LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP II
QUYỂN 39

Phẩm thứ tư
 Vãng Sanh
(Tiếp theo)

KINH:

Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật,  được 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định rồi du hý trong đó: nhập sơ thiền, từ sơ thiền khởi nhập diệt tận định; từ diệt tận    định khởi nhập tứ thiền; từ tứ thiền khởi nhập diệt tận định; từ diệt tận định khởi nhập hư không xứ định; rồi từ phi hữu   tưởng phi vô tưởng xứ định khởi nhập lại diệt tận định.

Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật có được sức phương tiện như vậy, là được “siêu việt định”.

LUẬN :

Hỏi: Vì sao Bồ Tát từ sơ thiền có thể nhập thẳng vào diệt tận định được?

Đáp: Trong A Tỳ Đàm và trong bộ luận Tỳ Bà Sa nói phải theo thứ lớp vào các thiền định. Đây là quan điểm của hàng Thanh Văn, chẳng phải là lời Phật thuyết vậy.

Từ tâm của Bồ Tát vô lượng vô biên, đến các vị A La Hán cũng chẳng còn có thể sanh kịp. Ví như, khi Bồ Tát thị hiện là voi 6 ngà, bị trúng tên độc, mà vẫn dấy lòng thương người thợ săn đã dùng tên bắn mình.

Các đại Bồ Tát đã được bất thối chuyên, đã ly dục, thường hành Bát Nhã Ba La Mật, nên được tự tại ra vào diệt tận định.

Hỏi: Bồ Tát từ sơ thiền học từ tứ thiền khởi nhập diệt tận định, được “siêu việt định”. Như vậy Bồ Tát chẳng có nhập vào hai định trung gian hay sao?

Đáp:Cả hai đều là đại định cả.

Có thuyết nói: Từ sơ thiền nhập vào nhị thiền mà tâm chẳng có sai khác, dẫn đến nhập vào diệt tận định cũng như vậy, thì gọi là được siêu việt định. Hoặc từ sơ thiền khởi nhập thẳng vào tam thiền mà tâm chẳng có sai khác, dẫn đến nhập vào diệt tận định, hay nghịch lại cũng đều như vậy cả, thì cũng gọi là được siêu việt định.

Lại có thuyết nói: Siêu việt định thắng hơn cả. Vì sao? Vì chẳng có tạp niệm xen vào, mới được tự tại ra vào các thiền định, mới là được siêu việt định.

Ví như con nghựa tốt xoay trở dễ dàng, chẳng có gì ngăn ngại; Bồ Tát đã được siêu việt định rồi, được tự tại ra vào các thiền định theo ý muốn, chẳng có gì ngăn ngại cả.

KINH :

Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật tu 4   niệm cứ, dẫn đến tu 18 bất cộng pháp, chẳng thủ chứng 4 quả Thanh Văn và quả Bích Chi Phật, mà dùng sức phương tiện, vì chúng sanh, khởi 8 Thánh đạo, khiến họ được 4 quả Thanh Văn, dẫn đến được quả Bích Chi Phật.

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn, an trú nơi   bất thối chuyển địa, thật hành Bát Nhã Ba La Mật, là đầy đủ các quả vị A La Hán và Bích Chi Phật rồi vậy.

LUẬN :

Hỏi: Vì sao Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật mà còn tu 4 niệm xứ?

Đáp: Vì lòng đại từ đại bi, mà Bồ Tát phải dùng đến các sức phương tiện, tu 4 niệm xứ, để dẫn dắt chúng sanh vào Phật đạo.

Hỏi: Nếu Bồ Tát chẳng được các quả Thanh Văn và Bích Chi Phật, thì làm sao có thể giáo hóa chúng sanh được ?

Đáp: Theo như lời Phật dạy, thì Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn rồi, chẳng còn thọ các đạo quả. Bồ Tát chẳng có thủ chứng các đạo quả, mà vẫn hành Bồ Tát đạo, mới gọi là vào bất thối chuyển địa.

KINH :

Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát trú 6 pháp Ba La Mật, trang nghiêm cung trời Đâu Suất. Phải biết đó là Bồ Tát nhất sanh bổ xứ ở   trong Hiền Kiếp.

LUẬN :

Bồ Tát tu nhiều đạo, lập nhiều nguyện. Khi lên cõi trời Đâu Suất, nhập vào hội 1000 vị Bồ Tát nhất sanh bổ xứ, lần lượt trở thành 1000 vị Phật.

KINH :

Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát tu 4 thiền, dẫn đến tu 18 bất cộng pháp, mà chưa chứng 4 thánh đế. Phải biết đó là Bồ Tát nhất    sanh bổ xứ.

LUẬN :

Hỏi: Bồ Tát nhất sanh bổ xứ ở trên cung trời Đâu Suất thì làm sao tu được 4 thiền?

 Đáp: Vì Bồ Tát sanh lên cõi trời Đâu Suất đã được ly dục, nên được 4 thiền. Bồ Tát nhất sanh bổ xứ, do muốn có đầy đủ Phật pháp, nên dùng các sức phương tiện sanh lên cõi trời Đâu Suất, hành đầy đủ các pháp môn, mà chẳng có thủ chứng 4 thánh đế. Vì sao? Vì Bồ Tát chỉ muốn thành Phật, chẳng muốn chứng A La Hán hay Bích Chi Phật.

KINH :

Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát, trải qua vô lượng kiếp, tu hành cầu đạo Vô Thượng Bồ Đề.

LUẬN :

Bồ Tát đầy đủ thiện căn, phát tâm cầu Vô Thượng Bồ Đề, quyết tâm tu hành để vào được đạo. Thế nhưng nếu căn trí chưa được lanh lợi, thì phải lâu mới được quả Vô Thượng Bồ Đề

KINH :

Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát trú 6 pháp Ba La Mật, thường siêng năng, tinh tấn làm việc lợi ích cho chúng sanh, nên  chẳng nói lời vô ích.

LUẬN :

Có Bồ Tát, trước thường sanh ác khẩu, mà sau lại phát Bồ Đề tâm, nguyện thanh tịnh khẩu nghiệp, nguyện chẳng nói ra các lời ác, nên chẳng nói các lời vô ích. Vì sao ? Vì Bồ Tát biết rằng các lời nói vô ích chẳng phải là Phật pháp, dễ gây sự hiểu lầm đối với kẻ khác.

