LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP IV
QUYỂN 61

Phẩm thứ ba mươi chín
TỦY HỶ

KINH:

Lúc bấy giờ, ngài Bồ Tát Di Lặc nói với ngài Tu Bồ Đề: Thưa ngài Tu Bồ Đề! Bồ Tát dụng vô sở đắc mà tủy hỷ phước đức, cùng với hết thảy chúng sau đồng hồi hướng về Vộ Thượng Bồ Đề.

Nếu đem so sánh với sự tùy hỷ phước đức của hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật, thì sự tùy hỷ phước đức của Bồ Tát là tối thắng, tối diệu, là vô đẳng đẳng.

Vì sao?

Vì hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, cùng các chúng sanh cũng có tùy hỷ phước đức bố thí, trì giới, thiền định v.v…nhưng sự tùy hỷ đó chỉ nhằm để tự điều, tự tịnh, tự độ. Do vậy mà hành trì 4 niệm xứ…dẫn đến 8 thánh đạo, hành trì các tam muội “không, vô tướng và vô tác”.

Còn Bồ Tát tùy hỷ công đức là vì Vô Thượng Bồ Đề, đem công đức này để điều phục hết thảy chúng sanh, thanh tịnh hết thảy chúng sanh, cứu độ hết thảy chúng sanh.

Ngài Tu Bồ Đề nói: Bạch Đại Sĩ! Chư vị đại Bồ Tát thường niệm chư Phật khắp 10 phương, trong vô lượng a tăng kì thế giới, trong vô lượng vô biên a tăng kì Phật quốc, từ sơ phát tâm đến khi nhập Vô Dư Niết Bàn…dẫn đến thời kỳ pháp tân. Trong khoảng giữa đó có vô lượng vô biên người tu thiện hạnh; có hàng Thanh Văn tu 6 pháp Ba La Mật, có hàng Hữu học và hàng vô học tu các vô lậu thiện căn; lại có chư Phật thuyết giới chúng, đính chúng, huệ chúng, giải thoát chúng, giải thoát tri kiến chúng, nhất thiết chủng trí, đại từ, đại bi, cùng vô lượng Phật pháp khác. Từ các Phật pháp này, có vô lượng chúng sanh được quả Tu Đà Hoàn…dẫn đến quả A La Hán, quả Bích Chi Phật, nhập Bồ Tát vị, lại có vô lượng chúng sanh khác được gieo trồng được các thiện căn.

Nếu hòa hợp được hết thảy các công đức đó, rồi tùy hỷ hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, thì mới thật là tùy hỷ tối thượng, tùy hỷ tối diệu,tùy hỷ vô đẳng đẳng vậy.

Bạch Đại Sĩ! Nếu có Thiện nam, Thiện nữ nào hành Bồ Tát đạo, hồi hướng công đức về Vô Thượng Bồ Đề, mà còn nghĩ rằng ta có tâm hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, còn chấp tướng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề. Ý ngài nghĩ sao? Tưởng niệm như vậy có được chăng?

Ngài Di Lặc đáp: Thưa ngài Tu Bồ Đề ! Nếu Thiện nam, Thiện nữ hành Bồ Tát đạo, hồi hướng công đức về Vô Thượng Bồ Đề, mà còn chấp tâm hồi hướng, chấp tướng hồi hướng là còn có tâm duyên sự, nên chẳng đạt đến chỗ “như niệm” được.

Ngài Tu Bồ Đề nói: Bạch Đại Sĩ ! Các duyên, các sự đều là vô sở hữu. Nếu hành Bồ Tát đạo, mà còn chấp tâm, chấp tướng, thì sao chẳng đạt đến chỗ “như niệm” được.

Người hành Bồ Tát Đạo phải hòa hợp hết thảy các thiện căn của 10 phương chư Phật, từ sơ phát tâm… dẫn đến thời kỳ pháp tận, các thiện căn của hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật, các thiện căn của hàng hữu học và vô học. Bồ Tát hòa hợp như vậy rồi, lại còn đem hết thảy các thiện căn công đức đó để tùy hỷ hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề. Tùy hỷ hồi hướng như vậy mà chẳng có chấp tâm hồi hướng, chẳng có chấp tướng hồi hướng, thì mới thật là chẳng có điên đảo.

Vì sao? Vì nếu vô thường mà tưởng là thường, khổ mà tưởng là lạc, vô ngã mà tưởng là ngã, bất tịnh mà tưởng là tịnh …thì gọi là tưởng điên đảo. Tưởng điên đảo sẽ dẫn đến tâm điên đảo, kiến điên đảo.

Với tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo như vậy, thì duyên hồi hướng, sự hồi hướng…dẫn đến tâm hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề cũng đều là điên đảo. Tất cả 6 pháp Ba La Mật…dẫn đến 18 bất cộng pháp cũng đều là như vậy.

Nếu đã là như vậy, thì có gì đâu để gọi là “duyên”, để gọi là “sự”, để gọi là “thiện căn”… dẫn đến có gì đâu để gọi là “tùy hỷ hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề nữa”.

LUẬN:

Trước đây, Phật đã dạy ngài Tu Bồ Đề thuyết về Bát Nhã Ba La Mật, và ngài Thích Đề Hoàn Nhơn cũng đã có hỏi nhiều, nói nhiều về các công đức sự.

Nay ở phần này, ngài Di Lặc muốn tùy thuận  bổ sung thêm, nên đã nhờ ngài Tu Bồ Đề giải rộng thêm cề sự tùy hỷ công đức đúng theo chánh nghĩa Bát Nhã Ba La Mật.

Lại nữa, vị Đế Thích cùng chư Thiên, sau khi nghe tán thán công đức cúng dường Bát Nhã Ba La Mật, liền đem hương hoa, tràng phan, bảo cái…để cúng dường, tự lấy làm hoan hỷ là đã cúng dường Bát Nhã Ba La Mật bằng những vật quý ở cõi Trời, mà hàng xuất gia chẳng sao có thể được. Ngài Di Lặc biết rõ tâm niệm của vị Đế Thích và của chư Thiên như vậy, lại muốn phá sự chấp tướng bố thí đó, nên ngài đã nói với ngài Tu Bồ Đề rằng: Bồ Tát chỉ dụng tâm tùy hỷ là đã thù thắng hơn các hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật và hết thảy chúng sanh rồi. Hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật dù bố thí vô lậu công đức cũng chẳng sao sánh kịp, huống chi nữa chư Thiên đem hương hoa, tràng phan, bảo cái…cúng dường Bát Nhã Ba La Mật.

Vì sao ? Bồ Tát tùy hỷ công đức chỉ dùng các lực phương tiện trí huệ làm công đức, mà chẳng dùng thân nghiệp và khẩu nghiệp làm công đức vậy.

Bồ Tát, khi thấy người tu phước, liền tùy thuận hoan hỷ, và tự niệm rằng: Tu phước đối với chúng sanh là phương tiện hành đạo rất thù thắng. Nếu chẳng có tu các phước đức sự, thì người và các loài súc sanh đều đồng nhau ở nơi dâm dục, ăn uống và đấu tranh. Ở thế gian, những người hành chánh đạo, và những người tu phước được mọi người thương mến, tôn trọng.

Ví như vào những đêm trăng sáng, mát mẻ, mọi người đều cảm thấy dễ chịu khoan khoái. Cũng như vậy, người tu phước tự cảm thấy hoan hỷ, khinh an.

–oOo–

Nên biết có 2 loại phước đức. Đó là:

  1. Phước đức thế gian
  2. Phước đức xuất thế gian

Các pháp vô lậu xuất thế gian, tuy chẳng hiện “phước tướng”, nhưng lại thường dẫn sanh các phước đức. Do vậy, mà trong kinh nói đến phước đức hữu lậu và phước đức vô lậu.

Lại cũng nên biết thật hành đầy đủ phước đức, cũng là bản nguyện của Bồ Tát. Hết thảy các bậc Thánh đều tán thán và kính ngưỡng người hành đẩy đủ các phước đức, chỉ có kẻ vô trí mới chê bai, khinh dễ mà thôi.

Các bậc đại trí đã viễn ly các hành xứ, nên được phước đức thù thắng, vô lượng. Do vậy mà các ngài mới tùy duyện ứng hiện, hoặc làm Chuyển Luân Thánh Vương hoặc làm Thiên Vương, hoặc làm A La Hán, Bích Chi Phật…để hóa độ chúng sanh.

Lại nữa, chư Phật đã đầy đủ đại từ, đại bi, 4 vô sở úy, 4 vô ngại trí, nhất thiết chủng trí, đã được tự tại, vô ngại…Tất cả đều từ phước đức sanh ra cả.

Như vậy, nếu có được đầy đủ phước đức là có đầy đủ chánh kiến, và có đầy đủ chánh kiến rồi, mới sanh tâm tùy hỷ.

Bồ Tát tùy hủy phước đức, tự niệm rằng: Ta phải ban vui cho hết thảy chúng sanh, khi thấy chúng sanh hành phước đức, ta phải sanh tâm tùy hỷ, khi thấy chúng sanh hành các thiện pháp, ta phải xem chúng sanh đó có đồng sự với ta, tương tợ như ta, là pháp hữu của ta. Do vậy mà ta phải sanh tâm hoan hỷ.

Lại nữa, cũng nên biết chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thanh Văn cùng các chúng sanh hành thiện pháp như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định,…đều dẫn xuất từ phước đức cả.

Bồ tát tùy hỷ các phước đức như vậy, rồi đem công đức tùy hỷ đó, để cùng với hết thảy chúng sanh, đồng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, mà chẳng trú, chẳng đắc.

Lại nữa, Bồ Tát, vì hết thảy chúng sanh, bố thí hết thảy các quả phước báo, nên được vô lượng phước đức, được cúng dường đầy đủ. Tuy được cúng dường đầy đủ như vậy, mà Bồ Tát lại chẳng sanh tâm chấp đắm. Bồ Tát dùng các tài vật cúng dường để làm các việc lợi ích cho chúng sanh.

Bồ Tát, vì chúng sanh, thuyết pháp, khiến họ tu tập được 10 thiện căn, 4 thiền, tứ vô lượng tâm v.v…, khiến họ được lợi ích ở đời này và cả đời sau, và dần dần vào được Phật đạo. Bồ Tát dùng các phước đức để thanh tịnh các nghiệp “thân, khẩu ” nên được đẩy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, vô lượng quang minh, khiến chúng sanh nhìn thấy chẳng có nhàm chán.

Lại nữa, Bồ Tát có vô lượng “phạm âm” hòa nhã, thanh tịnh, và ở trong Phật Pháp thường được vô ngại giải thoát.

Bồ Tát thị hiện 3 pháp sự. Đó là:

  1. Độ vô lương chúng sanh.
  2. Thị hiện nhập Niết Bàn
  3. Lưu bố xá lợi lại ở thế gian, sau khi nhập Niết Bàn.

Bồ Tát đem tất cả các phước đức, để cùng với hết thảy chúng sanh đồng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, nhằm gieo trồng căn lành nơi chúng sanh, dẫn dắt họ vào Phật đạo.

