LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP V
QUYỂN 97

Phẩm thứ tám mươi tám
(Tiếp theo)
Tát Đà Ba Luân
(Tiếp theo)

KINH:

Này Tu Bồ Đề! Sau khi đã được nghe lời dạy bảo từ giữa cõi hư không, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân y theo hướng Đông mà đi. Nhưng đi chưa được bao lâu, ông chợt nghĩ rằng, “Vì sao tôi chẳng hỏi giữa hư không là tôi phải đi đến đâu, sẽ phải đi bao xa nữa, sẽ phải theo ai để học Bát Nhã Ba La Mật?”

Nghĩ như vậy xong, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân liền dừng lại, khóc lóc, bi thảm, và tự nghĩ rằng, “Tôi phải ở lại nơi đây, từ một cho đến bảy ngày đêm, chẳng niệm cực khổ, chẳng niệm đói khát, chẳng niệm nóng lạnh. Nếu tôi chẳng có được nhân duyên nghe Bát Nhã Ba La Mật, thì tôi nguyện chẳng đứng dây, rời khỏi nơi đây”.

Này Tu Bồ Đề! Ví như người chỉ có một đứa con duy nhất bỗng nhiên bị chết. Người ấy rất sầu khổ; Ở trong lòng chỉ ôm mối sầu khổ, chẳng sanh một niệm gì khác. Cũng như vậy, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, lúc bấy giờ, chẳng sanh tâm niệm khác, ngoài tâm niệm duy nhất rằng, “Bao giờ tôi mới được nghe Bát Nhã Ba La Mật? Vì sao tôi chẳng hỏi giữa hư không phải đi đến đâu, sẽ phải đi bao xa nữa, sẽ phải theo ai để học Bát Nhã Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Trong khi Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đang sầu niệm như vậy, thì ở giữ hư không có tiếng Phật bảo rằng: Lành thay, lành thay! Này Thiện Nam Tử! Các đức Phật quá khứ cũng cầu Bát Nhã Ba La Mật như ông cầu ngày hôm nay. Ông hãy siêng năng, tinh tấn, một lòng ái pháp, mà tiếp tục đi về phương Đông. Từ nơi đây đi 500 do tuần, sẽ gặp thành Chúng Hương. Thành có bảy lớp bằng bảy báu trang nghiêm; Có lâu đài bằng bảy báu trang nghiêm; Có bảy lớp hào, có bảy hàng cây báu bao quanh. Thành rộng 12 do tuần đẹp đẽ, an tịnh. Dân chúng trong thành đông đúc và rất sung túc. Thành gồm 500 thị trấn có đường sá đẹp đẽ trang nghiêm, có cầu rộng rãi, sạch sẽ, có mặt đất bằng phẳng; chẳng khác gì một bức tranh vẽ. Trên bảy lớp thành đều có các lâu đài bằng bảy báu, có các hàng cây bảy báu, cành lá toàn bằng vàng, bạc, xà cừ, mã não, san hô, hỗ phách, lưu ly, pha lê cùng trân châu màu hồng. Từ các cành cây thòng xuống những dây bằng vàng ròng kết thành những tấm lưới lớn trùm khắp thành. Gió thổi khua động các linh lưới, tạo ra âm thanh hòa nhã, làm vui lòng người nghe. Ví như một giàn nhạc, khi trổi lên các bản hòa tấu, có sức hấp dẫn kỳ diệu, đem lại cho khán thính giả một bầu không khí hòa nhã, vui tươi và an lạc, thanh thoát đối với người nghe vậy. Ở bốn phía thành có các hồ nước; nước chảy đều, thanh tinh, mát mẻ, nóng lạnh tùy theo ý muốn. Trên mặt hồ có những chiếc thuyền bằng bảy báu, đẹp đẽ. Đây là do các phước nghiệp đời trước của chúng sanh ở nơi đây tạo ra. Ngồi trên các thuyền, chèo qua lại trên hồ thật là vui vẻ, thoải mái. Trong hồ có đủ loại hoa sen xanh, vàng, trắng, đỏ … cùng các loại hoa khác. Bao nhiêu thứ hoa đẹp khắp cõi đại thiên thế giới đều có ở trong hồ. Ở bốn phía thành có 500 khu vườn nhà bằng bảy báu trang nghiêm, rất hấp dẫn. Mỗi khu vườn có 500 hồ nước rộng 10 dặm; Thành hồ làm bằng bảy báu rất trang nghiêm, màu sắc rực rỡ. Trong các hồ cũng đều có đủ loại hoa sen xanh, vàng, trắng, đỏ…; mỗi hoa sen lớn bằng bánh xe; Hoa màu gì thì phát ra ánh hào quang màu đó. Trong các hồ có đủ loại chim quý, như khổng tước, chim uyên ương… cùng các loại chim khác; tiếng chim hót tạo thành những âm thanh hòa hợp, rất vui tai. Các khu vườn nhà ấy chẳng thuộc về ai cả. Tất cả chúng sanh ở trong thành, do phước duyên đời trước đều đến được. Do đều thâm ái chánh pháp, và thật hành Bát Nhã Ba La Mật, nên mới được thọ quả báo như vậy.

