LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP I
QUYỂN 3

Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)

Nói về:

Trụ Vương Xá Thành
(Trú tại Thành Vương Xá)

KINH:

Tại thành Vương Xá.

LUẬN:

Hỏi:  Vì sao chẳng nói thẳng về BÁT NHÃ mà lại nói về việc “ Phật trú thành Vương Xá” ?

Đáp: Vì muốn cho người nghe sanh lòng tin thanh tịnh, nên cần minh định rõ nơi Phật thuyết kinh BÁT NHÃ BA LA MẬT này. Bởi vậy nên nói về việc Phật trú thành Vương Xá.

Trong kinh thường nói đến 3 chỗ trú là: Thiên Trú, Phạm Trú và Thánh Trú.

Trú pháp của Chư Phật cõi Dục gọi là Thiên Trú. Trú pháp của hàng Phạm Thiên gọi là Phạm Trú. Trú pháp của chư Phật, Bồ Tát, Bích Chi Phật, A La Hán, cùng các bậc Thánh gọi là Thánh Trú.

Lại nữa, trú trong bố thí, trì giới, thiện tâm gọi là Thiên Trú.

Trú trong từ bi, hỷ xả, 4 vô lượng tâm gọi là Phạm Trú. Trú trong Không,  Vô Tướng, Vô Tác Tam Muội gọi là Thánh Trú.

Ngoài 3 chỗ trú trên đây, Phật trú trong Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, có đầy đủ 10 Phật Lực, 4 Vô Sở Úy, 18 Bất Cọng Pháp, dùng vô lượng trí huệ thuyết 8 vạn 4 ngàn pháp môn nhằm hóa độ chúng sanh.

Như vậy, ở nơi thành Vương Xá, Phật Trú nơi vô lượng công đức mà thuyết kinh BÁT NHÃ BA LA MẬT này.

Hỏi: Rất nhiều thành lớn trong nước đều có cung điện của nhà vua. Vì sao  chỉ riêng thành này mang tên “Thành Vương Xá”?

Đáp: Có rất nhiều truyền thuyết về thành Vương Xá.

Lược nêu vài truyền thuyết sau đây:

– Có thuyết nói: Ngày xưa cung thành của nước Ma Già Đà bị lửa thiêu rụi đến 7 lần. Sau mỗi lần cháy, nhà vua lại cho xây dựng một thành mới. Nhưng khi vừa hoàn thành, thì thành lại bị thần lửa đến viếng, chẳng sao giữ được. Nhà vua buồn rầu, bèn triệu tập các quan văn võ, và các bậc nhân sĩ trong nước vào cung để tham khảo ý kiến.

Các vị này hiến kế “nên dời cung thành đi nơi khác”

Sau khi tìm được một vùng đất trang nghiêm, núi non hùng vĩ, nhà vua liền cho xây dựng một cung điện nằm giữa 5 hòn núi bao bọc chung quanh, tợ như như một lũy thành thiên nhiên vững chắc. Từ đây dân trong nước đặt tên thành mới xây này là thành Vương Xá.

– Có thuyết nói: Ngày xưa có một ông vua nước Ma Gia Đà, hiệu là Bà Tẩu, vì nhàm chán việc đời, nên đã xuất gia tu theo đạo Tiên.

Một hôm, các vị Tiên nhân cùng các Cư Sĩ Bà La Môn luận nghị về nghi thức lễ tế Trời. Các Cư Sĩ bàn nên giết súc vật để làm lễ tế Trời, còn các Tiên nhân thì khuyên chẳng nên sát sanh, chẳng nên cúng rượu thịt.

Muốn cho các Cư Sĩ Bà La Môn tin theo lời khuyên, các Tiên nhân nói: “ Có Đại Vương Bà Tẩu xuất gia tu ở đây, các ngươi chẳng tin được hay sao?”. Nói xong, bèn mời Tiên nhân Bà Tẩu làm trọng tài cho cuộc thảo luận. Khi được hỏi ý kiến, Tiên nhân Bà Tẩu bèn nói rằng: “Theo pháp Bà La Môn, thì phải giết súc vật để làm lễ trong lúc tế Trời”. Các Tiên nhân hỏi “Ngài hãy nói thật ngữ, chẳng nên vọng ngữ mà đắc tội”. Tiên nhân Bà Tẩu nói “Pháp tế Trời, theo kinh sách Bà La Môn, là phải giết súc vật, giết như vậy mà vẫn chẳng có tội”.

Vừa nói dứt lời, thân của Tiên nhân Bà Tẩu bị lún sâu xuống đất, lún dần đến tận lưng.

Các Tiên nhân lại nói “Ngài hãy nói thật ngữ đi, chúng tôi sẽ đem Ngài ra khỏi địa ngục”. Tiên nhân Bà Tẩu tự nghĩ rằng “Ta là bậc Đại nhân, chẳng nên nói hai lời; hơn nữa, trong 4 bộ kinh Vệ Đà của Bà La Môn có nêu đầy đủ các nhân duyên về việc giết súc vật để tế Trời là vô tội. Ta là Bà La Môn, thà chết, chẳng bao giờ Ta hành sai pháp”.

Nghĩ như vậy rồi, Tiên nhân Bà Tẩu vẫn giữ khư khư nguyên ý của mình. Thế rồi, chỉ trong chốc lát, toàn thân ông lún sâu xuống đất; rồi ông bị chôn vùi hoàn toàn dưới đất, và chết luôn.

Từ đó trở về sau, đa số dân trong nước đều tin “ Việc sát sanh để tế Trời là trọng tội”.

Thái Tử Quảng Xá, lên nối ngôi, cũng nhàm chán việc đời, muốn đi xuất gia. Một hôm nhà vua nghe tiếng vọng giữa hư không khuyến nên tu khổ hạnh, và chọn một nơi ở thanh tịnh trang nghiêm.

Một thời gian sau, nhân cuộc đi săn thú rừng, mải miết đuổi theo một con hươu chạy rất nhanh ở đàng trước, nhà vua bị mất liên lạc với đoàn tùy tùng. Chạy đuổi theo con mồi mãi vẫn chẳng sao bắt kịp, nhà vua lạc vào một thung lũng nhỏ nằm gọn giữa 5 hòn núi bao quanh. Nơi đây, thế đất bằng phẳng, cảnh đẹp tuyệt vời, cây cỏ xanh tươi đua nhau đơm hoa kết lá, ao suối trong vùng đều tinh khiết trong xanh. Lại nữa, đâu đâu cũng có hoa trời, hương trời, nhạc trời làm tăng thêm vẻ trang nghiêm hùng vĩ của vùng đất hứa này.

Các quan chờ mãi chẳng thấy vua về, bèn đổ xô đi tìm.

Vừa gặp lại các quan, nhà vua mừng nói rằng: “Vùng đất này quả thật là vùng đất hứa, thật là hy hữu chưa từng thấy. Trước đây, Ta nghe tiếng vọng trong hư không khuyên Ta nên tìm một nơi thanh tịnh trang nghiêm để ở. Vùng đất này đã hội đủ tất cả các điều kiện mong muốn. Ta quyết định xây dựng kinh thành nơi đây”.

Ngay sau đó, nhà vua truyền dạy các quan tiến hành công việc xây cất cung thành.

Thế rồi, thành được dựng lên, và được đặt tên là thành Vương Xá.

KINH:

Ở vùng núi Kỳ Xà Quật.

LUẬN:

Kỳ Xà Quật còn có tên là Thứu Cốc hay Thứu Đầu.

Có thuyết nói rằng “Ở phía Nam thành Vương Xá có rừng Thi Đà chứa nhiều xác chết. Các chim Thứu ở núi Kỳ Xà Quật này thường bay đến khu rừng Thi Đà, tìm ăn các xác chết”.

