LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP V
QUYỂN 99

Phẩm thứ tám mươi chín
Đàm Vô Kiệt

KINH:

Lúc bấy giờ, Bồ Tát Đàm Vô Kiệt bảo Bồ Tát Tát Đà Ba Luân: Này Thiện Nam Tử! Các đức Phật chẳng từ đâu đến , cũng chẳng đi về đâu.

Vì sao?

Các pháp như là tướng bất động. Pháp như tức là Phật.

Pháp vô sanh (chẳng sanh) là chẳng đến, chẳng đi. Pháp vô sanh tức là Phật.

Pháp vô diệt (chẳng diệt) là chẳng đến, chẳng đi. Pháp vô diệt tức là Phật.

Pháp không là chẳng đến, chẳng đi. Pháp không tức là Phật.

Pháp vô nhiễm (chẳng nhiễm) là chẳng đến, chẳng đi. Pháp vô nhiễm tức là Phật.

Pháp tịch diệt là chẳng đến, chẳng đi. Pháp tịch diệt tức là Phật.

Tánh hư không là chẳng đến, chẳng đi. Tánh hư không tức là Phật.

Này Thiện Nam Tử! Rời các pháp thì chẳng có Phật. Các pháp như, các đức Phật như là nhất như, chẳng có phân biệt.

Này Thiện Nam Tử! “Như” ấy là thường một, chẳng phải hai, chẳng phải ba… “như” ấy ra ngoài các pháp số, vì là vô sở hữu.

Ví như vào cuối mùa xuân, khi trời nóng bức, vào các ngày nóng gắt, người lữ hành đi trên khoảng đường trống, thấy ở đằng xa sóng nắng in bóng những vùng nước tươi mát.  Người vô trí đuổi theo sóng nắng mong tìm được nước. Ý ông nghĩ sao! Nước đó từ sông nào, từ suối nào chảy đến chăng? Nước đó sẽ đi về đâu; Sẽ chảy về biển Đông, về biển Tây, về biển Nam, về biển Bắc chăng?

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân thưa: Bạch Đại Sư! Ở trong sóng nắng còn chẳng có nước, thì làm sao có chỗ nước chảy đến và chỗ nước chảy đi được!

Bồ Tát Đàm Vộ Kiệt dạy: Này Thiện Nam Tử! Người vô trí, do bị nóng và khát bức bách, nên thấy sóng nắng in bóng các vùng nước ở đằng xa, mà tưởng đó là nước.

Này Thiện Nam Tử! Người phân biệt các đức Phật có đến, có đi cũng là như vậy.

Vì sao?

Này Thiện Nam Tử! Chẳng có thể do nơi sắc thân của Phật, mà thấy được Phật. Pháp thân của Phật chẳng đến, chẳng đi; Cũng chẳng có chỗ đến, chẳng có chỗ đi.

Này Thiện Nam Tử! Ví như nhà huyễn thuật hóa tác ra nào là voi, ngựa, trâu, dê, nào là người nam, người nữ. Ý ông nghĩ sao? Các sự vật huyễn ấy từ đâu đến, rồi lại đi về đâu?

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân thưa: Bạch Đại sư! Các sự vật huyễn ấy chẳng thật có, thì làm sao có chỗ đến, có chỗ đi được.

Bồ Tát Đàm Vô Kiệt dạy: Này Thiện Nam Tử! Người phân biệt các đức Phật có đến, có đi cũng là như vậy.

Này Thiện Nam Tử! Ví như người nằm mộng thấy có voi ngựa, có trâu dê, có người nam, người nữ. Ý ông nghĩ sao? Các sự vật thấy trong mộng ấy từ đâu đến, rồi lại đi về đâu?

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân thưa: Bạch Đại Sư! Cảnh vật thấy trong mộng là hư vọng, thì làm sao có chỗ đến, chỗ đi được.

Bồ Tát Đàm Vô Kiệt dạy: Này Thiện Nam Tử! Người phân biệt các đức Phật có đến, có đi cũng là như vậy.

Này Thiện Nam Tử! Phật nói các pháp đều là hư mộng. Nếu có người nào chẳng biết pháp nghĩa ấy, chấp danh tự sắc thân của Phật là Phật, thì phải biết đó là người ngu phu, vô trí.

Người phân biệt Phật có đến, có đi, là người chẳng biết được tướng thật tế của các pháp, nên cũng là người ngu phu, vô trí.

Những hạng người này phải qua lại mãi trong 5 đạo chúng sanh, xa rời Bát Nhã Ba La Mật, xa rời các Phật pháp.

Này Thiện Nam Tử! Phật thuyết các pháp như huyễn, như mộng. Nếu người nào biết như thật, thì phải biết đó là người chẳng phân biệt các pháp có đến, có đi, có sanh, có diệt.

Nếu chẳng phân biệt các pháp có đến, có đi, có sanh, có diệt, thì biết được thật tướng các pháp, là chỗ mà Phật thường nói đến. Phải biết người này hành Bát Nhã Ba La Mật, gần Vô Thượng Bồ Đề, gọi là bậc chân Phật tử, chẳng hư vọng thọ của tín thí. Người này xứng đáng thọ nhận sự cúng dường; xứng đáng là phước điền của thế gian.

Này Thiện Nam Tử! Ví như trong biển lớn có các châu báu. Các châu báu ấy chẳng từ phương Đông đến, chẳng từ phương Tây đến, chẳng từ phương Bắc đến, chẳng từ phương Nam đến, cũng chẳng từ phương trên, phương dưới và 4 phương chéo đến. Chỉ do nhân duyên thiện căn của chúng sanh mà trong biển lớn có các châu báu sanh ra.

Các châu báu ấy chẳng phải chẳng có nhân duyên sanh. Thật sự, các châu báu ấy đều do các nhân duyên hòa hợp mà được sanh ra; Các châu báu ấy khi diệt lại cũng chẳng đi về đâu. Vì sao? Vì khi các nhân duyên hòa hợp thì sanh; Khi các nhân duyên ly tán thì diệt vậy.

Này Thiện Nam Tử! Thân của các đức Phật cũng là như vậy. Do bản nghiệp nhân duyên quả báo của chúng sanh mà sanh, nên khi sanh chẳng từ 10 phương đến, khi diệt cũng chẳng đi về 10 phương. Vì khi các nhân duyên hòa hợp thì sanh; Khi các nhân duyên ly tán thì diệt vậy.

Này Thiện Nam Tử! Ví như cây đàn “khổng hầu” phát ra tiếng. Khi sanh tiếng đàn chẳng từ đâu đến; Khi diệt tiếng đàn cũng chẳng đi về đâu. Tiếng đàn do nhiều duyên hòa hợp mà có.

Ví như cây đàn do nhiều bộ phận rời ráp lại mà thành; Lại phải có người dùng tay đánh lên cây đàn… mới có được tiếng đàn.

Tiếng đàn ấy chẳng từ nơi cây đàn, cũng chẳng từ nơi tay của người đánh đàn mà có. Do hội đủ các nhân duyên hòa hợp, mà có phát ra tiếng đàn. Khi các nhân duyên ly tán, thì tiếng đàn ấy cũng chẳng đi về đâu.

Này Thiện Nam Tử! Thân Phật cũng là như vậy. Thân Phật do vô lượng nhân duyên công đức sanh, chẳng phải do một nhân duyên, một công đức mà sanh, cũng chẳng phải chẳng có nhân duyên mà sanh ra như vậy. Hội đủ các nhân duyên hòa hợp, thì mới có thân Phật hiện ra; Chẳng phải do một nhân duyên riêng mà thành được. Thân Phật chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu.