Này Thiện Nam Tử! Trong thành Chúng Hương ấy có đài cao rộng trên đài là cung điện của Bồ Tát Đàm Vô Kiệt. Cung điện ấy rộng 1 do tuần, bằng bảy báu trang nghiêm với nhiều màu sắc rực rỡ, rất vui mắt, có bảy thứ lớp tường cao bằng bảy báu bao quanh. Lan can, lầu gác cũng toàn bằng bảy báu. Lại có bảy lớp hồ bằng bảy báu, bảy hàng cây cành lá đều bằng bảy báu bao quanh cung điện. Trong cung điện ấy có bốn khu vườn để vui chơi, giải trí. Các khu vườn có tên là Thượng Hỷ, Lưu Ly, Hoa Sức và Hương Sức. Trong mỗi khu vườn đều có tám cái hồ. Các hồ có tên là Hiền, Hiền Thượng, Hoan Hỷ, Hỷ Thượng, An Ổn, Đa An Ổn, Viễn Ly, và A Bệ Bạt Trí. Cả bốn bờ quanh hồ đều là bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê. Đáy hồ làm bằng chất pha lê, trên có trải cát bằng vàng. Mỗi hồ có tám cái thang bằng đá quý. Quanh hồ có các hàng cây ba tiêu bằng vàng ròng Diêm Phù Đàn. Trong hồ có đủ các loại hoa sen xanh, vàng, trắng, đỏ…; hoa sen nở đầy khắp mặt hồ. Quanh hồ có các cây hoa đẹp; Khi gió thổi, hoa rụng xuống hồ, làm cho nước hồ có đầy đủ tám công đức, có mùi vị hương chiên đàn, đủ màu sắc và mùi vị, vừa nhẹ nhàng, vừa êm dịu.

Ở trong cung điện, Bồ Tát Đàm Vô Kiệt cùng sáu vạn tám ngàn thế nữ cùng chung hưởng năm dục đầy đủ. Dân chúng nam cũng như nữ đều vào vui chơi trong các khu vườn, các hồ ao, chung hưởng 5 dục đầy đủ.

Này Thiện Nam Tử! Sau khi đã cùng các thế nữ vui chơi, Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, ngày 3 thời, thuyết kinh Bát Nhã Ba La Mật. Dân chúng trong thành, nam nữ, lớn nhỏ, đều tụ tập nhau, thiết lập pháp toà lớn; Bốn chân pháp tòa làm bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê; trên các mặt pháp tòa có trải màu sắc đẹp đẽ, có các gối kê chân cũng màu sắc đẹp đẽ; trên nệm và gối đều có rải diệu hương thơm ngát. Pháp tòa cao năm dặm, có treo trướng thòng xuống sát mặt đất. Cả bốn bên pháp tòa đều có rải các thứ hoa thơm 5 sắc, có các thứ hương thơm xông đốt tỏa mùi hương thơm ngát. Tất cả đều nhằm cung kính và cúng dường Bát Nhã Ba La Mật và Bồ Tát Đàm Vô Kiệt.

Dân chúng cung kính thỉnh Bồ Tát lên pháp tòa, để thuyết giảng kinh Bát Nhã Ba La Mật.

Pháp hội có đến 500 vạn chư Thiên cùng người thế gian đều vân tập quanh pháp tòa. Trong số đó, có vị nghe, có vị thọ, có vị trì, có vị tụng, có vị biên chép, có vị chánh quán, có vị như thuyết tu hành.

Do nhân duyên được nghe pháp như vậy, nên lúc bấy giờ chẳng bị đọa vào 3 đường ác, chẳng thối tâm nơi Vô Thượng Bồ Đề.

Này Thiện Nam Tử! Ông nên đến chỗ Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, để được nghe thuyết Bát Nhã Ba La Mật.

Này Thiện Nam Tử! Trải qua nhiều kiếp. Bồ Tát Đàm Vô Kiệt đã từng làm thiện tri thức của ông, đã dạy cho ông đạo Vô Thượng Bồ Đề; Rồi đây lại sẽ khai thị, làm lợi ích cho ông.

Trước kia Bồ Tát Đàm Vô Kiệt cũng đã cầu Bát Nhã Ba La Mật y như ông cầu ngày hôm nay. Ông hãy đi ngay, chớ quản ngại ngày đêm, chớ quản ngại khó khăn…, chẳng bao lâu nữa, ông sẽ được nghe Bát Nhã Ba La Mật.