Có thuyết nói rằng: “ Đứng ở thành Vương Xá, nhìn lên núi Kỳ Xà Quật, thấy đỉnh núi có hình dáng đầu một con chim Thứu”.

Trong 5 ngọn núi, bao quanh thành Vương Xá, thì núi Kỳ Xà Quật là cao hơn hết. Tại sao nơi đây có rất nhiều cây cao, rừng rậm. Các vị Thánh thường đến an trú ở khu rừng này, nhằm xa lánh nơi ồn ào đông đúc ở các thị trấn đông dân cư.

Phật cũng thường ở thành Vương Xá và núi Kỳ Xà Quật, sau những thời gian đi du thuyết. Ở trong thành Vương Xá có rất nhiều người lợi căn, lợi trí, thuần thục thiện căn, mỏng kiết sử và phiền não, nghe được pháp mầu liền sanh tín tâm thanh tịnh, nên Phật thường lưu lại thuyết pháp. Như bài kệ thuyết:

Mặt Trời đem ánh sáng,
Nắng ấm làm hoa nở.
Nhưng hoa chưa đúng thời,
Vẫn chẳng sao khai mở.
Phật cũng lại như vậy,
Thuyết với tâm bình đẳng:
Người tin, tâm liền mở;
Kẻ chưa tin, chưa khai.
Nên pháp của Thế Tôn
Trú trong ba hạng người;
Lợi trí, thuần thiện căn,
Mỏng kiết sử phiền não.

Lại nữa, lúc chưa thành đạo, Phật có đến thành Vương Xá, được vua Tần Bà Sa La tiếp rước rất trọng hậu, và thỉnh Phật, khi đã chứng đạo quả, thì trở lại nơi đây để hóa độ ngài. Sau khi thành đạo, Phật trở lại thành Vương Xá thuyết pháp, và thu nhận đệ tử. Vua Tần Bà Sa La là vị vua đầu tiên quy y theo Phật.

Vua đem cảnh vườn Trúc Lâm và xây dựng nhiều tịnh xá cúng dường Phật và Tăng Đoàn.

Hỏi: Ngoài thành Vương Xá, Phật còn trú ở những thành nào khác nữa?

Đáp: Phật còn trú ở thành Xá Bà Đề (còn gọi là thành Xá Vệ).

Xá Bà Đề là kinh đô nước Kiều Tát La, gần Ca Tỳ La Vệ. Vua nước Kiều Tát La, lúc bây giờ, là Ba Tư Nặc, từng giao hảo thân thiện với vua Tịnh Phạn, từ khi Phật chưa thành đạo. Sau khi Phật thành đạo, vua Ba Tư Nặc quy y với Phật, và trở thành một trong những vị vua hộ pháp thuần thành nhất đương thời.

Lại nữa, ở thành Xá Bà Đề có vườn Cấp Cô Độc gồm nhiều ngôi tịnh xá, rất thuận tiện cho việc tu học của Tăng Chúng.

Trong một cuộc nói chuyện với vua Tần Bà Sa La, Phật có dùng kệ trả lời nhà vua rằng:

Có quốc độ tuyệt đẹp,
Ở cạnh núi Tuyết Sơn,
Phong phú, nhiều bảo vật,
Tên gọi là Kiều Tát La.
Là dòng dõi họ Thích,
Ta sinh gần nước đó;
Nhàm chán “Sanh, Già, Chết”
Ta xuất gia tìm Đạo.

Vua Tần Bà Sa La, vị Quốc Chủ nước Ma Già Đà, thường trú tại thành Vương Xá. Vua Ba Tư Nặc, vị Quốc Chủ nước Kiều Tát La, thường trú tại thành Xá Bà Đề. Phật là vị pháp Chủ, nên thường hay trú ở cả hai thành Vương Xá và Xá Bà Đề.

Hỏi: Thành Ca Tỳ La Vệ là nơi Phật đản sanh. Vì sao Phật không thường trú tại nơi đây?

Đáp: Phật đã sạch kiết sử, chẳng còn ái nhiễm. Đối với Phật, thì oán thân đều bình đẳng. Tuy nhiên, ở thành Ca Tỳ La Vệ còn rất nhiều thân thuộc và đệ tử trong dòng họ Thích chưa ly dục. Do vậy, nên Phật chẳng muốn lui tới gần gũi họ, sợ họ sanh tâm nhiễm trước.

Khi trở về nước, Phật đã nhận ngay anh em Ngài Ca Diếp và hơn cả ngàn Bà La Môn làm đệ tử. Vua Tịnh Phạn thấy các Tỷ Kheo xuất gia theo Phật, phần lớn gốc Bà La Môn, trước tu theo pháp khổ hạnh, thân hình tiều tụy, không thể làm rạng danh đức Thế Tôn, nên đã truyền tuyển chọn những người trẻ dòng họ Thích xuất gia theo Phật.

Đa số các Tỳ Kheo này chưa được tín tâm thanh tịnh, chưa ly dục, nên Phật không muốn để họ gần gia đình, sợ họ sanh tâm nhiễm trước như đã nói trên đây.

Lại nữa, thành Ca Tỳ La Vệ là nơi Phật đản sanh. Ở đây có rất nhiều người đã trồng thiện căn lâu đời, trí huệ đã thuần thục, nên Phật chỉ cần ở lại thuyết pháp trong thời gian ngắn. Trái lại, thành Xá Bà Đề rộng lớn, có đến 9 ức nhà. Dân cư ở đây quá đông đúc; có người thiện căn đã thuần thục, có người thiện căn chưa thuần thục, nhưng vì họ đã học nhiều kinh thơ của Ngoại Đạo, nên dù có lợi căn lợi trí, mà phần đông đều rơi vào lưới tà kiến, theo đủ hạng thầy, thờ đủ hạng Trời, hạng Thần… Bởi nhân duyên vậy, nên Phật phải ở lại thành Xá Bà Đề lâu hơn để giáo hóa họ.

Hỏi: Vì sao giữa 2 thành Vương Xá và Xá Bà Đề, Phật lại ở thành Vương Xá nhiều hơn?

Đáp: Như trên đã nói “Do muốn báo ơn chỗ sanh thân, mà đức Phật trú ở thành Xá Bà Đề, gần thành Ca Tỳ La Vệ, là nơi Phật đản sanh”. Như bài kệ thuyết:

Hết thảy luận nghị sư,
Kể cả hàng xuất gia,
Ôm chặt điều mình biết,
Như người nhớ nơi sanh.

Mặc khác, Phật đã chứng thành Đạo quả, trở thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ở dưới cội Bồ Đề, bên sông Ni Liên Thuyền, xóm Âu Lâu Tần La, gần thành Vương Xá. Do muốn báo ơn nơi thành tựu Pháp Thân, nên phần nhiều Phật trú tại thành Vương Xá. Như bài kệ thuyết:

Chư Phật quá khứ,
Hiện tại, vị lai,
Đều cúng dường Pháp,
Đều tôn kính Sư.

Vì Pháp Thân thù thắng hơn Sanh Thân, nên trong 2 thành thì Phật thường hay trú ở thành Vương Xá nhiều hơn.

Lại nữa, ở thành Vương Xá có rất nhiều chỗ tọa thiền, mà những nơi khác không có được. Ở cả 5 hòn núi bao quanh thành Vương Xá đều có tịnh xá (như tịnh xá Trúc Viên, tịnh xá Đề Bà La Bạt Thứ v.v…). Trong thời gian đi du thuyết, Phật đã dừng bước ở nhiều thành, nhưng ở các thành ấy ít tịnh xá (như Ba La Nại chỉ có 1, Xá Bà Đề chỉ có 2, Tỳ Xá Ly chỉ có 2, Cưu Diệm Di chỉ có 1 v.v…).

