LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ
Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG
TẬP I
QUYỂN 2
Phẩm thứ nhất
(tiếp theo)
Nói rộng thêm về nghĩa:
Như Thị Ngã Văn
(Như Vậy Tôi Nghe)
Hỏi: Nếu Đức Phật là đấng Nhất Thiết Trí, Tự Nhiên Trí, Vô Sư Trí, chẳng theo lời dạy của người khác, chẳng thuyết theo pháp của người khác, thì vì sao kinh Phật lại mở đầu bằng lời “NHƯ VẬY TÔI NGHE”?
Đáp: Phật là đấng Nhất Thiết Trí, Tự Nhiên Trí, Vô Sư Trí, chẳng theo lời người khác, chẳng thuyết theo pháp của người khác. Tuy nhiên, Phật pháp chẳng phải chỉ do từ kim khẩu của Thế Tôn nói ra mà thôi.
Trong bộ Tỳ Ni, Phật có nêu vấn đề “Thế nào là Phật pháp?” Phật pháp bao gồm các lời chân thật, do 5 hạng người sau đây nói ra. Đó là:
- Phật
- Hàng Đệ Tử của Phật
- Chư Tiên Nhân
- Chư Thiên
- Chư vị hóa thân Bồ Tát
Lại nữa, trong kinh “Thích Đề Hoàn Nhơn Đắc Đạo”, Phật có dạy rằng: “Này Kiều Thi Ca! Những lời vi diệu, chân thật ở trong thế gian, đều từ trong pháp Phật cả.”
Như bài kệ thuyết:
Đều từ nơi pháp Phật,
Nói năng chẳng lỗi lầm,
Ấy chính lời Phật dạy.
Lời hay đẹp khắp nơi,
Đều chẳng có lỗi lầm,
Tất cả bao lời ấy,
Đều nhiếp trong pháp Phật.
Lời của hàng Ngoại Đạo,
Dù trình bày khéo léo,
Chỉ như trùng ăn cây;
Dù kết thành văn tự,
Đầu giữa vào rốt sau,
Tự cùng nhau tương phá,
Như nấu sắt thành vàng,
Chẳng ai thể tin được.
Như giữa rừng Y Lan,
Chẳng thấy Ngưu Chiên Đàn.
Như giống cây trái đắng,
Gượng ép tin theo đó,
Chỉ như tin Ngoại Thơ.
Phải thường nghĩ, thường niệm
Hết thảy lời chân thật,
Cùng những lời hay đẹp,
Đều từ pháp Phật ra.
Như hương Ngưu Chiên Đàn,
Chỉ từ núi Ma Lê.
Ngoài núi Ma Lê ra,
Chẳng đâu có Chiên Đàn
Ngoài lời pháp Phật dạy,
Chẳng lời nào chân thật.
Lại nữa, trước khi nhập Niết Bàn, phật phó chúc cho Ngài A Nan, và các Đại Đệ Tử phải mở đầu kinh bằng lời “NHƯ VẬY TÔI NGHE”. Khi Đức Thế Tôn gần nhập Niết Bàn, ở xứ Câu Di Na Kiệt, giữa 2 cây Sa La Song Thọ, ngài trưởng lão A Nậu Lâu Đậu trông thấy Ngài A Nan sầu thảm, liền bảo rằng: “Này Đại Đức A Nan! Đại Đức là người giữ gìn Pháp Tạng của Như Lai, chẳng nên tự chìm đắm trong sầu khổ. Hết thảy pháp hữu vi đều vô thường. Nay Đức Thế Tôn đã trao Pháp Tạng cho Đại Đức, nếu Đại Đức cứ sầu thảm mãi như vậy, thì làm sao có thể gánh vác được trọng trách mà Thế Tôn đã phó chúc! Vậy nên, Đại Đức hãy bình tĩnh lại, để hỏi Thế Tôn về những vấn đề sau đây:
– Sau khi Phật nhập Niết Bàn, chúng con sẽ phải hành xử như thế nào?
Chúng con sẽ tôn ai làm Thầy?
– Chúng con làm sao có thể ở chung với hạng Tỳ Kheo ác hạnh?
– Vào đầu mỗi kinh Phật, chúng con phải nên để câu gì?
Ngài A Nậu Lâu Đậu nói tiếp: “Còn biết bao nhiêu việc quan trọng cần phải làm trong tương lai. Đại Đức cần phải thưa hỏi để xin Phật giải bày rõ ràng”.
Ngài A Nan nghe những lời khuyên của vị Trưởng lão, tâm liền tỉnh ngộ, đạo lực tăng trưởng, bèn đến bên Phật, bạch Phật những điều nêu trên.
Phật dạy: “Này A Nan! Dù Ta có hay không có ở trên cõi đời này, các ngươi vẫn phải tuân theo những điều sau đây:
1 – Y chỉ nơi pháp “Tự Y Chỉ”, mà chẳng nên y chỉ vào đâu khác. Thế nào gọi là ý chỉ nơi pháp “Tự Y Chỉ”, mà chẳng y vào đâu khác?
Này A Nan! Là Tỳ Kheo quán nội và ngoại thân, thường niệm nhất tâm, tinh tấn, dõng mãnh, đầy đủ trí huệ, trừ mọi tham ái thế gian. Quán như vậy, là Tỳ Kheo y chỉ nơi pháp “Tự Y Chỉ” mà chẳng y vào đâu khác.
2- Từ nay phải lấy “Giới Giải Thoát” làm thầy.
3 – Đối với các Tỳ kheo ác hạnh, sau khi Ta nhập Niết Bàn, hãy lấy “Như Pháp Thanh Tịnh” mà trị họ. Nếu tâm họ đã được điều phục, thì nên dùng Na Ca Da Chiên Diên mà dạy họ, là họ sẽ vào được Đạo.
4- Ở trong 3 A Tăng Kỳ Kiếp, khi kiết tập Pháp Bảo Tạng của Chư Phật, nên mở đầu bằng câu: NHƯ VẬY TÔI NGHE, MỘT THỜI, PHẬT TẠI,…( phương nào? Nước nào? Rừng nào? .v.v.), Vì? ..(ai?), mà nói pháp.
Vì sao? Vì hết thảy Chư Phật quá khứ, hiện tại, cũng như vị lai, sau khi nhập Niết Bàn đều phó chúc hàng Đệ Tử mở đầu kinh bằng các câu này.
Ngài A Nan bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Đây là lời Phật nói ra, hay là lời của vị Đệ Tử nào của Phật nói ra?
Phật dạy: “Này A Nan! Sau này vì muốn cho pháp Phật trụ thế lâu đời, nên Trưởng lão Ma Ha Ca Diếp và các vị A La Hán sẽ hỏi A Nan rằng Phật thuyết kinh nào, ở đâu… thì A Nan phải khẳng định như trên”.
Ví như lần chuyển pháp luân đầu tiên, Phật vì 5 vị Tỳ kheo, thuyết pháp “Tứ Đế”. Mặc dù, lúc bấy giờ ngài A Nan không trực tiếp nghe thời pháp đó, nhưng vì đã nghe Phật thuyết lại, nhờ có trí huệ tuyệt vời, nhớ nghĩ chân chánh, nên ngài đã thuật lại, với tín tâm vững chắc rằng: “Như vậy tôi nghe, một thời Phật tại thành Ba La Nại, nơi vườn Lộc Uyển, vì 5 vị Tỳ Kheo thuyết…”
Trong kinh Tạp Pháp có ghi như sau:
Khi Đức Phật nhập Niết Bàn có 6 điệu chấn động: Nước sông chảy ngược dòng, gió bão nổi lên, mây đen che kín bầu trời, chớp lóe sáng khắp nơi, sấm sét vang rền, mưa rào đổ xuống. Cả hành tinh đều chấn động, núi lay, biển động, bầu trời đen tối, sư tử cùng các loài dã thú đều gầm thét… Thật là não nùng, ghê rợn; hàng Trời, Người sầu khổ, Thiên Nữ khóc than, dẫn đến các loài rồng cũng đều u sầu khổ não.
Có các vị A La Hán đã vượt khỏi biển sanh tử luân hồi, tự niệm rằng:
Sông ái phàm phu đã vượt qua
Thân già bệnh chết, nay hằng dứt
Tứ đại độc xà, hết vướng mang
Vô Dư Niết Bàn nơi an tịnh.
Nghĩ như vậy rồi, các vị A La Hán ấy đã tùy ý tìm đến chốn núi rừng, xả báo thân, nhập Niết Bàn.
Lại có các vị A La Hán bay lượn giữa hư không, tợ như đàn nhạn chúa, hiện đủ thần thông cúng dường Phật, khiến những người được thấy đều khởi tín tâm thanh tịnh.
Các hàng Lục Dục Thiên, dẫn đến hàng Biến Tịnh Thiên, thấy chư vị A La Hán nhập Niết Bàn, bèn dấy niệm nghĩ rằng: “Mặt trời trí huệ Phật đã tắt, cây Chánh Pháp đã gãy đổ, mây Chánh Pháp đã tan biến. Phật là thớt voi chúa nay đã mất rồi, hẳn đàn voi con dần dần cũng sẽ mất theo. Rồi đây sẽ tìm Pháp Bảo nơi đâu”. Nghĩ rồi, bèn nói kệ rằng:
Phật đã nhập Niết Bàn tịch diệt,
Các bậc A La Hán cũng tịch theo.
Thế giới từ đây không người trí,
Huệ lắng chìm, mê ám gia tăng.
Lúc bấy giờ, hàng Chư Thiên đến trước ngài Ma Ha Ca Diếp, đảnh lễ, cúng kính xin ngài thương xót chúng sanh đứng ra thay thế Đức Thế Tôn để chống đỡ Pháp Mầu.
