LUẬN ĐẠI TÔNG ĐỊA HUYỀN VĂN BỔN
Bồ-tát Mã Minh tạo luận
Hán dịch: Đời Trần, Tam Tạng Chân Đế
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 13

Phần thứ 25: ĐẠI QUYẾT TRẠCH MA HA BỔN ĐỊA CỤ TÚC PHẨM TẠNG PHI HOẠN ĐẠO LỘ

(Phần quyết trạch về con đường Ma ha bổn địa đầy đủ phẩm tạng không phải là tai họa)

Như vậy đã nói về phần Đại quyết trạch nhất chủng công đức Ma ha bổn địa minh bạch ly phẩm ác tạng. Tiếp theo sẽ nói về phần Đại quyết trạch Ma ha bổn địa cụ túc phẩm tạng phi hoạn đạo lộ. Tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Trong phạm vi con đường Bổn Địa
Chuẩn mực phát sanh hai loại môn
Đó là hoành chuyển và thọ chuyển
Lấy đó làm hạn lượng của mình.

Luận nói: Ở trong phần Ma ha bổn địa cụ túc phẩm tạng phi hoạn đạo lộ này có hai môn. Thế nào là hai môn?

Một là chuyển theo chiều ngang cùng lưu thông đến khắp nơi.

Hai là chuyển theo chiều dọc cùng một loại không hỗn tạp. Đây gọi là hai môn.

Như vậy, hai môn theo đó làm thành hạn lượng của mỗi loại. Như kệ nói: “Trong phạm vi con đường Bổn Địa, chuẩn mực phát sanh hai loại môn, đó là hoành chuyển và thọ chuyển, lấy đó làm hạn lượng của mình”. Vả lại, Môn chuyển theo chiều ngang có hình tướng như thế nào? Kệ nói:

Trong phần vị bốn loại sự việc
Trong đó gồm có Tổng và Biệt
Tất cả chuyển tăng lên mười lần
Ngay một lúc không có trước sau
Số lượng pháp môn tăng lên đó
Theo lệ trước tiếp thu biết rõ.

Luận nói: Nay trong kệ này là trình bày về nghĩa gì? Là muốn hiển thị trong bốn loại quan hệ về Tánh – Tướng – Bổn – Mạt, trong tất cả đều có phần vị của Tổng và Biệt, mỗi một phần vị đều đầy đủ các số tăng lên mười lần, ngay một lúc cùng chuyển không có tách biệt trước sau. Đây chính là hình tướng của môn chuyển theo chiều ngang cùng lưu thông đến khắp nơi. Như kệ nói: “Trong phần vị bốn loại sự việc, trong đó gồm có Tổng và Biệt, tất cả chuyển tăng lên mười lần, ngay một lúc không có trước sau”. Số lượng trong này cũng tiếp tục chuyển thành hơn hẳn vượt qua số lượng trước đó, phối hợp như trên sẽ rõ ràng. Như kệ nói: “Số lượng pháp môn tăng lên đó, theo lệ trước tiếp thu biết rõ”. Như vậy đã nói về Môn chuyển theo chiều ngang cùng lưu thông đến khắp nơi. Tiếp theo sẽ nói về Môn chuyển theo chiều dọc cùng một loại không lẫn tạp. Tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Trong các phần vị nói trứớc đây
Như thứ tự không vượt hơn trước
Tất cả chuyển tăng lên mười lần
Rõ ràng và trọn vẹn như nhau.

Luận nói: Nay trong kệ này là trình bày về nghĩa gì? Là muốn hiển thị trong phần vị Tổng – Biệt đã nói như trước, như thứ tự ấy không vượt lên trước, tất cả mọi phần vị đều chuyển tăng lên mười lần, cùng rõ ràng và cùng trọn vẹn như nhau, cũng không tạp loạn cũng không tập hợp với nhau, luôn luôn chuyển rõ. Đây chính là hình tướng của Môn chuyển theo chiều dọc cùng một loại không lẫn tạp. Như kệ nói: “Trong các phần vị nói trước đây, như thứ tự không vượt lên trước, tất cả chuyển tăng lên mười lần, rõ ràng và trọn vẹn như nhau”. Vì thế trong Kinh Đại Kim Cang Bảo Vương Pháp Giới Ấn Tạng giải thích như vầy: “Lại nữa, này Văn-thù-sư-lợi! Bảo vương đạo phẩm ấy là chuyển theo hai trạng thái. Thế nào là hai?

– Một là chuyển trong một khu vực.
– Hai là chuyển trên mọi phương diện.

Nói về trong một khu vực, thì đạo lý tuy rất nhiều nhưng trước hết tùy theo chỉ một đạo lý, vì vĩnh viễn hoàn hảo. Nói về trên mọi phương diện, là vì tất cả các đạo lý cùng thực hành trong một lúc”. Cho đến nói rộng.

Phần thứ 26: ĐẠI QUYẾT TRẠCH MA HA BẢO LUÂN VƯƠNG QUẢNG ĐẠI VIÊN MÃN VÔ THƯỢNG ĐỊA ĐỊA

(Phần quyết trạch về các địa vị vô thượng rộng lớn viên mãn của Đại bảo luân vương).

Như vậy đã nói về phần Đại quyết trạch Ma ha bổn địa cụ túc phẩm tạng phi hoạn đạo lộ. Tiếp theo sẽ nói về phần Đại quyết trạch Ma ha bảo luân vương quảng đại viên mãn vô thượng địa địa. Tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Vì Tổng – Biệt không cùng tận
Cho nên kiến lập thể bổn pháp.

Luận nói: Nay trong kệ này là trình bày về nghĩa gì? Là muốn hiển thị trong thể của pháp vốn có dùng Tổng thâu tóm Biệt, lấy Biệt thâu tóm Tổng, lấy Tổng thâu tóm Tổng, lấy Biệt thâu tóm Biệt, chủ thể thâu tóm, đối tượng thâu tóm không có cùng tận, đại dương pháp môn sâu thẳm rộng lớn, nghĩa lý giải thích ý thú trọn vẹn khắp nơi, vì hoàn toàn tự tại vô ngại. Như kệ nói: “Do vì Tổng – Biệt không cùng tận, cho nên kiến lập Thể bổn pháp”. Trong Kinh Ma Ha Diễn Địa Tạng Vô Thượng Cực Thuyết Bất Khả Tư Nghị Tâm Địa Phẩm Luận giải thích như vầy: “Núi báu giữa biển khơi, cùng loại vô tận – khác loại vô tận, đầy đủ tròn vẹn hoàn toàn, không cùng tận – không có trước sau, không có giới hạn – không có ranh giới, cũng là tướng rộng lớn – cũng là tướng nhỏ hẹp”. Cho đến nói rộng.