Chung quanh các thành ấy chỉ toàn là rừng thưa, trống trải, ít thích hợp cho việc tọa thiền, kém xa thành Vương Xá.

Lại nữa, ở thành Vương Xá có rất nhiều vị luận sư Ngoại Đạo thường đến đấu lý với Phật, như Phạm Chí Trường Trảo, Phạm Chí Câu Na Đại v.v… đều là những vị đại luận sư, quy tụ nhiều đệ tử. Ở thành Vương Xá cũng có rất nhiều người không tin Phật pháp, ganh ghét Phật,thậm chí có những người muốn hại Phật như Trưởng giả Thi Lợi Khất Đà, Đề Bà, Đạt Đa, vua A Xà Thế v.v… Bối cảnh của thành Vương Xá quá đặc biệt như vậy, nên Phật phải lưu trú nơi đây lâu hơn, để đủ thời gian cảm hóa các hạng người nói trên. Cũng ví như danh y dùng các loại cây cỏ độc để trị bệnh, Phật dùng ngay các tà kiến giải của các luận sư để dẫn họ vào Chánh đạo. Như bài kệ thuyết:

Đã mang danh Sư Tử,
Chúa tể chốn rừng xanh,
Rên la vì trùng chích,
Sao khỏi người cười chê!
Người Trí phải dõng mãnh,
Như Sư Tử gầm oai,
Ngay nơi chốn hổ lang,
Cùng muôn loài dã thú.
Luận sư như cọp dữ,
Phật chẳng chút sợ hãi;
Tuy biết rộng hiểu nhiều,
Chẳng sao sánh được Phật.

Lại nữa, ở thành Vương Xá có rất nhiều bậc trí thức, biết rộng, hiểu sâu, nên Phật đã vì họ trú nơi đây nhiều hơn nơi khác.

Lại nữa, ở thành Vương Xá khi vua Tần Bà Sa La thỉnh Phật và 1000 vị lậu tận A La Hán vào cung, Phật đã thuyết pháp cho vua nghe. Sau thời pháp, vua liền đắc quả Tu Đà Hoàn, nên đã pháp nguyện thỉnh Phật cùng chúng Tăng về trú tại thành Vương Xá, để vua được gần gũi cúng dường tứ sự. Phật nhận lời thỉnh nguyện của vua Tần Bà Sa La, nên đã cùng Chúng Tăng lưu trú ở thành Vương Xá nhiều hơn các nơi khác.

Lại nữa, ở trong nước Ma Già Đà thì thành Vương Xá là thị trấn lớn nhất và quan trọng vào bậc nhất. Thành này có 12 ức nhà, có nhiều người thông minh, học rộng, mà Phật dự biết trong số những người này sẽ có rất nhiều người được Đạo, nên Phật lưu lại nơi đây nhiều hơn để độ họ.

Lại nữa, ở thành Vương Xá, sự khuất thực dễ dàng vì dân chúng khá giả, sung túc hơn dân chúng các nơi khác. Do 3 nguyên nhân sau đây:

– Vua Tần Bà Sa La phát nguyện cúng dường thức ăn uống cho 1000 vị Tỳ Kheo.

– Có rất nhiều vị Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di thường xuyên phát nguyện cúng dường Chư Tăng.

– Có vị Long Vương A Ba La hộ pháp, thường xuyên làm cho mưa hòa, gió thuận, nên ở các nước Ma Già Đà dân chúng chẳng bao giờ lâm vào cảnh đói kém, vì luôn luôn được mùa gặt hái.

Sau khi Phật nhập Niết Bàn, Ngài Ma Ha Ca Diếp cũng chọn núi này làm nơi kiết tập Pháp Tạng, vì vua A Xà Thế nối chí vua cha, cũng phát nguyện cúng dường 1000 Tỷ Kheo.

Lại nữa, thành Vương Xá có núi bao quanh, có nhiều tịnh xá, rất thuận tiện cho việc tọa thiền; ở giữa vùng đồng bằng sầm uất rất thuận tiện cho việc khất thực; nên các bậc thánh, ưu chỗ nhàn tịnh, thường hay trú ở các tịnh xá các khu rừng quanh thành này.

Hỏi: Vì sao Phật thường hay trú ở núi Kỳ Xà Quật?

Đáp: Trong 5 hòn núi bao quanh thành Vương Xá, thì hòn núi Kỳ Xà Quật có địa thế thuận lợi hơn hết. Vì sao? Vì núi này ở gần thành nhất, dễ dàng cho việc đi khất thực; lại vì dốc khó lên, nên ít người lui tới, dễ dàng cho việc tọa thiền.

Do những lợi thế của núi Kỳ Xà Quật như vậy, mà Ngài Ma Ha Ca Diếp sau khi Phật nhập Niết Bàn, cũng đã chọn núi này:

  • Làm nơi kiết tập Pháp tạng.
  • Làm nơi nhập diệt của chính Ngài.

Trong kinh có chép: Vào một buổi sáng tinh sương, Ngài Ca Diếp đắp y, mang bình bát vào thành khất thực. Sau khi Ngài trở về đến núi Kỳ Xà Quật, Ngài nói với các đệ tử rằng “Ngày hôm nay Ta nhập Vô Dư Niết Bàn, rồi vào Vô Lậu Thiền Định”.

Hàng đệ tử của Ngài vào thành loan tin. Các Tỳ Kheo cùng các bậc trí thức trong thành đều tụ tập dưới núi Kỳ Xà Quật.

Lúc bấy giờ, Ngài Ma Ha Ca Diếp, từ trong thiền định, bước vào giữa Chúng thuyết về pháp Vô Thường.

Ngài nói: “ Hết thẩy pháp hữu vi đều do duyên hòa hợp sanh, nên đều là vô thường; vốn là không, nay trở thành có, có rồi sẽ trở thành không. Thân này cũng do duyên hòa hợp sanh, nên cũng là vô thường. Vì vô thường nên là khổ. Vì khổ nên là vô ngã. Vì vô ngã nên người trí chẳng hề chấp đắm ngã và ngã sở. Vì sao? Vì nếu chấp đắm ngã và ngã sở, thì sẽ phải chuốc lấy vô lượng ưu bi, khổ não. Phải nhàm chán thế gian, phải ly các dục, mới có thể vào được Niết Bàn an lạc”.

Nói xong, Ngài đắp y Tăng Già Lê của Phật, cầm bình bát và tích trượng. Rồi như chim Kim Xí Điểu, Ngài bay lượn giữa hư không, hiện vô lượng thần thông, đi đứng nằm ngồi ở khắp bốn phương, trên hiện ra lửa, dưới hiện ra nước.v.v…

Khi biết tất cả trong chúng đã sanh tâm hoan hỷ rồi, Ngài đứng trên núi Kỳ Xà Quật và nói rằng: “Ta đem y bát của Phật vào núi nhập định. Ta nguyện sắc thân của ta đều không tan rã. Đến khi Đức Di Lặc thành Phật, ta sẽ trở lại hóa độ chúng sanh”.

Nói xong, Ngài đi thẳng vào trong đỉnh núi, tợ như đi vào chỗ trống không. Ngài vừa vào xong thì núi liền khép lại như cũ.

Trong vị lai, vào thời Đức Di Lặc, người sẽ thọ 8 vạn 4 ngàn tuổi, thân cao 8 thước.  Ngài Di Lặc cao 160 thước, tỏa hào quang rộng khắp 10 dặm. Lúc bấy giờ, chúng sanh thuyết pháp sẽ phát tín tâm thanh tịnh; có vô lượng chúng sanh xuất gia tu học:

  • Hội thứ nhất, có 99 ức người được A La Hán.
    Hội thứ hai, có 96 ức người được A La Hán.
    Hội thứ ba, có 93 ức người được A La Hán.