Nghĩ như vậy rồi, bèn thuyết kệ tán dương Ca Diếp rằng:
Bậc kỳ lão tận trừ ba độc;
Trụ Tử Kim chống đỡ Pháp Mầu;
Phong thái đoan nghiêm, ai sánh kịp;
Mắt sáng trong lành tợ đóa sen.
Chư Thiên tán thán như vậy rồi, bạch ngài Ca Diếp rằng: Bạch Đại Đức! Thuyết Chánh Pháp sắp vỡ, biển Chánh Pháp sắp cạn, trụ cờ Chánh Pháp sắp gãy, đèn Chánh Pháp sắp tắt, người được Chánh Pháp cũng gần như sắp hết, người hành đạo giảm bớt, kẻ ác tâm tăng thêm. Cúi xin ngài từ bi kiến lập pháp đàn, để người hành đạo được nương nhờ”.
Lúc bấy giờ ngài Ca Diếp giữ biển tâm bất động hồi lâu, mới đáp lại rằng: “Các vị thật khéo nói lên lời chân thật, đúng cơ, đúng thời vậy”.
Thế rồi, Ngài Ca Diếp im lặng nhận lời thỉnh cầu. Chư Thiên đảnh lễ dưới chân Ngài, rồi lui ra.
Ngài Ca Diếp tự nghĩ rằng: “Muốn cho pháp Phật được lưu truyền lâu dài ở thế gian, phải nên gấp rút kiết tập 3 phần Pháp Tạng (Kinh, Luật, Luận). Có như vậy người đời sau mới có thể học hỏi, nghiên cứu và tu hành Phật Đạo. Đức Thế Tôn, vì thương chúng sanh, đã đem Pháp Mầu ra chỉ bày cho họ. Chúng ta là những người đã lãnh hội được giáo pháp của Ngài; chúng ta phải có trọng trách xiển dương, khai hóa, để được người sau được giác ngộ”.
Nghĩ như vậy rồi, Ngài liền lên đỉnh núi Tu Di gióng kiền chùy và thuyết kệ rằng:
Là đệ tử của Phật
Phải nhớ lời Phật dạy.
Muốn đền đáp ơn Phật
Chớ vội nhập Niết Bàn.
Tiếng kiền chùy của Ngài Ca Diếp vang khắp 3000 Đại Thiên Thế Giới. Các đệ tử của Phật, ở khắp nơi, đều dùng thần lực vân tập về pháp hội.
Lúc bấy giờ, Ngài Ca Diếp nói với chúng hội rằng: “Đức Thế Tôn, trải qua 3 A Tăng Kỳ Kiếp, cần khổ tu hành chỉ vì thương xót chúng sanh. Nay Thế Tôn đã diệt độ, chúng ta là Đệ tử phải có trách nhiệm thừa đương giáo pháp của Ngài, phải kiết tập 3 phần Pháp Tạng, để người đời sau thấm nhuần lợi lạc, tiếp tục tu hành. Được như vậy rồi, chúng ta sẽ tùy ý diệt độ. Cả chúng hội đều tuân theo lời Ngài Ma Ha Ca Diếp, tuyển chọn 1000 vị, đều là những bậc A La Hán, cụ túc thần thông, giải thoát tam muội, thiền định, trí huệ, tự tại, vô ngại. Duy chỉ riêng Ngài A Nan là chưa chứng quả vị A La Hán.
Hỏi: Lúc bấy giờ có vô số A La Hán. Vì lý do gì mà chỉ chọn 1000 người mà thôi?
Đáp: Do trước kia vua Tần Bà Sa La, khi đắc đạo, có phát tâm cúng dường ẩm thực cho 1000 vị Tỳ kheo. Nay vua A Xà Thế, nối ý nguyện của vua cha, cũng phát tâm cúng dường như vậy.
Ngài Ca Diếp tự niệm: “Nếu trong thời gian kiết tập mà chư vị Tỳ kheo còn phải đi khất thực, ắt sẽ bị Ngoại
Đạo thừa dịp vấn nạn, làm ngưng trệ công tác kiết tập kinh”. Bởi nhân duyên vậy, nên Ngài Ca Diếp quyết định chỉ chọn tối đa 1000 vị.
Ngài Ca Diếp trình vua A Xà Thế biết Chư Tăng sẽ an cư 3 tháng tại núi Kỳ Xà Quật, đúng ngày rằm thuyết giới, nhóm tăng hòa hợp, và bắt đầu việc kiết tập Pháp Tạng, để nhà vua sắp xếp cúng dường.
Ngài nhập thiền định, quán thấy trong chúng có 999 vị đã được lậu tận, chỉ còn Ngài A Nan là chưa được mà thôi.
Ngài đến nắm tay Ngài A Nan, bảo rằng: “Tất cả các vị khác ở trong chúng hội đều đã được thanh tịnh, chỉ riêng Đại Đức là chưa sạch kiết sử. Đại Đức chẳng nên lưu lại nơi đây.”
Ngài A Nan hổ thẹn, buồn tủi, tự niệm rằng: “Ta suốt 25 năm dài, thân cận hầu hạ Đức Thế Tôn, chưa bao giờ bị khổ não, buồn tủi như ngày hôm nay.”
Nghĩ như vậy rồi, Ngài bạch Ngài Ca Diếp rằng: “Con có đủ lực tu hành để được Đạo, song chư vị A La Hán chẳng một ai hầu hạ bên Phật, nên con phải đảm nhận làm thị giả, thân cận bên Thế Tôn. Bởi nhân duyên vậy, nên con còn chút kiết sử, chưa được lậu tận đó thôi”.
Ngài Ca Diếp dạy rằng: “Đại Đức còn có các tội Đột Kiết La mà đến nay Đại Đức chưa sám hối”.
Trước tiên, Đức Thế Tôn không muốn người Nữ xuất gia thọ giới Tỷ Khéo Ni. Do Đại Đức đã ân cần thưa thỉnh, nên Phật mới thuận cho. Sau đó Phật dạy, rồi đây Chánh Pháp sẽ giảm mất 500 năm. Đây là một tội Đột Kiết La mà Đại Đức chưa sám hối”.
Ngài A Nan thưa: “Con thương bà Kiều Đàm Di, rất có công nuôi dưỡng Phật; hơn nữa, con nghĩ chư Phật ba đời đều có đủ cả 4 bộ chúng, Đức Thế Tôn ắt cũng như vậy”.
Ngài Ca Diếp nói: “Lại nữa, khi Phật muốn nhập Niết Bàn ở gần thành Duy Na Yết, vì Phật đau lưng, phải trải qua 4 lớp y để nằm, Phật cần uống nước, Đại Đức lại viện lẽ nước không được sạch, nên không dâng nước hầu Phật. Đây là một tội Đột Kiết La nữa mà Đại Đức chưa sám hối”.
Ngài A Nan thưa: “Lúc bấy giờ có 5000 cỗ xe đi qua song làm cho nước bị cẩu đục, nên con chẳng dám lấy nước dâng Phật”.
Ngài Ca Diếp nói: “Hẳn Đại Đức đã dư biết Thế Tôn có đại thần lực, làm cho nước dơ đục trở thành trong lành. Sao Đại Đức lại chẳng lấy nước dâng Phật?
Lại nữa, Thế Tôn có nói với Đại Đức rằng người khéo tu được 4 thần túc có thể kéo dài đời sống thêm một kiếp hoặc hơn thế nữa. Thế Tôn nhắc lại 3 lần, Đại Đức vẫn im lặng, chẳng hề thưa thỉnh. Do vậy mà Phật mới sớm nhập Niết Bàn. Đây là một tội Đột Kiết La nữa mà Đại Đức chưa sám hối”.
Ngài A Nan thưa: “Lúc bấy giờ con bị ma ám, chẳng phải con có ác tâm mà không đáp lời Phật”.
Ngài Ca Diếp nói: “Lại nữa, Đại Đức là Thị giả mà có lúc lấy chân dẫm lên y Tăng Già Lê của Thế Tôn. Đây là một tội Đột Kiết La nữa mà Đại Đức chưa sám hối”.
Ngài A Nan thưa: “Lúc bấy giờ, gió thổi mạnh quá, con sợ chiếc y bị gió cuốn theo hơn nữa chẳng có ai giữ giúp, nên con phải dùng chân đè lên vậy. Chẳng phải con không có tâm cung kính Thế Tôn”.
Ngài Ca Diếp nói: “Lại nữa, vì sao Đại Đức lại để cho người Nữ xem Âm Tàng Tướng của Thế Tôn khi Ngài nhập Niết Bàn? Đây là một tội Đột Kiết La nữa mà Đại Đức chưa sám hối”.
Ngài A Nan thưa: “Lúc bấy giờ còn tự nghĩ rằng người Nữ cũng như người nam thấy như vậy đều trồng được phước đức, mà chẳng có gì phải hổ thẹn cả. Bởi vậy nên con cho người Nữ thấy; đây chẳng phải con muốn phá giới”.
Ngài Ca Diếp nói tiếp: “Đại Đức có nhiều tội Đột Kiết La như vậy, hãy đến trước Chúng Tăng cầu xin sám hối”.
Ngài A Nan vâng lời, đến trước Chúng Tăng quỳ gối, chấp tay, trịch áo bày vai bên phải, xin sám hối các tội Đột Kiết La nêu trên đây.
Ngài Ca Diếp nắm tay Ngài A Nan, dẫn ra khỏi Chúng Hội, và nói rằng: “Đại Đức phải tận đoạn các lậu; nếu tàn dư chưa sạch thì Đại Đức chưa thể đến đây được”.
Nói xong, Ngài Ca Diếp đẩy Ngài A Nan ra ngoài, rồi đóng sập cửa lại.
***
Lúc bấy giờ, các vị A La Hán luận nghị xem ai là người thông suốt Tỳ Ni Pháp tạng.
