LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ
Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG
TẬP V
QUYỂN 98
Phẩm thứ tám mươi tám
(tiếp theo)
Tát Đà Ba Luân
(tiếp theo)
KINH:
Lúc bấy giờ chư Phật trong 10 phương an ủi Bồ Tát Tát Bà Đa Luân rằng: Lành thay, Lành thay! Này Thiện Nam Tử! Trước đây khi chúng ta hành Bồ Tát đạo, cầu Bát Nhã Ba La Mật, được các tam muội cũng y như trường hợp của ông hiện nay. Khi được các tam muội rồi, chúng ta cũng vào Bát Nhã Ba La Mật, thành tựu các lực phương tiện, trú bất thối chuyển địa. Khi quán tánh của các tam muội, chúng ta chẳng thấy có pháp gì gọi là ra hay vào các tam muội; Chẳng thấy có ai hành Phật đạo; Chẳng thấy có ai được Vô Thượng Bồ Đề.
Này Thiện Nam Tử! Nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật là như vậy. Đó là chẳng niệm có các pháp.
Này Thiện Nam Tử! Chúng ta an trú trong pháp vô sở niệm ấy mà được thân kim sắc, được quang minh sáng chói, được 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, được trí huệ chẳng thể nghĩ bàn; Được giới vô thượng, tam muội vô thượng, trí huệ vô thượng, cùng hết thảy các công đức đầy đủ.
Phật có hết thảy công đức đầy đủ như vậy mà còn chẳng có thể nói hết ra được các tướng có thể thủ, huống nữa là các hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật cùng các người khác.
Này Thiện Nam Tử! Bởi vậy đối với Phật pháp, ông phải nên cung kính, ái niệm và sanh tín tâm thanh tịnh; Đối với thiện tri thức, ông phải nên xem như là Phật.
Vì sao? Vì nhờ có chư thiện tri thức thủ hộ, mà Bồ Tát mới mau được Vô Thượng Bồ Đề.
Lúc bấy giờ, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân bạch với chư Phật rằng: Ai sẽ là vị thiện tri thức của con, mà con phải nên thân cận và cúng dường?
Chư Phật bảo: Bồ Tát Đàm Vô Kiệt là vị thiện tri thức của ông. Vị Bồ Tát ấy đã nhiều đời giáo hoá ông tu Vô Thượng Bồ Đề. Vị Bồ Tát ấy cũng lại sẽ thủ hộ ông, sẽ dạy cho ông các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật. Đó là vị thiện tri thức của ông. Bởi vậy ông phải nên cúng dường Bồ Tát ĐàmVô Kiệt. Dù một kiếp, hai kiếp, ba kiếp… dẫn đến 100 kiếp cúng dường, ông vẫn phải nên nhất tâm cung kính cúng dường. Dù có đem tất cả các diệu sắc, diệu thanh, diệu hương, diệu vị, diệu xúc ra cúng dường cũng chẳng sao đền đáp được thâm ân trong muôn một.
Vì sao? Vì do nhân duyên có Bồ Tát Đàm Vô Kiệt mà ông được các tam muội, được Bát Nhã Ba La Mật, được các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật vậy.
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân được chư Phật an ủi, giáo hoá như vậy, lấy làm vui mừng sung sướng.
An ủi và giáo hoá xong, chư Phật bỗng nhiên biến mất, chẳng còn thấy đâu nữa.
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân chẳng còn thấy chư Phật nữa, bèn dấy niệm rằng: “Chư Phật đã từ đâu đến, và nay lại đi về đâu?”
Do nghĩ như vậy nên tâm chẳng được an vui, Ngài lại khóc lóc và than rằng: “Ai sẽ là người đoạn các chỗ nghi cho tôi?”.
Rồi ngài lại nghĩ đến Bồ Tát ĐàmVô Kiệt từ lâu nay đã thường hành Bát Nhã Ba La Mật, đã được các lực phương tiện, đã được các Đà la ni tam muội, đã được tự tại ở nơi hết thảy các pháp, đã cúng dường vô lượng đức Phật trong quá khứ, đã nhiều đời làm thiện tri thức cho mình, đã thường làm lợi ích cho mình. Nghĩ như vậy nên ngài tự bảo: “Tôi phải đến hỏi Bồ Tát Đàm Vô Kiệt để biết chư Phật từ đâu đến và đi về đâu”.
Lúc bấy giờ Bồ Tát Tát Đà Ba Luân sanh tâm cung kính, yêu quý, tôn trọng Bồ Tát ĐàmVô Kiệt, và tự nghĩ rằng: “Tôi phải nên cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt. Thế nhưng, hiện này tôi nghèo khổ, chẳng có gì quý giá, xứng đáng để cúng dường Bát Nhã Ba La Mật, và cúng dường Bồ Tát pháp sư Đàm Vô Kiệt. Chẳng nên đi tay không đến chỗ Bồ Tát Đàm Vô Kiệt. Nếu đến tay không là thất lễ, khiến tôi chẳng sanh được tâm hoan hỷ. Tôi phải bán thân tôi để có phương tiện mua sắm lễ vật cúng dường Bát Nhã Ba La Mật và Bồ Tát pháp sư. Trải qua nhiều đời, nhiều kiếp, trầm luân trong sanh tử, tôi đã mất vô số thân mà đâu có lợi ích gì? Có lúc tôi phải đọa địa ngục, chịu vô lượng khổ đau, nhưng chưa bao giờ tôi mất thân vì pháp thanh tịnh cả. Tôi quyết cúng dường Bát Nhã Ba La Mật và pháp sư, dù có mất thân này tôi cũng vui lòng”.
Nghĩ như vậy rồi, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đi vào một thành, đến giữa chợ rao lớn rằng: Ai cần người, ai cần mua người! Tôi xin bán mình tôi đây!
Lúc bấy giờ ác ma nghĩ rằng: “Vì mến pháp mà Tát Đà Ba Luân tự bán mình để cúng dường Bát Nhã Ba La Mật và vị pháp sư Đàm Vô Kiệt, cầu được các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật. Nếu người ấy hành Bát Nhã Ba La Mật, ắt sẽ chóng được Vô Thượng Bồ Đề. Nếu người ấy được đa văn như nước trong biển lớn, thì lúc đó chúng ta sẽ chẳng còn có thể phá hoại được nữa. Nếu người ấy được đầy đủ hết thảy công đức, làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh… dẫn đến được Vô Thượng Bồ Đề, thì sẽ vượt khỏi cảnh giới của chúng ta, và cũng sẽ dạy người khác vượt khỏi cảnh giới của chúng ta. Chúng ta phải phá hoại ngay việc làm của người ấy”.
Nghĩ như vậy rồi, ác ma liền hoá phép che mắt, bịt tai các Bà La Môn và dân chúng trong thành, chẳng cho thấy nghe gì về cảnh bán thân của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân cả. Chỉ trừ có một trưởng giả nữ, do phước duyên đời trước, khiến ma chẳng ngăn che được mà thôi.
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rao bán thân chẳng được, rất sầu khổ, bèn đứng tại chỗ khóc lóc thảm thiết, tự nghĩ rằng: “Tôi có nhiều tội lỗi, nên nay vì Bát Nhã Ba La Mật tôi muốn tự bán thân để cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt mà chẳng được”.
Lúc bấy giờ vị Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn thấy Bồ Tát Tát Đà Ba Luân vì thâm ái chánh pháp mà xả thân, nên đã hoá thân làm Bà La Môn, đến bên cạnh và hỏi rằng: Vì sao ông lại sầu khổ khóc than thảm thiết, khiến nhan sắc tiều tuỵ như vậy?
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đáp: Tôi vì ái kính pháp mà nguyện tự bán thân để cúng dường Bát Nhã Ba La Mật và Bồ Tát ĐàmVô Kiệt mà chẳng có ai mua.
Vị hoá Bà La Môn nói: Tôi chẳng cần mua người. Nay tôi muốn tế trời, cần đến máu, tim và tuỷ người. Ông có thể bán các thứ ấy cho tôi chăng?
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân tự nghĩ: “Tôi được lợi ích lớn. Nay vì muốn được các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật nên tôi sẵn sàng bán máu, tim và tuỷ của tôi”.