Từ đó về sau có vô số người được độ thoát. Thế nhưng, vì quá sung sướng nên nhân dân càng ngày càng giải đãi, lười biếng, bỏ bê việc tu hành.

Phật Di Lặc thấy chúng sanh như vây, bèn cầm tích trượng đi đến nũi Kỳ Xà Quật, gõ vào thành núi. Tức thì ngọn núi tách làm hai. Ngài Ma Ha Ca Diếp đắp y Tăng Già Lê, từ trong núi bước ra, đảnh lễ Đức Di Lặc rồi bay lượn trên hư không, và từ giữa không trung tự diệt thân mà nhập vào Niết Bàn.

Các đệ tử Đức Di Lặc rất đỗi ngạc nhiên, hỏi Phật rằng: “ Bạch Thế Tôn! Người ấy là ai, thuộc giống người gì mà quá nhỏ như vậy? Vì sao người ấy lại đắp y, mang bình bát và có nhiều thần lực như vậy?”

Phật Di Lặc đáp: “ Người ấy là một đệ tử lớn của Đức Phật Thích Ca trong thời quá khứ. Người ấy tên là Ma Ha Ca Diếp, tu hạnh đầu đà, thiểu dục, tri túc, và cũng là một vị Đại A La Hán. Thời bấy giờ, người chỉ sống 100 tuổi, thân hình nhỏ bé mà làm được việc lớn. Còn các ngươi có thân hình to lớn, lại lợi căn hơn họ, sao chẳng làm được những công đức như vậy?”

Các đệ tử của Di Lặc hổ thẹn, khởi tâm nhàm chán thế gian. Phật Di Lặc bèn vì họ thuyết pháp, khiến có rất nhiều người đắc quả Thanh Văn, có người được Vô Sanh Pháp Nhẫn.

Lại nữa, núi Kỳ Xà Quật là nơi mà các Đức Phật quá khứ, hiện tại và vị lai đều trú ở đó.

Như trong kinh Pháp Lâu Na có chép:

Dù 3.000 Đại Thiên Thế Giới có tiêu hủy đi rồi lại thành trở lại, thì Phật vẫn thường ở núi Kỳ Xà Quật. Nếu người nào có phước đức, có tín tâm thanh tịnh, thì sẽ được thấy chư Phật ba đời vẫn trú tại núi Kỳ Xà Quật. Núi này duyên sanh vô lượng công đức, chư Phật và chư Bồ Tát trong ba đời, thường hay trú nơi đây, chư vị Thiên Long Bát Bộ hằng cung kính, chiêm bái và cúng dường. Như bài kệ thuyết:

Núi Kỳ Xà Quật ấy,
Nơi trú của chư Phật,
Nơi nghỉ của Thánh Nhân,
Nơi bảo tồn Chân Pháp,
Để giáo hóa chúng sanh,
Trừ khổ được giải thoát.

Lại nữa, chính tại núi Kỳ Xà Quật này, các Bồ Tát khắp mười phương đã đến chiêm ngưỡng, cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nghe Phật thuyết pháp. Phật Thích Ca Mâu Ni thường thuyết giảng các kinh Đại Thừa tại núi Kỳ Xà Quật này.

Bởi nhân duyên vậy, nên Đức Thế Tôn chọn núi Kỳ Xà Quật làm nơi thuyết giảng kinh Ma Ha Bát Nhã Tâm Ba La Mật này.

**

Nói về:

Ma Ha Tỷ Kheo Tăng
(Các Đại Tỳ Kheo Tăng)

KINH:

Cùng với chúng Đại Tỳ Kheo Tăng

LUẬN:

Cùng: Ở đây có nghĩa là cùng một thời, cùng một chỗ, cùng một giới, cùng một Đạo.

Đại: (Maha) có nghĩa là lớn, là hơn hết thảy.

Các Tỳ Kheo : nơi đây là những bậc A La Hán lậu tận, có huệ đức lớn, được hết thảy các hàng Trời, Người, A Tu La… đều tôn kính, cúng dường.

Tỷ Kheo : (Bhiksu) là Khất Sĩ. Các vị xuất gia theo Phật đều giữ hạnh thanh tịnh, nuôi sống tự thân bằng cách đi khất thực (xin ăn), để tùy duyên hóa độ chúng sanh.

Trong kinh có chép mẩu chuyện về Ngài Xá Lợi Phất đi khất thực như sau:

Một buổi nọ, Ngài Xá Lợi Phất đi khất thực về, ngồi quay mặt vào vách mà ăn. Lúc Ngài đang ăn, có vị Phạm Chí Tịnh Mục đến chất vấn Ngài. Cuộc đối thoại diễn ra ngay sau đó:

-Ông đang ăn?

-Đúng vậy, tôi đang ăn.

-Ông cúi miệng xuống mà ăn chăng?

-Chẳng phải vậy.

-Ông ngửa miệng lên mà ăn chăng?

-Chẳng phải vậy.

-Ông vuông miệng lại mà ăn chăng?

-Chẳng phải vậy.

-Thế thì ông quay miệng khắp cả bốn phương mà ăn chăng?

-Cũng chẳng phải vậy.

-Ông bác bỏ tất cả bốn lối ăn nói trên đây, như vậy xin ông hãy cho tôi biết pháp ăn của ông như thế nào?

-Người xuất gia mà đem các cây cỏ thuốc để đổi lấy miếng ăn thì gọi là “cúi miệng mà ăn”. Dùng pháp xem sao hạn để đổi lấy miếng ăn thì gọi là “ngửa miệng lên mà ăn”. Đi theo nịnh bợ các nhà giàu có để cầu được miếng ăn thì gọi là “vuông miệng mà ăn”. Dùng các khoa bói toán, bùa chú v.v. để đổi lấy miếng ăn thì gọi là “quay miệng khắp bốn phương mà ăn”.

Tôi chẳng rơi vào bốn pháp ăn bất tịnh đó. Tôi theo pháp ăn khất thực, thanh tịnh để nuôi sống tự thân tôi.

Phạm Chí Tịnh Mục vừa nghe nói đến pháp ăn thanh tịnh như vậy liền sanh tâm hoan hỷ.

Ngài Xá Lợi Phất nhân đó đã thuyết pháp cho Phạm Chí Tịnh Mục nghe. Nghe xong thời pháp, Phạm Chí Tịnh Mục liền chứng đắc quả Tu Đà Hoàn.

Bởi vậy nên các Tỳ Kheo dùng pháp khất thực để nuôi sống tự thân được gọi là Khất Sĩ.

Lại nữa, Tỳ Kheo còn gọi là Bố Ma, làm cho ma phải khiếp sợ. Khi có một người cạo đầu, đắp nháp y, thọ các giới luật thì các loại ma đều khiếp sợ. Vì sao? Vì ma nghĩ rằng “rồi đây các vị ấy sẽ vào Niết Bàn, chẳng còn bị ma sai sử nữa”.

Tăng: Viết trọn là Tăng Già (Sanga), dịch là Chúng. Một Tỳ Kheo đơn độc không thể được gọi là Tăng được. Phải có nhiều Tỳ Kheo hòa hợp mới được gọi là Tăng. Cũng ví như một cây không thể được gọi là rừng; phải có nhiều cây tụ tập ở một vùng mới được gọi là rừng. Tuy nhiên, không có một vị Tăng thì cũng không hình thành được tập thể Tăng Già; cũng như không có một cây thì cũng chẳng sao có thể tạo lập được một khu rừng.

Theo nghĩa rộng, thì Tăng Già gồm 4 chúng hòa hợp.