Lúc bấy giờ, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rất vui mừng, phấn khởi, mong chờ ngày được gặp vị thiện tri thức để được nghe Bát Nhã Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Ví như người bị trúng mũi tên độc, chẳng có niệm gì khác, chỉ mong đến lúc được gặp vị thầy thuốc giỏi, nhổ mũi tên độc ra và trị độc cho mình. Cũng như vậy, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân chẳng có niệm gì khác, chỉ mong đến lúc được gặp Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, được nghe Bát Nhã Ba La Mật, để đoạn trừ tâm chấp trước (hữu tâm) của mình.

Do nhất tâm tưởng niệm Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, mà ở ngay tại chỗ,  Bồ Tát Tát Đà Ba Luân được tri kiến vô ngại ở nơi hết thảy các pháp.

Ở ngay hiện tiền, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân liền đắc vô lượng tam muội, như : Chư pháp tánh quán tam muội – chư pháp tánh bất khả đắc tam muội – phá chư pháp vô  minh tam muội – chư pháp bất dị tam muội – chư pháp bất hoại tự tại tam muội – chư pháp năng chiếu tam muội – chư pháp ly ám tam muội – chư pháp vô dị tướng tương tục tam muội – chư pháp bất khả đắc tam muội – tán hoa tam muội – chư pháp vô ngã tam muội – như huyễn oai thế tam muội – như cảnh tượng tam muội – nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn tam muội – nhất thiết chúng sanh hoan hỷ tam muội – phân biệt âm thanh tam muội – chủng chủng ngữ ngôn tứ cú trang nghiêm tam muội – vô úy tam muội – tánh thường mặc nhiên tam muội – vô ngại giải thoát tam muội – ly trần cấu tam muội – danh tự ngữ ngôn trang nghiêm tam muội – kiến chư pháp tam muội – chư pháp vô ngại đảnh tam muội – như hư không tam muội – như kim cang tam muội – vô úy trước sắc tam muội – thắng tam muội – chuyển nhãn tam muội – tất pháp tánh tam muội – thưởng an ổn tam muội – sư tử hống tam muội – thắng nhất thiết chúng sanh tam muội – tán hoa trang nghiêm tam muội – đoạn nghi tam muội – nhất thiết kiên cố tam muội – xuất chư pháp thần thông lực vô úy tam muội – thường đạt chư pháp tam muội – chư pháp tài ấn tam muội – chư pháp vô phân biệt kiến tam muội – ly chư kiến chấp tam muội – ly nhất thiết u ám tam muội – ly nhất thiết tướng tam muội – giải thoát nhất thiết trước tam muội – trú nhất thiết giải đãi tam muội – thâm pháp minh tam muội – bất khả đoạt tam muội – phá ma tam muội – bất trước tam giới tam muội – khởi quang minh tam muội – kiến chư Phật tam muội. Bồ Tát Tát Đà Ba Luân an trú trong các tam muội ấy, liền thấy vô lượng chư Phật ở khắp 10 phương đang vì chư Bồ Tát thuyết Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN

Hỏi: Vì sao Bồ Tát Tát Đà Ba Luân quên, chẳng hỏi thêm giữa hư không về các vấn đề cần phải biết?

Đáp: Vì Bồ Tát Tát Đà Ba Luân quá vui mừng, nên quên hỏi. Người quá buồn hay người quá vui vẫn thường hay quên như vậy.

Hỏi: Tiếng nói giữa hư không đã dứt rồi. Vì sao Bồ Tát Tát Đà Ba Luân giữ im lặng suốt 7 ngày, mà chẳng có hỏi lại?

Đáp: Trước đây ở chốn rừng vắng, do nhất tâm cầu Bát Nhã Ba La Mật mà Bồ Tát Tát Đà Ba Luân nghe được lời dạy bảo giữa hư không. Nay Bồ Tát cũng muốn được nhất tâm cầu Bát Nhã Ba La Mật như trước để được nghe lời dạy bảo giữa hư không, nhằm đoạn nghi cho mình. Vì sao? Vì Bồ Tát đã xả thế lạc, thâm nhập Phật đạo, nhưng chẳng hiểu sao vừa mới nghe lời khai thị, chưa kịp đoạn nghi, thì tiếng nói giữa hư không lại liền bặt dứt. Ví như đứa con nít vừa được thức ăn ngon, đang thích thú mà thức ăn đó đã hết, khiến em khóc lóc, buồn thảm. Cũng như vậy, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân có được các thuận duyên để được nghe, được học Bát Nhã Ba La Mật, nhưng Bồ Tát chỉ mới có được ít khí vị Bát Nhã Ba La Mật, chưa thông đạt được Bát Nhã Ba La Mật mà tiếng nói giữa hư không đã mất, khiến Bồ Tát chẳng còn biết phải đi đâu, phải đi bao xa nữa, và phải gặp ai để được nghe Bát Nhã Ba La Mật. Do vậy mà Bồ Tát phải ở lại, và khóc than suốt 7 ngày đêm.

