LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP I
QUYỂN 12

Phẩm thứ nhất
(tiếp theo)

D- Pháp Thí Ba La Mật (Tiếp theo)

Hỏi: Thế nào gọi là Đàn Ba La Mật?

Đáp: ĐÀN đã được giải nghĩa rồi.

BA LA MẬT có nghĩa là đáo bỉ ngạn, tức là qua bờ bên kia.

Bờ bên này là bờ mê, bờ bên kia là bờ giác, hành giả phải vượt qua sông Ái mới đến được bờ bên kia.

Hỏi: Thế nào gọi là “Không đến bờ bên kia” ?

Đáp: “Không đến bờ bên kia” có nghĩa là vượt sông Ái nhưng chưa đến được bờ bên kia thì đã vội quay trở về.

Trong kinh có dẫn dụ trường hợp của ngài Xá Lợi Phất như sau; Ngài Xá Lợi Phất tu bố thí trong 60 kiếp. Một hôm ngài gặp 1 người đến xin bố thí, ngài liền nói : “Ông đến xin tài vật của tôi, dẫn đến xin thân của tôi, tôi cũng sẵn sàng cho ông cả”.

Người ấy nói: “Tôi chỉ muốn xin con mắt của ông thôi. Tôi chẳng muốn xin tài vật của ông cũng chẳng muốn xin hết cả thân của ông”.

Ngài Xá Lợi Phất tự móc mắt của mình trao cho người ấy. Vừa cầm con mắt trên tay, người ấy liền vứt ngay xuống đất, lấy chân chà lên. Ngài Xá Lợi Phất tự nghĩ rằng: “Hạng người tội ác như vậy, ta không thể độ được”. Nghĩ như vậy rồi, ngài bỏ đại tâm làm lợi tha, trở về Thanh Văn Thừa lo phần tự lợi.

Lại nữa, phải nên biết “Bờ bên này là bờ xan tham”, cho nên hành giả phải hành bố thí để làm phương tiện vượt qua sông Ái, đến bờ bên kia, là bờ Giác, là Phật Đạo.

Còn chấp “Hữu-Vô” là còn ở bờ bên này; phá được chấp “Hữu-Vô” mới có được trí huệ dẫn đến bờ bên kia. Cho nên siêng năng tu bố thí là phương tiện hữu hiệu giúp hành giả vượt sông Ái qua đến bờ bên kia vậy.

Lại nữa, có 2 thứ Đàn. Đó là:

  1. Ma Đàn
  2. Phật Đàn

– Nếu do bị kiết sử, phiền não chi phối, mà bố thí, thì gọi là Ma Đàn.

– Nếu bố thí với tâm thanh tịnh, không sợ hãi, không hối tiếc, không thối chuyển, thì gọi là Phật Đàn. Phật Đàn đưa hành giả đến bờ bên kia.

Trong Kinh Độc Xà Dụ có kể mẩu chuyện như sau:

Có 1 ông vua trao cho một tội nhân một hộp dựng 4 con rắn độc, bảo phải chăm sóc, nuôi nấng.

Người ấy quá lo sợ, tự nghĩ rằng “Loài rắn độc nguy hại, chẳng nên nuôi dưỡng làm gì”. Nghĩ như vậy rồỉ, người ấy bèn vứt bỏ hộp rắn đi, rồi tìm cách chạy trốn.

Nhà vua sai 5 người cầm dao rượt đuổi theo. Đến một nơi đồng trống, người ấy gặp 1 người hiền khuyên rằng “Chỗ này nhiều giặc cướp, chắc chắn ngươi sẽ bị sát hại. Ngươi hãy mau mau tìm đến con sông lớn ở đằng xa kia tìm cách vượt qua bờ bên kia; ngươi sẽ được an lạc thanh tịnh”.

Người ấy nghe xong, lấy 8 khúc cây kết lại thành bè, vượt qua được sông an toàn.

Trong mẩu chuyện này:

– Nhà vua dụ cho Ma Vương
– Hộp đựng 4 rắn độc dụ cho thân 4 đại, đầy tham dục xấu ác.
– 5 người cầm dao dụ cho 5 ấm.
– Nơi đồng trống hoang vắng đầy giặc cướp dụ cho tâm thâm độc, tà ác, chẳng chút phước đức.
– Không nên trú dụ cho vứt bỏ 6 tình.
– Người hiền dụ cho bậc minh sư
– Sông lớn dụ cho sông Ái
– Bè kết bằng 8 khúc cây dụ cho 8 Thánh Đạo.
– Bờ bên này dụ cho Thế Gian
– Bờ bên kia dụ cho Niết Bàn
– Qua được bờ bên kia là được Vô Lậu Giải Thoát, chứng được Lậu Tận A La Hán.

Bồ Tát hành bố thí chẳng chấp “Có Ta là người hành thí, có người thọ thí của ta, có vật ta đem ra thí”. Bồ Tát, ở nơi cả 3 pháp ấy, được thanh tịnh, vô ngại, được chư Phật thán khen.

Vì sao? Vì khi bố thí mà sanh chấp tâm thì liền đọa vào cảnh giới của Ma vậy.

Bồ Tát Tu Đàn Ba La Mật và các Ba La Mật khác đầy đủ, nên đến được bờ bên kia.

Hỏi: Qua bờ bên kia rồi còn có gì khác nhau nữa chăng?

Đáp: Tuy cùng qua được bờ bên kia, nhưng cũng có sai khác:

– Nếu qua bờ bên kia, mà chỉ nhằm thoát ly sanh tử, chỉ cầu được vô úy, vô lậu cho riêng chính mình, là chưa có được tâm đại bi, chưa phải vì hết thảy chúng sanh hành bố thí, nên chưa được gọi là Đàn Ba La Mật.

– Nếu qua bờ bên kia nhằm độ thoát hết thảy chúng sanh, vì rõ biết tướng của bố thí thường thanh tịnh, chẳng có sanh, chẳng có diệt, là vô lậu vô vi như tướng của Niết Bàn mới thật là Đàn Ba La Mật.

– Lại nữa, bố thí chẳng cùng tận mới gọi là Đàn Ba La Mật. Vì sao ? Vì chúng sanh chẳng cùng tận, nên bố thí cũng chẳng cùng tận.

– Bồ Tát tu đầy đủ 6 pháp Ba La Mật qua được bờ bên kia là đầy đủ Đàn Ba La Mật. Hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật thoát ly sanh tử cũng qua bờ bên kia, nhưng không được đầy đủ Đàn Ba La Mật.

– Hỏi: Bố thí như thế nào mới được đầy đủ viên mãn Đàn Ba La Mật?

– Đáp: Xả thân mạng mà không tiếc, dùng tâm bình đẳng mà bố thí chẳng cầu phước báo, mới gọi là đầy đủ, viên mãn Đàn Ba La Mật.

Bồ Tát từ khi sơ phát tâm đến khi thành Đạo, hành bố thí như vậy nên được đầy đủ viên mãn Đàn Ba La Mật.

Bồ Tát tu đến Đệ Thất Địa, rõ biết Thật Tướng các pháp, đem trí huệ giáo hóa chúng sanh, trang nghiêm Phật độ, cúng dường chư Phật khắp 10 phương, lại bố thí đầy đủ các thức ăn uống cho các loài Ngạ Quỷ, Địa Ngục, Súc Sanh, khiến họ có được thiện duyên tiêu trừ các tội lỗi, lại vì hết thảy chúng sanh bố thí pháp, khiến họ sanh tâm hoan hỷ, phát khởi tín tâm, hướng về Phật Đạo.

