô tự tính tức Không, Tam thừa và Nhất thừa có thể được nhìn như chẳng ba mà cũng chẳng một. Trụ nơi chẳng ba chẳng một, Phật hiển lộ hạt giống Bồ đề phát khởi từ nhân và duyên, và đây là sự lộ bày của một. Về sự, Phật luôn dùng nhân thừa và thiên thừa (chẳng ba chẳng một) để đưa chúng sinh vào Đại thừa (hiển một).

(8) Che Ba lộ Một (Fu San Hsien I) : Là cái dụng liên quan đến Diệu Vị. Trí Khải nói về điều nầy qua những phương tiện thiện xảo được Thế Tôn sử dụng. Thay vì diệt tam thừa, Thế Tôn che tam thừa để lộ bày nhất thừa, với mục đích tạo thêm nhiều cơ hội hoán chuyển chúng sinh. Che ba thay vì diệt ba chừa một cơ hội dùng đến về sau khi nhân và duyên sinh khởi. Vì Thế Tôn dùng nhiều phương tiện khế cơ đưa đến những thứ lớp giác ngộ khác nhau, cái dụng nầy tương quan với Diệu Vị.

(9) Trú Ba Dùng Một (Chu San Yung-I) : Là cái dụng liên quan đến Diệu Quyến Thuộc. Đây là chỗ Trí Khải nói về môn đồ như quyến thuộc thành tựu từ sự đáp ứng của Pháp thân. Môn đồ Tam thừa (trụ nơi Tam thừa) thực sự là sự hiển lộ của Pháp thân (dụng một).

(10) Trú Một dùng Ba (Chi Yung-San) : Là cái dụng của Diệu Lợi Ích. Trí Khải nói về lời thệ nguyện của chư Phật. Chư Phật nguyện thuyết Tam thừa trong cõi người. Bản nguyện nầy của Phật chỉ trụ Một, và thuyết ra Tam thừa chỉ dụng Ba.

II. Với mười cái dụng thuộc Bản Môn, theo Trí Khải, là sự diễn đạt Bản Môn Thập Diệu (4). Nếu mười cái dụng thuộc Tích Môn được xem là trình bày mối tương quan giữa Tam Thừa và Nhất thừa, thì mười cái dụng của Bản Môn được xem là hiển lộ sự liên hệ giữa Tích Môn và Bản Môn. Điều nầy cho thấy rằng cả hai nhóm Thập Diệu đều nói đến Chân Như bao gồm tương đối và tuyệt đối. Mặc dù mười cái dụng của Tích Môn và của Bản Môn được Trí Khải nói đến với những tên gọi khác nhau, nhưng cùng gồm thu giáo pháp Phật trong việc chuyển đạt Chân Như hoặc Thực Tại. Tam thừa và Tích Môn được xem là tương đối, Nhất thừa và Bản Môn được xem là tuyệt đối. Những danh xưng tương tự trong hai nhóm nầy chứng minh rằng qua học thuyết của Trí Khải Đại Sư, giáo pháp Phật nối kết liên tục không gián đoạn. Bất kỳ là giáo pháp tương đối hoặc tuyệt đối, Trí Khải nhấn mạnh rằng bản hoài của Thế Tôn là muốn hiển lộ Một Phật Thừa đã nằm sẳn trong Bản Môn.

(1) Bỏ Tích Hiển Bản (Po-chi Hsien-pen) : Là cái dụng liên hệ đến Diệu Bản Nhân. Trí Khải nói rằng chỗ nầy liên quan đến diệt sự ràng buộc của Tam thừa đối với Tích Môn. Bằng cách vén mở Tích Môn về sự chứng đạo trong hiện đời của Đức Thích Ca Mâu Ni, sự giác ngộ trong vô lượng thời gian qua của Phật thuộc Bản Môn được phơi bày.

(2) Phá Tích Hiển Bản ( Fei-chi Hsien-pen) : Là cái dụng liên hệ đến Diệu Bản Thuyết Pháp. Trí Khải giải thích rằng trong quá khứ, chúng sinh có những ngăn ngại từ ngũ uẩn, Phật khó có thể thuyết về Bản Môn, mà chỉ nói riêng về sự thành tựu của Phật hiện đời qua Tích Môn. Trong kinh Pháp Hoa, những ngăn ngại của chúng sinh đã bị xóa mờ, vì thế, cần phải bỏ Tích để lộ bày Bản.