Hỏi: Vì sao hết hạn 7 ngày đêm rồi, Phật mới hiện thân?

Đáp: Ví như người khát nước nhiều mới cho nước là quý. Nếu chờ 2,3 ngày thì quá ít. Còn nếu để quá 7 ngày thì lại quá nhiều, khiến người trong cuộc mất hết sự nhẫn nại… dẫn đến sẽ sanh ưu sầu, trở ngại cho việc cầu đạo.

Bởi vậy nên trong kinh mới nói đến thời hạn 7 ngày.

Hỏi:  Vì sao Bồ Tát Tát Đà Ba Luân phải khóc lóc thảm thiết, như người cha khóc khi chôn con mình vậy?

Đáp: Trong tất cả các pháp thì Bát Nhã Ba La Mật là pháp tối thượng, là chân thật pháp của chư Phật 10 phương. Ở nơi Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân chỉ mới được chút ít khí vị Bát Nhã Ba La Mật, chưa thông đạt đầy đủ, nên sầu khổ, khóc lóc như cha chôn con vậy.

Ví như cha mẹ nuôi dưỡng con, muốn con chóng trưởng thành để làm việc lớn. Cũng như vậy, Bồ Tát muốn tăng ích lực Bát Nhã Ba La Mật, mong được bất thối chuyển… dẫn đến được thành Phật.

Ví như con có hiếu với cha mẹ, trọn đời chẳng xa rời tâm hiếu.

Cũng như vậy, Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, từ khi mới phát tâm cho đến khi được thành Phật, trọn chẳng xa rời Bát Nhã Ba La Mật.

Lại ví như cha mẹ gặp được con liền sanh tâm hoan hỷ mừng rỡ. Cũng như vậy, Bồ Tát được Bát Nhã Ba La Mật sanh tâm hoan hỷ, mừng rỡ.

Thế nhưng, giữa phàm phu và Bồ Tát có nhiều sự sai khác.

Ví như người cha, tuy rất thương con, mà chẳng thể vì con hy sinh đầu, mắt, chân, tay của mình. Trái lại, Bồ Tát vì chúng sanh sẵn sàng hy sinh thân mạng của mình.

Ví như con, dù rất có hiếu với cha mẹ, cũng chỉ báo hiếu có hạn lượng, phụng dưỡng cha mẹ đầy đủ trong hiện tại, đem lại lợi ích rất nhỏ. Còn Bồ Tát dùng phương tiện Bát Nhã Ba La Mật, chẳng gì mà chẳng làm được; Bồ Tát dạy chúng sanh tu các thiện pháp… dẫn đến đưa chúng sanh đến nhất thiết chủng trí, khiến được lợi ích lớn.

Ví như con, dù rất có hiếu, rất giàu có, cũng chỉ báo hiếu cha mẹ nhiều lắm là trong một đời. Bồ Tát dạy chúng sanh hành Bát Nhã Ba La Mật, khiến họ được lợi ích trong vô lượng đời… dẫn đến được thành Phật. Pháp báo hiếu chỉ là giả danh, chẳng thật có; Còn Bát Nhã Ba La Mật chân thật thánh pháp, chẳng có hư dối.

Ví như con báo hiếu cha mẹ, chỉ làm cha mẹ mình sung sướng trong hiện thời, mà chẳng sao có thể làm tiêu được ưu sầu, khổ não của cha mẹ trong vô lượng kiếp. Bồ Tát dạy chúng sanh hành Bát Nhã Ba La Mật, khiến họ tiêu được ưu sầu, khổ não… dẫn đến được chân thật lạc, được giải thoát, được thành Phật.

Ví như con, dù rất có hiếu với cha mẹ, cũng chẳng thề làm cho cha mẹ thoát khỏi các khổ sanh già và chết. Bồ Tát dạy chúng sanh hành Bát Nhã Ba La Mật, khiến họ thoát được các khổ sanh già chết, ra khỏi ngục tù 3 cõi.

Trên đây tóm lược các nhân duyên và thí dụ cho thấy sự sai khác giữa phàm phu và Bồ Tát.

Người cha chôn con đương nhiên là rất đau buồn, nhưng nỗi đau buồn đó chẳng sao có thể sánh được với nỗi đau của Bồ Tát cầu Bát Nhã Ba La Mật mà chưa được như nguyện. Đây là lý do vì sao Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đã khóc thảm thiết suốt 7 ngày đêm vậy.

Hỏi: Đức Phật hiện ra giữa hư không là Đức Phật gì? Phải chăng đây là đức Phật phát ra lời dạy trước đây, nay mới hiện thân? Nếu Phật đã hiện thân, vì sao chẳng độ liền Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, mà bảo Bồ Tát phải đi đến chỗ Bồ Tát Đàm Vô Kiệt?