KINH :

Thường siêng năng, tinh tấn làm việc lợi ích cho chúng sanh, nên thị hiện sanh từ Phật độ này đến Phật độ khác, để độ các chúng sanh ra khỏi 3 đường ác.

LUẬN :

Bồ Tát trú 6 pháp Ba La Mật, dùng các thần thông, đi khắp các cõi Phật ở trong khắp mười phương, để phá 3 đường ác, nhằm độ thoát chúng sanh.

KINH :

Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát trú 6 pháp Ba La Mật, lấy Đàn BaLa Mật làm đầu, để an lạc chúng sanh, tùy chỗ chúng sanh cần  những gì, thì liền cung cấp cho họ được đầy đủ.

LUẬN :

Hạnh nguyện của các Bồ Tát có sai khác nhau:

 – Có Bồ Tát làm cho chúng sanh rời khổ.

 – Có Bồ Tát làm cho chúng sanh được an vui.

Hạng Bồ Tát thứ nhất phá các đường ác, khiến chúng sanh lìa xa được các khổ.

Hạng Bồ Tát thứ hai bố thí cho chúng sanh đầy đủ các thứ cần dùng, làm cho họ được an vui.

 KINH :

 Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, biến thành thân Phật, để vào tận các chốn địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, vì chúng sanh ở các đường ác mà thuyết pháp.

LUẬN :

Hỏi: Bồ Tát chẳng có tôn kính Phật hay sao, mà lại tự biến thành thân Phật?

Đáp: Vì có nhiều chúng sanh do thấy Phật mà khởi được tín tâm, nên Bồ Tát phải phương tiện tự biến thành thân Phật để hóa độ cho họ.

Lại nữa, có biến thành thân Phật, thì Bồ Tát mới được dễ dàng ra vào các địa ngục. Có như vậy thì Diêm Vương cũng như các quỷ thần mới chẳng dám dây trở ngại.

Hỏi: Ở chốn địa ngục thuần khổ, thì làm sao chúng sanh ở đó có thể thọ pháp được?

Đáp: Bồ Tát có đại thần lực chẳng có thể nghĩ bàn, phóng đại quang minh, rồi mới vì các chúng sanh ở các cõi ấy, thuyết pháp. Do nương theo thần lực của Bồ Tát, mà các chúng sanh ở các cõi ấy sanh tâm hoan hỷ, thọ trì chánh pháp, khiến vơi được các khổ.

Hỏi: Như vậy thì chúng sanh ở địa ngục cũng được đạo chẳng?

Đáp: Tuy chưa được đạo, nhưng chúng sanh ấy đã gieo trồng được thiện căn.

Trong hàng quỷ thần cũng có rất nhiều trường hợp gieo trồng thiện căn, dẫn đến được đạo quả, nhờ nương theo thần lực của Bồ Tát. Ví như trường hợp của thần Kim Cang Mật Tích, của quỷ Từ Mẫu v.v… Tất cả các vị quỷ thần này đều nhờ oai đức của Bồ Tát mà được độ.

KINH :

Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật biến thành thân Phật, đi đến các thế giới ở khắp 10 phương, vì chúng sanh ở các thế giới đó, thuyết pháp, để cúng dường chư Phật, thanh tịnh Phật độ, nghe chư Phật thuyết pháp, và chọn những tướng tịnh diệu của các Phật độ trong khắp 10 phương, nhằm tự trang nghiêm quốc độ của mình. Phải biết đó là Bồ Tát nhất sanh bổ xứ.

LUẬN :

Bồ Tát, vì chúng sanh trong khắp 6 đạo, mà hiện thân Phật, như đã nói trong các đoạn kinh trên đây, để thuyết 3 thừa pháp. Vì sao? Vì chúng sanh không tin các đệ tử của Phật bằng tin Phật, nên Bồ Tát phải làm như vậy.

Các vị Bồ Tát nhất sanh bổ xứ mới có được đại thần lực, mới thành tựu được các sự biến hóa thân, mới có thể dùng các sức phương tiện như đã nói trên đây.

Hỏi: Trước đây nói chỉ có ở cõi trời Đâu Suất mới có các vị Bồ Tát nhất sanh bổ xứ. Nay vì sao lại nói ở khắp trong 10 phương cũng có các vị Bồ Tát nhất sanh bổ xứ?

Đáp: Ở mỗi 3000 thế giới, thì cõi trời Đâu Suất là trú xứ của các vị Bồ Tát nhất sanh bổ xứ.

Thế nhưng, cũng chẳng phải nhất thiết luôn như vậy. Ở nơi nào mà các vị Bồ Tát đã được đệ nhất thanh tịnh rồi, thì tại nơi đó Phật đạo được thành tựu vậy.

KINH :

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát do thân hành Bát Nhã Ba La Mật, mà thành tựu được 32 tướng tốt, được 6 căn thanh tịnh, lanh lợi nên được nhiều người ái kính. Nhờ vậy mà Bồ Tát dần dần dẫn họ vào 3 thừa đạo, để tự độ và độ tha.

Này Xá Lợi Phất! Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát khi thật  hành Bát Nhã Ba La Mật, phải tu tập thân thanh tịnh và khẩu    thanh tịnh, mới được nhiều lợi lạc.

LUẬN :

Muốn khiến chúng sanh thấy thân tướng của mình mà được độ, thì Bồ Tát phải tu 32 tướng tốt. Vì sao? Vì có được các căn minh lợi, có được 32 tướng tốt, thì mới làm cho chúng sanh hoan hỷ, ái kính. Nhờ vậy mà Bồ Tát mới dễ cảm hóa được chúng sanh, dạy họ đầy đủ các Phật pháp, dùng 3 thừa đạo dẫn họ vào Niết Bàn.

Khi nói đến các căn minh lợi là nói về thân nghiệp thanh tịnh. Bởi vậy nên kinh dạy rằng: Bồ Tát muốn tu tập Bát Nhã Ba La Mật, phải thanh tịnh nghiệp thân và nghiệp khẩu.

KINH :

Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát do thật hành 6 pháp Ba La Mật mà được căn thanh tịnh. Tuy được các căn thanh tịnh, mà Bồ Tát chẳng hề tự cao hay tự ti, chẳng thấy mình cao hơn người cũng chẳng thấy mình thấp kém thua người.

