LUẬN ĐẠI TÔNG ĐỊA HUYỀN VĂN BỔN
Bồ-tát Mã Minh tạo luận
Hán dịch: Đời Trần, Tam Tạng Chân Đế
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 12

Phần thứ 23: ĐẠI QUYẾT TRẠCH NHẤT CHỦNG CÔNG ĐỨC THUẦN THUẦN VÔ TẠP ĐẠI VIÊN MÃN ĐỊA ĐẠO LỘ

(Phần quyết trạch về con đường hoàn toàn thuần nhất không lẫn tạp một loại nào khác của địa vị đại viên mãn công đức)

Như vậy đã nói về phần Đại quyết trạch Ma ha thi phạm nặc Mẫu nguyên chủ Thiên Vương. Tiếp theo sẽ nói về phần Đại quyết trạch nhất chủng công đức thuần thuần vô tạp đại viên mãn địa đạo lộ. Tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Trong con đường công đức thuần nhất
Có biển cả pháp môn đầy đủ
Hai ngàn năm trăm năm mươi loại
Ở trong năm mươi mốt phần vị
Mỗi một phần vị đều có đủ
Tất cả năm mươi loại phần vị
Cũng trong mỗi một phần vị ấy
Có các pháp Tánh – Tướng – Bổn – Mạt
Số lượng gồm một vạn hai trăm.

Trong kinh đã giải thích như vầy:

Toàn bộ có số lượng một vạn hai ngàn bảy trăm năm mươi loại

Chọn lấy số căn bản cuối cùng ấy
Đúng như pháp thuận theo quán sát
Lấy số lượng tổng quát như vậy
Làm phạm vi hạn lượng con đường.

Luận nói: Ở trong phần Nhất chủng công đức thuần thuần vô tạp đại viên mãn địa đạo lộ, toàn bộ biển cả pháp môn có hai ngàn năm trăm năm mươi loại, sâu xa cùng cực và rộng lớn mênh mông. Như kệ nói: “Trong con đường công đức thuần nhất, có biển cả pháp môn đầy đủ, hai ngàn năm trăm năm mươi loại”. Do nghĩa gì mà có số lượng như vậy? Thuận theo sự thành tựu có thể biết rõ ràng, điều ấy có nghĩa là trong năm mươi mốt loại phần vị, mỗi một vị đều có đủ năm mươi loại. Nghĩa này thế nào? Đó có nghĩa là năm mươi tâm tín, năm mươi tâm niệm, cho đến năm mươi Như Lai địa đều sai biệt. Như kệ nói: “Ở trong năm mươi mốt phần vị, mỗi một phần vị đều có đủ, tất cả năm mươi loại phần vị”. Cũng vì mỗi một phần vị, tất cả đều có đủ bốn pháp của Tánh – Tướng – Bổn – Mạt, cho nên số lượng một vạn hai trăm được thành lập. Như vậy, bốn sự việc trong này sai biệt thế nào? Nghĩa là như thứ tự ấy nói về pháp không thể nghĩ bàn, nói về pháp rõ ngay lúc ấy giác ngộ, nói về nhân năng sanh trưởng, nói về quả được sanh ra và nuôi lớn. Như kệ nói: “Cũng trong mỗi một phần vị ấy, có các pháp Tánh – Tướng – Bổn – Mạt, số lượng gồm một vạn hai trăm”. Nếu vậy đây so sánh nói làm sao thông được? Trong Kinh Kim Cang Đẳng Địa Nhất Hành Tam Muội giải thích như vầy: “Trong phần phép tắc không có lẫn tạp không hề hỗn loạn, tất cả hoàn toàn như nhau, chẳng xấu ác chẳng tai họa, nơi nào cũng tốt lành, toàn bộ có mười hai ngàn bảy trăm năm mươi pháp môn”. Trong kinh ấy nói như vậy là vì tổng hợp cả Tổng và Biệt. Như kệ nói: “Trong kinh đã giải thích như vầy: Toàn bộ có số lượng một vạn hai ngàn bảy trăm năm mươi loại, chọn lấy số căn bản cuối cùng ấy, đúng như pháp thuận theo quán sát”. Nay con đường này lấy đó làm hạn lượng có pháp môn nào khác? Như kệ nói: “Lấy số lượng tổng quát như vậy, làm phạm vi hạn lượng con đường”.

Phần thứ 24: ĐẠI QUYẾT TRẠCH NHẤT CHỦNG CÔNG ĐỨC MA HA BỔN ĐỊA MINH BẠCH LY ÁC PHẨM TẠNG

(Phần quyết trạch về một loại công đức của Ma ha bổn địa rõ ràng xa rời phẩm loại ẩn tàng nghiệp ác).

Như vậy đã nói về phần Đại quyết trạch nhất chủng công đức thuần thuần vô tạp đại viên mãn địa đạo lộ. Tiếp theo sẽ nói về phần Đại quyết trạch nhất chủng công đức Ma-ha-bổn-địa minh bạch ly phẩm ác tạng. Tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Ở trong phẩm tạng của Bổn Địa
Có biển cả pháp môn rộng lớn
Chứa số lượng một ức ba vạn
Bảy ngàn năm trăm loại pháp môn.
Trước đây nói trong các phần vị
Mỗi một đều có đủ tất cả
Thâu gồm năm mươi phần vị khác
Nên biển pháp môn rộng như vậy.
Bốn pháp về Tánh – Tướng – Bổn – Mạt
Thể lệ này mở rộng thông suốt.

Luận nói: Ở trong Nhất chủng công đức Ma ha bổn địa minh bạch ly phẩm ác tạng, biển pháp môn tổng quát rộng lớn có một ức ba vạn bảy ngàn năm trăm số, sâu xa cùng cực và bát ngát mênh mông. Như kệ nói: “Ở trong phẩm tạng của Bổn Địa, có biển cả pháp môn rộng lớn, chứa số lượng một ức ba vạn, bảy ngàn năm trăm loại pháp môn”. Do nghĩa gì mà số lượng đạt được như vậy? Như trước đã nói trong tất cả phần vị, mỗi một phần vị đều thâu tóm sai biệt chuyển tiếp đầy đủ năm mươi phần vị khác, biển cả pháp môn trở nên rộng lớn như vậy. Như kệ nói: “Trước đây nói trong các phần vị, mỗi một đều có đủ tất cả, thâu tóm năm mươi phần vị khác, nên biển pháp môn rộng như vậy”. Trong quan hệ của bốn loại Tánh – Tướng – Bổn – Mạt, theo như trên phối hợp tương xứng, lại tiếp tục tăng số lượng chuyển thành rộng lớn hơn nữa, hãy tư duy tường tận để chọn lựa! Như kệ nói: “Bốn pháp về Tánh – Tướng – Mạt, thể lệ này mở rộng thông suốt”.