LUẬN THI THIẾT
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Thi Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 3
– Phần thứ tư: Nhân thi thiết trong Đối Pháp Đại Luận (Phần II)
“Lại nữa, này A-nan! Khi Ta ra khỏi thai mẹ chưa bao lâu thì liền nhìn khắp bốn phương và nghĩ: Ta sẽ thành Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, sẽ diễn nói bốn Thánh pháp cho tất cả chúng sinh. Việc nhìn bốn phương, đó là Bồ-tát muốn báo hiệu trước điềm lành.
Lại nữa, này A-nan! Khi vừa sinh ra khỏi thai chưa bao lâu, thì Ta liền nói: Thân này của Ta là đời sống cuối cùng. Và nghĩ: Ta sẽ thành Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, chỉ bày cho tất cả chúng sinh cách dứt hết biên vực sinh tử. Đây là Bồ-tát muốn báo trước điềm lành đó.
Lại nữa, này A-nan! Khi Ta vừa ra khỏi thai mẹ chưa bao lâu, thì trên không trung tự nhiên có hoa trời mưa xuống như các thứ hoa Ưubát-la, hoa Cù-mẫu-đà, hoa Bát-nạp-na, hoa Bôn-noa-lợi-già. Và lại mưa xuống các thứ nước trầm hương quý, nước huân lục, hương bột, chiên-đàn, cùng tung rải hoa trời… Ta nghĩ: Sẽ thành Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác có đầy đủ trí tuệ lớn, đầy đủ phước đức lớn, các thứ ăn uống, y phục, giường nằm, thuốc men và các thứ vật dụng khác tất cả đều đầy đủ. Đây là Bồ-tát hiện trước điềm lành.
Lại nữa, này A-nan! Khi Ta vừa ra khỏi thai chưa bao lâu, thì trên không trung tự nhiên có tiếng nhạc trời réo rắc trình tấu. Ta liền nghĩ: Sẽ thành Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác tiếng đồn vang khắp mười phương.
Lại nữa, này A-nan! Khi xưa lúc còn ở trong cung vua, Ta đã cùng các người trong cung ngồi chung ghế, nằm chung giường. Khi đó Ta nghĩ: Từ nay trở đi Ta sẽ không còn nằm ngồi trên các ghế này nữa. Nay Ta ngồi trên ghế này thì đây là lần ngồi cuối cùng. Khi nghĩ thế rồi
Ta liền đứng dậy đi về phía cửa cung với ý chí mong muốn được ra khỏi nơi ấy. Bấy giờ có các Thiên thần ngầm mở cửa cung. Khi ra khỏi cửa cung rồi Ta phải lần lượt đi qua lớp lớp các cấm cung và mỗi cửa cung đều có Thiên thần mở giúp. Khi đó Ta có ý nghĩ: Ta sẽ thành Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác, mở các cửa cam lộ cho tất cả chúng sinh. Đây là Bồ-tát hóa hiện báo trước điềm lành.
Lại nữa, này A-nan! Khi ấy Ta cỡi con ngựa chúa Kasaca ra khỏi hoàng thành đến một nước khác, Ta liền xuống ngựa và nghĩ: Đây là lần sau cùng cỡi vương mã”. Bấy giờ tất cả đồ trang sức quý giá và chú ngựa chúa kia Ta đều giao lại cho người hầu giữ ngựa. Khi ấy Ta nghĩ: Đây là lần cuối cùng Ta đeo đồ trang sức ở thế gian và liền bỏ xuống hết. Nầy A-nan nên biết! Khi ấy Ta rút cây kiếm báu xinh đẹp cắt ngang búi tóc trên đỉnh đầu. Cắt xong Ta lại nghĩ: Đây là lần sau cùng Ta cắt đứt búi tóc đẹp này và nó không bao giờ mọc lại nữa.
Ta liền thấy một người mặc áo cà sa, dáng vẻ hiền lành, thấy vậy Ta rất thích ý, liền đến trước người ấy bảo: Nay Ta cho ông chiếc áo Ca-thi-ca quý đẹp này, ông hãy đổi lại cho Ta chiếc pháp y cà sa đó. Rồi lại nghĩ: Đây là lần sau cùng Ta bỏ chiếc hoàng bào, chẳng bao giờ mặc đồ thế tục nữa.
