LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP I
QUYỂN 11

Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)
Xá Lợi Phất

KINH

Phật bảo ngài Xá Lợi Phất

LUẬN

Hỏi: Bát Nhã Ba La Mật là pháp của Bồ Tát, vì sao Phật lại nói với ngài Xá Lợi Phất mà không nói với các vị Bồ Tát?

Đáp: Ngài Xá Lợi Phất là bậc “Trí huệ đệ nhất” trong hàng đệ tử của Phật như bài kệ thuyết:

Ngoài đấng Thế Tôn ra,
Hết thảy các người trí
Muốn sánh Xá Lợi Phất,
Bậc trí huệ, đa văn,
Ở trong mười sáu phần,
Chỉ bì kịp được một

Ngài Xá Lợi Phất là bậc trí huệ, đa văn, lại có công đức rất lớn. Khi vừa lên tám, ngài đã đọc hết 18 bộ kinh, thông giải hết thảy nghĩa lý các kinh thơ.

Thời bấy giờ, ở nước Ma Già Đà, có hai anh em Long Vương thường làm mưa gió theo thông lệ, mỗi năm vào tháng hai, dân chúng nhóm họp mở hội tế Long Vương. Vào ngày hội ấy, người ta sắp xếp bốn tòa cao ở bốn bên bàn thờ:   

– Bàn thứ nhất dành cho Vua
– Bàn thứ hai dành cho Thái Tử
– Bàn thứ ba dành cho các vị Đại Thần
– Bàn thứ tư dành cho các vị Luận Sĩ.

Lúc bấy giờ ngài Xá Lợi Phất vừa mới lên tám, chỉ tòa thứ tư và hỏi: “Tòa này dành cho ai?”

Có người đáp: “Tòa này dành riêng cho các vị Luận Sĩ”.

Vừa nghe xong, ngài Xá Lợi Phất liền bước lên tòa ấy ngồi để chờ luận nghị.

Dân chúng hết sức ngạc nhiên, hỏi nhau: “Người này tuổi còn nhỏ mà sao dám lên ngồi tòa cao ?”

Ngài Xá Lợi Phất cho người rao lớn: “Ai thắc mắc điều gì xin cứ lên đây mà hỏi”.

Nhiều người nêu lên các điều nạn vấn. Ngài Xá Lợi Phất trả lời trôi chảy tất cả các lời nạn vấn của mọi người. Tất cả các vị luận sư, hiện có mặt, đều khen “Thật là việc chưa từng thấy”. Người lớn kẻ nhỏ, người trí kẻ ngu hết thảy đều thán phục tài luận biện của ngài Xá Lợi Phất.

Vua nước Ma Già Đà hoan hỷ, liền cấp cho ngài Xá Lợi Phất một tụ lạc, và cung cấp mọi vật dụng cần thiết, đồng thời truyền cho dân chúng khắp 16 nước đều biết.

Lúc bấy giờ, có một thanh niên hào hoa phong nhã, tên là Mục Kiền Liên, thấy ngài Xá Lợi Phất thông minh xuất chúng, tìm đến để kết bạn tâm giao.

Có nhà tướng số xem tướng hai ngài và quả quyết rằng “Cả hai về sau sẽ xuất gia, học đạo”.Hai ngài bèn tìm đến một vị Phạm Chí cầu học đạo. Thế nhưng trải qua nhiều năm vẫn chẳng sao chứng được đạo quả. Hai ngài bèn cùng nhau phát lời thệ rằng “Nếu người nào được đạo Cam Lồ trước thì phải cho người kia được biết”.

Lúc bấy giờ, anh em ngài Ca Diếp cùng 1000 đệ tử theo tháp tùng đã đến thành Vương Xá, và đang nghỉ ngơi ở khu vườn trúc. Lại cũng có 2 luận ,sư Phạm Chí cùng đi vào thành.

Ngài Xá Lợi Phất nghe nói Phật hiện đang ở thành Vương Xá, mong muốn được biết rõ tin tức, nên đã cùng theo họ vào thành.

Giữa đường, ngài gặp một vị Tỳ Kheo ôm bình bát di khất thực. Thấy vị Tỳ Kheo oai nghi, tịch tịnh, ngài liền đến gần cất tiếng hỏi : “Chẳng hay ngài là đệ tử của ai?”

Vị Tỳ Kheo đáp : “Tôi là đệ tử của Thích Thái Tử, Ngài nhàm chán các khổ Sanh Già Bệnh Chết, nên đã xuất gia tìm đạo, và đã chứng Vô Thượng Bồ Đề. Thích Thái Tử là bậc thầy của tôi”.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi : “Thầy của ngài đã dạy những gì ? Kính xin ngài cho tôi được rõ”.

Vị Tỳ Kheo dùng kệ đáp lại:

Tuổi đời tôi còn thấp,
Lại vừa mới thọ giới
Sao nói được Chân Pháp,
Thâm nghĩa của Như Lai

Ngài Xá Lợi Phất nóng lòng được biết, khẩn khoản nói: “Kính xin ngài vì tôi lược nói cho tôi nghe !”

Vị Tỳ Kheo lại dùng kệ đáp:

Các pháp theo duyên sanh,
Lại cũng theo duyên diệt.
PHẬT, vị Đại Sa Môn,
Bổn Sư tôi thuyết vậy.

Ngài Xá Lợi Phất nghe xong bài kệ, liền chứng sơ quả Tu Đà Hoàn. Ngài trở về gặp ngài Mục Kiền Liên. Ngài Mục Kiền Liên thấy nhan sắc tốt tươi của ngài Xá Lợi Phất, biết bạn mình đã thấy Đạo, liền mời vào nhà và nói : “Bạn đã được đạo Cam Lồ rồi chăng ? Xin bạn hãy vì tôi diễn bày!”

Ngài Xá Lợi Phất đọc lại bài kệ. Ngài Mục Kiền Liên vừa nghe xong cũng lại chứng được sơ quả Tu Đà Hoàn.

Ngay sau đó, hai ngài dẫn 250 đệ tử cùng đến chỗ Phật.

Thoáng thấy bóng hai ngài ở đằng xa, Phật liền bảo các Tỳ Kheo : “Các ông có thấy hai vị Phạm Chí đang đi đến đó chăng ?”

Các vị Tỳ Kheo thưa : “Bạch Thế Tôn ! Chúng con có thấy”.

Phật dạy : “Này các Tỳ Kheo ! Trong Chúng đệ tử của TA sau này, hai vị này sẽ là những đại đệ tử. Một vị sẽ là Trí Huệ Đệ Nhất, một vị sẽ là Thần Túc Đệ Nhất”.

Hai ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đến đảnh lễ Phật, đứng sang một bên rồi bạch Phật rằng : “Bạch Thế Tôn ! Chúng còn xin được ở trong pháp Phật, xuất gia, thọ giới”.

Phật dạy : “Thiện Lai Tỳ Kheo !”1

Tức thì, cả hai ngài tự rụng râu tóc, được ban cà sa bình bát đầy đủ, được truyền giới.

Quá nửa tháng sau, nhân Phật thuyết pháp cho vị Phạm Chí Trường Trảo nghe, Ngài Xá Lợi Phất liền đắc quả A La Hán.