Bởi nhân duyên vậy, nên từ sơ phát tâm…dẫn đến khi thành đạo, Phật đã thành tựu vô lượng phước đức, và đã cùng với hết thảy chúng sanh đồng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề. Phật tùy hỷ hồi hướng như vậy với tâm bất động, vô sở đắc. Thế nhưng, Phật vẫn thường tùy thuận tâm chúng sanh, dùng các lực phương tiện hành các thiện pháp, làm lợi ích cho chúng sanh.

–oOo–

Như trước đây đã nói: Nếu đem so sánh các phước đức bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định,v.v…của hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật, thì sự tùy hỷ phước đức của Bồ Tát thù thắng hơn nhiều. Vì sao? Vì hàng Nhị Thừa hành các phước đức sự, chỉ nhằm đề tự điều, tự tịnh và tự độ.

Ví như:

– Trì giới là tự điều; tu thiền định là tự tịnh; tu trí huệ là tự độ

– Hành chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là tự điều, hành chánh nghiệp, chánh định là tự tịnh

– Do nhân duyên bố thí, mà tự điều; do nhân duyên trì giới, mà tự tịnh; do nhân duyên tu thiền định, mà tự độ.

Nên biết rằng tu 37 phẩm trợ đạo, 3 giải thoát môn, tu bố thí, trì giới…dẫn đến thiền định dẫn đường vào vô lậu pháp, nhưng các pháp môn tu đó vẫn còn xa vô lậu pháp.

Vì còn xa vô lậu pháp, nên hành giả chưa có thể liễu thông được sự tùy hỷ phước đức của Bồ Tát.

Bồ Tát dù chẳng hao công, phí sức trong việc tự điều, tự tịnh, tự độ, nhưng do nguyện lực muốn độ thoát hết thảy chúng sanh, mà sự tùy hỷ phước đức của Bồ Tát thù thắng hơn cả.

Hỏi: Nếu thật chẳng độ chúng sanh, thì vì sao lại nói do muốn độ thoát hết thảy chúng sanh, mà sự tùy hỷ phước đức của Bồ Tát là thù thắng hơn cả.

Đáp: Chư Phật và Chư đại Bồ Tát đều có công đức lực, độ thoát hết thảy chúng sanh. Sở dĩ có chúng sanh chưa được độ, vì họ chưa hội đủ nhận duyên để được độ vậy.

Ví như lửa có công năng thiêu đốt củi. Thế nhưng, nếu chẳng tác duyên cho lửa ở gần bên củi, thì lửa chẳng sao thiêu đốt được củi. Trái lại, nếu để củi cạnh lửa, thì củi liền bén lửa và bốc cháy.

Ngài Tu Bồ Đề dùng “cứu canh không trí huệ” hỏi ngài Di Lặc rằng: Niệm phước đức của chư Phật và tủy hỷ hồi hướng các phước đức ấy về Vô Thượng Bồ Đề đều là niệm các sự việc quá khứ. Chỗ niệm như vậy có được chăng ?

Ngài Di Lặc, y vào 2 duyên pháp, đáp “chẳng phải vậy”. Đó là:

Vì các đức Phật quá khứ đã diệt độ trải qua vô lượng kiếp. Nếu Bồ tát chưa có “túc mạng thông trí”, hay chưa có đầy đủ “túc mạng thông trí ”, thì chẳng thể nào thấu suốt được. Vì sao? Vì nếu chỉ nương vào chỗ được nghe, nhớ tưởng chỗ phân biệt trong kinh, thì chẳng sao đạt đến chỗ “như niệm” được.

–  Vì công đức của chư Phật chẳng thể suy lường được, công đức của chư Phật vượt ra khỏi 3 cõi, vượt ra khỏi 3 đời, là rốt ráo không, là tịch diệt tướng Niết Bàn vậy.

Bởi vậy nên phân biệt công đức của chư Phật và chư đại đệ tử của chư Phật, rồi dùng tâm tùy hỷ hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề là chảng thật có vậy. Cho nên nói sự tùy hỷ hồi hướng như vậy là rốt ráo không, là rốt ráo thanh tịnh.

Ngài Tu Bồ Đề nói: Nếu chẳng có pháp sự hiện hành, mà chỉ có ức niệm phân biệt, thì là điên đảo tưởng. Nếu có pháp sự, thì pháp sự đó cũng là rốt ráo không, Bởi vậy nên thanh tịnh ức niệm cũng như công đức của chư Phật quá khứ đều là rốt ráo không, đều là vô phân biệt. Đã là rốt ráo không, là vô phân biệt, thì làm sao mà tùy hỷ được ?

Ngài Di Lặc đáp: Chư Bồ Tát dụng duyên sự như vậy, để tùy hỷ hồi hướng phước đức của chư Phật về Vô Thượng Bồ Đề, mà chẳng thủ chấp sự hồi hướng. Đây mới thật là chân hồi hướng.

Ngài Tu Bồ Đề nói: Bồ Tát ức niệm chư Phật quá khứ đã diệt độ trải qua vô lượng kiếp. Như vậy là Bồ Tát đã phát khởi tùy hỷ phước đức nơi phước điền vô thượng của chư Phật.

Bởi vậy nên, khi niệm Phật, khi nghe một danh hiệu của một vị Phật quá khứ nào, là phải y nơi đó mà rộng niệm hết thảy chư Phật quá khứ. Vì sao? Vì từ khi sơ phát tâm, chư Phật đã phát thệ nguyện rộng độ hết thảy chúng sanh. Khi niệm như vậy, thì tâm sẽ tương ưng với 3 thiện căn “vô tham, vô sân và vô si”. Nhờ vậy mà tinh tấn hành các thiện pháp, dẫn đến được các nghiệp “thân và khẩu” thanh tịnh, hòa hợp với các thiện pháp. Đây mới là thanh tịnh phước đức.

Lại nữa, Bồ Tát từ sơ phát tâm đã hành 6 pháp Ba La Mật, nên khi vào Bồ Tát Vị, khi được đầy đủ 10 địa, khi tọa đạo tràng, và mãi cho đến khi nhập Vô Dư Niết Bàn, vẫn thường tu phước đức hòa hợp với Phật đạo.  Sau khi nhập Niết Bàn, lại còn lưu bố xá lợi cho các hàng Trời, Người cung kính, cúng dường.

Phước đức này, ở nơi tự thân của Bồ Tát, tương ưng với 6 Ba La Mật, nên các thiện pháp mà Bồ Tát hành đều tương ưng với 6 Ba La Mật cả.

–oOo–

Các hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật tu bố thí, trì giới…dẫn đến tu thiền định chỉ được các công đức sau đây:

– Hoặc được lậu tận, trở thành bậc “vô học”.

– Hoặc được đạo mà chưa được lậu tận, trở thành bậc “hữu học”.

Hàng “vô học” có phước đức thù thắng hơn hàng “hữu học”. Vì sao? Vì hàng  “vô học” có đầy đủ tướng tốt trang nghiêm và đẩy đủ thiện căn công đức, còn hàng “hữu học” có đầy đủ tướng tốt trang nghiêm, mà chưa có được đầy đủ thiện căn công đức. Lại nữa, hàng “vô học” có đại từ, đại bi theo như nghĩa trong Đại thừa Pháp.

–oOo–

Như trước đây đã nói: Chư Phật thuyết pháp, khiến những ai y theo đó mà tu hành, thì sẽ được quả Tu Đà Hoàn…dẫn đến Bồ Tát vị. Lại nữa, sau khi Phật diệt độ thì giáo pháp của Phật vẫn còn lưu truyền lại đời sau, dạy cho chúng sanh trồng được căn lành Đại thừa nhằm dẫn dắt chúng sanh vào Phật đạo.

Lại nữa, khi Phật còn trụ thế, thì giáo pháp của Phật được truyền dạy cho các hàng Trời, Người,..dẫn đến cho các loài súc sanh, tạo nhân duyên để họ gieo trồng phước đức.

Bởi vậy nên tu phước đức mà phát tâm khắp duyên hết thảy chúng sanh chánh ức niệm, nhất tâm cầu Phật đạo, và tùy hỷ hồi hướng phước đức về Vô Thượng Bồ Đề, thì sự tùy hỷ đó mới thật là tối thướng, là tối diệu, là vô đẳng đẳng.

Hỏi: Vì sao người cầu Phật đạo chẳng đem công đức của mình để hồi hướng, mà chỉ đem tâm tùy hỷ phước đức để hồi hướng?

 Đáp: Chư Bồ Tát dùng các lực phương tiện dạy chúng sanh tinh tấn tu phước đức, và cũng dạy chúng sanh phát tâm tùy hỷ phước đức. Vì sao? Vì tủy hỷ phước đức thù thắng hơn tự mình tu phước đức. Ví như niệm Phật quá khứ cũng tức là “niệm Phật tam muội”, nhiếp cả 6 niệm, gồm “niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm xả, niệm giới và niệm Thiên”.

Do thanh tịnh hạnh như vậy mà vào được các thiền định, khởi sanh trí huệ, được “chánh tùy hỷ” …dẫn đến thật hành được các pháp. Vì sao? Vì dụng tâm tùy hỷ hồi hướng tức là dụng tâm duyên hết thảy chúng sanh, duyên hết thảy chư Hiền Thánh, chư Bồ Tát cùng chư Phật vậy.

Người tu hành phải dụng tâm duyên như vậy để làm căn bản cho sự tu phước đức. Chẳng những dụng tâm duyên như vậy, mà tự thân cũng phải hành các công đức sự.

–oOo–

Ngài Tu Bồ Đề hỏi ngài Bồ Tát Di Lặc rằng: Nếu có Thiện nam, Thiện nữ hành Bồ Tát Đao, mà còn  nghĩ là mình có tâm hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề, còn chấp có tướng hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề, thì chỗ niệm như vậy có được chăng ?

Ngài Bồ Tát Di Lặc đáp: Niệm như vậy chẳng thế nào đạt đến chỗ “như niệm” được.

Bởi nhân duyên vậy, nên ngài Tu Bồ Đề nói: Nếu chấp có “duyên”, có “sự ” thì liền bị rơi vào 4 điên đảo.

4 tưởng điên đảo đó là: Vô Thường mà tưởng là thường, khổ mà tưởng là lạc, vô ngã mà tưởng là ngã, bất tịnh mà tưởng là tịnh.

Hỏi: Người mới nhập đạo, tuy tâm chẳng phải là điên đảo, nhưng thường khởi điên đảo, nên thấy các tướng điên đảo. Như vậy, khi người này đã rõ được các Đế rồi, thì có đoạn được các tưởng điên đảo chăng ?

Đáp: Tưởng điên đảo khi sanh khởi khác với khi đoạn diệt. Vì sao ? Vì khi sanh tưởng điên đảo, thì thấy các pháp tướng cũng điên đảo. Thế nhưng, khi đã liễu ngộ được các Đế rồi, thì chẳng còn tưởng điên đảo. Vì vậy, chẳng còn thấy các pháp tướng điên đảo nữa. Đây gọi là “ kiến đế sở đoạn”.

Hàng “hữu học”, do chưa ly dục, nên còn khởi các kiết sử, lại do chưa đầy đủ chánh ức niệm, nên còn ức niệm, suy nghĩ còn phải thủ lấy tịnh tướng. Thế nhưng, khi đầy đủ chánh ức niệm rồi, thì các ức niệm điên đảo cùng các kiết sử liền bị tiêu diệt.

