LUẬN THI THIẾT
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Thi Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 7

Phần thứ mười ba: Nhân thi thiết trong Đối Pháp Đại Luận.

Như kinh có nói: “Do một tánh tạo thành nhưng có nhiều chủng loại khác nhau”. Nay xin hỏi việc đó như thế nào?

Đáp: Như có vị Bí-sô tu định của thế gian thì trước hết là được lìa dục, kế đến không còn gian khổ, lại không tản mất, do đó người ấy đã phát khởi sinh trưởng và chứa nhóm. Về sau lại sinh khởi (nảy sinh ra) việc biến hóa (thần thông). Người này cũng phát khởi sinh trưởng và chứa nhóm. Và khi đã biết biến hóa rành rẽ thuần thục rồi thì tùy ý muốn mà hóa ra hình người, hoặc các hình voi, ngựa, bò, các loài chim bay, hình xe cộ, cây cối, tường vách, hoặc các việc hiện ra biến mất, ra vào đi lại… một cách tự tại. Do nhân đó mà có các việc như thế.

Như kinh có nói: “Có nhiều chủng loại nhưng quy về làm một tánh”. Nay xin hỏi việc đó như thế nào?

Đáp: Như có vị Bí-sô tùy theo các hình chất, sự tướng mà hoặc hóa ra hình người, hình voi, ngựa, trâu, bò, chim chóc, xe cộ, cây cối, tường vách, các việc hiện đến, biến đi, hoặc ra vào… tùy theo các việc biến hóa, việc làm rất nhẹ nhàng nhanh chóng. Các thứ hình tướng sự việc do người đó dụng công biến hóa ra, khi đã hóa ra rồi thì sau đó biến mất không hiện ra nữa. Do các duyên đó nên có các việc như thế.

Theo như kinh nói: “Trong các thứ biến hóa đó như hiện đến, biến đi… đều tùy người ấy thấy biết, mỗi mỗi đều khác nhau”. Nay xin hỏi việc đó như thế nào?

Đáp: Như có người muốn biến hóa việc hiện đến. Trước hết người ấy tự nghĩ: Làm thế nào khiến cho tất cả mọi người không thể thấy, và biết được ta? Nghĩ rồi liền nhập định bay lên nhảy xuyên qua tường tùy ý muốn mà hiện ra, đó là “Tướng hiện đến” mà mọi người đều không thấy được.

Thế nào là “Tướng biến đi” mà người không biết được? Nghĩa là: Như có người muốn biến đi, trước đó người ấy nghĩ: Làm thế nào khiến người ta không thấy và biết mình đi? Nghĩ rồi liền nhập vào định, bay xuyên qua tường, tùy ý mà biến đi. Do đó gọi là tướng đi không ai thấy. Nghĩa là ở trong định mà biến hóa tướng đến thì tức là tướng đi, còn khi biến hóa tướng đi thì chính là tướng đến, nên thấy biết như thế. Tùy theo chỗ hiện ra, mỗi mỗi đều có khác, mỗi mỗi đều hiểu biết. Người trí nên tùy việc mà ứng phó. Nhờ cái tánh minh tuệ sáng suốt, ở trong chỗ không tướng mà khởi lên có tướng, trí lợi rộng lớn, mở mang thông suốt biến khắp. Do các nhân đó nên có sự việc như thế.

Theo như kinh nói: “Vượt xuyên qua tường vách hay xuyên qua núi đá thân không hề bị trở ngại vướng víu tùy ý mà đi như giữa khoảng không”. Nay xin hỏi việc đó như thế nào?

Đáp: Như có thầy Bí-sô khi nhập vào định, ở trong định đó bay xuyên qua tường vách núi đá, thân không hề vướng víu, tùy ý mà đi như giữa khoảng không. Người ấ xuyên qua tất cả núi đá tường vách cũng như giữa khoảng trống không, đều không trở ngại.

Theo như kinh nói: “Có người có thể vào đất như đi trong nước, hoặc vào nước như đi trên đất”. Nay xin hỏi, việc đó như thế nào?