Ngài trưởng lão A Nậu Lâu Đậu nói: “Ngài Xá Lợi Phất là bậc thầy thứ hai, có vị đệ tử tên là Kiều Phạm Bạt Đề nhu nhuyến, hòa nhã, chú tâm tịch tịch, thông suốt Tỳ Ni Pháp tạng. Hiện nay vị ấy đang ở vùng trời Thi Lợi Sa, kính xin cử người lên thỉnh Ngài về phó hội”.
Ngài Ca Diếp cử một vị Hạ Tọa Tỳ kheo, lên vùng trời Thi Lợi Sa, thỉnh ngài A La Hán Kiều Phạm Bạt Đề về phó hội. Ngài Ca Diếp dặn vị Hạ Tọa Tỳ Kheo: “Hãy thưa rằng Ngài Ma Ha Ca Diếp phái con đến đây mời ngài Kiều phạm Bạt Đề về cõi Diêm Phù Đề, phó hội cùng các vị lậu tận A La Hán, bàn về đại pháp sự.”
Ngài Kiều phạm Bạt Đề hỏi: “Trong Tăng Đoàn có việc đấu tranh nên mời Ta xuống chăng? Hay có việc phá Tăng chăng? Hay Phật đã diệt độ chăng?”.
Vị Hạ Tọa Tỳ kheo đáp: “Thật đúng như lời Đại Sư dạy, Phật nay đã diệt độ rồi”.
Ngài Kiều phạm Bạt Đề hỏi: “Hòa thượng Xá Lợi Phất, thầy của Ta, nay ở đâu?”
Vị Tỳ kheo thưa: “Ngài Xá Lợi Phất cũng đã diệt độ rồi”.
Ngài Kiều Phạm Bạt Đề hỏi: “Vậy ngài Mục Kiền Liên nay ở đâu?”
Vị Tỳ kheo thưa: “Cũng đã diệt độ rồi”.
Ngài kiều Phạm Bạt Đề nói: “Phật pháp tán hoại, các bậc Đại Sư đều lần lượt ra đi. Thật là đáng thương cho chúng sanh!”
Rồi Ngài nói tiếp: “Còn ngài A Nan, giờ đây, đang làm gì?”
Vị Tỳ kheo thưa: “Ngài A Nan, do chưa trừ sạch ái kiết, nên còn đang ảo não đau buồn trước cảnh biệt ly”.
Ngài Kiều phạm Bạt Đề hỏi: “Thế Ngài La Hầu La ra sao?”.
Vị Tỳ kheo thưa: “Ngài La Hầu La đã chứng quả vị A La Hán, nên trước cảnh biệt ly Ngài chẳng có ưu sầu đau khổ, Ngài chỉ quán pháp tướng vô thường”.
Ngài Kiều phạm Bạt Đề nói: “Ái kiết rất khó đoạn; phải đoạn dứt ái kiết rồi mới hết ưu sầu. Nay Đại Sư Ta đã diệt độ rồi. Ta cũng chẳng xuống cõi Diêm Phù Đề làm gì nữa. Kính xin Ngài Ma Ha Ca Diếp cho tôi cũng được diệt độ”.
Rồi trong không trung, Ngài thuyết kệ rằng:
Xin đảnh lễ Ngài Ma Ha Ca Diếp,
Đệ nhất trong diệu Đại Đức Tăng,
Phật diệt độ rồi, con xin nối gót.
Voi chúa đi đâu, đàn con theo đó.
Vị Hạ Tọa đành phải đảnh lễ Ngài Kiều Phạm Bạt Đề, mang y bát trở về Chúng Hội.
***
Đêm đến, Ngài A Nan nhập định, kinh hành, cầu diệt sạch các lậu còn lưu dư. Ngài A Nan, tuy có trí tuệ nhiều, nhưng định lực ít, nên qua đêm thứ hai, quá mệt mỏi, gần như đã kiệt sức, Ngài gục đầu xuống. Thế nhưng, khi đầu vừa cúi xuống, Ngài hoát nhiên đại ngộ. Như luồng điện quang lóe sáng xé tan màn đêm đen tối, Ngài liền chứng được Đạo Vô Lậu.
Ngay sau đó Ngài nhập Kim Cang Đại Định, và phá sạch các phiền não, chứng Tam Minh., Lục Thông, Vô Lậu Giải Thoát, trở thành bậc đại lực A La Hán.
Ngay trong đêm ấy, Ngài đến Tăng Đường gõ cửa, xin được gặp Ngài Ca Diếp.
Ngài Ca Diếp hỏi: “Ai ở ngoài cửa?”
Ngài A Nan thưa: “Con là A Nan đây”
Ngài Ca Diếp hỏi: “ Đại Đức đến có việc gì?”
Ngài A Nan thưa: “Đêm nay con đã được lậu tận, chứng quả vị A La Hán”.
Ngài Ca Diếp đáp: “Như vậy, Đại Đức cứ việc qua khe cửa mà vào; khỏi cần mở cửa”.
Ngài A Nan vận dụng thần lực, xuyên qua khe cửa vào trong Tăng Đường đảnh lễ Chúng Tăng và xin sám hối với Ngài Ca Diếp. Ngài Ca Diếp lấy tay xoa đầu Ngài A Nan, và nói rằng: “Vì muốn Đại Đức chóng được đạo, nên Ta vận hành như vậy đó. Đại Đức chớ nên hiềm giận Ta. Từ nay, Đại Đức nên biết là chỗ tu chứng của Đại Đức chỉ ví như nắm bắt hư không, chẳng hề bị vướng mắc. Tâm A La Hán là như vậy đó, chẳng chấp đắm bất cứ pháp nào, chẳng hề bị pháp nào trói buộc cả. Vậy Đại Đức hãy trở về tòa ngồi như trước”.
Lúc bấy giờ, Chúng Tăng luận nghị xem ai là người sẽ đảm trách kiết tập Pháp Tạng.
Ngài A Nậu Lâu Đậu nói: “Xin mời Ngài A Nan. Đại Đức A Nan là vị Thị Giả của Phật, thường ở bên Phật, thân cận Phật, lại có trí huệ tuyệt vời, nghe Phật thuyết đến đâu liền nhớ đến đó, nên thường được Phật khen ngợi”.
Ngài Ca Diếp đưa tay xoa đầu Ngài A Nan, rồi nói rằng: “Phật đã phó chúc Đại Đức giữ gìn Pháp Tạng; đây là dịp Đại Đức báo ơn Phật. Hơn nữa, các Đại Đệ Tử, từ buổi ban đầu nghe Thế Tôn thuyết pháp, nay đã diệt độ hết rồi, chỉ còn mỗi một mình Đại Đức thôi. Nay Đại Đức nên y theo lời Phật dạy, vì lợi ích chúng sanh, đứng ra kiết tập Pháp Tòa.
Ngài Ca Diếp dùng kệ thuyết dụ Ngài A Nan rằng:
Đấng Sư Tử Thánh Vương.
A Nan! Thừa Phật Sự,
Lên ngồi tòa Sư Tử.
Hãy nhìn xuống Chúng Tăng,
Như đêm không có trăng,
Hư không chẳng sáng tịnh.
A Nan! Thường bên Phật,
Lại là, bậc Đại Trí.
Những lời Phật thuyết ra,
Hãy y pháp diễn bày.
Lúc bấy giờ, Ngài A Nan chấp tay, hướng về nơi Phật nhập Niết Bàn, đọc bài kệ:
Buổi đầu Phật thuyết pháp,
Con chưa được dự nghe,
Song được Phật truyền dạy:
Phật, tại Ba La Nại,
Vì năm vị Tỳ kheo
Khai mở Đạo Cam Lồ
Thuyết về Bốn Thánh Đế
Gồm Khổ, Tập, Diệt, Đạo
A Nhã Kiều Trần Như
Người đầu tiên được Đạo
Chúng Chư Thiên, tám vạn
Vào được trong Đạo Mầu.
Lúc bấy giờ, 1000 vị A La Hán, nghe xong bài kệ rồi, liền bay lượn giữa hư không, tự nghĩ rằng: “Lực Vô Thường rất mạnh. Thế nhưng, kì diệu thay! Phật đã diệt độ rồi, mà chúng ta vẫn thấy Phật hiện hữu, và đang thuyết Pháp”. Nghĩ như vậy rồi thuyết kệ rằng:
Dù Diệu Tướng đã diệt
Chỉ còn lại danh thôi
Hãy dùng phương tiện lực
Cầu vượt khỏi ba cõi
Siêng tu tập thiện căn
Được Niết Bàn an lạc
Ngay sau đó, Ngài Trưởng lão A Nậu Lâu Đậu thuyết kệ rằng:
Ôi! Thế gian vô thường
Như trăng nước, ba tiêu 1
Công đức đầy ba cõi
Gió Vô Thường vẫn hoại
Kế đó, Ngài Ca Diếp thuyết kệ rằng:
Dù ngu, trí, nghèo, giàu
Được Đạo, chưa được Đạo
Hết thảy đều chẳng thoát
Chẳng phải dùng của cải
Hay gian trá tránh được
Như lửa thiêu muôn vật
Ngài Ca Diếp bảo Ngài A Nan kiết tập các kinh Phật đã thuyết giảng, từ sơ chuyển pháp luân đến khi nhập Niết Bàn, đúc kết thành 4 bộ:
1/ Tăng Nhất A Hàm
2/ Trung A Hàm
3/ Trường A Hàm
4/ Tương Ưng A Hàm
Như vậy là hình thành được Tu Đa La Tạng, tức kinh Pháp Tạng.
Chúng hội tiếp tục luận nghị xem ai là người đảm trách việc kiết tập Tỳ Ni Pháp Tạng.
Hơn 500 vị A La Hán đồng thỉnh Ngài Tôn Giả Ưu Ba Ly, vị trì luật đệ nhất, lên pháp tòa. Chư vị A La Hán yêu cầu Ngài cho biết rõ “Phật, lúc ban đầu, thuyết giới luật ở đâu, và do nhân duyên gì?”