Trong kinh có nêu ví dụ về một giọt nước rơi vào đám lửa lớn tức thì bị hủy diệt. Cũng như vậy, khi đã có được chánh ức niệm, đã vào được thật tướng pháp rồi, thì biết rõ các pháp đều là giả danh, đều chẳng thật có khiến các tưởng điên đảo liền bị hủy diệt.

Lại nữa, vì các “duyên”, các “sự” đều là rốt ráo không, nên “niệm khởi” cũng là rốt ráo không Đàn Ba La Mật…dẫn đến 18 bất cộng pháp cũng đều là rốt ráo không, đều chỉ là 1 tướng ( nhất tướng), đều chẳng có tướng (vô tướng).

Bởi vậy nên nói chẳng có gì để gọi là “duyên”. chẳng có gì để gọi là “sự”…dẫn đến chẳng có gì để gọi là “hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề” cả.

KINH:

Ngài Di Lặc nói: Thưa ngài Tu Bồ Đề! Nếu có vị Bồ Tát nào đã từ lâu tu tập 6 pháp Ba La Mật, cúng dường chư Phật, gieo trồng thiện căn, gần gũi thiện tri thức, khéo tu học pháp tướng không, thì phải biết vị Bồ Tát đã ở nơi các duyên, nơi các sự, nơi các thiện căn như vậy, mà tùy hỷ hồi hướng phước đức của chư Phật về Vô Thượng Bồ Đề, nhưng chẳng chấp tướng hồi hướng. Vì sao? Vì tùy hỷ hồi hướng chẳng phải là “Nhị pháp”, cũng chẳng phải là “bất nhị pháp”, chẳng phải có tướng cũng chẳng phải chẳng có tướng, chẳng phải “khả đắc” cũng chẳng phải “bất khả đắc”, chẳng phải cấu cũng chẳng phải tịnh, chẳng có sanh cũng chẳng có diệt.

Đây mới thật là chánh hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề.

Nếu có vị Bồ Tát nào tu tập 6 pháp Ba La Mật chẳng được bao lâu, chẳng thường cúng dường chư Phật, chẳng thường gieo trồng thiện căn, chẳng thường gần gũi thiện tri thức, chẳng khéo tu học pháp tướng không, thì phải biết Bồ Tát đó đã ở nơi các duyên, nơi các sự, nơi các thiện căn như vậy, mà tùy hỷ hồi hướng phước đức của chư Phật về Vô Thượng Bồ Đề, rồi lại chấp lấy tướng hồi hướng.

Đây chẳng phải là chánh hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề.

Thưa ngài Tu Bồ Đề ! Nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật … dẫn đến nghĩa của nhất thiết chủng trí, nghĩa của nội không … dẫn đến nghĩa của vô pháp hữu pháp không là như vậy đó. Chớ nên vì hàng tân học Bồ Tát, giải nói cho họ nghe. Vì sao? Vì các Bồ Tát sơ phát tâm chưa có nhiều trí huệ. Nếu giải nói cho họ nghe như vậy, họ sẽ mất lòng tôn kính diệu pháp, và đồng thời tín tâm thanh tịnh vừa mới khởi phát nơi họ sẽ bị sút giảm.

Còn đối với các Bồ Tát bất thối chuyển, các Bồ Tát thường được các bậc thiện tri thức hộ trì, các Bồ Tát đã từ lâu cúng dường chư Phật, thì phải nên vì họ giải nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật như vậy, nghĩa của nhất thiết chủng trí như vậy, nghĩa của nội không… dẫn đến của vô pháp hữu pháp không như vậy. Vì sao? Vì các Bồ Tát này nghe nghĩa như vậy, mà vẫn giữ được tâm an định, chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ.

Thưa ngài Tu Bồ Đề! Nếu có Bồ Tát nào nghe nghĩa như vậy, mà chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ, thì phải biết đó là Bồ Tát Ma Ha Tát tùy hỷ hồi hướng phước đức về Vô Thượng Bồ Đề. Bồ Tát dụng tâm tùy hỷ,  mà tâm đó chính là tâm tận diệt, tận biến tận ly. Dẫn đến các duyên, các sự, các thiện căn như vậy. Cho nên là chẳng có gì để gọi là “duyên”, chẳng có gì để gọi là “sự”, chẳng có gì để gọi là “thiện căn”, chẳng có gì để gọi là “tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề” nữa.

Thưa ngài Tu Bồ Đề! Nếu tâm tùy hỷ và tâm hồi hướng chẳng phải là hai tâm chung khởi, thì tâm tánh hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề là bất khả đắc vậy. Như vậy làm sao Bồ Tát có thể dùng tâm tùy ỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề được?

Thưa ngài Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, mà biết rõ Bát Nhã Ba La Mật là vô sở hữu; biết rõ Đàn Ba La Mật…dẫn đến thiền Ba La Mật là vô sở hữu, biết rõ 5 ấm… dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề là vô sở hữu, thì mới có được “chánh tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề”.

LUẬN:

Hành trì đúng theo chánh nghĩa Bát Nhã Ba La Mật, mà chẳng hoại các pháp tướng, rồi tùy hỷ phước đức hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, là việc khó làm, khiến hàng phàm phu chẳng sao kham nhận được. Bởi vậy nên ngài Di Lặc nói rằng: Phải là người đã từ lâu tu tập 6 pháp Ba La Mật, đã được công đức sâu dày, mới có được tâm an định hành trì như vậy. Thiện nam, Thiện nữ hành trì được như vậy phải là người đã nhiều đời cúng dường chư Phật, đã huân tập các thiện căn, đã chứa nhóm vô lượng vô biên công đức, đã dẹp sạch kiết sử, đã được tâm nhu nhuyến, đã thân cận gẫn gũi thiện tri thức, đã có đầy đủ phương tiện lực, đã tu tập các pháp không, đã chẳng chấp không. Do được vô lượng vô biên công đức như vậy, nên ở nơi “vô tướng pháp”, mà phát tâm tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề.

Ví như sắt cứng rắn, nhưng nếu bỏ vào lò nung, thì cũng trở thành mềm, khiến người thợ rèn có thể làm ra đủ thứ dao, kéo, cùng các dụng cụ khác, tùy theo ý muốn.

Cũng như vậy, do từ lâu tu tập 6 pháp Ba La Mật, lại nhờ được sự hộ trì của các bậc thiện tri thức, nên Bồ Tát được tâm nhu nhuyến, khiến ở nơi các duyên, các sự, các thiện căn, cũng như ở các nơi phước đức của chư Phật quá khứ, đều chẳng chấp thủ. Do vậy mà Bồ Tát vẫn thường khởi tâm tùy hỷ, dụng vô tướng pháp, hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề. Dụng “vô tướng pháp” có nghĩa là chẳng dùng “nhị pháp” cũng chẳng dùng “bất nhị pháp”…dẫn đến chẳng dùng “sanh pháp” cũng chẳng dùng “diệt pháp”.

Đây là “chánh tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề”. Nếu trái lại, thì chẳng phải là chánh tùy hỷ hồi hướng.

Ngài Di Lặc biết rõ ngài Tu Bồ Đề thường thuyết pháp không, nên mới nói nghĩa Bát Nhã Ba La Mật như vậy, Thế nhưng, đối với hàng tân học Bồ Tát, chớ nên vội nói như vậy. Vì sao? Vì hàng tân học Bồ Tát, do chưa có được đầy đủ phước đức, chưa có thiện căn sâu dày, nếu nghe các pháp rốt ráo không, thì liền khởi chấp “không”, và tự nghĩ rằng: Nếu các pháp là rốt ráo không, là vô sở hữu, thì chẳng có pháp gì để huân tu cả.

Do nghĩ như vậy, mà các tân pháp phát tâm Bồ Tát mất dần chủng thiện căn, giải đãi trong việc tu tập.

Bởi vậy nên đối với những người tu tập Bồ Tát đạo, thì phải dạy họ thực tập dần dần sự tùy hỷ hồi hướng các phước đức thiện căn. Khi họ được đầy đủ tâm tận diệt, tận biến, tận ly rồi, thì mới dạy họ dụng “vô tướng tâm pháp” mà tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề.

Ví như con chim chưa có đầy đủ lông cánh, chẳng nên tung nó lên cao. Khi nó có đầy đủ lông cánh rồi, thì mới có thể bay xa được.

–oOo–

Đối với hạng Bồ Tát bất thối chuyển, mới nên nói nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật…dẫn đến nghĩa của nhất thiết chủng trí, nghĩa của nội không…dẫn đến nghĩa của vô pháp hữu pháp không như vậy.

Ngoài ra, đối với 2 hạng người sau đây, cũng nên vì họ nói các nghĩa như trên. Đó là:

– Hạng người thường được các thiện tri thức giáo thọ và hộ trì.

– Hạng người đã từ lâu cúng dường chư Phật, đã có nội phước đức ngoại nhân duyên đầy đủ, nên dù chưa được bất thối chuyển, cũng đã thường tín, thường hành.

 Ví như người đang khát được uống, đang đói được ăn, đang đi ngoài nắng gặp cơn gió mát mẻ, đang lạnh được nắng sưởi ấm…liền sanh tâm hoan hỷ. Cũng như vậy, các hạng người nêu trên đây, khi được pháp nghĩa vậy, liền sanh tín tâm thanh tịnh.

Lại nữa, khi đã rõ được pháp nghĩa như trên là vào được “vô tướng trí huệ”, nên chư vị ấy tự niệm rằng: Được “vô tướng trí huệ” ta sẽ có đầy đủ các lực phương tiện để cứu độ vô lượng chúng sanh. Do nghĩ như vậy, mà chư vị ấy chẳng có kinh, chẳng có hãi, chẳng có sợ. Vì sao ? Vì như do nơi tâm thức chấp ngã mà khởi sanh có tướng sợ hãi ; nay biết rõ các pháp đều chẳng thật có, đều là vô tướng, thì chẳng còn chấp ngã và ngã sở, nên chẳng còn sợ hãi nữa.

Trái lại, phàm phu, do chấp tâm, chấp tướng, nên vừa nghe nói các pháp là “vô tướng”, thì liền sanh tâm sợ hãi.

–oOo–

Sau khi đã nói rõ về nghĩa tùy hỷ hồi hướng, ngài Di Lặc nói rộng thêm rằng: Bồ Tát dụng tâm tùy hỷ hồi hướng, mà tâm đó chính là tâm tận diệt, tận biến, tận ly; tâm đó chẳng có trú xứ, chẳng có trú thời. Các duyên, các sự, các thiện căn, các phước đức của chư Phật quá khứ…dẫn đến tâm tùy hỷ hồi hướng cũng là như vậy.

Thế nên “tâm tùy hỷ hồi hướng” đã diệt từ lâu, vừa mới diệt hay sắp diệt cũng chẳng có gì sai khác nhau cả.

Bởi nhân duyên vậy, nên kinh dạy: tâm tùy hỷ hồi hướng tận diệt, tận biến, tận ly. Các duyên, các sự, các thiện căn…cũng đều là như vậy cả.

Liễu thông được nghĩa ấy là vào được thật tướng pháp, chẳng còn có vọng khởi phân biệt giữa duyên và sự, giữa tâm tùy hỷ và tâm hồi hướng nữa. Đây mới là “chánh tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề”.