Nghĩ như vậy rồi thâm tâm rất vui mừng, chẳng còn lo âu nữa, ngài nói với vị hoá Bà La Môn rằng: Ông muốn mua gì tôi cũng xin sẵn sàng bán cho ông.
Vị hoá Bà La Môn hỏi: Ông lấy giá bao nhiêu?
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đáp: Tuỳ ông, bao nhiêu cũng được.
Liền khi đó Bồ Tát Tát Đà Ba Luân cầm dao bén đâm vào cánh tay để lấy máu, lại muốn cắt thịt bắp vế để vá xương lấy tuỷ.
Vị trưởng giả nữ từ trên gác cao nhìn thấy ở đằng xa Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đang tự cắt thân, chẳng tiếc gì đến mạng sống, nên muốn biết rõ nguyên do. Nàng liền xuống gác, đến tận nơi hỏi Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rằng: Thưa Ngài! Vì nhân duyên gì mà ngài phải tự huỷ thân, khốn khổ như thế này? Ngài dùng máu và tuỷ để cầu việc gì?
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đáp: Tôi bán các thứ ấy cho vị Bà La Môn này để có tiền mua sắm lễ vật cúng dường Bát Nhã Ba La Mật và Bồ Tát Đàm Vô Kiệt.
Vị trưởng giả nữ hỏi: Ngài muốn bán máu và tuỷ để cúng dường Bồ Tát ĐàmVô Kiệt chăng? Cúng dường như vậy ngài sẽ có được công đức gì?
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đáp: Bồ Tát Đàm Vô Kiệt đã khéo học Bát Nhã Ba La Mật và các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật. Vị Bồ Tát này sẽ dạy cho tôi biết những việc phải làm của hàng Bồ Tát để viên thành đạo nghiệp. Tôi học pháp ấy sẽ được Vô Thượng Bồ Đề. Được Vô Thượng Bồ Đề rồi, tôi sẽ làm chỗ y chỉ cho hết thảy chúng sanh; Tôi sẽ được thân kim sắc với đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp; Tôi sẽ có vô lượng quang minh; Tôi sẽ có đầy đủ bốn vô lượng tâm, bốn vô sở uý, bốn vô ngại trí, 10 Phật lực, 18 bất cộng pháp, 6 thần thông chẳng thể nghĩ bàn được; Tôi sẽ có giới, định, huệ thanh tịnh, chẳng thể nghĩ bàn được; Tôi sẽ được Vô Thượng Bồ Đề. Ở nơi hết thảy các pháp, tôi sẽ được tri kiến vô ngại, rồi tôi sẽ đem Pháp Bảo vô thượng ban phát cho hết thảy chúng sanh. Hết thảy các công đức, các sự lợi lạc đó, tôi sẽ được từ nơi Bồ Tát Đàm Vô Kiệt.
Vị trưởng giả nữ nghe nói Phật pháp thượng diệu, rất vui mừng. Nàng nói với Bồ Tát Đà Ba Luân rằng: Việc làm của ngài thật là rất hiếm có. Như chỗ ngài nói, Bát Nhã Ba La Mật là pháp vi diệu, khó gặp được. Ngài vì diệu pháp ấy mà nguyện xả thân, thật là việc làm rất hiếm có vậy. Thưa Ngài! Nay ngài cần bao nhiêu châu báu, hoa hương, tràng phan, bảo cái, y phục, nhạc khí,… để cúng dường Bát Nhã Ba La Mật và Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, tôi xin cung ứng đầy đủ. Ngài chớ nên tự huỷ hoại thân. Tôi cũng muốn cùng ngài đến chỗ Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, cùng ngài gieo trồng thiện căn, để được nghe pháp vi diệu, như lời ngài vừa nói.
Lúc bấy giờ, Thiên Đế Thích Đế Hoàn Nhơn trở lại nguyên hình, tán thán Bồ Tát Đà Ba Luân rằng : Lành thay, Lành thay ! Ông phải chịu đau đớn như vậy, mà vẫn giữ được tâm kiên cố, bất động. Chư Phật trong quá khứ, khi hành Bồ Tát đạo, cầu các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật cũng như ông hiện nay, mà được Vô Thượng Bồ Đề. Tôi thật chẳng muốn dùng máu và tuỷ của ông để làm gì cả. Tôi chỉ muốn thử tâm ông đó thôi. Nay ông cầu việc gì, tôi sẽ ban cho.
Bồ Tát Đà Ba Luân đáp : Tôi chỉ muốn được Vô Thượng Bồ Đề.
Vị Đế Thích nói : Việc ấy ngoài sức của tôi. Đó là cảnh giới của Phật. Ông nên cầu việc khác trong khả năng của tôi.
Bồ Tát Đà Ba Luân nói : Vậy xin cho thân thể của tôi được hồi phục lại như cũ.
Liền khi đó, thân thể của Bồ Tát Đà Ba Luân được hồi phục lại như cũ. Đồng thời vị Đế Thích cũng biến mất, chẳng còn hiện nữa.
Vị trưởng giả nữ nói với Bồ Tát Đà Ba Luân rằng : Xin mời ngài hãy đến nhà tôi. Tôi sẽ xin cha mẹ tôi cung ứng đầy đủ lễ vật để ngài đem đi cúng dường. Tôi cũng sẽ từ giã cha mẹ tôi, sẽ dẫn theo đoàn thị nữ, sẽ cùng với ngài đi đến chỗ Bồ Tát Đàm Vô Kiệt để cúng dường và cầu pháp Bát Nhã Ba La Mật.
Khi đến nhà, vị trưởng giả nữ bảo Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đứng ngoài cổng. Rồi nàng vào nhà thưa với cha mẹ, xin đầy đủ các lễ vật cúng dường, nàng lại xin phép cha mẹ cho dẫn theo 500 thị nữ tháp tùng, để cùng đi với Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đến chỗ Bồ Tát Đàm Vô Kiệt cúng dường và nghe thuyết Bát Nhã Ba La Mật.
Hai ông bà trưởng giả nói với con rằng : Bồ Tát Tát Đà Ba Luân là người như thế nào ? Hiện nay người này ở đâu ?
Vị trưởng giả nữ thưa rằng : Bồ Tát Tát Đà Ba Luân hiện đứng ở ngoài cổng. Người này thâm tâm cầu Vô Thượng Bồ Đề, muốn độ hết thảy chúng sanh thoát khỏi các khổ đau sanh tử, nên đã tự nguyện bán thân để cúng dường Bát Nhã Ba La Mật và Bồ Tát Đàm Vô Kiệt. Do vậy mà ra giữa chợ rao : “Ai muốn mua người hãy đến mua”. Rao mãi chẳng ai mua, người này buồn khổ, khóc lóc rất thảm thiết. Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn tự biến thành một vị Bà La Môn đến hỏi lý do. Khi được biết người này muốn bán thân, vị Đế Thích đòi mua máu, tim và tuỷ để tế trời, nếu muốn bán thì cho biết giá cả. Người này vui vẻ chấp nhận bán, nói rằng : “Cho bao nhiêu cũng được “. Thế rồi người này cầm dao bén xẻ thịt để lấy máu, và toan phá xương để lấy tuỷ. Con từ gác cao trông thấy cảnh tượng thê thảm đó, nên đã xuống gác đến hỏi nguyên nhân, và được biết người này nguyện bán máu và tuỷ cho vị hoá Bà La Môn để có tiền mua sắm lễ vật đem cúng dường Bát Nhã Ba La Mật và Bồ Tát ĐàmVô Kiệt. Con hỏi về lợi ích của sự bán máu và tuỷ để cúng dường, thì người này cho biết Bát Nhã Ba La Mật là pháp vi diệu, tối thượng, học pháp ấy sẽ được Vô Thượng Bồ Đề ; Lại cho biết Bồ Tát sẽ vì người này dạy các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật, dạy các việc mà hàng Bồ Tát phải làm để viên thành đạo nghiệp. Khi đã biết nguyên nhân, con bảo người này chớ nên huỷ hoại thân thể, và con hứa sẽ về xin cha mẹ đầy đủ các lễ vật cần thiết, để người này đem cúng dường Bát Nhã Ba La Mật và Bồ Tát Đàm Vô Kiệt. Vậy con kính xin cha mẹ cho con đầy đủ các thứ châu báu, hoa hương, tràng phan, bảo cái, y phục, nhạc khí v.v… Cho phép con đem theo 500 thị nữ tháp tùng, cho phép con được đi cùng với người này đến chỗ Bồ Tát Đàm Vô Kiệt để cúng dường, gieo trồng thiện căn, và để nghe thuyết Bát Nhã Ba La Mật.