Đáp: Có thuyết nói rằng đây chẳng phải là chân Phật, mà chỉ là một vị hóa Phật, hoặc một vị đại Bồ Tát hiện thân Phật.

Sở dĩ lần trước Bồ Tát Tát Đà Ba Luân chỉ được nghe tiếng nói ở trong hư không, mà chẳng thấy được thân Phật, vì lúc bấy giờ Bồ Tát tuy đã có thiện căn phước đức, mà chưa được thành tựu đầy đủ, nên ở trong thiền định chỉ được nghe tiếng mà thôi. Sau 7 ngày đêm nhất tâm niệm Phật, thành tựu thêm công đức mới được thấy Phật Thân.

Sở dĩ Phật chẳng liền độ vì ở đời trước Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đã có nhiều nhân duyên với Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, nên nay phải theo Bồ Tát Đàm Vô Kiệt mới được độ. Như trong kinh có nói đến trường hợp những người chỉ có nhân duyên với ngài Xá Lợi Phất, thì Phật bảo họ đến thọ giáo với ngài để được khai ngộ vậy.

Vì Bồ Tát Tát Đà Ba Luân nhất tâm cầu biết chỗ đến để được nghe Bát Nhã Ba La Mật, nên Phật hiện thân ở giữa hư không, tán thán, “Lành thay, lành thay!”, và an ủi rằng: “Các đức Phật trong quá khứ cũng cầu Bát Nhã Ba La Mật như ông cầu ngày hôm nay. Ông hãy siêng năng, tinh tấn, một lòng ái pháp, mà tiếp tục đi về hướng Đông. Từ nơi đây, đi 500 do tuần, sẽ gặp thành Chúng Hương.

Ông nên đến chỗ Bồ tát Đàm Vô Kiệt để được nghe thuyết Bát Nhã Ba La Mật. Hãy đi ngay chớ quản ngại ngày đêm, quản ngại khó khăn; Chẳng bao lâu nữa, ông sẽ được nghe Bát Nhã Ba La Mật.

Sở dĩ Phật an ủi Bồ Tát Tát Đà Ba Luân như vậy, vì người mới phát tâm, do phước còn mỏng, nên rất dễ thối tâm. Người cầu Bát Nhã Ba La Mật dù gặp khổ nhọc gian nguy cũng chẳng nên giải đãi, chẳng nên thối chuyển; Khi hành nhân thì gian khổ, nhưng khi thọ quả sẽ được an vui.

Hỏi: Thành Chúng Hương ở nơi nào?

Đáp: Các đức Phật quá khứ đã diệt độ, chỉ để lại di pháp, mà di pháp ấy chẳng có ở khắp cõi Diêm Phù Đề. Chúng sanh nào có được nhân duyên nghe pháp mới đến được thành Chúng Hương này. Do nhân duyên phước đức đời trước, nên chúng sanh ở nơi đây rất giàu có, an vui; Ở nơi đây có rất nhiều kim quý, ngọc quý, nên thành toàn làm bằng 7 báu trang nghiêm.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân tuy ở cõi Diêm Phù Đề, nhưng lại ở chỗ chẳng có 7 báu. Do thời trước đã có tích tập phước đức, do phiền não đã mỏng, nên Bồ Tát đã nhàm chán thế gian, từ bỏ thân quyến, vào an trú trong rừng vắng, mong đến được nơi có Phật pháp để tu học.

Do vậy mà có tiếng giữa hư không khai thị, chỉ đường cho Bồ Tát đi đến chỗ Bồ Tát Đàm Vô Kiệt.

Hỏi: Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đã đầy đủ nhân duyên mới nghe được tiếng nói giữa hư không chỉ đường tới chỗ Bồ Tát Đàm Vô Kiệt để cầu pháp. Như vậy, Bồ Tát Đàm Vô Kiệt có nhân duyên như thế nào?

Đáp: Bồ Tát Đàm Vô Kiệt ở tại thành Chúng Hương, vì chúng sanh thuyết pháp khiến chúng sanh trồng được thiện căn. Bởi vậy nên thành Chúng Hương còn được gọi là Pháp Thành.

Ở cõi nước này chẳng có vua, chỉ có Bồ Tát Đàm Vô Kiệt làm vị pháp chủ. Nhân dân ở trong thành hưởng phước báo giàu sang, sung túc, chẳng có tâm chấp ngã, lại có thiện tâm nhu nhuyến rất dễ độ.

Bồ Tát Đàm Vô Kiệt là “sanh thân Bồ Tát”, nhưng vì chúng sanh ở cõi nước này, ngài đã dùng lực thần thông hiện “hóa thân”, và dùng hóa thân để độ chúng sanh.