Ngài Ưu Ba Ly, y theo Tăng Giáo, lên tòa Sư Tử, và nói lên rằng : “Như vậy tôi nghe, một thời Phật tại thành Tỳ Xá Ly,… Lúc bấy giờ có ông trưởng giả tên là Lân Na Ca Lăng Già, sau khi đã xuất gia rồi, vẫn còn trốn về nhà dâm dục với vợ… Đây là nhân duyên khiến Phật bắt đầu thuyết giới luật.”
Các chúng Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni có giới luật riêng:
- Giới Tỳ kheo gồm 250 giới
- Giới Tỳ kheo Ni gồm 348 giới.
Như vậy là hình thành Tỳ Ni Pháp Tạng, tức luật Pháp Tạng.
Chúng Hội tiếp tục luận nghị xem ai là người đảm trách việc kiết tập A Tỳ Pháp Tạng.
Vì trước đó Ngài A Nan đã diễn rõ nghĩa Tu Đa La Pháp tạng, nên chư vị A La Hán đồng thanh thỉnh Ngài lên pháp tòa. Nên chư vị A La Hán cũng yêu cầu Ngài cho biết rõ “Phật, lúc ban đầu, thuyết A Tỳ Đàm ở đâu, và do nhân duyên gì?”.
Ngài A Nan, y theo Tăng Giáo, lên tòa Sư Tử, và nói: “Như vậy tôi nghe, một thời Phật tại thành Xá Bà Đề… Lúc bấy giờ, Phật dạy các Tỳ kheo rằng: Này các Tỳ kheo! Có 5 tội, 5 oán nên trừ. Nếu chẳng diệt trừ, thì do nhân duyên ấy sẽ đời này phải thọ vô lượng khổ ở thân và tâm, ở đời sau sẽ đọa vào ba đường ác. Dù ở đời này thân tâm được an lạc, nhưng nếu có làm 5 tội, 5 oán, thì do nhân duyên ấy ở đời sau cũng vẫn phải thọ khổ. Còn trái lại, nếu ở đời này chẳng làm các tội, các oán, thì do nhân duyên ấy ở đời sau sẽ được sanh lên cõi trời, hưởng các lạc thú”.
5 tội đó là:
Sát sanh – Trộm cắp – Tà Dâm – Vọng Ngữ – Uống rượu
Như vậy là hình thành A Tỳ Đàm Tạng, tức luận Pháp Tạng.
***
Sau 3 tháng, công trình kiết tập 3 phần Pháp Tạng được hoàn tất mỹ mãn.
Các hàng Chư Thiên, Long Thần, Quỷ Vương, dẫn đến các tiên nữ đều reo mừng, đem thiên hoa, thiên hương, tràng phan, bảo cái, thiên y .v.v. cúng dường pháp, và thuyết kệ rằng:
Thương chúng sanh ba cõi
Kiết tập ba Pháp Tạng
Mười lực, hết thảy trí
Chiếu phá hết vô minh
Hỏi: 8 kiền độ A Tỳ Đàm, và 6 phần A Tỳ Đàm từ đâu mà có?
Đáp: Khi Phật còn tại thế, các pháp chẳng trái nhau.
Khi Phật diệt độ rồi cho đến lần kiết tập đầu tiên do Ngài Ma Ha Ca Diếp chủ trì, cũng như vậy.
Sau đó 100 năm, vào lần kiết tập thứ hai, dưới thời vua A Dục, số pháp sư và luận nghị sư rất nhiều, nên có rất nhiều bộ phái khác nhau được thành lập, cùng rất nhiều từ ngữ mới được nẩy sanh. Lúc bầy giờ có một đạo nhân gốc Bà La Môn, lợi căn lợi trí, tên là Ca Chiên Diên thông suốt cả ba tạng kinh điển và các kinh thơ Ngoại Đạo. Vị đạo nhân này muốn giảng về Thật pháp nên đã lập ra bộ Pháp Trí Luận gồm 8 kiền độ; phần đầu nói về Thế Đệ Nhất Pháp. Nhưng về sau, các đệ tủ không hiểu được 8 kiền độ, nên mới lập ra bộ Tỳ Bà Sa Luận.
Lại có người nói: Luận A Tỳ Đàm gồm có 6 phần, trong đó:
– Phần thứ nhất gồm 8 phẩm do Bồ Tát Tu Bà Mật và một vị A La Hán ở Kế Tân soạn, mỗi vị 4 phẩm.
Phần thứ ba, cũng gồm 8 phẩm, nói về sự phân biệt các pháp thế gian, do Ngài Mục Kiền Liên soạn.
– Các phần còn lại do các luận sư khác soạn.
Lại có người nói: khi Phật còn tại thế, Ngài Xá Lợi Phất giải lời Phật dạy, thành lập ra bộ A Tỳ Đàm. Về sau, bộ luận này được gọi là “Xá Lợi Phất A Tỳ Đàm”.
Khi Phật còn tại thế, Ngài Ma Ha Ca Chiên Diên, giải lời Phật dạy, thành lập ra bộ Khiếp Tạng (cũng gọi là Tỳ Lạc).
Từ đó đến nay các luận sư không ngừng giải rộng thêm những lời dạy của Phật:
Ví như nói trong 5 Giới:
– Có bao nhiêu thứ nhiếp về Dục Giới, thứ nhiếp về Sắc Giới, thứ nhiếp về Vô Sắc Giới
– Có bao nhiêu thứ thấy được, thứ chẳng thấy được
– Có bao nhiêu thứ hữu vi, thứ vô vi
– Có bao nhiêu thứ hữu báo, thứ vô báo.
– Có bao nhiêu thứ thiện, thứ ác
– Có bao nhiêu thứ hữu ký, thứ vô ký.
Ví như nói trong 7 sử (Dục nhiễm sử, sân nhuế sử, hữu ái sử, kiêu mạn sử, vô minh sử, kiến sử, nghi sử):
– Có bao nhiêu thứ kiến đế đoạn, thứ tư duy đoạn, thứ kiến khổ đoạn, thứ kiến tập đoạn, thứ kiến diệt đoạn, thứ kiến đạo đoạn.
– Có bao nhiêu thứ Dục Giới kế, thứ Sắc Giới kế, thứ Vô Sắc Giới kế.
– Có bao nhiêu thứ kiến để đoạn, thứ tư duy đoạn, thứ kiến khổ đoạn, thứ kiến tập đoạn, thứ kiến diệt đoạn, thứ kiến đạo đoạn
– Có bao nhiêu thứ biến sử, thứ bất biến sử.
Ví như nói trong 10 trí (pháp trí, tỷ trí, tha tâm trí, khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, tận trí, như thật trí, vô sanh trí).
– Có bao nhiêu pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp hữu vi, pháp vô vi
– Có bao nhiêu duyên hữu lậu, duyên vô lậu, duyên hữu vi, duyên vô vi, duyên Dục Giới, duyên Sắc Giới, duyên Vô Sắc Giới.
– Có bao nhiêu thứ chẳng hệ duyên.
– Có bao nhiêu lối tu trong Vô Ngoại đạo, lối tu trong Giải Thoát Đạo.
Ví như nói người tu 4 quả Thanh Văn, khi được Đạo rồi, sẽ:
– Có bao nhiêu trí đắc.
– Có bao nhiêu trí thất.
..v…v
Như vậy, luận A Tỳ Đàm phân biệt hết thảy pháp. A Tỳ Đàm được phân ra làm 3 loại:
– Thân và Nghĩa A Tỳ Đàm, lược nói có 32 vạn lời.
– Luận pháp A Tỳ Đàm, lược nói có 32 vạn lời.
– Tỳ Lạc, tức là Khiếp phần A Tỳ Đàm, lược nói có 32 vạn lời.
Phần lược giải ý nghĩa NHƯ VẬY TÔI NGHE đến đây là xong.
***
Phẩm Thứ Nhất
(tiếp theo)
Nói về nghĩa:
Bà Già Bà
Kinh:
Đức Phật
Luận:
Hỏi: sao gọi là Bà Già Bà?
Đáp: Bà Già Bà là tiếng bên Thiên Trúc. Bên Trung Quốc, đời nhà Tần, dịch là “Hữu Đức” (có Đức).
Lại nữa, Bà Già có nghĩa là phân biệt, BÀ có nghĩa là khéo léo.
Như vậy, phân biệt rõ ràng biệt tướng và tổng tướng của hết thảy các pháp, còn gọi là Bà Già Bà.
BÀ GIÀ BÀ còn có nghĩa là có danh tiếng. Chẳng ai có được danh đức như Đức Phật, nên Đức Phật được gọi là BÀ GIÀ BÀ.
Phật là Đấng tối tôn, tối thượng, thù thắng hơn các vị Chuyển Luân Thánh Vương:
– Chuyển Luân Thánh Vương ủng hộ Thế Gian, nhưng vẫn còn kiết sử. Phật ủng hộ Thế Gian, nhưng Phật đã ly kiết sử.
– Chuyển luân Thánh Vương vẫn còn ái chấp Phật đã ly các ái chấp.
Chuyển Luân Thánh Vương vẫn còn hệ thuộc Thế Gian, còn bị vô minh ngăn che tâm trí. Phật là Đấng Đệ Nhất Minh Giác, xuất thế gian.
– Chuyển Luân Thánh Vương thống lãnh 4 Châu thiên hạ. Phật thống lãnh vô lượng, vô biên thế giới.
– Chuyển Luân Thánh Vương được tài vật tự tại. Phật được tâm tánh tự tại.
– Chuyển Luân Thánh Vương vẫn còn tham cầu các lạc thú thế gian. Phật chẳng tham cầu gì cả.
– Chuyển Luân Thánh Vương vẫn còn theo người khác để cầu vui. Phật ở nội tâm thường an lạc.
Lại nữa, Bà Già Bà còn có nghĩa là phá “tham, sân, si”.