Tăng được tôn xưng là Tăng Bảo, một trong ba ngôi Tam Bảo, nếu các Tỳ Kheo giữ đúng các giới luật, diệt trừ hết các lậu hoặc, giữ thân khẩu ý luôn luôn thanh tịnh. Nếu chẳng được như vậy thì chỉ là Danh tự Tăng mà thôi.

KINH:

Trên 5000 vị, đều là những bậc Đại A La Hán

LUẬN:

A La Hán (Arhat)1 có nhiều nghĩa:

-Có nghĩa là sát tặc, tức là giết giặc.

-Có nghĩa là ứng cúng, tức là xứng đáng được sự cúng dường.

-Có nghĩa là vô sanh, tức là chẳng còn sanh gì nữa.

Chư vị A La Hán đã tận đoạn các giặc phiền não, tận đoạn hết các kiết sử hữu lậu, nên xứng đáng được sự cúng dường của hàng Trời Người. Lại nữa, vì đã Lậu Tận, nên chẳng còn chìm đắm trong bể sanh tử luân hồi, chư vị A La Hán đã đoạn dứt “Phân Đoạn Sanh Tử”, chẳng còn bị nghiệp dẫn sanh nữa.

KINH:

Đã tận các lậu, đã dứt các phiền não, đã được tâm giải thoát, đã được huệ giải thoát.

LUẬN:

A La Hán đã thành tựu đầy đủ Kiến Đế Đạo và Tư Duy Đạo nên đã được tâm giải thoát và huệ giải thoát.

Các hàng hữu học, tuy tâm đã được giải thoát nhưng huệ vẫn chưa được giải thoát, vì còn các kiết sử vụn vặt. Còn các hàng Ngoại Đạo, vì chẳng có đầy đủ các pháp trợ đạo, nên dù muốn cầu Đạo thì cũng không thể thành tựu được. Ví như người hành bố thí để mong cầu được thanh tịnh, hoặc người tế trời để mong cầu được an lạc v.v. là không có đủ các pháp trợ đạo vậy.

Phải có đầy đủ 8 pháp thanh tịnh đạo sau đây:

  1. Tự giác
  2. Nghe pháp
  3. Đọc kinh
  4. Nhàm chán thế gian
  5. Sợ chúng sanh khổ
  6. Sợ khổ sanh làm Trời, làm Người
  7. Theo thầy hay, bạn tốt học hỏi
  8. Hành Đại Bố Thí

Hành Ngoại Đạo không có đầy đủ 8 pháp thanh tịnh này nên không rốt ráo được Đạo Giải Thoát. Như bài kệ thuyết:

Biển “Sanh, Già, Chết” rộng mênh mông,
Không công đức, hoặc công đức mỏng,
Chẳng mong gì có thể vượt qua.
Phải hành đạo như lời Phật thuyết.

Trong kinh có chép câu chuyện về ông Phạm Chí Tu Bạt Đà, người đệ tử đắc đạo cuối cùng của Đức Thế Tôn như sau:

Ông Phạm Chí Tu Bạt Đà, 120 tuổi, có đầy đủ 5 thần thông. Vào một đêm, ông nằm thấy một cơn ác mộng (tất cả mọi người đều đui mắt, trần truồng, đứng trong bóng tối; lại nữa, mặt trời rớt xuống, quả đất vỡ tung, biển lớn khô cạn, giông tố làm sụp đổ cả núi đồi…). Ông suy nghĩ về cảnh mộng, rồi đoán chừng như mạng của ông sắp mất. Lúc bấy giờ, có một vị thiện tri thức khuyên ông nên bình tĩnh, chớ nên sợ hãi và nói rằng “cảnh mộng báo điềm rằng Đức Phật sẽ nhập Vô Dư Niết Bàn sau đêm nay”.

Ngay sáng hôm sau, ông Tu Bạt Đà đến xin Ngài A Nan cho ông được vào gặp Phật. Đã ba phen khẩn cầu mà Ngài A Nan vẫn từ chối, đáp rằng “ông chẳng nên vào vì Đức Thế Tôn đã quá suy yếu”.

Phật ở đàng xa nghe như vậy, liền bảo Ngài A Nan rằng “hãy để cho Phạm Chí Tu Bạt Đà đến với ta. Người ấy sẽ là đệ tử đắc đạo cuối cùng của ta đó”.

Lúc bấy giờ ông Tu Bạt Đà được vào hầu Phật, ông thăm hỏi Thế Tôn rồi ngồi sang một bên. Ông suy nghĩ “Ngoại Đạo đã từ bỏ cả ái ân, tài sản, xuất gia cầu đạo mà vẫn không được đắc đạo, duy chỉ có Sa Môn Cù Đàm là đắc đạo thôi”.

Suy nghĩ như vậy rồi ông bèn bạch Phật rằng “Những Lục Sư thường tự xưng là bậc Nhất Thiết Trí, lời ấy có thật chăng ?”

Phật biết ý của Tu Bạt Đà liền thuyết kệ đáp:

Năm ta mười chín tuổi,
Xuất gia tìm học Đạo.
Từ xuất gia đến nay,
Đã trên năm mươi năm,
Tịnh giới, thiền và huệ,
Ngoại Đạo chẳng thể bì,
Phần ít còn chẳng được,
Huống nữa Nhất Thiết Trí.

Này Tu Bạt Đà ! Ở đâu có Chánh Đạo thì ở đó có 4 quả Sa Môn, trong giáo pháp của ta có 8 Thánh Đạo, mà các hàng Ngoại Đạo đều chẳng có”.

Phạm Chí Tu Bạt Đà vừa nghe xong thời pháp liền chứng quả A La Hán. Ông tự nghĩ “Chẳng nên vào Niết Bàn sau Đức Phật”. Rồi ông ngồi kiết già, dùng thần lực tự thiêu và nhập diệt.

Bởi nhân duyên vậy, nên Phật nói “Người không có công đức, hoặc chưa đầy đủ công đức, thì chẳng có thể được độ thoát. Người có nhiều công đức ví như ông thầy thuốc hay, có đầy đủ các loại thuốc, trị được mọi thứ bệnh. Có như vậy mới có thể tự độ và độ tha được.

Hỏi: Kinh nói “phải dứt dứt sạch phiền não ba cõi thì mới được giải thoát”. Sao cũng nói “chỉ đoạn dứt ái nhiễm, là tâm liền được giải thoát”?

Đáp: Ái có sức mạnh to lớn, trói buộc chúng sanh trong ba cõi. Ái ngăn che tâm trí, dẫn sanh các ái phiền não khác. Bởi vậy nên nói “đoạn được Ái là đoạn được hết thảy các Ái phiền não khác”. Lại nói “dứt được Ái là được Tâm Giải Thoát, cũng như dứt được Vô Minh là được Huệ Giải Thoát”.

KINH:

Đã điều phục được tâm ý nhu nhuyến

LUẬN:

Các bậc A La Hán, trong bất cứ tình huống nào cũng vẫn giữ được tâm bình đẳng, không hề bị lay động : Có người đến cung kính, cúng dường, các Ngài chẳng lấy làm thích thú, có người đến chửi mắng đánh đập, các Ngài cũng chẳng sanh tâm oán ghét; được vàng bạc châu báu, các Ngài cũng xem những vật quý giá này như gạch ngói, chẳng có sai khác, dẫn đến có người đến dùng gươm đao chặt tay chặt chân….., các Ngài vẫn sẵn sàng bố thí.

Lại nữa, dâm dục, sân nhuế, kiêu mạn, nghi hối, tà kiến là những phiền não căn bản, đều đã được đoạn trừ nên tâm của các Ngài đã được điều phục nhu nhuyến.