LUẬN :

Bồ Tát thâm nhập 6 pháp Ba La Mật, được các căn thanh tịnh, được chúng sanh ái kính. Vì muốn độ thoát chúng sanh, mà Bồ Tát phải thị hiện dùng các pháp thế gian để dạy họ. Thế nhưng, tuy được các căn thanh tịnh mà Bồ Tát chẳng hề tự cao, dấy niệm khinh miệt người.

Trong kinh có dạy rằng: Bồ Tát mà khinh miệt người, là xa lìa Phật đạo. Bởi vậy nên Bồ Tát chẳng hề tự cao, chẳng hề thấy mình hơn người vậy.

Lại nữa, Bồ Tát cũng chẳng nên cho mình thua kém người.

Phải chẳng có tự cao, chẳng có tự ti, mới dạy được người vậy.

KINH :

Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát, từ khi sơ phát tâm đến khi được   bất thối chuyển, thường an trú trong Đàn Ba La Mật và Thi La     Ba Mật, trọn chẳng đọa vào 3 đường ác.

LUẬN :

Bồ Tát sợ đọa vào 3 đường ác, nên làm công đức gì, cũng nguyện chẳng đọa vào các đường ác. Bồ Tát tự nghĩ rằng: Nếu ta đọa vào ác đạo thì ta chẳng có thể tự độ được, mà cũng chẳng có thể độ được chúng sanh.

KINH :

Lại có Bồ Tát, từ khi sơ phát tâm đến khi được bất thối chuyển, trọn chẳng rời 10 thiện đạo.

LUẬN :

Hỏi: Phật dạy trì giới thì chẳng đọa vào 3 đường ác. Nay vì sao lại nói Bồ Tát trọn chẳng rời 10 thiện đạo?

Đáp: Trước đây nói về trường hợp trì giới chưa được kiên cố, nên phải hành bố thí để trợ giúp thêm. Nay nói trì giới đã kiên cố rồi, thì chẳng còn bị đọa vào các đường ác nữa, nên thường được các thiện đạo vậy.

KINH :

 Lại có Bồ Tát an trú trong Đàn Ba La Mật và Thi La Ba La Mật, làm Chuyển Luân Thánh Vương, dạy chúng sanh tu 10 thiện         đạo, và đem tài vật bố thí khiến chúng sanh được an ổn.

LUẬN :

Do nhân duyên bố thì và trì giới, mà được làm Chuyển Luân Thánh Vương, được chúng sanh tin kính. Nhờ vậy mà Bồ Tát dạy 10 thiện đạo được chúng sanh hoan hỷ tín thọ.

Hỏi: Tất cả các Bồ Tát hành Đàn Ba La Mật và Thi La Ba La Mật đều sanh làm Chuyển Luân Thánh Vương cả hay sao?

Đáp: Bồ Tát thường cầu Phật đạo.

Tuy nhiên, vì biết Chuyển Luân Thánh Vương có nhiều điều kiện gần gũi chúng sanh, làm lợi ích cho họ, nên có Bồ tát nguyện sanh làm Chuyển Luân Thánh Vương.

Ở địa vị Chuyển Luân Thánh Vương, Bồ Tát có đủ các phương tiện để tu bố thí, trí giới, hành 10 thiện đạo.

Do hành bố thí, trì giới, mà Bồ Tát được chúng sanh tin kính, nên khi Bồ Tát dạy 10 thiện đạo, thì họ rất dễ hoan hỷ, tín thọ.

KINH :

 Lại có Bồ Tát an trú trong Đàn Ba La Mật và Thi La Ba La Mật, ở trong vô lượng đời làm Chuyển Luân Thánh Vương, được gặp, được cúng dường, tôn trọng và tán thán vô lượng đức Phật.

LUẬN :

Có Bồ Tát biết Chuyển Luân Thánh Vương làm được nhiều lợi ích cho chúng sanh, nên nguyện làm Chuyển Luân Thánh Vương trong nhiều đời, để có thể dùng pháp thế gian cúng dường Phật Pháp Tăng.

KINH :

Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát thường vì chúng sanh thuyết pháp, đem trí huệ quang minh tự soi sáng cho chính mình, và soi sáng cho chúng sanhm dẫn đến khi được Vô Thượng Bồ Đề, trọn chẳng rời trí huệ quang minh.

Phải biết Bồ Tát ấy, ở trong Phật pháp, được mọi người sanh tôn trọng.

Bởi nhân duyên vậy, nên lúc thật hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát thường giữ thân, khẩu, ý thanh tịnh, chẳng bao giờ để cho các bất thiện nghiệp vọng khởi.

LUẬN :

Trước đây nói Bồ Tát thật hành Đàn Ba La Mật và Thi La Ba La Mật, nguyện làm Chuyển Luân Thánh Vương.

Nay nói Bồ Tát học các kinh điển, đọc tụng, ghi chép, chánh ức niệm, chánh tư duy, phân biệt các pháp, để cầu Phật đạo. Rồi lại dùng trí huệ quang minh nhằm tự soi sáng cho chính mình, và cũng soi sáng cho mọi loài chúng sanh.

 Do hạnh nguyện tự lợi và tự tha, mà Bố Tát chẳng trọn rời trí huệ quang minh, cho đến khi được Vô Thượng Bồ Đề.

Lại nữa, Bồ Tát hành pháp thí mà chẳng cầu danh lợi, được cung kính cúng dường mà chẳng đắm trước, chẳng để ý mình có trí huệ, cũng chẳng hề tự cao, chẳng hề khinh dễ người khác. Bồ Tát chỉ niệm chư Phật, tinh tấn tu tập cầu Phật đạo, đem giáo hóa của Phật dạy cho chúng sanh, dẫn dắt họ vào thật tướng pháp.

Do thuyết pháp thanh tịnh như vậy, mà Bồ Tát mãi mãi cho đến khi được Vô Thượng Bồ Đề, chẳng bao giờ mất trí huệ quang minh.

Do thường giữ thân, khẩu, ý thanh tịnh, chẳng để cho các vọng tâm dấy khởi, thường hành các tịnh pháp làm lợi cho chúng sanh, nên Bồ Tát ở trong Phật pháp được mọi người tin kính.

Lại nữa, Bồ Tát hành Bồ Tát đạo chẳng dấy khởi các nghiệp tội. Vì sao ? Vì Bồ Tát biết rõ các nghiệp tội phá hoại các công đức, khiến khó thành tựu được đạo quả.

