LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP III
QUYỂN 52

Phẩm thứ hai mươi bốn
Hội tông
(Hội Các Tông Chỉ)

KINH:

Lúc bấy giờ ngài Phú Lâu Na bạch Phật :  Bạch Thế Tôn ! Trước đây thế tôn dạy ngài Tu Bồ Đề, vì các Bồ Tát nói về Bát Nhã Ba La Mật. Nay sao lại nói về Ma Ha Diễn ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phât : Bạch Thế Tôn ! Con nói về Ma Ha Diễn như vậy là ly Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Ông nói về Bát Nhã  Ba La Mật như vậy là tuỳ Bat Nhã Ba La Mật, là chẳng ly Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao ? Vì tất cả các thiện pháp, dù có là pháp Bích Chi Phật, dù có là pháp Bồ Tát, dù có là pháp Phật cũng đều là pháp trợ đạo cả. Tất cả các thiện pháp ấy đều nhiếp trong Bát Nhã Ba La Mật cả.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn ! Vì sao nói hết thảy các thiện pháp đều là pháp trợ đạo ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! sáu pháp Ba La Mật, bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chì, tám thánh đạo, ba giải thoát môn ( không, vô tướng và vô tác), mười lực, bốn vô sở uý, bốn vô ngại trí, đại từ, đại bi,…, dẫn đến mười tám pháp bất cộng đều là những pháp trợ đạo và đều nhiếp vào trong Bát Nhã Ba La Mật cả. Bồ Tát hành các thiện pháp này mà chẳng hề chấp các pháp tướng, vì thường tu hạnh xả vậy.

Này Tu Bồ Đề ! Sắc,… dẫn đến thức, sắc…., dẫn đến pháp, nhãn…, dẫn đến ý, nhãn thức…, dẫn đến ý thức, nhãn xúc…, dẫn đến ý xúc, nhãm xúc nhân duyên sanh thọ…, dẫn đến ý xúc nhân duyên sanh thọ, sáu đại chủng, sáu pháp Ba La Mật, bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, ngũ căn, năm lực, bảy giác chì, tám thánh đạo, ba giải thoát môn….cùng tất cả các thiện pháp, dù hữu lậu hay vô lậu, dù là hữu vi hay vô vi, dù là khổ đế, tập đế, diệt đế hay đạo đế, dù là ba cõi, dù là mười tám không, dù là đà na li, dù là tam muội, dù là mười lực… dẫn đến mười tám bất cộng pháp, dù là Phật, Phật pháp, Phật tánh, Phật như, dù là thật tê, dù là bất khả tư nghì tánh, dù là Niết Bàn v.v…. Cũng đều là chẳng có hợp, chẳng có tan, chẳng có sắc, chẳng có hình, chẳng có đối và đều chỉ là một tướng (nhất tướng), là chẳng có tướng (vô tướng) cả.

Này Tu Bồ Đề ! Bởi nhân duyên vậy, nên đúng như lời ông nói “Ma Ha Diễn tuỳ thuận Bát Nhã Ba La Mật, chẳng có ly Bát Nhã Ba La Mật”. Vì sao ? Vì Ma Ha Diễn chẳng khác Bát Nhã Ba La Mật, Bát Nhã Ba La Mật chẳng khác Ma Ha Diễn, Ma Ha Diễn và Bát Nhã Ba La Mật là chẳng phải hai, chẳng phải khác. Dẫn đến năm Ba La Mật kia cũng đều là như vậy cả.

Này Tu Bồ Đề ! bốn niệm xứ chẳng khác Ma Ha Diễn, Ma Ha Diễn chẳng khác bốn niêm xứ, Ma Ha Diễn và bốn niệm xứ chẳng phải hai, chẳng phải khác. Dẫn đến mười tám bất cộng pháp  chẳng khác Ma Ha Diễn, Ma Ha Diễn chẳng khác mười tám bất cộng pháp, Ma Ha Diễn và mười tám bất cộng pháp chẳng phải hai, chẳng phải khác.

Bởi nhân duyên vậy, nên đúng như lời ông nói, Ma Ha Diễn tức là Bát Nhã Ba La Mật vậy.

LUẬN :

Theo như ý kinh trên đây thì ngài Phú Lâu Na chẳng còn có tâm nghi. Thế nhưng vì hạng người mới học Bát Nhã Ba La Mật, chỉ phân biệt các pháp theo danh tự mà chưa rõ nghĩa “không”, nên ngài Phú Lâu Na phải vì họ mà nêu câu hỏi. Ngài Tu Bồ Đề dựa nơi chỗ hỏi của ngài Phú Lâu Na mà bạch Phật, để thỉnh Phật giảng rộng thêm

–oOo–

Phật bảo ngài Tu Bồ Đề rằng : Đúng như lời ông nói, Ma Ha Diễn tuỳ thuận Bát Nhã Ba La Mật, chẳng khác Bát Nhã Ba La Mật, chẳng ly Bát Nhã Ba La Mật.

Phật vì tuỳ thuận chúng sanh mà nói ba thừa đạo, nhưng hết thảy thiện pháp của ba thừa đạo đều nhiếp trọn vào trong Bát Nhã Ba La Mật, và đều dẫn đến Niết Bàn cả.

Muốn vào Niết Bàn, phải tu ba giải thoát môn (không, vô tướng và vô tác), nên nói ba giải thoát môn là cộng pháp của cả ba thừa đạo. Hành giả do trí giới, mà sanh thiền định; do thiền định mà sanh trí huệ; và khi được trí huệ viên mãn rồi, thì chẳng còn chấp thế gian nữa.

Hỏi : Vì sao nói ba thừa đạo pháp đều là trợ đao pháp, và đều nhiếp vào trong Bát Nhã Ba La Mật cả ?

Đáp: Vì Bồ Tát hành đầy đủ các thiện pháp, mà chẳng hề chấp các thiện pháp ấy, Bồ Tát thường tu hạnh xả, nên chẳng còn chấp các pháp tướng vậy.

Nên biết rằng ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo và ba giải thoát môn là cộng pháp của cả ba thừa. Còn sáu pháp Ba La Mật là pháp của Bồ Tát; mười lực, bốn vô sở uý, bốn vô ngại trí, đại từ, đại bi… mười tám bất cộng pháp thường dẫn đến hành xả, là pháp của Phật.

–oOo–

Có thuyết nói rằng tu sáu pháp Ba La Mật có hai trường hợp:

  1. Đầy đủ (cụ túc) Ba La Mật.
  2. Chưa đầy ddue (chưa cụ tức) Ba La Mật.

Đầy đủ Ba La Mật là pháp Bồ Tát; chưa đầy đủ Ba La Mật là pháp Nhị Thừa.

Lại có thuyết nói Ma Ha Diễn là tánh không, Bát Nhã Ba La Mật cũng là tánh không. Bởi vậy nên hai pháp này là chẳng phải hai, chẳng phải khác.

Ngài Tu Bồ Đề nói về Ma Ha Diễn là tuỳ thuận Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao ? Vì Bát Nhã Ba La Mật cũng như năm Bát Nhã Ba La Mật kia đều là tánh không, nên Ma Ha Diễn cũng là tánh không. Dẫn đến pháp như, pháp tánh, thật tế, bất khả tư nghì tánh, Niết Bàn tánh cũng đều là như vậy cả.

Lại nữa, chư đại Bồ Tát, khi hành Ma Ha Diễn, đã dùng lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật để tu các thiện pháp nhằm dẫn đến đạo Niết Bàn, mà vẫn biết rõ các pháp ấy đều chẳng có hợp, chẳng có tan, chẳng có sắc, chẳng có hình, chẳng có đối …, vì đều chỉ là một tướng (nhất tướng), là chẳng có tướng (vô tướng) vậy.