Này Thiện Nam Tử! Phải nên biết tướng đến và tướng đi của các đức Phật là như vậy.

Này Thiện Nam Tử! Biết rõ các đức Phật cùng các pháp chẳng có tướng đến, tướng đi, tướng sanh, tướng diệt, là được Vô Thượng Bồ Đề, là thường hành Bát Nhã Ba La Mật và các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật.

Lúc bấy giờ, Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn đem hoa trời mạn đà la trao cho Bồ Tát Tát Đà Ba Luân và nói rằng: Này Thiện Nam Tử! Ông hãy lấy hoa này cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt. Tôi giữ gìn hoa này để ông cúng dường. Vì sao? Vì hôm nay ông đã có đầy đủ các lực nhân duyên để làm lợi ích cho trăm ngàn vạn ức chúng sanh, khiến họ được Vô Thượng Bồ Đề.

Này Thiện Nam Tử! Bậc thiện nhân như Bồ Tát Đàm Vô Kiệt rất khó gặp. Vì lợi ích cho hết thảy chúng sanh mà ngài đã thọ khổ trong vô lượng kiếp.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân nhận hoa mạn đà la từ tay vị Đế Thích, dâng lên Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, và thưa rằng: Bạch Đại Sư! Kể từ hôm nay thân con thuộc về Đại Sư; con xin đem thân này cúng dường Đại Sư.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân tác bạch xong, chắp tay đứng sang một bên.

Lúc bấy giờ, vị trưởng giả nữ và 500 vị thị nữ nói với Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rằng: Kể từ hôm nay thân chúng con thuộc về ngài. Nhờ nhân duyên thiện căn mà chúng con được pháp như vậy, chúng con xin nguyên đời đời cúng dường ngài, và cùng với ngài đời đời cúng dường chư Phật.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân bảo chúng người nữ rằng: Các ngươi đã chí thành muốn thuộc về tôi, tôi sẽ nhận các ngươi.

Chúng người nữ thưa: Chúng con đem tâm thành xin được thuộc về ngài. Chúng con xin vâng theo sự chỉ dạy của ngài.

Ngay sau đó, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân cùng với chúng nữ đem các bảo vật trang nghiêm, các lễ vật cúng dường thượng diệu, và 500 cỗ xe báu dâng lên Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, thưa rằng: Bạch Đại sư! Con xin đem dâng 500 người nữ này để hầu hạ Đại sư, và 500 cỗ xe này tùy Đại Sư sử dụng.

Lúc bấy giờ, vị Đế Thích tán thán rằng: Lành thay, lành thay! Này Thiện Nam Tử! Bồ Tát thí xả tất cả sở hữu. Bố thí như vậy sẽ mau được Vô Thượng Bồ Đề. Cúng dường vị pháp sư như vậy ắt sẽ được Bát Nhã Ba La Mật và các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật. Chư Phật quá khứ, khi hành Bồ Tát đạo cũng an trú trong bố thí, mà được nghe Bát Nhã Ba La Mật, được các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật, được Vô Thượng Bồ Đề.

Lúc bấy giờ, Bồ Tát Đàm Vô Kiệt muốn khiến cho Bồ Tát Tát Đà Ba Luân được đầy đủ thiện căn, nên đã thọ nhận 500 cỗ xe, 500 vị thị nữ, cùng vị trưởng giả nữ; Thọ nhận xong, bèn đem trao lại cho Bồ Tát Tát Đà Ba Luân. Xong Bồ Tát Đàm Vô Kiệt thuyết pháp, mãi cho đến khi mặt trời lặn mới rời pháp tòa, trở vào cung.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân tự nghĩ rằng: Tôi vì pháp mà đến đây, chẳng nên ngồi nằm. Tôi chỉ nên dùng 2 oai nghi, hoặc đi, hoặc đứng, chờ Pháp sư từ trong cung trở ra lại thuyết pháp.

Lúc bấy giờ, Bồ Tát Đàm Vô Kiệt nhất tâm vào vô lượng a tăng kỳ tam muội; Suốt 7 năm nhất tâm hành Bát Nhã ba La Mật, hành lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật. Bồ Tát Tát Đà Ba Luân suốt 7 năm chỉ đi kinh hành, chẳng có nằm ngồi, chẳng ngủ nghỉ, chẳng dám sanh tâm sân não, chẳng dám tham luyến, mà chỉ tưởng niệm Bồ Tát Đàm Vô Kiệt đến bao giờ mới xuất tam muội, mới trở lại thuyết pháp.

Qua 7 năm, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân tự nghĩ rằng, “Tôi phải vì Bồ Tát pháp sư lo việc trang trí pháp tòa để ngài ngồi trên đó thuyết pháp. Tôi phải quét dọn, lau rửa mặt đất cho sạch sẽ, thanh tịnh; Tôi phải rải các thứ hoa để trang nghiêm nơi mà Bồ Tát pháp sư sẽ ngồi để thuyết Bát Nhã Ba La Mật”. Bởi vậy nên Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, vị trưởng giả nữ cùng 500 vị thị nữ đều vì Bồ Tát Đàm Vô Kiệt lo việc trang nghiêm pháp tòa. 500 vị thị nữ cởi thượng y của mình trải lên pháp tòa, nghĩ rằng, “Bồ Tát Đàm Vô Kiệt sẽ ngồi trên tòa này để thuyết Nhã Ba La Mật và các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mât”.

Trang trí pháp tòa xong, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đi tìm nước để lau rửa mặt đất, nhưng chẳng tìm được. Vì sao? Vì ác ma che dấu, chẳng để cho nước hiện ra. Ác ma nghĩ rằng, “Bồ Tát Tá Đà Ba Luân tìm nước chẳng được, ắt sanh tạp niệm; Nếu ở nơi Vô Thượng Bồ Đề mà có sanh một niệm khác, thì tâm cầu đạo sẽ suy yếu, thiện căn sẽ chẳng tăng trưởng, trí huệ sẽ chẳng được chiếu minh, sẽ trở ngại sự thành tựu nhất thiết chủng trí.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân tự nghĩ rằng, “Nếu chẳng tìm được nước, thì tôi phải tự lấy máu nơi thân tôi để tưới đất, khiến cho bụi chẳng bay lên làm dơ chỗ Đại Sư ngồi. Từ vô thỉ đến nay, tôi đã mất vô lượng thân, mà chưa bao giờ được xả thân vì pháp cả”. Nghĩ như vậy rồi, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân bèn cầm dao bén, tự đâm vào thân lấy máu rưới xuống mặt đất.

Ác ma thấy Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, vị trưởng giả nữ cùng 500 thị nữ đều giữ vững tâm bất động, nên chẳng thể hại được.

Lúc bấy giờ, vị Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn nghĩ rằng, “Thật là chưa từng có. Bồ Tát Tát Đà Ba Luân mến pháp đến độ cầm dao tự đâm mình để lấy máu rơi xuống mặt đất. Bồ Tát Tát Đà Ba Luân và người nữ giữ tâm kiên cố, bất động như vậy, nên ma ba tuần chẳng sao phá hoại được thiện căn của họ. Tất cả đều giữ tâm kiên cố, phát đại trang nghiêm, chẳng tiếc thân mạng, thâm tâm cầu Vô Thượng Bồ Đề, để độ hết thảy chúng sanh thoát khỏi vô lượng khổ sanh tử.

Vị Đế Thích nghĩ như vậy rồi, tán thán Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rằng: Lành thay, lành thay! Này Thiện Nam Tử! Ông có sức tinh tấn rất kiên cố, chẳng thể lay chuyển, chẳng thể nghĩ bàn được. Tâm ái pháp và cầu pháp của ông thật là vô thượng.