Như vậy, ngài Xá Lợi Phất có công đức rất lớn, cho nên dù ngài chỉ là A La Hán mà Phật đã vì ngài nói thậm thâm pháp Bát Nhã Ba La Mật.

Hỏi: Tại sao mở đầu kinh, Phật không nói với ngài Tu Bồ Đề và ngài Mục Kiền Liên mà lại nói với ngài Xá Lợi Phất ?

Đáp: Vì ngài Xá Lợi Phất là Trí Huệ Đệ Nhất. Ngài Tu Bồ Đề là Vô Tránh Tam Muội Đệ Nhất, Ngài Mục Kiền Liên là Thần Túc Đệ Nhất. 

Ngài Tu Bồ Đề thường quán tâm chúng sanh mà chẳng sanh phiền não. Ngài cũng thường hành KHÔNG TAM MUỘI, nên ở phần sau của bộ kinh Bát Nhã Ba La Mật này (Quyển 41 – Phẩm thứ 7) khi nói về thuyết KHÔNG, Phật đã bảo ngài Tu Bồ Đề rằng “ông nên dạy các Bồ Tát về Bát Nhã Ba La Mật. Chư Bồ Tát nên thành tựu Bát Nhã Ba La Mật”.

Trong kinh có chép mẫu chuyện về ngài Tu Bồ Đề nhự sau :

Khi Phật ở cung Trời Đao Lợi, an cư kiết hạ 3 tháng và thọ tuế xong rồi trở về cõi Diêm Phù Đề. Ngài Tu Bồ Đề đang ở trong thạch thất, tự nghĩ rằng : “Ta nên đến hầu Phật chăng ?” Rồi ngài lại nghĩ rằng “Phật thường dạy dùng Huệ Nhãn quán Pháp Thân Phật mới thật là thấy Phật”.

Khi Phật về cõi Diêm Phù Đề thì đã có đủ bốn Bộ Chúng, lại có đủ các hàng Trời, Người, A Tu La cùng Chuyển Luân Thánh Vương đến tập hội.

Thấy Chúng Hội trang nghiêm chưa từng có, ngài Tu Bồ Đề lại nghĩ rằng: “Đại chúng nhóm họp trang nghiêm như thế này cũng chẳng lâu dài, vì hết thảy pháp đều vô thường. Lại nữa quán Không, quán Vô Thường cũng đều được Đạo”.

Lúc bấy giờ mọi người đều muốn được thấy Phật, muốn được đảnh lễ và cúng dường Phật. Có một vị Tỳ Kheo Ni, tự hóa làm Chuyển Luân Thánh Vương, mang theo 7 báu đến cúng dường Phật. Mọi người trong Chúng Hội đều nhường chỗ cho vị Hóa Vương đó đến trước Phật. Khi đến chỗ Phật rồi, vị Hóa Vương đó tự hiện trở lại thân Tỳ Kheo Ni và lễ Phật trước mọi người.

Phật dạy : “Ngươi chẳng phải là người đến lễ ta trước, vì Tu Bồ Đề đến lễ ta trước ngươi rồi vậy. Vì sao ? Vì Tu Bồ Đề đã quán pháp KHÔNG, đã thấy Pháp Thân TA, như vậy mới là cúng dường chân chính, chẳng cần phải đến trước mặt TA, cúng dường ta như những người khác. Tu Bồ Đề thường hành KHÔNG Tam Muội nên tương ứng với Không Tướng Bát Nhã Ba La Mật.

Lại nữa, vì chúng sanh thường hay tín kính các vị A La Hán đã được lậu tận hơn các vị Bồ Tát chưa được lậu tận, nên tùy thuận chúng sanh, Phật nói Bát Nhã Ba La Mật với các ngài Xá lợi Phất và Tu Bồ Đề.

Hỏi: Tên Xá Lợi Phất là tên do cha mẹ đặt ra hay y theo các công đức của ngài mà đặt ra ?

Đáp: Tên Xá Lợi Phất là tên do cha mẹ đặt ra.

Sử có ghi chép rằng:

Ngày xưa ở nước Ma Già Đà, có luận sư Bà La Môn tên là Ma Đà La. Vợ chồng Bà La Môn này sinh được một gái đầu lòng có đôi mắt đẹp như mắt chim Xá Lợi, nên đặt tên con là Xá Lợi. Sau đó vợ chồng Bà La Môn này lại sanh thêm một trai có đầu gối lớn nên đặt tên là Câu Hy La.

Bà La Môn Ma Đà La dạy cho hai con đầy đủ các loại kinh thơ. Đương thời có một vị đại luận sư là Đề Xá. Một hôm Đề Xá đến trước cung vua đánh trống xin được luận nghị.

Nhà vua hỏi : “Ai đánh trống vậy ?”

Các vị Đại Thần đáp : “Tâu Bệ Hạ ! Có một vị luận sư Bà La Môn đến đánh trống xin cầu được luận nghị”.

Nhà vua hoan hỷ triệu tập các bậc đại trí thức đến luận nghị. Ma Đà La luận nghị không bằng Đề Xá. Thế rồi nhà vua y theo lời tâu của quần thần, truyền lấy phân nửa đất của Ma Đà La cấp cho Đề Xá.

Bởi nhân duyên vậy, nên hai vị luận sư Ma Đà La và Đề Xá gặp nhau trong ấp. Ma Đà La nói với Đề Xá rằng : “Tôi muốn gả con gái tôi cho con trai của ngài”.

Đề Xá nhận lời. Lễ cưới của đôi trẻ được tổ chức ngay sau đó.

Suốt thời gian mang thai, bà Xá Lợi thường hay luận nghị với người em trai, và lúc nào bà cũng giành phần thắng cả.

Về sau, bà sanh được một trai, đặt tên là Xá Lợi Phất (cũng còn gọi là Xá Lợi Tử), theo tên của mẹ.

Hỏi: Vì sao không đặt theo tên cha là Ưu Bà Đề Xá, mà lại đặt theo tên của mẹ là Xá Lợi ?

Đáp: Bà Xá Lợi được mọi người quý trọng. Trong giới phụ nữ vào thời bấy giờ thì bà là người thông minh vào bậc nhất. Bởi vậy nên lấy tên bà đặt tên cho con vậy.

—o0o—

KINH

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát muốn dùng hết thảy chủng trí, muốn biết hết thảy pháp phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:                                                           

Hỏi: Thế nào là “dùng hết thảy chủng trí” ? Thế nào là “Biết hết thảy pháp” ?

Đáp: “Dùng hết thảy chủng trí” là dùng Trí để biết về Thật Tướng của hết thảy các pháp. Còn “Biết hết thảy các pháp” là biết hết thảy các pháp quán. Ví như phàm phu quán về sắc, về dục, về ly dục, đệ tử của Phật quán về Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã đều như mũi tên, như bệnh, như nhiễm độc. Chư Thánh quán, về 4 Thánh Đế. Quán 4 Thánh Đế có 16 hạnh. Đó là:

– Quán Khổ có 4 hạnh là quán Khổ, quán Không, quán Vô Thường, và quán Vô Ngã.
– Quán Tập có 4 hạnh quán về các duyên sanh ra Khổ.
– Quán Diệt có 4 hạnh quán về các Pháp diệt Khổ
– Quán Đạo có 4 hạnh quán về Chánh Hạnh, về Giải thoát, về hơi thở ra, về hơi thở vào.