(3) Khai Tích Hiển Bản (Kai chi Hsien pen) : Là cái dụng liên hệ đến Diệu Bản Quả. Trí Khải nói về điều nầy qua giáo và lý. Giáo pháp của Thế Tôn qua Tích Môn hiển lộ Bản Môn. Bằng cách khai mở Tích Môn, Bản Môn như nguyên lý sẽ được phơi bày.

(4) Hội Tích Hiển Bản (Hui chi Hsien pen) : Là cái dụng thuộc Diệu Bản Quả. Chỗ nầy Trí Khải nói về hành. Tất cả Phật hạnh trong Tích Môn có thể quy về Bản Môn. Vì thế, khi Tích đã rõ ràng là phương tiện (hội Tích), thì Bản lộ bày (hiển Bản).

(5) Trú Bản Hiển Bản (Chu pen Hsien pen) : Là cái dụng thuộc Diệu Bản Quốc Độ. Đây là Trí Khải nói về bản hoài của Phật. Phật thường trụ nơi cõi Sa Bà để hiển lộ Pháp thân.

(6) Trú Tích Hiển Bản (Chu chi Hsien pen) : Là cái dụng thuộc Diệu Bản Quốc Độ. Đây là nói về Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, đã có thể mở bày quốc độ trong khi vẫn còn dùng ứng thân trong hiện thời của Tích môn.

(7) Trú nơi Chẳng Tích Chẳng Bản hiển lộ Bản (chu Fei-chi Fei-pen Hsien-pen) : Là cái dụng thuộc Diệu Bản Cảm Ứng. Đây là chỗ Trí Khải nói về những hội tụ của lý vượt trên lời. Với nghĩa nầy, Phật trú nơi chẳng Tích chẳng Bản, và hiển lộ cả hai để độ chúng sinh. Nói cách khác, Tích được trình bày trong quá khứ, mặc dù quá khứ không phải chỉ là Tích; hiện tại, Bản hiển bài kinh Pháp Hoa, mặc dù hiện tại không phải chỉ là Bản.

(8) Che Tích Lộ Bản (Fu chi Hsien pen) : Là cái dụng thuộc Diệu Bản Thần Thông. Đây là Trí Khải nói về những phương tiện thiện xảo được Thế Tôn sử dụng khế hợp với căn tánh chúng sinh. Với mục đích giúp môn đồ thoát ra ngoài sự tự mình quấn chặt vào Tích Môn, Phật che Tích và hiển lộ Bản (với dụng ý giữ Tích để dùng về sau trong việc hoán chuyển chúng sinh).

(9) Trú Tích Dụng Bản (Chu chi Yung pen) : Là cái dụng của Diệu Bản Thọ Mệnh và Diệu Bản Quyến Thuộc. Trí Khải nói rằng không những Thế Tôn chỉ hiển lộ Bản mà còn sử dụng Bản. Mặc dù Phật trú trong Tích Môn, thị hiện sinh tử biết bao lần, sự thị hiện sinh tử nầy thật ra chính là sự biểu lộ Bản Thọ Mệnh. Hơn thế nữa, Tích Môn được biểu thị bởi môn đồ Tam thừa là thuộc về Bản Quyến Thuộc.

(10) Trú Bản Dụng Tích (Chu pen Yung chi) : Là cái dụng thuộc Diệu Bản Niết Bàn và Diệu Bản Lợi Ích. Từ cái nhìn của bậc Đại Sư, cái dụng nầy là cột trụ của Phật ở Bản Môn, trong khi Phật hiển lộ Tích Môn thấm tràn pháp giới. Trí Khải nói rằng Tích không phải là Bản, nhưng Phật thị hiện sinh; Tích không phải là diệt, nhưng Phật thị hiện tử. Như vậy, qua Tích, Phật làm lợi ích chúng sinh. Với cái thấy của hàng môn đồ, trú Bản dụng Tích chỉ các Bồ tát thuộc Tích Môn, là biểu tượng của Pháp thân. Với pháp vô trụ, Phật trú nơi Bản; với chân lý tương đối và vô tác, Phật tận dụng Tích để giáo hóa chúng sinh.