Đáp: Như có thầy Bí-sô khi nhập định vào nước, thì từ đất mà lên xuống, hiện ra núp vào không có trở ngại gì cả. Như khi đi trong nước thì lên xuống cũng như vậy, không làm ngăn dòng nước chảy, tùy ý mà đi qua. Người này ở trong đất như ở trong nước, đi trong nước như đi trong đất. Do các nhân đó nên có các việc như thế.

Theo như kinh nói: “Có người có thể ở giữa không trung mà ngồi kiết già trên các mâm, tức là ngồi mà đi, giống như chim bay, đi trong khoảng không gian rất tự do”. Nay xin hỏi việc đó ra sao?

Đáp: Như vị Bí-sô tu định thế gian, trước là lìa được dục, kế đến là hết khổ, lại không trôi chảy tan mất. Do đó người ấy phát khởi sinh trưởng và chứa nhóm. Về sau thì nảy sinh ra việc thần thông biến hóa. Tùy theo ở địa phương, có thể ở giữa không trung hoặc ngồi hoặc đi. Hoặc ở giữa không trung mà biến hóa ra đống lửa lớn bừng cháy sáng rực, hoặc biến ra khói mù, hoặc cái lọng bằng khói, hóa ra luồng gió ở giữa không trung có tiếng đánh trống thổi kèn, hoặc ở trong luồng gió cỡi voi mà đi. Hoặc hóa ra các thứ xe cộ, hoặc người, ngựa hay tường vách, rào chắn, hoặc hóa ra cây cối, chim chóc…, các thứ hóa ra đó mọi người đều thấy và đều kinh sợ cho là quái dị. Mỗi mỗi đều biết, ấy là do sức thần thông có các hình dạng như thế. Đây là do khéo tu các trí lực thần túc. Do các nhân này mà có các việc như thế.

Theo như kinh nói: “Hoặc có người có thể ở giữa không trung đưa tay sờ chạm vào mặt trời, mặt trăng”. Nay xin hỏi, việc đó như thế nào?

Đáp: Như có vị Bí-sô khi nhập ở trong định, từ ánh mặt trời hiện ra, hoặc từ ánh mặt trăng hiện ra. Rồi cũng từ trong định mà khởi phép thần thông đưa tay lên tận không trun sờ chạm vào mặt trời mặt trăng. Đó là sức thần thông của định, nên tùy ý vô ngại.

Theo như kinh nói: “Có người có thể tùy ý, tự do qua lại cõi trời Phạm thiên”. Nay xin hỏi việc đó như thế nào?

Đáp: Như vị Bí-sô tu định thế gian, trước là được lìa dục, kế đến là hết khổ, lại không tản mất. Do đó người ấy phát khởi, sinh trưởng và chứa nhóm. Về sau lại có việc biến hóa thần thông. Thân và tâm hòa vào nhau làm một. Tâm tức là thân, thân tức là tâm, thân tâm tương tức, các vận dụng đều hòa vào nhau. Giống như ở thế gian, các chất sữa và mật, nước và dầu trộn lẫn vào nhau thành một chất. Bí-sô khi nhập định (ở trong định) cũng lại như thế, thân và tâm hòa vào nhau, nhẹ nhàng khoan khoái, tâm tưởng tự tại, thoải mái, tùy ý mà qua lại các cõi trời Phạm thiên, bay vượt cao thấp đều không chướng ngại; cũng như người thợ chuyên đan sọt làm giỏ mặc tình đan xỏ, vận dụng tùy ý không hề trở ngại.

Lại như thầy Bí-sô đi khất thực, khi được các thức ăn để trong bát thì tùy ý xới trộn không hề chướng ngại. Thầy Bí-sô ở trong định cũng như thế, thân tâm mềm mại dịu dàng, có các tưởng nhẹ nhàng, khoan khoái lên xuống qua lại, mặc tình vận dụng đều không chướng ngại. Cho đến ở các cung điện trên cõi trời Phạm thiên chỉ cần dấy tâm (nghĩ tới) thì liền đến nơi. Sắc lực thêm đầy, thế lực vận dụng mạnh mẽ, ở cõi Phạm thiên qua lại tự tại.

Theo như kinh nói: “Có một lúc nọ, Đức Phật gọi Tôn giả A-nan bảo: Thầy có biết chăng? Ta đã dùng cái thân do ý tạo thành, lại nhờ sức thần thông mà tùy ý thườn qua lại các cung điện ở cõi Phạm thiên.