–oOo–

 Lại nữa, ở một thời “nhất thời” chẳng có hai tâm chung khởi, chẳng có hai tâm hòa hợp; có tâm tùy hỷ, thì chẳng có tâm hồi hướng, và ngược lại. Cho nên phải biết rõ rằng hết thảy các tâm hướng đều là rốt ráo không, đều là bất khả đắc cả.

Bồ Tát dụng tâm tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề, mà chẳng chấp tâm hồi hướng, chẳng chấp tướng hồi hướng. Vì sao? Vì Bồ Tát biết rõ Bát Nhã Ba La Mật chẳng phải là định pháp. Bát Nhã Ba La Mật đã chẳng phải là định pháp, thì hết thảy các pháp, từ năm ấm…dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề cũng đều là như vậy cả.

Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát mới đoạn được các pháp ái, xả được các chấp, vào được nơi thật tướng pháp; ở nơi “vô tướng pháp”, mà dụng tâm tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề. Đây mới là “chánh tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề”.

KINH:

Lúc bấy giờ, ngài Thích Đề Hoàn Nhơn hỏi ngài Tu Bồ Đề: Thưa Đại Đức! Vì sao cũng có Bồ Tát sơ phát tâm, nghe theo nghĩa này, mà chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ? Vì sao cũng có Bồ Tát phát tâm tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Thưa ngài Kiều Thi Ca! Nếu có Bồ Tát sơ phát tâm nào hành Bát Nhã Ba La Mật, mà chẳng thọ Bát Nhã Ba La Mật, thì phải biết vị Bồ Tát này đã thâm tín, đã liễu nội không…dẫn đến vô pháp hữu pháp không; đã thâm tín, đã liễu giải 4 niệm xứ…dẫn đến 18 bất cộng pháp, vị Bồ Tát này đã thường thân cận các thiện tri thức; đã được các thiện tri thức giáo thọ; khai thị và phân biệt rõ nghĩa của 6 pháp Ba La Mật, khiến trọn chẳng ly Bát Nhã Ba La Mật, trọn chẳng ly 4 niệm xứ…dẫn đến 18 bất cộng pháp, dần dần vào được pháp vị, lại được các thiện tri thức giáo thọ, khai thị và phân biệt rõ về các ma sự, khiến đối trước các ma sự, tâm chẳng hề lay động. Vì sao? Vì Bồ Tát này chẳng thọ hết thảy pháp.

Bồ Tát này cũng thường chẳng ly các đức Phật…dẫn đến vào được Bồ Tát vị; ở nơi đây mà gieo trồng các thiện căn. Do có được các thiện căn như vậy, mà được sanh vào “nhà Bồ Tát”…dẫn đến sẽ được Vô Thượng Bồ Đề, trọn chẳng bao giờ bỏ gieo trồng thiện căn.

Lại nữa, thưa ngài Kiều Thi Ca! Dù là sơ phát tâm, nhưng trong quá khứ, vị Bồ Tát này đã thường thân cận, cúng dường chư Phật khắp 10 phương, đã dứt đường sanh tử, đã đoạn các hý luận, đã bỏ hẳn gánh nặng thế gian, đã dứt trừ các kiết sử hữu lậu, đã được chánh trí giải thoát. Vị Bồ Tát này cùng các đệ tử cũng đã tu tập công đức, hoặc đã ở trong các đại gia, đại tộc, hoặc đã ở các cõi Trời, từ cõi Trời Tứ Thiên Vương…dẫn đến cõi Trời Tịnh Cư Thiên. Như vậy là ở trong quá khứ, vị Bồ Tát này đã hòa hợp các công đức xứng với Bồ Tát hạnh, đã dụng tâm tùy hỷ tối thượng, tối diệu, vô đẳng đẳng, mà hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề rồi vậy.

Ngài Di Lặc nêu câu hỏi: Thưa ngài Tu Bồ Đề! Nếu chỉ mới là sơ phát tâm, mà niệm chư Phật, niệm chư đệ tử Phật, niệm các thiện căn, rồi dụng tâm tùy hỷ tối thượng, tối diệu, vô đẳng đẳng, hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề, thì làm sao tránh khỏi đọa về tướng điên đảo, tâm điên đảo và kiến điên đảo?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Bạch Đại Sĩ! Nếu Bồ Tát niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng…dẫn đến niệm thiện căn, mà chẳng có khởi tưởng về Phật, về Pháp, về Tăng…dẫn đến chẳng có khởi tưởng về các thiện căn, rồi dụng tâm tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề, mà trong tâm đó chẳng có khởi tưởng về tâm, thì phải biết sự tùy hỷ hồi hướng này chẳng đọa về tưởng điên đảo, tâm điên đảo và kiến điên đảo.

Nếu Bồ Tát niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng…dẫn đến niệm các thiện căn, mà tâm chấp tướng, rồi dụng tâm ấy để hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề, thì phải biết sự tùy hỷ hồi hướng này đọa về tưởng điên đảo, tâm điên đảo và kiến điên đảo.

Nếu Bồ Tát dụng tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng… dẫn đến niệm các thiện căn, mà biết rõ tâm niệm là tận diệt… dẫn đến tâm tùy hỷ hồi hướng, chỗ tùy hỷ hồi hướng, pháp tùy hỷ hồi hướng cũng đều là tận diệt; lại biết rõ vì tận diệt, nên các pháp đó đều bất khả đắc, thì phải biết sự dụng tâm tùy hỷ hồi hướng này chẳng đọa về tưởng điên đảo, tâm điên đảo và kiến điên đảo.

Đây là “chánh tủy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề”.

Lại nữa, nếu Bồ Tát niệm thiện căn của chư Phật quá khứ và của chư đệ tử Phật; niệm thiện căn của hàng phàm phu, của các hàng Thiên Long Bát Bộ, do nghe pháp mà phát tâm Bồ Đề; rồi hòa hợp hết thảy các phước đức đó, dụng tâm tùy hỷ tối thượng, tối diệu, vô đẳng đẳng hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề, mà biết rõ tâm tùy hỷ hồi hướng là tận diệt, chỗ tùy hỷ hồi hướng và pháp tùy hỷ hồi hướng là tự tánh không, thì phải biết sự tùy hỷ hồi hướng này chẳng đọa về tưởng điên đảo, tâm điên đảo và kiến điên đảo.

Đây là “chánh tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề”.

Bồ Tát phải dụng tâm như vậy mà hành Bát Nhã Ba La Mật, hành Đàn Ba La Mật… dẫn đến hành Thiền Ba La Mật, thì mới chẳng đọa về tưởng điên đảo, tâm điên đảo và kiến điên đảo.

Bồ Tát dụng tâm như vậy, nên chẳng thấy có pháp nào hồi hướng cho pháp nào cả, chẳng thấy có tâm tùy hỷ hồi hướng, chẳng thấy có chỗ dụng tâm tùy hỷ hồi hướng, chẳng thấy có thiện căn để tùy hỷ hồi hướng, vì biết rõ hết thảy pháp đều là vô sở hữu, đều là tự tướng không.

Đây là Bồ Tát Ma Ha Tát tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề.

LUẬN:

Hỏi: Do nguyên nhân gì mà vị Đế Thích nêu lên 2 câu hỏi:

Vì sao cũng có Bồ Tát sơ phát tâm, nghe nghĩa này, mà chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ?

Vì sao cũng có Bồ Tát sơ phát tâm tùy hỷ phước đức, hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề?

Đáp: Trước đây, ngài Di Lặc đã nói rằng: Chẳng nên vì các Bồ Tát sơ phát tâm mà nói chánh nghĩa Bát Nhã Ba La Mật, mà chỉ nên nói với các Bồ Tát bất thối chuyển, với các người thường được các bậc thiện tri thức giáo thọ và hộ trì, với hạng người đã từ lâu cúng dường chư Phật, đã có đầy đủ các phước đức nhân duyên. Chư vị này từ vô lượng kiếp đã huân tu vô lậu pháp, vẫn thường tín, thường hành, mới có thể nghe được rằng “chánh tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề” là “vô pháp”.

Do nhân duyên vậy mà vị Đế Thích mới khởi tâm nghi, mà nói với ngài Tu Bồ Đề rằng: Trong hội chúng này cũng có các vị Bồ Tát sơ phát tâm nghe chánh nghĩa Bát Nhã Ba La Mật mà chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sơ, lại cũng có các vị Bồ Tát sơ phát tâm tùy hỷ phước đức, hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề.

Do vì muốn thành tựu duyên pháp mà ngài Di Lặc đã nêu lên, nên ngài Tu Bồ Đề đã vì hàng sơ phát tâm Bồ Tát, nói rõ về nghĩa “chánh tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề”. Ngài trả lời vị Đế Thích rằng: Bồ Tát dù mới sơ phát tâm, chưa huân tu trong nhiều kiếp, chưa hành đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, chưa cúng dường đầy đủ chư Phật trong 10 phương, nhưng nếu có được lợi căn, nếu gặp được thiện tri thức giáo thọ và hộ trì, thì với 2 duyên pháp này cũng có thể kham nhận việc tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề.

Bởi vậy nên kinh dạy: Nếu có vị sơ phát tâm Bồ Tát nào hành Bát Nhã Ba La Mật, mà chẳng thọ Bát Nhã Ba La Mật, thì vị Bồ Tát đó đã biết rõ Bát Nhã Ba La Mật là rốt ráo không, là bất khả đắc, biết rõ 5 Ba La Mật kia cũng đều là như vậy, Bồ Tát đó cũng đã thâm tín, liễu giải nội không… dẫn đến vô pháp hữu pháp không, đã thâm tín, liễu giải 4 niệm xứ…dẫn đến 18 bất cộng pháp. Bồ Tát đó đã thường thân cận các bậc thiện tri thức, được các vị này dạy rõ về chánh nghĩa Bát Nhã Ba La Mật, nghe nghĩa như vậy rồi, thường chẳng ly 6 pháp Ba La Mật… dẫn đến vào Bồ Tát vị. Cho nên, dù mới sơ phát tâm, Bồ Tát đó cũng có thể sớm vào Bồ Tát vị, trong lúc rất nhiều người phải tu lâu mới vào được. Lại nữa, Bồ Tát đó cũng đã được nghe các bậc thiện tri thức khai thị, phân biệt rõ ràng về các ma sự, nên dù có bị các ác ma quấy nhiễu cũng vẫn giữ được tâm an định, chẳng hề bị lay chuyển. Vì sao? Vì vị Bồ Tát đó đã thể nhập vào pháp “không” nên ma chẳng tìm được chỗ tiện để quấy nhiễu. Nếu ma muốn phá, thì đó chính là phá pháp “không”, mà ở nơi pháp không, thì chẳng có gì để phá cả.

Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát thường chẳng ly chư Phật, thường sanh trong nhà Bồ Tát, đời đời chẳng ly niệm các thiện căn, mãi cho đến khi vào được Vô Thượng Bồ Đề

Nếu vị Bồ Tát sơ phát tâm mà hội đầy đủ các duyên pháp như vậy, thì so với các vị Bồ Tát đã huân tu từ lâu cũng chẳng có gì sai khác.