Cõi nước này rất khó đến. Bồ Tát Tát Đà Ba Luân nhất tâm cầu Phật đạo, chẳng tiếc thân mạng, nên được chư Phật, chư đại Bồ Tát khai thị, chỉ đường đến đây.

Hỏi: Vì sao Bồ Tát Đàm Vô Kiệt lại cùng với 6 vạn thế nữ thọ 5 dục, lấy 5 dục để tự trang nghiêm, để tự vui hưởng? Nếu Bồ Tát Đàm Vô Kiệt là “sanh thân Bồ Tát”, thì làm sao có thể khiến Bồ Tát Tát Đà Ba Luân tôn trọng cúng dường? Làm sao hóa các lễ vật cúng dường thành bảo đài ở giữa hư không? Làm sao có thể nhập vào tam muội suốt 7 năm?

Đáp: Có thuyết nói “sanh thân Bồ Tát” đã vào thật tướng pháp nên ở nơi thâm thiền định có được đầy đủ các lực thần thông.

Chư đại Bồ Tát có thể nhập thiền định, cũng có thể hành các pháp cõi Dục, vì muốn độ chúng sanh, nên các ngài thọ được 5 dục, nhưng vẫn chẳng mất thiền định. Ví như hoa sen ở trong bùn mà chẳng vấy mùi. Phàm phu vì độn căn, chẳng có thể làm như vậy.

Bồ Tát có đầy đủ các lực thần thông, nên có thể hóa tác ra các bảo đài trụ giữa hư không, có thể nhập vào tam muội suốt thời gian 7 năm, lại cũng có thể phương tiện thọ 5 dục mà chẳng bị nhiễm dục vậy. Bồ Tát chẳng phải chỉ hành Phật đạo, mà còn phải dùng thế gian đạo để nhiếp hóa và dẫn đạo chúng sanh.

Có thuyết nói Bồ Tát Đàm Vô Kiệt là “pháp tánh sanh thân Bồ Tát”, vì nếu là “sanh thân Bồ Tát” thì làm sao được chư Phật 10 phương tán thán và bảo Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đến thọ pháp với ngài?

Làm sao chỉ nhất tâm tưởng niệm đến ngài, mà Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đã liền đắc 6 vạn tam muội?

Bởi vậy, nên biết Bồ Tát Đàm Vô Kiệt là một vị đại Bồ Tát biến hóa thân, và dùng hóa thân để giáo hóa chúng sanh ở thành Chúng Hương. Ví như trong biển lớn có con rồng chết. Tướng rồng hiện ra như tướng trái cây chín muồi vừa rụng xuống đất; Tức thì có đàn kên kên đến ăn thịt. Cũng như vậy, khi có chúng sanh nào hành thiện nghiệp nhân duyên đã đến thời kỳ chín muồi thì liền có đại Bồ Tát đến độ.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân nghe lời Phật truyền dạy giữa hư không, nên sanh tâm hoan hỷ, chỉ mong sao sớm được gặp Bồ Tát Đàm Vô kiệt, được học Bát Nhã Ba La Mật, để đoạn sạch ái kiến cùng các phiền não chấp trước. Lúc bấy giờ, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân chẳng sanh niệm khác, mà chỉ nghĩ đến Đàm Vô Kiệt và Bát Nhã Ba La Mật mà thôi.

Ở nơi đây, Phật dùng thí dụ người bị trúng mũi tên độc, chẳng có niệm nghĩ gì khác, chỉ mong đến lúc được gặp vị thầy thuốc giỏi, nhổ mũi tên độc ra, và trị độc cho mình. Cũng như vậy, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân xem tà nghi, tham dục cùng các phiền não như là mũi tên độc đâm vào mình, nên chỉ mong được sớm gặp Bồ Tát Đàm Vô Kiệt rút các mũi tên độc đó ra, và đem lại sự giải thoát cho mình. Vì sao? Vì mũi tên độc bắn vào người làm cho đau nhức, … dẫn đến có thể làm hại đến tánh mạng. Cũng như vậy, các mũi tên độc tà nghi, tham dục làm cho não loạn tâm… có thể đoạt cả huệ mạng. Ý Phật muốn nói rằng phải đoạn hết thảy các tâm chấp trước; Chẳng chấp hết thảy các pháp tướng. Chấp ác pháp cũng như chấp thiện pháp đều phải đoạn cả, vì đều là bệnh.

-o0o-

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân được thấy Phật thân, được nghe các lời giáo huấn của Phật, nên được pháp hỷ, được ly dục. Do được pháp hỷ, nên được tri kiến vô ngại, ở nơi hết thảy các pháp, và ngay ở hiện tiền liền đắc vô lượng tam muội. Như:

– Chư pháp tánh quán tam muội: Vào tam muội này, quán được thật tánh các pháp.

– Chư pháp tánh bất khả đắc tam muội: Vào tam muội này, biết tánh các pháp là bất khả đắc.

