LUẬN ĐẠI TÔNG ĐỊA HUYỀN VĂN BỔN
Bồ-tát Mã Minh tạo luận
Hán dịch: Đời Trần, Tam Tạng Chân Đế
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 20

Phần thứ 39: ĐẠI QUYẾT TRẠCH HIỆN THỊ BỔN NHÂN QUYẾT ĐỊNH CHỨNG THÀNH TRỪ NGHI SANH TÍN

(Phần quyết trạch về hiển bày rõ ràng nhân tố căn bản quyết định chứng đắc thành tựu để loại trừ nghi ngờ phát sanh niềm tin)

Như vậy đã nói về phần Đại quyết trạch giảo lượng quá hoạn ha trách phỉ báng hiện thị tội nghiệp. Tiếp theo sẽ nói về phần Đại quyết trạch hiện thị bổn nhân quyết định chứng thành trừ nghi sanh tín. Tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Tôi ở tại vô lượng vô biên kiếp xưa kia
Đi theo Đức Thế Tôn tu hành hạnh Bồ-tát
Một thời Đức Thế Tôn làm tôi tớ Vương gia
Cõi nước đó có tên gọi là nước Kim Thủy
Nhà vua đó tên gọi là Bảo Kim Luân Tạng
Đại Vương này có ba mươi ức loại nô tỳ
Có đàn ngựa lớn gồm sáu mươi ức Bạch Mã
Vàng bạc ngọc ngà châu báu cũng không kể xiết
Có một tôi tớ sau cùng tên gọi Thường Tín
Một hôm Đại vương gọi Thường Tín và bảo:
Nhà ngươi tiếp nhận sáu mươi ức Bạch Mã này
Luôn luôn trông coi bảo vệ đừng làm tổn hại
Bấy giờ tôi tớ kia tiếp nhận đàn Bạch Mã
Thường xuyên bên cạnh bảo vệ không để tổn hại
Đàn Bạch Mã đã có sáu mươi ức con như vậy
Trải qua một ngày nuôi ăn hết trăm lượng vàng
Lúc ấy Thường Tín khởi lên ý niệm như vầy:
Mình chỉ có một thân mà đàn ngựa rất nhiều
Để không tổn hại chúng, khó thay! Khó thay!
Những con ngựa này dữ tợn khó ngăn chúng chạy
Nay có cách gì có thể bảo vệ tốt nhất?
Sau khi Thường Tín khởi lên ý niệm này rồi
Liền đến nương nhờ thầy học pháp thuật biến hóa
Năng lực pháp thuật biến hóa thành vạn Bạch Mã
Hóa Mã hiện thân yên lặng sừng sững trang nghiêm
Đứng giữa trung tâm của sáu mươi ức Bạch Mã
Phát ra âm thanh vang dội nói lên như vầy:
Này tất cả các ngựa, hãy lần lượt hành lễ
Lúc ấy có những Hóa Mã đứng giữa trung tâm,
Thảy đều tiến lên thực hiện lễ bái đầu tiên
Những chú ngựa trong đàn đều thuận theo hành lễ
Sau khi sự việc như vậy đã thực hiện xong
Hóa Mã quở trách ngựa nhỏ sai lầm bị đánh
Những chú ngựa trong đàn càng phục tùng Hóa Mã
Những tâm nguyện của Thường Tín thảy đều thành tựu
Tâm hoàn toàn không có gì buồn rầu trách móc
Thường Tín lại tiếp tục khởi lên ý niệm này:
Những chú ngựa này đều thuận theo mình cảm hóa
Trừ bớt số vàng bạc tiền của tốn vì chúng
Tạo tác nghiệp thiện thay đổi báo ứng xấu ác
Xướng to lên nói với các chú ngựa như vầy:
Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, này các súc sanh
Thân ta cùng với thân của tất cả các ngươi
Ở vào đời quá khứ vì tâm không hối hận
Vốn có gây ra tất cả nghiệp chướng xấu ác
Sanh ra nơi này làm tôi tớ làm loài ngựa
Tất cả mọi lúc thường không được tự tại
Bệnh khổ bức bách đói lạnh làm cho hỗn loạn
Không được một chút thời gian an vui
Nếu như trong đời này không làm những điều thiện
Thì đời sau cũng nhận chịu quả báo như vậy
Cứ tiếp tục không có hạn kỳ thoát ra được