Tôn giả A-nan bạch cùng Phật: Đúng như thế, con biết rõ Đức Thế Tôn đã dùng thân thô trược nặng nề do bốn đại tạo nên mà tùy ý thường qua lại các cung điện cõi Phạm thiên.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: Ta biết rõ sắc thân thô trược nặng nề do bốn đại hòa hợp với chất yết-la-lam bất tịnh của cha mẹ cùng các duyên mà tạo thành, dù phải nhờ vào các thứ ăn uống, y phục, tắm gội, nuôi nấng làm đủ mọi việc…, nhưng rốt cuộc thì vẫn bị hao mòn, vì nó là pháp bị hủy hoại, nhưng với sắc thân đó mà có thể qua lại các cung điện cõi trời Phạm thiên.

Thầy A-nan bạch cùng Phật: Bạch Đức Thiện Thệ! Ngài có khả năng qua lại. Như chất sắt và đồ cày bừa ở thế gian, như khi đang ở trong lò đúc, lò rèn, lửa cháy hừng hực rất nóng, nếu khi chưa lấy ra khỏi lửa thì các dụng cụ bằng sắt ấy đều khá nhẹ và rất mềm, rất dễ uốn nắn kéo dài ra hay đập ngắn lại. Nhưng khi gặp lạnh hoặc đã nguội thì các vật bằng sắt đó khá nặng và cứng rắn nên rất khó uốn nắn rèn đập.

Nầy thầy A-nan! Như Lai cũng như thế. Nếu khi thân và tâm hòa lẫn vào nhau, sinh ra các tưởng khinh an nhẹ nhàng, lại thêm nhẹ nhàng, điều hòa an vui và tùy ý mà thường qua lại các cung điện ở cõi Phạm thiên. Và lại cần nên biết: Nếu tâm không nối tiếp tương tục, thì tâm không nương dựa vào đâu cả, tâm không hệ thuộc vào chỗ nào hết. Vì tâm không nương dựa, không hệ thuộc cho nên rất tự tại”.

Hỏi: Do đâu mà hình nhân (hóa nhân) được hóa ra, lại có thể ở trên không trung đi lại tùy ý?

Đáp: Ấy là do người biến hóa luôn được tự tại nên hóa nhân cũng thế. Vì nhờ sức biến hóa nên ở trên không cũng như ở trên mặt đất. Do nhân đó mà đi đứng được ở trên không.

Hỏi: Do đâu mà hóa nhân có thể đứng được giữa không trung?

Đáp: Do người biến hóa được tự tại nên hóa nhân cũng như thế. Vì nhờ sức biến hóa cho nên ở trên không cũng như ở trên mặt đất. Do nhân đó mà đứng được ở trên không.

Hỏi: Do đâu mà hóa nhân ngồi được ở trên không?

Đáp: Do người biến hóa được tự tại nên hóa nhân cũng được như thế. Nên ở trên không trung hóa hiện ngồi theo vị trí đó. Do nguyên nhân này nên ngồi được ở trên không trung.

Hỏi: Do đâu hóa nhân ở trên không trung mà trải đặt giường ghế và tùy ý nằm nghỉ?

Đáp: Ấy là do sự tự tại của người biến hóa nên hóa nhân cũng như thế. Do đó ở trên không trung mà trải đặt giường ghế, và do nhân này mà nằm được ở trên không trung.

Đây là như thế. Còn các việc khác do công sức thần thông tạo nên, tùy ý mong muốn cũng như các việc đã nói, nên biết như thế. ——————

– Phần thứ mười bốn: Nhân thi thiết trong Đối Pháp Đại Luận.

Hỏi: Có gì tính lường được trời mưa không?

Đáp: Có tám loại mây. Loại mây thứ nhất thì cao một do-tuần rưỡi. Loại mây thứ hai cao năm câu-lô-xá. Loại mây thứ ba bay cao một do-tuần. Loại mây thứ tư bay cao ba câu-lô-xá. Loại mây thứ năm bay cao nửa do-tuần. Loại mây thứ sáu bay cao một câu-lô-xá. Loại mây thứ bảy bay cao nửa câu-lô-xá. Loại mây thứ tám bay cao một phần tư câu-lô-xá. Các đám mây ngừng rồi thì trời mưa hay không, lại không nhất định.