***

Phẩm thứ hai mươi lăm
Thập Vô
(Mười Điều Không)

KINH :

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Bồ Tát Ma Ha Tát quá khứ bất khả đắc, hiện tại bất khả đắc, vị lai bất khả đắc.

Vì sao ? Sắc …, dẫn đến thức vô biên, nên Bồ Tát Ma Ha Tát cũng vô biên.

Sắc …, dẫn đến thức là Bồ Tát Ma Ha Tát. Sắc dẫn đến thức bất khả đắc, nên Bồ Tát Ma Ha Tát cũng bất khả đắc. Ở nơi hết thảy các chỗ mà tầm cầu Bồ Tát Ma Ha Tát, thì cũng đều là bất khả đắc cả.

Bạch Thế Tôn ! Con phải dạy Bát Nhã Ba La Mật cho hạng Bồ Tát nào ?

Bạch Thế Tôn ! Bồ Tát chỉ là danh dự. Ví như nói ngã là danh dự thì ngã là rốt ráo bất sanh. Ví như nói ngã là tự tánh không, thì hết thảy các pháp cũng đều là tự tánh không cả.

Thế nào là sắc rốt ráo bất sanh ? Ví như nói ngã là tự tánh không, thì hết thảy các pháp cũng đều là tự tánh không cả.

Thế nào là sắc rốt ráo bất sanh ? Thế nào là thọ, tưởng, hành thức rốt ráo bất sanh ?

Bạch Thế Tôn ! Nếu sắc là rốt ráo bất sanh, thì chẳng thể gọi là sắc dược. Nếu thọ, tưởng, hành, thức là rốt ráo bất sanh, thì chẳng thể gọi là thọ, tưởng, hành, thức được.

Bạch Thế Tôn ! Nếu hết thảy pháp là rốt ráo bất sanh, thì con có thể dạy Bát Nhã Ba La Mật cho Bồ Tát được chăng ? Nhưng nếu rốt ráo bất sanh, thì chẳng sao có được Bồ Tát hành Vô Thượng Bồ Đề.

Bạch Thế Tôn ! Nếu có Bồ Tát nào nghe các lời này, mà tâm chẳng chìm đắm, chẳng hối, chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ, thì phải biết đó là hạng Bồ Tát Ma Ha Tát thường hành Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi ngài Tu Bồ Đề : Thưa ngài Tu Bồ Đề ! Xin ngài cho biết :

Vì nhân gì mà ngài nói Bồ Tát quá khứ bất khả đắc, Bồ Tát hiện tại bất khả đắc, Bồ Tát vị lai bất khả đắc ?

Vì nhân duyên gì mà ngài nói sắc vô biên … dẫn đến thức vô biên, nên Bồ Tát cũng vô biên ?

Vì nhân duyên gì mà ngài nói sắc … dẫn đến thức là Bồ Tát ? Và nói sắc … dẫn đến thức bất khả đắc, nên Bồ Tát cũng bất khả đắc ?

Vì nhân duyên gì mà ngài nói ở nơi hết thảy chỗ muốn tầm cầu Bồ Tát, thì cũng đều là bất khả đắc ? Và nói như vậy, thì phải dạy Bát Nhã Ba La Mật cho hạng Bồ Tát nào ?

Vì nhân duyên gì mà ngài nói Bồ Tát chỉ là danh tự ?

Vì nhân duyên gì mà ngài nói nếu ngã là danh tự, thì ngã là rốt ráo bất sanh ? Và nói nếu ngã là tự tánh không, thì các pháp cũng đều là tự tánh không ? Thế nào là sắc rốt ráo bất sanh … dẫn đến thế nào là thức rốt ráo bất sanh

Vì nhân duyên gì mà ngài nói sắc rốt ráo bất sanh, thì chẳng thể gọi là sắc … dẫn đến thức rốt ráo bất sanh, thì chẳng thể gọi là thức ?

Vì nhân duyên gì mà ngài nói hết thảy pháp rốt ráo bất sanh, thì có thể dạy Bát Nhã Ba La Mật cho Bồ Tát được chăng ?

Vì nhân duyên gì mà ngài nói nếu ly rốt ráo bất sanh, thì chẳng sao có được Bồ Tát hành Vô Thượng Bồ Đề ?

Vì nhân duyên gì mà ngài nói nếu có Bồ Tát nào nghe lời nói này, mà tâm chẳng chìm đắm, chẳng hối, chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ, thì phải biết đó là hạng Bồ Tát Ma Ha Tát thường hành Bát Nhã Ba La Mật ?

Ngài Tu Bồ Đề đáp : Thưa ngài Xá Lợi Phất !

Vì chúng sanh là vô sở hữu, nên Bồ Tát quá khứ bất khả đắc, Bồ Tát hiện tại bất khả đắc, Bồ Tát vị lai bất khả đắc.

Vì chúng sanh là không, là ly, nên Bồ Tát quá khứ bất khả đắc.

Vì năm ấm (từ sắc dẫn đến thức) là vô sở hữu, nên Bồ Tát quá khứ bất khả đắc.

Vì năm ấm tách là vô sở hữu, là không, là ly, nên Bồ Tát quá khứ bất khả đắc. Vì sao ? Vì trong tánh không, thì quá khứ hiện tại và vị lai đều bất khả đắc. Tánh không chẳng khác với Bồ Tát; tánh không chẳng khác với quá khứ. Nên biết rằng “tánh không”, “quá khứ” và “Bồ Tát” là những pháp chẳng phải hai, chẳng phải khác. Bởi vậy nên Bồ Tát quá khứ là bất khả đắc.

Vì sáu pháp Ba La Mật là vô sở hữu, là không, là ly, nên Bồ Tát quá khứ bất khả đắc. Vì sao ? Vì trong tánh không, thì quá khứ, hiện tại và vị lai đều bất khả đắc. Tánh không chẳng khác với Bồ Tát; tánh không chẳng khác với quá khứ. Nên biết rằng “tánh không”, “quá khứ” và “Bồ Tát” là những pháp chẳng phải hai, chẳng phải khác. Bởi vậy nên Bồ Tát quá khứ là bất khả đắc.

Vì nội không … dẫn đến vô pháp hữu pháp không là vô sở hữu, là không, là ly, nên Bồ Tát quá khứ bất khả đắc. Vì bốn niệm xứ … dẫn đến mười tám bất cộng pháp là vô sở hữu, là không, là ly, nên Bồ Tát quá khứ bất khả đắc. Vì sao ? Vì trong tánh không, thì quá khứ, hiện tại và vị lai đều bất khả đắc. Tánh không chẳng khác với Bồ Tát; tánh không chẳng khác với quá khứ. Nên biết rằng “tánh không”, “quá khứ” và “Bồ Tát” là những pháp chẳng phải hai, chẳng phải khác. Bởi vậy nên Bồ Tát quá khứ là bất khả đắc

Vì hết thảy các tam muội, hết thảy các đà la ni đều là vô sở hữu, là không, là ly, nên Bồ Tát quá khứ bất khả đắc. Vì như pháp tánh thật thế, bất khả tư nghì tánh đều là vô sở hữu, là không, là ly, nên Bồ Tát quá khứ bất khả đắc. Vì Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát, Phật, đều là vô sở hữu, là không, là ly, nên Bồ Tát quá khứ bất khả đắc. Vì Vô Thượng Bồ Đề, Nhất Thiết Chủng Trí đều là vô sở hữu, là không, là ly, nên Bồ Tát quá khứ là bất khả đắc. Vì sao ? Vì trong tánh không, thì quá khứ, hiện tại và vị lai đều bất khả đắc. Tánh không chẳng khác với Bồ Tát; tánh không chẳng khác với quá khứ. Nên biết rằng “tánh không”, “quá khứ” và “Bồ Tát” là những pháp chẳng phải hai, chẳng phải khác. Bởi vậy nên Bồ Tát quá khứ là bất khả đắc.

Dẫn đến Bồ Tát hiện tại, Bồ Tát vị lai cũng đều là bất khả đắc cả.