Lại nữa, các Ngài ở nơi chỗ dục mà chẳng bị nhiễm dục, ở nơi chỗ sân nhuế mà chẳng bị nhiễm sân nhuế, ở nơi chỗ si mê, mà chẳng bị nhiễm si mê. Các Ngài luôn luôn điều phục được 6 tình nên tâm của các Ngài đã được điều phục nhu nhuyến. Như bài kệ thuyết:

Người điều được sáu tình,
Như ngựa tốt thuần thục.
Bậc Đại Trí như vậy,
Chư Thiên đều cung kính.

Phàm phu chẳng có thể điều phục được 6 tình. Lại nữa, phàm phu bị dục, sân, mạn, nghi, kiến trói buộc nên tâm chẳng được nhu nhuyến, ví như ngựa chứng khó điều vậy.

KINH:

Các Ngài đều là những bậc “đại long tượng”

LUẬN:

Đại Long Tượng dịch nghĩa từ tiếng Phạn Ma Ha Na Già.

Ma Ha là Đại (lớn). Na Già là Vô Tội (không có tội).

Các bậc Đại A La Hán đã trừ sạch phiền não, kiết sử, nên gọi là không có tội.

Lại nữa, Na Già có nghĩa là Rồng, là Voi. Dưới nước thì rồng là bậc nhất, trên đất thì voi là bậc nhất. Trong Chúng Hội, các Đại A La Hán có huệ đức vào bậc nhất.

Lại nữa, ví như voi chúa, khéo điều, có sức mạnh phá tan được đại quân, xông thẳng vào trận mạc mà chẳng thối lui, chẳng sợ đao cung, chẳng sợ nước lửa, trước cái chết vẫn chẳng hề nao núng, chẳng hề trốn tránh.

Các vị Đại A La Hán cũng như vậy. Do tu thiền định, trí huệ nên các Ngài có sức mạnh dẹp phá được ma quân, tận trừ các phiền não, kiết sử, dù bị chửi mắng đánh đập cũng chẳng sanh tâm oán giận, trước cái chết đe dọa, gặp nạn nước, nạn lửa cũng vẫn giữ được tâm bình thản, chẳng chút sợ hãi.

Lại nữa, ví như Long Vương, từ trong biển cả xuất hiện, kéo mây che khắp bầu trời, tạo ra những cơn mưa lớn, tưới ướt vạn vật. Chư vị A La Hán từ trong biển lớn thiền định, trí tuệ, giảng hải đám mây từ bi, rưới khắp mưa pháp, khiến chúng sanh đều được thấm nhuần lợi lạc, khiến các đệ tử đều được tăng trưởng thiện căn.

KINH:

Đã làm xong những việc phải làm

LUẬN:

Tu các thiện pháp như tu Tín, Giới, Đinh, Xả… là những việc cần phải làm.

Tu nhuần nhuyễn các thiện pháp này, sẽ được Tinh Tấn, Trí Huệ, Thiền Định, Giải Thoát đầy đủ, nên gọi là đã làm xong.

Lại nữa, các Đại A La Hán đã đoạn sạch cả hai loại phiền não, là Ái Phiền Não, và Kiến Phiền Não, nghĩa là các Ngài đã tận trừ ái nhiễm và kiến chấp. Như vậy nên gọi là “việc phải làm đã làm xong”.

Lại nữa, các Đại A La Hán đã đoạn sạch các pháp bất thiện và các pháp vô ký, đã thành tựu viên mãn các pháp thiện. Như vậy nên gọi là “các việc phải làm, đã làm xong”.

Lại nữa, các Đại A La Hán đã tu xong Noãn Pháp, Đảnh Pháp, cũng như Thế Đệ Nhất Pháp, đã viên thành các Vô Lậu Căn, đã vào được Kiến Đế Đạo. Như vậy nên gọi là “việc phải làm, đã làm xong”.

Lại nữa, còn Hữu Học, còn Tu Đạo, là còn “việc phải làm”, vào Vô Học Đạo là “đã làm xong”. Mới được tâm giải thoát là còn “việc phải làm”, được tâm giải thoát, và Huệ giải thoát rồi mới là “đã làm xong”. Mới trừ sạch kiết sử để tự lợi là còn “việc phải làm”, vừa độ mình, vừa độ người, đem lại lợi ích cho chính mình và cho cả chúng sanh mới là “đã làm xong”.

KINH:

Thường kham gánh các việc nặng

LUẬN:

Các vị Đại A La Hán thường hay gánh vác những việc nặng nề, mà phàm phu, do còn nặng phiền não chẳng có thể làm được.

Trong Phật pháp, có 2 gánh nặng, đó là tự lợi và lợi tha.

Đoạn sạch các lậu hoặc, tự giải thoát cho riêng mình, thuộc về công đức Tự Lợi. Được Tín, Giới, Xả, Định, Huệ rồi và đem các công đức ấy lợi lạc cho người, gọi là Lợi Tha.

Ví như trâu khỏe mạnh mới có đủ sức chuyên chở các vật nặng, các vị Đại A La Hán đã đầy đủ căn Vô Lậu, Lực Vô Lậu, đã được Giác Đạo rồi, mới có thể gánh vác được việc lớn trong Phật pháp.

KINH:

Đã được tự lợi

LUẬN:

Thực hành các thiện pháp, trước hết, đem lại lợi ích cho chính mình. Vậy nên, người tu hành xem Tín, Giới, Định, Huệ quý hơn hết thảy các bảo vật ở thế gian. Vì sao? Vì có được công đức ấy, thì đời này và đời sau đều được an lạc, dẫn đến thành Niết Bàn. Như  bải kệ thuyết :

Người nào được Trí Huệ,
Được của báu bậc nhất.
Các tài vật thế gian,
Chẳng sao bằng Pháp Bảo

Lại nữa, người nào ở đời này được an lạc, ở đời sau được an lạc là được Niết Bàn thường lạc. Như bài kệ thuyết rằng :

Biết đủ mọi điều, không biết Đạo
Cùng loài cầm thú khác gì đâu !
Người cầu Chánh Trí thấy Đạo Pháp,
Thoát “Sanh, Già, Chết”, vào Niết Bàn.

Lại nữa, hành 8 Thánh Đạo, tu 4 quả Sa Môn, đều là tự lợi. Các vị Đại A La Hán đã đầy đủ đạo nên Đạo và quả nên đã được Tự Lợi.

KINH:

Đã sạch các kiết sử hữu lậu

LUẬN:

Có 3 thứ HỮU: Đó là Dục Hữu, Sắc Hữu và Vô Sắc Hữu.

Dục Hữu là nghiệp trói buộc ở cõi Dục. Sắc Hữu và Vô Sắc Hữu là nghiệp trói buộc ở các cõi Sắc và Vô Sắc.

Có 9 thứ KIẾT: Đó là: Ái – Sân – Mạn – Si – Nghi – Kiến – Thủ – Tật – San.

Các vị Đại A La Hán đã sạch kiết sử, cho nên cũng chẳng còn HỮU. Vì vậy, nên nói “Đã sạch các kiết sử hữu lậu”.

Hỏi: Các vị A La Hán, khi đã sạch kiết sử, thì 5 căn, 5 ấm, 12 xứ, 12 nhập, 18 giới…,  có còn gây trở ngại chăng ?

Đáp: Chẳng có trở ngại gì cả. Đây là ở nơi Quả mà nói đến Nhân. Ví như Phật dạy “khi bố thí, cúng dường các thức ăn uống thì sẽ được 5 phước Quả là : Mạng – Sắc – Lực – Biện”. Thế nhưng chẳng phải lúc nào cũng bố thí, cúng dường các thức ăn uống cũng được Phước Quả ấy. Như bài kệ thuyết:

Không ăn, ắt phải chết,
Có ăn, chưa chắc sống.
Bởi vậy nên Phật dạy :
Cho người ăn được phước.