Hỏi: Do đâu người thời kiếp sơ, cỡi mây bay cao một do-tuần rưỡi thì khắp mặt đất đều có trời mưa?

Đáp: Người thời kiếp sơ có đầy đủ oai đức lớn, nên các Long vương đại lực hết sức tôn kính, cho nên khi cỡi mây bay cao khoảng một do-tuần rưỡi thì khắp mặt đất đều có tuôn mưa. Còn người thời nay oai đức kém hơn nhiều, nên Long vương đại lực không còn tôn kính nữa. Thế nên người thời nay cỡi mây chỉ bay cao có nửa câu-lô-xá thì trời sẽ mưa xuống. Do nhân này, mà việc đó như thế.

Hỏi: Do đâu có lúc trời không mưa?

Đáp: Có tám nguyên nhân khiến trời không mưa:

1. Là khi sắp mưa xuống thì điện chớp sáng lòe, sấm gầm vang động, gió lạnh từ bốn phương ồ ạt thổi mạnh. Người đoán (dự báo) thời tiết không thể biết rõ, chỉ tự bảo là trời sắp mưa. Hoặc sức nóng trên đất bằng tăng vọt, do cớ đó mà cơn mưa biến mất. Đó là nguyên nhân thứ nhất khiến trời không mưa.

2. Là khi trời sắp mưa, thì điện chớp sáng lòe, sấm gầm vang động, gió lạnh từ bốn phương ồ ạt thổi mạnh, khiến người dự đoán thời tiết không biết rõ ràng, chỉ tự bảo là trời sắp mưa. Hoặc ở trên không trung cuồng phong thổi mạnh, khiến đám mưa ấy rơi xuống ở chỗ rất xa, nơi các đồng cỏ hoang vắng, không có nhà cửa. Đó là nguyên do thứ hai khiến trời không mưa.

3. Là khi trời sắp mưa thì điện chớp sáng lòe, sấm gầm vang động, gió lạnh từ bốn phương ào ạt thổi mạnh, khiến người dự đoán thời tiết không biết rõ ràng, chỉ tự bảo là trời sắp mưa. Hoặc là vua A-tu-la La Hầu hai tay cầm vật che lại, khiến mưa rơi ngoài biển cả. Đó là nguyên nhân thứ ba khiến trời không mưa.

4. Là khi trời sắp mưa thì điện chớp sáng lòe, sấm gầm vang động, gió lạnh từ bốn phương ào ạt thổi mạnh, khiến người dự đoán thời tiết chẳng biết rõ ràng, chỉ tự bảo trời sắp mưa. Hoặc là, khi trời mưa thì thiên tướng lại đang mê say chơi bời. Vì ham chơi bời nên không làm cho mưa rơi xuống được. Đó là nguyên nhân thứ tư khiến trời không mưa.

5. Là khi trời sắp mưa thì điện chớp sáng lòe, sấm gầm vang động, gió lạnh từ bốn phương ào ạt thổi mạnh. Người dự đoán thời tiết cũng không biết rõ ràng, chỉ tự bảo là trời sắp mưa. Hoặc là do dân chúng làm nhiều việc phi pháp, tạo các hạnh hiểm ác. Do làm các điều phi pháp, các hạnh gian hiểm ác độc, cho nên trời không mưa. Đó là nguyên nhân thứ năm khiến trời không mưa.

6. Là khi trời sắp mưa thì có thiên tử (người cõi trời) có thần thông, đã dùng oai lực của pháp thần, mà ngăn cản cơn mưa rơi xuống. Đó là nguyên nhân thứ sáu khiến trời không mưa.

7. Là do nghiệp chướng của dân chúng, có hợp duyên như thế, nên ở trong chốn đó trời không tuôn mưa xuống. Đó là nguyên nhân thứ bảy khiến trời không mưa.

8. Là khi mưa gió không đúng thời, nên phải thành khẩn cúng tế cầu đảo, do các thiên thần đã dùng oai lực thần thông ngăn cản không cho mưa xuống. Đó là nguyên nhân thứ tám khiến trời không mưa.

