LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ
Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG
TẬP IV
QUYỂN 062
Phẩm thứ bốn mươi
Chiếu Minh
(Chiếu sáng)
KINH:
Lúc bấy giờ, ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đây là Bát Nhã Ba La Mật chăng?
Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Đây chính là Bát Nhã Ba La Mật.
Ngài Xá Lợi Phật bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba La Mật rất tôn quý, rốt ráo thanh tịnh, thường chiếu minh hết thảy các pháp.
Bạch Thế Tôn! Nên cung kính, đảnh lễ Bát Nhã Ba La Mật. Vì:
– Bát Nhã Ba La Mật chẳng dính mắc vào 3 cõi.
– Bát Nhã Ba La Mật tận trừ hết thảy các vô minh phiền não, cùng hết thảy các kiến chấp.
– Bát Nhã Ba La Mật là pháp tối thượng trong tất cả các pháp trợ đạo, tận đoạn hết thảy các sợ hãi, khổ não và đem lại sự an lạc.
– Bát Nhã Ba La Mật thường chiếu diệu quang minh và trang nghiêm 5 nhãn.
– Bát Nhã Ba La Mật dẫn dắt chúng sanh ra khỏi tà kiến, xa lìa chấp “nhị biên”.
– Bát Nhã Ba La Mật là nhất thiết chủng trí, đoạn trừ hết thảy các tập khí phiền nào.
– Bát Nhã Ba La Mật là mẹ của chư Phật và chư đại Bồ Tát.
Từ trong Bát Nhã Ba La Mật, xuất sanh hết thảy pháp.
– Bát Nhã Ba La Mật chẳng sanh, chẳng diệt, vì là tự tướng không.
– Bát Nhã Ba La Mật xả ly sanh tử, nên là chẳng phải thường chẳng phải đoạn.
Bạch Thế Tôn! Người được Bát Nhã Ba La Mật rồi chẳng cần ai cứu độ, mà tự mình hộ niệm cho mình, hộ niệm cho chúng sanh; lại còn đem các của báu phân bố cho chúng sanh. Vì:
– Bát Nhã Ba La Mật có đầy đủ các lực phương tiện, chẳng có gì phá hoại được.
– Bát Nhã Ba La Mật thường chuyển 12 hạnh pháp luân, khiến nơi hết thảy pháp chẳng hoại, chẳng thối.
– Bát Nhã Ba La Mật khai thị pháp tánh; dù là hữu pháp hay vô pháp đều là tự tánh không cả.
Bạch Thế Tôn! Bởi nhân duyên, nên phải cung kính, đảnh lễ Bát Nhã Ba La Mật.
Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Phải nên cung kính, cúng dường Bát Nhã Ba La Mật như cung kính, cúng dường chư Phật. Vì:
– Bát Nhã Ba La Mật chẳng khác Phật; Phật chẳng khác Bát Nhã Ba La Mật. Bát Nhã Ba La Mật tức là Phật; Phật tức là Bát Nhã Ba La Mật.
– Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh ra chư Phật, chư Bồ Tát, chư Bích Chi Phật, chư A La Hán, chư A Na Hàm, chư Tư Đà Hàm, chư Tu Đà Hoàn.
– Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh ra 10 thiện đạo, 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 sắc định, 5 thần thông.
– Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh ra nội không…dẫn đến vô pháp hữu pháp không…4 niệm xứ…dẫn đến 8 thánh đạo, 10 lực…dẫn đến 18 bất cộng pháp, đại từ, đại bi…dẫn đến nhất thiết chủng trí.
Lúc bấy giờ , ngài Thích Đế Hoàn Nhơn, suy nghĩ về các lời trên, bèn nêu lên câu hỏi: Thưa ngài Xá Lợi Phất! Vì sao ngài lại nêu ý kiến về vấn đề này?
Ngài Xá Lợi Phất đáp: Thưa ngài Kiều Thi Ca! Do vì chư đại Bồ Tát được Bát Nhã Ba La Mật hộ trì, đã dùng các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật để hòa hợp hết thảy các thiện căn của chư Phật trong 3 đời, từ sơ phát tâm…dẫn đến thời kỳ pháp trụ, rồi tùy hỷ hết thảy các thiện căn công đức đó mà hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề. Bởi nhân duyên vậy, nên tôi mới nói và thưa hỏi Phật về vấn đề nêu trên.
Thưa ngài Kiều Thi Ca! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật được công đức thù thắng hơn hành 5 Ba La Mật kia.
Ví như người mới sanh ra đời đã bị mù lòa, tự mình chẳng thể đi vào thành được, nếu chẳng có người sáng mắt dẫn đường.
Cũng như vậy, 5 Ba La Mật kia, nếu chẳng được Bát Nhã Ba La Mật dẫn đường, thì chẳng có thể đến được nhất thiết chủng trí.
Trái lại, nếu được Bát Nhã Ba La Mật dẫn đường, thì 5 Ba La Mật kia mới có được đầy đủ các lực công đức, mới xứng đáng được gọi là Ba La Mật.
Ngài Đế Thích Hoàn Nhơn hỏi: Thưa ngài Xá Lợi Phất! Như lời ngài vừa nói, thì 5 Ba La Mật kia phải được Bát Nhã Ba La Mật dẫn đường, mới xứng đáng được gọi là Ba La Mật chăng?
Thưa ngài Xá Lợi Phất! Nếu chẳng có 5 Ba La Mật kia, thì Bát Nhã Ba La Mật cũng chẳng được gọi là Ba La Mật. Như vậy, vì sao chỉ riêng tán thán Bát Nhã Ba La Mật mà thôi?
Ngài Xá Lợi Phật đáp: Thưa ngài Kiều Thi Ca! Đúng như lời ngài nói, nếu chẳng có 5 Ba La Mật kia, thì cũng chẳng có Bát Nhã Ba La Mật. Thế nhưng, có Bát Nhã Ba La Mật thì mới được đầy đủ 6 Ba La Mật. Bởi vậy nên Bát Nhã Ba La Mật là tối thượng vi diệu đệ nhất.
Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế tôn! Thế nào gọi là Bát Nhã Ba La Mật sanh?
Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Sắc…dẫn đến thức chẳng sanh, nên Bát Nhã Ba La Mật sanh, Đàn Ba La Mật…dẫn đến Thiền Ba La Mật chẳng sanh, nên Bát Nhã Ba La Mật sanh. Nội không…dẫn đến vô pháp hữu pháp không chẳng sanh, nên Bát Nhã Ba La Mật sanh. 4 niệm xứ…dẫn đến nhất thiết chủng trí chẳng sanh, nên Bát Nhã Ba La Mật sanh.
Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là sắc…dẫn đến hết thảy các pháp sanh, nên Bát Nhã Ba La Mật sanh?
Phật dạy: này Xá Lợi Phất! Sắc chẳng sanh….dẫn đến hết thảy các pháp chẳng sanh, nên Bát Nhã Ba La Mật sanh.
Lại nữa, sắc chẳng khởi, chẳng sanh, chẳng được, chẳng mất…dẫn đến hết thảy các pháp chẳng khởi, chẳng sanh, chẳng được, chẳng mất, nên Bát Nhã Ba La Mật sanh.
Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như vậy, Bát Nhã Ba La Mật sanh sẽ hợp với pháp nào?
Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Bát Nhã Ba La Mật chẳng cùng hợp với các pháp thiện, chẳng cùng hợp với các pháp bất thiện, chẳng cùng hợp với các pháp xuất thế gian, chẳng cùng hợp với các pháp thế gian, chẳng cùng hợp với các pháp hữu vi, chẳng cùng hợp với các pháp vô vi, chẳng cùng hợp với các pháp hữu lậu, chẳng cùng hợp với các pháp vô lậu. Vì sao? Vì Bát Nhã Ba La Mật, do chẳng đắc hết thảy các pháp mà sanh.
Bởi vậy nên Bát Nhã Ba La Mật chẳng cùng hợp với các pháp.
Ngài Thích Đế Hoàn Nhơn bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như vậy thì Bát Nhã Ba La Mật cũng chẳng có hợp với nhất thiết chủng trí chăng?
Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Đúng như vậy, Bát Nhã Ba La Mật chẳng hợp với nhất thiết chủng trí, và cũng chẳng đắc nhất thiết chủng trí.
Ngài Đế Thích Hoàn Nhơn bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao Bát Nhã Ba La Mật chẳng hợp với nhất thiết chủng trí và chẳng đắc nhất thiết chủng trí?
Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Bát Nhã Ba La Mật chẳng như danh tự, chẳng như tướng, chẳng như pháp, mà hợp.
Ngài Đế Thích Hoàn Nhơn bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như vậy thì hợp như thế nào?
Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Nếu Bồ Tát y chỗ chẳng thủ, chẳng thọ, chẳng trú, chẳng dính mắc, chẳng đoạn mà hợp, thì như vậy là “vô sở hợp” là chẳng có chỗ hợp vậy.
Ngài Đế Thích Hoàn Nhơn bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là chưa từng có! Vì hết thảy các pháp chẳng sanh, chẳng khởi, chẳng được, chẳng mất, nên Bát Nhã Ba La Mật sanh.
Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát nào tu hành Bát Nhã Ba La Mật, mà nghĩ rằng Bát Nhã Ba La Mật hợp với hết thảy các pháp, và cũng chẳng hợp với hết thảy các pháp, thì vị Bồ Tát đó đã xả Bát Nhã Ba La Mật, đã viễn ly Bát Nhã Ba La Mật.
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Có nhân duyên khiến Bồ Tát xả Bát Nhã Ba La Mật, viễn ly Bát Nhã Ba La Mật. Ví như Bồ Tát khởi niệm rằng Bát Nhã Bs La Mật là vô sỡ hữu, là như hư không, là chẳng kiên cố. Do vậy mà Bồ Tát xả Bát Nhã Ba La Mật, viễn ly Bát Nhã Ba La Mật.
Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tin Bát Nhã Ba La Mật là chẳng tin pháp nào khác chăng?
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Tin Bát Nhã Ba La Mật là chẳng tin sắc…dẫn đến thức; chẳng tin nhãn…dẫn đến ý; chẳng tin sắc…dẫn đến pháp; chẳng tin Đàn Ba La Mật dẫn đến…Thiền Ba La Mật; chẳng tin nội không…dẫn đến vô pháp hữu pháp không, chẳng tin 4 niệm xứ…dẫn đến 8 thánh đạo; chẳng tin 10 lực…dẫn đến 18 bất cộng pháp; chẳng tin 4 quả Thanh Văn, Bích Chi Phật đạo, Bồ Tát đạo…dẫn đến chẳng tin Vô Thượng Bồ Đề, nhất thiết chủng trí.
Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao tin Bát Nhã Ba La Mật là chẳng tin 5 ấm…dẫn đến chẳng tin nhất thiết chủng trí?
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì 5 ấm…dẫn đến nhất thiết chủng trí đều là bất khả đắc nên tin Bát Nhã Ba La Mật là chẳng tin 5 ấm…dẫn đến chẳng tin nhất thiết chủng trí.
Bởi nhân duyên vậy, nên nói tin Bát Nhã Ba La Mật là chẳng tin 5 ấm…dẫn đến chẳng tin nhất thiết chủng trí.
LUẬN:
Trên đây, đức Phật cùng các ngài Di Lặc, Thích Đề Hoàn Nhơn và Tu Bồ Đề đồng nói lên nghĩa “tùy hỷ hồi hướng”. Ngài Xá Lợi Phất im lặng lắng nghe nghĩa thậm thâm, vi diệu của Bát Nhã Ba La Mật, làm lợi ích cho chúng sanh. Mặc dù ngài đã lậu tận, tâm thường tịch tịnh, nhưng ngài cũng phát sanh hoan hỷ, từ tòa đứng dậy, chấp tay và bạch Phật rằng: Tùy hỷ như vậy có công năng đoạn được các hý luận, làm lợi ích cho vô lượng vô biên chúng sanh, khiến họ vào được Phật đạo. Tùy hỷ như vậy là hành Bát Nhã Ba La Mật rồi vậy. Phật ấn chứng lời nói của ngài Xá Lơi Phất, và dạy: “Bát Nhã Ba La Mật nghĩa” là thật tướng pháp, chẳng cấu nhiễm, chẳng hý luận, nên là rốt ráo thanh tịnh, khắp chiếu hết thảy các pháp tạng trong cả 3 đời, là vô ci, chẳng thể thuyết ra được (bất khả thuyết).
Ngài Xá Lợi Phất lại bạch Phật: Bát Nhã Ba La Mật thường chiếu minh hết thảy các pháp, là rốt ráo thanh tịnh, thường thủ hộ Bồ Tát, thường cứu thoát chúng sanh ra khỏi khổ nạn, thường thỏa mãn đầy đủ các tâm nguyện của chúng sanh. Bởi vậy nên Bát Nhã Ba La Mật được chúng sanh trong khắp cả 3 cõi thường cung kính, lễ bái.
Lại nữa, ở trong vũng bùn 3 độc, mà Bát Nhã Ba La Mật chẳng bị ô nhiễm, chẳng dính mắc vào 3 cõi, phá sạch ái kiến, 108 phiền não cùng 62 tà kiến chấp.
Tóm lại, Bát Nhã Ba La Mật là công năng phá sạch vô minh, si ám; Bát Nhã Ba La Mật là trí huệ tối thương, vi diệu đệ nhất.
–oOo–
Bát Nhã Ba La Mật là pháp tối thượng trong tất cả các pháp trợ đạo, có thế lực đoạn đứt các khổ “sanh, già, bệnh,chết”, đoạn hết thảy các sợ hãi, khổ não, và đem lại sự an lạc cho chúng sanh. Vì sao? Vì trí huệ Bát Nhã Ba La Mật giúp hành giả phân biệt, liễu nghĩa được 37 Phẩm Trợ Đạo.
Bát Nhã Ba La Mật thường chiếu diệu quang minh. Vì sao? Vì Bát Nhã Ba La Mật nhiếp cả 5 nhãn.
Bát Nhã Ba La Mật khai thị Thánh đạo. Vì sao? Vì Bát Nhã Ba La Mật đưa chúng sanh ra khỏi các tà kiến, xa lìa chấp “nhị biên”.
Bát Nhã Ba La Mật là nhất thiết chủng trí. Vì sao? Vì Bát Nhã Ba La Mật đoạn trừ hết thảy các tập khí phiền não. Bồ Tát an trú trong “kim cang tam muội”, dùng các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật tận đoạn hết thảy phiền não và tập khí, được vô ngại giải thoát, thành tựu nhất thiết chủng trí. Lại nữa, Bồ Tát do tu tập Bát Nhã Ba La Mật mà phân biệt rõ tổng tướng và biệt tướng của các pháp, nên nói Bát Nhã Ba La Mật là nhân dẫn chúng sanh nhất thiết chủng trí.
Bát Nhã Ba La Mật là mẹ của ba đời mười phương chư Phật. Vì sao? Vì chư Phật, do tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà thành bậc Vô Thượng Chánh Giác. Cũng từ trong Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh vô lượng Phật pháp.
Bát Nhã Ba La Mật chẳng sanh, chẳng diệt, vì là tự tướng không. Hết thảy các pháp, ở nơi thật tướng, cũng đều là chẳng sanh, chẳng diệt, vì đều là tự tánh không cả.
Nếu chẳng tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà khởi chấp đoạn hay chấp thường, cùng các kiết sử phiền não, dẫn đến sẽ được thoát ly sinh tử.
Do tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà có được lòng tin bất hoại nơi Tam Bảo, được đầy đủ các thiện pháp thế gian và xuất thế gian, và có đầy đủ các lực phương tiện nhằm dẫn dắt chúng sanh tu tập, khiến họ cũng được hai pháp an lạc ấy.
Bởi nhân duyên vậy, nên nói người được Bát Nhã Ba La Mật rồi, thì chẳng cần ai cứu độ mà tự mình có thể tự hộ niệm cho chính mình, và hộ niệm cho chúng sanh. Vì sao? Vì Bát Nhã Ba La Mật tự tánh không. Khi đã được đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật rồi là vào được nơi thật tướng của các pháp, là biết rõ được các pháp chẳng chuyển, chẳng diệt.