Hỏi: A La Hán và Bích Chi cũng phá 3 độc “tham, sân, si”. Như vậy, so với Phật cũng đâu có gì khác?
Đáp: Chư vị A La Hán và Bích Chi Phật cũng phá 3 độc “tham, sân, si”. Thế nhưng khí phần của 3 độc, và vi tế sở tri chướng vẫn còn, chưa được dứt sạch. Ví như một cái hộp đựng trầm hương vẫn còn lưu giữ mùi hương, mặc dù người ta lấy trầm hương ra khỏi hộp; lại cũng ví như củi, sau khi đã cháy rụi rồi, vẫn còn lưu lại một ít tro tàn.
Trái lại, Phật phá trừ ba độc “tham, sân, si” đến tận gốc rẽ, thuần nhất từ thô đến tế, khiến cho khí phần của 3 độc chẳng còn nữa. Ví như vào thời “Kiếp Tận”, lửa thiêu sạch núi Tu Di, chẳng còn lưu lại khói, tro.
Lại nữa, các bậc A La Hán, dù đã được lậu tận, cũng chỉ ví như người mới được cởi bỏ xiềng xích, đi còn khấp khểnh, chưa được vững vàng. Như trường hợp Ngài Xá Lợi Phất vẫn còn dư tập khí sân nhuế; Ngài Nan Đà vẫn còn lưu dư tập khí dâm dục; Ngài Tất Lăng Bà Già Sa vẫn còn lưu dư tập khí kiêu mạn. Trái lại, Phật thường tự tại, vô ngại. Ví như khi vừa ra khỏi thiền định, Phật đã thản nhiên đứng dậy, đi kinh hành. Phật đi rất mau, đến độ Ngài La Hầu La, đi kế sau Phật, chẳng sao theo kịp. Phật hỏi lý do, Ngài La Hầu La dùng kệ bạch Phật rằng:
Do ăn nhiều, sức khỏe dồi dào;
Do uống sữa, làn da tươi đẹp.
Chỉ rau mè, làm sao có sức,
Cúi xin Thế Tôn thấu rõ cho
Những câu chuyện sau đây cho thấy rằng các vị A La Hán, dù đã đoạn sạch kiết sử, nhưng vẫn còn lưu dư khí phần kiết sử.
1. Về Ngài Xá Lợi Phất.
Một hôm, Phật hỏi La Hầu La: Trong Chúng ai là bậc Thượng Thủ?
Ngài La Hầu La đáp: Bạch Thế Tôn! Hòa thượng Xá Lợi Phất là bậc Thượng Thủ.
Phật dạy: thế nhưng cũng có lúc Xá Lợi Phất thọ “Bất Tịnh Thực”. Ngài Xá Lợi Phất nghe lời dạy của Phật, tự nghĩ rằng: “Từ nay về sau, Ta chẳng nên nhận lời mời của người đến thỉnh thực nữa”.
Lúc bấy giờ, vua Ba Tư Nặc đi cùng với Trưởng Giả Tu Đạt đến xin thỉnh Ngài Xá Lợi Phất về cung thọ trai. Ngài Xá Lợi Phất liền đáp: “Nếu không có pháp sự, Phật không cho phép Chúng Tăng đến thọ thực ở nhà người cúng dường”. Rồi Ngài từ chối không đi.
Vua cùng vị trưởng giả đến bạch Phật :”Bạch Thế Tôn! Vì sao Thế Tôn không cho hòa thượng Xá Lợi Phất nhận lời thọ thỉnh của chúng con? Nếu Ngài Phất không đến thì làm sao chúng con sanh được Đại Tín Lực?”
Phật cho biết Ngài Xá Lợi Phất tâm kiên cố, chẳng gì lay chuyển được. Rồi Phật dạy: “Vào một thời xa xưa, có một ông vua bị một con rắn độc cắn. Triều đình cho mời các vị danh y vào cung để chữa trị cho nhà vua. Các vị thầy thuốc đều nghĩ rằng: “Chỉ có con rắn đó mới rút được nọc của nó ra, và mới cứu được mạng sống của nhà vua”. Nghĩ như vậy rồi,, các thầy làm chú thuật gọi rắn đến. Các thầy chất củi thành đống, nổi lửa, và nói với rắn rằng: “Ngươi hãy lựa chọn, hoặc rút nọc độc lại, hoặc tự vào lửa chịu chết”. Rắn tự nghĩ: “Ta đã cắn nhà vua rồi, thà chịu chết chẳng bao giờ ta rút nọc độc lại”. Nghĩ như vậy rồi, rắn quyết tâm bò vào lửa chịu chết. Rắn độc này chính là tiền thân của Xá Lợi Phất. Tâm Xá Lợi Phất kiên cố, chẳng gì lay chuyển được.
2. Về Ngài Tất Lăng Già Bà Sa
Ngài trưởng lão Tất Lăng Già Bà Sa thường bị bệnh đau mắt.
Một hôm, đi khất thực qua sông Hằng, ngài nói với vị Thần sông Hằng: “Này con Tiểu Tỳ! Hãy cho nước ngừng chảy để Ta đi qua sông nghe”.
Thần Sông đến trình bày sự việc với Phật. Phật bảo Ngài Tất Lăng Già Bà Sa phải đến trước thần Sông để xin sám hối.
Ngài vâng lời Phật, đến trước thần Sông và nói với Thần Sông rằng:
“Này Tiểu Tỳ! Ngưới chớ giận Ta, Ta nay đến sám hối với ngươi đây”.
Cả Chúng phá lên cười: “Như vậy là đến để sám hối, hay là đến để mắng nữa đây?”.
Phật bảo Thần Sông: “Ông có thấy vị Tỳ kheo ấy chắp tay xin sám hối chăng?”
Thần Sông thưa: “Dạ có. Bạch Thế Tôn!”
Phật dạy: “Tỳ kheo ấy thành tâm sám hối, chẳng có kiêu mạn. lời nói như vậy chẳng phải lời ác. Tỳ kheo này, 500 năm trước đây, sanh trưởng trong nhà Bà La Môn, thường tự kiêu, tự mạn, rằng mình là con nhà quý phái. Do thói quen mà nói như vậy đó; chớ thật tâm chẳng còn có kiêu mạn nữa”.
***
Trái lại, Phật đã tận đoạn kiết sử, lẫn khí phần kiết sử, đã được tự tại, vô ngại.
Ngay trong những kiếp trước, khi còn là Bồ Tát, Phật đã thường hành nhẫn nhục, bố thí Ba La Mật, nên dù bị người chặt tay móc mắt, Ngài cũng vẫn an nhiên, không oán thù.
Trong kinh có ghi chép những mẩu chuyện về Đức Phật như sau:
– Có trường hợp một nữ Bà La môn, độn bụng, đến vu oan giá họa cho Phật. Trước cảnh đó, 500 Bà La Môn vỗ tay, reo hò, chế nhạo, nhưng Phật vẫn thản nhiên, vẻ mặt chẳng hề biến sắc. Chư Thiên thấy vậy, liền hóa thành thân chuột, đến cắn bể bụng của người nữ Bà La Môn, rồi tán hoa để cúng dường Phật. Phật cũng vẫn thản nhiên, chẳng hề biểu lộ sự vui mừng.
– Lại có trường hợp Phật ăn lúa mì suốt 3 tháng mà chẳng buồn phiền; hoặc có trường hợp thọ thức ăn thơm ngon, cả hàng trăm vị, của hàng Chư Thiên cúng dường, mà Phật cũng vẫn chẳng sanh tâm hoan hỷ.
Tâm Phật là Nhất Tâm, chẳng có hai niệm, ví như vàng ròng chẳng có tăng, có giảm tuổi vàng vậy.
Bởi nhân duyên vậy, nên đức hiệu BÀ GIÀ BÀ chỉ dành riêng để gọi các Đức Phật. Các bậc A La Hán, dù đã đoạn sạch kiết sử, nhưng vẫn còn lưu dư khí phần kiết sử, nên chưa được gọi là Bà Già Bà.
Hỏi: Phật chỉ có danh hiêu BÀ GIÀ BÀ , hay còn có danh hiệu nào khác nữa?
Đáp: Phật có vô lượng công đức, nên cũng có vô lượng danh hiệu khác nhau.
Sau đây là 10 danh hiệu thường được nêu trong kinh:
1. Như Lai (Tathàgatha )
2. Ứng cúng (Arhat)
3. Chánh Biến Tri (Samyak Sam Bouddha)
4. Minh Hạnh Túc (Vidyàcarana Sampanna)
5. Thiện Thệ (Sugata)
6. Thế Gian Giải (Lokavit)
7. Vô Thượng Sĩ (Anuttara)
8. Điều Ngự Trượng Phu (Pnrusa Damya Sàrathi)
9. Thiên Nhân Sư (Sàstà Dêva Mà nussyànàm)
10. Phật, Thế Tôn (Bouddha Lokanatha)
1) Như Lai:
Phật có danh hiệu là Đa Đà A Già Đà (Tathàgatha). Trung Hoa dịch là Như Lai
Như Lai là Như Pháp Tướng, hiểu Như Pháp Tướng, diễn nói theo Như Pháp Tướng, nương theo Phật Tánh Như Như mà đến.
Phật đã như vậy mà đến, mà thành bậc Vô Thượng Chánh Giác. Bởi vậy nên Phật được gọi là Như Lai.
2) Ứng Cúng:
Lại nữa, Phật có danh hiệu là A La Ha (Arhat). Trung Hoa dịch A La Ha (Arhat) là sát tặc, tức là giết giặc, có ý nghĩa là tận dứt các giặc phiền não. Như bài kệ thuyết
Phật lấy Nhẫn Nhục làm giáp
Lấy Tinh Tấn làm dây cương
Lấy Trì Giới làm ngựa tốt
Lấy Thiền Định làm cung nỏ
Lấy Trí Huệ làm mũi tên
Bên ngoài, đánh phá Ngoại Ma
Bên trong, diệt giặc Phiền Não
Ấy gọi là A La Ha
A La Ha (Arhat) cũng được gọi là Ứng Cúng.