– Phá chư pháp vô minh tam muội: Vào tam muội này, chẳng còn chấp pháp tánh, pháp tướng, nên phá được nhân duyên vô minh, tà khúc, bất chánh ở nơi các pháp.

Vô minh có nhiều tầng lớp; Chẳng phải một lần mà có thể phá được; Có phần Thanh Văn có thể phá được; Có phần Bồ Tát có thể phá được; Có phần chỉ có Phật mới có thể phá được. Lại nữa, cùng là Thanh Văn mà Tu Đà Hoàn phá ít… A La Hán phá nhiều hơn; Cùng là Bồ Tát mà tiểu Bồ Tát phá ít, đại Bồ Tát phá nhiều hơn. Như trước đây đã nêu thí dụ về các cây đèn: Đèn nhỏ phá bóng tối ít, đèn lớn phá bóng tối nhiều hơn.

Nếu đem so sánh các phương tiện phá vô minh của Tiểu thừa và của Đại thừa, thì phương tiện phá vô minh của Tiểu thừa chưa được rốt ráo. Phương tiện của Đại thừa mới được rốt ráo; Dùng phương tiện của Đại thừa mới thật phá vô minh… dẫn đến khi thành Phật thì vô minh mới được tận phá.

Ở trong Phật pháp, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đã phá được các tà kiến, ái kiến, ngã kiến v.v…, nên vào được tam muội này.

– Chư pháp bất dị tam muội: Vào tam muội này, quán biết hết thảy các pháp chỉ là một tướng (nhất tướng), chẳng có các tướng khác nhau (dị tướng).

– Chư pháp bất hoại tự tại tam muội: Vào tam muội này, quán biết thật tánh pháp là tướng vô vi, nên được tự tại ở nơi hết thảy pháp; biết rõ ràng hết thảy các pháp khi hành Phật đạo.

– Chư pháp năng chiếu tam muội: Vào tam muội này, phá được vô minh hắc ám. Vô minh có mỏng, có dày; Mỏng thì gọi là vô minh, dày thì gọi là vô minh hắc ám.

– Chư pháp vô dị tướng tương tục tam muội: Vào tam muội này, biết các niệm niệm tương tục, như 5 ấm niệm niệm tương tục sanh diệt.

– Chư pháp bất khả đắc tam muội: Vào tam muội này, biết rõ hết thảy các pháp đều là không, là bất khả đắc.

– Tán hoa tam muội: Vào tam muội này, đi khắp các cõi Phật ở khắp 10 phương, dùng hoa quý tán Phật.

– Chư pháp vô ngã tam muội: Vào tam muội này, quán biết hết thảy các pháp đều là vô ngã.

– Như huyễn oai thế tam muội: Vào tam muội này, biến ra các sự việc, các cảnh giới hy hữu, khiến chúng sanh tín thọ.

– Như cảnh tượng tam muội: Vào tam muội này, quán biết cả 3 cõi đều là như bóng trong gương, chẳng thật có.

– Nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn tam muội: Vào tam muội này, thường được biết hết thảy các ngữ ngôn của chúng sanh.

– Nhất thiết chúng sanh hoan hỷ tam muội: Vào tam muội này, chuyển được tâm sân hận của chúng sanh thành tâm hoan hỷ.

– Phân biệt âm thanh tam muội: Vào tam muội này, thường nghe được và phân biệt được tiếng của các loài chúng sanh.

– Chủng chủng ngữ ngôn tự cú trang nghiêm tam muội: Vào tam muội này, thì khi nói năng, dù dùng câu, dùng chữ đơn giản, dùng nghĩa nông cạn cũng thường được trang nghiêm, khiến người nghe sanh tâm hoan hỷ.

– Vô úy tam muội: Vào tam muội này, chẳng còn sợ hãi hết thảy tà ma, ngoại đạo.

– Tánh thường mặc nhiên tam muội: Vào tam muội này, thường giữ im lặng, giữ tâm chuyên nhất. Chỉ khi nào cần nói để độ chúng sanh mới cất tiếng nói mà thôi.

– Vô ngại giải thoát tam muội: Vào tam muội này, được trí huệ vô ngại, giải thoát ở hết thảy các pháp.

– Ly trần cấu tam muội: Vào tam muội này, diệt hết thảy phiền não trần cấu. Tam muội này còn được gọi là Vô sanh pháp nhẫn tam muội.

– Danh tự ngữ ngôn trang nghiêm tam muội: Vào tam muội này, khi thuyết pháp được đầy đủ các ngôn thuyết trang nghiêm.

– Kiến chư pháp tam muội: Vào tam muội này, thấy rõ cả thế đế lẫn đệ nhất nghĩa đế.

– Chư pháp vô ngại đảnh tam muội: Vào tam muội này, thấy rõ các pháp một cách vô ngại. Ví như người đứng trên đỉnh núi cao thấy rõ khắp cả 4 phương.