D. Tùy thuận Tứ Tất Đàn ( Sui Ssu-Hsi-Tan)

(T33, 799b-c). Trong phần thứ tư, Trí Khải tóm lược những cái dụng nói trên qua Tích và Bản trong tương quan với Tứ Tất Đàn, khiến sự lợi ích trong việc giáo hóa chúng sinh từ những cái dụng nầy được phơi bày.

1. Mười cái dụng trong Tích Môn được Trí Khải tóm kết một cách biệt thù và tổng quát.

(1) Một cách biệt thù, thấy rằng mười cái dụng với Tứ Tất Đàn có thể được chia làm bốn nhóm phù hợp với Tứ Tất Đàn (5).

(i) Qua những cái dụng được tóm lược với Vị Nhân Tất Đàn, khai mở ba hiển lộ một, trú ba dùng một, hội tụ ba hiển lộ một được Trí Khải đưa ra tùy thuận với Vị Nhân Tất Đàn. Lý do là vì ba cái dụng nầy cho thấy rằng Một Phật Thừa có trong Tam thừa, và hành giả không cần phải bỏ Tam thừa mới đến được với Nhất thừa. Vì Vị Nhân Tất Đàn là để phát khởi tịnh tâm có sẳn trong mỗi chúng sinh, và ba cái dụng nầy cũng biểu thị Nhất thừa có sẳn trong Tam thừa, hợp với nhau.

(ii) Qua những cái dụng được tóm lược với Đối Trị Tất Đàn, diệt ba hiển một, bỏ ba hiển một, và che ba lộ một, được Trí Khải đưa ra tùy thuận với Đối Trị Tất Đàn. Lý do là vì ba cái dụng nầy phá vỡ những mầm mống bệnh tật trong chúng sinh, khiến chúng sinh vượt thoát sự trói buộc vào Tam thừa. Vì Đối Trị Tất Đàn dùng để đối trị những thói quen xấu ác của chúng sinh nên phù hợp với ba cái dụng nầy.

(iii) Qua những cái dụng được tóm lược với Thế Tục Tất Đàn, trú trong ba hiển một, trú trong một và dùng ba, được Trí Khải đưa ra phù hợp với Thế Tục Tất Đàn. Lý do là vì trú nơi Tam thừa và sử dụng Tam thừa, Phật cung ứng khế hợp căn tánh chúng sinh. Thuận theo nhu cầu của chúng sinh trong việc giáo hóa những thừa khác nhau tức Thế Tục Tất Đàn.
(iv) Qua những cái dụng được tóm lược với Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn, trú trong một hiển ba, trú trong chẳng ba chẳng một hiển một, được Trí Khải đưa ra phù hợp với Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn. Lý do là vì hai cái dụng nầy hiển lộ chân lý chỉ liên quan đến một Phật thừavà một Phật thừ nầy viên dung tất cả thực tại, không còn sự phân biệt giữa Tam thừa và Nhất thừa. Một sự biểu thị về chân lý như vậy thuộc Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn.

(2) Tổng kết về mười cái dụng với Tứ Tất Đàn cho thấy rằng mỗi một cái dụng thuộc Tích Môn đều chứa đựng Tứ Tất Đàn. Trí Khải khảo sát trường hợp nầy một một ví dụ diệt ba hiển một. Trí Khải giải thích ý nghĩa cái dụng nầy có trong Tứ Tất Đàn.

(i) Thế Tục Tất Đàn được nói đến qua sự diệt trói buộc vào Tam thừa, và xa lìa tật bệnh, vì hành giả có thể an trú trong lời Phật về Nhất thừa.

(ii) Vị Nhân Tất Đàn được nói đến qua sự diệt Tam thừa và theo về với một Phật thừa, vì tâm giác ngộ của hành giả phát sinh, và sự liễu đạt chân lý của hành giả là pháp thanh tịnh gia tăng.

(iii) Đối Trị Tất Đàn được nói qua giáo lý Phật cho thấy rằng bị ràng buộc trong Tam thừa là bệnh, và với lời Phật, hướng về Nhất thừa được an lạc.