Lại nữa, này A-nan! Sau đó Ta đến chỗ ông Trưởng giả Kiết Tường, nhận bó cỏ kiết tường, rồi đến bên cội cây Bồ-đề trải cỏ và nghiêm mình chánh niệm, ngồi kiết già. Ta lại nghĩ: Nếu Ta chưa chứng được quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng thì thề rằng không bao giờ từ bỏ tòa cỏ này mà đứng dậy. Ta lại nghĩ: Ta nay chắc chắn có được lợi ích tốt lành (lợi thiện). Vì sao? Vì tất cả chúng sinh đang ở trong chốn vô minh, bám chắc lấy vô minh, sống trong trứng vô minh, mắt tuệ bị che chắn bao phủ. Ta cần phải phá bỏ cái vỏ trứng vô minh đó, khiến tất cả chúng sinh đều được tốt đẹp kiết tường an lạc.
Lại nữa, này A-nan! Khi thành Phật chưa được bao lâu, Ta nhìn thấy sự sinh ra cũng như sự già đi của chúng sinh trong cõi thế gian này. Có kẻ thì căn tánh thông minh lanh lợi, có kẻ căn tánh trung bình, có kẻ căn tánh thấp kém ngu độn. Đối với kẻ có căn tánh thấp kém đó, thì tùy theo hành tướng của họ mà tìm cách điều phục chế ngự. Cho đến như những kẻ không chịu nghe diễn giảng chánh pháp, các thứ đều thiếu sót, đối với những chúng sinh như thế, khi Ta nhìn thấy và biết rõ rồi, sẽ diễn giảng dạy dỗ chánh pháp để hóa độ họ với tất cả tấm lòng lo lắng thương xót một cách bao la rộng lớn.
Lại nữa, này A-nan! Ta lại nghĩ: “Ta nay nhất định là có được lợi thiện, vì Ta sinh ra từ cõi thế gian đầy tạp nhiễm ô uế tội lỗi này, nhưng tâm ý của Ta trong tất cả mọi việc làm, đều không hề bị nhuộm dính uế tạp đó”.
******
– Phần thứ năm: Nhân thi thiết trong Đối Pháp Đại Luận.
Tụng nêu chung:
Như con, dòng thấp kém, dòng nghèo,
Nạn giặc – kiếp sơ – đến mười tuổi,
Ngưu hóa, Thắng thân, Câu lô châu,
Vô ngã và cõi Dục, cõi Sắc,
Phật từ định khởi nhập Niết-bàn,
Cuối cùng đại y không bị cháy.
Hỏi: Vì sao Bồ-tát là bậc tối thượng, tối thắng đối với tất cả chúng sinh, có người không phát tâm đại Bồ-đề mà có thể chánh tín xuất gia chăng?
Đáp: Bồ-tát luôn nhìn xem tất cả chúng sinh đều như con một, luôn siêng năng tu tập nghiệp thiện, nuôi dưỡng chúng trở nên thuần thục, có được các quả báo tốt đẹp, nhanh chóng thành tựu ngay trong hiện tại. Pháp là như vậy. Các chúng Bồ-tát nhiều như cát sông Hằng, chưa có ai chẳng phát tâm đại Bồ-đề mà chánh tín xuất gia được cả.
Như điều đã nói tức là không nên mê say dục lạc.
Hỏi: Vì sao Bồ-tát không sinh vào dòng dõi hạ tiện thấp kém?
Đáp: Dòng dõi thấp kém thì quen thói lười biếng khinh nhờn. Trong khi Bồ-tát luôn luôn lìa bỏ sự lười nhác khinh mạn, mà gần gũi tu tập các pháp thiện và làm việc bố thí. Thế nên Bồ-tát quyết định phải sinh vào dòng dõi cao quý. Nếu Bồ-tát sinh ra từ dòng dõi thấp kém thì sẽ bị chống báng chê bai.