Riêng quán hơi thở cũng có 16 hạnh, đó là:

– Quán hơi thở ra
– Quán hơi thở vào
– Quán hơi thở ngắn
– Quán hơi thở đài
– Quán hơi thở khắp thân
– Quán trừ các thân hành
– Quán thọ hỷ
– Quán thọ lạc
– Quán pháp tạo lạc
– Quán nhiếp tâm
– Quán tâm Giải Thoát
– Quán Vô thường
– Quán tán hoại
– Quán ly dục
– Quán Diệt
– Quán xả

Lại có 6 niệm. Đó là : Niệm Phật – Niệm Pháp – Niệm Tăng – Niệm Giới – Niệm Thiên – Niệm xả.

Lại có 6 thức sở duyên pháp. Đó là :

Nhãn thức duyên sắc – Nhĩ thức duyên thanh – Tỷ thức duyên hương – Thiệt thức duyên vị – Thân thức duyên xúc – Ý thức duyên Pháp.

Căn, trần, thức duyên nhau gọi là “Thức Sở Duyên Pháp”.

Lại có Trí sở duyên pháp. Như : Trí biết Khổ, Trí biết Khổ Tập, Trí Tập Diệt, Trí biết Đạo, trí biết các duyên tạo tác đều như hư không, nên cũng chẳng có các duyên. “Trí sở duyên pháp” nhiếp hết thảy pháp, như : Pháp sắc, pháp vô sắc, pháp đối, pháp vô đối, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp hữu vi, pháp vô vi, tâm tương Ưng, tâm bất tương ưng, pháp gần, pháp xa.v.v.

Lại có 3 pháp quán về 5 ấm, 12 nhập, 18 giới cũng nhiếp hết thảy pháp thiện, bất thiện, học, vô học, phi học, phi vô học, kiến đế đoạn, tư duy đoạn và bất đoạn.

Lại có 4 pháp quán về quá khứ, về hiện tại, về vị lai và về “phi quá khứ, hiện tại, vị lai” cũng nhiếp hết thảy pháp.

Lại có 5 pháp quán về sắc, về Tâm, về tâm tương Ưng, về tâm bất tương Ưng, về pháp vô vi cũng nhiếp hết thảy pháp.

Lại có 6 pháp quán về kiến khổ đoạn pháp, kiến tập đoạn pháp, kiến diệt đoạn pháp, kiến đạo đoạn pháp, tư duy đoạn pháp và tư duy bất đoạn pháp cũng nhiếp hết thảy các pháp. Dẫn đến có vô lượng pháp quán nhiếp hết thảy các pháp.

Hỏi: Các pháp thậm thâm vi diệu, chẳng có thể nghĩ bàn được. Như vậy một người làm sao biết hết được ?

Đáp: Ngu si ám độn là đại khổ, trí huệ quang minh là đại lạc. Chúng sanh vì cầu vui mà bị khổ. Bồ Tát vì cầu hết thảy trí huệ mà phát Đại Tâm. Vì muốn độ hết thảy chúng sanh, nên Bồ Tát học hết thảy các pháp. Do chúng sanh có nhiều bệnh nên Bồ Tát phải dùng nhiều phương thuốc để chữa bệnh cho họ.

Lại nữa, vì các pháp thậm thâm vi diệu nên trí huệ của Bồ Tát cũng thậm thâm vi diệu. Lực thần thông của Bồ Tát cũng vô biên, chẳng thể nghĩ bàn được, giống như hư không vô biên chẳng có thể đo lường được. Vì sao ? Vì hư không là vô tướng, là vô pháp nên chẳng thể đo lường được vậy.

–oOo–

KINH:

Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Bồ Tát Ma Ha Tát muốn dùng hết thảy chủng trí, muốn biết hết thảy pháp phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật như thế nào ?

LUẬN:

Hỏi: Phật muốn thuyết kinh Bát Nhã Ba La Mật, sao lại để cho ngài Xá Lợi Phất đặt câu hỏi ?

Đáp: Để cho người khác đặt câu hỏi, rồi dựa vào đó để giải thích là một trong những lối thuyết pháp của Phật.

Ngài Xá Lợi Phất rõ biết Bát Nhã Ba La Mật là thậm thâm vi diệu, là pháp vô tướng, rất khó giải, khó biết. Ngài dã dùng tự lực tư duy rằng “nếu quán các pháp đều vô tướng, thì có phải là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?”. Tư duy như vậy rồi, tự xét mình chưa thông suốt nên hỏi Phật để xin được giải đáp. Lại nữa, vì trí huệ của ngài Xá Lợi Phất so với trí huệ Phật còn kém xa nên ngài phải hỏi.

Trong kinh có chép mẫu chuyện về ngài Xá Lợi Phất như sau :

Một thời Phật đi kinh hành, có ngài Xá Lợi Phất đi theo. Lúc bấy giờ có một con chim ưng rượt bắt một con chim bồ câu. Chim bồ câu liền bay đến chỗ Phật ẩn núp, được an ổn, chẳng còn sợ hãi nữa. Nhưng ngay sau đó thấy bóng ngài Xá Lợi Phất đi lại, nó liền kêu to, sợ hãi như trước.

Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật : “Vì nhân duyên gì mà chim bồ câu núp dưới bóng Phật, chẳng có chút sợ hãi, mà khi vừa thấy bóng con, nó lại hoảng hốt kêu to như vậy ?”

Phật dạy : “Này Xá Lợi Phất! Tập khí ba độc của ông chưa dứt, nên dù được bóng ông che chở, bồ câu vẫn còn sợ hãi. Ông hãy quán về nhân duyên quá khứ xem bồ câu này đã làm thân chim trong bao lâu ?”

Ngài Xá Lợi Phất liền vào Túc Mạng Trí Tam Muội quán thấy chim bồ câu đã từ 1 đời cho đến 8 vạn đời vẫn thường làm thân chim.

Phật dạy : “Ông hãy quán về vị lai xem chim bồ câu này đến bao giờ mới thoát khỏi thân chim ?”

Ngài Xá Lợi Phất lại vào Nguyện Trí Tam Muội quán thấy chim bồ câu này từ 1 đời đến 8 vạn đời nữa cũng chưa thoát được thân chim.

Phật dạy : “Này Xá Lợi Phất ! Chim bồ câu này trong một đại kiếp thường làm thân chim, tội đền xong rồi sẽ ra khỏi đạo súc sanh, rồi sau đó được làm thân người, được lợi căn suốt 500 đời, được nghe pháp Phật. Ở đời sau chim ấy sẽ được làm Ưu Bà tắc, thọ 5 giới, rồi theo các Tỳ Kheo nghe pháp, cúng dường Tam Bảo. Người này khi sơ phát tâm có nguyện làm Phật, trải qua 3 A Tăng Kỳ Kiếp tu hành 6 pháp Ba La Mật, tự đầy đủ 10 địa, độ vộ lượng chúng sanh rồi mới nhập Niết Bàn.