Lại nữa, ví như nói “người ấy ăn cả trăm cân vàng”. Thật ra vàng chẳng phải là thứ có thể ăn được, thế nhưng vàng là Nhân để tạo ra các thức ăn uống. Cũng ví như khi Phật nói “người Nữ là giới cấu”. Chẳng phải người Nữ là giới cấu, mà Phật muốn nói “người Nữ là Nhân dẫn sanh các giới cấu”

Các vị Đại A La Hán,mặc dù còn chút ít kiết sử lưu dư, nhưng rồi đây sẽ hết, cho nên nói “đã sạch kiết sử hữu lậu”.

KINH:

Do chánh trí, mà được giải thoát

LUẬN:

Trong kinh có chép câu chuyện về Phạm Chí Ma Kiền Đề như sau :

Phạm Chí Ma Kiền Đề đặt thi thể của vị thầy của mình lên một chiếc giường, đem diễu quanh thành thị, và lớn tiếng rao “Ai thấy được thầy của ta sẽ được Đạo thanh tịnh…” Các Tỳ Kheo nghe như vậy, liền về bạch Phật hay. Phật dùng kệ đáp lại như sau:

Tiểu nhân dùng mắt cầu thanh tịnh,
Chỉ là Vô Trí, chẳng phải Chân.
Tâm dày kiết sử cùng phiền não,
Dùng mắt cầu tịnh có được chăng ?
Nếu dùng mắt mà thấy được tịnh,
Công đức, trí huệ có ích gì ?
Tịnh do mắt cầu là tịnh vọng,
Công đức trí huệ, ấy tịnh chân.

Hỏi: Vì sao các bậc A La Hán thường ở bên Phật, mà chẳng đi độ sanh?

Đáp:  Chúng sanh trong khắp mười phương đều cúng dường, tôn kính Phật. Các vị A La Hán đều thọ ơn quá sâu dày của Thế Tôn nên càng phải cúng dường gấp bội.

Lại nữa, nếu các vị A La Hán luôn luôn ở bên Phật, cung kính cúng dường Phật, diễu quanh Phật, thì ân đức của Phật càng được tôn quý hơn lên. Chẳng khác nào hàng Phạm Thiên thường đi diễu quanh Phạm Thiên Vương, hàng Tam Thập Tam Thiên thường đi diễu quanh Đế Thích, các Tiểu Vương diễu quanh vị Chuyển Luân Thánh Vương v.v.

Hỏi: Các bậc A La Hán đã làm xong những việc phải làm rồi. Vì sao các Ngài vẫn còn ở bên Phật, vẫn còn muốn nghe Phật thuyết pháp?

Đáp: Tuy rằng “những gì phải làm, đã làm xong”, nhưng các vị A La Hán vẫn còn muốn được gần Phật để được nghe Phật thuyết thêm về pháp Trí huệ thậm thâm, mà chẳng bao giờ nhàm chán. Như trong kinh Ba La Diên, Ngài Xá Lợi Phất có bài kệ hỏi Phật như sau:

Hết thảy hàng Hữu Học,
Cùng các hàng Sổ Pháp,
Hành pháp có khác nhau,
Nguyện xin Phật nói rõ.

Thay vì trả lời trực tiếp, Phật hỏi lại Ngài Xá Lợi Phất rằng: Này Xá Lợi Phất! Thế gian thấy các pháp “có sanh” chăng?

Ngày Xá Lợi Phất đáp: Bạch Thế Tôn! Có sanh.

Phật dạy: Có sanh tức có diệt. Pháp có sanh tức pháp hữu vi. Hàng Hữu Học còn thấy pháp có sanh có diệt.

Người dùng trí huệ để quán Thật Tướng của các pháp, rõ biết hết thảy pháp đều là Vô Sanh. Người như vậy thuộc về hàng Sổ Pháp.

Lại nữa, Các Hàng Hữu Học, dẫn đến các hàng Vô Học, dù đã được thiền định, trí huệ vẫn mong muốn ở bên Phật để được thêm kiên cố hơn lên… Bởi vậy, nên các vị A La Hán vẫn thường ở bên Phật nghe pháp, mà chẳng bao giờ sanh tâm nhàm chán.

Lại nữa,ví như Sư Tử chúa ở đâu, thì cũng có chúng sư tử vây quanh, Phật là phước điền vô thượng của thế gian, nên Phật ở đâu cũng có hàng đệ tử vây quanh, nghe Phật thuyết pháp vậy.

KINH:

Chỉ riêng Ngài A Nan là còn ở bậc Hữu Học, chứng qua Tu Đà Hoàn.

LUẬN:

Hỏi:  Vì sao nói “chỉ riêng Ngài A Nan…” ?

Đáp: Vì Ngài A Nan còn ở bậc Hữu Học, không thuộc vào trong số chư vị A La Hán được tán thán ở đoạn kinh trước đây.

Hỏi: Ngài A Nan là bậc thầy thứ ba của Đại Chúng, đã trải qua nhiều kiếp thân cận Phật, và hộ trì Pháp Tạng. Vì sao mãi cho đến bây giờ, Ngài vẫn chưa ly dục, vẫn còn ở hàng Hữu Học?

Đáp: Bản nguyện của Ngài A Nan là được trở thành một bậc “Đệ Nhất Đa Văn” trong chúng. Ngài nghe Phật thuyết pháp đến đâu là liền nhớ đến đó, nhớ một cách thông suốt, rành mạch.

Thế nhưng, trí huệ nhiều mà nhiếp tâm lại ít, nên Ngài, lúc bấy giờ, chỉ muốn là bậc Hữu Học Tu Đà Hoàn.

Lại nữa, do vì muốn làm thị giả của Phật, mà trong thời gian Phật còn tại thế, Ngài luôn nghĩ rằng : “Nếu ta chứng Đạo Vô Lậu quá sớm, thì ta sẽ phải xa Đức Thế Tôn, ta chẳng có thể ở bên hầu hạ Thế Tôn được”. Bởi nhân duyên vậy, nên Ngài A Nan tự chế, không chứng quả Lậu Tận A La Hán.

Lại nữa, Ngài A Nan sanh trưởng trong một gia đình vương giả, giàu sang, phú quý, phước đức vô lượng, ít ai có thể bì kịp, lại là em của Phật, thường ở bên Phật nghe pháp, nên sanh tâm ỷ lại nơi Phật, ít chịu chuyên cần.

Hỏi: Tên “A Nan” do nhân duyên nào mà được đặt ra ? Phải chăng tên ấy do nhân duyên đời trước mà được đặt ra, hay do cha mẹ đặt ra, hay y theo tướng mạo của Ngài mà được đặt ra?

Đáp:  Tên “A Nan” do cả ba nhân duyên ấy mà được đặt ra.

1. Tên “A Nan” do nhân duyên đời trước mà được đặt ra.

Vào một kiếp trước, người thợ đúc ngói tên Quang Minh, là tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Lúc bấy giờ có một Đức Phật, hiệu là Thích Ca Văn. Một hôm Đức Phật Thích Ca Văn, cùng với các đệ tử là Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và A Nan đến nhà người thợ đúc ngói là Quang Minh ngụ lại qua đêm. Người thợ đúc ngói Quang Minh sau khi cúng dường Phật và chư Tăng, phát nguyện rằng: sau này vào “Đời Ác Năm Trược”2 tôi sẽ thành Phật, hiệu là Thích Ca như Phật bây giờ, và thị giả của tôi cũng sẽ là A Nan.

Lại nữa, Đại Đức A Nan lúc bấy giờ cũng phát nguyện: Đời sau ở trong Chúng của Phật Thích Ca, tôi cũng sẽ trở thành một bậc “Đệ Nhất Đa Văn”, và cũng lấy tên là A Nan.