KINH :

Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát khởi các bất tịnh nghiệp ở thân, khẩu, ý?

Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Nếu Bồ Tát dấy niệm thủ các tướng thân, tướng khẩu, tướng ý thì gọi là Bồ Tát khởi các bất tịnh nghiệp ở thân, khẩu, ý.

LUẬN :

 Hỏi : Ngài Xá Lợi Phất là bậc trí huệ đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật. Như vậy vì sao ngài chẳng biết các bất tịnh nghiệp ở thân, khẩu và ý, mà ngài còn hỏi Phật như vậy?

Đáp: Ngài Xá Lợi Phất, ở trong pháp Thanh Văn phân biệt rõ về 10 thiện đạo và 10 bất thiện đạo, nhưng ngài chẳng biết rõ được các hạnh của Bồ Tát. Ví như, ngài chẳng biết rằng Bồ Tát chỉ vừa sanh tâm chứng Nhị Thừa là đã phá giới rồi vậy. Do ngài Xá Lợi Phất còn có chỗ nghi, chưa rõ thế nào là Bồ Tát có tội hay chẳng có tội, nên phải thưa hỏi Phật.

Bởi nhân duyên vậy, nên Phật dạy: Nếu Bồ Tát còn thủ tướng thân, tướng khẩu, tướng ý là đã tạo các nghiệp tội rồi.

KINH :

Này Xá Lợi Phất! Nếu Bồ Tát còn dấy niệm có thân, có khẩu,    có ý là còn có thủ tướng, còn có tác duyên. Như vậy là đã có         tạo bất tịnh nghiệp ở thân, khẩu ý rồi vậy. Vì khi thật hành Bát    Nhã Ba La Mật, Bồ Tát biết rõ thân, khẩu ý đều là bất khả đắc.

Này Xá Lợi Phất! khi thật hành Bát Nhã Ba La Mật, nếu Bồ Tát còn thấy có tác dụng của thân, khẩu, ý, thì thường hay sanh     tâm xan tham, phạm giới, giải đãi, tán loạn, ngu si. Phải biết đó   là Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật, mà chưa trừ được các    thô nghiệp ở thân, khẩu và ý.

LUẬN :

 Trên đây Phật khai thị cho ngài Xá Lợi Phất biết rằng Bồ Tát trú trong pháp “không” nên thấy nghiệp, dù là thiện nghiệp đều là nghiệp tội. Chẳng có nghiệp nào là chẳng có tội cả. Vì sao? Vì theo pháp Thanh Văn thì hành 10 bất thiện đạo mới là có tội. Còn theo pháp Đại Thừa, thì vừa dấy niệm có hành các nghiệp ở thân, khẩu, ý, là đã có tội rồi. Vì sao? Vì có làm, có thấy có làm, là đã có kiến giả rồi vậy. Thế nhưng, tất cả các sự việc ấy đều là hư vọng, là chẳng thật có. Chấp thô sự thì bị thô tội; chấp tế sự thì bị tế tội. Ví như người đã ly dục thấy 5 dục, 5 cái là tội. Người vào Sơ Thiền thì cho giác quán là chẳng có tội, mà người vào Nhị Thiền thì cho giác quán cũng có tội. Người vào Nhị Thiền thì cho hỷ là chẳng có tội, mà người vào được thật tướng pháp rồi, thì cho rằng giác quan cũng như các niệm về lạc hỷ đều là tội cả.

Tiểu thừa, do sợ 3 đường ác, nên tu 10 thiện đạo, xa lìa 10 bất thiện đạo, cho 10 bất thiện đạo là tội. Còn Đại Thừa thì cho rằng chấp tâm, thủ tướng cũng đều là tội cả. Vì sao ? Vì có chấp, có thủ là trái với ba giải thoát môn nên đều là tội cả.

 Như vậy là các quan điểm của Tiểu Thừa  và của Đại thừa ở nơi thực sự có nhiều sai khác.

Đối với Đại Thừa Ma Ha Diễn thì dấy niệm thấy có 3 nghiệp, là chưa được tâm kiên cố. Rõ biết cả 3 nghiệp đều là không thì mới gọi là được tâm kiên cố vậy. Vì sao? Vì Bồ Tát trú ở nơi pháp “không”, chẳng thấy có chúng sanh, chẳng thấy có 3 nghiệp ở thân, khẩu, ý. Nếu ở nơi 3 nghiệp, mà còn thấy có tác dụng, thì sẽ khởi các tướng xan tham, phạm giới, giải đãi, tán loạn, ngu si. Trái lại, nếu tu giải thoát thì chẳng phải như vậy.

 Ví như nếu chẳng có cây thì chẳng sao có bóng mát được. Cũng như vậy, nếu chẳng có nhân, thì chẳng có quả.

Do tư duy quan sát như vậy, mà Bồ Tát trừ được các thô nghiệp ở thân, ở khẩu và ở ý

 Hỏi: Trước chỉ nói đến các nghiệp tội ở thân, khẩu và ý. Nay vì sao lại nói về các thô nghiệp?

Đáp: Thô nghiệp và tế nghiệp chẳng có gì khác nhau, vì cũng đều là tội nghiệp cả.

Hàng Thanh Văn phân biệt có thô nghiệp, có tế nghiệp. Ví như nói các nghiệp ở thân, ở khẩu là thô, còn các nghiệp ở ý là tế. Lại ví như biết các ác pháp như tham dục, sân nhuế v.v… thì gọi là thô, biết về sông, núi, thôn xóm, làng nức v.v… thì gọi là tế; biết về các thiện pháp như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn v.v… thì gọi là vi tế.

Tất cả các pháp trên đây đối với Đại Thừa Ma Ha Diễn, thì đều gọi là thô cả.

KINH :

Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát làm thế nào để   trừ được các thô nghiệp ở thân, khẩu, ý?

Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Nếu Bồ Tát biết rõ thân, khẩu và ý   đều là bất khả đắc, thì trừ được các thô nghiệp ở thân, khẩu và       ý.

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát, từ sơ phát tâm, đã thật hành 10 thiện đạo, mà chẳng mong tâm Thanh Văn, chẳng mong tâm    Bích Chi Phật là trừ được các thô nghiệp ở thân, khẩu và ý.

LUẬN :

Hỏi: Thế nào gọi là thô nghiệp và thế nào gọi là tế nghiệp ở thân, khẩu và ý?

