LUẬN THI THIẾT
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Thi Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 6
– Phần thứ mười: Nhân Thi thiết trong Đối Pháp Đại Luận (Phần II) Hỏi: Vì sao có loại núi nhiều cỏ cây, có loại núi ít cỏ cây?
Đáp: Nghĩa là một loại núi ở phía dưới có long cung nên có nhiều cỏ cây rậm rạp, còn loại núi kia phía dưới không có long cung nên cỏ cây thưa thớt, ít ỏi. Lại còn có loại núi đất đai cao vót nên cỏ cây rậm rạp. Còn có loại núi có chứa nhiều báu vật như vàng, bạc, đồng, sắt, đất đỏ, đất trắng, nằm ẩn sâu dưới núi cho nên cây cối thưa thớt ít ỏi. Lại có loại núi ở phía dưới có địa ngục, cho nên ít cỏ cây. Còn có loại núi ở phía dưới không có địa ngục, cho nên có nhiều cây cối. Do nhân đó nên có các việc như thế.
Hỏi: Vì sao lại có loại cây hình dạng to lớn, còn có loại thì không to?
Đáp: Nghĩa là có địa phương thì địa giới ấm áp, thủy giới đầy đủ, hỏa giới điều hòa, phong giới bình ổn yên tĩnh cho nên cây rất to. Còn có nơi (địa phương) thì có địa giới không ấm áp, nước không tăng vọt phun lên, lửa không điều hòa, và gió không bình ổn yên tĩnh, cho nên cây cối không to được. Do các nhân đó nên có sự việc như thế.
Hỏi: Vì sao có loại cây thì lá rất lớn, còn loại cây thì lá rất nhỏ?
Đáp: Nghĩa là có loại cây ở vùng đất đai ấm áp, nước nổi phun mạnh, chất nóng (lửa) điều hòa, sức gió bình ổn nên lá cây to. Còn loại cây kia vì đất đai không ấm áp, nước không phun mạnh, lửa không điều hòa (ánh nắng), gió không bình ổn, cho nên lá cây không to. Do nhân duyên đó mà có việc như thế.
Hỏi: Do đâu mà có loại cây thì hoa của nó rất tươi tốt, còn một loại thì không có hoa?
Đáp: Có một loại cây đẹp đẽ cao vót, cho nên có bông hoa tươi tốt. Còn loại cây kia hình dạng không đẹp đẽ xinh tươi, lại không cao lớn cho nên nó không có hoa. Do các duyên đó nên có các việc như thế.
Hỏi: Vì sao có loại cây thì có quả hạt, lại có loại không có quả hạt?
Đáp: Nghĩa là có loại cây vị giới (mùi vị) tăng mạnh đầy đủ, nên nó liền có quả hạt. Còn loại cây kia vì bản chất mùi vị không tăng mạnh, nên nó không có quả. Do nhân đó nên có các việc như thế.
Hỏi: Do đâu có loài cây lại có hoa rất thơm, còn có loại thì không có hương thơm?
Đáp: Có loài hoa vốn có hình dáng tuyệt đẹp không bị lửa, sức nóng phá hỏng, cho nên nó có mùi thơm tuyệt diệu. Còn có loài hoa vốn hình dáng không đẹp, lại bị sức nóng phá hỏng, cho nên không thơm. Do nhân duyên đó mà có các việc như thế.
Hỏi: Do đâu có loại quả đầy đủ mùi vị ngon lành, còn có loại thì không có?
Đáp: Có loại quả mùi vị của nó bị sức nóng làm hỏng, nên quả không có mùi vị; có loại quả không bị sức nóng của lửa phá hỏng, nên quả có mùi vị. Do nhân đó nên có việc như thế.
Còn các thứ bông hoa, quả, hạt, màu sắc, hương thơm, mùi vị, hoặc có hoặc không cũng thế.
******
– Phần thứ mười một: Nhân thi thiết trong Đối Pháp Đại Luận.
Tụng nêu chung:
Phật Thế Tôn và chúng Thanh văn,
Hóa nhân – ăn uống – bốn thứ đại,
Ẩn mất – có khói – lửa cháy sáng,
Rốt sau – như không – không biểu hiện.
Hỏi: Vì sao Đức Phật Thế Tôn lại có tài biến hóa rất giỏi. Người giả do Phật biến hóa có hình dáng đẹp đẽ, ai cũng thích nhìn, có đầy đủ tướng của bậc đại nhân, thân tướng oai nghiêm. Nếu khi Phật nói năng thì hóa nhân liền nín lặng, nếu hóa nhân nói thì Phật liền nín lặng. Hàng đệ tử Thanh văn của Phật cũng có thể biến hóa được. Người giả được hóa ra hình dạng cũng đẹp đẽ, cạo đầu, đắp y, có hình tướng Sa-môn. Vì sao khi người biến hóa nói năng thì hình nhân giả kia cũng nói, khi người biến hóa im lặng thì hình nhân kia cũng nín lặng?