Trong Kinh có chép mẩu chuyện sau đây:

Ở nước Nguyệt Quang có người bị bệnh nặng, đến xin Thái Tử cứu chữa. Thái Tử hỏi ý kiến vị Ngự Y: “Bệnh của người này quá nặng, phải dùng phương thuốc gì để chữa trị?”

Vị Ngự Y thưa : “Chỉ có thể dùng huyết và tủy não mới chữa trị được”.

Thái Tử nghe vậy, liền bảo người đồ tể giết mình để lấy huyết và tủy não cho người bệnh, chẳng mảy may luyến tiếc. Như vậy Thái Tử đã xả bỏ sanh thân, hành Bố Thí Ba La Mật để được viên mãn Pháp Thân.

Hỏi: Vì sao hành Bố Thí Ba La Mật mà được viên mãn Pháp Thân?

Đáp: Bồ Tát đem đầu, mắt, tủy, não bố thí mà chẳng hề luyến tiếc. Như vậy là đã xả nhục thân, để được Vô Sanh Pháp Nhẫn, cho nên được viên mãn Pháp Thân.

Trong Kinh Bổn Sanh có chép các mẩu chuyện sau đây:

– Vào một thời trong quá khứ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn là     Bồ Tát, đã làm thân voi 6 ngà.

Một hôm, thấy người thợ săn đang chuẩn bị bắn mình, voi cất tiếng hỏi : “ông muốn bắn tôi để làm gì ?”

Người thợ săn đáp: “Tôi cần lấy ngà”.

Tức thì voi đến sườn núi tự nhổ các ngà để cho người thợ săn, máu chảy ra lênh láng mà vẫn thanh tịnh, chẳng chút sợ hãi, luyến tiếc. Như vậy là Bồ Tát Bố Thí Ba La Mật để được viên mãn Pháp Thân.

– Lại có lúc Bồ Tát đã làm thân chim để giáo hóa chúng sanh, ở một khu rừng nọ, có một thớt voi lớn và một chú khỉ kết bạn tâm giao với nhau.

Hai con vật bèn đến dưới gốc một cây Tát Bát La to lớn, thảo luận để phân định ngôi vị anh em.

Voi nói: “Tôi đã thấy cây Tát Bát La này từ khi nó còn thấp dưới bụng tôỉ, vậy tôi là anh”.

Khỉ nói: Trước đây, tôi dã từng ngồi dưới đất vin đọt cây này xuống dể vui chơi, vậy tôi phải làm anh”.

Ngay khi đó có một con chim bay qua nói rằng: “Trước đây tôi ở trong rừng ăn quả Tát Bát La, bay ngang qua đây làm rơi hột xuống, do vậy mới có cây Tát Bát La này, cho nên tôi là lớn nhất. Nghe xong, voi mời khỉ ngồi lên đầu mình, mời chim đậu trên đầu khỉ đi dạo quanh khắp rừng.

Chim, thú trong rừng thấy điều lạ, vây quanh hỏi lý đo. Voi đáp rằng : “Đây là phép cung kính cúng dường bậc trưởng thượng”. Chim, thú nghe như vậy đều được giáo hóa, chẳng còn dám sát hại lẫn nhau, chẳng còn dám phá hoại mùa màng nữa.

Dân chúng quanh rừng vui mừng tán thán : “Loài chim, loài thú mà còn biết cung kính nhau, biết tu thiện chẳng còn sát hại lẫn nhau. Thật là điều chưa từng thấy”.

Noi gương tốt của các chim, thú, mọi người trong vùng thương yêu đùm bọc nhau, sống vui vẻ với nhau trong cảnh thanh bình an lạc.

***

Bồ Tát dùng đủ mọi phương tiện thiện xảo, thị hiện sanh trong các loài, hóa tác ra vô lượng tài vật quý báu để bố thí, nhằm giáo hóa chúng sanh và cúng dường chư Phật.

Hành bố thí như vậy là được viên mãn Pháp Thân.

Đàn Ba La Mật có 3 thứ , đó là:

  1. Vật thí
  2. Cung kính thí
  3. Pháp thí

* Vật thí: Là đem nội ngoại vật sở hữu của mình mà bố thí cho người khác.

Cung kính thí: Là cung kính lễ bái, cúng dường các bậc mà mình tôn kính.

Pháp thí: Là đem pháp nhiệm mầu của Phật, đem những điều đạo đức giảng nói cho người khác nghe, khiến họ trừ được nghi hối và sanh được tín tâm thanh tịnh, hướng về Đạo Giải Thoát.

Hỏi: Dạy 5 giới cho người có phải là pháp thí không?

Đáp: Bố thí phải hội đủ 3 nhân duyên. Đó là:

  1. Tín tâm thanh tịnh
  2. Tài vật.
  3. Ruộng phước (phước điền)

* Bố thí với tín tâm thanh tịnh là bố thí bình đẳng, vừa thương xót chúng sanh, vừa cung kính các bậc tôn túc có đầy đủ công đức.

Đối với cả hai hạng người này, đều phải cung kính, lân mẫn, trong lúc hành bố thí cúng dường…

* Tài vật thí là bố thí những tài vật của chính mình có, chẳng phải do mình cướp trộm, lường gạt dối trá mà có được..

* Ruộng phước có 2 nghĩa. Đó là :

– Ruộng phước do thương xót (lân mẫn)

– Ruộng phước do cung kính.

Như vậy do thương xót hay cung kính chúng sanh mà trao 5 giới cho họ cũng là một hình thức pháp thí vậy.

Ví như vua A Dục đem đất đai, thành quách cúng dường Phật và chư Tăng là một trường hợp điển hình về tài vật thí. Lại như có người nữ đem chuỗi anh lạc và 7 báu của mình cúng dường tháp Phật Ca Diếp là tín tâm thanh tịnh thí vậy.

Hỏi: Nếu nói “Đàn là pháp xả tài vật”, thì sao còn nói là pháp “vô sở xả”?

Đáp: Có hai thứ Đàn. Đó là:

– Thế Gian Đàn
– Xuất Thế Gian Đàn

Xuất Thế Gian Đàn là vô tướng, cho nên là pháp Vô Sở Xả.

Tuy thật có tài vật đem ra bố thí, nhưng khi hành bố thí, hành giả không chấp có ta là người hành thí, không chấp có người thụ thí của ta, cũng không chấp có tài vật của ta đem ra để bố thí.

Cả 3 pháp ” Người thí, người thụ và vật thí” đều thanh tịnh, đều là bất khả đắc cả.

Bố thí như vậy gọi là pháp Vô sở xả, có đại công đức, vì không sanh kiêu mạn, không sanh ái kiết.

Người thế gian dù chẳng còn kiêu mạn, nhưng cũng còn có ái pháp, nên khi bố thí chỉ mới xả tài mà chưa có xả thí.

Các bậc xuất thế gian, do chẳng còn có kiêu mạn, chẳng còn có ái kiết nên khi hành bố vừa xả tài, vừa xả thí. Bố thí như vậy mới là pháp xả đầy đủ, là pháp vô sở xả vậy…

Hỏi: Vì sao nói “Đầy đủ Đàn Ba La Mật cũng chỉ là danh, cũng là bất khả đắc”?