Hỏi: Do đâu mà có thể khiến trời mưa xuống đúng thời?

Đáp: Có tám nguyên do khiến trời mưa xuống. Tám điều ấy là:

1. Do oai lực của Long vương nên trời liền mưa xuống.

2. Do oai lực của quỷ Dạ-xoa khiến trời mưa xuống.

3. Do oai lực của quỷ Cưu-bàn-trà nên trời mưa xuống.

4. Do oai lực của chư Thiên nên trời mưa xuống.

5. Do oai lực của loài người nên trời mưa xuống.

6. Do sức thần thông biến hóa nên trời mưa xuống.

7. Đúng pháp đúng thời thì trời liền mưa.

8. Do thành khẩn cúng tế cầu đảo nên trời mưa.

Đó là tám nguyên do khiến trời mưa xuống.

Hỏi: Do đâu mà vào lúc mùa Hạ nóng bức khó chịu và vào mùa mưa thì có mưa nhiều?

Đáp: Vào hai lúc đó, các Long vương vui vẻ, lại do thời tiết quy định xui khiến, các rồng vui thích lượn múa trên hư không mà đến. Do các rồng vui thích nên vào hai lúc đó có mưa nhiều. Vả lại, do dân chúng ở đó làm theo chánh pháp, tu tập các nghiệp thiện. Do sức tốt lành mà hai thời gian ấy có mưa nhiều.

Hỏi: Do đâu khi trời mưa kết lại thành giọt lớn?

Đáp: Do gió hai chiều thổi mạnh xoáy tụ vào một chỗ, cho nên khi mưa trút xuống thì kết lại thành giọt lớn. Hoặc do người tạo nhiều nghiệp ác, sức ác hoành hành khiến các loài quỷ thần phi nhân náo loạn. Gặp các việc như thế thật không lợi ích gì. Do nhân đó nên có việc như thế.

Hỏi: Vì sao khi mưa lớn lại có mưa đá?

Đáp: Do gió lạnh hai chiều thổi xoáy vào một nơi tạo nên các giọt mưa lớn rơi xuống đất, mặt đất lại quá cứng nhắc, gió phía dưới thổi mạnh, nên có khi tạo thành tuyết hoặc làm mưa lớn đổ xuống ào ạt. Do nhân đó nên có việc như thế.

Hỏi: Do đâu mà có ánh điện chớp?

Đáp: Gió hai chiều thổi mạnh dữ dội, gặp gió nóng thổi vào, hai thứ gió ấy đụng nhau nên ánh chớp từ gió xẹt vào. Do nhân này nên có việc như thế.

Hỏi: Do đâu trong cơn mưa lại có sét đánh ầm vang.

Đáp: Vì ở phía dưới có sức nóng dữ dội có hình dạng như ngọn lửa cháy sáng, tức là lửa tăng mạnh, vì lửa tăng mạnh nên gió cũng càng mạnh lên, vì gió mạnh lên nên có nước chảy qua lại. Do nhân này mà việc đó như thế.

Hỏi: Do đâu mà mây có màu xanh?

Đáp: Do có lưu động thấm nhuần của nước (thủy giới).

Hỏi: Do đâu mây có màu trắng?

Đáp: Ấy là do tính chất của các giới lửa – nước – gió… hòa hợp với nhau. Do đó nên biết được tướng trạng mây có màu xanh-vàng- đỏ -trắng…

Hỏi: Do đâu mà ở thế gian lại có đủ các vị đắng, chua, cay, mặn, lạt…?

Đáp: Ấy là do các giới cùng trái nghịch lại nhau. Do các nhân này nên việc đó như thế.

Hỏi: Do đâu mà có vị ngọt?

Đáp: Ấy là do tính chất hòa hợp của các giới (lửa, nước, gió…). Do nhân duyên này nên việc đó như vậy.

Hỏi: Do đâu ở đời lại có các thứ cứng rắn nặng nề?

Đáp: Ấy là do tính chất cứng chắc của giới đất (địa giới).

Hỏi: Do đâu mà có sự mềm mại linh hoạt và điều hòa vui thích?

Đáp: Ấy là do giới nước có tánh lưu động thấm nhuần tăng cao. Do các nhân này nên có sự việc như thế.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7