Đáp: Vì chư Phật Thế Tôn luôn luôn trụ trong Tam-ma-địa, tâm luôn tự tại, khi ra khi vào đều nhanh chóng không, luôn luôn trong mọi lúc đều không buông bỏ đối tượng. Trái lại hàng Thanh văn thì không như thế, vì không giống như Đức Thế Tôn, đầy đủ nhất thiết trí, tâm trí luôn được tự tại vì đã “Đến bờ giác”. Do nhân duyên đó, nên hóa nhân do Phập hóa ra có hình dáng đoan nghiêm, khi nói thì có thể yên lặng, khi yên lặng thì có thể nói. Còn hóa nhân do Thanh văn hóa ra hình dáng cũng đoan nghiêm, đẹp đẽ, cạo đầu đắp y, nhưng hình nhân đó khi Thanh văn nói thì nó nói, khi yên lặng thì nó cũng yên lặng, không thể tự tại được.
Có kẻ nghi ngờ hỏi: Nếu hình nhân do Phật hóa ra cũng giống như của Thanh văn, hình nhân của Thanh văn hóa ra cũng giống như của Phật, thì có thể nói là có đủ bốn đại hay không có?
Đáp: Có đủ bốn đại.
Hỏi: Hình nhân hóa ra đó thì nói được là do sắc tạo ra hay không phải sắc tạo?
Đáp: Nói là do sắc tạo ra.
Hỏi: Hình nhân hóa ra đó có suy nghĩ hay không?
Đáp: Có hai loại khởi lên: Một là do duyên giữ gìn. Hai là do tưởng tạo thành. Nếu do duyên trì mà khởi lên thì có suy nghĩ. Nếu do tưởng tạo thành mà khởi lên thì không có suy nghĩ.
Hỏi: Hình nhân được hóa ra đó làm sao có tâm tự tại?
Đáp: Ở đây có hai thứ khởi lên: Một là do duyên giữ gìn, hai là do tưởng mà thành. Nếu do duyên giữ gìn mà khởi lên thì hình nhân đó có tâm tự tại. Nếu do tưởng tạo thành khởi lên thì hình nhân đó tâm không tự tại.
Hỏi: Hình nhân hóa ra đó thì phần vị trung gian nói là có đủ bốn đại hay không?
Đáp: Nói có đủ bốn đại.
Hỏi: Phần vị trung gian có thể nói là do sắc tạo ra hay không?
Đáp: Nói là do sắc tạo ra.
Hỏi: Phần vị trung gian đó có suy nghĩ hay không?
Đáp: Có suy nghĩ.
Hỏi: Phần vị trung gian làm thế nào mà tâm được tự tại?
Đáp: Ấy là tùy theo tâm người biến hóa có tự tại hay không.
Hỏi: Hóa nhân đó khi ăn uống vào bụng thì làm sao tiêu hóa được?
Đáp: Có hai thứ khởi sinh: Một là do duyên duy trì, hai là do tưởng tạo thành. Nếu do duyên duy trì mà khởi lên thì ăn uống có tiêu hóa.
Còn nếu do tưởng tạo thành thì ăn uống không tiêu hóa.
Hỏi: Hóa nhân ấy khi nào thì ẩn mất?
Đáp: Có hai thứ khởi lên: Một là do duyên duy trì, hai là do tưởng tạo nên. Nếu do tưởng tạo ra mà khởi lên thì nó liền ẩn mất. Nếu do duyên duy trì khởi lên thì hoặc biến mất, hoặc không biến mất.
Hỏi: Đến khi nào thì biến mất?
Đáp: Tùy theo người biến hóa, hoặc trời, hoặc người, hoặc A-tula, hoặc tướng thiện, tướng ác. Nếu người hóa ra biến mất thì hóa nhân cũng biến mất.
Hỏi: Vì sao lại không biến mất?
Đáp: Trong khoảng sau cùng, dù có xa xôi cách trở cho đến khi trở về trụ vào tự tướng, thì đây là không biến mất.
Hỏi: vì sao khi Thánh nhân hóa ra lửa thì có khói hay không?
Đáp: Do người biến hóa tâm luôn được tự tại nên tùy vật người ấy hóa ra liền có khói. Do nhân đó mà có việc như thế.
Hỏi: Vì sao khi hóa lửa, lửa có cháy sáng hay không?
Đáp: Do người biến hóa có tâm luôn tự tại nên tùy theo vật hóa ra, lửa sẽ cháy sáng lên. Do các nhân đó, nên có việc như thế.