Lại nữa, Ngài A Nan đời đời tu hành Nhẫn Nhục, trừ sân, nên Ngài sanh ra đời được đoan chánh, ai thấy cũng sanh tâm hoan hỷ. Do vậy mà được đặt tên là “A Nan”, có nghĩa là hoan hỷ.

2. Tên “A Nan” do cha mẹ đặt ra.

Vua Tịnh Phạn có 5 anh chị em, gồm:

-4 trai là Tịnh Phạn, Bạch Phạn, Hộc Phạn, Cam Lộ Phạn.

-1 gái là Cam Lộ Vị

Vua Tịnh Phạn có 2 con là Tất Đạt Đa và Nan Đà.

Sau khi Thái Tử Tất Đạt Đa rời bỏ hoàng cung, xuất gia tìm Đạo, vua Tịnh Phạn ngày đêm thương nhớ, thường sai sứ đi đến tận nơi, thăm viếng dò hỏi tin tức.

Có một hôm, sử giả về tâu nhà vua rằng : “Thái Tử hiện rất yếu, chỉ còn da bọc lấy xương, chắc chẳng còn sống được bao lâu nữa”. Vua Tịnh Phạn nghe nói như vậy, rất ưu sầu buồn khổ.

Cũng cùng thời gian ấy, Bồ Tát rời bỏ chỗ tu khổ hạnh, thọ bát sữa của người cúng dường, xuống sông Ni Liên Thuyền tắm rửa, rồi đi thẳng đến dưới gốc cây Bồ Đề, ngồi trên tòa Kim Cang, tự thệ nguyện rằng “Nếu chẳng được Nhất Thiết Trí, ta chẳng rời khỏi chốn này”.

Bồ Tát dùng Trí Huệ dẹp phá ma quân. Ma Vương biết chẳng sao có thể lay chuyển được Phật, bèn tìm đến chỗ vua Tịnh Phạn, nói với nhà vua rằng “con của ngài, nội trong đêm này sẽ lìa đời”.

Vua Tịnh Phạn nghe nói như vậy, quá xúc động đến ngất xỉu rồi than khóc rằng:

A Tư Đà nói quấy,
Báo điềm lành chẳng linh:
Danh thơm cùng lợi lạc,
Tất cả đều chẳng có.

Cùng lúc ấy, vị Thần cây Bồ Đề tìm đến chỗ vua Tịnh Phạn, nói bài kệ rằng:

Con ngài đã đắc Đạo,
Dẹp phá hết Chúng Ma.
Oai linh tợ mặt trời.
Chiếu sáng khắp mười phương
Hoan hỷ được lợi lớn,
Giải thoát hết thảy khổ.
Ngài sắp chuyển Pháp Luân.
Hết thảy đều thanh tịnh,

Nhà vua nghe Thần cây Bồ Đề thuyết kệ như vậy, liền sanh tâm hoan hỷ, cởi bỏ hết ưu sầu.

Liền sau đó, có sứ giả đến báo tin “Vua Hộc Phạn vừa sanh con trai khôi ngôi đoan chánh”. Vua Tịnh Phạn đang lúc hân hoan, báo cho sứ giả rằng : “Hôm nay ta rất hoan hỷ. Vậy nên đặt tên cho đứa bé là A Nan”.

Bởi nhân duyên vậy, nên vua Hộc Phạn đặt tên con là “A Nan”.

3. Tên “A Nan” y theo tướng mạo mà được đặt ra.

Ngài A Nan có tướng mạo đoan chánh, thanh tịnh như một tấm gương sáng, thân hình của Ngài đẹp đẽ, cao sang. Ai thấy Ngài cũng dễ sanh tâm hoan hỷ. Người Nữ thấy Ngài liền động dục tâm. Bởi vậy nên Phật dạy Ngài A Nan phải đắp y che kín vai.

Có bài kệ tán thán Ngài A Nan như sau:

Mặt như trăng tròn sáng,
Mắt tợ đóa sen xanh.
Biển Phật Pháp mênh mông,
Tâm A Nan thu trọn.
Những ai thoáng thấy Ngài,
Liền sanh tâm hoan hỷ.
Những ai đến gặp Phật,
A Nan đưa kịp thời.

Do Ngài A Nan có nhiều công đức vậy, nên dù còn ở trong hàng Hữu Học, Ngài đã được xếp vào trong số những bậc Vô Học, dù chưa được ly dục, Ngài được xếp chung với Chúng ly dục.

Do vì Ngài A Nan được xếp chung với 5000 vị Lậu Tận A La Hán, nên kinh nói : “chỉ riêng A Nan là còn ở bậc Hữu Học…”.

Nói về:

Tam chúng (Ba chúng :

Tỳ Kheo Ni – Ưu Bà Tắc – Ưu Bà Di

KINH:

Lại có 500 Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, đều đã thấy được bốn Thánh Đế.

LUẬN:

Hỏi: Vì sao Chúng Tỳ Kheo có đến 5000 vị, mà 3 chúng sau, mỗi chúng chỉ có 500 vị mà thôi ?

Đáp: Người Nữ phần nhiều trí tuệ nông cạn, phiền não sâu dày, rất khó đoạn hết kiết sử để chứng được Giải Thoát. Bởi vậy, nên trong chúng Tỳ Kheo Ni chỉ có 500 vị chứng quả A La Hán.

Lại nữa, Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di là những hàng Cư Sĩ tu tại gia, tâm chưa tịnh, chẳng có thể đoạn hết các lậu, chỉ mới hiểu được 4 Thánh Đế, còn đứng vào hàng Hữu Học, cho nên mỗi Chúng chỉ có 500 vị đắc Đạo mà thôi. Như bài kệ thuyết:

Khổng Tước tuy sắc đẹp huy hoàng
Chẳng bằng Hồng Nhạn sức bay xa
Bạch Y tuy phú quý giàu sang
Chẳng bằng Xuất Gia dày công đức.

Các Tỳ Kheo Ni, tuy đã xuất gia, đã bỏ việc thế gian, nhưng ít người có trí tuệ, cho nên trong Chúng chỉ có 500 vị A La Hán.

Hỏi: Vì sao riêng tán thán Chúng Tỳ Kheo, mà lại không tán thán 3 Chúng kia ?

Đáp: Các vị Tỷ Kheo A La Hán tiêu biểu cho cả Chúng Hội. Tán thán Chúng Tỳ Kheo là tán thán cả Chúng Hội rồi vậy.

Lại nữa, Phật không muốn tán thán riêng từng Chúng, sợ Ngoại Đạo sanh tâm phỉ báng.

Hỏi: Khi Phật thuyết các kinh Đại Thừa khác, thì số Tỳ Kheo đến nghe rất đông. Sao nay Phật thuyết kinh Bát Nhã Ba La Mật, mà số Tỳ Kheo đến nghe lại ít như vậy ?

Đáp: Kinh Bát Nhã Ba La Mật là bậc nhất trong hết thảy các kinh. Nghe các kinh khác, nếu có quên sót, cũng ít tội; trái lại nghe kinh Bát Nhã Ba La Mật, mà quên sót một câu, thì có tội lớn. Kinh Bát Nhã thâm sâu, khó hiểu, phải chọn lọc số người nghe, cho nên hàng Thanh Văn ít đến nghe. Ví như nhà vua có trân bảo, không đem cho dân chúng xem, mà chỉ cho các vị đại thần tin cẩn được xem thôi vậy.

Lại nữa, số 5000 Tỳ Kheo, 500 Tỳ Kheo Ni, 500 Ưu Bà Tắc và 500 Ưu Bà Di trong Hội Bát Nhã này đều là những bậc A La Hán, tuy chưa thâm giải được Bát Nhã, nhưng đều đã được Vô Lậu Đạo, nên đều có thể tín thọ được thâm pháp này.

(Hết quyển 3)