Này Thiện Nam Tử! Các đứng Phật trong quá khứ cũng làm như vậy; cũng do thâm ái pháp, tôn trọng pháp, chứa nhóm các công đức mà được Vô Thượng Bồ Đề.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân lại nghĩ rằng, “Tôi đã vì Bồ Tát Đàm Vô Kiệt trang trí pháp tòa, quét dọn và lau rửa mặt đất rồi. Nay tôi phải tìm các hoa quí để trang nghiêm pháp tòa. Lại nữa, khi Bồ tát pháp sư ngồi lên pháp tòa thuyết pháp, còn phải rải hoa cũng dường. Tôi phải tìm hoa ở đâu đây!”.

Vị Đế Thích biết các tâm niệm của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, liền đem 3000 bó hoa trời mạn đà la trao cho Bồ Tát Tát Đà Ba Luân.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân nhận hoa, lòng vui mừng phấn khởi, liền đem phân nửa số hoa rải xuống đất. Ngài giữ lại phân nửa số hoa, chờ lúc Bồ Tát Đàm Vô Kiệt đăng đàn thuyết pháp sẽ rải để cúng dường.

Sau 7 năm nhập tam muội, Bồ Tát Đàm Vô Kiệt từ trong tam muội ra, lên pháp tòa thuyết Bát Nhã Ba La Mật. Hàng thính chúng gồm vô lượng trăm ngàn vạn ức trời và người đoanh vây pháp tòa.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân thấy Bồ tát Đàm Vô Kiệt, rất vui mừng tợ như vị Tỷ Kheo vào đệ tam thiền vậy.

LUẬN:

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân tuy đã biết các pháp là không, là chẳng có đến, chẳng có đi, nhưng vì ngài chưa thật sự thâm nhập vào pháp không, nên ở nơi các đức Phật còn sanh tâm cung kính, chẳng chịu quán các đức Phật cũng là không.

Ví như sóng ở ngoài biển khơi, tuy có sức mạnh đến tận chân núi Tu Di, mà vẫn phải thối lui, chẳng thể làm núi lay chuyển được.

Cũng như vậy, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, tuy có trí lực “đại không”, đến được gần bên Phật, mà vẫn chưa dùng được trí lực đó vậy.

Nay Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, vì Bồ Tát Tát Đà Ba Luân nói rằng: “Các đức Phật chẳng từ đâu đến, lại cũng chẳng đi về đâu”.

Nơi đây Bồ Tát Đàm Vô Kiệt nói lên các nhân duyên, các pháp như là tướng bất động; pháp như tức là Phật.

Hỏi: Những pháp gì gọi là pháp như?

Đáp: Hết thảy các pháp ở nơi thật tướng đều là không, là vô sở hữu, nên đều là như. Chẳng có pháp nào mà chẳng phải như.

Hỏi: Trong pháp đại thừa có 6 Ba La Mật. Ở nơi pháp đệ nhất đó nếu chẳng có Phật, thì chẳng có ai nói được Bát Nhã Ba La Mật, chẳng ai có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, 10 Phật lực, 4 vô sở úy, 4 vô ngại trí… dẫn đến 18 bất cộng pháp; Chẳng ai có được bình đẳng ở nơi sắc pháp và vô sắc pháp. Phải bình đẳng, tinh diệu hòa hợp với năm ấm mới được gọi là Phật.

Ví như 5 ngón tay hòa hợp gọi là nắm tay, chẳng thể nói là chẳng có nắm tay được. Danh tự khác, hình thức cũng khác, lực dụng cũng khác, nên chẳng thể gọi là chẳng có nắm tay được vậy.

Hỏi: Nếu nói có nắm tay, thì vì sao lại nói chẳng có Phật?

Đáp: Chẳng thể nói như vậy được. Trong Phật pháp có hai đế, là thế tục đế và đệ nhất nghĩa đế.

Y theo thế tục đế, nên nói Phật thuyết Bát Nhã Ba La Mật. Y theo đệ nhất nghĩa đế, nên nói các đức Phật là tánh không, là chẳng có đến và chẳng có đi.

Ví như nói có 5 ấm thanh tịnh hòa hợp mới gọi là Phật. Hòa hợp như vậy, tuy là có, mà cũng tức là không.

Trong kinh, Phật dạy, “Nhân duyên 5 ấm hòa hợp chẳng phải là Phật, mà ly 5 ấm cũng chẳng phải là Phật. Phật chẳng phải ở trong 5 ấm, 5 ấm cũng chẳng phải ở trong Phật. Phật chẳng phải do 5 ấm nên có, mà ly 5 ấm cũng chẳng có Phật.

Vì sao? Vì 5 ấm là năm, mà Phật là một. Như vậy một chẳng phải là năm, và năm chẳng phải là một. Lại nữa, 5 ấm là tự tánh không, nên là hư dối chẳng thật có.

Phật nói: “Hết thảy pháp là không, là hư dối. trong hết thảy pháp, thì pháp của ta là tối đệ nhất, nên 5 ấm không tức là Phật”.

Hỏi: Nếu nói 5 ấm tức là Phật, thì tất cả những ai có thân 5 ấm đều là Phật chăng?

Đáp: Phật dạy: “Trước đây ta đã trả lời về vấn đề này rồi. Có 5 ấm thanh tịnh hòa hợp, có đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp mới gọi là Phật.

Hỏi: Chuyển Luân Thánh Vương có đầy đủ 32 tướng tốt, vì sao chẳng được gọi là Phật?

Đáp: Chuyển Luân Thánh Vương có đủ 32 tướng tốt trang nghiêm thân, nhưng chưa có được nhất thiết chủng trí, nên chẳng được gọi là Phật.

Hỏi: Vào trong Bát Nhã Ba La Mật thì nhất thiết chủng trí là tướng tịch diệt, là chẳng có hý luận. Được pháp ấy là vô sở đắc (chẳng có chỗ đắc). Vô sở đắc mới gọi là Phật.

Phật dạy: “Phật tức là không”. Như vậy vì sao Phật nói lên nhân duyên 5 ấm chẳng phải là Phật, mà ly 5 ấm cũng chẳng phải là Phật?

Đáp: Nếu ly 5 ấm thì chẳng còn có pháp gì để nói nữa. Cũng như ly 5 ngón tay thì chẳng có nắm tay, chẳng còn gì để nói nữa.

Hỏi: Vì sao nói chẳng có pháp “nắm tay”?

Đáp: Vì hình thức cũng khác, mà lực dụng cũng khác. Nhân có 5 ngón tay hòa hợp mà có pháp gọi là “nắm tay”, ly 5 ngón tay thì chẳng còn có pháp “nắm tay” nữa. Lại nữa, nắm tay là vô thường, là sanh diệt, nên là bất khả đắc, là không vậy.

Hỏi: Nếu pháp “nắm tay” là quyết định có, thì ly 5 ngón tay còn có thể có nắm tay  chăng?

Đáp: Như trên đây đã nói, nhân 5 ngón tay mới có nắm tay, ly 5 ngón tay thì chẳng có nắm tay. Cũng như vậy, ly 5 ấm thì chẳng có Phật. Phật chẳng ở trong 5 ấm, 5 ấm chẳng ở trong Phật, ly 5 ấm thì chẳng có Phật, ly Phật thì cũng chẳng có 5 ấm.

Ví như vị Tỷ Kheo có ba y và bát mới được gọi là Tỷ Kheo. Phật cùng 5 ấm chẳng phải riêng khác. Bởi vậy chẳng nên nói Phật có 5 ấm thanh tịnh, để rồi y nơi 5 ấm thanh tịnh đó là cầu Phật. Y nơi 5 ấm thanh tịnh mà cầu Phật là chẳng thể được vậy. Nên biết Phật là tánh không, mà đã là không, thì chẳng có đến, chẳng có đi vậy.