–oOo–

Lại nữa, nếu Bồ Tát nào đã có tâm tùy hỷ hồi hướng, thì phải biết vị Bồ Tát đó ở trong quá khứ đã thường cúng dường chư Phật 10 phương, đã đoạt dứt sanh tử, đã doạn dứt các hý luận, đã vào được “không tam muội”, đã vào được Vô Dư Niết Bàn, đã xả bỏ Thánh đạo, nên nói là đã đạt đến chỗ “đạo tận”, lại cũng đã xả bỏ 5 ấm, đầu mối của khổ đau, nên nói là đã xả bỏ gánh nặng thế gian.

–oOo–

Cũng nên biết, người tu hành, khi đã vào được Vô Dư Niết Bàn, đã thành tựu được hai hạnh xả. Đó là:

Xả 5 ấm phiền não.

Xả 5 ấm quả báo.

Người xuất gia chẳng nên thường lui tới nhà các người “bạch y”. Vì sao? Vì ở đây thường có 5 dục. Nếu người xuất gia để cho 5 dục kích thích, thì 5 dục sẽ phá hoại thiền định, trí tuệ.

Nếu đoạn được sự kích thích của 5 dục, là đoạn được 5 “hạ phần kiết sử”. Còn muốn đoạn 5 “thượng phần kiết sử”, thì phải vào “kim cang tam muội”, phải tương ứng với “trí huệ Bát Nhã”, mới có thể tận đoạn được hết thảy các tập khí, phiền não.

Được như vậy, gọi là được “chánh trí giải thoát”.

 –oOo–

Cũng nên biết Phật, Pháp, Tăng và các thiện căn là 4 phước điền lớn. Các phước điền này là nhân để chúng sanh gieo trồng phước đức.

Bồ Tát niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng…dẫn đến niệm thiện căn, rồi dụng tâm tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề.

Đây là “chánh tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề”.

Vấn đề này được lý giải trong phần vấn đáp giữa Bồ Tát Di Lặc và ngài Tu Bồ Đề, như sau:

Bồ Tát Di Lặc hỏi: Nếu Bồ Tát mới sơ phát tâm mà niệm các công đức của chư Phật, rồi tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề, thì làm sao có thể tránh khỏi đọa về tưởng điên đảo, tâm điên đảo, và kiến điên đảo?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Nếu Bồ Tát niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng… dẫn đến niệm thiện căn, mà chẳng khởi tưởng về Phật, về Pháp, về Tăng… dẫn đến chẳng khởi tưởng về các thiện căn, vì biết rõ hết thảy pháp đều là tự tánh không, biết rõ chẳng có định pháp nào gọi là Phật, là Pháp, là Tăng, là thiện căn… dẫn đến chẳng có định pháp nào gọi là tùy hỷ hồi hướng cả, thì Bồ Tát đó chẳng đọa về tưởng điên đỏa, tâm điên đảo và kiến điên đảo. Nếu trái lại, thì gọi là điên đảo.

–oOo–

Lại nữa, cũng nên biết Bồ Tát dụng tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng… dẫn đến niệm thiện căn, mà khi tâm tận diệt biết rõ là tâm tận diệt; và tâm tận diệt thì sự tùy hỷ hồi hướng là bất khả đắc. Vì sao? Vì tâm có tận diệt, có tán hoại, thì tâm là vô thường vậy. Thế nhưng, khi vào được nơi “pháp tánh”, thì dứt trừ được  mọi sự phân biệt, chẳng còn phân biệt là tâm (thị tâm), hay là chẳng phải tâm (phi tâm) nữa.

Bồ Tát niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thiện căn, rồi hồi hướng tất cả về chỗ “tận tướng”, nên là bất khả đắc hồi hướng. Bởi vậy nên nói: Khi sơ phát tâm, thì còn có ức niệm, còn có tùy hỷ hồi hướng; còn khi đã thuần thục hay nói cách khác, đã ở nơi “hậu tâm” rồi, thì tùy hỷ hồi hướng về chỗ “tận tướng”, nên là “bất khả đắc hồi hướng”, là “chánh hồi hướng” vậy.

Hỏi: Nếu nói có “sơ tâm”, có “hậu tâm”, thì là có tướng sanh diệt, là có tướng vô thường. Còn hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề là hồi hướng về Vô Thượng đạo ở đời vị lai. Như vậy sao lại nói là hồi hướng về chỗ tận tướng?

Đáp: Trên đây nói đến tận diệt và vô thường; đó là nói về pháp tướng. Vì sao? Vì chỉ có pháp tướng mới có tận diệt. Còn vào được nơi pháp tánh rồi, thì chẳng còn nói đến sanh hay diệt, chẳng còn nói đến thường hay vô thường nữa.

Trước đây, trong kinh có nói rằng Vô Thượng Bồ Đề vượt ra khỏi 3 cõi, 3 đời, và chẳng thọ pháp tướng. Liễu đạt được như vậy mà hồi hướng, thì mới gọi là chánh hồi hướng.

–oOo–

Lại nữa, hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề là chẳng phải chánh (phi chánh), cũng chẳng phải tà (phi tà). Vì sao? Vì Bồ Tát biết rằng niệm chư Phật quá khứ cùng hàng đệ tử Phật, niệm các thiện căn… dẫn đến niệm Vô Thượng Bồ Đề, mà còn dụng tâm chấp tướng, thì có chỗ tận diệt. Bồ Tát cũng biết rõ hồi hướng là tự tánh không. Dụng tâm như vậy mà hồi hướng mới gọi là chánh hồi hướng.

Lại nữa, Bồ Tát biết rõ các pháp quá khứ là vô thường, mà đã là vô thường, thì chẳng thể hồi hướng về tự tánh không được; lại biết rõ các pháp quá khứ là tự tánh không, mà đã là tự tánh không , thì chẳng thể hồi hướng về tự tánh không được. Dụng tâm như vậy mà hồi hướng mới gọi là chánh hồi hướng.

 Lại nữa, Bồ Tát cũng biết rõ các pháp đều do các duyên hòa hợp sanh, chẳng có chủ tác, chẳng phải thường trú; biết rõ tự tánh của các pháp là bất động, chẳng phải được làm ra (hữu sở tác), chẳng phải chẳng được làm ra (vô sở tác), nên biết rõ chẳng có pháp gì để hồi hướng cả. Dụng tâm như vậy mà hồi hướng mới gọi là chánh hồi hướng.

–oOo–

Do hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy, mà Bồ Tát giữa được tâm bình đẳng ở nơi hết thảy các pháp, chẳng đọa về tưởng điên đảo, tâm điên đảo và kiến điên đảo, lại cũng chẳng chấp hết thảy các pháp vậy.

KINH:

Lại nữa, nếu Bồ Tát biết sự gieo trồng thiện căn phước đức, ly hẳn 5 ấm, 12 nhập và 18 giới; biết Đàn Ba La Mật… dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật là ly tưởng, biết nội không… dẫn đến vô pháp hữu pháp không là ly tướng, biết niệm 4 xứ…dẫn đến 18 bất cộng pháp là ly tướng, mà dụng công tùy hỷ phước đức, thì như vậy gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề.

Lại nữa, nếu Bồ Tát tùy hỷ phước đức, mà biết rõ sự tùy hỷ phước đức là tự tánh ly, cũng biết rõ Phật là tự tánh ly, thiện căn là tự tánh ly, Bồ Đề tâm là tự tánh ly, hồi hướng là tự tánh ly, Bồ Tát là tự tánh ly, Đàn Ba La Mật… dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật là tự tánh ly, nội không…d ẫn đến vô pháp hữu pháp không là tự tánh ly, 4 niệm xứ… dẫn đến 18 bất cộng pháp là tự tánh ly, thì phải biết đó là Bồ Tát Ma Ha Tát ly tướng mà hành Bát Nhã Ba La Mật, trú trong Bát Nhã Ba La Mật mà khởi sanh tùy hỷ phước đức.

Lại nữa, nếu ở nơi chư Phật đã diệt độ, ở nơi các thiện căn công đức đã diệt độ, mà hồi hướng, thì Bồ Tát phải tự niệm rằng Tướng của chư Phật quá khứ đã diệt độ, tướng của các thiện căn công đức đã diệt độ, thì tướng của tâm hồi hướng cũng diệt độ. Bồ Tát tự niệm như vậy, mà tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề, thì chẳng bị đọa về tưởng điên đảo, tâm điên đảo và kiến điên đảo.

Nếu Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, mà còn thủ chấp tướng của chư Phật, tướng của các thiện căn công đức, tướng của sự hồi tướng Vô Thượng Bồ Đề, thì chẳng thể được “chánh tùy hỷ hồi hướng”. Vì sao ? Vì chư Phật quá khứ, các thiện căn công đức…là chẳng có tướng duyên (phi tướng duyên), cũng chẳng phải vô tướng duyên (phi vô tướng duyên). Cho nên, nếu Bồ Tát thủ tướng như vậy, thì chẳng thể gọi là đem thiện căn hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề được. Bồ Tát này sẽ bị đọa về tưởng điển đảo, tâm điên đảo và kiến điên dào.

Lúc bấy giờ, Bồ Tát Di Lặc hỏi: Thưa ngài Tu Bồ Đề! Nếu chẳng thủ tướng thiện căn, thì Bồ Tát lấy gì để tùy hỷ hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Bạch Đại Sĩ! Do vậy mà chư Bồ Tát phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật , phải có các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật. Nếu phước đức mà ly  Bát Nhã Ba La Mật, thì chẳng sao có thể hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề được. Vì sao? Vì trong Bát Nhã Ba La Mật, chư Phật là bất khả đắc, các thiện căn cũng là bất khả đắc, tâm hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề cũng là bất khả đắc. Bồ Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật phải tự niệm rằng: Chư Phật quá khứ đã diệt độ, các thiện căn đã diệt độ. Nay, nếu ta thủ tướng phân biệt chư Phật, các thiện căn và tâm hồi hướng, thì chư Phật chẳng ấn chứng. Vì sao? Vì thủ tướng là có dụng tâm “hữu sở đắc” rồi vậy. Phật dạy phải chẳng có thủ tướng mà hồi hướng mới được lợi ích, vì hồi hướng mà có có thủ tướng là chất tạp độc. Ví như món ăn ngon mà có trộn chất độc; dù có hương vị thơm ngon, mà ăn vào cơ thể bị mang bệnh; dẫn đến có thể bị chết. Nếu có Thiện nam, Thiện nữ nào chẳng thọ trì, đọc tụng Bát Nhã Ba La Mật, chẳng thông suốt, liễu nghĩa  Bát Nhã Ba La Mật, mà lại dạy cho người khác rằng: Nên biết ở trong 3 đời và khắp 10 phương, có vô lượng các đức Phật, từ sơ phát tâm đến khi nhập Vô Dư Niết Bàn…dẫn đến thời kỳ pháp tận, thường tu tập 6 pháp Ba La Mật; gieo trồng các thiện căn công đức, tu 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định, tu 4 niệm xứ…dẫn đến 18 bất cộng pháp, thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ, thành tựu các thiện căn, thành tựu giới chúng, định chúng, huệ chúng, giải thoát chúng, giải thoát tri kiến chúng…dẫn đến thành tựu nhất thiết chủng trí; thành tựu các pháp như vậy mà chẳng có lầm lạc pháp, và thường tu hành xả. lại cũng có hàng đệ tử gie trồng thiện căn và được chư Phật thọ ký, có hàng Thiên Long Bát Bộ gieo trồng thiện căn. Tất cả phước đức như vậy phải được hòa hợp, tùy hỷ hồi  hướng về Vô Thượng Bồ Đề.