LUẬN :

Hỏi : Trên đây nói Bồ Tát và Bồ Tát danh tự đều là bất khả đắc. Như vậy thì ngài Tu Bồ Đề vì ai mà nói Bát Nhã Ba La Mật ?

Đáp : Ngài Tu Bồ Đề là vị đại đệ tử của Phật, là bậc “Hành Không Đệ Nhất”. Ngài thường nói về pháp “không”, nên chỗ ngài nói ra đều y nơi “không môn”, nhằm làm lợi ích cho chúng sanh cả.

Trước đây chỉ có lược nói về Bồ Tát bất khả đắc. Nay rộng nói về nghĩa Bồ Tát bất khả đắc. Vì Bồ Tát là vô sở hữu, là không, là ly nên là bất khả đắc.

Nếu người tu hành quán các “pháp không” mà chẳng tuỳ thuận theo “vô tướng”, “vô tác”, nếu chẳng dùng “vô tác tâm” thì sẽ chẳng có muốn nghe, chẳng có muốn làm gì cả. Như vậy thì tự lợi còn chẳng muốn, huống nữa là lợi tha.

Bởi vậy nên phật dạy: Bồ Tát vào Bát Nhã Ba La Mật chẳng nên chấp ngã, chẳng nên phân biệt các pháp tướng, khi thật hành các thiện pháp. Các việc như vậy rất khó làm, nên người mới phát tâm thường nghĩ rằng: “nếu hết thảy pháp là vô ngã, thì tu các thiện pháp làm gì nữa?”. Hàng người này do nghe nói Bát Nhã Ba La Mật là “vô tâm tướng”, nên thường dễ sanh tâm nhàm chán.

Bởi nhân duyên vậy, nên ngài Tu Bồ Đề phải nói rõ: Ngã, từ trước đến nay vốn là không, chẳng phải trước có mà nay không.

Người tu hành phải biết rõ “ngã” bản lai là như vậy, từ nơi vốn là không, nay cũng là không, chẳng có gì mất mát cả. Bởi vậy nên chẳng có gì phải kinh, phải hãi, phải sợ cả.

–oOo–

Ví như cây đại thọ có gốc rễ bám sâu vào đất, chẳng có thể trong pmootj phen mà dùng rìu chặt để đốn hạ được. Người thợ rừng phải cưa phải chặt rất nhiều lần, lại phải đào bới đến tận sâu mới mong hạ được cây đến tận gốc rễ được.

Cũng như vậy, Bồ Tát nghe nói về pháp không chẳng phải chỉ mới nghe qua một lần mà liền đoạn sạch phiền não kiết sử, mà liền vào được “pháp không”.

Bởi nhân duyên vậy, nên ngài Tu Bồ Đề phải rộng giải để chúng hội được thâm hiểu

Hỏi: Có pháp “Bồ Tát” ở trong ba đời chăng?

Đáp: Nên biết rằng: hiện tại chẳng phải là quá khứ, cũng chẳng phải là vị lai. Quá khứ và vị lai đều do duyên hoà hợp đối đãi mà có và đều là không. Trước và sau đã là không thì hiện tại, ở chặng giữa cũng là không.

Lại nữa, nếu nói năm ấm là Bồ Tát, thì năm ấm cũng là rốt ráo không, là vô lượng vô biên, là đồng vị với vô vi pháp.

Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát quá khứ là bất khả đắc, Bồ Tát hiện tại là bất khả đắc, Bồ Tát vị lai cũng là bất khả đắc.

Hỏi: Nếu nói như vậy thì phải vì ai mà nói Bát Nhã Ba La Mật?

Nếu ở hết thảy xứ, ở hết thảy thời, ở hết thảy chủng mà Bồ Tát đều bất khả đắc thì còn nói Bát Nhã Ba La Mật với ai được nữa?

Lại nữa, nếu nói ngã là vô sở hữu, là rốt ráo không, là rốt ráo bất sanh… dẫn đến nói chúng sanh là không, nói năm ấm là không thì làm sao  có Bồ Tát được nữa?

Đáp: Chúng sanh cũng như năm ấm là rốt ráo không, là rốt ráo bất sanh. Người nào biết rõ được như vậy là biết rõ Bồ Tát cũng là rốt ráo không, là rốt ráo bất sanh vậy

Hỏi: Vì sao nói “Sắc rốt ráo bất sanh, thì chẳng thể gọi là sắc, dẫn đến nói thọ, tưởng, hành thức, rốt ráo bất sanh thì chẳng thể gọi là thọ, tưởng, hành thức”?

Đáp: Vì năm ấm là tướng của “sanh thân”, mà ở nơi “vô phân biệt tướng” thì  năm ấm là rốt ráo bất sanh. Bởi vậy nên chẳng có thể dùng  năm ấm để giáo hoá ai được cả.

Nếu có Bồ Tát nào nghe nói như vậy mà chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ thì phải biết đó là hạng Bồ Tát thường hành Bát Nhã Ba La Mật.

Hỏi: Ngã và Bồ Tát cũng chỉ là một pháp, như vậy sao lẫy ngã để ví dụ cho Bồ Tát được?

Đáp: vào được Bát Nhã Ba La Mật là vào được hết thảy “pháp không”.

Người sơ học chẳng thể biết rõ được ý này, nên cho đó là không trơn. Bởi vậy nên người tu hành trước hết phải phân biệt tội phước, nhằm tu phước, xả tội, khiến được quả báo phước đức. Thế nhưng sau đó lại phải biết rõ phước đức cũng là vô thường. Vì phước đức là vô thường sẽ sanh khổ, nên người tu phải xả phước đức thế gian để cầu đạo niết bàn.

–oOo–

Nên biết rằng chấp ngã mà khởi sanh ra các phiền não, nhưng muốn tầm cầu các phiền não ở nơi 6 thức thì phiền não cũng là bất khả đắc. Vì sao? Vì phàm phu do chấp ngã mới điên đảo tầm cầu các tướng phiền não, còn người đã biết rõ được lý vô ngã thì chẳng còn bị phiền não trói buộc, thì mới dễ lãnh thọ được giáo pháp.

Lại nữa, nếu chỉ nói sắc là không thì người sơ cơ nghe như vậy rất khó được giải. Vì sao? Vì tuy tai nghe nói sắc là không mà mắt vẫn thường thấy sắc, khiến vẫn thường chấp sắc là thật có.

Bởi vậy nên người tu hành phải phá “ngã chấp” trước đã rồi sau đó mới phá “pháp chấp”.

–oOo–

Nên biết rằng các bậc đệ tử của Phật đã chứng được đạo rồi, đều đã tự chứng được “vô ngã”. Còn người chưa được đạo thì chỉ tin được “pháp không”, mà chưa thật tin nơi “vô ngã”. Bởi vậy nên kinh thường lấy “vô ngã” làm ví dụ khi nói về các pháp như huyễn.

–oOo–

Trên đây ngài Tu Bồ Đề nói hết thảy pháp là không, Bồ tát cũng là không, nên đã dùng “vô ngã” dụ cho bồ tát, cũng ví như dùng chất “thạch mật” để dụ cho nước “cam lồ” vậy.

Hỏi: ngài Xá Lợi Phất đã biết “không” tức là “vô ngã” rồi, vì sao nay còn hỏi nữa?

Đáp: Ngài Tu Bồ Đề là Thanh Văn, tự xét trí đức chưa được bằng chư đại bồ tất, nên trước phật ngài chẳng dám nói thâm nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật, sợ hàng sơ học Bồ Tát khởi tâm nghi.

Ngài Xá Lợi Phất muốn đoạn nghi cho các vị tân học bồ tát đó nên mới nêu câu hỏi, để ngài Tu Bồ Đề rộng giải về nghĩa Bát Nhã Ba La Mật.