Hỏi: Vì sao Bồ-tát không sinh từ dòng dõi nghèo hèn?
Đáp: Dòng dõi nghèo hèn thì thường quen thói tham lam keo kiệt hối tiếc. Trong khi Bồ-tát luôn luôn xa lìa tật xấu tham lam keo kiệt luyến tiếc mà gần gũi tu tập, rộng làm hạnh bố thí, không hề luyến tiếc keo kiệt. Thế nên Bồ-tát nhất quyết phải sinh trong dòng dõi giàu sang. Tức là Bồ-tát có đủ các thứ sắc-thanh-hương-vị-xúc mà không phải trải qua gian khổ. Mình và người đều bình đẳng khi thọ dụng. Lại nếu Bồtát sinh từ nhà nghèo thì sẽ bị khinh khi.
Hỏi: Vì sao Bồ-tát không sinh vào chốn biên giới hẻo lánh và chốn nhiều giặc cướp quê mùa xấu xí?
Đáp: Nơi biên giới xa xôi hẻo lánh thì đối với các kiến thức hiểu biết và giới hạnh đều rất khó khăn khổ nhọc, không tương đồng với hạnh Bồ-tát. Trong khi Bồ-tát luôn siêng năng tu tập các pháp thiện, nuôi lớn thành thục trong hiện tại, các quả báo tốt lành cao đẹp sẽ nhanh chóng hoàn thành. Thế nên Bồ-tát quyết định phải sinh vào chốn kinh thành trung tâm của đất nước. Ở đó giả sử có nhiều chúng sinh lợi căn thanh tịnh may gặp được Bồ-tát đại oai đức, song những người này cũng không thể phát khởi được các pháp thiện vô lậu thù thắng nhất được, đó là những pháp Bồ-đề đáo bỉ ngạn, Vô thượng Chánh đẳng, Bồ-đề Duyên giác, Bồ-đề Thanh văn, cùng các thiện căn thù thắng vi diệu.
Hỏi: Tại sao Bồ-tát không sinh vào thời kiếp sơ, ở thời tuổi thọ con người mới đầu là tám vạn năm.
Đáp: Người ở thời kiếp sơ thì căn tánh mềm yếu, việc làm của họ nhiều ngu si đần độn, thuộc loại chất phác thật thà nên không đồng tính chất với Bồ-tát. Bồ-tát Đại sĩ có oai đức to lớn, đã có một thời gian lâu dài siêng năng tu tập các pháp thiện và nuôi lớn thành thục. Giả như có chúng sinh căn tánh lanh lợi thanh tịnh gặp được Bồ-tát đại oai đức, song cũng không thể phát khởi các pháp thiện vô lậu được.
Hỏi: Vì sao Bồ-tát lại không sinh vào lúc loài người có tuổi thọ tối đa là mười tuổi?
Đáp: Vì loài người khi tuổi thọ tối đa còn mười tuổi thì có rất nhiều tội ác, rất nhiều phiền não, nên không giống tính chất của Bồ-tát. Thế nên Bồ-tát có oai đức lớn, không sinh vào loài người có tuổi thọ mười tuổi.
Hỏi: Vì sao Bồ-tát lại không sinh vào châu Tây Cù-đà-ni?
Đáp: Người thuộc châu Tây Cù-đà-ni có căn tánh và phẩm chất mềm yếu, việc làm nhiều ngu si đần độn, thuộc loại chất phác thật thà không giống tính chất của Bồ-tát. Trong khi Bồ-tát đại oai đức thì luôn siêng năng tu tập các pháp thiện, nuôi nấng pháp thiện thêm lớn và thành thục. Ngay trong hiện tại các quả báo tốt lành cao quý nhanh chóng hoàn thành. Thế nên quyết định ở trung tâm cõi nước lớn. Giả sử có chúng sinh căn tánh lanh lợi thanh tịnh gặp được Bồ-tát đại oai đức, song cũng không thể phát khởi được các pháp thiện vô lậu, như là các pháp Bồ-đề đáo bỉ ngạn, Bồ-đề Duyên giác, Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, Bồ-đề Thanh văn, và thiện căn vô lậu thù thắng khác.