Hỏi: Nếu nói chẳng có Phật thì đó là tà kiến. Như vậy vì sao Bồ Tát lại phát tâm cầu làm Phật?

Đáp: Nói chẳng có Phật là nhằm phá chấp tướng Phật. Đây chẳng phải là nói nên chấp tướng “không Phật”. Phật còn chẳng chấp, huống nữa là chấp “không Phật”.

Lại nữa, Phật là tướng thường tịch diệt, chẳng có tướng hý luận. Nếu còn phân biệt, còn hý luận, thì dù ở trong tịch diệt cũng vẫn đọa về tà kiến. Phải ly cả hai chấp “hữu – vô”, phải hành trung đạo mới vào được thật tướng pháp; Mà vào được nơi thật tướng pháp tức là Phật vậy.

Lại nữa, hết thảy các sắc pháp đều là tướng như; Mà pháp như tức là Phật.

Phật là tánh như, là tánh không, nên là chẳng đến, chẳng đi, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng nhiễm là thường tịch diệt, là như pháp tánh thực tế. Hư không cũng là tánh như, là tánh không, nên là chẳng đến, chẳng đi, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng nhiễm, là thường tịch diệt, là như pháp tánh thật tế vậy.

Các pháp như cùng các đức Phật như là nhất như, chẳng phân biệt, là thường một, chẳng phải hai, chẳng phải ba, vượt ra ngoài các pháp số. Pháp như là pháp bình đẳng, là pháp thật tướng; Ở nơi đây chẳng có ức tưởng phân biệt chấp tướng, nên vượt ra ngoài các pháp số.

Ở nơi đây nói nhân duyên các pháp đều là không, là chẳng thật có, là vô sở hữu vậy.

Hỏi: Nếu các pháp là vô sở hữu, thì làm sao có thấy, có nghe, có vui, có khổ, có triền phược, có giải thoát, có phân biệt sai khác nhau?

Đáp: Nơi đây Bồ Tát nói lên các nhân duyên phàm phu do chấp tướng mà khởi sanh phân biệt các pháp có tướng sai khác nhau.

Bồ Tát Đàm Vô Kiệt nêu nên ví dụ về người bộ hành đi trên khoảng đường trống, vào những ngày hè, nắng gắt, thấy ở đàng xa các sóng nắng in bóng những vùng nước mát mẻ. Người vô trí chẳng biết đó chỉ là sóng nắng, mà lại chấp đó là nước; Đuổi theo sóng nắng để gặp nước; Rồi đến khi đến nơi chẳng còn thấy gì, lại sanh tâm buồn khổ. Nước đó chẳng thật có, chỉ lầm mắt người, mà phàm phu khởi chấp đắm, khiến sanh vui sướng hay buồn khổ.

Cũng như vậy, các pháp tuy là không, là vô sở hữu, mà vẫn thường khiến người khởi tâm vui buồn, thương ghét chẳng biết rằng các sự việc vui buồn, thương ghét, chỉ là như mộng, như huyễn. Chỉ do tâm chấp mà có ra các sự việc như vậy mà thôi.

-o0o-

Lại nữa, cũng nên biết Phật có hai thân: sắc thân và pháp thân.

Pháp thân là chân thật; Còn sanh thân là y theo thế đế mà có.

Pháp thân Phật là thật tướng pháp. Các pháp ở nơi thật tướng là chẳng có đến, chẳng có đi; Pháp thân Phật cũng chẳng có đến, chẳng có đi. Bởi vậy nên nói: “các đức Phật chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu”.

Người chân Phật tử là người gần được thật tướng pháp; Phật là người đã được thật tướng pháp;. Nếu còn có sai khác, thì chỉ được các quả Thanh Văn, Bích Chi Phật và đại Bồ Tát. Thế nhưng các vị ấy đều được gọi là chân Phật tử, đều xứng đáng thọ nhận của tín thí.

Ví như người bố thí cho súc sanh, tuy được nhiều phước báo, nhưng phước báo ấy cũng có hạn lượng, chẳng thể độ chúng sanh ra khỏi sanh tử được, nên phước báo ấy còn là hư dối. Trái lại chư Thánh Hiền và chư Phật có phước báo thọ sự cúng dường của tín thí. Phước báo là vô hạn lượng, dẫn đến Niết Bàn, nên là chẳng hư dối thọ sự cúng dường của hàng tín thí. Vì sao? Vì hướng về Niết Bàn mà chư vị Tu Đà Hoàn… dẫn đến A La Hán, chư vị Bích Chi Phật thọ sự cúng dường của hàng phàm phu. Chư đại Bồ Tát gần thành Phật, nên thọ sự cúng dường của hàng phàm phu, hàng Thanh Văn, hàng Bích Chi Phật và hàng Bồ Tát.

Vì sao? Vì là phước điền của thế gian. Người gieo trồng phước đức nơi phước điền tốt, sẽ gặt hái được quả báo tốt, như quả báo trì giới, quả báo thiền định, quả báo trí huệ v.v…

Muốn được quả báo vô lượng phải gieo trồng phước đức nơi các đức Phật, là phước điền chẳng có đến, chẳng có đi.

Vì Bồ Tát Tát Đà Ba Luân và các người nghe pháp nghĩ rằng, “Các đức Phật đều là không, thì các pháp cũng đều diệt”. Nghĩ như vậy là đọa về đoạn diệt, nên Bồ Tát Đàm Vô Kiệt nói các nhân duyên thí dụ để khai thị.

Các pháp do nhân duyên hòa hợp mà có hiện ra các tướng. Để chứng minh sự việc ấy, Bồ Tát pháp sư nêu thí dụ: Như ở trong biển lớn có các châu báu sanh ra. Các châu báu ấy chẳng từ 10 phương đến, lại cũng chẳng đi về 10 phương. Các châu báu ấy chẳng phải có nhân duyên sanh. Đây là do các nhân duyên phước đức của chúng sanh trong 4 châu thiên hạ mà có sanh ra; Khi các nhân duyên phước đức diệt thì châu báu tự nhiên mất giá trị, mà chẳng đi về đâu cả.

Ví như khi đèn tắt, ánh sáng chẳng đi về đâu. Thân Phật cũng vậy, Phật từ khi sơ phát tâm đã gieo trồng vô lượng thiện căn công đức; Theo các nhân duyên đó mà có thân Phật hiện ra với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp.

Thân Phật chẳng tự tại. Do bản nghiệp nhân duyên của chúng sanh mà sanh. Bởi nhân duyên chúng sanh ở lâu trong tánh hữu vi phải bị vô thường tán hoại, nên chẳng thấy thân Phật. Như vậy, thân Phật khi sanh chẳng phải từ 10 phương đến; Khi diệt cũng chẳng đi về 10 phương.

Ví như người thiện xạ bắn mũi tên lên hư không; Dù bắn mũi tên lên rất xa nhưng quyết định mũi tên rồi cũng phải rơi xuống đất. Thân Phật cũng như vậy. Phật thành tựu thân có đầy đủ tướng tốt, có vô lượng quang minh để độ vô lượng chúng sanh. Nếu chẳng có chúng sanh, thì Phật sẽ diệt độ.

Hỏi: Do nhân duyên phước báo của chúng sanh mà ở trong biển lớn có hiện ra các thứ trân bảo. Như vậy vì sao các trân bảo lại ở sâu dưới đáy biển, mà chỗ mà chúng sanh khó đến được.