Lúc bấy giờ ngài Xá Lợi Phất hướng về Phật sám hối,  và bạch Phật rằng: “Ở nơi một con chim mà con còn chẳng biết rõ gốc ngọn, huống nữa là ở nơi hết thảy các pháp. Trí huệ của Phật thật là vô lượng vô biên. Con nghĩ rằng dù phải vào Địa Ngục A Tỳ, thọ vô lượng kiếp khổ cũng chưa phải là việc khó làm, biết được trí huệ của Phật mới thật là khó vậy”.

Mẫu chuyện trên đây cho thấy rằng ngài Xá Lợi Phất cũng chưa thấu rõ gốc ngọn của các pháp, nên ở trong hội Bát Nhã Ba La Mật, ngài phải nêu các câu hỏi để xin được Phật giải đáp.

–oOo–

KINH:

Phật dạy: Này Xá Lợi Phất ! Bồ Tát Ma Ha Tát chẳng trú pháp, mà trú trong Bát Nhã Ba La Mật . Do xả hết thảy pháp mà Bồ Tát được đầy đủ Đàn Ba La Mật, vì    rõ biết người thí, kẻ thọ cùng vật thí đều là bất khả đắc.

LUẬN:

Hỏi: Bát Nhã Ba La Mật là pháp gì ?

Đáp: Có thuyết nói “Vô Lậu Huệ Căn” là tướng của Bát Nhã Ba La Mật.  Vì sao? Vì trong hết thảy huệ thì Bát Nhã Ba La Mật là đệ nhất huệ. Lại nữa, vì Vô Lậu Huệ Căn là đệ nhất huệ căn nên gọi Vô Lậu Huệ là Bát Nhã Ba La Mật.

Hỏi: Bồ Tát chưa đoạn sạch kiết sử. Như vậy làm sao có được Vô Lậu Huệ ?

Đáp: Bồ Tát tuy chưa đoạn sạch kiết sử, nhưng đã  hành pháp Tương Tợ Vô Lậu Bát Nhã Ba La Mật, nên được Vô Lậu Huệ. Cũng ví như hàng Thanh Văn, trước khi tu các pháp Noãn, Đảnh, Nhẫn và Thế Đệ Nhất, phải hành Tương Tợ Vô Lậu Pháp mới dễ sanh được Khổ Pháp Trí Nhẫn.

Lại nữa, có 2 hạng Bồ Tát. Đó là:

– Hạng Bồ Tát đã đoạn kiết thanh tịnh
– Hạng Bồ Tát chưa đoạn kiết, chưa thanh tịnh.

Hỏi: Nếu nói “đã đoạn kiết thanh tịnh” thì còn hành Bát Nhã Ba La Mật làm gì nữa ?

Đáp: Đến hàng Bồ Tát Thập Địa, việc đoạn kiết cũng chưa đầy đủ, nên chưa đầy đủ trang nghiêm Phật Độ, chưa đầy đủ giáo hóa chúng sanh. Bởi vậy nên vẫn phải hành Bát Nhã Ba La Mật.

Lại nữa, có 2 trường hợp đoạn kiết. Đó là:

– Đoạn 3 độc (tham, sân, si), tâm không đắm chấp 5 dục.

– Tuy chẳng còn đắm chấp 5 dục, nhưng vẫn chưa xả ly hết các quả báo công đức, các quả báo của 5 dục, nên vẫn phải hành Bát Nhã Ba La Mật.

Trong kinh có ghi các mẫu chuyện về các ngài A Nậu Lâu Đậu và Ca Diếp như sau :

– Khi ngài A Nậu Lâu Đậu đang ngồi tọa thiền trong rừng thì Tịnh Ái Thiên Nữ dùng thân tinh diệu đến thử lòng. Ngài Trưởng Lão bảo Thiên Nữ phải lui ra. Thiên Nữ liền biến mất chẳng còn hiện nữa.

Khi Chân Đà La Vương đem đoàn ca múa đến đàn ca múa hát để cúng dường Phật, thì ở khắp nơi, nhân dân trong các tụ lạc, cầm thú ở các núi rừng đều nhảy múa theo, cho đến ngài Ma Ha Ca Diếp cũng chẳng được an định.

Ngài Thiện Tu Bồ Tát hỏi: Vì sao ngài chẳng được an ?

– Ngài Ca Diếp đáp : 5 dục ở trong 3 cõi chẳng có thể làm động tâm tỏi. Nhưng nay do quả báo thần lực Bồ Tát ở nơi tôi mà tôi phải như vậy. Tôi chẳng để tâm đến mà vẫn chẳng được an.

Các mẫu chuyện trên đây cho thấy rằng chư Thiên mà còn đam mê như vậy, huống nữa người có vô lượng công đức lực nơi quả báo của 5 dục như Bồ Tát. Nếu chưa đoạn sạch kiết, thì Bồ Tát vẫn chưa được an, nên còn phải hành Bát Nhã Ba La Mật.

Trong A Tỳ Đàm có nói “Phật khi còn là Bồ Tát cũng dùng Hữu Lậu Huệ hành Bát Nhã Ba La Mật, cho đến khi được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác dưới gốc Bồ Đề mới đoạn sạch được. Bồ Tát tuy có đại trí huệ, có vô lượng công đức, mà chưa đoạn sạch kiết nên phải dùng Hữu Lậu Huệ hành Bát Nhã Ba La Mật.

Nên phân biệt Hữu Lậu Huệ với Vô Lậu Huệ. Bồ Tát hành Phật đạo là hành Vô Lậu Đạo, nhưng do còn lưu kiết sử để độ chúng sanh nên vẫn cờn dùng Hữu Lậu Huệ hành Hữu Lậu Bát Nhã Ba La Mật. Ở nơi Phật thì Bát Nhã Ba La Mật đã được chuyển thành Tát Bà Nhã, tức là Nhất Thiết Chủng Trí vậy.

Lại có thuyết nói “Tướng của Bát Nhã Ba La Mật là bất khả đắc” cho nên các Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật thấy rõ “pháp thường, pháp vô thường, pháp thật, pháp không thật, pháp có, pháp không.v.v. đều là Bát Nhã Ba

La Mật cả”. Nên biết Bát Nhã Ba La Mật chẳng nhiếp về ấm, giới, nhập, chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp, chẳng thủ, chẳng xả, chẳng sanh, chẳng diệt… Bát Nhã Ba La Mật vượt ra ngoài Tứ Cú (như : có, không, vừa có vừa không, chẳng có cũng chẳng không). Ví như ngọn lửa tỏạ rộng, ở khắp 4 phía ta đều chẳng thể xúc chạm được, tướng của Bát Nhã Ba La Mật cũng chẳng có thể xúc chạm được, chẳng có thể nắm bắt được, nên gọi là bất khả đắc vậy.

Hỏi: Trên đây có nhiều thuyết khác nhau nói về tướng của Bát Nhã Ba La Mật. Như vậy Thật Tướng của Bát Nhã Ba La Mật là gì ?

Đáp: Các thuyết tuy có sai khác nhau nhưng đều đúng cả.