Do ngài Xá Lợi Phất chất vấn mà ngài Tu Bồ Đề phải khéo phân biệt chỗ thâm nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật, khiến đại chúng sanh được tín tâm thanh tịnh.

Hỏi: Vì sao nói người nào nghe nói Bồ Tát quá khứ bất khả đắc, mà chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ là hạng người thường hành Bát Nhã Ba La Mật?

Đáp: Các hàng Thanh Văn từ khi mới vào đạo, dẫn đến khi được quả vị A La Hán, đều quán các pháp nhân duyên, nhưng vẫn chưa triệt ngộ được “tánh không”. Còn các bậc Bích Chi Phật, thì tuy đã được đạo, mà vẫn chưa đầy đủ từ bi tâm.

Phải là người hành đầy đủ sáu pháp Ba La Mật, thâm nhập “pháp không”, mới đầy đủ từ bi tâm, mới được gọi là Bồ Tát ma Ha Tát.

Bởi nhân duyên vậy, nên mới đặt ra những danh xưng khác nhau, do công đức có sai khác nhau vậy.

Nên biết “ngã” và “chúng sanh” là chẳng phải hai, chẳng phải khác. Ví như trước cùng một sự việc, mà có người thọ khổ, có người thọ lạc, chỉ vì tâm trạng của mỗi người mỗi khác vậy.

Hỏi: Trước đây có nói “do nhân duyên chúng sanh không, mà bồ tát cũng không”. Nay ngài Tu Bồ Đề lại nói thêm “do nhân duyên chúng sanh không, nên bồ tát ở cả ba đời đều không.

Như vậy, nếu chẳng có Bồ Tát, thì năm ấm cũng vẫn có chăng?

Đáp: Vì muốn phá chấp ngã, mà nói chúng sanh là không, là vô ngã. Vì là vô ngã, nên năm ấm cũng là không. Ví như, khi người chết rồi, thì sắc thân sẽ tan rã, khiến năm ấm thân chẳng còn là vật ngã sở của người đó nữa. Bởi vậy nên nói năm ấm là không, dẫn đến Bồ Tát cũng là không.

Hỏi: Nếu nói năm ấm là không, thì “không” có phải là Bồ Tát chăng?

Đáp:  “năm  ấm không” chẳng phải bồ tát. Vì sao? Vì “không” là “vô sở hữu”, là “vô phân biệt”. Khi năm ấm ly tán, thì chẳng còn có “năm ấm tánh”, nên cũng chẳng còn có Bồ Tát nữa?

Lại nữa, nếu năm ấm là không, Bồ Tát là không, thì ba đời cũng là không. Người tu hành phải quán năm ấm thân là không, sáu Ba La Mật là không, Bồ Tát pháp là không, dẫn đến Bồ Tát cũng là không.

Phật nói nhân duyên các pháp đều không, nên “không” chẳng khác Bồ Tát, Bồ Tát chẳng khác “không”. Như vậy, Bồ Tát là không, Bồ Tát pháp là không, ba đời cũng là không. Những pháp này chẳng phải hai, chẳng phải khác.

Sáu Ba La mật, dẫn đến Nhất Thiết Chủng Trí cũng đều là như vậy. Người hành được các pháp như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát.

Các hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật, nếu vào được pháp không thì cũng sẽ được như chư Phật và chư Bồ Tát, cũng sẽ biết rõ rằng tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật, Phật đều là bất khả đắc cả.

Kinh:

Thưa ngài Xá Lợi Phật! Sắc ví như hư không, dẫn đến thức cũng ví như hư không. Vì sao? Vì hư không chẳng có biên bờ, chẳng có chặng giữa. Do vì biên bờ và chặng giữa đều bất khả đắc, nên mới có tên gọi là hư không, mới có danh pháp hư không vậy.

Cũng như vậy, sắc…. dẫn đến thức cũng chẳng có biên bờ, chẳng có chặng giữa. Do vì biên bờ và chặng giữa đều bất khả đắc, hên sắc là không, dẫn đến thức là không. Trong “tánh không” đó chẳng có biên bờ, chẳng có chặng giữa.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói sắc là vô biên, thì bồ tát cũng vô biên, dẫn đến nói thức vô biên thì bồ tát cũng vô biên.

Bốn niệm xứ dẫn đến mười tám bất cộng pháp cũng đều là như vậy.

Thưa ngài Xá Lợi Phất! Sắc và sắc tướng là không…. dẫn đến thức và thức tướng là không, Đàn Ba La Mật và Đàn Ba La Mật tướng là không… dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật và Bát Nhã Ba La Mật tướng là không, nội không và nội không tướng là không… dẫn đến vô pháp hữu pháp không và vô pháp hữu pháp không tướng là không, bốn niệm xứ và bốn niệm xứ tướng là không… dẫn đến mười tám bất cộng pháp và mười tám bất cộng pháp tướng là không, như pháp tánh thật tế và như pháp tánh thật tế tướng là không, bất khả tư nghì tánh và bất khả tư nghì tánh tướng là không, tam muội môn và tam muội môn tướng là không, đà la ni môn và đà la ni môn tướng là không, Nhất Thiết Chủng Trí và nhất Thiết Chủng Trí tướng là không, Thanh Văn Thừa và Thanh Văn thừa tướng là không, Bích Chi Phật thừa và Bích Chi Phật thừa tướng là không, Bồ Tát thừa và Bồ Tát thừa tướng là không, dẫn đến Phật thừa và Phật thừa tướng là không.

Trong “tánh không” thì sắc dẫn đến thức đều bất khả đắc. Bởi nhân duyên vậy, nên nói sắc là Bồ Tát…. dẫn đến nói thức là Bồ Tát cũng đều bất khả đắc cả.

Thưa ngài Xá Lợi Phất! Sắc ở trong sắc là bất khả đắc, thọ ở trong sắc là bất khả đắc, sắc ở trong thọ là bất khả đắc, thọ ở trong tưởng là bất khả đắc, thọ và tưởng ở trong sắc là bất khả đăc, hành ở tron hành là bất khả đắc, hành ở trong thức là bất khả đắc, thức ở trong thức là bất khả đắc, thức ở trong sắc, thọ, tưởng và hành là bất khả đắc.

Lại nữa, nhãn ở trong nhãn là bất khả đắc, nhãn ở trong nhĩ là bất khả đắc, nhĩ ở trong nhĩ là bất khả đắc, nhĩ ở trong nhãn là bất khả đắc nhĩ ở trong tỷ là bất khả đắc, tỷ ở trong tỷ là bất khả đắc, tỷ ở trong nhãn và nhĩ là bất khả đắc, tỷ ở trong thiệt là bất khả đắc, thiệt ở trong thiệt là bất khả đắc, thiệt ở trong nhãn, nhĩ, tỷ là bất khả đắc, thân ở trong thân là bất khả đắc, thân ở trong nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt là bất khả đắc, thân ở trong ý là bất khả đắc, ý ở trong ý là bất khả đắc, ý ở trong nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân là bất khả đắc.

Dẫn đến sáu trần, sáu thức, sáu xúc, sáu xúc nhân duyên sanh thọ cũng đều là như vậy.

Đàn Ba La mật… dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật, nội không…. dẫn đến vô pháp hức pháp không, bốn niệm xứ… dẫn đến mười tám bất cộng pháp, hết thảy các tam muội môn, hết thảy các đà la ni môn, tánh pháp… dẫn đến Bích Chi Phật pháp, sơ địa… dẫn đến thập địa, nhất thiết trí, đạo chủng trí, nhất thiết chủng trí cũng đều là như vậy.

Tu Đà Hoàn.. dẫn đến A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, Phật cũng đều là như vậy.