– Như hư không tam muội: Vào tam muội này, thấy các pháp nội thân, ngoại thân đều như hư không, nên được tự tại ở nơi hết thảy các pháp.

– Như kim cang tam muội: Vào tam muội này, được tâm kiên cố như kim cang, phá tan các núi não phiền cùng các chướng ngại khác khi hành 6 pháp Ba La Mật, cho đến khi vào Phật đạo.

– Vô úy trước sắc tam muội: Vào tam muội này, chẳng còn có sợ hãi, chẳng còn có chấp trước hết thảy các sắc.

– Thắng tam muội: Vào tam muội này, muốn làm sự việc gì đều có thể làm được cả.

– Chuyển nhãn tam muội: Vào tam muội này, khiến ma vương, ma dân chẳng có thể tìm thấy được chỗ sở đoản của mình.

– Tất pháp tánh tam muội: Vào tam muội này, thấy hết thảy các pháp đều rốt ráo vào trong pháp tánh.

– Thường an ổn tam muội: Vào tam muội này, tuy còn qua lại 6 đường sanh tử, mà vẫn biết mình ắt sẽ thành Phật, nên thường được an lạc, chẳng có lo lâu.

– Sư tử hống tam muội: Vào tam muội này, hàng phục được các tà ma ngoại đạo.

– Thắng nhất thiết chúng sanh tam muội: Vào tam muội này, ở nơi hết thảy chúng sanh đều được tối thắng.

– Tán hoa trang nghiêm tam muội: Vào tam muội này, thấy khắp trong 10 phương, các đức Phật ngồi trên các đài sen quý, có các hoa sen quý từ trên hư không rơi xuống như mưa, tán lên các đức Phật.

– Đoạn nghi tam muội: Vào tam muội này, tuy chưa thành Phật mà đã đoạn nghi cho chúng sanh.

– Nhất thiết kiên cố tam muội: Vào tam muội này, được kiên cố ở nơi thật tướng pháp, chẳng còn tùy các pháp.

– Xuất chư pháp thần thông lực vô úy tam muội: Vào tam muội này, được các lực thần thông của Bồ Tát, được vô sở úy, nên vượt ra khỏi các pháp của phàm phu.

– Thường đạt chư pháp tam muội: Vào tam muội này, thông đạt hết thảy các pháp… dẫn đến như pháp tánh thật tế cũng thông đạt. Tuy thông đạt mà chẳng trú nơi các pháp, xem như các pháp bình đẳng, chẳng phân biệt.

– Chư pháp tài ấn tam muội: Vào tam muội này, được tất cả các thiện pháp. Được pháp ấn này rồi, chẳng còn bị lưu nạn ở nơi hết thảy các pháp.

– Chư pháp vô phân biệt tam muội: Vào tam muội này, thấy rõ hết thảy các pháp đều chẳng có phân biệt.

– Ly chư kiến chấp tam muội: Vào tam muội này, ly được tất cả 62 tà kiến chấp của ngoại đạo, biết rõ do chấp tướng mà sanh chấp tâm.

– Ly nhất thiết u ám tam muội: Vào tam muội này, ly được các tướng tâm mê muội, điên đảo.

– Ly nhất thiết tướng tam muội: Vào tam muội này, được giải thoát môn vô tướng.

– Giải thoát nhất thiết trước tam muội: Vào tam muội này, ở nơi hết thảy các pháp chẳng còn có chỗ chấp trước.

– Trừ nhất thiết giải đãi tam muội: Vào tam muội này, thường tinh tấn, chẳng hề giải đãi, như vậy mãi cho đến khi được thành Phật.

– Thâm pháp minh tam muội: Vào tam muội này, thâm nhập vào hết thảy các Phật pháp, được hết thảy các trí huệ, thường thấy được Phật, được nghe pháp.

– Bất khả đoạt tam muội: Vào tam muội này, được đầy đủ ý chí, chẳng ai có thể đoạt được.

– Phá ma tam muội: Vào tam muội này, phá được các ma sự.

– Bất trước tam giới tam muội: Vào tam muội này, tuy thân còn ở trong ba cõi, mà tâm tưởng thường ở nơi Niết Bàn.

– Khởi quang minh tam muội: Vào tam muội này, thường khởi các quang minh chiếu sáng đến vô lượng cõi Phật.

– Kiến chư Phật tam muội: Vào tam muội này, dù chưa có thiên nhãn và thiên nhĩ, mà cũng đã có thể thấy và nghe chư Phật trong 10 phương thuyết pháp, cũng có thể thưa hỏi chư Phật về các chỗ nghi của mình.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân được tam muội này nên thấy ở các cõi Phật khắp 10 phương, có các đức Phật đang thuyết pháp giữa đại chúng.

(Hết quyển 97)