Đã nói đến bố thí thì phải có người thí, có người thụ, có vật thí. Như vậy là đã có nhân duyên, có quả báo bố thí rõ ràng. Sao lại nói chỉ là danh, là bất khả đắc?

Đáp: Đây chỉ là do nhân duyên tạo tác có sai khác, mà khởi phân biệt các danh từ “Thật” hay “Không thật” vậy thôi.

Ví như tấm vải do nhiều sợi vải dệt thành. Khi còn là những sợi vải thì nói tấm vải là “không thật”, khi đã dệt xong thì nói tấm vải là “Thật”.

Lại nữa nhân duyên tạo tác các vật cũng có thể là “thật có” hay là “không thật có”. Ví như cảnh vật trong mộng, bóng trăng dưới nước đều không có nhân duyên tạo tác. Do phân biệt, đối đãi mà nói “trăng trên trời là thật”, “trăng dưới nước là không thật”. Tất cả các pháp ấy đều là giả danh, đều là giả pháp cả. Ví như ngắn đối đãi với dài, phương Đông đối đãi với phương Tây v.v. Thật ra “ngắn”, “dài”, “Đông”, “Tây”… đều là bất khả đắc cả.

Các pháp tướng đều chẳng thật có, nên chỉ là danh. Ví như sữa, do sắc, hương, vị cùng nhiều duyên khác mà thành. Thật sự sữa chỉ là danh, là bất khả đắc, chỉ ví như lông rùa sừng thỏ vậy thôi.

Cũng như tấm lụa do nhiều sợi tơ và nhiều nguyên nhân khác nữa tạo thành. Từ tấm lụa đó, lại phải có thêm nhiều nguyên nhân khác nữa mới tạo thành ra chiếc Y. Tất cả tấm lụa, chiếc y đó cũng chỉ là danh, cũng là bất khả đắc cả.

Hỏi: Hết thảy các sự vật đều do duyên hòa hợp mà có hay sao?

Đáp: Đến hạt vi trần cũng chẳng thật có, chỉ là gượng ép đặt tên, để lập sự tương đãi giữa “tế và thô”. Do có thô mà có tế, do có tế mà có thô.

Nếu có “cực vi sắc”, thì đã có “phương phận”. Nhưng đã có phương phận thì chẳng thể gọi là cực vi, trái lại nếu chẳng có phương phận thì chẳng thể là sắc được… Lại nữa, nếu nói có “cực vi”, thì cực vi phải có sắc, thanh, hương, vị, xúc; trái lại nếu đã phân biệt có sắc, thanh, hương, vị, xúc thì chẳng thể gọi là “cực vi” được. Xét như vậy thì “vi trần” cũng là bất khả đắc.

Như trong kinh nói “Sắc dù thô, dù tế, dù nội, dù ngoại cũng đều chỉ là danh, đều là bất khả đắc cả. Vì sao ? Vì nếu quán sắc là vô thường, vô ngã thì ta không thể nói có vi trần được. Vì nếu ta cứ phá SẮC mãi, thì đến tận cùng sắc sẽ trở thành KHÔNG”.

Trong kinh có chép mẩu chuyện sau đây :

Ở núi Kỳ Xà Quật, nơi thành Vương Xá, một hôm Phật đi kinh hành cùng các vị Tỳ Kheo. Giữa đường gặp một cây lớn, Phật dừng lại, trải tọa cụ ngồi và nói với các Tỳ Kheo rằng: “Này các Tỳ Kheo! Người nhập thiền định được tự tại quán cây này thành đất, nước, gió, lửa v.v.”

Xem như vậy thì biết rằng cảnh vật bên ngoài là bất định, biến đổi tùy theo tâm niệm của chúng sanh. Ví như một người con gái đẹp, dưới mắt một nhà họa sĩ điêu khắc là một tác phẩm nghệ thuật, nhưng người háo sắc thấy được liền động tâm dục vọng, người đàn bà có máu ghen tuông lại sanh tâm đố kỵ ganh ghét, trong khi đó thì người tu tịnh hạnh lại quán thấy bất tịnh. Nếu sắc đẹp của người con gái ấy là thuần tịnh, thì cả bốn cách quán nêu trên đây đều là bất tịnh cả.

Quán KHÔNG cũng như vậy. Hành giả quán vạn vật đều là tự tánh KHÔNG, thì rõ biết hết thảy các sự các vật đều là bất khả đắc.

Bởi vậy nên khi hành bố thí, hành giả phải quán “người thí, người thọ và vật thí” đều là tự tánh Không, đều là bất khả đắc cả.

Cũng nên biết rằng sắc thân của ta do 4 đại và hư không hòa hợp tạo thành. Đã có sắc thân thì có cử động, có đi, đứng, nằm, ngồi, có nói năng v.v. Nhưng tầm cầu cái TA ở nơi mỗi thành phần của sắc thân đều là bất khả đắc cả.

Lại nữa, muốn tầm cầu cái TA ở nơi 5 ấm, 12 nhập, 18 giới thì cũng chỉ là bất khả đắc. Vì sao ? Vì có chấp NGÃ mới có đủ các danh tự như : nam, nữ, người thí, người thọ, người thọ khổ, người thọ lạc v.v. Tất cả chỉ có danh mà chẳng phải là thật pháp.

Hỏi: Nếu người thí và người thọ đều là bất khả đắc, thì làm sao Bồ Tát có thể hành Đàn Ba La Mật ?

Đáp: Như trên đây đã nói “do nhân duyên hòa hợp mà có ra các pháp, có người thí, có người thọ, có vật thí v.v. nhưng tất cả chỉ có nơi danh, chẳng phải là thật pháp. Bởi vậy nên bố thí mà chẳng trụ nơi tướng mới là Đàn Ba La Mật.

Hỏi: Vì sao nói “NGÃ là bất khả đắc” ?

Đáp: Phật dạy “6 thức y chỉ nơi thức A Lại Da ở bên trong và tương ưng với các duyên ở bên ngoài. Nếu 6 căn cộng duyên với 6 trần, thì cả 6 thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức) cùng hiện khởi, nhưng riêng ý thức vì dễ tương ưng với các duyên nên dễ hiện khởi hơn.”

Nếu biết rõ căn, trần và thức cộng duyên sanh pháp là không thật, thì thấy rõ NGÃ cũng là không thật có. Được như vậy, tâm tánh sẽ được thanh tịnh, tự tại, chẳng còn trụ chấp các pháp, chẳng còn thấy có NGÃ, ngã sở, ngã ái, ngã si, ngã mạn, ngã khổ, ngã lạc… Chỉ do thức Mạt Na y vào thức A Lại Da, chấp NGÃ mà có các ngã tướng đó thôi, thật ra NGÃ là bất khả đắc.

Hỏi: Mỗi người đều có tự thân. Như vậy vì sao nói “trong Vô Ngã mà lại có Ngã” được ?

Đã nói là Vô Ngã thì làm sao ở hiện tại mỗi người đều có thức sanh diệt. Đến khi mạng sống dứt thì thức sanh diệt cũng dứt luôn. Lúc bấy giờ thì tội phước cũng dứt luôn hay sao ? Nếu như vậy thì ai thọ khổ, ai thọ lạc, ai bị đọa ai giải thoát ? Đã có các nhân duyên như vậy thì vì sao lại nói “không có ngã” ?