Cha mẹ nàng nói với nàng rằng : Việc làm của người này thật là rất hiếm có. Người này vì pháp chẳng thể nghĩ bàn, pháp tối diệu, tối thượng, đệ nhất trong thế gian mà phát đại thệ trang nghiêm. Vậy cha mẹ bằng lòng cho con cùng đi với người này đến chỗ Bồ Tát Đàm Vô Kiệt để được thân cận, cúng dường ngài, và được nghe ngài thuyết về Bát Nhã Ba La Mật. Con đã vì Phật pháp mà phát đại tâm, tinh tấn như vậy, cha mẹ đâu có lý do gì mà chẳng tuỳ hỷ.
Được cha mẹ hoan hỷ chấp nhận lời thỉnh nguyện, vị trưởng giả nữ thưa với cha mẹ rằng : Con cũng xin tuỳ tâm hoan hỷ và xin nguyện trọn chẳng bao giờ đoạn các thiện nhân duyên này.
Thế rồi vị trưởng giả nữ liền trang nghiêm 500 cỗ xe bảy báu, cùng với 500 thị nữ thu xếp các lễ vật cúng dường gồm châu báu, hoa hương, tràng phan, bảo cái, y phục, nhạc khí v.v… các thức ăn uống cần thiết cho cuộc hành trình. Trưởng giả nữ, 500 thị nữ ngồi trên các cỗ xe bảy báu, tháp tùng Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, đi lần về phương Đông, hướng thành Chúng Hương.
Thành Chúng Hương có 7 lớp thành bằng 7 báu trang nghiêm, lại có 7 vòng hào, có 7 hàng cây 7 báu bao quanh. Thành có đến 500 thị trấn; Đường xá, chợ búa, cầu, bến v.v… đều rất sạch sẽ, huy hoàng tợ như ở trong các bức tranh vẽ, mặt đất bằng phẳng, dân chúng trong thành đông đúc và rất sung túc. Vào thành là liền thấy Bồ Tát Đàm Vô Kiệt ngồi trên đài cao nơi pháp toà, đang thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn vạn ức thính chúng cung kính đoanh vây pháp toà để nghe pháp.
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân vừa thoáng thấy Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, liền sanh tâm hoan hỷ, như vị Tỷ Kheo nhập đệ tam thiền, nhiếp tâm an tịnh, và tự nghĩ rằng : “Nếu theo đúng lễ nghi, chẳng nên ngồi trên xe đến chỗ Bồ Tát pháp sư”. Nghĩ như vậy rồi, liền xuống xe đi bộ. Vị trưởng giả nữ cùng 500 thị nữ cũng đều xuống xe, đi bộ theo sau.
Cạnh pháp toà của Bồ Tát Đàm Vô Kiệt có đài bảy báu trang nghiêm bằng gỗ “ngưu đầu chiên đàn”1 Cây chiên đàn (cây trầm) là một loại cây gỗ quý, có hương thơm, có nhiều màu: đỏ, trắng, tía. Bột gỗ chiên đàn đốt lên toả mùi hương thơm dễ chịu, thường được dùng để cúng Phật. Có rất nhiều giống. Ở trên dãy Hy Mã Lạp Sơn có loại “ngưu đầu chiên đàn” rất đặc biệt. Thứ chiên đàn này cho vào lửa chẳng bị cháy.[/note] màu đỏ, có màn lưới kết bằng trân châu bao quanh, ở bốn bên đều có chuỗi trân bảo châu ma ni thòng xuống dùng làm đèn, lại có bốn lò thường xuyên xông đốt các thứ hương thơm để cúng dường Bát Nhã Ba La Mật. Trên đài có đặt một cái giường lớn bảy báu, trên giường lớn lại có đặt một cái giường nhỏ 4 báu. Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật được chép trên các lá vàng ròng, và được đặt trên giường nhỏ này. Ngay phía bên trên đài có các tràng phan, bảo cái trang nghiêm treo rũ xuống.
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, vị trưởng giả nữ cùng 500 thị nữ thấy đài thờ kinh Bát Nhã Ba La Mật được trang nghiêm bằng đủ thứ châu báu, lại thấy Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn cùng vô lượng chư Thiên đem hoa trời mạn đà la và bột thơm hương chiên đàn rải lên đài, lại nghe trên hư không có tiếng nhạc trời trỗi lên để cúng dường.
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân hỏi vị Đế Thích : Thưa ngài Kiều Thi Ca ! Vì nhân duyên gì mà có vô lượng chư Thiên đem hoa trời mạn đà la và bột hương chiên đàn rải lên đài, lại có nhạc trời trỗi lên như vậy ?
Vị Đế Thích đáp : Ông chẳng biết gì chăng ? Đây là chỗ để kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật. Kinh này là mẹ của chư đại Bồ Tát. Hay sinh ra chư Phật và nhiếp trì chư Bồ Tát. Do học Bát Nhã Ba La Mật mà thành tựu được hết thảy các công đức, được các Phật pháp … dẫn đến được nhất thiết chủng trí.
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rất vui mừng, hỏi vị Đế Thích: Thưa ngài Kiều Thi Ca! Bát Nhã Ba La Mật là mẹ của chư đại Bồ Tát. Hay sinh ra chư Phật và nhiếp trì chư Bồ Tát. Bồ Tát học Bát Nhã Ba La Mật mà thành tựu được hết thảy các công đức, được các Phật Pháp…. Dẫn đến được nhất thiết chủng trí. Hiện nay pháp bảo ấy ở tại nơi đâu ?
Vị Đế Thích đáp : Ở trên đài cao có cái giường lớn bảy báu, bên trên cái giường lớn bảy báu ấy lại có cái giường nhỏ bốn báu, đó là nơi để kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật. Kinh này được chép trên các lá vàng ròng. Vì Bồ Tát Đàm Vô Kiệt đã dùng ấn bảy báu ấn lên rồi, nên chúng tôi chẳng có thể mở ra cho người xem được.
Lúc bấy giờ Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, vị trưởng giả nữ cùng 500 vị thị nữ đem các lễ vật cúng dường gồm hương hoa, chuỗi anh lạc, tràng phan, bảo cái v.v… chia ra làm 2 phần :
– Một phần cúng dường kinh quyển Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật.
– Một phần cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt.
Sau khi cúng dường Bát Nhã Ba La Mật xong, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân cùng đoàn tuỳ tùng đem phần lễ vật còn lại đến cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt đang ngồi trên pháp toà.
Bồ Tát Đàm Vô Kiệt liền biến các đồ lễ vật cúng dường thành bảo đài, bảo trướng, bảo cái, ở bốn bên bảo cái lại có các bảo phan thòng xuống. Tất cả các thứ ấy đều trú trên hư không, ở ngay phía trên pháp toà của Bồ Tát Đàm Vô Kiệt.
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân cùng đoàn tuỳ tùng thấy các sự biến hoá như vậy, rất lấy làm vui mừng, tự nghĩ rằng : “Thần thông và đức hạnh của Bồ Tát Đàm Vô Kiệt thật là hiếm có chưa từng thấy ! Đang trong giai đoạn hành Bồ Tát hạnh mà đã được thần thông, đức hạnh như vậy, huống nữa là khi được Vô Thượng Bồ Đề”.
Vị trưởng giả nữ cùng 500 vị thị nữ khởi tín tâm thanh tịnh, kính trọng Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, đồng phát nguyện rằng : “Nguyện được Bồ Tát pháp thậm thâm như Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, nguyện được cúng dường Bát Nhã Ba La Mật như Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, nguyện ở trong đại chúng diễn thuyết, khai thị nghĩa Bát Nhã Ba La Mật như Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, nguyện được các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật như Bồ Tát Đàm Vô Kiệt. Về sự thành tựu thần thông, về sự tự tại ở nơi việc làm của Bồ Tát, chúng con cũng xin nguyện được như vậy”.