Nếu như thích hợp thì những súc sanh các ngươi
Trừ bỏ nơi ân huệ cung cấp nuôi sống mình
Đói khát trong chốc lát mà cảm niềm vui lâu dài
Ta là người mà tâm có suy nghĩ muốn tu
Không để thời gian ấy trôi qua chẳng được gì
Huống hồ các người đang mang thân hình súc sanh
Thân tâm cấu uế thô trược lúc nào mới tu?
Nếu như thích hợp thì hãy bắt đầu từ đây
Thuận theo Ta giáo hóa không làm điều ngược lại
Trong cõi nước đó có con chim rất lạ kỳ
Lạ kỳ với tên gọi Nhã Âm Thanh Giác Ngộ
Tiếng hót chim này không thể nghĩ bàn được
Người nghe âm thanh đó tâm Đại Bi dâng tràn
Bấy giờ, sáu mươi ức con Bạch Mã kia
Nghe được những lời nói của Thường Tín xong rồi
Đồng loạt phát ra tiếng khóc rất đau buồn
Cho đến suốt mười ngày mà không chịu dừng lại
Âm vang thương xót của đàn ngựa như vậy
Cùng với tiếng chim Nhã Âm Thanh Giác Ngộ
Bình đẳng và bình đẳng không có gì sai biệt
Bấy giờ, Thường Tín và đàn ngựa đều vui
Một trăm lạng vàng ròng chai ra thành hai phần
Một phần dùng để chu cấp cho sự sanh trưởng
Một phần dùng để vun bồi cho ruộng phước đức
Năm mươi lạng vàng ròng vun bồi ruộng phước đức
Tạo thành một hình tượng Đức Phật bằng kim cang
Toàn bộ có sáu mươi ức hình tượng Đức Phật
Thứ nhất trên hết là tượng Đại Bạch Mã
Được mang tên gọi là Trường Nghiêm Tạp Sắc Kiến
Thường Tín cùng với những ngựa kia đều đã chết
Trong đời kiếp thứ hai tất cả đều làm người
Cùng chung một quyến thuộc không xa rời lẫn nhau
Xuất gia học đạo thường xuyên tu hành phạm hạnh
Tất cả sáu mươi ức người đã xuất gia kia
Đều gọi là Mã Minh chứ không khác tên gọi
Vì thuận theo quá khứ lập thành tên gọi
Thường Tín đời quá khứ nay chính là Thích Ca
Sáu mươi ức Bạch Mã trong thời quá khứ kia
Chính là sáu mươi ức Mã Minh đời hiện tại
Đại Bạch Mã thứ nhất Trường nghiêm tạp sắc kiến
Chính là thân tôi trong thời hiện tại mà thôi
Trong đời kiếp thứ ba cũng được làm thân người
Đi theo Đức Thế Tôn thực hành hạnh Bồ-tát
Trong đời kiếp thứ tư cũng được làm thân người
Đi theo Đức Thế Tôn rèn luyện hạnh nhẫn nhục
Lần lượt chuyển đổi trải qua năm trăm đời sống
Trong đời sống tiếp theo vì nhân duyên sân hận
Phải làm thân rắn nặng nề chịu khổ vô cùng
Trong đời sống tiếp theo chịu làm thân cá lớn
Trong đời sống tiếp theo cũng phải làm thân rắn
Dùng thân hình loài rắn đến nơi Đức Thế Tôn
Gieo mình sám hối phát tâm tàm quý
Dùng kệ bày tỏ ý nguyện phát tâm rộng lớn:
Trong đời sống tiếp đó được làm người Đồng Phần
Đi theo Đức Thế Tôn phát nguyện làm quyến thuộc
Thì Đức Thế Tôn phát ra lời nguyện như vầy:
Nếu như Ta thành tựu viên mãn Đạo Chánh Giác
Sẽ tuyên thuyết đầy đủ trăm ức Tu-đa-la
Lợi ích rộng khắp cho tất cả mọi chúng sanh
Thì tôi cũng phát ra lời thệ nguyện như sau:
Tạo tác một trăm bộ luận giải thích rõ ràng
Lợi ích phân ra cho tất cả mọi chúng sanh
Như thứ tự trải qua nhiều đời sống về sau
Đức Thế Tôn đầy đủ tất cả mọi hành nhân
An trú nơi địa vị Sơn Vương của pháp giới
Tôi cũng dần dần tu tập tất cả nhân hạnh
Chứng thực đi vào địa vị Bất Động thứ tám