Đáp: Đây chỉ là tương đối. So với nghiệp của hàng Thanh Văn, thì nghiệp của phàm phu là thô, thì nghiệp của hàng Thanh Văn là tế. So với nghiệp của hàng Bồ Tát thì nghiệp của hàng Thanh Văn là thô; trái lại so với nghiệp của hàng Thanh Văn, thì nghiệp của Bồ Tát là tế.

Lại nữa, còn thấy có ngã là thô, không thấy có ngã là tế; còn thấy chỗ trú của 3 nghiệp là thô, không thấy chỗ trú của 3 nghiệp là tế; còn thấy có 5 ấm là thô, không thấy có 5 ấm là tế; còn thấy có 12 nhập là thô, không thấy có 12 nhập là tế v.v… Lại nữa, thấy được chỗ thấy là thô, không thấy được chỗ thấy là tế.

Bởi nhân duyên vậy, nên Phật dạy: Nếu Bồ Tát biết rõ thân, khẩu, ý đều bất khả đắc, thì trừ được các thô nghiệp ở thân, khẩu và ý.

Từ sơ phát tâm, Bồ Tát phải biết rõ hết thảy pháp đều là rốt ráo không. Vì sao? Vì ở trong “không”, hết thảy pháp đều bất khả đắc. Bồ Tát biết rõ như vậy, mà vẫn thường hành 10 thiện đạo, chẳng có khởi tâm Thanh Văn và tâm Bích Chi Phật. Bồ Tát cũng chẳng có thủ tướng tâm, mà chỉ hướng hết thảy các công đức về Vô Thượng Bồ Đề. Như vậy gọi là Bồ Tát trừ các thô nghiệp tội của thân, khẩu và ý, là Bồ Tát hành 3 nghiệp thân, khẩu và ý thanh tịnh vậy.

KINH :

Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật, thanh tịnh Phật đạo, thật hành đầy đủ 5 Ba La Mật kia. Phải biết đó là trừ được các thô nghiệp ở thân, khẩu và ý.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là thanh tịnh Phật đạo?

 Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Thanh tịnh Phật đạo là chẳng thấy có thân, khẩu và ý; chẳng thấy có Đàn Ba La Mật, dẫn đến chẳng thấy có Bát Nhã Ba La Mật; chẳng thấy có Thanh Văn, Bích Chi Phật, dẫn đến chẳng thấy có Bồ Tát và Phật.

Bồ Tát chẳng thấy hết thảy các pháp, vì biết rõ hết thảy các pháp đều là bất khả đắc cả. Như vậy gọi là Bồ Tát thanh tịnh Phật đạo.

LUẬN :

Hỏi: Ngài Xá Lợi Phất đã từng nghe Phật dạy rằng trừ ác, trừ thô nghiệp là đã thanh tịnh Phật đạo rồi, nay vì sao Ngài còn hỏi nữa?

Đáp: Trước đây nói về tướng của 3 nghiệp thanh tịnh. Nay nói về tướng của hết thảy các pháp thanh tịnh.

Trước đây nói về cả 3 nghiệp thân, khẩu và ý đều bất khả đắc. Nay nói 6 pháp Ba La Mật, Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát dẫn đến Phật cũng đều bất khả đắc mới gọi là thanh tịnh Phật đạo vậy.

Hết thảy pháp đều bất khả đắc, nên chẳng thấy có thân, khẩu và ý, chẳng thấy có 6 pháp Ba La Mật, chẳng thấy có Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát, dẫn đến chẳng thấy có Phật.

Như vậy là đủ “chúng sanh không” và “pháp không”. Bồ Tát trú trong 2 “không” đó, mà dần dần được “bất khả đắc không”, tức là vào được thật tướng pháp.

 (Nghĩa của bất khả đắc không đã được nói rõ ở mục 18 KHÔNG rồi)

KINH :

Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát thật hành 6 pháp Ba La Mật, mà chẳng hoại các pháp tướng.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là chẳng hoại các pháp tướng?

Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La  Mật, mà chẳng có sắc, thọ, tưởng, hành, thức; chẳng niệm có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; chẳng niệm có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; chẳng niệm có nhãn giới dẫn đến ý thức giới; chẳng niệm có 4 niệm xứ, 4 chánh cần, 4 như ý túc, a5 căn, 5   lực, 7 giác chi, 8 Thánh đạo; chẳng niệm có 6 pháp Ba La Mật; chẳng niệm có 10 Phật lực, 4 vô sớ úy, 4 vô ngại trí, dẫn đến 18   bất cộng pháp; chẳng niệm có 4 quả Thanh Văn, quả Bích Chi Phật, dẫn đến quả Vô Thượng Bồ Đề.

Như vậy là Bồ Tát thật hành và tăng ích 6 pháp Ba La Mật, mà chẳng phá hoại các pháp tướng.

LUẬN :

Phật, vì ngài Xá Lợi Phất, mà chẳng phân biệt các trường hợp phát tâm của Bồ Tát.

Ngài Xá Lợi Phất vui mừng, sanh tâm cung kính các Bồ Tát, nên hỏi Phật: “Bồ Tát chưa đoạn sạch kiết sử, thì làm sao mà chẳng hoại các pháp tướng?”

Phật đáp: “Bồ Tát chẳng niệm sắc… dẫn đến chẳng niệm Vô Thượng Bồ Đề, là chẳng hoại các pháp tướng”.

Vì sao? Vì chẳng niệm hết thảy các pháp là vào được 2 “không”, tứ là vào được “chúng sanh không” và “pháp không”. Vì pháp không, nên chẳng có trú; lại vì Bát Nhã Ba La Mật là vô ngại, nên chẳng phá hoại các pháp tướng.

KINH :

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát an trú trong Bát Nhã Ba La Mật, dược đầy đủ trí huệ, chẳng bị đọa vào 3 đường ác, chẳng sanh làm  người tệ ác, bần cùng; lại được thọ thân tướng đoan nghiêm, nên chẳng bị Trời, Người, A Tu La chê ghét.

LUẬN :

Trong nhiều kiếp trước Bồ Tát đã tu tập trú huệ, đã học đầy đủ các kinh thơ, đã quán sát, tư duy, chánh niệm về thật tướng pháp. Do đã vào được thật tướng pháp, nên được chư Phật thường ái niệm, có được vô lượng phước đức, có được thân tâm đầy đủ, thường thọ các phước lạc, và được chúng sanh cung kính, cúng dường.