Trong kinh có nêu trường hợp 500 vị Tỳ Kheo tranh luận với nhau về một vấn đề. Người nói có, người nói không, người nói theo nghĩa Trung Đạo. Phật dạý : “Tất cả đều hợp lý, nhưng Trung Đạo Nghĩa mới là Thật Nghĩa. Vì sao ? Vì Bát Nhã Ba La Mật chẳng có thể phá, chẳng có thể hoại dược. Nếu còn một pháp, còn một mảy may, còn một đường tơ kẽ tóc cũng đều có lỗi cả. CÓ cũng như KHÔNG đều phải phá. Vì Bát Nhã Ba La Mật chẳng phải Có, chẳng phải Không, chẳng phải Chẳng Có, chẳng phải Chẳng Không. Tất cả lời nói, tất cả ý nghĩ đều phải phá. Như vậy là tịch diệt, là chẳng có hý luận, là chân thật Bát Nhã Ba La Mật vậy.

Ví như vị Chuyển Luân Thánh Vương hàng phục tất cả các địch thủ, phá tan tất cả âm mưu chống đối, Bát Nhã phá hết thảy các ngữ ngôn, các hý luận, các nghĩa môn. Tướng của Bát Nhã Ba La Mật mới là Thật Tướng, là Thật Tướng Vô Tướng vậy.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói “Trú trong Bát Nhã Ba La Mật là đầy đủ cả 6 Ba La Mật”.

Hỏi: Trước đây nói “chẳng trú pháp”, sao nay lại nói “Trú trong Bát Nhã Ba La Mật” ?

Đáp: Bồ Tát quán hết thảy các pháp là “chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã, chẳng có sanh, chẳng có diệt…”. Quán như vậy là trú nơi tướng của Bát Nhã Ba La Mật mà vẫn chẳng có thủ tướng ấy nên gọi là “chẳng trú pháp”. Nếu còn thủ tướng Bát Nhã Ba La Mật là còn trú pháp vậy.

Hỏi: Ở nơi hết thảy pháp đều phải lấy DỤC làm gốc. Như vậy nếu chẳng muốn thủ tướng Bát Nhã Ba La Mật, nếu giữ tâm “vô sở trước” như Phật dạy, thì làm sao có thể được đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật ?

Đáp: Vì thương xót chúng sanh nên từ sơ phát tâm, Bồ Tát đã lập thệ nguyện độ hết thảy chúng sanh, tinh tấn hành Bát Nhã Ba La Mật.

Dù biết rõ các pháp là bất sanh, bất diệt, nhưng Bồ Tát vẫn hành các công đức, hành đầy đủ 6 pháp Ba La Mật. Vì sao ? Vì Bồ Tát không trú pháp mà chỉ trú Bát Nhã Ba La Mật.

***

Đàn Ba La Mật
(Bố Thí Ba La Mật).

A- Nghĩa của Bố Thí Ba La Mât

Hỏi: Bồ Tát hành bố thí là đã làm việc lợi ích cho chúng sanh rồi. Sao còn phải đầy đủ Đàn Ba La Mật ?

Đáp: Bố thí vô lượng pháp làm lợi ích cho chúng sanh gọi là ĐÀN, nhưng phải biết tùy chúng sanh là bố thí.

ĐÀN là diệu pháp trừ khổ, ban vui cho mọi loài.

ĐÀN là đường dẫn đến cõi Trời, cõi Phật, nhiếp cả đạo Trời Người.

ĐÀN đem lại sự an ổn cho chúng sanh, khiến đến khi mạng chung vẫn giữ được tâm không sợ hãi.

ĐÀN là tâm từ, thường hay cứu giúp chúng sanh.

ĐÀN là nơi chứa nhóm các niềm vui, thường hay phá trừ các nỗi khổ.

ĐÀN là dũng tướng hàng phục xan tham

ĐÀN là diệu quả, là ước mơ của các loài Trời, Người.

ĐÀN là đường thanh tịnh, nơi Thánh Hiền dạo chơi.

ĐÀN là nơí tích tập phước đức.

ĐÀN là duyên tu chứng.

ĐÀN là thiện hạnh dẫn đến thọ quả báo tốt.

ĐÀN là tướng phước nghiệp của các loài Trời, Người.

ĐÀN là lưỡi dao bén cắt đứt 3 đường ác, đoạn trừ bần cùng, khổ cực.

ĐÀN là quả báo phước đức an vui.

ĐÀN là bước đầu dẫn vào Niết Bàn, diệu pháp dẫn vào Thánh Chúng.

ĐÀN là tâm kham nhẫn làm công đức, chẳng ngại khó khăn, chẳng hề luyến tiếc.

ĐÀN là nhà của các thiện pháp, là gốc của đạo hạnh, đem lại an vui hạnh phúc.

ĐÀN là ruộng phước dẫn chúng sanh vào đạo Niết Bàn, là bến mát của các bậc Thánh Hiền.

B- Tán thán nghĩa Bố Thí Ba La Mât

Người có trí huệ mới rõ được nghĩa Đàn Ba La Mật. Ví như gặp cảnh nhà cháy, người có trí mới biết lượng theo thế lửa và hướng gió, để đưa người và tài sản ra khỏi nhà một cách an toàn. Người trí rõ biết thân là khổ, tài vật là vô thường, nên kịp thời tu phước để đời sau được an lạc.

Người ngu gặp cảnh nhà cháy, chỉ biết tiếc của cải mà chẳng biết lượng thế lửa, hướng gió, đành để cho nhà bị thiêu rụi, tài sản tiêu tan.

Nếu suốt đời chỉ lo vơ vét cho đầy túi tham, thì đến khi chết rồi thân cũng trở về với 4 Đại, chẳng được lợi ích gì cho đời sau.

Người có trí huệ rõ biết thân là như huyễn, của cải là tạm bợ, vạn vật đều vô thường. Do ngộ lý Vô Thường, nên thường hành Bố Thí, được nhiều phước đức, lợi lạc cho mình và cho người, ở đời này và cả về đời sau.

Lại nữa, người khéo bố thí được mọi người tin yêu, kính trọng ví như mặt trăng soi sáng suốt đêm dài, được mọi người chiêm ngưỡng. Trì giới thanh tịnh được sanh lên cõi trời.

Thiền Định không nhiễm trước dẫn đến Niết Bàn tịch tịnh.

Bố thí cũng tạo phước đức, làm tư lương dẫn đến Niết Bàn. Vì sao?

Vì người hành bố thí, do nhất tâm quán sanh diệt quán vô thường, mà được đạo Niết Bàn vậy.

c. Tướng của Bố Thí Ba La Mât:

Hỏi: Vì sao gọi Bố Thí là Đàn?

Đáp: Vì người hành Bố Thí có tâm tương ưng với thiện, luôn nhớ nghĩ đến người khác, nên gọi Bố Thí là Đàn. Vì sao ? Vì có nhớ nghĩ đến người khác mới có được ruộng phước để hành Bố Thí. Bố Thí phải hội đủ 3 điều kiện. Đó là:

– Có thiện tâm.
– Có ruộng phước.
– Có tài vật.

Lại nữa, vì người hành Bố Thí có tâm xả, nên gọi Bố Thí là Đàn.

Phải có tâm xả pháp, mới phá được xan tham, mới sanh được niệm Từ, mới hành được Bố Thí.

Bố Thí cũng phải hội đủ 3 điều kiện. Đó là

– Tâm tương ưng pháp.
– Tâm xả pháp.
– Tâm hành pháp.