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, vị trưởng giả nữ cùng 500 vị thị nữ cúng dường xong, đồng đảnh lễ Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, rồi chấp tay cung kính đứng sang một bên.
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân bạch với Bồ Tát Đàm Vô Kiệt rằng : đang ở trong rừng vắng vẻ, con bỗng nghe tiếng nói giữa hư không dạy rằng : “Này Thiện Nam Tử ! Ông hãy đi về phương Đông để được nghe Bát Nhã Ba La Mật”. Con y theo lời dạy, đi về phương Đông, nhưng đi chưa được bao xa, con chợt nghĩ rằng, “Vì sao chẳng hỏi thêm phải đi đến đâu, phải đi bao xa nữa, sẽ phải theo ai để học Bát Nhã Ba La Mật ?”. Nghĩ như vậy xong, con rất buồn khổ, con đã khóc lóc suốt 7 ngày đêm, chẳng nghĩ đến ăn uống, ngủ nghỉ, nóng lạnh … Con chỉ có điều suy nghĩ duy nhất rằng : “Đến bao giờ mới nghe được Bát Nhã Ba La Mật?”.
Đang lúc con sầu khổ, nhất tâm niệm Bát Nhã Ba La Mật như vậy, thì con thấy Phật hiện thân giữa hư không, bảo con rằng : “Ông hãy siêng năng tinh tấn, một lòng vì pháp mà tiếp tục đi về phương Đông. Từ nơi đây đi 500 do tuần, ông sẽ gặp thành Chúng Hương. Trong thành Chúng Hương, ông sẽ được gặp Bồ Tát Đàm Vô Kiệt. Ông hãy theo Bồ Tát pháp sư ấy để được học Bát Nhã Ba La Mật. Trải qua nhiều đời, vị Bồ Tát ấy đã từng là thiện tri thức của ông, đã thủ hộ ông, rồi đây sẽ khai thị, làm lợi ích cho ông”.
Y theo lời chỉ dạy của Phật, con đi thẳng về phương Đông, tâm con chẳng có niệm gì khác, chỉ niệm được mau được gặp Bồ Tát pháp sư, để được truyền dạy Bát Nhã Ba La Mật.
Giữa đường con được tri kiến vô ngại ở nơi hết thảy các pháp, quán được tánh của các pháp, và ở ngay hiện tiền con được vô lượng tam muội. Trú trong các tam muội, con thấy được ở khắp trong 10 phương, các đức Phật đang thuyết Bát Nhã Ba La Mật. Các đức Phật tán thán rằng : “Lành thay, lành thay ! Này Thiện Nam Tử ! Trước đây khi chúng ta hành Bồ Tát đạo, cầu Bát Nhã Ba La Mật, được các tam muội cũng y như trường hợp của ông hiện nay. Được các tam muội rồi, chúng ta cũng khắp được các Phật pháp”. Rồi các đức Phật vì con rộng nói các pháp. An ủi con xong, các đức Phật bỗng nhiên chẳng còn hiện nữa.
Con từ trong các tam muội ra, tự nghĩ rằng : “Các đức Phật từ đâu đến, rồi lại đi về đâu ?”. Vì con chẳng còn thấy các đức Phật nữa, nên con lại sanh sầu khổ. Thế rồi con lại nghĩ đến Bồ Tát pháp sư, trải qua nhiều đời đã cúng dường chư Phật, đã gieo trồng thiện căn, đã hành Bát Nhã Ba La Mật, đã khéo biết các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật, đã được tự tại ở nơi hết thảy các pháp, đã từng là vị thiện tri thức, là vị thủ hộ của con. Vậy con sẽ phải hỏi Đại Sư để biết các đức Phật từ đâu đến và đi về đâu.
Nay con xin được hỏi Đại Sư : “các đức Phật từ đâu đến, rồi lại đi về đâu ?”
Kính xin Đại Sư vì con giải nói để con được biết, biết được như vậy để con thường chẳng rời thấy các đức Phật.
LUẬN:
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân khao khát muốn được nghe Bát Nhã Ba La Mật, nên được thấy các đức Phật, ở khắp trong 10 phương, đang vì đại chúng thuyết pháp. Thấy được các đức Phật, nghe được các đức Phật thuyết pháp, ngài tự nghĩ rằng như vậy là đã được mãn nguyện.
Nay Bồ Tát Tát Đà Ba Luân lại nghe giữa hư không tiếng nói của các đức Phật khuyên ngài nên giữ tín lực kiên cố, tinh tấn bất động, an ủi và tán thán ngài rằng : “Lành thay, lành thay ! Trước đây khi chúng ta hành Bồ Tát đạo, cầu Bát Nhã Ba La Mật, được các tam muội cũng y như trường hợp của ông hiện nay. Vậy ông chớ nên lo buồn, tự cho mình là người bạc phước”.
Vì lúc bấy giờ, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đã được các lực tam muội, nên tâm ngài càng thâm tín. Bởi vậy nên các đức Phật vì ngài nói tiếp : “Chúng ta quán tánh các tam muội, chẳng thấy có chỗ ra, chỗ vào các tam muội, chẳng thấy có ai hành Phật đạo; Chẳng thấy có ai được Vô Thượng Bồ Đề”.
Như vậy là các đức Phật đã vì Bồ Tát Tát Đà Ba Luân lược nói về Bát Nhã Ba La Mật. Nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật là như vậy, là chẳng niệm có các pháp tướng, vì hết thảy các pháp đều là vô tướng, nên chẳng có chỗ niệm chấp. Các đức Phật trú trong pháp “vô sở niệm” mà được thân kim sắc, được đại quang minh, được 32 tướng tôt, 80 vẻ đẹp, được trí huệ vô thượng, được đầy đủ các công đức. Như trong Kinh nói các đức Phật được trí huệ vô thượng, được đầy đủ các công đức như vậy rồi, trở lại giáo hoá chúng sanh, khiến họ được nhiều lợi ích, được tăng trưởng trí huệ … dẫn đến được giải thoát.
Hỏi : Trước đây tiếng nói của Phật giữa hư không, đã bảo với Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rằng : “Bồ Tát Đàm Vô Kiệt là vị thiện tri thức của ông trong nhiều đời”. Nay vì sao Bồ Tát Tát Đà Ba Luân còn hỏi thêm, “ai sẽ là vị tri thức của con mà con phải nên thân cận và cúng dường” ?
Đáp : Sở dĩ Bồ Tát Tát Đà Ba Luân hỏi như vậy vì ngài muốn biết thêm từ kim khẩu của các đức Phật về các công đức của Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, khiến tín tâm càng thêm kiên cố, chẳng còn có chỗ nghi.
Như trong kinh nói : “Bồ Tát Đàm Vô Kiệt là người có nhân duyên với Bồ Tát Tát Đà Ba Luân trong nhiều đời”. Bởi vậy nên Bồ Tát ĐàmVô Kiệt mới là người sẽ khai ngộ cho Bồ Tát Tát Đà Ba Luân.
Hỏi : Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đã được tam muội vì sao ngài chẳng tự quán về chỗ đi và chỗ đến của các đức Phật mà lại phải hỏi Bồ Tát Đàm Vô Kiệt về vấn đề này ?
Đáp : Các đức Phật trong khắp 10 phương đã dùng các nhân duyên tán thán Bồ Tát Đàm Vô Kiệt là thầy của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân trong nhiều đời. Bồ Tát Tát Đà Ba Luân tự niệm rằng : “Bồ Tát ĐàmVô Kiệt là bậc thầy của tôi trong nhiều đời; Tôi phải tôn trọng, cung kính. Quý mến ngài, tôi phải đến hỏi ngài để biết chư Phật từ đâu đến, rồi lại đi về đâu”.
Hỏi : Trước đây nói rằng Bồ Tát đã nhàm chán thế gian, chỉ cầu Bát Nhã Ba La Mật; Do chưa được như nguyện nên buồn rầu, khóc lóc. Nay vì sao Bồ Tát Tát Đà Ba Luân lại tự thẹn về sự bần cùng của mình, chẳng có lễ vật để cúng dường ? Cúng dường là tuỳ ở tâm, trong sự cúng dường thì cúng dường pháp là hơn hết. Vì sao chẳng có hoa hương cùng các lễ vật khác để cúng dường mà phải sầu khổ ?