KINH :

Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là trí huệ của Bồ Tát?

Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát thành tựu trí huệ, thấy được chư Phật cùng chúng Tăng ở khắp 10 phương, được nghe chư Phật thuyết pháp và thấy được các cõi Phật nghiêm tịnh. Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát du thành tựu trí huệ mà chẳng khởi niệm về tướng Phật, về tướng Bồ Tát, về tướng Bích Chi Phật, về tướng Thanh Văn, cũng chẳng khởi niệm về tướng ngã, về tướng quốc độ.

Lại nữa, do thành tựu trí huệ mà khi thật hành Đàn Bát Nhã Ba La Mật dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật, khi thật hành 4 niệm xứ dẫn   đến 18 bất cộng pháp, Bồ Tát chẳng thấy có Đàn Ba La Mật đến Bát Nhã Ba La Mật, chẳng thấy có 4 niệm xứ dẫn đến 18 bất cộng pháp.

Như vậy gọi là trí huệ của Bồ Tát. Bồ Tát dùng trí huệ hành đầy đủ hết thảy các pháp mà cũng biết rõ hết thảy pháp đều là bất    khả đắc.

LUẬN :

Nên phân biệt có 2 loại trí huệ. Đó là:

– Trí huệ để phân biệt, biết rõ các pháp, mà chẳng chấp các pháp tướng.

– Trí huệ chẳng chấp tâm, cũng chẳng thủ tướng. Bồ Tát thành tựu trí huệ này, thấy khắp các 10 phương Phật, nghe pháp, mà chẳng chấp tâm, chẳng thủ tướng.

Hỏi: Thế nào gọi là hành bố thí mà bất đắc bố thí?

Đáp: Bất đắc bố thí là biết rõ bố thí, mà chẳng thủ chấp bố thí. Biết bố thì làm cho chúng sanh được ấm no, được an ổn, biết bố thí là nhân duyên khuyến trợ chúng sanh vào Phật đạo, nhưng đồng thời cũng biết bố thí do duyên hòa hợp sanh, nên là bất khả đắc.

– Hành bố thí như vậy gọi là hành bố thí mà bất đắc bố thí.

– Bồ Tát hành hết thảy các pháp mà cũng bất đức hêt thảy pháp.

 KINH:

Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật mà thanh tịnh được nhục nhãn, thiênnhãn, huệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn, được đầy đủ cả 5 nhãn thanh tịnh.

 Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát thanh tịnh nhục nhãn?

Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát dùng nhục nhãn thấy xa cả 100 do tuần, có Bồ Tát thấy xa được 200 do tuần, có Bồ Tát thấy khắp cõi Diêm Phù Đề, có Bồ Tát thấy khắp 1 tiểu thiên thế giới, có Bồ Tát thấy khắp 1 trung thiên thế giới; có Bồ Tát thấy khắp 1 đại thiên thế giới.

Như vậy gọi là Bồ Tát thanh tịnh nhục nhãn.

LUẬN :

Hỏi: Vì sao Phật nói đến việc Bồ Tát thanh tịnh nhục nhãn trước, rồi mới nói đến việc thanh tịnh 4 nhãn kia?

 Đáp: Bồ Tát trải qua nhiều kiếp tu hành, đã có được nhục nhãn thanh tịnh và cũng đã thanh tịnh được phần ít 4 nhục nhãn kia.

Ví như tấm gương vốn sẵn có tánh phản chiếu, nhưng do bị bụi trần che lấp nên chẳng có thể chiếu được các ảnh, nếu bụi trần được quét sạch thì tánh phản chiếu của gương liền được hiện ra như cũ. Cũng như vậy, Bồ Tát đã diệt trừ hết các cấu pháp nên được nhục nhãn thanh tịnh. Do nhân duyên được nhục nhãn thanh tịnh mà Bồ Tát có được thiên nhãn. Rồi do nhân duyên tu tập thiền định mà dần dần Bồ Tát thanh tịnh được thiên nhãn. Rồi Bồ Tát lại còn phải tu vô lượng phức đức trí huệ, mới thanh tịnh được 3 nhãn sau. Khi được thanh tịnh tối thắng rồi mới thấy được cùng khắp cả đại thiên thế giới.

Hỏi: Đại thiên thế giới có cả trăm ức núi Tu Di và núi Thiết Vi, lại có vô lượng các chướng ngại vật khác thì làm sao Bồ Tát có thể khắp thấy được ?

 Đáp: Bồ Tát khi đã thanh tịnh được nhục nhãn rồi, thì có thể thấy cùng khắp cả đại thiên thế giới mà chẳng có gì ngăn ngại cả.

Có thuyết nói có 2 nguyên nhân làm cho Bồ Tát có được thiên nhãn:

 – Do tu tập thiền định mà có được thiên nhãn.

 – Do nghiệp quả báo đời trước mà nay có được thiên nhãn.

Thiên nhãn thường phát sanh ngay nơi nhục nhãn, khiến nhục nhãn có thể thấy cùng khắp đại thiên thế giới mà chẳng có gì ngăn ngại cả. Nhờ có thiên nhãn khai thông các chướng ngại, nên nhục nhãn có thể thấy được thông suốt như vậy.

Trong trường hợp được quả báo sanh làm Trời, thì liền có thiên nhãn, chẳng cần phải nhiếp tâm mà vẫn thấy thống suốt được.

Hỏi: Thế giới của chư Phật chu biến cùng khắp. Sao nói thấy cùng khắp đại thiên thế giới, mà chẳng nói thấy nhiều hơn nữa?

Đáp: Có thuyết nói rằng Bồ Tát trú trong đại thiên thế giới, lấy cảnh giới này làm cảnh giới hoằng pháp độ sanh. Do vậy mà Bồ Tát chỉ thấy trong phạm vi đại thiên thế giới.

Có thuyết nói rằng nhục nhãn phải nương theo thiên nhãn mới có thể thấy xa được. Nếu nhục nhã mà thấy được khắp đại thiên thế giới hay thấy xa hơn, thì chẳng cần phải tu thiên nhãn là gì nữa.

Có thuyết nói rằng khi đề cập đến đại thiên thế giới là đã có mật ý nêu lên ý niệm về một đại kiếp, khởi từ thời điểm sanh (sơ kiếp) và tận cùng ở thời điểm diệt (tận kiếp).