Do vậy mà chẳng còn khởi chấp đoạn hay chấp thường, chẳng còn khởi chấp “có” hay chấp “không”, vì ở nơi pháp tánh, thì hữu pháp hay vô pháp cũng đều là tự tánh không cả.
Hỏi: Có rất nhiều nhân duyên để tán thán Bát Nhã Ba La Mật. Như vậy vì sao chỉ rộng nói Bát Nhã Ba La Mật là “vô tướng tướng”?
Đáp: Người tu tập Bát Nhã Ba La Mật mà chưa được thuần thục, thì thường hay cầu “định tướng”. Hạng người này chẳng biết Bát Nhã Ba La Mật là “vô tướng tướng”, nên thường sanh tâm kiêu mạn.
Bởi nhân duyên vậy, nên ngài Xá Lợi Phất mới nên lên lý do nhằm khuyên chúng sanh phải nên cung kính, cúng dường Bát Nhã Ba La Mật.
Cũng vì vậy mà Phật dạy: Phải cung kính, cúng dường Bát Nhã Ba La Mật như cung kính, cúng dường Phật.
Đây là đối với hạng người căn trí cạn mỏng, đã từ lâu thâm chấp chúng sanh tướng, chưa thâm hiểu Phật Pháp, nên Phật mới dạy như trên đây. Còn đối với hạng người căn trí thông lợi, thì Phật dạy: Phải xem Bát Nhã Ba La Mật chẳng khác Phật, Phật chẳng khác Bát Nhã Ba La Mật; Bát Nhã Ba La Mật tức là Phật, Phật tức là Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao? Vì do tu tập Bát Nhã Ba La Mật mà được nhất thiết chủng trí vậy.
Nhân đây Phật cũng dạy: Từ trong Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh hết thảy thiện pháp thế gian và xuất thế gian…dẫn đến xuất sanh nhất thiết chủng trí.
Sau khi nghe thuyết Bát Nhã Ba La Mật là “vô tướng tướng”, vị Đế Thích tự niệm rằng: Ngài Xá Lợi Phất đã lậu tận, đã ly dục, mà nay tán thán Bát Nhã Ba La Mật là pháp hộ trì Bồ Tát, lại nói phải dùng các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật tùy hỷ hồi hướng phước đức về Vô Thượng Bồ Đề, mà chẳng phải phá pháp tướng. Thật là chưa từng có. Như vậy, ta phải cung kính, cúng dường Bát Nhã Ba La Mật.
Hỏi: Chẳng luận phải nhiều mới có được thế lực lớn. Cả 5 Ba La Mật kia hợp lại, tuy có nhiều thế lực, nhưng chẳng sao bằng được thế lực của Bát Nhã Ba La Mật.
Nếu chẳng có Bát Nhã Ba La Mật , thì 5 Ba La Mật kia chẳng thế xứng đáng được gọi là Ba La Mật. Tất cả 5 Ba La Mật kia đều phải được Bát Nhã Ba La Mật dẫn đạo, soi sáng vậy.
Hỏi: Vì sao trong kinh cũng có dụ Đàn Ba La Mật như con mắt sáng?
Đáp: Vì có người tin có tội phước, tin rằng tu phước có thể phá được vô minh tà kiến, nên đã hành bố thí. Do vậy mới dụ được Đàn Ba La Mật như con mắt sáng.
Thế nhưng, khi thật hành việc bố thí, hành giả phải được trí huệ soi sáng, phải hòa hợp bố thí với trí huệ, thì bố thí mới đầy đủ ý nghĩa, dẫn đến mới xứng đáng được gọi là Đàn Ba La Mật. Mặc dù bố thí là chủ, trí tuệ chỉ là khách nhưng khách chủ chẳng rời nhau.
Bố thí có sự soi sáng của trí huệ Bát Nhã Ba La Mật như vậy mới xứng đáng được gọi là con mắt sáng.
Ví như tứ đại hòa hợp, chẳng rời nhau. Các Ba La Mật cũng hòa hợp, chẳng rời nhau vậy. Nếu các Ba La Mật chẳng hòa hợp với nhau, thì chẳng sao thành tựu được nhất thiết chủng trí.
Lại nữa, ví như người mù, tuy có đôi chân vững chắc, tuy có đầy đủ sức lực, đầy đủ ý chí, nhưng nếu chẳng nhờ người dẫn đường, thì chẳng sao vào thành được. 5 Ba La Mật kia cũng là như vậy. Tuy mỗi Ba La Mật đều có thế lực riêng, nhưng nếu chẳng được Bát Nhã Ba La Mật soi sáng, dẫn đường, thì đến quả vị Nhị Thừa còn chẳng được, huống nữa là được Vô Thượng Bồ Đề.
Bởi vậy nên nói 5 Ba La Mật kia phải được Bát Nhã Ba La Mật dẫn đường, mới được gọi là Ba La Mật, dẫn đến mới vào được Phật đạo.
Hỏi: Vị Đế Thích nói với ngài Xá Lợi Phất rằng Bát Nhã Ba La Mật cũng phải nương nơi 5 Ba La Mật kia. Sao lại chỉ tán thán Bát Nhã Ba La Mật mà thôi? Nói như vậy có đúng chăng?
Đáp: Tuy rằng 6 Ba La Mật phải hòa hợp với nhau, tương trợ nhau, chẳng rời nhau, nhưng Bát Nhã Ba La Mật giữ vai trò lãnh đạo. Bát Nhã Ba La Mật có thế lực lớn nhất, nên 5 Ba La Mật kia đều phải nương theo sự chỉ đạo của Bát Nhã Ba La Mật. Do được Bát Nhã Ba La Mật chỉ đạo mà 5 Ba La Mật kia mới được mang danh tư Ba La Mật. Ví như đại quân nhờ được vị tướng giỏi, mà được danh thơm lâu vậy.
Hỏi: Thế nào gọi là Bát Nhã Ba La Mật sanh?
Đáp: Như trong kinh đã nói: Sắc chẳng sanh…dẫn đến hết thảy pháp chẳng sanh, nên Bát Nhã Ba La Mật sanh?
Hỏi: Vì sao nói sắc chẳng sanh…dẫn đến nói hết thảy pháp chẳng sanh, nên Bát Nhã Ba La Mật sanh?
Đáp: Vì sắc do các duyên hòa hợp mà có…dẫn đến vì hết thảy các pháp đều do duyên hòa hợp mà có. Hành giả biết rõ sắc…dẫn đến biết rõ hết thảy các pháp đều chẳng khởi, chẳng sanh, chẳng được, chẳng mất, đều là hư vọng, chẳng thật có. Biết như vậy là Bát Nhã Ba La Mật sanh.
Hỏi: Bát Nhã Ba La Mật là vô sanh, thì duyên cũng là vô sanh. Như vậy Bát Nhã Ba La Mật hợp với pháp nào, trú ở đâu và được quả báo gì?
Đáp: Bát Nhã Ba La Mật là “vô sanh tướng”, nên chẳng có chỗ hợp, tức là “vô sở hợp” vậy.
Nếu Bát Nhã Ba La Mật có pháp để hợp, thì ắt phải hợp với các pháp thiện hoặc với các pháp bất thiện; như vậy là chẳng phải Bát Nhã Ba La Mật nữa. Vì Bát Nhã Ba La Mật chẳng hợp với hết thảy pháp, nên mới dung nhiếp hết thảy pháp.
Hỏi: Vị Đế Thích đã biết Bát Nhã Ba La Mật chẳng hợp với hết thảy các pháp rồi. Vì sao ngài còn hỏi: Bát Nhã Ba La Mật có hợp với nhất thiết chủng trí chăng?
Đáp: Vị Đế Thích tôn trọng Bát Nhã Ba La Mật nên mới hỏi: Bát Nhã Ba La Mật có hợp với nhất thiết chủng trí chăng?
Phật dạy: Bát Nhã Ba La Mật là “vô sanh pháp”, nên chẳng có chỗ hợp. Rồi nhằm phá các tà kiến, Phật dạy: Nếu Bát Nhã Ba La Mật có hợp với nhất thiết chủng trí, thì đó là y Phật tâm mà hợp. Chẳng phải như phàm phu chấp có tướng, có danh, có tác, có khởi…ở nơi các pháp hữu vi vậy.