Lại nữa, người hành Bố Thí phải hội đủ 3 điều kiện nữa. Đó là:

– Thân chứng.
– Huệ chứng.
– Giác quán.

Trong A Tỳ Đàm có phân biệt 2 trường hợp Bố Thí. Đó là:

– Tịnh thí.
– Bất tịnh thí.

Phàm phu, vì tâm chấp đắm, so lường, nên chỉ hành Bất Tịnh Thí mà thôi. Vì sao? Vì phàm phu hành bố thí do nhiều nhân duyên bất tịnh như : vì cầu tài mà bố thí, vì sợ thua người mà bố thí, vì sợ hoạn nạn mà bố thí, vì sợ chết mà bố thí, vì phú quí mà bố thí, vì tranh thắng mà bố thí, vì kiêu mạn mà bố thí, vì danh dự mà bố thí, vì chú nguyện mà bố thí, vì lợi dưỡng mà bố thí.v.v. Các trường hợp Bố thí như vậy gọi là Bất Tịnh Thí.

Trái lại, vì Đạo Giải Thoát mà bố thí, thì gọi là Tịnh Thí. Phải đem tâm thanh tịnh, chẳng cầu phước báo, chẳng vì cung kính hay sợ hãi, chẳng vì thiên vị hay bị ép buộc.v.v. mà bố thí mới gọi là Tịnh Thí. Tịnh Thí dẫn đến đạo Niết Bàn. Dù chưa được Niết Bàn cũng hưởng được nhiều phước lạc.

Lại nữa, vì Niết Bàn mà bố thí, thì cũng được quả báo thanh tịnh. Phật dạy “Có 2 hạng người rất khó được”. Đó là:

– Tỳ Kheo xuất gia được giải thoát.
– Cư sĩ tại gia thanh tịnh bố thí.

Bố Thí thanh tịnh như vậy được vô lượng phước báo đời đời chẳng mất; ví như trồng cây đúng thời tiết thì cây được tốt tươi, đơm hoa kết trái. Vì sao?

Vì:

– Diệt hết các kiết sử là khai mở đạo Niết Bàn.
– Không luyến tiếc vật sở hữu là trừ được xan tham.
– Sanh tâm cung kính người thọ thí là trừ được tật đố.
– Trực tâm bố thí là trừ được siễm khúc.
– Nhất tâm bố thí là trừ được trạo cử.
– Tư duy bố thí là kết tụ công đức.
– Không chấp thủ tài vật là trừ được tham ái.
– Thương xót người thọ thí là trừ được kiêu mạn.
– Biết làm các pháp thiện là trừ được vô minh.
– Tin có quả báo là trừ được tà kiến.
– Biết quyết định có quả báo lả trừ được tâm nghi.

Bố thí như vậy thì 6 căn đều được thanh tịnh, thiện tâm tăng trưởng, nội tâm nhu nhuyến khinh an. Do quán quả báo công đức, nên được tín tâm thanh tịnh.

Bố thí như vậy là được đầy đủ các pháp thiện, được thân tâm nhu nhuyến, hỷ lạc, được nhất tâm, được thật trí huệ.

Lại nữa, do bố thí như vậy, mà làm nảy sanh ở trong tâm đầy đủ 8 Thánh Đạo, 37 Phẩm Trợ Đạo.v.v.

Lại có trường hợp, do bố thí mà được 32 tướng tốt, được làm vị Chuyển Luân Thánh Vương, có được đầy đủ 7 báu.v.v.

Phật dạy: “Bố thí cho người từ xa đến, cho người bệnh, cho người đang gặp hoạn nạn, như nạn lửa, nạn gió, nạn nước, nạn giặc giã.v.v. được thêm phần phước báo”.

Lại nữa, ruộng phước càng lớn thì phước đức càng nhiều. Ví như đem vườn nhà bố thí cho người tu hành, cúng dường cho Tăng Chúng thì được phước báo rất lớn.

Trong kinh có chép mẫu chuyện sau đây:

Thời xưa, ở nước Đại Nguyệt Thị, trong thành Thích Ca La, có một họa sĩ đi qua nước Đà La ở về phương Đông để hành nghề. Sau 15 năm, ông dành dụm được 30 cân vàng đem về cho gia đình.

Khi vừa đến nơi, ông nghe trong thành đánh trống triệu tập đại hội và thấy Chúng Tăng thanh tịnh tề tựu ở hội trường, ông hỏi vị Duy Na: “Cúng dường một ngày ăn uống cho cả Chúng Hội phải tốn kém bao nhiêu?”

Vị Duy Na đáp: “Khoảng 30 cân vàng”.

Ông liền nói: “Cho phép tôi được cúng dường một ngày ăn uống”.

Cúng dường Chúng Tăng xong, ông trở về nhà với hai bàn tay trắng. Bà vợ ông hỏi: “Ông đi làm ăn xa suốt 12 năm dài. Nay trở về nhà, ông có đem được gì về chăng?”

Ông đáp: “Tôi dành dụm được 30 cân vàng. Nhưng nay tôi đã đem số vàng ấy cúng dường cho Chư Tăng và Chúng Hội cả rồi”.

Bà vợ giận quá, bèn trói ông lại, dẫn ông đến cửa quan, và thưa rằng: “Chồng tôi chẳng nghĩ gì đến bổn phận đốí với vợ con. Dành dụm được bao nhiêu ông đem cho người khác hết sạch”.

Vị quan hỏi ông lý do, ông đáp: “Đời trước tôi chẳng khéo tu công đức bố thí, nên ngày nay phải chịu cảnh bần khổ. Nay có được duyên lành, gặp được ruộng phước chư tăng, mà tôi không trồng, cội phước thì về sau còn sẽ phải bị bần khổ mãi mãi”.

Vị quan ấy là một vị ưu Bà Tắc có tín tâm thanh tịnh, kính Phật, trọng Tăng. Vừa nghe xong vị quan, bèn khen rằng: “Ngươi quả thật là một người thiện, biết xả tài hành thí, đem của mồ hôi nước mắt của mình dành dụm trong nhiều năm để cúng dường Chư Tăng. Thật là một tấm gương sáng để người khác noi theo”.

Nói như vậy rồi, vị quan truyền lấy vàng của mình đem bố thí lại cho nhà họa sĩ, và nói rằng: “Bố thí với tâm thanh tịnh được phước đức rất lớn”.

Lại nữa, phải nên biết có 2 thứ ĐÀN. Đó là:

– Thế Gian Đàn.
– Xuất Thế Gian Đàn.

Thế Gian Đàn và Xuất Thế Gian Đàn hoàn toàn khác nhau.

Bố thí với tâm hữu lậu, thì gọi là Thế Gian Đàn.

Các bậc Thánh, đã được Vô Tác Tam Muội, đã trừ sạch kiết sử, xan tham, nên dù phương tiện dùng tâm hữu lậu bố thí, mà vẫn gọi là hành Xuất Thế Gian Đàn.

Thế Gian Đàn là Bất Tịnh Thí, tức là bố thí không thanh tịnh.

Xuất Thế Gian Đàn là Tịnh Thí, tức là bố thí thanh tịnh.

Thế Gian Đàn là bố thí mà còn vướng mắc kiết sử.