(iv) Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn được nói đến qua sự chứng đắc tri kiến vào được lý Phật thừa khi nghe được giáo pháp diệt sự trói buộc vào Tam thừa.

II. Mười cái dụng của Bản Môn được Trí Khải tóm lược tổng và biệt với Tứ Tất Đàn (6) .

(1) Nói về mặt biệt thù, mười cái dụng được Trí Khải chia ra làm bốn nhóm, và mỗi một nhóm phù hợp với từng phần trong Tứ Tất Đàn.

(i) Qua những cái dụng được tóm lược với Thế Tục Tất Đàn, trú trong Tích và hiển Bản, và trú nơi Bản và dùng Tích được thấy là phù hợp với Thế Tục Tất Đàn, Trí Khải nói. Lý do là vì bằng cách trú trong Tích và dùng Tích, Thế Tôn đáp ứng nhu cầu của chúng sinh, phương cách thuộc về Thế Tục Tất Đàn.

(ii) Qua những cái dụng được tóm lược với Vị Nhân Tất Đàn khai Tích hiển Bản, Hội Tích hiển Bản, Trú Tích dụng Bản đuợc thấy là phù hợp Vị Nhân Tất Đàn, Trí Khải nói. Lý do là vì ba cái dụng nầy cho thấy Tích chứa đựng Bản như Chân Như, và hành giả không cần phải tìm kiếm Chân Như ở nơi nào khác. Chân Như phơi bày như nguyên lý có mặt trong vạn sự vạn vật được nói qua Vị Nhân Tất Đàn.

(iii) Qua những cái dụng được tóm lược với Đối Trị Tất Đàn, diệt Tích hiển Bản, bỏ Tích hiển Bản, che Tích lộ Bản được thấy là phù hợp với Đối Trị Tất Đàn, Trí Khải nói. Lý do là vì ba cái dụng nầy phá vỡ sự trói buộc của hành giả vào Tích Môn, và diệt những thói quen xấu ác của chúng sinh, được nói đến trong Đối Trị Tất Đàn.

(iv) Qua những cái dụng được tóm lược với Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn, trú Bản hiển Bản, trú nơi chẳng Bản chẳng Tích hiển Bản, được thấy là phù hợp với Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn, Trí Khải nói. Lý do là vì trú nơi Bản nhưng chẳng Bản mà cũng chẳng Tích, Thế Tôn lộ bày bản hoài thuyết ra Chân Như Bồ Đề, và sự lộ bày như vậy chỉ Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn.

(2) Nói về mặt tổng quát, Trí Khải cho thấy rằng mỗi một cái dụng trong mười cái dụng đều chứa đựng ý nghĩa của Tứ Tất Đàn.(7)

E. Sự đồng và dị trong những Tất Đàn ( Hsi-Tan Tung-I )

(T33, 799c-800a) Nói về cái dụng qua Tứ Tất Đàn, trong phần nầy, Trí Khải đi xa hơn khi dùng Tứ Tất Đàn để đưa ra sự khác biệt gìữa kinh Pháp Hoa và những kinh khác, khiến cái dụng siêu việt trong kinh Pháp Hoa được xác định. Những khác biệt nầy thấy được qua sự khảo sát về Tích Môn và Bản Môn.

I. Để làm sáng tỏ những khác biệt qua Tích Môn, Trí Khải định nghĩa Tích Môn là giáo pháp Phật qua năm giai đoạn. Đại Sư cho thấy rằng Tứ Tất Đàn đã được sử dụng khác nhau suốt trong năm thời giáo của Thế Tôn. Sánh với những giáo lý khác, kinh Pháp Hoa đạt đến chỗ thiện xảo bậc nhất trong việc dùng Tứ Tất Đàn, vì mỗi một Tất Đàn bao gồm những Tất Đàn khác.(8)