Hỏi: Vì sao Bồ-tát không sinh vào châu Đông Thắng thân?
Đáp: Cũng như ở châu Tây Cù-đà-ni, các việc cũng đã nói rộng.
Hỏi: Vì sao Bồ-tát không hóa sinh vào châu Bắc Câu-lô?
Đáp: Vì người ở châu Bắc Câu-lô có căn tánh và phẩm chất mềm yếu, việc làm nhiều ngu độn, thuộc loại chất phác thực thà, thường đeo đuổi các công việc gian khổ, không giống tính chất của Bồ-tát. Bồ-tát Đại sĩ có oai đức to lớn trong suốt thời gian dài luôn siêng năng tu tập các pháp thiện, nuôi dưỡng chúng được thành thục. Trong hiện tiền các quả báo tốt lành cao quý nhanh chóng kết thành. Thế nên Bồ-tát nhất quyết sinh tại trung tâm của một cõi nước lớn. Giả sử có chúng sinh lợi căn thông minh, thanh tịnh gặp được Bồ-tát đại oai đức, song cũng không thể đối với tất cả xứ sở mà phát khởi các thiện căn vô lậu thù thắng nhất.
Mà con người ở châu Bắc Câu-lô thì lại không chấp ngã sở.
Ở đây hỏi: Vì sao người châu Bắc Câu-lô lại không chấp ngã sở?
Đáp: Vì có số đông chúng sinh đối với nhiều cảnh giới rộng lớn, mà số cảnh giới nhận được đều rất thích ý, bình đẳng không khác nhau, nên không có ngã sở.
Hỏi: Vì sao Bồ-tát lại không sinh vào các cõi trời thuộc Dục giới?
Đáp: Vì ở cõi trời thuộc Dục giới, các Thiên chúng ở đấy mê đắm cảnh giới, ưa thích phóng dật, không giống tính chất của Bồ-tát. Tuy có thể tu tập giữ gìn một phần nhỏ phạm hạnh nhưng không thể rộng vì bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di mà diễn giảng rộng rãi về phạm hạnh, khiến các hàng trời, người đều đạt được nhiều lợi ích tốt đẹp. Do nhân duyên đó nên Bồ-tát không sinh vào các cõi trời thuộc Dục giới.
Hỏi: Vì sao Bồ-tát lại không sinh vào các cõi trời thuộc Sắc giới?
Đáp: Ở các cõi trời thuộc Sắc giới, tuy chư Thiên có thể tu trì một phần phạm hạnh nhưng cũng không thể rộng rãi vì bốn chúng, tất cả đều diễn giảng riêng về các phạm hạnh khiến cho hàng trời, người được lợi ích tốt đẹp. Vả lại, Bồ-tát không thể ở tại các cõi trời thuộc Sắc giới mà chứng nhập Niết-bàn.
Ở đây hỏi: Vì sao nơi các cõi trời thuộc Sắc giới không nhập được Niết-bàn?
Đáp: Nghĩa là tướng vô sắc chính là thọ xứ, cho nên chỉ cần tác ý là đã chính thức nhập Niết-bàn.
Hỏi: Như các việc vừa nói thì đó là tâm bất thiện mà nhập, hay là tâm vô ký mà nhập?
Đáp: Nên biết ở đây nói là tâm vô ký mà nhập.
Hỏi: Vì sao chư Phật Thế Tôn ra đời giáo hóa chúng sinh, mà các chúng Thanh văn hiền sĩ lại nhập Niết-bàn trước, còn Phật thì nhập sau?
Đáp: Vì các chúng Thanh văn suốt thời gian lâu dài không gián đoạn siêng năng tu tập các pháp thiện, nuôi lớn chúng thành thục, nên ngay trong hiện tiền, các quả báo tốt lành liền nhanh chóng thành tựu. Nếu như thấy Phật Thế Tôn nhập Niết-bàn trước, thì các chúng Thanh văn kia dù có bao nhiêu quả báo tốt đẹp cũng không thể hoàn thành trọn vẹn được. Vả lại, pháp là như vậy, như cát sông Hằng, chư Phật Thế Tôn có bao nhiêu, thì chúng Thanh văn hiền sĩ đều nhập Niết-bàn trước, còn chư Phật nhập sau. Như đã nói về việc nhập Niết-bàn, đó là chư Phật Thế Tôn đối với địa Bất động của đệ tứ thiền thì đã chứng nhập trong hiện tại rồi.