Đáp: Tuy cúng dường pháp là hơn hết, nhưng nếu người thế gian thấy có người ở xa đến cầu pháp mà lại đi tay không, chẳng mang lễ vật theo, ắt họ sẽ chẳng sanh tâm hoan hỷ.
Có thuyết nói rằng Bồ Tát Tát Đà Ba Luân tuỳ thuận thế pháp mà cầu có được đầy đủ các lễ vật cúng dường.
Có thuyết nói rằng 6 pháp Ba La Mật hỗ trợ lẫn nhau và đều dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật, nhưng khi hành Bồ Tát đạo, phải lấy Đàn Ba La Mật làm đầu, do vậy mà Bồ Tát Tát Đà Ba Luân nghĩ đến việc tôn trọng và cúng dường phước điền Đàm Vô Kiệt.
Lại có thuyết nói rằng Bồ Tát Tát Đà Ba Luân muốn làm gương sáng để các người khác noi theo. Bồ Tát Tát Đà Ba Luân là người trí, người thiện mà lại nghèo về các lễ vật cúng dường, do vì muốn cho chúng sanh thấy rằng các thiện pháp khi làm, khi suy nghĩ, khi nếm vị đều có sai khác, nên Bồ Tát Tát Đà Ba Luân muốn được nếm vị bố thí qua sự cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt.
Hỏi: Bồ Tát Tát Đà Ba Luân thường vào thâm tham muội, thường thấy được chư Phật khắp 10 phương. Vì sao vẫn còn chịu sự bần khổ ?
Đáp: Có thuyết nói Bồ Tát Tát Đà Ba Luân tuy sanh vào nhà phú quý, giàu sang, nhưng vì đạo lý cao xa, mà ngài rời bỏ gia đình, một mình đi tìm thầy học đạo, chẳng có mang theo của cải.
Có thuyết nói Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, tuy là bậc đại nhân, nhưng do nhân duyên đời trước có tội nhẹ, nên nay phải sanh vào nhà bần cùng. Có thuyết nói Bồ Tát Tát Đà Ba Luân tuy là bậc đại nhân, nhưng do nhân duyên đời trước ít hành bố thí, nên nay chẳng được sanh vào nhà phú quý, giàu sang.
Có thuyết nói Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, tuy nghèo nàn, mà vẫn được người và chư Thiên cúng dường, như trường hợp ngài Tô Đà Di vậy.
Ở đây, nên phân biệt nghèo theo hai nghĩa : Nghèo của cải và nghèo công đức.
Nghèo công đức, nghèo thiện pháp mới nên xấu hổ; Còn nghèo của cải mà tâm tánh tốt vẫn là đáng được quý trọng.
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, tuy rất nghèo về của cải, nhưng lại rất giàu công đức. Dù ngài biết rõ lý vô ngã, nhưng đi cúng dường vị pháp sư mà chẳng có hoa hương, chẳng có diệu bảo cũng chẳng được yên tâm, nên ngài mới quyết định bán thân để cúng dường vậy.
Hỏi : Nếu bán thân rồi thì làm sao đi cúng dường vị pháp sư được nữa ?
Đáp : Có thuyết nói Bồ Tát Tát Đà Ba Luân lấy việc xả thân để cúng dường là cúng dường cao quý nhất.
Có thuyết nói Bồ Tát Tát Đà Ba Luân bán thân để đổi lấy tài vật đem đi cúng dường. Nhưng vào thời bấy giờ toàn là người tốt, dù có bán thân làm tôi tớ, thì chủ có sai đi cúng dường rồi lại cũng được trở về ở với chủ.
Có thuyết nói Bồ Tát Tát Đà Ba Luân thâm tâm hành bố thí Ba La Mật, cúng dường pháp và pháp sư, mà chẳng có vật gì ngoài thân, nên đã bán thân để cúng dường.
Nơi đây nói rõ nhân duyên Bồ Tát Tát Đà Ba Luân nhất tâm muốn cúng dường Bát Nhã Ba La Mật và Bồ Tát pháp sư, vì tự nghĩ rằng, “Tôi đã trải qua nhiều đời, nhiều kiếp mất thân, mà chưa bao giờ mất thân vì pháp thanh tịnh. Nay tôi muốn cúng dường Bồ Tát pháp sư để được nghe Bát Nhã Ba La Mật, thì dù có phải mất thân mạng này mà được pháp lợi lớn, thì tôi cũng rất vui”. Như vậy Bồ Tát Tát Đà Ba Luân chẳng hề tiếc thân mạng mình là vì đạo pháp vậy.
Hỏi : Vì sao ác ma muốn phá ý nguyện của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân ?
Đáp : Ma là oan gia của chư Phật và chư Bồ Tát, nên muốn đến phá hoại ý nguyện của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân.
Vì sao ? Các tiểu Bồ Tát chưa vào được thật tướng pháp rất dễ bị ma phá hoại; Các vị đại Bồ Tát đã được vô sanh pháp nhẫn rồi, đã có đầy đủ các lực thần thông, thì ma chẳng có thể phá hoại được.
–o0o–
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đã vào được trong các tam muội, đã thấy được chư Phật trong khắp 10 phương, nên tâm ngài đã quyết định vì pháp chẳng tiếc thân mạng. Khi tướng tâm quyết định của ngài hiện ra, thì ác ma mới lo sợ. Nay Bồ Tát Tát Đà Ba Luân định tâm ra khỏi cảnh giới ma, nên ma mới đến phá.
Ví như người mắc nợ chưa có ý định bỏ đi xa, thì chủ nợ chưa có lo sợ; Khi người mắc nợ tỏ rõ ý định muốn đi xa, thì chủ nợ mới lo ngại, tìm mọi cách ngăn cản sự ra đi của người kia, với chủ tâm đòi lại số nợ. Cũng như vậy, khi Bồ Tát chưa định tâm thì ác ma chưa động đến; Khi Bồ Tát đã định tâm rồi thì ác ma thường đến phá vậy.
Hỏi : Ma có thế lực lớn. Như vậy vì sao chẳng giết Bồ Tát, mà chỉ phá hoại Bồ Tát mà thôi ?
Đáp : Ma chẳng có thù ghét thọ mạng, chỉ thù ghét huệ mạng, thù ghét Phật tâm, nên chỉ phá hoại Bồ Tát mà chẳng giết hại vậy.
Lại nữa, có chư Thiên Thần thường ở bên giữ gìn, chẳng để cho ác ma giết hại Bồ Tát, nên ác ma chỉ có thể khủng bố, làm não loạn tâm Bồ Tát mà chẳng thể hại mạng Bồ Tát được vậy.
Hỏi : Vì sao Bồ Tát Tát Đà Ba Luân tự cầm dao hoại thân mà lại thoát chết như vậy ?
Đáp : Có thuyết nói vì vị trưởng giả nữ, đời trước đã chứa nhóm nhiều công đức, nên ác ma chẳng thể che mắt, bít tai được. Do vậy mà nàng mới nghe được cảnh tượng hoại thân ấy, kịp thời đến cứu được Bồ Tát.
Có thuyết nói vì Bồ Tát Tát Đà Ba Luân chưa đến số chết, nên mới được cứu mạng.
Có thuyết nói do lực thần thông của Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, khiến vị trưởng giả nữ nghe thấy cảnh tượng phá thân ấy, mà kịp thời đến cứu mạng.
Hỏi : Bồ Tát Tát Đà Ba Luân chẳng tiếc thân mạng, chỉ vì chẳng có người đến mua nên chẳng bán thân được. Như vậy vì sao lại phải khóc lóc thảm thiết ?
Đáp : Vì ngài đã phát đại tâm mà chưa được mãn nguyện, nên buồn rầu mà khóc lóc vậy.
Hỏi : Vị Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn đã có được quả báo tha tâm thông, biết rõ quyết định của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân. Như vậy vì sao còn muốn thử thách làm gì ?