Vì sao? Vì Bồ Tát ở trong Bồ Tát là bất khả đắc, Bát Nhã Ba La Mật ở trong Bát Nhã Ba La Mật là bất khả đắc, Bát Nhã Ba La Mật ở trong Bồ Tát là bất khả đắc, Bồ Tát ở trong Bát Nhã Ba La Mật là bất khả đắc, giáo hóa vô sở hữu ở trong Bát Nhã Ba La Mật là bất khả đắc, gioá hoá vô sở hữu ở trong giáo hoá là bất khả đắc, Bồ Tát và Bát Nhã Ba La Mật ở trong giáo hoá vô sở hữu là bất khả đắc.

Hết thảy các pháp đều là vô sở hữu, là bất khả đắc. Bởi nhân duyên vận, nên ở nơi hết thảy xứ, nơi hết thảy thời, nơi hết thảy chủng, Bồ Tát đều là bất khả đắc.

Như vậy chẳng có hạng bồ tát nào để dạy Bát Nhã Ba La Mật cả.

Thưa ngài Xã Lợi Phất! Sắc là giả danh, dẫn đến thức là giả danh, sắc giả danh chẳng phải là sắc… dẫn đến thức giả danh chẳng phải là thức. Vì sao? Vì danh và danh tướng đều là tánh không. Nếu danh và danh tướng đều là không thì Bồ tát chẳng phải Bồ Tát. Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ tát chỉ là giả danh. Đàn Ba La Mật chỉ là danh tự. Trong danh tự chẳng có Đàn Ba La mật, trong Đàn Ba La Mật chẳng có danh tự. Dẫn đến Bát Nhã Ba La mật chỉ là danh tự, trong danh tự chẳng có Bát Nhã Ba La Mật, trong Bát Nhã Ba La Mật chẳng có danh tự. Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát chỉ là giả danh.

Nội không chỉ là danh tự, trong danh tự chẳng có nội không, trong nội không chẳng có danh tự. Dẫn đến vô pháp hữu pháp không chỉ là danh tự, trong danh tự chẳng có vô pháp hữu pháp không, trong vô pháp hữu pháp không chẳng có danh tự. Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát chỉ là giả danh.

Bốn niệm xứ dẫn đến mười tám bất cộng pháp chỉ là danh tự, các tam muội môn, các đà la ni môn… dẫn đến Nhất Thiết Chủng Trí chỉ là danh tự. Bởi nhân duyên vậy, nên bồ tát chỉ là giả danh.

Thưa ngài Xá Lợi Phất! Ngã rốt ráo bất khả đắc, thì làm sao mà có sanh được. Dẫn đến tri giả, kiến giả rốt ráo bất khả đắc, thì làm sao mà có sanh được.

Nhãn dẫn đến ý, nhãn thức dẫn đến ý thức, nhãn xúc dẫn đến ý xúc, nhãn xúc nhân duyên sanh thọ… dẫn đến ý xúc nhân duyên sanh thọ đều rốt ráo bất khả đắc, thì làm sao mà có sanh được.

Đàn Ba  La mật… dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật rốt ráo bất khả đắc, thì làm sao mà có sanh được.

Bốn niệm xứ… dẫn đến mười tám bất cộng pháp rốt ráo bất khả đắc, thì làm sao mà có sanh được.

Các tam muội môn, các đà la ni môn… dẫn đến nhất thiết chủng trí rốt ráo bất khả đắc, thì làm sao mà có sanh được.

Thanh Văn, Bích Chi Phật, bồ tát, Phật rốt ráo bất khả đắc thì làm sao mà có sanh được.

Lại nữa, nếu có pháp trước thì mới có pháp sau sanh. Nay pháp thể vốn là không thì làm sao mà có sanh được. Bởi nhân duyên vậy, nên nói ngã cùng hết thảy pháp đều là rốt ráo bất sanh.

Luận:

Hỏi: Tâm và tâm sở là vô hìn, nên chẳng có thể thấy được. Còn sắc có tướng, có hình thì sao cũng nói sắc là vô biêhn?

Đáp: vì sắc pháp là vô sở xứ, nên là vô sắc, là bất khả đắc, là vô biên vậy.

Do có trù lượng, có chấp xa gần, nặng nhẹ… mà phàm phu mới nói sắc có biên bờ.

Phật dạy bốn đại đều là vô sở xứ nên chẳng có biên bờ. Vì sao? Vì chẳng có thể dùng năm thức mà trù lượng về các đại được, chẳng có thể dùng đấu, dùng cân… mà đo lượng các đại được. Bởi vậy nên nối sắc là vô biên.

Lại nữa, sắc quá khứ bất khả đắc, sắc hiện tại bất khả đắc, sắc vị lai bất khả đắc, nên nói sắc là vô biên, chẳng có bờ trước, chẳng có bờ sau, chẳng có chặng giữa.

Lại nữa, biên bờ của sắc chỉ là giả danh. Đây là do phân biệt mà có. Nếu sắc tán hoại thì biên bờ là bất khả đắc. Vì sao? Vì các pháp chẳng có định tướng vậy.

Lại nữa, vô vi pháp là bất sanh, bất diệt, nên khi quán được sắc là không, thì biết rõ vô số, vô lượng, vô biên sắc pháp cũng đều là không, cũng đều ví như hư không, cũng đồng là tướng vô vi vậy.

Như vậy, Bồ Tát cũng như hết thảy pháp đều là bất khả đắc.

Bởi vậy nên nói năm ấm vô biên, thì Bồ Tát cũng vô biên, bốn niệm xứ dẫn đến mười tám bất cộng pháp vô biên, thì bồ tát cũng vô biên.

–oOo–

Nên biết, do tâm phân biệt mà giả thi thiết ra các pháp, lại do năm ấm là vô số, vô lượng, vô biên, là bất khả đắc nên chẳng thể nói sắc.. dẫn đến thức là Bồ Tát được.

Lại cũng nên biết, nếu ly các tâm sở pháp, thì sắc chỉ là vô tình, chỉ ví như cây cỏ gạch ngói… nên chẳng thể gọi sắc là Bồ Tát được. Trái lại nếu tâm và tâm sở ly sắc thân thì chẳng có chỗ y chỉ, nên cũng chẳng thể gọi sắc là bồ tát được.

Bồ tát quán sáu pháp Ba La Mật, ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo, mười tám không, mười lực, mười tám bất cộng pháp, như pháp tánh thật tế, bất khả tư nghì tánh, ba giải thoát môn, hết thảy các tam muội môn và đà la ni môn, đạo chủng trí, nhất thiết trí, nhất thiết chủng trí, ba thừa pháp… đều là tự tướng không cả.

Bồ tát lại quán ba pháp Ba La Mật và sáu pháp Ba La Mật tướng, năm ấm và năm ấm tướng, mười hai nhập và mười hai nhập tướng, mười tám giới và mười tám giới tướng… dẫn đến quán nhất thiết trí và nhất thiết trí tướng, nhất thiết chủng trí và nhất thiết chủng trí tướng, quán Thanh Văn và Thanh Văn tướng, Bích Chi Phật và Bích Chi Phật tướng, Bồ Tát và Bồ Tát tướng, Phật và Phật tướng đều là tự tướng không cả.

–oOo–

Người tu hành quán thường, quán vô thường có thể vào được một môn, hai môn… dẫn đến vào được vô lượng môn, được Nhất Thiết Chủng Trí. Tuy nhiên nếu muốn tầm cầu Bồ Tát, thì Bồ Tát là bất khả đắc. Vì sao? Vì ngay “tự pháp” đã là không thì “tha pháp” cũng là không.

Như trên đã nói: Sắc ở trong sắc là bất khả đắc, thọ ở trong thọ là bất khả đắc, sắc ở trong thọ là bất khả đắc, thọ ở trong sắc là bất khả đắc… dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật ở trong Bát Nhã Ba La Mật là bất khả đắc, giáo hoá ở trong giáo hoá là bất khả đắc. Vì sao? Vì Bồ Tát chỉ là danh tự. Đã là danh tự thì Bồ Tát cũng như năm ấm là tán hoại, là tịch diệt, là như hư không vậy.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói Bồ tát chỉ là giả danh. Ví như nhà huyễn thuật hoá tác ra các huyễn vật, huyễn sự, rồi dùng các danh tự mà đặt tên cho các sự vật ấy.