Đáp: Thân do nhân duyên 5 ấm sanh, nên là tự tánh không, là bất khả đắc nên nói là Vô Ngã vậy.

Chúng sanh chìm đắm trong vô minh, chẳng biết thân mình do 5 ấm duyên sanh, nên chấp 5 ấm là Ngã, rồi tự nơi thân khởi sanh đủ thứ ngã kiến.

Trong kinh có chép mẩu chuyện sau đây:

Có một người đi lạc đường, phải vào ngủ trong một căn nhà hoang vắng. Đêm đến, người ấy trông thấy một con quỷ đem một xác chết đến, rồi lại trông thấy một con quỷ khác chạy đuổi theo quát lớn rằng : “Thức ăn của ta, cớ sao ngươi lại lấy mang đi?”

Hai con quỷ tranh nhau, xé banh thây chết, ăn 2 tay, 2 chân rồi ăn luôn cả thân mình. Ăn xong, cả hai con quỷ đều bỏ đi.

Người nằm trong nhà thấy tận mắt cảnh 2 con quỷ xé xác người chết, run sợ đến cuồng trí.

Ngày hôm sau trở về nước, gặp Phật và chư Tăng, người ấy thưa rằng : “Thân tôi có thật có chăng ?”

Một vị Tỳ Kheo hỏi: “Ông có phải thật là người chăng ?”

Người ấy đáp: “Tôi cũng chẳng tự biết tôi có phải là người hay không phải là người nữa”.

Vị Tỳ Kheo nói: “Thân ông từ xưa đến nay vốn chẳng có Tự Ngã. Thân ông chỉ do 4 đại hòa hợp tạo thành mà ông vọng chấp là thân của ông”.

Rồi vị Tỳ Kheo thuyết pháp, độ người ấy sạch các phiền não, và vào được Đạo.

Cho nên biết “sắc tướng” là “phi sắc tướng”, là bất khả đắc. Nếu đã có tướng là có pháp. Nếu không có tướng là “vô pháp”. Do vậy mà biết các pháp đều là tự tướng không. Biết như vậy rồi, thì chẳng còn chấp pháp, dẫn đến chẳng còn chấp có tội phước, chẳng có ai thụ khổ, chẳng có ai thụ lạc, chẳng có ai bị đọa, chẳng có ai giải thoát cả.

Hỏi: Tự sát có phạm tội sát sanh không ? Vì sao trong bộ Tỳ Ni lại nói “Tự sát không phạm tội sát” ?

Đáp: Tội phước từ nơi chỗ làm phiền não người khác hay làm lợi ích cho người khác mà sanh ra. Bởi vậy nên trong bộ Tỳ Ni nói “Tự sát không phạm tội sát” vậy.

Hỏi: Thần có thường có khắp trong 5 đạo chúng sanh không?

Đáp: Nếu có sanh, có tử, thì không thể nói “thần là thường”. Vì sao ? Vì nếu thần là thường, không biến đổi, thì chẳng có khổ lạc, có tội phước. Lại, nếu thần là thường thì phải như hư không, đời nay cũng không, đời sau cũng không. Vì đời có khổ lạc, có biến đổi, có nhớ quên, có còn mất, có sanh diệt… nên không thể nói thường có Thần, thường có Ngã được. Như vậy có rất nhiều nhân duyên cho biết, thần chẳng phải thường còn. Nếu thần là thường còn thì chẳng có tội, chẳng có phước.

Lại nữa, nếu thân là vô thường thì thần cũng vô thường.

Mặt khác, nếu nói cả thân lẫn thần đều đoạn diệt thì cũng vẫn có đời sau thụ quả báo, tội phước. Vì sao ? Vì nếu đoạn diệt mà chứng được Niết Bàn, thì ở đời này chẳng cần phải đoạn kiết sử, và sự chứng đắc Niết Bàn cũng chẳng phải do nhân duyên tội phước.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói “thần chẳng phải thường, chẳng phải vô thường”.

Lại nữa, nếu thần mà tự tại, thì chúng sanh chẳng sợ đọa vào các đường ác do các việc làm ác độc của mình gây ra, cũng chẳng có thụ khổ, thụ lạc nữa. Thế nhưng vì chúng sanh có thụ khổ, có thụ lạc, do các nhân duyên tội phước gây ra. Bởi các nhân duyên vậy, nên nói “thần chẳng có tự tại”.

Hỏi: Nếu nói “thần không tự tại” thì chẳng có “thần tướng” hay sao ?

Đáp: Có người nói “thần ở tại tâm, nhỏ như vi trần”. Không thể nói như vậy được. Vì sao ? Vì dù nhỏ như vi trần, thần tướng cũng chỉ là sắc tướng. Sắc do 4 đại hòa hợp tạo ra, là vô thường. Nếu thân là sắc thì thần cũng vô thường nên chẳng có tự tại.

Hỏi : Vì sao lại không phân biệt hai thứ thần: Thô thần và tế thần ? Thô thần là vô thường, nhưng còn tế thần vào được trong 5 đạo chúng sanh. Như vậy sao lại nói “tế thần là vô thường” được ?

Đáp: Cũng không thể nói như vậy được, vì sao ? Vì nếu nói rằng “tế thần vào trong 5 đạo chúng sanh”, thì phải có xứ sở, mà 5 đạo chúng sanh chẳng có xứ sở, nên tế thần là bất khả đắc vậy.

Hỏi: Tế thần quá vi tế, khi một chúng sanh vừa mới chết thì tế thần liền rời khỏi sắc thân. Tế thần không nhiếp về 6 tình nên chẳng có thể thấy, chẳng có thể biết được. Chỉ có các bậc Thánh mới có thể thấy, có thể biết được. Như vậy sao lại nói tế thần là bất khả đắc ?

Đáp: Cũng không thể nói như vậy được. Vì sao ? Vì người chết bỏ thân này, liền nhập vào thân Trung Ấm, khi tái sanh lại bỏ Thân Trung Ấm, nhập vào một thân khác ở đời sau. Ví như ấn xuống bùn, dấu ấn vừa hiện liền mất, chỉ một thời, chẳng có trước sau. Thân trước diệt, thụ thân Trung Ấm, rồi xả thân Trung Ấm để thụ thân sau. Ví như cây đèn sáng do tim đèn cháy tương tục, nối tiếp luôn không dứt, chẳng phải thường, chẳng phải đoạn vậy.

Phật dạy “Hết thảy sắc ấm chẳng có 3 thời, chẳng có nội ngoại, chẳng có thô tế, tất cả đều là vô thường”.

Như vậy, đủ các nhân duyên cho thấy rằng, thần dù “thô” dù “tế”, dù “sắc tướng”, dù “vô sắc tướng”, cũng đều là vô thường, là đoạn diệt, là không tự tại.

Lại nữa, thần chẳng phải là sắc dù chỉ là vi tế sắc, vì tầm cầu thần ở cả 3 đời và khắp 10 phương thì thần cũng là bất khả đắc.

Do 12 nhân duyên hòa hợp mà có 6 căn, 6 trần, 6 thức, các tâm sở pháp đều do lực vô minh tạo thành. Chỉ do thân kiến mà khởi chấp có thần, dẫn đến có thọ khổ. Nếu thấy rõ được Khổ Đế thì đoạn được thân kiến, được Khổ Pháp Trí và Khổ Tỳ Trí. Khi đã đoạn được thân kiến rồi, thì cũng diệt chấp về thần, nên nói “thần là bất khả đắc” vậy.