Phật là bậc trí huệ và đức hạnh tràn đầy, là phước điền rộng lớn để chúng sanh cúng dường.
3) Chánh Biến Tri
Lại nữa, Phật cũng có danh hiệu Samyak Sam Bouddha, Trung Hoa dịch là Chánh Biến Tri
Tam Miệu (Samyak) là Chánh; Tam (Sam) là biến cùng khắp tất cả; Phật Đà (Bouddha) là Giác Giả; TAM MIỆU TAM PHẬT ĐÀ là bậc Giác Ngộ hoàn toàn, rõ biết tất cả. Như bài kệ:
Biết KHỔ như Khổ Tướng
Biết TẬP như Tập Tướng
Biết DIỆT như Diệt Tướng
Biết Đạo như Đạo Tướng
Lại biết Thật Tướng của hết thảy pháp là chân thật, là bất hoại. Tướng bất hoại là tướng của Niết Bàn, vì ở nơi đây hết thảy Tâm Hành đều dứt hẳn, nói năng cũng tận đoạn (Tâm hành xứ diệt, ngôn ngữ đoạn)
Còn được gọi là Tam Miệu Tam Bồ Đề. Bồ Đề là quả vị của bậc Giác Ngộ, sáng suốt hoàn toàn.
4). Minh Hạnh Túc:
Lại nữa, Phật cũng có danh hiệu là Vi Đa Thứ La Na Tam Bát Nạ (Vidyacarana Sampanna). Trung Hoa dịch là Minh Hạnh Túc, nghĩa là đầy đủ trí huệ và hạnh đức. Minh là Tam Minh, Hạnh là Thiện Nghiệp, Túc là đầy đủ.
Tam Minh gồm: Lậu Tận Minh. Túc Mạng Minh và Thiên Nhãn Minh.
*Thần Thông và Minh nghĩa khác nhau như thế nào?
Biết được Túc Mạng của mình và của người trong quá khứ gọi là Thông. Biết được hạnh nghiệp nhân duyên của mình và của người trong quá khứ gọi là Minh
– Biết được việc sanh chỗ này, chết chỗ kia của mình và của người gọi là Thông. Biết được hạnh nghiệp nhân duyên dung hợp của mình và của người là thường còn, không mất là Minh.
– Biết được mình hay người đã dứt sạch kiết sử, mà rõ kiết sử còn hay chẳng còn sanh nữa là Thông. Biết rõ các lậu đã tận và chẳng còn sanh nữa là Minh.
* A La Hán cũng có đủ Tam Minh. Như vậy giữa A La Hán và Phật có gì khác nhau đâu?
– Tuy các vị A La Hán cũng có đủ Tam Minh, nhưng chẳng được đầy đủ như Phật. Ví như A La Hán chỉ biết đến một vạn kiếp; còn Phật biết được vô lượng kiếp. Lại nữa, A La Hán chưa đầy đủ Thiên Nhãn Minh; còn Phật, thì ở nơi mỗi niệm đều rõ biết “Sanh-trú-diệt”, rõ biết các kiết sử sanh như vậy, trú như vậy, diệt như vậy.
Phật hoàn toàn giải thoát, giác ngộ, vô ngại, tự tại, còn hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật chẳng được vậy.
5). Thiện Thệ
Lại nữa, Phật cũng có danh hiệu là Tu Già Đà (Sugata).Trung Hoa dịch là Thiện Thệ.
Thiện là tốt lành, Thệ là đi luôn chẳng trở ngại, đi đến nơi đến chốn. Như vậy, Thiện Thệ có nghĩa đã làm xong những việc cần phải làm, đã đi đến Bờ Giác.
Thiện Thệ còn có nghĩa là Hảo Khứ (khéo đi). Như bài kệ sau đây:
Dùng xe Nhất Thiết Trí
Đi trên đường Bát Chánh
Thẳng đến Bờ Giải Thoát
Ấy gọi là Hảo Khứ
Phật y nơi Thật Tướng các pháp thuyết, chẳng phải do bị nhiễm bất cứ một pháp nào mà riêng thuyết cả.
Phật quán biết căn cơ, trí tuệ của hàng đệ tử, dùng các phương tiện thiện xảo để giáo hóa họ. Người lợi trí, kẻ độn căn, Phật đều bố thí pháp một cách bình đẳng. Phật biết tùy thời, tùy cơ, tùy đối tượng mà thuyết pháp: hoặc thuyết Bố Thí, hoặc thuyết Trì Giới, hoặc thuyết 4 Thánh Đế, hoặc thuyết 12 Nhân Duyên, hoặc thuyết Niết Bàn .v.v.
Thuyết pháp như vậy gọi là Hảo Thuyết.
6). Thế Gian Giải:
Lại nữa, Phật có danh hiệu là Lô Ca Phại (Lokavit). Trung Hoa dịch là Thế Gian Giải.
Phật biết rõ Chúng Sanh Pháp và Phi Chúng Sanh Pháp, thuyết cả Thế Gian Đạo và Xuất Thế Gian Đạo. Phật biết rõ Thế Gian là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã; lại cũng biết rõ Thế gian là phi vô thường, là phi hữu biên, là phi vô biên. Phật thuyết hết thảy các tướng mà chẳng chấp hết thảy các tướng. Vì sao? Vì các tướng đều là bất hoại, đều như hư không.
Như vậy gọi là Thế Gian Giải.
7) Vô Thượng Sĩ
Lại nữa, Phật cũng có danh hiệu là A Nậu Đa La (Anuttara).
A nghĩa là Không, Nậu Đa La nghĩ là Thượng. Trung Hoa dịch là Vô Thượng.
Niết Bàn là pháp Vô Thượng. Vì sao? Vì Pháp Phật chẳng có thể nghĩ bàn, chẳng có thể tán hoại, vượt lên trên hết thảy các pháp của hàng Ngoại Đạo; tuyệt đối thanh tịnh, vượt ra khỏi văn tự ngôn ngữ của thế gian. Vì Pháp Phật chẳng có gì hơn được nên được gọi là Pháp Vô Thượng, và Phật được gọi là Vô Thượng Sĩ, tức là đấng Vô Thượng.
8). Điều Ngự Trượng Phu:
Lại nữa, Phật cũng có danh hiệu là Phú Lâu Sa Đàm Miệu Bà La Đề (Pnrusa Danya Sarathy). Trung Hoa dịch là Điều Ngự Trượng Phu.
Điều Ngự là sửa trị, mang ý nghĩa điều phục, vừa chế ngự. Đức Phật là bậc Vô Thượng Điều Ngự Sư. Ngài là bậc Đại Từ, bậc Đại Thí, có lúc Ngài dùng lời lẽ êm dịu, có lúc Ngài dùng lời lẽ nghiêm khắc để sửa trị, hóa cải các bậc trượng phu, nhằm dẫn họ vào Đạo Vô Thượng. Như bài kệ thuyết:
Điều Ngự Sư là bậc Pháp Vương
Ngựa sai đường do chưa thuần thục
Phải điều về nẻo chánh, đường ngay.
Mở rộng đường vào Vô Thượng Đạo.
Không khéo điều, xa lìa Chánh Pháp
Vô Thượng Điều Ngự là vậy đó.
Có 5 pháp sửa trị là:
1. Pháp sửa trị của cha mẹ, anh em, bạn hữu
2. Pháp sửa trị của quan quân
3. Pháp sửa trị của Sư Trưởng
Trên đây là 3 pháp sửa trị của thế gian
4. Nghiệp cảm đời này dẫn đến quả báo ở đời sau. Như thế gian thường nói: “Nếu đời này chẳng dùng luật pháp để trị được người phạm tội, thì sau khi mạng chung, người ấy sẽ bị Diêm Vương trừng trị”.
5. Phật là bậc Vô Thượng Điều Ngự Sư, lấy pháp Niết Bàn giáo hóa chúng sanh, đem lại cho chúng sanh sự an lạc, giải thoát.
Vì các pháp thế gian dùng để sửa trị chẳng có giá trị tuyệt đối, chẳng có tác dụng lâu dài, nên Phật thị hiện thân người, dùng 3 thừa giáo, tùy theo căn trí của chúng sanh mà hóa độ họ, khiến không mất đạo chủng, được chân thiện Pháp, được an lạc cả trong đời này và trong đời sau.
Bởi vậy nên Phật được gọi là bậc Điều Ngự Sư.
*Người Nữ cũng hóa độ được. Sao chỉ nói đến Điều Ngự các bậc Trượng Phu?
– Có thuyết cho rằng “Người Nam mới làm nên nghiệp lớn, còn người Nữ thì có 5 điều ngại là:
1- Không làm được Ma Vương
2- Không làm được Chuyển Luân Thánh Vương
3- Không làm được Thiên Vương
4- Không làm được Phạm Vương
5-Không làm được Phật”.
Bởi nhân duyên vậy, nên không nói đến người Nữ.
Lại có thuyết cho rằng: “Bậc Trượng Phu phải được hiểu theo nghĩa rộng. Đó là người có chí lớn. Dù là người Nữ, nếu có chí lớn hướng về đạo Vô Thượng, thì cũng được gọi là bậc Trượng Phu”.
9) Thiên Nhân Sư
Lại nữa, Phật cũng có danh hiệu là Xá Đa Đề Bà Ma Nậu Xá Nẩm (Sàsta Đêva Mànusyànàm). Trung Hoa dịch là Thiên Nhân Sư.
Phật thị hiện ở cõi người, dạy người tu đạo Niết Bàn Giải Thoát. Ngay trong loài người có đủ Nhân tánh và Thiên tánh. Lại nữa, người nào kiết sử mỏng, có tâm nhàm chán cảnh khổ thế gian, có lợi căn, lợi trí, thì sẽ được sanh lên cõi trời. Các hạng người này rất dễ được Đạo.