Hỏi: Thế nào gọi là “y như Phật tâm mà hợp” ?
Đáp: “Y như Phật tâm mà hợp” có nghĩa là:
Biết rõ hết thảy pháp tướng đều là hư vọng, nên chẳng có chấp tướng.
Biết rõ nếu ở nơi các pháp mà khởi chấp “có” hay chấp “không” đều là lầm lỗi, nên chẳng thọ các pháp.
Biết rõ các quả báo ở thế gian đều là điên đảo, đều như mộng, như huyễn, chẳng thật có, nên chẳng chấp pháp, chẳng sanh cao tâm, vào được nơi rốt ráo không, nơi thật tướng pháp, thâm nhập đại từ đại bi, phát đại nguyện rộng độ hết thảy chúng sanh.
Bồ tát biết rõ như vậy mà hợp với các Pháp, mới gọi là “Y như Phật tâm mà hợp”.
–oOo–
Vị Đế Thích tán thán: Thật là chưa từng có! Vì hết thảy các pháp chẳng khởi, chẳng sanh, chẳng được, chẳng mất, nên Bát Nhã Ba La Mật sanh, Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy sẽ mau thành Phật đạo.
Ngài Tu Bồ Đề nói tiếp: Bồ Tát nào dụng tâm sở đắc, mà phân biệt nhất thiết chủng trí cùng hết thảy các các pháp là hợp hay chẳng hợp, thì vị Bồ Tát ấy đã xa rời Bát Nhã Ba La Mật.
Phật ấn chứng lời ngài Tu Bồ Đề và dạy: Đúng như vậy! Đúng như vậy! Có nhân duyên khiến Bồ Tát xa rời Bát Nhã Ba La Mật, như khởi niệm rằng Bát Nhã Ba La Mật là vô sở hữu, là như hư không, là chẳng kiên cố, nên xa rời Bát Nhã Ba La Mật.
Ngài Tu Bồ Đề biết rõ Bát Nhã Ba La Mật tướng là bất khả đắc, nên lại bạch Phật: Tin Bát Nhã Ba La Mật là chẳng tin pháp nào khác chăng?
Phật dạy: Tin Bát Nhã Ba La Mật là chẳng tin sắc…dẫn đến chẳng tin hết thảy các pháp. Vì sao? Vì sắc…dẫn đến hết thảy các pháp đều là bất khả đắc, nên là bất khả tín vậy.
KINH:
Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba La Mật gọi là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật.
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì nhân duyên gì mà ông gọi Bát Nhã Ba La Mật là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật?
Ngài Tu Bồ Đề đáp: Bạch Thế Tôn! Vì:
– Bát Nhã Ba La Mật chẳng làm cho sắc lớn hay nhỏ…dẫn đến chẳng làm cho Phật lớn hay nhỏ.
– Bát Nhã Ba La Mật chẳng làm cho sắc hợp hay tan…dẫn đến chẳng làm cho Phật hợp hay tan.
– Bát Nhã Ba La Mật chẳng làm cho sắc vô lượng hay chẳng phải vô lương…dẫn đến chẳng làm cho Phật vô lượng hay chẳng phải vô lượng.
– Bát Nhã Ba La Mật chẳng làm cho sắc rộng hay hẹp…dẫn đến chẳng làm cho Phật rộng hay hẹp.
– Bát Nhã Ba La Mật chẳng làm cho sắc có lực hay chẳng có lực…dẫn đén chẳng làm cho Phật có lực hay chẳng có lực.
Bạch Thế Tôn! Bởi nhân duyên vậy, nên Bát Nhã Ba La Mật được gọi là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật.
Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát sơ phát tâm mà chẳng ly Bát Nhã Ba La Mật, chẳng ly 5 Ba La Mật kia, lại dụng tâm vô sở đắc hành Bát Nhã Ba La Mật thì Bồ Tát ấy chẳng làm cho sắc…dẫn đến chẳng làm cho Phật lớn hay nhỏ, hợp hay tan vô lượng hay chẳng phải vô lượng, rộng hay hẹp, có lực hay chẳng có lực.
Khi thật hành Bát Nhã Ba La Mật, phải biết như vậy, vì Bát Nhã Ba La Mật là chẳng có tướng (phi tướng) là vô sở đắc vậy.
Trái lại nếu Bồ Tát dụng tâm sở hữu đắc mà hành Bát Nhã Ba La Mật, thì sẽ làm cho sắc…dẫn đến Phật lớn hay nhỏ, hợp hay tan vô lượng hay chẳng phải vô lượng, rộng hay hẹp, có lực hay chẳng có lực.
Bồ Tát dụng tâm sở hữu đắc mà hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy là có lỗi lớn, là còn chấp tướng, nên chẳng sao có thể đến được Vô Thượng Bồ Đề. Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì:
Chúng sanh là bất sanh (chẳng sanh), sắc là bất sanh…dẫn đến Phật là bất sanh, nên Bát Nhã Ba La Mật là bất sanh.
Chúng sanh là tánh không, sắc là tánh không…dẫn đến Phật là tánh không, nên Bát Nhã Ba La Mật là tánh không.
Chúng sanh là phi pháp (chẳng phải pháp), sắc là phi pháp…dẫn đến Phật là phi pháp, nên Bát Nhã Ba La Mật là phi pháp.
Chúng sanh là không, sắc là không…dẫn đến Phật là không, nên Bát Nhã Ba La Mật là không.
Chúng sanh là ly, sắc là ly…dẫn đến Phật là ly, nên Bát Nhã Ba La Mật là ly.
Chúng sanh là chẳng phải có, sắc là chẳng phải có…dẫn đến Phật là chẳng phải có, nên Bát Nhã Ba La Mật là chẳng phải có
Chúng sanh là bất khả tư nghị (chẳng thể nghĩ bàn), sắc là bất khả tư nghị…dẫn đến Phật là bất khả tư nghị, nên Bát Nhã Ba La Mật là bất khả tư nghị.
Chúng sanh là bất diệt (chẳng diệt), sắc là bất diệt…dẫn đến Phật là bất diệt, nên Bát Nhã Ba La Mật là bất diệt.
Chúng sanh là bất khả tri (chẳng thể biết được), sắc là bất khả tri…dẫn đến Phật là bất khả tri, nên Bát Nhã Ba La Mật là bất khả tri.
Chúng sanh là bất thành tựu (chẳng thể thành tựu), sắc là bất thành tựu…dẫn đến Phật là bất thành tựu, nên Bát Nhã Ba La Mật là bất thành tựu.
Bạch Thế Tôn! Bởi nhân duyên vậy, nên Bát Nhã Ba La Mật được gọi là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật.
LUẬN:
Ngài Tu Bồ Đề nghe lời Phật dạy giải được nghi tâm, nên tán thán Bát Nhã Ba La Mật là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật.
Phật lại hỏi ngài Tu Bồ Đề: Vì nguyên nhân gì mà ông gọi Bát Nhã Ba La Mật là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật?
Ngài Tu Bồ Đề đáp: Vì Bát Nhã Ba La Mật chẳng làm cho sắc…dẫn đến chẳng làm cho Phật lớn hay nhỏ, hợp hay tan, vô lượng hay chẳng phải vô lượng, rộng hay hẹp, có lực hay chẳng có lực.
–oOo–
Phát biểu như trên, ngài Tu Bồ Đề dụng ý nói rằng “tất cả đều do tâm tạo” ra cả.
Ví như người đang phải lo việc gấp, thì tâm hầu như bị thu hẹp lại; còn người giàu có, an nhàn, thì tâm như được mở rộng ra.
Ví như người tu, khi vào 8 bối xả, thì thấy ngoại sắc lớn hay nhỏ tùy theo tâm quán.
Lại ví như phàm phu khi mắt đã thấy sắc rò, thì ở nơi chẳng có sắc cũng nghĩ là có sắc; ví như chúng sanh, tùy theo nghiệp lực, tùy theo ngoại cảnh, mà nói có một hay nhiều sắc pháp khác nhau.