Do có thức, mà biết có sắc, có sanh, có diệt. Sanh tương tục, diệt cũng tương tục, trong sanh có diệt, trong diệt có sanh. Thế nhưng phàm phu chẳng nhận biết sự tương tục của sanh diệt mà cứ chấp có pháp sanh diệt. Sở dĩ khởi chấp như vậy là do niệm tưởng, mà niệm tưởng là pháp hữu vi. Mặc dù “diệt” đã lùi về quá khứ mà niệm tưởng vẫn còn ghi nhớ.

Các bậc Thánh, do sức trí tuệ, rõ biết các sự việc ở quá khứ cũng như ở vị lai, rõ biết nhận thức trước tương tục sanh nhận thức sau. Khi nhận thức đã có lực rồi, thì dù sắc chỉ tạm có mà niệm lực vẫn có thể biết được các sự việc, dù niệm niệm vô thường mà niệm lực vẫn có thể phân biệt được sắc.

Người sống chết do nhân duyên nghiệp lực tương tục sanh khởi, ví như ngọn đèn cháy do nhân duyên dầu được tương tục thấm vào tim đèn vậy.

Cũng như do các nhân duyên như hạt giống, đất nước, công cày xới đất,… mà lúa ở mùa trước được tương tục truyền thừa đến các mùa lúa sau. Các nghiệp lực hữu lậu do thân đời trước tạo ra, là hạt giống không có thể đoạn hoại tạo ra nghiệp thân đời sau. Tuy nhiên, nếu đoạn được hết các kiết sử thì thân tâm sẽ được giải thoát, cũng như triệt nguồn nước thì hạt giống lúa sẽ không nảy mầm, chắc chắn sẽ không còn có cây lúa lưu truyền đến các đời sau. Thân dù có mang nghiệp, nhưng nếu không có dòng nước ÁI nhuận sanh, thì chắc chắn không thể dẫn sanh thân sau được nữa. Được như vậy là được giải thoát khỏi vô minh. Sau đó phải được Trí Huệ Giải Thoát nữa, mới thật hoàn toàn giải thoát.

Vậy nên chẳng nên chấp có thần, vì có thần cũng là vô dụng.

Lại nữa, do danh sắc hòa hợp mà giả danh có người. Người bị các kiết sử trói buộc vào thân hữu lậu. Khi tu được Vô Lậu Trí, thì giải thoát được các kiết sử, gọi là được giải thoát.

Cũng như buộc dây và cởi dây. Buộc dây dụ cho kiết sử, nếu đoạn được kiết sử là cởi được dây trói buộc thân tâm, là được giải thoát. Người có mang “Danh” và “Sắc” nên có tội phước, có thụ các quả báo, ví như xe tải có chở hàng hóa nên phải thụ các khoản tiền thuê bao. Thân người là chiếc xe tải chuyên chở “danh” và “sắc”, tạo ra các tội phước, để thụ lấy các quả báo khổ lạc…

Như vậy, đủ các nhân duyên cho thấy rõ thân người là bất khả đắc. Thân đã bất khả đắc thì người thí, người thụ cũng đều bất khả đắc.

Hỏi: Phật đã dạy “Thật Tướng các pháp là vô sanh, vô tác” thì cần gì phải minh định rằng “người thí, người thọ và vật thí đều là thanh tịnh, là bất khả đắc” làm gì nữa?

Đáp: Phàm phu điên đảo chấp có người thí, người thọ và vật thí. Còn Bồ Tát hành Thật Đạo, được thật quả báo nên thấy rõ cả 3 pháp “người thí, người thọ và vật thí” đều thanh tịnh, đều bất khả đắc, làm sáng tỏ rời dạy của Phật nói “Thật tướng các pháp là vô sanh, vô tác”. Vì sao ? Vì hết thảy các pháp đều là tự tánh KHÔNG. Bố thí như vậy là đầy đủ Đàn Ba La Mật.

Nên biết bố thí có 3 bậc: Hạ, Trung, Thượng.

– Đem tài vật ra bố thí chỉ là bố thí bậc Hạ.

– Đem tài vật và Pháp ra bố thí chỉ là bố thí bậc Trung.

– Đem tài vật, thân mạng và Pháp ra bố thí tương tục với tâm không thối chuyển mới là bố thí bậc thượng.

Ví như trường hợp Đức Phật Thích Ca Mâu Ni , khi còn là Bồ Tát sơ phát tâm, làm vị Quốc Vương hiệu là Quang Minh, nhất tâm cầu Phật Đạo, hành bố thí rồi chuyển thân làm người thợ đồ gốm, cúng dường Đức Phật Thích Ca Văn cùng các Tỳ Kheo, rồi chuyển thân làm con ông trưởng giả, đem đèn cúng dường Đức Phật Kiều Trần Như. Như vậy chỉ là bố thí bậc Hạ.

Lại nữa, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn là Bồ Tát, đã một thời làm con trai ông trưởng giả cúng dường Phật Đại Âm Thanh, khi vị Phật này diệt độ lại xây tháp cao 90 tầng, rồi lại chuyển thân làm một vị Đại Quốc Vương, dùng 7 báu cúng dường Đức Phật Sư Tử. Rồi lại chuyển thân làm vị trưởng giả, đem phòng xá, 7 báu cúng dường Đức Phật Đức Diệu. Như vậy cũng chỉ là bố thí bậc Trung.

Lại nữa, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn là Bồ Tát, đã một thời làm vị Tiên Nhân, thấy Đức Phật Kiều Trần Như đoan chánh, thù diệu, nên chẳng tiếc thân mạng, từ trên cao nhảy xuống đến trước mặt Phật lễ lạy. Tâm được yên ổn, rồi về sau lại, lấy thân mình làm đèn cúng dường Đức Phật Nhật Nguyệt Quang Đức. Như vậy mới là bố thí bậc Thượng.

Hỏi: Thế nào gọi là bố thí dẫn sanh Thi La Ba La Mật?

Đáp: Chúng sanh vì không biết bố thí nên đời sau sanh bần cùng, vì bần cùng nên sanh trộm cướp, quen trộm cướp sẽ dẫn đến tội sát. Bần cùng là do không được đầy đủ nơi sắc thân, vì chẳng đầy đủ nên làm các điều phạm pháp. Lại nữa, bần cùng làm cho người trở nên hạ tiện, vì hạ tiện nên sanh sợ hãi, dẫn đến vọng ngữ v.v.

Như vậy, do nhân duyên bần cùng mà sanh ra 10 “Bất Thiện Đạo”. Nếu biết tu hạnh bố thí, thì đời sau thoát khỏi cảnh bần cùng, được giàu có đầy đủ thì dễ giữ mình, khó bị cám dỗ vào con đường phạm pháp.

Trong Kinh Bổn Sanh có chép mẫu chuyện về Đề Bà Đạt Đa như sau :

Ở một kiếp trước, Đề Bà Đạt Đa làm thân con rắn, cùng với một con rùa kết bạn tâm giao. Gặp ngày nắng hạn khô cạn, cả hai, rắn và rùa đều bị đói khát, khốn khổ. Rắn bảo rùa hãy gọi con ốc đến bàn kế hoạch.