Đáp : Chư Thiên biết được tâm người, nhưng chẳng sao biết được tâm Phật. Nếu thấy có người vì Phật đạo mà sắp được thọ ký, thì vị Đế Thích cũng muốn được dẫn đạo họ. Sự thử thách có mục đích đẩy mạnh sự phát tâm của người cầu Phật đạo. Nếu thật sự Bồ Tát có thể tự cắt thịt, trích máu, chẻ xương, lấy tuỷ, thì biết tâm Bồ Tát đã quyết định, chẳng còn động nữa. Đây là lý do vì sao vị Đế Thích muốn thử tâm Bồ Tát Tát Đà Ba Luân.
Hỏi : Vị Đế Thích là vua cõi trời. Như vậy vì sao còn phạm tội vọng ngữ, nói rằng, “Ta cần máu, tim và tuỷ để tế trời” ?
Đáp : Vì muốn biết tâm của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, nên mới có vọng ngữ như vậy. Nếu hiện thật thân thì sợ Bồ Tát chẳng tin, nên phải nói cần các thứ ấy để tế trời, để Bồ Tát tin vậy.
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân nghe nói như vậy rất vui mừng, nghĩ rằng, “Tôi sẽ có lợi ích lớn; Nay tôi được làm việc bố thí Ba La Mật, và sẽ được nghe Bát Nhã Ba La Mật là pháp đệ nhất trong 6 pháp Ba La Mật. Được Bát Nhã Ba La Mật là đệ nhất lợi, nhưng được lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật mới là đại lợi; Từ sơ địa đến thập địa là đệ nhất lợi, nhưng thập địa mới là đại lợi; Bồ Tát địa là đệ nhất lợi, nhưng Phật địa mới là đại lợi”.
Vì Bồ Tát Tát Đà Ba Luân muốn được đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, muốn được đại lợi ích, nên nghe vị Đề Thích nói như trên, liền sanh tâm vui mừng.
Hỏi : Vì sao vị Đế Thích lại hỏi, “Ông muốn bán các thứ ấy với giá bao nhiêu ?”
Đáp : Vì biết Bồ Tát Tát Đà Ba Luân muốn bán thân để cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, nên vị Đế Thích hỏi như trên, để xem ngài có thật sự quyết tâm, thật sự chẳng còn hối hận chăng ?
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân thật sự đã quyết tâm, chẳng chút hối hận, nên đáp, “Cho bao nhiêu cũng được”.
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân chẳng có tiền để thuê một người chiên đà la phá thân ngài; Cũng chẳng có thể nhờ một vị Bà La Môn làm việc ấy vì Bà La Môn sợ tội phá thân người, nên ngài phải cầm dao, tự phá thân mình.
Hỏi : Vì sao vị trưởng giả nữ khi nghe Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rao bán thân, chẳng liền hỏi; Mà đến khi thấy ngài phá thân mới đến hỏi ?
Đáp : Việc bán thân là việc dễ làm; Việc tự phá thân mới thật là việc khó làm.
Vị trưởng giả nữ, từ trên gác cao nhìn xuống, thấy cảnh phá thân, máu chảy ra lai láng, tự nghĩ rằng, “Hết thảy chúng sanh đều cầu vui, đều sợ khổ, mà người này tự xẻ thịt lấy máu là việc làm rất hy hữu”. Nghĩ như vậy, nên xuống tận nơi để hỏi nguyên nhân.
Khi được biết Bồ Tát Tát Đà Ba Luân muốn bán máu, tim và tuỷ cho vị hoá Bà La Môn để cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, nàng bèn hỏi rằng : Ông cúng dường như vậy sẽ có được lợi ích gì ?
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đáp : Bát Nhã Ba La Mật là pháp mà Bồ Tát phải học. Tôi phải theo Bồ Tát Đàm Vô Kiệt để được nghe Bát Nhã Ba La Mật, được học Bát Nhã Ba La Mật. Do học Bát Nhã Ba La Mật mà sẽ được thành Phật. Khi tôi được làm Phật, tôi sẽ làm chỗ y chỉ cho hết thảy chúng sanh, ví như cây che bóng làm cho dân trong ấp được hưởng sự im mát vậy.
Phật có thân sắc vàng, có 32 tướng tốt, có 80 vẻ đẹp, có vô lượng quang minh. Quang minh của Phật là chân ánh sáng, chiếu khắp cả 10 phương; Chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề nhờ nương theo quang minh của Phật mà thoát ra khỏi vô minh hắc ám. Phật có đại từ bi, có thần thông chẳng thể nghĩ bàn, có đầy đủ trì giới, thiền định, trí huệ thanh tịnh. Phật vì 5 chúng thuyết pháp, dạy họ tu bố thí, tu trì giới … dẫn đến tu trí huệ, khiến họ được trí vô ngại. Khi tôi được vô lượng công đức như vậy rồi, tôi sẽ đem pháp bảo vô thượng ban phát cho hết thảy chúng sanh. Bởi vậy nên tôi nguyện xả thân sanh già bệnh chết này, xả thân xú uế, bất tịnh này, để cúng dường Bát Nhã Ba La Mật, cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, để được thành Phật.
Vị trưởng giả nữ, đã gieo trồng thiện căn trong nhiều kiếp, đã có được trí huệ sáng suốt, nên vừa nghe pháp, liền được đại Pháp hỷ, chẳng còn sợ hãi nữa. Nàng nói với Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rằng : Việc làm của ông thật là hy hữu, Pháp mà ông vừa tán thán thật là vi diệu. Nếu được Pháp vi diệu ấy mà phải xả vô lượng thân cũng nên làm, huống nữa là chỉ xả một thân.
Lúc ban đầu vị trưởng giả chưa rõ vì nguyên nhân gì khiến Bồ Tát Tát Đà Ba Luân tự phá thân, nên chỉ tỏ lòng thương xót. Nhưng nay nàng đã được nghe pháp thanh tịnh, nên sanh tâm hoan hỷ, và tán thán Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rằng, “Ngài vì pháp mà bán thân, tôi rất cảm phục. Vì ngài nghèo, chẳng có gì để cúng dường pháp và pháp sư, nên tôi xin hết lòng để giúp ngài. Ngài cần gì, tôi xin sẽ cung ứng đầy đủ. Tôi cũng muốn theo ngài đến cầu đạo nơi Bồ Tát Đàm Vô Kiệt.
Hỏi : Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đã xẻ thịt khiến máu chảy ra lai láng. Như vậy vì sao ngài còn có thể nói nhiều Phật pháp cho vị trưởng giả nữ nghe ?
Đáp : Tuy thân khổ, mà Bồ Tát chẳng bị vô minh che tâm. Lại nữa, lúc bấy giờ ngài mới xẻ thịt, nhưng chưa phá xương lấy tuỷ, nên chưa mê man. Do vậy ngài còn có thể nói pháp cho vị trưởng giả nữ nghe được.
–o0o–
Vị Đế Thích sau khi đã biết rõ tâm của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân quyết định, chẳng có gì lay chuyển được nữa, nên trở lại nguyên hình, và tán thán rằng : Lành thay, lành thay ! Tâm của ông rất kiên cố. Ý vị Đế Thích muốn nói rằng, “Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, dù chưa được Phật đạo, mà đã chẳng còn tiếc thân mạng; Chẳng bao lâu nữa sẽ được vô sở trước, sẽ được vô sanh pháp nhẫn, sẽ được Vô Thượng Bồ Đề”.
Các vị Thiên Vương vì ái lạc Phật đạo, nên thường thử thách người tu cầu đạo giải thoát. Vị Đế Thích muốn biết tâm của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đã thật kiên cố chưa, nên mới đòi mua máu, tim và tuỷ vậy. Nay thấy tâm Bồ Tát chẳng gì lay chuyển được, nên nói : Ông cầu gì, tôi sẽ ban cho.
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, do đã thâm tín Phật đạo, nên vừa nghe vị Đế Thích nói như trên, liền đáp : Tôi muốn được Vô Thượng Bồ Đề.
Vị Đế Thích nói : Tôi chẳng đủ sức để làm việc ấy. Đó là cảnh giới của chư Phật. Ông hãy cầu việc gì khác, trong khả năng của tôi.