Đáp: Ở trong biển lớn có các chúng sanh như rồng, như A Tu La có thể lấy các trân bảo ấy. Ở trong đời ác “5 trược” cũng có các trân bảo, nhưng vì chúng sanh ở nơi đó bị tâm tham ngăn che, khiến chẳng tìm được. Nếu gặp đời lành, thì các trân bảo tự nhiên sanh trong nhân gian, vì lúc bấy giờ chẳng có người tham như vậy.

Ví như vào thời đức Phật Di Lặc, thì các trân bảo hiện ra đầy khắp, tợ như gạch ngói. Vì ở đời ác “5 trược” chúng sanh tham lam mà lại tiếc thân mạng; giải đãi, biếng nhác mà lại cầu được vui, nên các trân bảo hiện ra ở dưới biển sâu, khiến ít có ai tìm được. Nếu có người gan dạ, chẳng tiếc thân mạng, xuống tận đáy biển sâu, thì ắt sẽ tìm được các trân bảo vậy.

Ở trong khắp 10 phương có vô lượng các đức Phật, nhưng chúng sanh giải đãi, biếng nhác, nên chẳng tìm thấy Phật được.

-o0o-

Dù có Phật xuất thế, nhưng nếu chúng sanh còn giải đãi, biếng nhác, xan tham, thì cũng chẳng sao thấy được Phật. Vì sao? Vì các pháp đều theo nhân duyên hòa hợp sanh. Chúng sanh phải hội đủ hai nhân duyên sau đây mới dễ được độ. Đó là:

– Ở bên trong có được chánh kiến.

– Ở bên ngoài gặp được các thiện duyên, như gặp chư thiện tri thức dắt diù, chư vị pháp sư thuyết pháp cho nghe.

Dù có chư Phật, chư đại Bồ Tát thuyết pháp, mà ở bên trong chẳng có được đầy đủ chánh kiến, thì cũng chẳng có thể được độ. Ví như các trân bảo sẵn có ở dưới đáy biển, mà người giải đãi, biếng nhác chẳng sao được, khiến vẫn phải chịu cảnh nghèo túng vậy.

Ví như cây đàn “không hầu” có đầy đủ các bộ phận, mà chẳng có người đánh đàn, thì chẳng sao phát ra tiếng đàn được. Phải có đầy đủ các duyên hòa hợp mới có tiếng đàn nghe được.

Cũng như vậy, người tu đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, đầy đủ các lực phương tiện, đầy đủ các Phật pháp…; đầy đủ các nhân duyên hòa hợp mới thành Phật, mới có Phật thân. Nhưng thân Phật chẳng phải tại trong 6 pháp Ba La Mật, mà cũng chẳng ly 6 pháp Ba La Mật.

Ví như tiếng đàn “không cầm” chẳng phải chẳng có nhân duyên mà được sanh, chẳng phải do ít nhân duyên mà được sanh. Tiếng đàn phải có đầy đủ nhân duyên hòa hợp mới  sanh ra được.

Cũng như vậy, thân Phật chẳng phải chẳng có nhân duyên mà sanh, chẳng phải do ít nhân duyên mà được sanh; Thân Phật phải có đầy đủ các nhân duyên hòa hợp mới sanh vậy.

Ví như có gương, có người soi gương, có ánh sáng đầy đủ, có gương lau chùi sạch sẽ, thì mới có bóng người trong gương. Nếu các duyên ly tán, thì chẳng còn có bóng người trong gương nữa.

Cũng như vậy, nếu có đầy đủ nhân duyên hòa hợp thì Phật liền hiện. Nếu các nhân duyên ly tán thì Phật liền diệt vậy.

Bồ Tát Đàm Vô Kiệt bảo Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rằng: Này Thiện Nam Tử! Phải nên như vậy mà quán thân Phật là chẳng có các tướng đến, tướng đi. Hết thảy các pháp cũng đều như vậy, đều chẳng có đến, đều chẳng có đi.

Người nào biết các pháp tướng chẳng có tướng đến, chẳng có tướng đi, ắt sẽ được Bát Nhã Ba La Mật, được các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật… dẫn đến sẽ được Vô Thượng Bồ Đề.

Vì sao? Vì người ấy được vô ngại ở nơi hết thảy các pháp vậy.

Hỏi: Vì sao Đế Thích lại đem hoa trời mạn đà la dâng cho Bồ Tát Tát Đà Ba Luân?

Đáp: Vì Đế Thích ái lạc Phật đạo, thường cung kính các Bồ Tát, lại cũng muốn nhiếp chúng sanh, khiến họ vào được Phật đạo, nên mới hiện thân đem hoa trời mạn đà la dâng Bồ Tát Tát Đà Ba Luân.

Vì thấy Bồ Tát Tát Đà Ba Luân nhất tâm cầu Phật đạo, nên chư Thiên đến cúng dường Bồ Tát, khiến chúng sanh thấy được mà phát tín tâm. Vị Đế Thích Thích Đề Hoàn Nhơn dẫn đạo chư Thiên đem hoa trời đến cúng dường.

Vị Đế Thích nói với Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rằng: Thật là chưa từng thấy! Ngài đã làm lợi ích cho trăm ngàn vạn ức chúng sanh. Nay tôi đem hoa trời mạn đà la dâng ngài, để ngài cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, trước nghe danh Bồ Tát pháp sư, sau thấy Bồ Tát pháp sư ngồi trên tháp tòa thuyết pháp, nên đã đoạn hết nghi, nên ngài quyết đem thân ngài cúng dường Bồ Tát pháp sư.

Vị trưởng giả nữ và 500 vị thị nữ, noi theo gương Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, cũng đem thân cúng dường ngài.

Hỏi: Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đem thân cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, là vì Bồ Tát này là đệ nhất phước điền. Như vậy, vì sao vị trưởng giả nữ và 500 vị thị nữ chẳng đem thân cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, mà lại đem thân cúng dường Bồ Tát Tát Đà Ba Luân?

Đáp: Các người nữ trí hẹp hòi , mà lại chấp trước, nên chẳng muốn bỏ bổn sư của mình để đi cúng dường một vị khác. Lại nữa, trong tâm tuy đã thanh tịnh, nhưng bên ngoài vẫn còn e ngại.

Hỏi: Vị trưởng giả nữ ngay khi từ giã cha mẹ, đi theo Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, là đã thuộc về Bồ Tát này rồi. Nay vì sao còn đem thân cúng dường ngài làm gì nữa?

Đáp: Lúc ban đầu từ giã cha mẹ theo Bồ Tát Tát Đà Ba Luân mới là vì pháp cúng dường, chưa phải là thân cúng dường.

Nay thấy Bồ Tát Tát Đà Ba Luân hỏi Bồ Tát Đàm Vô Kiệt về pháp nghĩa thậm thâm, nên họ phát tâm hoan hỷ, tự đem thân cúng dường Bồ Tát Tát Đà Ba Luân.

Lại nữa, hết thảy người nữ, nếu thân chẳng thuộc người nào, thì sợ bị người chê cười. Người nữ khi còn nhỏ thuộc cha mẹ; Lớn lên thuộc chồng; Già lại theo con. Vị trưởng giả nữ cùng đi chung với Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, nhưng chưa thuộc về Bồ Tát. Bởi vậy nên nàng mới đem thân cúng dường vị bổn sư và phát nguyện rằng: “Như thầy đã được, tôi cũng sẽ được như thầy”.

-o0o-

Lúc bấy giờ, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân muốn đem vị trưởng giả nữ và 500 vị thị nữ cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, nhưng lại sợ các vị ấy hiềm giận, nên nói: “Các ngươi đã chí thành muốn thuộc về tôi; Tôi sẽ nhận các ngươi”.