Lại có thuyết nói rằng bên người đại thiên thế giới còn có vô số do tuần đều toàn là hư không. Trong hư không thường có gió. Nhục nhãn và gió đối kỵ nhau, khiến nhục nhãn chẳng thấy xa hơn được.

Hỏi: Vì sao Bồ Tát chẳng tu tập thêm để có thể dùng nhục nhãn thấy xa hơn nữa?

Đáp: Nhục nhãn là hư vọng, là bất định, còn thiên nhãn mới là thanh tịnh. Nếu chẳng tu được thiên nhãn, mới phải gượng ép dùng nhục nhãn để cố thấy xa hơn. Do Bồ Tát tu tập được thiên nhãn nên dùng thiên nhãn hỗ trợ cho nhục nhãn để thấy xa vậy.

Trong kinh nói: Thấy xa là thấy cùng khắp đại thiên thế giới. Thế nhưng với chư Phật và chư đại Bồ Tát, thì chẳng đâu gọi là xa xả.

 Hỏi: Vì sao chẳng lấy mức 70,80,90 do tuần làm tầm nhất của hàng tiểu Bồ Tát?

Đáp : Vì Chuyển Luân Thánh Vương thấy xa hơn người thường. Do đời trước đã cúng dường Phật Nhiên

Đăng, mà Chuyển Luân Thánh Vương được nhãn căn thanh tịnh, thấy được các cảnh vật rất xa so với tầm thấy của ngời thường. Tuy nhiên tầm thấy của Chuyển Luân Thánh Vương chẳng có thể vượt quá 100 do tuần.

Bởi vậy, nên nói tầm thấy của hàng tiểu Bồ Tát chỉ khoảng 100 do tuần mà thôi.

Hỏi: Mặt trăng, mặt trời cách quả đất trên 4 vạn 2 ngàn do tuần đâu có gì đáng kể, mà phải khen ngợi những vị Bồ Tát thấy xa được 100 do tuần ?

Đáp : Mặt trăng, mặt trời, tuy ở xa, nhưng có quan minh chiếu đến tận mặt đất. Người trên quả đất, do mắt nhận được ánh sáng của mặt trăng, của mặt trời, mà thấy được các thiên thể này.

Lại nữa, sự thấy như vậy cũng là điên đảo. Vì sao? Vì mặt trăng, mặt trời có đường kính rất lớn, mà người trên mặt đất chỉ thấy bằng cái đĩa. Lớn mà thấy nhỏ, như vậy là thấy điên đảo. Bồ Tát, dùng nhục nhãn thanh tịnh, thấy khác hơn người thường.

KINH:

Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát thanh tịnh thiên nhãn?

Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát dùng thiên nhãn thấy  biết được các cõi trời Tứ Thiên Vương Đao Lợi Thiên, Đâu   Suất Đà Thiên, Hóa Lạc Thiên, Tha Hóa Thiên, Phạm Thiên Vương, dẫn đến Sức Cứu Cánh Thiên. Bồ Tát dùng thiên nhãn thấy biết được như vậy, chẳng nơi nào mà chẳng biết cả.

Lại có Bồ Tát dùng thiên nhãn thấy chúng sanh, trong hằng sa thế giới ở khắp 10 phương, chết đây, sanh kia. Hàng chư Thiên        chẳng thấy được như Bồ Tát.

Như vậy gọi là Bồ Tát thanh tịnh thiên nhãn.

LUẬN :

Như trước đây đã nói, Bồ Tát được thiên nhãn do 2 nguyên nhân:

– Do tu tập thiền định mà có được thiên nhãn.

– Do nghiệp quả báo đời trước, mà đời nay có được thiên nhãn.

Nếu do quả báo mà được thiên nhãn, thì lúc ban ngày nhục nhãn và thiên nhãn thường dung hợp; vào đêm tối, thì mới dùng riêng thiên nhãn.

Người tu được quả báo thiên nhãn thường chỉ thấy được 4 châu thiên hạ, và các cõi trời Lục Dục Thiên, nhưng chẳng thể thấy được các cõi trên. Bồ Tát được quả báo thiên nhãn thấy khắp 3000 thế giới. Người tu thiền định, và ly dục, cũng có được thiên nhãn vậy.

Bồ Tát dùng thiên nhãn thấy chúng sanh chết đây, sanh kia, chẳng có gì ngăn ngại cả. Hàng chư Thiên có được thiên nhãn, nhưng chẳng sánh được với Bồ Tát . Vì sao? Vì Bồ Tát đã vượt ra ngoài 3 cõi, cũng đã được pháp tánh, đã được 10 Bồ Tát lực, nên mới thanh tịnh thiên nhãn được như vậy.

KINH:

Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát thanh tịnh huệ nhãn?

Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát dùng trí huệ nhãn chẳng dấy niệm có pháp hữu vi, pháp vô vi; có pháp thế gian, pháp xuất thế gian; có pháp hữu lậu, pháp vô lậu. Thế nhưng, dùng   huệ nhãn, chẳng có pháp nào mà Bồ Tát chẳng thấy, chẳng nghe, chẳng biết cả.

Như vậy gọi là Bồ Tát thanh tịnh huệ nhãn.

LUẬN :

Vì nhục nhãn chẳng có thế thấy được các cảnh vật xa, và cũng chẳng thấy được các cảnh vật bi chướng ngại che khuất, nên phải cầu được thiên nhãn.

Thiên nhãn có thể thấy được các cảnh vật ở xa, hoặc bị chướng ngại che khuất, mà nhục nhãn chẳng sao có thể thấy được. Thế nhưng, sự thấy của thiên nhãn vẫn còn là hư dối. Vì sao? Vì còn thấy có các tướng đối đãi, như có tướng nam, tướng nữ, tướng núi, tướng sông, tướng cây cối, tướng của các sự vật. Tất cả các tướng ấy đều do duyên hòa hợp mà có, nên đều là hư dối, chẳng thật có. Do vậy mà phải cầu được huệ nhãn.

Huệ nhãn chẳng có các lỗi lầm của nhục nhã và của thiên nhãn.

Hỏi: Như vậy tướng của huệ nhãn như thế nào?

Đáp: Có thuyết nói rằng, trong 8 Thánh đạo thì chánh kiến là tướng của huệ nhãn. Vì sao? Vì dùng chánh kiến mới thấy được thật tướng của thọ ấm, mới phá được các chấp điên đảo.