Ốc biết rõ ác tâm của rắn, nên đã làm bài kệ nói với rùa để nhắn gởi đến rắn:

Do bần cùng đánh mất bản tâm,
Vì miếng ăn quên cả tình nghĩa.
Ngươi hãy chuyển lời ta đến rắn.
Ốc trời đây, chẳng dại nạp thân.

Như vậy, do nhân duyên đời nay hành bố thí, mà đời sau thoát cảnh bần cùng túng thiếu, được giàu có đầy đủ, khiến giữ được mình, không làm các điều ác, lại có đủ thuận duyên để hành trì giới luật. Bởi vậy nên nói “Bố thí dẫn sanh Thi La Ba La Mật”.

Mặt khác, bố thí có công năng phá được các kiết sử, khiến tâm trì giới được kiên cố hơn lên. Do nhân duyên bố thí mà sanh được tịnh giới, nên nói “Bố thí dẫn sanh Thi La Ba la Mật”.

Hơn nữa, hành bố thí, thường phát xuất từ tâm từ bi. Do có tâm từ bi đối với người thọ thí nên không sanh kiêu mạn, không sanh sân nhuế, khiến tâm trở nên nhẫn nhục, nhu hòa, thuận lợi cho việc hành trì tịnh giới, nên nói “bố thí dẫn sanh Thi La Ba La Mật”.

Trong kinh có chép mẩu chuyện sau đây:

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi trong một kiếp trước làm vị Tỳ Kheo. Một hôm, vào thành khất thực, ngài gặp một em bé chạy theo xin khi ngài vừa khất đầy bát. Ngài lấy tay bốc 2 nắm thức ăn đưa cho em bé và nói với em rằng: “Nếu Ngươi chỉ ăn 1 nắm, còn 1 nắm cúng dường chư Tăng thì ta sẽ cho ngươi”.

Em bé làm y theo lời dặn. Rồi lớn lên, em bé ấy đến xin thụ giới với Ngài Văn Thù, xin được “làm Phật”.

Vậy, nhân duyên “bố thí khiến phát tâm làm Phật” nên nói “bố thí dẫn sanh Thi La Ba La Mật”.

Bố thí còn được quả báo gặp thấy bạn tốt, nhắc nhở mình thụ trì giới luật, không làm các điều ác, nên nói “bố thí dẫn sanh Thi La Ba La Mật”.

Hỏi: Thế nào gọi là bố thí “dẫn sanh sẵn Đề Ba La Mật”?

Đáp: Khi bố thí mà Bồ Tát gặp người thụ thí mắng nhiếc, đòi phải cho nhiều hơn, thì Bồ Tát tự nghĩ : “Ta nay bố thí cầu Phật Đạo, chẳng nên sân nhuế, Ta phải hành nhẫn nhục”. Như vậy là “bố thí dẫn sanh Sẵn Đề Ba La Mật”.

Lại nữa, nếu người thụ thí nổi sân hơn, rổi đánh đập gây thương tích, thì Bồ Tát tự nghĩ rằng: “Ta bố thí cầu Phật Đạo, cả nội tâm lẫn ngoại vật cũng chẳng luyến tiếc. Sao ta chẳng có thể nhẫn nhục, chịu đựng sự hành hung của người ấy”. Như vậy là “bố thí dẫn sanh sẵn Đề Ba La Mật”.

Trong kinh có chép biết bao nhiêu chuyện về Bồ Tát bố thí cả thân mạng mình, chẳng hề luyến tiếc chứng tỏ “Bố thí dẫn sanh sẵn Đề Ba La Mật”.

Hỏi: Thế nào gọi là bố thí “dẫn sanh Tỳ Lê Gia Ba La Mật”?

Đáp: Bồ Tát thường tinh tấn hành bố thí, nghĩ rằng: “Mình từ sơ phát tâm đến nay, chưa có đầy đủ công đức, nên nguyện bố thí hết thảy chúng sanh, tinh tấn hành Tà Thí lẫn Pháp Thí.”

Trong kinh Bổn Sanh có chép mẩu chuyện sau đây:

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn là Bồ Tát, làm một vị thầy thuốc nổi tiếng, nguyện chữa bệnh cho chúng sanh mà chẳng cầu danh lợi.

Số người bệnh đến xin thuốc quá nhiều chẳng sao chữa trị hết, nên Bồ Tát buồn rầu mà chết, sanh lên cõi trời Đao Lợi. Ở đây, Bồ Tát lại tự nghĩ : “Ta nay ở cõi Trời sung sướng, nhưng chẳng ích gì cho chúng sanh”. Nghĩ như vậy Bồ Tát lại tự diệt thân mình, xả thọ mạng ở cõi Trời, sanh làm Thái Tử của Long Vương.

Thái Tử được cha mẹ cưng chiều, nhưng cũng vẫn buồn rầu vì chẳng làm được ích lợi gì cho chúng sanh cả. Một hôm, Thái Tử bỏ cung đi dạo chơi, gặp chim Kim Sí Điểu bắt ăn thịt.

Chết đi, lại tái sanh làm Thái Tử của một vị Đại Vương ở cõi Diêm Phù Đề. Vừa mới sanh, Thái Tử đã nói rằng : “Ai có gì hãy mang ra để ta hành bố thí”. Bởi vậy nên vua cha đặt tên Thái Tử là Năng Thí. Thấy quần thần sợ hãi, Thái Tử nói với Hoàng Hậu rằng : “Đời trước con vẫn thường hành bố thí”. Sau khi nghe Hoàng Hậu thuật lại đầu đuôi câu chuyện, mọi người mới hết sợ hãi.

Thế rồi Thái Tử lớn lên, tinh tấn hành bố thí, có được vật gì là đem ra bố thí sạch. Thái tử xin vua cha đủ thứ vật báu đem ra bố thí. Nhưng vì thấy người cõi Diêm Phù Đề quá cơ cực, chẳng sao có đủ để bố thí, Thái Tử bèn bật lên khóc thảm thiết, than: “nhân dân quá cơ cực, ta biết làm cách nào để đem lại sự no ấm cho họ”.

Có người mách: “Nếu tìm được Như Ý Bảo Châu thì sẽ có đầy đủ”.

Thái Tử xin Phụ Vương và Mẫu Hậu vào biển cả để tìm Như Ý Bảo Châu ở trên đầu Long Vương.

Nhà vua than rằng : “Ta chỉ có một mình con thôi. Nếu con xông pha vào biển cả, gặp tai nạn thì làm sao ta có thể sống được ! Trong kho còn nhiều lương thực và vật quý, con được phép tự do lấy ra để bố thí”.

Thái Tử thưa : “Vật trong kho thì có hạn, vậy mà sự bố thí của con vô lượng. Con muốn có tài vật đầy đủ để bố thí, khiến chẳng còn người nào thiếu thốn cả”.

Vua và Hoàng Hậu biết con đã quyết tâm, chẳng gì có thể ngăn cản được nữa, bèn cho 500 người lái buôn tháp tùng Thái Tử.

Thái Tử hỏi : “Trong số các ngươi có ai biết đường đến Long Cung ?”. Tất cả đều quay về phía một người mù tên là Đà Xá, và nói : “Người này đã từng ra biển khơi, xin Thái Tử cứ yên tâm để Đà Xá dẫn đi”.

Đà Xá trả lời : “Tôi đã ra biển khơi nhiều lần, nhưng nay tôi đã bị mù làm sao dẫn đường cho Thái Tử được”.