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, tuy chẳng tiếc thân mạng, nhưng vì muốn giữ thân để đi cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, nên nói với vị Đế Thích rằng : Xin cho thân tôi được hồi phục lại như cũ.
Tức thì, thân ngài được hồi phục lại như cũ.
Hỏi : Vì sao thân Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đã bị cắt xẻ rồi, mà vị Đế Thích có thể làm cho hồi phục lại như cũ ?
Đáp : Phật dạy : Có những việc bất khả tư nghì, mà loài rồng còn có thể làm được, huống nữa là hàng Trời.
Trong hư không có đủ các loại vi trần. Vị Đế Thích dấy tâm muốn làm phước, nên đã hoà hợp các vi trần làm cho thân của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân trở lại lành lặn như trước.
Ví như thân của chúng sanh ở các cõi trời và ở các cõi địa ngục là do hoá sanh, chẳng phải là do thai sanh. Thân người do các nhân duyên tội phước hoà hợp mà thành. Vị Đế Thích cũng dùng các nhân duyên tội phước để hồi phục lại nguyên vẹn thân của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân.
-o0o-
Vị Đế Thích tự thấy nguyện của mình đã đầy đủ, nên liền biến mất. Như vậy là Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đã trả xong các nghiệp tội đời trước. Từ đây, ngài sẽ được phước đức vô lượng vô biên.
Ngay lúc bấy giờ, ngài liền được vị trưởng giả nữ đưa về nhà, xin với cha mẹ nàng cho đầy đủ các lễ vật cúng dường, như đã rộng nói ở đoạn kinh trên đây.
Hỏi: Trước đây, vị trưởng giả nữ nói: “Ngài muốn gì để cúng dường, tôi xin cung ứng đầy đủ”. Nay vì sao nàng lại đưa Bồ Tát về nhà, để xin cha mẹ cung ứng các đồ lễ vật để cúng dường?
Đáp: Lúc ban đầu, vị trưởng giả nữ muốn an ủi Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, lại sợ xấu hổ, chưa tiện nói phải về nhà xin cha mẹ, nên đã nói: “Ngài theo tôi về nhà, tôi sẽ cung ứng đầy đủ các đồ lễ vật để cúng dường”. Nhưng khi về đến nhà, nàng lại thưa trình với cha mẹ, xin cho nàng đầy đủ các thứ châu báu, hương hoa, tràng phan, bảo cái, y phục, nhạc khí v.v…; xin 500 cỗ xe, xin đem theo 500 thị nữ; xin cho nàng được phép cùng đi với Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đến cầu pháp nơi Bồ Tát ĐàmVô Kiệt.
Vì sao ? Dù người con gái có đủ sức cho, nhưng theo phép nhà thì con phải thừa ý cha mẹ, nên nàng phải xin cha mẹ vậy.
–o0o–
Ở nước đó chẳng có Phật pháp, nên ông bà trưởng giả mới hỏi con gái mình, “Bồ Tát Tát Đà Ba Luân là người như thế nào?”.
Sau khi nghe con gái mình tường trình đầy đủ sự việc, và còn khẩn thiết xin đem theo 500 thị nữ, xin được tháp tùng Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đi cầu pháp nơi Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, thì cả 2 ông bà trưởng giả đều vui vẻ chấp thuận.
Hỏi : Vị trưởng giả giầu sang, phú quý, lại có nhiều uy quyền. Vì sao chỉ vừa mới nghe nói đến công đức của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân mà đã thuận cho con gái mình đem bảo vật và đoàn thị nữ đi theo ?
Đáp : Người được làm trưởng giả là người đời trước đã trồng nhiều thiện căn nơi các đức Phật. Nay dù sanh vào nơi chẳng có Phật pháp, nhưng nếu nghe Phật pháp thì phát khởi được túc duyên đời trước, khiến tâm liền được khai ngộ. Ví như hoa sen khi đã tăng trưởng đầy đủ rồi, thì chỉ cần có ánh sáng mặt trời là liền nở. Ông bà trưởng giả thấy tâm con gái mình đã thuần thục, thanh tịnh, chẳng màng thế lạc, chỉ mong cầu pháp lợi, nên vui vẻ chấp thuận lời thỉnh nguyện của con vậy.
Lại nữa, nếu trái ý con thì sợ con buồn khổ, hại đến thân. Do suy nghĩ, trù lượng như vậy nên mới quyết định chiều theo ý con vậy.
Ông bà trưởng giả nghĩ rằng, “Tuỳ hỷ cho con gái mình đi tìm đạo là mình cũng góp phần công đức”; lại nghĩ rằng, “Người thế gian khi đã thâm, chấp sự việc gì rồi thì rất khó giải. Nếu phát tình ái còn khó giải, huống nữa là phát tâm cầu đạo. Con gái mình cầu đạo thanh tịnh, chẳng nhiễm trước thế sự, nỡ nào chẳng để cho con được như nguyện”. Lại nữa, vì ông bà thấy con gái mình vì pháp chẳng tiếc các bảo vật, nên đem tâm tuỳ hỷ trồng thiện căn phước đức.
–o0o–
Sau đó, đoàn xe trở Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, vị trưởng giả nữ và 500 thị nữ, cùng các bảo vật cúng dường theo hướng Đông, thẳng tiến về phía thành Chúng Hương. Khi đoàn xe đến gần thành Chúng Hương, dân chúng cho là việc hy hữu, nên đã tụ tập đông đảo, vui vẻ đi theo, mong mỏi sớm đến thành Chúng Hương, như người khát nước đi tìm nước uống vậy.
Khi thấy thành Chúng Hương, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân và đoàn tuỳ tùng đều vui mừng, mong mỏi sớm được gặp Bồ Tát ĐàmVô Kiệt để được nghe Bát Nhã Ba La Mật.
Hỏi : Bồ Tát Đàm Vô Kiệt đã được Văn trì đà la ni, đã trì tụng, đã thông đạt và chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật. Như vậy, đâu có cần đến kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật viết trên lá vàng, và để trên đài 7 báu ? Vì sao lại phải để kinh trên đài, để cho chúng sanh cúng dường ?
Đáp : Có nhiều nhân duyên. Tóm lược như sau :
-Tâm hạnh của chúng sanh chẳng có đồng đều nhau. Có người ưa thấy kinh quyển, ưa cúng dường kinh quyển. Có người ưa được nghe giảng giải kinh pháp.
– Bồ Tát Đàm Vô Kiệt ở trong nhà với đầy đủ quyến thuộc. Từ bên ngoài nhìn vào, người thế gian có thể nghĩ rằng, “Tu tại gia như vậy ắt phải có nhiễm trước. Nếu tu Bát Nhã Ba La Mật để làm lợi ích chúng sanh mà còn nhiễm trước, thì làm sao có thể dùng vô sở trước để giáo hoá chúng sanh được.
Bởi nhân duyên vậy, nên phải chép kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật trên lá vàng, bày trên đài 7 báu, để chúng sanh cúng dường. Các hàng Trời, Rồng, cùng các Quỷ, Thần cũng thường lui tới cúng dường. Nhờ vậy mà tín căn của chúng sanh được thêm tăng trưởng. Sau đó mới dùng pháp khai thị, truyền Phật ngữ, diễn giải văn nghĩa để dạy chúng sanh, khiến họ được hết thảy pháp bảo trang nghiêm.
–o0o–
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân hỏi vị Đế Thích : Trong kinh nói có ấn 7 báu. Như vậy Bồ Tát Đàm Vô Kiệt có chân bảo ấn chăng ?
Khi cầu Phật đạo, Bồ Tát cầm ấn 7 báu, có 7 vị đại thần cầm kim cang trượng hầu bên cạnh, giữ gìn Kinh, chẳng cho ma đến nhiễu loạn.
Vì quý trọng kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, nên có người nghe thuyết giảng kinh ấy mà phát tâm; Có người thấy kinh ấy được để trên đài 7 báu trang nghiêm mà phát tâm. Bởi vậy nên phải trang nghiêm bảo đài, phải dùng lá vàng chép kinh, phải dùng ấn 7 báu ấn lên, để làm cho tín tâm của chúng sanh càng thêm tăng trưởng.