Lại nữa, khi tâm duyên sắc, thì có danh sắc, khiến phân biệt được các đại, cùng hết thảy các sắc pháp. Phàm phu thấy có hình, có sắc, có phương phận v.v..Thế nhưng danh sắc chẳng thể phân biệt được nên danh sắc chẳng thể gọi là sắc được.
–oOo–
Có thuyết cho rằng “thô sắc” là hư vọng, chẳng phải là “chân sắc”, chỉ có vi trần mới gọi là chân sắc. Do nhiều vi trần họp lại, mà giả danh có sắc vậy thôi. Phàm phu chấp “giả danh sắc”, rồi phân biệt có lớn, có nhỏ, khác nhau.
Người tu tập Bát Nhã Ba La Mật biết rõ thật tánh của sắc; mà ở nơi thật tánh, thì chẳng có lớn, chẳng có nhỏ, vì các pháp đều chẳng phải tập, chẳng phải tán.
Người tu tập Bát Nhã Ba La Mật biết rõ sắc chẳng tập, chẳng tán, chẳng phải sắc tập do các vi trần hòa hợp tạo thành, chẳng phải sắc tán trở lại thành vi trần. Vì sao? Vì sắc chỉ là giả danh, chẳng có định tướng, chẳng có đối, chẳng có hình, chẳng có lớn hay nhỏ, chẳng phải vô lương hay chẳng phải chẳng vô lượng, chẳng có rộng hay hẹp, chẳng có lực hay chẳng phải chẳng có lực. Vì sao?
Vì:
Phàm phu, do chẳng tu tập Bát Nhã Ba La Mật nên mới khởi phân biệt, trù lượng có nhiều, có ít; khi chấp “không”, thì nói sắc là vô lượng; khi chấp “có”, thì nói sắc là hữu lượng. Còn người tu tập Bát Nhã Ba La Mật xả ly “không” và “có”, nên nói sắc là chẳng phải vô lượng cũng chẳng phải chẳng vô lượng.
Phàm phu, do chẳng vào được thật tướng pháp nên tùy ý niệm, mà suy tưởng sắc có lớn, có nhỏ. Người tu tập Bát Nhã Ba La Mật do đã vào được nơi thật tướng pháp, chẳng còn tùy ý niệm mà suy tưởng, nên biết rõ sắc chẳng phải lớn cũng chẳng phải nhỏ.
Phàm phu, do chẳng biết rõ rằng sắc do vô lượng duyên tác thành, nên nói sắc có lực; ví như thấy bức tường đổ xuống làm chết người, mà cho rằng bức tường có lực. Người tu Bát Nhã Ba La Mật biết rõ hết thảy các sắc pháp đều chỉ là giả danh tướng, nên nói sắc chẳng có lực, cũng chẳng phải chẳng có lực.
Bởi nhân duyên vậy, nên nói Bát Nhã Ba La Mật là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật.
–oOo–
Do chẳng ly Bát Nhã Ba La Mật cùng 5 Ba La Mật kia mà ở nơi hết thảy các pháp, Bồ Tát chẳng có khởi phân biệt lớn nhỏ, rộng hẹp v.v…Nếu tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà tâm còn tán loạn, thì chẳng có được nhu thuận, dẫn đến sẽ khởi sanh tâm nghi hối.
Phải dung nhiếp, điều hợp, nhu thuận Bát Nhã Ba La Mật và 5 Ba La Mật kia mới tránh được lỗi lầm, khiến thành tựu được các duyên pháp. Ví như trong 8 thánh đạo có chánh kiến dẫn đầu, nhưng nếu chánh kiến mà chẳng có 7 thánh đạo kia hỗ trợ, thì chẳng thành tựu được đầy đủ các thánh đạo, dẫn đến chẳng có thể được gọi là chánh kiến.
Bởi nhân duyên vậy, nên Phật dạy: Hết thảy các pháp đều do các duyên hòa hợp cộng sanh, chẳng có 1 pháp nào tự sanh cả. Khi đã hội đủ các duyên hòa hợp dẫn sanh, thì mỗi pháp mới có lực. Dựa vào đó mà nói có lớn hay nhỏ, có rộng hay hẹp v.v…
Nếu Bồ Tát ly Bát Nhã Ba La Mật, ly 5 Ba La Mật kia, rồi tự cho rằng đã hành đầy đủ 6 Ba La Mật, vọng chấp các pháp có lớn hay nhỏ, rộng hay hẹp v.v..Như vậy là đọa về “nhị biên”.
Trái lại, nếu Bồ Tát vào được nơi thật tướng pháp, thì chẳng còn chấp tướng, khiến ở nơi các pháp tướng chẳng còn vọng khởi phân biệt có lớn hay nhỏ, có rộng hay hẹp v.v..Như vậy là chẳng có lỗi lầm. Vì sao? Vì dụng tâm vô sở đắc mà tu tập như vậy, là tu Vô Thượng Bồ Đề, là tu tịch diệt tướng, là cứu cánh thanh tịnh.
Trái lại, nếu dụng tâm hữu sở đắc, thì sẽ khởi hý luận, đấu tranh chẳng có được thanh tịnh vậy.
Lại nữa. hết thảy các pháp đều là chẳng sanh, chẳng diệt. Ví như ngã và chúng sanh đều là giả danh pháp, đều do duyên hòa hợp mà có, đều chẳng sanh, chẳng diệt, đều là bất khả đắc cả.
Khi phá được tướng “vô ngã”, thì tướng sanh cũng như tướng diệt đều trở thành bất khả đắc cả. Do duyên hòa hợp mà có các pháp tướng, như tướng sanh, tướng diệt, nhưng hết thảy các pháp tướng đều chỉ là giả danh tướng, chẳng phải là định tướng. Cho nên nói các pháp đều là vô sanh pháp, vô diệt pháp, đều là “bất nhị pháp”.
Vì hết thảy pháp đều là tự tánh không, là tự tánh ly, là bất khả tư nghị nên nói “chúng sanh lực” chẳng thành tựu, “Bát Nhã Ba La Mật” chẳng thành tựu.
Hết thảy pháp đều do duyên hòa hợp sanh. Nhưng mỗi duyên pháp đều chẳng có tự lực. Bát Nhã Ba La Mật cũng là tự tánh không, là chẳng có tự lực.
Hỏi: Trước đã nói sắc cùng hết thảy pháp đều chẳng có tự lực và cũng chẳng phải chẳng có tự lực. Nay vì sao lại nói lực của chúng sanh, lực của sắc…dẫn đến lực của hết thảy các pháp chẳng thành tựu, thì lực của Bát Nhã Ba La Mật cũng chẳng thành tựu?
Đáp: Trước đây nói các pháp chẳng có lực, cũng chẳng phải chẳng có lực. Nhưng sợ người nghe Bát Nhã Ba La Mật khởi nghi tâm, vì họ nghĩ rằng Bát Nhã Ba La Mật dẫn đạo hết thảy các pháp quán, ắt là phải có đại lực. Bởi vậy nên phải nói rõ thêm là lực của chúng sanh, của sắc, cũng như của hết thảy các pháp đều chẳng thành tựu, thì lực của Bát Nhã Ba La Mật cũng chẳng thành tựu.
Như vậy là các duyên pháp đều bình đẳng cả. Chính vì vậy mà gọi Bát Nhã Ba La Mật là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật.
***
Phẩm thứ bốn mươi mốt
Tín Hủy
(Tin Kính & Hủy Báng)
KINH:
Lúc bấy giờ, ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát tín giải Bát Nhã Ba La Mật đã từ đâu sanh về đây? Đã phát Vô Thượng Bồ Đề Tâm từ bao lâu? Đã cúng dường bao nhiêu đức Phật? Đã hành Bát Nhã Ba La Mật như thế nào, mà nay có thể tùy thuận Bát Nhã Ba La Mật và thâm giải nghĩa Bát Nhã Ba La Mật như vậy?
Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát này đã cúng dường chư Phật khắp 10 phương, đã phát Vô Thượng Bồ Đề tâm từ vô lượng vô biên a tăng tỳ kiếp, và từ sơ phát tâm đã thường hành 6 pháp Ba La Mật, đã cúng dường vô lượng vô biên bất khả tư nghị chư Phật, nay sanh về cõi này.
Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát này hoặc thấy, hoặc nghe Bát Nhã Ba La Mật liền tự niệm rằng: Ta đã thấy Phật và nghe Phật thuyết Bát Nhã Ba La Mật như vậy.
Bởi vậy nên Bồ Tát này thường tùy thuận Bát Nhã Ba La Mật và thâm giải nghĩa Bát Nhã Ba La Mật, vì biết rõ Bát Nhã Ba La Mật là vô tướng pháp, là vô nhị pháp, là bất khả đắc pháp.
Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba La Mật có thể nghe, có thể thấy được chăng?
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bát Nhã Ba La Mật chẳng thể nghe, chẳng thể thấy được. Vì sao? Vì các pháp đều là độn cả.
Cũng như vậy, Đàn Ba La Mật…dẫn đến Thiền Ba La Mật chẳng thể nghe, chẳng thể thấy được; nội không…dẫn đến vô pháp hữu pháp không chẳng thể nghe, chẳng thể thấy được; tứ niệm xứ…dẫn đến 8 thánh đạo chẳng thể nghe, chẳng thể thấy được; 10 lực…dẫn đến 18 bất cộng pháp chẳng thể nghe, chẳng thể thấy được. Vì sao? Vì các pháp đều là độn cả.
Ngài Tu Bồ Đè bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát hành Phật đạo trong bao nhiêu lâu, mới có thể hành thâm Bát Nhã Ba La Mật.
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Phải nên phân biệt như sau:
Có Bồ Tát từ sơ phát tâm đã hành thâm Bát Nhã Ba La Mật và 5 Ba La Mật kia. Do có lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật, nên chẳng phá hoại các pháp tướng; lại cũng chẳng thấy pháp nào là chẳng có lợi ích cả. Bồ Tát này trọn chẳng ly 6 pháp Ba La Mật, trọn chẳng ly chư Phật; từ thế giới này sang thế giới khác thường dùng thiện căn cúng dường chư Phật, đúng theo như ý nguyện; vĩnh viễn chẳng bị sanh tử nghiệp dẫn sanh vào thai mẹ, ở trong loài người; trọn chẳng ly các thần thông, trọn chẳng sanh phiền não, chẳng sanh tâm Thanh Văn và tâm Bích Chi Phật; từ quốc độ này đến quốc độ khác thường thành tự chúng sanh, thanh tịnh Phật độ.
Như vậy gọi là Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật.
– Có Bồ Tát đã thấy được chư Phật trong vô lượng quốc độ; hoặc, từ vô lượng trăm ngàn muôn ức kiếp, thường chẳng ly chư Phật, thường tu tập 6 pháp Ba La Mật, nhưng còn dụng tâm hữu sở đắc, vì chưa có được đầy đủ các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật. Bồ Tát này, khi nghe thuyết thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật, liền từ trong chúng hội đứng dậy bỏ ra đi. Như vậy là chẳng cung kính Bát Nhã Ba La Mật, chẳng cung kính chư Phật.
Này Tu Bồ Đề! Ở hiện đời, Bồ Tát ấy ngồi trong chúng hội nghe thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật, lại cũng tự bỏ đi, vì chẳng ưa thích nghe thuyết như vậy, Bồ Tát ấy, ở đời trước, khi nghe thuyết thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật, đã tự bỏ ra đi, nên ở đời nay, nghe thuyết thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật, lại cũng hành động y như vậy.
Hạng người này, do thân tâm chẳng hòa hợp, nên thường trồng nhân si muội. Do si muội, nên vừa nghe thuyết thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật, liên sanh tâm hủy báng. Do hủy báng thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật, nên từ quá khứ đến hiện tại dẫn đến vị lai vẫn thường hủy báng 3 đời chư Phật, hủy báng nhất thiết chủng trí.
Do khởi nghiệp tội phá pháp như vậy, mà hạng người này, trải qua trăm ngàn muôn ức kiếp, phải đọa vào đại địa ngục; chuyển từ đại địa ngục này sang đại địa ngục khác; đến khi hỏa kiếp phát khởi ở cõi này, thì lại thác sanh vào đại địa ngục ở cõi khác ở trong khắp 10 phương, thọ vô lượng khổ đau. Khi tội phá pháp đã giảm dần, mới được sanh vào loài súc sanh, rồi sanh trở lại làm người. Thế nhưng, vì tội phá pháp chưa dứt, nên dù trở lại sanh làm người, cũng chỉ được sanh vào các nhà hà tiện; hoặc sanh vào những nơi chẳng có Phật, Pháp, Tăng; hoặc sanh ra đời với các căn không đầy đủ, như mù mắt, thiếu chân, thiếu tay v.v…
Hạng người này,do gieo trồng tội phá pháp sâu dày, nên phải thọ quả báo như vậy.
Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tội “ngũ nghịch” và tội phá pháp tương tợ nhau chăng?
Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Chẳng nên nói là tương tợ. Vì sao?
Vì có người nghe nói thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật, chẳng có tin, mà lại còn hủy báng, cho rằng Bát Nhã Ba La Mật là phi pháp, chẳng phải là thiện pháp, chẳng phải là lời Phật dạy; tự mình chẳng học, và dạy người khác chẳng nên học. Như vậy là đã tự hủy báng Bát Nhã Ba La Mật, và dạy người khác hủy báng Bát Nhã Ba La Mật; tự mình phá hoại thân tâm mình, và khiến người khác phá hoại thân tâm họ; tự mình chẳng tin, chẳng biết thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật, và khiến người khác chẳng tin chẳng biết thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật; chẳng khác gì tự mình dùng thuốc độc để tự giết mình, và cũng đầu độc người khác.
Này Xá Lợi Phất! Đối với hạng người này như vậy, ta chẳng muốn nghe nói đến tên, huống nữa là nhìn thấy họ hay muốn ở chung với họ. Vì sao? Vì hạng người này làm ô uế chánh pháp, sa đọa vào chốn tối tâm, mê muội. Ai cũng nghe theo lời hạng người này, tin dùng họ, cũng phải thọ vô lượng khổ đau.
Này Xá Lợi Phất! Hạng người phá Bát Nhã Ba La Mật như vậy cũng gọi là hạng người phá pháp.
Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người phạm trọng tội phá pháp như vậy, phải thọ thân lớn hay nhỏ?
Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Chẳng nên nói thân lớn hay nhỏ. Vì sao? Vì người phá pháp phải thọ vô lượng khổ đau, chẳng có phân biệt thân lớn hay nhỏ?
Hạng người này, khi nghe mình tội lỗi như vậy, chịu khổ báo như vậy, hoặc bị nhồi máu mà chết; hoặc sợ hãi, lo lắng, đau buốt như bị mũi tên đâm vào tim, mà khô héo dần dần cho đến chết.
Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn răn dạy, để người đời sau biết rõ ràng rằng tội hủy báng Bát Nhã Ba La Mật là trọng tội.
Phật dạy: Này Xá Lợi Phật! Người phạm trọng tội hủy báng Bát Nhã Ba La Mật phải thọ vô lượng khổ báo trong các đại địa ngục chẳng sao kể xiết được.
Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bởi vậy nên những Thiện nam, Thiện nữ tâm tánh thanh tịnh, khi nghe được những thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật, là liền lấy đó là chỗ y chỉ; thà phải mất mạng, chẳng hề dám hủy báng chánh pháp. Vì sao? Vì họ tự nghĩ rằng nếu hủy báng Bát Nhã Ba La Mật, thì sẽ phải chuốc lấy vô lượng khổ báo.
LUẬN:
Ngài Xá Lợi Phất nghe thuyết thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật , tự nghĩ rằng: Người nghe được Bát Nhã Ba La Mật cũng còn hiếm có, huống nữa là người tu tập , tín giả Bát Nhã Ba La Mật. Người tín giải Bát Nhã Ba La Mật ắt phải từ một cảnh giới an lành nào đến; chẳng phải là hạng sơ phát tâm.