Tuy nhiên, trước sự quyết tâm của Thái Tử, Đà Xá nhận lời, và nói : “Nếu vì một lý do gì mà tôi chết dưới biển sâu, xin Thái Tử hãy để tử thi của tôi ở vùng Kim Sa dưới đáy biển”.

Nói xong, Đà Xá cùng Thái Tử và đoàn tùy tùng lên thuyền ra khơi, rồi buộc dây vào mạn thuyền để lặn sâu xuống tận đáy biển. Sau khi lấy được rất nhiều ngọc quý, đoàn lái buôn vui mừng, mời Thái Tử lên thuyền để cùng họ trở về nước. Thái Tử nói : “Ta chỉ muốn có Như Ý Bảo Châu, mà chẳng cần đến các thứ ngọc này. Các ngươi hãy mang về, nhưng đừng có ham lấy nhiều quá mà thuyền chìm nghe !”.

Sau khi các lái buôn đã mang ngọc cất vào khoang thuyền rồi, Thái Tử và Đà Xá cùng lên thuyền để tiễn họ đi một đoạn. Thuyền chạy qua vùng biển Nam Hải, đột nhiên gió lốc nổi lên, đưa thuyền dạt vào một nơi nguy hiểm, nơi đó có rừng táo chìm sâu dưới nước. Gió thổi quá mạnh, thuyền sắp chìm. Ai nấy đều sợ hãi, ôm chầm lấy các đọt cây táo cầu được cứu sống.

Lúc bấy giờ, Đà Xá nói : “Xin cứ yên tâm, Thái Tử cùng mọi người sẽ được cứu thoát, còn tôi đui mù, chẳng còn sống được bao nhiêu nữa, tôi sẽ chết nơi đây. Cách đây không xa là vùng Kim Sa Châu, xin Thái Tử hãy để thây của tôi ở đó. Được như vậy là tôi mãn nguyện lắm rồi”

Đà Xá nói xong, thì thuyền ra khỏi chỗ nguy hiểm nhưng vì quá kiệt sức, ông đã trút hơi thở cuối cùng. Thái Tử từ giã đoàn lái buôn, ở lại lo chôn cất xác Đà Xá ở vùng Kim Sa Châu rồi một mình lặn sâu xuống đáy biển tự tìm đường đến Long Cung.

Đi được 7 ngày, thấy hoa sen báu thanh khiết, Thái Tử bèn ngồi lên 1 hoa sen, nhập vào Định Tam Muội, cảm thấy thân mình nhẹ nhàng.

Đi thêm 7 ngày nữa, Thái Tử thấy toàn rắn độc ghê rợn, bèn nhập Từ Tâm Tam Muội, tự tại đi trên đầu rắn, mà tất cả rắn đều ngoan ngoãn cúi đầu để Thái Tử đi lên trên.

Đi thêm 7 ngày nữa, Thái Tử thấy có 7 thành, thấy có hố sâu bao quanh, trong các hố có rắn độc, lại có 2 con rồng lớn canh cửa thành. Thấy tướng của Thái Tử đẹp đẽ đoan nghiêm, hai con rồng tự nghĩ rằng : “Người này ắt chẳng phải là hạng người thường, mà phải là một vị Bồ Tát, mới có thể vượt gian nguy đến được nơi này”.

Nghĩ như vậy rồi, rồng đưa Thái Tử vào bái yết Long Vương.

Vừa thấy Thái Tử, Long Vương và Long Hậu liền bật lên khóc. Vì có thần thông nên 2 Ngài biết Thái Tử trước đây là con của mình.

Long Vương hỏi : “Ngươi trước đây là con của ta. Khi mạng chung sanh về đâu?”

Thái Tử có túc mạng thông nên đáp : “Con được sanh lên cõi Diêm Phù Đề, làm Thái Tử của một vị Đại Vương. Vì thấy chúng sanh quá đói khát, nên con mới xuống tận đây để cầu xin Như Ý Bảo Châu”.

Long Mẫu nói : “Trên đầu cha con có Như Ý Bảo Châu để trang sức, thật khó lấy cho con vậy, con hãy vào kho lấy bao nhiêu tùy ý”.

Thái Tử đáp : “Con xin được Như Ý Bảo Châu mới mãn nguyện”.

Long Vương vì quá thương con nên bằng lòng thỏa mãn yêu cầu của Thái Tử. Ngài nói với Thái Tử rằng: “Ta có thể trao cho con Như Ý Bảo Châu này. Nhưng người cõi Diêm Phù Đề bạc phước làm sao có thể thấy được”

Thái Tử nói : “Con vì chúng sanh bạc phước mới đến tận nơi đây tìm Như Ý Bảo Châu. Con sẽ dùng Phật Đạo để giáo huấn họ”.

Long Vương nói : “Con đã chẳng quản ngại gian lao, từ nơi xa đến được nơi này. Cha cảm kích lòng Đại Từ Đại Bi của con, bằng lòng cho con mượn Bảo Châu này. Nhưng con phải hứa trả lại cho cha”

Thái Tử đáp : “Con xin y theo lời cha dặn” Thái Tử được Như Ý Bảo Châu rồi, liền bay giữa không trung trở về cõi Diêm Phù Đề. Vua cha và Hoàng Hậu thấy con về mừng rỡ, ôm con khóc nói rằng : “Con quá gian khổ như vậy, có được gì không ?”

Thái Tử đáp : “Con đã được Như Ý Bảo Châu đem về đây rồi”. Nói xong đưa viên Bảo Châu cho cha mẹ xem. Nhà vua thấy ngọc bé nhỏ, hỏi : “Sao viên ngọc nhỏ bé thế con ?”. Thái Tử đáp : “Tuy nhỏ mà có thần lực rất lớn”.

Ngày hôm sau, Thái Tử xin vua truyền dân chúng khắp nơi phải quét dọn sạch sẽ, đốt hương, treo tràng phan, treo bảo cái, kết hoa, lại khuyên trì trai giữ giới. Rồi Thái Tử dùng một chiếc gậy lớn đặt viên Như Ý Bảo Châu lên trên và thệ nguyện : “Con nay vì Phật Đạo, muốn độ thoát hết thảy chúng sanh, xin Như Ý Bảo Châu hóa tác ra nhiều vật dụng quý giá cho con bố thí được đầy đủ”.

Lúc bấy giờ, trên trời mây đen liền che kín, mưa đổ xuống đủ các thứ vật cần dùng, khiến hết thảy chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề đều được hưởng đầy đủ.

Như vậy gọi là Bồ Tát “bố thí dẫn sanh Tỳ Lê Gia Ba La Mật”

Hỏi: Thế nào gọi là “bố thí dẫn sanh Thiền Na Ba La Mật” ?

Đáp: Bồ Tát khi bố thí trừ được tâm xan tham, được nhất tâm, lần lần trừ được 5 ấm, 5 triền cái. Như vậy là “bố thí dẫn sanh Thiền Na Ba La Mật”.

Lại nữa, nhất tâm hành bố thí giúp hành giả vào được Sơ Thiền, dẫn đến vào được Diệt Định Thiền Tam Muội. Vì sao vậy ? Vì khi nhất tâm bố thí, hành giả cũng nhất tâm tư duy thiền định. Ví như khi thấy người bần cùng, hành giả tư duy về người ấy đời trước chẳng có tu phước, nên đời nay mới chịu cảnh bần cùng. Tư duy như vậy nên hành giả nhất tâm nhập vào Thiền định.