Ở đây cần hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn lại nhập Niết-bàn hay chỉ là khởi ý?
Đáp: Nếu có chỗ khởi thì sẽ không có chỗ nhập.
Hỏi: Vì sao Đức Như Lai Thế Tôn khi đã nhập Niết-bàn rồi, Thánh thể đã được hỏa thiêu mà đại y của Ngài vẫn còn nguyên vẹn như cũ, hoặc trong hay ngoài đều không hư hao chút nào?
Đáp: Đó là do oai lực của chư Thiên, nghĩa là vì chư Thiên đối với Phật Thế Tôn hết lòng tịnh tín, tin tưởng chí thành. Vả lại có hai thứ cấm không cho thiêu đốt, đó là nội thân và ngoại tài. Nên biết đây là do thần lực của Phật mà được thế.
******
– Phần thứ sáu: Nhân thi thiết trong Đối Pháp Đại Luận (Phần I) Tụng nêu chung:
Hai duyên – Hai chúng kia xuất hiện,
Thanh văn và ba ngàn đại thiên,
Đại từ đại bi hai thứ tâm,
Chẳng nghĩ bàn, cùng pháp tùy thuận,
Việc làm khác nhau ở trong chúng,
Như voi chúa và việc địa ngục.
Hỏi: Vì sao Phật và Luân vương đều có đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, mà một vị gọi là Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác, còn vị kia thì gọi là Chuyển luân Thánh vương?
Đáp: Chuyển luân Thánh vương là do kiếp trước đã tu nhân tích đức làm phước rất nhiều, và trong suốt thời gian dài thường nghĩ: Ta nên rộng tu hạnh bố thí, gieo trồng các phước thiện cao quý, nuôi lớn tất cả chúng sinh, luôn giữ gìn giới hạnh được thanh tịnh. Cả thế gian ngu tối mê mờ không nơi nương nhờ, không ai cứu độ, Ta sẽ cứu độ tất cả.
Còn Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác là tùy theo các việc làm, tất cả các pháp thiện, bố thí khắp cho tất cả chúng sinh ở thế gian, phát nguyện rộng lớn, và đúng như lời nguyện mà thực hiện. Bỏ nhà ra đi xuất gia, được chứng quả Chánh giác. Do nhân duyên đó mà cả Chuyển luân Thánh vương và Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác đều có đầy đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu.
Hỏi: Vì sao Phật và bậc Duyên giác tuy cùng ở một thời nhưng lại không gặp nhau?
Đáp: Các chúng Duyên giác đã trong một thời gian lâu dài tu pháp Duyên giác, quả báo tốt lành cao quý đã hoàn thành nhanh chóng ngay trong hiện tại, không còn điều gì phải ước nguyện mong cầu, còn đối với pháp tối thượng (Đại thừa) thì không chịu thực hiện tu hành. Lại cũng không ưa thích gần gũi cung kính chiêm ngưỡng Đức Như Lai. Do nhân duyên đó mà Phật và Duyên giác không xuất hiện cùng một thời.
Hỏi: Vì sao trong một lúc không xuất hiện hai vị Chuyển luân Thánh vương?
Đáp: Chuyển luân Thánh vương do kiếp trước tu nhân tích đức, làm phước rất nhiều. Tức là trong suốt thời gian dài luôn siêng tu các pháp thiện. Cùng có một chiếc lọng vi diệu trùm khắp tất cả. Một vị Chuyển luân Thánh vương xuất hiện thì xem tất cả chúng sinh, có cảm tưởng như là một đứa con duy nhất. Một vị Luân vương xuất hiện thì cùng một cảnh giới, ai cũng tôn trọng cúng dường, tùy theo chỗ mà làm tất cả các nghiệp thiện, các ước nguyện và quả báo tốt đẹp đều hoàn thành nhanh chóng trong hiện tiền. Do nhân duyên đó mà hai vị Chuyển luân Thánh vương không thể đồng thời xuất hiện.