II. Trí Khải nhìn Bản Môn Tứ Tất Đàn như khuôn mặt độc nhất vô nhị của kinh Pháp Hoa. Với phương thức khai Tích hiển Bản, Tứ Tất Đàn trong kinh Pháp Hoa vĩnh viễn khác biệt với những kinh khác. Vì thế, mười cái dụng thuộc Bản Môn, cùng với Tứ Tất Đàn có trong mỗi một cái dụng trong Bản Môn, chỉ thấy trong kinh Pháp Hoa mà thôi. Trí Khải nhấn mạnh rằng chỉ cái dụng thuộc Tích Môn của kinh Pháp Hoa cũng đã vượt trên những kinh khác, chưa kể đến Tứ Tất Đàn có trong mỗi cái dụng nầy. Tại sao? Những kinh khác không có bất cứ cái dụng nào trong mười cái dụng thuộc Bản Môn, cũng không nói đến tất cả mười cái dụng nầy. Tứ Tất Đàn trong Bản Môn cũng đã vượt xa Tứ Tất Đàn trong các kinh khác, vì những kinh khác không có ngay cả một Bản Môn Tứ Tất Đàn, nói chi đến cả bốn Bản Môn Tất Đàn. Như vậy, Trí Khải kết luận rằng cái dụng của kinh Pháp Hoa là cái dụng siêu việt.

Phần mô tả nói trên là nổ lực của Trí Khải trình bày sự độc đáo của kinh Pháp Hoa về mặt dụng. Điều nầy để nói rằng kinh Pháp Hoa gồm chứa mườI cái dụng về cả hai mặt Tích và Bản, tự khác biệt vớI những kinh khác. Sự độc đáo về mặt dụng qua Tích Môn và Bản Môn trong kinh Pháp Hoa rất hiển nhiên trong cách phân loại phù hợp vớI Tứ Tất Đàn, bởI vì Tứ Tất Đàn biểu thị toàn thể giáo pháp Phật. Như kết quả từ Chân Như hoạt dụng qua những đường lối khác nhau phản ảnh mườI cái dụng thuộc Tích và Bản, giáo pháp Phật cũng mang những đặc tính khác biệt. Tiếp theo, sự phân loại những đặc tính của pháp Phật là đề tài Trí Khải nói đến trong những chương sau, từ đó, đưa đến kết luận về toàn thể hệ thống Đại Sư chú giải kinh Pháp Hoa trong tác phẩm Pháp Hoa Huyền Nghĩa.


Tham Khảo

1 Nhị thừa tương tự hóa thành, là phương tiện giả lập để hướng dẩn chúng sinh bình đẳng chứng ngộ rốt ráo Bồ Đề. Trong phẩm Hóa Thành Dụ kinh Pháp Hoa, Thế Tôn dạy rằng không có hai thừa mà chỉ có một Phật thừa, nhờ đó chúng sinh đạt đến diệt độ. Cũng như người đưa đường muốn đưa một số đông người qua những chặng đường hiểm trở, đến được nơi chôn dấu kho tàng châu ngọc, liền hóa ra một cái thành ở giữa đoạn đường khiến mọi người được an nghỉ. Khi mọi người đã lấy lại được sức lực như người đưa đường mong muốn, người nầy liền đó phá bỏ hóa thành, và cho biết rằng thành nầy chỉ như một phương tiện giúp chúng sinh đạt đến Phật thừa – tức nơi chôn dấu kho tàng trân bảo. Đọc kinh Pháp Hoa, T9, 25c-27b.

2 So sánh Huyền Nghĩa, T33, 797b-798b.

3 Trí Khải phân tích Một Phật Thừa qua Diệu Tam Quỹ Phạm. ba quỹ phạm nầy (Chân tánh, Quán Chiếu, Tư Thành chỉ Chân Như, Trí Tuệ, và Hành) thành tựu Nhất Thừa, đưa chúng sinh về với Phật giới.

4 So sánh Huyền Nghĩa, T33, 798b-799b.

5 So sánh cùng chỗ, 799b-c.

6 So sánh cùng chỗ, 799c.

7 Trí Khải không đưa ra một giải thích, và chỉ nói rằng hành giả nên rút ra một suy luận từ thí dụ trên về bỏ ba lấy một trong cửa Tích, dưới đề mục Minh định tổng quát về Tứ Tất Đàn.
Phần trình bày của Trí Khải về mỗi Tất Đàn bao gồm trong những Tất Đàn khác, đọc phần mô tả của chúng tôi, p.38-40.