Trong kinh có chép mẩu chuyện sau đây:

Đời xưa có một ông vua lập cung điện bằng 7 báu, nhưng nghĩ rằng : “Ta chẳng nên vội vào trong cung điện này. Ta phải nên cúng dường chư vị Sa Môn, Bà La Môn trước đã, rồi sau đó ta mới được hưởng dụng”.

Khi nhà vua vào trong cung điện 7 báu này, thì 6 căn duyên. 6 trần thụ hỷ lạc, nhiếp 6 tình vào được Sơ Thiền. Lại vừa bước lên đến Điện Bạc là vào được Nhị Thiền, bước lên đến Điện Lưu Ly, ngồi lên tòa Lưu Ly là vào được Tam Thiền, bước lên đến Điện Pha Lê, ngồi Sàn Pha Lê là vào được Tứ Thiền. Ngồi như vậy mà tư duy suốt 3 tháng.

Trong cung có Ngọc Nữ Bảo Hậu cùng 8 vạn 4 ngàn thế nữ. Vua bảo các thế nữ rằng : “Các ngươi hãy nên đoạn tâm ái, làm thiện tri thức của ta. Chớ nên vì ta mà oán Ngọc Nữ Bảo Hậu”

Hoàng Hậu sa nước mắt, tâu với vua rằng“ Sao Đại Vương lại vì tôi mà chẳng vì các thế nữ ? Như vậy là chẳng có bình đẳng”.

Nhà vua đáp : “Nếu để các thế nữ tiếp tục cộng hành dục lạc với ta, mà bà nghĩ là ta được vui, thì đó là bà làm hại ta. Những ai ngộ được lý vô thường, biết rõ thân là như huyễn, lo tu phước, lo làm điều thiện, tuyệt diệt tình ái mới thật là thiện tri thức của ta”.

Ngọc Nữ Bảo Hậu thưa rằng : “Xin làm theo tôn ý của Đại Vương.”

Liền sau đó Ngọc Nữ Bảo Hậu truyền tập họp các thế nữ và khuyên tất cả nên rời khỏi cung.

Các thế nữ rời khỏi cung rồi, nhà vua bước lên Điện Bạc, ngồi Sàn Bạc nhập Từ Tam Muội, bước lên Điện Vàng, ngồi sàn Vàng nhập Bi Tam Muội. Bước lên Điện Lưu Ly, ngồi Sàn Lưu Ly nhập Hỷ Tam Muội, bước lên Điện Pha Lê, ngồi Sàn Pha Lê nhập Xả Tam Muội.

Như vậy gọi là Bồ Tát “bố thí dẫn sanh Thiền Na Ba La Mật”.

Hỏi: Thế nào gọi là “bố thí dẫn sanh Bát Nhã Đa La Mật”?

Đáp: Khi bố thí, Bồ Tát rõ biết các quả báo của bố thí , như do bố thí mà phá tan được các tà kiến vô minh. Như vậy là “bố thí dẫn sanh Bát Nhã Ba La Mật”.

Lại nữa, do bố thí mà Bồ Tát rõ biết được người có trì giới, người không trì giới. Bồ Tát biết người không có trì giới thường làm các việc ác, mà có làm bố thí thì sau khi chết đi, tuy sanh làm thân trâu ngựa, tuy phải bị chở nặng, tuy bị đánh đập bằng roi, tuy bị người cưỡi… nhưng vẫn có thể được sanh vào nhà tốt, được ăn uống đầy đủ. Bồ Tát cũng biết người có tâm sân nhuế, siễm khúc, mà thường làm bố thí, thì sau khi chết tuy phải đọa làm thân rồng, nhưng vẫn được cung điện, được 7 báu, được ăn ngon, hưởng dục lạc. Bồ Tát cũng biết người làm quan, hà hiếp dân lành, nhưng lại lấy tài vật của họ đem ra bố thí, thì sau khi chết tuy bị đọa làm thân Kim Sí Điểu, nhưng vẫn được tự tại, vẫn có được bảo châu. Bồ Tát cũng biết người do uống rượu thường sân hận với người khác, mà có bố thí thì sau khi chết, tuy bị đọa làm thân quỷ Dạ Xoa, nhưng vẫn được ăn uống đầy đủ, được nghe âm nhạc. Bồ Tát cũng biết người bố thí xe ngựa, các phương tiện chuyển vận, thì dù có tánh xấu mà do làm bố thí, thì sau khi chết tuy bị đọa làm thân Phi Hành Dạ Xoa, nhưng vẫn có đại lực, đi nhanh như gió thổi. Bồ Tát cũng biết người có tâm tật đố, ưa tranh cãi nhưng có đem phòng xá, y phục, các thức ăn uống ra bố thí, thì sau khi chết tuy bị đọa làm thân Hư Không Dạ Xoa nhưng vẫn có đủ các vật dụng cần dùng.

Cũng do bố thí mà Bồ Tát rõ biết : người bố thí thức ăn sẽ được sắc mặt vui vẻ, người bố thí đồ mặc sẽ được đoan chính, an lạc, người bố thí nhà cửa, cung điện sẽ tự nhiên có 5 dục lạc, người bố thí hồ nước, giếng nước, ao hồ, sông suối sẽ khỏi lâm vào cảnh đói khát, có đầy đủ 5 dục lạc, người bố thí cầu cống, đường sá, giày dép sẽ được xe ngựa đầy đủ, người bố thí đất đai ruộng vườn sẽ được phú quý, đoan chính, an lạc.

Cũng do bố thí mà Bồ Tát rõ biết : Người thường bố thí tu phước đức, dù có tạo nghiệp hữu vi không tốt cũng sẽ được sanh lên cõi Trời Tứ Thiên Vương, người bố thí cúng dường, cung phụng cha mẹ, bà con thân thích, lại chẳng khởi sân hận, chẳng ưa tranh cãi, sẽ được sanh lên các cõi Trời Đao Lợi Thiên, Đâu Suất Đà Thiên, Dạ Ma Thiên, Tự Tại Thiên…

Cũng do nhân duyên bố thí mà Bồ Tát rõ biết: bố thí với tâm không nhiễm trước, tâm nhàm chán thế gian tám cầu vui Niết Bàn, là pháp bố thí của A La Hán và Bích Chi Phật, bố thí vì Phật đạo, bố thí vì chúng sanh là pháp bố thí của Bồ Tát.

Như vậy, do nhân duyên hành bố thí mà Bồ Tát phân biệt được hết thảy các quả báo của bố thí, nên nói “Bồ Tát hành bố thí dẫn sanh Bát Nhã Ba La Mật”.

Lại nữa, khi hành bố thí, Bồ Tát thường niệm Không, Vô Tướng và Vô Tác, ở nơi cả 3 pháp “người thí, người thọ và vật thí” Bồ Tát thường thanh tịnh. Bởi vậy nên nói “bố thí dẫn sanh Bát Nhã Ba La Mật”.

Nên biết rằng hết thảy các công đức trí huệ đều do nhân duyên bố thí. Chư Phật trong 3 đời và khắp 10 phương, khi phát tâm cũng hành bố thí, tài vật thí, pháp thí, vô úy thí nhằm cứu độ hết thảy chúng sanh mà được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

(Hết quyển 12)