Tôi đã hướng đến trú sở của Đức Thế Tôn
Cúi đầu thành kính đảnh lễ đứng về một bên
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền bảo với tôi:
Ta nhớ lại từ vô lượng đời kiếp xưa kia
Ông và Ta cùng cư trú trong một xứ sở
Phát nguyện làm nhân duyên có hệ thuộc với nhau
Nếu như thích hợp thì ông tạo tác Luận giáo
Sau khi Ta diệt độ mà chấn hưng chánh pháp
Tôi theo phép tắc cúi đầu đảnh lễ vâng mạng
Hướng về Đức Thế Tôn thưa rõ ràng như vầy:
Trước mắt Con không biết tạo tác Luận thế nào
Trí tối, non kém hoàn toàn không thông hiểu gì
Chỉ mong ước Đức Thế Tôn vì kẻ mê muội,
Nói rõ ra những phương pháp tạo tác Luận giáo
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo với tôi:
Lành thay! Lành thay! Này người thiện nam!
Hãy lắng nghe kỹ càng và cố gắng suy nghĩ
Ta sẽ giảng giải phân biệt rõ ràng cho ông
Này người thiện nam! Mọi pháp tạng của chư Phật
Vô lượng vô biên đời kiếp không nói hết được
Vô cùng vô tận cũng không có gì giới hạn
Đại dương pháp tạng rộng lớn mênh mông như vậy
Nếu luận bàn giảng giải rộng ra hoặc tóm lược
Đều đầy đủ tất cả thâu tóm không sót gì
Đây gọi là phương pháp để tạo tác Luận giáo
Tôi cũng còn nghi ngờ lại khởi lên thỉnh cầu:
Đại dương pháp môn vô lượng vô biên như vậy
Biển phước trí của Con hiện tại chưa đầy đủ
Ở trong địa vị học hỏi chưa được trọn vẹn
Làm sao có thể thâu tóm giữ gìn không sót?
Lúc bấygiờ Đức Thế Tôn bảo với tôi:
Đại dương pháp môn tuy là vô biên, vô lượng
Mà lại có Tông Bổn Pháp này thâu gồm, vô lượng
Nếu như thâu tóm đủ Tông Bổn Pháp này
Thì gọi là thuyết về kho tàng thâu gồm các pháp
Tôi cũng lại khởi lên trình bày rõ như vầy:
Thưa Thế Tôn! Thế nào gọi là Tông Bổn Pháp?
Số lượng thế nào, có thể cho tôi biết không?
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo với tôi:
Điều Ta đã nói là thể của Tông Bổn Pháp
Có nghĩa là đại dương của ba mươi tư pháp
Nếu như có Luận giả đầy đủ pháp này
Gọi là luận về đại dương giáo pháp viên mãn
Nếu như có Luận giả nào không có đủ pháp này
Thì gọi là luận của một phần Trí nhỏ bé
Vì nhân duyên vô cùng quan trọng như thế
Nay tôi dựa vào tất cả ba mươi tư pháp
Thâu gồm trọn vẹn an lập không sót điều gì
Nói về phẩm loại nhân duyên tuy là vô lượng
Nhưng mà nói chung giải thích sơ lược như vậy.

 

Phần thứ 40: ĐẠI QUYẾT TRẠCH KHUYẾN TRÌ LƯU THÔNG PHÁT ĐẠI NGUYỆN HẢI

(Phần quyết trạch về khuyến khích giữ gìn lưu thông phát đại nguyện bao la)

Như vậy đã nói về phần Đại quyết trạch hiện thị bổn nhân quyết định chứng thành trừ nghi sanh tín. Tiếp theo sẽ nói về phần Đại quyết trạch khuyến trì lưu thông phát đại nguyện hải. Tướng trạng đó thế nào?

Kệ nói:

Nguyện cầu Luận này như đại dương viên mãn
Khắp nơi trong vô lượng vô biên quốc độ
Sanh ra vô lượng mặt trời trí tuệ
Tiêu trừ vô biên bóng tối vô minh
Chuyển làm thành đại dương Tam bảo
Được thấm nhuần kho tàng công đức mưa pháp
Chẳng thỉnh cầu mà cảm tương ứng khắp nơi
Chẳng khuyến khích mà thành tựu tự nhiên.