Ngài Tu Bồ Đề nói với ngài Xá Lợi Phất rằng: Chẳng phải chỉ riêng Bồ Tát là giả danh, mà năm ấm cũng là giả danh. Trong giả danh thì tướng của “giả danh pháp” ấy là bất khả đắc. Đây là xét về đệ nhất nghĩa vậy.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói bồ tát là phi bồ tát. Người thật hành sáu pháp Ba La Mật, được nhất thiết chủng trí gọi là Bồ Tát. Nhưng Bồ Tát cũng như Bồ Tát pháp cũng đều là danh tự, là không, là vô sở hữu.

Hết thảy các pháp đều bình đẳng tánh. Thế nhưng người thế gian đã gượng ép đặt cho mỗi pháp một tên riêng, mà chẳng biết rằng hết thảy các pháp đều do duyên hoà hợp sanh, và đều chẳng phải thật có.

 –oOo–

Trước đây đã nói ngã và danh tự ngã là rốt ráo bất say. Nay ngài Tu Bồ Đề nói rõ về “chúng sanh không” và “pháp không”, nhằm phá các chấp về ngã và pháp. Vì sao? Vì ngã bất khả đắc… dẫn đến tri giả, kiến giả bất khả đắc, nên chẳng làm sao mà có sanh được, sắc… dẫn đến thức bất khả đắc, nên chẳng làm sao mà có sanh được, nhãn… dẫn đến ý bất khả đắc, nên chẳng chẳng làm sao mà có sanh được, nhãn thức… dẫn đến ý thức bất khả đắc, nên chẳng làm sao mà có sanh được, nhãn xúc… dẫn đến ý xúc bất khả đắc, nên chẳng làm sao mà có sanh được, nhãn xúc nhân duyên sanh thọ… dẫn đến ý xúc nhân duyên sanh thọ bất khả đắc, nên chẳng làm  sao mà có sanh được, các tam muội, các đà la ni… dẫn đến Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát, Phật đều bất khả đắc, nên chẳng làm sao mà có sanh được. Vì sao? Vì nếu các pháp trước mà có, thì mới có thể nói có các pháp sau sanh ra được. Do vì pháp thể vốn đã là không thì chẳng có thể nói có pháp tự sanh ra được vậy.

KINH:

Thưa ngài Xá Lợi Phất!

* Vì sao ngã và các pháp đều là tự tánh không?

– Ngã và các pháp đều do duyên hoà hợp sanh, nên là tự tánh không. Sắc… dẫn đến thức do duyên hoà hợp sanh, nên là tự tánh không. Sắc… dẫn đến pháp do duyên hoà hợp sanh, nên là tự tánh không. Nhãn… dẫn đến ý do duyên hoà hợp sanh, nên là tự tánh không.

Nhãn xúc nhân duyên sanh thọ… dẫn đến ý xúc nhân duyên sanh thọ do duyên hoà hợp sanh, nên là tự tánh không. Địa chủng… dẫn đến thức chủng do duyên hoà hợp sanh, nên là tự tánh không. Đàn Ba La Mật… dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật do duyên hoà hợp sanh, nên là tự tánh không. Bốn niệm xứ… dẫn đến mười tám bất cộng pháp do duyên hoà hợp sanh, nên là tự tánh không.

* Vì sao các pháp vô thường mà chẳng đoạn diệt?

Sắc… dẫn đến thức là vô thường, mà chẳng đoạn diệt. Cũng như vậy, hết thảy pháp đều là vô thường mà chẳng đoạn diệt.  Do vì “vô thường tướng” cũng tức là “động tướng”, là “không tướng” vậy. Bởi nhân duyên vậy, nên nói hết thảy pháp đều là vô thường mà chẳng đoạn diệt.

* Vì sao các pháp là phi thường, phi diệt?

– Sắc… dẫn đến thức là phi thường, phi diệt. Cũng như vậy, hết thảy pháp đều là phi thường, phi diệt. Do vì tánh của các pháp tự là như vậy nên nói hết thảy pháp đều là phi thường và cũng là phi diệt.

* Vì sao các pháp là rốt ráo bất sanh?

– Sắc… dẫn đến thức là phi tác pháp, là chẳng phải pháp được tạo tác ra. Cũng như vậy, hết thảy pháp đều là phi tác pháp, đểu chẳng phải pháp được tạo tác ra. Do vì tác giả là bất khả đắc, chẳng có tác giả làm ra các pháp, nên nói hết thảy pháp là rốt ráo bất sanh.

* Vì sao sắc rốt ráo bất sanh, thì chẳng phải là sắc… dẫn đến thức rốt ráo bất sanh thì chẳng phải là thức?

– Sắc là tánh không… dẫn đến thức là tánh không. Tánh không không có nghĩa là vô sanh, vô trú, vô dị, vô diệt.

Cũng như vậy, nhãn… dẫn đến ý, nhãn thức… dẫn đến ý thức, nhãn xúc… dẫn đến ý xúc, nhãn xúc nhân duyên sanh thọ… dẫn đến ý  xúc nhân duyên sanh thọ đều là tánh không, và tánh không có nghĩa là vô sanh, vô trú, vô dị, bô diệt.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói sắc rốt ráo bất sanh thì chẳng phải là sắc… dẫn đến thức rốt ráo Bát Nhã Ba La Mật sanh thì chẳng phải là thức.

*Vì sao nói nếu các pháp rốt ráo bất sanh, thì có nên dạy Bát Nhã Ba La Mật cho Bồ Tát chăng?

-Rốt ráo bất sanh tức là Bát Nhã Ba La Mật, Bát Nhã Ba La Mật tức là rốt ráo bất sanh. Rốt ráo bất sanh và Bát Nhã Ba La Mật là chẳng phải hai, chẳng phải khác.

Bởi nhân duyên vậy, nên tôi bạch Phật: nếu các pháp rốt ráo là bất sanh thì có nên dạy Bát Nhã Ba La Mật cho Bồ Tát chăng?

* Vì sao nói ly rốt ráo bất sanh thì chẳng có Bồ Tát hành Vô Thượng Bồ Đề?

– Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng thấy rốt ráo bất sanh khác với Bát Nhã Ba La Mật, chẳng thấy rốt ráo bất sanh khác với Bồ Tát. Vì sao? Vì rốt ráo bất sanh, Bát Nhã Ba La Mật và Bồ Tát là những pháp chẳng phải hai, chẳng phải khác.

Bồ Tát cũng chẳng thấy rốt ráo bất sanh khác với sắc, thọ, tưởng, hành, thức dẫn đến chẳng thấy rốt ráo bất sanh khác với nhất thiết chủng trí. Vì sao? Vì rốt ráo bất sanh, sắc, thọ, tưởng, hành, thức… dẫn đến nhất thiết chủng trí là những pháp chẳng phải hai, chẳng phải khác.

Bởi nhân duyên vậy nên nói ly rốt ráo Bát Nhã Ba La Mật sanh thì chẳng có Bồ Tát hành Vô Thượng Bồ Đề.

*Vì sao nói nếu Bồ Tát nào nghe nói lời này mà chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ thì đó là Bồ Tát Ma ha Tát hành Bát Nhã Ba La Mật?

– Bồ Tát Ma ha Tát hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng thấy có tướng hay biết về các pháp, vì biết rõ các pháp đều là như mộng, như huyễn, như diệm, như ảnh, như hoá.

Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát nghe nói các pháp này mà chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ.

Luận:

Theo như trên đây, thì Bồ Tát biết rõ các pháp đều là tự tướng không, nên dùng tánh không để pháp các chấp về tự tướng của các pháp.