Các người nữ đều nói: Chúng tôi đã thật chí thành.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đem các người nữ cùng 500 cỗ xe và các đồ lễ vật cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt.

Vì sao? Vì Bồ Tát Tát Đà Ba Luân muốn tránh sự cơ hiềm của người đời, nên đã cúng dường như vậy, chứng tỏ mình chẳng còn chấp tham đắm.

Lại nữa, vì ngài do nghe được tiếng dạy bảo trên hư không mà được giải thoát, nên đã phát tâm cúng dường hết thảy nội cùng ngoại sở hữu của mình, mong được thâm nhập vào bố thí Ba La Mật.

Vị Đế Thích biết rõ Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, dù chưa sạch tham ái, mà đã muốn xả sạch các nội ngoại sở hữu để hành bố thí, nên đã tán thán rằng: Lành thay, lành thay! Bố thí như vậy thật là việc rất khó làm, ắt sẽ mau được Vô Thượng Bồ Đề. Các đức Phật trong quá khứ, khi hành Bồ Tát đạo cũng đã an trú trong bố thí Ba La Mật mà được nghe Bát Nhã Ba La Mật, được các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật, được Vô Thượng Bồ Đề.

Hỏi: Vì sao muốn cho Bồ Tát Tát Đà Ba Luân được thiện căn đầy đủ, được bố thí Ba La Mật đầy đủ mà Bồ Tát Đàm Vô Kiệt thọ sự cúng dường của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân? Vì sao sau khi thọ nhận xong, Bồ Tát Đàm Vô Kiệt lại trả hết thảy các người nữ về cho Bồ Tát Tát Đà Ba Luân?

Đáp: Bồ Tát Đàm Vô Kiệt là bậc đại trí có đầy đủ các phương tiện khiến Bồ Tát Tát Đà Ba Luân có được phước đức lớn, mà chẳng mất gì cả.

Trước hết khi Bồ Tát Tát Đà Ba Luân thành kính đem thân cúng dường, Bồ Tát Đàm Vô Kiệt đã thọ nhận, để Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đoạn sạch các tham chấp, vì cúng dường mà chẳng mong được đền đáp lại là đầy đủ phước đức rồi vậy.

Lại nữa, Bồ Tát Đàm Vô Kiệt tư duy rằng, “Bồ Tát Tát Đà Ba Luân từ phương xa đến mà chẳng tham đắm 5 dục, chẳng đắm nhiễm người xưa”.

Bởi vậy nên sau khi thọ nhận sự cúng dường chúng người nữ xong, Bồ Tát Đàm Vô Kiệt liền đem chúng người nữ trao lại cho Bồ Tát Tát Đà Ba Luân. Bồ Tát Đàm Vô Kiệt biết rằng chúng người nữ này trước đây đã đem thân cúng dường Bồ Tát Tát Đà Ba Luân là người chẳng còn tham đắm tài vật, chẳng còn tham đắm 5 dục, chỉ nhất tâm cầu Bát Nhã Ba La Mật. Lại nữa, Bồ Tát đàm Vô Kiệt biết rõ chúng người nữ này, trải qua nhiều đời, đã là đệ tử của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, nên đã đem họ trao lại cho vị bổn sư của họ.

Hỏi: Các đại Bồ Tát thuyết pháp chẳng có mệt mỏi. Vì Sao Bồ Tát Đàm Vô Kiệt lại phải vào nghỉ trong cung?

Đáp: Chúng sanh ở trong thành Chúng Hương, mặc dù có quả báo phước đức lớn; Nhưng họ cũng chẳng có thường tinh tấn nghe pháp để cầu đạo, mà lại thường nhàm chán nghe pháp, thường tham đắm 5 dục; Chư Thiên khi cúng dường cũng mong được thọ 5 dục, bỏ phế việc cầu đạo. Bởi vậy nên Bồ Tát Đàm Vô Kiệt y theo thế pháp mà thị hiện ngủ nghỉ vậy. Chỉ có hàng Bồ Tát trú trong thành Chúng Hương là thường tinh tấn cầu đạo, chẳng thọ dục lạc.

Bồ Tát Đàm Vô Kiệt biết rõ chúng sanh trong thành Chúng Hương đã mệt mỏi, nên sau thời pháp, Bồ Tát đã lui vào cung nghỉ vậy.

Hỏi: Vì sao suốt thời gian chờ đọi Bồ Tát Đàm Vô Kiệt trở lại thuyết Pháp, mà Bồ Tát Tát Đà Ba Luân chẳng dám nằm ngồi?

Đáp: Vì cung kính pháp, tinh tấn cầu pháp, nên Bồ Tát Tát Đà Ba Luân tự nghĩ rằng: “Nếu nằm hay ngồi, thì ta sẽ sinh tâm giải đãi. Khi ban đầu cầu pháp ta còn chẳng tiếc thân mạng, huống nữa sợ mệt mỏi. Ta đến đây để cầu pháp, chẳng nên nằm ngồi, giải đãi”.

Người tinh tấn cầu pháp thường chẳng nằm ngồi, vì đi đứng, chẳng nằm ngồi mới làm tăng trưởng lực tinh tấn. Bởi vậy nên Bồ Tát Tát Đà Ba Luân thường trú trong 2 oai nghi đi và đứng, chờ đợi Bồ Tát Đàm Vô Kiệt trở ra thuyết pháp.

Hỏi: Bồ Tát Tát Đà Ba Luân có biết Bồ Tát Đàm Vô Kiệt nhập định 7 năm mới xuất định chăng?

Đáp: Lúc ban đầu chưa biết Bồ Tát Đàm Vô Kiệt vẫn thường nhập định trong thời gian 7 năm; về sau mới biết. Thế nhưng, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân hầu thầy, mà thấy thầy chưa ra, nên trọn chẳng dám nằm ngồi. Đối với bậc đại nhân thì ở nơi pháp thế gian còn chẳng tự làm trái, huống nữa là vì đạo pháp.

Lại nữa, khi ban đầu cầu chấp pháp còn chẳng tiếc thân mạng, nên nay vì pháp chờ đợi trong 7 năm, Bồ Tát chẳng thấy đó là việc khó làm.

Hỏi: Thân người yếu đuối làm sao có thể chịu đựng nổi 7 năm chẳng có nằm ngồi?

Đáp: Những người có thọ mạng lâu dài xem 7 năm như 7 ngày.

Lại nữa, người có phước đức lớn có thể đi đứng suốt 7 năm mà chẳng thấy mệt. Ví như vị Tỷ Kheo Hiệp Tỷ năm 60 tuổi mới xuất gia mà tự thệ rằng, “Lưng tôi chẳng nằm xuống chiếu miễn sao cho tôi được 6 thần thông, được chứng quả A La Hán”.

-o0o-

Ở đời ác còn được như vậy, huống nữa là Bồ Tát Tát Đà Ba Luân sanh vào đời lành (hảo thế).

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân tuy thân lực yếu kém, nhưng tâm lực rất dũng mãnh nên mới làm được việc khó làm như vậy. Lại nữa, do ngài nhất tâm cầu đạo nên được 10 phương chư Phật hộ niệm, ngoài ra chư vị Bồ Tát cầu Phật đạo thường được Chư Thiên ở bên cạnh giữ gìn và giúp thêm khí lực, nên Bồ Tát Tát Đà Ba Luân mới làm được việc khó làm như vậy.

Hỏi: Bồ Tát Đàm Vô Kiệt vào những tam muội gì mà được 7 năm?

Đáp: Trước đây đã nói ở đời lành (hảo thế) thì thời gian 7 năm chỉ bằng 7 ngày.