Do vì còn tâm thủ pháp, còn tâm đắc pháp, nên sự hồi hướng như vậy cũng gióng như món ăn có trộn chất độc, chẳng phải là chánh hồi hướng. Vì sao? Vì hồi hướng với tâm chấp tướng như vậy, là hủy báng Phật, là hý luận, là chẳng y theo lời Phật dạy, chẳng y theo chánh pháp.

Bạch Đại Sĩ! Thiện nam, Thiện nữ muốn cầu Phật đạo phải niệm chư Phật ở trong 3 đời và khắp 10 phương, từ sơ phát tâm đến khi nhập Vô Dư Niết Bàn… dẫn dến thời kì pháp tận, cùng với hàng đệ tử, thường tu tập 6 pháp Ba La Mật, thành tựu các thiện căn…dẫn đến thành tựu nhất thiết chủng trí; rồi lại phải biết rõ tất cả các thiện căn đó, y như chư Phật dùng “trí huệ vô thượng” để biết, mà tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề. Vì sao? Vì chư Phật đã dùng trí huệ vô thượng, biết rõ “thiện căn tướng” cũng tức là “thiện căn tánh” vậy.

Nếu Thiện nam, Thiện nữa y như theo vậy mà tùy hỷ hồi hướng, thì gọi là chẳng hủy báng Phật, là đúng theo lời Phật dạy, là đúng theo chánh pháp.

Hồi hướng như vậy mới là hồi hướng chẳng có tạp độc.

LUẬN:

Hỏi: Theo ý kinh nêu trên đây, thì khi gieo trồng phước đức hành giả phải biết ly 5 âm, 12 nhập. 18 giới; lại cũng phải biết Bát Nhã Ba La Mật cùng hết thảy các pháp đều ly tướng. Như vậy, Bồ Tát phải tùy hỷ hồi hướng phước đức như thế nào, mới có thể được gọi là “chánh tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề”?

Đáp: Nếu Bồ Tát biết rõ ở trong phước đức chẳng có 5 ấm, 12 nhập, 18 giới, biết rõ Bát Nhã Ba La Mật cùng hết thảy các pháp đều là rốt ráo không, là vô tướng, là ly tướng, rồi dụng tâm như vậy mà tùy hỷ hồi hướng phước đức về Vô Thượng Bồ Đề, thì mới được gọi là “chánh tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề”.

Lại nữa, Bồ Tát biết rõ tùy hỷ phước đức phải là tùy hỷ phước đức tánh, mà muốn vào được “phước đức tánh”, thì phải ly hết thảy các pháp tướng, ly Phật tướng, ly thiện căn tướng v.v…Bồ Tát tu tập 6 pháp Ba La Mật , hành các thiện căn, tùy hỷ hồi hướng các phước đức về Vô Thượng Bồ Đề, mà biết rõ tất cả đều là tự tánh không. Bồ Tát dụng tâm như vậy mà tùy hỷ hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, mới được gọi là “chánh tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề”.

Lại nữa, Bồ Tát đem hết thảy các phước đức tướng, các thiện căn tướng, tùy hỷ hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, mà chẳng thủ chấp các tướng đó. Bồ Tát dụng tâm như vậy mà tùy hỷ hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, mới được gọi là “chánh tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề”.

Trước đây đã nói rằng 5 ấm thân, Bồ Tát cùng hết thảy các pháp đều chỉ là danh tự, nên nói muốn tu tập phước đức phải ly 5 ấm.

Nay nói các phước đức đều là tự tướng không. Đây là nói Bồ Tát niệm chư Phật quá khứ, niệm các duyên sanh phước đức trong quá khứ đều đã tận diệt; niệm chư Phật quá khứ đã nhập Niết Bàn, niệm tất cả các phước đức đều là rốt ráo không, đều là vô tướng, là thường tịch diệt. Bồ Tát dụng tâm như vậy mà tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề mới được gọi là “chánh tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề”, nên chẳng có đọa về tưởng điên đảo, tâm điên đảo và kiến điên đảo.

 Lại nữa, nếu Bồ Tát niệm thiện căn công đức của chư Phật quá khứ, mà còn phân biệt chấp tướng hồi hướng, thì sự hồi tướng đó chẳng phải là chánh hồi hướng. Vì sao? Vì chấp “hữu tướng” là chấp 1 bên, chấp “vô tướng” cũng là chấp 1 bên. Phải ly cả 2 bên mà hành đạo, mới được “trí huệ Phật”.

Nếu trái lại với trên đât, thì chẳng phải là “chánh hồi hướng”, nên bị đọa về tưởng điên đảo, tâm điên đảo và kiến điên đảo.

–oOo–

Ngài Bồ Tát Di Lặc hỏi ngài Tu Bồ Đề: Nếu chẳng thủ tướng thiện căn, thì Bồ Tát lấy gì để tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề?

Ngài Tu Bồ Đề đã trả lời ngài Di Lặc rằng: Muốn được như vậy, thì Bồ Tát phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật, phải có các lực phương tiên Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao? Vì nếu phước đức mà ly Bát Nhã Ba La Mật , thì chẳng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề được. Nếu tùy hỷ hồi hướng mà tâm chẳng chấp hết thảy các pháp, thì mới gọi là “chánh tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề”. Bồ Tát phải như vậy mà tu tập, thì mới chẳng bị lầm pháp, chẳng bị lỗi đạo, mới thật là tu tập Bát Nhã Ba La Mật vậy.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói “ly Bát Nhã Ba La Mật” thì chẳng thể có được “chánh hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề”  Hành đạo mà ly Bát Nhã Ba La Mật là trái với thật tướng pháp, là còn dụng tâm hữu sở đắ, nên dù có thọ được quả báo tốt, thì phước báo đó rồi cũng sẽ bị tán hoại, khiến chẳng thể nào mau thành Phật đạo được.

–oOo–

Lại nữa, ở nơi chư Phật quá khứ mà ức tưởng phân biệt là có lỗi lớn. Vì sao? Vì chư Phật quá khứ đã diệt độ, mà còn ức tưởng, còn có tùy hỷ phước đức, là còn ái kiến, nên sự tùy hỷ đó cũng chỉ ví như món ăn có tạp độc. Người chấp tướng tùy hỷ như vậy, dù hưởng các phước đức, nhưng chỉ làm được Chuyển Luân Thánh Vương, làm Thiên Vương, hoặc hưởng phước lạc, phú quý, danh vọng trong hàng phàm phu mà thôi.

Người vô trí tham ái, người ngu si chấp đắm các pháp, người mới sơ phát tâm cũng còn chấp tướng, chấp có chỗ sở đắc, đều ví như các món ăn có trộn lẫn tạp độc. Thức ăn ngon có trộn tạp độc dụ cho các phước đức nhân duyên giàu sang, phú quý trong hàng Trời, người. Ăn thức ăn này phải mang họa vào thân, dụ cho hưởng hết phước lạc rồi sẽ lại phải thọ các ưu bi, khổ não. Như vậy là các phước lạc đều là vô thường, là tán hại.

–oOo–

Trong đoạn kinh nêu trên đây, ngài Tu Bồ Đề nói: Người vô trí chẳng có tư duy sâu, chẳng tín thọ Bát Nhã Ba La Mật, chẳng nhận được nghĩa thậm thâm của Bát Nhã Ba La Mật mà chỉ chấp vào danh tự, ngữ ngôn, chấp vào các pháp tướng, mà vọng khởi phân biệt, chẳng hành theo lời Phật dạy.

Nếu chẳng có tư duy sâu, thì khi đọc tụng kinh điển, chẳng rõ đươc nghĩa kinh , mả chỉ chấp vào văn tự, khiến chẳng có được lợi ích. Nếu chẳng rõ nghĩa kinh mà dạy cho người khác rằng: Nên biết ở 3 đời và khắp 10 phương, có vô lượng chư Phật gieo trồng thiện căn, từ sơ phát tâm đến khi nhập Vô Dư Niết Bàn…dẫn đến thời kỳ pháp tận v.v…; phải hòa hợp tất cả phước đức như vậy, mà tùy hủy hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề.

Người chẳng tư duy sâu, chẳng hiểu rõ nghĩa kinh, còn chấp các pháp tướng, mà nói như vậy là hủy báng Phật, là chẳng hành theo lời Phật dạy, nên chẳng có được “chánh hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề”.

Trái lại, người cầu Phật đạo phải tự niệm rằng: Chư Phật ở cả 3 đời, trong khắp 10 phương dùng vô thượng trí huệ mà biết rõ thật tướng của các thiện căn. Ta nay cũng phải y theo chỗ chư Phật như thật biết, mà tùy hỷ hồi hướng thiện căn về Vô Thượng Bồ Đề.

 Tùy hỷ hồi hướng như vậy mới thật là “chánh tùy hỷ hồi hướng”. Sự tùy hỷ hồi hướng này ví như tên bắn xuống đất, chẳng nơi nào mà chẳng trúng.

Bởi vậy nên người cầu Phật đạp phải như thật biết như chư Phật mới là chẳng hủy báng Phật vậy.

KINH:

Lại nữa, Thiện nam, Thiện nữ cầu Phật đạo, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, muốn hồi hướng thiện căn, phải biết:

Sắc…dẫn đến thức chẳng thuộc Dục giới, Sắc giới hay Vô Sắc giới, chẳng thuộc quá khứ, hiện tại hay vị lai, 12 nhập và 18 giới cũng là như vậy. Đàn Ba La Mật…dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật chẳng thuộc Dục giới, Sắc giới hay Vô Sắc giới; chẳng thuộc quá khứ, hiện tại hay vị lại. Nội không…dẫn đến vô pháp hữu pháp không, 4 niệm xứ…dẫn đến 18 bất cộng pháo cũng đều là như vậu. Như pháp tánh, pháp tướng, pháp vị, pháp trú, thật tế, bất khả tư nghị tánh, giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến cũng đều là như vậy. Tâm hồi hướng, chỗ hồi hướng, pháp hồi hướng, chư Phật, chư Thanh Văn, chư Bích Chi Phật, các thiện căn của chư Phật, của chư Thanh Văn, chư Bích Chi Phật cũng đều là như vậy.

Lại phải biết:

Sắc cùng hết thảy pháp chẳng thược 3 cõi, 3 đời. Cho nên , chẳng có thể dụng tâm hữu sở đắc, chấp thủ các pháp tướng, để mà hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề được. Vì sao? Vì sắc…dẫn đến hết thảy các pháp đều là vo sanh. Đã là vô sanh, thì là vô pháp, mà đã là vô pháp, thì chẳng thể trú nơi đó để hồi hướng được.