Theo ý ngài, thì hạng người chưa cúng dường được nhiều chư Phật, chưa hành Bát Nhã Ba La Mật trải qua nhiều đời, thì chưa phải là Bậc Thánh, chưa vào được Thánh đạo. Bởi vậy nên ngài mới hỏi: Bồ Tát đã cúng dường bao nhiêu đức Phật, đã tu tập Bát Nhã Ba La Mật trong bao lâu, mới có thể tùy thuận Bát Nhã Ba La Mật, và thâm giải được nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật?
Phật dạy: Có Bồ Tát chẳng chấp hết thảy các pháp tướng mà cũng chẳng chấp không, chẳng phá hoại các pháp tướng, hòa hợp 6 pháp Ba La Mật, phát khởi đại từ đại bi vì hết thảy chúng sanh mà hành Bát Nhã Ba La Mật, nên đã từ các thế giới thanh tịnh trong 10 phương sanh về cõi này.
Như trường hợp của Bồ Tát Thích Ca Mưu Ni, chư vị Bồ Tát này đã có duyên với chúng sanh ở cõi này, nên mới sanh về đây để độ họ. Khi cõi này hoại, thì lại sanh về các cõi khác để viên thành đạo nguyện. Trải qua vô lượng a tăng tỳ kiếp tu hành như vậy, nên được phước đức sâu dày, khởi sanh tín giải, tùy thuận thấm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật. Trái lại, có Bồ Tát đã thấy được chư Phật, đã tu tập Bát Nhã Ba La Mật từ lâu, nhưng còn dụng tâm hữu sở đắc, thì chẳng có được công đức như vậy.
–oOo–
Bồ Tát phải thành tựu đầy đủ các phước đức trí huệ, mới khiến các phiền não tận diệt, mới được tâm nhu nhuyến, được trí huệ bình đẳng, được các căn lanh lợi, tăng trưởng mãi trở thành lực. Có được như vậy mới có thể thâm nhập nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật.
Lại nữa, còn phải dứt bỏ các uế trược thế gian, mới thấy được kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật, mới hướng tâm về Phật, mới tinh tấn đọc tụng các kinh điển để tìm hiểu nghĩa lý, khiến trí huệ càng thêm tăng trưởng. Thấy kinh như thấy Phật; đọc kinh như nghe lời Phật dạy. Nhờ thành tựu tín lực, huệ lực như vậy, mà tùy thuận, tín giải được thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật.
Lại nữa, còn phải biết rõ thật tướng pháp là vô tướng; phải ly 5 ấm, 12 nhập, 18 giới; phải ở trong “nhị pháp” mà chẳng chấp “nhị pháp”. Dung tâm vô sở đắc như vậy mà tu tập, thì mới có thể tùy thuận, tín giải thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật.
–oOo–
Ngài Tu Bồ Đề nghe Phật thuyết về Bát Nhã Ba La Mật, mà tán thán việc thấy kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật, việc theo Phật nghe thuyết Bát Nhã Ba La Mật, việc đọc tụng Bát Nhã Ba La Mật v.v…tợ như có chấp tướng, nên ngài mới nêu lên câu hỏi: Bát Nhã Ba La Mật có thể nghe, có thể thấy chăng?
Nơi đây, Ngài Tu Bồ Đề muốn nói: Bát Nhã Ba La Mật là rốt ráo không; dù dùng thiên nhãn, thiên nhĩ cũng chẳng có thể thấy, chẳng có thể nghe được, huống nữa là dùng nhục nhãn, nhục nhĩ; dù dùng xuất thế gian huệ nhãn cũng chẳng thấy được, huống nữa là dùng thế gian nhãn.
Phật đáp lại lời ngài Tu Bồ Đề: Bát Nhã Ba La Mật chẳng có thể thấy, chẳng có thể nghe.
Nơi đây, Phật dụng ý cho biết rằng khi đã thâm nhập vào trong Bát Nhã Ba La Mật rồi, thì biết rõ hết thảy các pháp đều chỉ là một tướng (nhất tướng), đều chẳng có tướng (vô tướng), nên chẳng còn vọng chấp phân biệt nữa. Sở dĩ phàm phu chấp có thấy, có nghe, vì vọng khởi phân biệt đây là sắc, đây là nhãn, đây là nhĩ… đây là thức; lại phân biệt giữa 6 thức với 6 trần; phân biệt 6 thức lanh lợi; 6 trần vô tri; phân biệt trí huệ lanh lợi, còn sắc…dẫn đến pháp là vô tri.
Các pháp vào trong Bát Nhã Ba La Mật cũng giống như trăm sông chảy dồn về biển. Khi vào biển rồi, thì các nguồn nước từ trăm sông chảy đến đều hòa đồng với nước biển. Cũng như vậy, khi các pháp đã vào trong biển Bát Nhã Ba La Mật rồi, thì trở thành nhất tướng, vô tướng, chẳng có gì phân biệt nữa. Bởi vậy nên nói Bát Nhã Ba La Mật chẳng có thể thấy, chẳng có thể nghe.
Cũng như vậy, Đàn Ba La Mật…dẫn đến Thiền Ba La Mật, nội không…dẫn đến vô pháp hữu pháp không, 4 niệm xứ…dẫn đến 8 thánh đạo, 10 lực…dẫn đến 18 bất cộng pháp, Thanh Văn đạo, Bích Chi Phật đạo…dẫn đến Phật đạo và nhất thiết chủng trí đều chẳng thể thấy, chẳng thể nghe được. Vì sao? Vì các pháp đều là vô tri, đều là độn cả. Chúng sanh ly pháp thì chẳng thể thấy, chẳng thể nghe, mà pháp ly chúng sanh cũng chẳng thể thấy, chẳng thể nghe vậy.
Hỏi: Trước đã nói rằng Bồ Tát sơ phát tâm đã từng cúng dường chư Phật trong vô lượng kiếp rồi, mới có thể tùy thuận, tín giải thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật. Nay vì sao còn hỏi nữa?
Đáp: Ở đoạn kinh trên đây, Phật dạy: Bát Nhã Ba La Mật chẳng thể thấy, chẳng thể nghe được.
Thấy kinh như thấy Phật, đọc kinh như nghe lời Phật dạy. Nói đến 2 tướng như vậy nằm lên ý nghĩa là Bát Nhã Ba La Mật có thấy, có nghe, mà cũng chẳng thấy, chẳng nghe, vì là “bất nhị pháp” vậy.
Chính ở nơi “bất nhị pháp” này, mà ngài Tu Bồ Đề đã hỏi Phât: Bồ Tát phải trải qua bao nhiêu kiếp tu hành, mới có được các phương tiện lực, mới có thể tùy thuận Bát Nhã Ba La Mật, mà hành các pháp?
Nơi đây, ngài Tu Bồ Đề muốn nói rằng:
Làm thế nào để hành các sự việc, mà chẳng vọng niệm?
Làm thế nào để có hành các sự việc, mà chẳng bị trói buộc vào 3 cõi.
Làm thế nào để ở nơi “không”, mà chẳng đọa về đoạn diệt?
Phật bảo ngài Tu Bồ Đề rằng: Cần phải phân biệt 2 trường hợp:
1- Có Bồ Tát từ sơ phát tâm đã nhất tâm tín thọ Bát Nhã Ba La Mật, dùng các lực phương tiện Ba La Mật để tu tập 6 Ba La Mật mà tâm chẳng có chấp đắm các phước đức nhân duyên đó, nên được tùy thuận, tín giải thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật.
Hạng Bồ Tát này có tín lực và huệ lực rất lớn, nên nghe thâm pháp Đại Thừa Ma Ha Diễn liền được tín giải; nghe pháp Thanh Văn chẳng khởi tâm bất kính; nghe pháp ngoại đạo chẳng khởi tâm phá hoại.
Hàng Bồ Tát biết rõ:
“Đạo” và “phi đạo” , nên thường hành chánh đạo.
Hết thảy các pháp, khi đã vào trong Bát Nhã Ba La Mật rồi, chẳng là “thị” hay là “phi”, chẳng phá, chẳng thọ nữa. Dẫn đến chẳng có pháp nào là chẳng lợi ích cả.