Bồ Tát Đàm Vô Kiệt sống ở trong cung các thế nữ có đầy đủ 5 dục vi diệu, chẳng khác gì cõi trời. Bồ Tát Tát Đà Ba Luân chỉ là Bồ Tát tân phát ý, tâm chưa được nhu nhuyến, nếu thấy như vậy có thể khởi tâm nghi rằng Bồ Tát Đàm Vô Kiệt tuy nói Bát Nhã Ba La Mật mà tâm chưa ly dục, chưa xả sạch các dục nhiễm. Bởi vậy, Bồ Tát Đàm Vô Kiệt mới nhập vào vô lượng tam muội, nhằm phá tâm nghi của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, khiến phải sinh tâm quý trọng thầy vậy.

Khi Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đã thấy vị thầy của mình vào vô lượng tam muội suốt 7 năm, thì biết rõ thầy mình tâm và miệng tương ứng, lời nói và việc làm hòa hợp. Biết rõ như vậy, nên Bồ Tát Tát Đà Ba Luân nhất tâm tín thọ lời thầy dạy, và trở nên dễ được độ hơn.

Ví như mụn nhọt khi chưa chín thì chưa có thể phá được. Phải đắp thuốc lên, chờ một thời gian cho mụn nhọt ấy chín muồi rồi mới có thể phá được vậy.

-o0o-

Lại nữa, vì muốn cho người thọ pháp thật sự được hưởng hiệu lạc, nên Bồ Tát Đàm Vô Kiệt mới vào tam muội suốt 7 năm; Sau khi xuất tam muội mới thuyết pháp.

Nên biết có 2 lối thuyết pháp: khẩu thuyết và thân thuyết.

Bồ Tát Đàm Vô Kiệt vào tam muội suốt 7 năm là hiển thị thân thuyết pháp, khiến cho chúng sanh được nhất tâm, nhờ vậy họ mới dễ vào được thật trí huệ. Đây cũng có nghĩa là hành lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật.

Trong suốt 7 năm chờ đợi, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân chẳng có ác giác quán. Tuy chưa phá được các phiền não, nhưng ngài thường tu tập các thiện pháp, nên chế ngự được các phiền não chẳng cho sanh khởi.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân ngày đêm chỉ có một niệm duy nhất “chờ ngày Bồ Tát Đàm Vô Kiệt xuất tam muội và vì mình thuyết pháp”.

Khi đã gần 7 năm, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân lại nghĩ rằng: “Tôi phải vì Bồ Tát Đàm Vô Kiệt trải pháp tọa và quét dọn, trang trí pháp tòa cho thật trang nghiêm”.

Hỏi: Vì sao Bồ Tát Tát Đà Ba Luân biết được Bồ Tát Đàm Vô Kiệt sắp ra thuyết pháp?

Đáp: Vì Bồ Tát Đàm Vô Kiệt nhập định có thời hạn là 7 năm. Ví như Phật Thích Ca Mâu Ni, khi muốn nhập thiền định trong thời gian 1, 2, 3 tháng, hay lâu hơn, thì Phật đều có bảo ngài A Nan để ngài thông báo cho cả 4 chúng biết.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân tham ái pháp, cung kính, tôn trọng vị pháp sư, nên muốn trang nghiêm pháp tòa để pháp sư ra ngồi thuyết pháp. Như vậy là sau khi đã trang nghiêm tâm để chờ nghe pháp, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân lại muốn trang nghiêm pháp tòa để tỏ sự cung kính, tôn trọng vị pháp sư.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân cùng với chúng người nữ quét dọn, lau rửa mặt đất cho sạch sẽ, thanh tịnh; Các người nữ còn cởi thượng y của mình trải trên pháp tòa.

Trang trí pháp tòa xong, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đi tìm nước để rửa mặt đất, nhưng ma che dấu nước, chẳng để cho nước xuất hiện.

Vì sao? Vì mặc dù ác ma biết tâm Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đã quyết định, chẳng thể lay chuyển được, nhưng vẫn tìm cách làm ngưng trệ công việc của ngài. Ác ma nghĩ rằng: “Nếu Bồ Tát chẳng tìm được nước ắt sẽ sanh tạp niệm, mà đã có sanh tạp niệm thì tâm cầu đạo ắt sẽ suy yếu, thiện căn sẽ chẳng tăng trưởng, trí huệ sẽ chẳng được sáng suốt, sẽ trở ngại cho sự thành tựu nhất thiết chủng trí. Ví như mặt trời bị mây che chẳng chiếu sáng được.

Chẳng tìm được nước, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân liền cầm dao tự đâm vào thân để lấy máu rửa mặt đất.

Hỏi: Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đã tùy nguyện thành tựu được nhiều phước đức. Như vậy, vì sao các ác ma lại còn có thể che, chẳng cho ngài thấy nước?

Đáp: Vì Bồ Tát Tát Đà Ba Luân là tân phát ý, nên nguyện lực còn yếu. Do vậy mà các ác ma có thể phá quấy được.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân nghĩ rằng từ đời vô thủy đến nay đã mất vô lượng thân, nhưng chưa bao giờ được mất thân vì đạo pháp, nên ngài mới hành động như trên đây.

Hỏi: Vì ái pháp mà tự đâm vào thân để lấy máu rửa đất. Nếu rủi chết thì làm sao nghe được pháp?

Đáp: Chư Thiên, Chư Thiện thần cũng như chư đại Bồ Tát thường giữ gìn, chẳng để cho Bồ Tát phải thiệt thân mạng.

Khi biết chẳng thể phá hoại tâm Bồ Tát được, ác ma liền tháo lui, và nước hiện ra.

-o0o-

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân tuy chỉ là Bồ Tát tân phát ý, nhưng đã nhất tâm vì chúng sanh, vì chúng sanh, vì Bát Nhã Ba La Mật, nên chẳng tiếc thân mạng. Do tín tâm vững mạnh muốn được Vô Thượng Bồ Đề, nên chẳng còn sợ khổ. Lại do thương sót chúng sanh, nên thường vì chúng sanh thọ khổ mà chẳng cho là việc khó làm. Ví như bà mẹ thương con, thường vì con chịu khổ, mà chẳng cho là khó.

Bồ Tát Tát Đa Ba Luân đã biết rõ ở nơi thật tướng thì các pháp đều là rốt ráo không, biết rõ thân này chỉ là giả dối, do các nhân duyên hòa hợp mà thành, nên chẳng ngần ngại phá thân vì Vô Thượng Bồ Đề, khiến các ác ma chẳng tìm được chỗ  tiện để phá hoại.

Ví như thân thể có mụn nhọt, thì các độc trùng mới có thể xâm nhập được. Cũng như vậy, Bồ Tát có tham dục, có ưu sầu, thì ác ma mới tìm được chỗ tiện để phá hoại tâm Bồ Tát. Nay Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đã quyết lấy máu rửa đất, thì ác ma chẳng có chỗ tiện để gây tác hại vậy.

-o0o-

Vị Đế Thích tán thán Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rằng: Lành thay, lành thay! Tâm ái pháp và cầu pháp của ông thật là chưa từng thấy. Các đức Phật trong quá khứ cũng làm như ông hôm nay, cũng do thâm ái pháp, tôn trọng pháp, chứa nhóm các công đức mà được Vô Thượng Bồ Đề.

Vì sao vị Đế Thích tán thán như vậy? Vì vị Đế Thích thấy việc làm của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rất là hy hữu. Dù Bồ Tát chưa được vô sanh pháp nhẫn, chưa đoạn sạch các phiền não mà đã vì pháp cúng dường, chẳng tiếc thân mạng. Còn là Bồ Tát sơ phát ý mà đã làm được như vậy thật là đáng tôn kính.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân nghe lời tán thán của vị Đế Thích, như lửa thêm dầu, càng thêm phấn khởi, tự nghĩ rằng: “Bây giờ tôi còn phải tìm hoa đẹp để trang nghiêm pháp tòa. Tôi phải tìm các thứ hoa đó ở đâu đây?”