Hỏi: Vì sao khi hóa ra lửa thì chỉ đốt cháy thân mình và trang phục của mình, chứ không đốt cháy người khác và vật khác?
Đáp: Tùy người biến hóa, vì tâm của người nầy tự tại và theo ý mong ước, chỉ đốt cháy thân mình và trang phục của mình. Do nhân đó nên có việc như thế.
Hỏi: Vì sao khi Thánh nhân hóa lửa nóng đốt cháy thân mình thì chỉ nhìn thấy trống không, ngoài ra không có một hình ảnh nào, và các vật khác đều không biểu hiện?
Đáp: Khi Thánh nhân hóa ra lửa, thì mọi phần vị địa phương, các việc đi đứng ngồi nằm v.v…, tất cả đều dùng để biến thành lửa, hỗn độn thành một vùng lửa lớn và khắp nơi toàn lửa nóng. Nhưng chỉ nhìn thấy trống không, ngoài ra không thấy một hình ảnh nào, và các thứ khác đều không biểu hiện ra. Do nguyên nhân đó nên có các việc như thế.
******
– Phần thứ mười hai: Nhân thi thiết trong Đối Pháp Đại Luận.
Tụng nêu chung:
Biển lớn thứ lớp và rộng sâu,
Chúng sinh ở biển, cùng vị mặn,
Không chứa thây chết, báu vật nhiều,
Chúng sinh thân lớn, mưa rót nước.
Như kinh nói: “Các biển lớn ban đầu thì nhỏ, rồi dần dần mới rộng lớn sâu hơn, chứ không phải tự nó sâu rộng nguy hiểm ngay từ xa xưa”.
Nay xin hỏi việc đó vì sao như thế?
Đáp: Không phải biển khơi lần lượt từ nhỏ hẹp rồi sâu rộng dần ra, cũng không phải từ xa xưa đã sâu rộng hiểm nguy rồi, mà tùy theo mỗi đại châu có các phần vị như thế. Cũng như các giống lúa gạo, lúa mì tụ họp lần lượt theo phần vị của nó. Do các nhân nầy mà có việc như thế.
Theo như kinh nói: “Biển khơi sâu rộng bao la thật khó biết được đến tận đáy sâu”. Nay xin hỏi: Các việc đó như thế nào?
Đáp: Không phải là biển khơi sâu rộng khó biết ngọn nguồn của đáy biển, mà chỉ vì nước của biển quá nhiều khi dâng lên, lúc rút xuống. Nếu dùng một thứ đồ vật, hay gấp trăm, gấp ngàn, hoặc gấp trăm ngàn lần để múc nước biển lên để tính đếm, thì cũng không thể nào biết được biển rộng bao nhiêu. Do các nhân đó nên có việc như thế.
Như kinh có nói: “Nước triều ở biển cả dâng lên trút xuống (lớn ròng) luôn đúng giờ giấc”. Nay xin hỏi: Việc đó như thế nào?
Đáp: Về thời gian, giờ giấc thì có hai loại: Một loại là sáng – tối; và một loại cách thời gian lâu.
Thời gian sáng – tối là sao? Nghĩa là ở trong biển lớn, số chúng sinh sống ở đó rất đông. Có những loài nhỏ bé yếu ớt đói khát, thường ít được ăn uống no đủ, nên lúc nào cũng tìm kiếm, mong tìm và hẹn nhau cùng một lúc vượt thoát lên cạn để tìm thức ăn. Do đó mà có nước ròng, nước lớn, sáng tối hai lần một ngày.
Thời gian cách lâu là sao? Nghĩa là trong biển cả có nhiều chúng sinh sống ở đấy. Như có loài người sống cạnh biển, cứ đến các ngày mùng tám, mười bốn, ngày rằm…, cùng các vị thần khác mà phân định ngày, tháng. Trong các ngày đó thì từ dưới thuyền cùng lên bờ. Có người đem lòng hướng về tổ tông mà họ thờ mặt trăng, người thờ mặt trời, thờ đồng tử nhà trời, hoặc có kẻ tôn thờ kính Phật, như các vị Ưu-bà-tắc tuân theo pháp không ăn trong ngày trai giới, bày việc cúng tế cầu mong sự vui vẻ tốt lành… Do các chúng sinh sống ở biển vì tìm kiếm thức ăn nên từ biển kéo lên bờ. Nên gọi đó là thời gian lớn (cách lâu lâu).
Theo như kinh nói: “Nước trong biển cả có cùng một vị mặn”. Nay xin hỏi việc đó như thế nào?