Thiện nam, Thiện nữ cầu Phật đạo phải thường tu tập hạnh xả, chẳng nên dụng tâm hữu sở đắc, chấp thủ các pháp tướng, mà hồi  hướng, thì mới được “chánh hồi hướng”. Hồi hướng như vậy ví với món ăn ngon chẳng có tạp độc,

Nếu Thiện nam, Thiện nữ nào cầu Phật đạo, mà còn tâm hữu sở đắc; đem thiện căn hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề, mà còn thủ tướng, thì gọi là “tà hồi hướng”.

“Tà hồi hướng” như vậy chẳng được chư Phật tán thán. Vì sao? Vì dụng tâm tà hồi hướng, thì chẳng thể được đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật…dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật; chẳng được đầy đỷ 4 niệm xứ…dẫn đến 18 bất cộng pháp; chẳng đầy đủ thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ…dẫn đến chẳng được Vô Thượng Bồ Đề.

Hồi hướng như vậy ví như món ăn có xen tạp độc.

Lại nữa, khi thật hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát phải tự niệm rằng: Hồi hướng thiện căn mà như thật biết như chư Phật, mới gọi là “chánh hồi hướng”. Ta phải y như vậy mà hồi hướng.

Lúc bấy giờ, Phật tán thán ngài Tu Bồ Đề: Lành thay! Lành thay! Này Tu Bồ Đề! Vì Phật sự, vì hàng Bồ Tát, mà ông đã khéo thuyết pháp về hồi hướng chân chánh vậy. Pháp ấy chẳng có tướng chẳng được, chẳng mất, chẳng xuất, chẳng nhập, chẳng cấu, chẳng tịnh; pháp ấy là pháp tánh không, là tự tánh không, là tự tướng không, là như pháp tánh thật tế vậy.

Này Tu Bồ Đề! Nếu chúng sanh trong cả đại thiên thế giới đều hành thập thiện đạo, tứ thiền, tứ vô lương tâm, tứ vô sắc định, năm thần thông. Ý ông nghĩ sao? Các chúng sanh ấy có được nhiều phước đức chăng?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Bạch Thế Tôn! Được phước đức rất nhiều.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề phước đức ấy chẳng bằng được phước đức của Thiện nam, Thiện nữ hồi hướng thiện căn về Vô Thượng Bồ Đề mà chẳng có thủ tướng. Phước đức này là đệ nhất tối thượng, là đệ nhất vi diệu, chẳng có gì sánh kịp.

Lại nữa, nếu chúng sanh trog cả đại thiên thế giới đều được quả Tu Đà Hoàn…dẫn đến được quả A La Hán, Bích Chi Phật; và có Thiện nam, Thiện nữ đem tứ sự cúng dường, cung kính, tán thán chư vị ấy. Ý ông nghĩ sao? Thiện nam, Thiện nữ ấy có được phước đức nhiều chăng?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Bạch Thế Tôn! Người ấy được phước đức rất nhiều.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Phước đức ấy chẳng bằng được phước đức của Thiện nam, Thiện nữ hồi hướng thiện căn về Vô Thượng Bồ Đề mà chẳng có thủ tướng. Phước đức này là đệ nhất tối thượng, là đệ nhất vi diệu, chẳng có gì sánh kịp.

Lại nữa, nếu chúng sanh trong cả đại thiên thế giới đều phát Bồ Đề Tâm, và mỗi mỗi chúng sanh trải qua hằng sa kiếp, đều nhất tâm cung kính, cúng dường chư Phật. Ý ông nghĩ sao? Phước đức ấy có nhiều chăng?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Bạch Thế Tôn! Phước đức ấy vô lượng vô biên, chẳng có gì sánh kịp. Nếu phước đức ấy mà có hình tướng, thì hằng sa thế giới cũng chẳng dung thọ được.

Phật dạy: Lành thay ! Lành thay! Như lời ông nói, phước đức ấy vô lượng vô biên; nhưng chẳng sao bằng phước đức của Thiện nam, Thiện nữ hồi hướng thiện căn về Vô Thượng Bồ Đề, mà chẳng có thủ tướng.

Công đức hồi hướng thiện căn mà tâm chẳng thủ tướng so với phước đức nêu trước đây, hơn cả trăm, ngàn, vạn ức lần…dẫn đến chẳng có toán số thí dụ nào có thể tính được. Vì sao? Vì các chúng sanh, nếu trước đây, đã thủ chấp pháp tướng của 10 thiện đạo, của 4 thiền, của 4 vô lượng tâm, của 4 vô sắc định, của 5 thần thông, lại cũng thủ chấp tướng của sự cung kính, cúng dường các bậc Tu Đà Hoàn, Tư Đà hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật vậy.

Lúc bấy giờ, chư vị Tứ Thiên Vương cùng 2 vạn chư vị Thiên Tử chấp tay lễ Phật và bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Hồi hướng của Bồ Tát thật là quảng đại. Vì sao? Vì Bồ Tát có các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật, dụng tâm vô sở đắc, dụng vô tướng pháp, vô giác pháp, mà hồi hướng thiện căn về Vô Thượng Bồ Đề. Hồi hướng như vậy là chẳng đọa về “nhị pháp”.

Cùng lúc đó, ngài Đế Thích Hoàn Nhơn và vô số chư Thiên ở các cõi trời Dạ Ma, Đâu Suất, Hóa Lạc, Tha Hóa Tự tại…đều đem hoa trời, hương trời, anh lạc, tràng phan, bảo cái cúng dường chư Phật, và bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu! Bồ Tát Ma Ha Tát được Bát Nhã Ba La Mật hộ trì, nên sự hồi hướng của các ngài thật là quảng đại. Vì dụng tâm vô sở đắc, dụng vô tướng pháp, vô giác pháp mà hồi hướng thiện căn về Vô Thượng Bồ Đề, nên sự hồi hướng như vậy chẳng đọa “nhị pháp” vậy.

Chư Thiên ở các cõi trời Quang Âm…dẫn đến cõi trời Sắc Cứu Cánh cũng đến cung kính, cúng dường Phật và bạch Phật những lời tương tợ như trên.

Phật dạy: Này Chư Thiên Tử! Nếu chúng sanh trong cả đại thiên thế giới đều phát Vô Thượng Bồ Đề tâm, niệm thiện căn của chư Phật và chư Bồ Tát ở cả 3 đời; niệm thiện căn của chư Thanh Văn và chư Bích Chi Phật, từ sơ phát tâm cho đến thời kỳ pháp trụ; niệm thiện căn của hết thảy chúng sanh tu tập bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh thấn thiền định, trí huệ, giới chúng, định chúng, huệ chúng, giải thoát chúng, giải thoát tri kiến chúng, cùng vô lượng Phật pháp khác; rồi hòa hợp hết thảy các công đức ấy hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, nhưng vẫn còn thủ chấp tướng “đắc hồi hướng”. Lại nếu có Thiện nam, Thiện nữ phát Vô Thượng Bồ Đề tâm; niệm thiện căn của chư Phật và chư Bồ Tát ở cả 3 đời; niệm thiện căn của chư Thanh Văn và chư Bích Chi Phật, từ sơ phát tâm cho đến thời kỳ pháp trụ; niệm thiện căn của hết thảy chúng sanh tu tập bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ…cùng vô lượng Phật pháp khác; rồi hòa hợp hết thảy các công đức ấy hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, nhưng chẳng chấp thủ tướng “đắc hồi hướng”. Thiện nam, Thiện nữ này dụng tâm vô sở đắc mà hồi hướng, nên sự hồi hướng như vậy chẳng đọa về “nhị pháp”, vì đây là pháp vô tướng, vô tác, vô chấp, là pháp đệ nhất tối thượng, đệ nhất vi diệu.

Cho nên công đức của Thiện nam, Thiện nữ này thù thắng hơn công đức của hết thảy các người trước cả trăm, ngàn, vạn, ức lần…dẫn đến chẳng có toán số thí dụ nào có thể tính được.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là tùy hỷ tối thượng, tối diệu?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nếu ở nơi quá khứ, hiện tại và vị lai mà Thiện nam, Thiện nữ chẳng thủ cũng chẳng xả, chẳng niệm cũng chẳng phải niệm, chẳng đắc cũng chẳng phải đắc; biết rõ hết thảy pháp đều là chẳng sanh, chẳng cấu, chẳng tịnh,chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng khứ, chẳng lai, chẳng tập, chẳng tán, chẳng xuất, chẳng nhập; lại biết rõ hết thảy các pháp tướng ở trong cả 3 đời đều là pháo như, pháp tánh, pháp vị, pháp trú, pháp tế; biế rõ như vậy mà tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề, thì phải biết đây chính là tùy hỷ hồi hướng tối thượng, tối diệu vậy.

Này Tu Bồ Đề! Pháp tùy hỷ này thù thắng hơn những pháp tùy hỷ khác cả trăm, ngàn, vạn, ức lần…dẫn đến chẳng có toán số thí dụ nào có thể dùng so sánh được.

Lại nữa, Thiện nam, Thiện nữ nào cầu Phật đạo mà muốn tùy hỷ thiện căn của chư Phật, chư Bồ Tát ở cả 3 đời; tùy hỷ thiện căn của chư Thanh Văn, Bích Chi Phật, từ sơ phát tâm dẫn đến thời kỳ pháp trụ; tùy hỷ thiện căn của hết thảy chúng sanh cùng tùy hỷ vô lượng Phật pháp khác phải tự niệm rằng: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ đều bình đằng với giải thoát, sắc…dẫn đến thức đều bình đẳng với giải thoát, nội không…dẫn đến vô pháp hữu pháp không đều bình đằng với giải thoát, 4 niệm xứ…dẫn đến 8 thánh đạo đều bình đẳng với giải thoát, 10 lực… dẫn đến nhất thiết chủng trí đều bình đẳng với giải thoát; giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến đều bình đẳng với giải thoát; các pháp ở cả 3 đời đều bình đẳng với giải thoát, 10 phương chư Phật, chư Phật diệt độ, chư đệ tử Phật trong cả 3 thừa, tất cả các pháp tướng; thiện căn công đức hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề v.v…đều bình đẳng với giải thoát. Vì sao? Vì hết thảy các pháp đều là bất sanh, bất diệt.

Này Tu Bồ Đề! Như vậy gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát tùy hỷ công đức tối thượng, tối diệu, chẳng có gì sánh bằng được. Bồ Tát thành tựu tùy hỷ công đức như vậy sẽ mau được Vô Thượng Bồ Đề.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có Thiện nam, Thiện nữ, vì cầu Phật đạo, trọn đời tinh tấn cung kính, cúng dường, tán thán 10 phương chư Phật cùng chư vị đệ tử Phật còn tại thế cũng như đã diệt độh, mà còn chấp có tướng “sở đắc”; dẫn đến tinh tấn tu tập bố trí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, mà còn chấp có tướng “sở đắc”. Lại có Thiện nam, Thiện nữ, vì cầu Phật đạo, mà dụng tâm “vô sở đắc” tu tập 6 pháp Ba La Mật…dẫn đến dụng tâm “vô sở đắc” tùy hỷ hồi hướng các thiện căn công đức về Vô Thượng Bồ Đề. Phải biết công đức của Thiện nam, Thiện nữ vừa nêu sau, thù thắng hơn công đức của Thiện nam, Thiện nữ trước, cả trăm, ngàn, vạn,ức lần…dẫn đến chẳng có toán số thí dụ nào để so sánh được.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát Ma Ha Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật, muốn được đầy đủ các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật, phải dụng tâm “vô sở đắc” như vậy, mà tùy hủy các thiện căn công đức, hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề.