Hỏi: Nếu chẳng tìm được nước để rửa đất, thì sao chẳng đi đến chỗ xa hơn để tìm nước, mà phải tự lấy máu mình thay nước?

Đáp: Vì Bồ Tát Tát Đà Ba Luân mới đến, nên chẳng biết chỗ tìm nước. Lại nữa, vì biết có ác ma che mắt mình, nên nghĩ “tôi có thể lấy máu của tôi thay nước được”. Nghĩ như vậy, nên ngài đã tự đâm vào thân lấy máu để rửa đất.

Hỏi: Bồ Tát Tát Đà Ba Luân chẳng có cách gì để tìm hoa hay sao mà lại bâng khuâng như vậy?

Đáp: Nước thì có thể lấy nước ở thân 4 đại thay thế, nhưng hoa thì chẳng làm sao có được. Lại nữa, Bồ Tát Đàm Vô Kiệt sắp ra thuyết pháp; Thời gian cấp bách chẳng có thể đi tìm hoa, nên Bồ Tát Tát Đà Ba Luân mới phải bâng khuâng, sanh niệm nghĩ về việc đi tìm hoa như trên đây.

Vị Đế Thích biết được tâm niệm của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân nên liền đem 3000 bó hoa trời mạn đà la, đủ để Bồ Tát cúng dường.

Sở dĩ vị Đế Thích chẳng có dùng hoa đất, mà dùng hoa trời, vì muốn Bồ Tát Tát Đà Ba Luân phát tâm hy hữu.Bồ Tát Tát Đà Ba Luân thọ nhận hoa xong, chia ra làm 2 phần, một phần rải xuống mặt đất và để dành một phần còn lại cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt khi ngài ra thuyết pháp. Ở cõi nước này có phong tục rải hoa dưới mặt đất để mời các vị thượng khách đi lên, biểu hiện sự cúng dường.

-o0o-

Bồ Tát Đàm Vô Kiệt từ trong tam muội ra, đi thẳng đến pháp tòa thuyết kinh Bát Nhã Ba La Mật. Hàng thính chúng gồm vô lượng trăm ngàn vạn ức trời người đoanh vây pháp tòa.

Hỏi: Khi các vị đại Bồ Tát nhập vào các tam muội vi diệu như vậy, có ai có thể làm cho các vị ấy xuất ra khỏi tam muội chăng?

Đáp: Khi vào tam muội, các vị ấy đã tự thệ ở trong tam muội một thời gian hạn định; Suốt thời gian nhập định, tâm Bồ Tát theo các tam muội mà khởi đại bi, sanh các giác quán.

Trong kinh có ghi mẩu chuyện như sau:

Có một vị Tỷ Kheo vào diệt thọ tưởng định, tự kỳ hạn khi nghe tiếng chùy mới xuất định. Trong lúc vị Tỷ Kheo này đang nhập định, thì tăng phòng bị lửa thiêu cháy. Các vị Tỷ Kheo khác hốt hoảng, tháo chạy, quên mất việc đánh chùy. Thời gian 12 năm sau, tăng chúng và tín đồ muốn làm lại tăng phòng, nên đã đánh chùy để triệu tập buổi họp. Vị Tỷ Kheo nghe tiếng chùy liền xuất định, nhưng vì thân đã bị thiêu rụi rồi, nên liền chết. Những người chứng kiến sự việc đã thuật lại như vậy.

Lại có thuyết nói “Bồ Tát pháp tánh sanh thân” cũng như Phật, khi vào tam muội vẫn chẳng tán loạn thô tâm, vẫn dùng các thần thông vì chúng sanh thuyết pháp, hoặc đi đến các cõi nước khắp 10 phương để độ thoát chúng sanh. Vì y theo pháp thế gian mà hiện các tướng nhập hay xuất tam muội. Tuy vào tam muội vi diệt như vậy, mà Bồ Tát thường xuất tam muội, dùng tâm từ bi cứu độ chúng sanh.

-o0o-

Ví như nhà huyễn thuật hóa tác ra con rồng lớn, có vô lượng quyến thuộc doanh vây, diễu quanh. Cũng như vậy, khi Bồ Tát Đàm Vô Kiệt từ tam muội ra có vô lượng trăm ngàn vạn ức trời và người doanh vây pháp tòa, diễu quanh Bồ Tát vậy.

Đây là y theo thế đế, dùng các danh tự ngữ ngôn để khai thị cho chúng sanh thấy rõ đệ nhất nghĩa đế là tướng bất động.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân vừa thấy Bồ Tát Đàm Vô Kiệt liền được tâm thanh tịnh, được hỷ lạc đầy khắp thân, như vị Tỷ Kheo vào đệ tam thiền vậy. Vì sao? Vì dục lạc của chúng sanh tuy chẳng được tịnh diệu, mà họ đã thấy đó là niềm hỷ lạc rồi, huống nữa là khi thấy được chân công đức trang nghiêm thân.

Lại nữa, từ khi nghe tiếng chư Phật giữa hư không nói đến tên Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đã sanh tâm ham muốn chóng được gặp pháp sư Đàm Vô Kiệt. Do nhất tâm niệm Bồ Tát Đàm Vô Kiệt mà Bồ Tát Tát Đà Ba Luân ở ngay tại chỗ liền vào được vào các tam muội, thấy được chư Phật khắp 10 phương và nghe chư Phật dạy rằng: “Do Bồ Tát Đàm Vô Kiệt đã có nhân duyên với ông trong vô lượng đời về trước, nên nay chính Bồ Tát Đàm Vô Kiệt sẽ là bậc thiện tri thức của ông, và cũng là người khai ngộ cho ông”.

Vì nghe chư Phật dạy như vậy, nên Bồ Tát Tát Đà Ba Luân khao khát được mau thấy Bồ Tát Đàm Vô Kiệt. Cũng vì nghe như vậy mà ở dọc đường ngài quyết định bán thân để cúng dường Bát Nhã Ba La Mật và Bồ Tát Đàm Vô Kiệt.

Nay ở tại thành Chúng Hương, sau 7 năm chờ đợi chẳng có nằm ngồi, sự khát ngưỡng ấy lại càng tăng lên đến tột độ. Ví như người khát nước và bị nóng nực bức bách lâu ngày, nay gặp được vũng nước đục còn vui mừng, huống nữa là  gặp được suối nước trong mát, ngọt ngào, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân khát ngưỡng mong sớm được gặp Bồ Tát Đàm Vô Kiệt cũng là như vậy.

Vì Bồ Tát Đàm Vô Kiệt có công đức rất lớn, nên ngay khi vừa được gặp ngài, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân liền sanh tâm vui mừng khôn xiết.

Hỏi: Vì sao chẳng nói đến “thượng địa định lạc” và “giải thoát lạc”, mà chỉ nhắc đến “đệ tam thiền lạc”?

Đáp: Vì chúng sanh ở cõi Dục nghe nói đến “Niết Bàn lạc” là vô sở hữu, nên tâm chẳng có ưa; Nghe nói vào đệ tứ thiền đoạn hết khổ lạc, nên tâm cũng chẳng có ưa; Thường chỉ ưa thích lạc ở đệ tam thiền.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân chưa vào được vi tế thâm diệu tịnh, nên vừa thấy Bồ Tát pháp sư là liền sanh hoan hỷ, tợ như vào đệ tam thiền.

(Hết quyển 99)