Có thuyết nói rằng chỗ duyên Niết Bàn là tướng của huệ nhãn. Vì sao? Vì chỗ duyên ấy chẳng bị phá hoại, chẳng phải là hư vọng.

Lại có thuyết nói rằng 3 giải thoát môn, tương ưng huệ là tướng của huệ nhãn. Vì sao? Vì huệ nhãn khai mở cửa Niết Bàn. Có trí huệ hiện tiền, quán thật tế, thông đạt rõ ràng các pháp là tướng của huệ nhãn.

Có thuyết nói rằng thông đạt pháp tánh, trực nhập pháp tánh vô ngại là tướng của huệ nhãn.

Có thuyết nói rằng tâm định rõ biết hết thảy các pháp tướng là tướng của huệ nhãn.

Có thuyết nói rằng 18 không là tướng của huệ nhãn.

Lại có thuyết nói rằng dùng trí huệ rõ biết các pháp chẳng phải đồng cũng chẳng phải khác, như pháp thế gian chẳng phải đồng cũng chẳng phải khác với pháp xuất thế gian… Vì sao? Vì đồng và khác cũng đều là bất khả đắc cả, cho nên các quán đều diệt, các tâm hành đều dứt, các ngôn ngữ đều đoạn, dẫn đến tướng thế gian và tướng Niết bàn chẳng có gì khác nhau. Trí huệ ấy là tướng của huệ nhãn.

Trong kinh Phật dạy rằng: Bồ Tát ở nơi hết thảy pháp, chẳng dấy niệm có pháp hữu vi, pháp vô vi, có pháp thế gian, pháp xuất thế gian, có pháp hữu lậu, pháp vô lậu v.v…

Chẳng niệm CÓ, chẳng niệm KHÔNG mới là tướng của huệ nhãn. Vì sao? Vì nếu Bồ Tát còn phân biệt thấy có pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp thế gian, pháp xuất thế gian, pháp hữu lậu, pháp vô lậu v.v… là rơi về chấp CÓ (hữu kiến). Còn nếu Bồ Tát thấy thế gian vô vi, vô lậu, là rơi về chấp KHÔNG (vô kiến).

Phải bỏ cả hai chấp CÓ và KHÔNG, phải xa lìa các hý luận, phải lấy trí huệ mà hành trung đạo mới gọi là được huệ nhãn.

Khi đã được huệ nhãn rồi thì chẳng có pháp gì mà thấy, chẳng nghe, chẳng biết cả. Vì sao? Vì có được huệ nhãn là tận phá được vô minh. Bồ Tát dùng huệ nhãn rõ biết được tổng tướng cùng biệt tướng của hết thảy các pháp.

Hỏi: A La Hán và Bích Chi Phật cũng có được huệ nhãn. Vì sao chẳng có thể sánh được với Bồ Tát?

Đáp: Bồ Tát dùng huệ nhãn rõ biết được tổng tướng và biệt tướng của hết thảy các pháp. Hàng Nhị Thừa dùng huệ nhãn chỉ thấy được tổng tướng của các pháp mà thôi, ví như chỉ biết các pháp là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã.

Tuy rằng hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật dùng huệ nhãn cũng thấy được thật tướng các pháp, nhưng huệ nhãn ấy chỉ hạn cuộc, chẳng chiếu được rộng khắp. Ví như ngọn đèn nhỏ, ít dầu, chẳng có thể tỏa ánh sáng xa rộng được vậy.

Chư Phật và chư đại Bồ Tát dùng huệ nhãn chiếu rọi thật tướng pháp đến chỗ tận cùng, nên chẳng có pháp gì mà thấy, chẳng nghe, chẳng biết cả. Hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật vẫn còn chỗ biết, có chỗ không biết, nên huệ nhãn của hàng Nhị Thừa chẳng có thể sánh được với huệ nhãn của chư Phật và chư đại Bồ Tát.

Hỏi: Vì sao Thanh Văn và Bích Chi Phật dùng huệ nhãn mà còn có chỗ chưa được rốt ráo thanh tịnh. Mặc dù đã được vô pháp bất kiến, nghĩa là chẳng có pháp gì mà chẳng thấy biết, nhưng chư vị ấy chưa được như thật kiến, nghĩa là chưa được thấy biết như thật.

Bồ Tát khi chưa thành Phật, có huệ nhãn, khi thành Phật rồi thì huệ nhãn biến thành Phật nhãn. Do các vô minh phiền não, tập khí đều đã tận diệt, nên thấy rõ được hết thảy các pháp.

Khi đã được Phật nhãn rồi thì nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn và pháp nhãn đều mất tên gọi, và đều trở thành Phật nhãn cả. Ví như trong cõi Diêm Phù Đề có 4 con sông lớn đều chảy về biển. Vào biển rồi thì 4 con sông lớn đều mất tên, vì đã hòa đồng với biển.

Nên biết nhục nhãn do hữu lậu phiền não sanh, nên là hư vọng. Thiên nhãn do thiền định hòa hợp sanh, cũng là hư vọng. Huệ nhãn và pháp nhãn cũng chưa rốt ráo thanh tịnh vì còn có hữu dư phiền não tập khí. Khi chưa được hòa đồng với Phật nhãn thì chẳng còn có các lỗi lầm nữa.

Hỏi: Phật dùng nhục nhãn thấy các sắc trần. Sự thấy sắc trần của Phật như thế nào?

 Đáp: Tuy Phật cũng dùng nhục nhãn để duyên các sắc trần, nhưng chẳng có tùy thuộc vào dụng nhãn thức.

 Trong phẩm kinh Thánh Tự Tại Thần Thông, Phật dạy ngài A Nan rằng: Khi thấy sắc tốt nên sanh tâm nhàm chán, khi thấy sắc xấu nên sanh tâm không nhàm chán. Khi thấy sắc chẳng nên sanh nhiễm ô, cũng chẳng nên sanh không nhiễm ô, mà chỉ nên sanh xả tâm. Như vậy mới biết nhục nhãn là hư dối, là chẳng có thể tin được.

 Khi cả 5 tình đều thanh tịnh, thì sẽ được huệ nhãn thanh tịnh, thông đạt được các pháp vô ngại, thấy rõ các pháp đều rốt ráo không.

(Hết quyển 39)