Lại nữa, ở cõi Thiên cũng có Đại Địa Thiên. Khi nói Thiên Địa bao gồm cả Nhân Thiên, tức là loài Người và loài Trời vậy.
Lại nữa, vì loài Người mới được thọ các giới luật, dẫn đến chỗ thấy được Đạo. Bởi vậy, nên Phật thị hiện trong cõi Người làm bậc Thiên Nhân Sư.
10). Phật, Thế Tôn:
Lại nữa, Phật cùng còn có danh hiệu là “Bụt Đà Lô Ca Na Tha” (Bouddha Lokanatha). Trung Hoa dịch Bouddha là Phật Đà, dịch Lokanatha là Thế Tôn. Gọi tắt là “Phật, Thế Tôn”.
Phật là bậc Giác Ngộ hoàn toàn, rõ biết hết thảy các pháp quá khứ, ở hiện tại và vị lai, cũng được gọi là Giác Giả. Ngồi dưới gốc cây Bồ Đề, Phật chứng đạo Vô Thượng, trở thành bậc Nhất Thiết Chủng Trí, thấu rõ hết tất cả, nên được tôn xưng là Phật Đà.
Phật được tất cả bậc Thánh, các vị Thần, các hàng Trời, Người, cùng tất cả chúng sanh trong các loài tôn trọng, kính mến và tôn xưng Ngài là Thế Tôn.
Các bậc Thánh nhân còn chẳng thể sánh kịp được Phật, huống nữa là các hàng Trời còn nhiều sân nhuế và kiêu mạn. Hơn nữa các vị Trời trong cả ba cõi vẫn còn rất nhiều ái kiết, thương ai thì ban phước, mà ghét ai lại thường gây họa. Phật chẳng như vậy. Khi còn là Bồ Tát, gặp những kẻ thù oán đến đòi lấy đầu, mắt, chân, tay… Ngài vẫn vui vẻ cúng dường. Nay đã thành bậc Chánh Giác, Ngài cũng chẳng tiếc thân mạng. Phật có 2 công đức lớn là :
- Thần Thông lực
- Tịnh Tâm lực
Phật đã tận diệt kiết sử. Còn các hàng Trời, dù có nhiều phước báo nhưng chưa sạch kiết sử, tâm chưa thanh tịnh, nên có rất ít thần thông lực. Các hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật, tuy đã diệt kiết sử, nhưng thế lực phước đức vẫn còn kém xa Phật.
Như vậy, chẳng ai có thể sánh được Phật, cho nên chỉ có Phật mới là đấng BÀ GIÀ BÀ.
Có phải vì Đức Phật thuộc dòng giống Sát Đế Lợi, lại là con vua Tịnh Phạn nên được người đời xưng tán là bậc Nhất Thiết Trí chăng?
– Chẳng phải vậy, vì sao? Vì hết thảy chúng sanh chẳng có ai sánh được Phật, nên chỉ có Phật mới là bậc Nhất Thiết trí.
Trong kinh Thập Dụ có chép chuyện vua Tần Bà Sa La, nước Ma Già Đà, thỉnh Phật cùng 500 vị đệ tử của Phật an cư suốt 3 tháng. Vua cần có sữa tươi để cúng dường Phật và Chư Tăng, nên đã bảo các người nuôi trâu bò ở gần thành, ngày ngày đem sữa đến bán.Vua động lòng thương những người này, nên cho phép họ được đến hầu Phật.
Những người này thảo luận với nhau rằng: “Chúng ta thường nghe Phật là bậc Nhất Thiết Trí. Chúng ta lại thường thân cận giới Bà La Môn, biết rõ giới Bà La Môn có 4 bộ kinh Vệ Đà, gồm đủ các pháp trị bệnh, pháp điều binh, pháp xem sao hạn, pháp tế trời; ngoài ra còn có ca vịnh, luận nghị về 64 đề tài công kỹ nghệ của thế gian. Phật là con vua Tịnh Phạn, ắt đã thông suốt hết các kinh thơ Bà La Môn rồi. Nếu chúng ta hỏi Phật về các đề tài ấy, Ngài sẽ chẳng gặp một chút khó khăn nào. Vậy chúng ta hãy hỏi Ngài về bí pháp chăn nuôi trâu bò; nếu Ngài giải đáp thông suốt thì mới thật là bậc Nhất Thiết Trí”.
Thảo luận xong, họ bèn kéo nhau đến vườn Trúc Lâm để tìm gặp Phật. Vừa thoáng thấy Phật ngồi tọa thiền dưới gốc cây, dung mạo trang nghiêm rực rỡ, sáng ngời ánh hào quang sắc vàng, họ đăm đăm nhìn chẳng nhàm chán, rồi liền khởi tâm hoan hỷ, nói lên bài kệ tán thán rằng:
Được mấy Thích Sư Tử
Một bậc Nhất Thiết Trí
Ai thấy mà chẳng ưa,
Chỉ thế này cũng đủ:
Hào quang Ngài sáng rực
Dung mạo tối đoan nghiêm
Thân tướng đầy oai đức,
Xứng đáng là vị Phật
Các tướng đều tuyệt hảo,
Oai thần hiện đầy đủ,
Phước đức tự trang nghiêm
Ai thấy mà chẳng kính;
Thân hào quang sáng tỏa,
Nhìn mãi chẳng nhàm chán,
Là đấng Nhất Thiết trí,
Mới được công đức này
Hết thảy các bức họa
Cũng bảo vật trang nghiêm,
Sánh với diệu thân này,
Chẳng sao thể bì kịp;
Người xem được mãn nguyện,
Thấy rồi sanh tịnh tâm,
Trú vào nơi an lạc,
Đúng là “Nhất Thiết Trí”.
Dùng kệ tán thán xong, họ đến lễ Phật, ngồi sang một bên và bạch Phật rằng: “Người chăn trâu bò phải thành tựu bao nhiêu pháp làm cho trâu bò được sống an ổn?”
Phật dạy: “Có 11 bí pháp khiến đàn trâu bò được an ổn. Đó là:
- Biết sắc của trâu
- Biết tướng của trâu
- Biết rửa vết thương cho trâu
- Biết băng bó vết thương cho trâu
- Biết xông khói cho trâu
- Biết đường dẫn trâu đi,
- Biết chọn chỗ cho trâu nghỉ ngơi,
- Biết dùng trâu chừng đỗi,
- Biết chọn chỗ an ổn cho trâu,
- Biết lưu giữ sữa trâu,
- Biết dưỡng trâu đầu đàn
*Sao gọi là biết sắc của trâu?
– Đó là biết rõ trâu sắc đen, sắc trắng hay tạp sắc.
Tỳ kheo cũng vậy, phải biết rõ hết thảy sắc đều do 4 đại và 4 đại tạo sắc duyên hợp tạo thành.
*Sao gọi là biết tướng của trâu?
– Đó là biết xem tướng trâu tốt hay xấu, biết trâu nầy có thể hợp với bầy trâu khác hay không.
Tỳ kheo cũng vậy. Khi thấy người có thiện nghiệp, thì rõ biết người đó là người trí. Khi thấy người có ác nghiệp, thì rõ biết người đó là người ngu.
*Sao gọi là biết rửa vết thương cho trâu?
– Đó là lau rửa các vết thương cho trâu để trừ nhiễm độc, vì nếu các vết thương không được lau rửa sạch sẽ, thì các độc trùng sẽ làm cho các vết thương lở loét thêm.
Tỳ kheo cũng vậy. Nếu có ác tà kiến, ác giác quán, thì các độc trùng này sẽ phá hết thiện căn, làm tăng trưởng thêm vết thương nơi tâm. Phải trừ hết các độc mới được tâm an ổn.
*Sao gọi là biết băng bó các vết thương cho trâu?
– Đó là biết các cây lá thuốc để rịt các vết thương cho trâu, đừng để các độc trùng xâm nhập, làm lở loét thêm.
Tỳ kheo cũng vậy. Phải biết 6 tình là đầu mối của phiền não, phải biết dùng chánh pháp để ngăn che các vết thương 6 tình, khiến các độc trùng phiền não không xâm nhập vào được.
*Sao gọi là xông khói cho trâu?
– Đó là khi canh chừng trâu, phải biết hun khói để muỗi mòng tản đi xa, không cắn đốt đàn trâu. Lại nữa, trâu ở xa, nếu trông thấy khói, liền tìm được đường về chuồng.
Tỳ kheo cũng vậy. Phải dùng pháp thanh tịnh để đẩy lui các kiết sử, và dẫn đường cho chúng sanh vào tòa nhà Thật Tướng Vô Ngã.
*Sao gọi là đường dẫn trâu đi?
– Đó là biết đường nào tốt, đường nào xấu, và từ đó biết chọn đường tốt dẫn trâu đi.
Tỳ kheo cũng vậy. Phải biết rõ 8 Chánh Đạo dẫn chúng sanh đến Niết Bàn, xa lìa các ác hạnh trừ các chấp thường và chấp đoạn.
Sao gọi là biết chọn chỗ cho trâu nghỉ ngơi?
– Đó là biết trâu nên đến chỗ nào nghỉ ngơi cho được yên tĩnh, và tránh được các bệnh hoạn.
Tỳ kheo cũng vậy. Phải biết tìm pháp chân thật nhằm thanh tịnh thiện căn.
*Sao gọi là dùng trâu có chừng đỗi?
– Đó là biết tùy sức trâu mà dùng vào các công việc, giúp trâu bảo vệ được sức khỏe, tránh ốm đau, bệnh tật, hoặc kiệt sức.
Tỳ kheo cũng vậy. Phải biết căn cơ của chúng sanh, cũng như căn cơ của mình lợi hay độn, biết phiền não của chúng sanh cũng như phiền não của mình dày hay mỏng, để phương tiện độ người, độ mình, khiến được an ổn.