LUẬN:

Bồ Tát phải tự niệm rằng: Sắc…dẫn đến thức đều chẳng thuộc 3 cõi, chẳng thuộc 3 đời, chẳng thuộc chư Phật cùng chư đệ tử Phật, chẳng thuộc tâm hồi hướng, pháp hồi hướng, dụng hồi hướng. Do tự niệm như vậy, mà Bồ Tát thường tu hạnh xả. Đây là “chánh hồi hướng”. Bồ Tát lại phải tự niệm rằng: Nếu sắc ra ngoài 3 cõi, thì chẳng có thể nhiếp thủ sắc được; nếu chẳng nhiếp thủ sắc được; thì cũng chẳng có thể chấp có tướng “sở đắc” mà hồi hướng được. Vì sao? Vì sắc…dẫn đến hết thảy các pháp đều là vô sanh, vô diệt. Đã là vô sanh, vô diệt, thì chẳng thể trú nơi đó để hồi  hướng được.

Bồ Tát thường tu hạnh xả, chẳng chấp các pháp tướng, chẳng chấp tâm hồi hướng, pháp hồi hướng, dụng hồi hướng, vì biết rõ hết thảy pháp đều là bất khả đắc, là vô sở hữu. Đây là “chánh hồi hướng”.

Hồi hướng như vậy được ví như món ăn ngon chẳng có xen tạp độc.

Hồi hướng như vậy mới được chư Phật tán thán, mới được đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, mới mau được Vô Thượng Bồ Đề.

Lại nữa, Bồ Tát phải tự niệm rằng: Phải như thật biết như chư Phật mà sanh tâm, mà khởi niệm, mà quán tưởng; lại phải như thật biết như chư Phật, mà tủy hỷ các thiện căn công đức, hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề.

Bồ Tát tùy hỷ hồi hướng như vậy mới gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát như thật tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề.

–oOo–

Sau khi nghe ngài Tu Bồ Đề dẫn giải như trên, Phật đã tán thán rằng: Lành thay! Lành thay! Này Tu Bồ Đề! Vì Phật sự, mà ông đã nói về: “vô tướng pháp hồi hướng” cho hàng Bồ Tát nghe; dạy cho hàng Bồ Tát phải dùng “vô tướng trí tuệ” hòa hợp các thiện căn công đức, hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề.

–oOo–

“Vô tướng” có 3 nghĩa. Đó là:

1. Giả danh tướng: Do các duyên hòa hợp mà giả lập có các pháp, có giả danh tướng phân biệt pháp này với pháp khác. Ví như nhà, cửa, ruộng, vườn, sông, núi,v.v…

Cũng có thể nói chúng sanh, do vô minh che tâm, mà khởi chấp giả danh tướng của các pháp, dẫn đến khởi sanh các phiền não nghiệp.

2. Pháp tướng:  Đây là dạng tướng của các pháp. Nếu dùng nhục nhãn mà quán sát các pháp, thì sẽ bị các kiến chấp trói buộc, ái chấp các pháp tướng, dẫn đến khởi sanh các phiền não nghiệp.

3. Ly pháp tướng: Nếu dùng huệ nhãn mà quán sát các pháp, thì biết rõ các pháp đều là rốt ráo không, là hư vọng, là chẳng thật có, nên phải xả ly các pháp tướng.

Hành giải phải biết rõ “thật tướng pháp” là vô tướng. Biết như vậy mà chẳng nên chấp tướng “vô tướng” ấy, vì nếu có khởi chấp là có khởi sanh phiền não, kiết sử.

Lại nữa, vì “thật tướng pháp” là vô tướng, nên là chẳng được, chẳng mất, chẳng xuất, chẳng nhập, chẳng cấu, chẳng tịnh, là tự tướng không, là như pháp tánh thực tế.

Hành giả phải nên dụng pháp như vậy, mà tủy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề. Vì sao? Vì tùy hỷ phước đức như vậy có đại lợi ích cho chúng sanh, dẫn đến có được đại quả báo.

Hỏi: Thế nào gọi là đại lợi ích?

Đáp: Ví như khiến chúng sanh trong cả đại thiên thế giới đều hành thập thiện đạo…dẫn đến đều được 5 thần thông, là đại lợi ích.

Hỏi: Trước đây thường chỉ nói đến chư Thiên ở 2 cõi trời Dục giới và Phạm Thiên Vương ở cõi Sắc giới đến nghe pháp. Nay vì sao nói chư Thiên ở các cõi trời khác cũng đến nghe pháp?

Đáp: 2 cõi trời Dục giới y chỉ nơi quả đất, nên chư Thiên ở các cõi trời này có thiện duyên được gần Phật hơn chư Thiên ở các cõi trời khác. Do vậy mà khi Phật đản sanh, tu khổ hạnh, hàng phục chúng ma, thành đạo, chuyển pháp luân v.v…đều có chư Thiên ở 2 cõi trời này, nhiều phen, đến cung kính, cung dường. Còn chư Thiên ở các cõi trời khác thường hay đắm chấp dục lạc, nên chẳng thường đến với Phật.

–oOo–

Trong Kinh nói chư Thiên ở cõi trời Đâu Suất có lợi căn, thường ưa nghe pháp. Nhưng vì thường được các vị Bổ Xứ Bồ Tát đến nơi đây thuyết pháp, nên chư thiên ở cõi này cũng ít đến nghe Phật thuyết pháp.

Trong kinh cũng nói đến Phạm Thiên Vương, tuy ở cõi trời Sắc giới rất xa quả đất, nhưng vì đã ly dục,  nên ưa nghe pháp, thường vẫn đến nghe Phật thuyết pháp. Vì Phạm Thiên Vương là thiên chủ cõi Sắc giới, lại cũng thường thỉnh Phật thuyết pháp, nên khi thấy Phạm Thiên Vương đến nghe thuyết pháp, thì chư Thiên ở các cõi trời khác cũng đến theo.

Hỏi: Trước đây đã nói nhiều về “chánh hồi hướng” rồi. Nay vì sao còn nói thêm nữa?

Đáp: Trước đây nói tổng quát. Nay nói riêng về trường hợp Bồ Tát Ma Ha Tát tùy hỷ phước đức, hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề, vì đã như thật biết hết thảy trong 3 đời và khắp 10 phương đều là chẳng sanh, chẳng diệt, nên đều là chẳng thể được (bất khả đắc). Chẳng thể niệm (bất khả  niệm).

Do vì biết rõ các pháp đều chẳng thể đắc, chẳng thể niệm, chẳng thể thủ, chẳng thể xả, mà Bồ Tát Ma Ha Tát vào được nơi thật tướng pháp, niệm thật tướng pháp. Do niệm như vậy mà khi tùy hỷ hồi hướng phước đức về Vô Thượng Bồ Đề, Bồ Tát Ma Ha Tát chẳng có vọng khởi phân biệt các pháp, chẳng có hoại các pháp.

Tùy hỷ hồi hướng như vậy mới là “chánh tùy hỷ hồi hướng”, mới thật là tối thượng, tối diêu; mới mau được Vô Thượng Bồ Đề.

Hỏi: Vì sao nói 6 pháp Ba La Mật cùng hết thảy các pháp đều bình đẳng? Vì sao nói sắc tướng và vô sắc tướng bình đẳng với giải thoát ? Đã nói có “hữu vi giải thoát” và “vô vi giải thoát”, thì làm sao nói đến “bình đẳng giải thoát” được?

Đáp: Trước đây nói đến phàm phu dùng nhục nhãn, y theo 6 thức điên đảo, mà quán các pháp, nên thấy có pháp tướng. Bồ Tát dùng huệ nhãn quán các ơhaps, nên thấy các pháp tướng đều là hư vọng, chẳng thật có. Do vậy mà vào được nơi thật tướng pháp.

 Thật tướng pháp là vô tướng, là Niết Bàn Tướng.

Người tu, khi vào được “như thật đạo” rồi là vào được Vô Dư Niết Bàn, là minh liễu được các pháp đều là chẳng sanh cũng chẳng diệt, chẳng xuất cũng chẳng nhập, chẳng cấu cũng chẳng tịnh, chẳng phải có cũng chẳng phải không, chẳng thường cũng chẳng phải vô thường. Vì sao? Vì hết thảy các pháp tướng đều thường tịch diệt, nên chẳng có thể dùng tâm thức để suy lường, chẳng có thể dùng ngôn ngữ để diễn bày được. Bởi vậy nên nói pháp là chẳng phải pháp (phi pháp), mà cũng chẳng phải chẳng phải pháp (phi phi pháp)

Hết thảy pháp đều là vô sở hữu, đều bình đẳng ở nơi tướng dụng, nên nói “sắc tướng” cùng “vô sắc tướng” bình đẳng với giải thoát; nói 6 pháp Ba La Mật cùng hết thảy pháp bình đẳng với giải thoát. Đây là dùng huệ nhãn mà thấy được như vậy.

Nên biết “giải thoát” là huệ đức cao quý bậc nhất trong Phật pháp.

–oOo–

Nói về tùy hỷ hồi hướng công đức, ở đoạn kinh trên đây có nêu lên 2 trường hợp. Đó là:

Người đã tu hành 6 pháp Ba La Mật, đã tu tập, các thiện căn trong vô lượng kiếp, mà còn dụng tâm “hữu sở đắc” tùy hỷ hồi hướng công đức về Vô Thượng Bồ Đề.

Người chỉ niệm công đức của người khác, rồi dụng tâm “vô sở đắc” tùy hỷ hồi hướng công đức ấy về Vô Thượng Bồ Đề.

Nếu đem so sánh, thì người sau có công đức thù thắng hơn người trước rất nhiều. Vì sao? Vì công đức có đắc (hữu đắc) là công đức có hạn lượng (hữu lượng); mà đã là có hạn lượng (hữu lượng), thì cũng là có tận diệt (hữu tận). Trái lại, công đức chẳng có đắc (vô đắc), là công đức chẳng có hạn lượng (vô lượng); mà đã là chẳng có hạn lượng, thì chẳng có tận diệt (vô tận).

Tùy hỷ hồi hướng như trường hợp 1 ví như món ăn có xen tạp độc. Còn tùy hỷ hồi hướng như trường hợp 2 ví như món ăn chẳng có tạp độc.

Người tu hành theo trường hợp 1 còn tùy thuộc sanh tử, chưa phân định sẽ thành Phật đạo, hoặc thối chuyển. Còn người tu theo trường hợp 2 là tùy Niết Bàn, quyết định sẽ thành Phật đạo.

Sở dĩ có sự sai khác như vậy vì có những hạng người tu mà còn dụng tâm hữu sở đắc. Đó là:

Trong hàng Trời, Người, đa số còn cầu dục lạc.

Hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật còn cầu Niết Bàn lạc.

 Trái lại, hàng Bồ Tát chỉ cầu giải thoát, nên khi tùy hỷ phước đức hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, Bồ Tát chẳng trú nơi các pháp tướng.

Chỉ có tùy hỷ hồi hướng như vậy mới gọi là “chánh tùy hỷ hồi hướng”.

(HẾT QUYỂN 61)