Đáp: Có những loài chúng sinh sống ở biển cả. Ở trong biển, chúng được sinh ra, lớn lên rồi già chết cũng ở trong đó. Còn những chúng sinh nào chưa chết thì thân thể hôi hám hoặc thảy ra những chất dơ bẩn cũng ở trong biển. Thế nên nước biển có vị mặn. Lại ở trong biển còn chứa những chất, những thân xác đã tan rã của những loài sống trên bờ, trên núi cao trôi xuống, nên cũng tạo ra vị mặn. Lại ở các đại châu, dân cư sống ở gần biển cũng đem các thứ cây cối, cành lá và bao nhiêu thứ rác rưởi dơ bẩn, quăng ném xuống biển, nên cũng tạo thành vị mặn. Do nguyên nhân đó nên có các việc như thế.
Như kinh đã nói: “Trong biển cả có đầy ắp báu vật”. Nay xin hỏi việc đó như thế nào?
Đáp: Khi thế giới nầy mới thành thì ở giữa biển lớn, chỗ đất đai cao nhất, đường xá cao nhất, chu vi rộng lớn nhất, các nơi gom tụ lại tạo thành núi chúa Tu-di nằm ở giữa, bao vây chung quanh thì có bảy ngọn núi vàng. Ở trong biển cả đó có cung điện của các Long vương đại oai lực. Vì thế mà trong biển có rất nhiều ngọc ngà báu vật. Do nguyên nhân đó nên có việc như vậy.
Lại trong kinh có nói: “Trong biển cả có loài chúng sinh thân rất to lớn sống trong đó”. Nay xin hỏi vì sao có việc như thế?
Đáp: Loài chúng sinh có thân to lớn đó, kiếp xưa vốn là người, nhưng làm nhiều điều phi pháp tội ác, chứa nhóm nhiều thức ăn uống và các vật dụng của các con cháu, bà con đầy tớ…, mà chỉ nuôi riêng thân mình, không chịu bố thí cho ai cả. Do những tội nghiệp đó, nên đến thân sau cùng, khi chết rồi thì bị đọa vào đường dữ sống trong địa ngục. Khi đời sống trong địa ngục đã hết rồi, nhưng vì các nghiệp khác tạo ra trong kiếp trước chưa hết, lại sinh làm loài thú có thân rất to lớn sống trong biển cả. Do thân quá to lớn nên các loài sống trong biển đều bu vào mà rỉa rói, ăn nuốt, cũng vì quá to lớn nên trên đất liền của đại châu nầy không thể dung chứa được. Ấy là do nghiệp báo bất thiện tạo ra ở nhiều kiếp trước, nên phải ở trong biển mà chịu các điều rất khổ như thế. Do nguyên nhân đó nên có việc như thế.
Cũng theo kinh nói: “Trong biển cả không chứa thây chết”. Nay xin hỏi việc đó như thế nào?
Đáp: Trong biển cả có những long cung lớn được giữ gìn rất sạch sẽ. Nếu có thây chết trong cung điện của vị Long vương thứ nhất thì chờ đêm đến mang thây chết bỏ vào cung của vị Long vương thứ hai…, cứ lần lượt như thế đến vị Long vương thứ tư, rồi thây chết sẽ được đưa lên bờ. Do nguyên nhân đó nên có việc như thế.
Theo như kinh nói: “Ở giữa biển lớn, có cây Diêm phù to lớn, cành lá sum suê tươi tốt, nhựa cây chảy mạnh phun lên không trung rồi tỏa ra tưới xuống biển đo, nhưng nước trong biển lại không đầy thêm hay vơi đi”. Nay xin hỏi việc đó như thế nào?
Đáp: Ở trong biển cả đó, số chúng sinh sống trong ấy cùng nhau thọ dụng ăn dùng, các chất còn dư thì sẽ được gió nóng thổi tan đi. Thế nên nước trong biển đó không đầy thêm hay vơi bớt xuống.
Cũng theo kinh nói: “Trong biển lớn đó, chúng sinh sống trong đó có muôn hình muôn sắc và vô số tiếng kêu hú khác nhau, chứ không phải chỉ có một tướng và một thứ tiếng kêu giống nhau”. Nay xin hỏi nó ra sao?
Đáp: Vì các loại chúng sinh đó kiếp xưa đều là người, nhưng vì đã tạo ra vô số các nghiệp bất thiện, tức là các hạnh xấu ác của thân, ngữ, ý. Cho đến thân sau cùng khi chết rồi thì bị đọa vào đường dữ ở trong địa ngục. Khi đời sống ở địa ngục hết rồi, do các nghiệp khác chưa hết, nên lại phải đọa làm loài thú sống trong biển cả và có rất nhiều hình dạng, nhiều màu sắc, nhiều tiếng kêu hú khác nhau, chứ không phải chỉ có một thứ hình dạng, màu sắc, tiếng kêu… Do các nhân đó nên có các việc như thế.