LUẬN ĐẠI THỪA PHÁ HỮU
Tác giả: Bồ-tát Long Thọ
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Thi Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Quy mạng hết thảy chư Phật và các bậc trí tuệ. Cần phải hiểu biết đúng như thật về các pháp. Ở đây nhằm nói gì? Nghĩa là tất cả tánh từ vô tánh sinh ra hay chẳng phải vô tánh sinh ra? Tất cả các tánh nếu có sinh, thì tánh kia là thường, là tánh không thật có, giống như hoa đốm. Nên biết các pháp cùng với hư không bình đẳng. Các pháp kia sinh cũng giống như hư không. Tất cả pháp duyên đều như hư không, vì những điều kia không thật, nên thế nào là có? Các pháp không nhân mà lại không quả, cũng không tự tánh của các nghiệp có thể đạt được. Ở đây, tất cả nhưng không có thật, nên không có thế gian, cũng không có xuất thế gian, tất cả không sinh, cũng không có tánh. Vì sao các pháp lại có đối tượng sinh? Cha con, quyến thuộc, thân yêu ở thế gian, tuy có chỗ sinh nhưng không chân thật, vì không từ đời trước sinh ra, cũng chẳng phải kiếp nầy có tướng đó, như vậy đối với thế gian không có nghĩa có thể chuyển giao, giống như trong mặt trăng nhìn thấy các hình ảnh. Thế gian không có thật, vì từ phân biệt khởi, vì phân biệt nầy nên tâm phân biệt sinh ra, do tâm nầy làm nhân liền có thân sinh khởi, vì thế có thân hiện hành ở thế gian. Tạo thành do uẩn nên gọi đó là thân, các uẩn đều không, chẳng có tự tánh. Uẩn không có tự tánh mà cũng không có tâm, vì không có tâm tức không có thân, nên biết tự tánh lìa các các phân biệt. Nếu không có tâm đó thì cũng không có pháp. Nếu không có thân đó thì cũng không có giới. Trong nầy đã nói là không có hai đường, nói như vậy là nói chân thật, tất cả ở đây đều lìa các các đối tượng duyên. Đối tượng nói nêu ở đây lìa các đối tượng duyên. Chỗ tạo tác ở đây đã lìa các đối tượng duyên. Đối tượng đạt được ở đây đã lìa các đối tượng duyên. Tất cả các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ hiện có thường thực hành như vậy, trong thời gian không lâu tức có thể chứng đắc Bồ-đề vô thượng. Dùng tuệ phương tiện an trú nơi thực tế, khởi hạnh bi mẫn, rộng độ chúng sinh, dù trở lại có tướng thủ đắc như vậy, nhưng tất cả trí tánh lại không thể nói là đạt được. Vì tất cả pháp kia chỉ có tên gọi, tất cả chỉ trụ ở trong tưởng có, hiện tiền không thật có chỗ sinh sai biệt, sai biệt sinh ra pháp nhưng không được có? Tất cả pháp kia vốn không có tên gọi, chỉ do giả danh mà biểu hiện rõ, nên biết các pháp là không có thể thật, tất cả đều từ phân biệt sinh ra. Trong ấy nếu không có phân biệt, tức đồng với hư không lìa mọi phân biệt. Như nói mắt là có thể nhìn thấy đối với sắc, lời nói như vậy là lời chân thật. Thế gian có những tâm tà chấp, chấp lời đã nói nầy như thật nên chuyển đổi. Tất cả pháp kia tụ hợp tựa như hiện có. Nên biết lời nói nầy là lời Đức Phật đã nói, do đó cần phải biết, nghĩa trong nầy là mắt không thấy sắc, cho đến ý không biết nơi pháp, nếu biết như vậy đây là người trí, tức có thể thông suốt. Đệ nhất nghĩa đế, như thế mới gọi là chân thật tối thượng. Tôi nay dựa theo kinh nói tóm lược như vậy.