Bồ Tát thường hành các pháp, mà chẳng thủ lợi ích của các pháp, mới được đầy đủ phước đức. Bởi vậy nên nói Bồ Tát chẳng ly 6 Pháp Ba La Mật…dẫn đến chẳng ly thanh thịnh Phật độ, thành tựu chúng
2- Có Bồ Tát, tuy đã phát tâm từ lâu, đã cúng dường vô lượng chư Phật, nhưng còn dụng tâm hữu sở đắc mà tu tập 6 pháp Ba La Mật thì chẳng thể nào tùy thuận, tín giải thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật được. Hạng Bồ Tát này khi nghe nói thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật là liền bỏ đi. Dẫn đến đời sau, khi nghe nói thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật, hạng Bồ Tát này cũng chẳng tin, chẳng thọ. Như vậy là phá pháp, khiến phải gánh chịu vô lượng khổ báo.
Phật dạy hạng người này, do thân tâm chẳng hòa hợp, nên thường trồng nhân si muội, khiến chẳng tin, chẳng thọ Bát Nhã Ba La Mật. Do tâm nghi hối, tà kiến càng ngày càng tăng trưởng, nên hạng người này, giữa đại chúng, thường hủy báng Bát Nhã Ba La Mật, hủy báng 3 đời chư Phật. Do tội lỗi như vậy, mà phải đọa vào địa ngục A Tỳ thọ vô lượng khổ báo. Đến khi kiếp hỏa phát khởi ở cõi này mà tội vẫn chưa hết, thì vẫn còn phải chuyển sang địa ngục ở cõi khác, để tiếp tục thọ khổ báo. Sau khi tội phá pháp đã nhẹ dận, mới được chuyển làm thân súc sanh, tiếp tục thọ khổ. Rồi mãn kiếp súc sanh, mới được trở lại làm thân người, nhưng lại phải thọ sanh vào các nhà hạ tiện, hoặc sanh ra đời với các căn chẳng đầy đủ, hoặc sanh vào những nơi chẳng có Phật, Pháp và Tăng.
Hỏi: Vì sao chẳng nói đọa về chốn ngạ quỷ, mà chỉ nói đọa vào địa ngục và súc sanh?
Đáp: Vì phá hoại Bát Nhã Ba La Mật là do phiền não và ngu si. Vì 2 duyên pháp này, mà người phá hoại Bát Nhã Ba La Mật phải đọa vào địa ngục và súc sanh.
Còn đọa về ngạ quỷ là do tham lam. Do vậy mà chẳng có đề cập ở nơi đây.
Hỏi: Vì sao ngài Xá Lợi Phật nêu lên câu hỏi: Tội “ngũ nghịch” và tội phá pháp tương tợ với nhau chăng?
Đáp: Ngài Xá Lợi Phất là Thanh Văn, nên cho tội “ngũ nghịch” là trọng tôi. Nhiều người tu thep pháp Thanh Văn chẳng biết rằng cúng dường Bát Nhã Ba La Mật là đại phước báo, nên cũng chẳng biết rằng hủy báng Bát Nhã Ba La Mật là đại tội vậy.
Vì muốn giải niềm nghi của ngài Xá Lợi Phất, nên Phật dạy: Chẳng nên nói là tương tợ.
Vì xét về tướng tội, thì 2 bên khác hẳn nhau:
– Người phạm tội hủy báng Bát Nhã Ba La Mật tự mình làm tiêu hủy thiện căn nơi mình và làm tiêu hủy thiện căn nơi người khác; tự mình phá trí huệ của mình và phá trí huệ của người khác; chẳng khác gì tự mình uống thuốc độc để tự hại thân mình, và cũng khiến người khác uống thuốc độc để hủy hoại thân họ vậy.
– Người phạm tội làm thân Phật chảy máu, phá A La Hán, phá hòa hợp Tăng, giết cha, giết mẹ, tuy là trọng tọ, còn có thể sám hối được. Nhưng phá hoại Bát Nhã Ba La Mật thì không thể sám hối được.
Nên biết cha mẹ thương con chỉ thương nhiều nhất là một đời; còn người thâm ái Bát Nhã Ba La Mật nguyện thân ái chúng sanh trong vô lượng kiếp. Bồ Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật nguyện cần khổ thay cho chúng sanh làm những việc khó làm…dẫn đến bố thí cả thân mạng mình để làm lợi ích cho chúng sanh.
Cũng nên biết rằng phá hoại Bát Nhã Ba La Mật tức là phá hoại pháp thân Phật. Bởi vậy nên Phật dạy: Đối với hạng người phá hoại Bát Nhã Ba La Mật, ta chẳng muốn nghe nói đến tên, huống nữa là nhìn thấy.
–oOo–
Bồ Tát, dù chưa được bất thối chuyển, nhưng nếu có nhiều người đến cúng dường, có nhiều đệ tử xuất gia cũng như tại gia đến cầu pháp, thì phải nên phát đại bi tâm, vì họ thuyết Bát Nhã Ba La Mật. Thế nhưng nếu còn dụng tâm hữu sở đắc, thì thay vì làm lợi ích cho họ, mà lại khiến họ phải chịu tội phá pháp. Vì sao? Vì Bồ Tát này muốn làm tăng trưởng lợi ích cho chúng sanh, mà do còn chấp tướng, nên đã gián tiếp phá Bát Nhã Ba La Mật, và cũng khiến người khác phá Bát Nhã Ba La Mật vậy.
Xem như vậy, thì tội phá Bát Nhã Ba La Mật và tội “ngũ nghịch” chẳng có tương tợ nhau.
–oOo–
Ví như người siêng năng làm việc, mà do thiếu trí tuệ, nên tài sản mỗi ngày một tiêu hao. Người thường tụng kinh niệm Phật mà thiếu trí huệ, thì thiện căn vẫn chẳng có tăng trưởng được.
Ví như vũng nước dơ chẳng thể soi mặt được, chẳng thể uống được, chẳng thể tắm giặt được. Người phá pháp cũng vậy, chẳng thể nghe theo được. Hạng người này, do bị tà kiến, nghi hối làm nhiễu loạn tâm, mà chẳng tùy thuận, chẳng tín giải được thâm nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật …dẫn đến hủy báng Bát Nhã Ba La Mật. Nếu ai tin theo hạng người này cũng phạm tội phá pháp vậy.
Hỏi: Vì sao ngài Xá Lợi Phất hỏi Phật: Người phạm tội phá pháp phải thọ thân lớn, hay thân nhỏ?
Đáp: Ngài Xá Lợi Phất đã nghe nói về thời gian và nơi chốn thọ tội báo của người phạm tội phá pháp rồi. Nay ngài muốn nêu lên câu hỏi này xin Phật giải đáp, nhằm răn dạy ngưởi ở đời sau:
Có 2 vấn đề mà Phật chẳng muốn đáp. Đó là:
Sự thọ khổ báo ở các chốn địa ngục và súc sanh quá nhiều và quá lâu. Dù thân lớn hay nhỏ cũng đều thọ như nhau.
Những người nghe nói mình phạm trọng tội như vậy, mình phải thọ khổ báo như vậy, hoặc sẽ bị nhồi máu tim mà chết, hoặc sẽ quá sợ hãi lo lắng, đau buốt như bị mũi tên đâm vào tim, mà kho heo dần dần cho đến chết.
Do vì ngài Xá Lợi Phất khẩn thiết xin Phật răn dạy cho người ở đời sau chẳng nên phạm tội phá pháp, mà Phật đã nói: Chẳng nên nói thân lớn hay nhỏ. Người phạm tội phá pháp, hủy báng Bát Nhã Ba La Mật phải thọ vô lượng khổ báo, chẳng sao kể xiết được.
Vâng theo lời Phật dạy, các người đã có tâm tánh thanh tịnh, khi nghe được thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mậy, là liền lấy đó làm chỗ y chỉ, thà phải mất mạng, chẳng hề dám hủy báng chánh Pháp. Vì nghĩ rằng nếu hủy báng Bát Nhã Ba La Mật, thì sẽ phải chuốc lấy vô lượng khổ báo, nên họ sẽ thâm tín Bát Nhã Ba La Mật, nhiếp các nghiệp “thân, khẩu và ý” tinh tấn tu hành hướng về Vô Thượng đạo.
(Hết quyển 62)