Ngài Tu Bồ Đề nói: các pháp do duyên hoà hợp sanh, nên đều là tự tướng không. Do năm ấm hoà hợp mà có Bồ Tát, có Bồ Tát danh tự, có Bồ Tát hành sáu pháp Ba La Mật, có Bồ Tát hành các thiện pháp… Thế nhưng, hết thảy các pháp đều chỉ là giả danh, đều là tự tướng không cả.

Ví như, mắt thấy cảnh, phải hội đủ các duyên hoà hợp như: Nhãn căn duyên sắc trần phải nương vào ánh sáng, phải có đủ khoảng hư không, lại phải có thêm bao nhiêu thứ duyên khác, mới thành tựu được sự thấy. Bởi vậy nên nói “pháp thấy” là rốt ráo không, là như mộng, như huyễn. Dẫn đến hết thảy các pháp cũng đều là như mộng, như huyễn cả.

Lại nữa, nên biết hết thảy pháp đều chẳng phải thường (vô thường), chẳng phải đoạn (vô đoạn). Nói vô thường là nhằm phá chấp thường, còn nói vô đoạn là nhằm phá chấp đoạn.

Chấp “thường còn” và chấp “đoạn diệt” đều là các kiến chấp điên đảo. Nếu Bồ Tát biết rõ các pháp như vậy, thì vào được “thật tướng môn”, nên Ngài Tu Bồ Đề nói: vô thường tướng là động tướng, là không tướng vậy.

–oOo–

Lại nữa, nên biết năm ấm là rốt ráo bất sanh, vì tướng sanh là bất khả đắc; dẫn đến năm ấm chẳng phải là tác pháp, vì tác giả là bất khả đắc. Vì sao? Vì sắc là phi sắc, là chẳng phải sắc… dẫn đến thức là phi thức, là chẳng phải thức.

Nơi đây, ngài Tu Bồ Đề muốn nói: Sắc do duyên hoà hợp sanh là tự tướng không, là vô tướng, là pháp vô sanh, vô trú, vô dị, vô diệt. Dẫn đến thọ, tưởng, hành, thức cũng đều là như vậy cả.

Lại nữa, tướng bất sanh chẳng phải là tướng hữu vi nên pháp vô sanh nhiếp về vô vi pháp. Hết thảy các pháp cũng đề rốt ráo bất sanh như vậy cả.

Hỏi: nếu các pháp là rốt ráo bất sanh thì còn dạy Bát Nhã Ba La Mật cho ai được nữa.

Đáp: rốt ráo bất sanh chính là thật tướng pháp. Mà thật tướng pháp chính là Bát Nhã Ba La Mật vậy.

Hỏi: Bồ Tát cũng rốt ráo bất sanh. Như vậy làm sao mà giáo hoá Bát Nhã Ba La Mật cho Bồ Tát được?

Đáp: Nếu ly rốt ráo bất sanh mà có Bồ Tát thì mới nói có pháp Bát Nhã Ba La Mật để giáo hoá cho Bồ Tát. Vì sao? Vì rốt ráo bất sanh, Bát Nhã Ba La Mật và Bồ Tát là những pháp căhngr phải hai, chẳng phải khác.

Hỏi: nếu như vậy thì vì sao còn dạy cho người hành đạo phải ly rốt ráo bất sanh?

Đáp: như trên đây đã nói: nếu Bồ Tát nào nghe nói lời này mà chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ, thì phải biết đó là Bồ Tát Ma Ha Tát đã vào được thật tướng của các pháp. Ở trong đó, Bồ Tát chẳng còn thấy có chúng sanh, chẳng còn thấy ngã, dẫn đến chẳng còn thấy tri giả, kiến giả, chẳng còn thấy có người thuyết pháp, có người nghe pháp, chẳng có thấy có tà thuyết, có chánh thuyết. Vì sao? Vì đã biết rõ hết thảy các pháp đều do duyên hoà hợp sanh, khi hội đủ duyên hoà hợp thì có sanh, khi các duyên ly tán thì là diệt. Bồ Tát biết rõ hết thảy các pháp đều là hư vọng, là hư huyễn, là chẳng có định tướng, là bất sanh, bất diệt. Bởi vậy nên dù phải chết cấp thời, dù phải đoạ vào địa ngục, Bồ Tát vẫn giữ tâm bất động, chẳng hề sanh sợ hãi.

Ví như người nằm mộng thấy bao nhiêu cảnh tượng kinh hoàng, sanh tâm sợ hãi, nhưng khi vừa tỉnh mộng là liền biết rõ cảnh trong mộng chỉ là hư vọng, khiến các nỗi sợ hãi liền tan biến. Cũng như vậy, người tu hành khi còn vọng tâm, còn bị các pháp thế gian trói buộc thì vẫn còn sợ hãi. Nhưng khi đã vào được thật tướng pháp rồi, thì sẽ biết rõ các sự việc diễn biến trong thế gian chỉ là những cảnh mộng dài, tương tục nối tiếp, biết rõ hết thảy các cảnh ở thé gian chỉ là hư vọng, chẳng thật có. Lúc bấy giờ thì chẳng còn sợ hãi nữa.

KINH:

Lúc bấy giờ, ngài Tu Bồ Đề bạch phật: Bạch Thế Tôn! Khi thật hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát Ma Ha Tát quán các pháp như vậy nên chẳng thọ sắc, chẳng thấy sắc, chẳng trú sắc, chẳng chấp sắc, chẳng nói đó là sắc. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều là như vậy.

Đối với nhãn… dẫn đến đối với ý, Bồ Tát cũng chẳng thọ, chẳng thấy, chẳng trú, chẳng chấp, chẳng nói đó là nhãn… dẫn đến chẳng nói đó là ý.

Đối với Đàn Ba La Mật… dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát cũng chẳng thọ, chẳng thấy, chẳng trú, chẳng chấp, chẳng nói đó là Đàn Ba La Mật… dẫn đến chẳng nói đó là Bát Nhã Ba La Mật.

Đối với nội không…. dấn đến đối với vô pháp hữu pháp không, Bồ Tát cũng chẳng họ, chẳng thấy, chẳng trú, chẳng chấp, chẳng nói đó là nội không… dẫn đến chẳng nói đó là vô pháp hữu pháp không.

Đối với bốn niệm xứ… dẫn đến đối với mười tám bất cộng pháp, Bồ Tát cũng chẳng thọ, chẳng thấy, chẳng trú, chẳng chấp, chẳng nói đó là bốn niệm xứ, dẫn đến chẳng niệm đó là mười tám bất cộng pháp.

Đối với các tam muội môn, các đà la ni môn… dẫn đến đối với nhất thiết chủng trí, Bồ Tát cũng chẳng thị, chẳng thấy, chẳng trú, chẳng chấp, chẳng nói đó là tam muội môn, là đà la ni môn… dẫn đến chẳng nói đó là nhất thiết chủng trí.

Bạch Thế Tôn! Khi thật hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát Ma Ha Tát chẳng thấy sắc… dẫn đến chẳng thấy nhất thiết chủng trí. Vì sao?

Sắc chẳng sanh thì chẳng phải sắc… dẫn đến thức chẳng sanh thì chẳng phải thức.

Nhãn chẳng sanh thì chẳng phải nhãn… dẫn đến ý chẳng sanh thì chẳng phải ý.

Đàn Ba La Mật chẳng sanh thì chẳng phải Đàn Ba La Mật… dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật chẳng sanh thì chẳng phải Bát Nhã Ba La Mật.

Nội không chẳng sanh thì chẳng phải là nội không… dẫn đến vô pháp hữu pháo không chẳng sanh, thì chẳng phải là vô pháp hữu pháp không.

Vì sao?