Hỏi: Vì sao hai Đức Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác không cùng thời xuất hiện?
Đáp: Bồ-tát ở nhiều kiếp trước đã tu nhân tích đức, làm phước rất nhiều. Nghĩa là trong suốt thời gian dài chỉ có một thầy dạy duy nhất, chỉ có một loại tu tập duy nhất mà hành các pháp thiện, tùy theo chỗ thực hiện làm việc nhưng cùng một giải thoát, chỉ có một bậc đáng tôn quý duy nhất, chỉ có một bậc đại trí duy nhất tạo các nghiệp thiện, luôn nuôi lớn chúng cho đến thành thục. Trong cùng một lúc, không có hai quả báo cùng hiện tiền khởi lên. Vậy nghĩa là sao? Vì hai cái khó mà cùng lúc xảy ra. Vì lý do đó mà trong một thời, không có hai Đức Phật Như Lai cùng ra đời.
Hỏi: Vì sao người phụ nữ không thể làm Chuyển luân Thánh vương, không thể thành Đế thích hay Phạm vương, Ma vương, cũng không thể chứng được quả Bồ-đề Duyên giác hay chứng được quả Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?
Đáp: Vì người phụ nữ có sức thiện yếu kém, còn người nam thì sự tạo dựng các căn lực ham thích ưa muốn mạnh mẽ, do họ có tâm ưa thích làm thiện rất mạnh mẽ, trái lại người nữ thì không có thế lực mạnh, nên việc tạo nhân tốt cho nghiệp thiện đều là do người nam làm cả. Vả lại, người nữ thì không có lợi căn thông minh bằng và chỉ có người nam mới đủ sức có thể hoàn thành. Vả lại, sức lực tốt đẹp của người nam ngày càng phát triển mạnh hơn nên hay thu nhập được các căn nghiệp lợi ích cao quý. Do nguyên nhân đó mà người nữ không thể làm Chuyển luân Thánh vương, cũng không thể thành tựu được Đế thích, Phạm vương, Ma vương, cũng không thể chứng được quả Bồ-đề Duyên giác và cả quả Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Hỏi: Vì sao chư Phật Thế Tôn được đầy đủ trí vô biên, đầy đủ tuệ vô biên và đầy đủ biện tài vô biên?
Đáp: Vì Bồ-tát suốt thời gian dài đối với ba thứ tuệ đó luôn gần gũi tu tập, rộng làm các hạnh bố thí. Nghĩa là đối với ba tuệ Văn- Tư- Tu đã thành tựu lại càng siêng năng cố gắng mạnh mẽ bồi đắp. Do nhân duyên đó mà chư Phật Thế Tôn có đầy đủ vô biên trí tuệ, vô biên biện tài.
Hỏi: Vì sao chư Phật Thế Tôn có thể phát ra tiếng nói nhiệm mầu thanh tịnh khiến cho khắp tam thiên đại thiên thế giới đều nghe thấy và đều thấu hiểu?
Đáp: Vì chư Phật Thế Tôn thành đạo chưa được bao lâu thì lại trụ vào cõi Phạm thanh tịnh, nên khiến cho tất cả những ai thường gần gũi nghe được thì liền giải thoát.
Tụng nói:
An trụ chánh giác của chư Phật,
Phát sinh tinh tấn cầu xuất ly,
Phá tan sinh tử sức đại quân,
Khác nào voi mạnh phá nhà cỏ.
Nay chánh pháp luật thanh tịnh này,
Tâm không buông lung, làm điều thiện,
Liền đoạn dứt được vòng sinh tử,
Hết tất cả khổ đến ngọn nguồn.
Với lời kệ như thế, tất cả chúng sinh khắp mọi thế giới đều được nghe thấy, thấu hiểu rõ ràng. Đấy chính là tiếng nói mầu nhiệm thanh tịnh của Như Lai, vang vọng khắp ba ngàn đại thiên thế giới đều nghe thấy.