Hỏi : Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật được đặt trên bảo đài; Bồ Tát trên pháp toà cũng diễn nói kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật. Như vậy cả hai bên đều diễn bày diệu pháp. Vì sao phải cúng dường kinh trước, rồi mới cúng dường pháp sư sau ?
Đáp : Nên biết ba ngôi Tam Bảo gồm có Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng bảo.
Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật là Pháp Bảo; Bồ Tát ĐàmVô Kiệt là Tăng Bảo. Bởi vậy nên phải cúng dường Pháp Bảo trước.
Bồ Tát Đàm Vô Kiệt tuy nói pháp, mà chúng sanh còn thấy có tướng nói pháp, nên còn sanh tâm chấp. Nhưng nếu thấy Bồ Tát Tát Đà Ba Luân cùng đoàn tuỳ tùng cúng dường kinh trước, thì họ sẽ chẳng còn tâm chấp nữa.
Lại nữa, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật là mẹ của chư Phật. Chư Phật còn cúng dường kinh này, huống nữa là chư Bồ Tát. Bồ Tát Đàm Vô Kiệt do tu Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật mà được đầy đủ công đức, được chúng sanh cúng dường, nên khi cúng dường phải cúng dường Kinh trước.
Bởi vậy nên, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân và đoàn tuỳ tùng đã phân chia lễ vật làm hai phần; Một phần cúng dường kinh trước, và một phần cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt sau.
Hỏi : Bồ Tát Đàm Vô Kiệt có 6 vạn thế nữ cùng thọ 5 dục, có cung điện nguy nga. Như vậy làm sao có thể khiến các đồ lễ vật cúng dường hoá thành bảo đài trụ trên hư không được ?
Đáp : Bồ Tát Đàm Vô Kiệt là một vị đại Bồ Tát pháp tánh sanh thân, vì độ chúng sanh mà thọ 5 dục, nhằm dung thông hai đế.
Có thuyết nói các đức Phật dùng thần lực hoá các lễ vật mà Bồ Tát Tát Đà Ba Luân vừa đem đến cúng dường thành các bảo đài trụ trên hư không.
Hỏi : Ở nơi hết thảy chúng sanh, Bồ Tát phải khởi tâm đại bi. Vì sao nói Bồ Tát muốn độ chúng sanh mà cầu Vô Thượng Bồ Đề ?
Đáp : Phát tâm do nhiều động cơ khác nhau.
Có người vì Pháp mà phát tâm.
Có người thấy chúng sanh đau khổ, mà phát tâm đại bi, muốn đem lại niềm vui cho chúng sanh, muốn chúng sanh bớt khổ mà phát tâm.
Có người thấy được lực thần thông, thấy được oai đức lớn của chư Phật, chư đại Bồ Tát mà phát tâm. Rồi sau đó mới sanh bi tâm và tri ấn”. Như trong kinh Trí Ấn nói, “Y ái mà đoạn ái, y mạn mà đoạn mạn”.
Có người do được nghe pháp, sanh ái trước pháp mà xả bỏ 5 dục, phát tâm xuất gia cầu đạo.
-o0o-
Có người thấy người khác được quả A La Hán, mà sanh cao tâm, nghĩ rằng, “Người kia có hơn gì ta đâu, mà sao chứng được A La Hán ? Tại sao ta chẳng được như vậy”. Nghĩ như vậy rồi siêng năng, tinh tấn tu hành, được quả A La Hán vậy.
–o0o–
Cũng như vậy, vị trưởng giả nữ cùng 500 vị thị nữ muốn thấy được người có thế lực tự tại, có lực thần thông biến hoá ra đầy đủ các bảo vật, lại muốn biết cảnh vui ở cõi trời. Nay mới vừa thấy Bồ Tát Đàm Vô Kiệt ở trong cung điện, ngồi trên pháp toà trang nghiêm, thấy hàng trời người cung kính đoanh vây nghe pháp, lại thấy các đồ lễ vật cúng dường biến thành bảo đài ở giữa hư không, các vị ấy liền phát đại tâm. Họ vui mừng nghĩ rằng đây là sự việc rất hy hữu, rất khó gặp; Nghĩ rằng Bồ Tát Đàm Vô Kiệt có nhân duyên phước đức lớn mới được như vậy. Do suy nghĩ như vậy mà họ phát tâm muốn được nghe pháp, muốn được làm Phật.
Như trong kinh Duy Ma Cật nói, “Ái, mạn, phiền não đều là căn bản của Phật đạo”.
Khi các người nữ này thấy các sự việc hy hữu, sanh tâm ái lạc, biết Bồ Tát Đàm Vô Kiệt có nhiều nhân duyên phước đức mới thành tựu được các việc chẳng thể nghĩ bàn như vậy, nên họ liền phát đại tâm.
Như vậy là từ ái, mạn mà các người nữ này thành tựu được tâm thanh tịnh. Bởi vậy nên nói, “Ái, mạn cũng là căn bản của Phật đạo”.
Ví như hoa sen từ bùn vươn lên liền toả hương thơm ngát. Các người nữ này phát tâm rồi, liền thệ nguyện được như Bồ Tát Đàm Vô Kiệt.
Họ tự nghĩ rằng, “Bồ Tát Đàm Vô Kiệt làm được như vậy; chúng tôi cũng xin nguyện được làm như vậy”.
–o0o–
Lúc bấy giờ, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân cung kính đảnh lễ Bồ Tát Đàm Vô Kiệt.
Đảnh lễ Bồ Tát pháp sư xong, ngài tường trình về mọi sự việc kể từ khi ở trong rừng vắng, nghe tiếng nói giữa hư không, bảo đi về phương Đông cầu pháp … dẫn đến việc ngài cùng với đoàn người nữ đến gặp Bồ Tát pháp sư. Ngài cũng nói đến việc các đức Phật từ giữa hư không cho ngài biết rằng, “Bồ Tát Đàm Vô Kiệt từ nhiều đời đã là vị thiện tri thức của ngài. Chính Bồ Tát Đàm Vô Kiệt sẽ là người khai ngộ cho ngài”. Ngài cũng nói rằng, “Khi các đức Phật an ủi ngài xong thì liền chẳng còn hiện nữa. Ngài chẳng rõ các đức Phật từ đâu đến, rồi lại đi về đâu”.
Bởi vậy nên nay được gặp Bồ Tát pháp sư Đàm Vô Kiệt, ngài liền xin Bồ Tát pháp sư được nêu câu hỏi, “Chư Phật từ đâu đến, rồi lại đi về đâu?”.
Hỏi : Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đã được các tam muội, đã phá được vô minh, đã quán được các pháp bình đẳng. Vì sao chẳng biết hết thảy pháp đều là tánh không, mà còn chấp có tướng Phật, còn sanh tâm chấp đắm Phật như vậy ?
Đáp : Các vị Bồ Tát tân phát ý tuy đã biết các pháp đều là không, là vô tướng, nhưng ở nơi các đức Phật vẫn còn ái chấp. Vì sao ? Vì họ chưa được rõ Phật có phải là rốt ráo không, là vô tướng chăng ?
Các vị Bồ Tát tân phát ý tuy đã biết không, mà chưa thật sự hoà hợp với không. Vì sao ? Vì Phật có vô lượng vô biên công đức, khiến các Bồ Tát sơ phát ý thường hay thâm chấp.
Bởi vậy nên Phật, vì hàng Bồ Tát này, phải nói, “Phật cũng là không”. Nếu chẳng vì các Bồ Tát này nói không, thì do thâm ái Phật, họ có thể tự diệt, và diệt thân tộc họ. Thân tộc còn diệt, huống nữa là người khác.
Khi Bồ Tát đã được biết rõ “không” rồi, thì chẳng còn có những sự việc như vậy nữa.
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, do thâm ái chấp chư Phật, nên chẳng có hay biết. Do vậy mà ngài mới hỏi Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, “Các đức Phật từ đâu đến, rồi lại đi về đâu?”.
Vì sao ? Vì Bồ Tát Tát Đà Ba Luân muốn thấy tướng của các đức Phật, mãi chẳng nhàm chán, nên chẳng muốn xa rời các đức Phật vậy.
(Hết quyển 98)