-Sắc chẳng sanh là chẳng phải hai, chẳng phải khác… dẫn đến thức chẳng sanh là chẳng phải hai, chẳng phải khác. Nhãn chẳng sanh là chẳng phải hai, chẳng phải khác… dẫn đến ý chẳng sanh là chẳng phải hai, chẳng phải khác. Đà Ba La Mật chẳng sanh là chẳng phải hai, chẳng phải khác… dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật chẳng sanh là chẳng phải hai, chẳng phải khác. Nội không chẳng sanh là chẳng phải hai, chẳng phải khác… dẫn đến vô pháp hữu pháp không chẳng sanh là chẳng phải hai, chẳng phải khác.

Bạch  Thế Tôn! Bốn niệm xứ chẳng sanh, thì chẳng phải là bốn niệm xứ… dẫn đến mười tám bất cộng pháp chẳng sanh thì chẳng phải là mười tám bất cộng pháp. Pháp như, pháp tánh, thật tế, bất khả tư nghì tánh… dẫn đến chẳng phải là nhất thiết chủng trí. Vì sao?

– Vì bốn niệm xứ chẳng sanh… dẫn đến nhất thiết chủng trí chẳng sanh là chẳng phải hai, chẳng phải khác.

Bạch Thế Tôn, Các pháp bất sanh (chẳng sanh) là chẳng phải đồng cũng chẳng phải khác. Bởi vậy nên pháp bất sanh (chẳng sanh) là phi pháp (chẳng phải pháp). sắc bất sanh là phi sắc… dẫn đến nhất thiết chủng trí bất sanh là phi nhất thiết chủng trí.

Bạch Thế Tôn! Sắc chẳng diệt thì chẳng phải là sắc… dẫn đến thức chẳng diệt thì chẳng phải là thức. Nhãn chẳng diệt thì chẳng phải là nhãn… dẫn đến ý chẳng diệt thì chẳng phải là ý. Đàn Ba La Mật chẳng diệt thì chẳng phải là Đàn Ba La Mật… dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật chẳng diệt thì chẳng phải là Bát Nhã Ba La Mật. Nội không chẳng diệt thì chẳng phải là nội không… dẫn đến vô pháp hữu pháp không chẳng diệt thì chẳng phải là vô pháp hữu pháp không. Bốn niệm xứ chẳng diệt thì chẳng phải là bốn  niệm xứ… dẫn đến mười tám bất cộng pháp chẳng diệt thì chẳng phải là mười tám bất cộng pháp. Pháp như, pháp tánh, thật tế, bất khả tư nghì tánh chẳng diệt thì chẳng phải là pháp như, pháp tánh, thật tế, bất khả tư nghì tánh… dẫn đến nhất thiết chủng trí chẳng diệt thì chẳng phải là nhất thiết chủng trí.

Bạch Thế Tôn! Các pháp bất diệt (chẳng diệt) là chẳng phải đồng cũng chẳng phải khác. Bơi vậy nên pháp bất diệt (chẳng diệt) là phi pháp (chẳng phải pháp): sắc bất diệt là phi săc… dẫn đến nhất thiết chủng trí bất diệt là phi nhất thiết chủng trí.

Bạch Thế Tôn! Pháp bất sanh, bất diệt là phi pháp. Vì sao? Vì hết thảy các pháp, sắc… dẫn đến nhất thiết chủng trí đều nhập vào trong “pháp số bất nhị”.

LUẬN:

Theo lời kinh trên đây, ngài Tu Bồ Đề muốn nói rằng: nếu Bồ Tát quán năm ấm đều là không, thì sẽ hành được năm chánh quán, có nghĩa  là chẳng thọ, chẳng thấy, chẳng trú, chẳng chấp năm ấm và chẳng nói đó là  năm ấm.

–oOo–

Bồ Tát biết rõ năm ấm là vô thường, là nơi khởi sanh ra các phiền não thiêu đốt thân, não loạn tâm, nên chẳng thủ  năm ấm tướng, cũng chẳng chấp năm ấm tướng.

Chẳng phải chỉ quán năm ấm là vô thường, mà Bồ Tát còn quán năm ấm là không, nên chẳng chấp năm ấm tướng, chẳng trú trong năm ấm tướng, chẳng trú trong năm ấm, chẳng y chỉ nơi năm ấm.

Vì sao? Vì khi đã biết rõ năm ấm là không mà mống tâm chấp “tánh không” ấy, thì liền bị các phiền não quáy nhiễu. Chỉ một niệm cấu, Bồ Tát còn chẳng khởi huống nữa là chấp đắm thân tâm. Bồ Tát biết rõ thân tâm là nguồn gốc của bao nhiêu nghiệp tội:

– Thân thì chịu đói khát, nóng lạnh, chịu cảnh già, bệnh, chết.

– Tâm thì chứa nhóm vô thường lượng ưu bi khổ não, tật đố, sân si, dẫn sanh vô lượng vô biên tội lỗi, khiến chúng sanh phải trôi lăn mãi trong các nẻo đường sanh tử. Vì chúng không sanh chẳng biết ró các pháp đề là vô thường, khổ, không, vô ngã nên chẳng hề có được tự tại.

Bồ Tát ở nơi “không môn” mà chẳng chắp “không”, cũng chẳng rơi vào các tà kiến, chấp về đoạn và thường, chẳng nói năm ấm là định pháp, dẫn đến chẳng nói nhất thiết chủng trí là định pháp, vì biết rõ các pháp đều chẳng có định tướng.

Vì sao? Vì ở nơi  năm ấm mà hành năm chánh quán thì sẽ biết rõ năm ấn tướng là vô thường sanh tướng, là nhất tướng, là vô tướng… dẫn đến hết thảy các pháp tướng cũng đều là vô sanh tướng, là nhất tướng, là vô tướng cả.

–oOo–

Lại nữa, vô sanh cùng Bát Nhã Ba La Mật là chẳng phải hai, chẳng phải khác. Khi vào được vô sanh tâm là vào được Bát Nhã Ba La Mật, và ngược lại, vào được Bát Nhã Ba La Mật là vào được vô sanh tâm.

Các pháp đã là vô sanh tướng, thì cũng là vô diệt tướng, nên vô sanh tướng và vô diệt tướng là chẳng phải hai, chẳng phải khác. Bát Nhã Ba La Mật cùng vô sanh, vô diệt là chẳng phải hai, là chẳng phải khác… dẫn đến nhất thiết chủng trí cũng là như vậy. Vì sao? Vì hết thảy các pháp tướng đều là nhất tướng, là vô tướng.

Hỏi: vì sao nói sắc… dẫn đến nhất thiết chủng trí đều nhập vào trong “pháp số bất nhị”?

Đáp: khi chưa phá được sắc thì còn khởi thương ghét, vui buồn… còn sanh các kiết sử, còn chấp đắm nơi sắc. Khi đã phá sắc rồi thì lại sanh tà kiến, chấp sắc là không và trú ở nơi không đó.

Nay Phật dạy chư Bồ Tát rằng: Bồ Tát ở nơi sắc mà phải thường hành “trí huệ không”, mới biết rõ các pháp đều là “không” và đều là chẳng khác tướng, tức là “bất nhị tướng” vậy.

Bồ Tát phải biét rõ các pháp đều là hư vọng, đều chẳng thật có, chỉ do tâm nhiếp thọ cảnh mà khởi sanh các chấp phân biệt về các pháp.

Nên biết tâm cảnh vốn bình đẳng, chẳng phải hai, chẳng phải khác, mà phàm phu vọng chấp tợ có hai, có khác vậy thôi.

Bồ Tát biết rõ tâm pháp, sắc pháp… dẫn đến nhất thiết chủng trí đều là những pháp chẳng phải hai, chẳng phải khác. Như vậy gọi là “pháp số bất nhị”.

Ngài Tu Bồ Đề vì thương xót chúng sanh, vì muốn lam lợi lạc cho chúng sanh, mà nói “hết thảy các pháp đều nhập vào trong pháp số bất nhị” vậy.

(Hết Quyển 52)