Xuất Thế Gian Đàn là bố thí không trụ tướng, bố thí mà chẳng có niệm phân biệt giữa người cho, người nhận và vật cho, vì rõ biết tất cả đều là nhất tướng, là vô tướng, là thường trụ như hư không. Bố thí mà còn sanh tâm chấp chỉ là Thế Gian Đàn, là điên đảo, là không thật.

Bố thí với tâm như như, không điên đảo, rõ biết Thật Tướng Pháp, mới là Xuất Thế Gian Đàn.

Xuất Thế Gian Đàn được các bậc Thánh Nhân xưng tán, vì Xuất Thế Gian Đàn là bố thí theo đúng nghĩa của Thật Tướng Pháp, hòa hợp với Thật Tướng Trí Huệ.

Bố thí chỉ cầu giải thoát sanh tử cho mình là Thanh Văn Đàn.

Bố thí vì sự giải thoát sanh tử cho hết thảy chúng sanh là Bồ Tát Đàn.

Bố thí vì sợ sanh tử là Thanh Văn Đàn.

Bố thí vì giáo hóa chúng sanh mà không sợ sanh tử là Bồ Tát Đàn.

Trong kinh Bổn Sanh có chép mẫu chuyện về vua Ba La Bà và Bồ Tát Vi La Ma, như sau:

Bồ Tát Vi La Ma là vị Bốn Sư của vua Ba La Bà, dạy nhà vua rằng: “Ngài đã được vô lượng vinh hoa phú quí rồi; nay ngài cần phải nghĩ đến việc làm lợi ích cho chúng sanh”.

Nhà vua nghĩ rằng: “Dù ta chẳng còn mong cầu phú lạc, nhưng vì vạn pháp là vô thường nên ta phải hành đại bố thí”.

Nghĩ như vậy rồi, nhà vua tự tay thảo bố cáo cho các Bà La Môn và hết thảy các hàng xuất gia hãy đến cung vua để thọ nhận cúng dường. Nhà vua được 8400 vị Quốc Vương và hảo tâm khác giúp sức, nên nguyện bố thí và cúng dường đầy đủ các vật dụng cần thiết trong 12 năm.

Đồ Tát Vi La Ma tán thán rằng:

Làm vừa lòng tất cả,
Là việc rất khó làm.
Nay ngài, vì Phật Đạo,
Quyết tâm hành Tịnh Thí.

Lúc bấy giờ, chư Thiên ở cõi Tịnh Cư Thiên dùng kệ hỏi:

Do đại nhân duyên gì,
Mở cửa đại bố thí ?
Vì thương xót chúng sanh,
Hay vì cầu Phật Đạo?

Chư Thiên lại suy nghĩ: “Nay chúng ta hãỵ đóng kín bình vàng lại, khiến nước không còn chảy xuống nữa”.

Biết rõ ý nghĩ của chư Thiên, các Ma vương hỏi rằng: “Các Bà La Môn cũng đều là những người xuất gia, cầu đạo. Vì sao lại cho họ chẳng phải là ruộng phước, lại đóng kín bình vàng khiến nước không chảy xuống được?”

Chư Thiên đáp: “Bố thí phải vì Phật Đạo. Nay các Bà La Môn toàn là những người theo tà kiến. Họ chẳng phải là ruộng phước”.

Các Ma Vương lại hỏi chư Thiên: “Làm sao có thể biết đích thật ai là người thực tâm cầu Phật Đạo?”.

Lúc bấy giờ, có một vị Trời ở cõi Tịnh cư Thiên, tự hóa thành một người Bà La Môn, đến hỏi vua Ba La Bà rằng: “Ngài cầu gì mà hành đại bố thí?”

Nhà vua dùng kệ đáp:

Tôi nguyện được Vô Dục,
Lìa Sanh Già Bệnh Chết,
Nhất tâm cầu Phật Đạo,
Nhằm độ hết chúng sanh.

Hóa Bà La Môn lại nói: “Phật Đạo rất khó được. Ngài nên cầu được phước báo khác”.

“Dù cho vành bánh xe nóng quay trên đầu tôi, tôi vẫn nhất tâm cầu Phật Đạo, chẳng mảy may hối hận. Vì sao? Vì chúng sanh trôi lăn trong 3 đường ác, chịu vô lượng khổ đau, nên tôi nhất tâm cầu Phật Đạo, chẳng bao giờ thối chuyển”.

Hóa Bà La Môn tán thán: “Lành thay! Lành thay!”. Rồi nói kệ:

Ngài dõng mãnh tinh tấn,
Thương xót mọi chúng sanh.
Trí huệ vô quái ngại,
Không lâu sẽ thành Phật

Lúc bấy giờ, trời mưa hoa cúng dường. Nhà vua lấy bình nước đổ lên tay Hóa Bà La Môn, nhưng nước không chảy. Nhà vua tự nghĩ: “Tâm ta chưa thanh tịnh chăng?”

Chư Thiên bèn nói rằng: “Người tà kiến, bị lưới nghi phiền não phá chánh kiến, khiến phải xa lìa thanh tịnh giới sẽ đọa vào các đường khổ”. Rồi dùng kệ nói rằng:

Ác tà trong biển người
Không thuận với Chánh Đạo
Những người ở nơi đây,
Chẳng đại tâm như ngài.

Nhà vua nghe xong, dùng bài kệ đáp lại:

Nếu trong khắp mười phương,
Có ai tâm thanh tịnh.
Tôi xin nguyện quy mạng,
Đảnh lễ và cúng dường.

Nói xong, tay phải cầm bình nước dốc xuống tay trái, nhà vua tự lập nguyện rằng: “Nếu tôi thật sự hành đại bố thí, thì xin cho nước trong bình tự chảy ra”.

Ngay lúc bấy giờ, Hóa Bà La Môn thấy nước trong bình chảy trên tay nhà vua, liền dùng kệ tán thán rằng:

Nước từ bình chảy ra,
Thanh tịnh tợ lưu ly.
Nước chảy khắp tay ngài
Lành thay Đại Bố Thí!

Nhà vua nghe như vậy, càng sanh tâm cung kính, nói kệ rằng:

Tôi nay hành Bố Thí
Chẳng Cầu phước ba cõi,
Mà vì mọi chúng sanh,
Bố thí cầu Phật Đạo.

Nhà vua vừa nói dứt bài kệ, thì Đại Địa chấn động.

Kinh Bổn Sanh còn nêu nhiều trường hợp bố thí chẳng tiếc thân mạng như sau:

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khi còn là Bồ Tát, đi khắp 4 Châu Thiên Hạ để cầu Phật Đạo. Gặp một Bà La Môn, Bồ Tát xin cầu Đạo. Vị Bà La Môn ấy nói: “Ông hãy lấy mỡ nơi thân ông thắp đèn, rồi ta sẽ thuyết kệ cho nghe”. Bồ Tát chẳng ngần ngại làm theo, để được nghe thuyết kệ.

Lại nữa, có thời Bồ Tát làm thân chim bồ câu trên núi Tuyết Sơn, thấy một người nghèo khổ, lạnh cóng, đang cần được sưởi ấm, chim liền tự đốt thân mình để bố thí cho người ấy.

Như vậy gọi là Nội Bố Thí, không tiếc thân mạng; cũng còn gọi là Đàn Ba La Mật.

DPháp Thí Ba La Mật:

Hỏi: Thế nào gọi là Pháp Thí?