*Sao gọi là biết chọn chỗ an ổn cho trâu?
– Đó là biết tìm những chỗ an toàn, không có cọp beo hoặc ác thú khác, không có ác trùng để dẫn trâu đến đó ăn cỏ.
Tỳ kheo cũng vậy. Phải biết 4 Niệm Xứ là chỗ an ổn, chẳng có các ác ma phiền não, khiến an trú nơi đây chẳng còn lo sợ ác nạn.
*Sao gọi là lưu giữ sữa trâu?
– Đó là biết rõ trâu mẹ thường nhớ nghĩ đến con. Bởi vậy khi vắt sữa trâu, phải biết lưu giữ phần sữa dành cho trâu nghé bú. Có như vậy thì người nuôi trâu càng lâu càng được thêm lợi lộc.
Tỳ kheo cũng vậy. Được sự cúng dường, phải nên biết tùy sức mà thọ dụng. Có như vậy thì tín tâm của tín đồ mới được nuôi dưỡng, và tăng trưởng thêm lên mãi mãi.
*Sao gọi là biết dưỡng trâu đầu đàn?
– Đó là biết chăm sóc, bồi dưỡng trâu đầu đàn, như cho ăn cỏ tốt, cho uống dầu mè, tường xuyên tắm rửa, lau chùi cặp sừng, cho đeo chuỗi anh lạc.v.v. Vì sao? Vì trâu đầu đàn cai quản và bảo vệ cả đàn trâu; tất cả những con trâu trong đàn đều theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của trâu đầu đàn. Trâu đầu đàn phải được chăm nom, bồi dưỡng như vậy thì mới mong có đầy đủ sức khỏe và uy lực hướng dẫn cả đàn trâu.
Tỳ kheo cũng vậy. Vị thượng thủ là người có đủ oai đức lãnh đạo chúng tăng trong việc hoằng pháp, hộ pháp, và phá trừ các tà kiến chấp của Ngoại Đạo, khiến các Tỳ kheo trong Chúng càng lâu càng tăng trưởng thêm thiện căn. Vị ấy thật xứng đáng nhận được sự cúng dường và tôn kính của Tăng Chúng và Tín Đồ.
Những người nuôi trâu nghe xong lời Phật dạy, nói với nhau rằng: “Về bí pháp nuôi trâu, chúng ta bất quá chỉ rõ được có 3 đến 4 điều; các thầy của chúng ta bất quá cũng chỉ rõ được 5 đến 6 điều mà thôi. Nay chúng ta được nghe Phật chỉ dạy thật rõ ràng, chưa từng bao giờ được nghe như vậy. Suy việc này thì tất cả các việc khác Phật cũng đều thông suốt cả. Phật quả là bậc “Nhất Thiết Trí”, chẳng còn nghi ngờ gì nữa cả.
Hỏi: Phật là bậc Nhất Thiết Trí. Vì sao những người khác chẳng thấy được?
Đáp: Do phàm phu không biết, nên không thấy vậy. Chẳng phải là Phật không phải là bậc “Nhất Thiết Trí”.
Nên phân biệt 2 trường hợp.:
– Thật đúng như vậy, nhưng người ngoài bị các ngoại duyên ngăn che tâm trí, khiến chẳng có thể thấy được
– Chẳng phải thật như vậy, nên không thấy.
Phàm phu không có tín tâm thanh tịnh, lại bị tà chấp, tà kiến làm mê mờ tâm trí, nên chẳng có thể thấy được bậc “Nhất Thiết Trí” vậy thôi.
Hỏi: Các pháp vô lượng, vô biên, làm sao bậc Nhất Thiết Trí có thể biết hết được?
Đáp: Các pháp vô lượng, vô biên, thì trí huệ của Phật cũng vô lượng vô biên. Bởi bậy nên bậc “Nhất Thiết Trí” biết rõ hết thảy các pháp
Hỏi: Vì sao Phật chỉ nói về Phật pháp, mà không nói đến các pháp khác, như y dược, thiên văn…?
Đáp: Tuy Phật thông suốt hết thảy các pháp nhưng pháp nào chưa dùng đến, thì Phật chưa vội nói.
Hỏi: Có 14 nạn mà Phật chẳng giải đáp. Đó là:
- Ngã và thế giới là thường hay vô thường (1-2)
- Ngã và thế giới là vừa thường vừa vô thường; hay là vừa phi thường vừa phi vô thường (3-4)
- Ngã và thế giới là hữu biên hay vô biên? (5-6)
- Ngã và thế giới là vừa hữu biên vừa vô biên, hay là vừa phi hữu biên vừa phi vô biên (7-8)
- Sau khi chết, có thần hay chẳng có thần đi đến đời sau (9-10)
- Sau khi chết, vừa có thần vừa chẳng có thần đi đến đời sau; hay vừa phi thần vừa phi vô thần đi đến đời sau (11-12)
- Thần là hồn hay thần chẳng phải là hồn (13-14).
Nếu Phật là bậc “Nhất Thiết Trí”, thì vì sao chẳng giải đáp các nạn ấy?
Đáp : Vì các sự việc ấy không thật có, cho nên Phật không giải đáp.
Ví như : Không thể nói các pháp là thường, vì các pháp đều theo duyên hòa hợp sanh, nên là vô thường. Lại nếu nói các pháp là “không”, thì rơi về chấp đoạn. Bởi vậy nên Phật không nói đến. Cũng như, có người hỏi: Sừng trâu nặng bao nhiêu? Sữa trâu đong được bao nhiêu đấu? Những sự việc như vậy hoàn toàn tùy thuộc vào từng con trâu, hoặc vào tình trạng dinh dưỡng của trâu, đáng lẽ đừng nên hỏi. Những câu hỏi tương tự như vậy, Phật đều không giải đáp.
Lại nữa, Phật biết rõ 14 điều vấn nạn trên đây ngăn che Bốn Thánh Đế, cho nên Phật không giải đáp. Phật muốn chúng sanh được an ổn, không muốn chỉ cho họ những con đường dẫn đến những nơi đầy dẫy ác thú, ác trùng, sợ họ chuốc lấy khổ nạn vào thân, cho nên dù họ có hỏi thì Phật cũng chẳng giải đáp.
Có người hỏi Phật: “Phật làm ra 12 nhân duyên chăng ?”
Phật dạy: “Chẳng phải TA, cũng chẳng phải người nào khác làm ra 12 nhân duyên. Dù có Phật hay không có Phật, thì 12 nhân duyên vẫn là thường trú ở thế gian. Phật chỉ khai thị cho tất cả chúng sanh biết là do Vô Minh làm nhân mà có ra Hành….. dẫn đến có Lão, Tử”
Bởi nhân duyên vậy nên Phật không giải đáp 14 nạn vấn nêu trên.
Phật thường dùng 4 lối giải đáp sau đây:
- Quyết định đáp
- Giải rõ nghĩa lý
- Hỏi ngược trở lại
- Làm thinh, chẳng nói.
Phật là đấng “ Nhất Thiết Trí”, đầy đủ cả 10 Phật lực, rõ biết các nhân duyên nghiệp báo cùng căn trí của chúng sanh, nên đã tùy duyên mà phương tiện nói pháp, nhằm hóa độ chúng sanh.
Hỏi: Chẳng có danh xưng nào khác ngoài danh xưng “Nhất Thiết Trí” để gọi Phật nữa sao?
Đáp: Như trên đây đã nói, Phật có vô lượng công đức nên cũng có vô lượng danh hiệu. Đức Phật là đấng Vô Thượng Chánh Giác, nên chúng sanh trong ba cõi đều tôn xưng Ngài như vậy. Như bài kệ tán Phật sau đây:
Trong hào quang rực sáng
Thích Ca dòng quý tộc
Thái Tử vua Tịnh Phạn
Tin vui động Ba Ngàn,2
Tu Di cùng biển cả:
Nhằm phá “Sanh, Già, Chết”
Vừa sanh đi bảy bước,
Quang minh chiếu mười phương,
Khắp nơi nghe tiếng vọng:
“Ta đã tận sanh thai”.
Trở lại thân hài nhi,
Trưởng thành theo độ tuổi,
Thần túc lực vô thượng,
Trí huệ lực vô thường.
Thành Phật thuyết Diệu Pháp,
Trống Pháp gióng vang rền,
Giác tỉnh mọi chúng sanh,
Chìm đắm trong đêm dài.
Như vậy các hiện tượng,
Hy hữu diễn bày ra.
Hết thảy hàng Trời Người,
Thấy liền được hoan hỷ.
Tướng hảo trang nghiêm thân,
Chiếu sáng tợ trời trăng.
Hết thảy Nam cùng Nữ,
Thấy Ngài chẳng nhàm chán.
Phật thân đại quang minh,
Đầy hào quang sáng chói.
Phật tại trong quang minh,
Như trăng tròn chiếu sáng.
Bao nhiêu lời hủy báng,
Phật chẳng hề oán giận;
Bao lời lẽ ngợi khen,
Rủ lòng thương chúng sanh,
Xem oán thân bình đẳng.
Hết thảy loài tỉnh thức,
Đều rõ biết như vậy.
Lòng từ bi, nhẫn nhục,
Chế ngự được tất cả.
Vì độ thoát chúng sanh,
Đời đời thọ cần khổ.
Thường nghĩ đến chúng sanh,
Mà vẫn thường trong định.
Trí huệ lực đủ mười,
Vô úy lực có bốn,
Bất cộng pháp mười tám,
Cùng vô số vô lượng,
Huy hữu công đức lực,
Chẳng thể nghĩ bàn được.
Như Sư Tử vô úy,
Phá tan pháp Ngoại Đạo,
Chuyển Pháp Luân vô thượng,
Độ chúng sanh ba cõi.
(Hết quyển 2)