Đáp : Đem những lời hay đẹp, có lợi ích, nói cho người khác nghe, gọi là Pháp Thí.

Ví như đem Giáo Pháp của 3 Thừa Giáo dạy người, đem 4 Pháp Tạng dạy người, đem những lời diệu thiện trong Phật pháp dạy người… đều gọi là Pháp Thí cả.

Hỏi : Đề Bà Đạt Đa cũng đem Giáo Pháp của 3 Thừa Giáo dạy cho người. Như vậy, vì sao thân Đề Bà Đạt Đa lại bị đọa vào Địa Ngục?

Đáp : Đề Bà Đạt Đa, vì tà kiến, vì cầu lợi danh, chẳng phải vì Đạo Thanh Tịnh mà thí pháp, nên phải đọa vào Địa Ngục.

Người thí pháp phải thường giữ tâm thanh tịnh; hành động thí pháp phải bắt nguồn từ thiện tâm. Thí pháp như vậy mới có được phước đức bố thí.

Lại nữa, người thuyết pháp phải thường tịnh tâm, tư duy, tán thán Tam Bảo, chỉ rõ tội phước, nói rõ 4 Thánh Đế… để giáo hóa chúng sanh, dẫn họ vào Phật Đạo.

Pháp thí chân tịnh phải hội đủ 2 điều kiện. Đó là:

– Không làm não hại chúng sanh, mà trái lại phải làm tăng trưởng thiện tâm nơi họ.

“Thường quán pháp KHÔNG.  Lấy đó làm nhân duyên cho Niết Bàn. Bởi nhân duyên vậy, nên người thuyết pháp, ở trong đại chúng, phải luôn luôn giữ tâm thanh tịnh; nói pháp chỉ vì cầu Phật Đạo, chẳng phải vì danh vọng hoặc vì lợi dưỡng.

Vào thời xa xưa, vua nước A Du Già rất thích được nghe pháp. Nhà vua thỉnh một vị Tỳ Kheo trẻ tuổi vào cung thuyết giảng. Vị Pháp Sư còn trẻ tuổi, nhưng rất thông minh, đoan chánh; mỗi khi nói có mùi hương thơm từ miệng tỏa ra.

Nhà vua hỏi: “Đại Đức mới có hương thơm này trong miệng, hay đã có từ lâu rồi?”

Vị Pháp sư dùng kệ đáp:

Vào thời Phật Ca Diếp,
Tôi thường tán thán Phật,
Rộng diễn nói Pháp Mầu,
Miệng thường tỏa diệu hương.

Nhà vua xin được giải thích rõ hơn. Vị Tỳ Kheo đáp: “Vào thời Phật Ca Diếp, tôi thường tán thán Phật, và ở trong đại chúng tôi thường hoan hỷ diễn nói vô lượng pháp môn, ân cần giáo hóa hết thảy mọi người, nên từ đó về sau tồi được diệu hương từ miệng tỏa ra, đời đời chẳng mất. Rồi Tỷ Khéo nói kệ rằng:

Hương thơm các loài hoa,
Chẳng sánh kịp hương này,
Làm đẹp ý người nghe,
Đời đời chẳng tận diệt.

Lại nói tiếp thêm bài kệ:

Được danh dự, đoan chánh,
Vui vẻ, người cung kính,
Quang minh tợ mặt trời,
Mọi người đều thương mến.
Biện tài cùng trí huệ,
Đoạn sạch hết kiết sử,
Diệt khổ, chứng Niết Bàn,
Đầy đủ mười công đức.

Nhà vua hỏi: “Tán Phật được quả báo như thế nào?”.

Vị Tỳ Kheo đáp: “Tán Phật được 10 công đức sau đây:

– Tán Phật khiến mọi người được nghe Pháp mầu. Bởi công đức này nên được danh thơm.

– Tán Phật khiến mọi người được hoan hỷ. Bởi công đức này nên được đoan chánh.

 – Tán Phật là vì người nói tội phước khiến họ đến được chỗ an lạc. Bởi công đức này nên thường được vui vẻ.

– Tán Phật khiến hết thảy tâm hành đều diệt. Bởi công đức này nên thường được cung kính.

– Tán Phật là biểu hiện sự thuyết pháp, đem ánh sáng trí huệ soi chiếu chúng sanh, đưa họ đến giác ngộ giải thoát. Bởi công đức này nên được quang minh tợ mặt trời

– Tán Phật đem lại sự an vui cho mọi người. Bởi công đức này nên được người thương mến.

– Tán Phật là khéo diễn nói vô lượng vô biên pháp môn. Bởi công đức này nên được biện tài vô ngại.

– Tán Phật là ở nơi diệu pháp chẳng có lầm lỗi. Bởi công đức này nên được trí huệ sáng suốt.

– Tán Phật khiến tín tâm được thanh tịnh. Bởi công đức này nên đoạn sạch được các phiền não kiết sử.

– Tán Phật khiến các khổ đều tiêu diệt, ví như đám mưa lớn có công năng tiêu diệt sức nóng của lửa. Bởi công đức này nên chứng được Niết Bàn.

Nhà vua nghe xong thưa rằng: “Pháp sư thật khéo tán Phật, thật khéo thuyết pháp, độ sanh. Như vậy mới thật là chân Pháp Thí”.

Hỏi: Giữa Tài Thí và Pháp Thí, lối bố thí nào hơn?

Đáp: Phật dạy “Trong 2 lối bố thí, thì Pháp Thí là hơn hết”.

Vì sao? Vì Tài Thí phải nhờ đến ngoại vật, còn Pháp Thí chỉ ở tại tâm. Tài Thí chỉ nuôi dưỡng sắc thân người, Pháp Thí nuôi dưỡng Pháp Thân. Bởi vậy nên so sánh 2 lối bố thí, thì Pháp Thí thắng hơn.

Hỏi: Vì sao nói “Pháp Thí là việc khó làm”?

Đáp: Thuyết pháp để độ chúng sanh là việc rất khó làm.

Hàng Thanh Văn chỉ độ được mình mà không độ được người. Vì sao ? Vì không thuyết pháp đúng với Thật Tướng các pháp.

Lại nữa, nhờ hành phápThí mà hành giả phân biệt được hữu lậu với vô lậu, rõ được Thật Tướng các pháp, được tâm thanh tịnh, không bị lay chuyển, không bị phá hoại, thẳng tiến đến Phật Đạo.

Hỏi : Có 4 hạnh xả là Tài Xả, Pháp Xả, Vô úy xả và Phiền Não Xả. Vì sao chỉ nói đến Tài xả và Pháp xả mà không nói gì đến 2 hạnh xả kia ?

Đáp : Vô Úy xả cùng với Thi La chẳng khác nhau nên không nói. Hơn nữa, đã có Bát Nhã thì chẳng còn có phiền não, tức là đã xả sạch phiền não rổi, nên không nói đến Phiền Não xả làm gì nữa.

Bởi nhân duyên vậy, nên khi nói đến 6 pháp Ba La Mật, thì chẳng cần phải nói đến 4 hạnh xả nữa, vì ở nơi Bát Nhã Ba La Mật đã đầy đủ cả 4 hạnh xả rồi vậy.

(Hết quyển 11)